Hoa và màu sắc ở khắp mọi nơi, tôi rất vui vì tháng Ba đã đến
Anamika Mishr
1.
Tháng Ba
Mỗi tiếng bước chân là một âm thanh vỡ vụn khô khốc. Sáu ngàn cái chân Kitin gây ra tiếng rung trong không khí, tiếng sột soạt trong vỏ cây. Những con côn trùng vật lộn, chúng giao phối. Tiếng lộp độp ngắt quãng cơn quằn quại khi những khúc gỗ rơi xuống đống lá cây.
Tiếp đất, chúng lại vật nhau trên đó, sau đó tách ra và bay đường vòng cung trở lại cái cây, những đôi cánh liên tục quay vù vù. Con ong bắp cày vàng màu đen, có đôi râu xoắn không hề sợ hãi khi tôi tiến lại gần.
Chúng dùng vẻ mặt làm ngơ để tự vệ. Mặc dù lũ côn trùng này là những con bọ cánh cứng, nhưng chúng có màu sắc cơ thể, hành vi tự tin và âm thanh của đôi cánh giống như ong bắp cày.
Những con côn trùng này là những con sâu Borer vạch tần bì, chúng chỉ ở đây trong một ngày. Sau đó, chúng giao phối, cho đến khi trứng vào sâu trong vỏ tần bì.
Sáng nay, ngay cả con người phải bịt kín mũi miệng này cũng có thể tìm thấy cái cây bị gió quật ngã. Nó xộc mùi axit tannix, chua và lợn cợn như mùi gỗ sồi pha thêm chút đường. Bây giờ, sau vài tiếng gục ngã, chỉ còn lại mùi gỗ sồi pha thêm chút đường.
Bây giờ, sau vài tiếng gục ngã, chỉ còn lại mùi vỏ cây thâm sậm. Những con bọ cánh cứng sống bằng thứ gỗ thuê sặc mùi hôi thối này. Những cây tần bì mới ngã là vườn ươm của chúng.
Chui rúc dưới lớp vỏ cây, đám ấu trùng dùng những cái miệng hình lưỡi liềm khoan khoét suốt từ xuân đến hè. Lũ ấu trùng nuốt mớ mùn cưa mịn, chuyển xuống ruột cho đám vi khuẩn cộng sinh. Nếu không có những người bạn đồng hành tiêu hóa mớ gỗ này, bọ cánh cứng sẽ không thể kiếm ăn.
Tôi ghé tai lại gần khúc gỗ và nghe thấy tiếng rào rào, sột soạt bên dưới lớp vỏ cây.
(Trích chương Tần bì xanh – Khúc hát của cây
The songs of trees – David George Haskel)
Tháng Ba,
Sài Gòn đã hết hẳn những cơn gió se lạnh. Khí hậu ngày càng khô hơn, nắng rát.
Hoa và màu sắc ở khắp mọi nơi,
Buổi sáng mình dậy sớm, đẩy rộng cánh cửa, bước ra ngoài ban công. Không khí trong lành và mát mẻ quá. Tiếng chim hót rộn ràng ở đám cây dưới con đường trước nhà. Còn nơi mình đang đứng đây, ở độ cao mấy chục mét so với mặt đất mình nghe rõ hơn những tiếng gù gù của hai chú bồ câu trắng đậu ở gờ tường bên block căn hộ đối diện. Chúng có lẽ đã dậy lâu rồi, trước cả mình nữa nhưng chỉ khi trông thấy bóng hình mình thì chúng mới vỗ cánh bay sang.
-Được rồi, cứ bình tĩnh nào, mới sáng sớm chúng mày phải để cho tao ngắm trời trăng mây gió cái đã chứ
Mình nghĩ bụng thế khi quay sang nhìn hai chú chim giờ đã đứng ngay bên cạnh mình. Hai cái đầu cứ lắc bên này lại lắc bên kia, kiểu như một lời chào buổi sáng giành cho người bạn Người.
Gần đây suốt cả ngày mình quanh quẩn ở nhà nên lũ chim không khác gì những người bạn, những người đồng nghiệp nơi công sở vậy :)). Đi đâu thì chớ, về đến nhà mở cửa ra mà không thấy bóng hình của chúng là kiểu gì lại thắc mắc với con gái, rằng không biết giờ này lũ bồ câu đang ở đâu :)). – “Mẹ sắp mọc cánh rồi”, bữa qua con gái bảo mình vậy.
Mình vào nhà, lấy ra một vốc nhỏ hạt lạc sống đã được cắt nhỏ và rắc xuống nền sân ban công. Nhanh như cắt, hai con chim đập nhẹ đôi cánh, liệng xuống bàn tiệc buổi sáng. Hai cái mỏ xinh xinh nhặt hạt rất khéo, trách chi trong các câu chuyện cổ tích Đông Tây, loài chim hay được các ông Bụt, bà Tiên lựa chọn như một phép thần, để làm giúp các cô gái chăm chỉ, hiền thục những việc oái oăm mà những mụ dì ghẻ độc ác bắt các cô phải làm. Đầu tiên luôn là các thử thách liên quan đến các loại hạt, mà dù khéo léo mấy các cô cũng không thể làm nhanh và hiệu quả bằng loài chim.
Chỉ vài phút, đống thức ăn đã được cô nàng và anh chàng dọc sạch (mình đoán thế chứ tài năng có hạn, mang tiếng gần bà ngoại suốt cả thời thơ ấu chứ chịu chả học được chút nào“năng khiếu” của bà :)), sao mà phân biệt được đâu là chàng, đâu là nàng chim :)) . Mặt sàn lại trở lên trắng tinh, tịnh không còn lấy một chút mẩu hạt nào, kể cả vỏ của chúng.
Hai chú chim áng chừng đã no nê. Chúng tỏ ra hài lòng và thư giãn bằng cách hết ngắm nhau lại tới ngắm cái cây chanh ở ngay trước mặt chúng.
Cây chanh này tự mọc ra từ một cái ngách tường, chỗ mình đặt một viên gạch nhỏ. Chẳng có đất gì, chỉ nhờ vào đám rêu xanh trên viên gạch luôn ẩm ướt nuôi dưỡng mà từ cái hạt mắc kẹt đâu đấy, rồi dần nảy mầm lên. Vị trí thì hiểm hóc, chênh vênh giữa cái gờ của viên gạch sát mép tường, khiến khi lớn lên cái cây phải oằn ra hẳn phía ngoài mới mong có không gian để duỗi chân cẳng. Thế mà chẳng hiểu sao cái cây dại lại dễ sống đến thế. Nó cứ lớn vù vù, tốt um lên và lá thì xanh mướt.
Và giờ khi mình cũng đang nhìn ngắm cái cây thì mình chợt hiểu vì sao lũ chim lại chăm chú đến thế. Hóa ra trên một cái lá chanh rộng, nằm ngang ra vướng lại vài mẩu vỏ màu nâu đất của những hạt lạc mình vừa thả xuống lúc nãy. Khi đã nhận diện được ra rồi, chú chim gầy nhỏ hơn chú kia đã nhanh hơn, chạy lại, và rướn mỏ thu hết đồ ăn vương vãi. Và trả lại màu xanh tinh khiết cho chiếc lá.
Vài phút sau, khi chắc chắn rằng, không còn gì để chúng thu dọn trên cái mặt sân chật hẹp này nữa, chúng lại rướn người và vỗ cánh bay sang gờ tường bên kia. Ở đó khi thì chúng chạy đuổi trêu ghoẹo nhau, lúc thì chúng đứng lại hướng đôi mắt trong veo, ngây thơ vô cùng đẹp của chúng về phía Đông, nơi mặt trời đang dần nhô lên từ đường chân trời xa tít.
Bình minh của một ngày mới đã bắt đầu.
Bắt đầu bằng phần đầu câu chuyện của ngày hôm qua
Câu chuyện về Waldemar Daa và các cô con gái
(Hans Christian Andersen)
(2)
Bên bờ sông Ben có một toà lâu đài cổ tường dày màu đỏ. Ta biết rõ từng viên đá xây lâu đài vì xưa kia ta đã từng thấy chúng ở lâu đài Macxtich. Người ta đã phá lâu đài ấy đi và chở đá đi nơi khác để xây một lâu đài mới. Đó là lâu đài Bôrơby, hiện đang còn.
Ta đã được biết các chủ nhân của lâu đài Bôrơby, nhưng ở đây ta chỉ muốn thuật chuyện Vanđơma Đa và các nàng con gái của ông ta.
Vốn dòng dõi vua chúa nên ông ta rất kiêu hãnh.
Ông ta săn băn và uống rượu giỏi hơn ai hết.
Bà vợ thường bận quần áo thêu vàng dát bạc. Sàn nhà bao giờ cũng bóng loáng. Các phòng ở trang hoàng bằng những tấm thảm rực rỡ và những đồ đạc quý giá, chạm trổ tinh vi. Bà chủ lâu đài đã mang về đây rất nhiều của hồi môn, toàn là vàng bạc châu báu. Hầm nhà đầy ắp rượu quý. Đàn ngựa đen lực lưỡng hí trong chuồng. Tất cả nói lên cảnh giàu sang của lâu đài Bôrơby.
Họ có ba nàng con gái xinh đẹp tuyệt vời: Iđa, Gian và Đôrôtê. Tôi vẫn còn nhớ tên các nàng.
Gió kể tiếp:
– Ở nơi đây, không như ở các lâu đài khác, ta chẳng hề thấy bà chủ quý phái ngồi quay tơ trong phòng cùng với bọn thị tì. Bà thường chơi đàn, hát các bài hát cổ Đan Mạch và cả những bào hát bằng tiếng nước ngoài nữa. Cuộc sống trong lâu đài thật là náo nhiệt! Khách khứa gần xa thường ra vào tấp nập. Tiếng ca nhạc và tiếng cốc chén chạm nhau vang lên không ngớt, át cả tiếng gió thổi. “Sự phô trương, thói kiêu ngạo, vẻ huy hoàng, trưng trổ và quyền lực đều ở đây, nhưng không có chỗ cho sự kính Chúa”.
Một buổi sáng tháng năm ta ở phía Tây thổi về, sau khi đã thổi dạt nhiều tàu bè vào bờ bán đảo Giuytlăng. Ta rong ruổi qua đồng bằng và trên bờ biển có những khu rừng xanh tươi. Ta thổi qua Fiôni, rồi ào ào vượt qua sông Ben.
Tới khu rừng dẻ gai, gần lâu đài Bôrơby, trên bờ Xêlăng, ta dừng lại nghỉ ngơi. Trẻ con trong làng vào rừng nhặt cành củi khô, những cành dài nhất và khô héo nhất, đem về bãi rộng trong làng chất thành đống, nhen lửa rồi ca hát, nhảy múa xung quanh.
Đến đây ta im lặng. Bỗng ta thổi nhè nhẹ vào cành cây khô mà một em trai xinh nhất đám vừa đặt lên đống củi. Ngọn lửa bùng lên và em bé châm lửa được bầu làm chúa tể cuộc vui.
Em được ưu tiên chọn một em làm bạn trong số các em gái. Thật là một cuộc vui lành mạnh, vui hơn tất cả các cuộc vui trong lâu đài Bôrơby cao ngất kia.
Vừa lúc đó, một chiếc xe dát vàng, có sáu ngựa kéo, đi tới. Trên xe có một bà bá tước và ba nàng con gái xinh đẹp, dịu dàng, một người trông như đoá hoa hồng, một người như đoá hoa huệ và người thứ ba như đoá dạ hương lan màu xanh nhạt. Bà mẹ cũng đẹp rực rỡ như một đoá uất kim hương. Bà ta ngồi cứng như gỗ, chẳng thèm nhìn đến những đứa trẻ đã ngừng nô đùa và đang cúi đầu chào.
Ta trông rõ ba cô con gái xinh đẹp và tự hỏi ai sẽ xứng đáng làm bạn với họ? Có lẽ phải là những trang hiệp sĩ, hoặc những bậc hoàng tử mới sánh vai được với các nàng.
Vi vu, vi vu… Tất cả sẽ trôi đi!
Chiếc xe qua rồi, lũ trẻ con lại tiếp tục nhảy múa. Trong khắp làng mạc ở Bôrơby, Giarơby, dân làng đều vui chơi như vậy để đón chào mùa hạ.
Đến đêm, gió kể tiếp, khi ta nổi lên ào ào, bà chủ lâu đài đã ngủ lịm đi để rồi không bao giờ thức giấc nữa. Bà ta đã qua đời, như tất cả mọi người.
Vanđơma sống trong một thời gian âm thầm và lo âu.
Ông ta tự nhủ: “Ngọn cây cứng cáp nhất cũng có lúc phải uốn mình, nhưng nó vẫn có thể vươn lên được”. Các nàng con gái và gia nhân trong lâu đài ai cũng khóc và thương xót bà quý phái. Bà đã mất và ta cũng sẽ bay đi nơi khác, vì tất cả mọi vật đều trôi đi! Vi vu, vi vu…
Gió kể tiếp:
Nhưng rồi ta lại trở lại xứ Fiôni và sông Ben. Ta đã từng ngồi trên bờ biển, gần Bôrơby và trong khu rừng sến huy hoàng. Nơi ấy là nơi trú ngụ của loài cò diệc, chim cu, quạ lam và cả cò đen nữa. Lúc ấy đã sang xuân. Một số chim cò đã đẻ trứng, một số trứng đã nở. Bỗng nhiên có sự huyên náo khác thường; chim cò bay vút cả lên mà gào.
Có tiếng rìu đốn cây đều đều; người ta sắp phá trụi cả khu rừng! Vanđơma Đa muốn đóng một chiếc thuyền cao ba tầng mà hẳn là nhà vua sẽ mua cho ông ta. Vì thế, ông đã ngả rừng, nơi trú ngụ của chim chóc và cũng là mục tiêu của các thuỷ thủ nữa. Đàn cú sợ hãi bay đi trốn vì tổ của chúng đã bị phá tan. Điên lên vì đau đớn và tức giận, chúng bay lượn trên khu rừng mà kêu gào. Ta hiểu những tiếng kêu thất vọng ấy. Quạ đen và quạ khoang gào lên: “Bị tống cổ rồi! Bị tống cổ rồi! Quạ! Quạ!”.
Và ở giữa khu rừng, Vanđơma Đa và ba cô con gái cùng một đoàn tiều phu đứng đó phá lên cười khi nghe thấy tiếng kêu man rợ của bầy quạ. Riêng cô con gái út, Anơ Đôrôtê, thấy mủi lòng thương xót khi người ta định ngả một gốc cây trên đó có tổ quạ đen, một lũ quạ con đang thò đầu ra ngoài. Cô khóc lóc van xin người ta tha cho chúng. Thế là cây ấy được để lại.
Họ đẵn cây, cưa gỗ và đóng một chiếc tàu ba tầng. Người trông nom việc đóng tàu không phải là con nhà quyền quý nhưng trí thông minh có thừa. Đôi mắt và vầng trán anh biểu lộ trí óc sáng tạo của anh. Vanđơma và Iđa, cô con gái cả mười lăm tuổi, rất thích nghe anh nói chuyện.
Trong khi thiết kế một chiếc tàu cho người cha, anh cũng xây dựng trong mộng một toà lâu đài mà anh và Iđa sẽ ngồi bên nhau như đôi vợ chồng. Nhưng nếu lâu đài không được xây bằng đá, trang hoàng lộng lẫy, có vườn hoa và rừng cây bao quanh thì giấc mộng ấy sẽ không thể thành sự thực được.
Mặc dù có một số kiến thức khoa học, khả năng của anh cũng rất có hạn. Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua! Ta đi xa. Và anh ta cũng phải đi xa, không thể lưu lại ở nơi đây. Cô bé Iđa đã quên anh, tất nhiên là như thế. Đoàn ngựa đen được mọi người tấm tắc khen ngợi đang dậm chân trong tàu.
Một vị thủy sư đô đốc được nhà vua cử đến để xem tàu và bàn việc mua bán. Ông ta không ngớt khen ngợi đàn ngựa tuyệt đẹp kia. Ta nghe rất rõ vì ta bay theo đoàn người, lọt vào cổng chuồng ngựa và làm tung bay những mảnh rơm xung quanh họ. Vanđơma thích vàng, đô đốc thích đàn ngựa mà ngài rất mực ca tụng.
Chả ai hiểu ra sao cả. Chiếc tàu không bán được, nằm lì trên bến. Tàu được bọc toàn bằng gỗ ván như một chiếc tàu của ông già Nôê trong kinh thánh. Chẳng bao giờ tàu được hạ thuỷ cả. Vi vu, vi vu…
Mọi việc trôi qua, trôi qua! Đó là thất bại đầu tiên của Vanđơma.
Mùa đông, tuyết phủ khắp mặt đất, những tảng băng trôi dạt trên dòng sông Ben. Ta đẩy chúng sang hai bờ. Từng đàn quạ, đủ các loại, đen thũi như nhau, kéo đến. Chúng đậu trên chiếc tàu bị bỏ chỏng chơ trên bờ sông. Chúng lớn tiếng kêu than về cánh rừng đã trụi thui lủi, về các tổ chim đã bị phá hoại, về cảnh quạ con, quạ già không có chỗ ở, về tất cả những tai hoạ đã xảy ra do việc đóng chiếc tàu gây nên, chiếc tàu kiêu căng chẳng bao giờ được nổi trên mặt nước!
Ta cuộn tuyết lên từng đám. Tuyết đánh đống quanh thân tàu và lên đến tận nóc. Thế rồi ta cất cao giọng lên như lúc ta thổi thành cơn giông tố. Ta làm đủ cách để cho tàu biết thế nào là cuộc đời trên biển cả. Vi vu, vi vu… Mọi việc trôi qua!
……………………………………………………………………………………
2.
Bình minh lên. Trời lặng gió. Ánh ban mai trong trẻo đi qua làn sương mỏng, rải xuống đám cỏ rậm rịt của một bãi đất hoang một lớp bạc lấp lánh. Đôi chim bồ câu rời nơi ẩn nấp quen thuộc, liệng đôi cánh hướng về không gian bao la phía trước, nơi đồng cỏ đang dập dờn vẫy gọi. Đã đến giờ chúng đến với mảnh đất của chúng rồi, ở đó rộng lớn hơn và cho cơ hội gặp nhiều đồng bọn hơn.
Nhưng mình vẫn đứng đó, cho đến tận khi, qua mắt mình, đôi chim chỉ còn là hai chấm bi rất nhỏ rồi mất hút hẳn vào màu xanh bất tận. Của bầu trời và mặt đất.
Người ta nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, bởi nó kết nối chúng ta với thế giới của ánh sáng và có thể cảm nhận được năng lượng mộc.
Khi gặp những vấn đề trong đời sống tinh thần, mọi cảm xúc của chúng ta đều có thể bị ảnh hưởng, và tất cả những cảm xúc, của sự mệt mỏi hay buồn bã, đều có thể được soi rọi trong ánh mắt của chúng ta.
I didn’t have it in myself to go with grace
And you’re the hero flying around, saving face
And if I’m dead to you, why are you at the wake?
Cursing my name, wishing I stayed
Look at how my tears ricochet
Con gái mình thích học ngôn ngữ, các ngôn ngữ chính trên thế giới, theo kiểu muốn khám phá và tìm hiểu vẻ đẹp của ngôn từ (có tính văn chương) của mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa được thể hiện trong đó hơn là hướng nặng về học thuật.
Khi say mê các bài hát của nữ ca sỹ Taylor Swift, con nói phần lớn là do phần lời quá hay và nhiều tầng nghĩa cùng với cách sử dụng từ độc đáo, đặc biệt là các sáng tác về sau này của cô.
Ví dụ, trong ca khúc “My tears ricochet”, tại sao Swift không sử dụng những cụm động từ thông thường như “run down” hay “stream down” (chảy xuống, chảy như suối) gắn với danh từ Tears (những giọt nước mắt) mà cô lại dùng động từ ‘ricochet” (nảy lên, bay lên – bạn cứ hình dung kiểu như những hạt mưa táp vào cửa kính theo chiều ngang mạnh đến mức mà những giọt nước nảy lên, bật ngược trở lại)
My tears ricochet (Nước mắt tôi bay lên):“ricochet” ngoài âm thanh cho cảm giác có tính nhạc hơn khi phát âm (hát) thì về mặt ý nghĩa nó còn diễn tả được nỗi đau buồn theo một cách không thể sâu sắc hơn.
Chúng ta có thể cảm nhận những “giọt nước mắt bay lên” trong câu chuyện cổ bên trên.
Khi những hàng cây bị đốn hạ hàng loạt, rào rào đổ xuống và cả một khu rừng xanh tươi trong chốc lát bị xóa sổ hoàn toàn.
Thì điều đó không chỉ là nỗi đau của riêng mỗi loài cây,
“Dòng máu đang chảy ra ngoài thân thể tôi, cơn đau quấn lấy mỗi thớ thịt. Các dây thần kinh đang chịu một thử thách theo một cách khắc nghiệt hoàn toàn khác với những gì tôi đã từng phải đối diện trước các cơn bão tố. Đôi bàn chân tôi bỏng rát như đang được hơ trên lò lửa, chúng quẫy đạp, cố nạy tung những hạt đất để chồi lên. Tóc tôi xổ tung và những tiếng kêu răng rắc vang động khắp đất trời là tiếng nấc nghẹn bật ra từ trái tim. Không còn điểm tựa trong lòng đất mẹ, tôi mất thăng bằng, đổ ụp. Tôi đã lìa xa thế giới.”
đó còn là sự đau đớn của cả một quần thể những sinh vật trú ngụ ở trong đó, ở trong những rừng cây. Biết bao những loài động vật cả bậc thấp và bậc cao đã mất đi môi trường sống, mất đi một ngôi nhà tự nhiên che mưa nắng, cung cấp thức ăn và bảo vệ chúng trước những hiểm họa đến từ tự nhiên.
Bởi vậy, mỗi tiếng rìu vung lên, khi mỗi dòng nhựa chảy ra từ thân của một cái cây thì người ta lại nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của bầy chim bay tán lạn qua những tầng lá, chúng rít lên những âm thanh muốn xé tâm can : “Bị tống cổ rồi! Bị tống cổ rồi! Quạ! Quạ!”.
Người ta còn nghe cả thấy tiếng khóc than của cô con gái út nhà Waldermar, Anna Dorotha. Cô cảm thấy đau khổ tột cùng khi thấy trên những cành cây trơ trụi , những con cò con cố nhướn cổ lên như để van nài, cầu khẩn.
Còn đâu nữa cánh rừng tươi tốt, với những cây sồi đồ sộ, nơi mà những thanh niên trai tráng trong làng tới đó để kiếm củi dưới gốc sồi, rồi những cành lớn nhất và khô nhất được mang vào làng, chất thành đống, đốt lên để đàn ông và phụ nữ nhảy múa, hát ca thành vòng tròn quanh đống lửa.
Một khung cảnh sinh hoạt tập thể chốn đồng quê thật đẹp đẽ, thật vui vẻ. Vui hơn cả trong dinh thự Borreby giàu có.
Có hay đâu, khi những cánh rừng trước tòa lâu đài Borreby biến mất thì cũng là lúc gia đình chủ nhân của nó li tán và tàn lụi.
Có lẽ như tác giả của câu chuyện đã nói, vì ở đó chỉ có chỗ cho sự phô trương, thói kiêu ngạo, vẻ huy hoàng, trưng trổ và quyền lực.
Nhưng không có chỗ cho sự kính Chúa.
Khúc hát của cây
David George Haskel
Sau cái chết hãy còn sự sống, nhưng sự sống đó không trường cửu. Cái chết không làm cây cối chấm dứt bản chất kết nối của mạng lưới. Khi mục ruỗng, những khúc gỗ, cành cây và rễ chết trở thành tâm điểm của hàng ngàn mối quan hệ. Trong rừng có ít nhất phân nửa sinh vật tìm kiếm thức ăn hoặc tìm nơi trú ẩn ở trong hoặc trên các thân cây đổ.
Ở vùng nhiệt đới, những cây gỗ mềm thiêu thân trong những ngọn lửa rực không khói của vi khuẩn, nấm và các loài côn trùng. Những khúc gỗ chết hiếm khi tồn tại lâu hơn một thập kỷ. Những khúc gỗ gày hơn, nặng hơn bất quá chỉ tồn tại thêm chừng nửa thế kỷ là cùng. Quá trình phân hủy diễn ra lâu hơn trong khí lạnh axit của một vùng lầy gần Bắc Cực.
Ở đó, ranh giới sống chết của một cái cây được đo đếm bằng những chiếc thìa nuôi lũ vi sinh vật nhẫn nại qua hàng thiên niên kỷ. Giữa các thái cực của vùng nhiệt đới và điểm cực, tại các vĩ độ trung, trong khu rừng ôn đới, một cái cây đã ngã gục có thể sống trong cái chết chừng nào thân cây còn tồn tại.
Trước khi ngã xuống, cái cây là sinh vật xúc tác và điều tiết các cuộc trò chuyện trong và xung quanh cơ thể nó. Cái chết kết thúc công việc quản lý thiết thực cho các kết nối này. Các tế bào rễ không còn gửi tín hiệu cho DNA của vi khuẩn, lá kết thúc cuộc tán gẫu hóa học với côn trùng và nấm không còn nhận thêm thông điệp nào từ vật chủ.
Nhưng một cái cây không bao giờ hoàn toàn kiểm soát những kết nối này; trong cuộc sống, cái cây là phần độc nhất trong mạng lưới của nó. Cái chết làm suy yếu cuộc sống gắn với cây, nhưng cái chết không kết thúc cuộc sống ấy.
Ở Tennessee, mùa xuân mang đến những xung đột giữa các bức tường không khí ở Bắc Cực và những bong bóng hơi ẩm huênh hoang đến từ Vịnh Mexico. Từ đó sinh ra bão. Những cơn gió mạnh và thổi giật từ bầu trời làm lộ ra mọi điểm yếu trong thân và rễ cây.
Vào một ngày gió nghiền như vậy, tôi lang thang qua một sườn núi đá cây cối rậm rạp và tìm đến cây tần bì xanh khổng lồ ngay sau khi nó ngã gục.