Mấy hôm nay nóng khủng khiếp thật các bạn nhỉ? Nóng từ sáng sớm và nắng đến tối mịt. Bước ra mặt đường cảm giác như mặt mình đang úp trên miệng của cái nồi xông hơi.
Được cái may mắn là xung quanh chung cư mình ở rất nhiều cây. Mát lành lắm lắm. Đi đâu cũng vậy cứ về đến gần nhà là thấy rất thích vì có cảm tưởng mình đang được đứng dưới chiếc máy lạnh. Chiếc máy điều hòa thiên nhiên tuyệt diệu!
Cái cây hôm mình tưởng đã chết rồi đó hóa ra đó chỉ là cái chế độ chuyển màu lá của nó (lần đầu mình gặp kiểu vậy). Tức là không phải là lá rụng xuống như kiểu mùa thu đông mà nó trở nên vàng úa, rũ ra ở trên cây khoảng hai ba tuần xong từ từ lại hồi sinh, xanh tươi trở lại, hay ghê ấy.
Mình chẳng biết tên cây là gì, thôi mình cứ chụp rồi đăng lên xem có bạn nào gần nhà có cây như vậy thử để ý xem cây có hiện tượng giống cây chỗ nhà mình không nhé!
Rồi lại còn có hoa huỳnh liên nở vàng rực bao quanh một mặt sân, chếch lên xíu thì là hoa giấy, bằng lăng và sắp tới là phượng. Bảo sao có con đường con con nhưng quanh năm mình có cảm hứng viết lách về nó, mùa mưa viết về mưa mùa nắng viết về nắng. Có đứa con gái mà mẹ chỉ thích chụp con đứng dưới hoa trên con đường ấy, hết năm này qua năm khác không biết chán :))
Bọn thích văn thơ đầu óc đôi khi hay kiểu hâm hấp ấm đầu như vậy đấy các bạn ạ :)). Kệ, ai kêu dở hơi cứ kêu chủ tịch William nhỉ ? Ít ra nóng quá không nuốt trôi cơm thì bọn yêu thơ chúng ta vẫn còn có “ther” làm cho…no bụng :))
Life Begins Again in April
By Lenore Hetrick
Cuộc sống lại bắt đầu vào tháng Tư
Mảnh đất cằn cỗi này đơm hoa
Những cành cây khô khốc bừng tỉnh vỡ òa
Trong thời khắc mùa Xuân rực rỡ
Cuộc sống lại bắt đầu vào tháng Tư
Và chim tung cánh
Suối róc rách, gió lại dịu dàng
Trong giai điệu mùa xuân phảng phất
Đâu rồi trái tim buồn bã ?
Đâu rồi ánh mắt u sầu ?
Hãy nhìn đời thật trong và mới
Lúc bầu trời tăm tối tách ra và rực sáng lên
Nỗi buồn phiền sẽ được ủi an
Nụ cười xóa đi niềm đau gục ngã
Tháng Tư đến với thông điệp êm ả
Cho ai kia còn nặng gánh u sầu
Ngày hôm qua có thể nằm trong đống đổ nát,
Tất cả quá khứ đều đã chết và buồn thảm
Hãy quên điều đó đi! Bầu trời trong xanh nhường ấy!
Trong khoảnh khắc Mùa Xuân
Tháng Tư của Tự nhiên
Ôi Tháng Tư! mùa thiên đường!
Tháng Tư hoa khoe sắc thắm
Hơn cả ý nghĩ trong ta
Cuộc sống lại bắt đầu – vào tháng Tư!
Đồi và thung lũng quay cuồng trong nhịp sống.
Với tất cả những điều Tháng tư mang đến
Cuộc sống mới rộn ràng khi mùa sang
Life begins again – in April
How this dead earth comes to flower!
How the dry boughs wake and quicken
In this blooming, springtime hour!
Life begins again – in April
And the bird is on the wing
Brooks are flowing, breezes tender
In a rhapsody of spring!
Tháng Ba và Tháng Tư là hai tháng mà Sài Gòn nóng nhất. Trước đó thì ba tháng, tháng Mười hai, Một, Hai, tiết trời se se, mùa khô hơi đậm chất Thu.
Còn từ tháng Năm đến tháng Mười một là mùa mưa. Suốt trong bảy tháng gần như ngày nào cũng có mưa, hoặc nếu không thì cũng chỉ cách vài ba ngày. Nhiệt độ khi ấy luôn ở mức vừa phải, mặt đất ẩm ướt và khí hậu rất mát mẻ. Dễ chịu lắm!
Và các bạn ơi, đừng sốt ruột quá nhé vì mùa mưa miền Nam sắp đến rồi! Mình thích Sài Gòn vào mùa mưa hơn. Mấy tháng có vị Thu cũng rất tuyệt! Chỉ có hai tháng nắng nóng nhất này là ngán thôi! Cũng y như mình cũng rất ngán ở miền Bắc ba tháng Năm, Sáu, và Bảy. Nóng và oi bức và ngột ngạt.
Trong khi ở nước Anh,
Nhiệt độ tháng 4 chỉ khoảng trên dưới 10 độ C. Và đây là tháng sẽ quyết định thiên nhiên sẽ phát triển như thế nào trong những tháng tiếp theo,
Chúng ta có thể cảm nhận qua câu nói nổi tiếng của nhà thơ kiêm người nông dân ở thế kỷ 16 Thomas Tusser “April showers bring May flowers” (Những cơn mưa tháng tư mang tới những bông hoa tháng năm” .
Tháng tư xứ ôn đới thời tiết ấm dần, lá non lộc biếc cũng tốt tươi hơn, hoa nở rực rỡ và khắp nơi mơn mởn một màu xanh tươi thắm!
Cho nên nhà thơ Lenore Hetrick mới mô tả vào tháng Tư cảnh vật, cuộc sống cứ như thể được tái sinh (begin again) là vậy!
Có một bài hát của cô ca sĩ Taylor Swift cũng được đặt tên là “Begin again”. Không rõ có phải Swift sáng tác ca khúc này vào tháng Tư hay không ? Nhưng nội dung thì rõ là mang hơi thở của tháng.
Em đã mất 8 tháng qua để dằn vặt mình
Về những gì tình yêu đem lại
Chỉ là đổ vỡ, bỏng rát và chấm hết
Nhưng vào một ngày thứ 4 trong quán cà phê
Em lại đang chứng kiến nó bắt đầu
Hôm nay cũng là thứ Tư đấy nhưng cô gái Scarlett của chúng ta có lẽ không có hẹn ở quán cà phê nào cả đâu
Nhật ký Scarlett
Apr 10
Tôi thức dậy từ sớm, sớm lắm mà chẳng để ý xem lúc đó là mấy giờ. Trời vẫn còn tối, nhưng bên ngoài ánh đèn đường đủ sáng để tôi có thể thấy nhiều cô chú anh chị đã miệt mài với hành trình rèn luyện sức khỏe buổi sáng của mình.
Họ đang đi với những bước chân thoăn thoắt. Có người đến cái sân nhỏ ngay trước nhà tôi, nơi có nhiều các dụng cụ tập thể dục ngoài trời, thì dừng lại. Ở đây, một số thì đu mình lên những cây sà ngang, một số khác thì chỉ dừng lại vặn chân vặn tay một xíu rồi lại nhanh chóng ra đi. Họ sẽ đi ra tới dòng sông.
Ôi nhắc đến dòng sông, bỗng sao tôi lại nổi hứng cũng muốn men theo dòng sông thế! Nhưng tôi muốn đi xa hơn cái mặt sông ngay ngõ nhà mình. Hay là hôm nay tôi đi xe đạp đi học nhỉ? Đúng rồi, tôi đã thức giấc rất sớm và tôi muốn đạp xe đi học.
Dù cho có thể ai đó cho rằng có điên mới đạp xe cả chục cây số trong tiết trời thế này. Nhưng có mấy khi được điên thế đâu :)))
Nghĩ là làm, tôi lôi cái xe đạp màu ngọc bích đã phủ một lớp bụi mỏng vì lâu lắm rồi nó không được sử dụng. Có lẽ từ ngày vào trung học, tôi đã quên lãng và bỏ rơi nó cô đơn trong góc nhà.
Ba tôi thấy vậy liền hỏi tôi: ” Thế đã suy nghĩ kỹ chưa đấy, không nửa đường lại gọi taxi cầu cứu?” Tôi biết ba giỡn “Khéo đi giữa đường trời đổ mưa ba à”. Tôi tự tin đáp lại. “Vậy chúc con có cuốc xe thành công!” Hai ba con tôi cùng cười trước khi chào nhau mỗi người đi mỗi hướng.
Tôi nhanh chóng phi ra đường lộ.
Trời lúc này đã sáng rồi, và cái oi bức cũng dậy sớm lắm nhưng rõ ràng ra ngoài khi chưa có nắng thế này tôi lại cảm thấy thoải mái và mát mẻ hơn. Chả thế mà ven hai bên đường thi thoảng lại xuất hiện hàng đoàn người đạp xe vùn vụt lao qua.
Tôi thì không thể đạt được tốc độ như họ. Nhưng chậm có khi lại hay vì có đủ thì giờ cho tôi ngó nghiêng các kiểu. Đường Xa lộ nối trung tâm thành phố ra vùng phía Đông luôn là khu vực nhộn nhịp về mật độ giao thông nhất.
Các xe container, xe chở hàng nườm nượp từ các khu công nghiệp, khu chế xuất của trung tâm sản xuất miền Đông Nam Bộ nối đuôi nhau ngược lên cầu cảng lớn nhất cả nước. Để rồi từ đây hàng hóa mang thương hiệu Made in Vietnam sẽ theo các con tàu biển đi ra khắp thế giới.
Tự hào lắm chứ!
Tôi cứ từ từ đạp xe ven con đường nhỏ ở làn trong cùng dành cho phương tiện hai bánh. Thi thoảng tôi lại liếc sang phải, nơi dày đặc các kho hàng, các bến bãi trung chuyển hàng hóa. Các container được xếp cao chất ngất như những viên gạch khổng lồ chồng lên nhau.
Đi một đoạn tôi gặp một con sông nhỏ cắt ngang qua, đó chính là con sông Rạch Chiếc chảy qua trước cửa nhà tôi đó, con sông nhỏ bé chỉ là một nhánh của dòng sông mẹ Sài Gòn.
Vậy mà đối với tụi nhỏ chúng tôi nó có ý nghĩa hơn hết thảy. Nó là dòng nước tắm mát những ngày hè nóng bức, nó là nơi chất chứa bao kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi.
Trước đây hai bên bờ của con rạch này bạt ngàn rừng dừa, rừng đước. Nhưng ngày nay chỉ thi thoảng bạn mới bắt gặp thôi!
Dòng sông Rạch Chiếc bé xíu nên con cầu bắc qua nó cũng nhỏ xinh. Băng qua sông, xe tôi lại vèo vèo trên từng cây số. Những tòa nhà cao tầng, những trung tâm thương mại và các đại siêu thị cứ trôi dần phía sau tôi.
Và thi thoảng từ trong những con đường nhánh nhỏ ven Xa lộ lại ào ra những người ngoại quốc.
Họ cũng đạp xe như tôi, qua trang phục của họ thì có vẻ như có người đạp xe đơn thuần là tập thể dục nhưng cũng có người đạp lên trung tâm để đến trường hay đến công sở. Họ đi rất nhanh nhưng vẻ mặt thì lại có cảm giác như là đang tận hưởng.
“Chúc các vị có một ngày tốt lành nhé!” Tôi thầm nghĩ thế. Họ từ khắp nơi trên thế giới và chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống, học tập và làm việc, dù là tạm thời đi nữa thì đó cũng là điều nên nấy làm mừng vui. Vì điều đó chứng tỏ thành phố của chúng tôi có sức hút và sức hấp dẫn, của một đô thị toàn cầu!
Mãi nghĩ ngợi linh tinh, tôi không ngờ mình đã đi được một quãng đường dài thế. Bởi tôi đã đến địa điểm, một trong những nơi có ý nghĩa và vai trò quan trọng bậc nhất đối với cả thành phố của tôi:
Sông Sài Gòn!
Con sông rộng lớn, mùa khô mà nước vẫn ăm ắp và tàu thuyền ngược xuôi bất kể ngày đêm. Dòng sông ngăn cách đôi bờ giữa nội thành và vùng ven đang ngày càng chứng kiến khoảng cách giữa hai bên dần thu hẹp lại.
Gió thổi lồng lộng khiến mái tóc tôi tung bay trong gió. Mát quá, mát quá đi! Tôi cứ muốn được trôi mãi như thế này giữa dòng sông lộng gió.
Phía xa xa, ông mặt trời bắt đầu nhô lên từ dưới mặt nước.
Đỏ rực, báo hiệu một ngày nắng chói chang!
NHỮNG DÒNG SÔNG
By Nick Middleton
Nước là động lực của tự nhiên
Leonardo da Vinci
Người điều khiển Tự nhiên
Chúng ta đang sống trên một hành tinh ẩm ướt. Nước là chất có nhiều nhất và bao phủ 2/3 bề mặt của Trái Đất. Nó cũng được tìm thấy với số lượng nhỏ hơn trong không khí chúng ta hít thở, thực vật và động vật chúng ta nhìn thấy và mặt đất nơi chúng ta bước đi.
Dòng nước này liên tục di chuyển, xoay vòng giữa đất liền, đại dương và khí quyển: một sự kế thừa vĩnh cửu được gọi là chu trình thủy văn. Sông đóng một vai trò quan trọng trong chu trình thủy văn, rút nước từ đất liền và cuối cùng đưa nước ra biển.
Bất kỳ cơn mưa hoặc tuyết tan nào không bốc hơi hoặc thấm vào trái đất sẽ chảy xuống bề mặt đất dưới tác dụng của trọng lực. Dòng chảy này được dẫn dắt bởi những bất thường nhỏ trong địa hình thành các lạch nhỏ hợp nhất để trở thành những rãnh chảy vào các kênh lớn hơn.
Dòng chảy của sông được tăng cường nhờ nước chảy qua đất và từ các kho chứa dưới lòng đất, nhưng sông không chỉ đơn giản là nước chảy ra biển. Con sông cũng mang theo đá và các trầm tích khác, khoáng chất hòa tan, thực vật và động vật, cả chết và sống.
Khi làm như vậy, các con sông vận chuyển một lượng lớn vật chất và cung cấp môi trường sống cho nhiều loại động vật hoang dã. Chúng tạo ra các thung lũng và đồng bằng lắng đọng, chịu trách nhiệm chính trong việc hình thành cảnh quan lục địa của Trái đất.
Các con sông thay đổi dần dần theo dòng chảy từ thượng nguồn đến cửa sông, từ những dòng suối dốc hẹp và hỗn loạn đến những kênh rộng hơn, sâu hơn và thường uốn khúc.
Từ thượng nguồn đến hạ lưu xảy ra sự thay đổi liên tục: lượng nước chảy thường tăng lên và trầm tích thô chuyển thành vật liệu mịn hơn. Ở thượng nguồn, sông xói mòn lòng và bờ sông, nhưng việc loại bỏ đất, sỏi và đôi khi là đá tảng nhường chỗ cho sự lắng đọng vật chất ở hạ lưu.
Phù hợp với những biến đổi về đặc điểm vật lý của dòng sông, những thay đổi cũng có thể được nhìn thấy ở các loại sinh vật và thực vật biến dòng sông thành nhà của chúng.
Hình dạng tuyến tính, hẹp và dòng chảy của nó chỉ theo một hướng cung cấp một chiều không gian rõ ràng cho cách chúng ta mô tả và hiểu các đặc tính vật lý, hóa học và sinh học của một con sông: theo chiều ngang từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Nhưng một dòng sông không chỉ là một con kênh. Nó cũng là một phần không thể thiếu của vùng nông thôn mà nó chảy qua, vì vậy, một chiều ngang của cảnh quan xung quanh, hay cảnh sông nước như một số người mong muốn, là vô số.
Chúng bao gồm từ thực tế đơn giản là hầu hết nước sông chảy vào kênh sau khi chảy qua địa hình xung quanh đến tầm quan trọng của cá hồi trong sông, chẳng hạn như nguồn thức ăn theo mùa cho gấu địa phương.
Chiều thứ ba là chiều dọc. Sông tương tác với các trầm tích bên dưới kênh và với không khí ở trên. Nước chảy ở nhiều con sông đều đến trực tiếp từ không khí dưới dạng mưa – hoặc một dạng mưa khác – và cả từ nguồn nước ngầm được giữ trong đá và sỏi bên dưới, cả hai đều là dòng nước chảy qua chu trình thủy văn.
Chiều quan trọng thứ tư, thời gian, cũng có một vị trí quan trọng trong nghiên cứu về sông. Điều này là do sự biến đổi sâu sắc của nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các dòng sông, ít nhất là lượng nước chảy trong đó. Điều này thay đổi theo nhiều khoảng thời gian khác nhau, từ một trận mưa bão dữ dội kéo dài chưa đầy một giờ cho đến tác động của lực kiến tạo hoạt động trong nhiều triệu năm.
Sông có mặt ở khắp nơi trên thế giới và để lại dấu ấn trên hầu hết mọi cảnh quan. Một số khu vực thiếu hệ thống thoát nước bề mặt, nhưng ở một số khu vực này, sông chảy dưới bề mặt đất.
Ở các sa mạc, nhiều con sông vẫn khô cạn hầu hết thời gian trong năm, chỉ dẫn nước khi có mưa bão lẻ tẻ. Ở những nơi khác, các kênh và thung lũng hóa thạch chỉ ra nơi các con sông đã chảy vào một thời điểm nào đó trong quá khứ xa xôi hơn.
Những đặc điểm hóa thạch như vậy cũng xuất hiện trên các hành tinh khác: các kênh và thung lũng đã được xác định trên Sao Hỏa và trên Titan – vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ – và các mạng lưới này rất giống với các đặc điểm sông suối trên Trái đất.
Trên bề mặt Sao Hỏa, những đặc điểm này đã được hình thành bởi dòng nước chảy trong quá khứ, nhưng các kênh sông và mạng lưới thoát nước trên Titan được cho là được hình thành bởi dòng khí mê-tan lỏng.
Đối với hầu hết bề mặt đất của hành tinh chúng ta, dòng nước chảy là một trong những yếu tố cơ bản nhất. Được cung cấp năng lượng từ ánh sáng mặt trời và trọng lực, nó là nhân tố tạo nên các thung lũng và sườn dốc, đồng thời cung cấp môi trường sống phức tạp cho các cộng đồng sống.
Hệ thống phân cấp sông
Một khía cạnh thú vị của các dòng sông là chúng dường như được tổ chức theo thứ bậc. Khi nhìn từ máy bay hoặc trên bản đồ, các con sông tạo thành những mạng lưới riêng biệt giống như các nhánh cây. Các kênh nhánh nhỏ hợp lại với nhau tạo thành sông lớn.
Sự gia tăng lũy tiến về kích thước sông này thường được mô tả bằng cách sử dụng sơ đồ thứ tự số trong đó dòng nhỏ nhất được gọi là cấp một, sự kết hợp của hai kênh cấp một tạo ra sông cấp hai, sự kết hợp của hai kênh cấp hai tạo ra sông cấp ba, vân vân.
Thứ tự luồng chỉ tăng khi hai kênh cùng thứ hạng hợp nhất. Những con sông rất lớn, chẳng hạn như sông Nile và Mississippi, là những con sông cấp mười; trong khi Amazon là thứ mười hai.
Mỗi con sông tiêu thoát một diện tích đất tỷ lệ thuận với kích thước của nó.
Khu vực này được biết đến bằng nhiều thuật ngữ khác nhau: lưu vực thoát nước, lưu vực sông hoặc lưu vực (‘lưu vực sông’ cũng được sử dụng trong tiếng Anh Mỹ, nhưng từ này có nghĩa là đường phân chia thoát nước giữa hai lưu vực liền kề trong tiếng Anh Anh).
Tương tự như cách mạng lưới sông được tạo thành từ hệ thống phân cấp của các sông cấp thấp lồng trong các con sông cấp cao hơn, các lưu vực thoát nước của chúng cũng khớp với nhau để tạo thành hệ thống phân cấp lồng nhau. Nói cách khác, các đơn vị nhỏ hơn đang lặp lại các phần tử được lồng trong các đơn vị lớn hơn. Tất cả các đơn vị này được liên kết bởi dòng nước, trầm tích và năng lượng.
Việc coi các con sông được tạo thành từ một loạt các đơn vị được sắp xếp theo thứ bậc cung cấp một khuôn khổ vững chắc để nghiên cứu các mô hình và quá trình liên quan đến sông.
Ở quy mô lớn nhất, toàn bộ lưu vực sông có thể được nghiên cứu. Trong lưu vực, ở quy mô ngày càng nhỏ hơn, nhà nghiên cứu có thể tập trung vào một đoạn sông cụ thể giữa các nhánh, một đoạn trong một đoạn, v.v. cho đến một mảng cát nhỏ trên lòng sông.
Cách tiếp cận phân cấp này cũng nhấn mạnh rằng các quy trình hoạt động ở cấp độ cao hơn của hệ thống phân cấp sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến các tính năng ở cấp độ thấp hơn trong hệ thống phân cấp chứ không phải ngược lại.
Ở quy mô lưu vực sông, các yếu tố quan trọng là khí hậu, địa chất, thảm thực vật và địa hình. Những yếu tố này có ảnh hưởng ở mọi quy mô nhỏ hơn, cho đến từng mảng cát nhỏ.
Dải cát đó cũng chịu những ảnh hưởng cục bộ khác, chẳng hạn như gợn sóng trong dòng nước chảy, nhưng những biến đổi nhỏ này của dòng chảy có tác động không đáng kể đến toàn bộ lưu vực thoát nước.
Có một khoảng thời gian thích hợp gắn liền với các thang đo không gian liên quan và những thang đo này cũng có thể được sắp xếp thành một hệ thống phân cấp. Nói chung, quy mô không gian càng lớn thì quá trình và tốc độ thay đổi càng chậm.
Ví dụ, những thay đổi về khí hậu và địa chất xảy ra trong khoảng thời gian dài, chẳng hạn như hàng trăm đến hàng triệu năm. Những gợn sóng trong nước hoạt động trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều: mili giây đến giây.
Điều quan trọng cần nhớ là, nói chung, khi kích thước tăng lên thì độ phức tạp của các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan và dòng sông chảy qua nó cũng tăng theo. Do đó, ví dụ, lưu vực nhỏ của kênh sông bậc nhất có thể xảy ra trên một loại đá và nằm trong một vùng khí hậu.
Lưu vực lớn hơn có nhiều khả năng trải dài trên nhiều loại đá và vùng khí hậu và do đó phức tạp hơn.
Các loại sông
Sơ đồ sắp xếp bằng số được trình bày chi tiết ở phần trước là một trong nhiều nỗ lực nhằm phân loại sông. Có rất nhiều loại sông khác nhau, hay hệ thống ‘dòng sông’ (từ tiếng Latin fluvius, một con sông), khi chúng ta mở rộng khu vực quan tâm của mình ra ngoài lòng sông để bao gồm toàn bộ lưu vực thoát nước.
Mỗi cách phân loại sông phụ thuộc vào quan điểm của người nghiên cứu và do đó là khía cạnh có ý nghĩa quan trọng nhất. Một nhà sinh vật học có thể tập trung vào sự phân bố của các nhóm sinh vật cụ thể như cá hoặc thực vật thủy sinh.
Ví dụ, các loài khác nhau có thể liên quan đến các loại địa hình và địa chất khác nhau, do đó các con sông có thể được xếp vào các loại như ‘núi’, ‘vùng cao’, ‘đá phấn vùng đất thấp’, ‘sa thạch vùng đất thấp’ và ‘đất sét vùng đồng bằng và vùng cao’.
Những người khác đã sử dụng các yếu tố hóa học được lựa chọn làm cơ sở để phân loại. Một ví dụ là độ pH, vì vậy sông có thể được phân loại là axit mạnh, axit nhẹ hoặc kiềm. Cơ quan có thẩm quyền liên quan đến bảo tồn thiên nhiên có thể kết hợp tất cả những quan điểm này và hơn thế nữa.
Việc phân loại các con sông ở Anh, xứ Wales và Scotland dựa trên các quần xã thực vật do Hội đồng Bảo tồn Thiên nhiên đưa ra đã công nhận bốn nhóm sông chính, mười loại và ba mươi tám phân loại.
Một cách đơn giản khác để phân loại sông là theo kích thước. Một số nhà chức trách thích dùng từ ‘dòng’ hơn khi đề cập đến các con sông ở một đầu của dải kích thước. Một con sông lớn hoặc rộng (cả hai từ đều được sử dụng phổ biến để biểu thị đầu kia của quang phổ) thường là sông có lưu vực thoát nước lớn, dòng chảy dài, vận chuyển một lượng lớn trầm tích hoặc có lượng nước lớn chảy trong đó.
Chúng tôi đã lưu ý rằng có mối quan hệ nhất quán giữa chiều dài sông và diện tích lưu vực thoát nước, mặc dù không có mối quan hệ giữa các biến số khác do sự khác biệt về địa chất lưu vực, địa hình và thủy văn.
Hầu hết mọi người khi được yêu cầu liệt kê các con sông lớn nhất thế giới sẽ đưa ra một danh sách tương tự cho 10 hoặc 20 con sông hàng đầu, nhưng vẫn khó có thể đưa ra một định nghĩa hoàn hảo.
Mô hình được hình thành trong cảnh quan bởi mạng lưới sông là cách quen thuộc để phân biệt giữa các loại hệ thống sông khác nhau. Có một số biến thể phổ biến về mô hình cơ bản giống như cây của mạng lưới thoát nước và các thuật ngữ mô tả khác nhau được sử dụng, bao gồm đuôi gai, xuyên tâm, lưới mắt cáo, song song và hình chữ nhật. Ảnh hưởng chính đến các mô hình này là địa chất của cảnh quan.
Một cách rõ ràng để phân loại các loại sông khác nhau là theo loại dòng chảy của chúng. Một dòng sông luôn mang nước quanh năm được mô tả là “lâu năm”, nhưng điều này không mô tả tất cả các con sông dưới bất kỳ hình thức nào. Một số kênh chỉ có nước chảy vào những mùa cụ thể.
Những con sông theo mùa hay “không liên tục” này có thể nằm ở những vùng có mùa đông khắc nghiệt, trong đó nước sông đóng băng hoàn toàn hoặc ở những vùng có mùa mưa rõ rệt. Một con sông có dòng nước thậm chí còn ít thường xuyên hơn được mô tả là ‘phù du’ và bao gồm các kênh chỉ chảy bốn giờ hoặc vài ngày sau các cơn mưa riêng lẻ.
Những dòng sông phát sinh và chảy trong sa mạc thường là những dòng sông phù du. Loại thứ tư là dòng sông “gián đoạn”, dòng sông có dòng chảy thường xuyên trên các đoạn ngắn quanh năm trong khi phần lớn dòng sông khô cạn.
Mặc dù những khác biệt này chắc chắn là có thật, giống như hầu hết các sơ đồ phân loại trong thế giới tự nhiên, ranh giới giữa các lớp khác nhau được xem xét tốt hơn dưới dạng các điểm trên một chuỗi các loại chế độ dòng chảy liên tục.
Điều này là do, ví dụ, trong thời kỳ ẩm ướt kéo dài vài năm, một con sông phù du có thể biểu hiện các đặc điểm của một dòng sông theo mùa, trong khi trong thời kỳ khô hạn, dòng chảy mùa mưa của một con sông theo mùa có thể vắng mặt hoặc gián đoạn hơn, khiến nó trông giống một dòng sông phù du hơn.
Thư Monster,
Không biết ba thằng bạn tôi ở Tập Đoàn “Những người thích Tiền” nó trả lời câu hỏi của Mr tzang quyzn sao rồi. Haizza, giá kể không được thừa hưởng kho báu 6 tỷ từ trên trời rơi xuống thì có lẽ tôi cũng được gia nhập Tập đoàn này rồi và biết đâu vì thế mà tôi lại được hân hạnh lọt vô Top của Fở Bò thì sao?
Nhưng thôi, giờ không phải lúc nhắc lại những gì đã qua nữa. Giờ đây tôi đang vẫn còn phải đi học, còn phải tích lũy kiến thức chưa thể làm được gì chứ vài năm nữa khi tôi đủ lông đủ cánh chắc chắn chẳng có chuyện tôi ngồi yên trên núi “tu” đâu, nhức đầu lắm,
chả cần đến bất cứ ai réo gọi, thằng bạn thi sĩ William hay ông cán bộ chương trình Phát triển dân số hay Ngài Trạng :)), các vị yên tâm, Monster khi đó sẽ tình nguyện xuống núi ‘start up” ngay và luôn. Tiền phải đưa ra ngoài cho nó sinh sôi nảy nở chứ, để không mãi nó “mòn” là cái chắc, mất hết giá :))
Tuy vậy, mấy nay trên núi cao nhìn biểu đồ nhiệt độ bên dưới thung lũng về hướng Vườn địa đàng mà tôi thấy nóng hết cả ruột gan. Nắng nóng thế này thì liệu rằng các chiến hữu của tôi có đủ sức mà nặn ra được vần thơ nào không? Rồi dự án thư viện của thằng Skeleton đến đâu khi suốt cả tuần này không thấy nó hó hé ho he gì nữa?
Không, tôi lại phải tạm thời rời núi về lại quê nhà xem thử tình hình ra sao mới được. Dù cho tôi không (chưa) có trong danh sách của Fở Bò,
Hichic, tôi xin phản hồi lại thắc mắc Ngài chủ tịch công ty công nghệ lừng danh Ép phuê tuê: If “Trong danh sách Fở Bò có tên Monster”, then “Cậu ấy sẽ BAY ngay xuống núi”
Dĩ nhiên, vì làm gì có được vinh dự ấy nên hiện giờ tôi không thể bay được. Thay vào đó, tôi cuốc bộ.
May là đường rừng thì đủ mát cho những bước chân của tôi, chứ bảo đi trên con đường nhựa cái quan thì thôi, tôi cứ xin lại “lên núi” :))
Tôi cứ miệt mài đi, hết đêm đến ngày hết ngày đến đêm thì thấy một tòa nhà với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Ở ngoài là một cổng chào ghi “Đồn biên phòng”.
Ồ, sao tôi lại đi lạc đến tận đây chứ, có lẽ tôi đang đứng ở vùng đất biên giới giáp với nước bạn Campuchia rồi. Không sao, bởi chỉ cần bắt gặp bất cứ một căn cứ quốc phòng nào của đất nước là trong tôi lại có cảm giác an tâm lạ, kiểu như mình luôn được chở che bởi bức tường thành vững chắc.
-Em chào các anh, các anh cho em hỏi nơi đây đã gần đến đầu nguồn của con sông Sài Gòn chưa ạ?
-Chào em, Monster
Ôi, các anh biết cả tên tôi sao
-Chúng tôi nhìn lô gô trên áo và đoán là cậu. Cậu nhanh đi vì có thể khi cậu về đến Sài Gòn trời sẽ mưa đấy! :)). Còn sông Sài Gòn thì sắp đến rồi, cậu cứ theo hướng chúng tôi vẽ thì chỉ mất ít phút nữa thôi.
-Cám ơn các anh! Chúc các anh luôn khỏe mạnh, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc!
-Tạm biệt Monster! Tôi tặng cậu chiếc mũ tai bèo đội vào cho đỡ nắng, chứ cái khô nóng ở đây thì Sài Gòn không ăn thua gì đâu. Chúc cậu “xuống núi” bình an :))
Một lần nữa tôi cảm ơn các anh và tiếp tục cuộc hành trình. Phải công nhận các anh nói đúng: Tháng tư vùng biên cương này, thậm chí còn khô và nóng hơn Vườn Địa đàng nhiều lắm.
Tôi thắt chặt quai mũ tai bèo và trực chỉ nơi bắt nguồn của dòng sông Sài Gòn.
Nắng ruộm vàng con đường xuyên qua những cánh rừng cao su xen bạt ngàn hồ tiêu. Thi thoảng lại hiện ra những đồng cỏ lau trắng muốt hay những vạt chuối mênh mông. Đây đúng là miền đất đỏ bazan màu mỡ, giàu dinh dưỡng thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp.
Kể ra, vùng thượng nguồn sông Sài Gòn khá bằng phẳng, lại có nhiều vùng đất trũng nên không thiếu những cánh đồng lúa nước dọc con đường tôi đi qua. Nơi đây tập trung nhiều bà con dân tộc S’tiêng với phong tục, tập quán khá gần gũi với người Khmer.
Mất nửa ngày đường, sau cùng tôi cũng đến đầu nguồn của:
SÔNG SÀI GÒN
Ai bảo tôi cứng rắn chứ có những lúc tôi cũng yếu mềm lắm ấy, giống như bây giờ này. Niềm xúc động cũng giống như các phóng viên của HTV khi làm bộ phim “Mê Kông ký sự” nhiều năm trước, khi họ đặt chân đến nơi khởi phát của con sông lớn mà dòng nước của nó đã nuôi nấng toàn bộ vùng đồng bằng Nam Bộ nước tôi.
Tôi đứng nhìn và quan sát mãi về dòng nước cho đến khi mặt trời ngả bóng thì quyết định chụp vài kiểu ảnh rồi rời bước.
Tôi cứ thế đi dọc theo bờ sông, dòng sông là ranh giới tự nhiên giữa nước tôi và nước bạn Campuchia.
Trên bờ nước thi thoảng tôi gặp những người ngư dân và dừng lại hỏi họ dăm ba câu chuyện
Một anh nông dân có hàng chục năm gắn với nghề đánh bắt cá vừa quăng vó vừa giải thích với tôi:
“Trước đây, quay vó đều dùng sức người. Mỗi mẻ cất vó mất từ 30 đến 45 phút. Sau này, những người làm nghề chế dụng cụ quay vó chạy bằng máy nổ nên chỉ mất chừng 5 phút. Vào đầu mùa mưa, chúng tôi rất bận rộn với nghề. Gia đình tôi có hai chiếc vó, mỗi ngày quay được khoảng 2 tạ đến 3 tạ cá. Cá trên sông Sài Gòn thịt thơm ngon, thương lái đều tìm đến thu mua hết trơn.
Tôi tiếp tục ngược dòng sông Sài Gòn và gặp “xóm ngụ cư” của những người di cư tự do từ Campuchia về đây mưu sinh: “Trước, chúng tôi sinh sống ở bên Biển Hồ (Campuchia) khổ quá nên tìm cách về đoạn thượng nguồn sông Sài Gòn”.
Cuộc sống sông nước, đánh bắt, dù đầu nguồn hay hạ lưu đều có đặc điểm cùng hên-xui! Nhưng, dù đục trong dòng sông vẫn chảy và người sống trong dòng chảy đó vẫn khát khao, ước mơ.
Sau khi nghỉ đêm ở một phòng trọ nhỏ, sáng sớm hôm sau tôi lại lên đường. Và cứ men theo dòng sông mà đi đến gần trưa thì đặt chân đến một công trình về nước khổng lồ. Quá bất ngờ, tôi không nghĩ mình đã đến một công trình nổi tiếng, nơi mà dòng sông Sài Gòn đổ vào rồi lại tách ra:
Hồ Dầu Tiếng!
HÀNH TRÌNH MỞ NGUỒN NƯỚC DẦU TIẾNG
(Bài viết dài kỳ trên Báo Tuổi Trẻ, mình tóm lược lại)
1.
Hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, một trong các công trình kỳ vĩ nhất miền Nam này đã được tạo dựng thế nào ?
Ngày 29-4-1981, tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), cố Phó thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đã bổ nhát cuốc đầu tiên, khởi công xây dựng hồ Dầu Tiếng.
Nhát cuốc của quyết tâm
Hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chính thức được “khai sinh”. Ngay sau đó, hàng trăm ngàn người đã được huy động làm đường kênh dẫn nước – các “mạch máu” của hồ Dầu Tiếng.
Khu vực lễ khởi công ngày ấy giờ nằm cách tỉnh lộ 784 chừng 200 mét, gần cầu kênh N4. Con đường gồ ghề đất cứng, lởm chởm đá sỏi cho xe bò đi ngày nào giờ chính là kênh N4 nước xanh trong chảy quanh năm.
Thuở xưa Truông Mít là xã nghèo, sáu tháng mùa khô, ruộng vườn hầu như bỏ hoang vì không có nước. Đất khô cứng, nứt nẻ làm lọt cả bàn chân người đi.
Ngày nay, ruộng đồng Truông Mít xanh tươi mát mắt. Cây lúa, gốc nhãn đều tràn nhựa sống. Vịt chạy đồng tóe nước. Từ kênh N4, nước chảy vào các kênh nhỏ, đổ vào mương nội đồng, đưa nước tận gốc lúa, gốc nhãn…
Từ khi có nước chảy trong kênh xã, cuộc sống người dân đổi thay từng ngày. Trong xã không còn hộ nào phải ở trong nhà tranh, vách đất.
Hiện xã có 1.200ha cây ăn trái, trong đó có loại nổi tiếng, có chỉ dẫn địa lý như nhãn “Ido”. Sắp tới, một vùng chuyên canh cây trái cây lâu năm của xã sẽ hình thành.
Một trong những lý do đi đến quyết định để hình thành vùng chuyên canh này là nhờ có nguồn nước dồi dào quanh năm từ hồ Dầu Tiếng. Gần 1.000 ruộng lúa Truông Mít bất kể mùa nào, nước từ hồ Dầu Tiếng chảy vào cũng lấp xấp chân.
Hồ thủy lợi cực kỳ quan trọng
Hồ Dầu Tiếng hình thành do đắp chặn ngang sông Sài Gòn. Vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông này trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.
Hồ có dung tích chứa hơn 1,58 tỉ m3 nước (tương ứng ở mực nước bình thường 24,4m), với diện tích mặt nước 270km2, diện tích lưu vực là 2.700 km2.
Hiện nay, nước từ hồ Dầu Tiếng tưới trực tiếp cho khoảng 76.000ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, Long An, mỗi địa phương khoảng 12.000ha. Đồng thời hồ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM với lưu lượng gần 44m3/s …
2.
Niềm tin có nước bị đặt dấu hỏi
Tháng 4-1981, hồ Dầu Tiếng chính thức khởi công. Nhưng từ năm 1977, những công việc ban đầu đã được triển khai. Đó là tháng 3-1977, Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Đông Nam Bộ, Ban kiến thiết Dầu Tiếng (thuộc Bộ Thủy lợi) được thành lập.
Hàng trăm kỹ sư, công nhân được điều vào Tây Ninh, chưa kể hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong được huy động đào kênh, làm lòng hồ, đập phụ.
Thế nhưng, trước và ngay sau ngày khởi công chính thức, công trình hồ Dầu Tiếng vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Có người không tin sẽ chặn được sông Sài Gòn để tích nước và không có nước để làm thủy lợi, bởi đất Tây Ninh nổi tiếng “nắng cháy da người”.
Kể lại sau 40 năm, những người đi xây hồ Dầu Tiếng còn nhớ một câu chuyện để minh chứng cho việc niềm tin có nước từng bị nghi ngờ. Đó là đêm 10, rạng sáng 11-1-1985 khi hồ Dầu Tiếng bắt đầu mở nước vào kênh Đông và kênh Tây, có người dân không tin nước sẽ về đến ruộng nhà mình nên dõng dạc tuyên bố: “Có bao nhiêu nước về đây, tôi uống hết!”.
Đặc biệt, không chỉ người dân, ngay cả một số lãnh đạo Tây Ninh lúc đó cũng “nghi ngờ” và “ái ngại” với dự án hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Có lẽ, người biết điều ấy sâu sắc nhất là chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh lúc đó – ông Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng, mất năm 2013).
Trong hồi ký “Trên nẻo đường quê hương” của mình, ông Sáu Thượng kể lại người dân Tây Ninh ngày đó phải đối diện muôn vàn khó khăn, thời tiết khí hậu quá khắc nghiệt nên sản xuất chậm, năng suất thấp.
Giữa tình thế này, Tây Ninh được Phó thủ tướng Phạm Hùng và ông Nguyễn Thanh Bình, bộ trưởng Bộ Thủy lợi, thông báo rằng Bộ Chính trị vay một khoản tiền nước ngoài trên 100 triệu đôla Mỹ để xây dựng hồ thủy lợi Dầu Tiếng.
Đó là công trình có diện tích mặt hồ rộng 27.000ha, trữ trên 1 tỉ mét khối nước, có khả năng tưới cho trên 70.000ha, khả năng cải tạo cảnh quan lớn. “Nghe nói ai cũng mừng” – hồi ký ông Sáu Thượng viết.
Nhưng ông Sáu Thượng cũng kể rằng việc xây dựng hồ bị ý kiến trong lãnh đạo tỉnh “không tán thành” vì tốn đất và tại sao 2/3 hồ nước nằm trên Tây Ninh nhưng lại có tên Dầu Tiếng của Sông Bé (Bình Dương). “Sự cố tên công trình” được chính Phó thủ tướng Phạm Hùng giải thích.
Nhưng vẫn chưa dừng ở đây, sau đó ông Sáu Thượng được gọi lên làm việc riêng và được nói rằng: “Hồ Dầu Tiếng hao tốn đất đai, công sức, không đem lại lợi ích cho dân Tây Ninh” và yêu cầu ông “không được bàn bạc, tiếp xúc, họp hành” với Bộ Thủy lợi về công trình này.
Nhiều lãnh đạo Tây Ninh ngày trước cũng tâm sự dù dự án hồ Dầu Tiếng nhận được sự quyết tâm cao của Trung ương, nhưng không hề suôn sẻ, vấp phải ý kiến trái chiều tại địa phương vì nhiều người cho rằng không thể thực hiện được.
Trước khi có hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh cũng có phong trào làm thủy lợi nhưng chỉ với quy mô nhỏ do khó khăn kinh phí. Những công trình thủy lợi này chỉ nằm dọc vùng đất thấp, chủ yếu tận dụng nguồn thủy triều và “chưa thấm” vào đâu so với quy mô sản xuất nông nghiệp. Chính các công trình này đã phần nào làm tăng thêm “nghi ngại” về hồ Dầu Tiếng.
Ông Trần Việt Biên (Bảy Biên, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND Tây Ninh) ngày đó là bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh nhớ lại: “Vì từ hồi nào có ai dám chặn dòng sông Sài Gòn đâu. Vì nghe nói hồ Dầu Tiếng cũng tương tự như hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh đã làm xong, nhưng nào ai thấy hồ Kẻ Gỗ ra sao”.
Ông Lê Quang Thế (66 tuổi), một kỹ sư của Bộ Thủy lợi trực tiếp thi công công trình Dầu Tiếng, nhớ lại: “Một trong những khó khăn ngày đó là không có sự đồng thuận cao của địa phương, thậm chí có người kịch liệt phản đối dự án”.
Kỹ sư, chủ nhiệm thiết kế hồ Dầu Tiếng Nguyễn Xuân Hùng năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn nhớ: “Nhiều người không tin có nước, ngay cả lãnh đạo tỉnh”. Do đó, Bộ Thủy lợi phải tổ chức hội nghị lớn do chính kỹ sư Hùng trình bày những cơ sở khoa học để chứng minh có nước. Đó là địa mạo trong lưu vực có cây, tức là có nước ngầm. Tầng phủ đất sét dày, chứa nước được và hằng năm ở Dầu Tiếng đều có lũ lớn.
“Sau khi khởi công, thanh niên được vận động lên công trường đào đắp kênh mương. Qua một tháng thi công, khối lượng chỉ đạt khoảng 100.000 mét khối đất. Nếu với tiến độ này phải mất cả chục năm mới hoàn thành công trình” – ông Bảy Biên nhớ lại.
Khó khăn bủa vây. Việc quan trọng nhất của công trình thủy lợi Dầu Tiếng là nếu lòng hồ, các đập chặn dòng, cống xả đã xong mà chưa có kênh để xả nước thì rất nguy hiểm. Nhưng chính trong khó khăn đã xuất hiện những người anh hùng, những sáng kiến cải tiến lao động…
Để lòng hồ Dầu Tiếng tích nước và có nước, phải chặn sông Sài Gòn. Tháng 1 và tháng 12-1983, có hai dấu mốc quan trọng của đại công trình là chặn dòng đợt 1 và đợt 2. Ngày 2-7-1984, hồ Dầu Tiếng bắt đầu tích nước. Sau khi hoàn thành các tuyến kênh, nước tích đã đủ trong lòng hồ, ngày 10-1-1985, hồ Dầu Tiếng chính thức mở nước. Kể từ đó, ruộng vườn Tây Ninh phủ màu xanh.
Tháng 8-1978, Hội Phát triển quốc tế (IDA – một thành viên của Ngân hàng Thế giới) đã ký với Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cấp tín dụng để làm dự án thủy lợi Dầu Tiếng.
Theo thỏa thuận này, IDA cấp cho Việt Nam khoản vay 60 triệu USD gồm: phương tiện, trang thiết bị 31 triệu USD; nguyên vật liệu 20 triệu USD; đào tạo 500.000 USD và dự phòng 8,5 triệu USD.
Ông Phạm Phúc Trinh (66 tuổi, nguyên cán bộ thư ký dự án của Ban kiến thiết Dầu Tiếng, sau này là Ban quản lý 301) cho biết sau hợp đồng tín dụng nói trên, dự án hồ thủy lợi Dầu Tiếng được cho vay thêm 50 triệu USD, nâng tổng số vốn vay thành 110 triệu USD để nâng sức chứa của hồ lên gần 1,6 tỉ mét khối nước và tưới trực tiếp cho 100.000ha của ba tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và Long An.
3.
Nguồn sống từ hồ Dầu Tiếng
Ông Lâm Văn Chương (Hai Chương, 76 tuổi, hiện ở xã Phước Minh, nguyên cán bộ Ban chỉ huy công trình hồ Dầu Tiếng) xúc động: “Đời sống nhân dân Tây Ninh thay đổi là nhờ hồ Dầu Tiếng. Đây là điều hiển nhiên, đã được chứng minh, ai cũng phải công nhận”.
Từ xã đầu kênh đến xã cuối kênh đều hưởng lợi dòng nước của Dầu Tiếng. Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) là xã nằm sát bên lòng hồ Dầu Tiếng, với nông nghiệp chủ yếu là cây lúa.
Theo dòng chảy của kênh chính Đông, đây là xã đầu tiên được “uống nước” từ hồ và 900ha lúa của xã luôn tươi tốt, trĩu bông. Gần 10 trang trại và gần 100 hộ nhỏ lẻ nuôi cá lóc bông, ba ba cũng khấm khá nhờ nước Dầu Tiếng.
Ngoài ra, lòng hồ Dầu Tiếng còn tạo kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân làm nghề đánh cá trong xã. Ông Đinh Thế Trọng, chủ tịch xã, khẳng định: “Nước hồ Dầu Tiếng không chỉ giúp bà con dùng tưới trực tiếp cho vườn tược mà còn giữ được mạch nước ngầm. Nhờ hồ Dầu Tiếng mà người dân trong xã đều có điều kiện phát triển kinh tế”.
Xã Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) nằm cuối kênh Đông. Trước ngày có nước Dầu Tiếng, cây ăn trái trong xã khô quéo. Nhưng từ ngày nước kênh chính Đông chảy vào kênh N4, xuống các kênh nội đồng, xã trở thành vùng chuyên cây trái.
Những vườn nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng xanh mướt. Những rẫy cao su cao vút. Diện tích cây trái của xã lên đến 1.500ha. Rồi hàng trăm hộ dân lấy nước nuôi cá rô đầu vuông, cá lóc…
Ông Phạm Văn Vẻ – chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Ninh – cho biết: “Hồi đó bà con nông dân cày cấy, nuôi trồng đều trông nhờ vào thời tiết, đất bỏ không. Từ ngày có nước Dầu Tiếng, không một tấc đất hoang phí, thu nhập làm nông của bà con tăng 3, 4 lần, thậm chí cả chục lần”.
“Nếu không có hồ Dầu Tiếng, thì có thể lúc này đây, nhà chú phải đi mua nước uống để tiếp các cháu” – ông Đặng Hồng Phước (70 tuổi, xã Truông Mít) nói với khách đến nhà.
Tây Ninh bây giờ là vựa nông sản lớn của vùng Đông Nam Bộ. Từ đây, nhiều nhà máy xí nghiệp chế biến mía, mì và sơ chế, đóng gói trái cây hình thành. Mới năm 2019, một nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại với tổng vốn đầu từ hơn 1.700 tỉ đồng được xây dựng tại Gò Dầu, Tây Ninh.
Chủ nhiệm thiết kế hồ Dầu Tiếng – kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng khẳng định: “Để làm được hồ Dầu Tiếng, nói theo cách nói bây giờ là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đó là có sự quyết tâm của Bộ Chính trị. Thủ tướng trực tiếp đàm phán với Ngân hàng Thế giới để vay vốn.
Rồi bộ trưởng thủy lợi đến anh kỹ sư, công nhân đều phải vào Dầu Tiếng. Ở địa phương thì người dân nhường đất cho công trình. Và chính quyền đã huy động cả chục triệu ngày công đi làm thủy lợi Dầu Tiếng.
Ngay trước trụ sở Công ty thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, sát bên lòng hồ, có một tháp bêtông gồm ba trụ và một vòng tròn bên trong kết dính ba trụ.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng lý giải, đó là hình tượng làm nên đại công trình Dầu Tiếng. Ba cột tượng trưng cho ba lực lượng gồm: Đảng, Nhà nước – Nhân dân và vốn nước ngoài cho vay. Vòng tròn bên trong kết ba cột là thể hiện liên kết ba nhân tố đó thành một khối đoàn kết.
Hạt gạo nghĩa tình của dân
Ngày nay, từ đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống là những cánh đồng mía mẫu lớn, ruộng lúa tốt tươi, đồng mì bao la, lô cao su thẳng tắp, mãng cầu nặng trĩu… Ngày nay, khắp các con lộ của Tây Ninh, ở đâu cũng bắt gặp cảnh người dân bày bán trái cây, rau quả.
Lòng hồ Dầu Tiếng và những dòng kênh xanh làm dịu đi nắng gắt, oi ả của mùa hè Tây Ninh. “Nước trong lòng hồ, nước trên các dòng kênh bốc hơi khiến cho khí hậu Tây Ninh biến đổi mát mẻ hơn” – kỹ sư Hùng giải thích.
Trước ngày hồ Dầu Tiếng mở nước, cây lúa ở Tây Ninh chủ yếu gieo sạ dọc vùng đất thấp, hai bên sông Vàm Cỏ Đông. Lúa chỉ trồng được một vụ cùng một số cây công nghiệp ngắn ngày, năng suất thấp. Nhưng kể từ khi có hồ nước Dầu Tiếng, năng suất lúa ở Tây Ninh từ 1-1,5 tấn/ha/vụ thành lúa 3 vụ/năm đạt 5-6 tấn/ha.
“Đặc điểm cây mì và cây mía là trồng theo tự nhiên, nhưng ở Tây Ninh là tưới nước. Vì vậy, Tây Ninh mới có một năm trồng 2 vụ mì, năng suất khoảng 40 tấn/ha. Mía từ 20 tấn/ha đến nay tăng 90-100 tấn/ha. Đậu phộng khoảng 1 tấn, nay 3 tấn và thậm chí xuất khẩu. Đến cao su cũng tưới luôn nước, tăng 30% lượng mủ…” – ông Nguyễn Văn Tranh, nguyên cán bộ thủy lợi Tây Ninh, liệt kê.
Tổng kết lại, quá trình thi công hồ Dầu Tiếng, nhân dân Tây Ninh đã đóng góp gần cả chục triệu ngày công lao động trực tiếp. Ngoài ra, họ còn nhường 3.000ha đất canh tác của mình để xây dựng công trình. Dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, công cụ lao động gửi lên công trường.
Ông Võ Đức Tú, nguyên phó chủ tịch UBND Tây Ninh, lúc còn sống có kể lại câu chuyện xúc động rằng ngay năm đầu tiên hồ Dầu Tiếng mở nước, bà con nông dân đã mang cả trăm tấn gạo – những hạt gạo thơm ngon nhất đến trụ sở UBND Tây Ninh biếu, tặng để cám ơn Đảng, Nhà nước.
Đó là những hạt gạo mà trước đây chưa bao giờ có được trên đất Tây Ninh vào mùa khô. Và số gạo nghĩa tình này được Tây Ninh gửi cho các đoàn khách quốc tế, các tỉnh bạn.
Ngày hồ Dầu Tiếng mở nước, lòng người dân Tây Ninh rạo rực, tưng bừng. Khắp thôn, xóm đều mở hội ăn mừng, đánh trống, khua chiêng.
Ông Trần Việt Biên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, kể lúc còn đương nhiệm, ông bay trực thăng cùng với lãnh đạo của Campuchia để thị sát việc phân định, cắm mốc biên giới hai nước.
Lúc bay, lãnh đạo phía bạn có hỏi, làm sao để phân biệt được ranh giới Tây Ninh với Campuchia, ông Biên trả lời: “Màu xanh đến đâu thì địa phận Tây Ninh đến đó”.
Ông Phạm Phúc Trinh – nguyên thư ký Ban kiến thiết Dầu Tiếng – cho biết những năm 80 của thế kỷ 20, mỗi năm cả ngành thủy lợi đầu tư khoảng 1,2 tỉ đồng, riêng hồ Dầu Tiếng đã chiếm 300-400 triệu đồng.
Hàng chục đơn vị thi công, xây lắp của Bộ Thủy lợi, Bộ GTVT được tung vào công trường. Chưa kể, tỉnh Tây Ninh cũng có ba công ty cơ giới tham gia xây dựng. Cao điểm nhất, trên công trình có đến gần 90.000 người.
Còn người dân Tây Ninh đã góp cho công trình gần 15 triệu ngày công lao động, đào đắp được gần 12 triệu m3 đất, xây lắp khoảng 55.000m3 bêtông và đá xây… để xây dựng nên hàng ngàn kilômet kênh cấp 1, 2, 3 và hàng ngàn công trình bêtông trên kênh.
4.
Hướng đến hồ ‘đa mục tiêu’
Tiếp thêm nước cho Dầu Tiếng
Sau 35 năm vận hành, “quả tim” hồ Dầu Tiếng đã và đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là khi mở thêm kênh tưới Tân Hưng và được tiếp nước từ hồ thủy lợi Phước Hòa cách 40km. Cùng nhiệm vụ cốt lõi, hồ Dầu Tiếng đang được Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (gọi tắt là Công ty thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa) và đơn vị tư vấn xây dựng đề án “đa mục tiêu” để phát triển bền vững các ngành nghề là thế mạnh, tiềm năng của hồ.
Cuối năm 2012, hồ thủy lợi Phước Hòa hoàn thành bằng việc chặn dòng sông Bé ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, Bình Dương. Hồ có diện tích 2.000ha, thuộc các huyện Bình Long, Chơn Thành (Bình Phước) và Phú Giáo, Bến Cát (Bình Dương).
Đây là công trình thủy lợi có chức năng chuyển nước từ sông này qua sông khác, hồ tiếp nước cho hồ. Đó là nước từ sông Bé được chuyển sang sông Sài Gòn, từ hồ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng. Một con kênh dài hơn 40,5km, nối hai hồ làm nhiệm vụ chuyển nước, với lưu lượng khoảng 50m3/s, tạo nên công trình thủy lợi liên hoàn Dầu Tiếng – Phước Hòa.
Nhờ được tiếp nước, hồ Dầu Tiếng chủ động nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và tưới tiêu theo nhu cầu mà không sợ thiếu hụt trong mùa khô hạn, ít mưa.
Ông Trần Quang Hùng, giám đốc Công ty thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt, hạn hán, xâm nhập mặn, lượng mưa giảm đã có lúc khiến lượng nước tích trong hồ Dầu Tiếng chỉ đạt 85% công suất thiết kế. Nhưng nhờ được tiếp nước từ hồ Phước Hòa, Dầu Tiếng tích đủ công suất, đảm bảo nguồn nước cho kinh tế – dân sinh.
“Việc bổ sung nguồn nước từ hồ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp, mà còn giúp xả nước đẩy mặn xuống phía hạ du trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn hiệu quả hơn” – ông Hùng cho biết.
Theo kết quả quan trắc, từ khi có nước Dầu Tiếng làm nhiệm vụ “đẩy mặn”, nước mặn trên sông Sài Gòn bị đẩy lùi từ Thủ Dầu Một xuống Lái Thiêu, trên sông Vàm Cỏ Đông bị đẩy lùi từ Gò Dầu xuống Đức Huệ. Kết quả sau cùng là những vùng đất vốn bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở ven hai con sông này được “ngọt hóa”.
Những vùng đất trước đây phải bỏ hoang vì xâm nhập mặn nay thành ruộng vườn với tần suất canh tác 2 – 3 vụ/năm. Ngoài ra, nhờ được “ngọt hóa”, nước hai dòng sông trên tạo được nguồn tưới cho gần 29.000ha ven sông Sài Gòn và hơn 32.000ha ven sông Vàm Cỏ Đông.
Nhờ có nước Dầu Tiếng đẩy mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An) có vùng trồng hoa màu rộng tới gần 30.000ha, mà trước đây chỉ hơn 6.000ha. Diện tích lúa của ba huyện này cũng tăng lên 50.000ha. Đặc biệt, không có nước Dầu Tiếng thì người dân TP.HCM sẽ bị khát nhiều tháng do Nhà máy nước Tân Hiệp phải đóng cửa vì nhiễm mặn.
Hệ thống kênh cấp nước từ hồ Dầu Tiếng cũng được mở thêm. Cụ thể, ban đầu hệ thống thủy nông Dầu Tiếng có hai tuyến kênh chính để đưa nước từ lòng hồ ra ngoài. Đó là các kênh chính Đông dài 45km và chính Tây dài 39km.
Đến 1996, kênh Tân Hưng được xây dựng dài 29km, cũng lấy nước từ hồ Dầu Tiếng để tưới cho các huyện vùng cao Tân Châu và Tân Biên của Tây Ninh. Nếu như kênh chính Đông, chính Tây đưa nước chảy xuôi thì kênh Tân Hưng đưa nước chảy ngang.
“Hồ đa mục tiêu – hàng triệu người dân an toàn”
Quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng phải đảm bảo những mục tiêu lớn là tích đủ nước, an toàn tuyệt đối cho công trình và phòng lũ cho hạ du. Những năm qua, đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho đập nước như lắp thiết bị quan trắc, cảnh báo. Đồng thời tổ chức kiểm định an toàn đập, hồ chứa cũng như bảo trì, nâng cấp, hiện đại hóa đập, hồ chứa… Năm 1998-2000, đập Dầu Tiếng được xử lý chống thấm bằng công nghệ “tường tâm” của chuyên gia Lê Nguyễn Minh Quang.
Trong những năm gần đây, ở hồ Dầu Tiếng có nhiều hoạt động kinh tế. Cụ thể trong lòng hồ có khai thát cát, nuôi cá. Ở vùng bán ngập có các dự án điện mặt trời, xâm canh trồng cây trái, hoa màu.
Trên lưu vực hồ Dầu Tiếng đã hình thành các cơ sở, nhà máy như chế biến tinh bột mì, mủ cao su. Những dự án du lịch sinh thái ở đảo Nhím, Núi Cậu, bán đảo Tha La cũng đang được triển khai… Các nhà khoa học khuyến cáo rằng: “Tất cả các hoạt động trên cần được đánh giá cụ thể về các tác động tới chất lượng nước và an toàn”.
Theo ghi nhận đã từng có những vụ “đầu độc” nước ở thượng nguồn hồ Dầu Tiếng. Năm 2016, Công an Tây Ninh phát hiện một công ty chế biến tinh bột khoai mì xả nước thải chưa qua xử lý bằng đường ống ra suối Tà Ly, rồi ra bến Cửu Long (huyện Tân Châu) – đầu nguồn hồ Dầu Tiếng.
Theo các nhà khoa học thủy lợi, việc khai thác cát ở lòng hồ tăng đã làm chất lượng nước trong hồ bị ô nhiễm và gây nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn công trình, đặc biệt là đập chính.
Để hồ Dầu Tiếng an toàn bền vững, hiện Công ty thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa và các đơn vị tư vấn đang lập đề án, xây dựng kế hoạch sử dụng “đa mục tiêu”. Việc bảo vệ an toàn cho hồ chứa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hồ có an toàn thì đất đai, môi trường và đặc biệt là nhiều triệu người dân sinh sống phía hạ du cũng như tài sản của họ mới được an toàn.
“Đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là nhiệm vụ hết sức cấp thiết và sát sườn. Công trình cần được hỗ trợ từ các địa phương trong phối hợp quản lý. Làm sao để hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với bảo vệ môi trường nhưng không làm thay đổi nhiệm vụ của hồ chứa. Vậy mới bền vững” – ông Hùng nói.
Với vai trò đặc biệt quan trọng của mình, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đưa công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng vào danh mục “công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”. Đến năm 2019, Thủ tướng quyết định đưa công trình này vào danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt”.
Kênh chính Đông chảy qua các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh), Bến Cát, Dầu Tiếng (Bình Dương), Củ Chi (TP.HCM), Đức Hòa (Long An) rồi thông qua hệ thống tiêu thoát nước ra sông Sài Gòn. Nếu trường hợp xả lũ khẩn cấp, kênh chính Đông sẽ xả trực tiếp ra sông Sài Gòn mà không qua hệ thống tiêu thoát.
Kênh chính Tây chảy qua các huyện Dương Minh Châu, Hòa Thành, TP Tây Ninh, Châu Thành của tỉnh Tây Ninh. Còn kênh Tân Hưng chảy qua huyện Tân Châu và Tân Biên. Cả hai kênh này đều thông qua hệ thống tiêu thoát nước rồi đổ vào rạch Bàu Nâu, trước khi ra sông Vàm Cỏ Đông.
(Tuổi trẻ)
Lâu lắm chưa gặp lại Mạn Châu và Sa Hoa các bạn nhỉ? Hẹn gặp họ ở bài viết sau nhé vì hôm nay đến đây thì dài quá rồi!
Have a nice evening to all!