Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English
Chuyên mục:

Rose

Rose

Giọt mưa ngâu.8

by Rose & Cactus August 3, 2024

Sáng sớm thứ bảy. Không khí thoảng chút se lạnh vì nhiều ngày có mưa!

Chiều hôm qua lần đầu tiên mình cảm nhận được cái lạnh này có một chút hơi hướng thu là lúc mình đặt chân ra vườn. Hơi ẩm của nước mưa vẫn còn đọng lại trên cây cỏ rõ là dấu vết của mùa hạ, nhưng cơn gió “se se” thổi từ dưới cánh đồng lên có một chút gì đó khô hanh khiến ta bất giác co người, khoanh tay giữ chặt vạt áo mà xuýt xoa: Thu sớm đây mà!

Mình mở cửa ban công nhìn xuống dưới đường. Mặt đường khô roong chứng tỏ đêm qua không hề mưa.

Từng đoàn người đạp xe đi ngang con đường nhà mình: Gìa, trẻ, lớn, bé gì đều đủ cả. Mọi người ở quê  mình có vẻ rất hăng say tập thể dục, ai cũng tìm cho mình một bộ môn phù hợp:

Các bạn, các chị hàng xóm lứa tuổi mình thì aerobic và yoga, mình hỏi thì mọi người đều nói đã bền bỉ luyện tập cả chục năm nay rồi, bởi vậy người nào nhìn cũng nhẹ nhõm, thon thả.

Các chú lớn tuổi thì chạy bộ và đi xe đạp. Các chú chính là những người chăm chỉ, chịu khó nhất. Mưa gió thế nhưng họ vẫn miệt mài với những vòng quay trên những con đường quê rộng rãi và vắng vẻ, không bao giờ bỏ việc luyện tập, trừ phi ốm nặng.

Còn các bà các cô cỡ gần tuổi mẹ mình chủ yếu đi bộ và đạp xe nhẹ nhàng, giống như cô hàng xóm nhà mình và …mình :)).

Sức yếu nên chỉ dám vận động nhẹ nhàng thôi vì mình cũng tìm hiểu thì được biết là dù luyện tập theo hình thức gì cũng phải lựa vào sức khoẻ của mình, không phải thấy người ta chạy đường trường hàng chục km mình cũng học theo, rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp đột quỵ cũng là thế.

Mình đạp xe cũng chậm lắm, vì nhiều lần cố guồng chân nhanh như kiểu nhiều bác trai lướt qua mình mỗi buổi sáng là tim lại đập thình thịch, kiểu khó thở ý, ngực cứ như bị bóp nghẹt lại nên phải dừng ngay, xuống dắt bộ một lúc cho ổn ổn rồi mới lên xe thong thả tiếp :))). Nói chung là chán, thua cả bà già sáu mươi :)).

Cuộc sống ở những đô thị nhỏ chậm hơn rất nhiều so với ở những thành phố lớn: Việc làm khó kiếm hơn, thu nhập (bình quân) thấp hơn, và chi phí sinh hoạt rẻ hơn; Dân số ít hơn, mật độ dân cư thấp hơn và có nhiều không gian khoáng đạt hơn cho việc “hít thở”.

Ở quê, mọi người đi ngủ sớm và thức dậy cũng rất sớm. Con mình cứ ngạc nhiên bảo sao hàng xóm nhà bà nhiều nhà đóng cửa tắt đèn sớm thế, mới 9h mà nhà đã tối um rồi :)).

Đấy là mùa hè đấy con, còn mùa đông 7h tối các cụ đã lên giường cả rồi, lúc gà chưa cả lên chuồng :)).

Và 4h30 sáng đã bắt đầu một ngày mới, người xỏ giày, người dắt xe ra khỏi nhà.

Ngủ sớm có muôn vàn ích lợi cho sức khoẻ, vẫn biết là thế, nhưng cái kiểu cư dân của đô thị lớn mấy chục năm như mình rồi, khó lấy lại được nhịp sinh hoạt như vậy lắm.

Nhiều hôm chẳng làm cái quái gì nhiều cả mà cứ loanh quanh loanh quanh đến tận nửa đêm. Sáng ra lại dậy rất sớm, kiểu mất ngủ và vì vậy ngủ không đủ giấc hoặc nếu dậy muộn do ngủ quên thì lại cảm thấy người mệt nhoài.

Về quê lần này khá lâu mình mới có dịp quan sát rõ hơn nhịp sống ở nơi mà mình đã từng trải qua suốt thời thơ ấu.

Và mình đã hiểu tại sao ở các nước có lịch sử phát triển đô thị hàng trăm năm , khu dân cư ngừoi ta lại thiết kế ra những vùng ven xa trung tâm ồn ào, đông đúc. Nhà giàu thì họ thích ở những villa vùng ngoại ô. Và người già phần lớn sẽ hồi hương về miền quê thôn dã, sống trong những căn nhà tranh bé nhỏ và giản tiện nhưng ngập tràn ánh sáng của thiên nhiên.

– Con thích xuống Hà Nội học và sẽ biết đâu đấy lại vào Sài Gòn lập nghiệp giống như mẹ em Bống!

Lời của một cháu gần nhà mình khi cháu nói chuyện với mẹ của cháu đấy, lúc mình sang nhà cháu chơi!

Tuổi trẻ mà, có mấy ai lại thích ngồi im một chỗ đâu. Chúng sẽ luôn hướng đến những chỗ của ánh sáng năng động, tràn đầy sự cạnh tranh và lấp lánh màu sắc của nhịp điệu hối hả.

Cuộc đời là như thế, giữa các thế hệ như đi trên những chuyến tàu ngược. Và dù phương chỉ đến đâu Bắc hay Nam, Đông hay Tây thì về bản chất vẫn là những chuyến hành trình đi tìm một cái gì đó, một điều gì đó phù hợp với mình.

Cuộc đời, cơ bản là những chuyến đi!

Mình lại xuống nhà lấy lên một tách nước lá tía tô ấm nóng mẹ nấu, dọn dẹp vài thứ linh tinh trong phòng, mở toang hết các cánh cửa phòng ngoài ban công và bật lên một bản nhạc du dương.

Hoa đồng tiền bên ngoài lại nở hồng rực và những cánh hồng nhung dường như đỏ sẫm lại dứoi những cơn gió mang hơi thở chớm thu Tháng Tám!

Khi bản “Hello” của Adele vừa kết thúc thì nhìn ra mình thấy những đoá đồng tiền rung lên, khẽ nghiêng. Do những hạt mưa đấy!

Mưa sớm mai sao mà nhẹ nhàng như không khí quanh mình lúc này. Chỉ lắc rắc vài hạt ban đầu rồi dần dần mới mạnh hơn lên nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức rả rích, rả rích chứ không quá cuồng nộ của thứ mưa mùa hạ tháng Bảy!

Nghĩ thế nào mình lao xuống nhà!

-Mẹ ơi, ở chợ mình (gần nhà mình) có mấy hàng bánh cuốn ngon lắm nhỉ. Để con đạp xe lên mua

-Mưa rồi mà con. Thôi mưa vậy ở nhà đi, bữa nay mẹ luộc mì chấm nước mắm chanh ăn cho đúng vị. Ăn phở mãi cũng đổi đi cho đỡ chán

– Không, mưa nhỏ mà mẹ. Con mặc áo mưa đi đâu sao

-Ừ, thế nếu con thích thì đi. Nhớ là mua của hàng cái chú mà trông hiền hiền ấy nhá. Hàng chú ấy là ngon nhất chợ đấy!

Nhà mình gần như ai cũng là “thần” các món ăn phái sinh từ “hạt gạo”: Bánh cuốn, bún, phở, bánh đúc, bánh tẻ….Thật, chứ không ngoa là mình có thể ăn những thứ này quanh năm được, không biết chán.

Một phần cũng là do ảnh hưởng của bà ngoại mình. Bà khi xưa ăn uống nếu theo như khoa học hiện đại bây giờ thì là chưa được tốt lắm, vì bà gần như cả đời không hề ăn rau xanh. Không ăn cơm chan với nước canh. Và bà ăn rất ít cơm, ít thịt.

Các món ăn hàng ngày của bà chỉ là mấy cái loại bánh mình kể trên: Thứ nhất là bún, bà toàn ăn khô, tức là bún rưới nước mắm chanh; giả sử hôm nào không có bún thì ở nhà bà lấy mì khô (giống kiểu mỳ chũ Bắc Giang ấy ) luộc lên ăn với nước mắm;

Thứ hai là bánh tẻ, bánh rợm, bánh rán;

Thứ ba là bánh cuốn: Thứ bánh cuốn lá tráng mỏng như bánh cuốn Thanh trì, bà chỉ thích bánh cuốn tráng với nhân mộc nhĩ chứ không phải nhân thịt.

Ở Sài Gòn giữa bao nhiêu hàng bánh cuốn, cả trong những đường lớn hay hẻm nhỏ, mình chỉ mê nhất cái loại bánh cuốn mỏng tang và mang đậm vị bánh cuốn Bắc là quầy bánh cuốn ở trong siêu thị Coopmart.

Chắc hẳn nhiều bạn cũng có cùng nhận định này với mình nếu đã từng thử bánh cuốn và chả quế ở đây. Thứ bánh vừa tráng, còn nóng hổi, gắp lên chỉ thấy một màu trong suốt của thứ bột gạo tươi mới hoà vào với những mảnh mộc nhĩ nâu đen đã được băm nhỏ , có thể làm hài lòng bất cứ tín đồ nào “nghiện” cái món ăn dân dã này.

Mẹ mình ngày còn ở trong Sài Gòn với mình cũng rất mê cái món bánh cuốn Hà Nội của Coopmart, mẹ thậm chí còn nói, nó ngon hơn cả bánh cuốn ở quê mình. Mình thấy cũng không hề sai đâu! Hai mươi nghìn một hộp (hình như bây giờ là hai hai nghìn rồi, nếu mình nhớ không nhầm). Ăn một hộp này thì no tới chiều :)).

Bánh cuốn có cái hay nữa là rất được các bà các cô quảy đi bán rong. Khi còn nhỏ mình đã từng nhiều lần đổi gạo lấy bánh cuốn.

Thời xa xưa hay có kiểu mua hàng đổi bằng gạo như thế, chứ không phải trả bằng tiền, “gạo” được dùng là vật trung gian trao đổi. Ba bò gạo sẽ đổi được một cân bánh cuốn chẳng hạn, mình cứ ví dụ thế.  

Những lá bánh cuốn mỏng, xếp chồng lên nhau gọn gàng lên lớp ni lông đặt trong một cái thúng, sẽ được cô bán hàng dùng tay gỡ ra từng lớp, số lượng nhiều ít tuỳ vào nhu cầu của khác hàng.

Rồi cô nhẹ nhàng đặt những tấm bánh vào mảnh lá chuối xanh nõn và bỏ lên mặt của cái cân sắt đen xì.

Cái cân xách này, theo trí nhớ của mình, phần nhiều đã cũ kỹ lắm rồi, chúng cứ rệu rạo như răng bà lão. Ấy thế mà nó vẫn đầy thu hút, cứ nhìn ánh mắt của người mua và người bán nhìn lên cái thanh ngang hiển thị khối lượng hàng hoá thực tế đang được đặt lên bàn cân với nhu cầu của khách mua là biết.

Nếu là ít hơn khi cái quả cân di chuyển đúng đến vạch chỉ lượng hàng cần phải có  trên thanh đo lường thì cái thanh đó cứ cao vống cả lên, mất thăng bằng

-Chưa đủ đâu con, để cô cho thêm vào chút nữa

Và cái tay cô khéo làm sao khi chỉ một lần lấy thêm, số lượng hàng trên cân đã đủ  khiến nó cân bằng trở lại.

Còn ngược lại, nếu nhiều quá so với định lượng thì cái thanh ngang sẽ võng xuống : Con ơi, dư có một chút xíu thôi, thôi mày lấy cho cô hết đi, cô lấy rẻ đi xíu, bán nhanh cho hết hàng cô còn về để ra đồng!

Đấy, cái kiểu trao đổi hàng bánh cuốn của mình mấy chục năm trước ở quê nhà kiểu như thế! Bánh cuốn gói trong lá chuối, mát lạnh và vẫn nghe mùi thơm của lúa chín đầu mùa!

Suốt bao nhiêu năm cuộc đời, mình luôn nhớ đến hình ảnh bà mình cắp cái thúng khi đi chợ về, trong cái thúng thần kỳ đó không thể thiếu được những tấm bánh cuốn, thứ bánh chất chứa cả cái  hồn quê đất Việt.

Mình mặc áo mưa, đội nón lá và trèo lên xe. Và đi trong mưa. Trời, công nhận trông từ xa kể ra cũng lãng xờ mạn phết đấy, lắm chuyện còn đi trong mưa nữa chứ.

Nhưng mục đích thì lại phồn thực chết, chả có tí chút gì mộng mơ cả :)). Ấy là vì thực ra cái người đội mưa đội gió ra đi cũng chỉ để lấp đầy cái dạ dày, công cuộc giảm cân có vẻ quá gian nan :)).

Cứ thẳng con đường rộng đẹp, chỉ khoảng chưa đến một cây số là cái chợ trung tâm Gang Thép đã hiện ra trước mắt rồi. Vẫn những quán hàng cũ kỹ, xưa kia lợp bàng rơm rạ và ngày nay thì bằng phông bạt.

Nghe nói bà con tiểu thương chỉ thích giữ lại những gì như thế, họ không thích biến nơi đây thành một cái chợ thương mại hoành tráng với nhiều chi phí đắt đỏ mà với thu nhập hàng ngày họ không thể kham nổi.

Thực tế ở nhiều tỉnh thành cũng cho thấy, nhiều chợ truyền thống khi được xây dựng lại cho hiện đại hơn thì lại rất vắng bóng người. Có thể, vì khi đó cái chợ thật sự là “chợ” đã mất đi cái hay nhất của nó, là sự tiện lợi rồi!

Xuyên qua những sạp hàng vẫn đóng cửa do còn sớm, mới 6h sáng mình dừng chân lại quán bánh cuốn do một anh, chắc cũng trạc tuổi mình, làm chủ, đúng như lời mẹ mình dặn.

Anh đang ngồi tráng bánh .  Trên mặt bàn mấy chục hộp bánh cuốn đã được xếp sẵn, chờ người đến lấy. Mới sáng sớm mà đã có người đặt hàng nhiều vậy rồi. Đúng là quán ăn càng ngon thì chủ quán càng phải hoạt động không ngơi nghỉ, từ sớm cho đến tận khi buổi hàng kết thúc, theo giờ đã ấn định.

Dưới đôi bàn tay thoăn thoắt của anh, chiếc đũa cả khi được nhấc lên khẽ khàng, lúc lại chạy như lăn trên tấm vải căng trên mặt nồi.

Bếp than hồng rực, hơi nước bốc lên từ đáy nồi nhanh chóng làm chín thứ nước gạo, được pha chế theo một bí kíp riêng. Chất lỏng được dàn đều và người ta rắc vào đó nhân bánh, thường là thịt bằm và mộc nhĩ  đã nấu chín.

Bột nước hỗn hợp nhân nhanh chóng sệt lại và được cuộn thành khối thuôn dài. Người thợ bánh nhấc ra, cho vào đĩa và lại lặp lại những đợt bánh tiếp theo. Cho đến khi đủ đĩa theo yêu cầu của thực khách thì tạm ngưng, anh với tay lấy kéo cắt ra thành khúc dài chỉ độ hai đốt tay. Và rắc lên đó những miếng hành khô vàng ruộm

Và giờ thì một đĩa bánh cuốn nhỏ xinh và hấp dẫn đã ở trước mặt mình. Cô con gái của anh – chắc là trợ lý của bố trong những ngày hè đây mà, trên người vẫn còn mặc cả áo khoác nhẹ đồng phục học sinh cấp ba,  nhỏ nhẹ nói với mình:

-Cô có thích ăn cay thì lấy ở lọ này ạ. Nước chấm trong âu này nhà cháu không bỏ ớt!

Mình cảm ơn cô bé và  ngồi thưởng thức thứ quà yêu thích trong một buổi sáng mưa. Bánh cuốn thì ăn nhanh lắm :)), chẳng mấy lúc mà hết cả đĩa rồi. Mình gọi thêm ba suất nữa cho mọi người ở nhà rồi chào cha con anh bán hàng quay trở về.

Có thêm nhiều người nữa rẽ vào mua bánh cho bữa sáng.

Mưa đã thưa hạt hơn, và vì vậy mình chỉ cần đến nón.

Áo mưa của mình, lúc này, trở thành vật để đậy lên những hộp bánh mình để trong giỏ xe. Y như cái tấm vải kèm ni lông đậy trên cái thúng tròn đi chợ của bà mình,  ở những năm tháng xưa cũ. Dù là , lúc đó, trời không hề mưa.

August 3, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.7

by Rose & Cactus August 1, 2024

Tuần này hai mẹ con mình có kế hoạch đi Đền Hùng thì trời lại mưa suốt. Mưa rả rích không nghỉ đêm ngày. Mưa ngập lụt ở các tỉnh vùng chiêm trũng. Mưa gây sạt lở đất vùng cao. Cả bầu trời mịt mùng những hơi nước!

Không ngạc nhiên vì tháng Bảy là tháng có lượng mưa lớn nhất ở miền Bắc. Và mưa vẫn còn kéo dài, sang đến tận những ngày chớm thu!

Những ngày chớm thu nghĩa là Thu chưa tới dù tháng Tám đã đến bên khung cửa, nhà mình!

Sáng đầu tiên của tháng được đặt theo tên Hoàng đế Augustus (August), mình trở dậy và mở cánh cửa sổ phòng sau. Vẫn là khung cảnh quen thuộc của mùa hạ, cây cối xanh mướt và mọi vật thẫm đẫm nước mưa.

Cái bể xi măng rêu phong, chuyên để hứng nước mưa cho nhu cầu rửa ráy sân nhà hay tưới rau, giờ nước đầy nên đã tràn cả ra ngoài. Vào mùa mưa, cái công tơ đo chỉ số nước nhà mẹ có vẻ quay chậm hơn hẳn. Nước máy- nước sạch chỉ để dành cho ăn – uống, còn mọi hoạt động cần đến nước khác thì đã có nước mưa thay thế.

Xưa kia, khi không khí còn sạch, ít bụi thì nước mưa là ngọt lành nhất, thậm chí còn hơn cả nước giếng khơi. Trời mưa, nhà ai cũng lo trữ nước và lũ trẻ thì lao ra tắm mưa và ngửa cổ uống nước mưa. Uống thoải mái, nước mưa rơi từ trên trời – rõ là chưa được đun sôi, vậy mà hoàn toàn không hề đau bụng gì cả.

Bây giờ thì môi trường, kể cả môi trường trên không và dưới nước, đều đã quá ô nhiễm rồi. Bởi vậy, không phải không có lý khi người ta dự báo rằng trong tương lai không phải là dầu mỏ mà là nước – nước sạch mới là nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc xung đột giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt, dù cho ở nơi đang bị sa mạc hoá- cả năm không có lấy một giọt nước mưa hay ở vùng lũ lụt cả tháng- với những cơn  mưa tràn trề.

Mưa chỉ còn rơi rắc vài hạt, tạo thành tiếng lộp bộp trên những tàu lá chuối. Mình vào nhà rót tách trà nóng mẹ vừa nấu và quyết định mang máy ra khung cửa sổ hướng ra vườn sau, thay vì ngồi tại chiếc bàn sáng trưng ánh đèn như thường lệ.

Khung cửa sổ của nhà giữa phố chứ không phải khung cửa sổ hai nhà cuối phố :)), cái cửa sổ cũ kỹ với những thanh gỗ sơn xanh và cánh cửa khi khép vào thì hoàn toàn không thấy gì bên ngoài nữa, chỉ có thể cảm nhận làn gió lọt vào qua những khoảng hở giữa các thanh chắn xếp nghiêng.

Màu thời gian bàng bạc ở những đồ vật kiểu như thế này! Nó cũng bàng bạc ở giai điệu xa xăm, vi vút trong ca khúc mang tên  “August” – Tháng Tám của Swift.

Salt air, and the rust on your door
I never needed anything more
Whispers of “Are you sure?”
“Never have I ever before”
But I can see us lost in the memory
August slipped away into a moment in time

https://roseandcactus.com/wp-content/uploads/2024/08/August-2-1.mp4

 

Vậy là tháng Tám đã về rồi. Nhanh quá!

Một năm đã trôi qua, tháng tám năm ngoái mình cũng có một loạt bài viết trong cái tháng chuyển giao giữa mùa hạ và mùa thu và con mình nó có hướng dẫn cho mình làm video trên Canva bài hát trong album Folklore (Chuyện kể dân gian) này. Chính là video bên trên đấy!

Ngay từ khúc nhạc đầu, “August” đã cuốn hút mình rồi vì cái giai điệu của nó sao mà lại hợp với cái không khí heo may của Thu đến thế. Nó cứ da diết, váng vất một nỗi buồn, kiểu buồn nhẹ tênh, man mác.

Trong giai điệu đó sao mình lại nghe ra như có tiếng sáo, tiếng sáo trên thảo nguyên bao la, một kiểu thảo nguyên giống như ở vùng Trung Á hay ở nước Nga xa xôi trong các truyện ngắn của Marxim Gorki, đã từng làm mình say mê biết bao dù chưa bao giờ được đặt chân đến.

Có lẽ không có đâu cho cảm giác Thu hơn là Thu như trên những vùng đất như thế. Những vùng bình địa cao, luôn lộng gió, và chủ yếu mọc trên đó là các loại cỏ, bạt ngàn cỏ.

Như cỏ lau chẳng hạn. Sao lại có thứ có thơ mộng và gây thương nhớ đến thế chứ! Ngắm những bông cỏ lau trắng phau hay phớt tím đẹp nhất là trong ánh hoàng hôn của một chiều thu sắp tàn.

Khi những cơn gió thu nhè nhẹ chạm vào những bông cỏ với dáng điệu thướt tha, ở mức chỉ đủ làm chúng phất phơ trong cái cô liêu, tịch mịch nơi thảo nguyên mênh mông, trống trải, thì hẳn rằng trong mỗi chúng ta không thể không dâng lên một niềm cảm xúc bâng khuâng khó tả.

Với khung cảnh như thế thì dù là nhạc, hay là thơ hay là truyện ngắn thì khó mà không mang một âm hưởng đầy nuối tiếc hay day dứt được.

“August” của Taylor Swift kể về một câu chuyện tình yêu tuy ngọt ngào nhưng dang dở, buồn cũng như câu chuyện tình những người du mục, của chàng Zôbar và nàng Radda được Gorki kể lại một cách đầy ấn tượng trong Makar Tsudra.

August slipped away like a bottle of wine
Cause you were never mine

Nhưng cái buồn trong hai tác phẩm âm nhạc và văn chương đó không hề làm cho ta chán ghét mà ngược lại, càng thêm yêu thiết tha cuộc sống. Vì cái đẹp  vẫn hiển hiện trong muôn vàn những điều bình dị ở cõi nhân gian này, chừng nào chúng ta còn tồn tại để có thể cảm nhận.

Như có người đã cho rằng  “Giá trị của cuộc đời là yêu chứ không phải được yêu” (Trong tác phẩm viết về tình bạn của nhà triết học và thần học Hugh Black mà mình đã đăng ở loạt bài viết trước)

“Tình yêu thực sự là ngay cả khi không được đáp lại thì ta cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc khi người mình yêu tìm được hạnh phúc với người khác. Tình yêu, con nghĩ, phải là sự rung cảm và đồng điệu của hai tâm hồn, hoàn toàn là tự nguyện và không bao giờ chứa đựng sự ép buộc.” 

Đó là quan điểm của con mình khi cháu kể cho mình nghe về cuộc đối thoại của cháu và các bạn ở lớp quanh chủ đề “Tình yêu”, cách đây cũng khá lâu rồi. Con cái chúng ta có thể có những suy nghĩ chín chắn và sâu sắc hơn ta tưởng rất nhiều.

Nên dù thật là man mác nhưng nghe mãi mà mình vẫn thích “August” hay đọc riết nhưng thi thoảng vẫn nghiền lại những truyện mang hơi thở thảo nguyên của Gorki.

Tháng tám, mình lại nhớ đến “The rural life” (Cuộc sống nơi thôn dã) của Verlyn Klinkenborg mình đã đọc vào tháng tám năm ngoái và năm nay thì mình đang nghiền ngẫm “Seasons in a country garden” (Các mùa trong khu vườn đồng quê) của Freda Cox.

Những dòng chữ viết tay được minh hoạ bởi những hình vẽ cây cỏ trong cuốn sách khiến cho lòng người như mềm lại trong những ngày mưa tháng Tám!

Tháng tám

By Freda Cox

Ngày 21 tháng 8

Qua Shrewsbury rồi xuống Church Stretton và ngược lên Long Mynd. Church Stretton là một thị trấn nhỏ thịnh vượng, nằm giữa những ngọn đồi, nhưng khi bạn lái xe lên Burway, các cửa hàng sẽ bị bỏ lại phía sau. Sau khi vượt qua những chuồng gia súc, bạn sẽ đến Mynd.

Những ngôi nhà dừng lại đột ngột và bạn có thể đang ở một thế giới khác. Màu xanh tươi tốt của cây cối và vườn tược nhường chỗ ngay cho những sườn đồi hoang sơ, nhấp nhô, cằn cỗi, phủ đầy thạch nam.

Những mảng cây kim tước, quả việt quất và dương xỉ trải dài trên bãi cỏ ngắn, nhẵn, được cắt xén và những mỏm đá trơ trụi. Những dòng suối nhỏ tạo thành những dòng nước màu bạc chảy xuống thung lũng bên dưới, từ những vùng trũng lầy lội, phủ đầy những lớp đệm sâu màu xanh ngọc lục bảo, đầy rêu.

Đàn cừu tha thẩn trên sườn đồi, để lại những vệt đất đỏ hẹp, ngoằn ngoèo giữa những bụi thạch nam màu tím đậm trải dài ra xa trong làn sương mù ánh sắc hoa cà. Con đường hẹp ngoằn ngoèo, những góc nhọn lộ ra một đoạn dốc dựng đứng đổ xuống thung lũng.

Tôi nghĩ cách duy nhất để băng qua Long Mynd là đi lên con đường này và đi xuống phía bên kia – không bao giờ đi ngược lại – khi đó người ta sẽ cảm thấy an toàn hơn, vì điểm rơi luôn ở phía đối diện của con đường! Xa xa, tàu lượn cất cánh và hạ cánh từ sân bay, ngay trên đỉnh núi.

Chúng uể oải quét xung quanh, giống như những con chim đen to lớn, trôi nổi trên những luồng không khí đang dâng cao. Nhận tín hiệu cho niềm hy vọng của Ratling, con đường rẽ sang bên phải trước khi va vào một mạng lưới chăn nuôi gia súc khác và len lỏi giữa vùng đất canh tác.

Sau đó, sườn đồi lại mở ra trong khi phía dưới, sương mù của một cơn bão quét qua thung lũng, xóa sạch những ngọn đồi phía xa. Tận hưởng niềm vui gia súc dạo qua những cánh đồng nhỏ chắp vá và một chiếc máy kéo nhỏ xíu di chuyển chậm rãi và lặng lẽ, đốt cháy vùng đất nâu.

Ra khỏi ngọn đồi một lần nữa, con đường lại lọt vào giữa những bờ cỏ sâu, mỏng manh, đan xen với những hoa “hairbell” và cỏ dại. Một vài mảng khăn trải giường của quý cô tạo thêm một vệt màu vàng đẹp đẽ giữa những bông “hairbell” màu xanh đang gật gù, xào xạc với nhau trong gió.

Bây giờ thấp dần, những cây táo gai uốn cong theo gió nhường chỗ cho những hàng cây phỉ cao hơn, tươi tốt hơn với những hạt bọc xanh ẩn mình giữa những chiếc lá tròn – một mùa thu hứa hẹn sẽ đến. Những tua kim ngân dài rủ xuống trên cành, hoa màu trắng kem và đỏ tím đậm, tỏa hương thơm ngào ngạt dọc theo con đường hẹp.

Hai chú mèo con màu xám nhỏ xíu nhanh chóng biến mất qua cánh cửa chuồng khi chúng tôi đi ngang qua và cái mông của một con chó, với cái đuôi vẫy điên cuồng, lao ra khỏi đám cỏ rậm rạp và những bụi mâm xôi ở chân hàng rào, rõ ràng đang đánh hơi một cuộc săn mồi thú vị. Những ngôi nhà xuất hiện và con người rồi lại là đường chính, với dòng xe cộ chạy mải miết về nhà.

Tháng tám!

Tháng của lay ơn (văn hoá phương Tây) nhưng ở Việt Nam là mùa của hoa huệ.  Lay ơn và huệ có dáng hình giống giống nhau, không biết có phải là cùng một họ không nhỉ? Để mình tìm hiểu kỹ hơn, có vẻ như không phải.

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã có một bức tranh sơn dầu được liệt vào hàng những tác phẩm tiêu biểu nhất trong nền mỹ thuật Việt Nam là bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”.  Nhưng hoa huệ trong tranh là hoa huệ tây, hay chúng ta gọi là hoa loa kèn.

Mùa hoa loa kèn qua lâu rồi. Tháng tám chỉ còn hoa huệ ta. Hôm mình với mẹ ra mộ ông bà có mua bốn bông hoa huệ trắng, ở khu chợ ngang đường.

Bác bán hàng nói hoa là của nhà bác trồng được và vì hôm nay là ngày thương bình liệt sĩ nên bác có hái nhiều hơn so với những ngày thường.

Những cành hoa huệ dài, trắng muốt, đẹp một vẻ đẹp thuần khiết và trong sáng, luôn là một loài hoa lý tưởng để dâng lên những chốn trang nghiêm. Với thế hệ mình khi xưa, thì trong vườn nhà ngoài hoa hồng, hoa thược dược ra thì không thể thiếu hoa huệ. Cũng giống như thược dược, hoa huệ cũng được trồng bằng củ.

Hoa huệ đã được trồng ít nhất 3.500 năm trước và hoa huệ trắng (Madonna Lily) đã được Giáo hội Thiên chúa giáo sơ khai chấp nhận như một dấu hiệu của sự thuần khiết. Trong nhiều thế kỷ, hoa huệ đã được yêu thích vì hương thơm và vẻ đẹp của nó.

Hình thức của nó đã được sử dụng để trang trí các bức bích họa và bình hoa của người Cretan từ khoảng năm 700 trước Công nguyên. Nó có thể được tìm thấy trong các bức phù điêu của người Assyria. Hoa huệ là một trong những loài hoa được vẽ nhiều nhất mọi thời đại trong nghệ thuật và được các bậc thầy xưa đặc biệt yêu thích.

Pliny the Elder đề cập đến hoa huệ trong bài viết của mình, được dịch bởi Philemon Holland vào năm 1601 – “bên cạnh hoa hồng, không có loại hoa nào đẹp hơn hoa huệ, cũng như không có loài hoa nào có giá trị cao hơn”.

Người ta từng nói rằng hoa huệ trong nhà sẽ bảo vệ những người ở trong nhà khỏi tà ác và phù thủy, đồng thời mang lại bầu không khí thánh thiện. Củ hoa huệ bao gồm các vảy dày, tươi với thân lá mọc thẳng mang hoa dễ thấy với nhiều sắc thái.

Hoa có thể có hình loa kèn hoặc có cánh hoa phản chiếu. Hoa huệ không thích bị di chuyển một khi chúng đã ổn định. Người xưa có câu rằng nếu hoa huệ nở đẹp thì bánh mì sẽ rẻ.

Tháng tám!

Ngô (bắp) cũng vẫn đang mùa. Những chiếc bắp nếp mềm dẻo thật là thích hợp để nhâm nhi trong những ngày mưa lạnh thể này. Luộc hay nướng đều tuyệt cả. 

Vậy nên, sáng nay mẹ mình lại có bữa sáng cho cả nhà bằng những trái bắp luộc nóng hổi, như một cách chào đón tháng Tám, tháng vẫn còn có thể thu hoạch ngô!

Những con búp bê ngô

 By Freda Cox

Đã qua lâu rồi cái thời người ta cắt ngô bằng tay và buộc thành cọc. Chất lên xe và chở về kho. Bây giờ mọi thứ đều được cơ giới hóa nhưng không hiểu sao những kiện hàng khổng lồ nằm rải rác khắp các cánh đồng lại không còn lãng mạn giống như thế nữa.

Tuy nhiên, búp bê ngô vẫn rất phổ biến mặc dù chúng có thể không còn bị cuốn hút nhiều như trước! Chúng bắt nguồn từ dải ngô cuối cùng trên cánh đồng – khi chỉ còn đủ để làm thành một tấm thì nó được buộc lại với nhau khi nó vẫn đứng vững. Sau đó, các công nhân ném liềm vào để cắt ngô mà không có ai chịu trách nhiệm vì việc cắt những bắp ngô cuối cùng được coi là rất xui xẻo.

Cuối cùng, khi được cắt ra, nó được tạo hình gần giống hình người bằng cách buộc và tết. Nó ăn mặc như một người phụ nữ với rất nhiều dải ruy băng và được gọi là “búp bê ngô”, “kern baby” hay “cô gái ngô”. Ở một số nơi, nhiều hình dạng và hoa văn phức tạp hơn đã được tạo ra.

Những thứ này được cho là sẽ giữ linh hồn của ngô cho đến mùa tiếp theo và sẽ được giữ trong nhà suốt mùa đông cho đến vụ thu hoạch sau. Những câu chuyện khác nhau đến từ những miền đất nước khác nhau nhưng lý do đều giống nhau để giữ tinh thần ngô cho đến năm sau.

Demeter là Nữ thần ngô của Hy Lạp – mẹ ngô – con gái của bà là Persephone tượng trưng cho sự huyền bí về sự sinh ra và cái chết của cây ngô. Ceres, nữ thần ngô chịu trách nhiệm giấu hạt ngô trong lòng đất và cho hạt chín và người Ai Cập cổ đại tôn thờ nữ thần Isis của họ về sự nảy mầm của hạt giống.

Những truyền thống cổ xưa này vẫn còn tồn tại trong những hình dạng xoắn tết mà chúng ta dệt ngày nay, mặc dù nguồn gốc của chúng đã bị lãng quên từ lâu.

So many August fogs, so many winter mists!

Bao nhiêu sương mù tháng Tám, bấy nhiêu sương mù mùa đông!

August 1, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.6

by Rose & Cactus July 30, 2024

Buổi sáng đạp xe về đến con đường gần nhà, giữa đường bất giác ngẩng lên mình thấy dãy núi Tam Đảo hiện ra trước mắt,  ở phía đằng xa. Rõ nét, xanh thẫm trên nền trời quang mây. Trập trùng và thật hùng vĩ!

Từ nơi mình đang đứng đến vị trí mà cả dãy khối đá khổng lồ đã sừng sững đứng đó cả ngàn năm, không quá gần đâu. Cũng phải năm chục cây đấy. Ấy thế mà sao mình cứ cảm giác như không hề có khoảng cách. Như là mình có thể leo lên, trèo lên luôn được vậy. Chứ đúng ra là bay mới phải. Bay về phía đỉnh cao, ở mãi tít tận đường chân trời.

Lúc đó bất chợt hình dung mình như một cái chấm nhỏ giữa mặt phẳng bao la, trong vùng bóng mà khối núi cao đổ xuống mặt đất. Vì núi cao nên mới nhìn rõ được từ xa, và vì từ xa quan sát nên toàn bộ không gian rộng lớn, khoáng đạt đó đều có thể thu hết được vào trong tầm mắt!

Mình nhớ năm mình 9, 10 tuổi gì đó khoảng năm 1990, vào một buổi chiều thu se lạnh, trên con dốc khu tập thể, mình và bác Xuân (lúc đó bác bế một em nhỏ) đang chú ý ngắm dãy núi Tam Đảo. Nói qua là vì lúc đó cảnh sắc đẹp theo kiểu rất Thu. Mới bốn giờ chiều, mẹ mình còn chưa đi làm về, mà đã cảm giác hơi lạnh thấm qua làn áo rồi.

Nắng yếu không đủ sức nhuộm làn sương mỏng chơi vơi lưng chừng trời sang một màu sắc khác. Nó hoà lẫn vào với sương bao phủ quanh đỉnh núi, phản chiếu một thứ ánh sáng le lói cuối cùng trước khi vụt tắt. Chiều thu qua rất nhanh và tối thu sẽ dài đằng đẵng. Như dải sương- mây giăng mắc theo chiều ngang của rặng núi.

Trên đỉnh núi Tam Đảo vươn lên một cột tháp truyền hình từ độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển. Cây cột thẳng đứng, dĩ nhiên rồi. Nhưng bất ngờ, cả mình và bác Xuân bỗng thấy sao mà nó đang như nghiêng đi. Hình như mọi thứ đang nghiêng, đang chao đảo. Có chút rung chấn nhẹ. Động đất!

Đó có lẽ là lần duy nhất mình chứng kiến động đất. Có thể rất nhẹ thôi, nhưng đủ mức mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Chưa kịp sợ thì cơn rung chấn đã qua rồi! Nhanh cũng như khi nó đến!

Nhưng cái buổi sáng mấy ngày trước, lúc mình dừng xe lại để nhìn lâu hơn dãy Tam Đảo thì không gian lại rất lặng yên. Chỉ có cái nóng là như thiêu đốt. Nhiệt độ ngoài trời gần trưa chắc có thể lên đến 40 độ, luồng khí nóng khắc nghiệt đến mức có thể làm cho một người đang trong cơn ốm vặt cũng có thể xỉu được nếu đứng ở ngoài trời.

Vào mùa hạ, ông trời cứ ngưng mưa vài ngày thì thời tiết lại thành ra là như thế. Nóng đến điên người lên và thế là người ta lại khao khát mưa. Mọi sinh vật đều mong mưa, kể cả cỏ:

Cỏ khát, khát tiếng mưa rơi

Trên những lối đi giữa những hàng mộ ở nghĩa trang nhỏ nơi ông bà mình yên nghỉ, cỏ đã mọc lút đầu. Cỏ mọc cả ngay trên những ô rỗng trên bề mặt xi măng của nhiều ngôi mộ, có khi đã lớn thành những cây cao đến cả hàng mét.

Cỏ, những cây có gai, xấu hổ hay tơ hồng chằng chịt, cuốn lấy mỗi bước chân người vào viếng mộ. Chỗ nào hở ra được một chút thì mặt nền sẽ sáng bóng sắc xanh của rêu.

Rêu quyện với những vệt nước ri rỉ ra từ những kẽ đất sát những ngôi mộ. Dù trời đã hoàn toàn khô ráo rồi mà những giọt nước vẫn còn hiện diện ở những chỗ ẩm thấp như thế. Bước chân trên những bờ rêu này phải chú ý cẩn thận không dễ trơn trượt, sái khớp cẳng chân như chơi.

Rêu là loài thực vật cực kỳ yêu thích mùa hạ. Không tin bạn thử ngó xuống giếng là biết. Những chiếc giếng khơi vùng đồi, quả thực, là nơi cung cấp một nguồn nước tuyệt diệu nhất mà mình có thể tự tin khẳng định thế.

Đất cao ráo, và nhiều những mạch nước ngầm nằm sâu trong lòng những tầng đất đá ong nên đất cũng “sạch” hơn và nước cũng trong và ngọt hơn ở vùng đồng bằng.

Những cái giếng miền trung du có thể sâu hun hút, và không thích hợp cho những ai yếu tim khi thò đầu ngó xuống. Nước trong vắt in rõ nền trời xanh thăm thẳm. Bạn hứng chí mà thả một hòn đá xuống thì một lúc mới nghe được âm thanh rơi tõm trên mặt nước. Tiếng vang đập vào khung thành hẹp của giếng và dội ngược lên thành những tiếng ngân dài.

Lũ trẻ thấy thích thú với điều đó và đôi khi chúng sẽ có cách khác để “tiêu khiển” âm thanh bằng những cái “loa mồm”. Những cái đầu bé xíu, tóc bết lại vì mồ hôi, chúc xuống miệng giếng và hét ầm lên chỉ để mong đợi tiếng hét của mình đã được biến tấu sao đó, nghe hay hay và rùng rợn, trong chiều quay ngược lại từ dưới lên

Mùa mưa, mực nước giếng đồi dâng lên cao hơn. Độ dài của những chiếc dây gầu có thể được thu ngắn lại đồng nghĩa với việc ta cũng đỡ vất hơn khi kéo nước lên.

Mùa mưa, xung quanh thành giếng dương xỉ và rêu xanh rì, tốt um. Nếu là giếng của những ngôi nhà bỏ hoang, ở quê khi xưa làng nào bạn cũng có thể bắt gặp những căn nhà nhỏ bé không có người ở như thế – thì những loài thực vật này sẽ lấn chiếm hết khoảng không trong lòng giếng.

Rêu bám thành thảm quanh gờ bên trong giếng và dương xỉ thì tràn ra che kín đến không còn có thể nhìn thấy mặt nước. Mạng nhện chăng quanh các vòm lá. Các cành củi khô, lá khô và tươi, các quả khô nhẹ hều hay tơi tả vì chim mổ,  rơi rụng mắc kẹt lại trên những bụi cây mọc nghiêng từ bên này trùm sang bên kia vách giếng.

Cả một thế giới sinh vật hoạt động nhộn nhịp dưới cái khoảnh không chật hẹp trong lòng đất hở miệng.  Điều chỉ có thể có vào mùa hạ.

-Mới có hai tháng thôi đấy con ạ, mà mưa đã làm cho cỏ dại sinh sôi nảy nở thành như rừng thế này rồi.

Mẹ mình tay thoăn thoắt phạt bớt cỏ quanh mộ ông bà và miệng vẫn không ngừng chỉ dẫn mình phải làm cái này cái kia cho đúng.

Mưa nhiều quá, đất bạc thếch, rau vườn có thể cằn cỗi đi chứ cỏ như được sống ở trên thiên đường. Bởi vậy, những gia trang rộng lớn chi phí hoặc công sức dành cho việc làm sạch hay cắt xén cỏ vào mùa hạ cũng không ít đâu. Bởi chỉ bỏ mặc vài ngày cái là vườn rau sẽ biến thành vườn cỏ ngay.

Cỏ tràn từ vườn vào sân, cỏ mọc ngay cả trên hiên nhà. Cái giống cây dại thì lại dai sức, chỗ nào chúng cũng có thể thích  nghi tốt được.

Mấy hôm mình ra vườn hái rau cũng thích nhẩn nha ngồi nhổ cỏ. Những loài cỏ hiền hoà nằm sát sạt mặt đất, hoặc nếu có cao cũng chỉ ngang cỡ loài hoa tóc tiên là cùng. Nên đôi khi chúng lại có tác dụng làm mát đất và giữ cho các chất dinh dưỡng không bị trôi đi vì những cơn mưa.

Cho nên mình sẽ không nhổ sạch những cây cỏ thấp, đặc biệt là chỗ cái lối đi ngoằn ngoèo quanh co trong vườn. Những lối đi đó mà có một lớp cỏ xanh phủ lên mặt đất thì ra vườn bạn chỉ thích đi chân trần thôi, thật đấy, vì cái cảm giác vừa êm lại vừa mát ở gan bàn chân khi chạm vào vạt cỏ sẽ khiến bạn bớt sợ hãi hơn cái bỏng rát của nắng hè.

Có một vài khoảnh khắc nào đó trong vườn mình bắt gặp lại một vài loại cỏ của tuổi thơ như cỏ mật, cỏ gà, cỏ gấu và thế là chỉ muốn reo lên như một đứa trẻ được quà của mẹ khi đi chợ về. Các bạn trẻ bây giờ có bạn nào đã biết đến trò chơi chọi cỏ gà?

Cây cỏ gà, dứoi con mắt của mình, có một vẻ gì đó rất ngỗ nghĩnh xen chút ngang tàng, giống kiểu như chú Dế mèn vậy. Vì cái đầu của nó thì có hình dáng như cái đầu gà và thân hình thì lại mảnh dẻ như sợi chỉ. Nhà văn có nhiều đoản văn gây thương nhớ miền đất Bắc là Thạch Lam cũng đã từng nhắc đến trò chơi với loại cỏ này của trẻ em thế hệ của ông, hàng trăm năm trước, trong tuyệt phẩm “Gió đầu mùa”.

Tuy vậy, cỏ lúc đó là thứ cỏ trong cơn lạnh gía của mùa đông, cỏ khô, phất phơ và  xám xịt lại một màu buồn bã. Còn cỏ lúc này, lại đang nhảy điệu reo vui cùng cơn mưa mùa hạ, xanh mướt và tràn đầy sức sống :

Cỏ uống mưa run rẩy, cỏ đang thì.

-Con nghe thấy tiếng suối róc rách đúng không, vì ngay dứoi những luỹ tre này, khuất rồi nên con khó thấy từ đây, là dòng suối nhỏ đấy.

Đúng là do tre mọc dầy đặc, xoắn xuýt lại với nhau nên đã che đi toàn bộ những gì phía sau nó. Đó chính là dòng suối.

Dóng suối mát lành nuôi dưỡng thân tre làm cho nó toát lên một vẻ đẹp từ bên trong, thân cây óng ra thứ màu ngà và tròn lẳn.

Tháng bảy, tháng tám, mưa như trút xuống con suối, nước cuồn cuộn chảy ngay bên cạnh những đám rễ tre. Tre tắm mình trong nước mưa ngọt mát để rồi từ từ, trồi lên khỏi mặt đất giữa những thân tre nhọn hoắt. Ấy là những mầm măng. Trực tiếp quan sát những búp măng có dạng hình nón này càng thấy được ý nghĩa của câu nói“Tre già măng mọc”.

Măng mang vẻ ngoài bụ bẫm, lớp vỏ cứng và dày bao bọc xung quanh khiến cho việc bẻ măng không phải là dễ với đôi bàn tay yếu ớt của người phụ nữ.

Mình xưa kia theo ông ngoại mình đi bẻ măng, cũng vào những ngày mưa hạ này, ở ngay luỹ tre ven con suối trước cửa nhà ông. Nhưng chỉ có ông, với đôi tay cứng cáp, thô ráp xù xì của lão nông mới quen với việc thu hoạch măng, chứ mình không sao bẻ nổi.

Măng cũng như tre vậy, trông xa thì mong manh thế chứ mà lại gần xem bạn sẽ có cảm giác khác ngay. Cái luỹ tre chằng chịt những cây với cây, tất cả như đúc lại thành một khối vững chắc. Măng mọc lẫn cả ở phía trong nên xuyên qua lớp giáp này cũng đáng gọi là thử thách.

Măng bẻ rồi mang về bóc vỏ đi, rồi cho vào luộc. Luộc xong vớt ra ngâm nước rồi rửa lại lần nữa. Măng lúc này rất mềm, lá măng chuyển màu vàng tươi và có vị ngọt.

Đấy là giống măng ngọt, còn có loại măng đắng ngon tuyệt nữa. Măng đắng, một đặc sản của núi rừng, mà mình thì là người con đất trung du bạt ngàn măng tre nứa nên không thể không biết thưởng thức các món măng đắng đi vào “lòng” người :))).

Đơn giản nhất là măng đắng tước sợi mỏng dính, chỉ xào cùng tóp mỡ và tỏi thôi cũng đủ làm béo quay ra với những người nghiền món ăn này kèm cơm trắng rồi :)).

Thời chiến tranh nghèo đói, bà nội mình bảo không có đủ gạo mà ăn thì người miền rừng như ông bà nội và cả thế hệ bố mẹ mình cũng toàn phải bẻ măng mà ăn thay cơm. Không hề tốt đâu vì măng chứa cyanide, một độc tố có thể chuyển thành axit cyanhydric trong dạ dày, gây hại cho sức khỏe.

“Biết thế nhưng thời khổ cực có ăn là tốt rồi, không đòi hỏi gì hơn cháu ạ.”

Mình lại nhớ đến câu nói này của bà nội mình khi bà sai mình đi tước măng chuẩn bị cho một bữa ăn trưa nào đó. Còn bà thì khệ nệ bưng chậu cám vào chuồng cho đám lợn đang rống ầm ĩ lên vì đói. Cám lợn toàn là cơm thừa canh cặn, thân chuối tươi băm nhỏ nấu với rau khoai lang.

Nuôi lợn kiểu này thì  cả năm mới được xuất chuồng, lỗ chỏng vó, nhưng thịt thì đúng là đáng đồng tiền bát gạo. Thơm và mềm. Thịt này kho với măng tươi có chút vị cay của ớt nữa thì chỉ có thể gọi là hết xảy,  nhất là trong những ngày mưa gió thế này.

Nói thêm là cũng chỉ có ở miền đất đồi núi rộng lớn mới có đủ đất cho nhiều loài cây như thế sinh trưởng và phát triển chứ dứoi đồng bằng nhỏ hẹp, đất dành cho cây lúa hết rồi thì lấy đâu. Bởi vậy mình mới hiểu tại sao các cụ dứoi các tỉnh đồng bằng Thái Bình, Nam Định, Hải Dương …khi lên quê mình dựng xây cuộc sống mới thì rất nhiều cụ cảm thấy mình cứ như “cá gặp được nước” bởi đất đai mênh mông thế thật là chỗ thích hợp để các cụ tha hồ thể hiện khả năng làm vườn.

Tha hồ có chỗ cho sự khéo léo và con mắt thẩm mỹ, vốn như đã có sẵn, được dịp bung ra. Vườn tược của nhiều cụ già dứoi miền xuôi Bắc Bộ lên khu mình lập nghiệp, khi đặt chân vào cái là thấy đã khác rồi. Luôn có sự quy hoạch bài bản, ngập tràn các loại hoa, đủ thứ cây ăn quả và rất sạch gọn. Ít nhất là đối với những trải nghiệm cá nhân của riêng mình, với những người mà mình đã sống cùng suốt tuổi ấu thơ tươi đẹp.

Mình với mẹ dọn sạch mộ phần của ông bà và mợ mình trong buổi sáng mùa hạ không mưa, không nắng. Trời âm u, nóng bức.

Vài ba chén nước, một ít trái cây và một nén hương thắp lên đủ để làm xua đi cái lạnh lẽo cô quạnh của những người thân yêu đã ở thế giới bên kia.

Bên dứoi, những cụm tre xao xác hoà với tiếng chim ríu rít.

Từng đàn chim bay ra khỏi tổ, cả những cánh cò trắng muốt  thoát ra từ những rặng tre. Chúng bay từng đàn như những cánh sóng dập dờn, rồi lượn xuống dưới ruộng lúa.

Ra khỏi nghĩa trang, một cánh đồng lúa trải dài đang dần được thay thế bởi những vườn hoa đào. Vùng đất Cam Giá nhà ông bà ngoại mình giờ là vùng trồng đào nức tiếng miền Bắc. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, thuơng lái từ khắp nơi lại đổ về tìm mua đào. Những cây đào thế, đào cảnh hay những cây bích đào đỏ thắm nhuộm hồng cả sắc Xuân vùng trung du.

À, mà còn bao lâu nữa thì hoa đào lại nở nhỉ?

Hỏi gió, gió bay
Hỏi lá, lá rơi
Hỏi theo làn mây bay bay lững lờ
Về phía chân trời vời vợi.

(Cỏ và Mưa- Giáng Son)

July 30, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.5

by Rose & Cactus July 27, 2024

Sau ngày mưa tầm tã từ sáng đến khuya thì ngày nắng hạ đã quay trở lại. Mặt trời mọc từ sớm và cái nóng tràn vào căn phòng nhỏ của mình ngay khi mình mở cửa để chào đón ngày mới.

Mẹ tất nhiên là dậy sớm hơn mình, lúc nào sau khi dậy bà cũng dành thời gian gần 2 tiếng cho ngồi thiền.  Một ngày hai lần như thế, đều đặn suốt gần hai chục năm nay, kể từ khi mẹ về hưu.

Thiền giúp mẹ tĩnh tâm, khi đó tất cả mọi vui buồn cuộc sống đều bỏ lại bên ngoài. Chỉ còn lại mình với mình. Tập trung vào bên trong. Lặng im. Thả lỏng. Và hoàn toàn trống rỗng.

Thiền cho mẹ sức khoẻ dẻo dai khi đã ở ngưỡng thất thập cổ lai hy. Khuôn mặt mẹ nhìn gần vẫn còn rất trẻ, dù mái tóc do cơ địa đã bạc trắng. Sức khoẻ mẹ từ hồi còn trẻ cũng không được tốt lắm đâu. Khi mình còn ở nhà lúc nhỏ thậm chí mẹ còn hay phải nhập viện và nằm viện nhiều hơn mình nhiều. Mẹ cũng mang trong mình đủ thứ bệnh.

Nhưng nhờ có thiền mà mẹ đã được nâng đỡ lên rất nhiều, cả về thể chất và tinh thần. Nhờ có thiền mẹ truyền lại cho mình mà đã giúp mình vượt qua được giai đoạn khi sức khoẻ của mình xuống dốc nhất.  Mình có viết  bao nhiêu trang giấy cũng không thể kể hết công lao của mẹ đối với tất cả cuộc sống của mình từ trước đến giờ.

Và vì vậy, mình chỉ mong khi con mình đến tuổi trưởng thành, con có cuộc sống của con thì mình sẽ được về bên mẹ, được chăm sóc mẹ như các cô chú xung quanh nhà mình đang chăm sóc cha mẹ đã rất gìà của họ, như mẹ mình khi xưa đã chăm sóc bà ngoại mình suốt nhiều năm cho đến tận khi bà qua đời ở tuổi chín mươi lăm.

Tiếng lách cách dứoi bếp báo hiệu mẹ đã thiền xong và đang chuẩn bị lá để nấu nước uống. Lá vối hay lá tía tô có kèm theo một ít lá cơm nếp vào khiến thứ nước uống buổi sáng quyện hương thơm của  đủ loại cây nhà lá vườn, ngửi thôi đã đủ hấp dẫn chứ đừng nói đến cảm giác khi thưởng thức. Quê nhà không phải là những thứ gì cao xa, mà đôi khi chỉ là những điều rất đơn giản như thế: một mùi hương.

Mình uống một cốc nước ấm nóng lá tía tô rồi dắt xe ra khỏi nhà.

Trên đường đã rất đông những người đi tập thể dục trở về. Giờ này mới bắt đầu đi là hơi trễ. Mình cũng chỉ đạp xe với tốc độ vừa phải thôi, hay có thể gọi là như rùa bò cũng được. Qua đoạn đường tròn trung tâm theo quán tính mình cứ rẽ phải, lại chính là đường xuống nhà bà nội mình xưa kia.

Con đường đất đỏ một thời cũng rất hay lặp lại trong những trang miền ký ức của mình. Con đường đồi trập trùng, mùa khô bụi bay mù mịt. Bụi đất đỏ phủ một tấm áo vàng nâu lên những vạt cây cỏ ven những ngọn đồi hai bên đường. Cảm giác như mùa đông lúc đó đã bị nhuộm vàng màu sắc thu. Nhưng đó là một thứ thu buồn bã và xấu xí!

Nhưng đường đất đỏ vào mùa mưa mới thực sự đáng sợ. Đất nhão nhoét, dính chặt vào với nhau, trơn tuột. Lên hay xuống dốc cũng đều khó và khổ. Vồ ếch là chuyện thường, học sinh đi học giữa những cơn mưa thì khi đến lớp hay về đến nhà, quần áo cũng lấm lem bẩn thỉu hết cả.

Cái loại đường này, thật, chỉ có đi bằng xe căng hải được thôi chứ các phương tiện cơ giới khác nhiều khi chịu chết, liệu đường xuống mà dắt bộ. May mà xưa kia chỉ có xe đạp thô sơ nên có dắt cũng nhẹ nhàng, chứ mà ô tô thì đúng là chỉ có hò dô ta nào, hò nhau mà đẩy lên thôi. Đường đất trung du, miền núi mà vào mùa mưa gây ngán ngẩm cho cả những  người có tay lái cứng nhất!

Ấy thế mà con đường đầy hoài niệm này lại mang một cái tên rất lạ: Vó Ngựa. Hẳn là thời xa xưa mảnh đất này đã in đậm dấu chân của những chú ngựa đầy oai vệ đây. Ai đã từng nghe tiếng vó ngựa lộc cộc trên những con dốc giữa buổi trưa hè hay là vào buồi chiều đông giá ?

Nhà bà nội mình xưa kia có một cái quán nước ngay đỉnh một con dốc trên đường Vó Ngựa này. Quán nước của ông bà nằm trước một cái hồ rộng lớn. Vào mùa hạ, mưa nhiều, nước dâng lên có khi đến mực xấp xỉ miệng hồ. Những cây thân cỏ mọc sát rìa xung quanh hồ  đều chìm xuống dưới mặt nước.

Lúc này ngay cả hàng trúc với dáng vẻ cao ráo thanh thoát hàng ngày soi bóng xuống tấm gương của tự nhiên cũng có vẻ như bị “lùn” hẳn đi.

Nước dưới hồ thổi ngược lên làm cái quán bên trên luôn lộng gió và cực kỳ mát khi sang hè. Quán lợp mái cọ, lại trú ấn dứoi tán cây vải cổ thụ, xum xuê thành thử nó không khác gì một cái resort nghỉ dưỡng, theo tiêu chí hiện đại bây giờ.

Quán chỉ bán mấy thứ quà quê, kiểu như mấy phong kẹo lạc, kẹo dồi, bánh khảo, bánh gai, vài bao thuốc lá…. Không thể thiếu ấm tích đựng nước vối hay vài chai rượu.

Mình rất thích giúp ông nội dốc rượu từ can nhựa lớn vào cái chai thuỷ tinh qua miệng phễu. Cảm giác dòng nước chảy qua phễu nó cứ hay hay thế nào.

Rượu gạo ngày xưa các cụ đều nấu rất chuẩn chỉ nên không có chuyện uống vào gây ngộ độc, thậm chí nguy kịch đến tính mạng như bây giờ. Tất nhiên cái gì quá đều không tốt, mà uống quá nhiều rượu thì lại càng không, cho dù nó có chất lượng cao đến đâu.

Chợ Vó Ngựa nằm ở đoạn giữa của con đường và chỉ họp vào buổi sáng. Tan chợ các ông bà buôn hàng từ trong vùng nông thôn nằm sâu trong xóm  đều hay ghé qua quán nhà ông bà nội mình.

Ông thì mua cút rượu uống cho ấm bụng, ông lại làm vài hơi thuốc lào thư giãn, lão nông khác thì lại làm thoả mãn cái dạ dày rỗng bằng mấy bìa đậu nóng hổi, chấm với súp (bột canh).

Và cứ thế các cụ tà tà ngồi với những câu chuyện của nhà nông, cho đến khi mặt trời đã lên cao quá ngọn trúc mới nhổ neo. Tiếng vó ngựa, tiếng họ bò trâu lại vang lên trên con đường đất đỏ!

Quán nhà có sẵn rượu nên bà nội mình cũng uống không ngán gì ông nào :)). Cụ gái miền Tây Bắc, dân tộc chính gốc và rất sành về rượu. Mình còn nghe bà nói thưởng thức rượu trên vùng cao nó đã hơn hẳn, chẳng biết có đúng không? Nhưng ngẫm lại thì cũng là có lý, vì miền núi thời tiết lạnh hơn, nên thưởng rượu cũng dễ “say” hơn :))

Bà nội bữa cơm nào cũng phải có một chén rượu. Chỉ đúng một chén không hơn. Có hôm mình xuống bà chơi ngủ lại với bà, nửa đêm bất chợt thức giấc, nhìn ra nhà ngoài thấy cụ đang một mình với một ly rượu. Con cháu là mình mắt nhắm mắt mở lại mò ra chỗ bà:

-Con vào ngủ đi, bà vào ngay giờ. Khó ngủ quá nên bà làm chén biết đâu dễ chợp mắt hơn!

Mình biết chắc do tuổi già hay trằn trọc chứ bà chẳng vì có điều gì phiền muộn mà phải mượn đến rượu. Bà sống vô tư như cỏ cây núi rừng quê hương bà, môi lúc nào cũng đỏ chót vì nhai trầu, răng đen nhánh và nụ cười thì tươi hơn hoa. Tận đến khi bà mất!

Cái xe lại dẫn mình xuống dốc và rẽ trái vào con đường dẫn tới bệnh viện cũ nơi bà mình làm việc khi xưa. Đường bây giờ, dĩ nhiên, không còn là đường đất đỏ nữa rồi. Tất cả đều lát bê tông, sạch đẹp. Bệnh viện thì đã chuyển đi nơi khác và hai bên đường đã thay đổi nhiều.

Mình cứ băng qua mãi, đi mãi vào sâu phía trong vì cứ nghĩ nó dẫn ra khúc sông mà mình nhớ mình đã xuống đó một lần khi còn nhỏ. Nhưng cuối cùng chẳng thấy sông đâu.

Tuy vậy, càng đi thì cảnh đồng quê hai bên hiện ra càng đẹp. Lúa xanh một màu xanh của sự đủ đầy nước, nhất “nước” mà, và năm nay thì mùa hạ miền bắc lại chan chứa nước, mưa có vẻ nhiều hơn bất kỳ mùa hạ nào.

Ngô, khoai và một vài cây lương thực khác khiến những ô ruộng trông đỡ một màu hẳn. Vùng này cũng nổi tiếng đất trồng lạc! Giống lạc ta hạt đỏ và chỉ nhỏ thôi nhưng chất lượng thì tuyệt hảo. Loại lạc này rang lên ăn vặt hay để giã vừng đều cho vị đậm đà chứ không nhạt nhẽo của thứ lạc lai hạt to đùng.

Cánh đồng buổi sáng rất vắng và con đường cũng rất vắng. Những cụm tre mọc sát ra đến lề đường. Tre dày đặc, trùm cả lên khoảng không bên trên làm cho có những đoạn đường trở nên tối sẫm lại. Cái nắng dù chát chúa thế nào cũng không thể ghé chân xuống đến được đây.

Cảm giác lúc xuyên qua một thành luỹ tre đó của mình kiểu cứ như đang được băng qua một hầm tối. Kể ra cũng thú mà cũng thấy …hơi sợ :)). Không biết nhà mình mà trong đây thì buổi tối có dám ra khỏi nhà mà đi chơi không nữa.

Tất nhiên, đó là cảm giác thường tình của người khách lạ, lại có tính sợ …ma :)) chứ ai mà là dân thổ địa ở đây rồi chắc sống quen thì không muốn chuyển đi đâu cả. Vì thực sự, không khí đúng nghĩa là trong lành.

Cây cối bạt ngàn và cứ đi một đoạn lại xuất hiện một con suối nhỏ. Suối chảy róc rách, nước trong thấy rõ được cả những viên sỏi dưới đáy. Nắng mới buổi sớm xuyên qua tán lá mỏng rớt xuống dưới làn nước, lấp lánh thứ ánh kim cương.

Mình dựng xe lại và ngồi phịch xuống dưới một gốc tre già. Kệ, vắng thì vắng cũng cứ phải thả hồn một chút hầu thu hết cái vẻ đẹp của thiên nhiên ở nơi còn tương đối chưa được khai phá hết này.

Đây chắc phải gần đến cái khu rừng bần trong trí nhớ của mình rồi. Hoa mua nở tím biếc ven những rặng đồi, lá tre rụng xuống ngập mặt đường và được giữ lại bởi những cơn mưa mấy hôm trước nên đã bết dính lại tạo ra thứ mùi lá cây ẩm mốc đặc trưng.

Ngay trước mặt mình, là vẻ đẹp miền trung du với đồi, suối và ruộng:

-Cô hỏng xe à? Sao lại ngồi đây?

Một bà cụ lưng còng đi ra từ phía một căn nhà nằm tít cuối của con đường hẹp nằm giữa hai bên cánh đồng, dừng lại hỏi mình.

-Không, con đi dạo buổi sáng thôi ạ

– Thế à. Tôi giờ đau lưng, đau chân, gần chín mươi tuổi rồi nên không đi đâu xa được cả, chỉ loanh quanh quanh nhà thôi. Chứ trước không việc gì mà tôi không làm được.

Cụ già có gương mặt rất hóm hỉnh, mắt tinh đến còn nhìn rõ được để khen cái mũ của mình đẹp :)). Gần bốn mưoi năm nay cụ chẳng đi đâu xa hơn cái bán kính khoảng dưới 5km từ nhà cụ ra đến chợ Vó Ngựa. Cả đời chưa biết đến cái bệnh viện ở đâu và thức ăn thì toàn là sản vật vườn nhà.

Mà nhà cụ thì mình nhìn sang, ba bề tứ phía là ruộng, và phía sau lại là một quả đồi thoai thoải. Đúng là một mình một vương quốc, ở nơi được xem là khỉ ho cò gáy, không ai thèm mò xuống đây mà ở này

-Tôi có mấy đứa con mà chúng không thích ở đây. Chúng muốn tôi ra ngoài ở cùng nhưng tôi không đi đâu được cả, cứ đi vài ngày là lại muốn về nhà mình rồi. Thi thoảng con cháu vào chơi với mẹ với bà thôi. Ở mãi cũng quen cô ạ, chả thấy gì cả mà nhiều người cứ bảo ở nơi vắng vẻ thế này thì sợ lắm. Nhưng mình già rồi, ai thèm làm gì mình đâu. Nhà cửa thì cũng có cái gì mà lấy.

Bà cụ trò chuyện với mình một lúc lâu thì nói lời tạm biệt. Mình chào cụ và đứng lên, quyết định không đi tiếp nữa, quay xe ngược trở về.

Đường lúc này bắt đầu có người đi lại,  các bác nông dân xuống ruộng làm đồng. Mình mua được từ các bác ít rau rất xanh non, và mấy cái bắp nếp.

Buổi sáng oi nồng cuối hạ, mình và mẹ lại vào thăm mộ ông bà mình. Hôm nay ngày Thương binh liệt sĩ và ông mình cũng từng là người lính Điện Biên Phủ suốt gần mười năm.

Một nén hương cho ông cũng là một nén hương tưởng nhớ tất cả những người con đã ngã xuống hay đã để lại một phần xương máu và cả thanh xuân nơi chiến trường để giữ trọn bầu trời, mặt đất quê hương.

Trong làn khói hương trầm mặc nơi ông mình đang nằm, giữa những cánh đồng xanh bát ngát của cây lúa, cây đào, bên một con suối nhỏ, mình lại nghĩ về những cảm xúc của mình mấy ngày qua.

Cảm xúc tiếc thương của mình, cũng như của triệu người trên mọi miền Tổ quốc khi một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước ra đi.

Dòng cảm xúc này, một phần đến từ việc nhiều người, trong đó có mình, là cho đến tận khi Ngài Tổng bí thư đã nằm xuống, mới biết rõ hơn về đời sống khiêm nhường thường ngày của ông. Bên cạnh những dấu ấn cá nhân mang tên “ngoại giao cây tre” hay “người đốt lò vĩ đại”, mà các nhà phân tích chính trị đã nhắc đến khi nói về ông.

Nhưng có lẽ hàng dài vô tận những người dân vào viếng  mấy ngày qua, dù dưới trời nắng nóng hay mưa giông, dù là ở Bắc hay Nam, đã phản ảnh một cái gì đó còn hơn cả sự thương tiếc hay biết ơn.  

Đó hẳn còn là niềm hy vọng và mong mỏi cho đất nước của họ, đúng hơn là của chúng ta, phải luôn có và có nhiều những CHÍNH TRỊ GIA có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp như thế. Có lòng yêu nước và ý chí nhiệt huyết cống hiến cho đất nước như thế. Và có tài năng như thế hoặc hơn thế.

Bởi đó chính là những yếu tố cần có của một người Cộng sản chân chính!

 

July 27, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.4

by Rose & Cactus July 23, 2024

Áp thấp nhiệt đới khiến trời mưa rả rích từ sáng. Bầu trời trên cao và khoảng không trước mặt đượm một màu xám.

Mình kéo rèm cửa nhìn xuống con đường trước nhà. Bác hàng xóm đối diện, chắc cũng đã dậy từ lâu, không thể tập đi trong chu trình phục hồi sức khoẻ sau tai biến. Trời mưa, bác ngồi trên hè và trầm tư với những giọt mưa đều đều rơi xuống từ mái hiên.

Nhưng bác không cô đơn vì luôn có bác trai ngồi bên cạnh. Hai cụ đã xấp xỉ tám mươi mà lúc nào cũng bên nhau như hình với bóng. Cụ bà tập đi thì cụ ông cũng tập đi cùng bà, với chiếc quạt trên tay phe phẩy xua đuổi cái nóng bức. Ấy là khi trời khô ráo, còn lúc này, buổi sáng này, khi những giọt mưa cản trở những bước chân thì họ lại cùng nhau ngồi ngắm mưa.

Hai mái đầu bạc trắng nhoè đi sau làn nước khi mỏng khi dày. Tay trong tay và những cuộc chuyện trò với âm lượng nhỏ chỉ đủ cho mình họ nghe thấy.

Hình ảnh đó thật đẹp, gợi nhắc đến giây phút bên nhau của cặp vợ chồng già trong viện dưỡng lão ở thước phim về tình yêu kinh điển “The Notebook”.

Mưa càng trong  khi trời sáng dần. Tiếng lách cách mở cửa nhà bên cũng rõ như âm thanh lúc mình tháo chốt cửa chính ra ban công nhà mình. Bác gái bên nhà đó cũng đã tám mươi rồi và tuổi già đã lấy đi hết trí nhớ và sự minh mẫn của bác.

Tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày của người mẹ, giờ đây, đều dựa vào sự trợ giúp của hai vợ chồng người con trai. Mẹ già lại hoá đứa trẻ, mong manh trước quy luật cuộc đời. Như những giọt mưa ngắn ngủi, xuất hiện trên bầu trời mùa hạ, rớt xuống mặt đất rồi dần tan biến đi.

Gần trưa, những khóm hoa mười giờ  bung nở dưới cái tiết trời ẩm ướt. Cơn mưa ngâu dai dẳng không cản được những người có việc nhất thiết phải  ra ngoài.

Phía dưới, tiếng pô xe máy giòn tan xé toạc làn nước, lao đi trên con đường mưa. Cô hàng xóm mang đồ ăn sang nhà bố cô. Ông cụ đã hơn chín mươi và  chỉ còn vợ chồng người con gái làm điểm tựa.

Căn nhà rộng rãi, khu vườn rộng rãi chỉ càng tô đậm hơn sự nhỏ bé của con người. Người cha già giờ này chắc cũng đang ngồi bên hiên nhà, nhìn những hạt mưa rơi. Và ngóng đợi hình dáng quen thuộc của người con hiếu nghĩa xuất hiện ngoài cổng đằng xa!

Trong những thước phim đẹp đậm chất lãng mạn mùa hè “The Notebook”, những ngày cuối đời tại viện dưỡng lão, nữ nhân vật chính, một cụ bà  bị mắc bệnh Alzheimer thường được ngừoi chồng kiên nhẫn ngồi bên đọc nhật ký cho nghe. Với hy vọng người vợ có thể vuợt qua bệnh tật nhờ việc kết nối những dữ kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Đọc sách cũng là một hoạt động tốt cho trí não. Đặc biệt, với khí trời mưa lạnh như thế này thì một quyển sách kèm một tách trà nóng dưới ánh điện đỏ cũng là một cách sống chậm và thư giãn

Dự báo thời tiết- Nhìn từ vùng đồng quê

By Robin Page

Thời tiết tốt

Ngoài “Bầu trời đỏ về đêm, niềm vui của người chăn cừu”, còn có những vần thơ khác khẳng định tầm quan trọng của màu trời lúc hoàng hôn và bình minh.

Buổi tối màu đỏ và buổi sáng màu xám

Hai dấu hiệu tốt cho một ngày đẹp trời.

Màu xám buổi tối và màu đỏ buổi sáng,

Người chăn cừu sẽ dính mưa khi trở về

Trong một số bài đồng dao, “người chăn cừu” được thay thế bằng “người thợ cày”. Ở nhiều nơi, với việc mở rộng nền nông nghiệp trồng trọt, phiên bản này hiện nay phù hợp hơn nhiều.

Nhưng dù liên quan đến những người chăn cừu hay người đi cày, bầu trời đỏ vào ban đêm đều báo hiệu một ngày đẹp trời sắp đến. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên nhầm lẫn bầu trời đỏ với “bầu trời giận dữ”, vì khi hoàng hôn chuyển sang màu đỏ rực thì dự là sẽ có giông bão.

Sương trong đêm,

Ngày hôm sau sẽ tươi sáng

Cũng chính xác, và bãi cỏ khô vào buổi sáng mùa hè là một dấu hiệu đáng lo ngại. Một quan sát mùa hè đáng tin cậy khác là:

Sương mù lúc bình minh

Ngày sẽ ấm áp

Có nghĩa tương tự như “Sương mù mùa hè là chỉ dấu cho thời tiết đẹp”

Một số người khẳng định rằng “nếu bạn nhìn thấy một mảng trời xanh vào sáng sớm đủ lớn thì ngày đó sẽ đẹp trời”.

Mưa trước bảy giờ,

Thời tiết đẹp trước mười một giờ

Là một quy tắc khá đáng tin cậy khác, và một ngày đẹp trời có thể là kết quả của một khởi đầu tồi tệ. Đây cũng là trường hợp mây tan trước gió, và cũng đúng khi nói rằng:

Một cơn mưa rào dứoi ánh mặt trời chói chang,

Sẽ không kéo dài nửa giờ

Ngoài những vần điệu này, còn có một số dấu hiệu cho thấy thời tiết đẹp. Các ảo ảnh hứa hẹn thời tiết tốt trong hai tuần và khói bốc lên theo chiều thẳng đứng là điềm báo tốt. Đối với những người sống trong khoảng cách hợp lý với tuyến đường sắt, có một số nhầm lẫn, vì nhiều người cho rằng thính giác được cải thiện đồng nghĩa với thời tiết đẹp. Tuy nhiên, có lẽ họ sai vì người ta cũng nói:

Âm thanh truyền đi khắp nơi,

Sẽ có một ngày giông bão

Thay đổi

Khi thời tiết tốt sắp đến, các dấu hiệu rất rõ ràng – có những thay đổi về mây, gió, nhiệt độ và tầm nhìn. Khoảng thời gian mà sự thay đổi tích tụ cũng cho biết thời tiết mới sẽ kéo dài bao lâu.

Nhưng sự thay đổi có thể được thể hiện bằng những cách khác đau đớn hơn. Những người có vấn đề với bàn chân cảm thấy như bắp chân đang cuộn lên, những người bị bệnh thấp khớp bị đau lưng hoặc đau vai, và cảm giác khó chịu khi xương bị gãy và phải bó bột kéo dài.

Tôi đã bị gãy một tay khi chơi cricket và gãy xương đòn khi chơi bóng đá, và cả hai khớp xương này đôi khi trở nên rắc rối khi thời tiết mưa lạnh đến. Một số người còn cảm thấy ngứa ran hoặc có tiếng trống trong tai.

Mưa và bão

Cũng giống như bầu trời đỏ vào ban đêm là một dấu hiệu tốt, bầu trời nhợt nhạt báo trước có mưa:

Nếu mặt trời nhạt đi khi đi ngủ

Người ta nói ngày mai sẽ mưa

Thật không may, điều này cũng như hầu hết các cảnh báo khác về mưa dường như rất đáng tin cậy. Khói bay thay vì bốc lên, “ngựa trắng” trôi ra biển, mương rãnh bốc mùi khó chịu đều là những dấu hiệu xấu, cũng như bồ hóng rơi xuống ống khói. Điều này là do bồ hóng hấp thụ độ ẩm ngày càng tăng trong không khí cho đến khi nó trở nên nặng nề và rơi vào miệng ống.

Trước thời đại sản xuất hàng loạt và nhập khẩu từ Nhật Bản, đe của thợ rèn đóng vai trò như một phong vũ biểu đáng tin cậy, vì nếu đe “đổ mồ hôi” thì đó là điềm báo sẽ có mưa, và giọt càng lớn thì mưa càng nặng hạt. Vào mùa đông, “khi mặt trời xoay tròn trong gió”, mưa đến khá nhanh sau đó.

Khi mưa bắt đầu rơi, các quy tắc khác được áp dụng:

Mưa từ đằng Đông,

Sẽ kéo dài ít nhất ba ngày

Và: “Mưa có rơi xiên thì sẽ kéo dài mãi”. Một quy tắc kém tin cậy hơn là: Thứ Sáu Ẩm ướt – Chủ Nhật Ẩm ướt.

Phong vũ biểu tự nhiên

Những bông hoa

Pimpernel đỏ tươi, hay còn gọi là “kính dự báo thời tiết của người nghèo”, từ lâu đã được coi là loài hoa dự báo thời tiết chính xác và nhạy bén nhất. Nó có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, từ ven đường đến khu vườn đô thị – mặc dù hầu hết những người làm vườn đều coi nó là cỏ dại.

Khi trời nắng những bông hoa nhỏ màu đỏ sẽ mở ra và khi mưa đến gần thì chúng sẽ khép lại. Bồ công anh và hoa cúc cũng có xu hướng khép lại khi thời tiết xấu sắp đến, và một biến thể nhỏ của điều này có thể được tìm thấy trong truyền thuyết thời tiết của Ireland – “khi bồ công anh và hoa cúc khép lại, trời sẽ tối”.

Một cách hỗ trợ làm vườn khác là hành tây loại thường, được trồng hoặc phát triển từ hạt giống. Khi một mùa đông khắc nghiệt sắp đến, hành tây sẽ có vỏ dày.

Một số loài hoa hấp dẫn cảnh báo thời tiết lạnh giá, ngay cả sau khi mùa xuân đến. Vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 thường có đợt gió buốt trùng với thời điểm cây mận gai nở hoa – “mùa đông mận gai”.

Hoa của cây mận gai thường nở trước lá, thân gỗ đen trụi với những bông hoa màu trắng trông lạnh lẽo và có cảm giác lạnh lẽo. Tuy nhiên, nó cũng có cái bù lại, vì quả  mận gai, loại quả nhỏ màu sẫm của cây mận gai, tạo nên loại rượu ấm tuyệt vời.

Nhiều người nông dân khẳng định rằng bạn sẽ không bao giờ có được thời tiết ấm áp và ổn định cho đến khi hoàn thành việc trồng trọt.

Cây

Cây có thể được sử dụng để đưa ra dự báo theo những cách khác. Khi mặt dưới của lá, trông nhạt hơn nhiều so với bình thường, đó là dấu hiệu chắc chắn của thời tiết ẩm ướt. Hiện tượng này là do độ ẩm trong không khí ngày càng tăng làm mềm cuống lá, thứ làm chúng lật lại. Điều này đặc biệt đáng chú ý với cây dương, cây chanh, cây sung dâu và cây tử đinh hương.

Một dấu hiệu khác của mưa là nếu gió tạo ra âm thanh rỗng giữa vùng rừng cây hoặc cây trong rừng. Khi thời tiết khô hanh hơn, đặc biệt là vào mùa thu, cây có thể gãy hoặc nứt. Có một lần, tôi đang đi dạo trong một khu rừng vào cuối mùa hè thì không hiểu vì lý do gì, một cái cây bị đổ, tạo ra tiếng động như tiếng súng nổ: sau đó là một đợt khô hạn kéo dài.

Một số người cho rằng thời tiết khắc nghiệt được biểu thị bằng việc một vụ mùa bội thu của quả tầm xuân và táo gai. Họ cho rằng thiên nhiên cung cấp trái cây làm thức ăn bổ sung để giúp chim sống sót qua mùa đông.

Tôi tin rằng điều ngược lại mới đúng, và tôi đã nhận thấy những mùa đông khắc nghiệt khi có ít quả tầm xuân và táo gai. Đây là tính chất làm giảm số lượng các loài chim và góp phần hướng tới sự cân bằng tự nhiên.

Động vật

Cá và các loài bò sát

Với kiến ​​​​thức tối thiểu về lịch sử tự nhiên, bạn có thể dự báo thời tiết khá chính xác từ hành vi của nhiều loại sinh vật hoang dã và vật nuôi, có kích thước khác nhau từ bò đến nhện.

Vì lý do nào đó, hai loài động vật thường gắn liền với mưa nhất là mèo và chó.

Một số con chó trở lên rất kích động khi có sấm sét đến gần và chúng nghe thấy hoặc cảm nhận được cơn bão rất lâu trước khi tai người nghe thấy tiếng ầm ầm. Chú chó collie căng thẳng của chúng ta thậm chí sẽ nhảy lên dùng chân đập vào tay nắm cửa và đi vào nhà khi có bão đe dọa.

Những sinh vật khác bị ảnh hưởng bởi sấm sét là những con thỏ, tất cả đều ngồi nhìn về một hướng với đôi tai co giật và những con cóc chạy về phía nước. Vì lý do mơ hồ nào đó mà ngư dân bắt được nhiều lươn hơn trước một cơn bão sấm sét.

Người ta có niềm tin lâu đời rằng lợn có thể nhìn thấy gió. Do đó, khi bão đến, lợn trở nên rất bồn chồn; chúng dùng mõm ném rơm ra xung quanh và chạy quanh chuồng.

Dê cũng bị ảnh hưởng bởi gió. Nếu một con dê gặm cỏ với đầu quay về hướng gió thì đó sẽ là một ngày đẹp trời, và ngược lại thì trời sẽ mưa.

Bò tạo ra các chỉ báo thời tiết đặc biệt tốt, có thể thấy từ vần điệu sau:

Khi con bò cố gãi tai,

Nó có nghĩa là một cơn mưa rào đang đến rất gần.

Khi nó co đuôi lại bên hông,

Hãy coi chừng sấm sét và mưa đá

Ở vùng đồi núi, khi thời tiết tốt, bò vẫn ở gần đỉnh đồi, nhưng nếu người ta nhìn thấy chúng hít thở không khí rồi đi xuống đồi về phía sân trang trại thì sẽ có mưa hoặc bão. Ngoài khả năng đánh hơi bão, vào mùa hè chúng còn cảnh báo mưa, sấm sét bằng cách dậm đuôi trong không khí.

Điều này là do những con ruồi gây rắc rối trở nên hoạt động mạnh hơn trong thời gian ấm áp và ẩm ướt trước cơn bão, đặc biệt là loài ruồi chiến đẻ trứng vào da bò. Đó hẳn là một trải nghiệm đau đớn, vì ngay cả trong một ngày lạnh giá, nếu một tiếng vo vo chói tai vang lên phía sau một con bò, nó sẽ phóng đuôi lên không trung và bỏ chạy.

Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta lùa bò đến trang trại để vắt sữa và chúng bắt đầu lảng vảng gặm cỏ trên lề đường, chúng ta có thể thúc giục chúng đi bằng cách bắt chước tiếng vo ve của loài ruồi chiến.

Khi thời tiết lạnh hơn, bò sẽ nằm “ngẫm nghĩ” khi trời sắp mưa, hoặc chúng sẽ rúc vào nhau ở một góc ruộng, đứng cụp đuôi đón gió.

Mặc dù có cánh nhưng dơi là động vật có vú và khi chúng bay theo ruồi vào buổi tối muộn thì sẽ là một ngày đẹp trời. Nếu có khả năng xảy ra một đợt khô hạn kéo dài, chuột chũi sẽ đào hố như thường lệ, nhưng chúng không xây dựng ngọn đồi nào trên bề mặt và sự hiện diện của chúng có thể được phát hiện chỉ bằng những đường viền nhỏ của đường hầm của chúng.

Cá cũng có thể dự báo thời tiết nóng, vì nếu nhiệt độ có thể cao, chúng sẽ tìm đến nơi mát hơn, mực nước thấp hơn, nhưng khi sắp mưa, chúng chơi đùa gần bề mặt, gây ra gợn sóng và nước bắn tung tóe.

Một trong những cách dự báo chính xác nhất về sự thay đổi đã trở nên ít phổ biến hơn trong những năm gần đây. Nó liên quan đến việc chia sẻ ngôi nhà của bạn với chuột. Khi có sự thay đổi trong không khí, chuột sẽ hoạt động tích cực hơn. Chúng di chuyển từ phòng này sang phòng khác, hoặc từ tấm ván chân tường này sang tấm ván chân tường khác và có thể nghe thấy tiếng kêu cót két.

Một dấu hiệu khác của sự thay đổi, và có lẽ là hứa hẹn sẽ có mưa rất lớn kèm theo lũ lụt, là cảnh thỏ rừng di chuyển từ vùng đất thấp lên vùng đất cao.

Các dấu hiệu phổ biến nhất của mưa ở động vật là: Thỏ ra ngoài vào những thời điểm bất thường trong ngày, hươu ăn sớm, lừa kêu to hơn bình thường và mèo “tắm rửa” kỹ lưỡng sau tai.

Ở một số nơi, ếch kêu rất nhiệt tình và số lượng lớn cóc xuất hiện vào buổi tối khi có mưa đe dọa. Điều đáng quan tâm là vào mùa đông, nếu có đợt rét kéo dài, những con cừu mang thai sẽ bám chặt vào đàn con của chúng. Nhưng khi trời mưa, kéo theo nhiệt độ cao hơn, tất cả chúng sẽ sinh con cùng một lúc: một ví dụ về việc thiên nhiên và thời tiết phối hợp với nhau vì lợi ích của những con cừu non.

May mắn thay, nhện có rất nhiều trên khắp đất nước và chúng dự báo được nhiều loại thời tiết. Khi trời nóng và khô, chúng giăng mạng dài, nhưng khi thời tiết xấu đe dọa, mạng sẽ ngắn lại hoặc biến mất hoàn toàn. Một số người thậm chí còn khẳng định đã nhìn thấy nhện tự phá mạng trước thời tiết xấu.

Trước thời tiết có gió, các sợi dây chính được thắt chặt và lũ nhện cư xử giống như những người cắm trại đang điều chỉnh dây thừng vào lều của họ. Trong một số ngày hè, trời thực sự có vẻ như đang có mưa nhện, khi hàng ngàn con nhện nhỏ, mỗi con có một sợi tơ ngắn, bay trong gió: đây là một dấu hiệu thời tiết tốt khác.

Muỗi nhỏ không hấp dẫn như chim hay ong nhưng chúng là những nhà dự báo thời tiết hữu ích trong cả mùa đông và mùa hè. Nếu chúng chơi đùa thành đàn ngoài trời thì dự báo sẽ có một ngày nắng đẹp. Nếu chúng vẫn ở trong bóng râm thì có thể sẽ có mưa rào.

Chim và ong

Nhiều loài chim có thể báo hiệu thời tiết tốt. Khi chim cổ đỏ hót trên mái nhà và trên ngọn cây thì đó là một dấu hiệu tốt, nhưng nếu nó bay thấp hơn thì là chuẩn bị có mưa. Tiếng chim sáo hót trên ngọn cây cũng hứa hẹn một ngày đẹp trời, nhưng một lần nữa, nếu chúng chuyển sang những cành phía dưới, hãy cẩn thận.

Nếu chim sáo hót với chiếc đuôi cụp xuống thì đó cũng là một lời cảnh báo, vì nó đang “chờ bắn nước”. Những con ngỗng bay ra biển và những con gà mái thả rông vui vẻ là những dấu hiệu khác của thời tiết tốt.

Gà lôi cũng đáng tin cậy: Nếu chúng đi ngủ muộn vào buổi tối và thức dậy với ánh mặt trời vào sáng hôm sau thì hứa hẹn một ngày đẹp trời, nhưng nếu chúng đậu sớm hoặc đi kiếm ăn muộn thì thời tiết sẽ không ổn lắm đâu.

Chim sơn ca là một loài chim khác mà mọi người thường liên tưởng đến thời tiết tốt. Họ tuyên bố rằng nếu nó lơ lửng và lướt đi trong quá trình hạ xuống thì thời tiết vẫn ổn, nhưng nếu nó bay thẳng xuống đất thì trời sẽ mưa.

Khi một con chim hét, từ trên ngọn cây, hót vào gió, đó là một dấu hiệu xấu, và thói quen này đã khiến loài chim này có cái tên là “gà trống bão” hoặc “chim tưa bão”. Ngay cả bài hát cũng biểu thị mưa, vì chim hót: “Ướt hơn, ướt hơn”.

Chim gõ kiến ​​xanh cũng có danh tiếng tương tự, và vì tiếng cười của nó thường vang lên trước khi mưa nên ở một số vùng nó còn được gọi là “chim mưa”. Ngoài ra, khi mưa đến gần, vịt, ngỗng kêu quạc quạc to hơn, tiếng kêu rít của cú trở nên chói tai hơn; gà mái rúc vào nhau bên ngoài nhà và:

Nếu gà trống đi ngủ,

Cậu ta chắc chắn sẽ thức giấc với cái đầu đầy nước.

Một câu nói cổ khác cảnh báo rằng “con quạ khàn kêu trước mưa”

Ngày xưa, cảnh tượng những con hải âu bay vào đất liền là điềm báo sắp có mưa. Tuy nhiên, với sự phát triển của các công trình thoát nước nội địa và sự phát triển của các hồ chứa lớn ở các thung lũng nông nghiệp yên bình và màu mỡ một thời, một số loài hải âu giờ đây đã thay đổi thói quen và sống hoàn toàn xa biển.

Do đó, quy tắc cũ chỉ tiếp tục được áp dụng ở những nơi không có bể chứa và nơi mà bồn cầu dạng xô vẫn chiếm ưu thế. Nhắc đến nhà vệ sinh dạng xô gợi ý đến ruồi và chúng cũng có thể đoán trước được cơn mưa sắp đến. Điều này đặc biệt đúng khi chúng định cư với số lượng lớn trên tường và trần nhà. Có người còn trích dẫn:

Nếu một con ruồi đậu vào mũi bạn, hãy đập nó cho đến khi nó bay đi,

Nếu ruồi đậu xuống lần nữa sẽ mang theo mưa lớn

Ở các khu vực ven biển, việc nhìn thấy chim báo bão là dấu hiệu của thời tiết xấu. “Gà mẹ Carey” thường là loài chim của vùng biển khơi, chỉ di chuyển đến những vách đá hoặc đảo đá xa xôi để sinh sản. Nó là một loài chim nhỏ hấp dẫn, nhưng nếu nó được nhìn thấy ở gần đất liền, cách xa nơi sinh sản của nó, nó có thể đã bị thời tiết xấu đẩy vào bờ và điều này sẽ sớm xảy ra.

Thời tiết rất lạnh và mùa đông kéo dài khắc nghiệt được thể hiện qua sự xuất hiện sớm của những loài di cư mùa đông như vịt, ngỗng và thiên nga, cùng với những đàn chim cánh cụt và cánh đỏ lớn hơn nhiều so với thông thường. Những con chim cũng bay xa hơn về phía nam so với mùa đông thông thường. Sự xuất hiện của loài chim sáp không thể nhầm lẫn từ Scandinavia cũng có thể đồng nghĩa với việc thời tiết khắc nghiệt.

Dù “một con én không làm nên mùa hè” nhưng những con én vẫn chào đón và hấp dẫn du khách mùa hè. Khi chúng bay cao, bay theo những loài côn trùng mà chúng kiếm ăn, có thể nói rằng ngày đó sẽ ổn. Đôi khi chúng có thể đạt đến độ cao đến mức trông giống như những đốm sáng mờ nhạt trên bầu trời trong xanh.

Đôi khi quy luật này bị phá vỡ, vì đôi khi chúng bay cao khi trời có sấm sét; nhưng sau đó mây đen dày đặc hiện rõ, và thực sự không thể trách lũ chim én nếu chiếc ô vẫn để trong nhà.

Đối với những người sống gần những con quạ mỏ hẹp, những con chim ồn ào hòa đồng này là những nhà dự báo xuất sắc trong mọi thời tiết. Khi quạ mỏ hẹp bay khỏi tổ và bay thẳng, ô, áo mưa có thể để ở nhà cả ngày, tuy nhiên người quan sát phải thức từ rạng sáng mới thấy chúng bay đi.

Nếu chúng vặn vẹo và rời khỏi tổ, thời tiết khắc nghiệt đang đến gần. Tuy nhiên, nếu có gió mạnh đến, chúng sẽ ở bên tổ và la hét ầm ĩ. Khi chúng rời khỏi tổ muộn, hầu hết trẻ em đều học được một biến thể của câu thơ mà tôi đã được dạy khi còn nhỏ:

Chim cu đến vào tháng Tư

Cậu ta hát bài hát của mình vào tháng năm

Giữa tháng sáu cậu thay đổi giai điệu

Và tháng bảy thì bay đi

Nhưng kỳ lạ thay, chim cu cu xuất hiện rất ít trong truyền thuyết về thời tiết, mặc dù người ta nói rằng nếu một con chim cu gáy có thể được nhốt trong hàng rào và cây cối để ngăn nó bay đi thì mùa hè sẽ không bao giờ kết thúc. Vì chưa có con chim cu nào bị mắc bẫy theo cách này nên tuyên bố này không thể được chứng minh cũng như không thể bị bác bỏ.

Bất cứ ai có một tổ ong đều có thể coi những con ong đó là những người hướng dẫn thời tiết đáng tin cậy và có rất nhiều vần thơ và quy tắc liên quan đến loài ong:

Một đàn ong tháng Năm đáng giá một đống cỏ khô,

Một đàn ong tháng sáu đáng giá một thìa bạc,

Một đàn ong tháng bảy không đáng một con ruồi

Điều này thường được nói đến và phản ánh cả thời tiết lẫn số tiền mà người nuôi ong sẽ nhận được từ việc lấy mật trong mùa thuận lợi và mùa xấu. Những con ong phát triển mạnh nhờ mặt trời và câu nói đó là đúng.

Khi đàn ong bay ra khỏi tổ,

Thời tiết tốt để được sống.

Chúng cũng ghét mưa bão nên hai câu cuối đều phù hợp như nhau.

Khi đàn ong lại tụ tập về tổ,

Đó là dấu hiệu của sấm sét và mưa.

Theo quy luật “những con ong sẽ không bay bầy trước cơn bão”, và nếu sấm sét đến gần, người nuôi ong giỏi sẽ tránh xa tổ ong của mình vì những con ong trong đàn trở nên rất tức giận, tụ tập trở lại tổ và đốt bất cứ ai cản đường chúng.

Trước cơn mưa

Những cơn gió  bắt đầu thổi

Mây đen và cỏ thấp;

Bồ hóng rơi xuống, chó ngủ dài,

Và những con nhện từ mạng nhện ló ra.

Đêm qua nắng nhạt lúc đi ngủ,

Vầng trăng che khuất đầu nàng;

Người chăn cừu thở dài,

Để xem, một cầu vồng trải dài trên bầu trời.

 

Tường ẩm ướt, rãnh nước nhỏ,

Pimpernel mắt hồng khép lại

Lắng nghe ghế và bàn đang nứt ra!

Thần kinh của Betty già đang căng thẳng;

Vịt kêu lớn, công khóc,

Những ngọn đồi xa dường như gần lại

Lũ lợn khịt mũi bồn chồn biết bao,

Những con ruồi bận rộn làm phiền lũ bò,

Đôi cánh chim én trên ngọn cỏ thấp

Con dế cũng vậy, nó cất tiếng ồn ào!

 

Con mèo trên lò sưởi, với bàn chân nhung,

Ngồi lau râu ria của nó;

Cá nổi lên trên những dòng suối trong vắt,

Và nhanh nhẹn bắt những con ruồi bất cẩn.

Những con đom đóm, tụ lại và thắp sáng

Chiếu sáng thung lũng sương đêm qua;

 

Lúc chạng vạng người ta nhìn thấy con cóc bẩn thỉu,

Nhảy và bò trên bãi cỏ;

Gió thổi bụi quay cuồng,

Và trong những hoạt động xoáy nhanh;

Ếch đã thay áo vàng,

Và trong một chiếc áo khoác màu nâu đỏ được mặc.

Dù tháng sáu, không khí lạnh lẽo và tĩnh lặng,

Giọng nói êm dịu của chim sáo chói tai;

Con chó của tôi, khẩu vị của nó đã thay đổi quá nhiều,

Bỏ xương cừu trên cỏ để ăn tiệc;

Và hãy nhìn những con quạ này, chuyến bay của chúng thật kỳ lạ làm sao!

 

Chúng bắt chước con diều bay lượn,

Và dường như có mưa rơi,

Như thể chúng cảm thấy quả bóng xuyên qua.

“Chắc chắn sẽ mưa; Tôi thấy với nỗi buồn,

Cuộc dạo chơi của chúng ta phải hoãn lại vào ngày mai

(Edward Jenner)

Bóng tối đã bao phủ cả dãy phố nhỏ. Dãy phố gồm nhiều các cụ lớn tuổi. Phần lớn lũ trẻ- con cháu họ lớn lên, đi học và lập nghiêp ở xa cả. Và mình cũng vậy, hạ sắp trôi qua rồi và mình không còn ở nhà được lâu nữa, cũng như những hạt mưa này, chỉ kéo dài đến đầu thu!

Lúc này, mưa vẫn tí tách rơi,

Không còn thấy ai ngồi bên hiên cửa. Khu phố đã chìm trong giấc ngủ sớm!

July 23, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.3

by Rose & Cactus July 21, 2024

Mùa hè năm nay mình được ở quê lâu nhất kể từ khi mình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Mọi lần, lần nào mình về cũng chỉ được trên dưới 10 ngày là phải đi rồi vì khi đi làm chúng ta gần như không thể nghỉ dài ngày cho lý do đi chơi được.

Vì có nhiều thời gian nên mình cũng có kế hoạch và gặp gỡ được nhiều bạn. Thực ra, để nhau gặp được đầy đủ không phải là dễ. Mỗi người một nơi và ai cũng có công việc và những bận rộn cá nhân, hôm nay người này rảnh thì người kia lại bận và ngược lại. Thành thử sắp xếp được một buổi hẹn hò không vắng một ai quả thật không đơn giản!

Thời học Đại học, mình ở Ký túc xá đến 7 học kỳ. Ký túc xá ngày ấy chính là một thế giới thu nhỏ đầy màu sắc của tầng lớp sinh viên. Ai đã từng sống ở đó đều có thể mang trong tim biết bao nhiêu những cảm xúc, những kỷ niệm chứa chan tình bạn bè và những câu chuyện hay giai thoại cười ra nước mắt.

Nếu tuổi học trò là tuổi ngây thơ, hồn nhiên thì thời sinh viên lại là quãng thời gian rực cháy nhất của tuổi trẻ. Sự thích thú được sống độc lập, tự do thoát ra khỏi gia đình, được gặp gỡ nhiều bạn bè đến từ khắp nơi, đã đủ trưởng thành để có thể  bước vào một mối quan hệ lãng mạn hay những khao khát ước vọng về một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai….khiến cho vài năm sinh viên, với nhiều người, luôn để lại những ký ức sâu đậm và rất khác biệt so với những giai đoạn khác trong đời người.

Và cuối cùng thì chúng mình, mấy đứa chung phòng Ký túc xá xưa kia cũng sắp xếp được một ngày cuối tuần để gặp nhau.

Vào ngày thứ Bảy, và là ngày rằm tháng Sáu.

Nhưng năm nay tháng sáu âm lịch mưa nhiều như là tháng ngâu vậy. Bầu trời nhuộm một gam màu xám, mát mẻ nhưng đượm buồn.

Mình xuống Hà Nội bằng xe ghép chung. Trên mình bây giờ có dịch vụ đi xe kiểu này cũng rất hay, xe đón tận nhà và đưa đến tận điểm cuối cùng của chuyến hành trình. Và vì đi chung nên giá cả cũng phải chăng, phù hợp với thu nhập của phần đông người dân.

-Chị về trường Kinh tế Quốc dân ạ?

Em lái xe hỏi chuyện mình

-Đúng em ạ, cho chị đến cổng chính trên đường Giải Phóng.

Trên xe có bốn người. Mình ngồi hàng ghế sau với một bác tầm tuổi mẹ mình và một cháu gái trạc tuổi con mình. Cháu vẫn mặc ngoài chiếc áo khoác mỏng, đồng phục của học sinh

-Cô xuống đó dạy à?

Bác gái quay sang hỏi mình. Sao đi đâu cũng rất nhiều người nhầm mình là giáo viên

-Không bác ạ, cháu xuống trường gặp bạn cũ thôi. Cháu là cựu sinh viên của trường.

-Ồ vậy sao, vậy là trùng hợp rồi. Tôi với cháu gái cũng về trường đấy

-Cháu cũng là sinh viên Kinh tế à?

Mình quay sang hỏi cô bé đeo đôi kiếng cận với khuôn mặt rất lanh lẹ

-Không, cháu nó năm nay mới lên lớp 12.

Bác gái nhanh hơn, trả lời thay cô cháu gái

-Ah vậy nên hôm nay hai bà cháu xuống để tìm hiểu về trường đúng không? Giỏi quá cháu gái.

-Nó muốn thi vào trường Y cơ, nhưng tôi ngăn vì học Y khó và kéo dài. Lại rất vất vả

-Nhưng con học được môn Sinh, con yêu thích môn Sinh và muốn làm việc như một nhân viên y tế để được chăm sóc sức khoẻ cho mọi người và hoạt động cộng đồng.

Cô cháu đáp lại lời người bà

-Nhưng con phải biết rằng đấy là chỉ là mong ước và mộng tưởng của con. Giữa cái mình nghĩ và thực tế nhiều khi khác nhau rất xa con có biết không? Con thì biết làm sao được, nhưng bà đã sống đến ngần này tuổi đầu rồi, bà biết cái gì phù hợp cái gì không.

Rồi bác quay sang mình

-Cô này, tôi đoán cô học hành bài bản hơn tôi, và có kinh nghiệm làm việc rồi. Cô thử nói cho đứa cháu tôi xem tôi nói có đúng không?

Một chút im lặng

-Cháu nghĩ cháu gái có hoài bão thế là rất tốt. Học Y vất vả thật và thi Y cũng không dễ mà cháu lại có chí như thế thì rất đáng khen. Nếu cháu đam mê nghề Y như vậy, gia đình mình thử ủng hộ sự lựa chọn nghề nghiệp của cháu thì sẽ là động lực giúp cháu vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

-Nhưng vấn đề là gia đình nó khó khăn lắm cô ạ. Mình mẹ nó không thể gồng gánh nổi chi phí cho từng ấy năm học nếu đỗ Y. Con phải hiểu gia cảnh nhà mình khác nhà người ta…

Bác gái nói đến đây thì dừng, hơi xúc động nên giọng lạc cả đi.

Nói thật về tình hình tài chính cho con trẻ, rằng bố mẹ không thể đáp ứng được những nhu cầu chính đáng, hoặc là về chi phí sinh hoạt hay học tập của con luôn khiến bất cứ một bậc phụ huynh nào cũng cảm thấy đau lòng. Nếu có thể, ai mà không mong những điều kiện tốt nhất cho con cái, ai mà không mong con có thể được hưởng thụ những gì tốt đẹp nhất.

Nhưng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Mình không ở trong gia đình nhà người khác nên không thể hiểu tường tận để có thể có một lời khuyên xác đáng nhất.

Ca sĩ Taylor Swift trong bài phát biểu tại Đại học New York khi cô nhận bằng tiến sĩ danh dự ở đây đã từng nói một ý thật sâu sắc:

“Xin lưu ý rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy đủ điều kiện để khuyên bạn phải làm gì. Bạn đã làm việc, đấu tranh và hy sinh, học tập và mơ ước theo cách của riêng bạn – vì vậy, bạn mới  là người biết rõ mình đang làm gì. Bạn sẽ làm những điều khác với tôi đã làm!

Vì vậy, tôi sẽ không khuyên bạn sẽ phải làm gì vì không ai thích điều đó. Tôi chỉ cung cấp cho bạn một số mẹo vặt trong cuộc sống mà tôi ước đã biết sớm hơn từ lúc bắt đầu sự nghiệp rồi định hướng cho cuộc sống, tình yêu, áp lực, lựa chọn, sự xấu hổ, hy vọng và tình bạn.”

-Qủa thực là rất khó. Để chú nói cho cháu gái này. Chú thì không học giỏi đến mức đỗ được Đại học Y, nhưng chú cũng đã từng theo học Cao đẳng Y dược. Nhưng rồi cuối cùng lại ra làm cái nghề lái xe này. Học Y khó nên đừng mong là đi làm thêm để có tiền trang trải việc học được, rồi học xong đâu phải đã là xong, còn mất vài năm thực hành nữa mới được cấp bằng nên để trở thành bác sĩ giỏi mất nhiều thời gian hơn các ngành nghề khác.

Nhưng tất nhiên nếu cháu có tay nghề giỏi, thì nghề sẽ không phụ người, cháu sẽ nhận được thu nhập xứng đáng với công sức cháu bỏ ra. Cho nên, khó khăn nào cũng có cách giải quyết hết. Nếu gia đình mình không có nguồn tài chính dồi dào, bác ạ, thì cháu nghĩ mình có thể  vay theo các chương trình cho vay ưu đãi của nhà nước dành cho sinh viên và huy động mọi nguồn vay khác để cho cháu nó có thể thực hiện được ước mơ của mình. Cũng là một cách để cháu nỗ lực học tập và rèn luyện.

Anh lái xe giờ mới tham gia vào cuộc trò chuyện:

-Chú giờ làm trái nghề, nhưng vẫn hài lòng vì nghề này cho chú một nguồn thu nhập có khi còn tốt hơn nếu chú theo đuổi ngành Y. Nhưng nói thế không có nghĩa việc học là không có ích. Ví dụ, chú học cao đẳng Y nên chú có thể có hiểu biết đôi chút về bệnh tật, hay các phương pháp chữa bệnh nên khi chở bệnh nhân đi khám dứoi Hà Nội mình có thể trò chuyện với họ với một chút kiến thức chuyên sâu hơn và vì vậy làm cho họ cảm thấy thích mà lựa chọn đi xe của mình, làm cho họ cảm thấy an tâm hơn để có nghị lưc vượt qua nghich cảnh bênh tật hiểm nghèo.

Đấy nên chú muốn nói với cháu rằng, đôi khi không phải rằng khi mình buộc phải rẽ sang hướng khác đã là một cánh cửa đóng sập tương lai của cháu lại đâu, mà có khi nó lại mở ra cho cháu một chân trời mới tốt đẹp hơn mà chính cháu cũng không ngờ tới.

Trong thời đại mà mọi sự đều có thể thay đổi một cách rất nhanh chóng này, thì sự linh hoạt là rất quan trọng, bà và cháu ạ. Không có nghĩa rằng cháu học cái này thì nhất nhất phải ra làm cái đó. Trường đại học chỉ trang bị cho mình kiến thức nền thôi, còn làm được đến đâu còn là do nỗ lực rất nhiều của bản thân mỗi người, tự học, rút kinh nghiệm và luôn cần mẫn chăm chỉ, không ngừng nâng cao tay nghề. Mình cứ nói thật là như thế!

Anh tài xế lập luận sắc bén thế này bảo sao anh luôn có đông khách hàng

-Chị đồng ý với em. Nên cháu gái cũng đừng lo lắng quá nhé, nếu cháu đã say mê trở thành bác sĩ đến thế, thì việc của cháu bây giờ là hãy cố gắng học hết sức mình trong năm cuối này đi để bước đầu đặt được một chân vào ngưỡng cửa mơ ước, là đậu được vào trường. Còn giả sử nếu không, thì cũng có rất nhiều cách khác nhau nếu cháu muốn tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, dù cháu có làm việc trong lĩnh vực nào đi nữa thì vẫn luôn có cơ hội.

Hai bà cháu không nói gì nữa, chỉ trầm tư. Mỗi người chắc đều đang theo đuổi dòng suy nghĩ của riêng mình. Mấy người khác cũng im lặng hồi lâu,

một lúc sau lại bắt đầu rôm rả một câu chuyện khác. Khi đã quen nhau rồi, chúng ta có thể cởi mở hơn với nhau và làm cho không khí trở lên vui vẻ.

Đôi khi cái mà chúng ta có thể làm được cho nhau chỉ đơn giản là như thế, khiến mọi thứ xung quanh vui vẻ và nhẹ nhàng đi giữa bao lo toan và bộn bề của cuộc sống.

Gần trưa, xe dừng đúng nơi mình cần xuống. Mình chào em tài xế và hai bà cháu để đến gặp các bạn mình!

Các bạn mình đều từ các tỉnh khác nhau về Hà Nội học tập. Tại ngôi trường rộng lớn và xanh mát, rợp bóng cây này. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, đến mình còn già đi và …nặng hơn :)) huống hồ là ngôi trường, sao không thay đổi được.

Thực sự, thì nó đã đổi thay đến mức mình không còn nhận ra được chút nào nữa, ở ngoài mặt tiền, nên đi vào cứ phải hỏi lung tung. Dãy nhà cấp bốn đã được thay thế bởi toà nhà cao tầng hiện đại. Những dãy ghế, hàng cây, và những bông hoa rực rỡ bung nở khiến khuôn viên trường như một công viên thu nhỏ. Đây đó, từng tốp các cháu học sinh vào tham quan trường; hoặc từng nhóm các bạn quây lại chụp ảnh kỷ niệm sau 15 hay 20 năm ra trường;

Và chỗ các bạn đang đứng đó cũng chính là giảng đường học cũ của chúng mình, vẫn những dãy nhà ba tầng màu vàng như xưa. Đối diện nó là nhà văn hoá, nơi có một số đêm ca nhạc sinh viên đầy máu lửa mà chúng mình đã từng vào xem.

-Hiền à, đến lâu chưa, ôi lâu quá rồi bạn ơi!

Chúng mình gặp nhau bằng những cái ôm và những lời chào như thế. Bạn bè sau khi ra trường, mỗi người một công việc, hướng đi khác nhau. Giờ đây có điểm chung đều là những người mẹ của những đứa trẻ cũng đang chập chững bước vào tuổi trưởng thành, lứa tuổi mà bọn mình đã gặp nhau khi xưa. Và tất nhiên, còn có những kỷ niệm chung bốn năm gắn bó với nhau của thời thanh xuân đầy tưoi đẹp

Chúng mình vào ký túc xá, tìm về căn phòng ngày xưa đã từng ở. Các toà nhà ký túc vẫn thế, nhưng cả khu thì như được mở rộng ra và cây cối thì già hơn và cành lá rậm rạp cho bóng mát nhiều hơn.

-Trời nóng quá. Sáng mưa ầm ầm rồi lại hửng nắng ngay khiến hơi đất bốc lên rẩm rít rất khó chịu.

Oi nồng, mồ hôi vã ra dưới thời tiết tháng Bảy.

Giữa trưa, chúng mình ghé một quán ăn mát mẻ và sạch sẽ ngay gần khu phố cổ. Sau đó qua kem Tràng Tiền và ngồi ngắm Tháp Rùa ở quán cà phê ngoài trời.

Nắng đã tắt và mây vần vũ kéo đến.

Mưa ngay lập tức trút xuống những chiếc ô rộng là những mái che. Những giọt mưa ngâu nặng hạt tạp cả vào khu vực ngồi của chúng mình.

Chúng mình ướt chân, và ướt cả tóc.

Nhưng những người khách vẫn lặng lẽ ngắm mặt hồ Gươm dứoi làn mưa. Nước rơi ruống mặt hồ, tung bọt, và tạo ra những đợt sóng lăn tăn.

Tháp Rùa nhoà đi, mờ ảo bởi dòng nước bao phủ.

Bầu trời xám xịt một màu buồn bã!

-Mình đã cực kỳ hụt hẫng lúc bố mình ra đi. Cảm giác đó thẩm thía và đau đớn hơn bất kỳ nỗi đau nào, khi mình nhận ra một người đang ở bên cạnh mình, rất thân thuộc với mình mà giờ không còn trên cõi đời này nữa.

Giọng của bạn còn buồn hơn cả nhịp điệu mưa ngâu buổi chiều tháng Bảy!

Cái chết của người thân luôn để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy. Đôi khi, chỉ đến khi đó chúng ta mới nhận ra họ có vai trò quan trọng với chúng ta biết nhường nào và rằng chúng ta đã yêu quý họ biết bao nhiêu. Họ là điểm tựa tinh thần, một điểm tựa vô hình nhưng lại có sức mạnh hữu hình giúp ta sống và phải sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Cái chết là sự mất mát, là sự cách ngăn giữa người ra đi và người ở lại.

Đôi khi, cũng một cách như thế, nó chia lìa những người ở lại với nhau.

Đôi khi, nó lại làm cho những người còn được sống và đang được sống gắn kết gần nhau hơn. Cha mẹ mất đi, anh chị em lại càng phải thương yêu đùm bọc nhau thì nếp nhà vẫn mãi còn được giữ.  Khi ấy, mỗi người mới còn như thấy vẫn còn nơi trong tâm tưởng để trở về. Đó chính là điểm tựa.

Cũng nhờ vậy, cái chết mới là lý lẽ của sự sống!

Chúng mình di chuyển vào một quán cà phê nhỏ để tránh cơn mưa. Và ngồi với nhau với những câu chuyện buồn vui cuộc sống, đủ cung bậc thăng trầm như sự biến đổi của thời tiết. Cho đến khi tiếng mưa thưa dần. Hoàng hôn rực rỡ với những tia nắng của buổi bình minh.

Sau cơn mưa trời lại sáng, dù cho lúc ấy đã là buổi chiều tà.

Giờ phút tạm biệt đầy lưu luyến nhưng lại như một lời chào cho những lần gặp nhau khác. Khoảng cách về mặt địa lý có thể xoá nhoà nếu trong tâm tưởng chúng ta coi những người chúng ta yêu quý như những điểm tựa, điểm tựa về mặt tinh thần. Xa lại hoá gần, ảo ảnh mà như lại hiện hữu.

Chúng mình chia tay nhau bằng những nụ cười. Những nụ cười của niềm vui hội ngộ!

Mình say bí tỉ trên đường về. Nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra sự giận dữ của một em khách hàng với người tài xế trẻ tuổi. Em gái giận và lớn tiếng vì cho rằng người lái xe đã không biết cách đón khách sao cho hợp lý làm cho thời gian di chuyển trên đường của em kéo dài hơn dự kiến.

Người lái xe trẻ chỉ biết giải thích là do tắc đường trong nội thành khiến xe không thể đạt được tốc độ cần thiết.

“Mình đâu có muốn như thế. Tắc đường thì nào ai biết trước được. Mình cũng muốn anh chị và các bạn về đến nhà đúng giờ.

Em nói đến đây thì thôi!

Để kiếm được tiền bằng mồ hôi nước mắt, có nghề nào mà không có cái khó. Những ngành dịch vụ, vừa phải phục vụ khách được tốt lại phải ăn nói, cư xử sao cho không làm mất lòng khách hàng và giữ chân được họ cho những lần sau. Đôi khi phải kìm nén sự mệt mỏi, nỗi bực tức bên trong và duy trì một thái độ ôn hoà bên ngoài để công việc được suôn sẻ. Không chỉ cho mình mà còn cho cả doanh nghiệp đang nuôi sống mình và biết bao người!

Anh khách hàng ngồi cạnh mình, cũng là một tài xế, lúc đầu cũng bực tức nhưng càng về sau lại càng tỏ ra thông cảm với người lái xe trẻ, có lẽ vẫn còn non về nghề. Anh hướng dẫn cho em ấy cách thức đón trả khách nhằm đảm bảo về mặt thời gian, cách biết buông bớt số lượng để đảm bảo về chất lượng của cuộc đi để khách hàng hài lòng nhất trong khả năng có thể.

Mình không còn biết trời đất là gì nữa, vì say quá. Em lái xe thì cuống lên vì lo em gái khách hàng muộn giờ nên cho xe tăng tốc băng qua cả điểm đến của mình đến hơn chục cây. Đến khi hai người họ xuống hết, trên xe chỉ còn mình và một anh khách hàng mà em đón từ sân bay thì mình mới nhận ra đã qua nhà mình xa rồi và giờ em sẽ chở mình quay ngược trở lại.

-Em cứ bình tĩnh lái, không phải lo lắng quá đâu. Anh có chậm một chút thời gian cũng không sao cả vì anh không có gì cần gấp gáp

-Em cảm ơn anh nhiều vì anh đã thông cảm cho em, hôm nay nói thật với hai anh chị sao mọi thứ đều không có suôn sẻ, cả lúc đi lẫn lúc về

-Không có gì cả em ạ, cuộc sống có lúc này lúc khác. Anh rất thông cảm với em, giờ đến nhà anh rồi, em cho anh dừng ngoài đường anh tự đi vào  ngõ cũng được.

-Em cảm ơn anh rất nhiều

-Đừng căng thẳng quá. Nếu mệt mỏi thì em nên nghỉ ngơi. Anh gửi em tiền xe, và anh không có nhiều chỉ có 20.000 em cầm thêm uống ly cà phê.

-Ôi anh ơi, anh tốt quá rồi, em không thể nhận số tiền thêm này đâu

– Em đừng từ chối khách hàng. Không đáng là bao cả nhưng đây là sự ghi nhận của anh dành cho sự nỗ lực và thái độ phục vụ của em. Cố gắng học hỏi để lần sau phục vụ khách hàng được tốt hơn. Chào em nhé!

– Em cảm ơn anh nhiều ạ, cám ơn anh!

Mình không biết mặt ai trên xe vì mình khi đã bị say xe là gần như bẹp rúm vậy.

Tuy thế những lời nói của người khách hàng cuối cùng trước mình với người lái xe đã khiến cảm giác mệt vì say gần như tan biến.

Hai mươi km đi thêm với một người say như mình, thật chẳng còn là vấn đề to tát.

July 21, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.2

by Rose & Cactus July 17, 2024

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
(Bằng Việt)

Bình thường buổi tối hai bà cháu thường đi bộ đi dạo, nhưng buổi chiều bà lượn nơi này nơi kia nhiều rồi nên thôi, tối hai mẹ con con đi đi, bà xin nghỉ một hôm :)).

Trời có vẻ khô ráo, tối mù nên cũng chẳng biết là có mây hay không. Hai mẹ con định ra sân vận động xem các cô các bác nhảy theo nhạc rất vui, kiểu dưới ánh điện vàng nghe tiếng xập xình của

Bahama, bahama mama
Got the biggest house in town bahama mama

Lại cảm thấy có cái gì đó rất khí thế, rất yêu đời và rất…thập niên 90, cứ như đang ngồi trong rạp cưới :)).

Nhưng nghĩ thế nào đến ngã tư thì con mình bảo thôi sang cậu chơi đi mẹ và thế là thay vì quẹo chúng mình đi thẳng và tự nhiên lúc đó thì cơn mưa ầm ầm đổ xuống. Chả có dấu hiệu gì, không gió, không nhỏ giọt từ từ.

Vài người đi dạo trên đường cũng chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn. May quá có cái ô rộng của một nhà trẻ mầm non đặt ngay trước cửa nên hai mẹ con tấp vào.

Mưa cứ thế ào như trút. Chiếc ô rộng là thế mà có cảm tưởng nó cũng  nhỏ bé đi, run lên dưới sức nước xối xả

-Đây đúng là kiểu mưa rào rồi, yên tâm chỉ chút nữa là tạnh con ạ

Chưa đầy mấy phút sau mưa vãn bớt thật

-Thôi về đi mẹ, mưa chỉ lất phất vài hạt không sao đâu

Hai mẹ con vừa bước ra khỏi chỗ trú ẩn thì đã thấy bóng hình quen thuộc bên đường. Mẹ mình mặc áo mưa, mang ô và cả áo mưa đi tìm con cháu. Sợ con mắc mưa về ốm nên cụ phải đi kiếm ngay. Ôi mẹ, lúc nào tình yêu của mẹ dành cho con cũng mênh mông như trời bể!

Hôm qua chú hàng xóm nhà mình nói mẹ sang vườn nhà chú lấy củi khô về mà dùng. Nhà chú rộng, rất nhiều cây thân gỗ. Mưa xuống, cành cây gãy nhiều, giăng đầy vườn. Đi lượm củi khô trong vườn cũng thú phết, cảm giác như đi thu hoạch rau trái vậy. 

Củi được nhặt, xếp gọn gàng rồi buộc lại từng bó. Vườn sạch hẳn mà nhà lại có thêm nguyên liệu đun nấu.

Xưa xửa xưà xưa, trăm năm, ngàn năm trước, dân cư còn thưa thớt, rừng bạt ngàn nên con người nương tựa vào đó mà sống cả.

Thức ăn lấy từ rừng, nhà cửa làm từ cây rừng và ai cũng là một bác tiều phu cả. Bác tiều phu vào rừng nhặt nhạnh những mảnh cây khô, chất lên đôi quang gánh và quảy về nhà. Nếu gia đình không dùng hết thì bác sẽ mang ra chợ trao đổi.

Hình ảnh người tiều phu luôn rất thân thương và quen thuộc, trong các câu chuyện cổ !

Ở nhà mình, mẹ vẫn có một cái bếp củi ở góc chuồng gà sát vườn. Gà thì giờ mẹ không nuôi nữa, nhưng thi thoảng vẫn thích đun củi thu gom từ vườn. Chỉ để làm mấy thứ linh tinh như đun nước nóng hoặc nướng bồ kết hoặc khoai lang.

Củi khô, dễ bén lửa, phát ra âm thanh tanh tách thật vui tai. Khi cháy, bùng lên rất nhanh. Mùa hè phải ngồi cạnh bếp lửa ngang xuống địa ngục chứ mùa đông thì lại hoá thiên đường. Các cô gái muốn xinh cứ nhóm cái bếp lửa lên, nấu xong siêu nước thì má cũng rực hồng, đẹp hơn cả đánh phấn :)).

Nấu bếp củi mùa đông thì rất ổn bởi mùa đông là mùa khô không mưa. Trong khi mùa hạ, mà lại là tháng ngâu nữa thì cứ liệu mà che chắn cho cẩn thận để củi không bị dính nước.

Củi ẩm rất khó chịu, vì nhóm lên toàn bốc khói, thổi cho toét mắt ra chỉ lên lửa được một lúc rồi lại tắt ngúm. Rồi lại phải thổi lại, rồi lại tắt, lại thổi. Nấu xong được nồi cơm thì mắt cũng đỏ ngầu, nhoè nước.

Giờ thì tất nhiên bếp củi như là đồ cổ. Tuy nhiên, lâu lâu ngồi cạnh ánh lửa bập bùng vẫn cho một cái cảm giác rất là …chill.

Như lúc sáng, trời mưa nhẹ, mẹ lại làm vài thanh củi đun nước lá sả, bồ kết. Ba bà cháu nhà mình đến giờ vẫn thích gội bồ kết, đúng hơn là rất thích cái mùi thơm nồng của cái loại quả kỳ diệu cho mái tóc này.

Mưa khiến tiết trời hơi se lạnh, hương bồ kết và hương củi phảng phất. Bay từ bếp lên nhà, từ bếp ra khu vườn xanh mát.

Không khí thật thích hợp để làm một tách cà phê thơm lừng và ấm nóng. Mình chẳng chần chừ đi pha cà phê ngay

Bên bếp lửa, ngay cửa vườn, với cà phê và chiếc máy tính. Mình những tưởng sẽ viết được thêm câu chuyện đang viết dở từ tối, thì hoá chẳng làm được gì,

vì mải ngắm cây trong vườn.

Dứoi làn nước mỏng, của những giọt mưa ngâu, những cái cây như đang hát khúc ca xanh tươi mùa hạ,

trong vườn mẹ, có cây bồ kết, cây đu đủ, cây mít, cây na, cây chùm ngây, cây chuối…

Mình đã nghĩ, mình sẽ trồng thêm một cây hoa ngâu. Ngay ở đây, chỗ mình đang ngồi này.

July 17, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Giọt mưa ngâu.1

by Rose & Cactus July 16, 2024

2h sáng, chuông báo thức đổ dồn. Mình tưởng mình sảng thế nào mà phải đặt báo thức. Bình thường tỉnh lắm, cứ giờ đó là mở mắt rồi, chính xác không chệch một phút nên không phải chuông chiếc gì.

Hoá ra âm thanh phát ra từ chiếc điện thoại của con mình. Một phát bật dậy luôn. Mình hiểu ra vấn đề:

-Bữa nay con gái siêu nhân thế nhỉ!

– Mẹ xuống xem với con đi

-Con xuống trước đi mẹ xuống sau

Nói chung nhà mình chỉ có bố và thằng em mình biết xem và mê xem bóng đá thật sự còn mấy bà cháu chỉ là dân nghiệp dư. Kiểu thế này,

Mình thì Hà Lan xách va li về nước rồi nên coi như Euro cũng hết :)), mẹ thì chỉ thích xem đá penalty. Đang ngủ nhưng tinh lắm, chỉ cần ầm ầm bên nhà ngoài là trận đấu này phải kết thúc bằng loạt sút luân lưu rồi là cụ kiểu gì cũng sẽ mò ra phòng khách để xem những cú sút đậm đặc tính cân não, không dành cho người yếu tim như mình :)).  

Con gái mình thì không thích cụ thể đội nào, cũng không nghiền bóng đá. Nhưng không đến mức bàng quan mà không hiểu tí gì về môn thể thao Vua này. Con sẽ lựa chọn xem một vài trận trong mỗi giải, ví như những trận của đội tuyển Hà Lan con sẽ thức xem cùng mẹ hay như hôm nay trận chung kết Anh- Tây Ban Nha.

Lý giải của nó thế này: 1. Chung kết không phải luôn luôn, nhưng phần đa, sẽ là màn trình diễn đỉnh cao, hồi hộp và gay cấn nên không xem trận nào cũng được nhưng nhất định phải xem chung kết; 2. Muốn cổ vũ đội tuyển Anh vì mong ước một đội mới mẻ nâng cao chiếc cúp chứ Tây Ban Nha thì quá giỏi rồi, số 1 nhiều lần rồi :)).

Lập luận nghe chừng cũng khá ổn đấy chứ nên không ngạc nhiên khi chị ý một mình ôm ti vi lúc rạng sáng. Rồi cũng hò hét thế nào mà bà ngoại một lúc sau cũng phải ra nhập cuộc. Mình nghe hai bà cháu bàn luận sôi nổi tự nhủ thôi nằm cố thêm hai mươi phút nữa vì mắt không thể mở nổi. Ngu quá vì tối hứng lên làm ly cà phê và thế là mắt  thao láo, hơn 1 giờ sáng mới ngủ được.

Và hai mươi phút thành dài thuông thuổng. 4h sáng tỉnh dậy như thường lệ thì thấy con gái ôm gối lên phòng:

-Tỷ số 2-1 mẹ ạ. Anh chỉ về nhì nhưng Tây Ban Nha thắng là xứng đáng!

Vậy là giấc mơ màu vàng của những con sư tử Anh lại vẫn chỉ là…giấc mơ. Có những thứ như định mệnh, ví như luôn thiếu một chút gì đó may mắn chẳng hạn. Và cũng có thể còn là do đẳng cấp chưa tới.

Cô đi chiếc xe mifa, còn mình đi chiếc mini. Mifa là loại xe của Đức, thiết kế theo khổ người  châu Âu nên xe cao, vành rộng. Đạp đỡ mỏi và tốc độ nhanh hơn.

Trước đây nhà mình cũng có một chiếc Mifa do dì mình đi nước ngoài mang về. Dì đi xuất khẩu lao động bên Tiệp bốn năm chỉ để dư ra được một ít tiền, còn lại bao nhiêu mua đồ sắm sửa cho ông bà hết. Có hai cái xe đạp mang từ bên đó về, thì một cái Eska cho ông ngoại mình đi, một cái mifa thì cho chị gái là mẹ mình.

Nhà ông ngoại mình, như bao gia đình khác ở thập niên 80, cố gắng lắm mới xây được cái nhà gạch thay thế cho nhà tranh vách đất. Vậy là cũng phải cần kiệm lắm rồi chứ đừng đòi hỏi trong nhà phải có cái gì đáng giá. Nhà ai bước vào cũng trống hoác, với những chiếc giường tre ọp ẹp, các bạn trẻ bây giờ chắc cũng không hình dung được nó là thế nào đâu.

Dì về, mua cho ông bà hai chiếc giường gỗ chắc chắn, một chiếc tủ bích phê và bộ bàn ghế gỗ. Mình còn nhớ những chiếc ly pha lê cao ơi là cao và những đĩa sứ trắng muốt với hoa văn rất đẹp, in dấu nơi sản xuất cả ở Tiệp Khắc và ở…Trung Quốc.

Dì mình bảo thời đó mà hàng Trung Quốc đã ngập tràn các nước Đông Âu rồi và rất được chuộng vì phong phú về chủng loại và giá cả phải chăng. Và thực sự là tốt nữa chứ, nhà mình vẫn còn giữ lại được một vài chiếc đĩa hoạ tiết hoa đào “Made in China” đến giờ. Đã bốn mươi năm rồi.

Chiếc mifa mẹ mình đạp sà sã đi làm từ khi mẹ hơn hai mươi cho đến lúc mẹ đã bước sang tuổi năm mươi. Xe đi nhẹ và tất nhiên rồi, bền và đẹp từ nước sơn đến thiết kế. Sau khi về hưu được 5 năm thì cái xe của mẹ mới hết đát, không thể sử dụng được nữa.

Chiếc xe của cô hàng xóm nhà mình cũng bằng tuổi với chiếc mifa của mẹ, do chú nhà cô mang về từ Đức đầu thập niên 80. Nhưng vì cô trước đây may vá ở nhà, cô là chủ tiệm may của chính mình. Nên không sử dụng nhiều đến xe đạp như mẹ mình và vì vậy đến thời điểm này nó vẫn còn gía trị sử dụng.

Và vẫn còn có thể theo cô hàng ngày trên những cung đường buổi sáng khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, như một cách rèn luyện sức khoẻ thể chất và tinh thần.

-Cháu thấy thích chưa, chào ngày mới không gì tuyệt bằng việc đứng trước một dòng sông

Dòng sông Cầu tháng Bảy, nước đầy ăm ắp. Ven bờ bãi trải dài, từng đàn bò đang thẩn thơ gặm cỏ. Cỏ xanh non tơ trên đất phù sa sông bồi đắp thì còn gì thích hợp hơn cho loài động vật ăn cỏ hiền hoà này.

Trên gờ đất cao sát chỗ những chú bò đang thong dong, lác đác một vài ngôi nhà mái đỏ. Nhà ở đây chắc có lẽ không cần phải dùng quạt máy nhiều, ngay cả trong những ngày hè oi ả.

-Tuy vậy, vào mùa mưa bão là cũng khá mệt đấy cháu. Cháu thấy mực nước của dòng sông hiện tại không? Đã mấy ngày rồi trời không có mưa kéo dài chứ tháng sau mùa mưa ngâu cả tháng là nước sẽ tràn lên  phải ngấp nghé mấy cái nhà trên cao đấy! Sạt lở đất có thể xảy ra! Những năm lũ lớn bất thường hậu quả còn nặng nề hơn ấy chứ, không đùa được với thuỷ thần đâu con ạ!

Dòng sông vào mùa lũ, nước cuộn đục ngầu đầy hung dữ nhưng những ngày bình thường thế này dòng chảy thật nhẹ nhàng và êm ả

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”

Câu ngạn ngữ mà ngày xưa đọc sách bình giảng Văn hay thấy được trích dẫn, giờ bỗng lại lướt qua tâm trí mình. Vạn vật trong nhân gian này đều đang biến đổi, mỗi phút, mỗi giây. Mọi thứ đã qua rồi là không bao giờ trở lại được nữa.

Con người chúng ta cũng vậy mỗi độ tuổi, mỗi biến cố, mỗi trải nghiệm sống đều dần có thể làm thay đổi nhân sinh quan và là bước ngoặt đưa ta rẽ sang một hướng mà trước đây ta hoàn toàn không nghĩ tới.

Mọi thứ đều đang thay đổi,

như dòng sông không bao giờ đứng im, chúng cứ chảy mãi chảy mãi ra đến tận bể :

Chảy đi sông ơi, chảy đi sông ơi
Ơi con sông tiếng hát muôn đời
Hãy cho ta nói lời cay đắng
Nhắn giùm ta về nơi góc biển
Rằng nỗi muộn sầu đang ngày đêm chan chứa

(Phó Đức Phương)

như cơn gió tháng Bảy, tháng Tám đang mát mẻ dường kia mà sang tháng Chín, tháng Mười đã chớm se lạnh của thứ gió heo may rồi. Ôi đã bao nhiêu năm rồi mình không còn được vỡ oà vì cái cảm giác gió heo may vờn trên làn da, mái tóc?

Gió heo may, tìm theo những bông cỏ may

Mùa thu đã qua cùng gió

Tìm trong ký ức ngọt ngào

Xót thương thu vàng, về nơi chốn cũ

như đám mây lững lờ trên bầu trời cao, khi xám xịt, dầy lên những tầng khổng lồ muốn kéo sụp tất thảy vào mặt đất, khi lại mỏng manh gợi cảm như sương khói, tan ra, tan ra đến khi biến mất thì để lộ ra một không gian xanh mênh mông vô tận, một sắc màu phổ biến nhất trong bảng màu của sự sống: xanh lam – xanh da trời

Yes, the wind blows a little bit colder
And we’re all getting older
And the clouds are moving on with every Autumn breeze
Peter Pumpkin just became fertilizer
And my leaf’s a little sadder and wiser
That’s why I rely on certain certainties

Bài hát trong “Frozen” ngày nào con mình nghe nhiều đến thuộc làu, từ khi con còn bé xíu vậy mà giờ nó đã lớn dường kia. Tất cả chúng ta đều đang lớn lên và già đi, chúng ta đều đang đi qua mùa Hạ rừng rực lửa cháy của tuổi trẻ đế đến những ngày Thu đông suy tàn.

Chúng ta rồi cũng như quả bí ngô “Peter Pumpkin” dần trở thành “fertilizer”, vùi vào đất mẹ –  làm màu mỡ cho đất mẹ

Nếu có chăng chỉ có tình yêu thương là mãi bất tử, chừng nào còn tồn tại con người

Yes, some things never change
Like the feel of your hand in mine
Some things stay the same
Like how we get along just fine
Like an old stone wall that’ll never fall
Some things are always true
Some things never change
Like how I’m holding on tight to you

(Some things never change/ Frozen)

– Cái cầu sắt bắc qua sông này đã ọp ẹp quá rồi cháu. Nó được xây dựng mười năm lăm rồi nhưng vài năm trở lại đây lưu lượng người qua lại đông quá. Từ đây (khu vực cô cháu mình đang đứng) người dân có thể đi tắt theo lối qua cầu để xuống những khu công nghiệp mới nên cầu bị quá tải. Người ta đã phải chắn lại không cho ô tô lưu hành qua và đã tính đến việc làm một cây cầu mới thay thế để đáp ứng cho sự thay đổi.

Đúng là chỉ có xe đạp và xe máy trên cầu nhưng có cảm giác nếu dòng xe đông đúc là cầu rung lên bần bật thật. Sáng sớm, ngừoi đi bộ đi xe đạp thể dục, người đi xe máy đi làm biến cây cầu tuy già nua nhưng không hề cô độc.

Nắng loang trên những song sắt thành cây cầu. Mặt trời như đang chơi trò đuổi bắt với những đám mây. Mình bắt được khoảnh khắc một tảng mây đen chạy sượt chắn ngang mặt trời khiến ánh sáng nhoà đi đôi chút. Mặt sông vui tươi lấp lánh ánh bạc tức khắc lại buồn đến thẫn thờ

-Có mấy con cá sông ngon lắm cô lấy nốt cho tôi nhé. 100.000 không cần cân, nói bán cho nhanh để tôi về. Nhìn trời kiểu này dễ mưa lắm.

Mình lấy hết cho cô vì biết bố thích ăn món cá kho dưa. Trời mưa, có món cá kho thì cơm nấu bao nhiêu cho đủ :))

-Hôm nay con mua cá nên mình quay lại về thôi không cá ươn ra hết. Hôm khác cô sẽ dẫn con đi xa hơn.

Mình lại theo cô đạp xe về, đi theo hướng khác hướng ban đầu. Xe đi qua một con đường nhỏ với một bên đường là hàng cây rong nở hoa đỏ thấm. Đã từ lâu lắm rồi mình mới lại được nhìn thấy loài hoa này (không biết có phải nó tên là rong đỏ không nữa) nên dù trời đã lất phất vài hạt mưa nhỏ nhưng cũng phải dừng lại chụp vài kiểu ảnh :))

-Cô nhớ hôm sau dẫn cháu đi sang nhà ông cụ trồng cây cảnh nổi tiếng nhé!

-Tất nhiên rồi. Mắt mày yếu sẵn từ xưa lại cận lòi ra thế ngồi máy tính vừa thôi con ạ. Ra ngoài mà làm vườn khoẻ hơn nhiều đấy

Hai cô cháu vừa về đến nhà thì trời đổ cơn mưa. Thật may hết biết!

Mình bước vào nhà, đã thấy con gái dậy rồi, sao xem bóng đã cả đêm mà nó bữa nay lại dậy sớm thế

-Ô, hôm nay mẹ buộc tóc cao nhìn xinh hơn bao nhiêu!

Ôi trời, chưa kịp hỏi lý do sao dậy sớm thì tỉnh cả người khi nghe nó nói vậy. Mới sáng mà nhận được lời khen thế này chắc cả ngày mẹ nó không làm gì được lại chả đi soi đến mòn gương thì chết :)))

-Thật sao con?

Cũng phải giả vờ hỏi lại tí chứ nhỉ

-Ah, cũng có thể vì con chả ngủ được tí nào từ lúc kết thúc trận đấu đến giờ. Nên mắt lờ đờ, nhìn không rõ :))

Nó cừoi tinh quái rồi chạy biến lên gác

Ôi giời ơi, con cái thế này bao giờ hả các ông các bà? Nhưng mà thôi, kể cũng được, sau này có tiềm năng viết được tấu hài gửi báo Tuổi trẻ cười :)).

Dù sao cũng chia buồn với con vì đội Anh của con đã thua. Thôi thì bóng đá Anh không được như ý thì con kiếm vài mẩu chuyện về những con người hài hước đặc trưng kiểu Anh mà đọc. Buồn mấy thì cũng tan biến ngay.

1.

Khi còn nhỏ, thủ tướng Winston Churchill có một bộ ria rất đẹp. Một hôm, trong một cuộc họp khá đông, một bà đứng lên công kích với một vẻ giận dữ:

– Tôi không ưa ý kiến lẫn bộ râu của ông.

Winston Churchill ngọt ngào đáp ngay:

– Bà đừng lo. Bà không có dịp nào tiếp xúc với hai cái đó đâu.

2.

Một bà khác  bảo ông:

– Nếu tôi là vợ  ông, tôi sẽ  cho ông  uống thuốc độc

– Nếu tôi là chồng bà, tôi sẽ  uống  nó ngay.

 

Cũng như nhà vật lý Albert Einstein, cố thủ tướng Anh  Winston Churchill cũng nổi tiếng là người rất hài hước!

July 16, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Mùa hạ yêu thương.8

by Rose & Cactus July 14, 2024

Con đường dẫn đến cây cầu sắt bắc ngang con sông Cầu giờ đã được làm mới, rộng rãi và bằng phẳng. Hai bên đường, xanh ngắt một màu của những ruộng lúa non mới cấy ngay bên cạnh gò đất cao với đủ thứ cây chuối, nhãn, bạch đàn…

Đất trung du hay lắm, địa hình kiểu xếp tầng, với ruộng lúa nước nằm ngay dưới chân những quả đồi thấp. Nhưng kiếm được đồi nguyên thuỷ bây giờ hiếm, vì hầu hết đã được san cho thấp bớt để tiện việc sinh sống và đi lại.

Càng đi sâu con đường càng mở ra những khoảng xanh mơn mởn của cỏ cây mùa hạ. Không khí tĩnh lặng và mát mẻ khiến chuyến đạp xe buổi sáng kéo dài hơn dự định vì không thể không dừng lại để ngắm cái này nhìn cái nọ:

-Cháu thấy không, những vệt hồng bám trên gốc những cây lúa kia chính là trứng của ốc bươu vàng đấy. Phải nhanh chóng diệt ngay không cả đám lúa coi như bỏ.

Dưới cánh đồng một vài bác nông dân cũng đang bắt ốc diệt sâu

-Cô có mua cá rô không? Đây tôi mới bắt được ít thôi, lấy cho tôi cả đi

Trước mặt mình, trong cái thau nhôm bé xíu, những con cá rô đồng cũng bé nhỏ đang ra sức quẫy đạp. Chị nông dân trút hết những con cá sang cái túi nilong và trao cho mình:

-Cô về cứ rán giòn lên, con to có thể gỡ thịt nấu canh, rất ngọt nước.

Bánh xe lại lăn bon bon trên con đường vắng. Sương hạ tan ra dưới tia nắng ban mai. Thấp thoáng những mái ngói kiểu nhà Thái, hình như đang là kiểu kiến trúc được ưa thích đối với những nhà có đất rộng, lại hiện lên trên những tầng nhãn quả sai trĩu. Nhãn gần vào chính mùa thì phải, nghe nói năm nay mất mùa mà sao mình đi trên đường thấy cây nào cũng vẫn sai quả thế nhỉ ?

Con đường uốn lượn bám quanh những mảnh ruộng, thi thoảng lại lên xuống một con dốc thoai thoải.

-Đây là lối vào nhà bác bạn của bố cô. Bác là người trồng cây cảnh và hoa cảnh có tiếng ở khu này đấy. Cụ nhà cô yếu sức rồi không tiếp tục sự nghiệp được nữa chứ bác mới hơn bảy mươi thôi nên vẫn say mê với công việc này lắm.

Người say mê cây cả ngày họ có thể ở ngoài vườn được. Suốt thời thơ ấu, mình đã từng chết mê với cái vườn cây của nhà ông Hưng hàng xóm với nhà ông mình. Ông người gốc Thái Bình và là một nhà làm vườn có đôi bàn tay khéo léo ngang nghệ nhân (dưới con mắt của mình).

Vườn nhà ông được chia ra làm nhiều khu vực, nơi trồng cây cảnh, nơi trồng hoa cảnh, nơi trồng cây ăn quả, nơi trồng rau, nơi trồng hoa theo mùa.

Khu vực nào cũng vuông vức và gọn gàng. Những cây được uốn thế rất khó, đòi hỏi sự công phu thì được đặt trong những chậu sành rộng rãi và cao ráo. Bọn trẻ chúng mình có thích thì cũng chỉ đứng xa một chút để nhìn ông làm kiêủ cắt tỉa, uốn, chằng buộc gì đó chứ không được chạy nhảy mạnh quá xô vào cây thì hỏng hết thành phẩm đang làm dang dở của ông.

Người làm vườn là một người thợ cần mẫn, tỉ mẫn, không chỉ cần có sự kiên trì nhẫn nại mà còn cần cả óc thẩm mỹ cao. Họ thường làm việc một mình trong không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim chóc và tiếng gió xào xạc trong vườn.

Sáng sớm khi ánh sáng còn mờ ảo họ đã đặt chân vào vườn và đến khi ngẩng đầu lên thì ông mặt trời lên cao như cái sào rồi. Làm việc mê mải đến quên cả giờ giấc, có lẽ chỉ đến khi cái đói cồn cào mới nhắc nhở họ hãy tạm thời gác tay để vào nhà làm chén cơm lót bụng.

Mình mỗi lần vào ông ngoại chơi là kiểu gì cũng nhảy sang nhà ông Hưng. Nhà ông có hai đứa cháu ngoại cũng tầm tuổi mình. Lúc thì chúng mình ra vườn xem ông chăm cây lúc lại phụ bà Hưng hái hoa cúc để bà đi chợ bán khi ngày rằm mùng một.

Buồn cười nhất là ngày đó mình cứ bảo bà nhận mình làm cháu để bà cho sang hái hoa và chăm hoa. Làm không công cũng được vì thích lắm, cảm giác đắm chìm trong muôn sắc của cây cối và hoa lá không khác gì cảm giác đắm chìm vào những con chữ. Có lẽ vì vậy mà mình chăm cây chăm hoa thì rất tốt. Trồng cây hoa nào cũng mọc nhanh, và nở hoa đẹp.

Nhưng cắm hoa thì xấu tệ hại vì tay mình vụng, không khéo. Đúng kiểu chỉ làm được nông dân, cày sâu cuốc bẫm :)).

– Con thích cây cối thế thì sau này sang đây ông dạy cho nghề làm vườn. Tính mày trầm tĩnh rất giống với ông ấy nên hợp với nghề này lắm con gái ạ. Chỉ sợ con không chịu được nắng mưa thôi. Nghề này cứ phải ở ngoài trời suốt, mấy mà da lại đen nhẻm ra.

Bà Hưng vừa bỏ hoa vào thúng vừa nói với mình như vậy, vào một ngày thu đẹp vô cùng năm mình mười ba tuổi.

Tuy vậy, không bao lâu sau, thì gia đình ông bà Hưng, không hiểu vì lý do gì thì chuyển nhà đi. Mình nghĩ một phần bởi khu vực nhà ông bà ngoại mình sâu quá, đi lại vất vả vì đường sá ngoằn ngoèo.

Nhà ông chuyển đi thì vườn cây, vườn hoa cũng biến mất. Nhà mới họ phá hết và biến khu đất rộng thành vườn trồng những loại cây lương thực như ngô, sắn. Mình lúc vào ông ngoại chơi lại thơ thẩn ra cây ngâu, nằm ở ranh giới lối đi giữa nhà ông mình và nhà ông Hưng, là cây còn lại duy nhất gợi nhớ về người làm vườn tài năng.

Giờ mình nhìn thấy bố mình cũng lấy làm vườn làm niềm vui tuổi già mình lại nhớ đến ông Hưng và khu vườn của ông.

Khu vườn đẹp như “Khu vườn bí mật” ở nước Anh xa xôi qua ngòi bút đầy chất thơ của nữ văn sĩ xứ sở sương mù Frances Hodgson Burnett.

Mùa hạ yêu thương

(Truyện ngắn)

By Rose & Cactus

8.

Nhà tôi, Dahlia và Mai Khanh đều ở trên một con đường nhỏ. Con đường này chạy từ chợ xuống tận dưới ngã ba đường ra trung tâm chỗ đài phun nước. Nhà Dahlia và Khanh ở đầu đường và cuối đường còn nhà tôi ở giữa.

Thế nào mà may mắn là tuy cùng trên một con đường với hai đứa kia nhưng có mỗi nhà tôi là đất dài hơn nên có thêm một mảnh vườn nhỏ, nhỏ xíu thôi nhưng cũng đủ để  thành một cái vườn. Nơi mà mẹ tôi trồng đủ các loại cây và rau và hoa. Mẹ tôi yêu hoa hồng nên vườn luôn thơm mùi hoa hồng. Hoa hồng được trồng ở khắp nơi, trên ban công, ở bồn trước cửa nhà, thậm chí ở khe hẹp ngăn cách khu nhà và bếp.

Đằng sau khu vườn trải dài một cánh đồng lúa. Từ bàn học được đặt sát cửa sổ trong phòng của tôi trên tầng hai phóng tầm mắt ra là sẽ thấy được khu vườn nhà tôi, nhà hàng xóm và cả cái cánh đồng.

Mùa này đang đông giá, cánh đồng khô khốc chỉ còn trơ ra những gốc rạ. Có đôi khi bọn trẻ con xóm Sau tụ tập ở giữa đồng và gom rạ đốt thành những đống lửa nhỏ. Trong ánh sáng nhá nhem lúc chập choạng tối, khói lửa như giúp xua tan cái tê tái rét buốt của mùa đông. Nướng khoai hay ngô trong những đống lửa này thì còn hết sảy nữa, ăn vừa thơm vừa ngọt chứ không mất vị như khi luộc.

Chẳng qua bây giờ tôi đã lớn chứ phải như lúc tôi còn bé thì tôi sẽ không ngồi yên mà ngắm nhìn chúng nó chơi nghịch như vậy đâu, chắc chắn là đã lê la ra ngoài đồng để nhập bọn, nghịch còn hơn cả quỷ sứ.

Hôm nay đến lượt bàn tôi trực nhật nên sáng sớm nay tôi ra cuối vườn chặt một thân chuối non dùng để lau bảng. Khúc chuối này thường nhỏ bằng cổ tay dài chừng 20cm, chúng tôi sẽ chà vào nhọ nồi hoặc than. Khi lau như thế, bảng sẽ đen kịt, sạch sẽ vô cùng nên chữ của các thầy cô sẽ rõ nét và có hồn hơn.

Lúc này tôi đang đứng ở bụi chuối sát cái ruộng lúa. Trời còn sớm, sương giăng mờ ảo phủ khắp cánh đồng, chỉ còn thấy thấp thoáng những bụi tre ở đằng xa. Trên những bẹ hoa chuối tim tím, từng giọt sương long lanh trắng muốt. Khóm chuối này có ba buồng quả đang nhỏ. May quá chỉ còn ba tuần nữa là Tết, kịp thời gian để cho nó đủ lớn và đẹp để mẹ tôi cắt đem bày trên bàn thờ.

Nhắc đến mâm ngũ quả ban thờ ngày Tết thì phải nói qua chút. Trên mâm ngũ quả trưng bày không thể thiếu một nải chuối xanh, một quả bưởi vàng, những quả quất tròn mọng và vài ba quả trứng gà (lekima) vàng ươm. Thêm hai cặp bánh chưng vuông và vài ba hộp mứt.

Dĩ nhiên rồi, kiểu gì cũng phải có một cành đào tươi thắm cắm trong một lọ sứ cao. Hai bên ban thờ sẽ đặt hai cây mía bụ bẫm. Mía giống như một biểu tượng của sự giao hòa trời – đất, “là sự kết nối”. Cũng luôn có hai bình hoa trên bàn, những loài hoa đặc trưng ngày Tết: Violet, thược dược, lay ơn và đồng tiền.

Tôi thích nhất trong không gian ấm cúng với hương trầm toả khói thơm nghi ngút được thưởng thức bát chè lam do ông ngoại tôi nấu cùng một tách trà xanh ấm nóng cũng do ông ngoại tôi pha.

Cách đây mấy năm người ta đã cấm pháo vì nó nguy hiểm. Biết cấm là đúng rồi nhưng bất chợt một khoảnh khắc nào đó tôi vẫn cứ thấy nhớ cái mùi thuốc pháo thế nào ý, nó rất thơm và rất …Tết. Tôi có nhiều chú ruột, mấy chú vẫn còn trẻ lắm nên trước đây cứ gần Tết thế này là các chú lại bắt đầu chuẩn bị để cuốn pháo.

Những phong pháo thật to thì để nhà ông nội tôi đốt, còn những phong nhỏ hơn thì các chú hay cho nhà tôi. Đêm ba mươi báo hiệu bằng tiếng pháo đùng đoàng, thưa thớt sau đó râm ran to dần lên và cuối cùng là hợp ca tiếng pháo nổ vang vọng cả đất trời. Mùi pháo thơm quyện với mùi hương trầm khiến cho đêm 30 Tết thêm ấm áp và linh thiêng, chỉ có thể cảm nhận mà khó có thể miêu tả hết bằng lời.

Buổi sáng mùng Một mở cửa ra, trên sân nhà ai cũng ngập xác pháo hồng! Mỗi khi có cơn gió thổi tới, giấy pháo bay xào xạc.

Mong manh, đẹp và thơ như những cánh hoa đào trước gió Xuân.

Dạo gần đây buổi sáng đi học tôi và Dahlia có thêm Mai Khanh đi cùng nữa nên cũng vui. Do nhà gần chỉ cách vài bước chân nên tôi hay qua nhà Khanh chơi. Mẹ của Khanh rất quý tôi và thích tôi qua nhà bác vì Khanh vốn sống khép kín, ít bạn.

Tôi sang chơi bác toàn lôi bánh kẹo ra bắt tôi ăn, nhưng khổ tôi với con Iris đang cùng nhau thực hiện chiến dịch giảm cân nên tôi cũng chỉ dám động vào một, hai cái. Bác thấy vậy tưởng tôi không thích bánh kẹo lại lấy sữa bột ra pha bắt tôi uống. Bác nói tuổi này học hành vất vả cơ thể cần nhiều năng lượng nên phải uống sữa. Khanh uống sữa nhiều chẳng trách cao là phải. Nhưng một lần nữa, lại khổ nỗi, tôi không uống được sữa bột. Từ nhỏ đến lớn phần lớn bọn tôi có biết đến sữa bột là gì đâu nên cảm thấy rất khó uống.

Bác cười, nụ cười đẹp làm sao. Khanh được thừa hưởng chiều cao của bố và khuôn mặt của mẹ:

– Bác tưởng mỗi Mai Khanh nhà bác khó ăn thế mà hoá ra bạn của nó cũng vậy

Huhu, tôi nghe xong đúng ngượng. Thực tế tôi cái gì chẳng ăn được mà còn ăn khoẻ nữa chứ mà ăn uống như mèo kiểu cái Khanh con bác thì chắc tôi chẳng có sức mà đạp xe nhong nhong đi chơi suốt ngày.

Nhà Khanh rộng, phần lớn chỉ có hai mẹ con ở. Bố nó công việc bận rộn, đi công tác suốt. Hai chị lớn thì học Đại học dưới Hà Nội hết rồi. Mẹ nó trước kia cũng là giáo viên nhưng ngày nhỏ nuôi ba cô con gái vất vả quá nên bố nó bảo mẹ nó nghỉ để ở nhà chăm sóc cho các con được tốt, mọi thứ đã có bố nó lo tất. Có thể chị em Khanh được bác gái chăm sóc tốt nên ai cũng cao ráo. Và đẹp như Thuý Vân Thuý Kiều.

Phòng riêng của Khanh nhìn đã toát lên chất nghệ sĩ, trên tường treo đầy poster của các ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng như Backstreet Boys, Micheal Learns to Rock, Mariah Carey, Whitney Houston…và có một cây đàn ghi ta gỗ.

Khanh đàn được ghi ta và hay vừa đàn vừa hát tiếng Anh. Mỗi lần như vậy nó lại hỏi tôi có nghe rõ lời nó hát không. Nếu tôi nói không là nó sẽ tập lại cho ngày càng chuẩn giống ca sĩ hát bài đó. Nó cũng có nhiều tài lẻ chơi cờ vua, cờ caro khá cừ, ngang ngửa mấy đứa con trai chơi tốt ở lớp.

Nhưng nó có nhược điểm là làm việc nhà không giỏi, ít nhất là so với chúng tôi. Nhìn cái tay dài ngoằng của nó cầm khúc chuối chà vào bảng mà chúng tôi muốn cười bò. Nó làm như không có lực, nhẹ hều như thế thì bảng sao sạch nổi. Vài lần như vậy thôi cho nó xuống quét nhà. Việc đó nhẹ nhàng hơn, hợp với nó.

– Hùng học như vậy rồi lại phải làm thêm thì sao đủ sức khoẻ Daisy nhỉ?

Nó đang đánh ghita bài Hero bỗng nhiên ngưng lại rồi hỏi tôi

– Hùng nó như vậy từ bé rồi đó Khanh. Tớ cũng không biết nó học vào lúc nào.

– Hôm trước tớ hỏi, Hùng nói toàn tranh thủ học lúc rảnh khi bán hàng, còn để ngồi được vào bàn thì cũng đã 10, 11 giờ đêm rồi. Học đến khoảng 2h sáng

– Chắc ông trời thương nên cho nó sức khoẻ. Chứ trâu bò như tớ đây mà kiểu đó thì ngày một ngày hai cũng lăn quay ra ốm à. Từ khi quen Hùng tớ chưa bao giờ thấy nó ốm cả.

– Tớ, tớ thấy….thương Hùng, Daisy ạ. Vì so với cậu ấy, tớ sướng quá!

Nó nói một câu thật lòng mà tôi thấy vừa ngạc nhiên mà vừa …vui. Khanh ít va chạm với đời sống hơn chúng tôi vì nó được bao bọc từ bé. Có thể vì vậy mà nó dễ rung động trước những điều giản dị

– Hôm trước Hùng nói với tớ sẽ cố gắng học giỏi để đỗ vào ngành Công nghệ thông tin. Giá mà tớ có thể giúp cậu ấy được cái gì đó để cậu ấy đỡ vất vả hơn.

– Khanh cứ ở bên cạnh động viên Hùng như vậy là đã giúp Hùng rồi đó. Tớ thấy chưa có bạn gái nào mà mỗi lần gặp lại thấy Hùng vui như khi gặp Khanh đâu, tớ nói thật đấy.

Khanh bỗng đỏ mặt, chẳng nói gì nữa, quay lại đánh ghita và hát tiếp bài hát dở mà nó đang hát:

𝐴𝑛𝑑 𝑡ℎ𝑒𝑛 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑐𝑜𝑚𝑒𝑠 𝑎𝑙𝑜𝑛𝑔

𝑊𝑖𝑡ℎ 𝑡ℎ𝑒 𝑠𝑡𝑟𝑒𝑛𝑔𝑡ℎ 𝑡𝑜 𝑐𝑎𝑟𝑟𝑦 𝑜𝑛

𝐴𝑛𝑑 𝑦𝑜𝑢 𝑐𝑎𝑠𝑡 𝑦𝑜𝑢𝑟 𝑓𝑒𝑎𝑟𝑠 𝑎𝑠𝑖𝑑𝑒

𝐴𝑛𝑑 𝑦𝑜𝑢 𝑘𝑛𝑜𝑤 𝑦𝑜𝑢 𝑐𝑎𝑛 𝑠𝑢𝑟𝑣𝑖𝑣𝑒

𝑆𝑜 𝑤ℎ𝑒𝑛 𝑦𝑜𝑢 𝑓𝑒𝑒𝑙 𝑙𝑖𝑘𝑒 ℎ𝑜𝑝𝑒 𝑖𝑠 𝑔𝑜𝑛𝑒

 

𝐿𝑜𝑜𝑘 𝑖𝑛𝑠𝑖𝑑𝑒 𝑦𝑜𝑢 𝑎𝑛𝑑 𝑏𝑒 𝑠𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔

𝐴𝑛𝑑 𝑦𝑜𝑢’𝑙𝑙 𝑓𝑖𝑛𝑎𝑙𝑙𝑦 𝑠𝑒𝑒 𝑡ℎ𝑒 𝑡𝑟𝑢𝑡ℎ

𝑇ℎ𝑎𝑡 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑙𝑖𝑒𝑠 𝑖𝑛 𝑦𝑜𝑢

𝑇ℎ𝑎𝑡 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑙𝑖𝑒𝑠 𝑖𝑛 𝑦𝑜𝑢

𝑀𝑚𝑚, 𝑡ℎ𝑎𝑡 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑙𝑖𝑒𝑠 𝑖𝑛 𝑦𝑜𝑢

Giờ ra chơi hôm sau chị em chúng tôi lại tụ họp ở chốn quen thuộc. Azalea hôm nay nhà có việc bận nên nghỉ học, nó chỉ còn học với chúng tôi không lâu nữa. Chắc vị trí lớp trưởng của nó sẽ do Dahlia đảm nhận. Dahlia năng động, nhanh nhẹn và quen các hoạt động rồi.

– Theo mọi người nên tổ chức tiệc chia tay cho Azalea ở đâu? Ở nhà Lily có được không?

Iris nói

Trong nhóm chúng tôi nhà Lily ở xa nhất, trên con đường quốc lộ nối từ trung tâm thành phố đi Hà Nội. Ngôi nhà nhỏ ba gian nằm trên một quả đồi thoai thoải. Từ cổng ngoài quốc lộ vào đến nhà là một con đường đất nhỏ hẹp, hai bên là ruộng lúa.

Địa hình miền quê trung du của tôi là như vậy, các quả đồi thấp như bát úp xen kẽ với các cánh đồng nhỏ. Dốc và dốc khắp nơi. Nó kiểu giống như đồ thị hình sin vậy, lên xuống lên xuống.

Nhưng tôi lại yêu quý vô cùng cái địa thế dốc đồi này và nếu một ngày nào đó cái thị xã này mà không còn quả đồi nào nữa thì tôi có cảm giác là nó đã mất đi linh hồn của mình rồi. 

Đất nhà Lily rất rộng, phía trước nhà là vùng đất trũng gần ruộng được làm vườn hoa. Tôi cũng thích trồng hoa nên thi thoảng nó lại cho tôi mấy củ thược dược hay dây hồng leo. Đôi khi tôi ngồi nhà nó chơi lâu cũng chỉ là để ra vườn ngắm từng luống hoa: Hồng, cẩm chướng, đồng tiền, violet,….khi chúng đồng loạt nở thì nhìn như bức tranh đa sắc màu. Trời càng lạnh mà có mưa phùn lất phất thì hoa nở càng đẹp.

Từ vườn lên đến sân là các bậc tam cấp vòng vèo uốn lượn được điểm xuyết bởi các loài hoa dại như cánh bướm, mười giờ và bong bóng nước. Bố Lily làm vườn khéo lắm, nhìn vườn được quy hoạch đẹp không khác gì trong công viên.

Nhưng phía sau nhà Lily mới là thiên đường của chúng tôi. Đó là đỉnh của quả đồi với nhiều cây ăn quả, dứa, mít, hồng, táo. Thời chúng tôi còn học cấp hai, cứ năm nào vào ngày thành lập Đoàn là nhà trường cũng tổ chức hội thi cắm trại. Cắm trại chỉ mất một ngày thôi mà thời gian chuẩn bị mất đến cả tháng.

Và cả tháng này đúng như là kỷ nghỉ của chúng tôi. Cứ buổi chiều là nhóm bọn tôi lại tụ tập tại nhà Lily, ngay dưới tán cây vải trên đỉnh đồi: Cắt giấy, làm vòng…Cũng chính nơi này những đứa bạn thân chúng tôi từ gọi nhau là bạn bè chuyển sang chị em, bắt chước kiểu kết nghĩa vườn đào, như 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc trong Thuỷ Hử vậy.

Khi tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp thì chúng tôi cũng thống nhất được với nhau là sẽ tự nấu nướng và tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở nhà Lily vì không có địa điểm nào có thể thích hợp hơn nữa.

Ngay sau đó lớp tôi có tiết học Thể dục, giáo viên là cô Nhung. Cô Nhung đúng là chuẩn giáo viên thể dục vì cô có dáng người chắc nịch, khoẻ khoắn. Cô rất vui tính, thoải mái nên chúng tôi đều yêu thích giờ học của cô, nhất là bọn con trai. Chúng coi cô như nhà tư vấn tâm lý vậy, có gì trục trặc cũng nhờ cô gỡ rối. Cô hay nói trêu nghe vui cực:

– TIêu chí chọn bạn trai của con gái thời nay và tương lai sẽ là phải giỏi thể dục thể thao, hay chí ít cũng phải siêng năng thể dục. Đứa nào mà mới hít đất mấy cái thôi mà cũng thở không ra hơi thì chắc chắn ….ế. Ế chỏng chơ, lúc đó mà chạy đến cô Nhung mà nhờ tư vấn thì cô cũng chịu. Nên chịu khó mà tập luyện đi, nghe chưa mấy đứa?

Gần cuối tiết chúng tôi được chơi tự do. Khi tôi và đang ngồi nghỉ chỗ gốc cây bạch đàn râm mát thì thằng Thiện bên lớp A5 tiến tới chỗ tôi. Tiết này lớp nó cũng học thể dục:

– Chào Daisy, lâu rồi không gặp nhỉ

– Ô Thiện lớp mày cũng được nghỉ rồi à?

Thiện là hàng xóm ở khu tập thể cũ của tôi. Nó kém tôi một tuổi, nhưng đi học sớm một năm thành thử học chung khoá với tôi. Khi chúng tôi chưa đi học ở nhà chơi nó toàn gọi tôi bằng chị. Thế nhưng khi bắt đầu đi học rồi thì nó không chịu gọi nữa kêu ai mà gọi bạn học là chị, quê chết, gọi “cậu, tớ” thôi. Nhưng tôi cũng đâu có chịu, cứ bắt nó phải gọi là chị vì rõ ràng nó kém tuổi mà. Hai bên đều không chịu thế là chuyển sang tao, mày cho xong. Ngày xưa tôi và nó chí choé suốt ngày

– Azalea hôm nay nghỉ à mày? Nó hỏi tôi vì chắc nó không thấy Azalea trong giờ thể dục.

Thiện cấp hai cũng học lớp chúng tôi. Không biết có phải con trai khi ở tuổi mới lớn như nó dễ nổi loạn không mà Thiện nghịch ngợm hơn hẳn. Nó gia nhập hội của thằng Kha rồi để tóc dài bờm xờm. Nó xỏ cả lỗ tai và đeo khuyên, sau nhà trường phát hiện ra báo về bố mẹ nó thì nó mới bỏ.

Tuy vậy, trong lớp nó thường lầm lì chẳng nói nhiều. Ấy thế mà cái vẻ bất cần, phớt đời của nó lại được nhiều bạn gái thích mới lạ. 

– Ừ, chắc hôm nay nhà Azalea có việc nên nó nghỉ

– Daisy à, từ hôm thằng Kha mất tao cũng quyết định bỏ luôn hội đua xe rồi. Tao đang dự tính luyện thi để thi vào trường Luật.

Tôi nhìn nó ngạc nhiên, từ khi nào mà một Thiện ngỗ ngược lại trở nên nghiêm túc thế này:

– Cái vụ tai nạn của Kha ám ảnh tao Daisy ạ. Hôm đó lẽ ra tao đã đi cùng nó rồi nhưng không biết có phải linh tính mách bảo gì đó không mà ông già tao giấu chìa khoá xe đi. Tao tìm mãi không được tưởng mình đánh mất đâu nên đành ngồi nhà, đâu ngờ nó lại cứu đời tao

– Vậy thì mày phải cảm ơn bố nhé Kha. Sao mày quyết định thi Luật vậy?

-Vì ở nhà bố tao hay kể chuyện bố tao xử án, rồi các vụ án điểm hay nữa. Bao nhiêu kinh nghiệm bố có thể truyền lại cho tao hết. Càng ngẫm lại tao càng thấy hay, thế thì sao tao không theo cái nghề của bố.

– Tuyệt đó Thiện ơi, sao mày bỗng thông minh đột xuất thế ta?

– Chuyện, Thiện mà, giờ khác xưa rồi

Thiện cười, không hiểu sao hôm nay tôi thấy nó trưởng thành ghê

– Ah, tao báo cho mày biết này Azalea sắp chuyển nhà về Hà Nội rồi, nó chỉ còn học ở đây hai tuần nữa thôi

– Vậy sao Daisy? Azalea đi tụi mày buồn lắm nhỉ

– Ừ, chúng tao đều nhớ nó cả. Mày có gặp nó để gửi lời chào tạm biệt không Thiện?

– Tao cũng muốn nhưng ngại. 

– Đừng ngại, dù không còn chung  lớp nữa  thì chúng mình  vẫn là bạn bè mà Thiện

Đúng lúc này tiếng trống vang lên báo hiệu hết tiết. 

– Thôi tao về lớp đây hết giờ rồi.

Tôi nói rồi quay đầu chạỵ về hướng lớp học của mình

– Daisy

Tôi nghe tiếng Thiện gọi thì quay lại

– Tao sẽ sang nhà để nói lời tạm biệt Azalea

Tôi giơ ngón tay ra dấu là “Chuẩn đó Thiện”

Nó cũng làm vậy với tôi, rồi chạy về hướng lớp nó.

Trời bỗng lắc rắc mấy hạt mưa nhỏ, báo hiệu mùa Xuân đang chuẩn bị tới.

Buổi sáng chủ nhật tôi giúp mẹ rửa cái sân trước nhà. Vào mùa khô, mưa ít, bụi bay mờ mịt nên cái sân bẩn kinh khủng. Làm xong khi tôi đang cuộn lấy cái dây làm ống nước thì thấy cô Ngọc nhà đối diện vẫy tôi:

– Daisy, sang đây cô bảo chút này.

Cô Ngọc ít hơn bố mẹ tôi khoảng chục tuổi. Tôi không biết cô sinh ra trong một gia đình thế nào nhưng trông cô lúc nào cũng có chất quý phái mà thanh lịch. Cô có mái tóc cắt ngắn, kiểu giống như công nương Diana ý.

Mỗi khi đi làm buổi sáng trên chiếc xe mini Nhật màu xanh là cô hay mặc một cái váy bút chì màu đen dài tầm ngang đầu gối cùng chiếc áo sơ mi màu trắng mà cúc áo được cài sát đến tận cổ. Cô đi đôi giày cũng màu đen cao chỉ chừng 5 phân và đội một chiếc mũ vành cứng màu kem. Nhìn vừa kín đáo mà lại toát ra vẻ duyên dáng lịch sự của một người có gu thẩm mỹ.

Nghe cô gọi tôi vội chạy sang

– Hôm qua cô dọn nhà gom được chồng báo này cháu mang nhà đọc đi

Cô Ngọc nói rồi đưa tôi chồng báo được buộc dây cẩn thận. Trong đó phần lớn là báo Thời trang trẻ và Điện ảnh. Cô làm ở phòng phát thanh của trung tâm văn hoá của công ty và cũng của cả cái khu vực này. Nhìn báo cô đọc thì hiểu vì sao cô luôn ăn mặc phong cách dù là đơn giản.

Có lần tôi nghe cô nói với chị Thanh, đang học đại học năm cuối chuẩn bị đi xin việc, nhà chị Thanh cạnh nhà cô: “Cháu nhớ nha Thanh. Ăn cho mình mặc cho người. Khi nào cháu đi xin việc hay đi làm là phải ăn mặc cho lịch sự.”

Tôi cảm ơn cô rồi mang báo về nhà. Sau khi dọn dẹp xong hết rồi tôi mang xe ra chuẩn bị sang Lily. Mẹ tôi thấy vậy chép miệng :”Cứ khi nào đi chơi là thấy nó làm gì cũng nhanh lắm.

Chỉ có các mẹ là hiểu các con, gì chứ đụng làm thì lâu chứ cứ được đi chơi là đứa nào cũng nhanh hơn tên lửa.

Sáng nay hội chị em hẹn nhau sang nhà Lily. Tuy nhiên, Azalea đi Hà Nội có việc với gia đình nhà nó còn Rose vì đang nhớ thương con mèo yêu quý của nó tự dưng bỏ đi mấy hôm nay rồi nên Rose buồn không thích đi đâu cả. Vậy là chỉ còn bốn đứa.

Khi đi tôi không quên mang theo cho Lily mấy tờ báo Thời trang trẻ mà cô Ngọc vừa cho. Lily dáng cao kều, gày nhom, lưng hơi gù. Nó bảo sau này nếu nó không làm người mẫu được thì nó sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang. Người mẫu yêu thích của nó là Cindy Crawford, có nốt ruồi duyên ở ngay khoé miệng.

Lily rất khéo tay, cắt may giỏi và cắm hoa thì thôi rồi đẹp. Tôi nghĩ nó có từng ấy tài lẻ rồi thì có thể theo đuổi những công việc mang tính sáng tạo,  khác với con đường mà phần lớn chúng tôi sẽ đi.

Trong nhóm có Dahlia điệu đà nhất nên hay gửi vải nhờ Lily may áo. Lily là bạn, hiểu tính cách của Dahlia nên nó tạo cho chị Hai nó những kiểu áo rất phù hợp: Nào là cổ áo hình cánh sen hoặc là vai bồng hoặc là những loại áo có nơ thắt đẹp mắt.

Có lần Iris thấy Dahlia mặc chiếc áo do Lily may, nó có màu xanh nõn chuối dễ thương vô cùng. Thấy thế nó cũng mua vải nhờ Lily may y như vậy. Cầm mảnh vải Lily nói luôn:

– Màu này kén người mặc lắm chị ơi. Dahlia nó trắng mặc mới đẹp chứ da ngăm ngăm như chị với em thì nên tránh xa, chị đổi màu khác đi.

Thế nhưng Iris đâu có chịu cứ kêu Lily may cho bằng được.

Sau đó, chúng tôi chẳng biết Iris mặc có đẹp không vì có bao giờ nhìn thấy nó mặc đâu.

Dù nghe Lily nói cái áo đã may xong cả tháng.

Sáng nay chúng tôi sang nhà Lily là đều có lý do cả. Tôi phụ nó làm vườn để chuẩn bị mùa hoa bán trong dịp Tết vì tôi thích ra vườn hoa, thú vui thích nhất chỉ sau có viết lách. Dahlia phụ Lily làm vườn để trả công may những cái áo. Còn Iris và Violet ngoài việc sẽ được đánh chén táo đường sau vườn nhà Lily thì còn là để bàn về chương trình của buổi chia tay.

Có sự kiện gì cần tổ chức thì người vất vả nhất luôn là hai bà chị này của tôi. Iris nấu ăn khéo lo việc trong nhà, còn Violet thì quan hệ rộng vui tính sẽ lo chuyện bên ngoài. Thiếu chúng nó mọi bữa tụ tập của chúng tôi đều kém vui.

Đến nhà Lily là tôi và Dahlia chạy ngay ra vườn. Lily đang lúi húi ở khu vườn hồng, tỉa lá sâu và nhổ cỏ. Tôi nhìn những nụ hồng chúm chím, từng cành hồng bạch hồng nhung bụ bẫm đua nhau tua tủa mọc lên là thấy mê rồi. Tôi vẫn luôn ước mình có một khu vườn đẹp như khu vườn của Ông Hưng cạnh nhà ông tôi ngày xưa hay giống như của nhà Lily vậy.

Bất giác tôi nhớ đến bó hồng mà Hoàng đã đích thân sang nhà Lily chọn để tặng Dahlia dịp sinh nhật nó năm ngoái. Tôi thốt lên mà quên mất tình trạng của Dahlia và Hoàng:

– Hoa hồng đẹp quá Lily ơi, hình như màu hoa này giống với bó hoa Hoàng tặng cho Dahlia năm ngoái hay sao ấy nhỉ?

Nghe tôi nhắc tên Hoàng, Dahlia đang cầm kéo tỉa lá vội ngưng. Lily nhận ra ngày hỏi:

– Dahlia lâu rồi có liên hệ gì với Hoàng không? Hôm trước Violet với Rose sang nhà nó báo tin của Azalea mà em không đi được.

Dahlia im lặng một lúc rồi bỗng nói:

– Mấy tháng rồi chị cũng đâu có liên lạc gì với Hoàng. Mà Hoàng nó cũng đâu có quan tâm đến chị làm gì đâu, nó đâu còn thích chị.

Hoàng mà không quan tâm đến Dahlia thì còn ai nữa đây? Tôi nghĩ. Hoàng là đứa mà có gì là đều thể hiện ra bên ngoài hết không giấu giếm được. Sao Dahli lại nói thế nhỉ?

– Thế Hoàng không quan tâm đến chị thì chị có quan tâm đến nó không?

Lily hỏi

– Không…..có

– Không có hay là Có?

– Trước thì Có

– Mà trước đây sao Hoàng nói thích chị chị lại không trả lời lại là chị cũng vậy?

-Chị với Hoàng vẫn chơi rất thân với nhau suốt mấy năm và chị thích bọn chị vẫn là như thế. Cho đến tháng cuối cùng của năm lớp 9, khi sắp phải chia xa chị tự dưng cảm thấy hụt hẫng vì năm sau không được học cùng với Hoàng nữa, không còn những buổi trao đổi những bài Toán hay nữa. Và vì vậy cuối cùng chị cũng dự định sẽ thổ lộ tình cảm của mình với Hoàng. Nhưng tự nhiên chị lại thấy Hoàng khác đi. Nó ít nói chuyện với chị và lạnh lùng hẳn.

Chị không hiểu sao lại như vậy. Có lẽ Hoàng đã thay đổi. Vậy nên những điều chị định nói với Hoàng chị đã …không nói nữa.

– Và chị không hỏi Hoàng sao lại có thái độ như vậy sao?

– Không. Mà thôi chuyện qua cũng lâu rồi, nhắc lại cũng đâu có được gì đâu. Có khi thế lại hay Lily ạ. Chị cũng cảm thấy mình chưa đủ trưởng thành để bước vào một mối quan hệ nào đó cao hơn tình bạn đâu. Giờ đây chị chỉ có một mục tiêu là học thật tốt để đỗ Đại học.

Tôi chủ yếu nghe Dahlia với Lily nói chuyện và cứ suy nghĩ sao Hoàng lại đột ngột có thái độ như vậy với Dahlia. Không thể nào Hoàng thay đổi nhanh thế được. Một tháng trước khi kết thúc năm học. Đúng vào thời điểm mà bọn tôi khuyên nó là hãy cứ thân thiết với Dahlia và nó đã làm ngược lại?

Violet nói “con gái nói có là không”. Ôi trời ơi, thằng này đúng là ngốc thật. Con gái nói có là không nên nó đã làm ngược lại những gì chúng tôi khuyên vì chúng tôi là….con gái?

Có thể là tôi đã lờ mờ hiểu ra vấn đề.

Đến gần trưa bọn tôi ngưng tay lên nhà Lily để chuẩn bị ra về. Trong nhà, văng vẳng tiếng băng cát sét với tiếng hát ca sĩ Bảo Yến:

Tết này anh không thèm đi chơi

Cine hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu

Vì đã có em đem lại mộng đời

Tô thêm vào lòng người, chan chứa mọi nguồn vui

Tết này anh không thèm đốt pháo

Vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi…”

Bố Lily đang ngồi trong nhà, bác đang định châm lửa vào điếu thuốc lào, thấy chúng tôi bác bỏ cái điếu xuống:

– Các cháu trưa nay ở lại đây ăn cơm với Lily. Bác gái nấu sắp xong rồi

– Dạ. Cháu xin phép lần khác ạ vì cháu chỉ xin mẹ cháu đi đến trưa thôi

– Ừ, thế ngồi đây ăn mấy quả táo đã. Lily lấy cái bọc bứt ít táo cho các bạn mang về con

Thế Bố cháu năm nay Tết có về phép không Daisy?

Bố Lily trước đây cũng là bộ đội cùng đóng trong Tây Nguyên với bố tôi. Nhưng bác xin phục viên về quê sớm. Chưa kịp đợi tôi trả lời bác nói tiếp:

– Đơn vị của bố mày với bác ở Pleiku, Gia Lai nên ở miền Nam bác cũng biết hết rồi. Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, đẹp lắm. Mấy đứa sau này trưởng thành cũng nên ra khỏi nhà các con ạ: Đi một ngày đàng học một sàng khôn.

– Ơ bố không đuổi con cũng đi. Nhưng con đi rồi ai ở nhà chăm sóc bố đây?

Lily nói trêu bố nó. Bố Lily đúng kiểu phong cách bộ đội như bố tôi: Chỉn chu, cẩn thận, khéo tay, làm việc nhà và nấu ăn rất giỏi. Gấp quần áo, chăn màn, khăn mặt là phải vuông thành sát cạnh, nhìn đã thấy chuyên nghiệp rồi. Lily được thửa hưởng hết cái khéo tay của bố nó.

Violet và Iris lúc này cũng từ bếp đi lên, chắc từ nãy hai đứa nó xuống bếp nấu ăn với mẹ Lily. Đối với bọn tôi bố mẹ đứa nào trong nhóm cũng cứ như là bố mẹ của mình vậy, chúng tôi có một mối quan hệ rất mật thiết không chỉ với nhau mà với cả gia đình của nhau.

Chúng tôi chào bố mẹ Lily rồi ra về. Nhà Violet trên đường đi từ nhà tôi sang Lily nên sáng nay tôi đèo Violet, hai đứa đi chung một xe. Chúng tôi đi đâu lâu lâu cũng hay có kiểu chở nhau như thế cho vui. Trên đường về tôi nói chuyện với Violet về chuyện của Dahlia và Hoàng:

– Cái bà Dahlia nhà mình cũng dở lắm cơ. Đã có tình cảm với người ta thì nói ra đi lại cứ để ở trong lòng.

Violet nói

– Em hiểu nỗi sợ của Dahlia đó Violet. Đôi khi duy trì lâu bền một tình bạn thân thiết dễ hơn nhiều so với tình yêu. Tình yêu đẹp thường dang dở và dễ vỡ lắm và Dahlia nó sợ điều đó.

– Mày nói cứ như mày đã có chục mối tình rồi ấy Daisy trong khi vẫn ế sưng sỉa. Nhưng chị công nhận mày nói đúng. Mẹ chị bảo: “Tình yêu thì cần nhiều thời gian và sự quan tâm dành cho nhau ở một mức độ cao hơn tình bạn. Nó cần cả sự thấu hiểu và sẻ chia. Và tất cả những thứ đó ở tuổi của bọn con khó mà có thể có được. Tan vỡ là điều tất yếu”.

Mẹ Violet là bác sĩ sản khoa, có thể vậy mà bác hiểu rõ vấn đề tâm lý ở phụ nữ nói chung và con gái nói riêng

– Nhưng em vẫn băn khoăn lắm Violet em không nghĩ Hoàng nó lại có gì thay đổi hoặc là nó làm ngược lại điều chúng mình từng khuyên.

– Chị cũng nghĩ vậy. Để mai chị qua nó tìm hiểu cho rõ xem nào. Hai đứa này dốt thật ấy cơ.

Violet vốn rất thân với Hoàng. Tính chúng nó cũng giống nhau: Hướng ngoại, nhanh nhẹn nhưng lại rất trọng sự bền vững, thuỷ chung.

Nhưng  chẳng cần đợi đến ngày mai mà buổi tối đó Hoàng đã lò dò sang nhà nó. Cũng đã lâu lắm chúng nó mới gặp nhau.

– Mày tự dưng lạnh nhạt với bà chị của tao vậy thì còn mò sang đây làm gì?

– Thôi Violet mày đừng nói nữa. Mày thì biết cái gì. Người ta đâu có thích tao. Thà đau một lần rồi thôi

– Thằng này mãi mà đầu óc không sáng ra được. Mày mà nghe con Daisy thì chỉ vài ngày sau mọi chuyện đã khác rồi. Giời ơi lại đi làm ngược lại cơ

– Là sao? Bốn năm đã chẳng có gì thì vài ngày khác sao được.

– Sao ở trên trời. Thế giờ tao hỏi mày sau hơn nửa năm xa cách, anh một nơi chị một nẻo, giờ  mày đối với Dahlia thế nào?

– Vẫn thế, chẳng có gì thay đổi

– Thật không?

– Tao nói đùa mày à? Đây cho mày xem

Hoàng nói rồi mở cái ví nhỏ của nó ra. Trong đó có một tấm hình của Dahlia

– Đúng là tại anh tại ả tại cả đôi bên, chán thật. Giờ tao nói cho mày nghe này Hoàng. Dahlia nó thực sự thích mày đấy. Lẽ ra nó đã muốn thổ lộ với mày rồi mà gặp thái độ của mày nó lại tưởng mày thay đổi nên nó đã thôi. Chúng tao cũng mới nghe nó nói sáng nay thôi

– Trời vậy sao Violet. Sao mày không nói tao sớm, không uổng công tối nay tao sang mày mà. Chỉ còn vài ngày nữa là sinh nhật Dahlia

– À, hoá ra mày nhớ sinh nhật của bạn gái mày nên tối nay mày mới sang thăm cái con bạn già của mày đúng không. Nếu không chắc mày quên luôn lũ chúng tao rồi

– Thôi mà, mày chỉ được cái …nói đúng. Mai đi học tao phải cho thằng Huy một trận mới được, đúng là quân sư quạt mo, chẳng được cái tích sự gì chỉ hỏng hết việc.

Đây mày thấy nó khuyên tao thế này này: “Mày mở mắt to mà nhìn thằng Thiện đi. Cứ phải phớt đời vào, lạnh lùng vào như nó thì mới có con gái theo. Chứ cứ như mày thì chỉ có bị bỏ thôi thằng ngốc ạ. Theo tình tình phớt, phớt tình tình theo. Nhớ chưa?”

– Ai bảo nghe theo cái thằng mà đến giờ này vẫn không mảnh tình vắt vai nào thì chết là phải rồi. Kêu than gì!

Buổi tiệc nho nhỏ chúng tôi tổ chức chia tay Azalea trước đúng một tuần người bạn gắn bó thân thiết với chúng tôi chuyển về Hà Nội. Vào một ngày chủ nhật tiết trời đang bắt đầu vào xuân tuyệt đẹp. Mấy hôm trước ngày nào cũng có mưa bụi, kiểu mưa đặc trưng của mùa Xuân. Vậy mà buổi sáng hôm đó trời dịu mát, gió nhè nhẹ và cái lạnh vừa phải thật là thích hợp cho một buổi tiệc ngoài trời.

Chúng tôi đến nhà Lily rất sớm để chuẩn bị. Mọi việc bếp núc chỉ đạo mọi người làm các món ăn đều do Iris quán xuyến. Nó vừa tháo vát, vừa chăm chỉ lại khéo tay hay làm. Mẹ tôi đã từng nói người như Iris vứt đâu cũng sống được. Từ khi biết tin Azalea đi nó đã miệt mài đan một cái áo len trên đó có thêu tên của bảy đứa bọn tôi. Chiếc áo màu vàng nhạt, màu yêu thích của Azalea, vừa được hoàn thành cách đây mấy ngày.

Dahlia và Rose thì cùng tặng Azalea một cái vòng tay nhỏ. Sáng nay chúng nó phụ trách món nem rán. Nhưng thằng Hoàng chẳng biết nó có hối lộ gì cho Iris không mà bỗng dưng Rose được điều đi hái rau sống ở vườn cho Iris và thế là cái món nem sẽ được phụ trách bởi nó và Dahlia.

Hôm sinh nhật Dahlia vừa rồi, như thường lệ nó vẫn tặng người bạn thân thiết suốt bốn năm học một bó hồng, kèm một tấm thiệp với lời nhắn: “Có một bài toán hóc búa quá suốt bốn năm tớ không giải được. Hy vọng cậu sẽ cùng tớ giải một bài khác dưới đây nhé!” Kèm theo bên dưới là một bài Hình học.

Còn món quà của tôi và Violet là một cuốn sổ chứa đựng một câu chuyện hai đứa tôi sáng tác chung trong suốt hai năm lớp 8 và 9. Violet có ý tưởng và minh hoạ còn tôi viết lời. Azalea đã từng đọc câu chuyện và rất thích nên chúng tôi quyết định nó sẽ là món quà thích hợp nhất dành cho người bạn đặc biệt này.

Riêng Lily cũng móc tặng Azalea một cái khăn len quàng cổ màu tím hoa cà với ý nghĩa dù cách xa về mặt địa lý nhưng đối với Lily Azalea vẫn luôn là người bạn, người chị thuỷ chung, tuyệt vời.

Còn món quà của nhóm Hoàng Huy Hùng là một chiếc đồng hồ báo thức để bàn cũng màu vàng nhạt. Chúng nó vẫn nhớ đến màu sắc yêu thích của Tuệ Minh.

Sau khi mọi thứ đã xong, dưới gốc vải đã từng chứng kiến bao cuộc vui, chúng tôi kê chiếc bàn gỗ dài nhà Lily ra và trải lên đó một chiếc khăn trải bàn có hoạ tiết hoa hồng rất đẹp. Chúng tôi bày lên đó đồ ăn, hoa quả, trà và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Và cả những mơ ước cho tương lại:

Azalea: Tớ muốn học sâu về Toán học và sau này đi theo con đường nghiên cứu Toán

Dahlia: Tớ muốn làm trong lĩnh vực hàng không để được đi nhiều nơi

Iris: Tớ muốn có một cửa hàng nho nhỏ về thực phẩm hay đồ ăn

Violet: Tớ muốn trở thành một biên phiên dịch tiếng Anh

Lily: Tớ muốn làm nhà thiết kế thời trang và có tiệm may của riêng mình

Rose: Tớ muốn học trường Đại học Kỹ thuật và sẽ có một công việc ổn định ở quê để có thể gần gũi bố mẹ

Tôi: Tớ muốn học trường Kinh tế để làm trong lĩnh vực tài chính

Hoàng: Tớ muốn  mở một công ty của riêng mình

Huy: Tớ muốn được đi du học ở nước ngoài

Hùng: Tớ muốn học ngành Công nghệ thông tin và có thể kiếm được nhiều tiền giúp bố mẹ và mua cho một người rất đặc biệt một món quà mà bạn ấy thích.

Chúng tôi đều hiểu Hùng nói về ai, một người với điều kiện hoàn cảnh sống quá khác với Hùng nhưng lại là nguồn động lực to lớn giúp Hùng vượt qua mọi khó khăn: Đó có thể là tình bạn; Đó có thể là tình yêu hoặc có thể là một cái gì đó ở giữa. Không quan trọng lắm, miễn là tình cảm đó có thể cho ta sức mạnh, cho ta niềm tin tiến về phía trước.

Chúng tôi đều tin ước mơ của Hùng, bạn chắc chắn có thể thực hiện được. Và ước mơ của chúng tôi cũng thế.

Chúng tôi cứ thể ngồi với nhau, đàn và hát với những kỷ niệm. Không để ý rằng mặt trời đang dần lặn ở phía bên kia đỉnh đồi.

(Hết)

Mình nảy ra đăng truyện tuổi teen về tình bạn này, truyện mà mình viết đã gần hai chục năm, từ hôm gặp lại bạn cũ tại Hà Nội vào một ngày chủ nhật cuối tháng 6. Bạn chính là nhân vật Azalea mà mình xây dựng lên trong chuyện.

Sau bao nhiêu năm bạn vẫn thế vẫn rất trẻ, nhẹ nhàng và giản dị y như ngày xưa. Bạn với mình có một điểm giống nhau nhất là nét chữ, xưa kia các bạn ngồi gần hay nhầm chữ mình với chữ bạn, kiểu chữ tròn tròn như người vậy :)).

Ngày mình học ở Hà Nội, thi thoảng mình lại bắt xe buýt sang nhà bạn chơi vào ngày chủ nhật và lại được bạn dẫn đi ăn linh tinh dưới khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Hà Nội có những món ăn vặt rất ngon, luôn gây thương nhớ, nhất là những món ăn của mùa đông, như bánh rán hay bánh ngô, bánh khoai.

Mấy đứa chúng mình ngồi với nhau cả ngày, sau rất nhiều năm những đưá trẻ năm nào, với những chiếc xe đạp nhong nhong khắp chốn, giờ đầu đã lốm đốm sợi bạc.

Con mình khi đọc những câu chuyện của mình, cháu đã hỏi mình rằng có đúng đời sống của chúng mình ngày xưa nó thế không, sao mẹ đi chơi nhiều thế :))).

Nhưng những ai đã từng trưởng thành qua giai đoạn những năm tháng ấy thì gần như đều có tuổi học trò như vậy cả. Bây giờ các con kết nối với nhau bằng Internet, chứ thời đó nếu muốn giao tiếp với nhau thì chỉ có phóng sang nhà nhau chơi chứ làm thế nào. Vậy nên tình bạn thực sự rất gắn bó, hiểu nhau sâu sắc. Bao vui buồn đều chia sẻ được cùng nhau.

Có sự thật chính xác là những năm 90 là khoảng thời gian khủng khiếp nhất của vấn nạn nghiện ma tuý trên quê mình. Những năm 90, kinh tế mở cửa, hàng hoá bên ngoài bắt đầu tràn vào trong nước,  trong đó có  ma tuý.

Trong khi việc làm khó khăn, thanh niên thất nghiệp nhiều, bao cái mới mẻ chưa bao giờ có ở thời bao cấp thì bây giờ đều dễ tiếp cận nên chúng dễ hấp dẫn những chàng trai ở vào độ tuổi thích khám phá và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bạn bè xung quanh.

Và một trong những điều tệ hại nhất ở thời điểm bấy giờ là ma tuý. Biết bao nhiêu thanh niên trai tráng trẻ khoẻ đều bị cuốn vào cái chết trắng như những con thiêu thân.

Đã dính vào ma tuý là thân thể tàn tạ, gia đình khánh kiệt, bố mẹ khổ đau không sao kể xiết. Không bút mực nào có thể tả xiết được nỗi thống khổ.

Những người nghiện vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Những người dính vào nghiện ngập đa phần sinh ra vào những năm 70 và đầu 80. Họ trưởng thành ở thập kỷ 90, đúng thời điểm giao thoa của rất nhiều thứ, cả tốt và xấu. 

Mình đã nghĩ, nếu như họ sinh sớm hơn khoảng 1 thập kỷ hoặc sau hơn cũng từng ấy thời gian thì có lẽ số phận nhiều người đã khác. Thì rất nhiều người đã không phải bỏ mạng một cách vô nghĩa như vậy. Những năm 90, có những làng quê trên mình nhà nào cũng có người chết vì nghiện, có làng cả xóm gần như xoá sổ vì chất trắng.

Đó là ký ức rất đau buồn mà những người như mình được trực tiếp chứng kiến. Và cũng là một trải nghiệm quý báu trong cuộc đời mỗi người để hiểu về một thực trạng xã hội nhức nhối và có thể gây ám ảnh với nhiều người. Để hiểu những nỗ lực cá nhân, kỷ luật của bản thân có vai trò quan trọng như thế nào trong việc giữ được mình luôn là chính mình.

Khi mình đang gõ những dòng cuối cùng cho loạt bài viết này thì mẹ mình dưới nhà vọng lên: Con ơi, tối qua con đi về đãng trí thế nào mà con không cả khoá cửa nhà  thế! 

Chết rồi, đúng là mình chưa già mà đã lẩn thẩn thật. May quá, tình hình an ninh trật tự quê mình khoảng chục năm gần đây rất rất tốt. Mình thực sự rất ngạc nhiên là dù nhà ngay sát đường hay ở trong xóm, mọi người thường để xe ở ngoài sân và cửa mở toang trong khi vẫn lúi húi dứoi bếp. Không cần khoá hay bất cứ cánh cổng nào.

Nhờ có nhiều nhà máy đáp ứng nhu cầu công ăn việc làm của thanh niên địa phương nên giờ đây không mấy người trẻ phải lang thang vạ vật ngoài đường như xưa nữa. Và cùng một phần bởi quê mình chỉ là một thành phố nhỏ, rất ít dân nhập cư nên vấn đề an ninh cũng dễ quản lý hơn nhiều, so với những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.

Quê hương, tuổi thơ, và tình bạn tưoi đẹp luôn là một chất xúc tác rất lớn để mình có cảm hứng viết. Viết, một mặt là sở thích cả nhân của mình, nhưng mặt khác mình cũng rất vui vì có nhiều lời động viên và khích lệ của nhiều độc giả. Có cháu bảo mình cháu thích học môn Văn hơn kể từ khi đọc Blog của cô. Đó là một điều quý giá mà không vật chất nào có thể mua được.

Ah, mà cũng có cháu nói cô chịu khó viết về tình yêu nhé, ngôn tình ý cô!
Chết thật, cô già khọm rồi mà chúng mày cứ bắt cô viết ngôn tình là sao, là sao :))))

July 14, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Mùa hạ yêu thương.7

by Rose & Cactus July 10, 2024

Chúng mình đến thăm bạn trong một buổi chiều chủ nhật ngập tràn nắng. Con đường dẫn vào nhà bạn nằm giữa cánh đồng lúa mới vừa được cấy, từ đây lên khu tập thể cũ của mình xưa kia không bao xa cả.

-Ôi, lâu quá rồi hai bạn ơi. Bao năm rồi ý nhỉ?

– Gần ba chục năm rồi đấy

-Thế cơ à. Chết thôi, lâu đến thế  rồi sao

Đúng thế quá ấy chứ, gần ba chục năm rồi kể từ ngày tốt nghiệp cấp hai. Mình với bạn học với nhau từ lớp 1 đến hết lớp 9, vậy là 9 năm. Tuy không thân nhưng cũng không quá xa cách. Có thể vì mình nhìn kiểu mọt sách, còn bạn thì thuộc trường phái “quậy”

– Nhưng mà tớ nói thật với hai bạn là tớ cũng chỉ kiểu chơi ngông vậy vậy thôi chứ cũng đã làm cái gì ghê quá đâu. Thật đấy, chưa bao giờ tớ nghịch ngợm kiểu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cả

-Thế mà cứ bị mang tiếng đúng không?

-Chắc tại cái kiểu mình nó thế. Giống như ngày tớ học Luật, bọn bạn cứ bò ra học ngày học đêm nhưng hình như ông trời cho mình cái khiếu thế nào ấy mà mình học hiểu rất là nhanh nên không đến mức quá căng thẳng như thế. Tất nhiên là vẫn phải học thật sự rồi!

-Kiểu học tài tử và có khả năng tập trung cao đấy cậu, giống như tớ nhớ ngày xưa cậu cứ đi ngang qua bạn gái nào xinh là cậu lại gọi tên các bạn ấy ầm lên thì chả mang tiếng ra. Dù thực sự có gì đâu

-(Cười) Đúng thế thật, làm quái gì có cái gì. Thật đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào

-Lâu rồi không thấy cậu đăng thơ trên fb?

-Thế là bạn bè cứ nháo nhào cả lên đấy hai bạn. Chúng nó thắc mắc sao ông luật sư kiêm nhà thơ nhà thẩn ở ẩn chăng mà nửa năm rồi không thấy mần thơ :))

-Tớ tận ở trong Nam mà còn nhận ra điều đó, chỉ có điều tớ lại nghĩ cậu bận công việc

-Ôi giời ơi, cái kiểu văn thơ như tớ với bạn ấy Hiền, chán lắm, nhạy cảm với mọi thứ nên rất dễ rơi vào các trạng thái kiểu như trầm cảm chẳng hạn

-Cậu nói gì ghê vậy ? Tớ học tài chính mà, vẫn đủ tỉnh táo lắm

-Không, nhìn bạn tớ biết, đầu óc cũng trên trời dưới biển lắm

-Mình chỉ là người viết nghiệp dư thôi cậu ơi. Tớ chẳng bao giờ nghĩ mình có thể là một nhà văn cả

-Thì tớ cũng thế mà. Chả hiểu sao trời lại cho tớ cái khiểu mà chỉ dăm mười phút tớ có thể làm được một bài thơ. Đây các cậu đọc đi, mỗi khi có một văn bản luật mới là tớ lại phóng tác ngay một bài, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nên dễ phổ biến

-Đó là năng khiếu Trời ban cậu ơi, không học được. Với tớ, làm thơ khó hơn viết Văn

-Mỗi cái có cái khó riêng đấy bạn. Nhưng tớ chán tớ quá các bạn à, giờ tớ chẳng có đầu óc nào mà làm thơ nữa. Người cứ mệt mỏi suốt, chẳng hiểu sao

-Cậu đừng lo quá. Mỗi giai đoạn cơ thể mình nó lại tạm thời trục trặc một tí, kiểu như nhắc nhở để mình điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp thôi.

-Bốn mấy năm trên đời tớ nào biết cái bệnh viện nó là thế nào. Vậy mà giờ chán ơi là chán

-Tớ thì ngược lại, có nhiều khoảng thời gian chán ơi là chán, về mặt sức khoẻ ấy cậu. Nên quen rồi, thấy bệnh tật cũng thường thôi, tớ nói thật đấy

-Nhưng tớ vốn sôi nổi năng động lắm Hiền ơi. Nên khó mà chấp nhận được sự đột ngột xuống dốc này, cảm thấy rất bức bối.

-Cậu rơi vào trạng thái đó cũng là dễ hiểu, nhưng mà thời gian qua thì cũng phải nghĩ cách thoát ra nó.

Ba đứa mình ngồi nói chuyện khá lâu, ba đứa gần nhà và học cùng khoá, xưa cũng ít chơi nhưng giờ gặp sao tự nhiên lại thấy thân quen lạ, như những người bạn thân vậy. Có lẽ vì có nhiều điểm chung, như thời thơ ấu và tuổi học trò.

Bạn có trí nhớ kinh hoàng, như mình chỉ nhớ nhà bác Xuân trông trẻ thì bạn nhớ được cả đến tên của từng đứa trẻ ở đó. Bạn vẫn nhớ tên từng bạn của lớp cấp 1 trong khi mình không nhớ được nhiều.

Cơ thể con người có những sự điều chỉnh rất kỳ diệu, mình có hai lần, một lần ở tuổi bẻ gãy sừng trâu và một lần khi bước sang tuổi bốn mươi, đều gặp trục trặc lớn về sức khoẻ. Ở lần bốn mươi tuổi, mình cũng từng rơi vào bi quan trầm cảm phết đấy vì thấy sức mình sao chán quá nhưng khi sốc lại tinh thần và lấy lại sự lạc quan để lựa chọn phương thức điều trị và chế độ rèn luyện phù hợp thì thấy sức khoẻ khá lên rõ rệt. Đang gầy như que củi lại trở lại béo phây phây :)).

Nên bạn cũng đừng lo lắng quá! Không theo được cách điều trị này thì tìm cách khác. Buông bỏ đi những thứ không quan trọng và tập trung  vào bên trong bản thể của mình.

Suy nghĩ tích cực lên thì nhất định bệnh tật sẽ có ngày được đẩy lùi.

Và lại làm thơ cúng Phây nữa chứ nhỉ, ối người là bọn mình vẫn chờ đọc mà  :)))

Sự giới hạn của tình bạn

By Hugh Black

12.

TÌNH BẠN, ở mức tốt nhất và thuần khiết nhất, đều có giới hạn. Khi mới bắt đầu, nó dường như không có điều kiện và có khả năng phát triển không ngừng. Trong cơn bùng nổ đầu tiên của tình yêu ban đầu, dường như gần như là một sự xúc phạm khi đặt câu hỏi về sức mạnh tuyệt đối của nó trong việc đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra cho nó.

Niềm vui tinh tế của việc hiểu và được hiểu, quá sâu sắc khiến chúng ta không thể tin rằng có thể có một ranh giới cuối cùng, vượt ra ngoài cái mà chúng ta có thể không vượt qua được. Tình bạn đến như một điều bí ẩn, vô hình, không xác định, không có giới hạn; và thường là một trải nghiệm đau đớn khi phát hiện ra rằng nó bị giới hạn và bị giới hạn giống như mọi thứ của con người.

Lúc đầu, nói về việc có tiêu chuẩn là một sự báng bổ, và việc phát hiện ra chúng là một sự vỡ mộng. Tuy nhiên, sự khám phá này không hoàn toàn là một sự mất mát. Cái vô hạn cũng là cái mơ hồ, và thật tốt khi biết chính xác những thuật ngữ ngụ ý trong một mối quan hệ.

Tất nhiên, qua kinh nghiệm, chúng ta học được những hạn chế đối với mọi sự thân mật, và nếu khôn ngoan, chúng ta học cách giữ mình trong giới hạn; nhưng nhiều nỗi thất vọng có thể đã được giải quyết nếu chúng ta hiểu được những hạn chế cố hữu của môn học. Đây là kết quả của tính cách.

Suy cho cùng, mỗi đối tác là một cá thể riêng biệt, có ý chí, lương tâm và cuộc sống riêng biệt, với trách nhiệm cá nhân mà không ai có thể tước đoạt khỏi anh ta, và với thành kiến ​​cá nhân trong tâm trí và trái tim không bao giờ có thể bỏ qua.

Đúng như dự đoán, một số giới hạn của tình bạn không cần thiết cho mối quan hệ, mà là do khiếm khuyết trong mối quan hệ, có thể là do tính cách khác thường hoặc tính khí đặc biệt. Một số giới hạn là tự đặt ra và phát sinh từ sai lầm điên rồ.

Một người bạn có thể quá khắt khe và có thể đưa ra những yêu cầu quá đáng, khiến mối quan hệ căng thẳng đến mức tan vỡ.
Trong tình cảm thường có nhiều ích kỷ, đòi hỏi sự hấp dẫn và ghen tị với những lợi ích khác. Ghen tị thường là kết quả không phải của tình yêu mà là của lòng tự ái.

Cuộc sống lớn hơn bất kỳ mối quan hệ nào và bao trùm nhiều nền tảng hơn. Các vòng tròn cuộc sống có thể giao nhau và một phần của mỗi vòng này là chung cho phần kia, nhưng sẽ có một khu vực ở cả hai bên dành riêng cho mỗi bên; và ngay cả khi các đường tròn có thể đồng tâm thì khó có thể có chu vi của hai đường tròn đó bằng nhau; hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, một cái sẽ có bán kính lớn hơn cái kia.

Không phải bản sắc là mục đích và vinh quang của tình bạn, mà là sự hiệp nhất giữa sự khác biệt. Phấn đấu vì bản sắc là chắc chắn sẽ thất bại, và nó đáng thất bại; vì đó là kết quả của sự ích kỷ. Bạn bè của một người không phải là tài sản của anh ta, có thể được coi là vật sở hữu độc quyền của anh ta.

Đố kỵ là một tật xấu hèn hạ, vì nó có nguồn gốc từ tính ích kỷ. Nó cũng phá hủy tình cảm, vì nó là bằng chứng của việc thiếu sự tin tưởng, và sự tin tưởng là điều cần thiết cho tình bạn. Có những giới hạn vật lý đối với tình bạn, nếu không có gì khác.

Có những rào cản vật chất cần phải vượt qua trước khi con người thực sự tiếp xúc với nhau, dù chỉ ở mức độ nhỏ nhất. Các cơ quan của cơ thể, mà chỉ nhờ đó chúng ta mới có thể giao tiếp được, mang theo những khuyết tật của chúng.

Các giác quan ở mức tốt nhất bị giới hạn trong phạm vi của chúng và luôn dễ mắc sai lầm. Xác thịt cản trở sự bộc lộ trọn vẹn của linh hồn. Bàn chân con người không thể bước qua ngưỡng cửa nơi ở của tâm hồn. Chính phương tiện của việc tự bộc lộ chính là sự tự che giấu.

Phương tiện mà chỉ nhờ đó chúng ta biết, sẽ làm tối đi vật thể nếu nó không làm biến dạng. Lời nói che khuất suy nghĩ, bởi chính quá trình mà qua đó chúng ta mới có thể nghĩ ra được; và những bao bọc xác thịt của tâm hồn che giấu nó, đồng thời làm cho nó hiển hiện.

Và nếu có những giới hạn về thể chất đối với tình bạn thì cũng có những giới hạn lớn hơn về mặt tinh thần. Những nhu cầu của cuộc sống đè nặng lên chúng ta và đẩy chúng ta vào những hướng hành động khác nhau. Trải nghiệm đa dạng của chúng ta tô điểm cho mọi suy nghĩ của chúng ta và tạo ra một khuynh hướng đặc biệt cho tâm trí chúng ta. Có một phương trình cá nhân luôn phải được tính đến.

Đây là sự hấp dẫn của giao thiệp nhưng cũng là một hạn chế. Chúng ta không đi trên cùng một mặt đất; chúng ta gặp nhau nhưng cũng chia tay. Dù sự đồng cảm có lớn đến đâu, không thể hoàn toàn đi vào tâm trí người khác và nhìn vào một đối tượng bằng đôi mắt của họ.

Phần lớn sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta với nhau và hầu hết những hiểu lầm của chúng ta đều do giới hạn tự nhiên này gây ra. Những con đường mà tâm trí chúng ta di chuyển tốt nhất có thể là tiệm cận, tiến đến gần nhau vô cùng, nhưng không bao giờ hoàn toàn trùng khớp.

Giới hạn lớn nhất của tình bạn, mà những giới hạn này chỉ là biểu hiện, là thực tế tinh thần về tính cách riêng biệt của mỗi con người. Điều này được thấy rõ ràng nhất trong lĩnh vực đạo đức. Tiêu chuẩn cuối cùng của một người là lương tâm cá nhân của anh ta, và không có sự ràng buộc nào của tình cảm, cũng như quyền lực của các con số, có thể chuộc lại sự sai lầm ở đó.

Ảnh hưởng của một người bạn hoặc người thân chắc chắn sẽ rất lớn. Chúng ta bị ảnh hưởng về mọi mặt và mọi lúc bởi môi trường của những cuộc đời khác. Có một tính hữu hạn tâm linh, là thứ gần gũi nhất và mạnh mẽ nhất trên thế giới, tuy nhiên trong lĩnh vực đạo đức, nó có những giới hạn nhất định được đặt ra cho nó. Trong trường hợp tốt nhất, nó chỉ có thể đi đến một độ dài nhất định và không được phép đi xa hơn giới hạn hợp pháp của nó.

Nhưng nó đặt ra một giới hạn ở nơi mà ngay cả những mối quan hệ dịu dàng như vậy cũng được phép có. Những người thân thiết nhất, những người bạn tin cậy nhất, không được phép từ bỏ chỗ đứng của lương tâm. Tình cảm có thể bị biến thành công cụ của cái ác. Có một luật đạo đức cao hơn cả luật tình bạn.

“Những yêu cầu của tình bạn không được phép can thiệp vào mệnh lệnh của nghĩa vụ. Không phải luật đạo đức phải được tuân theo một cách mù quáng, mà bởi vì khi tuân theo nó, chúng ta đang chọn phần tốt hơn cho cả hai;

vì thực như Frederick Robertson  đã nói, **người mà thích người bạn thân nhất của mình hơn là nghĩa vụ sẽ sớm chứng tỏ rằng anh ta thích bản thân mình hơn người bạn thân yêu nhất của mình.” Việc nhượng bộ một cách yếu ớt trước nhu cầu được cho là cao hơn về tình bạn chỉ là một hình thức ích kỷ.

Tình bạn đôi khi quá khắt khe. Nó đòi hỏi quá nhiều, nhiều hơn những gì chúng ta phải cho, nhiều hơn những gì chúng ta nên cho. Có một sự chuyên chế của tình yêu thương, đưa ra những yêu cầu chỉ có thể đáp ứng được sự mất mát của cả hai. Sự chuyên chế như vậy là sự xuyên tạc bản chất của tình yêu thương, đó là phục vụ chứ không phải cai trị.

Nó sẽ lấn át lương tâm và phá vỡ ý chí. Chúng ta không thể từ bỏ bổn phận cá nhân của mình, cũng như chúng ta không thể từ bỏ trách nhiệm cá nhân của mình. Đó là lý do tại sao Đấng Christ có thể nói rằng nếu một người yêu cha, mẹ, hay vợ hơn Ngài thì người ấy xứng đáng với Ngài. Không một con người nào có thể thay thế Thiên Chúa vào một cuộc sống khác; cố gắng làm điều đó là một hành động báng bổ.

Có một tình yêu ích kỷ và xấu xa. Tuyên bố rất độc quyền của nó là dấu hiệu của gốc rễ xấu xa của nó. Quyền của cá nhân không thể bị từ bỏ, ngay cả vì tình yêu. Tình yêu của con người có thể đòi hỏi quá nhiều, và nó đòi hỏi quá nhiều khi nó sẽ làm tan vỡ ý chí và lương tâm cá nhân.

Chúng ta không thể từ bỏ quyền của mình với tư cách là linh hồn sống mà không đánh mất linh hồn. Không ai có thể trả nợ mạng sống cho chúng ta. Không ai có thể gánh vác gánh nặng cuộc sống từ chúng ta. Chúng ta không thể trao dây cương một cách không dè dặt cho bất kỳ ai. Đó là sự hèn nhát, và hèn nhát là tội lỗi. Tiên đề đầu tiên của đời sống tinh thần là tính thiêng liêng của cá tính mỗi người.

Chúng ta phải tôn trọng cá tính của nhau. Ngay cả khi chúng ta có quyền đối với người khác, những quyền này bị hạn chế nghiêm ngặt và mang theo nghĩa vụ tương ứng là tôn trọng quyền của họ. Một chế độ chuyên quyền không thể chấp nhận được trên thế giới là nỗ lực đặt ách lên tâm hồn con người, và có một số hình thức thân mật gần giống với chế độ chuyên quyền đó.

Vượt qua những giới hạn đạo đức đặt ra cho tình bạn là không thể đạt được những hình thức cao nhất của tình bạn: vì những điều này chỉ đạt được khi những tinh thần tự do gặp nhau trong sự thống nhất của tinh thần.

Cộng đồng sự sống con người mà ngày nay chúng ta đang học hỏi nhiều về nó, là một thực tế lớn lao. Tất cả chúng ta đều bị ràng buộc trong cùng một bó. Theo một nghĩa rất đúng, chúng ta đứng vững hoặc cùng nhau gục ngã. Chúng ta luôn trong thử thách với tư cách là một xã hội; không chỉ về mặt vật chất mà còn ở những điều cao cả nhất, về mặt đạo đức và tinh thần.

Có một lương tâm xã hội mà chúng ta tác động và liên tục tác động đến chúng ta. Chúng ta không thể vượt lên trên nó nhiều; giảm xuống thấp hơn nhiều so với nó, đối với tất cả các mục đích thực sự là ngừng sống. Chúng ta đã thừa nhận những chuẩn mực xã hội thử thách đạo đức; chúng ta có những mối quan hệ chung, những nhiệm vụ chung, những trách nhiệm chung.

Mùa hạ yêu thương

(Truyện ngắn)

By Rose & Cactus

7.

Lần này về tôi không dám đi lại đường cũ nữa mà theo hướng đường về nhà Iris, qua khu chợ đông đúc rồi vòng xuống nhà mình. Xa hơn nhưng an toàn hơn.

Tôi đẩy cửa vào nhà. Đã gần 9 giờ tối. Mẹ vẫn đang ngồi với đống sổ sách cộng cộng trừ trừ.

Mẹ tôi bảo: “Đấy sau này con học kế toán, hay tài chính kinh tế là phải biết và làm những cái này”. Tôi nhìn những con số chi chít chi chít mà thấy thương mẹ ghê.

– Mẹ, mấy chục năm làm như vậy có bao giờ mẹ cảm giác chán công việc không? Tôi hỏi mẹ

– Cũng có lúc có cảm giác đó chứ giống như các con đi học ấy cũng có lúc thấy không thích học. Nhưng phần lớn mẹ đều thấy vui và phải tự tìm niềm vui với công việc của mình.

Tôi ngồi nói chuyện với mẹ một lúc rồi lên phòng và ngồi vào bàn học. Tôi lấy sách Toán xem qua vì cuối tuần này thi Toán. Dĩ nhiên chương trình học ở lớp đối với tôi tương đối dễ  vì dù sao tôi cũng nằm trong đội bồi dưỡng Học sinh giỏi Toán. Suốt từ cấp 1 lên đến cấp 2 tôi đã thích học Toán và học cũng khá.

Nhưng vài ngày gần đây tôi tự hỏi mình có nên tiếp tục đi học bồi dưỡng không. Không phải vì tôi hết yêu Toán mà bởi vì tôi đang cảm thấy đuối. Càng lên cao khi học càng sâu về Toán thì tôi thấy khả năng của mình không được nhanh nhạy như ngày xưa nữa, có thể vì trình độ của tôi chỉ đến thế dù cho tôi có chăm đến thế nào. Điều này từng xảy ra với Rose rồi. Năm lớp 9 khi học đội tuyển nó bảo nó cảm thấy đuối hơn so với chúng tôi. Và khi thi vòng 1 xong nó đã quyết định dừng lại.

Tuy nhiên, có người này xuống thì có người kia lên. Mấy thằng con trai học nhanh kinh khủng. Tôi nhớ ở cấp hai chúng nó chỉ học ở lớp thường thôi, không có gì nổi bật mà vào lớp 10 thì khác hẳn.

Câu hỏi có nên dừng học bồi dưỡng Toán cứ lặp đi lặp lại mỗi tối khi ngồi vào bàn học. Cái ý nghĩ phải dừng một cái gì đó đã rất quen thuộc bao năm qua làm tôi thấy hụt hẫng.

Nhưng nếu tiếp tục thì có thể tôi sẽ có cảm giác chán nản vì khả năng của mình. Nếu tiếp tục thì tôi sẽ không còn thời gian để tập trung ôn thi đại học nữa. Mà cái gì quan trọng hơn nhỉ, chẳng phải là đích đến cuối cùng cũng chỉ là vào được đại học thôi sao?

Cảm thấy mệt. Tôi lấy cái radio nhỏ và ấn nút On. Đã gần 10 đêm, là giờ đọc truyện đêm khuya, chương trình yêu thích nhất của tôi trên Đài mà tôi không bao giờ bỏ. Hôm nào tôi cũng phải nghe xong thì mới đi ngủ. Tôi thích giọng đọc của cô phát thanh viên lắm, giọng của cô Kim Cúc ý. Giọng cô nhẹ, trầm bổng và truyền cảm chứ không có một nhịp điệu đều đều gây buồn ngủ.

Câu chuyện đang được đọc bây giờ là “Đồi gió hú”, một tác phẩm văn học kinh điển của Emily Bronte. Tôi cũng thích văn học Anh, đôi khi chỉ bởi cái chất hài hước thường thấy trong lối viết đặc trưng xứ Ăng lê.

Dạo gần đây tôi vẫn hay viết, viết nhật ký và lâu lâu viết truyện. Càng ngày tôi càng thích viết.

Tôi có viết nhiều hơn là cố gắng giải các bài toán thật khó không? Tôi suy nghĩ và câu trả lời là Có. Vậy thì có lẽ tôi đã có quyết định cho mình rồi. Tôi suy nghĩ như vậy rồi thiếp đi lúc nào không biết khi chương trình “Đọc truyện” kết thúc không lâu.

Vừa đặt lưng chưa nằm được bao lâu thì tôi thấy tiếng ầm ầm bên ngoài nên choàng tỉnh. Đồng hồ chỉ 11h30. Trời về khuya rét buốt. Thời tiết lạnh và khô đến mức mặt, môi, chân, tay nứt nẻ bật máu. Bên ngoài gió bấc rít lên từng cơn. Toàn bộ cánh cửa sổ đã phải dán những tờ lịch treo tường dày để ngăn gió thổi qua khe.

Rồi tiếng la hét khóc lóc váng trời. Tôi chạy vội ra phòng ngoài, mở cửa ra ban công nhìn xuống. Một chiếc xe cứu thương đậu trước cửa nhà Kha. Bên trong nhà nhốn nhạo nhộn nhạo những người là người, mẹ nó đang được mấy người dìu đi, miệng không ngớt khóc thảm thiết.

Chắc Kha bị làm sao rồi. Tôi lao xuống dưới nhà thì đã thấy mẹ tôi chạy ra. Tiếng chú Thọ hàng xóm bên cạnh nhà tôi thảng thốt: “Thằng Kha chết rồi, nó đua xe với tốc độ cao đâm vào dải phân cách trên đường quốc lộ!”

Thằng Kha chết rồi sao? Ôi trời ơi tôi vừa gặp nó mới cách đây có mấy tiếng mà. Tôi bủn rủn chân tay, đóng cửa chạy lại vào phòng. Tôi cứ thức như thế mà suy nghĩ về nó, về những kỷ niệm với nó thời học chung lớp ở cấp 1. Đến tầm 3, 4 giờ sáng mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau tôi đến lớp mà lòng buồn như chưa bao giờ buồn đến thế. Giờ ra chơi mấy đứa bọn  tôi sang lớp Iris xem thế nào. Lớp Iris vắng đến gần nửa, hầu hết con trai đã sang nhà bạn trợ giúp tang lễ.

Hoá ra ngoài Kha còn một đứa nữa trong lớp nó cũng ra đi trong đêm kinh hoàng. Năm đứa tham gia cuộc đua, ba đứa chết, một đứa chấn thương não nặng đang phải thở máy, một đứa nhẹ nhất cũng bị gãy chân. Mấy đứa con gái còn lại ở lớp cứ động hỏi là khóc, không ai còn tâm trạng đâu mà học bài.

Buổi trưa tan học chúng tôi vào viếng Kha lần cuối. Bọn tôi bất ngờ khi thấy Hùng ở đó. Nó đã nghỉ học và qua nhà Kha từ sáng. Sau này Hoàng có kể lại cho chúng tôi là suốt một tuần sau ngày Kha mất, Hùng không thể nào đứng bán hàng được: “Thằng Kha nó bị coi là hư hỏng, chơi bời vậy chứ mà nó lại là đứa sống có tình.

Kha thương Hùng vất vả nên thường huy động bạn bè mua hàng giúp để Hùng đỡ bán ế mà về sớm. Hôm nào Hùng bán khuya quá nó cũng ở lại phụ giúp. Tiếc là bao nhiêu lần Hùng khuyên Kha nên từ bỏ thói quen nguy hiểm này nhưng không có kết quả.

Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ. Khi Hùng mất đi người bạn này nó lại có duyên gặp được một người bạn mới.

Chuyện là thế này.

Một buổi chiều Hùng đang trên đường đi học về thì gặp một bạn gái đang lúi húi với cái xe đạp bị tuột xích nhưng loay hoay mãi mà không làm thế nào sửa được đành xuống xe dắt bộ. Dĩ nhiên với người như nó thì chuyện này là chuyện nhỏ. Nó nhanh chóng làm cho chiếc xe đạp có thể bon bon lăn bánh được.

Làm việc tốt thì không kể công, khi chiếc xe đã được sửa xong nó cũng vội vàng lên xe và tạm biệt người bạn gái. Nhưng chẳng hiều sao về đến nhà nó lại muốn biết thông tin về người bạn cao cao có mái tóc dài mà có xe bị tuột xích hồi chiều. Nhưng khác gì mò kim đáy bể, biết đâu mà tìm. Đúng là thằng khờ quá đi, ngay lúc đó thì không hỏi, về đến nhà mới lắm chuyện.

May mắn cho nó là người bạn gái này lại là cô bạn ngồi ngay bên cạnh tôi, Mai Khanh. Khanh thời cấp hai học ở trường khác chúng tôi. Khanh xinh nhưng tính nó quá trầm. Không như Rose, Khanh cũng hiền nhưng nó mang một vẻ ngoài lạnh lùng hơn nhiều. Không mấy khi nó cười dù nụ cười của nó thì có thể đốn tim bất cứ người nào.

Sáng hôm sau đi học Khanh có nói với tôi về chiếc xe hỏng được sửa bởi một người bạn trai chiều hôm qua. Có điều nó không biết thông tin gì của người lạ sửa xe hộ ngoại trừ chi tiết trên cặp: Nguyễn Trần Nam Hùng. Nó hỏi tôi xem người chơi rộng như tôi thì có quen ai tên như vậy không?

Ôi, tôi thì không chơi rộng lắm đâu. Nhưng may mắn cho nó là nó đã gặp đúng người. Nam Hùng là thằng bạn tôi chứ ai. Cả cái khu vực này không có ai có cái tên lạ như nó cả. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là lần đầu tiên Mai Khanh muốn biết thông tin về một… bạn trai, bình thường thư làm quen gửi đến thậm chí nó còn chẳng bao giờ nhận.

Và tối hôm đó Hùng bất ngờ khi được gặp hai khách hàng trong đó có người mà nó muốn biết, ngay ở quán ngô nướng của nó.

Khách hàng này hơi khó tính, đặt điều kiện trước để được đối xử như những khách hàng khác, nghĩa là: Chủ quán phải cho thanh toán tiền thì mới đồng ý ngồi ăn.

Ông chủ dủ không muốn vẫn phải đồng ý chứ sao. Nhưng không hiểu có phải do bối rối quá không mà bỗng dưng dốt Toán đột xuất: Khách ăn hết 2 đồng. Khách đưa 5 đồng. Số tiền về lý thuyết phải trả lại khách là 3 đồng. Thực tế khách nhận lại gấp đôi: 6 đồng.

Chi tiết này hôm sau Mai Khanh báo cho tôi vì hôm qua nhận tiền trả lại nó cũng không để ý. Trên đường đi học về tôi cứ nghĩ đúng là thằng bạn mình khờ thật. Tôi kể lại chuyện này cho Iris nó cười ngặt nghẽo:

– Em tôi ơi, sao em lại tối dạ thế nhỉ. Động não chút đi. Cô gái sẽ có cớ hợp lý để quay lại quán chứ sao, ví như để trả lại tiền thừa chẳng hạn!

Ừ nhỉ, có thế mà tôi cũng không nghĩ ra. Lần này thì thằng bạn của chúng tôi đúng là chẳng khờ tí nào!

Kỳ thi học kỳ I cuối cùng cũng kết thúc. Kết quả thì chưa có nhưng gần như ai cũng tự đoán được điểm thế nào rồi. Mấy thằng con trai cứ kêu ầm lên Văn bi đát lắm. Vắt nát óc, cắn nát bút ra mà viết không quá được hai trang. Còn thằng Hưng ngồi ngay dưới tôi thì không kém. Nó kêu than suốt rằng chắc tiếng Anh nó chỉ được…0 điểm và ngồi ước giá có gia sư cho cái môn này.

– Này Daisy, chị nhớ là ngày xưa (cấp 2) Hưng nó đâu có dốt tiếng Anh đến thế đâu nhỉ? Có lẽ nào tiến hoá giật lùi

Dahlia quay sang nói với tôi. Hưng học chung lớp cấp 2 với chúng tôi

– Đúng thế thật. Từ khi nào mà nó kêu than như vạc thế không biết. Hay là não nó có vấn đề? Ôi, em phát hiện ra rồi. Hình như là từ cái ngày cô ấy hát “Iam on the top of the world” thì có anh chàng nào đó chắc cũng bị truỵ tim rồi.

Tôi quay xuống nhìn Hưng cười tinh nghịch

– Thế hoá ra cái cậu bị là bệnh tim chứ không phải bệnh não à Hưng?

– Chứ sao nữa, Hưng ơi mày than ít thôi về mà tìm sách “Tiếng Em” mà học đi thì “Tiếng Anh” của mày khắc tự động tiến bộ.

Thằng Tuấn ngồi bên cạnh kiểu gì cũng phải chen vào. Nó thân với Hưng

Hưng học giỏi nhất Vật lý. Nó vẽ đẹp kinh khủng, nhất là vẽ chân dung. Ước mơ của nó là đỗ vào trường Kiến trúc để trở thành kiến trúc sư. Bị mấy đứa bạn trêu trọc, nó tức lắm, chạy biến đi không quên lẩm bẩm: “Đúng là bọn con gái chỉ được cái nhiều chuyện. “

Bọn tôi cười ầm.

Thi xong, ai cũng như được xả hơi. Bên dưới bọn tôi xôm tụ thì bàn trên chúng nó cũng chẳng kém. Tâm đang tíu tít về trận đấu kinh điển Arsenal – MU vừa diễn ra vào tối thứ bảy. Nó thích bóng đá và với nó thì đội tuyển cơn lốc màu da cam Hà Lan là số 1. Nó là fan cuồng của cái đội bóng đến từ xứ sở hoa tulip này đến mức mà cái gì của nó, nếu có thể, cũng có màu da cam.

Sách vở bọc giấy màu da cam, hộp bút màu cam, nơ buộc tóc cam. Còn áo mặc đi học cũng chiếm đến một nửa có màu cam. Nếu hôm nào trong giải ngoại hạng Anh mà Arsenal thắng thì hôm sau đến lớp nó chơi nguyên cây cam đi học, cả áo lẫn quần đều cam hết đi đến đâu là ai cũng phải ngước nhìn hết dù nó chẳng thể gọi là cao.

Hôm nay Tâm cũng chơi nguyên cây cam. Thứ bảy vừa rồi Arsenal đã thắng đối thủ là quỷ đỏ MU và được dự báo sẽ là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch Premier League.

Nó xem Arsenal là Hà Lan thu nhỏ ở Anh vì ở câu lạc bộ này có rất nhiều các cầu thủ Hà Lan thi đấu. Giải ngoại hàng Anh diễn ra vào cả mùa Giáng sinh và năm mới, cũng trùng với lịch thi học kỳ I của chúng tôi, chứ với Tâm chẳng thành vấn đề, nó không bao giờ bỏ sót trận nào của Arsenal dù cho ngày mai nó có thể phải tham dự…. Olympic Toán quốc tế.

Ước mơ của nó giản dị thôi là sau này được đến thăm đất nước của cối xay gió và ngồi trên sân Emirates để hò hét cổ vũ cho Dennis Bergkamp. Khổ mà nó chẳng nghĩ đến lúc nó có đủ tiền sang đó xem thì Bergkamp của nó chắc chỉ còn sức đi bộ trên sân chứ chạy gì nổi nữa, già khọm rồi.

Như tôi dự đoán, trong giờ Sử nó lại quay xuống tôi liến thoáng về màn ghi bàn thần sầu quỷ khốc của thần tượng Bergkamp của nó vào lưới MU hai ngày trước. Của đáng tội nếu nó mê Hà Lan số 1 thì người số 2 còn ai khác ngoài…tôi. Hai đứa mải mê bàn tán đến mức cô Sử, vốn nổi tiếng là hiền lành, cũng không còn cách nào khác để chấm dứt bằng cách cho tên mỗi đứa chình ình trên sổ đầu bài.

Có lần nó bảo với Mai Khanh:

– Khanh, cậu nên chuyển qua là fan của Hà Lan đi. Ba đứa mình (ý nói tôi, nó và Mai Khanh) sẽ lập team Netherland girls. Chứ cái đội Đức khô khan lạnh lùng như thép của cậu chán lắm, đá chẳng có chút bay bổng lãng mạn như đội cam của bọn mình Daisy nhờ?

– Cậu nên nhớ là Đức đã ba lần vô địch còn Hà Lan của các cậu chỉ toàn là nhà vô địch…hụt thôi nhé!

Khanh ít nói nhưng đôi khi nó nói câu nào là chết câu đấy. Tôi biết còn lâu nó mới bỏ Đức, nó thích đội tuyển Đức vì có thể nó tìm thấy sự đồng điệu trong tính cách của người Đức sao? Lạnh lùng, trầm lắng nhưng hiệu quả.

Tuy vậy nếu bảo nó không bay bổng lãng mạn thì không đúng đâu nhá!

Hôm rồi cái vụ tiền thừa ý. Thay vì trả lại 3 đồng tiền mặt thì nó nghĩ ra cách khác. Khanh nhờ chị gái nó dưới Hà Nội tìm mua cho một quyển sách Tin thật hay (hình như là lập trình gì gì đó mà sau này tôi nghe nói có người còn quý quyển sách này hơn vàng) ở khu phố Sách Tràng Tiền cùng một cái thiệp ghi lời cám ơn.

Nhưng buổi tối thì nó không ra quán của Hùng được vì cũng như Rose, bố mẹ Khanh rất khắt khe với chuyện con gái ra ngoài buổi tối. Mà rủ tôi đi thì chắc nó ngại vì mới hôm trước tôi đã đi cùng nó rồi dù nhà tôi với nhà nó thật ra gần nhau lắm, đi bộ chỉ hết có 2 phút.

Thế là buổi chiều nó đạp xe sang nhà Hùng đứng đợi ở cổng vì nó đoán tầm mấy giờ Hùng sẽ đi học về, giống như cái hôm xe nó bị tuột xích ấy cũng là giờ đó. Tôi không biết buổi tối đó Hùng khi bán hàng có bị nhầm tiền nữa không vì cảm động trước món quà là quyển sách quý của Khanh.

Nhưng tôi biết chắc kiểu gì chúng nó cũng còn gặp nhau để trao đổi sách dài dài. Dưới giàn hoa tigon ngoài cổng của một căn nhà tập thể nhỏ. Ai bảo là không lãng mạn nào?

 

Sự giới hạn của tình bạn

By Hugh Black

13.

Nhưng cùng với tất cả những điều đó, bất chấp sự thật về tính cộng đồng của đời sống con người, vẫn có một sự thật khác về tính đơn nhất của đời sống con người. Chúng ta có một cuộc sống mà chúng ta phải sống một mình. Chúng ta không bao giờ có thể bỏ qua sự thật cuối cùng về trách nhiệm cá nhân của mỗi người. Chúng ta có thể là những chiếc lá của cùng một cây sự sống, nhưng không có hai chiếc lá nào giống nhau.

Chúng ta có thể được gói gọn trong cùng một bó, nhưng một bó có thể chứa đựng những thứ rất khác nhau. Mỗi người chúng ta đều được tô điểm bằng một sắc thái riêng, riêng biệt và duy nhất. Chúng ta có năng lực trí tuệ đặc biệt của riêng mình, kinh nghiệm đặc biệt của riêng mình, lương tâm đạo đức của riêng mình, đời sống đạo đức của riêng mình để sống.

Vì vậy, mặc dù đúng là chúng ta đứng vững hay gục ngã cùng nhau, nhưng điều đó cũng đúng – và đó là một sự thật sâu sắc hơn – rằng chúng ta đứng vững hay gục ngã một mình.

Trong thế giới đông đúc này, với sự giao tiếp và chen lấn của nó, với mạng lưới những mối quan hệ của nó, với mạng lưới sống đan xen của nó, mỗi chúng ta đều cô đơn. Bên dưới bề mặt có vực sâu, và bên dưới vực sâu có chiều sâu sâu hơn. Trong sâu thẳm trái tim con người có và phải có sự cô độc.

Có một giới hạn cho sự hiệp thông có thể có với người khác. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn cởi mở bản chất của mình với ngay cả những người gần gũi và thân yêu nhất. Bất chấp bản thân chúng ta, một cái gì đó được giữ lại. Không phải là chúng ta không thành thật trong việc này và che giấu nội tâm của mình, mà chỉ đơn giản là chúng ta không thể bộc lộ toàn bộ bản thân mình.

Có nỗi cay đắng trong lòng mà chỉ có trái tim mới biết được; có một niềm vui trong lòng mà không người lạ nào có thể xen vào được; có một giới hạn mà ngay cả một người bạn giống như tâm hồn chúng ta cũng trở thành một người xa lạ. Có một Vùng đất Thánh, mà không một bàn chân con người nào có thể bước qua ngưỡng cửa đó.

Nó được an toàn không bị xâm phạm, được bảo vệ khỏi sự xâm nhập, và ngay cả chúng ta cũng không thể đưa cho người khác chiếc chìa khóa thần kỳ để mở cửa. Bất chấp tất cả sự phức tạp trong đời sống xã hội của chúng ta và những mối liên hệ vô tận mà chúng ta hình thành với những người khác, thực tế cuối cùng vẫn là sự cô độc lớn lao và gần như kỳ lạ. Chúng ta có thể lấp đầy trái tim mình bằng tình bạn bè con người ở mọi cấp độ, nhưng mỗi người vẫn có một cuộc sống riêng biệt và cách biệt.

Chúng ta nói một cách mơ hồ về quần chúng, nhưng quần chúng bao gồm các đơn vị, mỗi đơn vị có cuộc sống riêng, một vật riêng biệt. Ngày nay, cộng đồng sự sống con người đang được nhấn mạnh và đó là một bài học cần được lặp lại, bài học về những mối ràng buộc chung và những nghĩa vụ chung của chúng ta.

Nhưng đồng thời, chúng ta không dám bỏ qua sự thật về tính đơn nhất của đời sống con người, nếu không vì lý do nào khác ngoài lý do đó, nếu không thì chúng ta không có lời kêu gọi đạo đức nào để thực hiện thay cho những ràng buộc và nghĩa vụ đó.

Trong lãnh vực luân lý, khi xử lý tội lỗi, chúng ta thấy sự cô đơn này đúng như thế nào. Có thể có những gì chúng ta thực sự có thể gọi là tội lỗi xã hội và quốc gia, và con người có thể phạm tội cùng nhau, nhưng vấn đề cuối cùng là tội lỗi mang tính chất cá nhân. Đó là một điều làm tan rã, tách con người ra khỏi đồng loại và tách họ ra khỏi Chúa.

Chúng ta cô đơn với tội lỗi của mình, giống như Người thủy thủ cổ đại với thi thể của những người bạn chung quanh, mỗi người đều dùng ánh mắt nguyền rủa anh ta.

Vì vậy, trong lĩnh vực đạo đức này, phải có những giới hạn đối với tình bạn, ngay cả với người bạn như chính tâm hồn của chúng ta. Tình bạn là một thứ rất thật và gần gũi. Đó là một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc sống và mang lại hoa trái cao quý.

Chúng ta có thể làm nhiều điều cho nhau: có những gánh nặng chúng ta có thể chia sẻ: chúng ta có thể vui với người vui và khóc với người khóc. Nhờ sự đồng cảm và tình yêu thương, chúng ta có thể thoát khỏi cái tôi; nhưng ngay cả ở đây cũng có những giới hạn. Sự bất lực của chúng ta trước nỗi đau buồn chứng tỏ sự đơn độc cơ bản này của đời sống con người.

Khi đứng cạnh một người bạn trước ngôi mộ đã mở, dưới đám mây đau buồn tột độ, chúng ta mới biết mình có thể làm được gì cho anh ấy ít đến mức nào. Chúng ta chỉ có thể đứng không nói nên lời và cầu nguyện rằng Đấng An Ủi vĩ đại có thể đến với sự dịu dàng thiêng liêng của chính Ngài, và bước vào thánh địa đau buồn, khép kín dưới chân xác thịt.

Những người đưa tang thực sự đã được xoa dịu bằng một cái chạm, một cái nhìn, hoặc một lời cầu nguyện, bắt nguồn từ trái tim con người đáng thương, nhưng đó chỉ là một thông điệp chia buồn lóe lên từ thế giới này sang thế giới khác.

Có một gánh nặng mà mỗi người phải gánh và không ai có thể gánh thay cho họ; vì có một tính cách mà dù có muốn, chúng ta cũng không thể bộc lộ trước mắt con người. Có những cảm giác thiêng liêng mà con người không cảm nhận được.

Chúng ta phải tự tìm ra điều kỳ lạ của riêng mình,” và sống cuộc sống của chính mình, và chết cái chết của chính mình. Trong thời gian hoang tàn, khi sự thật về sự cô độc này in sâu vào chúng ta, chúng ta bị bỏ mặc cho chính mình, không phải vì bạn bè của chúng ta vô cảm, mà đơn giản là vì họ không có khả năng.

Không phải sự ích kỷ khiến họ xa cách mà chính là sự yếu đuối của họ. Tinh thần của họ có thể sẵn sàng, nhưng xác thịt thì yếu đuối. Đó là bài học của cuộc sống, rằng trong vòng tay xác thịt không có giới hạn, rằng dù tình người không có giới hạn thì sức người cũng có giới hạn.

Sớm hay muộn, ở nơi này hay nơi khác, đó là kinh nghiệm của mọi con người. Tình bạn của con người phải có giới hạn, chỉ vì đó là con người. Nó phải tuân theo ; mất mát, và ở một mức độ nào đó thường là trò chơi mang tính thời vụ. Nó thiếu tính lâu dài; những hiểu lầm có thể làm chúng ta trở nên xa lạ, sự vu khống có thể làm chúng ta cay đắng, cái chết có thể làm chúng ta mất mát.

Chúng ta là nạn nhân của hoàn cảnh; vì giống như mọi thứ trên trần thế, nó có thể thay đổi và suy tàn. Cho dù sự giao tiếp gần gũi và thiêng liêng đến đâu, nó cũng không lâu dài và không bao giờ chắc chắn. Nếu không có gì khác, cái bóng của cái chết luôn bao trùm. Tennyson mô tả anh đã mơ thấy mình và bạn mình sẽ cùng nhau vượt qua thế giới, yêu thương và tin tưởng lẫn nhau, rồi cùng nhau đi vào im lặng.

Và hãy coi chúng ta như một linh hồn duy nhất. Đó là một giấc mơ đẹp nhất. ”Sống cùng nhau hay chết cùng nhau cũng không thể xóa mờ được giới hạn tinh thần của tình bạn. Ngay cả trong mối quan hệ thân thiết nhất của con người khi hai người dành cho nhau những điều tốt đẹp hơn hay tệ hơn nữa, giàu hơn hay nghèo hơn, dù ốm đau hay khỏe mạnh, họ có thể hoà nhập một xương thịt, nhưng không bao giờ có thể cùng một tâm hồn.”

Trong tôn giáo, trong những điều sâu thẳm nhất của tinh thần, những giới hạn mà chúng ta đang xem xét có lẽ được cảm nhận rõ ràng nhất. Ngay cả với một người bạn giống như linh hồn của chính mình, chúng ta không thể tìm cách tạo ấn tượng tinh thần mà không nhận ra sự hạn chế của cá tính riêng biệt của người đó. Chúng ta không thể vượt qua những rào cản về sự tồn tại khác biệt của người khác.

Nếu chúng ta từng tìm cách hướng đến một cuộc sống cao hơn cho người mà chúng ta yêu thương, chúng ta hẳn đã cảm thấy rằng không phải tất cả đều nằm ở chúng ta, rằng anh ta là một sinh vật có đạo đức tự do, và rằng chỉ bằng cách tự nguyện từ bỏ trái tim và ý chí và sự sống của mình cho vua, anh ta mới có thể bước vào Vương quốc. Chúng ta buộc phải tôn trọng cá tính của anh ấy.

Chúng ta có thể thức canh, cầu nguyện và nói chuyện, nhưng chúng ta không thể cứu vớt. Hầu như có một kiểu khiếm nhã về mặt tinh thần khi bộc lộ tâm hồn trần trụi, khi cố gắng xâm chiếm nhân cách của một cuộc sống khác. Đôi khi có một cuộc giải phẫu tâm linh mà một số người cố gắng nhân danh tôn giáo, điều này là vô đạo đức. Chỉ có đôi mắt thánh thiện hơn chúng ta, chỉ có bàn tay tôn kính hơn chúng ta mới có thể đối phó được với tinh thần của một con người.

Anh ta là một cá nhân riêng biệt, có tất cả các quyền của một cá nhân. Chúng ta có thể có nhiều điểm tiếp xúc với Ngài, sự tiếp xúc của tâm trí với tâm trí, và trái tim với trái tim; chúng ta thậm chí có thể có quyền đối với anh ấy, quyền được yêu; nhưng anh ấy có thể tùy ý tách cuộc sống của mình khỏi cuộc sống của chúng ta. Ở đây cũng như ở những nơi khác khi chúng ta đi đủ sâu vào cuộc sống, đó là Thiên Chúa và linh hồn duy nhất của con người.

Bài học về cuộc sống đích thực trong mọi lĩnh vực là nhận ra những giới hạn của chính chúng ta. Đó là bài học đầu tiên về nghệ thuật, để làm việc trong những giới hạn cơ bản của một nghệ thuật cụ thể. Nhưng khi đối mặt với những cuộc sống khác, có lẽ bài học khó nhất là học hỏi và chấp nhận những giới hạn của chúng ta.

Đó là ân sủng tột đỉnh của đức tin, khi chúng ta sẵn sàng vâng phục và phó thác những người chúng ta yêu thương trong tay Chúa, như chúng ta rời bỏ chính mình. Không nơi nào giới hạn của tình bạn lại bị cắt đứt sâu sắc như ở đây trong những điều thuộc về tinh thần.

Tình bạn của con người có giới hạn vì sự vĩ đại thực sự của con người! Chúng ta quá lớn để có thể được người khác hiểu rõ. Luôn có điều gì đó trong chúng ta không thể giải thích được và chưa được khám phá. Chúng ta thậm chí còn không biết chính mình, huống chi là người khác có thể hy vọng thăm dò được những ngóc ngách trong con người chúng ta.

Tình bạn có giới hạn, bởi yếu tố vô hạn trong tâm hồn. Thật khó để chống lại những mũi nhọn, nhưng chúng có nghĩa đưa chúng ta đến mục đích thực sự của cuộc sống.

Thật khó để bị ràng buộc bởi một giới hạn trong bất kỳ dòng đời nào, nhưng nó được thiết kế để đưa chúng ta đến một sự phát triển sâu sắc hơn và phong phú hơn trong cuộc sống của chúng ta.

Sự giới hạn của con người là cơ hội của Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn trọn vẹn tấm lòng đói khát của con người.

Mình dự đoán tỷ số trận bán kết Euro sáng nay Hà Lan- Anh sẽ là 2-1! Hà Lan ơi, bao lâu rồi mới vào chung kết?

July 10, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
  • 1
  • …
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • …
  • 15

Bài viết mới nhất

  • Giọt nước mắt bay lên
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng
  • Những cơn gió của thiên đường
  • Tản mạn đầu Xuân
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

About Me

About Me

RosenKactus@gmail.com

Keep in touch

Facebook Twitter Instagram Pinterest Tumblr Youtube Bloglovin Snapchat

Bài viết nổi bật

  • Giọt nước mắt bay lên

    March 5, 2025
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng

    February 26, 2025
  • Những cơn gió của thiên đường

    February 19, 2025
  • Tản mạn đầu Xuân

    February 12, 2025
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

    February 5, 2025

Chuyên mục nổi bật

  • Cactus (19)
  • Film (8)
  • Rose (150)
  • Stories (15)
  • Uncategorized (2)

About me

banner
RosenKactus@gmail.com

Bài nổi bật

  • 1

    Tạm biệt 2023….. (1)

    December 28, 2023
  • 2

    Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (6)

    September 30, 2023
  • 3

    ….Xin chào 2024 (1)

    January 1, 2024
  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Youtube
  • Email
  • Tiktok

@2023 - All Right Reserved. Designed and Developed by YVS Digital


Back To Top
Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English