Bà
Chiều hè tháng sáu oi bức đến mức ông trời có thể chuyển giông, một kiểu điều tiết khí hậu tự nhiên thường thấy.
trên cánh đồng quê nước ngập đến lưng gốc rạ, soi bóng ráng chiều đỏ ối tít tận đường chân trời.
Một màu đỏ vàng của đu đủ chín, màu của ánh đồng thau nóng chảy.
Một cụ bà nhỏ bé với nước da rám nắng của người quen dầm mưa dãi nắng bước lên bờ từ con mương nhỏ chạy dọc cánh đồng mênh mông.
Những nếp nhăn hằn in dấu ấn của tuổi tác, khi chỉ còn ba năm nữa cụ đã bước sang tuổi chín mươi, không làm giảm đi sự nhanh nhẹn vốn có của một cô thôn nữ đảm đang, chịu thương chịu khó.
Cụ khẽ chọn một chỗ mà dòng nước trong hơn, rồi hạ chân làm động tác rửa qua để gạt đi những vết dơ bùn đất còn bám trên đôi bàn chân gày guộc. Và một bàn tay gân guốc của cụ kẹp chặt một rổ ốc ngang hông.
Đã xong một buổi lao động, cụ thoăn thoắt đi theo con đường làng trải bê tông sạch sẽ để về nhà. Chân đất, nón lá, quần lụa sắn đến gần đầu gối, áo thun họa tiết tối màu đã sờn vai.
– Con chào bà, bà có nhận ra con không?
Cụ nheo mắt, ánh mắt tinh anh lấp lánh
-Bác Hiền xuống chơi đấy. Bác vào nhà chơi
Cụ đặt rổ ốc một góc ngoài hiên và mở tung hai cánh cửa gỗ của căn nhà mới được xây cách đây vài năm. Một luồng khí nóng đặc trưng mùa hạ phả lên mặt của cả chủ và khách.
– Bác ngồi xuống đây uống nước
Bà cụ nhấc cái ấm tích sứ trắng rót nước mời khách. Rồi lại đứng lên giật dây cái quạt treo tường trong khi tay vẫn không ngừng phe phảy chiếc quạt mo cau:
– Bà ơi, tuổi này rồi bà vẫn đi bắt ốc ạ?
– Ngày nào tôi cũng phải ra thăm đồng bác ạ. Tôi vẫn đi kéo xe bò chở lúa về đấy. Đây bác vào đây tôi cho bác xem. Đây, thùng thóc lớn này là lúa mới thu hoạch vụ rồi, còn đây là của vụ năm ngoái chưa ăn hết. Tôi không bao giờ sợ đói, đứa cháu nội mà về là tôi lại xúc cho mấy chục bò gạo về ăn dần.
Người khách nhìn cụ già dáng chắc nịch, thấp nhỏ chỉ đến cổ mình mà trong lòng dâng lên một niềm thán phục, thương quý:
-Thế bác lần này ra được bao lâu? Ở đây chơi với các em nó lâu chút cho chúng nó vui
– Con ra chơi lâu bà ạ. Con xuống đây ở với bà chừng nào hết bồ thóc này con mới về đấy. Bà nuôi được con không?
Bà cụ bỏm bẻm cười, hàm răng đã rụng gần hết càng làm lộ vẻ chân chất, phúc hậu:
-Bác không phải lo, thóc tôi cấy đấy. Giờ gặt thì tôi thuê người ta. Thi thoảng tôi đi mò cua bắt ốc, rau thì bác thấy tôi trồng đầy ngoài vườn. Mình sống phải căn cơ bác ạ, lúc nào trong túi cũng phải có tiền để tự lo liệu. Tôi từng này tuổi rồi, may mắn vẫn chưa phải phiền đến con cháu ngày nào.
-Thế bà nấu gì con phụ cho?
-Bác cứ ngồi chơi. Chút đem ốc về bên nhà (nhà dì mình) nấu với chuối. Tôi không phải đi chợ xa mấy khi. Bác thấy chợ ở đây khác nhiều không? Trên nhà bác tôi đi mấy chợ rồi, chợ Dốc Hanh gần nhà bác, chợ Cam Giá thì chỉ họp buổi sáng.
– Bà tối nay có món gì thế?
– Tôi vẫn còn cá hôm trước cô ấy (dì mình) mang sang cho. Giờ tôi không ăn được bao nhiêu, chỉ lưng bát, sáng thì khi ăn khi không. Như mấy hôm nay nực quá không muốn ăn, may sao bác xuống hôm nay là mát nhiều so với mấy hôm trước đấy.
mình ngồi con cà con kê với cụ già 87, mà tóc vẫn còn xanh lắm, đầu óc vẫn minh mẫn tuyệt vời và vẫn biết chính xác trong cái túi giắt cạp quần mình có bao nhiêu tiền :)))
– Bác cất đi, tôi không lấy của bác đâu, bác nhìn này, trong túi này tôi có đủ tiền để sống.
Cụ lại cười, nụ cười hiền khô của người suốt đời chỉ biết lao động và làm việc không ngưng nghỉ. 30 tuổi đã góa bụa, ở vậy một mình đã gần sáu mươi năm, một nách ba con. Chồng liệt sĩ, ông hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Dì mình về làm dâu bà gần bốn mươi lăm mà chưa bao giờ hai người to tiếng với nhau. Dì mình khỏe, hay lam hay làm, bao việc nhà nông nặng nhọc dì đều dành làm hết nhưng cụ cũng không bao giờ để con dâu phải vất vả làm một mình. Con dâu làm việc gì thì mẹ cũng làm việc ấy, từ cấy lúa, gặt, kéo lúa về nhà đến phơi lúa.
Thương con, quý cháu, có gì cũng dành cho con cháu.
Đúng thế thật, mình vừa từ nhà bà về đến nhà dì (ngay cạnh) đã thấy bà tất tả sang sân, trên tay là một nắm rau đay và hai quả mướp:
-Nóng thế này, nấu mướp ăn cho mát.
Để lại chút rau quả trên bậc thềm sân, bà đã toan quay ngay về nhà thì đã bị người khách nơi xa níu lại để cháu làm một pô ảnh kỷ niệm
-Bà cười thật tươi nhé, tươi như hoa hậu ý!
Bà cười tươi hơn hoa hậu chứ,
Nụ cười của người bà, người là trái tim trong ngôi nhà thơ ấu của mỗi người cháu, là người lưu giữ những ký ức tốt đẹp nhất trong tuổi thơ của mỗi người.