Mình đọc báo thì biết năm nay vải, nhãn ngoài Bắc mất mùa làm mình lại nhớ hôm trước bạn Huệ có nhắc đến cây nhãn nhà bác Đáp hàng xóm của chúng mình (dãy tập thể). Nếu ví mùa hè là mùa của tuổi thơ (thời gian) thì mảnh đất chứa cây cối (không thất sự là vườn) nhà bác Đáp là trung tâm dệt nên tuổi thơ tươi đẹp ấy (không gian).
Vợ chồng bác Đáp gốc người quê hương năm tấn Thái Bình. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự một thời gian thì bác lên vùng trung du nhà mình lập nghiệp, trở thành công nhân của Khu Gang Thép. Bác Đáp vừa chăm chỉ, lại vừa khéo tay, cái gì cũng biết làm và cứ là lúc nào cũng luôn chân luôn tay.
Trong đó, có lẽ bác đam mê nhất là nghề mộc. Cái sân nhỏ trước nhà bác gần như biến thành một xưởng mộc nhỏ, với đủ những mẩu, mảnh gỗ nhỏ và các sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay của bác. Có lần tụi mình còn được làm thợ xẻ với bác nữa. Ôi trời, nhìn vậy chứ đừng tưởng cưa gỗ mà dễ ợt nhá!
Không quá là ngon ăn đâu, y như kiểu tát nước ấy. Bọn mình, toàn lũ trẻ ranh, 10-12 tuổi, nhảy như con choi choi suốt ngày khi thấy hai vợ chồng bác Đáp cưa khúc gỗ thì cũng cứ kì nèo đòi bác cho thử. Đến khi bác chiều cho làm thật thì ôi chả đứu nào làm ra hồn.
Vì lực tay yếu và không biết cách làm sao phối hợp đẩy cái đầu cưa sang bên phía bác cho nó nhịp nhàng. Thế là một lúc, bác đuổi ra hết,
“ở ngoài làm nhà quan sát thôi nhé các cháu. Các cháu đừng tưởng, có những việc nhìn thì dễ nhưng làm không dễ. Mới là cưa thôi đấy, còn để tạo ra một tác phẩm mộc đẹp và có thẩm mỹ đòi hỏi sự kì công và tỉ mỉ lắm lắm của người thợ.”
Mình có nhớ đại ý bác có nói với lũ trẻ chúng mình như vậy. Còn chúng mình thì cứ đòi thử cho vui vậy, trẻ con thích tí toáy nghich ngợm chứ có chú tâm đến lời bác mấy đâu. Đời nào mà chịu ngồi xem bác làm mãi. Loáng một cái là đã nhảy ra leo trèo cái cầu bào đặt dọc trên cái hè hẹp (cái hè chạy từ đầu đến cuối của khu tập thể, đúng 12 nhà) nhà bác.
Cái cầu bào này là để bác bào gỗ nhưng từ khi nào lại biến thành chỗ để chúng mình nhảy nhót, giống như các vận động viên thể dục dụng cụ đi trên cái khung cao cao và thể hiện nhiều động tác khó trên đó. Ah, nhắc mới nhớ, là ngày xưa ti vi hay chiếu các chương trình về trượt băng nghệ thuật và thể dụng dụng cụ ghê, mình nhớ hay có vào chiều chủ nhật ấy! Sao cái quái gì phát trên Đài hay Tivi ngày đó mình cũng nghe, cũng xem, bất kể là chương trình gì. Ngày xưa, đúng là phương tiện giải trí ít, thành thử đọc nghe xem cái gì cũng là cứ nhớ mãi !
Đấy, nhảy nhót trên cầu bào chán chê thì bọn mình tấn công sang cây nhãn nhà bác. Cũng tội cho nó, ai bảo cái dáng của nó dễ trèo mà có rớt thì cũng không gây thương tích nặng lắm vì cây khá là thấp. Cái thân cây to, vững chãi chỉ cao độ hơn hai mét rồi gập ngang lại, vươn ra phủ khắp khoảnh sân vườn. Ở dưới là nền đất và dày đặc lớp lá khô mục nên có chẳng may ngã xuống cũng êm du :)).
Hè tới, ve kêu inh ỏi suốt ngày từ cái cây nhãn này cũng là lúc chúng mình tụ tập như lính đánh trận trên cây. Gái, trai gì cũng hóa thành Tôn hành giả hết, leo cây thuần thục hơn cả khỉ :)).
Chán cây nhãn thì lại chạy đến cây mít nhà bác ở đầu hồi. Cái cây mít này nó nằm ở đình dốc vì khu tập thể nhà mình thực chất là những dãy nhà xây trên những quả đồi bát úp. Leo cây mít khó vì nó ít trạc nên đứa nào chân tay cũng xước xát hết cả, quần áo thì vài bữa là rách bươm.
Chưa kể nào nhựa, nào bọ xít và nhiều côn trùng mùa hạ khác đốt cho cảy (từ của bà ngoại mình) hết cả da. Làm thêm quả trượt từ gốc cây mít xuống đến vườn khoai lang nhà bác nữa là đủ combo bẩn thỉu, người dính đầy đất và rách rưới. Cứ chuẩn bị sẵn cái roi đi, về nhà thể nào có đứa cũng bị ăn đòn :), ấy nhưng chả đứa nào chừa cả, hôm sau lại cứ tiếp tục như thế, leo trèo, bêu nắng, bắt cào cào châu chấu khắp cánh đồng!
Nhưng đó chính là tuổi thơ, với mình là tuổi thơ tươi đẹp nơi chúng mình được sống hoàn toàn với thiên nhiên một cách bản năng nhất! Tất cả những ký ức đó nó là ngọn gió thổi hồn cho những cảm xúc theo mãi cho đến cuối hành trình của cuộc đời.
Có một kỷ niệm lớn với bác Đáp mà cả dãy nhà mình không bao giờ có thể quên được là bác đã cứu sống cho chú hàng xóm khi chú bị điện giật. Nhà chú Vượng nấu rượu và nuôi lợn nên bếp nhà chú thường ẩm ướt. Một lần, chú đi chân đất và cắm dây điện bị rò rỉ sao đó mà chú bị giật.
Chú có hai điều may: Một là, nhà cô hàng xóm sát vách chú phát hiện kịp thời khi nghe tiếng rên phát ra từ bên kia bức tường bếp ngăn cách giữa hai nhà. Hay là dù là tường nhưng vẫn có khe hở nhìn sang nhà nhau được và ngay lập tức cô đã lấy cái sào bằng tre gạt dây điện lòng thòng ra khỏi người chú rồi chạy ra ngoài sân tri hô người đến cứu.
Và ai khác có thể thành thục hơn nữa đây, ngoài bác Đáp, tổ trưởng. Bác nhanh lắm, phi sang ngay, làm động tác sơ cứu, hà hơi thổi ngạt và ép ngực. Nhìn vào chúng mình tưởng bác là một bác sĩ vì các hành động rất dứt khoát và bình tĩnh. Một lúc sau có dấu hiện sống phát ra từ người cúa nạn nhân thì chú mới được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Sau này, chú Vượng, mới nói hai người hàng xóm của chú, chính là ân nhân mà suốt đời chú phải ghi lòng tạc dạ. Là cô Thạo, nhà bên cạnh và bác Đáp.
Hè đã đến rồi, nhớ tuổi thơ, cây nhãn và bác Đáp, mình lại nhớ đến khúc hát phát ra từ cái radio nhà bác, hình như cứ khi nào bác ở nhà là khi ấy trong nhà bác phát ra tiếng Đài, bài hát gì ấy nhỉ, đúng rồi, là
Kỷ niệm Thành phố tuổi thơ
của nhạc sĩ Hồng Đăng
Trưa nay qua đường phố quen gặp những tiếng ve đầu tiên
Chợt nghe tâm hồn xao xuyến
Điệp khúc tiếng ve triền miên
Tiếng ve đu cành sấu
Tiếng ve náu cành me
Tiếng ve vẫy tuổi thơ
Tiếng ve chào mùa hè
Và gọi cơn gió mát
Những đêm đầy trăng thanh
Tiếng ve như lời hát đan giữa vòn cây xanh
Nơi đây con đường vẫn qua
Chợt thoáng tiếng ve gần xa
Giọng chim im lìm trưa vắng
Lại ngỡ tiếng ve gọi ta
Tiếng ve trên đường vắng
Hát theo bước hành quân
Mãi xa vẫn còn ngân
Tiễn tôi ra mặt trận
Đường hành quân gấp gấp
Tiếng ve chào say sưa
Thấy thêm yêu thành phố trong sáng tuổi ngây thơ