Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (7)

by Rose & Cactus

Buổi trưa ngày đầu tiên của tháng Mười, trời đổ cơn mưa lớn. Đúng vào giờ ngủ trưa mà mát mẻ thế thì còn gì bằng phải không các bạn? Mưa lạnh, kéo lấy tấm mền mỏng, thêm một quyển truyện nhỏ nữa thì đúng hết sảy, trời cứ tối như mực cũng được, tối xuyên chiều đến hết đêm luôn, cho trọn một ngày!

Nhưng khoảng thời gian nhập nhoạng đó nhanh lắm “Trời tháng Mười chưa cười đã tối mà”. Ngủ dậy xong đã thấy màn đêm sầm sập trước mắt

-Thế mai có mưa thế nữa không mẹ?

-Mẹ sợ là mưa đấy. Ông trời ổng cũng thích sự đúng giờ lắm. Thể nào trưa mai lại mưa thôi!

-Thế cũng khổ, đúng giờ đi học!

Mưa mà rào rào như trưa nay thì không phải là chạy nữa mà là bơi giữa đường. Mới hôm trước mình đọc trên The New York Times họ mô tả đường phố New York biến thành sông sau mưa lớn. Đến New York còn thế nữa là mình, thôi cứ tự an ủi vậy. Mình nhớ có năm nào đó cũng khá lâu rồi, Hà Nội cũng mưa lớn kéo dài, giữa tháng Mười. Tháng mùa thu, thời tiết đẹp nhất năm, khô ráo, theo thói thường, chỉ có nắng vàng và gió heo may đặc trưng riêng có của Thu miền Bắc.

Làm gì có mưa vào tầm này? Thế mà năm ấy lại mưa, mà mưa đến lụt lội luôn nữa mới kinh. Sau đợt đó thì như thành thông lệ, cứ vài ba năm, dân tình Thủ đô lại nháo nhào ngạc nhiên với mưa Tháng Mười. Có thể biến đổi khí hậu đã tác động đến môi trường sống và gây ra sự bất thường về thời tiết như vậy, giống như mùa đông miền Bắc được xem là càng ngày càng ít lạnh hơn, một nỗi buồn của những người hay hoài niệm

Tháng Mười là tháng cuối cùng miền Nam còn những cơn mưa lớn, sang tháng mười một mưa chỉ còn rải rác trước khi ngưng hẳn vào tháng của cung Nhân mã và Ma kết!

Những tháng cuối năm cũng luôn thời điểm bận rộn nhất, ở tất cả các ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh buôn bán. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hối hả cho các đơn hàng kịp hoàn thành phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm cuối năm, cả trong nước và xuất khẩu thì bên thương mại cũng phải khẩn trương dự trù lượng hàng cho đủ, không thừa không thiếu. Dòng tiền quay vòng nhanh nhất cũng là ở thời điểm này. Cuối năm, là thời điểm người ta đi thu nợ.

Nếu ai đã từng làm ở bộ phận tín dụng, cho vay thì hẳn là oải nhất, ngán ngẩm nhất và ngại nhất vẫn là nghiệp vụ này: Quản lý và thu hồi nợ. Sức khoẻ của nền kinh tế chẳng cần nhìn ở đâu xa chỉ cần ngó qua tổng nợ xấu hoặc ngấp nghé chuyển xấu (nợ cần chú ý) của các Ngân hàng là có thể rút ra bức tranh toàn cảnh hiện thực, là u tối hay sáng sủa.

Doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng giảm dẫn đến doanh thu giảm, dòng tiền vào thiếu hụt so với kế hoạch ban đầu. Sự thiếu hụt này càng kéo dài thì nguy cơ sập tiệm càng lớn vì không đủ trả tiền lương công nhân viên, không có tiền trả lãi vay (doanh nghiệp nào mà chẳng vay, đại đa số). Nợ sẽ chồng lên nợ. Cảm giác đó khủng khiếp lắm, như chiếc thòng lọng chòng vào cổ ngừoi chủ, nếu không đủ bản lĩnh và một chút may mắn có khi “đi” luôn theo số phận “startup” của mình (đấy là mình đang nói đến khối doanh nghiệp tư nhân, chứ còn doanh nghiệp nhà nước thì mình miễn bàn).

Kinh tế bết bát, đến chủ còn khóc nữa là tầng lớp lao động. Từ trung lưu trở xuống đều bị ảnh hưởng, đơn giản vì tiền lương giảm (có lương còn may, mất việc và không tìm được việc làm mới là thảm).

Thị dân thành phố, đa phần là người trẻ, đến từ khắp các vùng miền. Khởi đầu làm gì có nhà cửa, gần như tay trắng đi lên. Nhờ học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định và có nguồn thu nhập từ lương. Và vì có lương nên họ mới có khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đáp ứng cho các nhu cầu của cuộc sống, nhà cửa, xe cộ và thậm chí cả việc học tập của con cái ở nước ngoài.

Nhớ cách đây mười năm, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội đối với các đối tượng có thu nhập trung bình, lãi suất ưu đãi ở mức chỉ thấp bằng một nửa so với lãi suất thương mại của các ngân hàng. Bọn mình tiếp nhận rất nhiều hồ sơ, trong đó đa phần là nhân viên văn phòng và nhà giáo.

Thời điểm đầu cũng phát sinh nhiều vướng mắc vì thủ tục chưa rõ ràng, xong sau rồi mọi thứ cũng ổn. Nhiều người tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ nên rất vui vì cuối cùng cũng có nơi chốn ổn định cuộc sống, chứ chậm hơn một chút nữa là họ đã không thể có khả năng mua nổi nhà rồi (dù chỉ là chung cư) vì sau đó thì giá nhà đất đã tăng phi mã và không có bất kỳ một chương trình hỗ trợ nào nữa của nhà nước giống dạng như thế này. 

Thế cho nên, đối với những người trẻ nhập cư thì một công việc ổn định với một mức lương ở mức chấp nhận được cho một cuộc sống đắt đỏ ở thành phố quan trọng đến mức nào. Chẳng ngạc nhiên, sao ở Mỹ người ta không sợ gì bằng sợ mất việc. Các bạn đã đọc bài viết trước rồi đấy, mất việc đồng nghĩa với không có khả năng chi trả cho các nhu cầu cho cuộc sống, và điều đó dẫn đến việc mất dần tư cách công dân.

Vì dân Mỹ sống trên đống nợ, cái gì của họ cũng là từ nguồn tiền vay và để vay được thì phải có lịch sử trả nợ vay tốt. Chậm trả dù chỉ một lần thôi cũng được hệ thống tín dụng quốc gia ghi nhận và lần sau đố có tổ chức tín dụng nào dám cho bạn vay. Đó chính là cài vòng kim cô siết chặt lấy người trẻ, khiến họ phải lao động điên cuồng chỉ để trả nợ.

Có người đến tận 50 tuổi mới trả hết tiền nợ học phí từ thời sinh viên. Mấy bài diễn văn của ông bà tổng thống Mỹ mà mình cho con đọc và đăng, bạn nào đã đọc qua thì rõ. Trả nợ như là nỗi ám ảnh cả đời của họ.  Cuộc sống trong một xã hội tư bản ở Mỹ  khắc nghiệt là ở chỗ đó, tất cả mọi thứ đều được “quy chuẩn hoá”, khó có chỗ nào chen chân cho những ngoại lệ. Ví dụ, như ở ta đi, nghèo tí thì có thể làm cái quán con cóc đầu hẻm hay chạy grab ít cũng có đồng ra đồng vào, chứ xứ phát triển làm gì có điều ấy. Muốn kinh doanh gì cũng phải có nơi có chỗ đăng ký, rồi đóng thuế cho đàng hoàng, đừng có mơ cái kiểu buôn bán vỉa hè như ta.

Khi dòng tiền thu nhập của người vay bị giảm sút ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ. Nhẹ thì trễ một hai ngày, nặng thì trễ đến hết năm. Đó thực sự là thảm hoạ đối với ngừoi cho vay. Lúc này, nếu nguyên nhân do khó khăn chung thì cần nhất là hai bên phải hợp tác với nhau trên tinh thần thiện chí và cùng chia sẻ rủi ro. Nói thật, ai đi làm tín dụng cũng sợ nhất viễn cảnh này. Khách hàng, cả khối doanh nghiệp và cá nhân, mà gặp khó khăn về dòng tiền thì không phải chỉ họ mà còn biết bao nhiêu người liên quan đến dự án cấp vốn vay cho họ cũng mất ngủ theo. Thực sự là căng thẳng!

Cho nên tiền rất quan trọng. Với người nghèo thì lại càng thấy rõ điều đó. Trong “Những người khốn khổ”, Fantine vì không có tiền nuôi con đã phải bán cả thân mình, chưa đủ, còn phải bán cả sắc đẹp của mình khi nàng nhổ đi hai chiếc răng cửa  để đổi lấy ít tiền. Jean Valjean chỉ vì ăn cắp một cái bánh mì do không có tiền mua cho các cháu  mà đã phải chịu cái án tù nghiệt ngã mười lăm năm trời. Cô bé bán diêm vì không bán được hàng, không có tiền nên phải chết trong đói rét. Vì hoàn cảnh đói khổ túng quẫn mà Raskolnikov của “Tội ác và trừng phạt” đã phạm phải tội ác giết người tày đỉnh và chiu án trừng phạt suốt đời của toà án lương tâm.

Sự nghèo đói từ văn học bước ra đến thực tế cuộc sống. Nước Mỹ giàu có thế mà sau mấy năm khủng hoảng Covid, thành phố hào nhoáng và mộng mơ San Francisco, bối cảnh của biết bao bộ phim Hollywood, bỗng trở nên  lụi tàn. Các doanh nghiệp công nghệ phá sản hàng loạt, các cửa hiệu thương mại sang trọng đóng cửa im ỉm. Trên đường phố chỉ toàn người vô gia cư, nghèo đói và nghiện ngập.

Nước giàu đã thế bảo nước nghèo như ta sao lại không. Đầu năm học thấy trên khắp các diễn đàn người ta tranh cãi gay gắt vì các khoản thu của nhà trường. Nhưng mình nhìn kỹ lại, đối với trường hợp của con mình (mình chỉ dám nhận xét trong phạm vi cái mà mình biết vì tiền bạc vốn rất nhạy cảm), thì tất cả các khoản thu đó đều là hợp lý cả. Có cái gì bây giờ mà không cần tiền đâu, bước chân ra khỏi nhà là động đến tiền rồi.

Nhưng vì xã hội chúng ta còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn quá, một hai triệu với một số người có thể không là gì nhưng với nhiều người khác lại là cả một vấn đề lớn. Khi mọi thứ đều dồn lại đóng một lúc thì họ thấy hoảng thực sự. Đó là cái khó cho nhà trường công, vì thực ra  họ chỉ thu theo đúng những gì nhà nước quy định và có chi thì cũng là cho nhu cầu của các em học sinh.

Lúc này nhà trường không xử lý được đâu, cần có chính sách từ phía nhà nước, đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, khi nền kinh tế đi xuống. Thật sự, học trường công mọi thứ đã rẻ nhất có thể rồi, cứ nhìn sang các trường quốc tế là biết, động vào bất cứ thứ gì không chỉ là tiền mà phải là rất nhiều tiền (ở đây, mình không đề cập đến điều kiện học).

Một xã hội nhân văn phải luôn là một xã hội mà ở đó mọi người trong các tầng lớp khác nhau có thể cùng nhau ngồi lại và chia sẻ với nhau. Có những thứ người giàu có, đặc biệt là giàu có từ trong trứng nước sẽ không thể hiểu được tại sao người lao động nghèo ngừoi ta lại có phản ứng như thế đối với chính sách này kia. Dễ hiểu bởi vì ngừoi giàu không bao giờ gặp phải vấn đề mà người nghèo gặp phải.

Bạn có thể đọc thông tin dưới đây để hiểu hơn về khía cạnh này:

Trong cuốn sách về nước Mỹ những năm 1930, Frederick Lewis Allen đã viết rằng cuộc Đại suy thoái “đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với hàng triệu người Mỹ—về mặt nội tâm—trong suốt quãng đời còn lại của họ”. Nhưng có rất nhiều trải nghiệm. 25 năm sau, khi đang tranh cử tổng thống, John F. Kennedy được một phóng viên hỏi ông nhớ gì về cuộc Đại suy thoái. Ông nhận xét:

“Tôi không có kiến ​​thức trực tiếp về cuộc Suy thoái. Gia đình tôi có một trong những tài sản lớn nhất thế giới và nó có giá trị hơn bao giờ hết. Chúng tôi có nhà lớn hơn, nhiều người hầu hơn, chúng tôi đi du lịch nhiều hơn. Điều duy nhất tôi nhìn thấy trực tiếp là khi bố tôi thuê thêm vài người làm vườn chỉ để giao cho họ một công việc để họ có cái ăn. Tôi thực sự không biết gì về cuộc Đại suy thoái cho đến khi đọc về nó ở Harvard.”

Đây là một điểm quan trọng trong cuộc bầu cử năm 1960. Mọi người nghĩ, làm sao một người không hiểu biết về câu chuyện kinh tế lớn nhất của thế hệ trước lại có thể chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế? Về nhiều mặt, nó chỉ được khắc phục bằng kinh nghiệm của JFK trong Thế chiến thứ hai. Đó là trải nghiệm cảm xúc phổ biến nhất khác của thế hệ trước, và là điều mà đối thủ chính của ông, Hubert Humphrey, không có.

Thử thách đối với chúng tôi là không có mức độ học tập hay tư duy cởi mở nào có thể tái tạo một cách thực sự sức mạnh của nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn.

Tôi có thể đọc về cảm giác mất tất cả mọi thứ trong cuộc Đại suy thoái. Nhưng tôi không có những vết sẹo tinh thần như những người đã thực sự trải qua nó. Và người đã trải qua điều đó không thể hiểu tại sao một người như tôi lại có thể tự mãn về những việc như sở hữu cổ phiếu. Chúng ta nhìn thế giới qua một lăng kính khác.

Những người thuộc các thế hệ khác nhau, được nuôi dưỡng bởi các bậc cha mẹ khác nhau, có thu nhập khác nhau và có các giá trị khác nhau, ở những nơi khác nhau trên thế giới, sinh ra ở các nền kinh tế khác nhau, trải qua các thị trường việc làm khác nhau với những động lực khác nhau và mức độ may mắn khác nhau, sẽ học được các bài học rất khác nhau.

Mọi người đều có trải nghiệm độc đáo của riêng mình về cách thế giới vận hành. Và những gì bạn đã trải nghiệm còn hấp dẫn hơn những gì bạn nghe qua người khác. Vì vậy, tất cả chúng ta—bạn, tôi, tất cả mọi người—trải qua cuộc đời với những quan điểm về cách thức hoạt động của tiền bạc rất khác nhau tùy theo mỗi người. Điều có vẻ điên rồ với bạn có thể có ý nghĩa với tôi.

Người lớn lên trong nghèo khó nghĩ về rủi ro và phần thưởng theo cách mà đứa con của một chủ ngân hàng giàu có nếu cố gắng cũng không thể hiểu được.

Người lớn lên khi lạm phát cao đã trải qua điều mà người lớn lên với giá cả ổn định không bao giờ phải trải qua.

Người môi giới chứng khoán mất tất cả trong cuộc Đại suy thoái đã trải qua điều mà một nhân viên công nghệ đang đắm mình trong vinh quang cuối những năm 1990 không thể tưởng tượng được.

Người Úc chưa từng chứng kiến ​​suy thoái kinh tế trong 30 năm đã trải qua điều mà chưa người Mỹ nào từng trải qua.

Tiếp tục. Danh sách trải nghiệm là vô tận.

(Morgan Housel)

You may also like

Để lại bình luận