Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (16)

by Rose & Cactus

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là tháng Mười đã lại qua rồi. Thời gian trôi nhanh lắm các bạn ạ, càng trưởng thành các bạn sẽ càng cảm nhận được điều đó. Ngày nọ nối tiếp ngày kia, tháng này chưa qua tháng sau đã tới, gần như sẽ không có những thắc mắc kiểu thế này khi chúng ta lớn:

Em cầm tờ lịch cũ
Ngày hôm qua đâu rồi

Ngày nay, có cảm giác mọi thứ được thúc đẩy nhanh hơn cũng bởi cái gì cũng nhiều, cũng thừa mứa. Ví như, Internet cũng cấp tất thảy những sản phẩm nghe nhìn, gần như không có giới hạn, bất chấp không gian và thời gian. Một bài hát bắt tai mới ra ngay lập tức sẽ được thay thế bởi bài hát khác. Một bộ phim làm mưa gió tại rạp tuần này, tuần sau đã có hàng tá phim khác làm lu mờ. Tin tức cũng thế, đầu giờ sáng người ta còn chưa hết bàng hoàng vì vụ A, vụ B nhưng chỉ ít giờ sau chúng đã bị lấp đi ngay lập tức bởi vụ C, vụ D.

Chúng ta  dường như bị bội thực bởi rừng các thông tin và sự kiện.  Mọi thứ quá dễ dàng để bị rơi  vào thờ ơ và quên lãng. Chẳng ai còn đủ độ kiên nhẫn để nghiền ngẫm một bài thơ, một bài toán hay một câu chuyện hay nữa bởi vì phía trước họ có sẵn hàng nghìn hàng vạn những thứ như thế, hoặc hơn thế.  Những khoảnh khắc đẹp đẽ, tương tự, cũng chẳng mấy lưu lại được lâu.

Như tác giả Thomas Friedman đã nói chúng ta đang sống ở kỷ nguyên của tốc độ. Tốc độ hơn, năng suất cao hơn, hàng hoá đầy hơn.

Thế nhưng,  sự trống rỗng cũng tăng lên theo cấp số nhân.

Xã hội càng dư thừa về vật chất thì các trò điên rồ nhất xuất hiện càng nhiều. Áp lực vô cùng lớn của việc phải tạo ra, phải làm được một cái gì đó  cho bằng bạn bằng bè, bằng anh hàng xóm, bằng chị đồng nghiệp, cho khỏi bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau làm cho cuộc sống căng thẳng hơn nhiều so với bản chất thực của nó.

Các bệnh trầm cảm, tâm thần, đột quỵ  và chi phí cho các loại thuốc ngủ, thuốc an thần nhiều hơn ở các nước giàu. Các bạn thấy nếu như ở Việt Nam, chúng ta uống thuốc kháng sinh như uống nước suối, thì dân Mỹ nhai thuốc ngủ như nhai kẹo.

Ba cái thuốc an thần này thực sự càng dùng nhiều càng chỉ gây hại hơn cho thần kinh, uống vào người cứ lâng lâng mộng mị và dễ gây nghiện mà đã nghiện rồi là lúc nào cũng phải có, càng ngày liều lượng càng phải nhiều hơn. Độc hại là thế nhưng chúng lại được các bác sĩ bên đó hết sức lạm dụng trong việc kê đơn. 

Rồi thì tỷ lệ ly hôn, cô đơn, tự tử cũng cao hơn ở các nước giàu.

Và không như ở những nước, những nơi nhiều người dân đang phải kiếm ăn từng bữa, có cướp giật hay thực hiện các hành vi tội ác thì  phần lớn có thể  hiểu được: Nghèo đói.  Vậy nhưng, ở nhiều xứ thiên đường người ta sẽ kinh ngạc mà không tìm được sự  giải thích thoả đáng  cho những hành vi rồ dại.  Ngoài đổ tội cho cái sự “ăn no rồi rửng mỡ”. Sự đáng sợ là ở chỗ đó, các vụ giết người được thực hiện không vì lý do gì.

Buổi sáng cuối tuần, thứ Sáu (không phải ngày 13)

Mở báo ra ngay trên trang nhất chình ình toàn tin tức buồn bã. Những cái chết hết sức vô nghĩa. Cháy nhà ở Hà Nội, 3 mẹ con ra đi. Xả súng ở Maine, Hoa Kỳ, 18 người thiệt mạng. Giao tranh ở dải Gaza, hàng trăm người, của cả hai phe, tử vong mỗi ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, khi đi sâu hơn vào đời sống nội tâm bên trong của con người  thì người ta đã nhìn nhận một cách nghiêm túc  hơn giá trị triết học của con số 0: 

“Hạnh phúc” không phải là Có: Có nhà có xe, có tiền, có quyền.

Mà thật ra Hạnh phúc lại là “Không”: Không lo lắng muộn phiền, không bệnh tật, không tai hoạ.

Vì “Có” chủ yếu là thứ bạn muốn cho người khác xem, còn “Không” mới là thứ thuộc về mình.

THỜI KHẮC THU HOẠCH NHO, THỜI KHẮC ĐẶC BIỆT, THỜI KHĂC CỦA PHÉP MÀU”

(A Walk in the Clouds)

Có lẽ do nằm bên bờ Địa Trung Hải, khí hậu ấm áp và nhiều ánh nắng chan hoà hơn nên người Tây Ban Nha và Italia họ sống tình cảm (hay ít ra là cách họ thể hiện ra bên ngoài)  hơn hẳn  so với các sắc dân  ở các quốc gia châu Âu khác và không biết có liên quan không, họ cũng kém giàu hơn, so với Anh và Đức.

Hai nước của những trái Oliu nức tiếng, nơi mà đàn ông thì đẹp trai và đàn bà thì xinh gái :)) này, một cách dễ dàng có thể nhận thấy, lối sống của họ ở cấp độ gia đinh có nét hao hao với người Á đông. Gia đình thường sống quây quần, có thể tam tứ đại đồng đường, một điều rất hiếm trong xã hội phương Tây. Mối quan hệ giữa anh chị em, ông bà bố mẹ con cái cũng rất gần gũi và mật thiết.

Gia đình của cô gái Victoria trong “Dạo bước trên mây” là một dạng gia đình truyền thống điển hình Latin như vậy. Họ là một gia đình lớn, trong đó Ông bà cô có đủ tố chất của một “Ông bà quốc dân”: Ấm áp, bao dung, hiền hậu, thấu hiểu.

Và họ còn rất thông minh nữa kìa. Nhìn cái cách họ níu kéo chàng cháu rể thấy yêu ghê phải không cách bạn:  Để làm chậm trễ chuyến hành trình rời khỏi Napa của chàng thanh niên Paul, người Ông thì bày vẽ, dụ dỗ chàng cùng thưởng rượu, đàn ca. Người Bà thì đem biến quần áo của chàng ra ngâm giặt cho sũng nước.

“Nói chuyện giữa đàn ông và đàn bà chẳng bao giờ giải quyết được chuyệnn gì. Chúng ta suy nghĩ còn họ lại cảm nhận. Họ là những tạo vật của trái tim”.

Nếu có khi nào các bạn cảm thấy mình bất đồng với bố mẹ hay gặp chuyện gì đó không như ý trong cuộc sống, tin mình đi, các bạn có thể tìm đến với ông bà. Họ là những người có kinh nghiệm sống, hơn cả những người sinh ra ta. Vì họ ở vị trí trung dung hơn, không quá thân cận bằng cha mẹ để phán xét một cách cảm tính, nhưng gần gũi hơn nhiều về mặt huyết thống so với bạn bè. Họ ở giữa hơn, và vì vậy họ có thể cho chúng ta những lời khuyên sáng suốt và bổ ích.

Ai có tuổi thơ được sống cùng ông bà là một người rất may mắn. Nó bồi đắp cho mỗi người những tình cảm gia đình cao quý, sâu sắc. Và thường ông bà nào cũng hay đứng về phía cháu. Như người ông của Victoria còn dạy cả chàng cháu rể cách hát và tỏ tình chuộc lỗi với cô cháu gái, theo đúng kiểu truyền thống của dân tộc mình

“Cháu là kẻ ngoại đạo, cháu phải nói thứ ngôn ngữ mà chúng ta hiểu”

Đúng thế đấy các bạn ạ. Mỗi đất nước có phong tục tập quán khác nhau. Mỗi một dân tộc trong một đất nước cũng vậy. Rồi thậm chí cùng một dân tộc nhưng ở các vùng khác nhau trong một đất nước cũng đã có những lề thói khác nhau rồi.

Cái này, bạn gái nào dân miệt vườn Nam Bộ mà về làm dâu vùng châu thổ Sông Hồng là choáng ngay, “sợ” phải biết vì đủ thứ thủ tục :))) (đùa thôi bạn nhỉ, đã yêu nhau thì nhằm nhò gì ba cái thứ cỏn con, Yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua được cơ mà :)).

Các bạn đọc thử bức thư của William gửi cô bạn Windy của nó xem có sợ không nhá :)))

From: Wiliam

To: Windy

Windy thân mến,

Hôm nay là thứ Sáu cuối cùng của tháng Mười rồi, “Tháng Mười Một của trái tim” đang  chạm đến cửa nhà mỗi chúng ta. Trong niềm cảm xúc dạt dào của thời tiết chuyển mùa, Thu qua Đông tới, tao nghe nói sẽ có một series bài viết tựa đề này vào tuần sau trên trang Blog hồng hồng rồng rồng gì đó :)). Mày có quan tâm thì đón đọc.

Chiều nay nắng nhẹ mày nhỉ, thời tiết thật quá đẹp đi, đương Thu (cuối) mà tao cứ ngỡ hoa đã nở  và Xuân đã về :))). Vừa về đến thư phòng tao vội lấy ngay bút nghiên (đã xếp xó) biên cho mày bài dòng.

Mày dạo này ổn không?

Thi giữa kỳ OK hết chứ

Bạn bè của Mày thế nào?

Trong lớp học có í ới làm phiền (mượn vở chép bài) lẫn nhau :)))

Có nói qua nói lại, Monster này đừng có bắt nạt con tao :))

Đùa thôi, mục đích chính lá thơ này của tao là, với tư cách luôn là idol của mày (flex tí), tao nghĩ mình phải có trách nhiệm thông não chút cho mày hiểu, trước khi mày vi vu ra mắt đàng nhà trai ở xứ Bắc trong dịp Tết này :)). Mặc dù mày đảm đang lắm rồi, và thằng Paper nó cũng khéo léo lắm nhưng tao vẫn lo. Vì có những cái thuộc về tập tục ở ngoải nếu không nói cặn kẽ mày sẽ không hiểu. Mà không hiểu thì dễ xung đột, mất vui đi. Mày nên nhớ tao là dân Bắc chính gốc, chứ không phải lai Đông lai Tây như con Mây :)))

Rồi, giờ thì mày hãy đọc cho kỹ những việc mày cần phải làm trong 5 ngày Tết:

Ngày 1- 29 Tết: Dậy thật sớm khi gà còn chưa gáy, nhớ là kiểu gì cũng phải trước cả bác gái, nghe chửa? Nhớ ăn sáng cho no vào vì cả ngày này mày sẽ phải leo trèo, lăn lê bò toài để lau dọn, quét chùi, rửa ráy toàn bộ nhà cửa, tủ giường, bếp núc. Công việc không kết thúc sớm hơn 10 giờ đêm.

Ngày 2 30 Tết: Chở bác gái đi chợ: Cỡ khoảng chục lần thôi chứ mấy: Lần 1: Bà cụ sẽ mua một bó hoa; lần 2: thẻ hương; lần 3: cành đào, lần 4: măng miến; lần 5: rau cỏ; lần 6: bánh mứt; lần 7: con gà trống thiến; lần 8: Thịt thà, cá mú; lần 9: Hoa quả; lần 10: Áo sống, khăn khố; cứ lắt nhắt như vậy cho hết ngày. Đếm đủ 10 tiếng 10 lần là OK, việc đã xong…ban ngày. Còn ban tối thì làm đến sáng nhá, nấu xôi, luộc gà, sắp mâm ngũ quả, đợi giao thừa để chúc mừng đủ tất cả mọi người trong gia đình. 

Ngày 3 mùng 1: Ngủ dậy cấm quét sân nhà, tối kỵ đấy, vì người ta coi quét rác ngày đầu năm là quét hết lộc. Thay vào đó, hãy nhanh chóng  xuống bếp chuẩn bị cơm nước đợi họ hàng đến. Ối dồi, nghe đâu mẹ thằng Paper có đến 9 anh chị em mày cứ nhân lên bình quân khoảng 4 người một nhà, chưa kể còn em út bà cô ông chú, bà dì ông trẻ. bà mợ ông cậu…., thì mày biết là mày phải ngồi trong bếp bao lâu rồi nhá, sớm được ngả lưng cũng cỡ 12 giờ đêm. Rửa bảy mươi cái bát như thằng Leo nhằm nhỏ gì, 700 nghe chưa, giờ ở nhà tập đi là vừa.

Lưu ý: Ăn uống nhớ ngồi đầu nồi, để còn đơm cơm cho mọi người thế mớ được coi là đảm. Khi ăn phải mời rõ từng ngừoi, con mời ông mời bà, con mời cha mời mẹ, cháu mời cô mời chú, em mời anh mời chị, chị mời các em ăn cơm! Phải đầy đủ như thế chứ không phải cứ cắm mặt vào mà ăn. Thi thoảng phải gắp cho ngừoi này người nọ, hay người ta có gắp cho mình món không thích, kiểu “đùi gà xối mỡ” cũng phải cố mà ăn, không lèm bèm :))

Ngày 4 mùng 2: Ở nhà tiếp khách, cấm được đóng cửa. Hàng xóm bên cạnh, ở bên, làng trên xóm dưới sơ sơ cũng vài trăm:

-Con mời cụ uống nước ạ;

-Gớm quý hoá quá cơ, nghe cụ ông Paper bẩu năm nay có con dâu miền Nam ra chơi cơ đấy. Thế ra là cô?

-Dạ, con rất vui được về quê (chồng) ăn Tết ạ

-Đấy nói năng ngọt ngào thế có phải hay không. Ối giời ơi, ai như cái con Tí nhà này cứ bôm bốp chan chát. Rõ chán chán là! :))

-Là sao cụ?

-Ơ thế tôi nói rõ thế mà cô cũng không nghe ra hử?

Nhớ nhá, cứ ngồi nghe thôi. Các cụ nói gì cũng gật đại, không hiểu cũng gật. Cấm hỏi đi hỏi lại nhiều. Các cụ lại chả chưởi cho  :))

Ngày 5 mùng 3: Dù mệt rũ rồi nhưng kiểu gì cũng phải lên đường, đi chơi cho bằng hết những người đã đến nhà mình. Sơ sơ cỡ trăm chứ mấy. Mỗi nhà một ly rượu thôi chứ mấy. Chưa hết, dù có say bí tỉ nữa cũng phải lãnh nhiệm vụ chở lão chồng về vì lão còn bí tí hơn mày gấp nhiều lần.

Đấy sơ sơ thế đã, đợi khi nào tao nhớ ra thêm gì tao lại biên tiếp cho. Toàn là những phong tục tập quán ngàn đời đấy, phải biết mà thích nghi :)). Được cái tuy nhiêu khê, rắc rối nhưng nó sẽ cho mày cái không khí mà không đâu có được: Cái tình người ngày Xuân ấy mà. Người Bắc, những ngày Tết cổ truyền họ tình cảm lắm, bớt đanh đá mười phần rồi :))).

Chúc mày có chuyến đi tốt đẹp.  Mày phải lấy làm mừng vì mày là đứa bạn duy nhất của tao tìm kiếm được hạnh phúc đến thời điểm này, giờ tao mới nhớ ra, chắc bởi lẽ mày thích con số 0. Chứ cái lũ bạn rẻ rách của mày, đứa nào cũng chán nhăn :)), chúng nó dự định sẽ ca mãi bài ca “Đời tôi cô đơn”đến già. Ngay cả tao, huhuhu, còn mỗi công đoạn tổ chức ở nhà thờ nữa thôi, mà cái thằng “cụ xứ ghét đủ thứ” nó cũng không thèm động lòng thương cảm mà xuống núi hoàn thành cho xong nhiệm vụ :)). Tao lạ gì nó, “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà” mà. Nó chắc cũng muốn tao tu  luôn như nó chứ chả :)))

Bạn của mày

William (cháu nhiều đời của cụ tổ Romeo và Juliet)

Không biết con Windy nó có nghe lời thằng William không nhưng chắc chắn anh chàng trung sĩ Paul ảnh tuân theo lệnh người ông của cô Victoria như tuân lệnh thượng cấp. Và vì vậy mà chàng đã thành công trong việc nhận được sự chấp thuận của cô tiểu thư.

Khung cảnh chàng đứng hát dưới ban công nhà nàng sao mà đẹp quá các bạn nhỉ. Đây cũng là một cảnh lãng mạn nhất của bộ phim, nơi mỗi nhân vật đều cho thấy vai trò của mình: Chàng trai bày tỏ tình cảm mới chớm của mình cho cô gái. Còn cô, với hành động bật sáng đèn như là một lời khẳng định “Con lựa chọn người con muốn lấy vì trái tim muốn những gì mà nó muốn”.

Một tình yêu được thể hiện hết sức nhẹ nhàng và tinh tế, điều thường thấy trong các bộ phim thể loại romance ở thập niên 90 trở về trước.

Còn người ông, người bà, người bố, người mẹ như là đại diện của thế hệ trước, cuối cùng, đã rất hạnh phúc khi trao lại gốc nho của dòng tộc cho thế hệ trẻ kế nghiệp:

“Đây là gốc nho đi cùng với cuộc đời ông. Là hậu duệ của gốc nho mà ông tổ Pedro đã mang theo. Cả cánh đồng nho đều từ cây này mà ra. Nó không chỉ là gốc của Las Nubes. Nó còn là gốc rễ của cuộc sống chúng ta, của Victoria. Giờ cháu đã là một phần của tất cả mọi thứ ở đây, một thanh niên của chúng ta, nó cũng là gốc rễ cuộc đời cháu. Cháu không còn là trẻ mồ côi nữa”

Dù kết phim thì cả vườn nho đã lụi tàn, những cái gốc nho cổ vẫn còn đó. Nó chắc chắn sẽ được gây dựng lại nhờ sức sống và tình yêu mãnh liệt của người trẻ.

Để rồi họ sẽ có lại những cánh đồng nho, những chai rượu vang  hảo hạng làm từ nho  và không thể thiếu những thời khắc thiêng liêng, đầy cảm xúc và đẹp như “Dạo bước trên Mây”:

“Thời khắc thu hoạch nho, thời khắc đặc biệt, thời khắc của phép màu”

Thách thức trong thời toàn cầu hóa đến với đất nước và con người là làm sao dung hòa được giữa việc bảo tồn bản sắc, quê hương và cộng đồng… đồng thời nỗ lực hết mức để tồn tại cho được trong hệ thống thế giới.

Bất cứ xã hội nào muốn thịnh vượng về kinh tế đều phải cố gắng chế tạo cho được xe Lexus và lái chúng ra thế giới. Nhưng người ta cũng đừng bao giờ ảo tưởng rằng chỉ tham gia tích cực vào kinh tế thế giới không thôi mà có thể tạo được xã hội lành mạnh.

Nếu hội nhập đạt được trong điều kiện phải hy sinh bản sắc của một đất nước, nếu các cá nhân cảm thấy họ bị mất gốc trong cơn lốc toàn cầu, thì họ sẽ phản kháng. Họ sẽ vươn dậy và ngăn cản quy trình này.

Do đó sự sống còn của toàn cầu hóa phụ thuộc một phần vào nỗ lực của chúng ta xây dựng sự cân bằng giữa phát triển và cội nguồn.

Một đất nước không có những rặng cây Ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để có thể đón nhận và hội nhập với thế giới.

Nhưng một đất nước mà chỉ có những rặng Ô liu không thôi, chỉ lo giữ cội rễ, mà không có xe Lexus, thì sẽ không bao giờ tiến xa được.

Giữ cân bằng giữa hai yếu tố nói trên là một cuộc vật lộn triền miên.

Thomas Friedman – Chiếc xe Lexus và cây Olive

You may also like

Để lại bình luận