Tháng Mười một của trái tim (9)

by Rose & Cactus

2.

TRÌNH LÀNG TRÌNH CHẠ

Do cả buổi sáng trèo lên rồi lại trèo xuống ngọn núi cao để lên chùa cây Gạo nên khi về đến nhà hai cẳng chân của hai anh công tử bột Nam Bộ đau nhức  ê ẩm. Bởi vậy buổi tối thay vì dạo loanh quanh bát phố như dự định thì hai anh chịu chết không sao nhấc nổi mình ra khỏi cái giường:

-Này Mountain, nghĩ kể ra cũng phục nàng Chính Thất thật chứ chả. Ngày nào nàng cũng trèo đèo lội suối rồi hái hoa chặt củi rồi cắt cỏ gặt lúa thế mà nàng vẫn có sức để mà selfie rồi livestream ầm ầm.

Charlie nhăn nhó đổ ít dầu con Ó ra bàn tay rồi xoa bóp dọc cái bắp chân mỏi nhừ của nó

-Thì tao đã bảo mà. Đừng có đùa với phụ nữ, họ có lếp vế chẳng qua họ nhường cho phái mạnh thôi nhưng chúng ta cứ tưởng bở. Giờ mày có muốn khỏi nhanh không?

Charlie đúng là tưởng bở thật:

-Mày lại còn rành cả về y học nữa cơ à?

-Nếu mày cho đó là y học. Thì nàng Màu đó, nghe đâu cha mẹ nàng có hàng loạt tiệm tầm quất ăn nên làm ra ở cái phố Núi này. Giờ mày chỉ cần đóng bộ comple, tóc xịt keo bóng lộn, đeo quả con kính đen Gucci nữa đảm bảo nàng sẽ trực tiếp ra nghênh đón, có khi mày còn không mất đồng xu cắc nào.

-Cái thằng khỉ khô, tao không đùa đâu! Mới được nửa đường mà đã thế này liệu có đủ sức học được bí quyết Hạnh phúc của Chính Thất không nữa

Charlie miệng vẫn không ngớt kêu la

-Thôi, trở lại sự vụ ban sáng đi. Mày có sáng kiến gì về vụ của chú Tiểu không?

-Giá mà lúc trên núi mày cứ để tao xông vô thì biết đâu ả Thị Màu ê mặt mà không dám lảng vảng bên chú nữa rồi. Mày lại cứ muốn giữ thể diện cơ

-Đời nào. Đến cả cái làng này ả còn chẳng ê nữa là hai cái thằng oắt con từ đâu đến. Mày tưởng dễ ăn lắm đấy

-Để tao đánh điện gấp hỏi thằng Monster xem nó có cho chú một chỗ trú chân tạm thời không.  Mình sẽ đưa chú đi là xong chuyện.

– Việc mày hỏi “cụ xứ” nhà chúng mày thì cứ hỏi. Tao thì cho rằng cách đấy khó, vi nếu muốn đi chú đã đi lâu rồi. Có lẽ, trị cho ả lẳng lơ một bài học  để ả thôi ngay cài trò  tán tỉnh ấy đi có vẻ khả quan hơn.

Dứt lời, nó đã thấy Charlie hì hục ghi ghi chép chép ra chừng nghiêm túc lắm. Biết thằng bạn đang biên thư tới “cụ xứ”, Mountain bước ra ngoài.

Mới canh 1 thôi mà cả cái trấn vùng biên đã chìm trong màn đêm. Trời tối mù mịt. Những vách núi dựng đứng không thể trông rõ hình hài chỉ còn biết tỏ rõ uy lực và sự thống trị của nó bằng  những âm thanh vang vọng của đủ các giống loài trú ngụ trên đó. Tiếng cú, tiếng quạ hay tiếng sói tru tréo hoà cùng với tiếng gió ù ù không ngớt  có thể khiến những người yếu tim khóc thét nếu phải ở một mình.

Lâu lâu, vẳng lại tiếng chó sủa đổng khi có ai đó đi ngang qua ngõ. Sao mà ở cái xứ này họ nuôi chó lắm thế cơ chứ ?  Nhà ai cũng có cả một đàn. Thoạt đầu, Mountain không hiểu vì sao mà hễ cứ sang nhà nhau chơi kiểu gì người dân cũng phải cầm theo một chiếc gậy dài. Hoá ra là để đuổi chó. Nói gì nói, Mountain cũng thấy ớn mấy cái con vật dữ tợn này.

-Làng trên xóm dưới! Bên sau bên trước! Bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng; mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó day tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha nó ra, không thì tôi chửi cho đới!

……Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở mấy chồng mấy con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà.

Nhược bằng mày chấp chiếm , thì bà đào thằng tam đại, tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem.

Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ, mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ợ!

(Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan)

Tiếng chửi, nghe của một mụ đàn bà,  đánh tan cái  tĩnh lặng của một buổi tối mùa Đông. Thằng Charlie chạy bổ ra cửa

-Cái gì vậy Mountain?

-Nào tao có biết?

Quả tình nó cũng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nên mắt tròn mất dẹt. Ngay sau đó, hai thằng nghe bước chân thình thịch chạy qua sân. Giờ đây đứng trước mặt chúng là cô Pha, chủ cái phòng trọ này.

Cô run lên, răng nghiến kên két, mắt hướng về cái dậu mùng tơi ngăn cách nhà cô với nhà hàng xóm, đoạn bảo hai người khách trọ:

-Đấy các con xem, ai mà nhịn được ?

-Cô Pha ơi, bình tĩnh nào, cơ sự nó ra làm sao cô tường thuật lại bọn con nghe thử?

Charlie chạy ra dắt cô lại hiên nhà. Cô Pha thở hồng hộc, ném cái nón mê  rách nát với đôi quang gánh đánh phẹt xuống đất. Rồi cô cầm vạt áo nâu sòng vá chằng vá đụp, không hở ra được một chỗ nào cho nó gọi là có chút phẳng phiu,  đưa lên trán quệt đi những giọt lấm tấm mồ hôi. Hẳn là cô phải vừa lao động cực nhọc về vì trời lạnh thế mà.

Thằng Mountain chạy vào nhà rót ra ly nước đưa cô. Không khí bỗng nóng rừng rực:

-Chả giấu gì các con. Cái nhà lão Trương Sinh ấy không hiểu ăn phải bả gì mà cứ ám mãi vào nhà cô đây. Tiên sư nhân, lão đặt tên cho thằng con lão y như tên của nhà ông cô (bố chồng) để rồi không ngày nào lão không đem con lão ra để chửi, mà nào thằng bé có tội có tình gì đâu. Vợ chồng lão làm thế cốt để cho cô chú đây uất ức mà chết đi vì ngày nào cũng nghe tên ông cụ bị lôi ra ví với những gì xấu xa nhất. Ôi trời cao đất dày ơi là trời cao đất dày.

Cô Pha nắm tay đấm thùm thụp vào ngực rồi cả thân trên cô uốn éo quằn quại như đứa trẻ bị đánh đòn. Charlie đưa mắt nhìn sang Mountain:

-Cô ơi, đừng có xúc động quá thế, chuyện gì thì cũng cứ thư thư

-Con bảo thư thư là làm sao? Bao nhiêu cái uất ức cô đã chịu nhịn bảy tám tháng nay rồi. Các con cứ thử ở vào hoàn cảnh của cô chú xem chúng mày có nhẫn nổi một ngày không hử?

Cô Pha đặt ly nước xuông cái chõng, rồi đứng phắt dậy. Đoạn cô nhặt chiếc nón lá rồi chạy ngay ra cái đoạn hàng rào nơi có mái nhà Trương Phi chỉa sang. Cô vung cái nón lên xuống và lấy hết sức để âm lượng của cô phải ngang cỡ mụ hàng xóm ban nãy:

-Này đừng tưởng cả thiên hạ này mắt mù tai điếc hết cả nhá con mẹ ngoa ngoắt kia. Mày có chửi ai thì mày đứng ra đằng nhà ngõ nhà mày mà mày chửi cho cả làng cả tổng, cả tông ti họ hàng hang hốc nhà mày nó nghe thấy thì may ra người ta thương tình mà bổ đi tìm gà tìm qué cho đằng nhà mày nhá. Chứ mày cứ mang hết của nả nhà mày ra mày chĩa sang đây thì được gì? Bà đây có gí vào thèm cái con gà què nhà mày mà mày cứ bóng gió xuôi ngược, ngược xuôi.

Cô Phan toan ca tiếp bài ca vọng cổ cải biên thì mệt quá, áng như sắp đứt hơi đến nơi. Cô trông còn yếu lắm, nước da dù trong ánh sáng lập loè hắt ra từ cây đèn Huê Kỳ vẫn nhìn ra sự xanh xao. Nghe nói cô mới sinh chưa được mấy ngày. Vậy mà hôm nay đã phải chạy chợ rồi. Nhìn dáng vẻ tất tả, rõ ra là người lao lực của cô chủ trọ, Charile thấy cảm động lại nước mắt ngắn dài. Tự nhiên, nó cảm thấy chẳng còn nhức mỏi gì nữa.

Mountain không phải là không nhận ra. Nó lại chạy vào lấy nốt hai cái bánh bao nóng, dự định dùng làm bữa lót dạ trước khi đi ngủ. Cái xứ lạnh đúng là đến khổ,  rét mướt làm cho bụng dạ  nhanh đói. Cứ vừa ăn xong đã lại muốn ăn. Hẳn nào người ta bảo ở xứ này mà nghèo là mạt. Chết rét đã đành, còn dễ cả chết đói.

-Cô Pha, cô cầm hai cái bánh này về ăn tạm. Giờ khuya sương giá dầy đặc, cô đứng ngoài này không hề tốt cho sức khoẻ đâu. Cô về đi chuyện đâu còn có đó.

Mountain dúi cho bằng được hai cái bánh vào hai bàn tay gày guộc xương xẩu của cô Pha, không cách gì khiến cô chối từ được. Giờ lại đến lượt cô rơm rớm:

-Cám ơn hai con, từ sáng đến giờ thật tình cô chưa có cái gì bỏ bụng

-Cô yên tâm, mai cô có chửi con sẽ ra phụ cô. Trình của cô còn non lắm, sao đọ lại với cái phường ngoa ngôn ấy. Cô về đi nha!

Charlie đỡ cái đòn gánh nằm chỏng chơ giữa sân rồi đặt lên vai cô Pha

Đúng lúc ấy, có tiếng trẻ con khóc ré lên. Là thằng Bạch con cô, chắc thằng nhỏ đang khát sữa. Khổ, mối mười mấy ngày tuổi đã phải xa mẹ cả ngày. Cô Pha đón lấy chiếc quang gánh, lại lấy tay quệt lấy giọt nước mắt, lặng lẽ đi về căn nhà nơi tiếng trẻ như đang xé toạc màn đêm.

Ngoài cửa, gió bắt đầu rít lên từng cơn buốt đến tận óc. Mountain và Charlie vội vào nhà. Hai thằng thấy buồn hẳn, mông lung với bao những suy nghĩ.  Charlie đã viết xong thư cho Monster, nó đã gửi tín hiệu qua đường truyền cáp quang dưới lòng đất cho “cụ xứ”. Mountain thì  lúi húi với cái bếp củi nơi góc nhà. Nó cần phải tạo lửa để mang lại hơi ấm cho cái căn phòng trống trước trống sau, không thì bọn chúng sẽ đông cứng người lại mất. Nhiệt độ đang rơi xuống dưới 5 độ.

Thực ra ban đầu Mountain không định thuê cái phòng trọ tồi tàn này đâu nhưng khi nhìn thấy gia cảnh cô Pha nó mủi lòng, tặc lưỡi, thôi thì làm phúc cho người ta. “Mình cũng có ở nhà mấy đâu, chỉ cần chỗ tối đặt lưng thôi mà. Vả lại, có lẽ cũng chẳng ở đây mấy ngày”. Nó đã nghĩ thế đấy dù rằng khi quan sát toàn bộ căn phòng nó thực sự cảm thấy ngán ngẩm:

Mái tranh đầy mạng nhện rủ lủng lẳng xuống hàng tràng, là một chỗ hứng rất được nhiều nước mưa, và tiện thể cho chảy vào nhà tong tỏng. Từ dưới cái mái ghẻ lỡ ấy đến mặt phản ồm yếu, là một kho to tát để giữ khư khư lấy một thứ hơi vừa ẩm vừa hôi, một công trình trộn lẫn rất ít công phu của các thức ăn, để mặc, để dùng, để ở. Dưới gằm phản tối tăm là ací trại muỗi, chỉ chờ lúc có người là thả đội quân du kích. Mắt nền là cái nền rât tốt, đầy xanh rêu, có điểm từng đống mùn mọt hung hung.

Dưới tầng đất là chổ ở rất bình tỉnh của những gia đình đủ các thứ chuột to nhỏ, tha hồ mà sinh năm đẻ bảy. Và khắp cả, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ phải sang trái, nhà ấy lại cà cái hủ, đặt quyền sự nhốt vi trùng các chứng bệnh. Xung quanh hũ, ngay khi chủ hạ liếp xuống để đi vắng đã hiện ra hàng trăn, nghìn khe và lỗ để ánh sáng vào, chẳng khác gì từng ấy con mắt ghê gớm của các vị hung thần vay quanh tứ phía chòng chọc nhìn vào, để canh cho một thứ giết người nào ở trong được lọt ra ngoài vậy. 

(Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan)

Chuyện cô Pha bị nghi oan trộm gà nhà hàng xóm là chuyện của tối hôm qua. Có lẽ vì là một ngày xảy ra quá nhiều chuyện nên đêm đó khi đọc xong thư của Monster thì Mountain và Charlie quay ra ngủ say như chết, liền một mạch đến tận gần trưa khi  mặt trời đã lên cao đến đầu ngọn tre. Dù là thế khi tỉnh dậy chúng vẫn thấy một không khí nặng nề bao trùm

– Charlie này, có quá nhiều chuyện bất ngờ xảy ra nhưng nó đã là như thế. Tao không nghĩ lại được chứng kiến những cảnh thế này.

Mountain trầm ngâm quay qua thàng bạn đang  mở cái balo nhỏ lấy ra chiếc áo khoác dầy. Charlie có lẽ đã biết lo cho bản thân hơn, vì nếu nó bệnh, không biết nơi đây có nhà thương nào gần không đế mà xin thuốc nữa!

-Thằng Monster nó kêu nên làm cho ả Thị Màu thôi tơ tưởng chú tiểu. Nhưng tao vẫn chưa nghĩ ra cách nào được. Thôi thì sáng nay tao cứ vòng qua tham khảo ý của cô Tẹo xem thế nào!

– Vậy chúng ta chia đôi đường, tao sẽ loanh quanh trong  làng  xem thử có cái gì hay không, biết đâu lại tìm ra một ý tưởng nào đấy

– Uh, thế thì hơn

Mountain trong túi lúc nào cũng đủ các loại phục trang và giờ đây tự nhiên nó muốn giả dạng một nhân vật nào đấy. Nghĩ đi nghĩ lại nó quyết sẽ đóng vai cha thầy bói mù.

Mọi thứ thật lẹ như tính cách của Mountain, chỉ một loáng Charlie tưởng nó đang đứng trước một thầy bói thứ thiệt: Một thầy bói với khăn xếp đen trên đầu, đôi guốc mộc dứoi chân, lại con bộ quần áo the lĩnh cùng cái kính mắt tròn.

Charlie cười rũ rồi lắc đầu

– Chưa đủ, mày phải có thêm quả này nữa mới đúng chuẩn lão bói xem voi

Nói rồi nó chạy ra phía góc nhà lấy ra một cây gậy y như cây ba tong đưa cho Mountain.

-Mày kiếm đâu hay vậy?

– Của lão thầy bói chột dưới mạn Hà Đông. Lão lấy tao mắc quá những năm đồng trong khí chỉ phán toàn thứ nhảm nhí thiên địa sai tè le. Tao ức giấu tiệt cây gậy của lão đi không ngờ đi đường rừng lại hữu dụng. Mà mày nghĩ ra được trò gì rồi à?

-Chưa. Nhưng chắc chắn sẽ.

Charlie cẩn thận hạ tấm liếp trước hiên căn nhà trọ khi bóng thằng Mountain nhỏ dần trên con đường cái quan chạy qua cổng nhà cô Pha. Nó nhìn sang nhà cô thì thấy khóa cửa. Hẳn là cô đã lại chạy chợ còn chú thì đã ra đồng từ sớm. Trên sân chỉ có con chó Mực đang xoay tới lui cục xương khô, chắc nó mới tha được về từ bãi rác. Charlie khẽ lắc đầu: Chủ khổ thế sao chó sướng được. Rồi nhẹ nhàng khép cổng rẽ ra đường lộ.

Hướng về đầu quán nước cô Tẹo!

Dù ánh mặt trời đã rạng rỡ và sương tan đọng thành vũng trên mặt những chiếc lá khô rơi rụng ven đường nhưng Charlie vẫn có cảm giác răng của nó va vào nhau lập cập. Nó đi nhanh hết mức có thể nên chẳng mấy đã thấy thấp thoáng cái quán nước quen thuộc hiện ra trước mắt. Tuy vậy đến khúc ngoặt ngay ngã ba cây gạo khi ngang qua một căn nhà ọp ẹp, phải gọi là túp lều thì đúng hơn bỗng Charlie nghe tiếng ồn ã vọng cả ra ngoài. Nó dừng lại ghé tai vào cái vách đất tường nhà nằm sát lề đường.

Nó nghe một giọng  nữ:

-Thầy bảo rao thế nào ạ?

“Ah chắc là nhà chú mõ làng đây mà. Chả có gì mình đi thôi!” Charlie lẩm bẩm toan bước tiếp, bỗng một cái tên được nhắc đến khiến nó dừng lại ngay:

Nghe đây này

Trình làng trình chạ

Thượng hạ tây đông

Con gái Phú Ông

Tên là Màu Thị

Mấy tiếng của những câu sau nhỏ dần khiến Charlie không sao mà nghe được. Có chuyện gì liên quan đến Thị Màu chăng? Chuyện gì vậy nhỉ?

Charlie cố đu vào cái đám cúc tần cao hơn đầu người được trồng làm hàng rào sát bức vách, mãi rồi cũng gác được cằm lên cái lỗ thoáng như tổ tò vò  nằm tít trên phần cao nhất của bức tường. Tuy vậy cái lỗ bé như mắt muỗi ấy vẫn đủ rộng đẻ nó nhin thấy cảnh tượng  bên trong.

Mụ đàn bà, chắc độ trên dưới ba mươi, dáng vẻ săn chắc mặt mũi phừng phừng, đang giằng co với một gã đàn ông chừng già hơn mụ độ chục tuổi. Gã có cái mặt cứ thuồn thuỗn, hai cặp mắt tin hin cách nhau một quãng rộng phải bằng độ rộng khuôn miệng cá ngão của gã. Nó lại cứ như đối lập hẳn với quả mũi to tròn ung ủng đỏ lựng lên trong tiết trời giá rét.

Giờ thì mụ thét lên với âm lượng chắc trên đỉnh núi cao tiểu sư thầy cũng có thể nghe tiếng

Ôi bố Đốp ơi là bố Đốp ơi! Đi đâu để thầy xã thầy ấy ăn hiếp tôi đây này

Giờ Charlie mới biết gã  già chính là xã trưởng. Nghe mụ Đốp la làng gã liền dịu ngay giọng

Thôi, thôi! Lọt tai hàng sang tai họ bây giờ! Nín đi!Thôi tao xin mày! Rồi tao đền cho thúng thóc! Đi rao đi! Nhớ vào mời bằng được cụ Đòi điếc, nhớ đấy nghe không?

Xong lão ta chỉnh lại trang phục, rồi như không có chuyện gì, ung dung bước ra ngoài cổng nhà anh mõ làng. Charlie vội tụt xuống, đi một quãng ngắn nữa thì đến hàng nước cô Tẹo

-Khó lắm con ơi. Quanh đây chỉ có vài ngôi chùa mà các sư thầy đã có người giúp việc cả rồi

Cô Tẹo đưa Charlie cái bánh giò vẫn còn nóng hổi khi nghe nó kể ý định của nó với thằng Mountain

-Nhưng tụi con định ngỏ ý mời chú tiểu xuất hành sang vùng đất khác rộng lớn hơn tuy rằng nó thật hơi xa nơi đây!
– Nếu vậy thì còn gì bằng. Tuy nhiên, phải ướm thử xem ý chú tiểu ra sao đã chứ không đường đột được. Hôm nay ngày rằm, chùa đông lắm nên chú không có thời gian tiếp chúng ta đâu. Mai kia u con ta hẵng lên.

Vậy là xong coi như hôm nay sẽ không giải quyết được việc gì. Charlie ngồi lại quán u Tẹo một lúc rồi chào bà chủ quán ra về.

Vừa đến cổng nó đã nghe tiếng “họ họ” của chú Pha. Đã quá giờ trưa, chú xong việc ngoài đồng,  rong trâu về nhà. Căn nhà đổ bóng thành vệt dài trên khoảng sân nhỏ dưới những tia nắng đang dịch chuyển dần sang hướng Tây.

 Lần đầu tiên Charlie cảm thấy không thích đứng trong bóng râm

From William,

Charlie thân mến!

Giá có thể gửi chút nắng ấm phương Nam được ra ngoài đó cho mày chắc tao chẳng ngại, dù phí chuyển bằng DHL có mắc đến mấy :)). Nhưng thôi, thay vào đó tao gửi cho mày thêm vài cái áo len tao mua dịp này năm ngoái khi chúng ta có chuyến vi vu lên Đà Lạt. Cả năm qua chả dùng đến tẹo nào nên chúng còn mới tinh. Lại vô cùng thơm tho nên mày có thể mặc ngay được không cần giặt giũ gì. Còn giả mà mày đã thừa mứa quá thì có thể cho hàng xóm láng giềng quanh đó, nếu  họ cần.

Mày hỏi tao có thể giúp mày soạn một bài ca cách tân để đáp lại cái bài ca mất gà củ rich ẩy hả? Thú thực với mày, nhà tao chưa bao giờ nuôi gà và cũng chưa bao giờ bị ai đổ oan cho ăn trộm gà nên cũng không biết cái cảm giác đó nó ra làm sao để mà sáng tác. Giá kể hai nhân vật hàng xóm cách nhau cái giậu mồng tơi đó gặp phải tình trạng kiểu như trong thơ của cụ Nguyễn Bính “Hai người sống giữa cô đơn, Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.” Thì ối giời ơi luôn tao có thể sáng tác cho mày độ chục bài thơ còn hay hơn nhiêu bài thơ hàng xóm của cụ Nguyễn :)))

Thế nên ngồi trong thư phòng cả buổi, nghiến nát mấy cây bút tre mà tao cóc có nẩy ra được nấy dù chỉ một chữ. Buồn bưc, tao đóng cửa, bước ra phố. Tao cứ đi vô định như thế một lúc thì chạm ngay  cửa hàng nhà thằng Jack.  Đã lâu quá rồi bạn bè không gặp nhau nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, tao xông vào liền.

Quán đang giờ cao điểm. Ôi chao là nó đông. Trái ngược hoàn toàn với tình trạng ế ẩm như trong bản báo cáo mà tao đã gửi cho thằng Monster về tình hình kinh doanh của nó vào tháng trước. Mừng quá cơ, không biết nó làm gì mà xoay chuyển tình thế nhanh đến như vậy. Tao cần phải biết ngay mới được!

Nghĩ thế tao phăm phăm rẽ lối qua hai dãy khách đang xếp hàng đợi đến lượt. Mãi đến cuối căn phòng tao mới thấy một thằng nhìn như Jack mà lại không giống Jack. Tao tưởng mắt mình có vấn đề nên lau đi lau lại cái mắt kính để khỏi lầm. Đúng là Jack mà nhưng dung nhan nó khác quá. Trên mặt nó không phải là cái kính thời trang như nó vẫn từng đeo mà là quả kính cận mà độ dày có khi còn gấp đôi cái kính của tao. Mái tóc bóng loáng kiểu tài tử Hollywood cũng biến đâu mất, thay vào đó là kiểu tóc bổ đôi kiểu anh hai Đan Trường. Ôi Jack đây sao?

Chính là nó chứ không thể là ai khác. Vì cái bản tính hiếu khách của nó thì không lẫn với ai được. Thoáng trông thấy tao là nó chạy ra ngay mà ôm vai bá cổ:

-Ôi lâu qúa rồi người anh em ơi!

Mày biết tính tao rồi đấy, vốn dễ xúc động, thế là lại muốn rưng rưng. Chúng tao nói chuyện một thôi một hồi rồi nó bắt tao ngồi xuống để nó cắt cho bằng được cái mái tóc người rừng của tao:

-Này Jack, chuẩn bị cuối năm tớ phải gửi báo cáo gấp cho thằng Monster để nó dâng lên Ngọc Hoàng. Tình hình kinh tế năm nay bi đát lắm nên tớ rất mừng khi thấy cửa hàng của cậu đông đúc thế này. Cậu có thể cho bọn tớ biết nguyên do?

-Ôi, William, cậu quá khen làm tớ ngại quá không biết nói gì cả

-Đừng có khiêm tốn thế chứ

-Chuyện là thế này, sau nhiều lần gặp phải tình huống như thằng Leo và Charlie, tớ quyết thay đổi bản thân, như cậu thấy bộ dạng tớ lúc này đấy, đẹp trai hơn hẳn đúng không :)). Tớ chẳng đi tìm hạnh phúc ở đâu xa xôi nữa, hạnh phúc là tất cả những gì quanh ta và ta hãy hưởng thụ từng phút từng giây. Tình yêu cũng vậy, khi nào đến thì nó khắc đến thôi đừng cố kiếm tìm làm cái gì. Ở đời, con người ta có duyên cả cậu ạ. Tớ tin vào cái câu mà các cụ đúc kết lắm “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà vô duyên thì dẫu tri diện vẫn bất tương phùng.

Thế cho nên thay vì chính sách giảm giá cho các cặp đôi (ai quên lục lại báo cáo của William xem lại :)), tớ đề ra một chiến lược marketing khác hẳn. Tớ giảm giá đến 50% một mái đầu cho hai đối tượng: Độc thân và đơn phương :)) và giảm đến 80% cho những ai vừa bị “đá” :)), nếu là nữ trong tình huống này tớ giảm 95% luôn. 

Chỉ thế thôi mà cậu biết không, cửa hàng của tớ sau đúng một ngày khách hàng muốn cắt tóc cũng phải đặt lịch trước như đặt lịch đi khám bệnh. Thế mới biết, cậu ạ, chủ nghĩa độc thân đang lên ngôi rồi, chả trách chi suốt ngày báo đài ra rả về sự suy giảm dân số :))

 Đến giờ, khi chỉ còn mấy ngày nữa là hết tháng mười một mà tớ đã hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu năm.

Jack cao hứng làm một tràng nhưng vì thú vị quá nên William không quên chi tiết nào. Nó đang định nói câu cảm phục thằng bạn thì thấy lấp ló trên cái bàn tròn đặt gần nơi nó đang cắt tóc một cuốn sách triết học. Sách triết cơ à? Thằng Jack mà đọc sách Triết thì có khi còn lạ lùng hơn cả thằng Monster xuống núi :)).

William đầu nghĩ tay đã nhấc quyển sách lên: “Cộng hoà”, một tác phẩm của triết gia Hy Lạp Plato? Ôi giời ơi, có phải Jack không vậy? Nhẽ lại thằng Skeleton “đầu độc” nó bằng những thứ khó hiểu này?

-Không đâu, chính tớ qua nhà nó lấy về đấy. Đọc xong tớ giữ lại chẳng thèm trả nó luôn. Kệ, thằng chả còn mấy miếng đất, quyển sách này nhằm nhỏ gì :))

-Rồi đọc xong cậu thấy sao?

-Thì tuyệt quá chứ sao thi sĩ. Trời ơi, sao mà đến bây giờ tớ mới khám phá ra những thứ hay ho thế này chứ?

Rời nhà Jack, tao cứ nghĩ về nó và về tình huống của mày. Charlie ơi, thay vì giúp cô Pha soạn cái bài chửi thô thiển thế thì  ta thử xem có cách nào khác không? Mày đọc màn đối thoại dứoi đây rồi suy ngẫu sâu hơn thử:

Glaucon đối thoại với Adeimantus về vấn đề công bình chính trực và  các yếu tố cấu thành một tổ chức xã hội

(Trích Chương 2 – Tác phẩm “Cộng hoà” – Plato)

……………………………..

‘Bản nhân sẽ nói quý hữu hay. Thế ngô bối đã chẳng nói công bình chính trực có thể là đặc tính của cá nhân hay thành quốc hay sao?’

‘Đúng rồi.’‘Thành quốc lớn hơn cá nhân chứ gì?’ ‘Vâng, lớn hơn.’

‘Bởi thế ngô bối có thể tìm hiểu công bình chính trực trên quy mô lớn hơn trong thực thể rộng hơn, như vậy nhận định dễ hơn. Vì vậy, nếu quý hữu không phản đối, bản nhân đề nghị  ngô bối bắt đầu tìm hiểu công bình chính trực trong thành quốc, rồi tiến tới cá nhân để xem có thể tìm ra cấu tạo của thực thể nhỏ hơn cái tương đồng với cái ngô bối đã tìm thấy ở thực thể lớn hơn không.’

‘Gợi ý có vẻ khả quan,’ Adeimantus đáp.‘Ờ,’ bản nhân tiếp lời, ‘nếu để ý quan sát thành quốc xuất hiện như thực thể trên bình diện lý thuyết, ngô bối cũng có thể nhận ra công bình chính trực và bất công bất chính phát xuất từ đó ra sao.’ ‘Có thể.’‘Làm vậy khi tiến trình hoàn tất, ngô bối hy vọng sẽ tìm ra dễ hơn cái ngô bối đang tìm.’‘Dễ hơn nhiều.’

‘Vậy quý hữu có nghĩ ngô bối nên thực hiện đầy đủ không? Vì khẳng định với quý hữu việc làm không dễ, phải suy nghĩ kỹ lưỡng.’

‘Ngô bối nghĩ rồi,’ Adeimantus đáp, ‘thực hiện đi.’

‘Ờ, xã hội xuất hiện,’ bản nhân tiếp lời, ‘theo chỗ bản nhân biết, vì cá nhân không thể sống biệt lập, cần nhiều nhu cầu cá nhân không thể tự cung tự ứng. Theo quý hữu có cộng đồng, xã hội hay thành quốc nào xuất hiện trên nguyên tắc khác không?’

‘Thưa, không.’

‘Khi có đủ người  để thỏa mãn nhu cầu đa dạng, khác biệt, khi đã quy tụ khá đông người cùng tham gia, cùng giúp đỡ để cùng sống một nơi, ngô bối gọi việc định cư như thế là cộng đồng, xã hội hay thành quốc phải không?’

‘Phải.’

‘Trong cộng đồng dân chúng trao đổi hàng hóa hỗ tương, vì nghĩ bên nhận bên trao đều có lợi, đúng không?’

‘Đúng thế.’

‘Nếu vậy,’ bản nhân bồi thêm, ‘ngô bối hãy tưởng tượng bức họa miêu tả nguồn gốc cộng đồng. Xem ra cộng đồng dường như phát xuất từ nhu cầu của ngô bối.’

‘Vâng.’‘Nhu cầu  thứ nhất và thiết yếu hơn hết rõ ràng là cung cấp thực phẩm để nuôi sống ngô bối.’ ‘Rõ ràng.’‘Nhu cầu thứ hai là chỗ ở, nhu cầu thứ ba là đủ thứ quần áo.’

‘Đúng thế.’

‘Ờ, nếu vậy, cộng đồng làm thế nào cung ứng đầy đủ nhu cầu như thế? Cộng đồng sẽ cần người làm ruộng, người làm nhà, người dệt vải, bản nhân nghĩ cả người làm giày, và một hay hai người nữa để chu cấp nhu cầu thân thể ngô bối đòi hỏi.’

‘Đương nhiên.’‘Như vậy cộng đồng ở mức nhu cầu nhỏ nhất sẽ gồm bốn hoặc năm người.’ ‘Hiển nhiên.’

‘Như vậy mỗi người trong số vừa kể sẽ góp phần sản xuất do công lao khó nhọc của mình cho mọi người cùng sử dụng? Chẳng hạn, làm ruộng một người sẽ cung cấp thực phẩm cho bốn người? Hay người đó sử dụng bốn lần thời gian và bốn lần công sức sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhu cầu của bốn người? Hoặc thay vì thế, không quan tâm tới bốn người, người đó sử dụng một phần tư thời gian sản xuất một phần tư số lượng thực phẩm,  ba phần tư thời gian còn lại, một phần tư làm nhà cho mình, một phần tư may quần áo, một phần tư làm giày? Nói khác đi, tránh không muốn chia phần với bốn người, người đó dồn công sức vào sản xuất để cung ứng chỉ riêng nhu cầu của mình thôi?’

Nghe thấy thế Adeimantus liền đáp: ‘Ô, Socrates, xem ra dường như cách đầu có lẽ đơn giản hơn.’

‘Trời đất ơi, rõ ràng là vậy,’ bản nhân tiếp lời, ‘vì lúc quý hữu vừa nói, bản nhân đã nghĩ thứ nhất ngô bối sinh ra theo lẽ tự nhiên đều khác nhau, không ai giống ai. Ngô bối sở đắc năng khiếu tự nhiên khác nhau, năng khiếu giúp ngô bối thích hợp với việc khác nhau, người giỏi nghề này, người khá nghề kia. Quý hữu có nghĩ vậy không hở?’

‘Thưa, có.’

‘Do vậy ngô bối nên ứng dụng một tay nghề hay tìm cách thực hành nhiều tay nghề?’

‘Mỗi người một nghề.’

‘Còn điểm nữa cần nói. Bất kể việc gì nếu không thực hiện đúng lúc là tai hại vô cùng.’

‘Đương nhiên.’

‘Người làm phải thành thạo khi bắt tay vào việc; người làm phải nhanh nhảu, không thể dềnh dàng, vì việc không chờ không đợi.’

‘Bắt buộc.’

‘Lượng gia tăng, phẩm tinh tiến, phương thức sản xuất hiệu quả khi người làm chăm chú đúng cách vào việc thích hợp tự nhiên, vào lúc khẩn thiết, bỏ qua không bận tâm tới việc khác.’

‘Nhất định.’

‘Như vậy ngô bối sẽ cần hơn bốn người, Adeimantus ạ, để đáp ứng nhu cầu vừa kể. Vì người làm ruộng sẽ không tự tay làm cày, làm cuốc, hay bất kể nông cụ nào nếu cần hoàn hảo. Sự thể đúng với người làm nhà và vô số dụng cụ người đó cần, và cũng đúng với người dệt vải, người làm giày. Đúng không?’

‘Đúng chứ sao!’

‘Bởi thế thợ rèn, thợ mộc, nhiều nghệ nhân tương tự phải tham gia làm việc, nhân số cộng đồng nhỏ bé của ngô bối gia tăng.’

‘Dĩ nhiên.’

‘Dù vậy số lượng vẫn sẽ không quá lớn nếu ngô bối thêm người chăn bò, người chăn cừu, người nuôi gia súc đủ loại khác nhau, để cung ứng bò cho chiếc cày, súc vật kéo xe cho người làm nhà,  người làm ruộng, cũng như da cho người làm giày, len cho người dệt vải.’

‘Không, song số lượng sẽ không còn nhỏ bé như thế nữa.’

‘Mặt khác, xem ra hầu như không thể xây dựng thành quốc tại nơi không cần nhập cảng.’

‘Đúng rồi, hoàn toàn bất khả.’

‘Do vậy, ngô bối sẽ cần thêm người để tìm kiếm, thu thập những gì cộng đồng cần từ ngoại quốc.’

‘Vâng.’

‘Nhưng nếu ra đi tay không, không mang hàng hóa thành quốc khác cần trao đổi, khi trở về người của ngô bối cũng sẽ trở về tay không, phải không?’

‘Chắc vậy.’

‘Bởi thế trong thành quốc ngô bối phải sản xuất không những đủ nhu cầu ngô bối cần dùng, mà cũng phải sản xuất đủ loại và số lượng hàng hóa ngoại quốc cần dùng.’

‘Đương nhiên.’

‘Thế có nghĩa là thành quốc sẽ gia tăng số lượng người làm ruộng và người làm thủ công.’

‘Vâng, thế nào cũng gia tăng.’

‘Và như vậy dĩ nhiên sẽ gồm cả người lo việc xuất cảng, nhập cảng hàng hóa, nghĩa là thương nhân, phải không?’

‘Thưa, phải.’

‘Vậy ngô bối cũng cần họ. Đồng ý chứ?’

‘Tránh sao khỏi.’

‘Nếu thương mại thực hiện bằng đường biển, ngô bối sẽ cần nhiều chuyên gia về thương thuyền và hàng hải.’

‘Dĩ nhiên, nhiều lắm.’
‘Vậy trong cộng đồng hiện hữu người dân làm thế nào trao đổi sản phẩm do công lao làm ra? Vì bản

nhân muốn nói trao đổi hỗ tương là nguyên do tạo nên cộng đồng.’

‘Hiển nhiên họ sẽ mua và bán.’

‘Như vậy sẽ đòi hỏi thị trường và thiết lập tiền tệ làm phương tiện trao đổi.’

‘Chắc vậy.’

‘Nếu người làm ruộng hay bất kỳ người sản xuất nào đem hàng ra chợ vào lúc không ai muốn trao đổi, người đó sẽ ngồi lì ở đó, vô công rồi nghề, bỏ bê việc của mình hả?’

‘Chắc hẳn không. Nhận thức tình trạng, vồ ngay cơ hội, có thành phần sẵn sàng lo dịch vụ ở đó. Trong cộng đồng tổ chức chu đáo thành phần này thường gồm người yếu đuối về mặt thể xác, do vậy không thích hợp với việc khác. Dịch vụ gắn liền, buộc chặt họ vào ngôi chợ, nơi họ trả tiền mua hàng của người muốn bán và nhận tiền bán hàng cho người muốn mua.’

‘Như thế sẽ làm nảy sinh thành phần bán lẻ trong cộng đồng. Ngô bối gọi người phục vụ nhu cầu công cộng qua việc mua bán ở chợ nội địa là tiểu thương, tương phản với người lo chuyện buôn bán ở chợ ngoại quốc là thương nhân.’

‘Đồng ý.’

‘Còn thành phần nữa  ngô bối cần dịch vụ của họ, người không thể đóng góp bằng sức mạnh trí tuệ, song có thể cung ứng bằng sức mạnh thể xác thích hợp với việc làm tay chân. Đem sức lực ra chợ bán, đổi lại lấy đồng lương, kết quả là họ thường được gọi là làm thuê, làm mướn.’

‘Đúng thế.’

‘Với người làm thuê, làm mướn thêm vào dân số cộng đồng xem ra tạm đủ.’

‘Vâng.’

‘Adeimantus ơi, như vậy liệu bây giờ có thể nói cộng đồng của ngô bối đã phát triển đầy đủ được chưa?’

‘Có lẽ được rồi.’

‘Vậy công bình chính trực và bất công bất chính ở chỗ nào? Hai yếu tố ngô bối đã xem xét xuất hiện ở thành phần nào trong cộng đồng?’

‘Tiện phu không biết, thưa tiên sinh, trừ phi hai yếu tố liên quan tới cung cách những người này cư xử với nhau.’

‘Ý nghĩ xem ra chí lý, ngô bối phải quan sát xem sao và tìm hiểu không chán mới được. Trước tiên ngô bối xem dân cộng đồng sẽ sống ra sao khi được cung ứng như thế. Dĩ nhiên họ sẽ sản xuất lúa mì, rượu vang, quần áo, giày dép và sẽ làm nhà ở. Mùa hè họ sẽ cuốc bộ ra đồng làm việc, không đi giày, mùa đông họ có đủ giày dép và quần áo. Về thực phẩm,  họ sẽ xay bột từ lúa mì, lúa mạch; họ sẽ nướng loại trên và nhào loại dưới; họ sẽ để bánh nướng, bánh mì thơm ngon trên thân sậy và lá sạch; sau đó ngả lưng thoải mái trên thảm trải lá sim, lá nhăng họ sẽ vừa uống rượu vừa ăn cùng bầy con. Đầu đội vòng nguyệt quế họ sẽ ngân nga ca hát, cầu nguyện thần linh. Họ sẽ vui hưởng giao hợp, không sinh con đẻ cái nếu phương tiện không cho phép,  song phải thận trọng tránh nghèo khổ và chiến tranh.’

‘Theo tiện nhân rõ ràng là món đạm bạc để ăn mừng,’ Glaucon vừa ngắt lời vừa lên tiếng, ‘không cần nấu nướng hoặc thêm thắt gia vị.’

‘Quý hữu nói chẳng sai tí nào. Nhưng bản nhân quên kể họ sẽ có vài thứ sang trọng nữa. Muối, phô- mai, dầu ô-liu, củ tươi, rau tươi, hành luộc, hành sống, đủ loại ở ngoài đồng dùng để làm món khác nhau. Đấy là chưa kể đồ tráng miệng: vả, đậu, dâu, dẻ rang thơm phức trong khi nhấm nháp rượu vang . Họ sẽ sống thanh bình, khỏe mạnh, và có lẽ mãn phần khi tuổi đã cao, để lại lối sống tương tự cho con cháu.’

‘Trời đất ơi, nếu thành lập cộng đồng heo, ngoài thứ vừa kể, tiên sinh cho ăn gì nữa!’ Glaucon nhận định.

‘Phần mình, quý hữu sẽ làm thế nào?’ Bản nhân hỏi.

‘Cho hưởng tiện nghi bình thường. Ngả lưng thoải mái trên sô-pha, ra bàn dùng bữa, thức ăn như ngô bối dùng bây giờ.’

‘Chí phải,  hân hạnh ghi nhận hảo ý. Ngô bối tìm hiểu không những nguồn gốc mà cả xã hội khi xã hội đó hưởng thụ văn minh xa hoa. Ý kiến xem ra không phải viển vông, vì trong quá trình rà xét ngô bối có thể khám phá sự thể công bình chính trực và bất công bất chính bắt rễ, nảy sinh tự nhiên ra sao trong cộng đồng như thế. Bởi mặc dù xã hội ngô bối vừa mô tả đối với bản nhân có vẻ chân thực, như người khỏe mạnh, song nếu quý hữu muốn, chẳng ai ngăn cản, ngô bối cũng có thể tìm hiểu xã hội bệnh hoạn. Xã hội như thế sẽ không thỏa mãn với mức sống ngô bối miêu tả. Xã hội đó sẽ cần bàn ghế, sô-pha, bàn ăn, tủ kệ, kể cả món cao lương mĩ vị, nước hoa, tinh dầu, gái điếm thượng lưu, mứt ngọt bánh kẹo, tất cả gồm đủ loại, đủ thứ. Ngô bối không còn giam mình trong nhu cầu đạm bạc miêu tả trước đây, nhà ở, quần áo, giày dép, mà phải trang bị sản phẩm mỹ thuật tranh vẽ, đồ thêu, đồng thời du nhập vật dụng như vàng, ngà voi. Đồng ý không?’

‘Đồng ý.’

………………………….

P/S: Tất nhiên tao không có ý bảo mày rằng cái cô Pha phải đối thoại với nhà tay Trương Sinh hàng xóm như những con người uyên bác trên đây. Họ không có đủ trình độ để làm điều đó. Ý tao muốn nói chúng mày cần phải dàn xếp để họ cỏ thể đối thoại được với nhau một cách văn mình và thấu hiểu nhau nhất có thể.  Nếu không với sự tăm tối, ít học của cả hai, bọn họ sẽ dễ dàng rơi vào âm mưu thâm độc của lũ cường hào, ác bá  làng Vũ Đại!

Chúc hai thằng mày bình an!

William

You may also like

Để lại bình luận