Tờ Tuổi Trẻ Online hôm qua có bài viết trong mục Megastory về Bảng đen và Phấn trắng rất hay. Nó lại gợi cho mỗi người đã từng là học sinh những cảm xúc bồi hồi về cái thuở còn là Hoa Học Trò với những Áo Trắng hay Mực Tím đầy mộng mơ.
MA THUẬT CỦA BẢNG ĐEN PHẤN TRẮNG
Trong con mắt nhà toán học và nhà khoa học, bảng đen có sức hấp dẫn kỳ lạ, và những gì được viết trên đó bằng phấn – không nhất thiết phải là phấn trắng – có vẻ đẹp đến tầm nghệ thuật.
Việc viết phấn được ghi nhận từ tận thế kỷ XI trong những lớp giảng dạy của học giả lừng danh người Ba Tư Al-Biruni.
Nhưng đâu là lý do khiến hình thức diễn đạt ý tưởng này vẫn được ưa chuộng đến tận ngày nay, trong khi giấy da và viết lông ngỗng – hình ảnh gắn liền với những nhà bác học thời kỳ khoa học rực rỡ cách đây nhiều thế kỷ – không còn nữa?
Để tìm câu trả lời, cây bút chuyên viết về khoa học Thomas W. Hodgkinson đã đến thăm những nhà khoa học đồng nghiệp đang làm việc tại Viện Khoa học toán học London (LIMS, Anh).
Trong bài viết cho tạp chí Nautilus, Hodgkinson kể ở viện này, trong mỗi phòng nghiên cứu đều có một tấm bảng đen to tướng, kích thước 3,6 x 1,8m. Tấm bảng nào cũng chi chít chữ, câu hỏi, ghi chú, phương trình, công thức hay những nét vẽ nguệch ngoạc…
Theo viện trưởng Thomas Fink, làm nghiên cứu giống như một hành trình tìm đường giải thoát, và tấm bảng đen là công cụ tốt nhất để vượt qua bế tắc.
Mỗi lần lâm vào ngõ cụt, Fink và đồng nghiệp sẽ bước lên bảng, ghi lại bài toán, vừa viết vừa suy nghĩ. Có thể đó chỉ là những dòng tư duy mới chớm, không đầu không đuôi.
Nhưng đã rất nhiều lần, các nhà khoa học tìm được manh mối cho đầu bài hóc búa ngay khi đang cầm phấn viết bảng.
Viên phấn, tấm bảng có sức mạnh lớn đến vậy sao?
Theo Read, hầu hết các nhà khoa học đều thích dùng công cụ nghiên cứu cơ bản nhất là phấn và bảng, dù cho ngày nay có không ít công nghệ kỹ thuật số thuận lợi ghi chép, trình chiếu.
Một số ứng dụng thời 4.0 cho phép nhà khoa học vẽ trên màn hình cảm ứng, có thêm màu sắc, hiệu ứng cực kỳ sinh động. Nhưng các nhà khoa học vẫn thích sự tối giản của tấm bảng đen. Một phần là vì sự gần gũi và cảm giác yên tâm, khỏi phải lo mất tài liệu hay máy móc hư bất chợt.
Phần khác là vì có thể tập trung hơn.
Trong không gian chỉ có bạn và bài toán trên bảng, bạn được phép thử và mắc sai lầm. Viên phấn trắng cho một nhà nghiên cứu được tự do thử mọi hướng tiếp cận, không đúng thì… xóa.
Có lẽ chính vì thế mà giáo sư Yang-Hui He cho rằng khi cầm một viên phấn và nhìn vào bảng đen, ông có cảm giác mình thật sự đang làm toán.
Một đồng nghiệp khác từ LIMS, Forrest Sheldon, nói đôi lúc ông cảm thấy tấm bảng đen như một đường đua tiếp sức. Một nhóm nhà khoa học có thể đứng trước tấm bảng, chuyền tay nhau viên phấn để giải một bài toán, giống hệt các vận động viên trao gậy trong nội dung 4x100m tiếp sức.
Cũng có khi đó là cuộc đua nhiều chặng, nếu hôm nay chưa nghĩ ra thì cứ để bảng đó, ngày mai trở lại. Mỗi ngày suy nghĩ một ít, cho đến một ngày họ tìm ra đáp án và thốt lên “eureka”.
Nhiếp ảnh gia Jessica Wynne, cũng là giáo sư tại Viện Công nghệ thời trang ở New York, có niềm đam mê đặc biệt với những tấm bảng của các nhà khoa học, giảng viên đại học.
Cô dành thời gian đi khắp nơi, chụp lại những tấm bảng đen của nhiều chuyên gia toán học trong lúc làm việc.
Có những tấm bảng lúc nào cũng dày đặc các phương trình, con số, những ký hiệu đặc biệt, như của Alex Zhongyi Zhang, nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Columbia (Mỹ);
Số khác lại theo trường phái tối giản, như tấm bảng được Wynne chụp giữa những hàng cây ở viện nghiên cứu khoa học cao cấp Institut des Hautes Études Scientifiques ở ngoại ô Paris: không có gì ngoài một vài chữ cái Latin kèm nhiều mũi tên.
Một số giáo sư tự sáng tạo những nguyên tắc viết bảng chỉ “người trong cuộc” mới hiểu.
Chẳng hạn, tấm bảng của giáo sư Tadashi Tokieda tại Đại học Stanford thường biểu thị hình tròn màu đen bằng một chấm trắng, và quy ước hình tròn màu trắng bằng một chấm không tô màu.
Wynne cũng chụp được nhiều tấm bảng vừa bị xóa nội dung, của một nhà khoa học còn đang vật vã trước một bài toán. “Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp vượt thời gian và hình dáng vật chất của những tấm bảng. [Chúng] còn thể hiện khát vọng của giới khoa học luôn muốn khám phá sự thật và giải quyết các vấn đề hóc búa” – cô nói.
Không chỉ nhà toán học hay vật lý mới mê viết bảng.
Trong bài viết cho trang tin The Harvard Gazette, hai tác giả Manisha Aggarwal-Schifellite và Juan Siliezar đưa người đọc tham quan “một vòng bảng đen” ở đại học danh giá của Mỹ.
Ở lớp logic học nhập môn, các giáo sư như Mark Richard thường mô hình hóa những lý thuyết logic, triết học bằng sơ đồ, hình khối, giúp sinh viên “dễ nuốt” những nội dung nhập môn, dù thực tế những gì viết trên bảng cũng rất thách thức trí não người xem.
Trong giờ văn học, một diễn đàn tranh luận về Nữ hoàng xứ Scotland Mary được giảng viên Vanessa Braganza tóm gọn súc tích trên tấm bảng. Như thể các tiến bộ về trình chiếu chưa hề ghé qua đại học gần 400 tuổi này.
(Tuổi Trẻ)
Bài báo này làm mình nhớ lại hồi đầu năm tờ “The New York Times” có đăng một bài viết nhan đề “A.I.’s Latest Challenge: the Math Olympics” trong đó có hình ảnh Thầy Lê Bá Khánh Trình cùng các học trò của thầy đứng trước một tấm bảng (tuy bảng màu xanh nhưng vẫn là phấn trắng) trên đó chi chít các hình vẽ đường tròn và tam giác, những bài toán hình học.
Dù mình học Toán chỉ ở mức đủ thi Đại học và thầy Trình thì ở tít trong Sài Gòn nhưng từ nhỏ mình đã được nghe mẹ mình kể về Thầy Lê Bá Khánh Trình trước cả khi mình lớn lên và được biết đến thầy qua báo chí.
Thầy chỉ kém bố mẹ mình vài tuổi nên cũng coi như gần thế hệ của bố mẹ. Mẹ kể thời của mẹ sự kiện thầy, vì có phương pháp giải hết sức đặc sắc, độc đáo cho một bài toán Hình ở kỳ thi Olympic Toán Quốc tế năm 1979 mà đã được trao giải Đặc biệt, đã có tiếng vang rất lớn.
Trong bối cảnh Việt Nam khi đó mới thoát ra khỏi chiến tranh, thiếu thốn và khó khăn trăm bề lại bị bao vây bởi các lệnh cấm vận thì một trí tuệ Việt Nam xuất sắc như thế có tác động tinh thần rất lớn đối với thế hệ trẻ. Nên mặc dù thời điểm đó giao thông cách trở, tin tức khó lan truyền hơn bây giờ nhiều vậy mà thầy Khánh Trình đã rất là nổi tiếng.
Học sinh các thế hệ ngoài Bắc (và cả nước) gần như không ai là không biết đến cái tên Lê Bá Khánh Trình (cả họ và tên đầy đủ các bạn ạ). Kiểu thầy đã là một cái gì đó mang tính biểu tượng cho trí tuệ Việt Nam rồi ấy.
Cho nên khi những hình ảnh thầy xuất hiện trên một tờ báo lớn của thế giới khiến mình cảm thấy rất tự hào (tất cả những bài báo viết về đất nước con người Việt Nam trên The New York Times nếu bắt gặp mình đều đọc kỹ, như một sỏ thích).
Cách đây cũng lâu rồi trên một chương trình truyền hình của kênh khoa học Da Vinci (thời nhỏ con mình nghiện kênh này lắm, mọt luôn, suốt ngày mở xem không sót một chương trình nào, giờ thì ít xem ti vi hơn) có một đoạn nói về chuyến viếng thăm của hai phóng viên nhí đến một phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), một trong những trường uy tín bậc nhất của Châu Á.
Và xuất hiện trên màn hình khoảng 5 phút để thực hiện một mô hình bay nào đó có hai giảng viên của NUS. Mình nhớ một trong hai có gương mặt và hình dáng giống người Việt (bạn nào xem chương trình này nhiều chắc biết vì nó được chiếu đi chiếu lại có khi trong suốt một năm) nhưng con mình phát hiện nhanh lắm, nó bảo mình mẹ ơi chú ấy chắc là người Việt Nam rồi vì con thấy họ Nguyễn (dòng chữ chạy trên màn hình). Chỉ thế thôi cũng cảm thấy tự hào ghê gớm các bạn ạ.
Cho nên bất cứ cái gì liên quan đến quê hương từ con người đến cảnh vật thiên nhiên, mỗi lá cây ngọn cỏ, mỗi mùi hương, mỗi cơn gió… đều rất dễ khiến chúng ta xúc động. Bảo làm sao cả ngàn năm mà người Do Thái vẫn kiên quyết bám trụ mảnh đất của cha ông họ bên bờ Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Dù cho nó có nhỏ hẹp, khắc nghiệt và đầy hiểm nguy
Vì đó là quê hương, cội nguồn của họ, nơi chứa đựng tất cả những tình cảm thiêng liêng nhất.
A.I.’S LATEST CHALLENGE: THE MATH OLYMPICS
Trong bốn năm, nhà khoa học máy tính Trieu Trinh (Trịnh Hoàng Triều) đã miệt mài với một vấn đề siêu toán học: làm thế nào để xây dựng một mô hình A.I, giải các bài toán hình học từ cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế, cuộc thi thường niên dành cho học sinh trung học giỏi toán nhất thế giới.
Tuần trước Tiến sĩ Trinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về chủ đề này tại Đại học New York; tuần này, anh ấy đã mô tả kết quả nghiên cứu của mình trên tạp chí Nature. Được đặt tên là AlphaGeometry, hệ thống này có thể giải các bài toán hình học Olympic ở trình độ gần như đạt mức huy chương vàng của con người.
Trong khi phát triển dự án, Tiến sĩ Trinh đã giới thiệu dự án này với hai nhà khoa học nghiên cứu tại Google và họ đã nhận anh làm cư dân từ năm 2021 đến năm 2023. AlphaGeometry gia nhập nhóm A.I. của Google DeepMind, các hệ thống đã trở nên nổi tiếng với khả năng giải quyết những thách thức lớn.
Có lẽ nổi tiếng nhất là AlphaZero, một thuật toán deep learning, đã chinh phục môn cờ vua vào năm 2017. Toán là một vấn đề khó hơn, vì số đường dẫn đến lời giải đôi khi là vô hạn; cờ vua luôn hữu hạn.
Tiến sĩ Trịnh, tác giả chính và động lực của dự án cho biết: “Tôi cứ đi vào ngõ cụt, đi sai đường.”
Đồng tác giả của bài báo là cố vấn tiến sĩ của Tiến sĩ Trinh, He He, tại Đại học New York; Yuhuai Wu, được biết đến với tên Tony, người đồng sáng lập xAI (trước đây ở Google), người vào năm 2019 đã bắt đầu khám phá một ý tưởng tương tự một cách độc lập; Thắng Lương và Quốc Lê, đều đến từ Google DeepMind.
Sự kiên trì của tiến sĩ Trịnh đã được đền đáp. “Chúng tôi không thực hiện sự cải tiến tăng thêm” anh nói. “Chúng tôi đang thực hiện một bước nhảy lớn, một bước đột phá lớn về mặt kết quả.”
“Chỉ cần đừng phóng đại nó,” anh nói.
Bước nhảy lớn
Tiến sĩ Trịnh giới thiệu hệ thống AlphaGeometry một bộ đề gồm 30 bài toán hình học Olympic từ năm 2000 đến năm 2022. Hệ thống giải được 25 bài; về mặt lịch sử, trong cùng thời kỳ đó, người đoạt huy chương vàng trung bình giải được 25,9 bài.
Tiến sĩ Trinh cũng đưa ra các bài toán cho một hệ thống được phát triển vào những năm 1970 được biết đến là hệ thống chứng minh định lý hình học mạnh nhất; nó đã giải được 10 bài.
Trong vài năm qua, Google DeepMind đã theo đuổi một số dự án nghiên cứu ứng dụng A.I. đến toán học. Và rộng hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu này, các bài toán Olympic đã được sử dụng làm chuẩn mực; OpenAI và Meta AI đã đạt được một số kết quả.
Để có thêm động lực, có “I.M.O. Grand Challenge” và một thử thách mới được công bố vào tháng 11, Giải Olympic Toán học Trí tuệ Nhân tạo, với giải thưởng trị giá 5 triệu đô la dành cho A.I. đầu tiên giành huy chương vàng Olympic.
Bài báo AlphaGeometry mở đầu bằng lập luận rằng việc chứng minh các định lý Olympiad “thể hiện một cột mốc quan trọng trong khả năng suy luận tự động ở cấp độ con người”.
Michael Barany, nhà sử học về toán học và khoa học tại Đại học Edinburgh, cho biết ông tự hỏi liệu đó có phải là một cột mốc toán học có ý nghĩa hay không. “Cái I.M.O đang thử nghiệm này rất khác so với toán học sáng tạo đối với đại đa số các nhà toán học,” ông nói.
Terence Tao, một nhà toán học tại Đại học California, Los Angeles – và là thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic trẻ nhất từ trước đến nay, khi mới 12 tuổi – cho biết ông nghĩ rằng AlphaGeometry là một “công trình tuyệt vời” và đã đạt được “những kết quả mạnh mẽ đáng ngạc nhiên”.
Ông nói, việc tinh chỉnh hệ thống A.I. để giải quyết các bài toán của Olympic có thể không cải thiện kỹ năng nghiên cứu sâu của nó, nhưng trong trường hợp này, hành trình có thể tỏ ra có giá trị hơn đích đến.
Theo TS Trịnh nhận định, suy luận toán học chỉ là một loại suy luận nhưng nó có ưu điểm là dễ kiểm chứng. “Toán học là ngôn ngữ của sự thật,” ông nói. “Nếu bạn muốn xây dựng một A.I., điều quan trọng là phải xây dựng một A.I. tìm kiếm sự thật và đáng tin cậy mà bạn có thể tin tưởng”, đặc biệt là đối với “các ứng dụng quan trọng an toàn”.
Bằng chứng của khái niệm
AlphaGeometry là một hệ thống “biểu tượng thần kinh”. Nó kết hợp một mô hình ngôn ngữ mạng thần kinh (giỏi về trực giác nhân tạo, như ChatGPT nhưng nhỏ hơn) với một công cụ biểu tượng (giỏi về lý luận nhân tạo, giống như một máy tính logic, đại loại vậy).
Và nó được tùy chỉnh cho hình học. Heather Macbeth, một nhà hình học tại Đại học Fordham và là chuyên gia về lý luận được xác minh bằng máy tính, cho biết: “Hình học Euclide là một nền tảng thử nghiệm tuyệt vời cho lý luận tự động, vì nó tạo thành một miền khép kín với các quy tắc cố định”. (Khi còn là một thiếu niên, Tiến sĩ Macbeth đã giành được hai huy chương I.M.O..) AlphaGeometry “dường như có tiến bộ tốt,” cô nói.
Hệ thống này có hai tính năng đặc biệt mới lạ.
Đầu tiên, mạng lưới thần kinh chỉ được đào tạo dựa trên dữ liệu được tạo bằng thuật toán – một con số khổng lồ 100 triệu bằng chứng hình học – không sử dụng đáp án của con người.
Việc sử dụng dữ liệu tổng hợp được tạo từ đầu đã vượt qua trở ngại trong việc chứng minh định lý tự động: sự khan hiếm dữ liệu đào tạo có thể kiểm chứng được của con người được dịch sang ngôn ngữ mà máy có thể đọc được. Tiến sĩ He nói: “Thành thật mà nói, ban đầu tôi có một số nghi ngờ về việc làm thế nào điều này sẽ thành công”.
Thứ hai, khi AlphaGeometry bắt đầu giải quyết một vấn đề, công cụ biểu tượng sẽ bắt đầu giải quyết; nếu nó bị mắc kẹt, mạng lưới thần kinh sẽ đề xuất các cách để tăng cường lập luận chứng minh. Vòng lặp tiếp tục cho đến khi giải pháp thành hiện thực hoặc cho đến khi hết thời gian (bốn giờ rưỡi). Trong biệt ngữ toán học, quá trình tăng cường này được gọi là “xây dựng phụ trợ”.
Thêm một đường thẳng, chia đôi một góc, vẽ một vòng tròn – đây là cách mà các nhà toán học, sinh viên hay những người giỏi Toán, những người chịu khó mày mò và cố gắng tìm được lời giải từ một bài toán. Trong hệ thống này, mạng lưới thần kinh đã học cách xây dựng phụ trợ theo cách giống con người. Tiến sĩ Trịnh ví nó như việc quấn một sợi dây cao su quanh một chiếc nắp chai cứng đầu để giúp tay cầm nắm tốt hơn.
Christian Szegedy, người đồng sáng lập xAI, người trước đây từng làm việc tại Google, cho biết: “Đó là một bằng chứng khái niệm rất thú vị”. Nhưng nó “để lại rất nhiều câu hỏi mở”, ông nói, và không “dễ dàng khái quát hóa cho các lĩnh vực khác và các lĩnh vực toán học khác”.
Tiến sĩ Trịnh cho biết ông sẽ cố gắng khái quát hóa hệ thống trên các lĩnh vực toán học và hơn thế nữa. Ông nói rằng ông muốn lùi lại và xem xét “nguyên tắc cơ bản chung” của mọi kiểu lý luận.
Stanislas Dehaene, một nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Collège de France, người quan tâm đến nghiên cứu kiến thức hình học cơ bản, cho biết ông rất ấn tượng với màn trình diễn của AlphaGeometry. Nhưng ông nhận xét rằng “nó không ‘thấy’ bất cứ điều gì về những vấn đề mà nó giải quyết” – đúng hơn, nó chỉ xử lý các mã hóa logic và số của hình ảnh. (Các hình vẽ trong bài báo là vì lợi ích của người đọc.)
Tiến sĩ Dehaene cho biết: “Hoàn toàn không có nhận thức về không gian về các vòng tròn, đường thẳng và hình tam giác mà hệ thống học cách thao tác”. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng một thành phần trực quan có thể có giá trị; Tiến sĩ Lương cho biết nó có thể được bổ sung, có lẽ trong năm nay, bằng cách sử dụng Gemini của Google, một hệ thống “đa phương thức” xử lý cả văn bản và hình ảnh.
Giải pháp có hồn
Đầu tháng 12, Tiến sĩ Lương đến thăm trường trung học cũ của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và đưa AlphaGeometry cho giáo viên cũ của mình và là một người thầy I.M.O. Lê Bá Khánh Trình. Tiến sĩ Lê từng đoạt huy chương vàng cao nhất tại Olympic 1979 và giành giải đặc biệt cho bài giải hình học tinh tế của mình.
Tiến sĩ Lê đã phân tích một trong những cách chứng minh của AlphaGeometry và thấy nó đáng chú ý nhưng chưa thỏa đáng. Tiến sĩ Lương nhớ lại: “Thầy Trình thấy nó máy móc và cho rằng nó thiếu linh hồn, vẻ đẹp của một giải pháp mà ông đang tìm kiếm”.
Tiến sĩ Trịnh trước đó đã đề nghị Evan Chen, nghiên cứu sinh tiến sĩ toán học tại M.I.T. – và một người thầy I.M.O. người đã đạt huy chương vàng Olympic – kiểm tra một số công việc của AlphaGeometry. Ông Chen nói điều đó là đúng và ông nói thêm rằng ông rất tò mò về cách hệ thống tìm ra giải pháp.
“Tôi muốn biết làm thế nào mà chiếc máy lại có thể đạt được điều này,” anh ấy nói. “Nhưng ý tôi là, về vấn đề đó, tôi cũng muốn biết con người đưa ra giải pháp như thế nào.”
NGHE THÀNH PHỐ THỞ
Thảm họa cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hũ Quận 8 xảy ra những ngày đầu tháng Tư nắng như nung lại một lần nữa đặt ra vấn đề rất cấp thiết về việc phải khẩn trương di dời toàn bộ các khu nhà ổ chuột tồn tại nhiều năm qua, ở ngay khu vực trung tâm.
Tất nhiên bất cứ một dự án di dời nào cũng đều phải quan tâm đến vấn đề chỗ ở cho bà con sau giải tỏa, họ là một phần cư dân của thành phố, có thể đã đến đây sinh sống và lập nghiệp từ rất rất lâu rồi, trước cả các bạn hay là mình. Nhưng trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn đủ sức khỏe hay trí tuệ hay cơ hội để có thể có khả năng tạo cho mình một một sự thay đổi.
Những ngôi nhà ổ chuột này đều là nơi cư ngụ của những bà con nghèo, cái nghèo hiển hiện giữa một đô thị giàu lúc nào nhìn nó cũng “nghèo” và “buồn” hơn, cho nên giải pháp gì cũng phải tính đến yếu tố nhân văn.
Và không hề đơn giản. Tuy vậy, nhất thiết vẫn phải làm.
Mình nghĩ ở đất nước này không đâu như Sài Gòn, luôn sẵn sàng dang tay đón (mà khó có thế nói không, vì “đât lành chim đậu” mà, giờ em đã trót yêu anh rồi thì mấy núi cũng leo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua chứ biết sao giờ :)) đủ mọi tầng lớp, kiểu người đến đây cư ngụ và kiếm sống (dễ kiếm tiền là điều rất quan trọng, bạn cứ thử đói một ngày đi là hiểu),
thì nhà nước ta cũng nên có những chính sách hỗ trợ hết mức có thể cho thành phố trong việc giải quyết những vướng mắc từ vấn đề giải tỏa mặt bằng, vốn luôn phức tạp rối rắm như canh hẹ.
Nói thật đi dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt, một con đường xuyên tâm thành phố, một con đường sát ngay và đồng thời là trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa, giải trí…., nơi tập trung rất đông du khách quốc tế của một đô thị lớn nhất nước và có tầm cỡ khu vực nhưng dễ dàng đập ngay vào mắt chúng ta là hình ảnh những dãy nhà tạm bợ, nhếch nhách, bẩn thỉu trên con kênh đen ngòm và nước đặc quánh cứ thấy vừa buồn và vừa tiếc.
Nơi đây đã có thể là một nơi đẹp đẽ hơn rất nhiều!
Bộ mặt của một trung tâm du lịch, một cửa ngõ đón du khách quốc tế lớn nhất cả nước, với khoảng 5 triệu lượt người một năm thì không thể chỉ là hình ảnh riêng của thành phố Hồ Chí Minh. Đó còn là hình ảnh quốc gia, trong thời đại của sự dịch chuyển và toàn cầu hóa.
Mình thì nói thật lòng, với mình, chuyện ăn mặc, đẹp thì càng tốt mà nếu không có điều kiện chưng diện được thì chỉ cần sạch sẽ gọn gàng thôi là đủ không quá quan trọng quần áo phải hàng hiệu đắt tiền (tất nhiên ai có tiền thì cứ tiêu mình không có ý kiến, mỗi người chi tiêu như nào là quyền của họ, vì còn phụ thuộc vào tài chính cá nhân và đặc thù nghề nghiệp)
Nhưng mình rất thích cảnh quan thiên nhiên đẹp; hình ảnh những con đường đẹp, sạch và nhiều cây trong một đô thị lớn và đông đúc sẽ làm mát và xua đi rất nhiều cái sự ngột ngạt, đông đúc hay căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.
Những khoảnh khắc dừng lại dưới những tán cây rợp bóng mát hay chỉ để ngắm những bông hoa giấy rực đỏ chìa ra ngoài một con hẻm nhỏ luôn là những thứ làm cho tâm hồn và trái tim mỗi người thêm thiện và đẹp hơn.
Và những thứ đó thì dù bạn giàu hay nghèo cũng đều có cơ hội hưởng thụ như nhau
Bạn cứ tưởng tượng đi nếu hai bên con đường dọc tất cả các tuyến kênh của Thành phố là những rừng cây và hoa đan xen nhau, sắc xanh lục của lá, sắc vàng hay tím hay hồng hay đỏ của hoa quanh năm đua nở như những dải màu sắc uốn lượn, soi bóng xuống dòng nước xanh lam, mát lành,
há chẳng phải là điều quá tuyệt vời sao?
Mình đã từng có thời gian làm cho một doanh nghiệp Việt nam mà văn phòng đặt ngay tại một con đường sầm uất nhất, một trung tâm buôn bán của người Hoa ở Quận 5 nên cơ bản khá rành những con đường ở khu vực này.
Một trong số đó là Bến Chương Dương và Hàm Tử tiền thân của đường Võ Văn Kiệt hiện giờ
ĐẠI LỘ VÕ VĂN KIỆT
Phần lớn chiều dài của đại lộ Võ Văn Kiệt đi qua nội đô thành phố, cặp theo bờ bắc của kênh Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Đoạn đường này có từ thời Pháp thuộc với tên gọi route basse de Saigon à Cholon (đường Sài Gòn – Chợ Lớn dưới) để phân biệt với route haute de Saigon à Cholon (đường Sài Gòn – Chợ Lớn trên, vốn là một phần của con đường cái quan có từ trước đó, nay là đường Nguyễn Trãi.
Về sau, đường này được chia làm ba đoạn và lần lượt được đặt ba tên khác nhau.
Đoạn thuộc địa phận thành phố Sài Gòn (từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay) được gọi là Quai de l’Arroyo Chinois, đến tháng 10 năm 1914 thì đổi thành Quai de Belgique (có nghĩa là “Bến Bỉ Quốc”, tên được đặt để thể hiện sự ngưỡng mộ của chính quyền thuộc địa đối với phong trào đấu tranh của Bỉ chống lại cuộc xâm lược của Đức vào giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ nhất).
Đoạn tiếp theo (từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) gọi là Quai de Choquan (Bến Chợ Quán).
Đoạn còn lại (từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến rạch Lò Gốm) được gọi là Quai de Mytho (Bến Mỹ Tho).
Bên cạnh đó, vào khoảng năm 1890, chính quyền còn cho xây dựng một tuyến đường sắt dài 6 km chạy từ Sài Gòn vào đến Chợ Lớn dọc theo tuyến đường này.
Năm 1952, chính quyền Quốc gia Việt Nam đổi tên Bến Chợ Quán thành Bến Ngô Quyền, Bến Mỹ Tho thành Bến Lê Quang Liêm.
Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lại đổi Quai de Belgique thành Bến Chương Dương, Bến Ngô Quyền thành Bến Hàm Tử.
Năm 1985, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên Bến Lê Quang Liêm thành đường Trần Văn Kiểu.
Ngày 5 tháng 7 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng đại lộ Đông – Tây Thành phố. Trong đó 8,2 km của dự án này đi theo hướng tuyến của đường Trần Văn Kiểu, đường Hàm Tử và Bến Chương Dương.
Dự án được khởi công vào đầu năm 2005, một trong các gói thầu là “xây dựng đường phía tây và mở rộng đường ven kênh”.
Ngày 2 tháng 9 năm 2009, giai đoạn 1 của dự án từ Quận 1 đến huyện Bình Chánh được thông xe.
Ngày 21 tháng 4 năm 2011, đoạn đường này chính thức được đặt tên là đường Võ Văn Kiệt như hiện nay, các tên đường Bến Chương Dương và Hàm Tử bị xóa bỏ, riêng tên đường Trần Văn Kiểu được chuyển sang đặt cho đường số 11 thuộc khu dân cư Bình Phú, Quận 6.
Một trong những điều rất hay và khá lạ lẫm với một người nhập cư như mình ở tuyến đường Võ Văn Kiệt này là có nhiều các biển hiệu ở những căn nhà mặt tiền ghi “Chành xe”.
Dọc suốt cả con đường cứ một đoạn lại là một biển “Chành”, nhiều nhất là các chành về các tỉnh miền Tây, ví dụ :Chành Mỹ Tho; Chành Bạc Liêu; Chành Cà Mau; Chành Sa Đéc…
Vậy các bạn có thắc mắc “Chành xe” là gì không?
Chành xe là thuật ngữ để nói về dịch vụ vận tải hàng hóa. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Triều Châu – Trung Quốc, được sử dụng nhiều ở miền Tây, miền Nam của Việt Nam.
Chành xe có thể được hiểu đơn giản là:
-Nơi kinh doanh vận chuyển hàng hóa và hành khách, có điểm giao và nhận rõ ràng chính xác. Thông thường điểm giao nhận chính là địa chỉ chành xe ở hai đầu vận chuyển.
-Là công ty kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Điểm mà khách hàng cần lưu ý khi sử dụng chành xe để vận chuyển hàng hóa là:
– Chành xe có hoặc không có phương tiện vận chuyển. Chành xe có thể thuê công ty vận tải nhằm giảm chi phí kinh doanh.
– Phí chuyển phát nhanh hành khách thì có theo quy định của tuyến đường hoặc quy định của chủ chành xe tuy nhiên cước phí vận chuyển hàng hóa không có đơn vị đo lường tính toán theo quy định mà hầu hết là ước chừng theo quy định của chủ chành xe.
Hệ thống chành xe thường phát triển và được sử dụng rộng khắp các tỉnh miền Tây, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Sau này, khi nhu cầu vận tải hàng hóa của khách hàng gia tăng, một số chành xe đã phát triển dịch vụ ra xa hơn như các tỉnh miền Trung, miền Bắc…
Các chành xe dày đặc khu vực ven con kênh Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tàu hũ trên đường Võ Văn Kiệt trải dài suốt các Quận 1, 4,5,6,8 chứng tỏ khu vực này từ xưa đã là một trung tâm mua bán sầm uất của đất Sài Gòn- Gia Định.
Một nơi giao thương buôn bán hàng hóa nhộn nhịp trên bến dưới thuyền , không chỉ trong nội nước An Nam mà còn với cả nhiều quốc gia khác.
Các bạn đọc thử một vài quảng cáo trên báo L’Ère Nouvelle xuất bản ngày 28/8/1926 để hiểu thêm về một nền thương mại đặc sắc của Sải Gòn nhé!
Phải nói Văn phong và ngôn từ được sử dụng quá là hay! Vừa sang trọng, lịch thiệp lại vừa gần gũi, dễ thương.
Đó cũng chính là một nét văn hóa Sài Gòn xưa, dù ngày nay phần nào mai một nhưng đâu đó và vào những thời điểm nào đó chúng ta vẫn còn bắt gặp.
Đó cùng là cái vốn quý của Sài Gòn, một vùng đất hào sảng và ấm áp.
Như ánh nắng rực rỡ Tháng Tư trên thành phố này
1.
Quảng cáo của Luật sư Phan Văn Trường
Về việc kiện tụng
Các đồng bào hễ khi nào có việc kiện thưa chi, trước hết nên tới Sài Gòn đường Mac-Mahon, số 116
Hỏi ông trạng sư
Phan Văn Trường
Nguyên trạng sư tòa thượng thẩm thành Paris
Ông sẽ nói trước cho biết việc ấy hay dở thế nào, và chỉ cách cho mà theo, khỏi lầm đường và khỏi tốn công tốn của.
2.
Quảng cáo của tiệm Viên An
Boulevard Bonhoure No.14
Bán sỉ và bán lẻ
Bán xe máy hiệu BRILLIANT tốt nhứt và nhiều thứ hiệu khác
Đồ phụ tùng theo xe máy đủ thứ và giá rẻ
Bổn hiệu mới lại thử xe “BRILLIANT” thiệt tốt mà chắc lắm. Có hơn 20 năm danh tiếng trong Nam Kỳ. Khi trước nhà Mottet trữ bán. Thứ xe nầy thiệt nhẹ nên mới ra đua kỳ nào cũng có ăn hết. Hôm ngày 14 Mars 1926 đua trên Plate 5,000 thì Thiên (Maurice) ăn hạng nhứt, Xuân hạng nhì. Hôm 21 Mars chạy 2,000 thước, Xuân ăn hạng nhứt, còn chạy 5,000 thước thì Thiên (Maurice) hạng nhì. Còn kỳ vô địch 2,000 thước hôm ngày 28 Mars thì Thạch ăn hạng nhứt , hết thảy cũng đều cỡi xe “BRILLIANT” có đủ thứ màu.
Xin quí vị đến bổn tiệm xem chơi cho biết.
Ở Lục-tỉnh có muốn mua sỉ hay là mua lẻ viết thơ thương nghị. Và có trữ đồ phụ tùng nhiều lắm.”
3.
Quảng cáo đèn cầy
Thiệt là tiện và lại có lợi
Là thứ đèn cầy hiệu “SAM-KONG” đốt không khói, mà ít hao, không có mùi như các thứ khác, còn sự sang ít thứ sánh cho bằng; nhưng vậy mà giá lại rẻ.
Xin quí vị ai có dùng xin nài cho được thứ đèn cầy hiệu “SAMKONG” đỏ hay trắng thì thấy sự lợi nhiều.
Bán sỉ và bán lẻ tại hãng Lucien Berthet Cie ở đường Mac-Mahon môn bài 66 và tại các nhà hàng cùng tiệm chạp-phô toàn trong cõi Đông-Pháp.
Ba hiệu: Hình thánh giá. Hai Trái đất. Hai sư tử cầm trái đất.
SAMKONG CANDLES FACTORY.
4.
Quảng cáo Tiệm làm đồ nữ trang
A.-Chanh
Đường Ohier, số 7, Saigon
Bổn hiệu có thợ thiện-nghệ, lãnh làm đủ kiểu đồ nữ-trang bằng vàng và hột xoàn theo kiểu kim thời. Công việc làm đã kỹ lại tinh-xảo hơn các nơi. Quí khách đến viếng bổn- hiệu và xem công cuộc của bổn-hiệu sắp đặt đặng toại lòng. Tính giá thiệt nhẹ.
A.-Chanh
5.
Quảng cáo Đồ sứ và đồ sành
Kính trình Lục-châu quí-khách đặng rõ: Bổn tiệm thân tự chuyên bán các thứ đồ sành và đồ sứ ở tỉnh Giang-Tây (1) bên Tàu đem qua. Đồ cổ-ngoạn có, kim -thời có, cũng có huê thảo nhân vật thứ thì bông chìm, thứ thì bông nổi v.v….những đồ nầy càng dùng lâu ngày càng tốt không hề xuống màu.
Tiệm chúng tôi bán giá hạ hơn các nơi là bởi bổn-tiệm chúng tôi mua cất tại chỗ làm. Vậy xin Lục-châu-quí -khách các ngài mô muốn chưng dọn trong nhà cho sang trọng, vườn cảnh cho ngoạn nhỉ mục, đồ ăn thức đựng cho lịch-sự xin hãy dời gót lại hiệu Phúc-Xương-Hằng số nhà 22 đường hẻm Gia -Long Chợ-Lớn, chúng tôi hết lòng hoan nghinh
Phúc-Xương-Hằng Tư Trang
Kính cáo
6.
Quảng cáo hàng lụa
Wishwanath Bazar
Naraindas Thadharam Cie
Commercant du Bombay
Quai de Vinh – Phuoc – SADEC
CÁO BẠCH
Kính cùng Lục-châu quí bà đặng rõ. Bổn hiệu có mở một ngôi hàng rất lớn, bán rong các thứ hàng lụa trong toàn cầu: như hàng Tây, hàng Nhựt-Bổn, hàng Huê -Kỳ, hàng Bombay và hàng Bắc đủ kiểu và đủ màu.
Hàng của bổn hiệu thiệt, rộng tin những đồ thượng hạng rất chắc và rất đẹp của mấy hãng có danh tiếng bấy lâu nay bên Âu-Mỹ.
Bổn hiệu buôn bán rất thật thà và người của bổn hiệu dùng bán rất nên khuôn phép, tuy là người Bombay chớ ở xứ Nam đã lâu rồi nên lời ăn tiếng nói rất nên nghĩa và chẳng hề xảo trá. Còn giá cả thì tính rất phải chăng, chớ không phải như mấy tiệm khác đâu.
Bổn hiệu cũng chuyên gởi hàng đi Lục- tỉnh như quí ông quí bà không thể đến tiệm đặng, xin cứ viết thơ thì bổn hiệu cũng vui lòng mà hồi âm lại cùng muốn mua chi bổn hiệu cũng gởi lập tức.
Bổn hiệu gởi đồ không tính tiền chở chuyên, đều về phần bổn hiệu chịu cả.
Như quí ông quí bà có diệp [việc] chi đi Sadec xin ghé tiệm tôi một khi thì mới rõ.
Vài lời thành thật xin quí ông quí bà chiếu cố.
NAY KÍNH.
(Mình trích từ Sách “Sài Gòn- Chợ Lớn, Ký ức đô thị và con người” của tác giả Nguyễn Đức Hiệp. Một cuốn sách hay về Sài Gòn)