Mình nhớ truyện đầu tiên mà mình tự đi mua ở nhà sách là “Đất rừng phương Nam”. Cuốn sách có bìa màu xanh lá, chỉ nhỏ bằng bàn tay, rất xinh xắn đã thu hút mình ngay khi nhìn thấy.
Mang về mình đọc hết một mạch trong buổi chiều luôn vì chuyến phiêu lưu của chú bé An ở miệt rừng Tây Nam Bộ quá là hấp dẫn qua ngòi bút của nhà văn Đoàn Giỏi.
Lúc đó mình cũng tầm học lớp 6 và dù là An ở tít nơi tận cùng của Tổ quốc, lại là miền đồng bằng và bối cảnh thì cách bọn mình đến khoảng 50 năm. Tức là về mặt không gian và thời gian đều khác nhau.
Nhưng qua mỗi trang sách mình vẫn tìm thấy trong đó những sự tương đồng trong cuộc sống của An, của Cò với thế hệ bọn mình. Đó là những đứa trẻ lớn lên trong thời kỳ mà chưa có sự xâm nhập của công nghệ, khi mà đời sống thường ngày đều gắn chặt với thiên nhiên, khi mà cha mẹ còn vất vả mưu sinh nên trẻ em gần như tự do vùng vẫy trong không-thời gian ấy của mình.
Tất nhiên không ai phủ nhận những tiến bộ của khoa học -kỹ thuật đã thay đổi sâu sắc đời sống của con người, mà phần nhiều là theo chiều hướng tốt hơn lên. Ví dụ như bây giờ chúng ta thử tượng tượng “không có điện” mà xem, chắc chắn sẽ cảm thấy khổ sở lắm lắm vì bao nhiêu những tiện nghi đều liên quan tới nó,
Tuy vậy, cái giá phải trả đi kèm là không nhỏ khi trẻ em ngày nay thiếu hẳn đi một không gian sống rộng mở, chan hòa với đất trời và cỏ cây. Nơi chúng có sự tương tác thật sự với những người bạn cùng trang lứa để giải quyết những bài toán mà chúng gặp phải trong những chuyến phiêu lưu thẫm đẫm không khí tuổi thơ.
Nhưng biết làm sao được, thôi thì ta cứ an ủi nhau, được cái này thì mất cái khác. Một trong cái được nhất của các em bây giờ đó là được tiếp cận nguồn tri thức bao la của nhân loại một cách dễ dàng hơn. Sách hiện nay vừa đẹp mà lại phong phú, đa dạng về nội dung. Điều mà ngày nhỏ thế hệ mình mơ cũng chẳng có.
Nói đến truyện mình lại nhớ hai cuốn truyện mà thằng em trai mình lọc cọc đạp xe ra thư viện khu vực mượn về nhà cho mình trong một mùa hè một năm cấp ba nào đó là “Trà hoa nữ” của Alexandre Dumas và “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của Paustovski,
cuốn đầu tiên thì giấy vàng ố, chưa kể cứ đọc một đoạn là lại mất biến đâu một trang.
cuốn thứ hai thì gáy xộc xệch và chi chít chữ ở những chỗ hơi trống, trong đó mình nhớ mãi một câu của một anh chàng nào đó gửi cho cô gái trong mộng của anh ta “anh ước mình là bình minh mưa để những đóa hồng vàng luôn rực rỡ” :))
và đọc đến trang cuối cùng thì mình thấy nét chữ con gái: “mời anh xem lại ý nghĩa của hoa hồng vàng trước khi ước” :))
Không biết bạn gái nào hóm hỉnh thế không biết, anh chàng kia thì có lẽ không mượn lại truyện đâu nên chắc chẳng biết. Nhưng những người đọc sau, giống như mình, thì lại như đang được đọc thêm một câu chuyện,
của cái thời nghèo khó, sách dù vừa cũ vừa nát vừa bị ngắt quãng, vẫn cứ đọc say mê không bỏ trang nào,
kể cả là màn đối thoại của những người chả ai biết là ai kia.
