Tàu về đến ga Hà Nội đúng giờ dự kiến: 4h30. Buổi sáng hè ngày đầu tiên của tháng Sáu Hà Nội mát hơn mình nghĩ nhiều,
-Vì mới mưa đấy em, chứ mấy hôm trước nóng lắm!
mình mới quay qua nói với con gái về nhiệt độ ngoài trời thế thì nghe ngay lời giải thích của một bác trai đứng ở cửa ga trên đường Lê Duẩn
– Bác gì, anh chỉ hơn cô độ chục tuổi thôi. Cô tầm hơn bốn mươi chứ mấy. Thế hai mẹ con về đâu?
-Cám ơn anh em đang đợi người nhà đến đón.
-Từ Sài Gòn ra đúng không? Thế quê cô ở đâu?
-Dạ. Em quê Thái Nguyên.
-Ồ. Trùng hợp thế, tôi làm cho cái hãng xe liên tỉnh lớn nhất tỉnh cô đấy. Nhưng nhà tôi ngay đây thôi, bên phố Khâm Thiên ấy. Sài Gòn tôi có nhiều cô dì chú bác trong đó lắm. Vào từ trước 54, trước 75, hay sau này đều có cả. Tôi cũng mới từ Biên Hòa ra thôi, vào dự cưới cháu bà dì ấy mà. Cô có biết Biên Hòa không?
– Dạ chỗ em giáp Biên Hòa mà.
-Vậy là cô ở Thủ Đức. Thủ Đức rộng lắm. Đứa cháu tôi nó ở ngay gần sông Sài Gòn ấy. Sài Gòn có cái dịch vụ xe buýt trên sông quả thật quá hay, tôi đi mấy lần rồi, rất thích!
Anh làm dịch vụ cho một công ty vận chuyển nào đó ở tỉnh mình nói đến đây thì em mình đến đón nên cuộc đối thoại chấm dứt. Kiểu nói chuyện tự nhiên, thoải mái với người lạ cứ như thể họ là người thân quen có thể bắt gặp ở rất nhiều người Hà Nội gốc ở những khu phố cũ. Lịch sự lắm, dù là xe ôm chăng nữa các bác cũng phải ăn vận chỉnh tề, sơ vin đóng thùng nghiêm ngắn.
Hà Nội trong mình luôn ăm ắp những ký ức và kỷ niệm của một thời sinh viên tươi đẹp. Nơi đã từng là ước mơ và khao khát của biết bao những học sinh tỉnh lẻ thế hệ mình là được rời nhà để bước chân vào một trường đại học nào đó ở Thủ đô.
Được học ở Hà Nội, đi dạo quanh Bờ Hồ, ăn kem Tràng Tiền, mua một cuốn sách ở những phố sách khu phố cổ…đã từng là một điều gì đó rất cao sang với chúng mình dù cho khoảng cách từ nhà mình đến trung tâm Hà Nội là Tháp Rùa chỉ chưa đến 80km.
Giờ thì khác nhiều lắm rồi. Con đường cao tốc rộng đẹp nối Hà Nội với quê mình đã rút ngắn thời gian di chuyển xuống chỉ chưa đầy tiếng rưỡi. Việc đi lại chưa bao giờ dễ dàng đến thế với đủ loại hình vận tải vô cùng tiện lợi.
Sáng nay mình rời Hà Nội khi đi qua cầu Nhật Tân thì vừa lúc mặt trời nhô lên. Đỏ rực, to tròn như quả cầu lửa, đẹp tuyệt vời. Con mình reo lên khi thấy bình minh mùa Hạ trên sông Hồng. Tiếc là mình chụp hình chán quá, không bắt được cái đẹp của nó.
“tôi mơ về Hà Nộiđể nghe gió sông Hồng thổi”
Giờ không phải mùa đông như trong bài hát. Và mình đang không mơ, mà là thực. Mình đang thực đón gió lồng lộng từ sông Hồng mùa hạ.
Một sông Hồng với nước đục ngầu vào mùa mưa bão tháng 7, với những bãi bồi nương ngô. Những bắp ngô nếp mềm dẻo nhờ phù sa màu mỡ châu thổ.
Con đường về Thái Nguyên quê mình đi qua ngoại thành thuộc phía Bắc Hà Nội: Gia Lâm- Đông Anh-Sóc Sơn. Những vùng đất đều thấm đẫm những chứng tích lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
Cổ Loa thành và núi Sóc nơi tương truyền Thánh Gióng sau khi quét sạch giặc Ân đã bay về Trời là hai nơi mình nghĩ bất cứ ai cũng nên đến thăm một lần. Mình đã thực sự rất xúc động khi đưa con mình thăm hai địa danh này cách đây mấy năm. Có cảm giác rằng khi đó mình đang không còn ở hiện tại nữa mà đã đang lùi đi cả thiên niên kỷ để chứng kiến những sự kiện -truyền thuyết như thực như mơ.
Cổ Loa nhỏ bé nhưng duyên dáng và ẩn chứa trong mỗi câu chuyện nơi thành quách cổ này là những bài học lịch sử lớn lao, không bao giờ cũ.
Khu di tích Thánh Gióng giống như một khu rừng nguyên sinh, với những cây cổ thụ to lớn uy nghiêm mà mình nghĩ có khi chúng cũng phải già cỡ mấy trăm năm. Rồi cả những cây tre ngà mà Thánh Gióng đã nhổ vẫn mọc đầy dọc đường lên đỉnh núi.
Những am thờ, những đền thờ và tượng thần đều vững chãi trước sương gió thời gian, qua bao nhiêu triều đại thịnh rồi suy, đều khiến mình thấy lịch sử và quá khứ hiển hiện rõ hơn bao giờ hết, ở hiện tại.
Núi Sóc sát ngay Thái Nguyên nhà mình. Nếu bạn hỏi Thái Nguyên ở đâu thì mình muốn nói rằng nhà mình thật gần nơi mà cậu bé Gióng vì yêu nước đã lớn nhanh như thổi để có thể đi đánh giặc.
Nhà mình nằm ngay trên con sông Cầu chảy xuống tận mạn xứ Kinh Bắc. Con sông Cầu chính là sông Như Nguyệt, nơi Lý Thường Kiệt đã đánh tan quân Tống xâm lược vào năm 1077 và viết lên bản tuyên ngôn bất hủ, bản tuyên ngôn đầu tiên khẳng định chủ quyền của nước Nam ta:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở”
Đi qua Sóc Sơn với những hàng cây phủ xanh ven đường là mình đã về đến quê nhà mình,
quê nhà mình mới bước chân vào là mình thấy đúng thật là quê nhà rồi, là mình đã về đến nhà rồi,
chỉ bởi những đồi chè thấp thoáng ẩn hiện, thân thuộc muốn rưng rưng…

Đồi chè Thái Nguyên