“Mùa hè, hoa gạo rụng đỏ ối, mặt nước sông Tô Lịch lên to, ngập vào tận thềm đá sân đình. Từng bè sen Nhật có những con chuồn chuồn ớt đỏ cháy chăm chú đậu trên nhánh hoa bèo phớt tím từ Hồ Tây trôi về, không biết còn trôi đến đâu.
Sự tích vết thừng trâu vàng đi tìm mẹ quệt thành sông Tô Lịch càng kéo dài thêm nguồn tưởng tượng mênh mang theo con sông thần tiên đến tận vùng trời nước liền nhau nào mà trẻ con chúng tôi gọi là nơi Ba Bục đầy bí hiểm.
Trên bãi Cơm Thi đầu làng có cả một xã hội mà trong đó, trẻ con với mọi loại cây cỏ chim muông và những con vật nho nhỏ đã thật quen biết nhau.’
(𝐂𝐡𝐮́ 𝐛𝐨̂̀ 𝐧𝐨̂𝐧𝐠 𝐨̛̉ 𝐒𝐚 𝐦𝐚́𝐜 𝐜𝐚𝐧/ 𝐓𝐨̂ 𝐇𝐨𝐚̀𝐢)
Mưa dù từ đêm nhưng bầu trời ban mai nhìn vẫn không nhẹ nhõm đi chút nào
-Kiểu này ít cũng còn phải mưa đến trưa con ạ!
mẹ nói với mình khi lên phòng trên lau dọn, chuẩn bị lọ hoa và thắp hương trên bàn thờ phòng ngoài. Hôm nay là mùng một.
Mình nhìn sang mái hiên nhà đối diện, những cánh hoa giấy phớt hồng, mỏng manh rơi lả tả xuống tấm tôn gỉ sét, xỉn màu, từ ban công của một gia đình yêu hoa.
Hoa phủ choán hết gần mặt tiền tầng hai. Những giỏ hoa treo đung đưa theo gió, âm thanh của sự chuyển động chỉ có thể được cảm nhận bằng thị giác. Tiếng nước chảy xối xả từ những cái máng nước từ tầng trên của mỗi nhà đã át đi tất cả.
Quá giờ ăn sáng, nhóc cháu, một đứa bé vừa qua tuổi lên mười lên bà chơi. Thấy bạn đến, chú bé cùng dãy nhà mình vội phi sang ngay. Chúng cùng tuổi, học cùng lớp nên thấy nhau thì vui ra mặt vì có hội để chạy nhảy, hò hét.
-Mưa quá, mấy bà cháu mình chơi tú lơ khơ đi!
Dù biết mưa còn dai nhưng mẹ vẫn mang sẵn xe ra trước cửa để chạy đi đâu đó. Mua bán cái nọ cái kia, tạt qua người này người nọ. Những người bạn già, người thì than tự nhiên đau chân quá, người thì vừa đi Hà Nội tái khám khối u vừa được phát hiện.
Nhưng mưa chưa dừng đâu, còn lâu. Mẹ biết thế nên rủ con cháu chơi bài tiến lên,
đã bao lâu mình không chơi bài rồi nhỉ? Có lẽ phải đến gần ba chục năm.
Ký ức lại đưa mình về những đêm hè trên dãy tập thể của mấy chục năm trước ấy.
Mùa hè, nắng tắt muộn, ngày kéo dài đến tận bảy, tám giờ tối. Giờ đó là lũ trẻ bọn mình cũng rảnh lắm rồi, ăn uống, vệ sinh cá nhân đã xong xuôi cả. Nói chung sạch sẽ và dư thừa năng lượng để hết mình cho những cuộc “quậy” tưng bừng.
Đầu tiên là những trò kinh điển, kiểu như “Trốn tìm”: Năm, mười, mừoi lăm, hai mươi…Đứa oẳn tù tì mà thua thì sẽ phải lãnh vai trò là người đi tìm. Nó úp mặt vào bức tường, nhắm mắt và đếm đến khi đủ một trăm thì mắt mở và nhào vô cuộc tìm kiếm lũ bạn đang ẩn nấp tứ tung.
Đứa thì chạy đại vào một nhà nào đó, nấp sau cánh cửa, trẻ em xưa coi nhà hàng xóm chả khác gì nhà mình. Rảnh là chúng chạy sang, đói thì chúng ăn trực cơm nhà hàng xóm. Ăn cơm nhà mình có khi ngậm đến cả tiếng nhưng ăn cơm nhà bên thì cứ tì tì. Vì khi có bạn thì chúng cùng nhau đua ăn.
Đứa thì nhảy vào những vườn cây um tùm.
Những luống rau đay cuối mùa, cây đã cao lút đầu luôn là sự lựa chọn số một. Trên thân cây đay lá đã vàng úa, đang lụi tàn, chỉ còn lại những quả già cho hạt giống,
kể ra rau đay cũng có số phận khá hẩm hiu, nó ít khi nào tự thân được chế biến thành một món canh. Vì nhớt quá, người ta chỉ có thể nấu rau đay kèm mồng tơi cho món canh cua thần thánh hay đơn giản hơn combo mồng tơi-rau đay-mướp hương là đã được bát canh ngày hè mát ruột rồi. Nó mãi chỉ như một thứ rau phụ đắp vào, có thì càng ngon, không có cũng chả sao.
Đứa thì chạy tít xuống bụi tre gần cánh đồng vừa mới gặt. Cánh đồng đã bớt mùi thơm hương lúa nên cào cào châu chấu đã vãn đi nhiều.
Chứ khi tháng Sáu, những bông lúa mới chín rộ, trĩu xuống gốc cây một màu vàng óng thì cũng là lúc những loài vật của “đồng quê” này sinh sôi nảy nở mạnh mẽ, thể hiện vai trò bá chủ,
nhiều quá, nên có khi chúng theo ánh điện mò cả vào đến trong nhà của bọn mình ở tận trên đồi.
Tự nhiên hay ở chỗ đó, những dấu hiệu thời gian được nhận biết dựa vào hoạt động của loài vật, cây cỏ. Kiểu như cào cào mà vào nhà là biết mùa gặt đang tới, tháng Sáu đã đến rồi!
Bọn mình hay bắt cào cào rồi bỏ vào cái ống bơ. Những đứa trẻ đen nhẻm, buổi trưa không bao giờ ngủ mà toàn lao xuống cánh đồng dưới chân đồi cho những hành trình khám phá thiên nhiên bất tận.
Cứ mê mải như thế, dưới nắng, và có khi cả dưới mưa. Đầu trần, chân đất. Chỉ có ánh mắt là luôn lấp lánh rạng ngời!
Đứa đi tìm cứ gọi là chạy phờ phạc, bở hơi tai. Nhưng cũng chẳng tìm hết những đứa trốn, nên toàn được đồng bọn thương tình mà đổi cho đứa khác đảm nhận vai trò này. Đêm tối mờ mịt, không gian mênh mông, trẻ em thì hay nôn nóng. Sao tìm hết nổi?
“Trốn – Tìm” là trò chơi kinh điển của trẻ em xưa có lẽ vì nó cho con trẻ sự vận động, cả chân tay và trí óc. Chẳng thế mà ca sĩ Đen Vâu mới viết:
“Nhiều khi ta muốn ta được bé lạiĐể khi đi trốn có người đi tìm”

Nó làm cho mỗi người cảm thấy như được tưới mát. Sự mát mẻ đến từ trong tâm hồn, khi ngước lên nhìn vầng trăng giữa ngàn sao lấp lánh, tự nhiên bao bức bối do cái nắng hạ đem đến vào ban ngày đều tan biến đi cả.
Chúng ta được vỗ về bởi trăng mùa hạ, nếu bạn thích gọi đó là sự “chữa lành” thì cũng chẳng hề sai.
Trăng lên. Trời vẫn lặng gió. Ve đã đi ngủ. Im bặt. Nhưng lũ trẻ thì còn lâu,
chúng bắt đầu lôi tú lơ khơ ra chơi,
Đi kèm đó không thể thiếu mấy cái nồi mà thành hay mặt đáy ngoài đều đen xì. Ngày xưa nấu ăn bằng bếp củi nên mới có nhọ nồi. Nhọ nồi để làm gì thì chắc chẳng ai người lớn chúng ta mà không biết.
Bộ bài thời xa xưa ấy, mỗi một quân là một nhân vật của Tây Du Ký. Chuyến thỉnh kinh sang Tây Trúc của bốn thầy trò Đường Tăng chưa bao giờ hết hấp dẫn với lũ trẻ, vốn thiếu thốn những trò giải trí nghe nhìn.
Năm này qua năm khác, đài truyền hình cứ chiếu đi chiếu lại bộ phim với ca khúc mà đứa trẻ nào cũng có thể nghêu ngao hát “Đây là hành lý anh mang. Tôi cầm cương dắt ngựa”.
Năm này qua năm khác, lũ trẻ vẫn mong ngóng xem “Tôn hành giả” cứ như thể đó là lần đầu.
Tứ đại danh tác của đất nước Trung Hoa giàu bản sắc văn hoá, mình đều xem trước khi đọc. Nhưng tuyệt vời ở chỗ, phim hay đến mức, không ai còn nhận ra sự khác biệt giữa một tác phẩm văn chương xếp hàng kinh điển với một tác phẩm điện ảnh (phim truyền hình).
Phim và truyện nguyên tác khớp nhau đến mức, có nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra một “Tôn Ngộ Không” đầy thông minh, tinh nghịch qua dáng hình Lục Tiểu Linh Đồng; một “Đại Ngọc” mong manh, đa tài, đa sầu, đa cảm qua gương mặt đẹp như tranh vẽ của Trần Hiểu Húc.
Bộ tú lơ khơ mang hình ảnh của “Tây du ký” đã cũ mèm vì ngày nào lũ trẻ cũng lôi ra chơi. Đứa thua sẽ bị bôi nhọ nồi đen sì đầy mặt, như những chú hề. Khi kết thúc cuộc chơi thì gần như mặt ai cũng như Bao Công cả.
Chơi bài, một cách tử tế, ít khi nào mà chỉ toàn thắng hay toàn thua lắm. Có lúc này, lúc khác, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Lũ trẻ cứ ngồi trên đầu hè đánh bài như thế, dưới ánh điện lờ nhờ. Tiếng cãi nhau chí choé, tiếng lá bài dập xuống nền gạch là âm thanh của mùa hạ, lúc này.
Chỉ đến khi, bắt đầu vang lên tiếng gọi về đi ngủ của bố mẹ của từng đứa, thì chúng mới chịu buông những lá bài, trong sự nuối tiếc và lại chờ đến đêm mai.
Trăng lúc này đã lên cao đến đỉnh. Và lũ trẻ thì, chỉ vừa xoa xoa đập đập đôi bàn chân chạy khắp nơi cho bớt bụi xong, là mắt đã díp hết cả lại,
buông người xuống giường là chúng đánh một giấc tới sáng, chẳng biết trời trăng mây gió gì nữa.
