Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
(Võ Quảng)
Một trong những đặc điểm nổi bật của mùa hè là ngày dài và đêm ngắn. Hơn bốn giờ sáng bóng tối đã có dấu hiệu rút về phía sau, nữ thần bình minh Eos xinh đẹp khẽ bừng tỉnh. Nàng chỉ chải đầu và rửa mặt chốc lát là trên khắp thế gian loài người đã có đủ ánh sáng tự nhiên cho những sự khởi động tràn đầy năng lượng đón chào một ngày mới.
Xưa kia, một hoạt động thường diễn ra vào sáng sớm là đi chợ. Tuy vậy, ngày nay với sự phát triển vượt bậc của nền sản xuất, thương mại và công nghệ, đi chợ (thuần tuý để mua bán hàng hoá về tiêu dùng cho hộ gia đình) từ lúc còn tinh mơ, dần dần trở nên không cần thiết .
Với mình, những chuyến đi chợ với bà ngoại lúc còn nhỏ, khi trên bầu trời hẵn còn sáng ánh trăng luôn là một hành trình rất thú vị. Lúc ấy, cảnh vật và con ngừoi đang ở vào thời khắc chuyển đổi: Đêm và Ngày; Ngủ và Thức; Nằm im và Chuyển động trong:
một mùa hạ oi bức.
Mờ sáng, từ xa tới gần, râm ran tiếng gáy của những chú gà trống, có vẻ bắt đầu từ những ngôi nhà nép dứoi chân đồi bên kia dòng suối rồi dần loang ra cả cái thung lũng nhỏ. Và những chú gà trống nhà bà không thể đứng ngoài bản hoà ca ban mai ấy, chúng cất lên những tiếng gáy vừa dõng dạc lại vừa khoẻ khoắn, thì cũng là lúc bà mình lục tục trở dậy.
Rất nhanh chóng, bà chuẩn bị đồ lề cho chuyến đi, một đôi quanh gánh với hai cái sọt mà trong đó chỉ là những sản vật vườn nhà: Mấy mớ rau, mấy quả mướp, vài ba quả chanh, mấy củ khoai từ và thi thoảng là một quả mít vừa chín.
Đấy là những hôm bà bán hàng, còn nếu hôm nào không bán mà bà chỉ đơn giản là đi chợ mua đồ thì chỉ cần một cái thúng nhỏ. Vật nữa không thể thiếu là chiếc nón, và tất nhiên, cụ không bao giờ quên thay chiếc quần lụa đen trông có vẻ mới và bóng hơn cái mà cụ đang mặc, cả áo cũng thế! Ai bảo các cụ già không biết điệu nào ?
Sau khi tinh tươm hết thì bà sẽ gọi mình dậy, đó là những hôm mà mình đòi đi chợ với bà. Tỉ tê từ tối hôm trước cơ, rằng mai bà đi chợ thì cho cháu đi với nhé!
Ông mình lúc đó, tất nhiên, cũng đã dậy từ lâu rồi. Mình chạy xuống bếp, nơi ông đang nhóm lửa đun nước, chào ông và lon ton đuổi theo bà đã đi quá gốc na đầu cổng.
Bầu trời buổi sớm mùa hạ cao và tĩnh với nhiều mảng màu đối lập đan xen nhau: trắng, xám, xanh, hồng. Mây mỏng như khói chiều, trắng muốt một màu của thứ bông hảo hạng để lấy sợi. Có lúc mây đứng yên, có lúc lại như đang đi dạo nhờ lực đẩy của một làn gió thoảng.
Trăng và những vì sao rơi rớt lại từ đêm hẵng còn lưu luyến bầu trời lắm, và có lẽ cả với mặt đất. Trăng lúc này đã yếu ớt rồi, nhưng vẻ mỏng manh của nó vẫn đủ sức làm lấp lánh mặt nước của dòng suối nhỏ.
Con suối chảy qua ngay trước mặt nhà bà mình. Dòng suối trong vắt, như một dải lụa uốn quanh thung lũng nhỏ. Thung lũng nằm lọt thỏm giữa những quả đồi thấp. Ven hai bên bờ suối là những cánh đồng lúa đang được nhuộm vàng bởi những đòng lúa chín.
Bạn rất dễ hình dung địa hình của nó nếu bạn đã từng đi Tam Cốc – Bích Động. Một vẻ đẹp nên thơ của sơn thuỷ hữu tình!
Vẻ đẹp đó không hề bị mất đi dù dứoi ánh sáng lờ mờ. Chỉ tiếc là, dòng suối ở thời của mình đã tương đối ô nhiễm vì nước thải công nghiệp.
Hai bà cháu băng qua cây cầu xíu xiu chỉ dài khoảng hơn 5m bắc qua con suối.
Cái cầu nhỏ, nằm sát sạt mặt nước. Mỗi một cơn mưa mùa hạ chỉ vài tiếng cũng đủ để nhấn chìm, không còn có thể nhìn thấy. Còn trong những đợt mưa dai dẳng ngày đêm thì khỏi nói, bạn đừng dại mà băng qua vì có thể sẽ bị dòng nước cuốn trôi!
Khi các điều kiện ngoại cảnh đủ lớn, thì chỉ một con nước nhỏ cũng có thể biến thành những đợt sóng thần ngoài đại dương mênh mông.
Qua cầu, bà và mình bước lên một con đường đất nhỏ. Chỉ một đoạn ngắn là tới một con dốc cao để lên đồi. Đoạn dốc hẹp, có những khúc bị lõm hẳn xuống như một khe hở có thể làm khó cho những người đi xe (đạp), rất dễ bánh xe rơi lọt thỏm vào đó, cứng ngắc, chỉ còn cách là xuống xe mà dẫn bộ.
Còn với những người đi bộ như bà cháu mình thì hoá lại là điều hay vì nó lại tạo ra những chỗ bám chắc chắn để lấy đà trèo tiếp lên dốc, khi đã có chút mỏi chân.
Giống như khi bạn trèo cây vậy, dễ hay khó là tuỳ thuộc vào số lượng và vị trí của những cái trạc (cành đâm ngang) mà cây đó mang.
Mình thích trèo nhãn là vì có nhiều trạc mà bám vào, chứ bảo mình trèo dừa thì bó tay :)). Cây dừa cứ thẳng đuột thế thực sự rất khó leo và khó cỡ vậy mà vẫn leo được thì chỉ có thể là chuyên gia miệt vườn thôi!
Chỗ đoạn này có một cái giếng rộng, một công trình tập thể của một đơn vị nào đó và nó nổi tiếng đến mức mà thường xuyên có trong các câu chuyện kể về đêm của bà mình. Câu chuyện buồn lắm, là vào một đêm trăng thanh gió mát nào đó của một năm đầu thập kỷ 60, có một người con gái tuổi mới đôi mươi, và đẹp như chị Hằng, đã gieo mình xuống giếng tự vẫn. Nàng quyên sinh vì tình.
Người ta khóc thương nàng dại dột và khờ khạo, và tiếc cho một kiếp người qúa ngắn ngủi. Nhưng cũng từ đó có bao điều ma mị được thêu dệt nên quanh khu vực từ dòng suối đến chỗ cái giếng ngay dưới chân con dốc.
Kiểu như nếu đi qua đây những hôm trăng sáng (nhất là đêm rằm) hay những đêm mưa lạnh mùa đông là rất dễ gặp …ma :))
Mình thì lại nhát ma, dù là thần thích nghe kể chuyện ma :)) nhưng khi đi bên người bà bé nhỏ thì tự dưng lại không cảm thấy quá sợ hãi. Bà nhỏ bé, không phải là mẫu phụ nữ đảm việc nhà, hay cằn nhằn nhưng lại rất thương người và rộng rãi.
Thấy ai khổ khổ là lại rủ lòng thương, có bao nhiêu trong túi cũng dốc cho hết. Bà sợ sấm sét mùa hạ nhưng lại hoàn toàn không sợ ma. Đêm tối hoang vu, dù chốn đồng không mông quạnh hay âm u núi rừng bà vẫn một mình băng đi không một chút run sợ.
Khi hai bà cháu lên đến đỉnh dốc đồi thì ánh trăng mờ dần, chỉ còn là một mảnh nhỏ xíu như móc câu treo trên nền trời thăm thẳm.
Quả đồi cao và trải dài, bao bọc như vòng cung quanh một con đường vắt vẻo với một bên là sườn đồi, một bên là ruộng sâu. Biết bao lần trong đêm khuya mình cũng đã từng , cùng với mợ mình, băng qua khoảng tối rùng rợn này. Để sang nhà mẹ đẻ của mợ ngay sát chợ xem ti vi.
Đêm tối, dãy đồi trập trùng như một khối sắt đen sì khổng lồ chỉ trực nuốt lấy những con người bé nhỏ đi ngang nó.
Vào ban đêm, khi đứng trước mặt biển, bạn cảm thấy thiên nhiên mênh mông và bí ấn và đầy tính thần thoại thế nào thì khi bị án ngữ trước mặt một rặng núi cao bạn cũng sẽ bắt gặp lại cảm giác đó.
Núi cao và biển sâu luôn chứa đựng trong đó muôn vàn những điều kỳ bí mà ngay cả khoa học hiện đại ngày nay cũng chưa thể lý giải một cách thuyết phục.
Hai bà cháu, một già, một nhỏ xíu, vẫn cứ thoăn thoắt bước, thi thoảng nói chuyện rôm rả, thi thoảng lại im lặng. Hai chiếc bóng mỏng mảnh đổ dài trên nền đất ngoằng nghoèo cho đến khi:
Trời sáng dần,
Trăng lặn và sao biến mất hoàn toàn.
Màu xanh của núi đồi đậm lên, màu xanh của bầu trời đậm lên.
Ông mặt trời đã thức, toả những tia nắng mùa hạ trong suốt và tinh khiết như nắng thuỷ tinh lên những cánh đồng lúa chín.
Một màu vàng trải khắp đến tận cổng ngôi chợ chỉ họp chốc lát vào buổi sáng
Những mái lợp bằng rạ vàng óng, nhấp nhô phía trước là chỉ dấu cho biết bà và mình chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi là đã đến với thế giới của sản vật đồng quê, linh hồn của những ngôi làng truyền thống Việt!
Đi chợ sớm mai với bà là cả một ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp mà vẫn còn có thể được kể những chương dài
Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!
(Võ Quảng)