Hương mùa hè.24

by Rose & Cactus
Huệ, chị Linh và mình
 
Nhà Huệ và nhà mình ở cùng một dãy tập thể, nhà mình gần đầu còn nhà Huệ gần cuối dãy, cách nhau 5 căn. Cái dãy tập thể với 12 căn thông suốt, dưới con mắt của mình ngày xưa, nó dài ngoằng.
 
Nhà mình bố công tác biền biệt quanh năm, ở nhà chỉ có ba mẹ con. Mẹ mình thì đi làm cả ngày, nên từ nhỏ mình đã được ở nhà tự do. Nên cũng từ nhỏ mình coi nhà Huệ như nhà mình :)).
 
Vì nhà Huệ cũng chỉ có ba mẹ con. Bác Xuân một mình nuôi hai anh em Huệ. Người phụ nữ nhỏ bé, tần tảo, chịu thương chịu khó, vì sức khoẻ mà phải nghỉ mất sức sớm.
 
Về hưu non nên để có thu nhập trang trải cuộc sống, bác mở một lớp trông trẻ nhỏ ở nhà . Mới đầu chỉ có vài cháu, sau thì đông dần lên.
 
Vì bác giữ các em nhỏ rất cẩn thận, chăm chút từng li từng tí nên rất được các bố mẹ quanh đó tin tưởng. Từ những cháu bé xíu xiu chưa đầy một tuổi đến các bạn lớn hơn bốn, năm tuổi. Bởi vậy nhà Huệ lúc nào cũng đông đúc, lúc nào cũng ríu rít, líu lo tiếng trẻ.
 
Mình thì cứ rảnh là lại tót sang nhà bác. Lâu lâu bác lại nhờ: Hiền, chạy sang giường bên lấy cho bác cái áo của bé A; Hiền, mang cái quần này bỏ xuống cái chậu dứoi bếp cho bác …là mình sướng rơn vì cảm giác mình là người có ích.
 
Mỗi khi bác thay quần áo cho tụi nhỏ mà có mình ở đấy là bác lại làm từ từ và bảo mình rằng các bước mặc quần áo cho em bé là phải thế này, thế này…hay mỗi khi bón cháo cho các bạn nhỏ cũng thế, thìa phải gạt vòng quanh bát thì cháo mới không bị vữa ra và không bị nóng do chỉ hớt trên bề mặt…
 
Thực sự bao nhiêu thứ liên quan đến việc chăm sóc một em bé mình đã được trực tiếp chứng kiến khi mới 6,7 tuổi lại thêm mình cũng có em nhỏ nữa nên đối với mình, hay bất cứ một đứa trẻ nào khi xưa khi học lớp 2, lớp 3 là đã rất thành thạo việc nhà và việc trông em rồi.
 
Bé tí đã phải bế em. Mình bế em mình và Huệ thì vất vả hơn nhiều vì có nhiều cháu nhỏ gửi ở nhà bạn.
 
Nhà trẻ của bác Xuân, tuy bé xíu, nhưng có tiếng đến mức mà một năm nào đó đầu thập niên 90 đã có một đoàn cán bộ phụ trách về nhi đồng, trong đó có cả đại diện của Quỹ nhi đồng thế giới UNICEF ghé thăm và tặng quà.
 
Mình nhớ ngày đó lắm vì đó là lần đầu tiên mình được nhìn thấy một bà….Tây, ở ngoài đời :)).
 
Nhưng lũ trẻ là vui nhất vì chúng bỗng nhiên có được nhiều đồ chơi mới rất đẹp. Những đồ vật bằng gỗ như đoàn tàu, được sơn nhiều màu sắc, trông khôn hơn hẳn mấy loại đồ chơi mà hàng ngày chúng vẫn được chơi.
 
Xưa kia, trẻ nhỏ (từ tuổi nhi đồng trở xuống) không có nhiều đồ chơi đâu. Xịn nhất là mấy con lật đật thì chỉ những nhà có người đi Nga về mới có.
 
Hôm đó nhìn căn phòng của nhà Huệ bừng sáng hơn hẳn. Không chỉ bọn nhóc bé xíu mà cả bọn nhóc to hơn :)), là chúng mình ý, cũng cảm thấy hết sức phấn khích.
 
Bác Xuân là trụ cột gia đình nên không việc gì mà bác không làm.
 
Như nhiều nhà xung quanh thời đó, bác cũng đóng gạch. “Đóng gạch” bằng tay, công việc mà có lẽ chỉ những người sinh trưởng ở thập kỷ 80 trở về trước mới biết.
 
Mình chỉ nhớ mang máng là các nguyên liệu được trộn thành một loại chất hơi sền sệt rồi sau đó người ra dùng một cái bay múc thứ chất này vào một cái khuôn nhỏ, kích thước khoảng 20×30 cm.
 
Sau khi bề mặt được làm phẳng (mình rất thích dùng cái bay, chát chát chít chít mấy cái hỗn hợp này cho thật khớp với khuôn) thì người ta nhấc khuôn ra và những viên gạch non này sau đó được phơi khô.
 
Vì có chất lượng không cao nên sản phẩm dạng này chỉ hay được sử dụng để xây tường rào hoặc chuồng gà, chuồng lợn.
 
Dãy nhà của chúng mình trên đồi, muốn có nước thì phải xuống cái bể tập thể dưới chân đồi lấy về dùng.
 
Huệ nhỏ người hơn mình nên không gánh nước được mà chỉ xách bằng những chiếc xô nhỏ. Mình ngày xưa khoẻ như trâu, ngày gánh bao nhiêu gánh nước mà chẳng thấy mệt.
 
Có lần mình và bác Xuân cùng lúc gánh nước từ bể lên nhà. Đi đến nửa cái dốc được lát gạch thành từng bậc, dẫn từ dưới đường lên đỉnh đồi, thì bác Xuân dừng lại. Chắc do trong người bác không được khoẻ.
 
Mình lúc đó đã lên đến đỉnh dốc, thấy bác vậy chạy xuống bảo bác hay để mình gánh lên cho. Nhưng bác nhất định không chịu, bảo bác không sao cả. Chắc sợ mình loằng xì ngoằng lắm chuyện :)) nên bác vội xỏ ngay cái quang gánh vào, đặt trên vai và gánh nhanh về nhà.
 
Mình, cũng như nhiều đứa trẻ khác, thường xuyên ăn trực nhà Huệ. Nhà bạn có món canh mồng tơi rất ngon. Mình nhớ thời đó đa phần mọi người nấu canh mồng tơi thường là để nguyên cả lá hoặc cùng lắm là chỉ cắt đống lá mồng tơi một lần cắt.
nhưng nhà Huệ thì thái ra từng sợi rất nhỏ. Chả hiểu sao, mình ăn kiểu đó thấy canh ngon ngọt hơn và cảm giác nước canh xanh hơn và bát canh thì đẹp hơn :)).
 
Cũng như mình, Huệ rất thích trồng hoa. Trước sân nhà ngay cái bể nước bé tí tẹo có một cây hồng nhung. Bên dưới là những chậu hoa đồng tiền hay thược dược, nếu mình nhớ không nhầm. Mình cũng nhiều lần phải xin củ hoa thược dược của Huệ về trồng.
 
Trong mọi trò chơi con trẻ của bọn mình xưa kia, dù ngày hay đêm, gần như không bao giờ thiếu anh em Huệ. Anh Cường, anh trai Huệ, lớn nhất dãy tập thể, nên hay được phong làm thủ lĩnh, có đóng kịch thì anh toàn được đóng vai…vua. Còn Huệ thì làm tể tướng, bọn lóc nhóc như chúng mình thì chỉ làm quân lính thôi :)).
 
Anh Cường vừa ngoan, vừa hiền, từ nhỏ đã làm bao nhiêu việc để giúp đỡ mẹ, như một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Bọn trẻ chúng mình rất quý và thích chơi với anh. Đi học lúc nào anh cũng là người dẫn đường cho lũ em nhỏ. Và sau này khi lớn lên anh vẫn rất chăm chỉ, học hành tử tế. Gian khó chỉ càng tiếp cho anh nghị lực thêm mà thôi!
 
Nhà bác Xuân, cũng như bao gia đình thời đó, đều phải chật vật, vá víu để lo được một cuộc sống ở mức tối thiểu.
nhưng cả nhà bác ai sống cũng rộng rãi, hào hiệp nên nhà bác lúc nào cũng là nơi chốn lui tới thường xuyên của rất nhiều người.
 
Mình thích nhất, những ngày mùa đông, ngồi cạnh cái bếp than đặt ngay cửa bếp nhà bác. Bác, Huệ, mình cùng ngồi hơ tay quanh ngọn lửa hồng để chống lại cơn rét và chuyện trò đủ thứ trên đời. Mải chuyện có khi không cả nghe tiếng mẹ gọi, phải đến tận khi bác nhắc mới giật mình:
 
– Hiền ơi?
– Dạ?
– Mang cái dạ về đây con
 
Trời sập tối rồi mà vẫn mải chơi ấy, không nhanh chân mang cái dạ về thì chỉ có mà ăn roi :)).
Nhà chị Linh thì ở dãy tập thể dứoi chân đồi. Chị chuyển đến khu của mình sau, hình như lúc đó mình cũng gần mười tuổi rồi nên kỷ niệm với chị thì không có nhiều bằng với Huệ. Nhưng vì khi biết chị thì mình đã tương đối lớn nên gần như mình đều nhớ hết.
 
Chị Linh nhỏ người, và có nụ cười rất tươi và đẹp. Chị khéo léo, nhanh nhẹn, giao thiệp rộng, hào phóng và chân tình.
 
Nhà chị có tivi sớm hơn nhà mình nên mình cũng hay xuống nhà chị xem phim. Bác Nhung, mẹ chị, một người hay nói và nói hay và cũng rất quý trẻ nhỏ nên mình chả bao giờ thấy ngại xuống nhà chị chơi khi có bác.
 
Mỗi lần mình xuống là kiểu gì bác cũng kêu ở lại xem phim. Bác cũng mê xem phim y như mình và bộ phim mà hai bác cháu chăm chú theo dõi nhất thời ấy là “Người giàu cũng khóc”, một tác phẩm phim truyền hình của Mexico nổi như cồn, nhà nhà đi xem, người người bàn luận.
 
Khi đi chơi gần gần bác Nhung cũng hay rủ mình đi.
 
Những tối mùa hè trăng thanh gió mát, bác, chị Linh và mình thường đi dạo ra con đường nhỏ phía cánh đồng lúa ở sau khu tập thể.
 
Cánh đồng mùa hạ, sau cơn mưa vào buổi tối, giống như một bản hoà ca những âm thanh “đồng quê”. Tiếng ếch nhái, côn trùng ồm ộp; tiếng bay rào rào của cào cào châu chấu; tiếng bước chân người lội ruộng oàm oạp; tiếng gió vi vút trên những ngọn tre….
 
Mình lâu lâu nhìn mấy cây tre ở đó lại thấy rờn rợn, nhất là khi trăng sáng thì những cụm tre rậm rạp lại hắt xuống nền đường những bóng đen khổng lồ y như những con…ma :)).
 
Nhưng những câu chuyện của bác Nhung sẽ nhanh chóng làm mình và chị Linh quên đi cái đáng sợ của bóng tối. Bác kể chuyện rất vui làm cho chúng mình chỉ còn thấy trước mặt là những vầng trăng thật là đẹp.
 
Vầng trăng mùa hạ khi thì treo cao trên đỉnh những ngọn tre già, khi lại loang loáng những vệt zíc zắc dưới làn nước.
chẳng thế mà xưa kia tát nước dưới ánh trăng luôn là một hoạt động gây ra rất nhiều cảm xúc:
 
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
 
Chị Linh hay thích ăn các món luộc: Bắp cải luộc, su hào cà rốt luộc. Mình buổi trưa đi học về mà rẽ vào chị thì kiểu gì chị cũng nài ép mình ăn cùng chị mấy cái món này vì ông anh và thằng em chị con trai chả ai thích ăn rau luộc cả. Không ăn hết thì phí :)).
 
Riết rồi mình cũng nghiện luôn, trời lạnh, vị mát của đồ luộc chấm với mắm ớt cay cay lại làm ấm cổ họng, còn gì ngon hơn thế ?
 
Nhà chị Linh có ba anh chị em, sàn sàn bằng tuổi nhau, ai cũng hoạt ngôn vui tính nên nhà chị cứ như là nhà của …giới trẻ thời hiện đại :)), nơi tập hợp của tầng lớp thanh niên bắt đầu lớn lên khi đất nước có những biến chuyển mới. Chế độ bao cấp đã qua, hàng hoá bắt đầu được bày bán ở các quán tạp hoá nhỏ với nhiều chủng loại phong phú hơn, nhạc trẻ bắt đầu xập xình dọc phố:
 
“Người đi đi ngoài phố
Chiều nắng tắt bên sông”
 
Chỉ hơn mình hai tuổi nhưng mình cảm tưởng chị lớn hơn mình nhiều, chị cởi mở và thích giao tiếp nên ngày đó chắc chị cũng được nhiều anh trong xóm thầm thương trộm nhớ :)). Mình tuy thế, chứ bản chất lại khép kín, ít nói hơn nhiều so với chị, nên đi đâu chị cũng như người chị cả dẫn dắt chúng mình.
 
Và người chị đó tối hôm qua dù mưa gió thế vẫn lao đi đón hai em Hiền, Huệ để gặp nhau trong một bữa tối rất ấm cúng.
tất cả tuổi thơ lại như ào về với biết bao ký ức đã níu giữ mấy chị em đến tận đêm khuya!
 
Đã ba mươi năm không gặp chị, nhưng nụ cười của chị vẫn thế, vẫn đẹp và rạng rỡ như thưở nào!
Cả Huệ cũng vậy, vẫn phong cách cực kỳ trẻ trung, sôi nổi,
 
– Ơ, thế Hiền cũng vẫn thế đấy thôi, mái tóc vẫn nguyên bản như thuở nào :))
 
Cám ơn Huệ, chị Linh và cám ơn cả tuổi thơ của chúng mình!
 

You may also like

Để lại bình luận