Trời sắp đổ cơn mưa
Sao em còn đứng mãi
(Ngân Giang)
Mấy hôm nay không tối nào mà trời không mưa. Mưa lớn, đến rất nhanh và chỉ một lúc là tạnh ngay. Cơ bản là do ban ngày trời bức quá, nắng chỉ một màu nhàn nhạt mà sao nực đến ghê người, đứng vài phút ngoài trời thôi cũng vã hết cả mồ hôi, đứng mãi thì chắc ngang với tắm :))).
Nhưng mưa vào buổi tối thì lại rất tuyệt, mát mẻ, lãng đãng (kiểu ngồi bên cửa sổ ngắm mưa trắng xóa dưới ánh đèn đường vàng vọt. Trên nền trời tối mịt mùng. Dưới con đường vắng hoe, cô quạnh).
Cùng với buổi sáng tinh mơ thì những tối mưa rơi là thời điểm mình thích viết nhất. Không cần phải là những ý tưởng gì cao sang, to tát. Mà có khi chỉ là những cảm xúc vu vơ bất chợt ào đến.
Về những thứ rất nhỏ bé, bình thường, y như cuộc sống của mình, chỉ quen với những thứ rất bình thường. Như có lần trong đêm tối mưa tí tách một mùa hè nào đó mấy năm trước mình đã viết về cái giường ở nhà mẹ.
Chính xác hơn là cái giường của mình trong phòng của mình. Bởi mình đã gắn bó với nó từ năm mình mới sinh, khi bố mẹ mình mới cưới và ở trong một căn nhà nhỏ trong khu tập thể.
Và sau hơn bốn mươi năm nó vẫn còn ở đó trong phòng của mình trên tầng hai. Vẫn vô cũng chắc chắn, vì được đóng bởi những người thợ lành nghề trên nền một thứ gỗ tốt. Nên càng dùng màu của gỗ càng sáng bóng, đẹp một kiểu vượt thử thách của thời gian.
Tối qua mình đã viết gần xong một truyện ngắn tặng bạn Lê, một người bạn thời Đại học của mình. Một cô gái xứ Nghệ xinh đẹp, dịu dàng lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi thì hoàn thành nhưng đêm muộn đầu đơ, nên thôi để để sáng nay viết nốt.
Có cái dở là mình không làm việc khuya được, thời xưa học dù là ôn thi Đại học thì 23h với mình là maximum rồi. Quá giờ đó mà học là đầu cứ ong ong, không còn tiếp thu được gì nữa. Chứ chính ra ban đêm mình thấy lại là thời điểm dễ làm các công việc liên quan đến trí não nhất.
Vì sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của đêm, đến mức có thể cảm nhận được cả những âm thanh mỏng nhất: Hơi thở, nhánh hoa quỳnh khẽ cựa mình bung nở để tỏa ra một thứ hương thơm mê đắm hay chỉ đơn giản là tiếng cánh quạt quay chầm chậm vì điện quá tải nên yếu ớt trong những đêm hè ngột ngạt.
Thế mà sáng nay dậy, vội vàng vụng về thế nào mà kéo cái dây sạc vô ý làm rơi cả máy cả sạc từ bàn xuống đất. Thế là máy tắt ngóm, chả làm sao khởi động được. Biết là trục trặc rồi, đành phải mang đi sửa thôi.
Mình rủ con mình đi bộ ra con đường trung tâm. Tiện thể qua cái hiệu sách cũ vì con muốn mua mấy quyển sách. Hai mẹ con bước ra khỏi cửa thì thấy trời giăng một màu xám xịt, không khí nặng trich, nhớp nháp. Trời thế này thì kiểu gì cũng mưa:
-Mưa cũng đi mẹ. Mình cầm ô đi, mưa to thì trú!
Thế là oke, mưa cũng đi. Chứ còn đứng mãi đến bao giờ :)))
Mình thích đi bộ. Lại là đi bộ trên con đường của tuổi thơ thì còn gì tuyệt hơn nữa. Con đường rộng, nhiều cây xanh, người và phương tiện đều thưa thớt. Há chẳng phải là niềm mong ước vô cùng của những thị dân ở các siêu đô thị sao?
Điều thích nhất của mình là những cái cây xà cừ cổ thụ ven đường, mà có những cây phải có tuổi đời của cha mẹ ông bà mình vẫn còn sừng sững. Gốc cây to lắm, rễ cây nổi hết cả lên, thân cây sẫm một màu đen sì và cành lá thì xum xuê xanh mướt.
những cơn mưa mùa hạ làm cho tất cả cây cối đều hát khúc ca mùa Xuân.
Mùa hạ, là mùa của sự hồi sinh mạnh mẽ!
Mình bắt gặp hàng dâm bụt ven đường, gần cái tiệm ảnh Ngọc Thụ nổi tiếng một thời, tất nhiên tiệm ảnh giờ chỉ còn trong dĩ vãng.
Hàng dâm bụt trĩu xuống vì nhưng hạt mưa ban sớm. Mưa trôi trên phiến lá, những giọt nước long lanh luồn lách tít vào những khe nhụy của bông hoa dâm bụt đỏ, một màu đỏ tươi tắn.
Hoa dâm bụt đơn. Cũng như hoa đồng tiền, mình thích những bông hoa cánh đơn hơn là cánh kép. Dù thực tình mà nói, mỗi loại đều mang một vẻ đẹp riêng.
Hoa dâm bụt đơn cũng là loài hoa của tuổi thơ mình. Nó thường chỉ được trồng làm hàng rào, ở bất cứ khu vườn nào khi xưa. Bông hoa năm cánh, tươi thắm và mỏng manh. Nhụy của nó có vị ngọt, một vị ngọt thanh mát. Nên lũ trẻ, rất thích hái dâm bụt rồi hút mật từ loài hoa đồng nội này, trên những chuyến rong ruổi trên đường, đi học chẳng hạn.
Có hai điều tiếc, là cái hồ nước lớn ngay sau hàng dâm bụt, đã bị lấp đi hết. Kênh, rạch, sông, hồ ở rất nhiều nơi càng ngày càng ít. Do sự phát triển của dân số và quá trình đô thị hóa, không gian mặt nước cứ nhỏ hẹp dần.
Và mình thơ thẩn mãi mà không tìm đâu ra được cái hiệu sách khi xưa nữa. Cái hiệu sách tổng hợp, nơi mình đã mua cuốn truyện đầu tiên “đất rừng phương nam” giờ đã biến mất rồi.
Có vài hiệu sách hơn thay thế dọc con đường lớn. Nhưng chỉ toàn bán văn phòng phẩm, tịnh không có lấy một gian hàng bán sách. Muốn mua phải lên gần trung tâm thành phố, cách đó gần chục cây số.
Có lẽ giờ mọi người mua sách online nhiều!
-Hiệu sách cũ bỏ lâu rồi cháu ơi. Cháu con nhà ai, nhà ở đâu, bao lâu rồi không về hay sao mà không biết?
Mình đứng nói chuyện với mấy cụ ngồi ngoài cửa một tiệm sách nhỏ, có vẻ lớn tuổi hơn mẹ mình. Thực ra, mọi lần đi mua sách toàn em mình chở con đi mua. Mà mình thì lại cứ nghĩ là mua ở cái hiệu sách cũ kỹ thuở nào.
Lại có chút gì tiếc nuối khi hai mẹ con vòng về, theo con đường khác.
Tuy vậy, may mắn là, khi về đến nhà thì mưa bắt đầu rơi.
Máy tính của mình thì chưa sửa được, và mẹ lại vừa kêu điện thoại mẹ chẳng biết mấy đứa nhỏ tí toáy sao lại đơ ra rồi, không sao tắt mở được.
Thiết bị điện tử giờ thiết yếu như cơm ăn nước uống, với mọi lứa tuổi,
là thật!
