Con đường dẫn đến cây cầu sắt bắc ngang con sông Cầu giờ đã được làm mới, rộng rãi và bằng phẳng. Hai bên đường, xanh ngắt một màu của những ruộng lúa non mới cấy ngay bên cạnh gò đất cao với đủ thứ cây chuối, nhãn, bạch đàn…
Đất trung du hay lắm, địa hình kiểu xếp tầng, với ruộng lúa nước nằm ngay dưới chân những quả đồi thấp. Nhưng kiếm được đồi nguyên thuỷ bây giờ hiếm, vì hầu hết đã được san cho thấp bớt để tiện việc sinh sống và đi lại.
Càng đi sâu con đường càng mở ra những khoảng xanh mơn mởn của cỏ cây mùa hạ. Không khí tĩnh lặng và mát mẻ khiến chuyến đạp xe buổi sáng kéo dài hơn dự định vì không thể không dừng lại để ngắm cái này nhìn cái nọ:
-Cháu thấy không, những vệt hồng bám trên gốc những cây lúa kia chính là trứng của ốc bươu vàng đấy. Phải nhanh chóng diệt ngay không cả đám lúa coi như bỏ.
Dưới cánh đồng một vài bác nông dân cũng đang bắt ốc diệt sâu
-Cô có mua cá rô không? Đây tôi mới bắt được ít thôi, lấy cho tôi cả đi
Trước mặt mình, trong cái thau nhôm bé xíu, những con cá rô đồng cũng bé nhỏ đang ra sức quẫy đạp. Chị nông dân trút hết những con cá sang cái túi nilong và trao cho mình:
-Cô về cứ rán giòn lên, con to có thể gỡ thịt nấu canh, rất ngọt nước.
Bánh xe lại lăn bon bon trên con đường vắng. Sương hạ tan ra dưới tia nắng ban mai. Thấp thoáng những mái ngói kiểu nhà Thái, hình như đang là kiểu kiến trúc được ưa thích đối với những nhà có đất rộng, lại hiện lên trên những tầng nhãn quả sai trĩu. Nhãn gần vào chính mùa thì phải, nghe nói năm nay mất mùa mà sao mình đi trên đường thấy cây nào cũng vẫn sai quả thế nhỉ ?
Con đường uốn lượn bám quanh những mảnh ruộng, thi thoảng lại lên xuống một con dốc thoai thoải.
-Đây là lối vào nhà bác bạn của bố cô. Bác là người trồng cây cảnh và hoa cảnh có tiếng ở khu này đấy. Cụ nhà cô yếu sức rồi không tiếp tục sự nghiệp được nữa chứ bác mới hơn bảy mươi thôi nên vẫn say mê với công việc này lắm.
Người say mê cây cả ngày họ có thể ở ngoài vườn được. Suốt thời thơ ấu, mình đã từng chết mê với cái vườn cây của nhà ông Hưng hàng xóm với nhà ông mình. Ông người gốc Thái Bình và là một nhà làm vườn có đôi bàn tay khéo léo ngang nghệ nhân (dưới con mắt của mình).
Vườn nhà ông được chia ra làm nhiều khu vực, nơi trồng cây cảnh, nơi trồng hoa cảnh, nơi trồng cây ăn quả, nơi trồng rau, nơi trồng hoa theo mùa.
Khu vực nào cũng vuông vức và gọn gàng. Những cây được uốn thế rất khó, đòi hỏi sự công phu thì được đặt trong những chậu sành rộng rãi và cao ráo. Bọn trẻ chúng mình có thích thì cũng chỉ đứng xa một chút để nhìn ông làm kiêủ cắt tỉa, uốn, chằng buộc gì đó chứ không được chạy nhảy mạnh quá xô vào cây thì hỏng hết thành phẩm đang làm dang dở của ông.
Người làm vườn là một người thợ cần mẫn, tỉ mẫn, không chỉ cần có sự kiên trì nhẫn nại mà còn cần cả óc thẩm mỹ cao. Họ thường làm việc một mình trong không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim chóc và tiếng gió xào xạc trong vườn.
Sáng sớm khi ánh sáng còn mờ ảo họ đã đặt chân vào vườn và đến khi ngẩng đầu lên thì ông mặt trời lên cao như cái sào rồi. Làm việc mê mải đến quên cả giờ giấc, có lẽ chỉ đến khi cái đói cồn cào mới nhắc nhở họ hãy tạm thời gác tay để vào nhà làm chén cơm lót bụng.
Mình mỗi lần vào ông ngoại chơi là kiểu gì cũng nhảy sang nhà ông Hưng. Nhà ông có hai đứa cháu ngoại cũng tầm tuổi mình. Lúc thì chúng mình ra vườn xem ông chăm cây lúc lại phụ bà Hưng hái hoa cúc để bà đi chợ bán khi ngày rằm mùng một.
Buồn cười nhất là ngày đó mình cứ bảo bà nhận mình làm cháu để bà cho sang hái hoa và chăm hoa. Làm không công cũng được vì thích lắm, cảm giác đắm chìm trong muôn sắc của cây cối và hoa lá không khác gì cảm giác đắm chìm vào những con chữ. Có lẽ vì vậy mà mình chăm cây chăm hoa thì rất tốt. Trồng cây hoa nào cũng mọc nhanh, và nở hoa đẹp.
Nhưng cắm hoa thì xấu tệ hại vì tay mình vụng, không khéo. Đúng kiểu chỉ làm được nông dân, cày sâu cuốc bẫm :)).
– Con thích cây cối thế thì sau này sang đây ông dạy cho nghề làm vườn. Tính mày trầm tĩnh rất giống với ông ấy nên hợp với nghề này lắm con gái ạ. Chỉ sợ con không chịu được nắng mưa thôi. Nghề này cứ phải ở ngoài trời suốt, mấy mà da lại đen nhẻm ra.
Bà Hưng vừa bỏ hoa vào thúng vừa nói với mình như vậy, vào một ngày thu đẹp vô cùng năm mình mười ba tuổi.
Tuy vậy, không bao lâu sau, thì gia đình ông bà Hưng, không hiểu vì lý do gì thì chuyển nhà đi. Mình nghĩ một phần bởi khu vực nhà ông bà ngoại mình sâu quá, đi lại vất vả vì đường sá ngoằn ngoèo.
Nhà ông chuyển đi thì vườn cây, vườn hoa cũng biến mất. Nhà mới họ phá hết và biến khu đất rộng thành vườn trồng những loại cây lương thực như ngô, sắn. Mình lúc vào ông ngoại chơi lại thơ thẩn ra cây ngâu, nằm ở ranh giới lối đi giữa nhà ông mình và nhà ông Hưng, là cây còn lại duy nhất gợi nhớ về người làm vườn tài năng.
Giờ mình nhìn thấy bố mình cũng lấy làm vườn làm niềm vui tuổi già mình lại nhớ đến ông Hưng và khu vườn của ông.
Khu vườn đẹp như “Khu vườn bí mật” ở nước Anh xa xôi qua ngòi bút đầy chất thơ của nữ văn sĩ xứ sở sương mù Frances Hodgson Burnett.
Mùa hạ yêu thương
(Truyện ngắn)
By Rose & Cactus
8.
Nhà tôi, Dahlia và Mai Khanh đều ở trên một con đường nhỏ. Con đường này chạy từ chợ xuống tận dưới ngã ba đường ra trung tâm chỗ đài phun nước. Nhà Dahlia và Khanh ở đầu đường và cuối đường còn nhà tôi ở giữa.
Thế nào mà may mắn là tuy cùng trên một con đường với hai đứa kia nhưng có mỗi nhà tôi là đất dài hơn nên có thêm một mảnh vườn nhỏ, nhỏ xíu thôi nhưng cũng đủ để thành một cái vườn. Nơi mà mẹ tôi trồng đủ các loại cây và rau và hoa. Mẹ tôi yêu hoa hồng nên vườn luôn thơm mùi hoa hồng. Hoa hồng được trồng ở khắp nơi, trên ban công, ở bồn trước cửa nhà, thậm chí ở khe hẹp ngăn cách khu nhà và bếp.
Đằng sau khu vườn trải dài một cánh đồng lúa. Từ bàn học được đặt sát cửa sổ trong phòng của tôi trên tầng hai phóng tầm mắt ra là sẽ thấy được khu vườn nhà tôi, nhà hàng xóm và cả cái cánh đồng.
Mùa này đang đông giá, cánh đồng khô khốc chỉ còn trơ ra những gốc rạ. Có đôi khi bọn trẻ con xóm Sau tụ tập ở giữa đồng và gom rạ đốt thành những đống lửa nhỏ. Trong ánh sáng nhá nhem lúc chập choạng tối, khói lửa như giúp xua tan cái tê tái rét buốt của mùa đông. Nướng khoai hay ngô trong những đống lửa này thì còn hết sảy nữa, ăn vừa thơm vừa ngọt chứ không mất vị như khi luộc.
Chẳng qua bây giờ tôi đã lớn chứ phải như lúc tôi còn bé thì tôi sẽ không ngồi yên mà ngắm nhìn chúng nó chơi nghịch như vậy đâu, chắc chắn là đã lê la ra ngoài đồng để nhập bọn, nghịch còn hơn cả quỷ sứ.
Hôm nay đến lượt bàn tôi trực nhật nên sáng sớm nay tôi ra cuối vườn chặt một thân chuối non dùng để lau bảng. Khúc chuối này thường nhỏ bằng cổ tay dài chừng 20cm, chúng tôi sẽ chà vào nhọ nồi hoặc than. Khi lau như thế, bảng sẽ đen kịt, sạch sẽ vô cùng nên chữ của các thầy cô sẽ rõ nét và có hồn hơn.
Lúc này tôi đang đứng ở bụi chuối sát cái ruộng lúa. Trời còn sớm, sương giăng mờ ảo phủ khắp cánh đồng, chỉ còn thấy thấp thoáng những bụi tre ở đằng xa. Trên những bẹ hoa chuối tim tím, từng giọt sương long lanh trắng muốt. Khóm chuối này có ba buồng quả đang nhỏ. May quá chỉ còn ba tuần nữa là Tết, kịp thời gian để cho nó đủ lớn và đẹp để mẹ tôi cắt đem bày trên bàn thờ.
Nhắc đến mâm ngũ quả ban thờ ngày Tết thì phải nói qua chút. Trên mâm ngũ quả trưng bày không thể thiếu một nải chuối xanh, một quả bưởi vàng, những quả quất tròn mọng và vài ba quả trứng gà (lekima) vàng ươm. Thêm hai cặp bánh chưng vuông và vài ba hộp mứt.
Dĩ nhiên rồi, kiểu gì cũng phải có một cành đào tươi thắm cắm trong một lọ sứ cao. Hai bên ban thờ sẽ đặt hai cây mía bụ bẫm. Mía giống như một biểu tượng của sự giao hòa trời – đất, “là sự kết nối”. Cũng luôn có hai bình hoa trên bàn, những loài hoa đặc trưng ngày Tết: Violet, thược dược, lay ơn và đồng tiền.
Tôi thích nhất trong không gian ấm cúng với hương trầm toả khói thơm nghi ngút được thưởng thức bát chè lam do ông ngoại tôi nấu cùng một tách trà xanh ấm nóng cũng do ông ngoại tôi pha.
Cách đây mấy năm người ta đã cấm pháo vì nó nguy hiểm. Biết cấm là đúng rồi nhưng bất chợt một khoảnh khắc nào đó tôi vẫn cứ thấy nhớ cái mùi thuốc pháo thế nào ý, nó rất thơm và rất …Tết. Tôi có nhiều chú ruột, mấy chú vẫn còn trẻ lắm nên trước đây cứ gần Tết thế này là các chú lại bắt đầu chuẩn bị để cuốn pháo.
Những phong pháo thật to thì để nhà ông nội tôi đốt, còn những phong nhỏ hơn thì các chú hay cho nhà tôi. Đêm ba mươi báo hiệu bằng tiếng pháo đùng đoàng, thưa thớt sau đó râm ran to dần lên và cuối cùng là hợp ca tiếng pháo nổ vang vọng cả đất trời. Mùi pháo thơm quyện với mùi hương trầm khiến cho đêm 30 Tết thêm ấm áp và linh thiêng, chỉ có thể cảm nhận mà khó có thể miêu tả hết bằng lời.
Buổi sáng mùng Một mở cửa ra, trên sân nhà ai cũng ngập xác pháo hồng! Mỗi khi có cơn gió thổi tới, giấy pháo bay xào xạc.
Mong manh, đẹp và thơ như những cánh hoa đào trước gió Xuân.
Dạo gần đây buổi sáng đi học tôi và Dahlia có thêm Mai Khanh đi cùng nữa nên cũng vui. Do nhà gần chỉ cách vài bước chân nên tôi hay qua nhà Khanh chơi. Mẹ của Khanh rất quý tôi và thích tôi qua nhà bác vì Khanh vốn sống khép kín, ít bạn.
Tôi sang chơi bác toàn lôi bánh kẹo ra bắt tôi ăn, nhưng khổ tôi với con Iris đang cùng nhau thực hiện chiến dịch giảm cân nên tôi cũng chỉ dám động vào một, hai cái. Bác thấy vậy tưởng tôi không thích bánh kẹo lại lấy sữa bột ra pha bắt tôi uống. Bác nói tuổi này học hành vất vả cơ thể cần nhiều năng lượng nên phải uống sữa. Khanh uống sữa nhiều chẳng trách cao là phải. Nhưng một lần nữa, lại khổ nỗi, tôi không uống được sữa bột. Từ nhỏ đến lớn phần lớn bọn tôi có biết đến sữa bột là gì đâu nên cảm thấy rất khó uống.
Bác cười, nụ cười đẹp làm sao. Khanh được thừa hưởng chiều cao của bố và khuôn mặt của mẹ:
– Bác tưởng mỗi Mai Khanh nhà bác khó ăn thế mà hoá ra bạn của nó cũng vậy
Huhu, tôi nghe xong đúng ngượng. Thực tế tôi cái gì chẳng ăn được mà còn ăn khoẻ nữa chứ mà ăn uống như mèo kiểu cái Khanh con bác thì chắc tôi chẳng có sức mà đạp xe nhong nhong đi chơi suốt ngày.
Nhà Khanh rộng, phần lớn chỉ có hai mẹ con ở. Bố nó công việc bận rộn, đi công tác suốt. Hai chị lớn thì học Đại học dưới Hà Nội hết rồi. Mẹ nó trước kia cũng là giáo viên nhưng ngày nhỏ nuôi ba cô con gái vất vả quá nên bố nó bảo mẹ nó nghỉ để ở nhà chăm sóc cho các con được tốt, mọi thứ đã có bố nó lo tất. Có thể chị em Khanh được bác gái chăm sóc tốt nên ai cũng cao ráo. Và đẹp như Thuý Vân Thuý Kiều.
Phòng riêng của Khanh nhìn đã toát lên chất nghệ sĩ, trên tường treo đầy poster của các ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng như Backstreet Boys, Micheal Learns to Rock, Mariah Carey, Whitney Houston…và có một cây đàn ghi ta gỗ.
Khanh đàn được ghi ta và hay vừa đàn vừa hát tiếng Anh. Mỗi lần như vậy nó lại hỏi tôi có nghe rõ lời nó hát không. Nếu tôi nói không là nó sẽ tập lại cho ngày càng chuẩn giống ca sĩ hát bài đó. Nó cũng có nhiều tài lẻ chơi cờ vua, cờ caro khá cừ, ngang ngửa mấy đứa con trai chơi tốt ở lớp.
Nhưng nó có nhược điểm là làm việc nhà không giỏi, ít nhất là so với chúng tôi. Nhìn cái tay dài ngoằng của nó cầm khúc chuối chà vào bảng mà chúng tôi muốn cười bò. Nó làm như không có lực, nhẹ hều như thế thì bảng sao sạch nổi. Vài lần như vậy thôi cho nó xuống quét nhà. Việc đó nhẹ nhàng hơn, hợp với nó.
– Hùng học như vậy rồi lại phải làm thêm thì sao đủ sức khoẻ Daisy nhỉ?
Nó đang đánh ghita bài Hero bỗng nhiên ngưng lại rồi hỏi tôi
– Hùng nó như vậy từ bé rồi đó Khanh. Tớ cũng không biết nó học vào lúc nào.
– Hôm trước tớ hỏi, Hùng nói toàn tranh thủ học lúc rảnh khi bán hàng, còn để ngồi được vào bàn thì cũng đã 10, 11 giờ đêm rồi. Học đến khoảng 2h sáng
– Chắc ông trời thương nên cho nó sức khoẻ. Chứ trâu bò như tớ đây mà kiểu đó thì ngày một ngày hai cũng lăn quay ra ốm à. Từ khi quen Hùng tớ chưa bao giờ thấy nó ốm cả.
– Tớ, tớ thấy….thương Hùng, Daisy ạ. Vì so với cậu ấy, tớ sướng quá!
Nó nói một câu thật lòng mà tôi thấy vừa ngạc nhiên mà vừa …vui. Khanh ít va chạm với đời sống hơn chúng tôi vì nó được bao bọc từ bé. Có thể vì vậy mà nó dễ rung động trước những điều giản dị
– Hôm trước Hùng nói với tớ sẽ cố gắng học giỏi để đỗ vào ngành Công nghệ thông tin. Giá mà tớ có thể giúp cậu ấy được cái gì đó để cậu ấy đỡ vất vả hơn.
– Khanh cứ ở bên cạnh động viên Hùng như vậy là đã giúp Hùng rồi đó. Tớ thấy chưa có bạn gái nào mà mỗi lần gặp lại thấy Hùng vui như khi gặp Khanh đâu, tớ nói thật đấy.
Khanh bỗng đỏ mặt, chẳng nói gì nữa, quay lại đánh ghita và hát tiếp bài hát dở mà nó đang hát:
𝐴𝑛𝑑 𝑡ℎ𝑒𝑛 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑐𝑜𝑚𝑒𝑠 𝑎𝑙𝑜𝑛𝑔
𝑊𝑖𝑡ℎ 𝑡ℎ𝑒 𝑠𝑡𝑟𝑒𝑛𝑔𝑡ℎ 𝑡𝑜 𝑐𝑎𝑟𝑟𝑦 𝑜𝑛
𝐴𝑛𝑑 𝑦𝑜𝑢 𝑐𝑎𝑠𝑡 𝑦𝑜𝑢𝑟 𝑓𝑒𝑎𝑟𝑠 𝑎𝑠𝑖𝑑𝑒
𝐴𝑛𝑑 𝑦𝑜𝑢 𝑘𝑛𝑜𝑤 𝑦𝑜𝑢 𝑐𝑎𝑛 𝑠𝑢𝑟𝑣𝑖𝑣𝑒
𝑆𝑜 𝑤ℎ𝑒𝑛 𝑦𝑜𝑢 𝑓𝑒𝑒𝑙 𝑙𝑖𝑘𝑒 ℎ𝑜𝑝𝑒 𝑖𝑠 𝑔𝑜𝑛𝑒
𝐿𝑜𝑜𝑘 𝑖𝑛𝑠𝑖𝑑𝑒 𝑦𝑜𝑢 𝑎𝑛𝑑 𝑏𝑒 𝑠𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔
𝐴𝑛𝑑 𝑦𝑜𝑢’𝑙𝑙 𝑓𝑖𝑛𝑎𝑙𝑙𝑦 𝑠𝑒𝑒 𝑡ℎ𝑒 𝑡𝑟𝑢𝑡ℎ
𝑇ℎ𝑎𝑡 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑙𝑖𝑒𝑠 𝑖𝑛 𝑦𝑜𝑢
𝑇ℎ𝑎𝑡 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑙𝑖𝑒𝑠 𝑖𝑛 𝑦𝑜𝑢
𝑀𝑚𝑚, 𝑡ℎ𝑎𝑡 𝑎 ℎ𝑒𝑟𝑜 𝑙𝑖𝑒𝑠 𝑖𝑛 𝑦𝑜𝑢
Giờ ra chơi hôm sau chị em chúng tôi lại tụ họp ở chốn quen thuộc. Azalea hôm nay nhà có việc bận nên nghỉ học, nó chỉ còn học với chúng tôi không lâu nữa. Chắc vị trí lớp trưởng của nó sẽ do Dahlia đảm nhận. Dahlia năng động, nhanh nhẹn và quen các hoạt động rồi.
– Theo mọi người nên tổ chức tiệc chia tay cho Azalea ở đâu? Ở nhà Lily có được không?
Iris nói
Trong nhóm chúng tôi nhà Lily ở xa nhất, trên con đường quốc lộ nối từ trung tâm thành phố đi Hà Nội. Ngôi nhà nhỏ ba gian nằm trên một quả đồi thoai thoải. Từ cổng ngoài quốc lộ vào đến nhà là một con đường đất nhỏ hẹp, hai bên là ruộng lúa.
Địa hình miền quê trung du của tôi là như vậy, các quả đồi thấp như bát úp xen kẽ với các cánh đồng nhỏ. Dốc và dốc khắp nơi. Nó kiểu giống như đồ thị hình sin vậy, lên xuống lên xuống.
Nhưng tôi lại yêu quý vô cùng cái địa thế dốc đồi này và nếu một ngày nào đó cái thị xã này mà không còn quả đồi nào nữa thì tôi có cảm giác là nó đã mất đi linh hồn của mình rồi.
Đất nhà Lily rất rộng, phía trước nhà là vùng đất trũng gần ruộng được làm vườn hoa. Tôi cũng thích trồng hoa nên thi thoảng nó lại cho tôi mấy củ thược dược hay dây hồng leo. Đôi khi tôi ngồi nhà nó chơi lâu cũng chỉ là để ra vườn ngắm từng luống hoa: Hồng, cẩm chướng, đồng tiền, violet,….khi chúng đồng loạt nở thì nhìn như bức tranh đa sắc màu. Trời càng lạnh mà có mưa phùn lất phất thì hoa nở càng đẹp.
Từ vườn lên đến sân là các bậc tam cấp vòng vèo uốn lượn được điểm xuyết bởi các loài hoa dại như cánh bướm, mười giờ và bong bóng nước. Bố Lily làm vườn khéo lắm, nhìn vườn được quy hoạch đẹp không khác gì trong công viên.
Nhưng phía sau nhà Lily mới là thiên đường của chúng tôi. Đó là đỉnh của quả đồi với nhiều cây ăn quả, dứa, mít, hồng, táo. Thời chúng tôi còn học cấp hai, cứ năm nào vào ngày thành lập Đoàn là nhà trường cũng tổ chức hội thi cắm trại. Cắm trại chỉ mất một ngày thôi mà thời gian chuẩn bị mất đến cả tháng.
Và cả tháng này đúng như là kỷ nghỉ của chúng tôi. Cứ buổi chiều là nhóm bọn tôi lại tụ tập tại nhà Lily, ngay dưới tán cây vải trên đỉnh đồi: Cắt giấy, làm vòng…Cũng chính nơi này những đứa bạn thân chúng tôi từ gọi nhau là bạn bè chuyển sang chị em, bắt chước kiểu kết nghĩa vườn đào, như 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc trong Thuỷ Hử vậy.
Khi tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp thì chúng tôi cũng thống nhất được với nhau là sẽ tự nấu nướng và tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở nhà Lily vì không có địa điểm nào có thể thích hợp hơn nữa.
Ngay sau đó lớp tôi có tiết học Thể dục, giáo viên là cô Nhung. Cô Nhung đúng là chuẩn giáo viên thể dục vì cô có dáng người chắc nịch, khoẻ khoắn. Cô rất vui tính, thoải mái nên chúng tôi đều yêu thích giờ học của cô, nhất là bọn con trai. Chúng coi cô như nhà tư vấn tâm lý vậy, có gì trục trặc cũng nhờ cô gỡ rối. Cô hay nói trêu nghe vui cực:
– TIêu chí chọn bạn trai của con gái thời nay và tương lai sẽ là phải giỏi thể dục thể thao, hay chí ít cũng phải siêng năng thể dục. Đứa nào mà mới hít đất mấy cái thôi mà cũng thở không ra hơi thì chắc chắn ….ế. Ế chỏng chơ, lúc đó mà chạy đến cô Nhung mà nhờ tư vấn thì cô cũng chịu. Nên chịu khó mà tập luyện đi, nghe chưa mấy đứa?
Gần cuối tiết chúng tôi được chơi tự do. Khi tôi và đang ngồi nghỉ chỗ gốc cây bạch đàn râm mát thì thằng Thiện bên lớp A5 tiến tới chỗ tôi. Tiết này lớp nó cũng học thể dục:
– Chào Daisy, lâu rồi không gặp nhỉ
– Ô Thiện lớp mày cũng được nghỉ rồi à?
Thiện là hàng xóm ở khu tập thể cũ của tôi. Nó kém tôi một tuổi, nhưng đi học sớm một năm thành thử học chung khoá với tôi. Khi chúng tôi chưa đi học ở nhà chơi nó toàn gọi tôi bằng chị. Thế nhưng khi bắt đầu đi học rồi thì nó không chịu gọi nữa kêu ai mà gọi bạn học là chị, quê chết, gọi “cậu, tớ” thôi. Nhưng tôi cũng đâu có chịu, cứ bắt nó phải gọi là chị vì rõ ràng nó kém tuổi mà. Hai bên đều không chịu thế là chuyển sang tao, mày cho xong. Ngày xưa tôi và nó chí choé suốt ngày
– Azalea hôm nay nghỉ à mày? Nó hỏi tôi vì chắc nó không thấy Azalea trong giờ thể dục.
Thiện cấp hai cũng học lớp chúng tôi. Không biết có phải con trai khi ở tuổi mới lớn như nó dễ nổi loạn không mà Thiện nghịch ngợm hơn hẳn. Nó gia nhập hội của thằng Kha rồi để tóc dài bờm xờm. Nó xỏ cả lỗ tai và đeo khuyên, sau nhà trường phát hiện ra báo về bố mẹ nó thì nó mới bỏ.
Tuy vậy, trong lớp nó thường lầm lì chẳng nói nhiều. Ấy thế mà cái vẻ bất cần, phớt đời của nó lại được nhiều bạn gái thích mới lạ.
– Ừ, chắc hôm nay nhà Azalea có việc nên nó nghỉ
– Daisy à, từ hôm thằng Kha mất tao cũng quyết định bỏ luôn hội đua xe rồi. Tao đang dự tính luyện thi để thi vào trường Luật.
Tôi nhìn nó ngạc nhiên, từ khi nào mà một Thiện ngỗ ngược lại trở nên nghiêm túc thế này:
– Cái vụ tai nạn của Kha ám ảnh tao Daisy ạ. Hôm đó lẽ ra tao đã đi cùng nó rồi nhưng không biết có phải linh tính mách bảo gì đó không mà ông già tao giấu chìa khoá xe đi. Tao tìm mãi không được tưởng mình đánh mất đâu nên đành ngồi nhà, đâu ngờ nó lại cứu đời tao
– Vậy thì mày phải cảm ơn bố nhé Kha. Sao mày quyết định thi Luật vậy?
-Vì ở nhà bố tao hay kể chuyện bố tao xử án, rồi các vụ án điểm hay nữa. Bao nhiêu kinh nghiệm bố có thể truyền lại cho tao hết. Càng ngẫm lại tao càng thấy hay, thế thì sao tao không theo cái nghề của bố.
– Tuyệt đó Thiện ơi, sao mày bỗng thông minh đột xuất thế ta?
– Chuyện, Thiện mà, giờ khác xưa rồi
Thiện cười, không hiểu sao hôm nay tôi thấy nó trưởng thành ghê
– Ah, tao báo cho mày biết này Azalea sắp chuyển nhà về Hà Nội rồi, nó chỉ còn học ở đây hai tuần nữa thôi
– Vậy sao Daisy? Azalea đi tụi mày buồn lắm nhỉ
– Ừ, chúng tao đều nhớ nó cả. Mày có gặp nó để gửi lời chào tạm biệt không Thiện?
– Tao cũng muốn nhưng ngại.
– Đừng ngại, dù không còn chung lớp nữa thì chúng mình vẫn là bạn bè mà Thiện
Đúng lúc này tiếng trống vang lên báo hiệu hết tiết.
– Thôi tao về lớp đây hết giờ rồi.
Tôi nói rồi quay đầu chạỵ về hướng lớp học của mình
– Daisy
Tôi nghe tiếng Thiện gọi thì quay lại
– Tao sẽ sang nhà để nói lời tạm biệt Azalea
Tôi giơ ngón tay ra dấu là “Chuẩn đó Thiện”
Nó cũng làm vậy với tôi, rồi chạy về hướng lớp nó.
Trời bỗng lắc rắc mấy hạt mưa nhỏ, báo hiệu mùa Xuân đang chuẩn bị tới.
Buổi sáng chủ nhật tôi giúp mẹ rửa cái sân trước nhà. Vào mùa khô, mưa ít, bụi bay mờ mịt nên cái sân bẩn kinh khủng. Làm xong khi tôi đang cuộn lấy cái dây làm ống nước thì thấy cô Ngọc nhà đối diện vẫy tôi:
– Daisy, sang đây cô bảo chút này.
Cô Ngọc ít hơn bố mẹ tôi khoảng chục tuổi. Tôi không biết cô sinh ra trong một gia đình thế nào nhưng trông cô lúc nào cũng có chất quý phái mà thanh lịch. Cô có mái tóc cắt ngắn, kiểu giống như công nương Diana ý.
Mỗi khi đi làm buổi sáng trên chiếc xe mini Nhật màu xanh là cô hay mặc một cái váy bút chì màu đen dài tầm ngang đầu gối cùng chiếc áo sơ mi màu trắng mà cúc áo được cài sát đến tận cổ. Cô đi đôi giày cũng màu đen cao chỉ chừng 5 phân và đội một chiếc mũ vành cứng màu kem. Nhìn vừa kín đáo mà lại toát ra vẻ duyên dáng lịch sự của một người có gu thẩm mỹ.
Nghe cô gọi tôi vội chạy sang
– Hôm qua cô dọn nhà gom được chồng báo này cháu mang nhà đọc đi
Cô Ngọc nói rồi đưa tôi chồng báo được buộc dây cẩn thận. Trong đó phần lớn là báo Thời trang trẻ và Điện ảnh. Cô làm ở phòng phát thanh của trung tâm văn hoá của công ty và cũng của cả cái khu vực này. Nhìn báo cô đọc thì hiểu vì sao cô luôn ăn mặc phong cách dù là đơn giản.
Có lần tôi nghe cô nói với chị Thanh, đang học đại học năm cuối chuẩn bị đi xin việc, nhà chị Thanh cạnh nhà cô: “Cháu nhớ nha Thanh. Ăn cho mình mặc cho người. Khi nào cháu đi xin việc hay đi làm là phải ăn mặc cho lịch sự.”
Tôi cảm ơn cô rồi mang báo về nhà. Sau khi dọn dẹp xong hết rồi tôi mang xe ra chuẩn bị sang Lily. Mẹ tôi thấy vậy chép miệng :”Cứ khi nào đi chơi là thấy nó làm gì cũng nhanh lắm.
Chỉ có các mẹ là hiểu các con, gì chứ đụng làm thì lâu chứ cứ được đi chơi là đứa nào cũng nhanh hơn tên lửa.
Sáng nay hội chị em hẹn nhau sang nhà Lily. Tuy nhiên, Azalea đi Hà Nội có việc với gia đình nhà nó còn Rose vì đang nhớ thương con mèo yêu quý của nó tự dưng bỏ đi mấy hôm nay rồi nên Rose buồn không thích đi đâu cả. Vậy là chỉ còn bốn đứa.
Khi đi tôi không quên mang theo cho Lily mấy tờ báo Thời trang trẻ mà cô Ngọc vừa cho. Lily dáng cao kều, gày nhom, lưng hơi gù. Nó bảo sau này nếu nó không làm người mẫu được thì nó sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang. Người mẫu yêu thích của nó là Cindy Crawford, có nốt ruồi duyên ở ngay khoé miệng.
Lily rất khéo tay, cắt may giỏi và cắm hoa thì thôi rồi đẹp. Tôi nghĩ nó có từng ấy tài lẻ rồi thì có thể theo đuổi những công việc mang tính sáng tạo, khác với con đường mà phần lớn chúng tôi sẽ đi.
Trong nhóm có Dahlia điệu đà nhất nên hay gửi vải nhờ Lily may áo. Lily là bạn, hiểu tính cách của Dahlia nên nó tạo cho chị Hai nó những kiểu áo rất phù hợp: Nào là cổ áo hình cánh sen hoặc là vai bồng hoặc là những loại áo có nơ thắt đẹp mắt.
Có lần Iris thấy Dahlia mặc chiếc áo do Lily may, nó có màu xanh nõn chuối dễ thương vô cùng. Thấy thế nó cũng mua vải nhờ Lily may y như vậy. Cầm mảnh vải Lily nói luôn:
– Màu này kén người mặc lắm chị ơi. Dahlia nó trắng mặc mới đẹp chứ da ngăm ngăm như chị với em thì nên tránh xa, chị đổi màu khác đi.
Thế nhưng Iris đâu có chịu cứ kêu Lily may cho bằng được.
Sau đó, chúng tôi chẳng biết Iris mặc có đẹp không vì có bao giờ nhìn thấy nó mặc đâu.
Dù nghe Lily nói cái áo đã may xong cả tháng.
Sáng nay chúng tôi sang nhà Lily là đều có lý do cả. Tôi phụ nó làm vườn để chuẩn bị mùa hoa bán trong dịp Tết vì tôi thích ra vườn hoa, thú vui thích nhất chỉ sau có viết lách. Dahlia phụ Lily làm vườn để trả công may những cái áo. Còn Iris và Violet ngoài việc sẽ được đánh chén táo đường sau vườn nhà Lily thì còn là để bàn về chương trình của buổi chia tay.
Có sự kiện gì cần tổ chức thì người vất vả nhất luôn là hai bà chị này của tôi. Iris nấu ăn khéo lo việc trong nhà, còn Violet thì quan hệ rộng vui tính sẽ lo chuyện bên ngoài. Thiếu chúng nó mọi bữa tụ tập của chúng tôi đều kém vui.
Đến nhà Lily là tôi và Dahlia chạy ngay ra vườn. Lily đang lúi húi ở khu vườn hồng, tỉa lá sâu và nhổ cỏ. Tôi nhìn những nụ hồng chúm chím, từng cành hồng bạch hồng nhung bụ bẫm đua nhau tua tủa mọc lên là thấy mê rồi. Tôi vẫn luôn ước mình có một khu vườn đẹp như khu vườn của Ông Hưng cạnh nhà ông tôi ngày xưa hay giống như của nhà Lily vậy.
Bất giác tôi nhớ đến bó hồng mà Hoàng đã đích thân sang nhà Lily chọn để tặng Dahlia dịp sinh nhật nó năm ngoái. Tôi thốt lên mà quên mất tình trạng của Dahlia và Hoàng:
– Hoa hồng đẹp quá Lily ơi, hình như màu hoa này giống với bó hoa Hoàng tặng cho Dahlia năm ngoái hay sao ấy nhỉ?
Nghe tôi nhắc tên Hoàng, Dahlia đang cầm kéo tỉa lá vội ngưng. Lily nhận ra ngày hỏi:
– Dahlia lâu rồi có liên hệ gì với Hoàng không? Hôm trước Violet với Rose sang nhà nó báo tin của Azalea mà em không đi được.
Dahlia im lặng một lúc rồi bỗng nói:
– Mấy tháng rồi chị cũng đâu có liên lạc gì với Hoàng. Mà Hoàng nó cũng đâu có quan tâm đến chị làm gì đâu, nó đâu còn thích chị.
Hoàng mà không quan tâm đến Dahlia thì còn ai nữa đây? Tôi nghĩ. Hoàng là đứa mà có gì là đều thể hiện ra bên ngoài hết không giấu giếm được. Sao Dahli lại nói thế nhỉ?
– Thế Hoàng không quan tâm đến chị thì chị có quan tâm đến nó không?
Lily hỏi
– Không…..có
– Không có hay là Có?
– Trước thì Có
– Mà trước đây sao Hoàng nói thích chị chị lại không trả lời lại là chị cũng vậy?
-Chị với Hoàng vẫn chơi rất thân với nhau suốt mấy năm và chị thích bọn chị vẫn là như thế. Cho đến tháng cuối cùng của năm lớp 9, khi sắp phải chia xa chị tự dưng cảm thấy hụt hẫng vì năm sau không được học cùng với Hoàng nữa, không còn những buổi trao đổi những bài Toán hay nữa. Và vì vậy cuối cùng chị cũng dự định sẽ thổ lộ tình cảm của mình với Hoàng. Nhưng tự nhiên chị lại thấy Hoàng khác đi. Nó ít nói chuyện với chị và lạnh lùng hẳn.
Chị không hiểu sao lại như vậy. Có lẽ Hoàng đã thay đổi. Vậy nên những điều chị định nói với Hoàng chị đã …không nói nữa.
– Và chị không hỏi Hoàng sao lại có thái độ như vậy sao?
– Không. Mà thôi chuyện qua cũng lâu rồi, nhắc lại cũng đâu có được gì đâu. Có khi thế lại hay Lily ạ. Chị cũng cảm thấy mình chưa đủ trưởng thành để bước vào một mối quan hệ nào đó cao hơn tình bạn đâu. Giờ đây chị chỉ có một mục tiêu là học thật tốt để đỗ Đại học.
Tôi chủ yếu nghe Dahlia với Lily nói chuyện và cứ suy nghĩ sao Hoàng lại đột ngột có thái độ như vậy với Dahlia. Không thể nào Hoàng thay đổi nhanh thế được. Một tháng trước khi kết thúc năm học. Đúng vào thời điểm mà bọn tôi khuyên nó là hãy cứ thân thiết với Dahlia và nó đã làm ngược lại?
Violet nói “con gái nói có là không”. Ôi trời ơi, thằng này đúng là ngốc thật. Con gái nói có là không nên nó đã làm ngược lại những gì chúng tôi khuyên vì chúng tôi là….con gái?
Có thể là tôi đã lờ mờ hiểu ra vấn đề.
Đến gần trưa bọn tôi ngưng tay lên nhà Lily để chuẩn bị ra về. Trong nhà, văng vẳng tiếng băng cát sét với tiếng hát ca sĩ Bảo Yến:
Tết này anh không thèm đi chơi
Cine hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu
Vì đã có em đem lại mộng đời
Tô thêm vào lòng người, chan chứa mọi nguồn vui
Tết này anh không thèm đốt pháo
Vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi…”
Bố Lily đang ngồi trong nhà, bác đang định châm lửa vào điếu thuốc lào, thấy chúng tôi bác bỏ cái điếu xuống:
– Các cháu trưa nay ở lại đây ăn cơm với Lily. Bác gái nấu sắp xong rồi
– Dạ. Cháu xin phép lần khác ạ vì cháu chỉ xin mẹ cháu đi đến trưa thôi
– Ừ, thế ngồi đây ăn mấy quả táo đã. Lily lấy cái bọc bứt ít táo cho các bạn mang về con
Thế Bố cháu năm nay Tết có về phép không Daisy?
Bố Lily trước đây cũng là bộ đội cùng đóng trong Tây Nguyên với bố tôi. Nhưng bác xin phục viên về quê sớm. Chưa kịp đợi tôi trả lời bác nói tiếp:
– Đơn vị của bố mày với bác ở Pleiku, Gia Lai nên ở miền Nam bác cũng biết hết rồi. Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, đẹp lắm. Mấy đứa sau này trưởng thành cũng nên ra khỏi nhà các con ạ: Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
– Ơ bố không đuổi con cũng đi. Nhưng con đi rồi ai ở nhà chăm sóc bố đây?
Lily nói trêu bố nó. Bố Lily đúng kiểu phong cách bộ đội như bố tôi: Chỉn chu, cẩn thận, khéo tay, làm việc nhà và nấu ăn rất giỏi. Gấp quần áo, chăn màn, khăn mặt là phải vuông thành sát cạnh, nhìn đã thấy chuyên nghiệp rồi. Lily được thửa hưởng hết cái khéo tay của bố nó.
Violet và Iris lúc này cũng từ bếp đi lên, chắc từ nãy hai đứa nó xuống bếp nấu ăn với mẹ Lily. Đối với bọn tôi bố mẹ đứa nào trong nhóm cũng cứ như là bố mẹ của mình vậy, chúng tôi có một mối quan hệ rất mật thiết không chỉ với nhau mà với cả gia đình của nhau.
Chúng tôi chào bố mẹ Lily rồi ra về. Nhà Violet trên đường đi từ nhà tôi sang Lily nên sáng nay tôi đèo Violet, hai đứa đi chung một xe. Chúng tôi đi đâu lâu lâu cũng hay có kiểu chở nhau như thế cho vui. Trên đường về tôi nói chuyện với Violet về chuyện của Dahlia và Hoàng:
– Cái bà Dahlia nhà mình cũng dở lắm cơ. Đã có tình cảm với người ta thì nói ra đi lại cứ để ở trong lòng.
Violet nói
– Em hiểu nỗi sợ của Dahlia đó Violet. Đôi khi duy trì lâu bền một tình bạn thân thiết dễ hơn nhiều so với tình yêu. Tình yêu đẹp thường dang dở và dễ vỡ lắm và Dahlia nó sợ điều đó.
– Mày nói cứ như mày đã có chục mối tình rồi ấy Daisy trong khi vẫn ế sưng sỉa. Nhưng chị công nhận mày nói đúng. Mẹ chị bảo: “Tình yêu thì cần nhiều thời gian và sự quan tâm dành cho nhau ở một mức độ cao hơn tình bạn. Nó cần cả sự thấu hiểu và sẻ chia. Và tất cả những thứ đó ở tuổi của bọn con khó mà có thể có được. Tan vỡ là điều tất yếu”.
Mẹ Violet là bác sĩ sản khoa, có thể vậy mà bác hiểu rõ vấn đề tâm lý ở phụ nữ nói chung và con gái nói riêng
– Nhưng em vẫn băn khoăn lắm Violet em không nghĩ Hoàng nó lại có gì thay đổi hoặc là nó làm ngược lại điều chúng mình từng khuyên.
– Chị cũng nghĩ vậy. Để mai chị qua nó tìm hiểu cho rõ xem nào. Hai đứa này dốt thật ấy cơ.
Violet vốn rất thân với Hoàng. Tính chúng nó cũng giống nhau: Hướng ngoại, nhanh nhẹn nhưng lại rất trọng sự bền vững, thuỷ chung.
Nhưng chẳng cần đợi đến ngày mai mà buổi tối đó Hoàng đã lò dò sang nhà nó. Cũng đã lâu lắm chúng nó mới gặp nhau.
– Mày tự dưng lạnh nhạt với bà chị của tao vậy thì còn mò sang đây làm gì?
– Thôi Violet mày đừng nói nữa. Mày thì biết cái gì. Người ta đâu có thích tao. Thà đau một lần rồi thôi
– Thằng này mãi mà đầu óc không sáng ra được. Mày mà nghe con Daisy thì chỉ vài ngày sau mọi chuyện đã khác rồi. Giời ơi lại đi làm ngược lại cơ
– Là sao? Bốn năm đã chẳng có gì thì vài ngày khác sao được.
– Sao ở trên trời. Thế giờ tao hỏi mày sau hơn nửa năm xa cách, anh một nơi chị một nẻo, giờ mày đối với Dahlia thế nào?
– Vẫn thế, chẳng có gì thay đổi
– Thật không?
– Tao nói đùa mày à? Đây cho mày xem
Hoàng nói rồi mở cái ví nhỏ của nó ra. Trong đó có một tấm hình của Dahlia
– Đúng là tại anh tại ả tại cả đôi bên, chán thật. Giờ tao nói cho mày nghe này Hoàng. Dahlia nó thực sự thích mày đấy. Lẽ ra nó đã muốn thổ lộ với mày rồi mà gặp thái độ của mày nó lại tưởng mày thay đổi nên nó đã thôi. Chúng tao cũng mới nghe nó nói sáng nay thôi
– Trời vậy sao Violet. Sao mày không nói tao sớm, không uổng công tối nay tao sang mày mà. Chỉ còn vài ngày nữa là sinh nhật Dahlia
– À, hoá ra mày nhớ sinh nhật của bạn gái mày nên tối nay mày mới sang thăm cái con bạn già của mày đúng không. Nếu không chắc mày quên luôn lũ chúng tao rồi
– Thôi mà, mày chỉ được cái …nói đúng. Mai đi học tao phải cho thằng Huy một trận mới được, đúng là quân sư quạt mo, chẳng được cái tích sự gì chỉ hỏng hết việc.
Đây mày thấy nó khuyên tao thế này này: “Mày mở mắt to mà nhìn thằng Thiện đi. Cứ phải phớt đời vào, lạnh lùng vào như nó thì mới có con gái theo. Chứ cứ như mày thì chỉ có bị bỏ thôi thằng ngốc ạ. Theo tình tình phớt, phớt tình tình theo. Nhớ chưa?”
– Ai bảo nghe theo cái thằng mà đến giờ này vẫn không mảnh tình vắt vai nào thì chết là phải rồi. Kêu than gì!
Buổi tiệc nho nhỏ chúng tôi tổ chức chia tay Azalea trước đúng một tuần người bạn gắn bó thân thiết với chúng tôi chuyển về Hà Nội. Vào một ngày chủ nhật tiết trời đang bắt đầu vào xuân tuyệt đẹp. Mấy hôm trước ngày nào cũng có mưa bụi, kiểu mưa đặc trưng của mùa Xuân. Vậy mà buổi sáng hôm đó trời dịu mát, gió nhè nhẹ và cái lạnh vừa phải thật là thích hợp cho một buổi tiệc ngoài trời.
Chúng tôi đến nhà Lily rất sớm để chuẩn bị. Mọi việc bếp núc chỉ đạo mọi người làm các món ăn đều do Iris quán xuyến. Nó vừa tháo vát, vừa chăm chỉ lại khéo tay hay làm. Mẹ tôi đã từng nói người như Iris vứt đâu cũng sống được. Từ khi biết tin Azalea đi nó đã miệt mài đan một cái áo len trên đó có thêu tên của bảy đứa bọn tôi. Chiếc áo màu vàng nhạt, màu yêu thích của Azalea, vừa được hoàn thành cách đây mấy ngày.
Dahlia và Rose thì cùng tặng Azalea một cái vòng tay nhỏ. Sáng nay chúng nó phụ trách món nem rán. Nhưng thằng Hoàng chẳng biết nó có hối lộ gì cho Iris không mà bỗng dưng Rose được điều đi hái rau sống ở vườn cho Iris và thế là cái món nem sẽ được phụ trách bởi nó và Dahlia.
Hôm sinh nhật Dahlia vừa rồi, như thường lệ nó vẫn tặng người bạn thân thiết suốt bốn năm học một bó hồng, kèm một tấm thiệp với lời nhắn: “Có một bài toán hóc búa quá suốt bốn năm tớ không giải được. Hy vọng cậu sẽ cùng tớ giải một bài khác dưới đây nhé!” Kèm theo bên dưới là một bài Hình học.
Còn món quà của tôi và Violet là một cuốn sổ chứa đựng một câu chuyện hai đứa tôi sáng tác chung trong suốt hai năm lớp 8 và 9. Violet có ý tưởng và minh hoạ còn tôi viết lời. Azalea đã từng đọc câu chuyện và rất thích nên chúng tôi quyết định nó sẽ là món quà thích hợp nhất dành cho người bạn đặc biệt này.
Riêng Lily cũng móc tặng Azalea một cái khăn len quàng cổ màu tím hoa cà với ý nghĩa dù cách xa về mặt địa lý nhưng đối với Lily Azalea vẫn luôn là người bạn, người chị thuỷ chung, tuyệt vời.
Còn món quà của nhóm Hoàng Huy Hùng là một chiếc đồng hồ báo thức để bàn cũng màu vàng nhạt. Chúng nó vẫn nhớ đến màu sắc yêu thích của Tuệ Minh.
Sau khi mọi thứ đã xong, dưới gốc vải đã từng chứng kiến bao cuộc vui, chúng tôi kê chiếc bàn gỗ dài nhà Lily ra và trải lên đó một chiếc khăn trải bàn có hoạ tiết hoa hồng rất đẹp. Chúng tôi bày lên đó đồ ăn, hoa quả, trà và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Và cả những mơ ước cho tương lại:
Azalea: Tớ muốn học sâu về Toán học và sau này đi theo con đường nghiên cứu Toán
Dahlia: Tớ muốn làm trong lĩnh vực hàng không để được đi nhiều nơi
Iris: Tớ muốn có một cửa hàng nho nhỏ về thực phẩm hay đồ ăn
Violet: Tớ muốn trở thành một biên phiên dịch tiếng Anh
Lily: Tớ muốn làm nhà thiết kế thời trang và có tiệm may của riêng mình
Rose: Tớ muốn học trường Đại học Kỹ thuật và sẽ có một công việc ổn định ở quê để có thể gần gũi bố mẹ
Tôi: Tớ muốn học trường Kinh tế để làm trong lĩnh vực tài chính
Hoàng: Tớ muốn mở một công ty của riêng mình
Huy: Tớ muốn được đi du học ở nước ngoài
Hùng: Tớ muốn học ngành Công nghệ thông tin và có thể kiếm được nhiều tiền giúp bố mẹ và mua cho một người rất đặc biệt một món quà mà bạn ấy thích.
Chúng tôi đều hiểu Hùng nói về ai, một người với điều kiện hoàn cảnh sống quá khác với Hùng nhưng lại là nguồn động lực to lớn giúp Hùng vượt qua mọi khó khăn: Đó có thể là tình bạn; Đó có thể là tình yêu hoặc có thể là một cái gì đó ở giữa. Không quan trọng lắm, miễn là tình cảm đó có thể cho ta sức mạnh, cho ta niềm tin tiến về phía trước.
Chúng tôi đều tin ước mơ của Hùng, bạn chắc chắn có thể thực hiện được. Và ước mơ của chúng tôi cũng thế.
Chúng tôi cứ thể ngồi với nhau, đàn và hát với những kỷ niệm. Không để ý rằng mặt trời đang dần lặn ở phía bên kia đỉnh đồi.
(Hết)
Mình nảy ra đăng truyện tuổi teen về tình bạn này, truyện mà mình viết đã gần hai chục năm, từ hôm gặp lại bạn cũ tại Hà Nội vào một ngày chủ nhật cuối tháng 6. Bạn chính là nhân vật Azalea mà mình xây dựng lên trong chuyện.
Sau bao nhiêu năm bạn vẫn thế vẫn rất trẻ, nhẹ nhàng và giản dị y như ngày xưa. Bạn với mình có một điểm giống nhau nhất là nét chữ, xưa kia các bạn ngồi gần hay nhầm chữ mình với chữ bạn, kiểu chữ tròn tròn như người vậy :)).
Ngày mình học ở Hà Nội, thi thoảng mình lại bắt xe buýt sang nhà bạn chơi vào ngày chủ nhật và lại được bạn dẫn đi ăn linh tinh dưới khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Hà Nội có những món ăn vặt rất ngon, luôn gây thương nhớ, nhất là những món ăn của mùa đông, như bánh rán hay bánh ngô, bánh khoai.
Mấy đứa chúng mình ngồi với nhau cả ngày, sau rất nhiều năm những đưá trẻ năm nào, với những chiếc xe đạp nhong nhong khắp chốn, giờ đầu đã lốm đốm sợi bạc.
Con mình khi đọc những câu chuyện của mình, cháu đã hỏi mình rằng có đúng đời sống của chúng mình ngày xưa nó thế không, sao mẹ đi chơi nhiều thế :))).
Nhưng những ai đã từng trưởng thành qua giai đoạn những năm tháng ấy thì gần như đều có tuổi học trò như vậy cả. Bây giờ các con kết nối với nhau bằng Internet, chứ thời đó nếu muốn giao tiếp với nhau thì chỉ có phóng sang nhà nhau chơi chứ làm thế nào. Vậy nên tình bạn thực sự rất gắn bó, hiểu nhau sâu sắc. Bao vui buồn đều chia sẻ được cùng nhau.
Có sự thật chính xác là những năm 90 là khoảng thời gian khủng khiếp nhất của vấn nạn nghiện ma tuý trên quê mình. Những năm 90, kinh tế mở cửa, hàng hoá bên ngoài bắt đầu tràn vào trong nước, trong đó có ma tuý.
Trong khi việc làm khó khăn, thanh niên thất nghiệp nhiều, bao cái mới mẻ chưa bao giờ có ở thời bao cấp thì bây giờ đều dễ tiếp cận nên chúng dễ hấp dẫn những chàng trai ở vào độ tuổi thích khám phá và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bạn bè xung quanh.
Và một trong những điều tệ hại nhất ở thời điểm bấy giờ là ma tuý. Biết bao nhiêu thanh niên trai tráng trẻ khoẻ đều bị cuốn vào cái chết trắng như những con thiêu thân.
Đã dính vào ma tuý là thân thể tàn tạ, gia đình khánh kiệt, bố mẹ khổ đau không sao kể xiết. Không bút mực nào có thể tả xiết được nỗi thống khổ.
Những người nghiện vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Những người dính vào nghiện ngập đa phần sinh ra vào những năm 70 và đầu 80. Họ trưởng thành ở thập kỷ 90, đúng thời điểm giao thoa của rất nhiều thứ, cả tốt và xấu.
Mình đã nghĩ, nếu như họ sinh sớm hơn khoảng 1 thập kỷ hoặc sau hơn cũng từng ấy thời gian thì có lẽ số phận nhiều người đã khác. Thì rất nhiều người đã không phải bỏ mạng một cách vô nghĩa như vậy. Những năm 90, có những làng quê trên mình nhà nào cũng có người chết vì nghiện, có làng cả xóm gần như xoá sổ vì chất trắng.
Đó là ký ức rất đau buồn mà những người như mình được trực tiếp chứng kiến. Và cũng là một trải nghiệm quý báu trong cuộc đời mỗi người để hiểu về một thực trạng xã hội nhức nhối và có thể gây ám ảnh với nhiều người. Để hiểu những nỗ lực cá nhân, kỷ luật của bản thân có vai trò quan trọng như thế nào trong việc giữ được mình luôn là chính mình.
Khi mình đang gõ những dòng cuối cùng cho loạt bài viết này thì mẹ mình dưới nhà vọng lên: Con ơi, tối qua con đi về đãng trí thế nào mà con không cả khoá cửa nhà thế!
Chết rồi, đúng là mình chưa già mà đã lẩn thẩn thật. May quá, tình hình an ninh trật tự quê mình khoảng chục năm gần đây rất rất tốt. Mình thực sự rất ngạc nhiên là dù nhà ngay sát đường hay ở trong xóm, mọi người thường để xe ở ngoài sân và cửa mở toang trong khi vẫn lúi húi dứoi bếp. Không cần khoá hay bất cứ cánh cổng nào.
Nhờ có nhiều nhà máy đáp ứng nhu cầu công ăn việc làm của thanh niên địa phương nên giờ đây không mấy người trẻ phải lang thang vạ vật ngoài đường như xưa nữa. Và cùng một phần bởi quê mình chỉ là một thành phố nhỏ, rất ít dân nhập cư nên vấn đề an ninh cũng dễ quản lý hơn nhiều, so với những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM.
Quê hương, tuổi thơ, và tình bạn tưoi đẹp luôn là một chất xúc tác rất lớn để mình có cảm hứng viết. Viết, một mặt là sở thích cả nhân của mình, nhưng mặt khác mình cũng rất vui vì có nhiều lời động viên và khích lệ của nhiều độc giả. Có cháu bảo mình cháu thích học môn Văn hơn kể từ khi đọc Blog của cô. Đó là một điều quý giá mà không vật chất nào có thể mua được.
Ah, mà cũng có cháu nói cô chịu khó viết về tình yêu nhé, ngôn tình ý cô!
Chết thật, cô già khọm rồi mà chúng mày cứ bắt cô viết ngôn tình là sao, là sao :))))