Giọt mưa ngâu.3

by Rose & Cactus

Mùa hè năm nay mình được ở quê lâu nhất kể từ khi mình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Mọi lần, lần nào mình về cũng chỉ được trên dưới 10 ngày là phải đi rồi vì khi đi làm chúng ta gần như không thể nghỉ dài ngày cho lý do đi chơi được.

Vì có nhiều thời gian nên mình cũng có kế hoạch và gặp gỡ được nhiều bạn. Thực ra, để nhau gặp được đầy đủ không phải là dễ. Mỗi người một nơi và ai cũng có công việc và những bận rộn cá nhân, hôm nay người này rảnh thì người kia lại bận và ngược lại. Thành thử sắp xếp được một buổi hẹn hò không vắng một ai quả thật không đơn giản!

Thời học Đại học, mình ở Ký túc xá đến 7 học kỳ. Ký túc xá ngày ấy chính là một thế giới thu nhỏ đầy màu sắc của tầng lớp sinh viên. Ai đã từng sống ở đó đều có thể mang trong tim biết bao nhiêu những cảm xúc, những kỷ niệm chứa chan tình bạn bè và những câu chuyện hay giai thoại cười ra nước mắt.

Nếu tuổi học trò là tuổi ngây thơ, hồn nhiên thì thời sinh viên lại là quãng thời gian rực cháy nhất của tuổi trẻ. Sự thích thú được sống độc lập, tự do thoát ra khỏi gia đình, được gặp gỡ nhiều bạn bè đến từ khắp nơi, đã đủ trưởng thành để có thể  bước vào một mối quan hệ lãng mạn hay những khao khát ước vọng về một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai….khiến cho vài năm sinh viên, với nhiều người, luôn để lại những ký ức sâu đậm và rất khác biệt so với những giai đoạn khác trong đời người.

Và cuối cùng thì chúng mình, mấy đứa chung phòng Ký túc xá xưa kia cũng sắp xếp được một ngày cuối tuần để gặp nhau.

Vào ngày thứ Bảy, và là ngày rằm tháng Sáu.

Nhưng năm nay tháng sáu âm lịch mưa nhiều như là tháng ngâu vậy. Bầu trời nhuộm một gam màu xám, mát mẻ nhưng đượm buồn.

Mình xuống Hà Nội bằng xe ghép chung. Trên mình bây giờ có dịch vụ đi xe kiểu này cũng rất hay, xe đón tận nhà và đưa đến tận điểm cuối cùng của chuyến hành trình. Và vì đi chung nên giá cả cũng phải chăng, phù hợp với thu nhập của phần đông người dân.

-Chị về trường Kinh tế Quốc dân ạ?

Em lái xe hỏi chuyện mình

-Đúng em ạ, cho chị đến cổng chính trên đường Giải Phóng.

Trên xe có bốn người. Mình ngồi hàng ghế sau với một bác tầm tuổi mẹ mình và một cháu gái trạc tuổi con mình. Cháu vẫn mặc ngoài chiếc áo khoác mỏng, đồng phục của học sinh

-Cô xuống đó dạy à?

Bác gái quay sang hỏi mình. Sao đi đâu cũng rất nhiều người nhầm mình là giáo viên

-Không bác ạ, cháu xuống trường gặp bạn cũ thôi. Cháu là cựu sinh viên của trường.

-Ồ vậy sao, vậy là trùng hợp rồi. Tôi với cháu gái cũng về trường đấy

-Cháu cũng là sinh viên Kinh tế à?

Mình quay sang hỏi cô bé đeo đôi kiếng cận với khuôn mặt rất lanh lẹ

-Không, cháu nó năm nay mới lên lớp 12.

Bác gái nhanh hơn, trả lời thay cô cháu gái

-Ah vậy nên hôm nay hai bà cháu xuống để tìm hiểu về trường đúng không? Giỏi quá cháu gái.

-Nó muốn thi vào trường Y cơ, nhưng tôi ngăn vì học Y khó và kéo dài. Lại rất vất vả

-Nhưng con học được môn Sinh, con yêu thích môn Sinh và muốn làm việc như một nhân viên y tế để được chăm sóc sức khoẻ cho mọi người và hoạt động cộng đồng.

Cô cháu đáp lại lời người bà

-Nhưng con phải biết rằng đấy là chỉ là mong ước và mộng tưởng của con. Giữa cái mình nghĩ và thực tế nhiều khi khác nhau rất xa con có biết không? Con thì biết làm sao được, nhưng bà đã sống đến ngần này tuổi đầu rồi, bà biết cái gì phù hợp cái gì không.

Rồi bác quay sang mình

-Cô này, tôi đoán cô học hành bài bản hơn tôi, và có kinh nghiệm làm việc rồi. Cô thử nói cho đứa cháu tôi xem tôi nói có đúng không?

Một chút im lặng

-Cháu nghĩ cháu gái có hoài bão thế là rất tốt. Học Y vất vả thật và thi Y cũng không dễ mà cháu lại có chí như thế thì rất đáng khen. Nếu cháu đam mê nghề Y như vậy, gia đình mình thử ủng hộ sự lựa chọn nghề nghiệp của cháu thì sẽ là động lực giúp cháu vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

-Nhưng vấn đề là gia đình nó khó khăn lắm cô ạ. Mình mẹ nó không thể gồng gánh nổi chi phí cho từng ấy năm học nếu đỗ Y. Con phải hiểu gia cảnh nhà mình khác nhà người ta…

Bác gái nói đến đây thì dừng, hơi xúc động nên giọng lạc cả đi.

Nói thật về tình hình tài chính cho con trẻ, rằng bố mẹ không thể đáp ứng được những nhu cầu chính đáng, hoặc là về chi phí sinh hoạt hay học tập của con luôn khiến bất cứ một bậc phụ huynh nào cũng cảm thấy đau lòng. Nếu có thể, ai mà không mong những điều kiện tốt nhất cho con cái, ai mà không mong con có thể được hưởng thụ những gì tốt đẹp nhất.

Nhưng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Mình không ở trong gia đình nhà người khác nên không thể hiểu tường tận để có thể có một lời khuyên xác đáng nhất.

Ca sĩ Taylor Swift trong bài phát biểu tại Đại học New York khi cô nhận bằng tiến sĩ danh dự ở đây đã từng nói một ý thật sâu sắc:

“Xin lưu ý rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy đủ điều kiện để khuyên bạn phải làm gì. Bạn đã làm việc, đấu tranh và hy sinh, học tập và mơ ước theo cách của riêng bạn – vì vậy, bạn mới  là người biết rõ mình đang làm gì. Bạn sẽ làm những điều khác với tôi đã làm!

Vì vậy, tôi sẽ không khuyên bạn sẽ phải làm gì vì không ai thích điều đó. Tôi chỉ cung cấp cho bạn một số mẹo vặt trong cuộc sống mà tôi ước đã biết sớm hơn từ lúc bắt đầu sự nghiệp rồi định hướng cho cuộc sống, tình yêu, áp lực, lựa chọn, sự xấu hổ, hy vọng và tình bạn.”

-Qủa thực là rất khó. Để chú nói cho cháu gái này. Chú thì không học giỏi đến mức đỗ được Đại học Y, nhưng chú cũng đã từng theo học Cao đẳng Y dược. Nhưng rồi cuối cùng lại ra làm cái nghề lái xe này. Học Y khó nên đừng mong là đi làm thêm để có tiền trang trải việc học được, rồi học xong đâu phải đã là xong, còn mất vài năm thực hành nữa mới được cấp bằng nên để trở thành bác sĩ giỏi mất nhiều thời gian hơn các ngành nghề khác.

Nhưng tất nhiên nếu cháu có tay nghề giỏi, thì nghề sẽ không phụ người, cháu sẽ nhận được thu nhập xứng đáng với công sức cháu bỏ ra. Cho nên, khó khăn nào cũng có cách giải quyết hết. Nếu gia đình mình không có nguồn tài chính dồi dào, bác ạ, thì cháu nghĩ mình có thể  vay theo các chương trình cho vay ưu đãi của nhà nước dành cho sinh viên và huy động mọi nguồn vay khác để cho cháu nó có thể thực hiện được ước mơ của mình. Cũng là một cách để cháu nỗ lực học tập và rèn luyện.

Anh lái xe giờ mới tham gia vào cuộc trò chuyện:

-Chú giờ làm trái nghề, nhưng vẫn hài lòng vì nghề này cho chú một nguồn thu nhập có khi còn tốt hơn nếu chú theo đuổi ngành Y. Nhưng nói thế không có nghĩa việc học là không có ích. Ví dụ, chú học cao đẳng Y nên chú có thể có hiểu biết đôi chút về bệnh tật, hay các phương pháp chữa bệnh nên khi chở bệnh nhân đi khám dứoi Hà Nội mình có thể trò chuyện với họ với một chút kiến thức chuyên sâu hơn và vì vậy làm cho họ cảm thấy thích mà lựa chọn đi xe của mình, làm cho họ cảm thấy an tâm hơn để có nghị lưc vượt qua nghich cảnh bênh tật hiểm nghèo.

Đấy nên chú muốn nói với cháu rằng, đôi khi không phải rằng khi mình buộc phải rẽ sang hướng khác đã là một cánh cửa đóng sập tương lai của cháu lại đâu, mà có khi nó lại mở ra cho cháu một chân trời mới tốt đẹp hơn mà chính cháu cũng không ngờ tới.

Trong thời đại mà mọi sự đều có thể thay đổi một cách rất nhanh chóng này, thì sự linh hoạt là rất quan trọng, bà và cháu ạ. Không có nghĩa rằng cháu học cái này thì nhất nhất phải ra làm cái đó. Trường đại học chỉ trang bị cho mình kiến thức nền thôi, còn làm được đến đâu còn là do nỗ lực rất nhiều của bản thân mỗi người, tự học, rút kinh nghiệm và luôn cần mẫn chăm chỉ, không ngừng nâng cao tay nghề. Mình cứ nói thật là như thế!

Anh tài xế lập luận sắc bén thế này bảo sao anh luôn có đông khách hàng

-Chị đồng ý với em. Nên cháu gái cũng đừng lo lắng quá nhé, nếu cháu đã say mê trở thành bác sĩ đến thế, thì việc của cháu bây giờ là hãy cố gắng học hết sức mình trong năm cuối này đi để bước đầu đặt được một chân vào ngưỡng cửa mơ ước, là đậu được vào trường. Còn giả sử nếu không, thì cũng có rất nhiều cách khác nhau nếu cháu muốn tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, dù cháu có làm việc trong lĩnh vực nào đi nữa thì vẫn luôn có cơ hội.

Hai bà cháu không nói gì nữa, chỉ trầm tư. Mỗi người chắc đều đang theo đuổi dòng suy nghĩ của riêng mình. Mấy người khác cũng im lặng hồi lâu,

một lúc sau lại bắt đầu rôm rả một câu chuyện khác. Khi đã quen nhau rồi, chúng ta có thể cởi mở hơn với nhau và làm cho không khí trở lên vui vẻ.

Đôi khi cái mà chúng ta có thể làm được cho nhau chỉ đơn giản là như thế, khiến mọi thứ xung quanh vui vẻ và nhẹ nhàng đi giữa bao lo toan và bộn bề của cuộc sống.

Gần trưa, xe dừng đúng nơi mình cần xuống. Mình chào em tài xế và hai bà cháu để đến gặp các bạn mình!

Các bạn mình đều từ các tỉnh khác nhau về Hà Nội học tập. Tại ngôi trường rộng lớn và xanh mát, rợp bóng cây này. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, đến mình còn già đi và …nặng hơn :)) huống hồ là ngôi trường, sao không thay đổi được.

Thực sự, thì nó đã đổi thay đến mức mình không còn nhận ra được chút nào nữa, ở ngoài mặt tiền, nên đi vào cứ phải hỏi lung tung. Dãy nhà cấp bốn đã được thay thế bởi toà nhà cao tầng hiện đại. Những dãy ghế, hàng cây, và những bông hoa rực rỡ bung nở khiến khuôn viên trường như một công viên thu nhỏ. Đây đó, từng tốp các cháu học sinh vào tham quan trường; hoặc từng nhóm các bạn quây lại chụp ảnh kỷ niệm sau 15 hay 20 năm ra trường;

Và chỗ các bạn đang đứng đó cũng chính là giảng đường học cũ của chúng mình, vẫn những dãy nhà ba tầng màu vàng như xưa. Đối diện nó là nhà văn hoá, nơi có một số đêm ca nhạc sinh viên đầy máu lửa mà chúng mình đã từng vào xem.

-Hiền à, đến lâu chưa, ôi lâu quá rồi bạn ơi!

Chúng mình gặp nhau bằng những cái ôm và những lời chào như thế. Bạn bè sau khi ra trường, mỗi người một công việc, hướng đi khác nhau. Giờ đây có điểm chung đều là những người mẹ của những đứa trẻ cũng đang chập chững bước vào tuổi trưởng thành, lứa tuổi mà bọn mình đã gặp nhau khi xưa. Và tất nhiên, còn có những kỷ niệm chung bốn năm gắn bó với nhau của thời thanh xuân đầy tưoi đẹp

Chúng mình vào ký túc xá, tìm về căn phòng ngày xưa đã từng ở. Các toà nhà ký túc vẫn thế, nhưng cả khu thì như được mở rộng ra và cây cối thì già hơn và cành lá rậm rạp cho bóng mát nhiều hơn.

-Trời nóng quá. Sáng mưa ầm ầm rồi lại hửng nắng ngay khiến hơi đất bốc lên rẩm rít rất khó chịu.

Oi nồng, mồ hôi vã ra dưới thời tiết tháng Bảy.

Giữa trưa, chúng mình ghé một quán ăn mát mẻ và sạch sẽ ngay gần khu phố cổ. Sau đó qua kem Tràng Tiền và ngồi ngắm Tháp Rùa ở quán cà phê ngoài trời.

Nắng đã tắt và mây vần vũ kéo đến.

Mưa ngay lập tức trút xuống những chiếc ô rộng là những mái che. Những giọt mưa ngâu nặng hạt tạp cả vào khu vực ngồi của chúng mình.

Chúng mình ướt chân, và ướt cả tóc.

Nhưng những người khách vẫn lặng lẽ ngắm mặt hồ Gươm dứoi làn mưa. Nước rơi ruống mặt hồ, tung bọt, và tạo ra những đợt sóng lăn tăn.

Tháp Rùa nhoà đi, mờ ảo bởi dòng nước bao phủ.

Bầu trời xám xịt một màu buồn bã!

-Mình đã cực kỳ hụt hẫng lúc bố mình ra đi. Cảm giác đó thẩm thía và đau đớn hơn bất kỳ nỗi đau nào, khi mình nhận ra một người đang ở bên cạnh mình, rất thân thuộc với mình mà giờ không còn trên cõi đời này nữa.

Giọng của bạn còn buồn hơn cả nhịp điệu mưa ngâu buổi chiều tháng Bảy!

Cái chết của người thân luôn để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy. Đôi khi, chỉ đến khi đó chúng ta mới nhận ra họ có vai trò quan trọng với chúng ta biết nhường nào và rằng chúng ta đã yêu quý họ biết bao nhiêu. Họ là điểm tựa tinh thần, một điểm tựa vô hình nhưng lại có sức mạnh hữu hình giúp ta sống và phải sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Cái chết là sự mất mát, là sự cách ngăn giữa người ra đi và người ở lại.

Đôi khi, cũng một cách như thế, nó chia lìa những người ở lại với nhau.

Đôi khi, nó lại làm cho những người còn được sống và đang được sống gắn kết gần nhau hơn. Cha mẹ mất đi, anh chị em lại càng phải thương yêu đùm bọc nhau thì nếp nhà vẫn mãi còn được giữ.  Khi ấy, mỗi người mới còn như thấy vẫn còn nơi trong tâm tưởng để trở về. Đó chính là điểm tựa.

Cũng nhờ vậy, cái chết mới là lý lẽ của sự sống!

Chúng mình di chuyển vào một quán cà phê nhỏ để tránh cơn mưa. Và ngồi với nhau với những câu chuyện buồn vui cuộc sống, đủ cung bậc thăng trầm như sự biến đổi của thời tiết. Cho đến khi tiếng mưa thưa dần. Hoàng hôn rực rỡ với những tia nắng của buổi bình minh.

Sau cơn mưa trời lại sáng, dù cho lúc ấy đã là buổi chiều tà.

Giờ phút tạm biệt đầy lưu luyến nhưng lại như một lời chào cho những lần gặp nhau khác. Khoảng cách về mặt địa lý có thể xoá nhoà nếu trong tâm tưởng chúng ta coi những người chúng ta yêu quý như những điểm tựa, điểm tựa về mặt tinh thần. Xa lại hoá gần, ảo ảnh mà như lại hiện hữu.

Chúng mình chia tay nhau bằng những nụ cười. Những nụ cười của niềm vui hội ngộ!

Mình say bí tỉ trên đường về. Nhưng vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra sự giận dữ của một em khách hàng với người tài xế trẻ tuổi. Em gái giận và lớn tiếng vì cho rằng người lái xe đã không biết cách đón khách sao cho hợp lý làm cho thời gian di chuyển trên đường của em kéo dài hơn dự kiến.

Người lái xe trẻ chỉ biết giải thích là do tắc đường trong nội thành khiến xe không thể đạt được tốc độ cần thiết.

“Mình đâu có muốn như thế. Tắc đường thì nào ai biết trước được. Mình cũng muốn anh chị và các bạn về đến nhà đúng giờ.

Em nói đến đây thì thôi!

Để kiếm được tiền bằng mồ hôi nước mắt, có nghề nào mà không có cái khó. Những ngành dịch vụ, vừa phải phục vụ khách được tốt lại phải ăn nói, cư xử sao cho không làm mất lòng khách hàng và giữ chân được họ cho những lần sau. Đôi khi phải kìm nén sự mệt mỏi, nỗi bực tức bên trong và duy trì một thái độ ôn hoà bên ngoài để công việc được suôn sẻ. Không chỉ cho mình mà còn cho cả doanh nghiệp đang nuôi sống mình và biết bao người!

Anh khách hàng ngồi cạnh mình, cũng là một tài xế, lúc đầu cũng bực tức nhưng càng về sau lại càng tỏ ra thông cảm với người lái xe trẻ, có lẽ vẫn còn non về nghề. Anh hướng dẫn cho em ấy cách thức đón trả khách nhằm đảm bảo về mặt thời gian, cách biết buông bớt số lượng để đảm bảo về chất lượng của cuộc đi để khách hàng hài lòng nhất trong khả năng có thể.

Mình không còn biết trời đất là gì nữa, vì say quá. Em lái xe thì cuống lên vì lo em gái khách hàng muộn giờ nên cho xe tăng tốc băng qua cả điểm đến của mình đến hơn chục cây. Đến khi hai người họ xuống hết, trên xe chỉ còn mình và một anh khách hàng mà em đón từ sân bay thì mình mới nhận ra đã qua nhà mình xa rồi và giờ em sẽ chở mình quay ngược trở lại.

-Em cứ bình tĩnh lái, không phải lo lắng quá đâu. Anh có chậm một chút thời gian cũng không sao cả vì anh không có gì cần gấp gáp

-Em cảm ơn anh nhiều vì anh đã thông cảm cho em, hôm nay nói thật với hai anh chị sao mọi thứ đều không có suôn sẻ, cả lúc đi lẫn lúc về

-Không có gì cả em ạ, cuộc sống có lúc này lúc khác. Anh rất thông cảm với em, giờ đến nhà anh rồi, em cho anh dừng ngoài đường anh tự đi vào  ngõ cũng được.

-Em cảm ơn anh rất nhiều

-Đừng căng thẳng quá. Nếu mệt mỏi thì em nên nghỉ ngơi. Anh gửi em tiền xe, và anh không có nhiều chỉ có 20.000 em cầm thêm uống ly cà phê.

-Ôi anh ơi, anh tốt quá rồi, em không thể nhận số tiền thêm này đâu

– Em đừng từ chối khách hàng. Không đáng là bao cả nhưng đây là sự ghi nhận của anh dành cho sự nỗ lực và thái độ phục vụ của em. Cố gắng học hỏi để lần sau phục vụ khách hàng được tốt hơn. Chào em nhé!

– Em cảm ơn anh nhiều ạ, cám ơn anh!

Mình không biết mặt ai trên xe vì mình khi đã bị say xe là gần như bẹp rúm vậy.

Tuy thế những lời nói của người khách hàng cuối cùng trước mình với người lái xe đã khiến cảm giác mệt vì say gần như tan biến.

Hai mươi km đi thêm với một người say như mình, thật chẳng còn là vấn đề to tát.

You may also like

Để lại bình luận