Sau ngày mưa tầm tã từ sáng đến khuya thì ngày nắng hạ đã quay trở lại. Mặt trời mọc từ sớm và cái nóng tràn vào căn phòng nhỏ của mình ngay khi mình mở cửa để chào đón ngày mới.
Mẹ tất nhiên là dậy sớm hơn mình, lúc nào sau khi dậy bà cũng dành thời gian gần 2 tiếng cho ngồi thiền. Một ngày hai lần như thế, đều đặn suốt gần hai chục năm nay, kể từ khi mẹ về hưu.
Thiền giúp mẹ tĩnh tâm, khi đó tất cả mọi vui buồn cuộc sống đều bỏ lại bên ngoài. Chỉ còn lại mình với mình. Tập trung vào bên trong. Lặng im. Thả lỏng. Và hoàn toàn trống rỗng.
Thiền cho mẹ sức khoẻ dẻo dai khi đã ở ngưỡng thất thập cổ lai hy. Khuôn mặt mẹ nhìn gần vẫn còn rất trẻ, dù mái tóc do cơ địa đã bạc trắng. Sức khoẻ mẹ từ hồi còn trẻ cũng không được tốt lắm đâu. Khi mình còn ở nhà lúc nhỏ thậm chí mẹ còn hay phải nhập viện và nằm viện nhiều hơn mình nhiều. Mẹ cũng mang trong mình đủ thứ bệnh.
Nhưng nhờ có thiền mà mẹ đã được nâng đỡ lên rất nhiều, cả về thể chất và tinh thần. Nhờ có thiền mẹ truyền lại cho mình mà đã giúp mình vượt qua được giai đoạn khi sức khoẻ của mình xuống dốc nhất. Mình có viết bao nhiêu trang giấy cũng không thể kể hết công lao của mẹ đối với tất cả cuộc sống của mình từ trước đến giờ.
Và vì vậy, mình chỉ mong khi con mình đến tuổi trưởng thành, con có cuộc sống của con thì mình sẽ được về bên mẹ, được chăm sóc mẹ như các cô chú xung quanh nhà mình đang chăm sóc cha mẹ đã rất gìà của họ, như mẹ mình khi xưa đã chăm sóc bà ngoại mình suốt nhiều năm cho đến tận khi bà qua đời ở tuổi chín mươi lăm.
Tiếng lách cách dứoi bếp báo hiệu mẹ đã thiền xong và đang chuẩn bị lá để nấu nước uống. Lá vối hay lá tía tô có kèm theo một ít lá cơm nếp vào khiến thứ nước uống buổi sáng quyện hương thơm của đủ loại cây nhà lá vườn, ngửi thôi đã đủ hấp dẫn chứ đừng nói đến cảm giác khi thưởng thức. Quê nhà không phải là những thứ gì cao xa, mà đôi khi chỉ là những điều rất đơn giản như thế: một mùi hương.
Mình uống một cốc nước ấm nóng lá tía tô rồi dắt xe ra khỏi nhà.
Trên đường đã rất đông những người đi tập thể dục trở về. Giờ này mới bắt đầu đi là hơi trễ. Mình cũng chỉ đạp xe với tốc độ vừa phải thôi, hay có thể gọi là như rùa bò cũng được. Qua đoạn đường tròn trung tâm theo quán tính mình cứ rẽ phải, lại chính là đường xuống nhà bà nội mình xưa kia.
Con đường đất đỏ một thời cũng rất hay lặp lại trong những trang miền ký ức của mình. Con đường đồi trập trùng, mùa khô bụi bay mù mịt. Bụi đất đỏ phủ một tấm áo vàng nâu lên những vạt cây cỏ ven những ngọn đồi hai bên đường. Cảm giác như mùa đông lúc đó đã bị nhuộm vàng màu sắc thu. Nhưng đó là một thứ thu buồn bã và xấu xí!
Nhưng đường đất đỏ vào mùa mưa mới thực sự đáng sợ. Đất nhão nhoét, dính chặt vào với nhau, trơn tuột. Lên hay xuống dốc cũng đều khó và khổ. Vồ ếch là chuyện thường, học sinh đi học giữa những cơn mưa thì khi đến lớp hay về đến nhà, quần áo cũng lấm lem bẩn thỉu hết cả.
Cái loại đường này, thật, chỉ có đi bằng xe căng hải được thôi chứ các phương tiện cơ giới khác nhiều khi chịu chết, liệu đường xuống mà dắt bộ. May mà xưa kia chỉ có xe đạp thô sơ nên có dắt cũng nhẹ nhàng, chứ mà ô tô thì đúng là chỉ có hò dô ta nào, hò nhau mà đẩy lên thôi. Đường đất trung du, miền núi mà vào mùa mưa gây ngán ngẩm cho cả những người có tay lái cứng nhất!
Ấy thế mà con đường đầy hoài niệm này lại mang một cái tên rất lạ: Vó Ngựa. Hẳn là thời xa xưa mảnh đất này đã in đậm dấu chân của những chú ngựa đầy oai vệ đây. Ai đã từng nghe tiếng vó ngựa lộc cộc trên những con dốc giữa buổi trưa hè hay là vào buồi chiều đông giá ?
Nhà bà nội mình xưa kia có một cái quán nước ngay đỉnh một con dốc trên đường Vó Ngựa này. Quán nước của ông bà nằm trước một cái hồ rộng lớn. Vào mùa hạ, mưa nhiều, nước dâng lên có khi đến mực xấp xỉ miệng hồ. Những cây thân cỏ mọc sát rìa xung quanh hồ đều chìm xuống dưới mặt nước.
Lúc này ngay cả hàng trúc với dáng vẻ cao ráo thanh thoát hàng ngày soi bóng xuống tấm gương của tự nhiên cũng có vẻ như bị “lùn” hẳn đi.
Nước dưới hồ thổi ngược lên làm cái quán bên trên luôn lộng gió và cực kỳ mát khi sang hè. Quán lợp mái cọ, lại trú ấn dứoi tán cây vải cổ thụ, xum xuê thành thử nó không khác gì một cái resort nghỉ dưỡng, theo tiêu chí hiện đại bây giờ.
Quán chỉ bán mấy thứ quà quê, kiểu như mấy phong kẹo lạc, kẹo dồi, bánh khảo, bánh gai, vài bao thuốc lá…. Không thể thiếu ấm tích đựng nước vối hay vài chai rượu.
Mình rất thích giúp ông nội dốc rượu từ can nhựa lớn vào cái chai thuỷ tinh qua miệng phễu. Cảm giác dòng nước chảy qua phễu nó cứ hay hay thế nào.
Rượu gạo ngày xưa các cụ đều nấu rất chuẩn chỉ nên không có chuyện uống vào gây ngộ độc, thậm chí nguy kịch đến tính mạng như bây giờ. Tất nhiên cái gì quá đều không tốt, mà uống quá nhiều rượu thì lại càng không, cho dù nó có chất lượng cao đến đâu.
Chợ Vó Ngựa nằm ở đoạn giữa của con đường và chỉ họp vào buổi sáng. Tan chợ các ông bà buôn hàng từ trong vùng nông thôn nằm sâu trong xóm đều hay ghé qua quán nhà ông bà nội mình.
Ông thì mua cút rượu uống cho ấm bụng, ông lại làm vài hơi thuốc lào thư giãn, lão nông khác thì lại làm thoả mãn cái dạ dày rỗng bằng mấy bìa đậu nóng hổi, chấm với súp (bột canh).
Và cứ thế các cụ tà tà ngồi với những câu chuyện của nhà nông, cho đến khi mặt trời đã lên cao quá ngọn trúc mới nhổ neo. Tiếng vó ngựa, tiếng họ bò trâu lại vang lên trên con đường đất đỏ!
Quán nhà có sẵn rượu nên bà nội mình cũng uống không ngán gì ông nào :)). Cụ gái miền Tây Bắc, dân tộc chính gốc và rất sành về rượu. Mình còn nghe bà nói thưởng thức rượu trên vùng cao nó đã hơn hẳn, chẳng biết có đúng không? Nhưng ngẫm lại thì cũng là có lý, vì miền núi thời tiết lạnh hơn, nên thưởng rượu cũng dễ “say” hơn :))
Bà nội bữa cơm nào cũng phải có một chén rượu. Chỉ đúng một chén không hơn. Có hôm mình xuống bà chơi ngủ lại với bà, nửa đêm bất chợt thức giấc, nhìn ra nhà ngoài thấy cụ đang một mình với một ly rượu. Con cháu là mình mắt nhắm mắt mở lại mò ra chỗ bà:
-Con vào ngủ đi, bà vào ngay giờ. Khó ngủ quá nên bà làm chén biết đâu dễ chợp mắt hơn!
Mình biết chắc do tuổi già hay trằn trọc chứ bà chẳng vì có điều gì phiền muộn mà phải mượn đến rượu. Bà sống vô tư như cỏ cây núi rừng quê hương bà, môi lúc nào cũng đỏ chót vì nhai trầu, răng đen nhánh và nụ cười thì tươi hơn hoa. Tận đến khi bà mất!
Cái xe lại dẫn mình xuống dốc và rẽ trái vào con đường dẫn tới bệnh viện cũ nơi bà mình làm việc khi xưa. Đường bây giờ, dĩ nhiên, không còn là đường đất đỏ nữa rồi. Tất cả đều lát bê tông, sạch đẹp. Bệnh viện thì đã chuyển đi nơi khác và hai bên đường đã thay đổi nhiều.
Mình cứ băng qua mãi, đi mãi vào sâu phía trong vì cứ nghĩ nó dẫn ra khúc sông mà mình nhớ mình đã xuống đó một lần khi còn nhỏ. Nhưng cuối cùng chẳng thấy sông đâu.
Tuy vậy, càng đi thì cảnh đồng quê hai bên hiện ra càng đẹp. Lúa xanh một màu xanh của sự đủ đầy nước, nhất “nước” mà, và năm nay thì mùa hạ miền bắc lại chan chứa nước, mưa có vẻ nhiều hơn bất kỳ mùa hạ nào.
Ngô, khoai và một vài cây lương thực khác khiến những ô ruộng trông đỡ một màu hẳn. Vùng này cũng nổi tiếng đất trồng lạc! Giống lạc ta hạt đỏ và chỉ nhỏ thôi nhưng chất lượng thì tuyệt hảo. Loại lạc này rang lên ăn vặt hay để giã vừng đều cho vị đậm đà chứ không nhạt nhẽo của thứ lạc lai hạt to đùng.
Cánh đồng buổi sáng rất vắng và con đường cũng rất vắng. Những cụm tre mọc sát ra đến lề đường. Tre dày đặc, trùm cả lên khoảng không bên trên làm cho có những đoạn đường trở nên tối sẫm lại. Cái nắng dù chát chúa thế nào cũng không thể ghé chân xuống đến được đây.
Cảm giác lúc xuyên qua một thành luỹ tre đó của mình kiểu cứ như đang được băng qua một hầm tối. Kể ra cũng thú mà cũng thấy …hơi sợ :)). Không biết nhà mình mà trong đây thì buổi tối có dám ra khỏi nhà mà đi chơi không nữa.
Tất nhiên, đó là cảm giác thường tình của người khách lạ, lại có tính sợ …ma :)) chứ ai mà là dân thổ địa ở đây rồi chắc sống quen thì không muốn chuyển đi đâu cả. Vì thực sự, không khí đúng nghĩa là trong lành.
Cây cối bạt ngàn và cứ đi một đoạn lại xuất hiện một con suối nhỏ. Suối chảy róc rách, nước trong thấy rõ được cả những viên sỏi dưới đáy. Nắng mới buổi sớm xuyên qua tán lá mỏng rớt xuống dưới làn nước, lấp lánh thứ ánh kim cương.
Mình dựng xe lại và ngồi phịch xuống dưới một gốc tre già. Kệ, vắng thì vắng cũng cứ phải thả hồn một chút hầu thu hết cái vẻ đẹp của thiên nhiên ở nơi còn tương đối chưa được khai phá hết này.
Đây chắc phải gần đến cái khu rừng bần trong trí nhớ của mình rồi. Hoa mua nở tím biếc ven những rặng đồi, lá tre rụng xuống ngập mặt đường và được giữ lại bởi những cơn mưa mấy hôm trước nên đã bết dính lại tạo ra thứ mùi lá cây ẩm mốc đặc trưng.
Ngay trước mặt mình, là vẻ đẹp miền trung du với đồi, suối và ruộng:
-Cô hỏng xe à? Sao lại ngồi đây?
Một bà cụ lưng còng đi ra từ phía một căn nhà nằm tít cuối của con đường hẹp nằm giữa hai bên cánh đồng, dừng lại hỏi mình.
-Không, con đi dạo buổi sáng thôi ạ
– Thế à. Tôi giờ đau lưng, đau chân, gần chín mươi tuổi rồi nên không đi đâu xa được cả, chỉ loanh quanh quanh nhà thôi. Chứ trước không việc gì mà tôi không làm được.
Cụ già có gương mặt rất hóm hỉnh, mắt tinh đến còn nhìn rõ được để khen cái mũ của mình đẹp :)). Gần bốn mưoi năm nay cụ chẳng đi đâu xa hơn cái bán kính khoảng dưới 5km từ nhà cụ ra đến chợ Vó Ngựa. Cả đời chưa biết đến cái bệnh viện ở đâu và thức ăn thì toàn là sản vật vườn nhà.
Mà nhà cụ thì mình nhìn sang, ba bề tứ phía là ruộng, và phía sau lại là một quả đồi thoai thoải. Đúng là một mình một vương quốc, ở nơi được xem là khỉ ho cò gáy, không ai thèm mò xuống đây mà ở này
-Tôi có mấy đứa con mà chúng không thích ở đây. Chúng muốn tôi ra ngoài ở cùng nhưng tôi không đi đâu được cả, cứ đi vài ngày là lại muốn về nhà mình rồi. Thi thoảng con cháu vào chơi với mẹ với bà thôi. Ở mãi cũng quen cô ạ, chả thấy gì cả mà nhiều người cứ bảo ở nơi vắng vẻ thế này thì sợ lắm. Nhưng mình già rồi, ai thèm làm gì mình đâu. Nhà cửa thì cũng có cái gì mà lấy.
Bà cụ trò chuyện với mình một lúc lâu thì nói lời tạm biệt. Mình chào cụ và đứng lên, quyết định không đi tiếp nữa, quay xe ngược trở về.
Đường lúc này bắt đầu có người đi lại, các bác nông dân xuống ruộng làm đồng. Mình mua được từ các bác ít rau rất xanh non, và mấy cái bắp nếp.
Buổi sáng oi nồng cuối hạ, mình và mẹ lại vào thăm mộ ông bà mình. Hôm nay ngày Thương binh liệt sĩ và ông mình cũng từng là người lính Điện Biên Phủ suốt gần mười năm.
Một nén hương cho ông cũng là một nén hương tưởng nhớ tất cả những người con đã ngã xuống hay đã để lại một phần xương máu và cả thanh xuân nơi chiến trường để giữ trọn bầu trời, mặt đất quê hương.
Trong làn khói hương trầm mặc nơi ông mình đang nằm, giữa những cánh đồng xanh bát ngát của cây lúa, cây đào, bên một con suối nhỏ, mình lại nghĩ về những cảm xúc của mình mấy ngày qua.
Cảm xúc tiếc thương của mình, cũng như của triệu người trên mọi miền Tổ quốc khi một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước ra đi.
Dòng cảm xúc này, một phần đến từ việc nhiều người, trong đó có mình, là cho đến tận khi Ngài Tổng bí thư đã nằm xuống, mới biết rõ hơn về đời sống khiêm nhường thường ngày của ông. Bên cạnh những dấu ấn cá nhân mang tên “ngoại giao cây tre” hay “người đốt lò vĩ đại”, mà các nhà phân tích chính trị đã nhắc đến khi nói về ông.
Nhưng có lẽ hàng dài vô tận những người dân vào viếng mấy ngày qua, dù dưới trời nắng nóng hay mưa giông, dù là ở Bắc hay Nam, đã phản ảnh một cái gì đó còn hơn cả sự thương tiếc hay biết ơn.
Đó hẳn còn là niềm hy vọng và mong mỏi cho đất nước của họ, đúng hơn là của chúng ta, phải luôn có và có nhiều những CHÍNH TRỊ GIA có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp như thế. Có lòng yêu nước và ý chí nhiệt huyết cống hiến cho đất nước như thế. Và có tài năng như thế hoặc hơn thế.
Bởi đó chính là những yếu tố cần có của một người Cộng sản chân chính!