Buổi sáng đạp xe về đến con đường gần nhà, giữa đường bất giác ngẩng lên mình thấy dãy núi Tam Đảo hiện ra trước mắt, ở phía đằng xa. Rõ nét, xanh thẫm trên nền trời quang mây. Trập trùng và thật hùng vĩ!
Từ nơi mình đang đứng đến vị trí mà cả dãy khối đá khổng lồ đã sừng sững đứng đó cả ngàn năm, không quá gần đâu. Cũng phải năm chục cây đấy. Ấy thế mà sao mình cứ cảm giác như không hề có khoảng cách. Như là mình có thể leo lên, trèo lên luôn được vậy. Chứ đúng ra là bay mới phải. Bay về phía đỉnh cao, ở mãi tít tận đường chân trời.
Lúc đó bất chợt hình dung mình như một cái chấm nhỏ giữa mặt phẳng bao la, trong vùng bóng mà khối núi cao đổ xuống mặt đất. Vì núi cao nên mới nhìn rõ được từ xa, và vì từ xa quan sát nên toàn bộ không gian rộng lớn, khoáng đạt đó đều có thể thu hết được vào trong tầm mắt!
Mình nhớ năm mình 9, 10 tuổi gì đó khoảng năm 1990, vào một buổi chiều thu se lạnh, trên con dốc khu tập thể, mình và bác Xuân (lúc đó bác bế một em nhỏ) đang chú ý ngắm dãy núi Tam Đảo. Nói qua là vì lúc đó cảnh sắc đẹp theo kiểu rất Thu. Mới bốn giờ chiều, mẹ mình còn chưa đi làm về, mà đã cảm giác hơi lạnh thấm qua làn áo rồi.
Nắng yếu không đủ sức nhuộm làn sương mỏng chơi vơi lưng chừng trời sang một màu sắc khác. Nó hoà lẫn vào với sương bao phủ quanh đỉnh núi, phản chiếu một thứ ánh sáng le lói cuối cùng trước khi vụt tắt. Chiều thu qua rất nhanh và tối thu sẽ dài đằng đẵng. Như dải sương- mây giăng mắc theo chiều ngang của rặng núi.
Trên đỉnh núi Tam Đảo vươn lên một cột tháp truyền hình từ độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển. Cây cột thẳng đứng, dĩ nhiên rồi. Nhưng bất ngờ, cả mình và bác Xuân bỗng thấy sao mà nó đang như nghiêng đi. Hình như mọi thứ đang nghiêng, đang chao đảo. Có chút rung chấn nhẹ. Động đất!
Đó có lẽ là lần duy nhất mình chứng kiến động đất. Có thể rất nhẹ thôi, nhưng đủ mức mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Chưa kịp sợ thì cơn rung chấn đã qua rồi! Nhanh cũng như khi nó đến!
Nhưng cái buổi sáng mấy ngày trước, lúc mình dừng xe lại để nhìn lâu hơn dãy Tam Đảo thì không gian lại rất lặng yên. Chỉ có cái nóng là như thiêu đốt. Nhiệt độ ngoài trời gần trưa chắc có thể lên đến 40 độ, luồng khí nóng khắc nghiệt đến mức có thể làm cho một người đang trong cơn ốm vặt cũng có thể xỉu được nếu đứng ở ngoài trời.
Vào mùa hạ, ông trời cứ ngưng mưa vài ngày thì thời tiết lại thành ra là như thế. Nóng đến điên người lên và thế là người ta lại khao khát mưa. Mọi sinh vật đều mong mưa, kể cả cỏ:
Cỏ khát, khát tiếng mưa rơi
Trên những lối đi giữa những hàng mộ ở nghĩa trang nhỏ nơi ông bà mình yên nghỉ, cỏ đã mọc lút đầu. Cỏ mọc cả ngay trên những ô rỗng trên bề mặt xi măng của nhiều ngôi mộ, có khi đã lớn thành những cây cao đến cả hàng mét.
Cỏ, những cây có gai, xấu hổ hay tơ hồng chằng chịt, cuốn lấy mỗi bước chân người vào viếng mộ. Chỗ nào hở ra được một chút thì mặt nền sẽ sáng bóng sắc xanh của rêu.
Rêu quyện với những vệt nước ri rỉ ra từ những kẽ đất sát những ngôi mộ. Dù trời đã hoàn toàn khô ráo rồi mà những giọt nước vẫn còn hiện diện ở những chỗ ẩm thấp như thế. Bước chân trên những bờ rêu này phải chú ý cẩn thận không dễ trơn trượt, sái khớp cẳng chân như chơi.
Rêu là loài thực vật cực kỳ yêu thích mùa hạ. Không tin bạn thử ngó xuống giếng là biết. Những chiếc giếng khơi vùng đồi, quả thực, là nơi cung cấp một nguồn nước tuyệt diệu nhất mà mình có thể tự tin khẳng định thế.
Đất cao ráo, và nhiều những mạch nước ngầm nằm sâu trong lòng những tầng đất đá ong nên đất cũng “sạch” hơn và nước cũng trong và ngọt hơn ở vùng đồng bằng.
Những cái giếng miền trung du có thể sâu hun hút, và không thích hợp cho những ai yếu tim khi thò đầu ngó xuống. Nước trong vắt in rõ nền trời xanh thăm thẳm. Bạn hứng chí mà thả một hòn đá xuống thì một lúc mới nghe được âm thanh rơi tõm trên mặt nước. Tiếng vang đập vào khung thành hẹp của giếng và dội ngược lên thành những tiếng ngân dài.
Lũ trẻ thấy thích thú với điều đó và đôi khi chúng sẽ có cách khác để “tiêu khiển” âm thanh bằng những cái “loa mồm”. Những cái đầu bé xíu, tóc bết lại vì mồ hôi, chúc xuống miệng giếng và hét ầm lên chỉ để mong đợi tiếng hét của mình đã được biến tấu sao đó, nghe hay hay và rùng rợn, trong chiều quay ngược lại từ dưới lên
Mùa mưa, mực nước giếng đồi dâng lên cao hơn. Độ dài của những chiếc dây gầu có thể được thu ngắn lại đồng nghĩa với việc ta cũng đỡ vất hơn khi kéo nước lên.
Mùa mưa, xung quanh thành giếng dương xỉ và rêu xanh rì, tốt um. Nếu là giếng của những ngôi nhà bỏ hoang, ở quê khi xưa làng nào bạn cũng có thể bắt gặp những căn nhà nhỏ bé không có người ở như thế – thì những loài thực vật này sẽ lấn chiếm hết khoảng không trong lòng giếng.
Rêu bám thành thảm quanh gờ bên trong giếng và dương xỉ thì tràn ra che kín đến không còn có thể nhìn thấy mặt nước. Mạng nhện chăng quanh các vòm lá. Các cành củi khô, lá khô và tươi, các quả khô nhẹ hều hay tơi tả vì chim mổ, rơi rụng mắc kẹt lại trên những bụi cây mọc nghiêng từ bên này trùm sang bên kia vách giếng.
Cả một thế giới sinh vật hoạt động nhộn nhịp dưới cái khoảnh không chật hẹp trong lòng đất hở miệng. Điều chỉ có thể có vào mùa hạ.
-Mới có hai tháng thôi đấy con ạ, mà mưa đã làm cho cỏ dại sinh sôi nảy nở thành như rừng thế này rồi.
Mẹ mình tay thoăn thoắt phạt bớt cỏ quanh mộ ông bà và miệng vẫn không ngừng chỉ dẫn mình phải làm cái này cái kia cho đúng.
Mưa nhiều quá, đất bạc thếch, rau vườn có thể cằn cỗi đi chứ cỏ như được sống ở trên thiên đường. Bởi vậy, những gia trang rộng lớn chi phí hoặc công sức dành cho việc làm sạch hay cắt xén cỏ vào mùa hạ cũng không ít đâu. Bởi chỉ bỏ mặc vài ngày cái là vườn rau sẽ biến thành vườn cỏ ngay.
Cỏ tràn từ vườn vào sân, cỏ mọc ngay cả trên hiên nhà. Cái giống cây dại thì lại dai sức, chỗ nào chúng cũng có thể thích nghi tốt được.
Mấy hôm mình ra vườn hái rau cũng thích nhẩn nha ngồi nhổ cỏ. Những loài cỏ hiền hoà nằm sát sạt mặt đất, hoặc nếu có cao cũng chỉ ngang cỡ loài hoa tóc tiên là cùng. Nên đôi khi chúng lại có tác dụng làm mát đất và giữ cho các chất dinh dưỡng không bị trôi đi vì những cơn mưa.
Cho nên mình sẽ không nhổ sạch những cây cỏ thấp, đặc biệt là chỗ cái lối đi ngoằn ngoèo quanh co trong vườn. Những lối đi đó mà có một lớp cỏ xanh phủ lên mặt đất thì ra vườn bạn chỉ thích đi chân trần thôi, thật đấy, vì cái cảm giác vừa êm lại vừa mát ở gan bàn chân khi chạm vào vạt cỏ sẽ khiến bạn bớt sợ hãi hơn cái bỏng rát của nắng hè.
Có một vài khoảnh khắc nào đó trong vườn mình bắt gặp lại một vài loại cỏ của tuổi thơ như cỏ mật, cỏ gà, cỏ gấu và thế là chỉ muốn reo lên như một đứa trẻ được quà của mẹ khi đi chợ về. Các bạn trẻ bây giờ có bạn nào đã biết đến trò chơi chọi cỏ gà?
Cây cỏ gà, dứoi con mắt của mình, có một vẻ gì đó rất ngỗ nghĩnh xen chút ngang tàng, giống kiểu như chú Dế mèn vậy. Vì cái đầu của nó thì có hình dáng như cái đầu gà và thân hình thì lại mảnh dẻ như sợi chỉ. Nhà văn có nhiều đoản văn gây thương nhớ miền đất Bắc là Thạch Lam cũng đã từng nhắc đến trò chơi với loại cỏ này của trẻ em thế hệ của ông, hàng trăm năm trước, trong tuyệt phẩm “Gió đầu mùa”.
Tuy vậy, cỏ lúc đó là thứ cỏ trong cơn lạnh gía của mùa đông, cỏ khô, phất phơ và xám xịt lại một màu buồn bã. Còn cỏ lúc này, lại đang nhảy điệu reo vui cùng cơn mưa mùa hạ, xanh mướt và tràn đầy sức sống :
Cỏ uống mưa run rẩy, cỏ đang thì.
-Con nghe thấy tiếng suối róc rách đúng không, vì ngay dứoi những luỹ tre này, khuất rồi nên con khó thấy từ đây, là dòng suối nhỏ đấy.
Đúng là do tre mọc dầy đặc, xoắn xuýt lại với nhau nên đã che đi toàn bộ những gì phía sau nó. Đó chính là dòng suối.
Dóng suối mát lành nuôi dưỡng thân tre làm cho nó toát lên một vẻ đẹp từ bên trong, thân cây óng ra thứ màu ngà và tròn lẳn.
Tháng bảy, tháng tám, mưa như trút xuống con suối, nước cuồn cuộn chảy ngay bên cạnh những đám rễ tre. Tre tắm mình trong nước mưa ngọt mát để rồi từ từ, trồi lên khỏi mặt đất giữa những thân tre nhọn hoắt. Ấy là những mầm măng. Trực tiếp quan sát những búp măng có dạng hình nón này càng thấy được ý nghĩa của câu nói“Tre già măng mọc”.
Măng mang vẻ ngoài bụ bẫm, lớp vỏ cứng và dày bao bọc xung quanh khiến cho việc bẻ măng không phải là dễ với đôi bàn tay yếu ớt của người phụ nữ.
Mình xưa kia theo ông ngoại mình đi bẻ măng, cũng vào những ngày mưa hạ này, ở ngay luỹ tre ven con suối trước cửa nhà ông. Nhưng chỉ có ông, với đôi tay cứng cáp, thô ráp xù xì của lão nông mới quen với việc thu hoạch măng, chứ mình không sao bẻ nổi.
Măng cũng như tre vậy, trông xa thì mong manh thế chứ mà lại gần xem bạn sẽ có cảm giác khác ngay. Cái luỹ tre chằng chịt những cây với cây, tất cả như đúc lại thành một khối vững chắc. Măng mọc lẫn cả ở phía trong nên xuyên qua lớp giáp này cũng đáng gọi là thử thách.
Măng bẻ rồi mang về bóc vỏ đi, rồi cho vào luộc. Luộc xong vớt ra ngâm nước rồi rửa lại lần nữa. Măng lúc này rất mềm, lá măng chuyển màu vàng tươi và có vị ngọt.
Đấy là giống măng ngọt, còn có loại măng đắng ngon tuyệt nữa. Măng đắng, một đặc sản của núi rừng, mà mình thì là người con đất trung du bạt ngàn măng tre nứa nên không thể không biết thưởng thức các món măng đắng đi vào “lòng” người :))).
Đơn giản nhất là măng đắng tước sợi mỏng dính, chỉ xào cùng tóp mỡ và tỏi thôi cũng đủ làm béo quay ra với những người nghiền món ăn này kèm cơm trắng rồi :)).
Thời chiến tranh nghèo đói, bà nội mình bảo không có đủ gạo mà ăn thì người miền rừng như ông bà nội và cả thế hệ bố mẹ mình cũng toàn phải bẻ măng mà ăn thay cơm. Không hề tốt đâu vì măng chứa cyanide, một độc tố có thể chuyển thành axit cyanhydric trong dạ dày, gây hại cho sức khỏe.
“Biết thế nhưng thời khổ cực có ăn là tốt rồi, không đòi hỏi gì hơn cháu ạ.”
Mình lại nhớ đến câu nói này của bà nội mình khi bà sai mình đi tước măng chuẩn bị cho một bữa ăn trưa nào đó. Còn bà thì khệ nệ bưng chậu cám vào chuồng cho đám lợn đang rống ầm ĩ lên vì đói. Cám lợn toàn là cơm thừa canh cặn, thân chuối tươi băm nhỏ nấu với rau khoai lang.
Nuôi lợn kiểu này thì cả năm mới được xuất chuồng, lỗ chỏng vó, nhưng thịt thì đúng là đáng đồng tiền bát gạo. Thơm và mềm. Thịt này kho với măng tươi có chút vị cay của ớt nữa thì chỉ có thể gọi là hết xảy, nhất là trong những ngày mưa gió thế này.
Nói thêm là cũng chỉ có ở miền đất đồi núi rộng lớn mới có đủ đất cho nhiều loài cây như thế sinh trưởng và phát triển chứ dứoi đồng bằng nhỏ hẹp, đất dành cho cây lúa hết rồi thì lấy đâu. Bởi vậy mình mới hiểu tại sao các cụ dứoi các tỉnh đồng bằng Thái Bình, Nam Định, Hải Dương …khi lên quê mình dựng xây cuộc sống mới thì rất nhiều cụ cảm thấy mình cứ như “cá gặp được nước” bởi đất đai mênh mông thế thật là chỗ thích hợp để các cụ tha hồ thể hiện khả năng làm vườn.
Tha hồ có chỗ cho sự khéo léo và con mắt thẩm mỹ, vốn như đã có sẵn, được dịp bung ra. Vườn tược của nhiều cụ già dứoi miền xuôi Bắc Bộ lên khu mình lập nghiệp, khi đặt chân vào cái là thấy đã khác rồi. Luôn có sự quy hoạch bài bản, ngập tràn các loại hoa, đủ thứ cây ăn quả và rất sạch gọn. Ít nhất là đối với những trải nghiệm cá nhân của riêng mình, với những người mà mình đã sống cùng suốt tuổi ấu thơ tươi đẹp.
Mình với mẹ dọn sạch mộ phần của ông bà và mợ mình trong buổi sáng mùa hạ không mưa, không nắng. Trời âm u, nóng bức.
Vài ba chén nước, một ít trái cây và một nén hương thắp lên đủ để làm xua đi cái lạnh lẽo cô quạnh của những người thân yêu đã ở thế giới bên kia.
Bên dứoi, những cụm tre xao xác hoà với tiếng chim ríu rít.
Từng đàn chim bay ra khỏi tổ, cả những cánh cò trắng muốt thoát ra từ những rặng tre. Chúng bay từng đàn như những cánh sóng dập dờn, rồi lượn xuống dưới ruộng lúa.
Ra khỏi nghĩa trang, một cánh đồng lúa trải dài đang dần được thay thế bởi những vườn hoa đào. Vùng đất Cam Giá nhà ông bà ngoại mình giờ là vùng trồng đào nức tiếng miền Bắc. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, thuơng lái từ khắp nơi lại đổ về tìm mua đào. Những cây đào thế, đào cảnh hay những cây bích đào đỏ thắm nhuộm hồng cả sắc Xuân vùng trung du.
À, mà còn bao lâu nữa thì hoa đào lại nở nhỉ?
Hỏi gió, gió bay
Hỏi lá, lá rơi
Hỏi theo làn mây bay bay lững lờ
Về phía chân trời vời vợi.
(Cỏ và Mưa- Giáng Son)