Tuần này hai mẹ con mình có kế hoạch đi Đền Hùng thì trời lại mưa suốt. Mưa rả rích không nghỉ đêm ngày. Mưa ngập lụt ở các tỉnh vùng chiêm trũng. Mưa gây sạt lở đất vùng cao. Cả bầu trời mịt mùng những hơi nước!
Không ngạc nhiên vì tháng Bảy là tháng có lượng mưa lớn nhất ở miền Bắc. Và mưa vẫn còn kéo dài, sang đến tận những ngày chớm thu!
Những ngày chớm thu nghĩa là Thu chưa tới dù tháng Tám đã đến bên khung cửa, nhà mình!
Sáng đầu tiên của tháng được đặt theo tên Hoàng đế Augustus (August), mình trở dậy và mở cánh cửa sổ phòng sau. Vẫn là khung cảnh quen thuộc của mùa hạ, cây cối xanh mướt và mọi vật thẫm đẫm nước mưa.
Cái bể xi măng rêu phong, chuyên để hứng nước mưa cho nhu cầu rửa ráy sân nhà hay tưới rau, giờ nước đầy nên đã tràn cả ra ngoài. Vào mùa mưa, cái công tơ đo chỉ số nước nhà mẹ có vẻ quay chậm hơn hẳn. Nước máy- nước sạch chỉ để dành cho ăn – uống, còn mọi hoạt động cần đến nước khác thì đã có nước mưa thay thế.
Xưa kia, khi không khí còn sạch, ít bụi thì nước mưa là ngọt lành nhất, thậm chí còn hơn cả nước giếng khơi. Trời mưa, nhà ai cũng lo trữ nước và lũ trẻ thì lao ra tắm mưa và ngửa cổ uống nước mưa. Uống thoải mái, nước mưa rơi từ trên trời – rõ là chưa được đun sôi, vậy mà hoàn toàn không hề đau bụng gì cả.
Bây giờ thì môi trường, kể cả môi trường trên không và dưới nước, đều đã quá ô nhiễm rồi. Bởi vậy, không phải không có lý khi người ta dự báo rằng trong tương lai không phải là dầu mỏ mà là nước – nước sạch mới là nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc xung đột giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt, dù cho ở nơi đang bị sa mạc hoá- cả năm không có lấy một giọt nước mưa hay ở vùng lũ lụt cả tháng- với những cơn mưa tràn trề.
Mưa chỉ còn rơi rắc vài hạt, tạo thành tiếng lộp bộp trên những tàu lá chuối. Mình vào nhà rót tách trà nóng mẹ vừa nấu và quyết định mang máy ra khung cửa sổ hướng ra vườn sau, thay vì ngồi tại chiếc bàn sáng trưng ánh đèn như thường lệ.
Khung cửa sổ của nhà giữa phố chứ không phải khung cửa sổ hai nhà cuối phố :)), cái cửa sổ cũ kỹ với những thanh gỗ sơn xanh và cánh cửa khi khép vào thì hoàn toàn không thấy gì bên ngoài nữa, chỉ có thể cảm nhận làn gió lọt vào qua những khoảng hở giữa các thanh chắn xếp nghiêng.
Màu thời gian bàng bạc ở những đồ vật kiểu như thế này! Nó cũng bàng bạc ở giai điệu xa xăm, vi vút trong ca khúc mang tên “August” – Tháng Tám của Swift.
Salt air, and the rust on your door
I never needed anything more
Whispers of “Are you sure?”
“Never have I ever before”
But I can see us lost in the memory
August slipped away into a moment in time
Vậy là tháng Tám đã về rồi. Nhanh quá!
Một năm đã trôi qua, tháng tám năm ngoái mình cũng có một loạt bài viết trong cái tháng chuyển giao giữa mùa hạ và mùa thu và con mình nó có hướng dẫn cho mình làm video trên Canva bài hát trong album Folklore (Chuyện kể dân gian) này. Chính là video bên trên đấy!
Ngay từ khúc nhạc đầu, “August” đã cuốn hút mình rồi vì cái giai điệu của nó sao mà lại hợp với cái không khí heo may của Thu đến thế. Nó cứ da diết, váng vất một nỗi buồn, kiểu buồn nhẹ tênh, man mác.
Trong giai điệu đó sao mình lại nghe ra như có tiếng sáo, tiếng sáo trên thảo nguyên bao la, một kiểu thảo nguyên giống như ở vùng Trung Á hay ở nước Nga xa xôi trong các truyện ngắn của Marxim Gorki, đã từng làm mình say mê biết bao dù chưa bao giờ được đặt chân đến.
Có lẽ không có đâu cho cảm giác Thu hơn là Thu như trên những vùng đất như thế. Những vùng bình địa cao, luôn lộng gió, và chủ yếu mọc trên đó là các loại cỏ, bạt ngàn cỏ.
Như cỏ lau chẳng hạn. Sao lại có thứ có thơ mộng và gây thương nhớ đến thế chứ! Ngắm những bông cỏ lau trắng phau hay phớt tím đẹp nhất là trong ánh hoàng hôn của một chiều thu sắp tàn.
Khi những cơn gió thu nhè nhẹ chạm vào những bông cỏ với dáng điệu thướt tha, ở mức chỉ đủ làm chúng phất phơ trong cái cô liêu, tịch mịch nơi thảo nguyên mênh mông, trống trải, thì hẳn rằng trong mỗi chúng ta không thể không dâng lên một niềm cảm xúc bâng khuâng khó tả.
Với khung cảnh như thế thì dù là nhạc, hay là thơ hay là truyện ngắn thì khó mà không mang một âm hưởng đầy nuối tiếc hay day dứt được.
“August” của Taylor Swift kể về một câu chuyện tình yêu tuy ngọt ngào nhưng dang dở, buồn cũng như câu chuyện tình những người du mục, của chàng Zôbar và nàng Radda được Gorki kể lại một cách đầy ấn tượng trong Makar Tsudra.
August slipped away like a bottle of wine
Cause you were never mine
Nhưng cái buồn trong hai tác phẩm âm nhạc và văn chương đó không hề làm cho ta chán ghét mà ngược lại, càng thêm yêu thiết tha cuộc sống. Vì cái đẹp vẫn hiển hiện trong muôn vàn những điều bình dị ở cõi nhân gian này, chừng nào chúng ta còn tồn tại để có thể cảm nhận.
Như có người đã cho rằng “Giá trị của cuộc đời là yêu chứ không phải được yêu” (Trong tác phẩm viết về tình bạn của nhà triết học và thần học Hugh Black mà mình đã đăng ở loạt bài viết trước)
“Tình yêu thực sự là ngay cả khi không được đáp lại thì ta cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc khi người mình yêu tìm được hạnh phúc với người khác. Tình yêu, con nghĩ, phải là sự rung cảm và đồng điệu của hai tâm hồn, hoàn toàn là tự nguyện và không bao giờ chứa đựng sự ép buộc.”
Đó là quan điểm của con mình khi cháu kể cho mình nghe về cuộc đối thoại của cháu và các bạn ở lớp quanh chủ đề “Tình yêu”, cách đây cũng khá lâu rồi. Con cái chúng ta có thể có những suy nghĩ chín chắn và sâu sắc hơn ta tưởng rất nhiều.
Nên dù thật là man mác nhưng nghe mãi mà mình vẫn thích “August” hay đọc riết nhưng thi thoảng vẫn nghiền lại những truyện mang hơi thở thảo nguyên của Gorki.
Tháng tám, mình lại nhớ đến “The rural life” (Cuộc sống nơi thôn dã) của Verlyn Klinkenborg mình đã đọc vào tháng tám năm ngoái và năm nay thì mình đang nghiền ngẫm “Seasons in a country garden” (Các mùa trong khu vườn đồng quê) của Freda Cox.
Những dòng chữ viết tay được minh hoạ bởi những hình vẽ cây cỏ trong cuốn sách khiến cho lòng người như mềm lại trong những ngày mưa tháng Tám!
Tháng tám
By Freda Cox
Ngày 21 tháng 8
Qua Shrewsbury rồi xuống Church Stretton và ngược lên Long Mynd. Church Stretton là một thị trấn nhỏ thịnh vượng, nằm giữa những ngọn đồi, nhưng khi bạn lái xe lên Burway, các cửa hàng sẽ bị bỏ lại phía sau. Sau khi vượt qua những chuồng gia súc, bạn sẽ đến Mynd.
Những ngôi nhà dừng lại đột ngột và bạn có thể đang ở một thế giới khác. Màu xanh tươi tốt của cây cối và vườn tược nhường chỗ ngay cho những sườn đồi hoang sơ, nhấp nhô, cằn cỗi, phủ đầy thạch nam.
Những mảng cây kim tước, quả việt quất và dương xỉ trải dài trên bãi cỏ ngắn, nhẵn, được cắt xén và những mỏm đá trơ trụi. Những dòng suối nhỏ tạo thành những dòng nước màu bạc chảy xuống thung lũng bên dưới, từ những vùng trũng lầy lội, phủ đầy những lớp đệm sâu màu xanh ngọc lục bảo, đầy rêu.
Đàn cừu tha thẩn trên sườn đồi, để lại những vệt đất đỏ hẹp, ngoằn ngoèo giữa những bụi thạch nam màu tím đậm trải dài ra xa trong làn sương mù ánh sắc hoa cà. Con đường hẹp ngoằn ngoèo, những góc nhọn lộ ra một đoạn dốc dựng đứng đổ xuống thung lũng.
Tôi nghĩ cách duy nhất để băng qua Long Mynd là đi lên con đường này và đi xuống phía bên kia – không bao giờ đi ngược lại – khi đó người ta sẽ cảm thấy an toàn hơn, vì điểm rơi luôn ở phía đối diện của con đường! Xa xa, tàu lượn cất cánh và hạ cánh từ sân bay, ngay trên đỉnh núi.
Chúng uể oải quét xung quanh, giống như những con chim đen to lớn, trôi nổi trên những luồng không khí đang dâng cao. Nhận tín hiệu cho niềm hy vọng của Ratling, con đường rẽ sang bên phải trước khi va vào một mạng lưới chăn nuôi gia súc khác và len lỏi giữa vùng đất canh tác.
Sau đó, sườn đồi lại mở ra trong khi phía dưới, sương mù của một cơn bão quét qua thung lũng, xóa sạch những ngọn đồi phía xa. Tận hưởng niềm vui gia súc dạo qua những cánh đồng nhỏ chắp vá và một chiếc máy kéo nhỏ xíu di chuyển chậm rãi và lặng lẽ, đốt cháy vùng đất nâu.
Ra khỏi ngọn đồi một lần nữa, con đường lại lọt vào giữa những bờ cỏ sâu, mỏng manh, đan xen với những hoa “hairbell” và cỏ dại. Một vài mảng khăn trải giường của quý cô tạo thêm một vệt màu vàng đẹp đẽ giữa những bông “hairbell” màu xanh đang gật gù, xào xạc với nhau trong gió.
Bây giờ thấp dần, những cây táo gai uốn cong theo gió nhường chỗ cho những hàng cây phỉ cao hơn, tươi tốt hơn với những hạt bọc xanh ẩn mình giữa những chiếc lá tròn – một mùa thu hứa hẹn sẽ đến. Những tua kim ngân dài rủ xuống trên cành, hoa màu trắng kem và đỏ tím đậm, tỏa hương thơm ngào ngạt dọc theo con đường hẹp.
Hai chú mèo con màu xám nhỏ xíu nhanh chóng biến mất qua cánh cửa chuồng khi chúng tôi đi ngang qua và cái mông của một con chó, với cái đuôi vẫy điên cuồng, lao ra khỏi đám cỏ rậm rạp và những bụi mâm xôi ở chân hàng rào, rõ ràng đang đánh hơi một cuộc săn mồi thú vị. Những ngôi nhà xuất hiện và con người rồi lại là đường chính, với dòng xe cộ chạy mải miết về nhà.
Tháng tám!
Tháng của lay ơn (văn hoá phương Tây) nhưng ở Việt Nam là mùa của hoa huệ. Lay ơn và huệ có dáng hình giống giống nhau, không biết có phải là cùng một họ không nhỉ? Để mình tìm hiểu kỹ hơn, có vẻ như không phải.
Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã có một bức tranh sơn dầu được liệt vào hàng những tác phẩm tiêu biểu nhất trong nền mỹ thuật Việt Nam là bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Nhưng hoa huệ trong tranh là hoa huệ tây, hay chúng ta gọi là hoa loa kèn.
Mùa hoa loa kèn qua lâu rồi. Tháng tám chỉ còn hoa huệ ta. Hôm mình với mẹ ra mộ ông bà có mua bốn bông hoa huệ trắng, ở khu chợ ngang đường.
Bác bán hàng nói hoa là của nhà bác trồng được và vì hôm nay là ngày thương bình liệt sĩ nên bác có hái nhiều hơn so với những ngày thường.
Những cành hoa huệ dài, trắng muốt, đẹp một vẻ đẹp thuần khiết và trong sáng, luôn là một loài hoa lý tưởng để dâng lên những chốn trang nghiêm. Với thế hệ mình khi xưa, thì trong vườn nhà ngoài hoa hồng, hoa thược dược ra thì không thể thiếu hoa huệ. Cũng giống như thược dược, hoa huệ cũng được trồng bằng củ.
Hoa huệ đã được trồng ít nhất 3.500 năm trước và hoa huệ trắng (Madonna Lily) đã được Giáo hội Thiên chúa giáo sơ khai chấp nhận như một dấu hiệu của sự thuần khiết. Trong nhiều thế kỷ, hoa huệ đã được yêu thích vì hương thơm và vẻ đẹp của nó.
Hình thức của nó đã được sử dụng để trang trí các bức bích họa và bình hoa của người Cretan từ khoảng năm 700 trước Công nguyên. Nó có thể được tìm thấy trong các bức phù điêu của người Assyria. Hoa huệ là một trong những loài hoa được vẽ nhiều nhất mọi thời đại trong nghệ thuật và được các bậc thầy xưa đặc biệt yêu thích.
Pliny the Elder đề cập đến hoa huệ trong bài viết của mình, được dịch bởi Philemon Holland vào năm 1601 – “bên cạnh hoa hồng, không có loại hoa nào đẹp hơn hoa huệ, cũng như không có loài hoa nào có giá trị cao hơn”.
Người ta từng nói rằng hoa huệ trong nhà sẽ bảo vệ những người ở trong nhà khỏi tà ác và phù thủy, đồng thời mang lại bầu không khí thánh thiện. Củ hoa huệ bao gồm các vảy dày, tươi với thân lá mọc thẳng mang hoa dễ thấy với nhiều sắc thái.
Hoa có thể có hình loa kèn hoặc có cánh hoa phản chiếu. Hoa huệ không thích bị di chuyển một khi chúng đã ổn định. Người xưa có câu rằng nếu hoa huệ nở đẹp thì bánh mì sẽ rẻ.
Tháng tám!
Ngô (bắp) cũng vẫn đang mùa. Những chiếc bắp nếp mềm dẻo thật là thích hợp để nhâm nhi trong những ngày mưa lạnh thể này. Luộc hay nướng đều tuyệt cả.
Vậy nên, sáng nay mẹ mình lại có bữa sáng cho cả nhà bằng những trái bắp luộc nóng hổi, như một cách chào đón tháng Tám, tháng vẫn còn có thể thu hoạch ngô!
Những con búp bê ngô
By Freda Cox
Đã qua lâu rồi cái thời người ta cắt ngô bằng tay và buộc thành cọc. Chất lên xe và chở về kho. Bây giờ mọi thứ đều được cơ giới hóa nhưng không hiểu sao những kiện hàng khổng lồ nằm rải rác khắp các cánh đồng lại không còn lãng mạn giống như thế nữa.
Tuy nhiên, búp bê ngô vẫn rất phổ biến mặc dù chúng có thể không còn bị cuốn hút nhiều như trước! Chúng bắt nguồn từ dải ngô cuối cùng trên cánh đồng – khi chỉ còn đủ để làm thành một tấm thì nó được buộc lại với nhau khi nó vẫn đứng vững. Sau đó, các công nhân ném liềm vào để cắt ngô mà không có ai chịu trách nhiệm vì việc cắt những bắp ngô cuối cùng được coi là rất xui xẻo.
Cuối cùng, khi được cắt ra, nó được tạo hình gần giống hình người bằng cách buộc và tết. Nó ăn mặc như một người phụ nữ với rất nhiều dải ruy băng và được gọi là “búp bê ngô”, “kern baby” hay “cô gái ngô”. Ở một số nơi, nhiều hình dạng và hoa văn phức tạp hơn đã được tạo ra.
Những thứ này được cho là sẽ giữ linh hồn của ngô cho đến mùa tiếp theo và sẽ được giữ trong nhà suốt mùa đông cho đến vụ thu hoạch sau. Những câu chuyện khác nhau đến từ những miền đất nước khác nhau nhưng lý do đều giống nhau để giữ tinh thần ngô cho đến năm sau.
Demeter là Nữ thần ngô của Hy Lạp – mẹ ngô – con gái của bà là Persephone tượng trưng cho sự huyền bí về sự sinh ra và cái chết của cây ngô. Ceres, nữ thần ngô chịu trách nhiệm giấu hạt ngô trong lòng đất và cho hạt chín và người Ai Cập cổ đại tôn thờ nữ thần Isis của họ về sự nảy mầm của hạt giống.
Những truyền thống cổ xưa này vẫn còn tồn tại trong những hình dạng xoắn tết mà chúng ta dệt ngày nay, mặc dù nguồn gốc của chúng đã bị lãng quên từ lâu.
So many August fogs, so many winter mists!
Bao nhiêu sương mù tháng Tám, bấy nhiêu sương mù mùa đông!