Giọt mưa ngâu.8

by Rose & Cactus

Sáng sớm thứ bảy. Không khí thoảng chút se lạnh vì nhiều ngày có mưa!

Chiều hôm qua lần đầu tiên mình cảm nhận được cái lạnh này có một chút hơi hướng thu là lúc mình đặt chân ra vườn. Hơi ẩm của nước mưa vẫn còn đọng lại trên cây cỏ rõ là dấu vết của mùa hạ, nhưng cơn gió “se se” thổi từ dưới cánh đồng lên có một chút gì đó khô hanh khiến ta bất giác co người, khoanh tay giữ chặt vạt áo mà xuýt xoa: Thu sớm đây mà!

Mình mở cửa ban công nhìn xuống dưới đường. Mặt đường khô roong chứng tỏ đêm qua không hề mưa.

Từng đoàn người đạp xe đi ngang con đường nhà mình: Gìa, trẻ, lớn, bé gì đều đủ cả. Mọi người ở quê  mình có vẻ rất hăng say tập thể dục, ai cũng tìm cho mình một bộ môn phù hợp:

Các bạn, các chị hàng xóm lứa tuổi mình thì aerobic và yoga, mình hỏi thì mọi người đều nói đã bền bỉ luyện tập cả chục năm nay rồi, bởi vậy người nào nhìn cũng nhẹ nhõm, thon thả.

Các chú lớn tuổi thì chạy bộ và đi xe đạp. Các chú chính là những người chăm chỉ, chịu khó nhất. Mưa gió thế nhưng họ vẫn miệt mài với những vòng quay trên những con đường quê rộng rãi và vắng vẻ, không bao giờ bỏ việc luyện tập, trừ phi ốm nặng.

Còn các bà các cô cỡ gần tuổi mẹ mình chủ yếu đi bộ và đạp xe nhẹ nhàng, giống như cô hàng xóm nhà mình và …mình :)).

Sức yếu nên chỉ dám vận động nhẹ nhàng thôi vì mình cũng tìm hiểu thì được biết là dù luyện tập theo hình thức gì cũng phải lựa vào sức khoẻ của mình, không phải thấy người ta chạy đường trường hàng chục km mình cũng học theo, rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp đột quỵ cũng là thế.

Mình đạp xe cũng chậm lắm, vì nhiều lần cố guồng chân nhanh như kiểu nhiều bác trai lướt qua mình mỗi buổi sáng là tim lại đập thình thịch, kiểu khó thở ý, ngực cứ như bị bóp nghẹt lại nên phải dừng ngay, xuống dắt bộ một lúc cho ổn ổn rồi mới lên xe thong thả tiếp :))). Nói chung là chán, thua cả bà già sáu mươi :)).

Cuộc sống ở những đô thị nhỏ chậm hơn rất nhiều so với ở những thành phố lớn: Việc làm khó kiếm hơn, thu nhập (bình quân) thấp hơn, và chi phí sinh hoạt rẻ hơn; Dân số ít hơn, mật độ dân cư thấp hơn và có nhiều không gian khoáng đạt hơn cho việc “hít thở”.

Ở quê, mọi người đi ngủ sớm và thức dậy cũng rất sớm. Con mình cứ ngạc nhiên bảo sao hàng xóm nhà bà nhiều nhà đóng cửa tắt đèn sớm thế, mới 9h mà nhà đã tối um rồi :)).

Đấy là mùa hè đấy con, còn mùa đông 7h tối các cụ đã lên giường cả rồi, lúc gà chưa cả lên chuồng :)).

Và 4h30 sáng đã bắt đầu một ngày mới, người xỏ giày, người dắt xe ra khỏi nhà.

Ngủ sớm có muôn vàn ích lợi cho sức khoẻ, vẫn biết là thế, nhưng cái kiểu cư dân của đô thị lớn mấy chục năm như mình rồi, khó lấy lại được nhịp sinh hoạt như vậy lắm.

Nhiều hôm chẳng làm cái quái gì nhiều cả mà cứ loanh quanh loanh quanh đến tận nửa đêm. Sáng ra lại dậy rất sớm, kiểu mất ngủ và vì vậy ngủ không đủ giấc hoặc nếu dậy muộn do ngủ quên thì lại cảm thấy người mệt nhoài.

Về quê lần này khá lâu mình mới có dịp quan sát rõ hơn nhịp sống ở nơi mà mình đã từng trải qua suốt thời thơ ấu.

Và mình đã hiểu tại sao ở các nước có lịch sử phát triển đô thị hàng trăm năm , khu dân cư ngừoi ta lại thiết kế ra những vùng ven xa trung tâm ồn ào, đông đúc. Nhà giàu thì họ thích ở những villa vùng ngoại ô. Và người già phần lớn sẽ hồi hương về miền quê thôn dã, sống trong những căn nhà tranh bé nhỏ và giản tiện nhưng ngập tràn ánh sáng của thiên nhiên.

– Con thích xuống Hà Nội học và sẽ biết đâu đấy lại vào Sài Gòn lập nghiệp giống như mẹ em Bống!

Lời của một cháu gần nhà mình khi cháu nói chuyện với mẹ của cháu đấy, lúc mình sang nhà cháu chơi!

Tuổi trẻ mà, có mấy ai lại thích ngồi im một chỗ đâu. Chúng sẽ luôn hướng đến những chỗ của ánh sáng năng động, tràn đầy sự cạnh tranh và lấp lánh màu sắc của nhịp điệu hối hả.

Cuộc đời là như thế, giữa các thế hệ như đi trên những chuyến tàu ngược. Và dù phương chỉ đến đâu Bắc hay Nam, Đông hay Tây thì về bản chất vẫn là những chuyến hành trình đi tìm một cái gì đó, một điều gì đó phù hợp với mình.

Cuộc đời, cơ bản là những chuyến đi!

Mình lại xuống nhà lấy lên một tách nước lá tía tô ấm nóng mẹ nấu, dọn dẹp vài thứ linh tinh trong phòng, mở toang hết các cánh cửa phòng ngoài ban công và bật lên một bản nhạc du dương.

Hoa đồng tiền bên ngoài lại nở hồng rực và những cánh hồng nhung dường như đỏ sẫm lại dứoi những cơn gió mang hơi thở chớm thu Tháng Tám!

Khi bản “Hello” của Adele vừa kết thúc thì nhìn ra mình thấy những đoá đồng tiền rung lên, khẽ nghiêng. Do những hạt mưa đấy!

Mưa sớm mai sao mà nhẹ nhàng như không khí quanh mình lúc này. Chỉ lắc rắc vài hạt ban đầu rồi dần dần mới mạnh hơn lên nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức rả rích, rả rích chứ không quá cuồng nộ của thứ mưa mùa hạ tháng Bảy!

Nghĩ thế nào mình lao xuống nhà!

-Mẹ ơi, ở chợ mình (gần nhà mình) có mấy hàng bánh cuốn ngon lắm nhỉ. Để con đạp xe lên mua

-Mưa rồi mà con. Thôi mưa vậy ở nhà đi, bữa nay mẹ luộc mì chấm nước mắm chanh ăn cho đúng vị. Ăn phở mãi cũng đổi đi cho đỡ chán

– Không, mưa nhỏ mà mẹ. Con mặc áo mưa đi đâu sao

-Ừ, thế nếu con thích thì đi. Nhớ là mua của hàng cái chú mà trông hiền hiền ấy nhá. Hàng chú ấy là ngon nhất chợ đấy!

Nhà mình gần như ai cũng là “thần” các món ăn phái sinh từ “hạt gạo”: Bánh cuốn, bún, phở, bánh đúc, bánh tẻ….Thật, chứ không ngoa là mình có thể ăn những thứ này quanh năm được, không biết chán.

Một phần cũng là do ảnh hưởng của bà ngoại mình. Bà khi xưa ăn uống nếu theo như khoa học hiện đại bây giờ thì là chưa được tốt lắm, vì bà gần như cả đời không hề ăn rau xanh. Không ăn cơm chan với nước canh. Và bà ăn rất ít cơm, ít thịt.

Các món ăn hàng ngày của bà chỉ là mấy cái loại bánh mình kể trên: Thứ nhất là bún, bà toàn ăn khô, tức là bún rưới nước mắm chanh; giả sử hôm nào không có bún thì ở nhà bà lấy mì khô (giống kiểu mỳ chũ Bắc Giang ấy ) luộc lên ăn với nước mắm;

Thứ hai là bánh tẻ, bánh rợm, bánh rán;

Thứ ba là bánh cuốn: Thứ bánh cuốn lá tráng mỏng như bánh cuốn Thanh trì, bà chỉ thích bánh cuốn tráng với nhân mộc nhĩ chứ không phải nhân thịt.

Ở Sài Gòn giữa bao nhiêu hàng bánh cuốn, cả trong những đường lớn hay hẻm nhỏ, mình chỉ mê nhất cái loại bánh cuốn mỏng tang và mang đậm vị bánh cuốn Bắc là quầy bánh cuốn ở trong siêu thị Coopmart.

Chắc hẳn nhiều bạn cũng có cùng nhận định này với mình nếu đã từng thử bánh cuốn và chả quế ở đây. Thứ bánh vừa tráng, còn nóng hổi, gắp lên chỉ thấy một màu trong suốt của thứ bột gạo tươi mới hoà vào với những mảnh mộc nhĩ nâu đen đã được băm nhỏ , có thể làm hài lòng bất cứ tín đồ nào “nghiện” cái món ăn dân dã này.

Mẹ mình ngày còn ở trong Sài Gòn với mình cũng rất mê cái món bánh cuốn Hà Nội của Coopmart, mẹ thậm chí còn nói, nó ngon hơn cả bánh cuốn ở quê mình. Mình thấy cũng không hề sai đâu! Hai mươi nghìn một hộp (hình như bây giờ là hai hai nghìn rồi, nếu mình nhớ không nhầm). Ăn một hộp này thì no tới chiều :)).

Bánh cuốn có cái hay nữa là rất được các bà các cô quảy đi bán rong. Khi còn nhỏ mình đã từng nhiều lần đổi gạo lấy bánh cuốn.

Thời xa xưa hay có kiểu mua hàng đổi bằng gạo như thế, chứ không phải trả bằng tiền, “gạo” được dùng là vật trung gian trao đổi. Ba bò gạo sẽ đổi được một cân bánh cuốn chẳng hạn, mình cứ ví dụ thế.  

Những lá bánh cuốn mỏng, xếp chồng lên nhau gọn gàng lên lớp ni lông đặt trong một cái thúng, sẽ được cô bán hàng dùng tay gỡ ra từng lớp, số lượng nhiều ít tuỳ vào nhu cầu của khác hàng.

Rồi cô nhẹ nhàng đặt những tấm bánh vào mảnh lá chuối xanh nõn và bỏ lên mặt của cái cân sắt đen xì.

Cái cân xách này, theo trí nhớ của mình, phần nhiều đã cũ kỹ lắm rồi, chúng cứ rệu rạo như răng bà lão. Ấy thế mà nó vẫn đầy thu hút, cứ nhìn ánh mắt của người mua và người bán nhìn lên cái thanh ngang hiển thị khối lượng hàng hoá thực tế đang được đặt lên bàn cân với nhu cầu của khách mua là biết.

Nếu là ít hơn khi cái quả cân di chuyển đúng đến vạch chỉ lượng hàng cần phải có  trên thanh đo lường thì cái thanh đó cứ cao vống cả lên, mất thăng bằng

-Chưa đủ đâu con, để cô cho thêm vào chút nữa

Và cái tay cô khéo làm sao khi chỉ một lần lấy thêm, số lượng hàng trên cân đã đủ  khiến nó cân bằng trở lại.

Còn ngược lại, nếu nhiều quá so với định lượng thì cái thanh ngang sẽ võng xuống : Con ơi, dư có một chút xíu thôi, thôi mày lấy cho cô hết đi, cô lấy rẻ đi xíu, bán nhanh cho hết hàng cô còn về để ra đồng!

Đấy, cái kiểu trao đổi hàng bánh cuốn của mình mấy chục năm trước ở quê nhà kiểu như thế! Bánh cuốn gói trong lá chuối, mát lạnh và vẫn nghe mùi thơm của lúa chín đầu mùa!

Suốt bao nhiêu năm cuộc đời, mình luôn nhớ đến hình ảnh bà mình cắp cái thúng khi đi chợ về, trong cái thúng thần kỳ đó không thể thiếu được những tấm bánh cuốn, thứ bánh chất chứa cả cái  hồn quê đất Việt.

Mình mặc áo mưa, đội nón lá và trèo lên xe. Và đi trong mưa. Trời, công nhận trông từ xa kể ra cũng lãng xờ mạn phết đấy, lắm chuyện còn đi trong mưa nữa chứ.

Nhưng mục đích thì lại phồn thực chết, chả có tí chút gì mộng mơ cả :)). Ấy là vì thực ra cái người đội mưa đội gió ra đi cũng chỉ để lấp đầy cái dạ dày, công cuộc giảm cân có vẻ quá gian nan :)).

Cứ thẳng con đường rộng đẹp, chỉ khoảng chưa đến một cây số là cái chợ trung tâm Gang Thép đã hiện ra trước mắt rồi. Vẫn những quán hàng cũ kỹ, xưa kia lợp bàng rơm rạ và ngày nay thì bằng phông bạt.

Nghe nói bà con tiểu thương chỉ thích giữ lại những gì như thế, họ không thích biến nơi đây thành một cái chợ thương mại hoành tráng với nhiều chi phí đắt đỏ mà với thu nhập hàng ngày họ không thể kham nổi.

Thực tế ở nhiều tỉnh thành cũng cho thấy, nhiều chợ truyền thống khi được xây dựng lại cho hiện đại hơn thì lại rất vắng bóng người. Có thể, vì khi đó cái chợ thật sự là “chợ” đã mất đi cái hay nhất của nó, là sự tiện lợi rồi!

Xuyên qua những sạp hàng vẫn đóng cửa do còn sớm, mới 6h sáng mình dừng chân lại quán bánh cuốn do một anh, chắc cũng trạc tuổi mình, làm chủ, đúng như lời mẹ mình dặn.

Anh đang ngồi tráng bánh .  Trên mặt bàn mấy chục hộp bánh cuốn đã được xếp sẵn, chờ người đến lấy. Mới sáng sớm mà đã có người đặt hàng nhiều vậy rồi. Đúng là quán ăn càng ngon thì chủ quán càng phải hoạt động không ngơi nghỉ, từ sớm cho đến tận khi buổi hàng kết thúc, theo giờ đã ấn định.

Dưới đôi bàn tay thoăn thoắt của anh, chiếc đũa cả khi được nhấc lên khẽ khàng, lúc lại chạy như lăn trên tấm vải căng trên mặt nồi.

Bếp than hồng rực, hơi nước bốc lên từ đáy nồi nhanh chóng làm chín thứ nước gạo, được pha chế theo một bí kíp riêng. Chất lỏng được dàn đều và người ta rắc vào đó nhân bánh, thường là thịt bằm và mộc nhĩ  đã nấu chín.

Bột nước hỗn hợp nhân nhanh chóng sệt lại và được cuộn thành khối thuôn dài. Người thợ bánh nhấc ra, cho vào đĩa và lại lặp lại những đợt bánh tiếp theo. Cho đến khi đủ đĩa theo yêu cầu của thực khách thì tạm ngưng, anh với tay lấy kéo cắt ra thành khúc dài chỉ độ hai đốt tay. Và rắc lên đó những miếng hành khô vàng ruộm

Và giờ thì một đĩa bánh cuốn nhỏ xinh và hấp dẫn đã ở trước mặt mình. Cô con gái của anh – chắc là trợ lý của bố trong những ngày hè đây mà, trên người vẫn còn mặc cả áo khoác nhẹ đồng phục học sinh cấp ba,  nhỏ nhẹ nói với mình:

-Cô có thích ăn cay thì lấy ở lọ này ạ. Nước chấm trong âu này nhà cháu không bỏ ớt!

Mình cảm ơn cô bé và  ngồi thưởng thức thứ quà yêu thích trong một buổi sáng mưa. Bánh cuốn thì ăn nhanh lắm :)), chẳng mấy lúc mà hết cả đĩa rồi. Mình gọi thêm ba suất nữa cho mọi người ở nhà rồi chào cha con anh bán hàng quay trở về.

Có thêm nhiều người nữa rẽ vào mua bánh cho bữa sáng.

Mưa đã thưa hạt hơn, và vì vậy mình chỉ cần đến nón.

Áo mưa của mình, lúc này, trở thành vật để đậy lên những hộp bánh mình để trong giỏ xe. Y như cái tấm vải kèm ni lông đậy trên cái thúng tròn đi chợ của bà mình,  ở những năm tháng xưa cũ. Dù là , lúc đó, trời không hề mưa.

You may also like

Để lại bình luận