Khoảng đầu những năm 90, bên cạnh các ca khúc nhạc vàng hoặc là nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn rất được yêu mến qua giọng ca Khánh Ly, thì các ca khúc nhạc nhẹ của nhiều nhạc sĩ khác đã đến gần hơn với các thính giả như tụi mình qua làn sóng phát thanh và truyền hình.
Có thể kể đến,
Ca sĩ Thanh Lam với
“Chia tay hoàng hôn”, một bài hát ấn tượng từ cái tên
Anh phải về thôi xa em thôi
Hoàng hôn yên lặng cũng theo về
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi
(Thuận Yến)
Một khung cảnh thật quá lãng mạn, và thấm đẫm nỗi buồn của sự chia cách.
Một buổi chiều nào đó, bên hàng cây trên con đường vẫn hò hẹn, chàng trai và cô gái biết rằng đã đến lúc họ phải chia tay (dù chỉ là tạm thời vì một lý do nào đó).
Nhưng có lẽ ở vào thời điểm ấy họ đã chẳng nói với nhau được điều gì cả, có lẽ sự lưu luyến đã khiến họ không còn muốn thốt lên bất cứ ngôn từ nào. Họ chỉ đơn giản ngồi đó, và lặng im và gặm nhấm nỗi buồn đang xé nát con tim.
Thông thường khi chúng ta vui thì sẽ cảm thấy thời gian sao trôi nhanh quá. Và đối với những người ở thời khắc của sự chia ly cũng thế, những người sẽ không còn được gặp nhau ở nơi chốn quen thuộc này, đang cảm thấy thời gian như vụt trôi trước mắt họ: Hoàng hôn đang dần buông, những giọt nắng cuối cùng của một ngày, giọt nắng cuối ngày, vừa kịp chạm xuống tóc cô gái.
Ánh sáng đang lui dần về phía sau để nhường chỗ cho bóng tối. Niềm vui hò hẹn hoá nỗi buồn chia ly. Chia tay em trong hoàng hôn, anh chỉ biết mang theo về tình yêu và nỗi nhớ và gởi lại cho em một trái tim nồng nàn yêu thương, một trái tim thắp lửa.
Ca sĩ Thanh Lam với chất giọng trầm ấm đặc trưng như thấu cảm đến tận cùng bài hát được viết bởi người cha của mình, nhạc sỹ Thuận Yến, để làm nên một trong những cuộc chia tay gây thương nhớ nhất trong âm nhạc.
Cuộc chia tay trong hoàng hôn, khi ánh nắng đang dần tắt.
hay “Giọt nắng bên thềm”, một ca khúc của nhạc sỹ Thanh Tùng
Mình thuộc rất nhiều bài hát của nhạc sỹ Thanh Tùng không chỉ bởi các ca khúc của ông phủ sóng ngày đêm thời điểm mấy chục năm trước mà còn bởi ngôn từ có tính thơ và âm nhạc đúng chất “nhẹ”, nhạc nhẹ.
Kể cả nỗi buồn được thể hiện muôn vẻ trong kho tàng sáng tác đồ sộ của ông cũng đều “nhẹ”, một nỗi buồn trong sáng không có chút bi luỵ. Nỗi buồn để con người hướng tới niềm vui.
Bài hát bâng khuâng
Bài hát mang bao kỷ niệm
Những ngày đã qua
Những ngày đã qua, lại đang hiển hiện ngay đây, chỗ chúng mình đứng trong đêm tối ở cái rạp chiếu bóng ngoài trời “Phúc Lợi” mà đã là người “Gang Thép” thì có lẽ không ai là không biết.
Rạp chiếu “Phúc Lợi” được hình thành, mình không biết chính xác lắm, nhưng mình đoán là ở thời “Gang Thép Thái Nguyên” hoạt động nhộn nhịp nhất.
Cả một vùng đồi núi trung du thơ mộng, chứa đựng bao tài nguyên khoáng sản quý giá, được quy hoạch thành khu công nghiệp nặng sản xuất gang, thép phục vụ cho nhu cầu xây dựng và kiến thiết đất nước.
Trong tổ hợp rộng lớn đó, chúng mình có rất nhiều công trình mang tên “Gang Thép”: Trường học, bệnh viện, nhà văn hoá … chỉ có một vài ngoại lệ, như cái hồ nước có những chiếc thuyền đạp vịt ngay đường tròn trung tâm lại mang tên “Thiên Nga”, hay đồi thông vi vút gió, trầm tư bên những cây xà cừ cổ thụ, thì chỉ được gọi đơn giản là đồi thông.
Và cái rạp phim “ngàn sao” được gọi là “rạp phúc lợi”.
Rạp Phúc lợi, hay còn có tên gọi là bãi Phúc Lợi, rất gần khu tập thể nhà mình, chỉ khoảng mấy trăm mét. Ra khỏi nhà, xuống cái dốc xưởng Cán, qua cái hồ nước trong veo dài ngoằng với một cái ống nước có bán kính khá rộng chạy dọc theo chiều dài của hồ, là tới cổng vào thứ nhất của rạp.
Bọn mình của hơn ba chục năm trước, gần như ai ai cũng mê phim ảnh. Những năm 90, dòng phim thương mại của điện ảnh miền nam khuynh đảo khắp nơi.
Cũng giống như nhạc nhẹ, những bộ phim tình cảm, mang tiếng là phim mỳ ăn liền, chứ cá nhân mình thấy nhiều bộ phim thuộc dòng phim này thậm chí hay hơn hẳn nhiều phim được đánh giá cao bây giờ.
Vị đắng tình yêu; Vĩnh biệt mùa hè; Anh chỉ có mình em; Ngọc trong đá; Sau những giấc mơ hồng; Hoa quỳnh nở muộn…hay những bộ phim có yếu tố lịch sử như Tráng sĩ Bồ Đề; Thăng Long đệ nhất kiếm; Phạm Công – Cúc Hoa, Người không mang họ… đã làm thổn thức bao trái tim những đứa trẻ mê phim ở vào độ tuổi từ 10 đến 15 như chúng mình lúc bấy giờ.
Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh và Thu Hà là sáu diễn viên được ghi nhớ nhất. Họ là thần tượng điện ảnh của cả một thế hệ thanh niên sinh trưởng cuối những năm 70, đầu 80. Họ đi đến đâu là gây nghẽn đường đến đó, họ ở đâu là khách sạn bị nhân dân vây kín đến đó.
Họ, những diễn viên cùng với các đạo điễn tài năng và thức thời đã góp phần đưa điện ảnh đến gần hơn với công chúng, bằng những bộ phim nhẹ nhàng, với lối diễn xuất chân phương và có phần “thơ ngây” ở vào thời điểm mà ai ai cũng khát khao những điều mới mẻ, những luồng gió mới thổi vào đời sống văn hoá tinh thần.
Mấy đứa trẻ đen nhẻm, nghịch hơn quỷ sứ chúng mình mê phim và các anh chị diễn viên đến nỗi gần như đứa nào cũng đã từng viết thư tay gửi cho một trong số họ :)).
Người thích vẻ dịu dàng của chị Diễm Hương, người lại mê con mắt to hút hồn của chị Việt Trinh; Người yêu cái mạnh mẽ nam tính của anh Lý Hùng, người lại “chết” vì cái vẻ phong trần “đều đểu” của anh Lê Tuấn Anh :)).
Và dĩ nhiên, vì mê phim ảnh như thế nên nếu biết buổi tối mà có bộ phim nào trình chiếu ở bãi Phúc Lợi là chúng mình luôn trong tư thế sẵn sàng “ra đi” từ lúc hoàng hôn khép lại, ánh nắng chiều đã nhạt đi nhiều. Có cơm nước gì thì cũng phải chuẩn bị từ sớm, ăn sớm, dọn dẹp sớm để đi sớm :)).
Đi sớm nhưng cũng phải đợi đến giờ ngừoi ta mở cửa bán vé. Ôi chao, cái phòng vé thì bé tí tẹo, ánh đèn cột điện cao áp bên ngoài hắt vào dường như vẫn không đủ sáng để mình nhìn rõ những gì bên trong. Cũng vì thực sự là đông quá, người cứ như xếp tầng xếp lớp lên nhau, chen chúc xô đẩy chỉ để mong mua được một cái vé.
Trẻ con bọn mình nhiều khi cứ cảm giác chúng mình không cần nhấc chân gì cả, cứ thế bị lớp người sát sạt đằng sau đẩy đi. Cảm giác nghẹt thở là có thật, khi dòng người dài dằng dặc dồn lại thành đám đông khổng lồ. Những ông bố bà mẹ muốn không thất lạc con nhỏ chỉ còn cách là phải công kênh con trên vai hoặc là nắm tay con thật chặt.
Biết bao cuộc chia ly, chia ly thực sự, cha mẹ lạc mất con ở những nơi đông đúc như thế này, sân ga, cổng chợ hay rạp chiếu bóng, những năm về trước. Nhiều câu chuyện có thật đau lòng đến rớt nước mắt, của cái buổi ngày xưa nghèo khó.
Lúc mình biết đi xem ở rạp phim Phúc Lợi là lúc mình cũng lớn rồi, khoảng 11 tuổi. Ở tuổi đó, trẻ em ngày xưa lanh lẹ lắm, không gì là không biết nên mẹ mình không lo mình bị lạc quên đường về.
Mẹ mình vì bận con nhỏ là thằng em mình nên đi làm về buổi tối chỉ ở nhà, gần như không đi đâu. Mình có đi xem toàn là bám đuôi theo nhà Huệ, vì có bác Xuân là người lớn.
Sau khi mấy bác cháu chật vật nhận được cái vé vào cửa thì ai cũng vui mừng kinh khủng. Vào được bên trong thì tất cả như muốn hét lên khi nhìn thấy cái màn chiếu rộng lớn bên trong ngôi nhà chính khang trang.
Trước toà nhà này là những hàng ghế đá dài uốn cong theo hình vòng cung, đến mấy chục hàng như thế, kéo dài từ dứoi gần màn hình lên cao hơn gần những chiếc máy chiếu của toà nhà điều hành.
Ghế đá như những bậc thang, dốc thoai thoải. Cũng như trong rạp phim, ai có vị trí chỗ ngồi đối diện chính giữa màn hình là tuyệt nhất. Nhưng khác với rạp phim, vì rạp chiếu bóng ngoài trời nên nếu thời tiết thuận lợi thì không còn gì để chê, đặc biệt là những buổi tối trăng thanh gió mát của mùa thu.
Ôi giời, có ai còn nhớ, bọn trẻ con nghịch ngợm chúng mình lúc phim chưa chiếu thì còn mải đi đếm các cặp đôi tận dụng cơ hội rảnh rỗi để “thơm” nhau :)), nếu không thì họ cũng phải nắm tay nắm chân chứ không thì phí quá cái thời tiết này :)).
Muà thu, bầu trời chi chít những ánh sao lấp lánh, đôi khi sẽ là vầng trăng tròn vành vạnh toả ánh sáng dịu mát xuống nơi hàng ngàn người đang háo hức chờ đợi bộ phim sắp được công chiếu.
Mình không nhớ được là lũ trẻ chúng mình có cái gì nhấm nháp ở thời điểm ấy không, có lẽ là không đâu vì làm gì có tiền mà mua.
Nhưng có người bán chứ. Mình đã nghe cô hàng xóm bán gạo nhà mình kể, rằng cô đã phải lao ra đời với cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền từ khi cô còn rất nhỏ, chỉ là đứa bé bảy, tám tuổi. Biết bao nhiêu buổi chiếu phim ở bãi Phúc Lợi, cô đã lon ton theo mẹ để hỗ trợ bà bán hàng.
Tất cả hàng hoá chứa trong cái mẹt nhỏ của người đàn bà bé nhỏ, chỉ là một cái ấm tích đựng nước, mấy cái chén và vài ba gói kẹo lạc. Đa phần mọi người chỉ mua nước thôi vì khát quá, cái khát ở nơi đông người như thiêu đốt cổ họng. Phải có ngụm nước vào mới tươi tỉnh để mà theo dõi phim.
Và khi cái máy chiếu sáng rọi xuống một thứ ánh sáng trắng xoá, phông chiếu ở bên dứoi sáng lên hình ảnh đầu tiên của một bộ phim nào đó, thì tất cả mọi người như vỡ oà. Nín thở, tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía trước. Tất cả đều im lặng chăm chú vào màn hình.
Sao vẫn sáng trên trời và gió thổi tung bay lá cây, cờ xí và tóc người. Tất cả đều làm nên một buổi xem phim ngoài trời đẹp như một giấc mơ, cho những người yêu bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Nhưng cũng có khi thời tiết cũng không chiều lòng người đâu. Một buổi chiếu bộ phim “Thằng Bờm” trong ký ức mình, khi đang đến đoạn cười chảy nước mắt là thằng Bờm vác cái cây tre lại theo chiều ngang của cây khi đi vào cổng nhà, thì trời bất ngờ đổ mưa rầm rầm.
Mưa trút xuống vội vã khiến nhiều người bất ngờ không biết phải làm sao, bèn chạy ngay lên cái toà nhà chứa màn ảnh rộng lớn phía trước. Và thế là chúng mình vẫn xem được bộ phim nhưng mà là xem ngược, và hình ảnh thì rất mờ vì xem từ phía sau mà. May quá có đoạn thằng Bờm dẫm phải bãi cứt trâu thì phải, mờ mờ ảo ảo nên đỡ ghê hơn hẳn :)).
Bãi Phúc Lợi là một phần không thể thiếu của tuổi thơ chúng mình, nơi đây ngày xưa thời còn tuổi trẻ mười tám đôi mươi mẹ cũng thường trốn ông bà ra đây xem phim.
Khi phim kết thúc thì cũng là rất khuya rồi và mẹ phải đi bộ về nhà ông bà trong đêm tối, một khoảng cách khá xa vì nhà ông bà mình trong xóm sâu.
Nhưng dù tối trời như thế, xa xôi như thế cũng không thể ngăn cản được bước chân tuổi trẻ trên đường tìm đến những cái đẹp, cái lãng mạn trong những bộ phim và những buổi chiếu phim ở rạp chiếu ngoài trời. Của cái thuở hoa niên nghèo khó nhưng vẫn đầy mộng mơ.
Và tối hôm qua, mấy chị em chúng mình, những đứa con của đất Gang Thép, sau khi đã đánh chén no nê những kem với chè để giải nhiệt cho một ngày tháng Tám nắng nóng đến điên người, đã lại lần mò ra cái rạp chiếu phim Phúc Lợi xưa cũ.
Ngay gần quán chè thôi, những quán chè đã luôn ở đó từ lâu lẩu lầu lâu lắm rồi. Và sát ngay bên hồ nước Thiên Nga lộng gió, những cơn gió quý như vàng vì đã làm khô đi từng lớp mồ hôi đẫm người của lũ trẻ và cả người lớn chúng mình.
Cũng như tất cả mọi thứ khác, giờ đây khi mình đã già đi nhiều và nhìn lại những công trình xưa cũ, bao giờ mình cũng tự phải hỏi lại tại sao bây giờ nhìn chúng đều nhỏ bé quá thế? Sao trong trí nhớ của mình là cái bãi Phúc Lợi này nó to lắm cơ mà nhỉ?
Tự hỏi thế thôi chứ ai mà không biết câu trả lời. Bởi với trẻ em, dứoi đôi mắt thơ ngây của chúng, những thứ nhỏ bé đều có thể rất vĩ đaị, những điều giản dị lại có thể có ý nghĩa to lớn.
Ai cho tôi một vé về tuổi thơ?
Chúng mình cứ nán lại mãi ở những chiếc ghế mà có lẽ lâu lắm rồi không có cơ hội được phục vụ. Cỏ mọc cao ngang mặt ghế, những cây táo dại chen ở những lối đi.
Hàng rào sắt thấp ngăn giữa các khu đã lộ dấu hiệu của những vết rỉ, nhưng lạ thay, dứoi tác động bao năm của mưa nắng mà nó vẫn còn cứng cáp và chắc chắc lắm. Đúng là thứ Thép chuẩn là Thép của quê hương Thép Gang.
Ánh sáng phát ra từ phía trong toà nhà đã từng là nơi đặt màn hình chiếu không đủ để soi sáng toàn bộ không gian của rạp chiếu Phúc Lợi.
Nhưng mình như lại cảm ơn điều đó vì nhờ vậy mà cái xơ xác, hoang tàn của một nơi chứa đựng biết bao ký ức của bọn mình, đã như được giấu đi một phần. Chỉ còn lại là vẻ bát ngát, mênh mông, lộng gió. Một sự tự do, khoáng đạt chỉ có thể tìm thấy ở ngoài thiên nhiên, ở giưã thiên nhiên.
Có những lúc mình như muốn khóc khi ngồi xuống ở một hàng ghế nào đó và ngước nhìn lên phía trên màn hình tượng tượng. Không phải vì vẻ tiêu điều của nó hiện giờ, mà bởi vì một cảm giác của những ngày thơ bé đột nhiên uà về.
Có lẽ những vật hữu hình không thể tước đi được những cảm xúc của chúng ta, chừng nào trong tâm trí và trái tim của ta vẫn chứa chan những kỷ niệm, là những thứ vô hình.
Mình chụp cho các chị em một vài bức ảnh, có thể doạ được những người “yếu tim” :)), với mong ước một ngày nào đó nơi chúng mình đang đứng đây sẽ được hồi sinh.
Không phải là cho thế hệ đã già như chúng mình, mà là cho các bạn trẻ bây giờ và sau này.
Là chỗ giải trí ngoài trời hiện đại cho các bạn nhưng vẫn chứa trong đó những cái hồn cốt của một trong những công trình văn hoá đầu tiên của thế hệ những người đã xây nên mảnh đất Gang Thép thân yêu!