Cuộc đời là một rặng liễu rủ

by Rose & Cactus

LỜI CỦA GIÓ

(Cuộc đời là một rặng liễu rủ)

1.

Cơn mưa lớn ngay giờ tan tầm buổi chiều đã níu giữ Autumn ngồi lại Văn phòng thêm một chút, đợi cho dòng nước bớt hung dữ đi thì mới ra về, dù cho cho công việc của ngày nàng đã hoàn tất.

Sáu giờ, tháng Mười, bầu trời dệt gam màu của trái Olive. Phố đã lên đèn.

Từ bàn làm việc bên cửa sổ ở tầng thứ mười tám của một cao ốc ba mươi tầng đặt tại trung tâm thành phố, Autumn có thể ngắm khung cảnh huyền ảo dưới làn mưa, phía xa xa bên kia sông Sài Gòn.

Ở đó, nơi ánh sáng màu vàng ấm áp tỏa xuống từ những cột đèn, thảm cỏ rộng và dài chạy dọc bờ sông lên đến tận con đường nhỏ thẳng tắp song song với con nước, đã xanh như càng thêm mướt khi đón những hạt thủy tinh dạng lỏng đang đổ xuống ào ạt.

Những hàng cây bám theo vài lối mòn quanh co giữa đám cỏ, mà ngọn của chúng đang uốn oéo, hết nghiêng bên này này lại ngả  bên kia, một màn đọ sức với gió mà những cái cây phải cố gắng lắm mới giữ được sự cân bằng. 

Phía sau con đường, những thảm hoa đủ loại, hướng dương, nguyệt quế, trạng nguyên, rũ xuống cả. Tả tơi, những cánh hoa bứt ra khỏi cây mẹ, trút xuống dòng thác cuộn bên dưới thành những dòng nước-hoa. Trôi dạt.

Chỉ có những chiếc ghế đá đặt hững hờ giữa những cây, những cỏ, những hoa là vẫn bình an. Chúng cứ trơ ra như thế, mặc cho nắng gắt hay mưa sa. “Nước chảy đá mòn” nhưng để có thể cảm nhận rõ rệt được cái mòn đó, có khi phải mất đến trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.

Có cái gì đạt được mà không nhờ sự bền bỉ ?

Dựa lưng vào khung cửa sổ, Autum xoay xoay chén trà nhỏ còn ấm nóng trong lòng bàn tay và hướng tầm mắt ra xa hơn, tới những khu nhà ẩn hiện, nhập nhòe qua vách kính  đẫm nước mưa.

Ở đó, hiện ra,

Một ngôi đình với mái ngói đỏ uốn cong, vừa được phục dựng lại từ nguyên bản của ngôi đình cũ có tuổi đời những ba trăm năm, từ ngày Vua chúa đàng Ngoài tiến vảo khai khẩn vùng đất Nam Bộ.

Một tòa thánh cổ kính với những dãy tường nhà sơn màu vàng nhạt kiểu Pháp chạy dọc hành lang lộng gió, ẩn dưới mái ngói nâu trầm và da cam. Ra đời đã gần hai thế kỷ nhưng dấu ấn thời gian chỉ như làm tăng thêm vẻ đẹp của nó. Vẻ đẹp bình dị, lặng lẽ mà lại tỏa hương giữa sự đông đúc xô bồ của một đại đô thị đang vươn mình mạnh mẽ.

Và rất nhiều các chung cư cao tầng, nhấp nhô, chạy một vòng cung bao quanh bán đảo phía Đông của dòng sông.  Trong đó, căn hộ nàng đang thuê nằm ở một trong những tòa nhà ấy, mà từ vị trí đang đứng nàng chỉ nhìn thấy phần ngọn cao nhất của nó, còn mảng xanh bao quanh tòa nhà, những dây leo và những cây thân nhỏ với lá xum xuê thì đã bị các khối nhà khác che khuất.

Mưa đặc lại, bầu trời trắng xóa một lớp mù bao phủ. Cảnh tượng bồng bềnh, kỳ ảo làm Autumn liên tưởng tới những chiếc dây đi văng cùng hai khung cột màu cam ánh đỏ nhô lên từ biển sương mù, của cây cầu Golden Gate ở thành phố mà nàng đã sinh sống gần hai thập kỷ, San Francisco.

Thành phố với những con đường dốc và cây cầu nổi tiếng lãng mạn là nơi có ngôi nhà nhỏ gắn bó phần lớn tuổi thơ và một thời thanh xuân của nàng. Nơi đó nàng có cha mẹ, bạn bè, người thân và một công việc ổn định.

Và một mối tình đã qua!

Tu viện dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm
Tranh: Trần Bình Minh

Đã tròn một năm Autumn rời xa nó, và giờ phút này đây bên khung cửa chiều mưa, bỗng dưng nàng lại nhớ nó đến cồn cào. Tháng Mười đã về rồi, lẽ ra những chiếc áo len xếp gọn trong một ngăn tủ ở căn phòng áp mái trông ra con đường lớn rợp bóng cây trước nhà nàng, đã phải hân hoan vì được lôi ra cho cô chủ của chúng trưng diện, thì nay lại nằm im lìm buồn bã trong bóng tối.

Ôi, cái cửa sổ hình tam giác, mà con mèo nhỏ với bộ lông vàng như tơ của nàng thường vẫn chọn là nơi nó nằm co mình, lim dim đôi mắt ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây, trong khung cảnh mùa Thu thơ mộng với nắng vàng rực rỡ!

Mèo mà không ưa nắng ấm thì còn có thể là con vật nào khác? Kitty, Kitty, tao nhớ mày biết bao!

Cho đến bây giờ nàng cũng không hiểu sao quyết định nghỉ việc để đến một nơi khác sinh sống, dù trong ý nghĩ của nàng chỉ là tạm thời, lại đến với nàng nhanh như thế.

Xưa giờ, nàng vẫn được nhìn nhận như một người con gái rất truyền thống, một kiểu Á Đông điển hình mặc dù trưởng thành trên đất Mỹ. Nàng thích không khí ấm cúng với sự gần gũi với cha mẹ, một vài người bạn lâu năm và một tình yêu lâu dài gắn bó.

Nhưng rồi, những người bạn thân nhất của nàng cũng đều rời xa thành phố yêu dấu của họ, chuyển đến sinh sống và làm việc rải rác khắp nơi, ở các bang khác nhau của đất nước. Mà đất nước của nàng thì lại rộng lớn quá, mấy khi có dịp gặp nhau.

Tình yêu của nàng, mối tình đầu của nàng thì đã tan vỡ lâu rồi, và đã bốn năm qua nàng chưa thể mở cửa trái tim mình với ai. Không phải vì nàng còn vương vấn những cái đã qua mà chỉ bởi những cuộc hẹn hò mới không hề gây cho nàng một cảm xúc nào cả. Và vì vậy, nàng chỉ tập trung vào sự nghiệp, dồn hết thời gian và tâm huyết cho công việc của mình.

Công việc đang tiến triển rất tốt đẹp, với một mức thu nhập được tích lũy đủ để cho nàng nghĩ tới việc cùng với nó nàng sẽ vay thêm một ít từ nhà băng để mua một căn hộ nhỏ, gần ngôi nhà nàng đang ở, cho riêng mình, cho cuộc sống độc lập của mình.

Thì đùng một cái, trong một buổi chiều mưa, nàng nghỉ ở nhà vì trong người có đôi chút mệt.  Và từ ô của sổ nhỏ xinh, nàng nhìn thấy từng đàn chim dập dờn bay theo hình chữ V trực chỉ về hướng Nam, ở phía rặng núi phía trước.

“À, những đàn chim đi tránh rét đấy. Chúng sướng biết bao khi mỗi năm được bay đến nơi này nơi khác. Chúng bao nhiêu tuổi rồi, mình đâu biết, nhưng chắc còn lâu chúng mới bằng tuổi mình. Vậy mà những đôi cánh kia đã tung bay khắp chốn. Sao lúc này mình cũng muốn như chim, bay đi, bay mãi về những miền khám phá”.

Thế đấy, quyết định của nàng lại khởi nguồn chỉ từ cái khung cảnh như thế . Chả có gì to tát cả, không phải là ý định thử thách, không phải nhằm tìm kiếm trải nghiệm khó khăn. Nó đơn giản chỉ là ý muốn cho một sự thay đổi. Đơn giản tựa như Archimedes khám phá ra định luật vật lý để đời của mình khi ông đang tắm vậy.

Và Autumn đã chọn quê hương, nơi nàng ra đời và sinh sống bảy năm đầu đời, là điểm bắt đầu hành trình của mình. Cha mẹ nàng không phản đối, cũng không ủng hộ. Với họ, nàng đã quá đủ trưởng thành để có thể tự quyết định những việc mà nàng muốn làm cho cuộc đời mình.

Họ chỉ mong nàng ở xa chú ý chăm sóc bản thân, và có thể trở về nhà bất cứ lúc nào, khi mệt mỏi hay đuối sức. Nàng biết, cha mẹ và gia đình luôn là chỗ dựa ấm áp và vững chắc nhất đối với nàng. Và vì vậy, khi bóng cha mẹ khuất sau cửa tiễn tại nhà ga sân bay, bỗng nhiên nàng lại khóc.

Những giọt nước mắt cứ thế lăn xuống đôi má mà không có bất cứ sự ồn ào, nức nở nào. Lần đầu tiên nàng sẽ ở xa thật là xa những người thân thiết nhất của mình. Nàng vừa bước qua tuổi hai mươi lăm.

Autumn dự định chỉ ở lại khám phá quê hương trong sáu tháng rồi  tiếp tục di chuyển sang một thành phố châu Á khác. Thế nhưng, bất ngờ là ngay khi chuẩn bị phác thảo cho chặng đường tiếp theo, thì nàng lại nhận được lời đề nghị đảm nhiệm một vị trí khá thử thách ở một tập đoàn Dược Mỹ phẩm lớn của châu Á.

Công việc được mô tả sẽ cho nàng đi chu du khắp chốn trong các chuyến công tác. Đó chẳng phải là một cơ hội sao?  Và, không nằm trong dự định, nàng đã quyết định ở lại Sài Gòn thêm một thời gian nữa.

Việc bất ngờ nhận một công việc mới mẻ hóa ra lại đem cho nàng nhiều niềm vui. Rằng hóa ra nàng phát hiện mình cũng có năng lực ở lĩnh vực khác mà trước đây nàng chưa hề nghĩ đến.

Khẽ mỉm cười, Autumn giữ chặt ly trà nóng trên tay. Đó là loại đồ uống yêu thích của nàng. Cái vị ngọt thanh, hơi pha một xíu đắng của loại trà Atiso đến từ thành phố cao nguyên Đà Lạt, nơi mà địa hình của nó gợi cho nàng về những triền đồi và con dốc San Francisco, bên kia bờ Thái Bình Dương. 

Đặt chiếc ly xuống bậu cửa sổ, nàng nhận ra mưa đã ngớt. Phía dưới đường, dòng người nhỏ xíu ken đặc vào với nhau, nhích từng chút một. Kẹt xe là điều chắc chắc. Giờ cao điểm và mưa lớn là hai yếu tố thúc đẩy sự tê cứng ở mọi ngả đường.

Đèn hiệu ở các cửa hàng cửa hiệu phát sáng rực rỡ, hắt những tia sáng trắng lên vỉa vẻ và con đường nườm nượp. Để từ trên cao nàng cũng thấy rõ cả những người, nhiều người đang tháo bỏ những chiếc áo mưa.

Lơ lửng trên không chỉ còn lất phất những giọt mưa bay. Có ai đó ở đâu đó có ước muốn, rằng thà làm những hạt mưa bay kia?

Cho đến khi mưa ngừng hẳn thì phố xá đã lung linh một vẻ ảo mộng trong đêm tối!

Để gọn chiếc ly vào hộc tủ sau khi đã rửa sạch sẽ, Autumn với tay nhấc chiếc áo cardigan mỏng vắt trên thành ghế và rời văn phòng.


Nơi nàng đến, một lớp học đan móc có tên “Rặng liễu”. Ồ, thật ra thì, thế nào nhỉ, bạn nghe thấy rất là bình thường đúng không, không có gì quá khác biệt so với những cái tên khác, giả như là “Khóm Hồng” hay “Bó Huệ” chẳng hạn.

Tuy thế,  mẩu quảng cáo tuyển sinh của “Rặng liễu” lại khiến nàng chú ý bởi một vài chi tiết nhỏ. Thứ nhất, là cái logo mang hình ảnh những lá liễu rủ xuống, hờ hững như những sợi len thả mình từ trên những chiếc kim đan nằm trong những đôi tay khéo léo của người thợ xuống đến cuộn len nằm dưới tận mặt đất, nơi một chú mèo nhỏ xinh đang khoái trí xoay tròn cái quả cầu mềm mại ấy. Bên dưới là hai dòng chữ nhỏ xíu như là slogan của người chủ lớp học kiêm chủ cửa hàng đan móc:

Cuộc đời là một rặng liễu rủ
Life is a willow

“and it bent right to your wind” nàng thầm nghĩ.

Đến đây, ồ lên một tiếng trong tâm trí, nàng dường như đã khám khá ra một sở thích của chủ nhân của tiệm đan móc này. Và tự hỏi có bao giờ họ ăn, ngủ và cả đến …tắm cũng nghêu ngao “Willow” như nàng không:

I’m like the water when your ship rolled in that night
Rough on the surface but you cut through like a knife
And if it was an open-shut case
I never would’ve known from that look on your face
Lost in your current like a priceless wine.

Tuy vậy, cái thu hút nàng nhất, khiến nàng ngay lập tức ghi danh khóa học này ngay, dù phải thú nhận là nàng mê mấy cái đan móc này từ lâu, là ở những hoạt động diễn ra trong buổi học, khá là lạ lùng.

Đó là các học viên trước khi bắt đầu bài học sẽ được nghe đọc sách. Có thể là sách họ mang đi từ nhà hoặc là sách của người giáo viên. Mọi người sẽ dành khoảng hai mươi phút đầu cho sách và đồ ăn thức uống nhẹ và mười phút sau cùng để nghe nhạc. Coi như một cách vừa học vừa thư giãn vừa giải trí. Thật là đúng ý và phù hợp với một nhân viên công sở như nàng!

Khẽ để chiếc túi xách to được móc bằng những sợi len trắng pha hồng nhạt vào giỏ chiếc xe đạp màu ghi, nàng dắt xe lên phố từ tầng hầm để xe của tòa nhà văn phòng và thẳng tiến tới “Rặng liễu”.

Quyển sách mỏng nằm gọn gàng trong túi nàng mang tựa “Lời của gió”.

Liệu gió có nghe được những âm thanh êm dịu mà nàng đang khe khẽ lúc này, trên một con đường Sài Gòn đông đúc:

The more that you say
The less I know
Wherever you stray
I follow
I’m begging for you to take my hand
Wreck my plans
That’s my man


Không gian lớp học tạo cảm giác ấm cúng: Sáu cái bàn nhỏ gỗ nâu bóng có chiều cao chỉ khoảng 30cm được đặt quây vào nhau. Mỗi cái bàn có kèm một tấm thảm vuông xinh xắn và êm ái. Dọc hai bức tường, trên những giá gỗ là vô số những cuộn len đủ màu sắc được phân định theo mục sản phẩm mà nó tạo thành. Một vài lọ hoa, và bình gốm điểm xuyết.

Một sự bày biện giản tiện và trang nhã, kiểu Nhật.

Khi Autumn bước vào thì lớp học đã có đủ năm học viên, 1 lớn tuổi, 2 trung niên và hai người còn trẻ. Mọi người khẽ ngẩng đầu và mỉm cười thân thiện với nàng.
Nàng đáp lại bằng cái cúi đầu và nói lời chào cho tất cả.

Ngồi xuống vị trí của mình, nàng mở túi lấy ra bộ đồ đan và cuốn “Lời của gió”

Ngay lúc đó, một người phụ nữ đẩy cánh cửa từ phía cuối căn phòng, bước ra. Bà đã lớn tuổi, có lẽ phải ngang tuổi với bà ngoại của nàng, với dáng người tầm thước, mái tóc cắt ngắn trẻ trung tuy có điểm sợi bạc. Khuôn miệng nhỏ, sống mũi cao và đôi mắt một mí lấp lánh trên nền da trắng đã hằn những nếp nhăn không tránh khỏi của tuổi tác, gợi nhắc một nhan sắc ở thời thanh xuân.

Nhẹ nhàng ngồi xuống sàn gỗ, bà cất tiếng, cũng nhẹ như phong thái của mình:
-Chào các bạn, mình là “Mùa Thu”, là chủ nhân của “Rặng Liễu”. Hôm nay là buổi đầu tiên chúng ta làm quen với nhau và với với việc đan móc. Chúng ta sẽ có bài học ở mức đơn giản nhất. Trong lúc học nếu có gì chưa rõ, các bạn đừng ngại yêu cầu mình chỉ dẫn lại.

Bà nói xong thì lần lượt từng người giới thiệu tên và tuổi cho tiện xưng hô. Nhỏ tuổi nhất là nàng, và người lớn nhất còn lớn hơn cả cô giáo. Bà đã bảy mươi chín tuổi.

Cô giáo “Mùa Thu” sau đó mang tới mỗi bàn một chiếc bánh ngọt và một ly nước táo.

-Nào mời các bạn thưởng thức bánh và đồ uống nóng hổi, mặc dù bây giờ đã tối rồi chứ không phải là chiều nữa thì cũng cứ coi đây là một phiên bản khác của tiệc trà chiều. Chúng ta sẽ làm ấm bụng và cả ấm tâm hồn với khoảng thời gian cho ẩm thực và đọc sách, như mình đã thông báo trong chương trình học. Hôm nay có bạn nào xung phong kể chuyện từ cuốn sách mình mang đi ? Buổi sau sẽ là mình nhé!

Hai người trẻ giơ tay, trong đó có nàng. Nhưng bạn gái kia bỗng phát hiện mình đã để quên cuốn sách ở nhà nên nàng trở thành người đọc đầu tiên.

Hơi vui và cũng khá hồi hộp. Vui vì nàng thích đọc sách. Hồi hộp vì thực sự nàng cũng chưa đọc sách trong khung cảnh thế này bao giờ, đọc sách cho những người hoàn toàn xa lạ.

Nhấc ly nước táo, nàng nuốt một ngụm nhỏ để lấy giọng và bắt đầu

Lời của gió
Tác giả: Lập Đông
San Francisco, Hoa Kỳ

Tôi viết cuốn sách này vì muốn lưu lại trong ký ức những mùa thu đẹp tuyệt và dành tặng cho tất cả những ai yêu THU.

Yêu Mùa Thu, Hà Nội

Tôi sinh ra vào một chiều Đông rét mướt. Tháng mười hai, gió mùa lả lướt đưa cái lạnh từ con sông Hồng đỏ phù sa, vượt qua đê Yên Phụ len lỏi vào từng ngõ nhỏ phố nhỏ.

Nhà tôi ở đó, một ngôi nhà trên khu phố cổ Hàng Than, mà mặt tiền nhà là cửa hàng bán bánh cốm

BÁNH CỐM HÀNG THAN

Bánh cốm hàng Than… Một thứ bánh ngon mà cũng không đắt, một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu. Bánh cốm chính là thứ bánh cưới, trao đi đổi lại trong những mùa thu, để chứng nhận cho cái sung sướng của cặp vợ chồng mới, và cái vui mừng của họ hàng.

Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân. Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm.

Có lẽ chúng ta có quyền phàn nàn rằng cái thứ bánh ấy và nhiều thức bánh khác của ta nữa, phần nhiều ngọt quá, ăn hay chóng chán. Nhưng bánh mừng đám cưới lại nhạt ư? Cho nên họ làm ngọt, hết sức ngọt, để tận tình dung cái đằm thắm của cặp vợ chồng (cũng vì thế mà tình yêu chóng chán).

Bánh cốm thường đi đôi với bánh xu xê. Cái tên kỳ khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong.

Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm.

Hai thứ bánh cốm và bánh xu xê của Hàng Than Hà Nội, có thể nói là đã là nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, từ kẻ chợ cho đến thôn quê. Ở Hàng Than, chỉ có hai nhà là chính hiệu. Ngày xưa, tên người làm bánh cũng bất tử liền theo với thứ bánh họ làm ra.

Cái danh tiếng của cả một gia đình ghi trên nền lá chuối và tôi tưởng cô con gái của gia đình ấy chắc hẳn là đắt chồng. Bây giờ, cái tên hiệu được ghi nhớ hơn. Nhà bánh cốm “Nguyên Ninh” tôi tưởng là một nhà làm bánh cốm cũng đã lâu đời, cùng với nhiều nhà khác.

Họ biết giữ cho cái vị bánh được ngon đều, và điều này cần nhất, biết thay đổi trong cách trình bày và trang điểm cho thứ quà được lịch sự và trang trọng thêm lên. (Một nồi cốm tháng đường, lúc lấy ra, thế nào cũng còn lại ít nhiều chỗ cháy. Cái thứ cháy cốm ấy, ngọt sắc và dẻo cũng như “mè xửng”, người ta bán năm xu một miếng cho những người ít tiền dùng, nhất là những người nghèo mà lại đánh bạn với ả Phù Dung, là những người tìm được cái ngon bất cứ ở thứ quà gì).

Một nhà khác ở phố Hàng Giầy mà tôi không còn nhớ số nhà hiện giờ làm những bánh cộng cũng khá ngon. Ðó là một thứ bánh vuông và nhỏ, bột xanh thẫm như là mảnh cộng, tất nhiên, ăn mềm và thơm. Tôi không rõ họ có làm bánh gấc nữa không: hai thứ bánh ấy vốn đi đôi với nhau, một thứ xanh, một thứ đỏ.

Người ta vẫn ăn, nhưng chỉ ăn thỉnh thoảng. Vì các thứ bánh bột của ta đều phải một tật là chất bột nặng quá. Nếu làm cách nào làm cho thứ bột “nhẹ” hơn, thì những thứ bánh ấy mới có thể bán nhiều được.

(Thạch Lam: Hà Nội ba sáu phố phường).

Thạch Lam là một nhà văn của Hà Nội. Văn ông luôn nhẹ nhàng, thanh lịch như cốt cách của con người Tràng An. Trong loạt bài viết này mình sẽ sử dụng những áng văn mượt mà về những thứ “Quà Hà Nội”, trích trong cuốn sách “Hà Nội ba sáu phố phường” của ông, nhân những ngày đẹp nhất của Hà Nội, những ngày Tháng Mười!

You may also like

Để lại bình luận