Bạn nghe thấy âm thanh nào của Mùa thu ?

by Rose & Cactus

Sáng nay mình lại cùng con xem chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Các vòng thi khác có thể không theo dõi nhưng đến vòng cuối cùng năm nào hai mẹ con cũng thích coi.

Không phải chỉ vì sự gay cấn, hồi hộp mà các thí sinh đem đến trong trường quay mà còn là không khí vui tươi, phấn chấn ở không gian ngoài trời tại các địa phương nơi mà các thí sinh đang theo học.

Thẳng thắn mà nói, đã vào đến vòng chung kết thì bạn nào cũng giỏi cả.  Nhưng người chiến thắng thì chỉ có một, và năm nay, vòng nguyệt quế thuộc về một bạn học sinh chuyên Toán của Trường Quốc học Huế, một cách cũng khá kịch tính.

Mảnh đất Huế vốn nổi danh với rất nhiều nhân tài ở cả hai lĩnh vực  khoa học và nghệ thuật đã lần thứ ba, và cũng là nơi có nhiều lần nhất, có học sinh bước lên đỉnh vinh quang. Rất xứng đáng và xin chúc mừng Huế!

Bạn học chuyên Sư phạm cũng thật sự xuất sắc, chỉ là kém một chút may mắn thôi. Nhưng với trình độ đó của con, mình tin rằng sẽ có nhiều cánh cửa bước ra với thế giới mà con có đủ khả năng tiếp cận, Olympia chỉ là một trong số nhiều cơ hội đó!

Mình thì ấn tượng với màn trình diễn của các bạn học sinh ở Huế, đẹp và công phu thật, đúng là vùng đất của thi ca nhạc họa, rất xúc động. Và nữa, gương mặt và biểu cảm hiền ơi là hiền của bạn Phú Yên, nhìn rất thương!

Con mình thì trả lời được đúng hết các câu hỏi tiếng Anh, ít câu hỏi Sử còn lại Toán, Hóa thì xin …kiếu :)). Mình thì thảm hơn cả con, trả lời câu nào… sai câu đó, nếu đi thi chắc các con cho …ngửi khói :)). Nói gì nói, tụi trẻ giờ giỏi thiệt!

Làm việc hay được tiếp xúc với giới trẻ bao giờ cũng cho chúng ta một niềm lạc quan, vui sống và tin tưởng. Dù không phải lúc nào các thế hệ cũng có sự hòa hợp hoàn toàn với nhau, cũng giống như bố mẹ với con cái, thầy cô với học sinh…nhưng bỏ qua tất cả những bất đồng, những quan điểm trái ngược không thể nào tránh khỏi do độ vênh của thế hệ và tuổi tác, sự thay đổi theo dòng chảy lịch sử thì lớp trẻ luôn là lớp người để mỗi thế hệ lớn hơn  học được nhiều thứ từ họ, đôi khi  nhìn họ chính chúng ta phải soi rọi và điều chỉnh mình.

Cái hay nhất của những người trẻ, là bởi vì họ chưa va chạm nhiều với cuộc sống, để có thể cân đo đóng đếm những cái được mất ở đời, nên họ sống vô tư hơn, dễ tiếp nhận cái mới hơn, dễ thích nghi và cũng dễ dàng tha thứ hơn (tất nhiên rồi, dễ mắc sai lầm hơn; và đổi lại cũng còn nhiều thời gian để sửa chữa hơn).

Với sức khỏe, niềm hứng khởi, sự sung sức, những ước vọng, hoài bão luôn hừng hực trong mình, những người trẻ lúc nào cũng như những mũi tên lao về phía trước, dù cho phía trước đầy chông gai.

Tuổi trẻ được ví như mùa Xuân là vậy!

Mình cũng rất thích viết cho người trẻ, cảm giác khi viết cho các bạn là mình đang được sống lại thời thanh xuân của mình, rất hồn nhiên, phơi phới.

Và mình như được trẻ ra nhiều lắm, cảm giác yêu đời và yêu người hơn rất nhiều. Chắc nhiều người viết khác cũng có ý nghĩ như mình. Chẳng trách chi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mấy chục năm rồi mà nhìn ông không không già đi chút nào cả. Cả đời ông dành để viết cho người trẻ, có lẽ đó là một trong những lý do khiến ông như trẻ mãi!

Tuần vừa rồi, nhà văn Han Kang của Hàn Quốc đã là người phụ nữ đầu tiên của Châu Á giành giải Nobel văn chương. Thú thực, mình chưa đọc bất cứ một tác phẩm văn học nào của Hàn Quốc cả (thực ra, mình cũng không phải là người đọc quá nhiều vì mình đọc nhanh không được. Đọc cái gì mình cũng đọc rất là lâu, và thường là phải nghiền ngẫm lại những thứ mình đọc nên số đầu sách đọc được không nhiều),

nhưng không hiểu sao từ lâu rồi mình đã nghĩ rằng kiểu gì cũng có ngày này, tức là ngày mà Hàn Quốc sẽ có người bước lên đỉnh vinh quang nhất của lãnh địa khó nhằn, thứ duy nhất mà họ còn cảm thấy thua kém Nhật Bản và Trung Quốc ở tầng cao của  tinh hoa nghệ thuật, đó là văn chương.

Bởi khi xem phim Hàn cách đây mấy chục năm, kể cả lúc đó chỉ là phim truyền hình chứ không phải điện ảnh, mình đã thấy, ngoài diễn xuất gần như không có gì để chê của dàn diễn viên, thì kịch bản phim của họ luôn rất hay. Chặt chẽ, logic, tự nhiên và mang đầy hơi thở của dân tộc và thời đại.

Xem phim Hàn vừa thấy được thời trang, kỹ nghệ, âm nhạc của thế giới lại vừa thấy được, một cách cực kỳ rõ nét, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, thói quen sinh hoạt, cuộc sống đời thường cùng phong tục tập quán của các tầng lớp trong xã hội Hàn.

Mà kịch bản được xây dựng nên từ những người viết. Kịch bản hay có nghĩa là người viết giỏi. Càng nhiều kịch bản hay thì chứng tỏ càng nhiều người viết giỏi.

Và từ đó cũng có thể, một cách logic, suy ra là nền văn chương của họ càng ngày càng tiến bộ. Xem một vài phim điện ảnh Hàn, mình thấy kinh ngạc trước cách xây dựng kịch bản của họ, các nút thắt mở, các tình tiết bất ngờ không thể đoán trước, thậm chí hay hơn nhiều các bộ phim Hollywood vốn gần đây đã quá sa đà vào lạm dụng việc sử dụng các kỹ xảo tối tân, hiện đại.

Nobel văn chương chỉ là kết quả cuối cùng cho những nỗ lực phát triển đó. Mọi thứ đã có thể thấy rõ ở nhiều mặt, ví như ở các hiệu sách sách truyện Hàn Quốc (bằng Tiếng Anh) được bày bán khá nhiều.

Họ cứ từ từ đi ra thế giới bằng cách đầu tư bài bản, chỉn chu, nghiêm túc như thế, từng cái một, không cái gì họ xem thường hay bỏ sót, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật…Và tất yếu họ thành công!

Mình yêu thích việc Viết vô cùng, dù tự nhận thấy trình độ viết của mình còn nhiều hạn chế. Hay nói cách khác sự tự ti vì năng lực có hạn, bắt đầu suy nghĩ đến viết một cách nghiêm tục khi không còn trẻ nữa, nhất là khi đã đọc những tác phẩm lớn,  đôi lúc  cho mình cảm giác sợ cái con đường mà mình đang đi và muốn đi, tức là viết được một vài cuốn tiểu thuyết nào đó trong cuộc đời, rồi sau đó muốn làm gì thì làm, muốn ra sao thì ra :)).

Sự giằng co mâu thuẫn cứ diễn ra như thế, vừa viết, vừa đấu tranh, vừa hoài nghi về chính bản thân mình. Viết, sửa, bỏ, bế tắc, thất vọng và rồi lại…viết.

Nhưng chẳng biết có phải trùng hợp không mà đúng hôm Han Kang được công bố giải thưởng Nobel thì mình cũng hoàn thành xong một phác thảo sườn cho một series truyện mà mình tự cảm thấy tâm đắc và cho mình hứng khởi nhất từ trước đến nay. Cho mình sự dũng cảm bỏ dở luôn cái truyện mà mình đang viết để bắt đầu lại với kịch bản này.

Có một điều gì đó mới mẻ làm mình bước đầu có chút hài lòng và tự tin để không cảm thấy sợ hãi trước những cái bóng quá lớn của những tác phẩm mà mình đã được đọc.

Đó là sự -tự – nhận -ra, rằng, mỗi người đều có bản sắc riêng, kể cả là bản sắc Viết, đừng sợ,  hãy cứ lao vào, cứ đi tới, khám phá và thử nghiệm. Có thể là thất bại, không thu được gì, nhưng ít ra mình đã được thỏa sức bơi lội trong đại dương chữ nghĩa và trí tưởng tượng của riêng mình, đó há chả phải là niềm hạnh phúc tột cùng hay sao?

 “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, huy hoàng ở đây, có lẽ không chỉ là kết quả cuối cùng, nó sâu xa hơn là cảm xúc thăng hoa của mỗi người trong quá trình sống chết để nặn lên hình hài đứa con tinh thần của mình, một bộ phim, một vở kịch, một  cuốn tiểu thuyết, hay là một cái điện thoại, một chiếc ô tô, một ngôi nhà…

Han Kang mất ba năm để viết nên “Người ăn chay”, tác phẩm được xem là nổi bật nhất của bà. Mình không biết có cần đến ngần đấy thời gian như bà để viết một tác phẩm của mình không, hay là cần nhiều hơn thế, bốn năm, năm năm… Nhưng chắc chắn sự bền bỉ với con đường chữ nghĩa của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người viết, rằng hãy cứ viết.

Không phải là để giành giải Nobel.

Mà đơn giản, chỉ để được sống với trạng thái say mê nhất của chính mình.

Là Viết.

Mình xin dừng series đang viết dở “Lời của gió” dù thật sự bao nhiêu ý tưởng hay ho cho mùa thu đã chuẩn bị cho nó, để tập trung vào viết cuốn đầu tiên trong bộ tiểu thuyết dự định của mình.

À, tất nhiên là mình vẫn sẽ viết những note ngắn ngắn như này trên Blog nhé!

You may also like

Để lại bình luận