Trong các chính sách mà nhà nước ban hành, có lẽ các chính sách trong lĩnh vực giáo dục luôn có sức “nóng” và thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân hơn cả.
Cũng dễ hiểu, vì giáo dục rất gần với mỗi người, nhà ai lại không có người thân đang theo học ở một trường nào đó, không con thì cháu, không họ hàng thì cũng là bạn bè, hàng xóm xung quanh. Thế nên việc Bộ giáo dục ngay khi ban hành thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm thì lập tức có rất nhiều quan điểm xung quanh nội dung này được thảo luận.
Sáng nay mình đi chợ, gặp một chị hàng xóm và chị cũng hỏi mình ngay là con mình học thêm thế nào, có bị ảnh hưởng gì không ?
Mình trả lời chị là con mình không học thêm. Và chị đã rất ngạc nhiên vì lớp 11 rồi mà con không đi học thêm.
Nhưng sự thực là thế. Cấp 1, cấp 2 thì quan điểm của mình là không đi học thêm vì con học cả ngày ở trường là đủ rồi. Còn cấp 3 thì mình khuyến khích con mình tìm một thầy cô nào phù hợp thì con có thể đi học để nâng cao trình độ, chuẩn bị cho các kỳ thi vào đại học.
Cuối cùng mình cũng tìm được cho cháu học Toán ở một lớp học thêm của thầy giáo có tiếng, dạy giỏi, nhiệt tình. Nhưng cháu chỉ đi học một học kỳ (kỳ 1 năm lớp 10) rồi sau đó xin mình cho ngừng học, bởi cháu tự cảm nhận cháu đi học thêm hay không đi học thì trình độ của cháu cũng không có gì thay đổi cả.
Cháu không say mê Toán và học ở trường cháu đạt được 7 là cháu hài lòng rồi, không cần thiết phải học thêm nữa. Mình tôn trọng ý kiến của cháu. Và đó cũng là khóa học thêm duy nhất của con mình trong 11 năm học phổ thông, cho đến giờ.
Tuy vậy, dù con mình không đi học thêm thì mình cũng không phản đối học thêm.
Trong mười hai năm học phổ thông mình cũng đi học thêm nhiều:
Cấp 1, năm mình học lớp 5, lớp học thêm đầu tiên mình tham dự (nếu có thể gọi đó là học thêm) là một lớp học Anh văn. Lớp học này do một cô giáo dạy trường Đại học sư phạm Thái Nguyên giảng dạy.
với những đứa trẻ như chúng mình thời ấy, năm 1991, lần đầu tiên được tiếp xúc với những “Hello, how are you?” và “Goodbye, see you again!” thì quả thực lớp học thêm này như chốn thiên đường. Chỉ học một buổi một tuần vào chiều chủ nhật mà mình, một người rất yêu ngôn ngữ, chỉ mong chiều nào cũng được học.
Lên cấp hai, mình ở trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi Toán nên có học lớp bồi dưỡng Toán hàng tuần ở trường (mỗi tuần học một buổi). Ngoài ra năm lớp 8 và 9 mình cũng có học thêm Anh Văn bằng A, B tại trung tâm tuần 2 buổi tối.
Đến cấp ba, vì mình thi đại học khối A Toán Lý Hóa nên mình có đăng ký học thêm tại nhà của các thầy giảng dạy tại trường Đại học Cơ điện Thái Nguyên. Tuần ba buổi, cứ đầu giờ chiều chúng mình lại đạp xe một quãng đường xa đi học, dù nắng vỡ đầu hay mưa gió dầm dề rét mướt. Đi học thêm với mình lúc ấy cảm thấy vui lắm, không hề có chút áp lực nào, mình nói thật sự luôn.
Mọi sự chỉ thay đổi một chút khi vào năm lớp mười một tự nhiên mình phát bệnh về mắt, cũng khá là nghiêm trọng. Suốt cả năm mình chỉ quẩn quanh với việc đi khắp nơi để chữa bệnh nên phải nghỉ học nhiều ở trường còn việc học thêm thì mình phải ngừng hoàn toàn. Mới đầu mình cũng rất lo vì chỉ một năm nữa thôi là mình bước vào kỳ thi đại học, cũng rất cam go và căng thẳng ở thời điểm lúc bấy giờ.
Nhưng sau đó, mọi sự ổn hơn mình nghĩ, khi mình đã tự tìm ra phương pháp tự học mà không cần phải đến lớp. Đó hoàn toàn là nhờ vào những bộ sách (thời đó chưa có Internet). Đặc biệt là bộ sách ôn luyện Vật lý và Hóa học, gồm 4 tập. Mình ưng kinh khủng, đến giờ mình không nhớ chính xác tên, chỉ nhớ là chúng được xuất bản trong Tp.HCM. Mình cứ bám theo đúng bộ sách ấy để học kết hợp với việc giải đề. Và thế là mình đỗ, cả hai trường Kinh tế quốc dân và Xây dựng.
Mình có khả năng học đều tất cả các môn ở bậc phổ thông, cả tự nhiên và xã hội. Dù tất nhiên, với riêng mỗi một môn học mình không phải là người xuất sắc nhất. Nhưng mình có thể bắt kịp với bài học mang tính học thuật nhanh và có khả năng tự học.
Điều đó cũng giúp mình là sau này khi đi làm mình có thể đảm đương được một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn (cái mà ta hay gọi là chạy deadline), và mình có khả năng xử lý công việc nhanh như là khi học.
Nhưng, dĩ nhiên rồi mình không toàn tài. Nếu như các môn học khoa học mình không cần phải đến lớp học, tự mình có thể mày mò học được (ở mức độ mà mình mong cầu) thì các môn đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay luôn khiến mình chật vật.
Ví như đan lát đi, mặc dù mình rất say mê nó, thích học lắm nhưng mình không có khả năng tự học. Mình không tự học đan một mẫu áo mới qua Youtube được, mình cần cô giáo trực tiếp chỉ chi li từng tí một mới có thể hoàn thành sản phẩm. Làm xong mình cũng phải ghi lại tỉ mỉ các bước không thì quên mất, lần sau lại không biết làm thế nào.
Trong khi nhiều bạn, họ khéo tay đến mức mà chỉ cần nhìn qua cô giáo làm một lần thôi là tự họ có thể đan được, thậm chí là đan đẹp hơn cả cô. Thậm chí hơn nữa, là nhiều bạn không cần đến lớp học, chỉ cần nhìn mẫu ảnh là các bạn đã có thể tự mày mò đan được theo mẫu rồi.
mẹ mình đây, hai mươi năm rồi không cầm đến kim đan, vậy mà khi cầm lại vẫn thành thạo như chưa bao giờ lãng quên nó. Còn mình chỉ cần hai tháng thôi không đan là đã quên sạch, lại bắt đầu phải học lại từ những bước đơn giản nhất.
Mình nói điều đó chỉ để muốn nói rằng, mỗi chúng ta đều có năng lực và khả năng khác nhau, trong mỗi lĩnh vực khác nhau.
Đối với người này, đi học thêm là không cần thiết vì họ có khả năng tự học. Nhưng đối với người khác, thành tích học tập mà họ mong muốn sẽ không thể đạt được nếu thiếu những lớp học thêm.
Đối với người này, ngồi một mình tự học là lý tưởng nhất, trong khi người khác cần sự thi đua trong lớp học để thúc đẩy niềm say mê.
Do đó, những lớp học thêm luôn tồn tại một cách tự nhiên như từ xưa vẫn thế bởi khi có cầu ắt có cung.

Tuy nhiên, chỉ cần làm một vài so sánh để thấy rằng tại sao những năm gần đây có rất nhiều người phản đối mạnh mẽ chuyện học thêm và họ hoàn toàn ủng hộ việc Bộ Giáo dục ra những quy định nhằm chấn chỉnh lại việc dạy thêm học thêm ở nhà trường hiện nay:
-Thứ nhất, thời gian học chính khóa ở trường hiện nay là từ 7h30 đến 16h30. Như vậy học sinh đã phải ngồi ở lớp học đến 9 tiếng. Cộng thêm giờ học thêm hai tiếng nữa là 11 tiếng. Một thời gian quá dài. Nên nhớ thời gian làm việc tại cơ quan công xưởng được quy định với người lớn, chỉ là 8 tiếng.
trong khi thời xưa, ví dụ thế hệ của mình đi, thì chúng mình chỉ đến trường vào buổi sáng, khoảng 4 tiếng. Nên tuần đôi lần, có một hai tiếng học thêm vào buổi chiều cũng không cảm thấy cực nhọc gì. Khác hẳn với bây giờ, các em phải đi học (đến lớp) suốt ngày đêm nên cho cảm giác mệt mỏi vì bị bội thực…đi học.
-Thứ hai, trong kỷ nguyên của Internet, công nghệ phát triển như vũ bão, con người có vô vàn cách tiếp cận tri thức khác nhau, không chỉ từ một nguồn gần như là duy nhất từ trường lớp, thầy cô như thế hệ của gen Y trở về trước.
Có một vấn đề trong giáo dục ở nước ta mà người ta đã chỉ ra từ rất lâu rồi nhưng năm này qua năm khác không được khắc phục tận gốc rễ, thành thử học sinh học thì rất nhiều nhưng hiệu quả không bao nhiêu.
Đó là bệnh thành tích: Nhà trường thích thành tích và gia đình lại càng ưa thành tích. Dẫn đến cả xã hội chạy theo thành tích. Học nhồi học nhét, học Văn theo mẫu không có chỗ cho chính kiến riêng, học Toán chỉ chăm luyện giải toán dạng mà thiếu sự tư duy.
Nên mặc dù điểm số càng ngày cứ càng cao ngất nhưng khả năng kiến giải, lập luận, hay viết luận, sáng tác, phát minh, sáng tạo không hề tăng như mức độ tăng điểm số trên học bạ.
Đã bao năm rồi chúng ta không có một tác phẩm văn học xứng ở tầm khu vực, chứ chưa nói đến toàn thế giới ?
Đã có bộ phim nào của điện ảnh Việt gây tiếng vang khuấy động phòng vé toàn cầu chưa? Chắc chắn là chưa
Mình đã từng vài năm đi dạy ngoài, mấy năm gần đây thôi chứ không phải xa xôi gì cả và mình đã phải giật mình vì khả năng đọc hiểu của học sinh chúng ta. Các em có kỹ năng đọc hiểu mình đánh giá chỉ ở mức trung bình nhưng điểm số môn Văn ở trường cao hơn nhiều so với năng lực thực sự của các em.
Tại sao lại như thế ? Tại vì người ta chỉ thích luyện cho học sinh được điểm cao, những điểm số mang tính nhất thời khiến cho ai cũng cảm thấy sung sướng vì con em của chúng ta giỏi quá, mà không có một chương trình đào tạo thật bài bản và có tính bền vững, để đánh giá chính xác khả năng tiếp thu kiến thức của các em thông qua điểm số.
Có thể bởi việc thiết kế một chương trình học chuẩn mực (trong đó bao gồm nội dung dạy học, kiểm tra và đánh giá) không hề đơn giản và cần một cái tầm của những người làm chính sách giáo dục.
Đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều bên. Ví dụ mình nói riêng trong môn Văn đi, không thể nâng cao kỹ năng viết, khả năng nhìn nhận đánh giá và lập luận vấn đề chỉ bằng những đoạn trích quá sơ sài mà học sinh chúng ta được học trong 12 năm học phổ thông.
Cái cốt yếu cần phải làm là xây dựng hệ thống thư viện phủ rộng khắp từ trường học, đến khu phố quận huyện đến tận quốc gia. Những thư viện chứa những cuốn sách có giá trị, chứ không phải là thư viện chỉ trang hoàng cho có với những cuốn sách quyên góp với nội dung nghèo nàn và kém chất lượng.
Thư viện trường học phải được trang bị đủ tất cả các đầu sách, trong đó có danh sách đầu mục sách bắt buộc các em học sinh phải đọc, với từng lớp học, từng cấp học, cái mà người ta gọi là must-read (bắt buộc). Đọc trọn cuốn, đọc cả quyển. Đọc và viết cảm nhận về những thứ mình vừa đọc.
Phổ đầu sách cần đọc phải được mở rộng ra, theo chiều sâu.
Những gì có giá trị nhất của nền văn minh phương Đông và phương Tây cần được giới thiệu cho các em, chứ không chỉ gói gọn trong nền văn học Việt Nam. Văn chương của chúng ta nghèo nàn lắm, đấy là mình cứ nói thật thế, năng lực cảm thụ và viết lách của chúng ta chỉ có thể được nâng lên nhờ vào tiếp thu những gì tinh túy nhất của nhân loại mà thôi!
Cùng với đó, giáo viên cũng phải tự nâng cao trình độ của mình, giáo viên phải sắp xếp dành thời gian cho việc đọc, ngoài những bài giảng mà các thầy cô dạy hàng ngày. Đọc để bồi đắp kiến thức, mở rộng tư duy và theo được dòng chảy tri thức của thời đại.
Giáo viên là một trong những nghề nghiệp cần phải đọc nhiều nhất, chính là bởi họ là những người đi gieo những hạt giống quý báu tri thức cho những người học – phần đông lại là người trẻ. Họ không chỉ đơn thuần là người dạy, cao hơn nhiều phải là những người truyền cảm hứng say mê tri thức cho giới trẻ, những mầm non tương lai của đất nước.
Mà để cho họ tận tâm với việc dạy và đồng thời lại tự phải không ngừng học hàng ngày thì họ phải có thời gian cùng với đồng lương có thể sống được.
Mình cho rằng, cùng với một số ngành đặc thù, giáo viên chắc chắn luôn cần phải được ưu tiên ở mức lương cao nhất với nhiều chế độ đãi ngộ tương xứng. Những nghề nghiệp khác có thể chịu thiệt thòi chút cũng được, với mức lương thấp đi. Phụ huynh nếu có thể, đóng học phí cao lên một chút cũng được. Nếu điều đó có thể giúp cho mức lương giáo viên cao hơn.
Những người làm chính sách lương có thể nghiên cứu mức lương nhà giáo ở các nước trên thế giới để tham khảo trong hoạch định chính sách. Với riêng giáo viên ở những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM cần có thêm chính sách hỗ trợ nhà ở cho họ.
Chỉ khi nào làm được điều đó thì chúng ta mới mong xây dựng được một đội ngũ giáo viên cống hiến hết mình cho công việc giảng dạy.
Khi tìm hiểu chính sách tuyển dụng giáo viên ở các nước Bắc Âu mình thấy rất hay ở chỗ, họ trả lương cao cho giáo viên nhưng những người được tuyển không hẳn là những người giỏi nhất. Giỏi nhưng phải có niềm đam mê với nghề giáo và có khả năng thấu cảm và lòng trắc ẩn. Họ đánh giá chỉ số EQ của người giáo viên ngang bằng với chỉ số IQ.

Cuối năm ngoái, mình đọc được trên báo chí lời phát biểu của Ông chủ tịch UBND Tp.HCM, đại ý ông nói rằng thành phố sẽ cố gắng cân đối các nguồn để đảm bảo mức lương hợp lý cho đội ngũ hành chính công, ở mức 20-30 triệu/ tháng.
Nhưng ông cũng mong những người đã chọn công việc này hiểu rằng mức lương đó hiện tại là có thế chấp nhận được rồi, ngân sách không có khả năng chi trả cao hơn ví như 50-60 triệu/tháng. Nếu kỳ vọng mức lương cao như thế thì mọi người có thể chọn công việc khác để làm.
Bởi có những công việc đòi hỏi sự phụng sự. Nhân viên hành chính công cũng là một nghề cần sự hi sinh để phụng sự.
Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Hãy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để chống tham nhũng, nâng cao năng suất hiệu suất làm việc, các chính sách hỗ trợ nhà ở…. làm sao để đảm bảo mức lương cho những người trong bộ máy công quyền có thể sống được ở mức trung bình.
Còn muốn giàu sang hơn hãy dịch chuyển sang ngành nghề khác. Bởi có những công việc nếu chỉ dùng tiền làm mục tiêu chính để theo đuổi chúng ta sẽ không bao giờ xây dựng được một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn và hiệu quả.
Giáo viên và nhân viên công quyền, thậm chí những người làm nghiên cứu khoa học, đều rất cần sự phụng sự, một cách tự nguyện. Chỉ những ai hiểu được điều đó thì mới nên theo đuổi công việc này.
Nhà nước hãy nêu rõ tiêu chí đó khi tuyển dụng và thực hiện tuyển dụng những vị trí này một cách công khai minh bạch nhằm chọn ra được những ứng viên phù hợp nhất , cấm triệt để việc chạy hàng đống tiền chỉ để có một chân làm nhà giáo ở trường công hay một chân công chức ở một cơ quan nhà nước nào đó. Chúng ta sẽ chỉ tuyển dụng được những nhân viên tồi bằng cách dung túng cho việc chạy chọt và đút lót tiền bạc.
Mỗi công việc trong xã hội đều có những khó khăn riêng.
Doanh nhân nhìn bề ngoài thì hào nhoáng, giàu có thật đấy. Có ai biết bên trong bao gánh nặng đè lên họ. Cuộc sống của hàng trăm hàng nghìn nhân viên, các khoản nợ trong ngân hàng đến hạn, những biến động của thị trường…những thứ kinh khủng mà chỉ một sự đứt gãy cũng có thể thậm chí trong nhiều trường hợp khiến họ không bước vô tù thì cũng có ý định lên giá…treo cổ. Mình có gần hai mươi năm làm cả ở doanh nghiệp sản xuất và ngân hàng cho vay nên mình thực sự rất hiểu thực tế này.
Hôm trước có một em gái trong khu nhà mình ở nói với mình những thách thức khi em bước vào công việc tư vấn bán hàng cho một hãng bảo hiểm. Để chạy đủ doanh số, đủ chỉ tiêu tháng trong một lĩnh vực đã bão hòa và khách hàng đã khó tính hơn rất nhiều như bảo hiểm thực sự là quá khó khăn, dù em là người giao du rộng. Không chỉ cần có kiến thức, khả năng thuyết phục mà còn cần rất nhiều đến sức khỏe để có thể chạy đi chạy lại như con thoi ngoài đường. Đồng tiền kiếm được đúng là thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, như em đã nói với mình.
Khi mình nghỉ công việc ngân hàng, vốn có mức lương cao đủ sức sống thoải mái (với riêng cá nhân mình) để rồi bước vào công việc cho thu nhập ít hơn nhiều lần, mình cũng không khỏi hoang mang. Nhưng thực sự càng về sau khi mình dấn thân nhiều hơn vào việc đi dạy và viết lách thì mình mới cảm nhận sâu sắc hơn những niềm vui không được định nghĩa bằng tiền.
Và rằng, hóa ra để sống chúng ta không cần quá nhiều tiền bạc như chúng ta vẫn hình dung.
Bởi cái làm mình hạnh phúc là mình được phụng sự bằng những bài viết, vốn là sở thích của mình.
Qua những bài viết đó một số bạn có tâm sự rằng các bạn tìm được niềm cảm hứng để sống và vượt qua những khó khăn trong cuộc đời nhờ đọc những bài viết của mình. Không phải là bởi mình thành công, mình không phải là người thành đạt và không có bất cứ thành tích hay tài năng gì nổi bật.
Mà chỉ bởi vì mình không ngại vượt qua những vấn đề rất lớn về sức khỏe và những thăng trầm trong cuộc sống. Mình dám từ bỏ những thứ không mang lại hạnh phúc và sống thật nhất với con người của mình. Mình dám bày tỏ chính kiến riêng với mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ và tư duy trong mỗi bài mình viết.
Bạn sẽ thấy được triết lý sâu xa qua điều này, khi người ta nói rằng một xã hội tốt đẹp là nơi mà mỗi người ở mọi tầng lớp đều có thể tìm thấy sự hài lòng vì được đóng góp, phụng sự và cống hiến.

Hôm qua con mình đi học về cháu kể chuyện rằng ở trường (con mình học trường công) thày giáo tiếng Anh người Mỹ gốc Đức của cháu có trò chuyện với cháu bằng tiếng Đức. Thầy có hỏi tại sao cháu lại thích học tiếng Đức thì cháu có trả lời rằng vì cháu say mê đọc Goethe và triết học Đức.
Thầy rất ngạc nhiên vì khi nói đến nước Đức thì người ta hay nghĩ đến xe hơi hay những sản phẩm luyện kim chứ không mấy người nghĩ đến văn chương. Và thầy cảm thấy vui vì cách tiếp cận nước Đức thú vị của cháu.
Mình thấy trong ánh mắt cháu cũng lấp lánh niềm vui. Và lúc đó mình càng hiểu rằng việc làm sao để trẻ say mê học tập hay nghiên cứu một lĩnh vực nào đó và tìm được niềm vui và động lực theo đuổi từ đó quan trọng hơn nhiều những đánh giá hay xếp hạng về điểm số hay thành tích.
Một trong đức tính quan trọng nhất mà giáo dục trong nhà trường hay gia đình phải hướng đến là sự trung thực. Trung thực với năng lực của mình, để từ đó khai mở cho mỗi học sinh những con đường đi phù hợp với sở trường của mỗi người.
Nếu chúng ta chỉ chăm chăm tìm mọi cách để trang bị cho các em những thứ hào nhoáng bên ngoài thì kết cục chỉ thu được những sản phẩm rỗng tuếch ở bên trong.
Chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, chỉ ưa dùng những kẻ bẻm mép giỏi nịch nọt, bất tài vô dụng…tất cả những thói hư tật xấu tràn lan trong xã hội làm cho đất nước suy thoái ốm yếu cũng chính là từ kết quả của một nền giáo dục thất bại, chỉ trọng hình thức mà thiếu hẳn sự trung thực và những giá trị thực chất bên trong.
Với mỗi người lớn chúng ta, ai cũng nhận thấy rằng, bằng cấp chỉ là những vật trang trí để giữ làm kỷ niệm.
Thứ thực sự cần cho công việc (và không chỉ với công việc) là tri thức trong đầu và đạo đức trong tim.