Trang tin Vnexpress hôm qua đưa câu chuyện về một “chàng trai mồ côi được tuyển thẳng làm giáo viên trường chuyên”. Bạn này nguyên là cựu sinh viên Sư phạm Toán trường Đại học Đà Lạt. Bạn mất cha từ khi mới lên bảy và người mẹ tần tảo mà bạn hết mực yêu quý vì tai nạn cũng rời bỏ bạn mà đi lúc bạn ở tuổi đôi mươi.
Đó là những cú sốc quá lớn đối với bất kỳ ai trong cuộc đời và việc bạn chới với, mất phương hướng một thời gian sau đó cũng là điều hết sức dễ hiểu. Nhưng vượt qua tất cả, được sự động viên của thày cô và bạn bè bạn đã dần bình tâm lại và lao vào học hành như một cách để tưởng nhớ người mẹ đã khuất. Cuối cùng, mọi cố gắng đã được đền đáp và bạn đã xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra của trường này.
Tuyệt vời hơn, sau khi tốt nghiệp Đại học bạn xuống Tp.HCM để theo đuổi con đường học vấn cao hơn và trong thời gian chờ đợi bạn đã nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giáo viên Toán ở trường chuyên Lê Hồng Phong và đã trúng tuyển.
Đọc xong câu chuyện đầy cảm hứng trong một buổi sáng vui tươi với ánh nắng ngập tràn ngoài khung cửa sổ đã cho mình hai suy nghĩ:
-Thứ nhất, luôn luôn có ở đó cơ hội cho tất cả mọi người, chỉ cần mỗi chúng ta thật sự cố gắng.
Khi con mình không đậu được vào những ngôi trường như con mong muốn thì cái mà mình quan tâm cho chặng đường tiếp theo của con là liệu ngôi trường mới có hiện tượng bully hay bạo lực học đường không hơn là việc lo lắng rằng con sẽ không học được hay học kém đi vì chất lượng đầu vào của trường con học không bằng trường khác.
Từ rất lâu rồi, mình đã nhận ra rằng nếu đã học được thì ở đâu cũng học được, nếu đã có tài năng thực sự thì luôn có dịp để cho tài năng tỏa sáng. Bởi mình suy từ vợ chồng mình ra, cũng đều học ở tỉnh lẻ, thậm chí ông xã mình còn học ở một ngôi trường thuộc một huyện miền núi vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An, vậy mà chúng mình vẫn có thể đậu được những trường Đại học lớn uy tín mà kể cả nhiều bạn có điều kiện hơn ở Hà Nội thi mà vẫn rớt ở thời điểm bấy giờ.
Các bạn không tưởng tượng được quê ông xã mình thời đó nó khó khăn thế nào đâu, không phải nói là nghèo mà là rất rất nghèo. Có người bạn cả một mùa đông chỉ có đúng một manh áo len mỏng. Lạnh quá mặc đến bẩn đen kịt cũng phải đợi bằng được khi trời ấm hơn hơn mới dám giặt vì nếu đang lạnh mà giặt đi thì không có cái nào khác để mặc sẽ chết rét. Vậy mà bạn vẫn đạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. Hay như ổng xã mình hoàn toàn không được học tiếng Anh thời cấp 3 vậy mà sau này tốt nghiệp đại học đi phỏng vấn xin việc, tiếng Anh vẫn phóng ầm ầm chả sao cả, cấp 3 không được học thì lên Đại học cố gắng hơn tí có sao đâu.
Có nghĩa là nếu chúng ta không nản chí thì bất chấp những hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta bị đặt vào, chúng ta vẫn luôn có thể vươn lên
Chính con mình cũng nói không ngờ vào lớp 10 rồi mới thấy nhiều bạn trong lớp học Toán rất khá, khá hơn con hình dung nhiều.
Thì hình như mình cũng đã có lần nói trên Blog này rằng các con còn thay đổi về mặt nhận thức trong quá trình phát triển. Đa phần các bạn học chưa tới là do lười học thôi chứ không phải là mình chậm chạp gì (đặc biệt đúng với các bạn nam). Khi nào ngộ ra được điều đó để điều chỉnh thái độ học ấy là lúc sức học của các bạn bật lên rất nhanh, cực kỳ nhanh. Mình đã chứng kiến mấy ông bạn mình thời cấp ba rồi nên mình biết.
Thời mình học cấp hai có một bạn hay chạy sang lớp mình để hỏi mình môn Toán, lực học Toán của bạn khi đó không thể nào bằng mình được. Thế mà chỉ qua nửa năm đầu của lớp 10 thôi, bạn đã cho mình “ngửi khói” môn này rồi. Hỏi bí kíp thì bạn ấy bảo bạn đã “tu luyện” thành công :)).
Nói ngoài lề chút là mình cũng yêu môn Toán cực, nguyện làm “người tình trăm năm” của ảnh :)) nhưng buồn thay đi thi lần nào trượt lần đó, chả bao giờ giành được cái giải học sinh giỏi Toán nào dù năm nào cũng có mặt trong đội tuyển và từ nhỏ đã mê mệt giải mấy bài Số học.
Mình thích học Số các bạn ạ, nhưng tư duy Toán có hạn nên chỉ đạt được đến thế (Đề thi học sinh giỏi luôn ở một đẳng cấp khác, học ở lớp có thể 10 phẩy Toán chứ đi thi học sinh giỏi bạn ăn con gậy như chơi đấy không đùa đâu, mình đây chứ ai). Vậy nên không đơn phương mãi được, cấp ba mình bỏ ảnh luôn (rời đội tuyển), thôi nhé ta chia tay nhau từ đây :))
Thế nên, quá khứ là quá khứ. Không phải quá khứ bạn học kém thì hiện tại bạn cũng học kém. Hay là bây giờ bạn học được thì tương lai, đại học chẳng hạn bạn vẫn học được. Nói đúng ra PHẦN LỚN chúng ta chỉ hơn nhau ở chỗ Ai chăm hơn ai thôi. Và có đi được đường dài hay không cũng là nhờ sự chăm chỉ, đam mê hay nỗ lực bền bỉ, chứ lại không mấy liên quan đến sự thông minh bẩm minh.
Như mình nói ở trên đó nhiều bạn nam quê Thanh Hóa, Nghệ An mà mình quen ở bậc Đại học thi đầu vào toàn cỡ khủng xấp xỉ 30 điểm. Ấy nhưng khi lên Đại học các bạn học trầy trật, đúp lên đúp xuống học đến 6, 7 năm mới ra trường được. Tất nhiên làm gì có chuyện các bạn ấy dốt hay kém, toàn những đầu óc siêu cao thủ ấy chứ, chỉ đơn giản là các bạn đã bị mất động lực học tập, không muốn học và không tìm thấy niềm đam mê trong việc học.
Cho nên duy trì động lực học tập là rất quan trọng, giống như chàng trai trẻ trong câu chuyện ở trên đó các bạn. Chính động lực vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn đã thúc đẩy bạn ấy vượt qua tất cả những nghịch cảnh để bước đầu có những thành tựu nhất định dù bạn không phải tốt nghiệp từ Đại học thuộc loại Top gì.
Tức là SỰ NỖ LỰC CỦA BẢN THÂN MÌNH MỚI LÀ CÁI MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH. Mình đã từng nói với con giả sử trường con đang học chưa có thành tích gì lớn về mặt học tập, chẳng hạn thế, thì con, nếu say mê học, ham học và mong muốn làm được điều gì đó thì hãy cố gắng học. Khi bản thân con học tốt thì cũng truyền động lực cho các bạn khác học tốt và như thế chúng ta sẽ tạo ra cả một tập thể học tốt. Và như vậy chất lượng học của nhà trường cũng sẽ được nâng lên. Hay bất cứ bạn nào cũng thế, bản thân các bạn cố gắng học hành thì sẽ truyền cảm hứng cho các bạn khác cùng cố gắng.
Một cánh én không làm nên mùa Xuân, nhưng cả đàn én tất nhiên là sẽ khác.
Ah, mà nhân tiện nói đến én. Mùa xuân sắp đến rồi các bạn, sang tuần sau các bạn hãy cùng mình đi qua một “Mùa chim én bay” nhé!
-Thứ hai, tuy còn nhiều điều chưa hài lòng nhưng đúng là Sài Gòn của chúng ta, mình nghĩ rằng, vẫn là thành phố đáng sống nhất cả nước. Ở đây mình muốn nhấn mạnh đến độ mở của nền kinh tế. Tức là bất chấp bạn từ đâu đến, gia cảnh của bạn thế nào thì bạn vẫn luôn tìm thấy cơ hội việc làm trên mảnh đất này.
Xin việc ở đây lúc nào cũng dễ dàng hơn so với bất cứ nơi nào. Sự phóng khoáng, cởi mở, dễ chấp nhận những điều mới và những người mới là thứ mà càng xa Sài Gòn chúng ta càng nhận ra điều đó, để rồi đi đâu thì ai cũng sẽ nhớ về “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi”.
Tháng Một đang đi đến những ngày cuối cùng, và bây giờ Monster mới thực sự thấm thía cái giá lạnh của tháng Giêng ở vùng đất “Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế. Gió qua rừng Đèo Khế gió sang” nó kinh khủng thế nào. Cái lạnh ở đây là lạnh buốt, như kim châm vào da thịt, khó chịu hơn nhiều so cái lạnh với nhiệt độ âm đến cả chục độ ở xứ ôn đới.
Cho nên các cụ già xứ Bắc hay bị bệnh phong thấp (thấp khớp) và cứ đến mùa này là đau nhức khắp, rên hừ hừ. Nhiều gia đình bị hen suyễn cũng tìm cách chuyển vào Nam để sức khỏe tốt hơn cũng là vì thế. Thời tiết miền Bắc cực ẩm ương, mùa Hè nóng đúng nghĩa chảy mỡ, mùa Xuân thì ẩm ướt, Đông sang lại lạnh đến thở thôi cũng ngại.
Thôi thì lại mơ đến mùa Thu lá bay
Đêm đêm nằm mơ phố
Trăng rơi nhòa trên mái
Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà.
Anh như là sương khói
Mong manh về trên phố
Đâu hay một hôm gió mùa thu.
Monster đặt chân đến vùng đất của Gang và Thép khi bóng nắng ban trưa nhạt dần. Mới đầu giờ chiều nhưng ông mặt trời đã muốn chạy trốn dương gian, bóng tối lăm le phủ một màu xám xịt. Từ trong xe, cậu ngó ra ngoài ngắm vùng đất trung du Bắc bộ với đồi thấp xen kẽ những mảnh ruộng hẹp. Mùa đông, ruộng lúa khô khốc trơ những gốc rạ. Thi thoảng trên bầu trời lại xuất hiện một vài đàn chim bay mải miết về phương Nam như muốn trốn chạy cái lạnh đến tê tái người.
Monster dự định làm thủ tục thuê phòng xong sẽ gọi điện cho cụ Model U 70 để thông báo cho cụ biết là nó đã đến nơi. Suốt từ sáng cụ cứ nhắn đi nhắn lại khi nào đến cái bến xe ở trạm quá tải nào đó là phải gọi cho cụ, cụ ông sẽ ra đón vì từ nhà cụ đến cái bến xe này chỉ ba bước chân.
Khổ, trai thành phố nên không biết, ở quê khách quý từ phương xa đến nhà là kiểu gì cũng phải ngủ lại nhà gia chủ. Không như ở thành phố bạn bè hẹn gặp nhau đều ra quán cà phê chứ ở quê không có khải niệm hẹn nhau ở quán. Nhà là điểm hẹn cho tất cả.
Cái nhà khách Monster dự định nghỉ là một khối nhà 5 tầng, và hơi cổ, có lẽ được xây dựng khá lâu rồi. Nó nằm trong một khuôn viên rộng rãi và được phủ xanh bởi hàng xà cừ chắc cũng cỡ trăm tuổi. Đối diện với nhà khách này là một rừng thông nhỏ, thứ cây duy nhất còn nhìn thấy màu xanh tươi của lá trong thời khắc này.
Một cơn gió khẽ thổi và nghe đâu đây tiếng rì rào len lỏi trong những những hàng thông mảnh khảnh. Đó là tiếng hát chuẩn bị đón chào tiết Lập Xuân, của một loài cây mà người ta thích ngắm nhìn nhất trong Đông giá.
Kế rừng thông, ngay chỗ đường tròn trung tâm là một Nhà Văn hóa cũng mang tên của Gang và Thép. Dường như tất cả những gì trên mảnh đất này đều được lấy tên của hai thứ kim loại khô cứng ấy. Thế mà, cảnh vật dường như lại đối lập, tất cả đều mềm mại và toát lên vị tươi mát của núi rừng.
Thành phố này vốn trước đây chỉ bao gồm các quả đồi thấp và các cánh rừng nhỏ. Uốn lượn trong lòng nó là các dòng suối nông chảy róc rách ngày đêm. Phong cảnh hữu tình đẹp không khác gì các bài thơ được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mà chính nơi đây đã được lựa chọn là căn cứ địa cách mạng
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nó chỉ trở thành một trung tâm công nghiệp nặng của cả miền Bắc sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.
-Alo, Monster hả? Con đi đến đâu rồi để cụ ông ra đón?
-Con đang ở nhà khách chỗ cái tượng đài là người công nhân cầm ngọn đuốc đấy ạ
-Ồ, vậy là con đi quá rồi, cứ đứng yên đấy nhá
Khiếp cụ Model 70 rồi mà giọng khỏe hơn cả giọng…cô cháu gái cụ :))
Chỉ một lúc sau đã thấy vè vè tiếng xe máy và cụ ông đã xuất hiện, đúng chất người lính nhá: Bộ âu phục màu lá mạ dành cho mùa Đông, trên cầu vai gắn cả dàn sao lấp lánh. Cứ như cụ chuẩn bị đi duyệt binh.
-Thế sao tớ đứng ở ngay chỗ trạm xe mà không trông thấy cậu nhỉ, chàng trai?
-Dạ con tìm khách sạn xong rồi mới dự định thông báo cho Bà
-Ơ, khách sạn là khách sạn thế nào. Cậu chê nhà tớ chật hẹp sao? Không phải lo, đầy đủ phòng ốc mênh mông nhá, máy nóng lạnh máy giặt đủ cả.
Monster cảm thấy ngại quá. Nó cười rồi leo lên xe cho ông cụ chở đến “Ngôi nhà hoa hồng”.
Có một đặc điểm tuyệt vời của người Việt Nam là sự chân tình, ấm áp. Dân xứ ta dù còn nghèo, tính cách còn nóng nảy như các bạn có thể chứng kiến những cuộc xô xát hay cãi vã trên phố sau những va chạm nhỏ. Nhưng phần lớn chúng ta lại rất hồn hậu và hiếu khách, đặc biệt là ở các vùng quê, khắp mọi nơi trên cả nước chứ không cứ vùng miền nào cả.
Hôm trước mình sang nhà chú ruột mình chơi, có vợ chồng một cô chú lớn tuổi, là hàng xóm cũ nhà chú mình, từ Long An cũng lên chơi vì hôm đó có tiệc của xóm. Họ lên mang theo lỉnh kỉnh những thức ăn được chuẩn bị từ quê nhà, cơm nếp cẩm, vịt hầm củ cải trắng và nhiều loại rau củ khác… thấy thương vô cùng.
Cô chú chân chất, thật thà đúng kiểu các bác nông dân miền Tây nên khi nói chuyện với họ mình lại nhớ tới Dì của mình ở quê. Sao mình đặc biệt thoải mái khi nói chuyện với những người mà vẫn được xem là quê mùa, bởi nó cho mình cảm giác tình cảm con người với nhau là rất thật lòng và chân thành, không bao giờ cần phải diễn.
Nhật ký Monster
Jan 30
5 giờ chiều trời đã tối như thế 12 giờ đêm, nhà quanh phố không ai còn mở cửa và đường thì vắng tanh vắng ngắt. Cơm nước xong chúng tôi ngồi nói chuyện đàm đạm đủ thứ trên trời dưới biển
-Trước tớ đóng quân vùng Tây Nguyên đến cả chục năm, tháng nào mà chả đi công tác ở quê cậu, qua đèo An Khê là tới rồi.
– Có phải đơn vị ông ở Pleiku?
-Phải. Thành phố cao nguyên nắng gió đẹp hoang dã như cô thôn nữ vùng núi Tây Nguyên
Em đẹp quá Pleiku ơi
Trái tim anh đã vỡ tan rồi.
Anh muốn chìm vào đôi mắt ấy.
Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy
Vì vậy, cậu là bạn của anh chàng Leo thì nhớ nhắc nó nhá. Tết này có du Xuân lên Pleiku thì phải chế ra một loại hợp chất mạnh vào chứ cái mà hôm trước nó đưa cho thằng Skeleton không ăn thua đâu. Đối diện với các cô vùng Biển Hồ trái tim vẫn tan chảy như thường :)).
-Cháu cũng đã từng qua vùng đất đó rồi
-Ngày quân đoàn tớ di chuyển vào Tây Nguyên, những năm 80, rừng còn mênh mông là thế. Nào hổ báo hươu nai, voi rừng đủ cả nhưng ngày tớ trở lại, Tây Nguyên giờ đây khác quá là khác. Rừng nguyên sinh gần như đã không còn, nhiều vùng chỉ còn trơ ra với những vạt đồi đất đỏ. Tớ tha thẩn mà cảm nhận được những vết đất nứt như tiếng khóc vỡ òa.
Tây Nguyên, vùng đất của những bản anh hùng ca ấy chưa bao giờ không giữ vai trò quan trọng đối với toàn bộ miền Nam. Chiến tranh đã qua lâu rồi nên tớ không muốn gợi lại làm gì nhưng bài học lịch sử thì chúng ta luôn phải nhớ, chính thắng lợi của “Chiến dịch Tây Nguyên” đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho chiến thắng cuối cùng của quân đội ta . Nhìn vào vị trí địa lý có thể thấy nắm được Tây Nguyên là sẽ nắm được tất cả, cho nên đây là khu vực trọng yếu luôn cần phải cảnh giác và bảo vệ.
Học lịch sử là các cậu phải hiểu được những điều cốt lõi đó: Tại sao Bên A lại chiến thắng hay thất bại ở trận chiến này? Nếu là thất bại thì do sai lầm gì? Bài học rút ra từ sai lầm đó? Và tương lai cần phải làm gì để sai lầm không lặp lại?
Không phải ngẫu nhiên mà muốn được nhập tịch thành công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, người ta đều phải vượt qua một bài kiểm tra về Lịch sử của đất nước.
Lý do chắc cũng giống như một câu mà Bác Hồ đã từng nói : Dân ta phải biết Sử ta
Khi ra ngoài thế giới, cậu cứ nhớ: Muốn hiểu Người thì trước tiên phải hiểu Mình. Học Lịch sử quê hương chính là góp phần vào việc hiểu MÌNH đó.
Tôi và ông cụ cựu sỹ quan quân đội cứ thế hàn huyên đến đêm. Chết, tôi vốn đã Nghiền trà mà ra đây thành Nghiện luôn :)), cứ tráng rót tráng rót hết ấm này đến ấm khác
-Thôi giờ khuya rồi, cậu lên phòng nghỉ ngơi. Ngày mai cụ Bà sẽ dẫn cậu đi thăm thú tất cả những nơi gắn liền với Gang và Thép ở cái đất này. Bà ấy không cho tớ chở cậu, kêu Ông lính tráng biết gì về Gang với Thép, đây là chuyên môn của tôi nên không ai được giành :)). Khổ lắm, già rồi nhưng vẫn thích thi thố trổ tài :))
Tôi không có cách nào từ chối ông bà cụ để về khách sạn được, đành phải nghỉ tại ngôi nhà mà hương hoa hồng thơm ngát từ trước ra sau. Đến đây mà không ….Ngủ Khò mới lạ :))
Sáng hôm sau tôi và bà cụ khởi hành sớm. Trời quá lạnh nên chúng tôi không đi xe máy mà được thồ trên một chiếc công nông, đời 1990s :)). Một loại xe tự chế điển hình cực kỳ phổ biến những năm cuối ở thế kỷ trước. Chủ nhân của chiếc xe là chú hàng xóm bên kia đường nhà bà cụ
-Nhìn xe thế này thôi mà dã chiến lắm, cháu cứ yên tâm ngồi, đừng lo gì cả. Chỉ có hơi ồn chút thôi. Đây là đồ cổ đấy, giờ không còn nhiều những chiếc xe kiểu thế này đâu.
Chúng tôi bước lên cái xe cổ lỗ sĩ và cảm thấy nó rung lên bần bật.
-Chúng ta đang đi về hướng trung tâm thành phố. Chỉ một xíu nữa thôi là những mỏ quặng sẽ hiện ra trước mắt chúng ta. Như cháu đã đọc bài Sắt và Thép hôm trước, chu trình sản xuất thép hoàn chỉnh từ A đến Z bao giờ cũng phải bắt đầu từ khâu khai thác quặng.
Quê bà là một tỉnh với rất nhiều các mỏ khoáng sản từ mỏ than, quặng sắt, thiếc, chì, kẽm thậm chí cả vàng nên đặc biệt thuận lợi cho phát triển công nghiệp khai khoáng. Nhưng tận khái thác tài nguyên dưới lòng đất cũng mang lại nhược điểm là nó gần như phá hủy môi trường sống quanh khu vực các mỏ, đất bị sụt lún, mất nước canh tác và gây nứt nhà dân.
Loáng một cái xe đã đến nơi. Tôi nhảy ra khỏi chiếc công nông và ngay lập tức đập vào mắt tôi là những quả đồi rộng lớn bị xẻ nham nhở, đất đỏ lộ thiên cộng với những váng bùn nhão nhoét màu cháo lòng của con đường hằn những vết xe tải . Trên đoạn đường lầy lội, những ổ voi to tướng sâu thẳm ngập nước như muốn nuốt chửng bất cứ ai chẳng may rơi xuống.
Chú bảo vệ nói với chúng tôi mỏ quặng đang tạm ngừng do nếu tiếp tục khai thác sẽ gây sạt lở đất khiến nhà cửa vỡ nứt hết và toàn bộ vùng dân cư quanh đây phải di dời sang khu định cư mới. Người ta đã dự tính để thành lập khu tái định cư thì chi phí phải lên tới vài trăm tỉ, vượt quá khả năng tài chính của công ty chủ quản nên họ quyết định dừng hoạt động.
Chúng tôi rời khu khai thác mỏ, quay trở lại khu sản xuất Gang Thép lâu đời. Có lẽ cái thành tích lừng lẫy anh cả của ngành Thép chỉ còn là một quá khứ xa xăm. Trên dải đất rộng mênh mông bằng phẳng, xưa kia vốn là mấy chục quả đồi nằm san sát bên nhau, những nhà máy với các lò cao nom hom hem ốm yếu như ông lão đã qua tuổi bảy mươi.
Bà cụ bắt đầu giới thiệu cho tôi từng công trình ứng với mỗi giai đoạn sản xuất Thép, nào là luyện cốc, luyện gang, luyện thép rồi cán thép. Nhìn cách bà cụ nói mà tôi nhận ra lấp lánh trong ánh mắt cụ niềm tự hào của một người đã từng làm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nên có thể hiểu nó như lòng bàn tay
-Con biết không Monster, dù về hưu đã lâu nhưng khi được lại được chứng kiến những thanh thép, cuộn thép nằm gọn gàng trong kho hay những phôi thép đỏ rực chạy trên dây chuyền, trong bà lại dâng lên một cảm giác nao nao khó tả, bao ký ức thời còn làm việc và cống hiến lại ùa về. Kiểu như làm nghề nào thì sẽ thấy thân thuộc và yêu nghề ấy nên cứ bảo làm sao có những ca sĩ đi hát chỉ vì họ yêu nghề chứ tiền bạc họ đã quá dư giả rồi, hay như giáo viên đi dạy chỉ vì họ yêu việc giảng dạy
-Con cũng cảm nhận được tình yêu công việc và niềm tự hào về nơi làm việc của bà. Dù sao đây cũng một thời làm khuynh đảo ngành công nghiệp nặng nước nhà
-Nếu con đến đây ba mươi năm trước con sẽ thấy khác lắm. Cảnh những chuyến xe vào ra tấp nập để trở hàng chứ không phải vắng lặng như này đâu. Công ty ăn nên làm ra vì ngày đó nhà nước còn gần như là độc quyền các sản phẩm công nghiệp. Không có thép tư nhân, không có thép nhập khẩu
-Nhưng khi nền kinh tế mở cửa, nước ta gia nhập WTO mọi chuyện hẳn đã khác
-Tất nhiên phải thế rồi. Như con đã thấy quy trình sản xuất thép của nhà máy, vốn được xây dựng từ giữa thế kỷ trước, đã quá già nua và kém hiệu quả. Đặc biệt là công nghệ sản xuất thép giờ đã trở nên quá quá là lạc hậu so với trình độ công nghệ của thế giới
-Vậy cho nên công nghệ luôn là vấn đề cốt lõi
-Đúng rồi. Cách đây khoảng hai chục năm, khi Singapore, Nhật Bản hay Úc sang bên mình xây dựng nhà máy thép thì họ đã làm những người như bà rất ngạc nhiên vì nhà xưởng cùng dây chuyền máy móc của họ đơn giản và gọn nhẹ hơn của mình rất nhiều.
Lúc đó ta đã nhận ra thật khó có thể cạnh tranh nổi với họ khi những năm 2000 rồi mà chúng ta còn sử dụng máy móc công nghệ của hàng năm chục năm trước. Sự lạc hậu đó dẫn đến hậu quả là chi phí sản xuất bị đẩy lên quá cao vì công nghệ cũ khiến cần nhiều nguyên liệu hơn để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm trong khi đó năng lượng lại bị tiêu hao nhiều hơn.
Sản phẩm sản xuất ra chất lượng kém hơn. Cộng với sự ì ạch, thiếu tính đổi mới của một doanh nghiệp nhà nước khiến gần như việc kinh doanh không những không cho lãi mà còn thua lỗ triền miên. hàng hóa không tiêu thụ được. Dù cho ta đã có lợi thế về nguồn tài nguyên sẵn có phục vụ cho việc sản xuất thép khá là dồi dào
– Sao ngay khi nhận thức được vấn đề đó chúng ta không nhanh tay mua công nghệ mới?
Công nghệ không phải cứ muốn mua là cháu mua được đâu. Như ngành công nghiệp bán dẫn đó, trên thế giới này đếm trên đầu ngón tay những nước có thể tự sản xuất chip. Đó là bí mật quốc gia của họ, thậm chí liên quan đến cả an ninh quốc phòng, đời nào họ bán hoặc chuyển giao cho nước khác. Mơ đi cưng!
Những nước có ngành công nghệ kém phát triển phải đợi đến khi nào công nghệ với mình là mới, nhưng với họ đã là đồ bỏ đi rồi, họ đã phát triển nhiều công nghệ mới hơn, ưu việt hơn nhiều thì may ra lúc đó họ mới chuyển giao cái cũ rinh rích ấy cho mình.
Và vì yếu kém về khoa học công nghệ nên mình vẫn phải mua chứ biết làm sao, nhưng rồi với công nghệ “mới mua” ấy mình lại tiếp tục bị lạc hậu và cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại. Sản phẩm của chúng ta không thể cạnh tranh được về giá cả và chất lượng so với họ vì công nghệ luôn đi sau một bước. Thua là điều tất yếu
Như trong ngành thép chẳng hạn, chúng ta mới chỉ sản xuất được những loại thép xây dựng thông dụng thôi chứ những loại thép cao cấp đòi hỏi trình độ cao thì gần như ta không thể, ví như, đó chính là thứ thép dùng cho sản xuất cái đầu bút bi đấy cháu. Ta không thể sản xuất ra được mà hoàn toàn phải nhập khẩu, cho nên cháu hãy báo thằng Skeleton là không thể tìm được ở đâu một sản phẩm thép nội địa đáp ứng được tiêu chuẩn cho cái đầu bút ấy đâu. Chỉ có cách nhập khẩu thôi.
Cháu hãy đọc bài báo dưới đây để hiểu thêm:
Một vật nhỏ chưa đến 1mm từng khiến Trung Quốc ‘mất ăn, mất ngủ’ vì không chế tạo được: Nghiên cứu suốt 5 năm, tiêu tốn 60 triệu USD mới tự sản xuất thành công
“Được mệnh danh là đại công xưởng thế giới, sản xuất mọi thứ từ iPhone, hàng không mẫu hạm, đường sắt cao tốc cho đến tàu vũ trụ, thế nhưng không có một nhà sản xuất nào ở Trung Quốc có thể sản xuất được viên bi đầu bút để tạo ra một cây bút viết trơn tru và dễ dàng.”
Đó là những chia sẻ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi nói về khả năng công nghiệp của Trung Quốc nhiều năm về trước. Trước năm 2017, việc không thể chế tạo được một chiếc đầu bút bi – bộ phận quan trọng nhất và khó chế tạo nhất của cây bút, khiến Trung Quốc từng đau đầu và coi đây như một sự yếu kém về năng lực của công nghệ của đất nước tỷ dân.
Theo Chinadaily, vào thời điểm đó, có hơn 3.000 công ty sản xuất bút ở Trung Quốc, thế nhưng không có công ty nào có công nghệ cao cấp để sản xuất viên bi đầu bút mà hầu hết phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức và Thụy Sĩ. Trung Quốc sản xuất 38 tỷ chiếc bút bi mỗi năm, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu bút bi của toàn thế giới nhưng kiếm được chưa đến 0,1 NDT trên mỗi chiếc bút, mặc dù đã chi hàng triệu USD để nhập khẩu thép dùng để làm đầu bút, với giá 120.000 NDT (17.000 USD)/tấn.
Lý do khiến “đại công xưởng thế giới” không thể tự sản xuất được đầu bút bi chất lượng cao là vì nước này không thể sản xuất được loại thép không gỉ chất lượng cao dùng để tạo ra bộ phận này. Theo Forbes.com, nguyên nhân gốc rễ của sự “lạc hậu” nằm ở chỗ các nhà sản xuất không sẵn sàng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Điều này một phần là do việc này sẽ không mang lại lợi nhuận và thị phần bổ sung do thiếu sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nạn đạo văn tràn lan của các đối thủ cạnh tranh khác.
Trên thực tế, việc sản xuất một viên bi sắt xoay tròn có thể viết được một cách thoải mái trong thời gian dài không phải là điều đơn giản mà đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Độ chính xác gia công là 1/1000 mm. Sai số không được phép vượt quá 0,003 mm. Nguyên liệu dùng để sản xuất viên bi này phải là loại đặc biệt – Tungsten carbide có độ cứng gấp đôi thép thường. Vì vậy, đây còn còn được mệnh danh là một trong những chi tiết khó làm ra nhất trên thế giới.
Xu Jundao, giám đốc của Beifa Group, một trong những nhà sản xuất bút lớn nhất Trung Quốc cũng cho biết: “Thép không gỉ được sử dụng để làm đầu bút đều được nhập khẩu từ Nhật Bản”. Mặc dù chế tạo một cây bút bi có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra một đầu bút siêu nhỏ với hiệu ứng viết trơn tru đòi hỏi hơn 20 quy trình và có những yêu cầu khắt khe trong từng khâu sản xuất.
Sau quá trình nghiên cứu không ngừng, đến đầu năm 2017, Trung Quốc đã làm chủ công nghệ sản xuất bút bi, trở thành nước thứ 4 trên thế giới có thể sản xuất chi tiết này và hiện chiếm 80% thị trường bút bi cả nước. Gần 40 tỷ chiếc bút bi được sản xuất trong một năm.
Theo đó, dự án này được giao cho TISCO – tập đoàn sản xuất thép nhà nước nhằm phát triển sản xuất đầu bút bi trong nước nhằm đưa ngành công nghiệp này lên chuỗi giá trị vào năm 2011. TISCO đã phải mất 5 năm và khoản đầu tư từ phía chính phủ lên tới 60 triệu NDT để nghiên cứu thành công công nghệ cần thiết để phát triển bộ phận này một cách độc lập.
Wang Huimian, một kỹ sư cao cấp tại TISCO, nói với Tân Hoa Xã rằng phần khó nhất của công việc là tìm ra công thức phù hợp. Các nguyên tố vi lượng đặc biệt phải được thêm vào thép lỏng để tạo ra đầu bút chất lượng có thể viết liên tục trong khoảng 800m. Công thức này từ lâu đã được các nhà sản xuất nước ngoài giữ bí mật, khiến hàng nhập khẩu trở thành lựa chọn duy nhất cho các nhà sản xuất bút Trung Quốc.
Nhóm của Wang đã tiến hành nhiều thí nghiệm để tích lũy dữ liệu, điều chỉnh các thông số để tìm ra công thức. Kỹ sư này cho biết: “Cuối cùng chúng tôi đã tạo ra một bước đột phá vào cuối năm 2014. Thay vì sử dụng các chất phụ gia dạng cục, hình dạng thông thường của chúng, chúng tôi đã cố gắng cắt chúng thành các mảnh tuyến tính, nhỏ hơn để có được sự tương tác hóa học tốt hơn nhằm làm cho thép bền hơn”.
Đối với Trung Quốc, thành tựu này được xem là một “tiến bộ vượt bậc” khi lần đầu tiên quốc gia tỷ dân có thể tự sản xuất viết bi đầu bút, không còn phải phụ thuộc vào những nước khác. Đồng thời giải quyết được vấn đề lớn mà các nhà sản xuất Trung Quốc đã từng phải đối mặt – khả năng cạnh tranh yếu trong công nghệ cốt lõi.
(Theo Afamily)
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ?
Có rất nhiều lý do để không chỉ ngành luyện kim mà nhiều ngành công nghiệp nước ta rơi vào tình trạng chết yểu
+ Thứ nhất, xuất phát điểm chúng ta quá thấp, sản xuất theo lối tự phát, chỉ chú trọng về lượng mà bỏ qua những bước tìm tòi cải tiến về chất. Ví dụ trong ngành dệt may đó, chúng ta thấy may gia công dễ hơn, thu tiền tươi thóc thật nhanh hơn nên ta đổ xô đi nhập vải về may gia công mà không chú trọng nghiên cứu ra các loại vải sợi mới.
Tức là chúng ta không chú trọng vào nghiên cứu và phát triển, chi phí đổ cho R& D thấp, ngân sách cho R&D tại Việt Nam loanh quanh ở mức 0,5% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng. Trong khi đó, một số quốc gia phát triển như Đức và Nhật Bản chi đến 3-4% GDP cho R&D.
Ở cấp độ doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn cả Philippines (3,6%) hay Malaysia (2,6%). Thay vào đó nguồn tiền nhãn rỗi đôi khi được đem đi đầu tư búa lua xua như vào lĩnh vực bất động sản chẳng hạn.
Cuối cùng hậu quả là công nghệ lõi không có, dần dần hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài
Ví dụ thế này, chỉ một con ốc vít của chiếc điện thoại thôi, cực kỳ nhỏ bé nhưng để chế tạo ra nó đòi hỏi người sản xuất phải nắm được cả một bầu trời kiến thức về luyện kim và cơ khí: Cái ốc đó vừa phải nhẹ, bền, lại cân đối (tức là việc phân bố vật liệu trong con ốc phải đảm bảo đều y như nhau, riêng vấn đề làm sau cho vật liệu phân bố đều trong thép cũng là cả một bí quyết công nghệ rồi. Không hề đơn giản!
Đó là lý do các tập đoàn sản xuất điện tử công nghệ cao khi đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam họ không thể lựa chọn chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng vì chúng ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ.
+ Thứ hai, càng ngày càng ít nhân tài trong lĩnh vực này. Hay nói cách khác người giỏi họ không chọn ngành liên quan đến sản xuất để học. Đơn giản học chuyên ngành luyện kim, cơ khí thì khó, khô cứng, buồn tẻ nhưng nhà nước lại không có những chính sách khuyến khích. Nghe đâu nhiều năm các bộ môn luyện kim cơ khí tại trường Đại học về kỹ thuật hàng đầu như Bách Khoa Hà Nội không sao có đến dù chỉ chục người học. Ngay như, trước đây quê bà có vài trường cao đẳng, trung cấp luyện kim nhưng rồi đã phải đóng cửa hết vì tuyển sinh không ai ghi danh. Giới trẻ giờ đây chúng nó thà đi làm công nhân Samsung còn hơn phải học những ngành kỹ thuật khó
Không đầu tư cho khoa học cơ bản, không có trung tâm nghiên cứu lớn, học sinh không mặn mà với những ngành kỹ thuật thiết yếu thì lấy đâu ra một nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho sản xuất được.
Chúng ta có lẽ chỉ luôn nghĩ được những thứ rất ngắn!