Mấy hôm nay mình có nhiều việc phải chạy lung tung, không dành ra lúc nào tập trung hoàn toàn vào viết được nên dự định là tối nay có bài đăng (Khổ đăng bài mà cũng như chỉ tiêu KPI ấy các bạn nhỉ, haha nhưng nếu mà không đặt ra mục tiêu như thế thì cái bệnh lười xuất hiện ngay, lấy cớ bận việc nọ việc kia là thôi luôn ấy chứ. Mà giờ mình viết quen rồi ngưng mấy ngày lại thấy nhớ cảm giác gõ chữ các bạn ạ, không dừng được và cũng không muốn dừng :)), mà không biết có viết kịp không ?
Việc này làm mình nhớ lại câu chuyện về nhà văn người Anh Ronald Dalh (đã bạn nào đọc một tác phẩm nào đó của ông chưa, nếu rảnh tìm đọc thử hay cực luôn ấy). Ở ngôi nhà của ông, trong một ngôi làng đồng quê nước Anh, ông dành hẳn ra một căn nhà nhỏ (mà ông gọi là túp lều) tách biệt không chung khu với nhà ở.
Túp lều này nằm ở cuối khu vườn đầy thơ mộng và là thế giới của riêng ông, nơi ông có thể có không gian hoàn toàn yên tĩnh để có thể sáng tác mà không sợ bị phân tâm bởi bất cứ sự ồn ào nào xung quanh. Nơi ông có thể để bừa bộn ra đủ các giấy tờ, bút viết mà không có cảm giác gây phiền nhiễu cho người khác (vì phải dọn dẹp cho ông) (có lẽ mình không thể làm nhà văn được vì mình thích sự ngăn nắp :)). Kiểu như trước khi đi ngủ là nhà cửa cứ phải sạch sẽ, gọn gàng, không có chuyện bát đĩa ăn rồi tống đầy vào chậu để qua đêm vậy, ví dụ thế).
Cho nên những người làm công việc sáng tác thường là những người của sự cô đơn và cần những không gian nơi chỉ -có- một -mình mình. Có những tác phẩm lớn được nhiều nhà văn viết gần như không ngưng nghỉ trong nhiều ngày liên tiếp. Họ đóng cửa với thế giới bên ngoài phải cho đến khi đứa con tình thần của mình được hoàn thiện. Bởi nếu không nắm bắt nhanh thì cảm xúc sẽ đi qua mất, những ý tưởng mới nảy ra sẽ trôi qua mất!
Nhà văn Nguyễn Công Hoan khi viết “Bước đường cùng” cũng thế. Ông sáng tác tiểu thuyết, được coi là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu cho giai đoạn 1930-45, liên tục trong 16 ngày và lúc hoàn thành thì bả vai bên trái của ông cũng bị sái luôn.
Nghề viết chính xác là nghề phu chữ không hơn không kém. Rất vất vả về đầu óc vì phải tập trung cao độ, và mình càng đọc nhiều, nhất là những tác phẩm được xem là kiệt tác thì mình lại càng khâm phục những người sáng tác. Không biết họ lấy đâu ra sức lực và trí tuệ đế có thể viết ra những thứ rất khó (và tất nhiên quá hay) như thế! Ngoài tài năng bẩm sinh mình nghĩ còn là sự khổ luyện, khác gì diễn viên múa ba lê đâu, để làm được một động tác khó có khi họ phải luyện tập đến cả chục năm đến nát cả đầu ngón chân ra ấy chứ!
Ngày trước khi còn làm trong lĩnh vực ngân hàng bọn mình cứ hay nói đùa với nhau là “Chúng mình chẳng khác gì những công nhân ngân hàng” tức là làm việc chả biết đến giờ giấc gì cả, khác gì các anh chị công nhân tăng ca để có thêm chút thu nhập đâu. Khác là họ mặc áo xanh (thuật ngữ tiếng Anh quen thuộc blue-collar) còn bọn mình mặc đồ trắng white-collar.
Mình nhớ cứ tầm những ngày cuối tháng thế này là những ngày các doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho nhân viên, thường thì các doanh nghiệp nước ngoài họ trả lương vào khoảng ngày 25 và doanh nghiệp nhà nước thì thường chia làm hai đợt, ngày 15 và 30 hàng tháng. Và khỏi phải nói các cây ATM đông đúc đến mức nào, mọi người phải xếp hàng rất lâu mới cỏ thể rút được tiền, có khi đến lượt thì thôi, tiền trong máy đã hết sạch.
Nhưng (Than ôi) thời oanh liệt đó nay còn đâu! (May quá). Với sự phát triển của hình thức thanh toán online thì giờ đây các máy ATM có vẻ như rất nhàn hạ và người ta dự đoán các cột trụ này chẳng bao lâu nữa cũng sẽ có chung số phận như những trụ điện thoại trên đường phố khi xưa. Tức sẽ biến mất (gần như) hoàn toàn! Tiền mặt chỉ dùng cho vui thôi (và nếu bỗng nhiên bạn mà có một lượng tiền mặt lớn để giao dịch thì phức tạp đấy, bạn sẽ phải giải trình nguồn gốc của những đống tiền ấy với những người có thẩm quyền ấy chứ chẳng phải giỡn chơi đâu).
Như sáng nay mình dừng ở một quán bán hải sản ngay cái hẻm dân cư đông đúc để mua ít tôm đồng (tôm đất) rất tươi ngon. Đến khi cân xong mới nhớ không mang tiền mặt theo. Anh bán hàng kêu cứ mang về khi nào đi qua tiện thì trả (bán hàng rất dễ thương các bạn nhỉ) nhưng mình bảo thôi mình không muốn nợ nần. Ai ngờ anh hỏi mình có mang theo điện thoại không, “bắn” sang tài khoản anh là xong, nhanh gọn lẹ. Đấy, đến buôn thúng bán bưng còn không cần giao dịch tiền mặt nữa bao sao tiền giấy đang dần vắng bóng.
Chúng ta đang sống ở một thời điểm mà cái gì cũng diễn ra nhanh và dễ dàng bị thay thế. Tất cả, từ các sản phẩm tiêu dùng, thói quen mua sắm, đến nghề nghiệp.
Mới đây, các hãng thời trang ở châu Âu và Mỹ đã bày tỏ sự lo lắng khi một công ty hoàn toàn mới của Trung Quốc có tên là Shein, dù chưa ra đời được bao lâu, nhưng đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu ở phân khúc quần áo giá rẻ và theo xu hướng.
Cái đặc biệt của các sản phẩm “Made in China” là họ luôn có thể tối thiểu hóa chi phí sản xuất đến mức thấp nhất và do đó mà giá cả những mặt hàng của nước họ gần như khó có nơi đâu cạnh tranh nổi ở cùng nấc thang chất lượng. Điều nầy là một ưu thế, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khi túi tiền của phần đông dân chúng đã vơi đi nhiều, nên cứ cái gì rẻ hơn thì người ta ưu tiên thôi. Và thế là các ông chủ tư bản ở những nước giàu, với bản tính tham lam vốn có, khi bị thu hẹp miếng bánh thị trường mà mình vẫn chiếm thế thượng phong bấy lâu nay, cứ là nhảy dựng lên như ăn phải bả.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khi họ càng đặt ra nhiều rào cản chống lại các nhà sản xuất Trung Quốc thì càng vô hình giúp nước này hoàn thiện tốt hơn chuỗi cung ứng, nó tốt đến nổi tới thời điểm hiện tại không một quốc gia nào khác có thể sao chép được mô hình cung ứng giảm hiệu ứng nhà kính, giảm carbon tốt hơn Trung Quốc, với số lượng dày đặc nhà sản xuất như vậy.
Hoặc nói như nghề nghiệp cũng vậy thôi, thị trường đã đa dạng hơn rất rất nhiều và cũng có nhiều tiêu chí tuyển dụng thay đổi khác một hai thập niên trước. Và vì vậy, không cứ gì phải sáng cắp ô đi chiều cắp ô về mới có thể tạo ra thu nhập. Work from home trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đến mức mà nhiều nước Bắc Âu đã giảm số ngày làm việc trong tuần còn có 4 ngày và người dân thì vẫn ra sức vận động để con số này xuống 3. Họ cho rằng làm việc ở nhà trong nhiều trường hợp hiệu quả hơn hẳn lại giảm chi phí cho cả cá nhân, công ty và xã hội.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều rằng dù thế nào thì một quốc gia muốn phát triển vẫn phải là một quốc gia sản xuất. Nếu không có doanh nghiệp sản xuất có chất lượng thì không lấy đâu có một thị trường chứng khoán “sạch” và ổn định được. Và nếu vậy thì sao hình thành nên một thị trường tài chính phát triển bền vững.
Nếu chỉ đơn giản là thương mại, nhập về (tất nhiên là nhập ngoại rồi) và bán ra thì mãi mãi chúng ta không thể nào chủ động và làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ lõi.
Chúng ta sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp nước ngoài và mỗi sự biến động dù là nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các công ty trong nước. Sự đứt đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu ngành may mặc suốt hai năm Covid đã cho thấy rõ điều đó. Các công ty may của nước ta điêu đứng vì không nhập được sợi hay chỉ may từ nước bạn.
Chúng ta , chính xác chỉ đơn thuần là gia công, tức là chỉ làm được những phần mang lại gia trị thặng dư nhỏ nhất. Nói đơn giản thế này cho bạn hiểu, là bạn may được cái áo thì chính xác bạn chỉ có cái công may (may thế nào đã có hướng dẫn, may theo dây chuyền ai chẳng làm được) còn tất cả nguyên vật liệu để tạo ra cái áo đó từ vải vóc, chỉ may, đến cả cái máy may đều là nước khác làm sẵn cho bạn rồi. Họ mà ngưng cung cấp cho bạn là bạn “móm” luôn, chẳng có gì để mà tạo ra cái áo cả! Thế mới biết là tự chủ sản xuất quan trọng thế nào và chắc chắn là nó không dễ rồi. Nhất là ở nước như nước mình! Chừng nào mà QUÁ NHIỀU nhân tài đổ vào những ngành hoàn toàn không mang lại nhiều đóng góp cho nền sản xuất thì còn lâu chúng ta mới có cái gọi là nền sản xuất.
Những ngành quan trọng vô cùng như Cơ khí, công nghệ hóa sinh hay nhiều ngành xây dựng ….càng ngày càng ít được lựa chọn bởi người giỏi. Dễ hiểu là bởi nếu chọn học thì học xong họ cũng không có môi trường để phát triển, và thường nhận được mức lương khởi điểm quá thấp.
Và thế là cái vòng luẩn quẩn cứ lặp lại mãi: Không có người giỏi (tâm huyết) học– Không có môi trường phát triển- Khoa học cơ bản èo uột- Nền sản xuất què quặt – Không có tiền để tái đầu tư. Xã hội giờ đây chỉ còn toàn các con buôn cơ hội, chỉ thích mua đi bán lại. Và điều này, lại có tác động ngược trở lại với tinh thần muốn tự -làm của giới doanh nhân. Không ai còn muốn làm người sản xuất nữa vì không những vừa lâu cho lợi nhuận mà lại vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
From: Monster
Nov 29
Chỉ còn hơn một tiếng nữa thôi là tôi sẽ đi đến ngày cuối cùng của tháng Mười một. Mùa thu đã hoàn toàn qua rồi và giờ đây tất cả như đang chìm đắm trong không khí đầu Đông!
Nhận được thông tin của William về tình hình làm ăn của thằng Jack đã khiến tôi vui đến mất ngủ đến mức mà tôi quyết định thôi thì Jack nó đã làm cho hội bạn ngạc nhiên vì đọc sách của Plato thì tôi cũng sẽ làm chúng ngất xỉu :)) với việc tường thuật nốt diễn biến của câu chuyện lãng mạn của tháng mười một giữa anh thợ thuyền và cô tiểu thư. Đơn giản vì tôi không thích dây dưa, cái gì của tháng 11 thì phải kết thúc trong tháng 11 cho đúng tiến độ. Plato chả nói rồi đấy thôi, ‘Người làm phải thành thạo khi bắt tay vào việc; phải nhanh nhảu, không thể dềnh dàng, vì việc không chờ không đợi.’
Ngắn gọn thế này, là anh chàng thợ và người yêu sau khi bị gia đình nhà cô cấm đoán thì họ phải xa nhau, mỗi người mỗi nẻo. Tưởng như họ sẽ lạc nhau mãi mãi nhưng rồi số phận đã vẫn gắn kết và đưa họ trở lại với nhau. Anh có xưởng đóng tàu của riêng mình và đã chiến thắng trong cuộc đua thuyền buồm được tổ chức tại địa phương. Còn cô đã vượt qua những định kiến giai cấp để cuối cùng dám công khai là người yêu của anh trước mặt những người thuộc tầng lớp của cô. Đây đúng là một “Happy ending”, ngọt ngào y như điều mà trái tim mang đến trong tháng Mười một.
Dù sao tôi vẫn cho rằng nhân vật nam xứng đáng nhận được hạnh phúc. Anh tự lập và có ước mơ, ý chí. Cá nhân, vì tôi cũng thích mày mò làm cái nọ cái kia nên mẫu người của sản xuất như ảnh cũng là con đường mà tôi hướng tới. Dù tôi biết thực sự con đường đó vẫn còn mông lung lắm vì thời đại ngày nay chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn mà có thể gây ra sự phân tán, chứ không may mắn ngay từ đầu đã biết phải làm cái gì như anh thợ thuyền.
Tuy thế, điều tôi chắc chắn rằng dù làm gì tôi cũng muốn được hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nghiên cứu khoa học hay kỹ sư chẳng hạn.
Chứ sao nữa, tôi không thích chỉ sửa cái compa đâu mà tôi còn muốn tạo ra nó, hoặc những thứ gì đó hơn nó.
Giờ đây thằng Mountain nó đã đi tìm con đường tươi sáng cho nông nghiệp nước nhà dù thực sự đúng là gian nan vạn dặm lắm, thằng Jack thì đã là nhà cung cấp dịch vụ hoàn hảo, thi sĩ William thì là người làm đẹp cho tâm hồn chúng tôi, Charlie có lẽ sau chuyến thỉnh kinh chỗ nàng Chính Thất thành công, nó sẽ là nhà tư vấn tâm lý cho mọi người trên hành trình tìm hạnh phúc cho bản thân. Thế thì không lẽ gì mà tôi không làm một nhà sản xuất công nghiệp.
Ah, tôi nói thêm là riêng thằng Skeleton thì tôi không biết là sẽ làm gì vì nó đa tài quá, nay nó làm “cò” đất (chỗ bạn bè tôi chả sợ nó giận vì cái từ chán ốm này :)) mai nó đã lại biến hóa thành Spielberg rồi; còn cái cô Ma sơ thì tôi còn chịu hơn, suốt ngày cổ chỉ trông trời trông mây thế mai mốt nghề phù hợp với cổ nhất có lẽ là nghề…cấy lúa :)).
Truyện thằng Charlie và Mountain còn dài lắm, tôi đồ rẳng nó sẽ kéo dài sang Xuân nên chúng ta cứ thư thư thôi, yên tâm tuần nào cũng có chuyện về chúng nó để chúng ta nghiền ngẫm. Dù sao sư phụ phải trải qua đến gần trăm kiếp nạn mới đi đến đích cơ mà.
Đối với cá nhân tôi, tháng mười hai là tháng mà tôi phải chuẩn bị xong dữ liệu dưới hạ giới để trình bẩm lên Ngọc Hoàng. Do đó, chuyến lang thang xuống núi đến đây tạm dừng. Tôi xin được tiếp tục “vào am” để dùi mài kinh sử :))
Và tôi xin gừi các bạn một bài đọc về một nhà kinh tế học và triết học nhưng lại thích chế tạo khi ông cho rằng “Con người với bản năng lành nghề là những công nhân và kỹ sư, những người phát minh và cải tiến máy móc”.
Một cách tình cờ, nhà kinh tế này, Thorstein Veblen, cũng cùng quê với anh thợ thuyền, đất nước Na Uy xinh đẹp
Sự Hào Nhoáng Của Đồng Tiền
By Niall Kishtainy
Tại một nông trang nhỏ ở Wisconsin, có một cậu bé đã lớn lên và trở thành một trong những nhà kinh tế học phi truyền thống nhất mà nước Mỹ từng sinh ra, là hình ảnh gần nhất với Karl Marx mà nước này có được. Không giống như Marx, Thorstein Veblen (1857-1929) không thu hút được sự chú ý của nhiều nhà cách mạng. Nhưng giống như Marx, ông là một người ngoài cuộc, một nhà phê bình về sự thay đổi nhanh chóng của xã hội mà ông đang sống, nhưng ông không phải là một phần của nó. Marx, một người Đức gốc Do Thái, quan sát quá trình Cách mạng Công nghiệp từ London dưới thời Nữ hoàng Victoria.
Những bài viết của ông như những tảng đá bốc cháy ném thẳng vào dinh thự của những kẻ giàu có. Veblen xuất thân từ một cộng đồng nhỏ những người nông dân Na Uy và tách biệt với nền văn hóa Mỹ mà ông xem là màu mè xung quanh ông. Trong các tác phẩm của mình, ông chế giễu sự phù phiếm của những người Mỹ giàu có và quyền lực
Veblen lớn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Mỹ. Cuộc cách mạng này bắt đầu sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1865. Những đường sắt mới được xây dựng chằng chịt khắp đất nước và các nhà máy sản xuất hàng loạt thép, đồ gỗ và ủng.
Nền kinh tế Mỹ được tạo ra bởi những mỏ than, dầu và đất đai rộng lớn, bởi một thị trường tiêu dùng lớn và bởi lực lượng lao động gồm hàng triệu người nhập cư bằng đường biển nhằm tìm kiếm vận may của mình. Vào cuối thế kỷ 19, nền kinh tế Mỹ đã vượt qua Anh.
Mỹ trước hết là một quốc gia của những người nhập cư với các trang trại và công ty nhỏ, khác với xã hội cũ của châu Âu phân chia thành tầng lớp quý tộc, những nhà tư bản công nghiệp giàu có và phần lớn là người dân nghèo.
Khi nền công nghiệp Mỹ phát triển mạnh mẽ, các công ty nhỏ trở nên lớn mạnh. Khối lượng tài sản của ông chủ những công ty này cũng vậy. Khối tài sản này mang đến cuộc sống giàu sang cho một số người, tạo ra khoảng cách lớn so với những người Mỹ bình thường.
Nhà văn Mark Twain gọi đó là “Thời kỳ Vàng son”: giới nhà giàu mới bắt đầu xuất hiện với lớp vàng hào nhoáng, tuy nhiên đó chỉ là bề nổi của một xã hội hoang phí và vô nhân đạo. Veblen nhìn vào xã hội Mỹ, lấy làm kỳ quặc.
Từ khi còn rất nhỏ ông đã cố gắng phá vỡ các quy ước và khiến mọi người bất an. Khi còn là một cậu bé sống ở Hy Lạp, ông đã từng bắn con chó nhà hàng xóm trong một cuộc cãi vã và vẽ bậy lên hàng rào nhà họ. Khi học đại học ông đã khiến những giảng viên đáng kính của mình hoảng hốt khi phát biểu một bài diễn văn có nhan đề “Lời bào chữa của những kẻ ăn thịt người”.
Sau khi nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Yale, ông trở về với trang trại của bố mẹ mình, nơi ông dành nhiều năm né tránh những công việc chân tay, thay vào đó là đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mọi thứ từ sinh học cho đến các thần thoại cổ. Những kiến thức sâu rộng này đã góp phần tạo nên những bài viết khác biệt trong thời kỳ trung niên của ông. Ông làm việc trong những ngôi nhà tạm bợ, một trong số đó là tầng hầm ở nhà của một người bạn nơi mà ông phải đi vào bằng đường cửa sổ. Ở đó, vào mỗi tối, ông viết những cuốn sách của mình bằng mực tím với chiếc bút tự chế.
Lý thuyết về kinh tế học truyền thống chẳng có gì mấy mà đề cập đến sự xuất hiện của tầng lớp nhà giàu mới tại Mỹ. Rốt cuộc, nền kinh tế có đầy những “con người kinh tế suy nghĩ hợp lý” – những người nhạy bén trong việc đánh giá chi phí và lợi ích của từng quyết định kinh tế và hành động theo đó.
Những người có lý trí luôn tối đa hóa lợi ích hoặc hạnh phúc của mình và nếu điều đó có nghĩa là dùng tài sản của mình để mua những chiếc đồng hồ vàng và tượng đá cẩm thạch thì họ cũng chấp nhận. Trong cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Lý thuyết về giai cấp nhàn rỗi (The Theory of the Leisure Class), Veblen phản đối cách nghĩ truyền thống về hành vi kinh tế. Những con người kinh tế lý trí sẽ cân nhắc kỹ càng những nhu cầu của họ và mua những gì họ thích. Nhưng những nhu cầu đó đến từ đâu? Chúng đến từ lịch sử, văn hóa của một con người, vấn đề mà hầu hết các lý thuyết kinh tế không thể giải quyết.
Theo quan điểm của Veblen, mọi người không đưa ra quyết định về việc mua cái gì và dành thời gian để làm gì thông qua sự tính toán hợp lý. Để thật sự hiểu về quyết định của con người, bạn phải để ý đến những bản năng và thói quen của họ, những thứ được định hình bởi xã hội nơi mà họ lớn lên. Nhìn qua thì chủ nghĩa tư bản có vẻ không giống với các xã hội bộ lạc cổ xưa với các điệu nhảy cầu mưa, lễ hiến tế động vật cho thần linh và những món quà bằng vỏ sò cho các bộ lạc khác. Những người có lý trí trong xã hội tư bản tham gia vào việc mua, bán và tạo ra lợi nhuận.
Nhưng Veblen cho rằng, thực ra, nếu bạn quan sát kỹ bạn sẽ thấy những phong tục nguyên thủy vẫn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại. Chúng ta mua hàng hóa không chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân như những người có lý trí, mà còn để được công nhận bởi những người khác. Hãy thử nghĩ về chiếc áo phông gần đây nhất bạn mua: kể cả khi bạn mua nó bởi vì bạn thích, chẳng phải bạn cũng sẽ tự hỏi liệu bạn bè mình có thích nó không sao? Liệu bạn có chọn một chiếc áo mà bạn thích nhưng bạn biết những người khác sẽ chê bai nó?
Trong những xã hội trước đây, con người tìm kiếm sự công nhận của người khác bằng việc trở nên quyền lực đến mức không cần phải làm việc. Tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, thặng dư hàng hóa xuất hiện vì con người trở nên giỏi hơn trong việc trồng trọt và sản xuất. Thặng dư cho phép các giáo sĩ, hoàng đế và các chiến binh có thể sống mà không cần phải làm việc. Những thứ quý giá của họ – chén bạc, vương miện tinh xảo, những thanh gươm nạm đá quý – mang lại cho họ sự tôn kính. Những công việc hằng ngày trở nên tầm thường với họ.
Veblen nói rằng, những tộc trưởng ở quần đảo Polynesia quen có người hầu để làm mọi công việc cho họ đến mức họ thà chết đói còn hơn phải tự đưa thức ăn vào miệng mình. Veblen nhìn thấy sự tương đồng trong nền kinh tế Mỹ đương thời. Tầng lớp giàu có mới sống bằng tiền lời từ cổ phần và những khoản tiền thừa kế mà không phải làm gì. Giống như những tộc trưởng ở quần đảo Polynesia, họ nhận được sự công nhận của xã hội bằng việc cho mọi người thấy họ có thể sống mà không cần làm việc thông qua việc hưởng thụ và mua những món đồ đắt tiền.
Veblen xem việc sở hữu những biệt thự và những chiếc áo khoác lông cũng như chuyên đi của họ đến vùng đất Riviera ở Pháp là “tiêu dùng phô trương”. Họ chỉ mua sắm nhằm mục đích khoe khoang. Ông gọi số ít những người này là “giai cấp nhàn rỗi”. Những người thuộc giai cấp nhàn rỗi mặc những chiếc áo đuôi tôm và thắt cà vạt lụa để nhấn mạnh việc họ không tham gia vào những công việc chân tay như là đào đất hay lái xe buýt.
Quần áo của họ được xem là đẹp hơn những chiếc áo vải lanh đơn giản của người nông dân. Nhưng đối với Veblen, không có lý do gì mà những đôi giày da của người giàu lại đẹp hơn những chiếc áo khoác bị sờn ống tay của người nghèo. Quần áo của phụ nữ càng cần phải xa hoa để thể hiện rằng họ không bao giờ phải nạo khoai tây hay lau cửa sổ: “Lý do chúng ta quyến luyến chiếc váy là hỏi vì nó đắt tiền và nó khiến cho các cô gái gặp khó khăn trong mọi chuyển động nên không thể làm được gì”. Vợ của những người giàu chính là để khoe khoang cho sự giàu có của chồng.
Một mặt, nhu cầu để tạo ấn tượng có nghĩa là khi giá của những chiếc váy lụa tăng, nhu cầu về nó lại càng tăng theo chứ không hề giảm. Với một mức giá cao mà ít người có thể có đủ tiền để mua, chiếc váy trở thành một cách để thể hiện địa vị của bạn và vì thế càng nhiều người giàu muốn mua nó. Veblen cho rằng tiêu dùng phô trương sẽ ảnh hưởng đến các tầng lớp thấp hơn, những người muốn giống như tầng lớp giàu có.
Giai cấp trung lưu mua những chiếc thìa với tay cầm bằng ngà không hề cải thiện chức năng của chiếc thìa nhưng có thể khiến người dùng nó trở nên sang trọng hơn trong mắt bạn bè của mình. Thậm chí những người nghèo nhất cũng có thể nhịn đói để mua những chiếc bình hay vòng cổ trước khi nó hết hàng. Veblen cho rằng tiêu dùng phô trương là một sự lãng phí. Nó khiến động cơ kinh tế từ sản xuất những thứ mà con người cần trở thành những thứ mà họ muốn khoe khoang. Hậu quả là một chuỗi thất vọng: mọi người bắt chước người giàu bằng cách tiêu dùng nhiều hơn, người giàu thậm chí còn mua những thứ đắt tiền hơn để khiến họ luôn nổi bật và mọi người phải chật vật để theo kịp họ.
Veblen chắc chắn đã thực hành lối sống tiết kiệm theo đúng tinh thần những lời chỉ trích của mình. Quần áo của ông quá rộng và thường trông như thể ông đã mặc chúng mà đi ngủ, và ông phải gài chiếc đồng hồ của mình một cách sơ sài vào chiếc áo vest bằng một chiếc ghim. Ông thậm chí còn đưa ra ý kiến dùng giấy để làm quần áo thay cho lụa và vải tuýt. Các tù trưởng của thổ dân hiện đại Mỹ là những người giống như Cornelius Vanderbilt, người mà trong thể kỷ 19 từ một chàng trai chèo thuyền không được đi học trở thành một ông trùm đường sắt giàu có với khối tài sản đáng giá hàng tỉ USD theo giá trị hiện nay.
Dòng họ nhà Vanderbilt xây dựng hàng loạt dinh thự khổng lồ và các khu nghỉ dưỡng mùa hè. Một trong số họ vào dịp sinh nhật đã tặng vợ mình Ngôi nhà cẩm thạch ở đảo Rhode, một cung điện xa hoa làm bằng hơn 14.000 mét khối đá cẩm thạch trắng. Đằng sau sự tiêu dùng phô trương của những người như Vanderbilt là một bản năng mà Veblen gọi là “sự săn mồi”. Trong khi những vị thủ lĩnh của những tộc người dã man tấn công người khác bằng giáo mác thì giai cấp nhàn rỗi hiện đại hạ gục đối thủ của mình bằng những cú lừa tài chính. Ví dụ như trận chiến giữa Cornelius Vanderbilt và một doanh nhân khác, Daniel Drew, để giành quyền kiểm soát đoạn đường sắt chạy giữa Chicago và New York.
Drew đã bày ra một kế hoạch để đánh lừa Vanderbilt bằng việc tác động đến giá cổ phần của công ty đường sắt. Để kế hoạch thành công, ông cần phải khiến giá tăng vọt. Ông đã ghé thăm một quán bar quen thuộc của những nhà môi giới chứng khoán ở New York, và trong khi nói chuyện với một vài người ở đó ông giả vờ rút chiếc khăn tay để lau mồ hôi trán và cố tình làm rơi một mảnh giấy xuống sàn, ra vẻ không chú ý. Sau khi ông rời đi, những nhà môi giới nhặt mảnh giấy nhỏ lên. Nó ghi một “gợi ý”: thông tin được viết ra để khiến họ tin rằng giá cổ phần của công ty sẽ tăng. Những nhà môi giới vội vàng thu mua cổ phần với hy vọng kiếm lợi nhuận.
Đúng như kế hoạch, giá cổ phiếu tăng phi mã. Cú lừa của Drew như là một nước cờ chiến thắng (thật ra thì Veblen theo dấu sự phổ biến của các cú lừa trong giới nhà giàu về cùng nguồn gốc một bản năng “săn mồi” ). Kế hoạch giúp cho Drew kiểm soát đoạn đường sắt. Vanderbilt, Drew và những người như họ góp phần tạo nên nền kinh tế mới ở Mỹ nhưng nền kinh tế đó là chủ nghĩa tư bản máu lạnh. Họ sẽ lừa lọc và thực hiện những âm mưu miễn là việc đó có thể tạo ra tiền. Họ được biết đến như những “ông trùm cướp bóc” vì sự tàn nhẫn của mình. Vanderbilt đã từng nói: “Tại sao tôi lại cần quan tâm đến luật pháp? Không phải là tôi đã có quyền lực rồi hay sao?”
Veblen cho rằng, bản năng săn mồi không có ích gì với những nhu cầu thực tế của con người. Tuy nhiên còn có một bản năng khác, bản năng “lành nghề”. Đó là bản năng làm những công việc có ích để phục vụ cho nhu cầu của toàn cộng đồng: ví dụ như sửa chữa đường sắt và đảm bảo tàu chạy đúng giờ.
Veblen không kêu gọi một cuộc cách mạng như Marx. Ông nghĩ rằng sự lãng phí gây ra bởi tiêu dùng phô trương sẽ biến mất khi xã hội được thống trị bởi bản năng lành nghề thay vì bản năng săn mồi. Xã hội sẽ đào thải những cặn bã còn lại của xã hội man rợ. Đó sẽ là dấu chấm hết cho vòng luẩn quẩn của việc mua sắm để bắt kịp với những người hàng xóm.
Con người với bản năng lành nghề là những công nhân và kỹ sư, những người phát minh và cải tiến máy móc. Một xã hội tốt đẹp hơn sẽ là xã hội mà họ góp phần hướng nền kinh tế đến việc thỏa mãn nhu cầu thực sự của con người.
Mặc dù thuyết kinh tế học phi truyền thống của ông không bao giờ phổ cập nhưng người đàn ông Na-Uy lập dị đã được công nhận bởi những đồng nghiệp của mình vào năm 1925, khi gần 70 tuổi, ông được đề nghị làm chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Mỹ. Veblen từ chối và trở về một ngôi nhà gỗ nhỏ trên đỉnh đồi với cỏ bao quanh ở bên ngoài Palo Alto tại California. Tại đây, ông sống trong một căn phòng đơn giản với đồ nội thất ông tự làm.
Vào tháng 10 năm 1929, tại những tòa nhà chọc trời xa xôi ở New York, thị trường chứng khoán sụp đổ và cuộc khủng hoảng đã thổi bay sự hào nhoáng của nền kinh tế Mỹ. Veblen không còn sống để chứng kiến điều đó, ông qua đời một vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Cho đến những ngày cuối của cuộc đời, ông sống tách biệt với mọi thứ, chỉ còn chuột và những chú chồn làm bạn trong căn lều của mùih
Tháng Mười hai đến rất gần rồi các bạn nhỉ. Một tháng mà không ở đâu mình lại thấy có không khí của Tháng Giáng sinh hơn ở thành phố của chúng ta. Một tháng mà có quá nhiều thứ để mà viết.
Chúng ta sẽ cùng nhau đi qua 31 ngày tuyệt vời này nhé,
với “Last Christmas” – Giáng sinh cuối cùng –
Good night and Good bye November!