Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English
Tác giả

Rose & Cactus

Rose & Cactus

Rose

Tháng Mười một của trái tim (10)

by Rose & Cactus November 29, 2023

Mấy hôm nay mình có nhiều việc phải chạy lung tung, không dành ra lúc nào tập trung hoàn toàn vào viết được nên dự định là tối nay có bài đăng (Khổ đăng bài mà cũng như chỉ tiêu KPI ấy các bạn nhỉ, haha nhưng nếu mà không đặt ra mục tiêu như thế thì cái bệnh lười xuất hiện ngay, lấy cớ bận việc nọ việc kia là thôi luôn ấy chứ. Mà giờ mình viết quen rồi ngưng mấy ngày lại thấy nhớ cảm giác gõ chữ các bạn ạ, không dừng được và cũng không muốn dừng :)), mà không biết có viết kịp không ?

Việc này làm mình nhớ lại câu chuyện về nhà văn người Anh Ronald Dalh (đã bạn nào đọc một tác phẩm nào đó của ông chưa, nếu rảnh tìm đọc thử hay cực luôn ấy). Ở ngôi nhà của ông, trong một ngôi làng đồng quê nước Anh, ông dành hẳn ra một căn nhà nhỏ (mà ông gọi là túp lều) tách biệt không chung khu với nhà ở.

Túp lều này nằm ở cuối khu vườn đầy thơ mộng và là thế giới của riêng ông, nơi ông có thể có không gian  hoàn toàn yên tĩnh để có thể sáng tác mà không sợ bị phân tâm bởi bất cứ sự ồn ào nào xung quanh. Nơi ông có thể để bừa bộn ra đủ các giấy tờ, bút viết mà không có cảm giác gây phiền nhiễu cho người khác (vì phải dọn dẹp cho ông) (có lẽ mình không thể làm nhà văn được vì mình  thích sự ngăn nắp :)). Kiểu như trước khi đi ngủ là nhà cửa cứ phải sạch sẽ, gọn gàng, không có chuyện bát đĩa ăn rồi tống đầy vào chậu để qua đêm vậy, ví dụ thế).

Cho nên những người làm công việc sáng tác thường là những người của sự cô đơn và cần những không gian nơi chỉ -có- một -mình mình. Có những tác phẩm lớn được nhiều nhà văn viết  gần như không ngưng nghỉ trong nhiều ngày liên tiếp. Họ đóng cửa với thế giới bên ngoài phải cho đến khi đứa con tình thần của mình được hoàn thiện. Bởi nếu không nắm bắt nhanh thì cảm xúc sẽ đi qua mất, những ý tưởng mới nảy ra  sẽ trôi qua mất!

Nhà văn Nguyễn Công Hoan khi viết “Bước đường cùng” cũng thế. Ông sáng tác tiểu thuyết, được coi là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu cho giai đoạn 1930-45,  liên tục trong 16 ngày và lúc hoàn thành thì bả vai bên trái của ông cũng bị sái luôn.

Nghề viết chính xác là nghề phu chữ không hơn không kém. Rất vất vả về đầu óc vì phải tập trung cao độ, và mình càng đọc nhiều, nhất là những tác phẩm được xem là kiệt tác thì mình lại càng khâm phục những người sáng tác. Không biết họ lấy đâu ra sức lực và trí tuệ đế có thể viết ra những thứ rất khó (và tất nhiên quá hay) như thế! Ngoài tài năng bẩm sinh mình nghĩ còn là sự khổ luyện, khác gì diễn viên múa ba lê đâu, để làm được một động tác khó có khi họ phải luyện tập đến cả chục năm đến nát cả đầu ngón chân ra ấy chứ!

Ngày trước khi còn làm trong lĩnh vực ngân hàng bọn mình cứ hay nói đùa với nhau là “Chúng mình chẳng khác gì những công nhân ngân hàng” tức là làm việc chả biết đến giờ giấc gì cả, khác gì các anh chị công nhân tăng ca để có thêm chút thu nhập đâu. Khác là họ mặc áo xanh (thuật ngữ tiếng Anh quen thuộc blue-collar) còn bọn mình mặc đồ trắng white-collar.

Mình nhớ cứ tầm những ngày cuối tháng thế này là những ngày các doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho nhân viên, thường thì các doanh nghiệp nước ngoài họ trả lương vào khoảng ngày 25 và doanh nghiệp nhà nước thì thường chia làm hai đợt, ngày 15 và 30 hàng tháng. Và khỏi phải nói các cây ATM đông đúc đến mức nào, mọi người phải xếp hàng rất lâu mới cỏ thể rút được tiền,  có khi đến lượt thì thôi, tiền trong máy đã hết sạch.

Nhưng (Than ôi) thời oanh liệt đó nay còn đâu! (May quá). Với sự phát triển của hình thức thanh toán online thì giờ đây các máy ATM có vẻ như rất nhàn hạ và người ta dự đoán các cột trụ này chẳng bao lâu nữa  cũng sẽ có  chung số phận như những trụ điện thoại trên đường phố khi xưa. Tức sẽ biến mất (gần như) hoàn toàn! Tiền mặt chỉ dùng cho vui thôi (và nếu bỗng nhiên bạn mà có một lượng tiền mặt lớn để giao dịch thì phức tạp đấy, bạn sẽ phải giải trình nguồn gốc của những đống tiền ấy với những người có thẩm quyền ấy chứ chẳng phải giỡn chơi đâu).

Như sáng nay mình dừng ở một quán bán hải sản ngay cái hẻm dân cư đông đúc để mua ít tôm đồng (tôm đất) rất tươi ngon. Đến khi cân xong mới nhớ không mang tiền mặt theo. Anh bán hàng kêu cứ mang về khi nào đi qua tiện thì trả (bán hàng rất dễ thương các bạn nhỉ) nhưng mình bảo thôi mình không muốn nợ nần. Ai ngờ  anh hỏi mình có mang theo điện thoại không, “bắn” sang tài khoản anh là xong, nhanh gọn lẹ. Đấy, đến buôn thúng bán bưng còn không cần giao dịch tiền mặt nữa bao sao tiền giấy đang dần vắng bóng.

Chúng ta đang sống ở một thời điểm mà cái gì cũng diễn ra nhanh và dễ dàng bị thay thế. Tất cả, từ các sản phẩm tiêu dùng, thói quen mua sắm, đến nghề nghiệp.

Mới đây, các hãng thời trang ở châu Âu và Mỹ đã bày tỏ sự lo lắng khi một công ty hoàn toàn mới của Trung Quốc  có tên là Shein, dù chưa ra đời được bao lâu, nhưng  đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu ở phân khúc quần áo giá rẻ và theo xu hướng.

Cái đặc biệt của các sản phẩm “Made in China” là họ luôn có thể tối thiểu hóa chi phí sản xuất đến mức thấp nhất và do đó mà giá cả những mặt hàng của nước họ gần như khó có nơi đâu cạnh tranh nổi ở cùng nấc thang chất lượng. Điều nầy là một ưu thế, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khi túi tiền của phần đông dân chúng đã vơi đi nhiều, nên cứ cái gì rẻ hơn thì người ta ưu tiên thôi. Và thế là các ông chủ tư bản ở những nước giàu, với bản tính tham lam vốn có, khi bị thu hẹp miếng bánh thị trường mà mình vẫn chiếm thế thượng phong  bấy lâu nay, cứ là nhảy dựng lên như ăn phải bả.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khi họ càng đặt ra nhiều rào cản chống lại các nhà sản xuất Trung Quốc thì càng vô hình giúp nước này hoàn thiện tốt hơn chuỗi cung ứng, nó tốt đến nổi tới thời điểm hiện tại không một quốc gia nào khác có thể sao chép được mô hình cung ứng giảm hiệu ứng nhà kính, giảm carbon tốt hơn Trung Quốc, với số lượng dày đặc nhà sản xuất như vậy.

Hoặc nói như nghề nghiệp cũng vậy thôi,  thị trường đã đa dạng hơn rất rất nhiều và cũng có nhiều tiêu chí tuyển dụng thay đổi khác một hai thập niên trước. Và vì vậy, không cứ gì phải sáng cắp ô đi chiều cắp ô về mới có thể tạo ra thu nhập.  Work from home trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đến mức mà nhiều nước Bắc Âu đã giảm số ngày làm việc trong tuần còn có 4 ngày và người dân thì vẫn ra sức vận động để con số này xuống 3. Họ cho rằng làm việc ở nhà trong nhiều trường hợp hiệu quả hơn hẳn lại giảm chi phí cho cả cá nhân, công ty và xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều rằng dù thế nào thì một quốc gia muốn phát triển vẫn phải là một quốc gia sản xuất. Nếu không có doanh nghiệp sản xuất có chất lượng thì không lấy đâu có một thị trường chứng khoán “sạch” và ổn định được. Và nếu vậy thì sao hình thành nên một thị trường tài chính phát triển bền vững. 

Nếu chỉ đơn giản là thương mại, nhập về (tất nhiên là nhập ngoại rồi) và bán ra thì mãi mãi chúng ta không thể nào chủ động và làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ lõi.

Chúng ta sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp nước ngoài và mỗi sự biến động dù là nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các công ty trong nước. Sự đứt đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu ngành may mặc suốt hai năm Covid đã cho thấy rõ điều đó. Các công ty may của nước ta điêu đứng vì không nhập được sợi hay chỉ may từ nước bạn.

Chúng ta , chính xác chỉ đơn thuần là gia công, tức là chỉ làm được những phần mang lại gia trị thặng dư nhỏ nhất. Nói đơn  giản thế này cho bạn hiểu, là bạn may được cái áo thì chính xác bạn chỉ có cái công may (may thế nào đã có hướng dẫn, may theo dây chuyền ai chẳng làm được) còn tất cả nguyên vật liệu để tạo ra cái áo đó từ vải vóc, chỉ may, đến cả cái máy may đều là nước khác làm sẵn cho bạn rồi. Họ mà ngưng cung cấp cho bạn là bạn “móm” luôn, chẳng có gì để mà tạo ra cái áo cả!             Thế mới biết là tự chủ sản xuất quan trọng thế nào và chắc chắn là nó không dễ rồi. Nhất là ở nước như nước mình! Chừng nào mà QUÁ NHIỀU nhân tài đổ vào những ngành hoàn toàn không mang lại nhiều đóng góp cho nền sản xuất thì còn lâu chúng ta mới có cái gọi là nền sản xuất. 

Những ngành quan trọng vô cùng như Cơ khí, công nghệ hóa sinh hay nhiều ngành xây dựng ….càng ngày càng ít được lựa chọn bởi người giỏi. Dễ hiểu là bởi nếu chọn học thì học xong họ cũng không có môi trường để phát triển, và thường nhận được mức lương khởi điểm quá thấp.

Và thế là cái vòng luẩn quẩn cứ lặp lại mãi: Không có người giỏi (tâm huyết) học– Không có môi trường phát triển- Khoa học cơ bản èo uột- Nền sản xuất què quặt – Không có tiền để tái đầu tư. Xã hội giờ đây chỉ còn toàn các con buôn cơ hội, chỉ thích mua đi bán lại. Và điều này, lại có tác động ngược trở lại với tinh thần muốn tự -làm của giới doanh nhân. Không ai còn muốn làm người sản xuất nữa vì không những vừa lâu cho lợi nhuận mà lại vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.

From: Monster

Nov 29

Chỉ còn hơn một tiếng nữa thôi là tôi sẽ đi đến ngày cuối cùng của tháng Mười một. Mùa thu đã hoàn toàn qua rồi và giờ đây tất cả như đang chìm đắm trong không khí đầu Đông!

Nhận được thông tin của William về tình hình làm ăn của thằng Jack đã khiến tôi vui đến mất ngủ đến mức mà tôi quyết định thôi thì Jack nó đã làm cho hội bạn ngạc nhiên vì  đọc sách của Plato thì tôi cũng sẽ làm chúng ngất xỉu :)) với việc  tường thuật nốt diễn biến của câu chuyện lãng mạn của tháng mười một giữa anh thợ thuyền và cô tiểu thư. Đơn giản vì tôi không thích dây dưa, cái gì của tháng 11 thì phải kết thúc trong tháng 11 cho đúng tiến độ. Plato chả nói rồi đấy thôi, ‘Người làm phải thành thạo khi bắt tay vào việc;  phải nhanh nhảu, không thể dềnh dàng, vì việc không chờ không đợi.’

Ngắn gọn thế này, là anh chàng thợ và người yêu sau khi bị gia đình nhà cô  cấm đoán thì họ phải xa nhau, mỗi người mỗi nẻo. Tưởng như họ sẽ lạc nhau mãi mãi nhưng rồi số phận đã vẫn gắn kết và đưa họ trở lại với nhau. Anh có xưởng đóng tàu của riêng mình và đã chiến thắng trong cuộc đua thuyền buồm được tổ chức tại địa phương. Còn cô đã vượt qua những định kiến giai cấp để cuối cùng  dám công khai là người yêu của anh trước mặt những người thuộc tầng lớp của cô. Đây đúng là một “Happy ending”, ngọt ngào y như điều mà trái tim mang đến trong tháng Mười một.

Dù sao tôi vẫn cho rằng nhân vật nam xứng đáng nhận được hạnh phúc. Anh tự lập và có ước mơ, ý chí. Cá nhân, vì tôi cũng thích mày mò làm cái nọ cái kia nên mẫu người của sản xuất như ảnh cũng là con đường mà tôi hướng tới. Dù tôi biết thực sự con đường đó vẫn còn mông lung lắm vì thời đại ngày nay chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn mà có thể gây ra sự phân tán, chứ không may mắn ngay từ đầu đã biết phải làm cái gì như anh thợ thuyền.

Tuy thế, điều tôi chắc chắn rằng dù làm gì tôi cũng muốn được hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nghiên cứu khoa học hay kỹ sư chẳng hạn.

Chứ sao nữa, tôi không thích chỉ sửa cái compa đâu mà tôi còn muốn tạo ra nó, hoặc những thứ gì đó hơn nó.

Giờ đây thằng Mountain nó đã đi tìm con đường tươi sáng cho nông nghiệp nước nhà dù thực sự đúng là gian nan vạn dặm lắm, thằng Jack thì đã là nhà cung cấp dịch vụ hoàn hảo, thi sĩ William thì là người làm đẹp cho tâm hồn chúng tôi, Charlie có lẽ sau chuyến thỉnh kinh chỗ nàng Chính Thất thành công, nó sẽ là nhà tư vấn tâm lý cho mọi người trên hành trình tìm  hạnh phúc cho bản thân. Thế thì không lẽ gì mà tôi không làm một nhà sản xuất công nghiệp.

Ah, tôi nói thêm là riêng thằng Skeleton thì tôi không biết là sẽ làm gì vì nó đa tài quá, nay nó làm “cò” đất (chỗ bạn bè tôi chả sợ nó giận vì cái từ chán ốm này :)) mai nó đã lại biến hóa thành Spielberg rồi; còn cái cô Ma sơ thì tôi còn chịu hơn, suốt ngày cổ chỉ trông trời trông mây thế mai mốt nghề phù hợp với cổ nhất có lẽ là nghề…cấy lúa :)).

Truyện thằng Charlie và Mountain còn dài lắm, tôi đồ rẳng nó sẽ kéo dài sang Xuân nên chúng ta cứ thư thư thôi, yên tâm tuần nào cũng có chuyện về chúng nó để chúng ta nghiền ngẫm. Dù sao sư phụ phải trải qua đến gần trăm kiếp nạn mới đi đến đích cơ mà.

Đối với cá nhân tôi, tháng mười hai là tháng mà tôi phải chuẩn bị xong dữ liệu dưới hạ giới để trình bẩm lên Ngọc Hoàng. Do đó, chuyến lang thang xuống núi đến đây tạm dừng. Tôi xin được tiếp tục “vào am” để dùi mài kinh sử :))

Và tôi xin gừi các bạn một bài đọc về một nhà kinh tế học và triết học nhưng lại thích chế tạo khi ông cho rằng “Con người với bản năng lành nghề là những công nhân và kỹ sư, những người phát minh và cải tiến máy móc”.

Một cách tình cờ, nhà kinh tế này, Thorstein Veblen, cũng cùng quê với anh thợ thuyền, đất nước  Na Uy xinh đẹp

Sự Hào Nhoáng Của Đồng Tiền

By Niall Kishtainy

Tại một nông trang nhỏ ở Wisconsin, có một cậu bé đã lớn lên và trở thành một trong những nhà kinh tế học phi truyền thống nhất mà nước Mỹ từng sinh ra, là hình ảnh gần nhất với Karl Marx mà nước này có được. Không giống như Marx, Thorstein Veblen (1857-1929) không thu hút được sự chú ý của nhiều nhà cách mạng. Nhưng giống như Marx, ông là một người ngoài cuộc, một nhà phê bình về sự thay đổi nhanh chóng của xã hội mà ông đang sống, nhưng ông không phải là một phần của nó. Marx, một người Đức gốc Do Thái, quan sát quá trình Cách mạng Công nghiệp từ London dưới thời Nữ hoàng Victoria.

Những bài viết của ông như những tảng đá bốc cháy ném thẳng vào dinh thự của những kẻ giàu có. Veblen xuất thân từ một cộng đồng nhỏ những người nông dân Na Uy và tách biệt với nền văn hóa Mỹ mà ông xem là màu mè xung quanh ông. Trong các tác phẩm của mình, ông chế giễu sự phù phiếm của những người Mỹ giàu có và quyền lực

Veblen lớn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Mỹ. Cuộc cách mạng này bắt đầu sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1865. Những đường sắt mới được xây dựng chằng chịt khắp đất nước và các nhà máy sản xuất hàng loạt thép, đồ gỗ và ủng.

Nền kinh tế Mỹ được tạo ra bởi những mỏ than, dầu và đất đai rộng lớn, bởi một thị trường tiêu dùng lớn và bởi lực lượng lao động gồm hàng triệu người nhập cư bằng đường biển nhằm tìm kiếm vận may của mình. Vào cuối thế kỷ 19, nền kinh tế Mỹ đã vượt qua Anh.

Mỹ trước hết là một quốc gia của những người nhập cư với các trang trại và công ty nhỏ, khác với xã hội cũ của châu Âu phân chia thành tầng lớp quý tộc, những nhà tư bản công nghiệp giàu có và phần lớn là người dân nghèo.

Khi nền công nghiệp Mỹ phát triển mạnh mẽ, các công ty nhỏ trở nên lớn mạnh. Khối lượng tài sản của ông chủ những công ty này cũng vậy. Khối tài sản này mang đến cuộc sống giàu sang cho một số người, tạo ra khoảng cách lớn so với những người Mỹ bình thường.

Nhà văn Mark Twain gọi đó là “Thời kỳ Vàng son”: giới nhà giàu mới bắt đầu xuất hiện với lớp vàng hào nhoáng, tuy nhiên đó chỉ là bề nổi của một xã hội hoang phí và vô nhân đạo. Veblen nhìn vào xã hội Mỹ, lấy làm kỳ quặc.

Từ khi còn rất nhỏ ông đã cố gắng phá vỡ các quy ước và khiến mọi người bất an. Khi còn là một cậu bé sống ở Hy Lạp, ông đã từng bắn con chó nhà hàng xóm trong một cuộc cãi vã và vẽ bậy lên hàng rào nhà họ. Khi học đại học ông đã khiến những giảng viên đáng kính của mình hoảng hốt khi phát biểu một bài diễn văn có nhan đề “Lời bào chữa của những kẻ ăn thịt người”.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Yale, ông trở về với trang trại của bố mẹ mình, nơi ông dành nhiều năm né tránh những công việc chân tay, thay vào đó là đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mọi thứ từ sinh học cho đến các thần thoại cổ. Những kiến thức sâu rộng này đã góp phần tạo nên những bài viết khác biệt trong thời kỳ trung niên của ông. Ông làm việc trong những ngôi nhà tạm bợ, một trong số đó là tầng hầm ở nhà của một người bạn nơi mà ông phải đi vào bằng đường cửa sổ. Ở đó, vào mỗi tối, ông viết những cuốn sách của mình bằng mực tím với chiếc bút tự chế.

Lý thuyết về kinh tế học truyền thống chẳng có gì mấy mà đề cập đến sự xuất hiện của tầng lớp nhà giàu mới tại Mỹ. Rốt cuộc, nền kinh tế có đầy những “con người kinh tế suy nghĩ hợp lý” – những người nhạy bén trong việc đánh giá chi phí và lợi ích của từng quyết định kinh tế và hành động theo đó.

Những người có lý trí luôn tối đa hóa lợi ích hoặc hạnh phúc của mình và nếu điều đó có nghĩa là dùng tài sản của mình để mua những chiếc đồng hồ vàng và tượng đá cẩm thạch thì họ cũng chấp nhận. Trong cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Lý thuyết về giai cấp nhàn rỗi (The Theory of the Leisure Class), Veblen phản đối cách nghĩ truyền thống về hành vi kinh tế. Những con người kinh tế lý trí sẽ cân nhắc kỹ càng những nhu cầu của họ và mua những gì họ thích. Nhưng những nhu cầu đó đến từ đâu? Chúng đến từ lịch sử, văn hóa của một con người, vấn đề mà hầu hết các lý thuyết kinh tế không thể giải quyết.

Theo quan điểm của Veblen, mọi người không đưa ra quyết định về việc mua cái gì và dành thời gian để làm gì thông qua sự tính toán hợp lý. Để thật sự hiểu về quyết định của con người, bạn phải để ý đến những bản năng và thói quen của họ, những thứ được định hình bởi xã hội nơi mà họ lớn lên. Nhìn qua thì chủ nghĩa tư bản có vẻ không giống với các xã hội bộ lạc cổ xưa với các điệu nhảy cầu mưa, lễ hiến tế động vật cho thần linh và những món quà bằng vỏ sò cho các bộ lạc khác. Những người có lý trí trong xã hội tư bản tham gia vào việc mua, bán và tạo ra lợi nhuận.

Nhưng Veblen cho rằng, thực ra, nếu bạn quan sát kỹ bạn sẽ thấy những phong tục nguyên thủy vẫn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại. Chúng ta mua hàng hóa không chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân như những người có lý trí, mà còn để được công nhận bởi những người khác. Hãy thử nghĩ về chiếc áo phông gần đây nhất bạn mua: kể cả khi bạn mua nó bởi vì bạn thích, chẳng phải bạn cũng sẽ tự hỏi liệu bạn bè mình có thích nó không sao? Liệu bạn có chọn một chiếc áo mà bạn thích nhưng bạn biết những người khác sẽ chê bai nó?

Trong những xã hội trước đây, con người tìm kiếm sự công nhận của người khác bằng việc trở nên quyền lực đến mức không cần phải làm việc. Tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, thặng dư hàng hóa xuất hiện vì con  người trở nên giỏi hơn trong việc trồng trọt và sản xuất. Thặng dư cho phép các giáo sĩ, hoàng đế và các chiến binh có thể sống mà không cần phải làm việc. Những thứ quý giá của họ – chén bạc, vương miện tinh xảo, những thanh gươm nạm đá quý – mang lại cho họ sự tôn kính. Những công việc hằng ngày trở nên tầm thường với họ.

Veblen nói rằng, những tộc trưởng ở quần đảo Polynesia quen có người hầu để làm mọi công việc cho họ đến mức họ thà chết đói còn hơn phải tự đưa thức ăn vào miệng mình. Veblen nhìn thấy sự tương đồng trong nền kinh tế Mỹ đương thời. Tầng lớp giàu có mới sống bằng tiền lời từ cổ phần và những khoản tiền thừa kế mà không phải làm gì. Giống như những tộc trưởng ở quần đảo Polynesia, họ nhận được sự công nhận của xã hội bằng việc cho mọi người thấy họ có thể sống mà không cần làm việc thông qua việc hưởng thụ và mua những món đồ đắt tiền.

Veblen xem việc sở hữu những biệt thự và những chiếc áo khoác lông cũng như chuyên đi của họ đến vùng đất Riviera ở Pháp là “tiêu dùng phô trương”. Họ chỉ mua sắm nhằm mục đích khoe khoang. Ông gọi số ít những người này là “giai cấp nhàn rỗi”. Những người thuộc giai cấp nhàn rỗi mặc những chiếc áo đuôi tôm và thắt cà vạt lụa để nhấn mạnh việc họ không tham gia vào những công việc chân tay như là đào đất hay lái xe buýt.

Quần áo của họ được xem là đẹp hơn những chiếc áo vải lanh đơn giản của người nông dân. Nhưng đối với Veblen, không có lý do gì mà những đôi giày da của người giàu lại đẹp hơn những chiếc áo khoác bị sờn ống tay của người nghèo. Quần áo của phụ nữ càng cần phải xa hoa để thể hiện rằng họ không bao giờ phải nạo khoai tây hay lau cửa sổ: “Lý do chúng ta quyến luyến chiếc váy là hỏi vì nó đắt tiền và nó khiến cho các cô gái gặp khó khăn trong mọi chuyển động nên không thể làm được gì”. Vợ của những người giàu chính là để khoe khoang cho sự giàu có của chồng.

Một mặt, nhu cầu để tạo ấn tượng có nghĩa là khi giá của những chiếc váy lụa tăng, nhu cầu về nó lại càng tăng theo chứ không hề giảm. Với một mức giá cao mà ít người có thể có đủ tiền để mua, chiếc váy trở thành một cách để thể hiện địa vị của bạn và vì thế càng nhiều người giàu muốn mua nó. Veblen cho rằng tiêu dùng phô trương sẽ ảnh hưởng đến các tầng lớp thấp hơn, những người muốn giống như tầng lớp giàu có.

Giai cấp trung lưu mua những chiếc thìa với tay cầm bằng ngà không hề cải thiện chức năng của chiếc thìa nhưng có thể khiến người dùng nó trở nên sang trọng hơn trong mắt bạn bè của mình. Thậm chí những người nghèo nhất cũng có thể nhịn đói để mua những chiếc bình hay vòng cổ trước khi nó hết hàng. Veblen cho rằng tiêu dùng phô trương là một sự lãng phí. Nó khiến động cơ kinh tế từ sản xuất những thứ mà con người cần trở thành những thứ mà họ muốn khoe khoang. Hậu quả là một chuỗi thất vọng: mọi người bắt chước người giàu bằng cách tiêu dùng nhiều hơn, người giàu thậm chí còn mua những thứ đắt tiền hơn để khiến họ luôn nổi bật và mọi người phải chật vật để theo kịp họ.

Veblen chắc chắn đã thực hành lối sống tiết kiệm theo đúng tinh thần những lời chỉ trích của mình. Quần áo của ông quá rộng và thường trông như thể ông đã mặc chúng mà đi ngủ, và ông phải gài chiếc đồng hồ của mình một cách sơ sài vào chiếc áo vest bằng một chiếc ghim. Ông thậm chí còn đưa ra ý kiến dùng giấy để làm quần áo thay cho lụa và vải tuýt. Các tù trưởng của thổ dân hiện đại Mỹ là những người giống như Cornelius Vanderbilt, người mà trong thể kỷ 19 từ một chàng trai chèo thuyền không được đi học trở thành một ông trùm đường sắt giàu có với khối tài sản đáng giá hàng tỉ USD theo giá trị hiện nay.

Dòng họ nhà Vanderbilt xây dựng hàng loạt dinh thự khổng lồ và các khu nghỉ dưỡng mùa hè. Một trong số họ vào dịp sinh nhật đã tặng vợ mình Ngôi nhà cẩm thạch ở đảo Rhode, một cung điện xa hoa làm bằng hơn 14.000 mét khối đá cẩm thạch trắng. Đằng sau sự tiêu dùng phô trương của những người như Vanderbilt là một bản năng mà Veblen gọi là “sự săn mồi”. Trong khi những vị thủ lĩnh của những tộc người dã man tấn công người khác bằng giáo mác thì giai cấp nhàn rỗi hiện đại hạ gục đối thủ của mình bằng những cú lừa tài chính. Ví dụ như trận chiến giữa Cornelius Vanderbilt và một doanh nhân khác, Daniel Drew, để giành quyền kiểm soát đoạn đường sắt chạy giữa Chicago và New  York.

Drew đã bày ra một kế hoạch để đánh lừa Vanderbilt bằng việc tác động đến giá cổ phần của công ty đường sắt. Để kế hoạch thành công, ông cần phải khiến giá tăng vọt. Ông đã ghé thăm một quán bar quen thuộc của những nhà môi giới chứng khoán ở New York, và trong khi nói chuyện với một vài người ở đó ông giả vờ rút chiếc khăn tay để lau mồ hôi trán và cố tình làm rơi một mảnh giấy xuống sàn, ra vẻ không chú ý. Sau khi ông rời đi, những nhà môi giới nhặt mảnh giấy nhỏ lên. Nó ghi một “gợi ý”: thông tin được viết ra để khiến họ tin rằng giá cổ phần của công ty sẽ tăng. Những nhà môi giới vội vàng thu mua cổ phần với hy vọng kiếm lợi nhuận.

Đúng như kế hoạch, giá cổ phiếu tăng phi mã. Cú lừa của Drew như là một nước cờ chiến thắng (thật ra thì Veblen theo dấu sự phổ biến của các cú lừa trong giới nhà giàu về cùng nguồn gốc một bản năng “săn mồi” ). Kế hoạch giúp cho Drew kiểm soát đoạn đường sắt. Vanderbilt, Drew và những người như họ góp phần tạo nên nền kinh tế mới ở Mỹ nhưng nền kinh tế đó là chủ nghĩa tư bản máu lạnh. Họ sẽ lừa lọc và thực hiện những âm mưu miễn là việc đó có thể tạo ra tiền. Họ được biết đến như những “ông trùm cướp bóc” vì sự tàn nhẫn của mình. Vanderbilt đã từng nói: “Tại sao tôi lại cần quan tâm đến luật pháp? Không phải là tôi đã có quyền lực rồi hay sao?”

Veblen cho rằng, bản năng săn mồi không có ích gì với những nhu cầu thực tế của con người. Tuy nhiên còn có một bản năng khác, bản năng “lành nghề”. Đó là bản năng làm những công việc có ích để phục vụ cho nhu cầu của toàn cộng đồng: ví dụ như sửa chữa đường sắt và đảm bảo tàu chạy đúng giờ.

Veblen không kêu gọi một cuộc cách mạng như Marx. Ông nghĩ rằng sự lãng phí gây ra bởi tiêu dùng phô trương sẽ biến mất khi xã hội được thống trị bởi bản năng lành nghề thay vì bản năng săn mồi. Xã hội sẽ đào thải những cặn bã còn lại của xã hội man rợ. Đó sẽ là dấu chấm hết cho vòng luẩn quẩn của việc mua sắm để bắt kịp với những người hàng xóm.

Con người với bản năng lành nghề là những công nhân và kỹ sư, những người phát minh và cải tiến máy móc. Một xã hội tốt đẹp hơn sẽ là xã hội mà họ góp phần hướng nền kinh tế đến việc thỏa mãn nhu cầu thực sự của con người. 

Mặc dù thuyết kinh tế học phi truyền thống của ông không bao giờ phổ cập nhưng người đàn ông Na-Uy lập dị đã được công nhận bởi những đồng nghiệp của mình vào năm 1925, khi gần 70 tuổi, ông được đề nghị làm chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Mỹ. Veblen từ chối và trở về một ngôi nhà gỗ nhỏ trên đỉnh đồi với cỏ bao quanh ở bên ngoài Palo Alto tại California. Tại đây, ông sống trong một căn phòng đơn giản với đồ nội thất ông tự làm.

Vào tháng 10 năm 1929, tại những tòa nhà chọc trời xa xôi ở New York, thị trường chứng khoán sụp đổ và cuộc khủng hoảng đã thổi bay sự hào nhoáng của nền kinh tế Mỹ. Veblen không còn sống để chứng kiến điều đó, ông qua đời một vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Cho đến những ngày cuối của cuộc đời, ông sống tách biệt với mọi thứ, chỉ còn chuột và những chú chồn làm bạn trong căn lều của mùih

Tháng Mười hai đến rất gần rồi các bạn nhỉ. Một tháng mà không ở đâu mình lại thấy có không khí của Tháng Giáng sinh hơn ở thành phố của chúng ta. Một tháng mà có quá nhiều thứ để mà viết.

Chúng ta sẽ cùng nhau đi qua 31 ngày tuyệt vời này nhé,

với “Last Christmas” – Giáng sinh cuối cùng –

Good night and Good bye November!

November 29, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Tháng Mười một của trái tim (9)

by Rose & Cactus November 27, 2023

2.

TRÌNH LÀNG TRÌNH CHẠ

Do cả buổi sáng trèo lên rồi lại trèo xuống ngọn núi cao để lên chùa cây Gạo nên khi về đến nhà hai cẳng chân của hai anh công tử bột Nam Bộ đau nhức  ê ẩm. Bởi vậy buổi tối thay vì dạo loanh quanh bát phố như dự định thì hai anh chịu chết không sao nhấc nổi mình ra khỏi cái giường:

-Này Mountain, nghĩ kể ra cũng phục nàng Chính Thất thật chứ chả. Ngày nào nàng cũng trèo đèo lội suối rồi hái hoa chặt củi rồi cắt cỏ gặt lúa thế mà nàng vẫn có sức để mà selfie rồi livestream ầm ầm.

Charlie nhăn nhó đổ ít dầu con Ó ra bàn tay rồi xoa bóp dọc cái bắp chân mỏi nhừ của nó

-Thì tao đã bảo mà. Đừng có đùa với phụ nữ, họ có lếp vế chẳng qua họ nhường cho phái mạnh thôi nhưng chúng ta cứ tưởng bở. Giờ mày có muốn khỏi nhanh không?

Charlie đúng là tưởng bở thật:

-Mày lại còn rành cả về y học nữa cơ à?

-Nếu mày cho đó là y học. Thì nàng Màu đó, nghe đâu cha mẹ nàng có hàng loạt tiệm tầm quất ăn nên làm ra ở cái phố Núi này. Giờ mày chỉ cần đóng bộ comple, tóc xịt keo bóng lộn, đeo quả con kính đen Gucci nữa đảm bảo nàng sẽ trực tiếp ra nghênh đón, có khi mày còn không mất đồng xu cắc nào.

-Cái thằng khỉ khô, tao không đùa đâu! Mới được nửa đường mà đã thế này liệu có đủ sức học được bí quyết Hạnh phúc của Chính Thất không nữa

Charlie miệng vẫn không ngớt kêu la

-Thôi, trở lại sự vụ ban sáng đi. Mày có sáng kiến gì về vụ của chú Tiểu không?

-Giá mà lúc trên núi mày cứ để tao xông vô thì biết đâu ả Thị Màu ê mặt mà không dám lảng vảng bên chú nữa rồi. Mày lại cứ muốn giữ thể diện cơ

-Đời nào. Đến cả cái làng này ả còn chẳng ê nữa là hai cái thằng oắt con từ đâu đến. Mày tưởng dễ ăn lắm đấy

-Để tao đánh điện gấp hỏi thằng Monster xem nó có cho chú một chỗ trú chân tạm thời không.  Mình sẽ đưa chú đi là xong chuyện.

– Việc mày hỏi “cụ xứ” nhà chúng mày thì cứ hỏi. Tao thì cho rằng cách đấy khó, vi nếu muốn đi chú đã đi lâu rồi. Có lẽ, trị cho ả lẳng lơ một bài học  để ả thôi ngay cài trò  tán tỉnh ấy đi có vẻ khả quan hơn.

Dứt lời, nó đã thấy Charlie hì hục ghi ghi chép chép ra chừng nghiêm túc lắm. Biết thằng bạn đang biên thư tới “cụ xứ”, Mountain bước ra ngoài.

Mới canh 1 thôi mà cả cái trấn vùng biên đã chìm trong màn đêm. Trời tối mù mịt. Những vách núi dựng đứng không thể trông rõ hình hài chỉ còn biết tỏ rõ uy lực và sự thống trị của nó bằng  những âm thanh vang vọng của đủ các giống loài trú ngụ trên đó. Tiếng cú, tiếng quạ hay tiếng sói tru tréo hoà cùng với tiếng gió ù ù không ngớt  có thể khiến những người yếu tim khóc thét nếu phải ở một mình.

Lâu lâu, vẳng lại tiếng chó sủa đổng khi có ai đó đi ngang qua ngõ. Sao mà ở cái xứ này họ nuôi chó lắm thế cơ chứ ?  Nhà ai cũng có cả một đàn. Thoạt đầu, Mountain không hiểu vì sao mà hễ cứ sang nhà nhau chơi kiểu gì người dân cũng phải cầm theo một chiếc gậy dài. Hoá ra là để đuổi chó. Nói gì nói, Mountain cũng thấy ớn mấy cái con vật dữ tợn này.

-Làng trên xóm dưới! Bên sau bên trước! Bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng; mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó day tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha nó ra, không thì tôi chửi cho đới!

……Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở mấy chồng mấy con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà.

Nhược bằng mày chấp chiếm , thì bà đào thằng tam đại, tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem.

Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ, mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ợ!

(Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan)

Tiếng chửi, nghe của một mụ đàn bà,  đánh tan cái  tĩnh lặng của một buổi tối mùa Đông. Thằng Charlie chạy bổ ra cửa

-Cái gì vậy Mountain?

-Nào tao có biết?

Quả tình nó cũng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nên mắt tròn mất dẹt. Ngay sau đó, hai thằng nghe bước chân thình thịch chạy qua sân. Giờ đây đứng trước mặt chúng là cô Pha, chủ cái phòng trọ này.

Cô run lên, răng nghiến kên két, mắt hướng về cái dậu mùng tơi ngăn cách nhà cô với nhà hàng xóm, đoạn bảo hai người khách trọ:

-Đấy các con xem, ai mà nhịn được ?

-Cô Pha ơi, bình tĩnh nào, cơ sự nó ra làm sao cô tường thuật lại bọn con nghe thử?

Charlie chạy ra dắt cô lại hiên nhà. Cô Pha thở hồng hộc, ném cái nón mê  rách nát với đôi quang gánh đánh phẹt xuống đất. Rồi cô cầm vạt áo nâu sòng vá chằng vá đụp, không hở ra được một chỗ nào cho nó gọi là có chút phẳng phiu,  đưa lên trán quệt đi những giọt lấm tấm mồ hôi. Hẳn là cô phải vừa lao động cực nhọc về vì trời lạnh thế mà.

Thằng Mountain chạy vào nhà rót ra ly nước đưa cô. Không khí bỗng nóng rừng rực:

-Chả giấu gì các con. Cái nhà lão Trương Sinh ấy không hiểu ăn phải bả gì mà cứ ám mãi vào nhà cô đây. Tiên sư nhân, lão đặt tên cho thằng con lão y như tên của nhà ông cô (bố chồng) để rồi không ngày nào lão không đem con lão ra để chửi, mà nào thằng bé có tội có tình gì đâu. Vợ chồng lão làm thế cốt để cho cô chú đây uất ức mà chết đi vì ngày nào cũng nghe tên ông cụ bị lôi ra ví với những gì xấu xa nhất. Ôi trời cao đất dày ơi là trời cao đất dày.

Cô Pha nắm tay đấm thùm thụp vào ngực rồi cả thân trên cô uốn éo quằn quại như đứa trẻ bị đánh đòn. Charlie đưa mắt nhìn sang Mountain:

-Cô ơi, đừng có xúc động quá thế, chuyện gì thì cũng cứ thư thư

-Con bảo thư thư là làm sao? Bao nhiêu cái uất ức cô đã chịu nhịn bảy tám tháng nay rồi. Các con cứ thử ở vào hoàn cảnh của cô chú xem chúng mày có nhẫn nổi một ngày không hử?

Cô Pha đặt ly nước xuông cái chõng, rồi đứng phắt dậy. Đoạn cô nhặt chiếc nón lá rồi chạy ngay ra cái đoạn hàng rào nơi có mái nhà Trương Phi chỉa sang. Cô vung cái nón lên xuống và lấy hết sức để âm lượng của cô phải ngang cỡ mụ hàng xóm ban nãy:

-Này đừng tưởng cả thiên hạ này mắt mù tai điếc hết cả nhá con mẹ ngoa ngoắt kia. Mày có chửi ai thì mày đứng ra đằng nhà ngõ nhà mày mà mày chửi cho cả làng cả tổng, cả tông ti họ hàng hang hốc nhà mày nó nghe thấy thì may ra người ta thương tình mà bổ đi tìm gà tìm qué cho đằng nhà mày nhá. Chứ mày cứ mang hết của nả nhà mày ra mày chĩa sang đây thì được gì? Bà đây có gí vào thèm cái con gà què nhà mày mà mày cứ bóng gió xuôi ngược, ngược xuôi.

Cô Phan toan ca tiếp bài ca vọng cổ cải biên thì mệt quá, áng như sắp đứt hơi đến nơi. Cô trông còn yếu lắm, nước da dù trong ánh sáng lập loè hắt ra từ cây đèn Huê Kỳ vẫn nhìn ra sự xanh xao. Nghe nói cô mới sinh chưa được mấy ngày. Vậy mà hôm nay đã phải chạy chợ rồi. Nhìn dáng vẻ tất tả, rõ ra là người lao lực của cô chủ trọ, Charile thấy cảm động lại nước mắt ngắn dài. Tự nhiên, nó cảm thấy chẳng còn nhức mỏi gì nữa.

Mountain không phải là không nhận ra. Nó lại chạy vào lấy nốt hai cái bánh bao nóng, dự định dùng làm bữa lót dạ trước khi đi ngủ. Cái xứ lạnh đúng là đến khổ,  rét mướt làm cho bụng dạ  nhanh đói. Cứ vừa ăn xong đã lại muốn ăn. Hẳn nào người ta bảo ở xứ này mà nghèo là mạt. Chết rét đã đành, còn dễ cả chết đói.

-Cô Pha, cô cầm hai cái bánh này về ăn tạm. Giờ khuya sương giá dầy đặc, cô đứng ngoài này không hề tốt cho sức khoẻ đâu. Cô về đi chuyện đâu còn có đó.

Mountain dúi cho bằng được hai cái bánh vào hai bàn tay gày guộc xương xẩu của cô Pha, không cách gì khiến cô chối từ được. Giờ lại đến lượt cô rơm rớm:

-Cám ơn hai con, từ sáng đến giờ thật tình cô chưa có cái gì bỏ bụng

-Cô yên tâm, mai cô có chửi con sẽ ra phụ cô. Trình của cô còn non lắm, sao đọ lại với cái phường ngoa ngôn ấy. Cô về đi nha!

Charlie đỡ cái đòn gánh nằm chỏng chơ giữa sân rồi đặt lên vai cô Pha

Đúng lúc ấy, có tiếng trẻ con khóc ré lên. Là thằng Bạch con cô, chắc thằng nhỏ đang khát sữa. Khổ, mối mười mấy ngày tuổi đã phải xa mẹ cả ngày. Cô Pha đón lấy chiếc quang gánh, lại lấy tay quệt lấy giọt nước mắt, lặng lẽ đi về căn nhà nơi tiếng trẻ như đang xé toạc màn đêm.

Ngoài cửa, gió bắt đầu rít lên từng cơn buốt đến tận óc. Mountain và Charlie vội vào nhà. Hai thằng thấy buồn hẳn, mông lung với bao những suy nghĩ.  Charlie đã viết xong thư cho Monster, nó đã gửi tín hiệu qua đường truyền cáp quang dưới lòng đất cho “cụ xứ”. Mountain thì  lúi húi với cái bếp củi nơi góc nhà. Nó cần phải tạo lửa để mang lại hơi ấm cho cái căn phòng trống trước trống sau, không thì bọn chúng sẽ đông cứng người lại mất. Nhiệt độ đang rơi xuống dưới 5 độ.

Thực ra ban đầu Mountain không định thuê cái phòng trọ tồi tàn này đâu nhưng khi nhìn thấy gia cảnh cô Pha nó mủi lòng, tặc lưỡi, thôi thì làm phúc cho người ta. “Mình cũng có ở nhà mấy đâu, chỉ cần chỗ tối đặt lưng thôi mà. Vả lại, có lẽ cũng chẳng ở đây mấy ngày”. Nó đã nghĩ thế đấy dù rằng khi quan sát toàn bộ căn phòng nó thực sự cảm thấy ngán ngẩm:

Mái tranh đầy mạng nhện rủ lủng lẳng xuống hàng tràng, là một chỗ hứng rất được nhiều nước mưa, và tiện thể cho chảy vào nhà tong tỏng. Từ dưới cái mái ghẻ lỡ ấy đến mặt phản ồm yếu, là một kho to tát để giữ khư khư lấy một thứ hơi vừa ẩm vừa hôi, một công trình trộn lẫn rất ít công phu của các thức ăn, để mặc, để dùng, để ở. Dưới gằm phản tối tăm là ací trại muỗi, chỉ chờ lúc có người là thả đội quân du kích. Mắt nền là cái nền rât tốt, đầy xanh rêu, có điểm từng đống mùn mọt hung hung.

Dưới tầng đất là chổ ở rất bình tỉnh của những gia đình đủ các thứ chuột to nhỏ, tha hồ mà sinh năm đẻ bảy. Và khắp cả, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ phải sang trái, nhà ấy lại cà cái hủ, đặt quyền sự nhốt vi trùng các chứng bệnh. Xung quanh hũ, ngay khi chủ hạ liếp xuống để đi vắng đã hiện ra hàng trăn, nghìn khe và lỗ để ánh sáng vào, chẳng khác gì từng ấy con mắt ghê gớm của các vị hung thần vay quanh tứ phía chòng chọc nhìn vào, để canh cho một thứ giết người nào ở trong được lọt ra ngoài vậy. 

(Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan)

Chuyện cô Pha bị nghi oan trộm gà nhà hàng xóm là chuyện của tối hôm qua. Có lẽ vì là một ngày xảy ra quá nhiều chuyện nên đêm đó khi đọc xong thư của Monster thì Mountain và Charlie quay ra ngủ say như chết, liền một mạch đến tận gần trưa khi  mặt trời đã lên cao đến đầu ngọn tre. Dù là thế khi tỉnh dậy chúng vẫn thấy một không khí nặng nề bao trùm

– Charlie này, có quá nhiều chuyện bất ngờ xảy ra nhưng nó đã là như thế. Tao không nghĩ lại được chứng kiến những cảnh thế này.

Mountain trầm ngâm quay qua thàng bạn đang  mở cái balo nhỏ lấy ra chiếc áo khoác dầy. Charlie có lẽ đã biết lo cho bản thân hơn, vì nếu nó bệnh, không biết nơi đây có nhà thương nào gần không đế mà xin thuốc nữa!

-Thằng Monster nó kêu nên làm cho ả Thị Màu thôi tơ tưởng chú tiểu. Nhưng tao vẫn chưa nghĩ ra cách nào được. Thôi thì sáng nay tao cứ vòng qua tham khảo ý của cô Tẹo xem thế nào!

– Vậy chúng ta chia đôi đường, tao sẽ loanh quanh trong  làng  xem thử có cái gì hay không, biết đâu lại tìm ra một ý tưởng nào đấy

– Uh, thế thì hơn

Mountain trong túi lúc nào cũng đủ các loại phục trang và giờ đây tự nhiên nó muốn giả dạng một nhân vật nào đấy. Nghĩ đi nghĩ lại nó quyết sẽ đóng vai cha thầy bói mù.

Mọi thứ thật lẹ như tính cách của Mountain, chỉ một loáng Charlie tưởng nó đang đứng trước một thầy bói thứ thiệt: Một thầy bói với khăn xếp đen trên đầu, đôi guốc mộc dứoi chân, lại con bộ quần áo the lĩnh cùng cái kính mắt tròn.

Charlie cười rũ rồi lắc đầu

– Chưa đủ, mày phải có thêm quả này nữa mới đúng chuẩn lão bói xem voi

Nói rồi nó chạy ra phía góc nhà lấy ra một cây gậy y như cây ba tong đưa cho Mountain.

-Mày kiếm đâu hay vậy?

– Của lão thầy bói chột dưới mạn Hà Đông. Lão lấy tao mắc quá những năm đồng trong khí chỉ phán toàn thứ nhảm nhí thiên địa sai tè le. Tao ức giấu tiệt cây gậy của lão đi không ngờ đi đường rừng lại hữu dụng. Mà mày nghĩ ra được trò gì rồi à?

-Chưa. Nhưng chắc chắn sẽ.

Charlie cẩn thận hạ tấm liếp trước hiên căn nhà trọ khi bóng thằng Mountain nhỏ dần trên con đường cái quan chạy qua cổng nhà cô Pha. Nó nhìn sang nhà cô thì thấy khóa cửa. Hẳn là cô đã lại chạy chợ còn chú thì đã ra đồng từ sớm. Trên sân chỉ có con chó Mực đang xoay tới lui cục xương khô, chắc nó mới tha được về từ bãi rác. Charlie khẽ lắc đầu: Chủ khổ thế sao chó sướng được. Rồi nhẹ nhàng khép cổng rẽ ra đường lộ.

Hướng về đầu quán nước cô Tẹo!

Dù ánh mặt trời đã rạng rỡ và sương tan đọng thành vũng trên mặt những chiếc lá khô rơi rụng ven đường nhưng Charlie vẫn có cảm giác răng của nó va vào nhau lập cập. Nó đi nhanh hết mức có thể nên chẳng mấy đã thấy thấp thoáng cái quán nước quen thuộc hiện ra trước mắt. Tuy vậy đến khúc ngoặt ngay ngã ba cây gạo khi ngang qua một căn nhà ọp ẹp, phải gọi là túp lều thì đúng hơn bỗng Charlie nghe tiếng ồn ã vọng cả ra ngoài. Nó dừng lại ghé tai vào cái vách đất tường nhà nằm sát lề đường.

Nó nghe một giọng  nữ:

-Thầy bảo rao thế nào ạ?

“Ah chắc là nhà chú mõ làng đây mà. Chả có gì mình đi thôi!” Charlie lẩm bẩm toan bước tiếp, bỗng một cái tên được nhắc đến khiến nó dừng lại ngay:

Nghe đây này

Trình làng trình chạ

Thượng hạ tây đông

Con gái Phú Ông

Tên là Màu Thị

Mấy tiếng của những câu sau nhỏ dần khiến Charlie không sao mà nghe được. Có chuyện gì liên quan đến Thị Màu chăng? Chuyện gì vậy nhỉ?

Charlie cố đu vào cái đám cúc tần cao hơn đầu người được trồng làm hàng rào sát bức vách, mãi rồi cũng gác được cằm lên cái lỗ thoáng như tổ tò vò  nằm tít trên phần cao nhất của bức tường. Tuy vậy cái lỗ bé như mắt muỗi ấy vẫn đủ rộng đẻ nó nhin thấy cảnh tượng  bên trong.

Mụ đàn bà, chắc độ trên dưới ba mươi, dáng vẻ săn chắc mặt mũi phừng phừng, đang giằng co với một gã đàn ông chừng già hơn mụ độ chục tuổi. Gã có cái mặt cứ thuồn thuỗn, hai cặp mắt tin hin cách nhau một quãng rộng phải bằng độ rộng khuôn miệng cá ngão của gã. Nó lại cứ như đối lập hẳn với quả mũi to tròn ung ủng đỏ lựng lên trong tiết trời giá rét.

Giờ thì mụ thét lên với âm lượng chắc trên đỉnh núi cao tiểu sư thầy cũng có thể nghe tiếng

Ôi bố Đốp ơi là bố Đốp ơi! Đi đâu để thầy xã thầy ấy ăn hiếp tôi đây này

Giờ Charlie mới biết gã  già chính là xã trưởng. Nghe mụ Đốp la làng gã liền dịu ngay giọng

Thôi, thôi! Lọt tai hàng sang tai họ bây giờ! Nín đi!Thôi tao xin mày! Rồi tao đền cho thúng thóc! Đi rao đi! Nhớ vào mời bằng được cụ Đòi điếc, nhớ đấy nghe không?

Xong lão ta chỉnh lại trang phục, rồi như không có chuyện gì, ung dung bước ra ngoài cổng nhà anh mõ làng. Charlie vội tụt xuống, đi một quãng ngắn nữa thì đến hàng nước cô Tẹo

-Khó lắm con ơi. Quanh đây chỉ có vài ngôi chùa mà các sư thầy đã có người giúp việc cả rồi

Cô Tẹo đưa Charlie cái bánh giò vẫn còn nóng hổi khi nghe nó kể ý định của nó với thằng Mountain

-Nhưng tụi con định ngỏ ý mời chú tiểu xuất hành sang vùng đất khác rộng lớn hơn tuy rằng nó thật hơi xa nơi đây!
– Nếu vậy thì còn gì bằng. Tuy nhiên, phải ướm thử xem ý chú tiểu ra sao đã chứ không đường đột được. Hôm nay ngày rằm, chùa đông lắm nên chú không có thời gian tiếp chúng ta đâu. Mai kia u con ta hẵng lên.

Vậy là xong coi như hôm nay sẽ không giải quyết được việc gì. Charlie ngồi lại quán u Tẹo một lúc rồi chào bà chủ quán ra về.

Vừa đến cổng nó đã nghe tiếng “họ họ” của chú Pha. Đã quá giờ trưa, chú xong việc ngoài đồng,  rong trâu về nhà. Căn nhà đổ bóng thành vệt dài trên khoảng sân nhỏ dưới những tia nắng đang dịch chuyển dần sang hướng Tây.

 Lần đầu tiên Charlie cảm thấy không thích đứng trong bóng râm

From William,

Charlie thân mến!

Giá có thể gửi chút nắng ấm phương Nam được ra ngoài đó cho mày chắc tao chẳng ngại, dù phí chuyển bằng DHL có mắc đến mấy :)). Nhưng thôi, thay vào đó tao gửi cho mày thêm vài cái áo len tao mua dịp này năm ngoái khi chúng ta có chuyến vi vu lên Đà Lạt. Cả năm qua chả dùng đến tẹo nào nên chúng còn mới tinh. Lại vô cùng thơm tho nên mày có thể mặc ngay được không cần giặt giũ gì. Còn giả mà mày đã thừa mứa quá thì có thể cho hàng xóm láng giềng quanh đó, nếu  họ cần.

Mày hỏi tao có thể giúp mày soạn một bài ca cách tân để đáp lại cái bài ca mất gà củ rich ẩy hả? Thú thực với mày, nhà tao chưa bao giờ nuôi gà và cũng chưa bao giờ bị ai đổ oan cho ăn trộm gà nên cũng không biết cái cảm giác đó nó ra làm sao để mà sáng tác. Giá kể hai nhân vật hàng xóm cách nhau cái giậu mồng tơi đó gặp phải tình trạng kiểu như trong thơ của cụ Nguyễn Bính “Hai người sống giữa cô đơn, Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.” Thì ối giời ơi luôn tao có thể sáng tác cho mày độ chục bài thơ còn hay hơn nhiêu bài thơ hàng xóm của cụ Nguyễn :)))

Thế nên ngồi trong thư phòng cả buổi, nghiến nát mấy cây bút tre mà tao cóc có nẩy ra được nấy dù chỉ một chữ. Buồn bưc, tao đóng cửa, bước ra phố. Tao cứ đi vô định như thế một lúc thì chạm ngay  cửa hàng nhà thằng Jack.  Đã lâu quá rồi bạn bè không gặp nhau nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, tao xông vào liền.

Quán đang giờ cao điểm. Ôi chao là nó đông. Trái ngược hoàn toàn với tình trạng ế ẩm như trong bản báo cáo mà tao đã gửi cho thằng Monster về tình hình kinh doanh của nó vào tháng trước. Mừng quá cơ, không biết nó làm gì mà xoay chuyển tình thế nhanh đến như vậy. Tao cần phải biết ngay mới được!

Nghĩ thế tao phăm phăm rẽ lối qua hai dãy khách đang xếp hàng đợi đến lượt. Mãi đến cuối căn phòng tao mới thấy một thằng nhìn như Jack mà lại không giống Jack. Tao tưởng mắt mình có vấn đề nên lau đi lau lại cái mắt kính để khỏi lầm. Đúng là Jack mà nhưng dung nhan nó khác quá. Trên mặt nó không phải là cái kính thời trang như nó vẫn từng đeo mà là quả kính cận mà độ dày có khi còn gấp đôi cái kính của tao. Mái tóc bóng loáng kiểu tài tử Hollywood cũng biến đâu mất, thay vào đó là kiểu tóc bổ đôi kiểu anh hai Đan Trường. Ôi Jack đây sao?

Chính là nó chứ không thể là ai khác. Vì cái bản tính hiếu khách của nó thì không lẫn với ai được. Thoáng trông thấy tao là nó chạy ra ngay mà ôm vai bá cổ:

-Ôi lâu qúa rồi người anh em ơi!

Mày biết tính tao rồi đấy, vốn dễ xúc động, thế là lại muốn rưng rưng. Chúng tao nói chuyện một thôi một hồi rồi nó bắt tao ngồi xuống để nó cắt cho bằng được cái mái tóc người rừng của tao:

-Này Jack, chuẩn bị cuối năm tớ phải gửi báo cáo gấp cho thằng Monster để nó dâng lên Ngọc Hoàng. Tình hình kinh tế năm nay bi đát lắm nên tớ rất mừng khi thấy cửa hàng của cậu đông đúc thế này. Cậu có thể cho bọn tớ biết nguyên do?

-Ôi, William, cậu quá khen làm tớ ngại quá không biết nói gì cả

-Đừng có khiêm tốn thế chứ

-Chuyện là thế này, sau nhiều lần gặp phải tình huống như thằng Leo và Charlie, tớ quyết thay đổi bản thân, như cậu thấy bộ dạng tớ lúc này đấy, đẹp trai hơn hẳn đúng không :)). Tớ chẳng đi tìm hạnh phúc ở đâu xa xôi nữa, hạnh phúc là tất cả những gì quanh ta và ta hãy hưởng thụ từng phút từng giây. Tình yêu cũng vậy, khi nào đến thì nó khắc đến thôi đừng cố kiếm tìm làm cái gì. Ở đời, con người ta có duyên cả cậu ạ. Tớ tin vào cái câu mà các cụ đúc kết lắm “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà vô duyên thì dẫu tri diện vẫn bất tương phùng.

Thế cho nên thay vì chính sách giảm giá cho các cặp đôi (ai quên lục lại báo cáo của William xem lại :)), tớ đề ra một chiến lược marketing khác hẳn. Tớ giảm giá đến 50% một mái đầu cho hai đối tượng: Độc thân và đơn phương :)) và giảm đến 80% cho những ai vừa bị “đá” :)), nếu là nữ trong tình huống này tớ giảm 95% luôn. 

Chỉ thế thôi mà cậu biết không, cửa hàng của tớ sau đúng một ngày khách hàng muốn cắt tóc cũng phải đặt lịch trước như đặt lịch đi khám bệnh. Thế mới biết, cậu ạ, chủ nghĩa độc thân đang lên ngôi rồi, chả trách chi suốt ngày báo đài ra rả về sự suy giảm dân số :))

 Đến giờ, khi chỉ còn mấy ngày nữa là hết tháng mười một mà tớ đã hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu năm.

Jack cao hứng làm một tràng nhưng vì thú vị quá nên William không quên chi tiết nào. Nó đang định nói câu cảm phục thằng bạn thì thấy lấp ló trên cái bàn tròn đặt gần nơi nó đang cắt tóc một cuốn sách triết học. Sách triết cơ à? Thằng Jack mà đọc sách Triết thì có khi còn lạ lùng hơn cả thằng Monster xuống núi :)).

William đầu nghĩ tay đã nhấc quyển sách lên: “Cộng hoà”, một tác phẩm của triết gia Hy Lạp Plato? Ôi giời ơi, có phải Jack không vậy? Nhẽ lại thằng Skeleton “đầu độc” nó bằng những thứ khó hiểu này?

-Không đâu, chính tớ qua nhà nó lấy về đấy. Đọc xong tớ giữ lại chẳng thèm trả nó luôn. Kệ, thằng chả còn mấy miếng đất, quyển sách này nhằm nhỏ gì :))

-Rồi đọc xong cậu thấy sao?

-Thì tuyệt quá chứ sao thi sĩ. Trời ơi, sao mà đến bây giờ tớ mới khám phá ra những thứ hay ho thế này chứ?

Rời nhà Jack, tao cứ nghĩ về nó và về tình huống của mày. Charlie ơi, thay vì giúp cô Pha soạn cái bài chửi thô thiển thế thì  ta thử xem có cách nào khác không? Mày đọc màn đối thoại dứoi đây rồi suy ngẫu sâu hơn thử:

Glaucon đối thoại với Adeimantus về vấn đề công bình chính trực và  các yếu tố cấu thành một tổ chức xã hội

(Trích Chương 2 – Tác phẩm “Cộng hoà” – Plato)

……………………………..

‘Bản nhân sẽ nói quý hữu hay. Thế ngô bối đã chẳng nói công bình chính trực có thể là đặc tính của cá nhân hay thành quốc hay sao?’

‘Đúng rồi.’‘Thành quốc lớn hơn cá nhân chứ gì?’ ‘Vâng, lớn hơn.’

‘Bởi thế ngô bối có thể tìm hiểu công bình chính trực trên quy mô lớn hơn trong thực thể rộng hơn, như vậy nhận định dễ hơn. Vì vậy, nếu quý hữu không phản đối, bản nhân đề nghị  ngô bối bắt đầu tìm hiểu công bình chính trực trong thành quốc, rồi tiến tới cá nhân để xem có thể tìm ra cấu tạo của thực thể nhỏ hơn cái tương đồng với cái ngô bối đã tìm thấy ở thực thể lớn hơn không.’

‘Gợi ý có vẻ khả quan,’ Adeimantus đáp.‘Ờ,’ bản nhân tiếp lời, ‘nếu để ý quan sát thành quốc xuất hiện như thực thể trên bình diện lý thuyết, ngô bối cũng có thể nhận ra công bình chính trực và bất công bất chính phát xuất từ đó ra sao.’ ‘Có thể.’‘Làm vậy khi tiến trình hoàn tất, ngô bối hy vọng sẽ tìm ra dễ hơn cái ngô bối đang tìm.’‘Dễ hơn nhiều.’

‘Vậy quý hữu có nghĩ ngô bối nên thực hiện đầy đủ không? Vì khẳng định với quý hữu việc làm không dễ, phải suy nghĩ kỹ lưỡng.’

‘Ngô bối nghĩ rồi,’ Adeimantus đáp, ‘thực hiện đi.’

‘Ờ, xã hội xuất hiện,’ bản nhân tiếp lời, ‘theo chỗ bản nhân biết, vì cá nhân không thể sống biệt lập, cần nhiều nhu cầu cá nhân không thể tự cung tự ứng. Theo quý hữu có cộng đồng, xã hội hay thành quốc nào xuất hiện trên nguyên tắc khác không?’

‘Thưa, không.’

‘Khi có đủ người  để thỏa mãn nhu cầu đa dạng, khác biệt, khi đã quy tụ khá đông người cùng tham gia, cùng giúp đỡ để cùng sống một nơi, ngô bối gọi việc định cư như thế là cộng đồng, xã hội hay thành quốc phải không?’

‘Phải.’

‘Trong cộng đồng dân chúng trao đổi hàng hóa hỗ tương, vì nghĩ bên nhận bên trao đều có lợi, đúng không?’

‘Đúng thế.’

‘Nếu vậy,’ bản nhân bồi thêm, ‘ngô bối hãy tưởng tượng bức họa miêu tả nguồn gốc cộng đồng. Xem ra cộng đồng dường như phát xuất từ nhu cầu của ngô bối.’

‘Vâng.’‘Nhu cầu  thứ nhất và thiết yếu hơn hết rõ ràng là cung cấp thực phẩm để nuôi sống ngô bối.’ ‘Rõ ràng.’‘Nhu cầu thứ hai là chỗ ở, nhu cầu thứ ba là đủ thứ quần áo.’

‘Đúng thế.’

‘Ờ, nếu vậy, cộng đồng làm thế nào cung ứng đầy đủ nhu cầu như thế? Cộng đồng sẽ cần người làm ruộng, người làm nhà, người dệt vải, bản nhân nghĩ cả người làm giày, và một hay hai người nữa để chu cấp nhu cầu thân thể ngô bối đòi hỏi.’

‘Đương nhiên.’‘Như vậy cộng đồng ở mức nhu cầu nhỏ nhất sẽ gồm bốn hoặc năm người.’ ‘Hiển nhiên.’

‘Như vậy mỗi người trong số vừa kể sẽ góp phần sản xuất do công lao khó nhọc của mình cho mọi người cùng sử dụng? Chẳng hạn, làm ruộng một người sẽ cung cấp thực phẩm cho bốn người? Hay người đó sử dụng bốn lần thời gian và bốn lần công sức sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhu cầu của bốn người? Hoặc thay vì thế, không quan tâm tới bốn người, người đó sử dụng một phần tư thời gian sản xuất một phần tư số lượng thực phẩm,  ba phần tư thời gian còn lại, một phần tư làm nhà cho mình, một phần tư may quần áo, một phần tư làm giày? Nói khác đi, tránh không muốn chia phần với bốn người, người đó dồn công sức vào sản xuất để cung ứng chỉ riêng nhu cầu của mình thôi?’

Nghe thấy thế Adeimantus liền đáp: ‘Ô, Socrates, xem ra dường như cách đầu có lẽ đơn giản hơn.’

‘Trời đất ơi, rõ ràng là vậy,’ bản nhân tiếp lời, ‘vì lúc quý hữu vừa nói, bản nhân đã nghĩ thứ nhất ngô bối sinh ra theo lẽ tự nhiên đều khác nhau, không ai giống ai. Ngô bối sở đắc năng khiếu tự nhiên khác nhau, năng khiếu giúp ngô bối thích hợp với việc khác nhau, người giỏi nghề này, người khá nghề kia. Quý hữu có nghĩ vậy không hở?’

‘Thưa, có.’

‘Do vậy ngô bối nên ứng dụng một tay nghề hay tìm cách thực hành nhiều tay nghề?’

‘Mỗi người một nghề.’

‘Còn điểm nữa cần nói. Bất kể việc gì nếu không thực hiện đúng lúc là tai hại vô cùng.’

‘Đương nhiên.’

‘Người làm phải thành thạo khi bắt tay vào việc; người làm phải nhanh nhảu, không thể dềnh dàng, vì việc không chờ không đợi.’

‘Bắt buộc.’

‘Lượng gia tăng, phẩm tinh tiến, phương thức sản xuất hiệu quả khi người làm chăm chú đúng cách vào việc thích hợp tự nhiên, vào lúc khẩn thiết, bỏ qua không bận tâm tới việc khác.’

‘Nhất định.’

‘Như vậy ngô bối sẽ cần hơn bốn người, Adeimantus ạ, để đáp ứng nhu cầu vừa kể. Vì người làm ruộng sẽ không tự tay làm cày, làm cuốc, hay bất kể nông cụ nào nếu cần hoàn hảo. Sự thể đúng với người làm nhà và vô số dụng cụ người đó cần, và cũng đúng với người dệt vải, người làm giày. Đúng không?’

‘Đúng chứ sao!’

‘Bởi thế thợ rèn, thợ mộc, nhiều nghệ nhân tương tự phải tham gia làm việc, nhân số cộng đồng nhỏ bé của ngô bối gia tăng.’

‘Dĩ nhiên.’

‘Dù vậy số lượng vẫn sẽ không quá lớn nếu ngô bối thêm người chăn bò, người chăn cừu, người nuôi gia súc đủ loại khác nhau, để cung ứng bò cho chiếc cày, súc vật kéo xe cho người làm nhà,  người làm ruộng, cũng như da cho người làm giày, len cho người dệt vải.’

‘Không, song số lượng sẽ không còn nhỏ bé như thế nữa.’

‘Mặt khác, xem ra hầu như không thể xây dựng thành quốc tại nơi không cần nhập cảng.’

‘Đúng rồi, hoàn toàn bất khả.’

‘Do vậy, ngô bối sẽ cần thêm người để tìm kiếm, thu thập những gì cộng đồng cần từ ngoại quốc.’

‘Vâng.’

‘Nhưng nếu ra đi tay không, không mang hàng hóa thành quốc khác cần trao đổi, khi trở về người của ngô bối cũng sẽ trở về tay không, phải không?’

‘Chắc vậy.’

‘Bởi thế trong thành quốc ngô bối phải sản xuất không những đủ nhu cầu ngô bối cần dùng, mà cũng phải sản xuất đủ loại và số lượng hàng hóa ngoại quốc cần dùng.’

‘Đương nhiên.’

‘Thế có nghĩa là thành quốc sẽ gia tăng số lượng người làm ruộng và người làm thủ công.’

‘Vâng, thế nào cũng gia tăng.’

‘Và như vậy dĩ nhiên sẽ gồm cả người lo việc xuất cảng, nhập cảng hàng hóa, nghĩa là thương nhân, phải không?’

‘Thưa, phải.’

‘Vậy ngô bối cũng cần họ. Đồng ý chứ?’

‘Tránh sao khỏi.’

‘Nếu thương mại thực hiện bằng đường biển, ngô bối sẽ cần nhiều chuyên gia về thương thuyền và hàng hải.’

‘Dĩ nhiên, nhiều lắm.’
‘Vậy trong cộng đồng hiện hữu người dân làm thế nào trao đổi sản phẩm do công lao làm ra? Vì bản

nhân muốn nói trao đổi hỗ tương là nguyên do tạo nên cộng đồng.’

‘Hiển nhiên họ sẽ mua và bán.’

‘Như vậy sẽ đòi hỏi thị trường và thiết lập tiền tệ làm phương tiện trao đổi.’

‘Chắc vậy.’

‘Nếu người làm ruộng hay bất kỳ người sản xuất nào đem hàng ra chợ vào lúc không ai muốn trao đổi, người đó sẽ ngồi lì ở đó, vô công rồi nghề, bỏ bê việc của mình hả?’

‘Chắc hẳn không. Nhận thức tình trạng, vồ ngay cơ hội, có thành phần sẵn sàng lo dịch vụ ở đó. Trong cộng đồng tổ chức chu đáo thành phần này thường gồm người yếu đuối về mặt thể xác, do vậy không thích hợp với việc khác. Dịch vụ gắn liền, buộc chặt họ vào ngôi chợ, nơi họ trả tiền mua hàng của người muốn bán và nhận tiền bán hàng cho người muốn mua.’

‘Như thế sẽ làm nảy sinh thành phần bán lẻ trong cộng đồng. Ngô bối gọi người phục vụ nhu cầu công cộng qua việc mua bán ở chợ nội địa là tiểu thương, tương phản với người lo chuyện buôn bán ở chợ ngoại quốc là thương nhân.’

‘Đồng ý.’

‘Còn thành phần nữa  ngô bối cần dịch vụ của họ, người không thể đóng góp bằng sức mạnh trí tuệ, song có thể cung ứng bằng sức mạnh thể xác thích hợp với việc làm tay chân. Đem sức lực ra chợ bán, đổi lại lấy đồng lương, kết quả là họ thường được gọi là làm thuê, làm mướn.’

‘Đúng thế.’

‘Với người làm thuê, làm mướn thêm vào dân số cộng đồng xem ra tạm đủ.’

‘Vâng.’

‘Adeimantus ơi, như vậy liệu bây giờ có thể nói cộng đồng của ngô bối đã phát triển đầy đủ được chưa?’

‘Có lẽ được rồi.’

‘Vậy công bình chính trực và bất công bất chính ở chỗ nào? Hai yếu tố ngô bối đã xem xét xuất hiện ở thành phần nào trong cộng đồng?’

‘Tiện phu không biết, thưa tiên sinh, trừ phi hai yếu tố liên quan tới cung cách những người này cư xử với nhau.’

‘Ý nghĩ xem ra chí lý, ngô bối phải quan sát xem sao và tìm hiểu không chán mới được. Trước tiên ngô bối xem dân cộng đồng sẽ sống ra sao khi được cung ứng như thế. Dĩ nhiên họ sẽ sản xuất lúa mì, rượu vang, quần áo, giày dép và sẽ làm nhà ở. Mùa hè họ sẽ cuốc bộ ra đồng làm việc, không đi giày, mùa đông họ có đủ giày dép và quần áo. Về thực phẩm,  họ sẽ xay bột từ lúa mì, lúa mạch; họ sẽ nướng loại trên và nhào loại dưới; họ sẽ để bánh nướng, bánh mì thơm ngon trên thân sậy và lá sạch; sau đó ngả lưng thoải mái trên thảm trải lá sim, lá nhăng họ sẽ vừa uống rượu vừa ăn cùng bầy con. Đầu đội vòng nguyệt quế họ sẽ ngân nga ca hát, cầu nguyện thần linh. Họ sẽ vui hưởng giao hợp, không sinh con đẻ cái nếu phương tiện không cho phép,  song phải thận trọng tránh nghèo khổ và chiến tranh.’

‘Theo tiện nhân rõ ràng là món đạm bạc để ăn mừng,’ Glaucon vừa ngắt lời vừa lên tiếng, ‘không cần nấu nướng hoặc thêm thắt gia vị.’

‘Quý hữu nói chẳng sai tí nào. Nhưng bản nhân quên kể họ sẽ có vài thứ sang trọng nữa. Muối, phô- mai, dầu ô-liu, củ tươi, rau tươi, hành luộc, hành sống, đủ loại ở ngoài đồng dùng để làm món khác nhau. Đấy là chưa kể đồ tráng miệng: vả, đậu, dâu, dẻ rang thơm phức trong khi nhấm nháp rượu vang . Họ sẽ sống thanh bình, khỏe mạnh, và có lẽ mãn phần khi tuổi đã cao, để lại lối sống tương tự cho con cháu.’

‘Trời đất ơi, nếu thành lập cộng đồng heo, ngoài thứ vừa kể, tiên sinh cho ăn gì nữa!’ Glaucon nhận định.

‘Phần mình, quý hữu sẽ làm thế nào?’ Bản nhân hỏi.

‘Cho hưởng tiện nghi bình thường. Ngả lưng thoải mái trên sô-pha, ra bàn dùng bữa, thức ăn như ngô bối dùng bây giờ.’

‘Chí phải,  hân hạnh ghi nhận hảo ý. Ngô bối tìm hiểu không những nguồn gốc mà cả xã hội khi xã hội đó hưởng thụ văn minh xa hoa. Ý kiến xem ra không phải viển vông, vì trong quá trình rà xét ngô bối có thể khám phá sự thể công bình chính trực và bất công bất chính bắt rễ, nảy sinh tự nhiên ra sao trong cộng đồng như thế. Bởi mặc dù xã hội ngô bối vừa mô tả đối với bản nhân có vẻ chân thực, như người khỏe mạnh, song nếu quý hữu muốn, chẳng ai ngăn cản, ngô bối cũng có thể tìm hiểu xã hội bệnh hoạn. Xã hội như thế sẽ không thỏa mãn với mức sống ngô bối miêu tả. Xã hội đó sẽ cần bàn ghế, sô-pha, bàn ăn, tủ kệ, kể cả món cao lương mĩ vị, nước hoa, tinh dầu, gái điếm thượng lưu, mứt ngọt bánh kẹo, tất cả gồm đủ loại, đủ thứ. Ngô bối không còn giam mình trong nhu cầu đạm bạc miêu tả trước đây, nhà ở, quần áo, giày dép, mà phải trang bị sản phẩm mỹ thuật tranh vẽ, đồ thêu, đồng thời du nhập vật dụng như vàng, ngà voi. Đồng ý không?’

‘Đồng ý.’

………………………….

P/S: Tất nhiên tao không có ý bảo mày rằng cái cô Pha phải đối thoại với nhà tay Trương Sinh hàng xóm như những con người uyên bác trên đây. Họ không có đủ trình độ để làm điều đó. Ý tao muốn nói chúng mày cần phải dàn xếp để họ cỏ thể đối thoại được với nhau một cách văn mình và thấu hiểu nhau nhất có thể.  Nếu không với sự tăm tối, ít học của cả hai, bọn họ sẽ dễ dàng rơi vào âm mưu thâm độc của lũ cường hào, ác bá  làng Vũ Đại!

Chúc hai thằng mày bình an!

William

November 27, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Tháng Mười một của trái tim (8)

by Rose & Cactus November 25, 2023

Hôm nay, thứ bảy các bạn nhỉ, máu chảy về tim, nhưng mà Trái tim của tháng Mười một đang đến đoạn hơi buồn nên thôi chúng mình tạm ngưng vài bữa, xem có cái gì hài hài đọc cho nó vui vẻ để chuẩn bị chào đón tháng cuối cùng của năm nhé!

Nghĩ thế nhưng mình vẫn chưa biết viết về cái gì thì con mình hôm qua nó bảo nó mới xem  một trích đoạn chèo kinh điển “Quan Âm Thị Kính”.

-Con gái cũng biết xem chèo cơ à?

-Không ở lớp cô mở cho xem, mà công nhận thấy kiểu chèo nó cứ vui vui sao ấy mẹ!

Chứ sao nữa con, nếu như âm nhạc trong Tuồng mang vẻ hào hùng nhưng u ám, cải lương lời ca và giai điệu tha thiết nhưng buồn quá (nhất là đờn ca tài tử), thì âm hưởng chủ đạo chung của chèo khá là vui tai (ý kiến chủ quan mình).

Nguồn gốc của Chèo là ở Đồng bằng Bắc Bộ, một vùng đất với nền văn mình lúa nước có lịch sử cả nghìn năm, với  những làng quê cổ kính cây đa bến nước mái đình. Tất cả những thứ đó đều được phản ánh trong không gian chèo và ngược lại những vở chèo nghe và xem là nhận ra liền cái kiểu đặc trưng Bắc :)), đặc biệt là  tính cách con người, của các cô các mợ: Tần tảo, chịu thương chịu khó, nhưng cũng chua ngoa, đanh đá pha chút hài hước, sâu cay. Nói chung, kiểu gì thì dù có chửi cũng phải  “chửi” như hát, có ca từ vần điệu rõ ràng.

Cho nên các bạn thấy đọc các tác phẩm văn học nào của nước ta mà có tính trào phúng và châm biếm nhất, cười nhưng mà là cười ra nước mắt thì  hầu hết tác giả là người miền Bắc. Có lẽ quá trình quần cư ngàn năm ở một vùng đất nhỏ hẹp, đất chật người đông cộng với cái khí hậu ẩm ương đủ kiểu đã làm nên những đặc thù của cả một vùng đất.

 Nếu như các vở kịch hay các vở hài trong Nam hay nhất ở biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ hình thể của các diễn viên, họ diễn mà như không diễn (các bạn xem Thành Lộc là rõ, mình đánh giá anh là một diễn viên kịch thuộc hàng xuất sắc nhất trong lịch sử sân khấu nước ta từ trước đến giờ)   thì ở các vở hài kịch miền Bắc phần  “ngôn từ” được cho là điểm xuất sắc hơn cả.

Dông dài chút giờ mình xin được vào chủ đề chính. Ấy là, nhân dịp hai anh chàng Charile và Mountain đang có chuyến hành hương ra xứ sở của Chèo, mình xin theo bước chân hai anh khám phá một sự kiện mà có lẽ sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin hết sức thú vị liên quan đến nhân vật điển hình trong nghệ thuật chẻo cổ Việt Nam. Ai vậy ta?

1.

THEO CHÂN THỊ MÀU LÊN CHÙA

Buổi mai hôm ấy. Một buổi mai đầu Đông đầy sương giá và gió lạnh. Sương treo lơ lửng trên những tán cây, rồi là là xuống cả mặt đất. Có khi nó biến hoá thành những cụm băng nhỏ lấp lánh dưới  đám cỏ đang run bần bật trong tiếng gió rít liên hồi.

Ngay bên cái quán  nước cuối con đường dẫn đến một ngôi chùa cổ có hai cái cây, áng chừng cũng không còn quá trẻ nữa.  Lại thêm mấy tháng  mùa thu trút lá nên giờ đây chỉ còn trơ ra những thân với cành trông lại càng lẻ loi, tội nghiệp

-Năm nay nghe chừng tuyết sẽ đến sớm đấy cô Đào!

-Tôi e là như vậy anh Mận à. Chúng ta hãy chịu khó tích luỹ năng lượng ngay từ bây giờ hầu mong qua thời điểm đó còn có cơ may sống sót.

-Tôi lo cho cô lắm đấy cô biết không? Người cô cứ như cây sậy thế kia thì sao đủ sức chống chọi với thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt đây?

-Gớm anh khỏi phải lo. Ốc không mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu. Ai chẳng biết anh phương phi, phốp pháp

Cô Đào sẵng giọng. Cô ta rất ghét ai đó đề cập đến cái thân hình gày gò của mình, nhất là từ cái anh Mận hàng xóm. Chả hiểu sao, nhưng anh ta cứ hễ nói cái gì mà không vừa ý là cô lại giận. Và cũng cứ mỗi lần như vậy anh Mận lại tự trách mình, giá mà anh đừng có quan tâm đến cô ấy như thế thì đã chẳng phải nghe những lời khó nghe từ cổ không.  Để đến giờ anh biết có nói gì cũng chỉ còn một mình anh độc thoại:“Phụ nữ thật là khó hiểu, có mỗi chuyện bé con con mà họ cũng giận dỗi được. Chả hiểu làm thế nào mà vừa lòng được họ nữa”

-Lạnh quá thế này không biết bà Tẹo có ra mở hàng?

Tiếng anh rơi tõm vào thinh không tĩnh lặng!

Thế nên sau câu đó, anh cũng lặng im. Sáng sớm, thị trấn vùng biên vắng vẻ đến ghê người. Thi thoảng lắm mới nghe tiếng vó ngựa lộp cộp nện xuống mặt đường của những người H’mong trên núi cao xuống chợ phiên.

Mận và Đào là hàng xóm của nhau ở cái hàng nước nhà cô Tẹo này từ cái ngày cô còn chưa xuất hiện nơi đây. Cô Tẹo là một trong những người Kinh đầu tiên dứoi xuôi lên cái chốn heo hút này lâp nghiệp. Người ta chỉ thấy cô lặng lẽ đi về một mình vì nghe đâu cô goá chồng từ ngày còn trẻ. Không muốn ở nơi đem lại cho mình nhiều nỗi buồn, cô bỏ quê hương bản xứ tìm nơi chốn mới nơi heo hút này.

Cô Tẹo vui vẻ, xởi lởi lại thiệt tình tốt bụng nên ai ai cũng yêu quý. Chưa kể, cô lại còn hay hát và hát hay, nhất là những làn điệu Chèo quê cô nên cái quán nước của cô ngày đêm cứ nườm nượp khách bốn phương đến ngồi mọc rễ ở đấy. Mà nào nó có cái gì nhiều nhặn cho cam: Một vài phong kẹo lạc, một vài nải chuối con con, đôi ba bao thuốc lá, mấy cái bánh gai bánh giò bánh rợm, một cái ấm trà và vài phích nước nóng. 

Mấy bữa nay quán cô Tẹo xuất hiện hai vị khách lạ. Cứ sau giờ ăn là họ lại có mặt ở đây  trà dư hậu tửu. Nghe giọng là anh Mận đoán ngay phải là những người từ nơi rất xa đến, một anh lúc nào cũng đeo cái khăn rằn ri giống như của Bác Ba Phi ở vùng đất Nam Bộ xa xôi. “Ồ,không biết cớ sự nào mà hai anh lại khăn gói quá mướp ra đến tận cái xứ hẻo lánh, mở mắt ra chỉ thấy núi chắn trước mặt này.” Anh Mận thầm nghĩ

Bỗng có tiếng lách cách mở cửa làm anh giật mình. Cô Tẹo đã đến! Vậy là thời tiết khí hậu chả bao giờ ảnh hưởng đến lịch làm việc của cô chủ quán

-Sao mới tháng mười Một mà đã rét buốt thế này cơ chứ!

Cô Tẹo xuýt xoa trước cái lạnh vì phải đi một quãng đường ngập tràn gió hun hút mới ra đến cái quán nhỏ. Tóc cô dựng lên và môi xám xịt lại.  Đi sau cô, một chú Mèo tam thể ngoe nguẩy đuôi rên hừ hừ

-Ngày mai đã là rằm rồi đây. Nhanh quá quay đi quay lại là hết năm!

Tiếng meo meo  lặp đi lặp lại như đồng tình với lời càm ràm của bà chủ của nó

-Mày đợi chút ta nhóm lò lên là sẽ mang hơi ấm cho mày, Tam thể à. Mày đừng có chưa già mà đã như bà cụ thế!

Nói rồi cô ra đằng sau  rút mấy thanh nứa khô được xếp gọn gàng trên gác mái của quán. Cái mái lá này làm bằng lá cọ mọc hoang ngay cánh rừng ở phía bên kia đường đối diện.  Cứ vài năm cô Tẹo lại thay mái vì muốn nhìn nó tươi mới. Được cái mấy việc cần đến bàn tay của người đàn ông, cô  đều tự làm được.  Tính cô từ trước đến nay luôn thế,  làm gì cũng  luôn chủ động không muốn phụ thuộc, nhờ vả ai. 

Luệt quệt đôi dép lê, cô  Tẹo đi tới lui lấy cái nọ cái kia để chuẩn bị nhóm than. Cái bếp than tổ ong  hình trụ vốn luôn được để  chỗ cái hõm đất đằng trước, gần đoạn anh Mận và cô Đào trú ngụ. 

-Mận, Đào chịu khó, hơi cay mắt chút thôi chứ không ảnh hưởng gì cả đâu, đừng lo, ta sẽ làm ấm không gian, ai cũng sẽ được hưởng lây cả.

Cứ khi nào nhóm cái bếp than tổ ong cô Teọ cũng vỗ nhẹ vào cái thân gầy guộc của cây Đào như vậy. Cô sợ hơi nóng có thể làm thui chột đi sự sống của những loài sinh vật đã gắn bó với mình bao năm. Vậy nên nếu nhìn kỹ thì cái bếp lò có khoảng cách rõ với  hai người lính canh gác trung thành nơi mặt tiền quán nhỏ.

Một lúc sau, ánh lửa  đã dần nhem nhóm đủ để cô mèo tam thể thoải mái cuộn tròn  trước đống gio ngoài  cửa bếp. Cô lim dim đôi mắt đầy gỉ và tận hưởng hơi ấm áp phả ra từ lò. Giờ thì đố ai có thể lôi cô đi đâu được.

-Anh Mận này, ngày mai đã là rằm rồi cơ đấy. Và kiểu gì tôi với anh sẽ lại bị tra tấn bởi cái giọng chua loen loét của cái cô ả Thị Mầu ấy.

Cô Đào đã lại mở miệng. Anh Mận biết là cô không giận anh được lâu đâu mà, ở đây cô có mỗi anh bầu bạn, không nói chuyện với anh nhẽ cô nói với…, với ai thực tình anh cũng chưa nghĩ ra nổi:

-Sao mà miệng cô thiêng thế hả cô Đào

Anh Mận vừa cừoi vừa đánh mắt xuống ý chỉ nhân vật họ đang đề cập tới đã xuất hiện.

-Này chị em ơi!
Nay mười tư mai đã là rằm

Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa

Chị em lên chùa từ bao giờ nhỉ?

-Con chào U! Nay gió mùa đã về con chỉ lo ra đây mà u chưa mở cửa

Thị vừa liến thoáng vừa đặt mông đánh uỵch lên cái ghế tre nhẵn bóng màu ngà

-Chào cô Màu. Rét mướt thế này mà cô vẫn lên chùa sớm thế cơ!

Cô Tẹo vừa cười vừa rót ra chén nước trà ấm cho Thị. Chả biết rồi Thị có nhận ra cái giọng mỉa mai của cô trong đó

-Cảm ơn u đã thấy được tấm lòng của con. Thế mà….

Thị ta chưa  hớp xong chén nước đã lại xoen xoét

–Thế mà Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ

Đò đưa cấm giá tôi lên chùa từ Mười ba

Mười ba,

Tôi lên chùa thấy tiểu mười ba

Thấy sư mưới bốn, vãi già mười lăm

Tôi muốn cho một tháng đôi rằm

Trước vào Lễ phật, sau thăm vãi già

Tôi bước vào Lễ phật thích Ca

Lễ Đức tam Thế, vua cha Ngọc Hoàng

-Nhưng mà này, u nói con nghe nha Màu. Con còn trẻ đẹp thế này kiếm đâu ra chẳng được tấm chồng tử tế. Sao cứ phải làm phiền đến người đã từ bỏ chốn hồng trần làm chi?

-U đừng có nói như thể con có tội gì lớn lắm? Cả làng cả tổng này nào có kiểm ra được người tử tế, ngay cả cái con mẹ Thị Nở mà cũng chỉ còn có mỗi Chí Phèo chịu cho mà lấy thì u bảo con cứ đứng yên có mà chết già à ?

Cô Tẹo nghe Thị Mầu phân trần thế thì lắc đầu, đoạn đi ra nhấc siêu nước đang sôi sùng sực trên bếp rồi rót vào cái phích nước màu đỏ mà bề ngoài đã lộ rõ dấu hiệu han gỉ.

Đúng lúc ấy hai thằng Charlie và Mountain bước vào

-Con chào u

-Chào hai con.  Ồ, sao  Charlie ăn mặc. phong phanh thế kia ? Chết rét thôi con ơi. Để u tìm cho mày xem còn cái khăn nào của u không quàng tạm vào nha con.

-U ơi, khăn của con đưa cho nó chả thèm quàng nữa là của u

Charlie nghe thằng Mountain nói thể chỉ cười, nó nhanh nhảu chạy đến xách cái phích nước giúp bà chủ quán

-Ah, hoá ra mày chê khăn của bà già chứ gì.

Cô Tẹo vừa dứt lời đã thấy Thị Màu xoay người hướng ra ngoài cửa. Gương mặt bự phấn của Thị đối diện thẳng với hai anh chàng vẫn đang tíu tít chuyện trò. Thoáng chốc, Charlie thấy hoa mắt, nó lảo đảo vài giây mới lấy lại được thăng bằng

-Tôi Thị Mầu con gái Phú ông

Thầy mẹ tôi tôn kính một lòng,’

Tiền cùng gạo lên chùa tiến cúng

Miệng nói, mắt ả  đánh võng hết cả sang hai bên. “Hừ, chẳng thà cô ta cứ sắc lạnh như dao găm có khi mình còn thấy đỡ hơn, chứ mà kiểu lủng lẳng thế này cứ thấy ớn ớn”. Charlie thầm nghĩ trong bụng

 Đứng ngay bên, Mountain hiểu cảm giác của thằng bạn. Nó buông một câu như dội một gáo nước lạnh vào mặt cô ả 

-Ai khảo đâu mà xưng? Ô hay nhà cái cô này

-Ơ cái anh này hay chửa? Ai thèm khảo xưng gì với nhà các anh? Tưởng báu lắm đấy!

Cô Tẹo biết thể nào cũng có chuyện giữa hai bên liền chạy ngay ra xua xua tay:

-Thôi Màu ơi con nhanh lên chùa đi kẻo muộn. Hai cậu đây là khách quý của u có gì con bỏ quá cho!

-U phải xem lại, chứ là con còn lâu con mới cho cái ngữ thế này ngồi quán.

Thị Màu đáp lại lời cô Tẹo mà không quên lườm nguýt Mountain

-Thôi đi đi con, kẻo chú tiểu trên đó  có việc ra ngoài con lại không gặp được

Nghe nói đến “Chú tiểu” tự dưng Thị như sực nhớ ra điều gì ba chân bốn cẩng chạy biến. Không biết có nghe giọng hát giễu cợt của thằng Charlie:

-Người ơi ngươi ở đừng về!

Khi bóng Thị Màu đã khuất sau con đường quanh co đoạn ngoặt lên ngôi chùa có cây gạo khẳng khiu cô Tẹo mới quay qua thằng Charlie:

-Con lại còn chọc thêm vào cái tổ kiến lửa ấy làm gì hả Charlie ? Con ca câu nữa là cô ta sẽ bắt con ở cái xứ biên cương này đến hết đời đó!

Nói rồi cô đi tới cái ghế gỗ có bọc môt tấm nệm nhỏ sau lưng rồi thong thả têm trầu

-Màu về Li (Charlie) nhớ í ì i í i :)))

Laị được thể thằng Mountain chế điệu “Bèo dạt mây trôi” khiến Charlie thêm buồn bực:

-Mày có im đi được không Mountain

-Mày có như tao không Charlie? Bỗng dưng cô ả khiến tao tò mò.

– Con ơi, con không biết đó thôi, chứ cái cô Thị Màu này cô quá lắm! Cô ta làm chú tiểu trên Chùa “Cây gạo” ở cái xứ này khốn khổ bao lâu nay mà chưa ai nghĩ ra cách làm cho cô ta mất cái nết hư đốn đó đi.

Cô Tẹo miệng nhai trầu bỏm bẻm, đoạn  cô nhổ toẹt một bãi vào cái ống nhổ đặt ngay bên cạnh. Một dòng nước đỏ ngòm phun ra. Hình ảnh đó khiến Charlie mới hôm trước còn muốn nhai thử miếng trầu xem nó ra làm sao thì giờ đây tịt luôn cái ý định mới nhen nhóm.

-Mà cũng tại thầy chùa hiền lành quá cơ. Đúng là người nhà chùa có khác các con ạ, lành như cục đất vậy mới tu được chứ. Chứ phải u á, u chả phá cho tanh bành ra ấy, xem cái ả lẳng lơ đó còn dám bén mảng lại gần không!

-U cứ nói thế chứ cái thằng bạn con, nó cũng tu bảy kiếp trên núi đấy mà đừng hòng cô nào bắt nạt được nó :)).

-U Tẹo, có phải ngôi chùa “Cây gạo” trước mặt cửa hàng nhà ta là nơi cô ả đang đến không?

Mountain ngồi xoay ngang tay vứa gõ lên mặt cái bàn vừa ngó ra ngoài 

-Còn nơi nào vào đây nữa con. Đó là chốn thanh tịnh nơi có chú tiểu  hiền lành giúp việc cho sư thầy. Khổ cho số của chú, ai bảo đẹp quá làm chi!

Cô Tẹo dù bỏm bẻm nhai trầu nhưng giọng vẫn rõ lắm.

-Charlie tao nghĩ chúng ta cũng nên lên trên đó vãn cảnh tí. Con đang có một ý u Tẹo, có thể con sẽ cần đến sự trợ giúp của u nay mai.

Charlie đang cầm chén nước bỗng ngưng ngay lại, ngẩng đầu lên nhìn thằng bạn đã đứng dậy. Nó biết ngay thể nào thằng này cũng đang ủ mưu gì đây

-Mày lại nảy lòi ra cái trò gì rồi phải không?

-Chớ sao, tao nghĩ là thú vị đấy Charlie. Giờ thì mày nhấc mông lên. Mày muốn “làng” Màu của mày “xin ở đừng về” thì giờ mày chuẩn bị được gặp lại “làng” rồi đấy :)))

Charlie phì cười vì cái giọng của thằng bạn. Thật ra, nó cũng đang rất hứng thú với sự kiện bất ngờ dọc đường thiên lý này. Nên nó nhanh chóng uống hết ly trà, xốc lại tay nải và chạy theo Mountain giờ đã bước ra bên ngoài hiên quán

-Này hai đứa nhớ bảo trọng nha các con! Mountain chút về báo u biết con định làm gì nhá!

-Nhất định rồi u

Qua khỏi đoạn đường chỗ quán nước, Mountain và Charlie đến một con dốc cao quanh co được lát những viên đá vuông vức màu nâu sậm. Chúng bước lên từng bậc. Dọc lối đi, chen chúc những bụi cỏ may, sim mua cũng đám dương xỉ đã bị cái lạnh xâm chiếm làm  ngả màu vàng úa. Mọi thứ đều khô khốc dứoi màn sương mờ ảo ma mị. Nhưng tuyệt đẹp!

Tháng Mười một đang dần trôi qua những ngày cuối cùng!

Chẳng mấy chốc chúng đã lên đến cổng một ngôi chùa. Đó là toà kiến trúc nhỏ bé, nằm chênh vênh trên đỉnh núi, nép dưới một gốc đa cổ thụ. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa phong cảnh sao thật hữu tình, ảo diệu:

-Bạch nhà sư trong ấy, cho chú tiểu ra nhận lễ, cho tôi còn về nào!

Giữa sân, Thị Mầu một tay phe phảy cái quạt giấy, tay kia nâng niu tráp lễ gồm hoa quả , mấy phong oản, thẻ hương và ít hoa tươi,  nghển cổ gọi với vào trong. Hôm nay, thị mặc một chiếc áo tứ thân  sặc sỡ, đầu vấn khăn đen. Đã thế vành tai còn giắt thêm bông hoa sứ (đại) trắng,  trông thị không sao thoát được cái vẻ lẳng lơ của một cô gái đương thì.

Ngay sau đó một chú tiểu xuất hiện. Chú còn trẻ thật, và quả nhiên,  rất đẹp trai. Thảo nào mà chả làm cho Thị đổ liêu xiêu. Nhưng tiểu sư nghiêm trang đến phục, chú chắp tay mà rằng

-A di đà Phật! Chào cô lên chùa

Thị Mầu ta cũng giả bộ:

-A di Đà Phật!

Lúc này 8 con mắt của Mountain và Charlie (chúng nó cận lòi) mở thao láo to hơn cái đèn phin ô tô

-Này Mountain, mày nghĩ chú tiểu sẽ nói gì. Liệu chú có đuổi cái Thị lẳng đi không?

-Tao biết đâu. Để yên xem nào. Tao nghĩ không đâu, người nhà chùa họ thiện tâm lắm

Hai thằng núp sau gốc đa to đến cả chục người ôm, chúng cố gắng nhỏ giọng hết mức

-A di đà Phật!

Tam Bảo Như Lai

Của ai phúc nấy

A di đà Phật! Cô cho biết tên để tôi vào lòng sớ!

Trên sân, chú tiểu cứ  xích ra chỗ nào là Thị Màu lại chạy lại gần chỗ đấy. Thành thử, trông từ xa không khác gì một băng tua chậm cảnh Tôm đuổi Jerry trong bộ phim hoạt hình huyền thoại

Thằng Charlie phải cố nhịn lắm để không bật ra tiếng cừoi

-Kể cũng khổ chú tiểu quá Mountain ơi. Cái ngữ yêu quái thế kia làm sao chú thoát cho nổi. Nhẽ tao lại xông vào giải vây cho chú

-Từ từ đã, để xem Thị nói gì đã nào

Một cơn gió thổi qua làm vài chiếc lá đa lác đác rơi, vương vít vào lòng cái khăn quấn trên đầu của Thị Màu. Khi Thị tung xoè quạt, chân tay múa máy xoay tít thò lò như diễn viên xiếc, những chiếc lá nhẹ nhạng rơi xuống đất. Chằng bao lâu một dải lá vàng hình vòng cung đã bao quanh cái khoảnh sân nhỏ. 

-Mày biết không Mountain, tao ước làm sao tao có phép thuật của Bồ Tát thì sẽ hoá phép những chiếc vòng lá kia thành cái vòng siết cô ả Thị Mầu ấy lại một chỗ. Thị sẽ không thể đi đâu được mà chỉ loanh quanh trong cái không gian ấy thôi cho chết cái thói lẳng của Thị đi

-Áy, người ta đang muốn xua Thị đi không được giờ mày bày đặt giam ở đây để chết chú Tiểu hả Charlie ?

-Tao đâu có ý đó, ý tao là nếu có cái vòng kim cô ấy mà, tao sẽ làm cho Thị cứng ngắc một chỗ không cách gì thoát ra được  để mà đuổi theo một người tu hành.

Giọng Thị Màu bỗng trở nên ngọt ngào như cái món kẹo yêu thích của Charlie

Tên em ấy à?

Là Thị Mầu, con gái phú ông

Tuổi vừa  đôi tám, chưa chồng đấy thầy tiểu ơi!

Chưa chồng đấy nhá!

-Ôi giời ơi là giời đất ơi! Đến thế này thì quá lắm rồi Mountain, tao không thể chịu được nữa. Mày buông tao ra để tao vào cho con mẹ ấy một trận xem nào. Dám cả gan ve vãn cả người nơi cửa Phật thế thì quá quắt lắm

Thằng Charlie cao giọng nhảy dựng lên trong khi Mountain bình tĩnh hơn kéo áo thằng nhỏ dí nó ngồi xuống

-Này, mày đừng tưởng đây là cái hẻm Ngập nước nhà mày nhá! Mày biết cô ả là con nhà ai không hả? Con nhà cái lão Phú ông giàu có nhất cả cái phố Núi này đấy! Nghe đâu lão chuẩn bị tranh chức Lý trưởng, một chức tước không phải dạng vừa đâu. Mày mà loằng ngoằng lão sẽ bắt mày về ở rể ngay đấy, mày muốn vậy lăm hả?

Mountain làm một thôi một hồi cho đến khi đến chữ “ở rể” thì thằng Charlie mới yên

-Phỉ phui cái mồm nhà mày. Bắt tao ở rể nhà ấy thì cứ cho tao lên núi tu như thằng Monster tao còn hạnh phúc gấp bội

-Bởi vậy tao mới nói mày im, để tao nghĩ cách

Mountain biết càng ở đây lâu thể nào cũng có chuyện vì Charlie nó bất bình lắm rồi. Phải đánh bài chuồn gấp thôi

-Về thôi Charlie, về nhà rồi xem xét sau.

Hai thằng lặng lẽ rời khỏi cổng chùa. Lúc này sương đã tan và những tia nắng mặt trời đầu tiên có vẻ đang cố gắng chồi qua khỏi đám mây xám. Trời vẫn rất lạnh!

-Tao nghĩ chúng ta phải có cách nào đó giải cứu chú tiểu hiền hậu thôi Mountain!

-Còn phải nói. Tao không nghĩ đến chuyện đó chắc, nhưng như tao nói với mày chúng ta đang đất khách quê người làm gì cũng phải tính toán cẩn thận.

Mountain giơ tay tháo lỏng chiếc khăn quàng cổ . Dù đang xuống dốc, nó cũng cảm nhận cơn nóng y như thằng Charlie, xém chút nữa có lẽ xông vô sân chùa rồi. May ghê, nó đã kịp nghĩ lại, không nên gây ồn ào ở những nơi linh thiêng như thế.

Ngược chiều, từng đoàn người dài nối đuôi nhau bê lễ lên chùa cúng rằm. Đêm mai liệu có trăng tròn ? 

Hi Monster!

Tao không biết mày đang chu du đến đâu. Nhưng tao biết kiểu gì mày cũng sẽ phản hồi lại cho tao ngay khi tường tận câu chuyện trên. Chuyến thỉnh kinh của tao có lẽ sẽ lâu hơn dự kiến vì giữa đường gặp chuyện bất bình tao không thể đứng yên, dù tao cứ ước giá đối tượng được giải cứu của tao là nàng Nguyệt Nga :)) thì có lẽ tao đã minh mẫn hơn :)). Mặc cho thằng Mountain nó cứ lải nhải bên tai tao là mày không phải Lục Vân Tiên. Ai chẳng biết là thế cơ chứ, nó cứ hay lắm chuyện!

Tao muốn mày cho ý kiến về tình huống chúng tao đang gặp phải. Ý tao là ngày mai tao sẽ lên tư vấn cho chú tiểu trên ngôi chùa ấy xem thử chú có nên rời đi hay không? Nếu rời thì là rời đi đâu? Liệu chỗ của mày còn đủ rộng để cho chú ẩn cư một thời gian?

Chờ phản hồi từ mày!

Charlie

Chẳng phải đợi lâu ngay tờ mờ sáng hôm sau, Charlie đã nhận được tín hiệu âm thanh truyền dưới lòng đất. Lũ kiến chuyển thể thành chữ trên những chiếc lá

Hi Charlie!

Tao ngạc nhiên hết sức khi nhận đọc được câu chuyện kỳ lạ của mày. Phải chăng thế kỷ 21 lại xuất hiện thêm một Thị Kính và Thị Màu khác? Còn nếu không thì chẳng lẽ chúng mày lại đang được du hành thời gian ? Nếu thế thì chúng mày quả thật là may mắn

Vì trong nhiều thập kỷ, các nhà vật lý đã cố gắng sử dụng thuyết tương đối rộng để phân tích xem liệu du hành thời gian có khả thi hay không. Và có vẻ, đáng buồn thay, điều này là bất khả thi. Vì để đi ngược về quá khứ chúng ta cần đến vật chất năng lượng âm và đến giờ này thì đều là những thứ loài người vẫn chưa thể chạm tới được dù rằng, về mặt lý thuyết, cơ học lượng tử vẫn khăng khăng khằng định có thể tạo ra vật chất năng lượng âm, với số lượng cực kỳ nhỏ và thời gian tồn tại cực kỳ ngắn.

Nhưng thôi giờ không phải là lúc tập trung vào vấn đề thú vị này. Giải cứu chú tiểu là trên hết nhưng tao nghĩ chắc chắn chú sẽ không rời bỏ mảnh đất của chú đâu dù tao sẵn sàng nghênh tiếp.

Lý do ư? Đức Phật sẽ không rời chỗ của Ngài, nơi cây Bồ đề  linh thiêng xứ  Kushinagar, India để đến cư ngụ tại dải Jerusalem, dù đất ấy có là đất Thánh.

Thế nên, chúng mày phải làm sao có giải pháp để cái cô Thị Màu cô ấy tha cho chú. Nhưng phải làm với cô ấy thế nào thì tao chịu, vì, mày biết rồi đấy, tao hoàn toàn không có kinh nghiệm với đối tượng này :)). Mày nên tìm nhà tư vấn thích hợp, tao hy vọng mai kia thằng Mountain có thể có giải pháp khả thi hơn

Chúc chúng mày thành công!

P/S: Ah, tao biết dù là giải pháp gì thì khi tác động vào nó cũng đã làm thay đổi lịch sử. Cho nên tao nhắc mày đừng có đả động gì chuyện này với cô Ma sơ, dù cổ đang ẩn nấp nơi hang động trên cao và không màng gì đến thế sự dưới đất nhưng tao biết chưa bao giờ cổ đồng ý với ý tưởng thay đổi quá khứ vì cổ cho rằng sau khi quá khứ thay đổi thì nó sẽ làm hỗn loạn và xáo trộn tất cả mọi dữ kiện và hiện tại sẽ không là hiện tại nữa, ngay cả chúng ta có lẽ sẽ không tồn tại trên cõi đời này.

Tao biết ý cổ là chính xác, và mong chúng mày cẩn trọng khi hành động!

Monster

Chuyện còn dài lắm, nhưng thằng Charlie và Mountain đã lăn quay ra ngủ rồi. Nên hẹn các bạn vào hôm sau!
Happy Saturday to all!

November 25, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Tháng Mười một của trái tim (7)

by Rose & Cactus November 23, 2023

Hôm qua mình đọc một bài báo có nói rằng tỷ phú Warren  Buffett hôm 21/11 đã công bố lá thư hiếm hoi gửi cổ đông, một lần nữa khẳng định lại rằng sẽ làm từ thiện hơn 99% tài sản. Các con sẽ là người thực hiện di chúc của ông.

Đối với bất cứ ai, dù là các doanh nhân thành đạt hay người thường bậc trung, dù là người làm khoa học hay dân kinh tế thì khi tìm hiểu về tiểu sử  của vị tỷ phú này chúng ta đều có thể cảm nhận và học hỏi được rất nhiều điểm thú vị và đáng khâm phục. Đặc biệt nếu là sinh viên tài chính không thể không có những cuốn sách gối đầu giường của ông hoặc về ông, một huyền thoại trong giới đầu tư tài chính.

Ngay từ khi còn nhỏ, Buffett đã có niềm đam mê bất tận với những con số. Ông thường ngồi cả buổi chiều với bạn bè để nhìn ra ngã tư đông đúc và ghi lại biển số của những chiếc xe đi qua. Khi hoàng hôn buông xuống, họ trở về nhà đọc “Báo Tiền phong thế giới” , đếm số lần xuất hiện của từng chữ cái trong đó và viết những con số kín trang giấy.

 Buffett còn mua Coca-Cola từ cửa hàng tạp hoá của ông nội ở Omaha và bán lại cho những người hàng xóm. Năm 10 tuổi, loại nước giải khát mà Buffett thích bán nhất là Pepsi: “Tôi bắt đầu bán Pepsi vào năm 1940 vì dung tích một chai là 12oz, trong khi Coca Cola chỉ có 6oz, nhưng giá bán của hai lon lại giống nhau. Đây là một lý do vô cùng thuyết phục”.

Sau đó Buffett bắt đầu làm những việc như đăng giá niêm yết của các chứng khoán có thể bán trên thị trường và điền các giấy tờ thủ tục về cổ phiếu , trái phiếu tại văn phòng môi giới của cha mình. Khi lớn lên niềm đam mê với thị trường chứng khoán vẫn không hề thuyên giảm, ông bắt đầu lập biểu đồ về sự biến động của giá cổ phiếu trên thị trường “Tôi bắt đầu yêu thích cổ phiếu khi mới 11 tuổi.

Lúc đó tôi làm việc cho Công ty Harris Upham và phụ trách công việc đóng dấu lên bảng gỗ. Cha tôi là một nhân viên môi giới chứng khoán ở đó. Tôi là tất cả các khâu, từ báo cáo tình hình giá cả thị trường cổ phiếu  đến vẽ biều đồ dữ liệu

“Tôi luôn làm những gì tôi yêu thích. Bỏ qua các yếu tố khác, nếu bạn làm một công việc chỉ đơn thuần là vì tìm thấy niềm vui ở trong đó, vậy thì đây chính là công việc bạn nên làm và bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều, đồng thời khi làm việc, bạn cũng sẽ được khơi dậy nguồn cảm hứng vô tận.

(Tâm thư của Warren Buffet dành cho con cái/ Phạm Nghị Nhiên)

Cuộc đời của ông trùm đầu tư, nhà từ thiện lớn nhất thế giới này cho thấy nếu điều mà chúng ta mong ước làm là đúng đắn và chúng ta tin vào nó, thì hãy tiến lên và thực hiện. Hãy biến ước mơ thành sự thật!

Marconi ước mơ về một hệ thống có thể truyền tải âm thanh từ nơi này sang nơi khác mà không cần dây dẫn. Bạn sẽ thấy thú vị khi biết rằng “những người bạn” của Marconi đã tống ông vào một bệnh viện tâm thần khi ông thông báo với họ rằng đã khám phá ra nguyên lý để truyền những thông điệp qua không gian. Ngày nay, chúng ta đã nhận thấy rõ ràng Marconi không mơ mộng hão huyền chút nào. Bằng chứng có thể được tìm thấy trong mỗi chiếc radio, tivi, điện thoại di dộng, vệ tinh viễn thông hay bất kỳ một thiết bị vô tuyến quen thuộc nào khác.

Henry Ford , một thanh niên nghèo khó và không được học hành đến nơi đến chốn, luôn mơ ước về một chiếc xe không cần ngựa kéo. Ông bắt tay ngay vào công việc với những công cụ thô sơ mà không chờ cho đến khi cơ hội thuận lợi đến với mình. Ngày nay, bằng chứng về ước mơ của Ford có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất. Ford đã cống hiến nhiều sức lực vào việc hiện thực hoá giấc mơ ấy hơn bất kỳ người nào khác vì ông không bao giờ lo sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ thoái chí và từ bỏ ước mơ

Trong câu chuyện thấm đẫm sự lãng mạn của tình yêu và tuổi trẻ giữa anh thợ đóng tàu và cô tiểu thư xinh đẹp, như một điều hiển nhiên, là không thể thiếu được những ước mơ, khát vọng về sự nghiệp vững chắc và hạnh phúc đoàn tụ của họ.

Tháng Chín đã già cỗi. Đợt nóng ngắn ngủi lạnh đi rất nhanh và sáng sớm mai mặt hồ đã phủ một lớp sương mỏng. Tiếng ếch nhái đã im. Những đàn chim đổi mùa kéo nhau hàng đàn trên trời bay về phương Nam. Hoàng hôn rực đỏ những tia sáng tắt dần rất nhanh.

Trong suốt những tháng cuối Hè và đầu Thu chàng trai và cô gái đã có những ngày tháng bên nhau với biết bao những kỷ niệm đẹp trong một khung cảnh cũng đẹp mê hồn:

Hiên chạy dài cả trước mặt tòa nhà và chạy vòng qua hai đầu hồi. Ghế tựa bàn và ghế vải kê rải rác. Ánh sáng mờ mờ trong nhà hắt ra. Thoang thoảng mùi hoa hồng và mùi nho chín trên dàn cây leo.

Dinh cơ nay nằm ở tận cùng phía Đông của đảo Manitou, bên cạnh bờ hồ White Bear. Hồ rất lớn và chạy vòng, bao bọc cả mặt Bắc, mặt Đông và mặt Nam tòa nhà. Làng White Bear thì nằm dọc theo bờ Tây Bắc của vũng Snyder, bên kia hồ.

Một con đường trải sỏi chạy xung quanh nhà. Có cả một nhà kính trồng hoa được một tốp thợ làm vườn chăm sóc, cung cấp hoa quả tươi cho cả gia đình, mùa hè cũng như mùa đông.

Đêm hè nóng bức. Thành quả lao động của những người thợ làm vườn tạo nên mùi hương thơm ngát. Trăng đã lên cao, tỏa vệt ánh sáng vàng óng xuống mặt hồ trông như chiếc kèn đồng nằm chim dưới nước.

Sự xuất hiện bất ngờ của cô gái trong cuộc đời chàng trai đã làm bùng lên ngọn lửa khát khao của khởi nghiệp và làm một cái gì đó cho thu nhập để có thể lo cho tương lai của hai người. Đó chính là điều tuyệt vời nhất mà tình yêu có thể đem lại cho mỗi người trong cuộc đời.

Yêu không chỉ đơn giản là yêu, là những cảm giác bộc phát nhất thời. Yêu thực sự là khi mỗi người đang đắm chìm trong cảm giác đó muốn nó kéo dài mãi mãi. Nói cách khác, họ sẽ nhìn về tương lai mà ở đó hai người luôn được bên nhau. Saint Exupery, một đại văn hào Pháp, đã từng định nghĩa về tình yêu: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng”

Và khi có cùng chí hướng như vậy, thì mỗi người đều tự phải nghĩ đến trách nhiệm của mình để bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu. Cô gái có hướng phấn đấu của cô và chàng trai cũng có những dự định của mình. Và thường thì đàn ông sẽ là những người phải chịu những áp lực nặng nề hơn về vấn đề kinh tế. Điều này thì ở đâu cũng vậy và thời nào cũng thế, tất nhiên cũng có những ngoại lệ, giống như anh khách hàng bài trước mình kể, giai đoạn đầu ảnh lui về hậu phương chăm sóc con cái để vợ yên tâm kiếm tiền vì công việc của vợ cho thu nhập cao hơn. Mình cũng rất cảm phục những người đàn ông như vậy, không thành vấn đề ai kiếm tiền nhiều hơn ai bởi cả hai đều cùng nhau đóng góp những trách nhiệm của mình cho gia đình.

Và như đại đa số, thì chăm lo tài chính cho gia đình thường đặt lên người chồng nhiều hơn. Điều đó cũng là một niềm tự hào, nhưng cũng là mối lo của họ. Giống như phụ nữ thời nay họ không muốn sinh con hoặc sinh rất ít vì việc sinh nở và chăm sóc con cái có thể ảnh hưởng đến bước tiến trong sự nghiệp  thì đàn ông cũng có những phản ứng tương tự. Ví như ở Nhật Bản, người ta đã thống kê tỷ lệ ngày càng tăng các chàng trai kéo dài thanh xuân đến …già (đâu đó như gần 30%) mà không muốn kết hôn trước gánh nặng quá lớn của việc phải đảm đương nhiệm vụ trụ cột về kinh tế của một người đàn ông trong gia đình như chuyện mua nhà cửa rồi tiền ăn học của con và sinh hoạt phí (Nhật Bản đa phần phụ nữ ở nhà nội trợ, chăm lo con cái;  nhiệm vụ kiếm tiền là của người chồng).

Trong câu chuyện đẹp như thơ tuy có đôi chỗ khá là buồn này thì chàng trai xứng đáng là nơi để cô gái dựa vào

“Bổng nhiên anh nhận ra nếu trước đây động lực lúc đẩy anh thực hiện ước mơ là vì người anh hiện sống vật vờ tại New Jersey, thì bây giờ anh có thêm động lực khác thúc đẩy không kém phần mạnh mẽ: vì Nàng! Anh quyết phải thành công trong vụ đóng con thuyền kiểu mới này để tăng thêm giá trị con người anh trong mắt cha nàng, để ông không bắt anh quay lại làm chân phụ bếp nữa.”

Nhưng ngay cả khi anh có cố gắng như thế thì việc đến với nhau một cách đường đường chính chính của hai người cũng gần như là không thể vì  sự chênh lệch giai cấp quá lớn. Anh  thợ thuyền là người bình thường, lại là người nhập cư, không gia đình, không tiền bạc, không có vị trí xã hội. Cha mẹ cô gái, người vừa mới bước qua độ tuổi 18, sẽ không bao giờ cho phép cô lấy anh. Không đời nào.

Tháng mười đã sắp qua đi. Tuyết rơi ngày càng nhiều. Mấy hôm nay đến phần lắp ráp những bộ phận cuối cùng của con thuyền.

Cô gái đã đến lúc phải rời xa khu biệt thự nghĩ dưỡng để cùng gia đình trở về thành phố. Và đó cũng là lúc mà họ phải chia tay nhau. Đầy nhớ nhung và nước mắt.

Nàng lấy một tờ giấy khác, kẻ tên chàng lần nữa và tô điểm bằng những bông hoa héo rủ. Trên những bông hoa đó, nàng vẽ những khuôn mặt sầu thảm với những giọt nước mắt. Nàng sẽ giấu những tờ giấy này vào trong mũ mùa hè và cất vào hộp.

Còn chàng làm việc một mình. Con thuyền đã dần dần thành hình. Chàng làm việc say mê, nhưng những lúc dừng tay chàng thấy trào lên một nổi cô đơn mà xưa nay chưa bao giờ chàng thấy.

Yêu nhau là vậy đấy! Là đau khổ, dằn vặt, buồn thương! Nàng không cho rằng ai yêu cũng đều phải chịu như thế, nhưng rõ ràng tình yêu chứa đựng khả năng đó. Yêu có thể hiến cả một cuộc đời lẽ ra mầu hồng thành một mầu xám xịt ảm đạm.

Sang tháng Mười Một, con thuyền đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn nốt vài việc nhỏ trang trí bên trong khoang.

Và tháng mười một cũng là thời điểm chia cắt hai người họ. Nàng được gia đình bí mật chuyển đi nơi khác.

Còn chàng, một chàng trai nghèo tiền nhưng không thiếu khát vọng đã nhận được sự giúp đỡ ngoài dự kiến của một người bạn già phóng khoáng và giàu có và cũng đã từng có thân phận như chàng. Thế mới thấy để khởi nghiệp và lập nghiệp ngoài “đôi bàn tay làm nên tất cả” thì vấn đề về vốn (hay gọi trần trụi là Tiền) cũng hết sức quan trọng.

– Tôi thấy cậu là một thằng cha năng động khủng khiếp và lại thiết kế ra được loại tầu chạy nhanh khủng khiếp. Tôi đã đưa ra cho một số bạn bè xem những tấm ảnh con thuyền và tôi tin nếu cậu đến gặp họ, họ sẽ ủng hộ cậu. Vậy thế này, cậu cần tài trợ mà tôi thì có tiền. Tôi sẽ tài trợ cho cậu…

“Tôi cho rằng người có mơ ước và quyết tâm thực hiện mơ ước là loại người đáng quý nhất trên đời. Bỏ tiền vào cho loại người đó là khôn ngoan nhất. Nói cậu biết, hồi trước tôi cũng như cậu, chỉ có mơ ước và lòng quyết tâm thực hiện mơ ước. Nhưng tôi đã gặp một người khôn ngoan, biết đầu tư vào tôi. Ông ta là bạn của cha tôi. Ông già đó đã chết nhưng cách tốt nhất để trả ơn ông ấy là đi theo con đường ông ấy vạch ra. Tôi hy vọng sau này cậu cũng noi gương đó. Cậu sẽ gặp một thằng bé mơ ước và quyết tâm thực hiện nhưng chưa có vốn liếng. Cậu hãy đầu tư vào nó. Đấy là cách tốt nhất, nếu như cậu muốn trả ơn tôi.”

Nếu không có những ước mơ tưởng chừng như quá tầm tay như thề về một cơ nghiệp của riêng mình thì có lẽ chàng thanh niên Na Uy đã không bao giờ nhận được sự giúp đỡ của người bạn già giàu có và tốt bụng.

Ước mơ là thứ có thể giúp chúng ta tìm ra sứ mệnh của mình trong cuộc đời! 

Mountain

With Charlie on a cold day from the North

Có lẽ chuyến đi về quê hương sông nước cũng đã cho tôi một ước mơ, dù tôi cũng không rõ ước mơ đó của mình là lớn lao hay nhỏ bé và cha tôi cũng không có người bạn nào để mà chỉ đường cho tôi. Vậy thì, có lẽ tôi sẽ phải tự đi tìm nó

“Tôi chầm chậm đi ngang các triền đồi có những rặng thông sâm sẫm và những cây bạch dương trắng muốt. Chẳng mấy nữa trời sẽ ấm lên. Khung cảnh tuyệt đẹp khi khu rừng hiện ra như một vườn cây hoang sơ được ánh nắng mặt trời chiếu sáng từ mọi phía, những chiếc lá xanh ngắt đung đưa trong gió nhẹ, những thảm có non xanh mướt trên đầu và xung quanh tôi – cùng những giọt nắng trên thảm cỏ và tiếng vo ve của đàn ong, tất cả đều ngát hương và tôi chậm rãi đi về phía trước cho đến khi nghe thấy tiếng nước chảy.

Một buổi sáng yên tĩnh và vẫn còn sớm.

Tôi đi qua

…..Những con đường uốn lượn được viền vỏ sò và những viên đá tròn, nhỏ màu vàng, thỉnh thoảng chìm sâu vào những vệt nắng mặt trời . Tiếng gió rì rào trên thung lũng và thổi dọc những triền rừng.

(Tove Jansson – Moomivalley in November)

Và giờ đây trước mặt tôi là những cánh đồng thẳng tắp của quê hương. Cánh đồng vừa sau mùa gặt, chỉ còn trơ trọi trên đó NHỮNG CỌNG RƠM.

Tôi chợt Ồ lên một tiếng trong tâm trí. NHỮNG CỌNG RƠM

Của Cuộc cách mạng.

CUỘC CÁCH MẠNG NHỮNG CỌNG RƠM

Tôi tin rằng chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nên cả một cuộc cách mạng. Thoạt nhìn, cọng rơm có vẻ mỏng manh và không đáng kể gì. Khó có ai lại có thể tin rằng nó có thể khơi nguồn cho một cuộc cách mạng. Nhưng tôi đã đi đến chỗ nhận ra được sức nặng và quyền năng của cọng rơm này. Đối với tôi, cuộc cách mạng này rất thực.

Hãy nhìn những cánh đồng đại mạch và hắc mạch này. Khi chín, chúng sẽ đạt năng suất khoảng 22 giạ (gần 6 tạ) trên một nghìn mét vuông. Tôi tin rằng năng suất này ngang ngửa với tốp đầu ở tỉnh Ehime. Mà nếu ngang ngửa tốp đầu của tỉnh Ehime, thì nó có thể dễ dàng ngang bằng với sản lượng thu hoạch tốp đầu trên toàn quốc – vì đây là một trong các khu vực nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản. Thế mà những thửa ruộng này không hề được cày đất suốt hai mươi lăm năm qua.

Để trồng, tôi chỉ đơn giản rải hạt giống đại mạch và hắc mạch lên những thửa ruộng riêng rẽ vào mùa thu, trong lúc lúa[1] vẫn còn trên ruộng. Ít tuần sau đó, tôi thu hoạch lúa rồi rải rơm của chúng trở lại khắp đồng.

Với lúa thì cũng gieo tương tự. Ngũ cốc mùa đông sẽ được gặt vào khoảng 20 tháng năm. Chừng hai tuần trước khi ngũ cốc mùa đông chín hẳn, tôi vãi hạt giống lúa lên ruộng đại mạch và hắc mạch. Sau khi ngũ cốc mùa đông được thu hoạch và đập lấy hạt, tôi lại rải rơm đại mạch và hắc mạch lên khắp ruộng.

Tôi cho rằng việc sử dụng cùng phương pháp để trồng lúa và ngũ cốc mùa đông là điểm độc đáo chỉ có trong cách làm nông tự nhiên này. Nhưng có một cách còn dễ hơn. Khi sang tới thửa ruộng bên cạnh, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy rằng lúa ở đó đã được gieo vào mùa thu năm ngoái cùng lúc gieo ngũ cốc mùa đông. Trên thửa ruộng đó, việc gieo trồng của cả năm đã xong vào thời điểm đón chào năm mới.

Hẳn các bạn cũng để ý thấy rằng cỏ ba lá hoa trắng và cỏ dại đang sinh sống trên những cánh đồng này. Hạt giống cỏ ba lá được gieo giữa đám lúa vào đầu tháng mười, trước khi gieo đại mạch và hắc mạch một thời gian ngắn. Còn cỏ dại thì tôi chẳng cần phải lo gieo hạt, chúng tự làm việc đó khá dễ dàng.

Vậy là thứ tự trồng trọt trên cánh đồng này như sau: vào đầu tháng mười, cỏ ba lá được vãi vào đám lúa đang sinh trưởng; tới giữa tháng thì đến lượt gieo ngũ cốc mùa đông. Đầu tháng mười một, lúa được thu hoạch, sau đó gieo luôn hạt giống lúa cho năm sau rồi phủ rơm lên khắp ruộng. Chỗ đại mạch và hắc mạch mà các bạn đang thấy ở trước mắt được gieo trồng theo phương cách này.

“Thế mà những cánh đồng này không hề được cày xới đất suốt hai mươi lăm năm qua.”

Để chăm lo cho mỗi nghìn mét vuông ruộng, một hay hai người có thể làm tất tật công việc trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông chỉ trong vòng một vài ngày. Có lẽ không có cách trồng ngũ cốc nào đơn giản hơn thế.

Phương pháp này hoàn toàn mâu thuẫn với kỹ thuật canh tác hiện đại. Nó vứt bỏ hoàn toàn các kiến thức khoa học và bí quyết làm nông truyền thống. Với kiểu làm nông không sử dụng đến máy móc, không chuẩn bị sẵn phân bón và không hoá chất này, sản lượng mà ta có thể thu hoạch được bằng hoặc cao hơn so với sản lượng của những nông trại trung bình ở Nhật Bản. Minh chứng đang rành rành trước mắt các bạn đấy thôi.

(Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm/ Masanobu Fukuoka)

-Mày biết không Charlie, khi tao cảm thấy rằng gần như tao đã tìm thấy một cái gì đó mà trước đó tao chưa bao giờ nghĩ đến thế là tao hét to  váng trời, tao nhảy lên một điệu như của lũ cào cào châu chấu trên cánh đồng chỉ còn trơ những gốc rạ dưới tiết trời ảm đạm tháng Mười một.

Mountain miệng nói tay lại thoăn thoắt rót tiếp một chén trà nóng cho thằng bạn già đang rên hừ hừ trước những cơn gió đầu Đông

-Sao mà chúng ta giống nhau thế ngừoi anh em. Sau những lần nhịp tim tao bị rung rinh quá đà, nó cứ đập loạn xà ngầu hết cả lên trước những bóng hồng :)), lần này qua đến lần khác mà chẳng đi tới đâu. Đến mức mà có lần những thằng bạn của tao,

Charlie đang nói đến đây thì đột nhiên dừng lại: Trời ơi, mày để tao sống với cảm xúc chút, cái xứ khỉ ho này lạnh lẽo quá làm tao nhớ tới chúng nó quá chừng.

Mountain liếc sang thấy mắt Charlie ươn ướt, nó cũng mủi lòng lôi ngay cái khăn mùi soa quý hoá mà nó giữ còn hơn cả giữ vàng suốt từ thuở ấu thơ ấy :)) đưa cho thằng bạn

-Ý tao là tao nhớ những thằng bạn già của tao ấy chứ tao làm gì có cô thanh mai trúc mã nào tặng khăn, đâu phải ai cũng có diễm phúc như mày :). Mới xa nhau có nửa năm thôi mà tao đã cảm thấy lâu lẩu lầu lâu lắm rồi. Hồi đó, cái thằng thi sĩ William ấy, nó hiền lành là thế mà cứ đụng chuyện này là nó lại quát tao như quát con: Charlie mày ơi, thôi nhé, đến cô này là chấm dứt đi nhé, không lại chẳng đi đến đâu đâu :)). Ai chẳng biết nó là thằng sướng nhất trên đời. Rồi đến cái “cụ xứ” nó cũng lao vào rủa xả tao. Cái gì mà mới tháng Năm mà nó đã gào lên “Tạm gác hết những âu lo lại, Ta sẽ không quay đầu”. Gác làm sao được mà gác!

Charlie lại sụt sùi lần này nó lấy cái khăn của thằng Mountain chấm chấm quanh mắt như thầy giáo Toán của nó hồi mới chuẩn bị về hưu:

-Cho nên tao không muốn gặp chúng nó đâu, những người anh em một thời của tao ấy mà. Mày thấy đấy mới nhớ đến thôi mà nước mắt tao đã trào ra thành suối thế này. Gặp nhau chắc sẽ thành sông mất, mà tao biết mày thì không thích sông đâu, phỏng?

Mountain đang thối ruột vì buồn bã bởi những lời u sầu của thằng bạn cũng phải bật cười vì trong hoàn cảnh nào thằng nhỏ cũng không thoát được cái khiếu hài hước bẩm sinh:

-Cho nên, cũng giống mày và cũng khác mày, tao đang đi để tìm cho mình một con đường. Nhưng con đường của tao là để cảm nhận hạnh phúc từ tâm. Tao tìm đến nàng Lý Chính Thất cũng là vì mục đích đó, vì nàng cho rằng sau bao nhiêu năm nàng đã tìm được hạnh phúc khi được sống là chính mình, với cỏ cây hoa lá và không vướng khỏi bụi trần nơi phố thị.

-Nhưng mày đâu phải là Chính Thất, theo con đường đó được thì có lẽ chỉ “cụ xứ” của chúng mày là đủ khả năng thôi :)), mày biết không?

Mountain vừa đăm chiêu vừa xoè tay đỡ cái khăn từ thằng Charlie. Nó gấp gọn gàng xong lại cho vào túi áo ngực, cử chỉ y như thằng Buffalo bên lớp Ricedog năm xưa :))

-Tao biết chứ, nhưng cuộc đời là gì nếu không phải là những lần thử nghiệm để có được những trải nghiệm?

-Câu này thì tao đồng ý với mày. Ngay bây giờ tao có thể nói với mày tao cũng đã lờ mờ nhận ra những suy nghĩ về con đường đi của nông nghiệp quê tao và hiểu vì sao nàng Chính Thất của mày lại cảm thấy hạnh phúc khi được gần với những gì nguyên bản nhất của tự nhiên.

Đó cũng là lý do tao nhảy xe, tất nhiên không phải là xe đò mà là chiếc  container chở nông sản ra đến tận ngoài này. Chuyện còn dài lắm, tao sẽ kể mày nghe sau. Giờ thì đêm  đã gần về sáng rồi. Thôi anh em mình nên nhanh chóng  tìm nơi trú ngụ để cô hàng nước còn dọn hàng.

Hai thằng trả tiền rồi đứng dậy. Trên đầu chúng nó đã thấy Trăng treo,

Trăng của tình đồng chí.

Trong không khí tĩnh lặng của đêm Đông, người ta nghe đâu đây văng vẳng tiếng hát:

Ta biết trao nhau ân cần biết mỗi khi vui buồn có nhau
Thời gian để ta trưởng thành với nhau.

South to the Mediterranean and East to Asia – The Vikings carry war, commerce, and new people into old empires

(Người Viking mang chiến tranh, thương mại và những con người mới vào các đế chế cũ)

By Bertil Almgren

6.

Người Scandinavi không định cư rộng rãi ở Pháp như ở Anh. Nhưng họ đã đạt được một thành công đáng chú ý ở Pháp, biểu tượng là việc trao cho thủ lĩnh Rolf, hay Rollo, vào năm 911, khu vực phía tây bắc nước Pháp vốn là hạt nhân của công quốc Normandy.

Vào khoảng thời gian Rollo và lực lượng của ông, chủ yếu là người Đan Mạch, được thành lập bởi Vua Charles the Simple ở vùng Hạ sông Seine, những người Viking khác cũng đang định cư ở Tây Normandy theo sáng kiến ​​riêng của họ. Trong thế kỷ thứ 10, sự xâm nhập chậm rãi của người Scandinavi đã củng cố thêm những lần đến đây đầu tiên này. Các nghiên cứu về ngôn ngữ đã chỉ ra rằng nhiều người đến sau là người Đan Mạch di cư từ Anh, hoặc ít thường xuyên hơn là người Na Uy từ các vùng phía tây của Quần đảo Anh.

Người ta thường đồng ý rằng quá trình thuộc địa hóa này chủ yếu mang tính chất quý tộc. Trên hết, nó cung cấp lực lượng tiếp viện cho một xã hội nông thôn mà các lãnh chúa Frank bản địa, xét về mọi mặt, phần lớn đã bị bỏ hoang. Đáng chú ý nhất là gia đình Rollo, Công tước đầu tiên, mặc dù đã chuyển sang Cơ đốc giáo nhưng vẫn bảo tồn một số phong tục điển hình của người Scandinavi.

Ví dụ nổi tiếng nhất là phong tục hôn nhân được người đương thời gọi là “more danico” và chế độ đa thê đơn giản ở thời chúng ta. Nếu những người định cư Scandinavia mang theo phụ nữ thì họ không thể nhiều: việc kiểm tra các văn bản liên quan đến Normandy trong giai đoạn từ 911 đến 1066 cho thấy chỉ có sáu phụ nữ, trái ngược với 300 nam giới, có tên Scandinavia. Trong nhiều dịp khác nhau trong thế kỷ thứ mười, các công tước xứ Normandy, mặc dù về mặt kỹ thuật là những người theo đạo Cơ đốc, đã kêu gọi những người Viking ngoại giáo giúp đỡ để chống lại kẻ thù Frankish của họ.

Những thay đổi lớn về địa danh của Normandy từ cuối thế kỷ thứ mười đến đầu thế kỷ thứ mười một cho thấy nhiều điền trang đã rơi vào tay những người cai trị mới. Những thay đổi này đặc biệt ấn tượng ở miền đông Normandy, nơi mà trong số rất nhiều địa danh được tìm thấy trong các tài liệu thời tiền Viking, chỉ còn lại một số lượng rất nhỏ cho đến thế kỷ thứ 11. Có thể ở một số khu vực nhất định, đặc biệt là dọc theo bờ biển, làn sóng nhập cư của người Scandinavi vẫn còn nặng nề hơn.

Thuật ngữ đánh cá và đóng thuyền trong cách nói của cư dân ven biển rất giàu yếu tố Scandinavi thời trung cổ. Thậm chí ngày nay các thuật ngữ Bắc Âu vẫn thường được sử dụng bởi ngư dân và thủy thủ ở bờ biển phía bắc bán đảo Cotentin. Mặt khác, cuộc nổi dậy của nông dân Norman (được mô tả bởi các nhà biên niên sử William xứ Jumieges và Wace), đã làm gián đoạn công quốc trong những năm cuối của thế kỷ thứ mười, đã được coi là bằng chứng về làn sóng nông dân Scandinavia ồ ạt.

Những người nông dân này, ở quê hương họ đã quen với tự do cá nhân và kinh tế, sẽ không sẵn lòng chấp nhận những hạn chế do phong tục phong kiến ​​ở miền bắc nước Pháp áp đặt, được các lãnh chúa Norman của họ áp dụng, hay nói đúng hơn là thích nghi.

Bất kể sức mạnh về số lượng và đặc điểm xã hội của cuộc di cư của người Scandinavi đến Normandy, những người kế vị của Công tước Rollo đã chiếm một vị trí đặc biệt ở Pháp vào đầu thời Trung cổ. Những nhà văn hiểu biết nhất của thế kỷ 10, 11 và đôi khi thậm chí là thế kỷ 12 đều coi người dân Normandy là người nước ngoài.

Chính cái tên “Normandy”, được đặt cho toàn bộ khu vực khá sớm, đã ủng hộ quan điểm này. Trong suốt thế kỷ 11, người Norman nổi bật về tính năng động của họ. Họ là những người lính định cư đã mở rộng diện tích và ảnh hưởng của công quốc gây bất lợi cho những người hàng xóm Frankish của họ, cho đến khi Normandy là cường quốc đáng gờm nhất ở Tây Âu, và thậm chí còn có thể chinh phục nước Anh, nước giàu nhất. Người Norman cũng tạo ra các lãnh địa mới cho mình ở xa như miền nam nước Ý và Sicily, và cuối cùng thành lập công quốc Antioch ở Syria sau khi tham gia chính vào Cuộc Thập tự chinh thứ nhất (1095 đến 1099).

Trong khi làm như vậy, họ đã gây ra nỗi sợ hãi và kính sợ đối với các Giáo hoàng, công tước Lombard, người Hồi giáo Saracens và cả các hoàng đế Byzantine. Thành tích đầu tiên đó chủ yếu nhờ vào kỹ năng, nghị lực tàn nhẫn và sự quyết tâm của các công tước, không ai có thể phủ nhận. Nhưng trong phân tích cuối cùng, phải chăng cả hai phong trào bành trướng này đều là kết quả của sự truyền máu Scandinavia đã mang lại cho những người này sức sống phi thường, để rồi, vào thế kỷ 11, họ đã trở thành thứ mà một nhà sử học gọi là “bậc thầy của thế giới của họ”. ”?

Kiến thức về nước Nga thời Viking rất ít và có rất nhiều cơ hội để suy đoán. Một số người Viking – người Thụy Điển và những người Scandinavi khác – chắc chắn đã đi du lịch, buôn bán và chết trong vùng rừng và thảo nguyên rộng lớn ở phía đông và đông nam vùng Baltic.

Nhưng mức độ mà họ giao dịch hoặc giải quyết vẫn còn rất nhiều nghi vấn. Ý tưởng cho rằng người Viking ở Thụy Điển cai trị các khu vực rộng lớn ở Nga dựa trên Biên niên sử Nestor của người Nga cổ, được viết ở Kiev, kể về việc người Slav đã mời các nhà cai trị Thụy Điển, mà họ gọi là Rus, cai trị đất nước của họ như thế nào, và nói rằng điều này xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ chín. Tuy nhiên, bản thảo cổ nhất của Biên niên sử có niên đại từ thế kỷ 14, và truyền thống 500 năm tuổi có thể không đáng tin cậy.

Một số phát hiện đã được thực hiện ở Nga cùng loại với nhiều phát hiện thời Viking được tìm thấy ở Scandinavia. Hầu hết trong số này đều nằm trong những ngôi mộ có nhiều điểm giống với những ngôi mộ kiểu Scandinavi. Vì vậy, ít nhất là nhìn bề ngoài, việc thuộc địa hóa rộng rãi của người Scandinavi ở Nga có vẻ khá chắc chắn.

Nhưng phần lớn bằng chứng chi tiết là không rõ ràng. Ví dụ, ngôi mộ được tìm thấy ở Nga bao gồm những chiếc lược thuộc loại phổ biến ở toàn bộ Tây Bắc Âu, và người Thụy Điển không nhất thiết phải là những người buôn bán tích cực nhất dọc theo các tuyến đường xuyên Phần Lan đến Nga trong mọi trường hợp. Hai dòng chữ runic trên gỗ đã được tìm thấy ở thị trấn kiên cố cũ Starajia Ladoga, phía nam hồ Lagoda, và không xa Leningrad ngày nay, nên ít nhất sự hiện diện của người Scandinavi ở đây đã được chứng minh. Nhưng một số học giả đã đi xa hơn khi cho rằng toàn bộ thị trấn là thuộc địa của người Viking.

Theo lý thuyết của họ, Staraja Ladoga là một đồn bốt nơi người Viking nghỉ ngơi trước khi họ bắt đầu kéo tàu của mình ngược dòng sông Nga, băng qua các lưu vực sông và xuôi xuống sông Volga. Ở đó một lần nữa, bằng chứng là không thuyết phục. Có thể Staraja Ladoga chỉ đơn thuần là một trạm dừng nơi hàng hóa được chuyển từ tàu của người Viking sang các tàu nhỏ hơn, và chính tại đây, chúng được vận chuyển về phía đông nam, ngược lên nhiều con sông của Nga.

Một số ngôi mộ nổi tiếng nhất của Nga được tìm thấy có chứa các đồ vật Scandinavia từ thời kỳ này đã được phát hiện dọc theo những con sông này. Nhưng trong khi những ngôi mộ thực sự là những gò đất nhỏ rất giống với những ngôi mộ ở miền trung Thụy Điển, phương thức chôn cất thường khá khác Thụy Điển.

Ví dụ, sức khỏe với dụng cụ nấu ăn thường được coi là tâm điểm của ngôi mộ. Trong số những đồ vật thực tế được tìm thấy, những chiếc trâm cài hình bầu dục đặc trưng của Scandinavia có thể đã được nhập khẩu. Nhiều đồ trang trí khác được tìm thấy là điển hình của các khu vực không có người Viking.

November 23, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Tháng Mười một của trái tim (6)

by Rose & Cactus November 21, 2023

Sáng qua mình chở con đến trường tham dự lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20.11. Không biết còn có nơi nào có một ngày dành riêng cho các thầy cô như ở nước ta không, nhưng chắc chắn điều đó minh chứng rằng người Việt Nam ta từ xưa đã luôn coi trọng sự học. Có thể thấy rõ giáo dục luôn là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu không chỉ ngoài xã hội mà còn trong mỗi gia đình.

Ngày xưa trong ngày này, không như các bạn bây giờ  tập trung tại trường, bọn mình toàn rồng rắn cả lớp đạp xe đến từng nhà thầy cô. Bao nhiêu thầy cô dạy là bọn mình đi cho bằng hết, có năm còn đi cả các thầy cô đang thực tập. Trước đó thì ban cán sự lớp đã đi mua quà cho các thầy cô rồi, những món quà rất giản dị thôi, có thể là một bộ ấm chén, một mảnh vải hay một cuốn sổ đẹp, và không thể thiếu hoa tươi.

Mình vì thân thiết với con bạn Linh Anh làm lớp trưởng nên hay được theo nó đi mua hoa. Mà không biết thế nào mà mấy năm liền tìm nơi mua hoa rẻ và đẹp thì vô tình toàn rơi vào đúng nhà của một giáo viên nào đó. Hoá ra, ngoài đi dạy ở trường để cải thiện  thêm thu nhập các cô tăng gia thêm bằng cách trồng và bán hoa tươi (đối với những nhà thầy cô nào rộng).

Mình thì nghĩ rằng không có nghề nghiệp nào mà thích hợp với hoa hơn là nghề giáo. Xưa xã hội còn nghèo nhưng thi thoảng trên bàn giáo viên các cô vẫn cắm những lọ hoa tươi đặt trên bàn, nhìn sáng bừng cả lớp học, nhất là những lớp nằm ở những dãy nhà cấp bốn vừa tối tăm vừa ẩm thấp.

Mình nhớ nhất đợt đó vào nhà cô  dạy bọn mình môn Địa lý thời cấp hai để mua hoa. Nhà cô rộng ơi là rộng, nằm trên một sườn đồi đã được gia đình cô san xuống thấp một chút để dễ làm đất và tưới nước cho hoa cỏ. Sao mà ở ngay gần con đường lớn ở trung tâm mà cô lại có mảnh đất lý tưởng thế chứ (Skeleton cứ bình tĩnh nha con, đất đai giờ ế ẩm lắm  :)).

Cô thấy bọn mình vào là biết mua hoa nên hồ hởi dẫn mình ra vườn cho thích bông nào cắt bông đó. Mình gì có thể vụng chứ cắt hoa thì nhanh thoăn thoắt, thích mê, tháng mười Một miền Bắc tiết trời đang vào Đông chưa đến mức lạnh lắm và vẫn nhiều nắng nên hoa hồng nở rộ đỏ thẩm cả một vùng trời.

Cô rất hiền, nhiều đến mức như diện tích đất trồng hoa nhà cô. Cô bảo bọn mình là đất này cô được thừa kế từ cha mẹ đã đến lập nghiệp ở cái thành phố này từ những ngày đầu tiên chứ lương nhà nước của hai thầy cô thì sao mà mua nổi. Hàng ngày sau khi đi dạy về thầy cô phần lớn ở ngoài vườn, đến cuối tuần hay ngày rằm mùng một ngày lễ tết là hai vợ chồng cô cắt hoa đem ra chợ bán. Có lẽ vì cô là nhà giáo đi buôn nên hoa của cô thường rất rẻ. Cô nói với chúng mình bán đắt (hoặc thậm chí bằng so với giá chung) khiến cô ngại.

Sau khi chuẩn bị xong xuôi hết, hoa và quà, những món quà nhỏ bé thôi nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của những đứa học trò nghèo. Học sinh tỉnh lẻ cũng có cái hay các bạn ạ, đó là có vẻ như chúng mình ngây thơ, hồn nhiên hay nói như các bạn là “quê mùa” hơn so với ở những đô thị lớn.

Thì bắt đầu cả lớp mỗi đứa ào lên con ngựa sắt của mình và thẳng tiến. Bắt đầu đi từ sáng và để đi hết tất cả nhà các thầy cô thì cũng là lúc hoàng hôn buông xuống rồi. Vui và nhiều kỷ niệm kinh khủng!

Có lẽ thế hệ các bạn bây giờ không bao giờ có được những khoảnh khắc kiểu như vậy nữa, vì chỉ có kiểu đạp xe rồng rắn lang thang trên đường cả ngày mới cảm nhận được cái thú vị  của cảnh vật, đất trời, không khí và con người.

Đến cấp ba, trên những chuyến rong ruổi bằng xe đạp cả lớp như thế chúng mình mới phát hiện ra à hoá ra con A thằng B đang OTT thằng C con D nào đó mà bình thường ở lớp chúng nó cứ kín như bưng, chả ai biết được gì :)) (mình có truyện ngắn ký sự trên những chuyến đi thăm thầy cô nhân ngày nhà giáo khi mình còn ở độ tuổi của các bạn, để mình tìm và gõ lại các bạn đọc thử xem có khác với các bạn nhiều không, thời xưa so với nay).

20-11 như một sự tình cờ, thời tiết cả trong Nam và ngoài Bắc thường là rất rất đẹp. Với thời tiết như thế lao ra khỏi nhà kiếm một nơi nào đó để viết lách thì không còn gì tuyệt hơn, với những người đã “muôn năm cũ” như mình :)). Vậy nên giờ con kết thúc buổi lễ ngày nhà giáo ở trường lúc nào mình cũng quên luôn, đi đón nó sớm quá trời đất nên đành ngồi ở ngoài, một chỗ mát mẻ ngay cạnh một rừng cây nhỏ.

Nhìn cây mình lại nhớ đến cái trường cấp ba của mình ngày xưa và lại tí toáy lôi đồ lề ra viết lách :)). Ở quê trường học được cái rộng rãi lắm luôn các bạn ạ. Trường mình cũng thế, đúng kiểu trường học nằm ẩn nấp trong một rừng cây. Ngoài mấy chục cây Phượng vĩ và bằng lăng đỏ rực hay tím lịm khi hè sang thì ngôi trường còn cả chục cây xà cừ cổ thụ cao lớn mà tuổi đời của nó chắc tầm phải ngang cỡ tuổi của thế hệ ông bà chúng mình rồi một rừng bạch đàn, nơi đã được chặt bớt đi ngay chính giữa để lấy chỗ làm sân chơi bóng đá, và các hố cát của môn nhảy cao, nhảy xa trong môn thể dục.

Không ở đâu mà học thể dục thích hơn ở các làng quê vì chúng mình có không gian rộng lớn, có cây cối trên đầu râm mát, có bãi cỏ xanh rì dưới chân, và nhìn chếch xuống tí thôi là những cánh đồng lúa xanh mướt nơi những con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ hoặc trắng muốt một dải cánh cò bay.

Trong những giờ thể dục như thế đôi khi tụi con gái bọn mình hay đi thơ thẩn kiểu “đuổi hoa, bắt bướm” ấy :)) và khi trở về các tiết học khác thì trên tay đứa nào cũng một đống các chùm hoa dại, hoặc là để ép vào những cuốn sổ hoặc để nó khô tự nhiên làm hoa khô treo nơi bàn học ở nhà.

Nghĩ đến không gian học tập của các con ở thành phố lớn mình rất thương vì nó qúa chật hẹp, nhất là vùng trung tâm. Nhưng biết làm sao được, thành phố đất chật người đông đến nơi ở mà còn chẳng có lấy gì mà đòi hỏi trường lớp phải rộng rãi như ở quê.

Mình cứ tí toáy viết được một lúc ngay bên cạnh khoảnh đất nhỏ như một rừng cây sát trường học của con trong lúc đợi nó thì nghe tiếng gọi tên mình. Ngẩng đầu lên hoá ra là một anh khách hàng cũ của mình, anh cũng đi đón con học ở đây.

Anh đúng là một ông bố đảm. Trước đây vợ anh đi xuất khẩu lao động bên Nhật một mình anh ở nhà vừa đi làm vừa nuôi dạy hai cô con gái rất chu đáo. Giờ đây khi gia đình đã vững về kinh tế thì chị về hẳn không sang bên đó nữa:

-Kinh tế năm nay quá khó khăn em ạ, căn nhà mặt tiền trước anh mua qua giao dịch bên em mà giờ đây đang để trống mãi không có người thuê

Đó là điều hiển nhiên mà ai cũng có thể nhìn thấy những ngày này. Thật ra, cách đây cũng lâu lắm rồi, nếu mình nhớ không nhầm, cũng phải 6, 7 năm gì đó có một em khách hàng trẻ đã nói với mình một câu thế này mà ngay lúc đó mình cũng chỉ nghe thôi chứ không nghĩ gì nhiều. Em nói: “ Em cam đoan với chị luôn là chỉ trong 5-10 năm nữa thôi, rất nhiều phương thức kinh doanh truyền thống sẽ bị lỗi thời và đi đến suy tàn”.

Và thực tế đang diễn ra đúng như thế. Xe ôm công nghệ thay thế hoàn toàn các bác tài chỉ ngồi yên một chỗ xưa cũ. Các công ty taxi thì sống thoi thóp vì khách hàng vãng lai gần như mất hết vào tay các hãng xe công nghệ, chỉ còn sống được nhờ vào tệp khách hàng ít ỏi, những người cần hoá đơn chứng từ đầy đủ  để về thanh toán với công ty.

Chợ truyền thống thưa vắng, đến ngay cả chợ bán sỉ nổi tiếng Bình Tây, các chủ sạp cũng phải đóng cửa hàng loạt, chưa bao giờ buôn bán ở cửa hàng lại thê thảm đến thế. Tất cả đã được thay thế bằng mua bán trực tuyến, thậm chí xuyên quốc gia. Người ta giật mình tự hỏi tại sao order một đơn hàng từ Trung Quốc sang mà nó lại đi với tốc độ thần kỳ đến thế và với chi phí rẻ đến không thể ngờ.

Tất cả là do công nghệ, cùng với việc bùng nổ bán hàng thông qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội và hệ thống logistic được tối ưu hoá ở mức cao nhất đã thúc đẩy chu trình mua bán và giao nhận hàng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn bao giờ hết. Giờ đây, thậm chí bạn mất một chiếc dép của một đôi dép thì cũng có thể tìm mua online với giá không hề cao hơn mua trực tiếp thì thử hỏi cửa hàng truyền thống sao sống nổi.

Thế giới thực sự đã rất khác và nó còn dẫn đến sự thay đổi đến đâu nữa thì có lẽ chẳng ai có thể tiên đoán chính xác được. Ngay cả cái em khách hàng trẻ của mình, một cựu sinh viên trường Ngân hàng, người đã sớm đón đầu công nghệ để đi theo một hướng hoàn toàn khác với ngành học của mình và cực kỳ thành công, cũng không thể nào đoán định được.

Mình đứng nói chuyện với anh khách hàng cũ một lúc lâu, hết về triển vọng kinh tế lại đến chuyện học hành của tụi nhỏ xong thì cũng là lúc anh bảo vệ mở cổng trường, đã hết giờ của buổi lễ. Con mình ra, lại thấy sụt sùi nóng sốt:

-Sao đợt này  suốt ngày ho hen thế mẹ nhỉ!

-Mẹ nghĩ  do con không chịu được máy lạnh đấy!

Chán ghê, mày  chắc cho về quê sống thôi con ơi, một túp lều tranh có khi khoẻ như vâm, chứ hiện đại quá lại không chịu được :)).

Trời đông. Mới hơn bốn giờ chiều mà đã nhá nhem tối. Bầu trời sẫm một màu chì, thi thoảng lại thấp thoáng những cánh bồ câu chao nghiêng. Mình đun một nồi bổ kết với đủ thứ lá lẩu. Cả căn phòng lại ngập tràn một mùi thơm của hương đồng nội cỏ.

Vừa lúc em giao hàng Viettel kêu xuống nhận hàng mẹ mình từ quê gửi vào. Cũng toàn hoa cỏ vườn nhà mẹ trồng: Bồ kết, Sả, nghệ, trầu không, và mấy gói tía tô. Tía tô mẹ hái từ ngoài vườn vào, phơi khô ngoài nắng rồi đóng gỏi nhỏ gửi cho con. Lá này đun lên với nước nóng rồi uống như kiểu uống trà vậy. Thơm, ngon và tất nhiên rồi cực tốt cho sức khoẻ nhé! Không gì thích bằng cỏ cây tự nhiên vườn nhà đâu, bạn nào có vườn hôm nào thử trồng mấy cây tía tô xong đem phơi khô rồi hãm như  mình vừa kể ấy và uống xem có ngon không? Tuyệt cực kỳ luôn ấy!

Thực ra quay đi quay lại mấu chốt của nền kinh tế vẫn phải là một nền kinh tế dựa trên sản xuất. Tức là một đất nước muốn phăt triển bền vững  thì phải có một nền sản xuất phát triển, tự mình có thể đảm đương chế tạo được những sản phẩm thiết yếu nhất của cuộc sống.

Và đối với một nước như nước chúng ta, nếu nói về lợi thế so sánh thì nếu không đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp để tạo ra một nền nông nghiệp sản xuất lớn thì còn về cái gì?  Công nghệ cao, công nghiệp nặng hay công nghiệp hàng tiêu dùng ư? Tất nhiên là vẫn phải phát triển rồi nhưng đừng có viển vông trên trời quá.

Công nghệ cao thì những nước phát triển với ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển hàng năm biết bao nhiêu tỷ USD mới có thể có cái gì đó ra tấm ra món còn ta tiền đâu ra mà làm? Người giỏi thuộc những lĩnh vực then chốt này thì  cũng  bị những nước giàu lôi kéo về hết với nước họ rồi.

Còn Sản xuất hàng tiêu dùng ư? Làm sao ta có thể cạnh tranh nổi với  người hàng xóm ngay bên cạnh, người được cả thế giới xem như là công xưởng ? Hàng của họ vừa đẹp, lại quá quá là rẻ nhờ lợi thế sản xuất hàng loạt. Đố chúng ta có thể sản xuất được một sản phẩm như họ làm với cái giá mà họ giao bán ?  Muôn đời là không thể. Giờ đây họ lại càng lợi thế hơn nhờ mạng lưới logistics phát triển đến mức mà mình không tin được luôn, chi phí giao hàng từ đó qua đây có món hàng chỉ đúng 3.000 đ. Thật là một mức chi phí vận chuyển không tưởng?

Vậy thì ngoài du lịch chỉ còn nông nghiệp là cái quý giá nhất của ta. Nhưng lĩnh vực này vẫn như cô gái ngủ trong rừng, chờ mãi mà chẳng có hoàng tử nào đến để đánh thức :)).

Thôi thì tạm thời mình lại quay về về hoàng tử, à xin lỗi,  “cụ xứ” Monster vậy :)). Chẳng biết mấy ngày rồi cụ đã chu du được đến đâu, đã xuống được đến hạ giới để gặp lại bạn bè cũ chưa?

Monster,

Lost in the wood :)))

Nov 21,

Dễ dàng bắt gặp hàng triệu giai điệu và những giai điệu mới luôn xuất hiện. Nhưng tôi để cho chúng bay đi, để chúng là bản nhạc mùa hè của bất kỳ ai. Tôi bước vào lều rồi chui vào túi ngủ và kéo túi trùm kín đầu.

Tiếng mưa rơi tí tách và tiếng nước róc rách vẫn tiếp tục vang lên đều đều, với âm hưởng dịu êm của sự bình yên và mãn nguyện. Nhưng mưa có nghĩa gì với tôi khi mà tôi chưa sáng tác được một bài hát nào về mưa.

(Tove Jansson – Moomivalley in November)

Charlie thân mến,

Mày đừng có lo, tao dạo này vẫn thế. Sức khoẻ dồi dào, tinh thần tấn tới :)). Chuyện, dù sao đi nữa tao vẫn luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề của một “cụ xứ”, là kiểu gì cũng phải chủ trì hôn lễ cho chàng thi sĩ duy nhất của lớp mình. Nhìn số phận hẩm hiu của mày với thằng Leo tao đồ rằng có khi cả cái lớp này có mỗi thi sĩ của chúng ta là cán được đến đích đúng thời hạn :))

Còn về nữ ma sơ ẩn dật của chúng ta, thì mày còn lạ gì, nàng có khi còn “tu” trước cả khi tao lên  núi :)), nghe đâu nàng có cả một hang động đẹp như chốn thiên đàng trên cái sân thượng ở cái chung cư gì đó mà tao quên mất tên rồi :)). Nói chung, nàng ổn, sống trong cái penhouse ngàn sao đó mà không ổn thì tao cứ đâm đầu xuống đất :))

Cho nên không phải là tao hay nàng tu sĩ ẩn dật mà chính mày mới là người đáng phải lo. Mày có biết sư phụ để lấy được chân kinh, ngoài ba đồ đệ thần thông quảng đại với đủ các phép thuật trừ tà, Ngài còn có thần tiên trên trời hỗ trợ. Còn mày thì có ai? Đơn phương độc mã, đường sá lại xa xôi cách trở như thế, biết bao giờ mới đặt được bước chân lên cửa nhà nàng Chính Thất?

Giá mà mày nói cho tao sớm cái ý định của mày thì có phải là tao đã có giải pháp cho mày ổn thoả rồi không? Tao chắc chắn sẽ sẵn sàng từ bỏ chốn bồng lai tiên cảnh này để tháp tùng mày đi đến nơi về đến chốn.  Gì chứ, dù sao tao cũng được phong cho chức “cụ xứ”, không có yêu ma, tiểu nữ nào :)) có thể mồi chài được tao hết. Đúng là mày chán quá chán đi!

Nhưng không sao, dù sao mày cũng đã đến ngưỡng cửa nơi thiên đường rồi, giờ đây lại có thằng bạn già Mountain của mày chia sẻ tâm tình vài bữa. Tao biết nó có công việc của nó nên không đồng hành cùng với mày được bao lâu đâu, nhưng được ngày nào hay ngày đấy. Mày nên nhờ nó truyền đạt kinh nghiệm đi đường, dù tao không biết nó là dân sông nước thì có am hiểu gì về rừng rú không?

Chúc mày luôn vững bước, rảnh thì lại biên thư cho tao!

Monster

Monster vội vã ghi vài dòng cho Charlie, rồi gửi đến Đại bàng chuyển đến cho thằng bạn. Xong xuôi nó mở cái khoá kéo của chiếc túi ngủ ngó ra ngoài:

Trong lều tối om. Tôi chui ra khỏi túi ngủ. Năm giai điệu vẫn không đến gần hơn chút nào – chẳng có tới một giai điệu. Ngoài trời im ắng quá, mưa đã tạnh. Tôi quyết định áp chảo mấy miếng mỡ phần và vào kho lấy thêm củi.

Sương mù từ biển tràn vào khá lâu, bầu trời hửng lên lờ mờ khi đêm tháng Mừoi một chuyển sang sáng sớm. Sương tràn lên sườn núi rồi lại trườn xuống ngập kín cả thung lũng. Tôi dự định dậy thật sớm để dành mấy tiếng cho riêng mình. Đống lửa đã tàn từ lâu, nhưng tôi không thấy lạnh. Tôi có một khả năng rất đơn giản, dù cũng rất đặc biệt: tự giữ ấm cơ thể bất kể thời tiết thế nào. Tôi thu gom hơi ấm quanh mình, nằm im không động đậy và cẩn thận để khỏi chìm vào giấc ngủ.

Sương mù đem theo sự tĩnh lặng tuyệt đối, cả thung lũng im lìm. Tôi bừng dậy và tỉnh như sáo. Năm giai điệu đang đến gần hơn.

“Tốt rồi”, tôi nghĩ. “Thêm một tách cà phê nữa, là mình sẽ bắt được chúng”.

(Lẽ ra tôi không nên uống cà phê lúc này).

Ngọn lửa loé lên giữa đống củi và cháy bùng. Tôi múc nước dưới sông và treo ấm cà phê lên trên đống lửa. Tôi lùi lại một bước, vấp phải cái cào của Hemuli và ngã phịch xuống đất. Cái nồi của tôi loảng xoảng lăn tròn dọc bờ sông và chiếc mõm dài của Hemuli hiện ra nơi cửa lều:

-Cậu đó à? Hemuli lên tiếng

-Chào bác. Tôi đáp lại

Hemuli bò ra cạnh đống lửa với cái túi ngủ khoác vai. Lão vừa lạnh vừa buồn ngủ, nhưng vẫn kiên quyết là mình phải tỏ ra thật tỉnh táo

-Cuộc sống nơi hoang dã! – Lão nói

Tôi nhìn chằm chằm ấm cà phê

-Cậu nghĩ mà xem – Hemuli nói tiếp – Cứ tưởng tượng được nghe những âm thanh bí ẩn của đêm đen trong một túp lều thực sự! Cậu không tình cờ có gì để tránh gió thổi vào tai hay sao?

– Không ạ. Tôi đáp. Bác muốn uống cà phê có đường hay không đường?

-Ta muốn chứ – Hemuli đáp – Và tốt nhất là bốn viên

Nửa người trước Hemuli bắt đầu ấm lên và cơn đau nhức ngang thắt lưng cũng giảm đi đáng kể

–Có một điều rất tuyệt ở cậu. Hemuli thủng thằng nói – Là cậu rất kiệm lời. Trông cậu thông thái kinh khủng chỉ bởi vì chẳng bao giờ cậu chịu nói gì. Ta chỉ muốn thao thao bất tuyệt về chiếc thuyền của mình thôi

Sương chầm chậm loãng dần, phủ tấm màn trắng rộng mênh mông trong rừng và được thân cây đen ngòm nâng lên – một phong cảnh hùng vĩ và trang nghiêm được sinh ra trong tĩnh lặng.

(Tove Jansson – Moomivalley in November)

South to the Mediterranean and East to Asia – The Vikings carry war, commerce, and new people into old empires

(Người Viking mang chiến tranh, thương mại và những con người mới vào các đế chế cũ)

By Bertil Almgren

5.

Ngay từ đầu Thời đại Viking, đã có những mối liên hệ sôi nổi giữa Scandinavia và Đế quốc Frank. Chúng diễn ra dưới bốn hình thức: xung đột chính trị và quân sự, thương mại, kết nối tôn giáo và văn hóa, và định cư, hình thức cuối cùng chủ yếu giới hạn ở Normandy. Lúc đầu, bạo lực làm lu mờ tất cả những thứ còn lại, và vẫn là một sợi dây đẫm máu xuyên suốt lịch sử Viking ngay cả sau khi các mối quan hệ hòa bình hơn nhìn chung đã được thiết lập.

Năm 799 sau Công nguyên, những người Viking đầu tiên đổ bộ vào Aquitaine. Vào khoảng năm 800, mối đe dọa ngày càng tăng từ các cuộc tấn công của người Viking đã buộc Charlemagne, vua của người Frank, phải xây dựng một số pháo đài, như Esesfelth gần Neumunster, dọc theo biên giới phía Tây Bắc của Đế quốc Frank.

Bất chấp điều này, bờ biển Bắc Hải vẫn rộng mở cho các cuộc tấn công của người Viking như trước, và những người cai trị người Frank sau này dựa nhiều hơn vào ngoại giao. Vào năm 826, vua Đan Mạch Harald – bị đuổi khỏi đất nước của mình – được trao Rustringen ở Frisia.

Năm 841, hòn đảo Walcheren được các hoàng đế Đức trao cho Harald, những người bằng cách này hy vọng có thể mang lại cho bản thân và đế chế của họ một mức độ bảo vệ nào đó. Nhưng ngay cả những nhượng bộ đáng chú ý như vậy cũng không thể mang lại hòa bình lâu dài.

Ngược lại, chỉ hai năm sau, các nhóm người Đan Mạch mới bắt đầu tiến lên các con sông Frank, và vào năm 845, người Viking đã cướp phá và đốt cháy thành phố Hamburrg. Đến năm 850, Viking Rurik của Thụy Điển không gặp khó khăn gì trong việc chinh phục toàn bộ Frisia trên bờ Biển Bắc, và vào năm 882, người Viking đã cướp bóc dọc theo sông Rhine và đốt cháy một số thị trấn.

Những kẻ cướp, di chuyển bằng tàu và trên lưng ngựa dù chiến đấu bằng chân, có lợi thế về tính cơ động. Họ có thể tấn công và trốn thoát. Các phương pháp phòng thủ truyền thống, chậm chạp – tập hợp lực lượng địa phương bởi các đại diện khu vực của nhà vua – đều vô ích trước một kẻ thù linh hoạt như vậy. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát địa phương hầu hết là những nông dân không có vũ khí, vô kỷ luật, những người không thể chống lại các chiến binh Viking đáng gờm, ngay cả khi họ  ra trận.

Việc các vị vua Frank không thể bảo vệ khỏi những kẻ đột kích Viking vừa gây ra vừa phản ánh sự suy giảm quyền lực của họ cũng như sự trỗi dậy quyền lực của các thủ lĩnh địa phương, những người có thể bảo vệ thành công hơn các khu vực và dân tộc của họ.

Cách phòng thủ hiệu quả duy nhất chống lại các cuộc tấn công của người Viking ở Pháp là sự phát triển của kỵ binh hạng nặng, cơ động để bắt và tiêu diệt binh lính Viking, cùng với việc xây dựng các trung tâm kiên cố: sự khởi đầu của các lâu đài thời Trung cổ.

Những điểm mạnh này có thể chống lại sự tấn công và đến lượt chúng có thể đóng vai trò là căn cứ để phản công. Người Frank cực kỳ miễn cưỡng thừa nhận tính tất yếu của các cuộc đột kích của người Viking, và chỉ đến nửa sau thế kỷ thứ chín, họ mới nỗ lực tạo ra những cứ điểm như vậy. Khi họ làm vậy, và khi kỵ binh hạng nặng được người Frank sử dụng rộng rãi, các cuộc đột kích của người Viking nhanh chóng trở nên ít lợi nhuận hơn và nhiều rủi ro hơn.

Vào thế kỷ thứ mười, người Scandinavi hiếm khi hoạt động trên lục địa. Sự thành công của những kỹ thuật mới này, và sự khởi đầu cho sự kết thúc mối đe dọa của người Viking ở Pháp, được tượng trưng bằng việc bảo vệ thành công Paris trong cuộc đại vây hãm năm 885-886, khi quân phòng thủ được chỉ huy bởi Odo, bá tước Paris, người ngay sau đó được chọn làm vua.

Tuy nhiên, chỉ sau khi một hiệp ước hòa bình được ký kết vào năm 927 giữa người Frank và người Viking định cư ở Normandy, và sau khi Gnupa, nhà cai trị Hedeby của Thụy Điển, bị vua Đức Henry the Fowler đánh bại vào năm 934, thì điều đó mới xảy ra, theo cách đã được chuẩn bị cho thời kỳ hòa bình hơn. Mặc dù vậy, sự yên bình của Đế chế Frank vẫn tiếp tục bị xáo trộn trong nhiều thập kỷ bởi các cuộc đụng độ biên giới và các cuộc thám hiểm cướp bóc nhỏ của người Viking.

Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp và thực sự là trong thời gian xảy ra những rắc rối chính trị này, các trao đổi thương mại vẫn phát triển ở quy mô chưa từng thấy trước đó. Một số thị trấn thương mại được thành lập trên đất Frank và Scandinavia. Chúng cần thiết cho hoạt động buôn bán và phát triển cùng với nó.

Quan trọng nhất là Dorestad gần cửa sông Rhine, Hedeby ở ranh giới phía nam Đan Mạch, Kaupang ở Na Uy và Birka ở Thụy Điển. Tầm quan trọng thương mại và sự giàu có của Dorestad, nằm trong lãnh thổ của người Frank, được thể hiện qua các văn bản như “Cuộc đời của Thánh Anskar” thế kỷ thứ chín, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi người Viking những kẻ đột kích đáng lẽ phải chú ý nhiều đến thị trấn này vào thế kỷ thứ chín.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại của thị trấn dường như không chú trọng nhiều đến hàng nhập khẩu dành cho người Frank mà đến hàng hóa cuối cùng đã tìm được đường đi qua lãnh thổ Frank đến Tây Ban Nha Hồi giáo. Tầm quan trọng tương đối của miền tây nam nước Pháp và do đó có lẽ là của Tây Ban Nha trên khắp dãy Pyrenees, được thể hiện qua những đồng tiền từ khu vực đó của Pháp được tìm thấy tại Dorestad.

Mối quan hệ thương mại đã tồn tại giữa người Frank và người Hồi giáo, nhưng những gì người Hồi giáo thực sự muốn và có đủ khả năng mua là lông thú và nô lệ, những thứ không đến từ Pháp mà từ nước ngoài.

Dorestad còn có ý nghĩa quan trọng theo một cách khác. Nó không chỉ là cảng thương mại chính của người Frank cho Scandinavia mà còn là nguồn cung cấp tiền xu chính cho Frisia và miền bắc. Đồng xu bạc (hoặc đồng xu) từ Dorestad đã được tìm thấy với số lượng lớn ở Scandinavia. Những phát hiện tại Dorestad cũng cho thấy mối liên hệ giao thương với nước Anh. Dorestad đã không tồn tại được đến thế kỷ thứ mười. Một sự thay đổi tai hại trên dòng chảy của sông Rhine đã cướp đi giao thông của nó.

Khi Dorestad và các thị trấn tương tự như Domburg trên đảo Walcheren suy tàn, hoạt động buôn bán của họ đã bị thay thế bởi những nơi như Stavoren ở Zuider Zee và Tiel trên sông Waal ở Hà Lan ngày nay.Sự lan rộng của Cơ đốc giáo đã thúc đẩy các mối liên hệ giáo hội giữa Đế quốc Frank và miền Bắc. Năm 834, tòa tổng giám mục Bremen được giao trách nhiệm quản lý toàn bộ vùng Scandinavia.

Ba mươi năm sau trụ sở chính được chuyển đến Bremen. Khoảng năm 950, nhờ quyền lực ngày càng tăng của các vị vua Đức theo đạo Thiên chúa, người ta có thể thành lập các tòa giám mục ở Đan Mạch, tại Hedeby, Arthus và Ribe.

Phần lớn các nhà truyền giáo làm việc ở Scandinavia là người Frank, mặc dù một số người Scandinavi được giáo dục trong các tu viện của người Frank, sau này họ trở về quê hương để truyền bá Phúc âm. Cũng có một số ảnh hưởng của người Frank đối với nghề thủ công của người Scandinavi.

Đồ trang trí hình động vật (động vật) phát triển cao từng là một phần của truyền thống bản địa của người Scandinavi kể từ thời tiền Viking, nhưng một phong cách khác, trang trí thực vật, cuối cùng bắt nguồn từ nghệ thuật cổ điển, đã được du nhập từ Franks của Đức vào khoảng năm 800, mặc dù nó đã không được các thợ thủ công Scandinavia chấp nhận hoàn toàn trong 200 năm nữa. 

Kết quả của tất cả những cuộc tiếp xúc này là miền bắc Scandinavi dần dần thoát khỏi sự cô lập lâu đời và sau đó trở thành một phần của Kitô giáo. Tuy nhiên, sự phát triển này đã đánh dấu sự kết thúc của nền văn minh cá nhân của người Viking và ảnh hưởng chính trị đặc trưng của họ. Người ngoại giáo Scandinavia thiếu cảm giác tôn giáo sâu sắc.

Do đó, khi Cơ đốc giáo được thành lập ở Scandinavia vào khoảng năm 1000 và văn hóa phương Tây ra đời cùng với nó, một nền văn hóa độc lập có khả năng so sánh phần còn lại của thế giới về mặt nghệ thuật đã bị phá hủy.

Ôi mải chuyện 20.11, mình lại quên nhắc đến anh thợ thuyền và cô tiểu thư rồi. Già rồi nó thế đấy! :))).  Hẹn các bạn vào bài viết sau chúng ta cùng gặp lại họ nhé!

November 21, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Stories

Chuyện Hoa hồng và Xương rồng (6)

by Rose & Cactus November 19, 2023

Hôm nay bà Thalia về trễ. Từ ngày được giải phòng khỏi ngừoi chồng vũ phu bà như được tái sinh trở lại, sức khoẻ tinh thần tốt hơn rất nhiều và tràn ngập khí thế làm việc. Bà cũng ý thức được gánh nặng tài chính chất lên đôi vai nhỏ bé của mình sẽ nhiều hơn vì giờ đây ngoài chi phí lo cho cuộc sống của hai mẹ con, tất nhiên bà không bao giờ mong đợi chồng cũ có thể hỗ trợ bà một phần chi phí nuôi con chung của họ, thì bà còn phải lo trả nợ cho các khoản vay mà bà đã ngược xuôi chạy vạy để giữ cho con bà một mái nhà.

Chủ nợ của bà là hai công ty tài chính tiêu dùng và nhiều người thân, bạn bè đã sẵn lòng giúp đỡ bà đúng lúc bà cần đến tiền nhất và điều đó đã khiến Thalia xúc động trong nhiều ngày liền. Bà quyết định sẽ cố gằng làm việc bằng 200% sức lực để nhanh chóng hoàn trả lại hết số tiền mà  mình đã vay.

Khi nghĩ lại cả quá trình dài chung sống cùng biết bao nhiêu khổ đau phải gánh chịu, Thalia không hiểu sao mình lại có thể chịu đựng được người chồng trong ngần ấy thời gian. Và như vậy, nếu cho rằng nạn bạo hành gia đình kéo dài nguyên nhân chỉ thuộc về những gã đàn ông ưa bạo lực thì hẳn là chưa đủ. Hơn thế, chính sự cam chịu đến nhu nhược của những người phụ nữ, những người vợ đã góp phần đẩy cuộc đời của chính họ chìm vào bi kịch.

Nạn nhân càng nhẫn nhục, đến mất hết cả lý trí thì tội ác lại càng  tha hồ lộng hành. Nếu một người được xem là phái mạnh nhẫn tâm ra tay đánh người phụ nữ ngày đêm đầu ấp tay gối với hắn một lần mà không gặp lại bất cứ sự phản kháng cần thiết nào thì tất yếu sẽ có lần hai, lần ba và có thể kéo dài bất tận, không có điểm dừng, Cuộc đời của những người vợ từ đó sẽ chỉ tràn ngập trong nước mắt. Hoàn toàn tối tăm và không có lối thoát.

Thalia không biết có bao nhiêu người phụ nữ trên hành tinh này đang và tiếp tục phải chịu những nghich cành như bà đã từng trải qua và liệu họ có bao giờ nghĩ tới những giải pháp để kiếm tìm sự tự do cho chính bản thân mình. Bởi nếu họ chỉ cần có tư tưởng giải thoát cho chính mình thôi thì khi bắt tay vào thực hiện chắc chắn họ sẽ phải Ồ lên một tiếng mà rằng thực sự mọi thứ không quá khó khăn và đáng sợ như  họ tưởng tượng. Phải, không đến mức như thế.

Hãy xem xét đến những tình huống hay gặp phải khi người vợ cực chẳng đã mới phải tiến tới bước cuối cùng: Đệ đơn ly hôn. Thì đầu tiên những gã chồng sẽ đổi tính nết một cách bất thường, họ  trở nên là người phỉnh nịnh và nói những lời như mật ngọt mà đã rất lâu rồi họ đã quên. Và rồi với bản tính yếu đuối, người phụ nữ lại sẵn sàng tha thứ cho chồng với những ước vọng viển vông về một sự thay đổi.

Không phải lúc nào sự vị tha cũng là một phẩm chất được tán dương. Càng vị tha thì sẽ càng thất vọng, thật là đúng trong trường hợp với những người vợ ở vào hoàn cảnh này. Bởi vì sẽ chẳng có sự thay đổi nào cả, mọi thứ sẽ lại quay trở về với tình trạng cũ , thậm chí là còn tồi tệ hơn. Và rồi cái chu trình đó cứ lặp đi lặp lại: Người chồng vũ phu- Người vợ nhẫn nhịn- Người vợ phản kháng – Người chồng xin lỗi- Người vợ tha thứ- Người chồng vũ phu-…..-…..  theo trạng thái y như ban đầu.

Nhưng nếu người phụ nữ quyết tâm không thay đổi ý định thì sao, khi nhữmg lời ngon ngọt không được họ chấp nhận nữa thì sao? Thì người chồng côn đồ sẽ lộ rõ bộ mặt thật của hắn. Hắn sẽ lồng lộn lên như con thú bị thương với đủ những lời đe doạ, khủng bố tinh thần với người vợ.

Hắn sẽ cản trở và tìm mọi cách trì hoãn hay chống đối quá trình tìm về với tự do của  ngừoi vợ. Và lúc này nếu người phụ nữ mới le lói lên một chút hy vọng của sự giải thoát, mà vị sợ hãi nên vội vã thay đổi quyết dịnh của mình thì họ sẽ mãi mãi bị giam cầm trong  cái lồng sắt mang tên hôn nhân ấy.

Thật ra, khi dũng cảm đứng lên chống lại sự bạo hành thể xác, bà Thalia mới nhận ra rằng  những gã đàn ông bề ngoài càng hung hăng hiếu chiến bao nhiêu thì bên trong lại càng hèn nhát yếu đuối bấy nhiêu. Họ sẽ phải e dè và có phần chùn bước trước quyết tâm mạnh mẽ của người vợ bất hạnh, những người chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ tận tình của cộng đồng, và cả những người thực thi luật pháp.

Ngừoi hoà giải trong vụ ly hôn của Thalia đã tỏ ra phẫn nộ cùng cực khi nhìn thấy những vết sưng bầm tin chạy dọc trên cánh tay phải của bà và đã chất vấn Thalia rằng sao đến lúc đó, sau bao nhiêu năm bà mới bước vào văn phòng của bà ta. Tại sao không phải là sớm hơn khi những trận đòn tái diễn đến lần hai, lần ba cùng lắm là lần bốn.

Nhưng, dù sao, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu hay kết thúc một vấn đề gì, dù có nan giải đến mấy. Người hoà giải ở toà án đã nói điều đó với Thalia.Và rằng họ sẽ cố gắng làm hết sức mình để quá trình ra khỏi địa ngục của mẹ con bà sớm đến.

Và ơn trời, mọi thứ cuối cùng cũng diễn ra tốt đẹp.

Hãy dũng cảm đối mặt với sự thật và đừng bao giờ thoả hiệp với người luôn đối xử với mình như kẻ thù là bài học cuộc sống mà bà đã rút ra được từ nỗi đau cuộc đời mình.

Tuy nhiên, Thalia hiểu rằng nếu không có sự can trường đáng kinh ngạc của cậu con trai bé bỏng của bà hôm đó thì có lẽ mãi mãi bà vẫn sống trong u mê. “Ôi, con trai mẹ, con thật là một anh hùng tràn đầy dũng khí của lòng hiếu nghĩa. Con đã làm bừng tỉnh trong mẹ sự tự ý thức về những  đỏi hỏi chính đáng về quyền nhận được sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau giữa người với người. Mẹ cảm ơn con”. Bà Thalia đã thì thầm với Xtas khi cậu đã chìm vào giấc ngủ say, trong đêm đầu tiên được xem là thiên đường của cậu.

Khi Xtas bé nhỏ đứng ngay trước bà và dang đôi tay ngăn chặn cường quyền và bạo lực, bà mới đủ tỉnh táo để nhận ra rằng bao lâu nay cái mà bà cố gìn giữ cho gia đình đầy đủ thực ra chỉ là một sự bao biện cho tính hèn nhát và ưa sĩ diện. Và điều đó đã khiến cho căn nhà của hai mẹ con bà không phải là nhà đúng nghĩa, nó chỉ là những khung dầm bê tông cốt thép về mặt vật lý chứ không có chút ấm áp và an yên để mỗi người mong muốn được trở về. Chẳng khác nào một lâu đài nguy nga lộng lẫy nhưng thiếu vắng đi ngọn lửa của tình yêu thương.

Và thực tế là trong hơn một năm qua kể từ ngày trong gia đình chỉ còn hai mẹ con, họ lại  cảm thấy vui vẻ hơn bao giờ hết. Không còn những trận đòn roi, những tiếng la hét, chửi bới hay van xin khóc lóc. Giờ đây chỉ còn lại tiếng cười vui.

Xtas của bà là một cậu bé hay nói và ưa hoạt động. Cậu bé biết nói sớm và từ khi còn nhỏ cậu đã là một cậu bé nói luôn mồm. Có cảm giác như cậu nói suốt ngày được. Thông thường những đứa trẻ như cậu lớn lên trong một gia đình mà nạn bạo lực diễn ra như cơm bữa  ngay trước mắt sẽ có tính cách nhút nhát và trầm lặng, và hoặc là có sức phản kháng kém hoặc là quá hung hăng.

Nhưng Xtas thì khác, trong mọi cuộc vui người ta vẫn nghe thấy tiếng của cậu vang lên nhiều nhất. Điều này không gây phiền muộn gì nhiều lắm cho đến khi cậu đi học. Mặc dù trong lớp cậu được ghi nhận là người rất tích cực xây dựng bài, không môn nào mà cậu không là người xung phong đầu tiên để trả lời câu hỏi của cô giáo. Cậu thậm chí còn trả lời trước cả khi cô kết thúc câu hỏi:

-Này, sao cậu cứ nói như thể cậu biết hết mọi thứ thế. Cậu phải để cho người khác nói với nữa chứ.

Con Jessie ngồi cạnh cậu một ngày phải nói câu này với cậu ít nhất cũng cả chục lần và cậu thật chúa ghét những lời nói cũ rích và cứ lặp đi lặp lại như thế. Nó  quen thuộc với cậu đến nỗi chỉ cần Jesssie cất lên một tiếng “Sao cậu cứ nói” là Xtas không để cái giọng í éo của nó kéo dài thêm nữa, cậu nói thay phần con nhỏ luôn “như thể cậu biết hết mọi thứ thế?

Và thế là Jesssie tức quá suốt cả buổi hôm đó nó không thèm đếm xỉa đến Xtas một chút nào. Nó còn bày đặt kẻ một ranh giới ngay giữa bàn và cấm Xtas không được lấn qua lấy dù chỉ là một phân. Thế đấy, ngày nào chúng nó cũng có chuyện để mà cãi nhau chỉ vì thằng Xtas mắc cái tội, mà con nhỏ quy kết, là nói hết phần người khác.

Đấy là chuyện của năm lớp năm. Khi bước vào bậc trung học cơ sở, Xtas không học cùng Jessie nữa. Trường mới, lớp mới và cậu lại có nhiều bạn mới. Nhưng chỉ được một thời gian chúng bạn lại bắt đầu rầy la cậu vì cái tật nói nhiều.

Có lần trong giờ sinh học, cô giáo Laura  đưa ra hai câu hỏi vào cuối giờ. Nếu ai trả lời đúng hết sẽ được một điểm mười.

Câu hỏi thứ nhất  của cô là: Các em hãy nêu cấu tạo của vi khuẩn?

Câu này dễ quá bạn nào cũng biết nên cả lớp giơ tay. Nhưng khi cô chưa kịp gọi ai thì Xtas đã ngồi ở dưới làm một tràng về các thành phần của loài sinh vật có cấu tạo cơ thể đơn giản nhất trong sự sống này.

Thế là cả lớp tiu nghỉu, còn ai trả lời trả vốn gì nữa. Mất toi câu đầu tiên dễ nhất rồi.

Đến câu hỏi thứ hai của cô: Hãy nêu ba biện pháp bảo quản thức ăn tránh bị vi khuẩn làm hỏng ?

 Câu này khó hơn, không ai đưa ra được kết quả đầy đủ và đúng, trừ Xtas. Mọi người chỉ biết có hai cái là đem bỏ tủ lạnh và muối lên thôi. Còn cái thứ ba là gì? Xtas hét toáng lên “ Đúng rồi là làm mứt”. vì lúc đó cậu chợt nhớ ra có lần về quê cậu thấy bà  ngoại làm mứt từ trái hồng. Bà nói làm mứt thì sẽ để được lâu vì hồng chín rộ bán không kịp là sẽ bị thối hết, rất phí.  

Ai ngờ sự hăng hái thái quá của cậu lại gây khó chịu cho nhiều người. Bạn bè cho rằng cậu là người thích thể hiện, thường gây ồn ào, mất trật tự và dần trở nên ít nói chuyện với cậu.

Ai bảo người nói nhiều không cô đơn?

Cũng có hai lần, ngày Xtas còn nhỏ, bà Thalia đưa cậu bé đi khám bác sĩ tâm lý vì lo lắng vấn đề của con. Nhưng bác sĩ sau khi nói chuyện với cậu xong thì cười bảo bà không phải lo lắng thái quá. Rằng cậu chỉ hơi bị tăng động giảm chú ý tý thôi chứ cậu rất sáng dạ và nhiều câu nói của cậu còn rõ ràng hơn cả của bác sĩ:

-Chỉ là không biết cậu viết lách thế nào thôi cậu bé. Nếu chữ cậu ở mức như chữ tôi thì tương lai cậu có thể làm bác sĩ được đấy

Ồ, lại còn thế nữa.  Sau hai lần đó, Xtas nhất quyết không chịu đi đến bác sĩ với mẹ cậu nữa. Dù cậu vẫn nói nhiều và có vẻ với cậu ý tưởng về một nghề nghiệp là bác sĩ cũng không phải là quá tồi.

Thế nhưng dù trong nhà cậu trước đây là nơi chốn sợ hãi và căm ghét nhất của cậu thì ngược lại, cậu lại có những người bạn tuyệt vời ở đây.

Đầu tiên là thằng Tommy dưới lầu 5. Giống như vẻ ngoài tròn trĩnh của thằng bạn cùng tuổi, Tommy cũng là người không bao giờ chịu ngồi yên. Nó loi choi suốt ngày và mồm thì cứ liến thắng lia lịa. Tommy là người đầu têu ra bao nhiêu trò nghịch ngợm tai quái đến mức nếu các cô các bác mà nghe có vụ gì đó động trời liên quan đến lũ trẻ của chung cư này là kiều gì người họ nghĩ đến đầu tiên cũng là  nó.  Có lần, dưới sân, khi chán chơi bóng banh với lũ bạn,  nó hứng chí nhảy lên cái xe đạp cút kít màu hồng của cô bé Muchin. Chiếc xe lúc đó đang được dựng cạnh cái ghế xích đu trong lúc em đang ngồi đu đưa trên ghế.

Nhưng chiếc xe đâu phải là dành cho những người đã nặng tới nửa tạ như nó, đã vậy nó lại còn ra sức đạp vòng quanh sân đến mấy lần. Thế là cái khung xe nhỏ bé mỏng manh không chịu được sức nặng lớn hơn mức  nó có thể chịu đựng nhiều lần, kêu đánh rắc một cái.

Rồi xong, chiếc xe đáng thương đã gãy cổ. Muchin trông thấy, em lao ra xe và khóc nức nở bắt đền thằng Tommy phải trả lại chiếc xe lành lặn cho em. Nhìn con bé nước mắt ngắn dài làm thằng Tommy  tự dưng thấy hoảng, nó sợ quá vội chạy ngay về nhà. Để lại Xtas đứng như phỗng ngay đó trước mặt cô bé mà lúc đó cậu chưa một lần nào nói chuyện, dù có biết tên:

-Muchin ơi em đừng khóc nữa. Rồi chiếc xe của em sẽ được sửa lại ngay thôi

-Không đâu, bố em đi vắng và mẹ thì không biết sửa đâu. Mẹ sẽ mắng em vì đã để làm hỏng cái xe mới mua

Con bé càng nói càng khóc dữ dội khiến Xtas thêm bối rối. Cậu bé  là con một trong gia đình, và tuy cậu nói nhiều đến mức nhiều người cũng tỏ ra là khó chịu thì giờ đây cậu bỗng không biết phải nói gì với cô bé. Dỗ trẻ em thế nào nhỉ, ước gì cậu có một đứa em thì hẳn là cậu đã không phải tự hỏi mình như thế.

Thế rồi, đang lúc bí bỗng cậu như chợt nhớ ra một điều gì đó. Một cái kẹo ngọt mà nhỏ bạn Kathy ngồi bàn sau mới cho cậu giờ ra chơi buổi chiều. Chả hiểu sao con nhỏ lại tặng cho cậu một cây kẹo, chằng nhẽ ý của nhỏ là: – Xtas ơi, trong giờ học cậu hãy ngậm cây kẹo này nhé để mồm cậu bớt hoạt động đi”.

Ừ, có khi là thế thật. Có vậy mà từ chiều đến giờ cậu cứ nghĩ mãi về điều đó. Con nhỏ đáo để thật, chẳng trách gì sau đó cậu thoáng thấy nó nhếch mép cười khi cậu cám ơn. Kiểu cừoi đểu ấy mà. Nhưng chẳng sao, giờ đây cậu phải cảm ơn Kathy lắm lắm vì nhờ cây kẹo của nó mà cậu đã có một giải pháp với cô bé nhõng nhẽo này: 

-Nín đi Muchin, nín đi anh sẽ cho Muchin cây kẹo ngon tuyệt này

Xtas lấy ra từ trong túi cây kẹo Apenlibe và đưa cho Muchin. Viên kẹo tròn vo màu tía được bọc trong giấy bạc in hình công chúa băng giá vốn là cô công chúa yêu thích của Muchin. Em ngưng khóc và nhìn chằm chằm vào cây kẹo:

-Nhưng mẹ dặn em không được ăn kẹo của ngừoi lạ cho

Xtas bật cười vì vẻ bà cụ non của cô bé:

-Nhưng anh đâu phải người lạ của Muchin. Anh là hàng xóm nhà Muchin mà. Cây kẹo ngon lắm nhé! Biết đâu Muchin ăn kẹo xong thì sẽ có phép màu nào đó làm cho cái xe của em lành lặn trở lại thì sao.

Cô bé nghe Xtas nói vậy thì nín hẳn. Em ngập ngừng nhận cái kẹo từ tay Xtas đúng lúc mẹ em xuống đến nơi. Tất nhiên là bà không la em vì cái tội làm hỏng xe rồi vì lỗi đâu phải của em.

Tuy vậy, đúng là sau đó cũng có một phép màu xảy ra thật. Ngày hôm sau, nhà cô Lucy cạnh nhà Rose chuyển nhà đi nơi khác. Vì đồ đạc quá nhiều nên họ đã cho đi những gì không cần thiết, trong đó có cái xe đạp của cô con gái của họ. Chiếc xe cũng có khung sơn mày hồng và thậm chí còn chắc chắn hơn và đẹp hơn chiếc xe cũ của Muchin.

Khi cảm ơn cô Lucy vì món quà đến một cách bất ngờ, Muchin không quên nhớ lại lời của anh Xtas đã nói. Từ đó cô bé có vẻ rât  tin tưởng và ngưỡng mộ Xtas, em cho rằng anh cứ như ông Tiên đem đến phép nhiệm màu cho em vậy. Và mỗi lần vui chơi dưới sân mà gặp anh Xtas đá bóng dưới đó kiểu gì cô bé cũng phải cho Xtas một cây kẹo giống như cây mà cậu đã cho em.

Xtas chính thức có thêm một người bạn nhỏ tuổi.

Ở bên ngoài cái ban công nhà Xtas, mẹ cậu có trồng một cây phong mà bà được tặng từ một người bạn. Chẳng ai lại trồng một cây to thân gỗ ở chung cư nhưng vì nếu bỏ đi thì tiếc nên bà Thalia cứ dấp đại nó vào một cái bồn sứ nhỏ. Xtas nghe thấy cây phong thì thích lắm nhưng cậu không nghĩ là nó có thể sống được trong một cái không gian bé tí tẹo ấy.

Ấy vậy mà trái với sự suy đoán của cả hai mẹ con, cái cây nó cứ lớn nhanh như thổi. Cây lớn đến đâu rễ nó to ra đến đấy. Rễ phát triển đến mức mà nó bò ra hẳn khỏi cái bồn rồi trườn ngoằn ngoèo như những con rắn ra cả cái nền sân ban công nhỏ.

Có điều đặc biệt là cây phong này chả cần đất đai gì, chỉ cần tưới nước hàng ngày cho nó là đủ. Cây cứ cao lên mãi, chằng bao lâu nó đã đẻ thêm một nhánh còn to hơn cả thân cây ban đầu. Cái nhánh này chĩa sang bên trái và chạy thẳng qua cửa sổ bàn học ở tầng trên nhà Xtas.

Và đó chính là vị trí cửa sổ nhà  Rose.

Độ cao của cây phong không ngừng phát triển tới mức vượt qua cả tầng sân thượng. Điều lạ là nó chỉ ra tán lá một bên, còn bên kia hoàn toàn không có một cành con nào đâm ngang dọc. Và  nhờ đó từ bàn học, Rose vẫn có khoảng không gian trống để ngắm bầu trời mỗi đêm.

Nhưng chỉ cần một bên tán lá xum xuê như thế như đã làm mát tất cả khoảng không  trên tầng 13, vốn là tầng cao nhất của toà nhà và cũng là tầng nóng nhất vì bị hấp thụ toàn bộ nhiệt lượng từ ông mặt trời trên cao toả xuống. Các căn hộ của cả cái tầng này từ ngày có cái cây thì mừng như kiểu người đang đi trên sa mạc nóng bỏng bỗng gặp một ốc đảo xanh tươi.

Rose có lẽ là một trong số những đứa trẻ vui nhất vì ngoài lý do trên thì còn một điều tuyệt vời khác mà cây phong mang lại cho cô bé. Mà nếu biết tường tận thì người ta không khỏi ngạc nhiên là sao cái toà nhà này lại lắm điều lạ kỳ. Ấy là nhờ có thân cây như một cái thang chắc chắn mà quãng đường từ căn hộ của Rose lên trên… sân thượng đã được rút ngắn đáng kể.

Thay vì theo trình tự cô bé phải mở cửa, chạy ra ngoài hành lang, leo lên một cầu thang bộ rồi mới tới cánh cửa mở ra chốn thiên đàng, nơi cô vẫn gọi khoảnh sân trên cao như thế, thì giờ đây cô chỉ cẩn kéo khung cửa sổ, thò chân ra và bước từng bước lên mỗi cái trạc trên thân cây và cứ thế là chỉ mất vài giây cô bé đã yên vị chốn thiên đang của riêng cô.

Thật chẳng quá “tuyệt vời” thì còn từ gì hợp lý hơn để diễn tả cảm giác đó nữa cơ chứ!

Cùng với Bà bác Nephele, người đã đi cùng gia đình họ từ thành phố quê hương Lindos tới vùng đất Nemea này, bà Hera đã chuẩn bị xong những công đoạn cuối cùng của bữa ăn tối đón chào cậu con trai cả Cactus đoàn tụ cùng gia đình. Chỉ ít phút nữa thôi là hai người đàn ông  mà bà yêu quý nhất  sẽ về đến nhà.

Trên chiếc bàn ăn gỗ sồi hình oval không quá lớn được đặt ở phòng ăn nhỏ dành riêng cho những bữa cơm gia đình ấm cúng tất cả các món ăn đã được bày lên: Một đĩa lớn thịt gà luộc chấm súp chanh, hai đĩa nhỏ thịt heo nấu đông bên trên điểm xuyết mấy cọng rau mùi, hai đĩa tôm rang me, một đĩa hoa thiên lý xào tỏi, một đĩa nhỏ dưa muối và một tô canh khổ qua. Món gà luộc và tôm nướng là hai món ăn yêu thích của hai cậu con trai nhà Faber. Còn ông Desert đi đâu cũng nhớ đến món thịt nấu đông mùa lạnh trứ danh mà lâu lâu lắm ông mới được thưởng thức khi còn thơ bé.

Bà Hera chiều chồng nên cũng nhờ mẹ bà chỉ dạy cho cách nấu món ăn đậm chất miền Bắc này. Thực ra, nó không quá phức tạp vì chỉ cần những nguyên liệu hết sức thân thuộc ở đâu cũng có thể kiếm được như mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu, cà rốt. À tất nhiên  thịt heo ngon là điều hiển nhiên rồi. Cái cần nhất là nhiệt độ lạnh tự nhiên đủ để tô thịt sau khi đã nấu chín sẽ tự đông đặc lại. Nhưng ở Nemea thì không có mùa đông nên chỉ có thể  tạo đông bằng cách đưa vào ngăn lạnh. Món ăn đã giảm độ ngon đi một đôi phần.

Trước đây khi còn ở ngoài thủ đô Hera bận rộn suốt với công việc giảng dạy nên bà ít khi nào có dịp vào Bếp. Mọi công việc bếp núc trong nhà phần lớn đều do một tay Bà bác Nephele đảm nhiệm.

Bà Nephele là bác ruột của ông Desert. Bà có dáng người thấp đậm và nước da bánh mật khoẻ khoắn. Gương mặt bà đầy đặn và tròn trịa toát lên vẻ hiền hậu, chất phác. Mà bà hiền lành đôn hậu thật, đúng chuẩn công dung ngôn hạnh thời xưa. Khi hai mươi hai tuổi, bà Nephele kết hôn với một thanh niên cùng làng nhưng họ chỉ sống với nhau chưa đầy một tháng thì ông được lệnh nhập ngũ. Như bao cặp vợ chồng khác ở thời điểm chiến tranh, vợ chồng bà cũng ly tán từ thời điểm đó. Hai năm sau bà nhận được Giấy báo tử thông báo chồng bà đã hi sinh trên chiến trường. Bà ở một mình từ đấy.  

Tuy không có con nhưng đổi lại Bà Nephele có rất nhiều cháu và Desert là một người gần gũi với bà và được bà yêu quý nhất. Bà rất vui vì cậu cháu lấy được người phụ nữ mà ngay từ lần đầu găp bà đã có cảm tình. Hera tuy sinh ra trong một gia đình giàu có hơn bên phía nhà ông Desert nhiều nhưng ngừoi phụ nữ này lại có một lối sống rất giản dị nên không gặp bất cứ vấn đề gì trong  kiểu cách sinh hoạt với gia đình nhà chồng.

Khi Hera sinh Cactus, ban đầu ông Desert nhờ bà bác Nephele giúp đỡ một vài tháng khi Cactus còn quá nhỏ mà vợ ông đã phải quay trở lại giảng dạy tại trường Đại học. Bà Nephele  vui vẻ nhận lời ngay và không ngờ thời hạn ngắn ngủi dự định đó đã kéo dài đến bây giờ khi cậu con cả của họ đã bước qua tuổi mười lăm.

Bà yêu tất cả các thành viên trong gia đình này và thấy thật là may mắn làm sao khi tuổi già mình không phải sống trong cô quạnh, lẻ bóng. Và ngược lại, tất cả mọi người gia đình nhà ông Faber thậm chí có vẻ còn quý bà hơn thế.

Giờ đây Bà Nephele đang từ ngoài vườn bước vào cửa bếp với một bó hoa tươi thập cẩm mà bà vừa cắt: Một vài bông hồng đỏ, một vài cành lưu ly tím, một vài bông cánh bướm cùng mấy cành măng:

-Mấy hôm nay trời hơi se lạnh nên hồng ra hoa đẹp hơn hẳn cháu Hera à!

-Vâng, bác Nephele. Ban đầu cháu cứ nghĩ giống Hồng cổ Sapaan đỏ không thể nào sống nổi với kiểu khí hậu nắng nóng trong này, ai ngờ nó vẫn phát triển tốt nhường ấy.

Bà Hera vừa trả lời vừa đón lấy bó hoa từ tay Bà Nephele

-Tuy bông không được lớn như ngoài vùng Lindos nhưng như thế cũng là một thành công rồi. Cháu thật là có bàn tay vàng trồng hoa đấy cháu yêu!

-Cả công của bác nữa đấy chứ bác Nephele. Cháu không thể làm xuể cái vườn hồng đó nếu không có sự giúp đỡ của bác

-Vậy tóm lại chúng ta ai cũng giỏi cả!

Bà bác Nephele cười để lộ hàm răng trắng tinh đều chằn chặn dù bà đã bước sang tuổi bảy mươi. Hera cũng bật cừoi theo trong khi tay vẫn thoăn thoắt cắm nhanh bó hoa vừa được hái vội vào cái lọ gốm hình trụ màu xanh ngọc.

-Thật là đẹp!

Bà Nephele thốt lên khi nhìn lọ hoa và nhanh chóng mang đặt lên chiếc bàn lớn ngoài phòng khách.

Ngay cả khi lọ hoa đã được chuyển  đi, không hiểu sao một mùi hương thơm ngát vẫn bao trùm lên toàn bộ không gian nơi Hera đang đứng khiến bà không khỏi băn khoản chẳng lẽ chỉ vài bông hoa mà có khả năng lưu hương lâu thế. Nhưng rồi Hera chợt nhận ra ngay.

Vườn hồng ngay đối diện với phòng ăn đang mùa hoa nở rộ. Thu đã cuối mùa!

 

November 19, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Tháng Mười một của trái tim (4)

by Rose & Cactus November 15, 2023

Bản tin dự báo thời tiết phát đi vài ngày trước cho biết miền Bắc bắt đầu đón cơn gió lạnh đầu tiên. Cái lạnh đủ để phải mặc một chiếc  áo len dày dặn chứ không phải mấy kiểu áo mỏng manh lúc vào Thu.

Mùa đông thực sự đã về !
Cũng là theo đúng quy luật vì Lập Đông thường được xác định vào ngày cuối của tuần đầu tiên tháng mười Một.

Có bạn nào để ý cả ngày hôm nay thời tiết phương Nam của chúng mình thế nào không? Tuyệt vời các bạn nhỉ ? Sau nhiều ngày nắng vỡ đầu thì tự nhiên sáng nay ông trời lại trở nên dịu dàng hơn hẳn, ổng nhường sân khấu chính cho  cô Mây, cô Gió thể hiện chút đỉnh gọi là có tí chút đón chào Đông.

Mây. Nhưng không phải mây Thu trắng bồng bềnh cũng chẳng phải Mây hạ đen kịt lúc chuyển mưa. Đông tới là lúc nó mang một sắc thái khác, ở giữa lưng chừng trắng và đen.

Xám.

Gió thì vẫn thế, vẫn mang cái e thẹn của cái mùa lãng mạn nhất năm dù Đông đã ngập ngừng bên khung cửa. Nó chỉ đủ mạnh để làm những chiếc lá rời khỏi cành và xào xạc dưới những bước chân. Những chiếc lá vàng, lá đỏ già cỗi hoá con nít chơi trò đuổi bắt dọc theo vỉa hè con đường ngay đối diện cái hiệu sách lớn góc ngã ba đường.

-Lại đến giờ của mẹ rồi đấy!

-Mày cứ nói toạc ra là đến giờ “điên” của mẹ rồi đấy thì có phải chuẩn hơn không :)))

Đúng là điên thật mà. Thời tiết đẹp thế này mà không có chút “điên” thì thật phí!

Mình nghĩ thế và vô tình ngước lên thì bắt gặp những tia nắng lấp lánh ló ra sau tầng mây mỏng.  Đã gần năm giờ chiều.

Mặt trời mọc lúc năm giờ chiều ? Thi cứ cho là thế đi!

Đông về nghĩa là nhiệt độ xuống thấp đến mức khiến một số loài rau chính thức bị “khai tử”: muống, ngót, mùng tơi, dền, giờ đây là thời của họ nhà Cải cùng một số loại rất ưa cái lạnh như su hào, cà chua, cà rốt….

Thực sự thì nhà mình ngoài quê không làm nông nghiệp.  Ngày xưa ông ngoại mình có trồng lúa để đỡ phí ruộng được cấp thôi chứ cái khoảnh ruộng bé tí tẹo thì được mấy hạt gạo. Ông chỉ trồng rau, ngoài cung cấp bữa ăn cho gia đình thì xem như một thú vui vì vườn rất rộng. Bà mình thi thoảng có đi bán, thì cũng vẫn chỉ là cho vui. Còn mẹ mình thì mê vườn tược số 1 nên ở đâu bà cũng phải trồng cái này cái kia, cho nên nhà mình chỉ có vườn nhỏ nhưng quanh năm có rau ăn.

Nhưng mình có người họ hàng làm thuần nông. Ông là em trai ông ngoại mình, hai anh em rời quê hương miền biển Trung Bộ gió lào cát trắng ra xây dựng vùng kinh tế mới ở cái tỉnh trung du Bắc Bộ quê mình. Không giống ông bà ngoại mình đều là công nhân nhà nước, em ông mình lấy vợ ở một làng quê chỉ cách nhà mình khoảng hơn hai chục cây, vùng đất đồng bằng duy nhất của tỉnh và nằm sát Hà Nội.

Nhiều vụ đông khi mình còn nhỏ, mấy chú con ông chú thường chở xe đạp rau từ nhà lên đến chợ trên khu mình bán vì trên mình gần như là trung tâm thành phố. Cái xe đạp cọc cạch hai bên yên xe đằng sau buộc hai sọt chất đầy rau củ quả mùa lạnh, nhiều nhất là cà chua.

Các bạn chắc chưa bao giờ thử cảm giác hái một quả cả chua chín mọng ngoài vườn, đem lau lau chùi chùi qua loa bằng vạt áo và cho vào miệng cắn phập một cái đâu nhỉ? Ồ, cảm giác kiểu rất yomost ấy, ngon tuyệt. Đó là vì nó hoàn toàn được trồng tự nhiên và được ăn tươi, chứ cái kiểu nấu rau củ chín hoàn toàn  thì làm gì còn được tí Vitamin nào, may ra vớt vát được chút chất xơ là cùng.

Có thể vì vậy mà nước da của các cô gái Bắc vào mùa đông nó cứ hồng hào  y như vỏ trái cà chua vậy!

Nhưng đấy là nói chuyện người thưởng thức thôi, còn nhà nông là ngừoi sản xuất thì cực lắm bạn ơi. Các chú nhà mình chở rau đi bán trước khi lên đến chợ thi thoảng lại tạt vào nhà mình chơi. Mỗi lần vào các chú lại nói  với mẹ mình :”Chị thích lấy bao nhiêu thì lấy mà ăn” nhưng nhà mình rau ngoài vườn cũng ê hề,  toàn vừa ăn vừa cho.

Mùa đông, rau rất dễ trồng và cứ xanh tươi mơn mởn!

Giọng chú nghe chán nản lắm vì biết mang lên chợ bán cũng chẳng bao giờ hết. Mất bao công chăm sóc nhưng thu về đâu được là bao nên nhiều khi nông dân họ chán, họ thà để cà chua, cà rốt, khoai tây thối hay chặt bỏ ngay tại đồng ruộng còn hơn phải chở nặng nhọc hàng mấy chục cây số và bán với cái giá còn hơn cho.

Bao năm đã qua, bây giờ khu nhà ông chú ở đã khác lắm. Nhà máy Samsung được chọn đặt ở vùng quê của ông, vì vị trí địa lý thuận lợi của nó,  gần Thủ đô và các cảng sông, biển. Cả làng ông gần như đã bỏ nông nghiệp hết để đi làm công nhân.

Đời sống khấm khá hơn rất nhiều và dĩ nhiên ruộng sẽ bị bỏ hoang.

Tuy vậy, không hiểu sao nhiều năm, ngoài Bắc vẫn thấy mọi người đăng lên mạng kêu gọi giải cứu. Hầu hết là rau củ mùa đông. Có năm phải chở tận vào trong này để  “cứu”, hàng xe rau  bắp cải, su hào  đứng đầy đường.

 Đầu ra cho nông sản vẫn là vấn đề muôn thưở!

-Người anh em giờ thì chúng ta đã no say rồi, giờ mày hãy kể tao nghe  hành trình của mày đến với xứ sở lạnh giá này xem nào.

Charlie phều phào cứ như thể nó đã là ông cụ 75 chứ không phải 15. Nó không nghĩ rằng mình lại chịu lạnh kém thế

Mountain thấy  vậy với tay nhấc cái ấm tích bằng sứ mà  đầu vòi đã ố vàng bởi nước trà, kỳ thực là do bao đời rồi chưa được đánh rửa, ra khỏi cái giỏ mây bọc vải. Nó từ từ rót ra một chén  và đưa cho thằng bạn. Nước trà nóng, bốc hơi nghi ngút làm cả không gian ấm hẳn.

-Mày uống đi cho ấm bụng, thời tiết càng về khuya sẽ càng lạnh

Nó hành động tự nhiên cứ như thể nó là chủ cái quán cóc ven đường mãi tận cái thị trấn miền núi vùng biên này

-Cô hỏi khí không phải thế cháu là người vùng nào lang bạt đến đây?

Tất nhiên Mountain trả ngại ngần gì mà không làm một tràng về quê quán của nó. Nó xuất thân chốn bưng biền của Đất rừng phương Nam nhưng với nó chân trời góc bể nào cũng là nhà, anh em miền nào cũng có thể là huynh đệ. Đấy, mới lưu lạc ra chốn rừng thiêng nước độc này được mấy bữa đâu  mà nó đã có thể nói được cả tiếng của người H’mong rồi chứ giọng Bắc ấy hả, dễ ợt nó chả thèm:

-Dạ vâng, con xin chả nhời cô: Con là Cò đến từ vùng rừng U Minh Thượng. Con vừa hoàn thành vai diễn nhân vật cùng tên cúng cơm này của con trong bộ phim Đất rừng phương Nam được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi. Đây con còn dư một vé xem phim xin được biếu cô.

Nó vừa nói vừa thò tay vô túi quần móc ra cái vé xem phim rồi đưa cho người chủ quán. Khổ, nó cứ làm như cái chốn xa xôi hẻo lánh này là cái đất Sài thành không bằng. Làm gì có rạp rủng gì quanh đây mà phim với ảnh.

Thực tình thì , Mountain nó tếu táo thế thôi chứ nó đâu có ham hố gì làm diễn viên. Cơ bản nhân vừa rồi về quê, một làng quê miệt vườn Tây Nam Bộ, nó bỗng cảm thấy buồn quá. Gì đâu mà làng xóm vắng tiêu điều, bà con bỏ lên các thành phố công nghiệp miền Đông hết cả. Ruộng vườn cứ trống hươ trống hoác, hạn mặn xâm nhập nặng và nước lũ thì không về. Ngược lên vựa cam, xoài…vùng Tiền Giang, Đồng Tháp trái cây thu hoạch chất đầy các ghe không tiêu thụ kịp. Cầu vượt quá cung khiến giá bán xuống thấp thảm hại.

-Cực lắm con ơi, giờ con ai tha thiết với nông nghiệp nữa đâu con!

Nó nghe ông Tư cạnh nhà ngoại nó giãi bày thì tự dưng nó cứ cảm thấy có vị đắng dâng lên trong cổ. Giá mà nó có thể làm gì đó cho bà con nông dân? Nhưng làm gì? Làm thế nào và tiền đâu để làm? Nó chịu, dù sao cũng như thằng Charlie, nó mới chỉ 15 tuổi.

Thế là chuyến về quê dự định chỉ 2 ngày của nó kéo dài đến tận ngày thứ 13. Vì nó cứ men theo con nước đi tìm lại ký ức của “rừng phương Nam” cũ mà chẳng thấy đâu.

Nhưng liệu có phải chỉ nông nghiệp và nông dân quê nó chịu ảnh hưởng của những tác nhân  tự nhiên và các tác động của suy thoái kinh tế.

Có lẽ là không.

In Texas, Vietnamese American Shrimpers Must Forge a New Path Again

By Amy Qin/ The New York Times

Mặt trời vẫn đang lên khi Vinh Nguyễn đánh mẻ cá đầu tiên trong ngày.

Trong nửa giờ tiếp theo, anh thao tác một cách thuần thục, dùng tay trần để phân loại những loài giáp xác trơn từ Vịnh Matagorda. Tôm nâu Texas nổi tiếng được đựng trong một thùng. Tôm trắng Texas ở một thùng khác. Những con mòng biển và bồ nông bay lượn quanh anh trong không khí mát mẻ, nhớp nháp, trong khi những chú cá heo bơi dọc theo thuyền. Tất cả đều háo hức với những con cá bị bỏ đi – một bữa sáng miễn phí.

Đến trưa, ông Nguyễn bắt đủ tôm để mang về nhà, trị giá  khoảng 600 USD, một khoản lãi kha khá thời nay, nhưng vẫn thấp hơn so với những năm trước khi 1.000 USD là một ngày tốt.

“Không nhiều lắm,” ông cau mày khi đứng trên boong tàu bóng loáng đánh giá những thùng đá giờ đã chứa đầy tôm.

Ông Nguyễn, 63 tuổi, là một trong hàng ngàn người tị nạn Việt Nam định cư dọc Bờ Vịnh sau Chiến tranh Việt Nam. Tại đây, trong những cộng đồng ngư dân yên tĩnh, họ đã làm việc chăm chỉ để xây dựng lại cuộc sống. Trên đường đi, họ đã vượt qua nỗi đau chiến tranh và sự di dời, rào cản ngôn ngữ và định kiến ​​sâu sắc từ cư dân địa phương.

Nhưng trở ngại mới nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của họ: sự suy thoái của ngành tôm Mỹ.

Trên khắp Bờ Vịnh, chi phí nhiên liệu cao, thiếu nhân công và làn sóng nhập khẩu giá rẻ đã khiến nghề nuôi tôm trở thành một đề xuất ít khả thi hơn đối với bất kỳ ai.

Một số người dân địa phương nói rằng việc đánh bắt quá mức và các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu cũng đã dẫn đến sự suy giảm số lượng hải sản, khiến việc kiếm được một chuyến hàng tốt càng trở nên khó khăn hơn.

“Rất nhiều người đánh tôm Việt Nam đã khóc với tôi,” Thụy Vũ, 57 tuổi, người chạy trốn khỏi một Việt Nam bị chiến tranh tàn phá khi còn nhỏ, cho biết. Cô hiện là giám đốc kinh doanh của cơ sở nuôi tôm của gia đình ở Palacios, Texas, một trong những cộng đồng nhỏ nơi người Việt nhập cư định cư.

Bà Vũ cho biết, thế hệ ngư dân đầu tiên đến đây từ hàng chục năm trước đều mơ ước bán được thuyền và cơ sở kinh doanh của mình cho các thuyền viên trẻ hơn. “Nhưng bây giờ điều đó có vẻ không có nhiều khả năng xảy ra ,” cô than thở.

Sau chuyến thăm Palacios (phát âm là puh-LASH-es) vào tháng trước, không khó để tưởng tượng thị trấn trông như thế nào khi nhóm khoảng 100 người tị nạn Việt Nam đầu tiên đến vào năm 1976.

Nằm khoảng giữa Houston và Corpus Christi, thị trấn nằm trên vùng đất trang trại xanh tươi trải dài ra một vịnh lấp lánh. Dân số vẫn giữ nguyên, 4.400 người và trung tâm thành phố vẫn chỉ có một đèn giao thông. Nó khác xa so với những trung tâm rộng lớn như Houston và Quận Cam, California, những nơi thường tạo nên bối cảnh cho những câu chuyện của người Việt ở Mỹ.

Những người tị nạn Việt Nam ban đầu bị thu hút đến Palacios bởi lời hứa về việc làm tại một nhà máy điện hạt nhân gần đó và một nhà máy chế biến cua. Nhưng họ nhanh chóng chuyển sự chú ý sang ngành đánh bắt tôm và cua địa phương.

Làm việc ngoài khơi, thì không cần tiếng Anh. Và nhiều người trong số họ đã có những kỹ năng phù hợp. Khi ở Vũng Tàu, một thị trấn ven biển ở miền Nam Việt Nam, một số người từng làm nghề đánh cá và đan lưới.

Tuy nhiên, không lâu sau, những người nuôi tôm và cua địa phương cảm thấy bị đe dọa. Người dân địa phương phàn nàn rằng những người mới đến đã không tuân thủ các quy định về mặt nước. Khi những người nhập cư Việt Nam trả tiền mặt cho những chiếc thuyền của họ bằng cách góp chung tiền tiết kiệm, người dân địa phương cáo buộc họ đã nhận được các khoản vay đặc biệt của chính phủ.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 1979 tại thị trấn Seadrift, cách Palacios 45 dặm về phía bờ biển, khi một ngư dân Việt Nam bắn chết một ngừoi đánh bắt cua da trắng, người đã quấy rối anh ta trên lãnh thổ đánh cá. Bồi thẩm đoàn đã tuyên trắng án cho người đánh cá sau khi anh ta lập luận rằng vụ nổ súng là để tự vệ.

Vụ việc, vốn là chủ đề của một bộ phim tài liệu gần đây, đã gây ra sự phẫn nộ trong giới ngư dân da trắng, họ đã ném bom ba chiếc thuyền của người nhập cư Việt Nam để đáp trả.

“Chúng tôi không thể đi đâu, chúng tôi chỉ ở trong nhà, rất sợ hãi”, ông Thế Nguyễn, 66 tuổi, một ngư dân ở Seadrift nhớ lại. “Và sau đó chúng tôi lấy thuyền của mình và chạy trốn.”

Tranh chấp ở thị trấn nhỏ nhanh chóng leo thang thành một chiến dịch rộng lớn hơn, trong đó các thành viên của Ku Klux Klan đốt một số tàu thuyền gần Vịnh Galveston và đốt thánh giá gần nhà của ngư dân Việt Nam. Căng thẳng chỉ giảm bớt sau khi Trung tâm Luật cho người Nghèo miền Nam cùng với Hội Ngư dân Việt Nam đệ đơn kiện liên bang nhằm ngăn chặn chiến thuật đe dọa của Klan.

Một số người Việt nhập cư bỏ trốn cuối cùng đã quay trở lại Seadrift và các thị trấn lân cận. Sức hấp dẫn của cuộc sống bắt tôm, cua quá mãnh liệt.

Ông T.V. Trần, 75 tuổi, một trong những người Việt đầu tiên đến Palacios, cho biết: “Nếu dồn con người ta vào chân tường, họ sẽ chống trả.

Theo thời gian, mối quan hệ được cải thiện. Những ngư dân nhập cư từ Việt Nam đã thích nghi với các quy định của địa phương nhằm duy trì đàn tôm, chẳng hạn như không kéo lưới trước khi mặt trời mọc. Họ bắt đầu nhận được sự tôn trọng của ngư dân da trắng và người Latinh.

David Aparicio, 67 tuổi, một ngư dân đánh bắt tôm người Mỹ gốc Mexico thế hệ thứ hai ở Palacios, cho biết: “Họ tự đóng thuyền và trả mọi thứ bằng tiền của mình. “Họ không làm gì sai ngoài việc làm việc quá chăm chỉ.”

Trong những năm 1980 và 1990, ngày càng có nhiều người Việt nhập cư đến Palacios để bắt đầu nghề đánh bắt tôm. Nhiều người sống trong những ngôi nhà di động, dồn tới 20 người vào một chiếc xe kéo. Một số nâng cấp từ thuyền dành cho vịnh nhỏ lên mức lớn hơn, để có thể mang lại lợi nhuận cao hơn.

Khi còn là học sinh cấp 3, Yến Trần thức dậy lúc 5 giờ sáng để nhặt thịt cua với giá một đô la một pound, sau đó cô về nhà, tắm rửa rồi đến lớp. Sau giờ học, khi vào mùa, cô sẽ đến thẳng bến tàu để đánh tôm, bà Trần, người không liên quan đến T.V. Trần, cho biết.

Bà Trần, 60 tuổi, một giáo viên toán đã nghỉ hưu vẫn sống ở Palacios, cho biết: “Đó là công việc vất vả và nặng mùi”. “Nhưng hầu hết bọn trẻ đều làm được.”

Dần dần, người Mỹ gốc Việt trở thành một phần cơ cấu của thị trấn. Tại trường trung học Palacios, các em đã trở thành nữ hoàng, ngôi sao bóng đá và thủ khoa. Các nhà hàng phục vụ món Việt như phở, chả giò tôm bắt đầu mọc lên. Những chiếc thuyền mang tên “Hoa hậu Anh Đào” được nhìn thấy cập bến bên cạnh “Kris và Cody”. Năm 2020, thị trấn đã bầu được thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên, Linh Văn Châu.

Jim Gardner, thị trưởng đương nhiệm của Palacios, cho biết: “Trước đây có thể đã có một số phản kháng, nhưng ngày nay người Việt Nam được đánh giá rất cao ở đây và họ là một phần rất nổi bật trong thị trấn của chúng tôi”. người bạn thân và người cố vấn.

“Và món phở,” ông Gardner nói thêm, “nó khá ngon đấy.”

Tôm là loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Hoa Kỳ, nhưng phần lớn trong số đó đến từ nơi khác. Trong những năm gần đây, nhập khẩu toàn cầu tăng từ các nước như Ấn Độ và Ecuador, tàn phá ngành tôm trong nước. Các nhà nuôi tôm trên khắp Bờ Vịnh đã kêu gọi chính phủ liên bang hạn chế nhập khẩu.

Nhiều người đánh tôm người Mỹ gốc Việt đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm đủ tiền để cho con đi học đại học và giúp chúng thoát khỏi công việc lao động cực nhọc mà nghề đánh tôm đòi hỏi.

Tuy nhiên, một số người trong số họ đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn về tài chính khi gần đến tuổi nghỉ hưu. Bà Vũ, giám đốc doanh nghiệp tôm, cho biết những năm gần đây, nhiều người đã tìm được công việc ổn định hơn ở công trường xây dựng hoặc tiệm nail.

“Có lẽ vì đến đây tay trắng nên chúng tôi cũng không dám phàn nàn nhiều”, bà Vũ nói. “Nhưng có cảm giác rằng ngành này không còn hứa hẹn gì nữa”.

Người đánh tôm Vinh Nguyễn vẫn chưa bỏ cuộc. Ông nói rằng chỉ cần cầm cự thêm ba năm nữa – đủ lâu để đưa đứa con út của ông, Dorothy, vào đại học, để cô ấy có thể đạt được ước mơ trở thành bác sĩ.

“Mỹ vẫn còn cơ hội”, ông Nguyễn nói trong cabin tàu đánh cá của mình trong giờ nghỉ giải lao. Ở phía sau, giọng của một người đánh tôm Việt Nam vang lên trên hệ thống vô tuyến của thuyền để cập nhật thông tin. Có nhiều tôm hơn để đánh bắt ở phần khác của vịnh.

Ông Nguyên nắm lấy tay lái. Đã đến lúc phải tiếp tục.

Chuyến về quê đã tác động đến nhận thức của Mountain về các vấn đề kinh tế, xã hội. Và rồi giống như thằng Charlie, lần đầu tiên trong đời nó mất ngủ liền 13 đêm….

 “Tôi ngồi bên cửa sổ gần như suốt đêm và nhìn ra khoảng không tối tăm nhất, lòng tràn đầy mong đợi. Ai đó đi ngang qua nhà tôi và đi thẳng vào rừng. Một cửa sổ sáng đèn phản chiếu xuống mặt nước phía bên kia vịnh. Có thể có một bữa tiệc đang diễn ra và có thể không. Đêm trôi qua lặng lẽ trong khi tôi chờ đợi xem mình muốn làm gì.

Có một khoảnh khắc trong bóng tối của buổi bình minh sớm, tôi biết rằng mình muốn đến một thung lũng nơi tôi đã từng đến từ rất lâu rồi. Có thể là tôi chỉ nghe nói về thung lũng này, hoặc có thể tôi đã đọc về nó, nhưng điều đó thực sự không có gì khác biệt. Điều quan trọng nhất là con suối chảy qua thung lũng. Hoặc có thể đó là một dòng sông?

Nhưng chắc chắn không phải là một dòng sông, tôi quyết định rằng đó là một con suối, vì tôi thích những con suối hơn là những dòng sông. Một dòng suối trong vắt, tôi ngồi trên cầu, đung đưa đôi chân nhìn những chú cá nhỏ bơi lội quanh nhau. Không ai hỏi thăm tôi có khoẻ không rồi sau đó bắt đầu nói về những chuyện khác mà không cho tôi thời gian để xem liệu tôi có cảm thấy khỏe hay không. Ở đó cũng có một nơi mà người ta có thể chơi và hát suốt đêm, và tôi sẽ là người cuối cùng về nhà vào lúc bình minh.

Tôi không rời đi ngay. Tôi đã học được tầm quan trọng của việc trì hoãn điều mình đang khao khát và tôi biết rằng việc bào chữa cho những điều chưa biết phải được chuẩn bị với sự cân nhắc thích hợp.

Trong nhiều ngày, tôi lang thang trên những ngọn đồi bao quanh vịnh dài tối tăm, ngày càng chìm sâu hơn vào sự lãng quên, và tôi bắt đầu cảm thấy thung lũng ngày càng gần hơn.

Những chiếc lá đỏ vàng cuối cùng rụng khỏi cây, tụ lại quanh chân tôi khi tôi bước đi (tôi quả là vẫn còn đôi chân rất khỏe) và thỉnh thoảng tôi dừng lại dùng gậy nhặt một chiếc lá và tự nhủ: đó là cây phong. Tôi đã không quên điều đó. Tôi biết rất rõ mình muốn nhớ điều gì.

Thật không thể tin được là tôi đã thành công đến mức nào trong việc quên đi trong vài ngày đó. Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy với niềm mong đợi thầm kín như vậy, và ngay lập tức bắt đầu công việc quên đi để làm cho thung lũng đến gần hơn. Không ai làm phiền tôi, không ai nói cho tôi biết mình là ai.

Tôi tìm thấy một cái giỏ dưới gầm giường và gói vào đó tất cả thuốc men và một chai rượu mạnh nhỏ để chữa bệnh bao tử. Tôi làm sáu chiếc bánh sandwich và rút chiếc dù của mình ra. Tôi đang chuẩn bị ra đi, khỏi nhà.

Qua nhiều năm, nhiều thứ đã tích tụ trên sàn nhà của tôi. Có rất nhiều thứ bạn không bao giờ thèm nhặt, và có rất nhiều lý do để không nhặt chúng lên. Những đồ vật này nằm rải rác khắp nơi giống như bao hòn đảo, một quần đảo chứa đầy những thứ thất lạc và không cần thiết. Theo thói quen, tôi bước qua chúng và đi vòng quanh chúng, chúng tạo cho những bước đi hàng ngày quanh phòng của tôi một sự phấn khích nhất định, đồng thời có một cảm giác lặp đi lặp lại và lâu dài. Tôi quyết định rằng chúng không cần thiết nữa. Tôi lấy một cây chổi và quét qua căn phòng.

Mọi thứ, những mẩu thức ăn thừa, những chiếc dép bị mất, những mẩu lông tơ, những viên thuốc đã lăn vào góc nhà, những danh sách mua hàng bị bỏ quên, những chiếc thìa, nĩa, những chiếc cúc áo và những lá thư chưa mở, tôi đều chất thành một đống. Từ đống lớn này, tôi chọn ra tám cặp kính và bỏ chúng vào giỏ: Mình sẽ được ngắm nhìn những thứ hoàn toàn mới, tôi nghĩ.

Thung lũng bây giờ đã khá gần, chỉ ngay góc đường, và tôi có cảm giác rằng thậm chí còn chưa phải là Chủ nhật.

Vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy, tôi rời khỏi nhà và đương nhiên tôi không thể không viết lời chia tay “Bây giờ tôi sắp đi xa và tôi cảm thấy ổn”, tôi viết. “Tôi đã nghe tất cả nhiều chuyện trong một trăm năm qua bởi vì tôi không hề bị điếc và tôi biết có những bữa tiệc luôn được tổ chức một cách lén lút”. Không có chữ ký.

Rồi tôi mặc áo choàng và đi tất dày, cầm chiếc giỏ nhỏ lên, mở cửa rồi đóng lại sau lưng, đóng lại  một trăm năm tuổi. Được củng cố bởi quyết tâm và tên mới của mình, tôi  tiến về phía bắc tới Thung lũng Hạnh Phúc và không ai trong vịnh biết rằng tôi đã đi.

Những chiếc lá đỏ và vàng nhảy múa quanh đầu tôi và từ xa trên những ngọn đồi lại một trận mưa mùa thu trút xuống để cuốn trôi những thứ mà tôi không muốn nhớ đến.”

(Tove Jansson – Moomivalley in November)

How the Vikings became skilled shipbuilders, navigators and seamen?

(Làm thế nào người Viking trở thành thợ đóng tàu, hoa tiêu và thủy thủ lành nghề?)

By Bertil Almgren

3.

Chúng ta biết đến những thương nhân này qua câu chuyện về một người Na Uy tên là Ottar, hay Ohthere, đến từ Halgoland ở cực bắc Na Uy, nơi người Lapps sinh sống. Ông mô tả cuộc đời của mình cho Vua Alfred của Wessex và Alfred đã viết lại câu chuyện của mình:“ Ông ta (Ottar) rất giàu, một sự giàu có trong những thứ của họ (tức là những người Scandinavi) bao gồm, tức là, động vật hoang dã.”

Khi đến gặp nhà vua (Alfred), ông vẫn còn 600 con vật thuần hóa chưa bán được. Ông gọi những con vật đó là tuần lộc, và trong số đó có sáu con tuần lộc làm mồi, rất đắt tiền ở người Lapps, vì chúng dùng để bắt tuần lộc hoang dã.

Ông là một trong những người đàn ông vĩ đại nhất ở khu vực lân cận đó, vậy mà ông ấy chỉ có hai mươi con bò, hai mươi con cừu và hai mươi con lợn, và ông  cày cấy rất ít và nếu có thì ông ấy cày bằng ngựa. Và hầu hết thu nhập của ông ấy đến từ thuế mà người Lapps trả cho ông  bao gồm da thú vật, lông chim, xương cá voi và dây thừng làm từ da cá voi và hải cẩu. Mọi người đều trả tiền tùy theo vị trí của mình trong cuộc sống.

Những người thuộc dòng dõi cao quý nhất phải trả mười lăm con chồn marten, năm con tuần lộc, một bộ da gấu và mười bó lông vũ, một con gấu hoặc rái cá và hai sợi dây tàu, mỗi dây dài 20 feet, một dây làm bằng da cá voi và một dây da hải cẩu.

“Ở một nơi khác, chúng ta được biết về chuyến thám hiểm của Ottar tới Biển Trắng, trên bờ biển cực bắc của Na Uy, nơi ông ta nắm giữ ngà hải mã, giống như các bài báo đã đề cập, lông thú, lông vũ và dây thừng, có nhu cầu lớn ở miền nam châu Âu.

Hàng năm ông rời Na Uy với hàng hóa quý giá của mình để đến thị trấn thương mại Hedeby ở Đan Mạch, một chuyến đi khoảng 1.600 dặm mỗi chiều. Tại Hedeby, ông gặp các thương nhân từ các quốc gia khác – chủ yếu là Tây Âu – để mang về nhà những mặt hàng xa xỉ hấp dẫn như rượu vang, lụa và các vật liệu đắt tiền khác, vàng và bạc.

Những chuyến đi dài và khó khăn không kém đã được các thương nhân Thụy Điển thực hiện trên các con sông của Nga, đến tận Byzatium, thủ đô của Đế chế Byzatine. Có một mô tả đương thời về những khó khăn của tuyến đường này, được viết bởi Hoàng đế Constantine Porphyrogenitus.

Anh ta kể về những chuyến đi của những người buôn bán trên sông Dnieper với hàng hóa của họ và cách họ đàm phán về sự nguy hiểm của những thác nước lớn. Họ vượt qua những thác nước nhỏ hơn bằng cách bắt các thủy thủ nhảy xuống nước và kéo tàu cẩn thận qua những nơi nguy hiểm.

Nhưng đến thác nước thứ năm phải được vượt qua như sau: “Tại những thác nước này, tất cả các tàu đều dừng lại, đuôi tàu hướng vào bờ, những thủy thủ được chọn canh gác sẽ lên bờ và di chuyển tới các vị trí của họ, và họ luôn cảnh giác cao độ vì người Pechenegs (một bộ tộc cướp ở miền nam nước Nga). Nhưng những người khác đưa hàng hóa lên bờ và cả những nô lệ, những người bị xiềng xích, và đi bộ sáu dặm cho đến khi vượt qua thác nước.

Sau đó, họ đưa thuyền vượt thác, một phần bằng cách kéo, một phần bằng cách vác trên vai. Ở đó họ bắt đầu và tiếp tục cuộc hành trình của mình. “Tuyến đường có độ dài tương đương với hành trình từ phía bắc Na Uy đến Hedeby, nhưng mệt mỏi và nguy hiểm hơn nhiều vì nó đi qua những khu vực có dân cư thù địch.

Hoàng đế Constantine nói về một điều khoản khác ngoài những điều đã được đề cập: nô lệ. Chúng tôi không biết từ đâu hoặc bằng cách nào mà các thương nhân Viking có được món hàng được nhiều người thèm muốn này. Có thể giả định rằng họ hoặc là bắt nô lệ làm tù binh trong chiến tranh, hoặc là bắt trong các cuộc săn lùng nô lệ.

Vào thời điểm đó, Hedeby có một thị trường nô lệ nổi tiếng thế giới, nơi các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo đôi khi phải đau buồn khi chứng kiến ​​​​những người đồng đạo của họ bị đem ra bán. Ngay từ rất sớm, các khu định cư của người Thụy Điển đã được xây dựng ở các nước vùng Baltic và ở Nga. Đây là những trạm giao dịch có chức năng như những mắt xích trong chuỗi giao thông hướng đông.

Ở khu vực này, những người buôn bán trở thành người định cư đơn giản vì hoạt động buôn bán của họ đòi hỏi điều đó chứ không phải chủ yếu là để xâm chiếm một vùng đất mới. Tuy nhiên, nhu cầu về vùng đất mới là lý do tại sao rất nhiều người dân thuộc địa Na Uy đã đến các đảo Đại Tây Dương.

Một số chạy trốn khỏi chế độ hà khắc của Vua Harald Fairhair (860-930 sau Công nguyên), nhưng hầu hết họ đều rời bỏ đất nước của mình vì đất đai ở Na Uy cực kỳ thiếu thốn. Họ rời đi với tất cả tài sản có thể di chuyển và gia súc và cố gắng kiếm sống bằng nghề định cư ở nước ngoài. Nhưng ngay cả ở nước ngoài, lịch sử cũng lặp lại. Vấn đề đất đai lại thường xuyên ập đến với họ.

Ví dụ, ở Iceland, quá trình thuộc địa hóa nghiêm trọng bắt đầu vào khoảng năm 874 sau Công nguyên và các cuộc di cư tiếp tục cho đến năm 930. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn này, tất cả đất đai có thể sử dụng được đều bị chiếm hữu. Điều này buộc nhiều người phải tiếp tục đến Greenland.

Ở Tây Âu, tức là ở Quần đảo Anh và Pháp, người Viking – đặc biệt là người Đan Mạch và người Na Uy – đóng ba vai trò của họ cùng một lúc. Đối với con mắt hiện đại, có vẻ đáng ngạc nhiên khi giao thông thương mại có thể tiếp tục bất chấp các hoạt động quân sự, và còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là người Frank đã bán cho người Viking những vũ khí mà họ có thể chắc chắn rằng họ sẽ bị tấn công.

Tại một cuộc họp của người Frank do Hoàng đế Charles the Bald tổ chức tại Pitre vào tháng 6 năm 864, người Frank đã phải chính thức bị cấm bán vũ khí và ngựa cho người Bắc Âu . Vào năm 871, một trường hợp khác xảy ra về việc kinh doanh được ưu tiên hơn phòng thủ. Người Viking đã thường xuyên lui tới đảo Noirmoutier ở cửa sông Loire trong nhiều năm.

Người Frank đã phát hiện ra rằng họ có thể chuyển dòng sông sang một lòng sông khác, làm cho thuyền của kẻ thù mắc cạn và khiến chúng sẵn sàng tấn công. Điều này khiến người Viking sợ hãi đến mức họ phải đầu hàng, và có lần chính họ đã trả tiền cho Charles the Bald để gia tăng cuộc bao vây và để họ ra đi một cách an toàn.

Tuy nhiên, họ đã yêu cầu và nhận được sự cho phép ở lại đến tháng 2 để kinh doanh như họ đã lên kế hoạch. Charles đã cho phép, và sau đó, tất nhiên, người Viking ít nhất cũng được dung thứ. Tuy nhiên, với tư cách là những chiến binh, họ lo sợ vì sự tàn ác của mình: “Hãy giải thoát chúng tôi khỏi sự phẫn nộ của người Bắc Âu,” họ cầu nguyện trong các nhà thờ Frankish;

“Họ tàn phá đất đai của chúng tôi và giết hại phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả người già”. Quả thực, họ đã giết chóc và tàn phá, nhưng có đội quân nào chưa làm điều đó ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào? Điều tự nhiên là những người theo đạo Cơ đốc nên coi đó là sự trừng phạt của Chúa khi các nhà thờ và tu viện của họ bất ngờ bị tàn phá và cướp bóc bởi những kẻ ngoại giáo, những kẻ đến như một tia sét từ trời xanh.

Có lý do chính đáng giải thích tại sao những cuộc tấn công chớp nhoáng này lại có thể khủng bố các quốc gia Tây Âu trong thời gian dài như vậy. Mặc dù những con tàu của người Viking có kích thước tương đương với những chiếc thuyền buồm nhỏ hiện đại, nhưng sống tàu của chúng thường cách mặt nước chưa đầy 40 inch.

Bài viết đến đây đã dài. Thôi mình để chuyện anh thợ thuyền, cô tiểu thư và dự án đóng thuyền của họ đến thứ Sáu nha các bạn. Cho nó máu :))).

Have you all a wonderful night!

November 15, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Tháng Mười một của trái tim (3)

by Rose & Cactus November 13, 2023

Nhật ký tuần đầu Lập Đông

Monster,

Somewhere on the  accidental journey :))

Nov 13

Trời đã bước vào cuối mùa thu. Tôi tiếp tục đi về phía nam, đôi khi tôi dựng lều và để thời gian trôi qua một cách tốt nhất có thể, tôi đi loanh quanh và suy ngẫm mọi thứ mà không thực sự suy nghĩ hay ghi nhớ bất cứ điều gì, và tôi ngủ khá nhiều. Tôi chăm chú nhưng không hề tò mò và không lo lắng nhiều về việc mình sẽ đi đâu – tôi chỉ muốn tiếp tục di chuyển.

Khu rừng đang mưa nặng hạt và cây cối hoàn toàn bất động. Mọi thứ đã khô héo và chết đi, nhưng ngay dưới mặt đất, khu vườn bí mật cuối thu đang phát triển mạnh mẽ ngay trên mặt đất mục nát, một thảm thực vật kỳ lạ gồm những cây phồng lên sáng bóng chẳng liên quan gì đến mùa hè.

Những cành việt quất muộn có màu xanh vàng còn những quả nam việt quất có màu sẫm như máu. Địa y và rêu ẩn giấu bắt đầu phát triển, chúng lớn lên như một tấm thảm lớn mềm mại cho đến khi chiếm hết cả khu rừng. Khắp nơi đều có những màu sắc mới mạnh mẽ, những quả thanh lương trà đỏ rực tỏa sáng khắp nơi. Nhưng cây dương xỉ đã chuyển sang màu đen.

(Tove Jansson – Moomivalley in November)

From: Monster

To: William

 

William thân mến!

 

Lẽ ra tao đã biên cho mày sớm hơn, trước khi Đông sang như mày đã nhắn tao ở lá thư trước (chả biết mày con nhớ không vì tao biết mày đang bấn loạn :)), yên tâm đi, đâu khắc có đó, cưới xin không vội được, cứ từ từ thì khoai mới nhừ :))).

 

Nhưng vì ở dưới hạ giới tuần vừa rồi náo loạn với cái bộ phim ca nhạc của cô ca sĩ nữ hoàng, nữ hiếc gì đó. Gớm quá, tao không biết cổ có gì hay ho mà đến cả chim chóc muông thú trên này cũng nhặng xị hết cả lên:

-Này cậu Monster, cậu có biết dưới quê hương của cậu đang có một cơn địa chấn biểu diễn không?

 

Mày không cần thắc mắc ai hỏi tao, trên này ngoài Hổ báo, sư tử ra thì nhẽ lại có ma…xơ ? :)), cho nên tao cứ phải thật mà rằng cái thằng Leo chán cả cái đời, có mỗi điều kiện “chịu được tiếng sư tử và hổ gầm” có 7 ngày trong tuần mà nó đã đầu hàng thì thôi lên núi tao cũng chẳng cho tu :)).

-Cậu đừng có suốt này ra rả “We don’t talk anymore” mãi thế nữa, nghe chán bỏ xừ :)), tốt hơn lâu lâu cậu hãy nghe lời khuyên của thi sĩ William, “I did something bad” tí xem nào :)). Đấy cậu thấy chưa, hôm qua con xuống đó xem trực tiếp tour diễn của cô Tay ở xứ sở bóng đá vùng rừng Amazon ai ngờ đâu gặp  thi sĩ dẫn cả cô Lion nhà cậu ý mò sang tận đó để xem, khiếp thế cơ chứ! Nhìn hai cô cậu ý khác gì “Miss Americana & the Heartbreak Prince” đâu!

-Các ngưoi yên đi một chút có được không. Ta đang tập trung biên thư cho thi sĩ nhà các ngươi đây.

– Trong không khí này, tốt hơn cậu không nên thư từ làm gì. Cậu nên sáng tác một giai điệu  gì đó “All too well” thì hơn, cậu không thấy là Thu sắp tàn rồi phải khẩn trương chộp lại hết những khoảnh khắc tuyệt diệu này chứ!

Oh, your sweet disposition
And my wide-eyed gaze
We’re singing in the car, getting lost upstate
Autumn leaves falling down like pieces into place
And I can picture it after all these days

Hết gã sư tử lên lớp tôi giờ lại đến cô chim chích choè cất giọng hát chua lè lè. Nhưng rõ ràng tôi nghe  “Những chiếc lá thu nhẹ nhàng rơi, như một quy luật của tạo hóa….” ngay bên cạnh mình thật. Tôi dừng bút và lẩm bẩm “Our song”:

Sáng tác bài hát à? Sao lại không chứ?

Tôi có cảm giác muốn viết bài hát. Tôi đợi cho đến khi hoàn toàn chắc chắn về cảm giác đó và một buổi tối tôi lấy cây kèn ra từ đáy ba lô. Vào tháng 8, ở một nơi nào đó ở Moominvalley, tôi đã chạm được năm nhịp chắc chắn sẽ mang lại sự khởi đầu tuyệt vời cho một giai điệu. Chúng đến một cách hoàn toàn tự nhiên như những nốt nhạc khi chúng được để yên. Bây giờ đã đến lúc phải lấy chúng ra và để chúng trở thành một bài hát về mưa

Tôi lắng nghe và chờ đợi. Năm thanh điệu không đến. Tôi tiếp tục chờ mà không mất kiên nhẫn vì tôi biết giai điệu sẽ như thế nào. Nhưng điều duy nhất tôi có thể nghe thấy là âm thanh yếu ớt của mưa và nước chảy. Trời dần tối hẳn. Tôi lấy tẩu ra nhưng lại cất nó đi. Tôi biết rằng năm nhịp điệu này chắc chắn phải ở đâu đó trong thung lũng Moomin và tôi sẽ không tìm thấy chúng cho đến khi quay trở lại.

(Tove Jansson – Moomivalley in November) 

Tóm lại loài vật phức tạp lắm thi sĩ ạ, và vì vậy tao cứ xin kiếp này được làm …Người :)). Vì cái cô Rắn chúa mà tao cũng bị phân tâm không thể viết nổi dù một chữ cho mày. Huống chi là fan thứ thiệt của cổ .  Tao đồ là có khi cô Mây gió làm gãy hai cái ghế trong rạp là ít chứ chẳng đâu, ở nhà mà sư mẫu cổ còn cho biết là hai lần cổ làm sập giừong vì nhạc nhẽo rồi mà. Haizza bao giờ cái cơn cuồng phong này mới chấm dứt đây, chứ “”I Knew (all of) You Were Trouble” lắm rồi :))

 

May mắn trên đường “Đường xa vạn dặm” này, tao luôn có các bạn chim thú đồng hành. Nhờ các bạn ấy mà tao không bị đứt liên lạc với thế giới.

 

Và vì vậy tao cho rằng thiên nhiên cực kỳ là kỳ diệu và cuộc sống luôn có những điều bất ngờ. Không tin mày hãy nghe câu chuyện mà thằng Charlie nó vừa chuyển phát nhanh đường chim bay cho tao:

From Charlie

Somewhere in the heaven 

Hi Monster!

 Mày dạo này ổn chứ?

Đã hoàn thành nhiệm vụ (của một) “cha xứ” (với thằng Wil) chưa ?

Bà xơ tổ mày (cũ) thế nào?

Lâu lâu (bọn mày) có còn đá đểu nhao? :))

Tiết lập đông đã đến từ tuần trước. Trong đó chúng mày cảm nhận được chưa? Lúc này, mặt trời sẽ ở mức 225 độ. Bán cầu nam nghiêng về phía mặt trời hơn nên nhận được nhiều ánh sáng và bức xạ. Ngược lại, bán cầu bắc nhận được rất ít nhiệt và giờ ban ngày rất ngắn.

Tao đang ở xứ sở bốn mùa. Vì từ thời điểm này trở đi ngày bỗng dưng ngắn lại nhiều phần nên dạo này trong lòng tao lại cứ thấy …lao xao :)), kiểu như là “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” ấy mày ạ!

Mày chớ vội thắc mắc là tao đang ở đâu và chuyện gì đang xảy ra với tao? Từ từ tao sẽ kể.

Kể từ hôm mưa to gió lớn nước triều cường dâng cao hồi tháng Mười đã gây hạn cho tao khi cái bản “Hợp đồng chung thân” của tao bị đối tác đơn phương chấm dứt :)), tao bỗng nhiên cảm thấy chả thiết tha với thứ gì nữa.

 Thế rồi sau khi nằm vắt óc suy nghĩ mất mười ba đêm mơ màng không ngủ :)) tao cũng đã có một quyết định lịch sử: Hành hương về hướng Bắc xa xôi theo tiếng gọi của nàng Lý ….Chính Thất :)).

Mày đừng nghĩ theo chiều hướng đen tối. Tao quyết sang đó đơn giản chỉ hòng tìm ra nguyên nhân tại sao Chính Thất lại bỏ phố về rừng. Phải chăng nàng cũng vướng phải tình cảnh giống tao ?

Và thế là một buổi sáng mùa Thu sau khi thức dậy….

“Tao bước xuống giường, đi lấy bàn chải đánh răng và nhét vào túi. Tao không còn cảm thấy mệt mỏi nữa, mà cảm thấy mình như một Charlie hoàn toàn mới.Không ai nhìn thấy tao rời đi,  tao đi mà không có vali, không ô dù và không một lời chào từ biệt kể cả là với hàng xóm.

Tao không quen đi bộ ở vùng nông thôn và đã lạc đường nhiều lần, nhưng điều đó không khiến tao cảm thấy khó chịu hay tức giận.“Trước đây mình chưa bao giờ bị lạc” , tao đã nghĩ vậy đấy.  “Và mình cũng chưa bao giờ bị ướt! “Tao vẫy tay và cảm thấy mình giống như người đàn ông trong bài hát, một mình đi dưới mưa cách nhà cả ngàn dặm, hoang dã và tự do. Tao cảm thấy rất hạnh phúc! Và chẳng bao lâu nữa tao  sẽ uống cà phê nóng ngoài hiên.

Cách thung lũng chưa đầy một dặm về phía đông, tao đi xuống dòng sông, trầm ngâm nhìn dòng nước đen đang chảy và trong đầu tao chợt nảy ra ý nghĩ rằng cuộc đời thật giống như một dòng sông. Một số người chèo thuyền chậm, một số lại nhanh trong khi  số khác bị lật úp.

“Mình sẽ kể điều đó với Moominpappa, tao nghiêm túc nghĩ. “Mình nghĩ đó phải là một suy nghĩ hoàn toàn mới. Chỉ tưởng tượng thôi, hôm nay những suy nghĩ đến thật dễ dàng và mọi thứ đều trở nên đơn giản. Tất cả những gì  phải làm là bước ra khỏi cửa với chiếc mũ trên đầu với một góc độ vui nhộn! Có lẽ mình sẽ đưa thuyền ra ngoài. Mình sẽ đi thuyền ra biển. Mình có thể cảm nhận được áp lực chắc chắn của bánh lái lên chân mình,” tao lặp lại, và bây giờ tao cảm thấy hạnh phúc đến mức gần như đau đớn. Tao thắt chặt thắt lưng quanh cái bụng hơi quá khổ và bước đi dọc bờ sông. 

(Tove Jansson – Moomivalley in November)

Tao cứ thế đi miết đi miết rồi và vào một buổi chiều chạng vạng tao đã đặt chân tới một dãy núi dựng đứng và trước mặt dưới khe núi hiểm trở là một con sông nhỏ tí như dải lụa uốn quanh. Chả hiểu sao lúc đó tao lại cứ thấy bủi ngùi nên đứng lại hồi lâu. Bỗng tao nghe một tiếng gọi quen thuộc từ phía sau:

-Charlie có phải Charlie đấy không? khiến tao giật mình quay lại: Trời ơi, sao lại ngạc nhiên thế này. Ở nơi đèo heo hút gió, chỉ có “Cỏ cây chen đá lá chen hoa” đâu ra lại lù lù cái thằng  bạn games của tao một thuở. Mountain bên lớp Nightowl chứ ai! Nó làm gì ở đây thế không biết?

Chúng tao ôm chầm lấy nhau khóc nức nở, đã lâu quá rồi! Và tao đồ là cái khăn mùi soa nó đang cầm trên tay, cái khăn mà nàng thanh mai trúc mã đã tặng nó năm xưa đã ướt sũng hết cả:

-Mày mò mẫm gì ra đến tận đây vậy Charlie?nó hỏi tao sau khi chúng tao đã ổn định tinh thần.

-Tao đang tìm đường đến với nàng Lý Chính Thất để học hỏi con đường làm thế nào tìm được hạnh phúc từ bên trong, như cách nàng đã bỏ phố về rừng. Còn mày thì sao?

-Tao không có lý do lãng nhách như mày. Tao cần tư liệu để viết tiểu luận về những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến tầng lớp nông dân.

Chuyện của Mountain dài lắm và rất thú vị nhưng giờ trời đã sầm sập tối rồi. Chúng tao phải kiếm cái gì bỏ bụng đã nên tao hẹn mày mai tao lại biên tiếp cho mày hay.

Charlie

How the Vikings became skilled shipbuilders, navigators and seamen?

(Làm thế nào người Viking trở thành thợ đóng tàu, hoa tiêu và thủy thủ lành nghề?)

By Bertil Almgren

2.

Điều tự nhiên là ở những nước nông nghiệp này, các khu định cư trang trại nên rải rác riêng lẻ, không tập trung lại với nhau, để không nơi nào quá xa những cánh đồng xa nhất. Lúc đầu, các thị trấn không tồn tại. Nhiều nhất sẽ có những ngôi làng nhỏ; nghĩa là một số trang trại hợp nhất thành một nhóm.

Các thị trấn thực sự là không cần thiết, vì các trang trại phần lớn tự cung tự cấp và không có thợ thủ công để mua bất cứ thứ gì. Điều tương tự cũng đúng với toàn bộ Bắc Âu: các thị trấn chỉ tồn tại ở những khu vực từng bị Đế chế La Mã thống trị.

Họ lớn lên một cách tự phát xung quanh các đồn trú, nơi không chỉ đòi hỏi thương nhân phải xử lý nhiều loại sản phẩm cần thiết mà còn phải có đội ngũ thợ thủ công lành nghề. Điều luôn phân biệt một thị trấn với một ngôi làng là hầu hết cư dân của một thị trấn là thương nhân và thợ thủ công, đối với họ nông nghiệp chỉ có tầm quan trọng thứ yếu.

Họ kiếm sống bằng cách bán hàng hóa của mình thay vì tự mình tiêu thụ. Cư dân của một ngôi làng chủ yếu là nông dân tự cung tự cấp, và những người thợ thủ công mà họ cần chỉ là những người cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như thợ rèn và thợ gốm.

Các xã hội giống như thị trấn đã được xác thực không bắt đầu xuất hiện cho đến khoảng năm 700 sau Công Nguyên, khi hoạt động thương mại của Tây Âu và Frisian với Scandinavia đã có đà phát triển. Chúng được tìm thấy ở những nơi dễ dàng tiếp cận bằng cả đường biển và đường bộ, không chỉ đối với thương nhân mà còn đối với khách hàng; nghĩa là dành cho những người muốn mua và bán.

Một số người có lẽ đến để tìm kiếm sự đồng hành đầy hứng khởi của những người nước ngoài từ những nơi xa lạ. Đồng thời, những người sáng lập của họ cố gắng đặt thị trường ở những điểm chiến lược, nơi không quá khó để bảo vệ chúng, vì tất cả những mặt hàng đáng mơ ước được tích lũy tại thời điểm thị trường có thể rất hấp dẫn. Kaupang của Na Uy và Hedeby của Đan Mạch đều ẩn dưới đáy vịnh hẹp, còn Birka và Helgo của Thụy Điển nằm trên các hòn đảo nhỏ, dễ phòng thủ trên Hồ Malar. Những người buôn bán phải đi lại với một tay cầm cân và tay kia cầm kiếm.

Hầu hết thị trấn đã bị diệt vong trong thời kỳ Viking hoặc ngay sau đó đã được định vị và ít nhiều được khai quật kỹ lưỡng. Các thị trấn khác tỏ ra sôi động hơn và nhiều thị trấn hiện đại có thể theo dõi lịch sử của chúng từ thời Viking. Đây không phải là trường hợp với các khu định cư trong nước. Chỉ có một số trang trại và nhà phụ của người Viking được tìm thấy.

Một lý do có thể là những ngôi làng hiện tại được đặt chồng lên những ngôi làng cũ, do đó nền móng của các tòa nhà Viking thời kỳ đầu nằm quá sâu để có thể tìm thấy. Những phát hiện khảo cổ khác, đặc biệt là các ngôi mộ, đã giúp xác định vị trí các khu định cư của người Viking. Đàn ông và phụ nữ được chôn cất cùng với những tài sản quý giá nhất xung quanh họ, để họ được trang bị phù hợp cho cuộc hành trình sang thế giới tiếp theo.

Phần lớn các ngôi mộ được tìm thấy cho đến nay dường như được trang bị khá khiêm tốn. Họ đại diện cho tầng lớp trung lưu rộng lớn, những người nông dân, hạt nhân của dân số. Những ngôi mộ của các nô lệ vẫn chưa được tìm thấy, vì khó có khả năng họ được cung cấp những đồ mộ thuộc loại lâu bền.

Cuối cùng, có một số khoảng trống rất phong phú, chắc hẳn thuộc về các thành viên của giai cấp thống trị nhỏ. Chúng bao gồm những ngôi mộ tàu nổi tiếng, đã được tìm thấy ở tất cả các nước Scandinavi. Một loại phát hiện khác, cũng giúp làm sáng tỏ vấn đề định cư, đó là kho báu bị chôn vùi.

Hầu hết kho báu của người Viking bao gồm những tài sản đã bị chôn vùi trong thời kỳ giao tranh ác liệt và sau đó bị bỏ rơi vì lý do này hay lý do khác. Họ cho rằng nhiều người giàu có hơn nhiều so với những gì mà việc chôn cất cho thấy. Loại di vật thứ ba là những viên đá rune, những tảng đá đứng được khắc các ký tự trong bảng chữ cái Bắc Âu (runic) cổ. Hầu hết chúng được dựng lên nhằm mục đích an táng, và do đó thực sự là bia mộ. Nhưng một số viên đá rune đã được thiết lập để tưởng nhớ một số sự kiện hành động tốt đáng chú ý.

Cuối cùng, cần phải tính đến các nhà thờ, vì phần lớn chúng nằm ở những khu vực có người sinh sống từ thời Viking.  Tài liệu mà chúng tôi sử dụng thường không bắt nguồn từ việc điều tra có hệ thống. Điều này thực sự là không thể. Nhiều phát hiện nhất là những ngôi mộ, được tìm thấy dưới những cánh đồng bằng phẳng, và hầu như luôn được phát hiện một cách tình cờ trong quá trình làm nông nghiệp.

Chỉ khi việc này kết thúc thì nhà khảo cổ học mới có thể đến và thực hiện cuộc điều tra của mình. Điều tương tự cũng đúng với kho báu. Chỉ có những viên đá rune và những ngôi mộ là người ta luôn có thể nhìn thấy và nhận ra bản chất của chúng. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ngay cả khi có thêm nhiều tài liệu được tìm thấy trong tương lai, nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến những đánh giá đã được thực hiện cho đến nay. Khảo cổ học là một ngành khoa học có lịch sử lâu đời ở Scandinavia và các tài liệu hiện có đủ để vạch ra các khu định cư về mọi mặt cần thiết.

Mọi người vào thời điểm đó hầu như không nhận thức được rằng có nhiều thế lực khác nhau đang đẩy người Scandinavi ra thế giới. Có lẽ họ chỉ phân biệt giữa những thương nhân Bắc Âu ôn hòa và những người Viking còn lại, những người đã mang theo chiến tranh và sự hủy diệt theo họ.

Tuy nhiên, có lúc các nhà buôn không hề yên bình như vậy. Bản thân họ phải đề phòng bọn cướp biển, và do đó được trang bị tận răng. Nếu họ gặp một con tàu nhỏ hơn với hàng hóa hấp dẫn, họ sẽ muốn vứt bỏ chiếc cân, lấy thanh kiếm, tấn công nhanh chóng và do đó tăng cường hàng hóa của chính họ.

Khi hành động theo cách này, người buôn bán đã tự đặt mình vào loại khác: đó là những người Viking thực sự, những người thỉnh thoảng thực hiện các chuyến thám hiểm săn mồi với mục đích duy nhất là làm giàu cho bản thân nhưng lại thường dành cả đời ở trang trại quê hương của họ.

Tất nhiên, cuộc sống  đôi khi tạo thành một thói quen thú vị và nhiều người Viking định cư ở nước ngoài ở những nơi mới mà họ đã tìm thấy, nơi họ sẽ được bao quanh bởi những người thực dân Scandinavi khác. Những người như vậy tạo nên loại người Viking thứ ba.

Trở lại căn nhà ven hồ bang Minnesota, anh giúp việc gốc Na Uy đã được bà chủ ưu ái giữ lại. Trong gia đình này, ngoài ông bà chủ ra còn có bốn đứa con: 3 gái, 1 trai và hai bà cô già không chồng sống chung với họ (các bạn đừng vội sợ “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, xã hội phương Tây dù là ở thời xưa vẫn dễ thở hơn so với phương Đông nhiều xét về quy tắc lễ nghi).

Cô con gái tiểu thư 18 tuổi là nhân vật chính. Cũng như các cô gái sinh ra trong gia đình khá giả và gia giáo, cô cũng được nuôi dạy và giáo dục tương đối khắt khe với một ông bố gia trưởng và một người mẹ nghiêm khắc.

Hãy nghe cô nói về cha mình: “Chẳng thể thay đổi được quan niệm phong kiến cổ hủ của cha tôi đâu. Thói gia trưởng đã ăn sâu vào đầu óc cha tôi đến mức cụ cho rằng chỉ mỗi cụ đúng còn không ai đúng hết. Mọi người chỉ có việc răm rắp tuân theo lệnh cha tôi thôi.”

Và như vậy, trong gia đình người chồng – cha có uy quyền tuyệt đối. Vợ con đều phải phục tùng, nghe theo: Ông không cho phép vợ hay con gái chơi môn thuyền buồm. Ông không muốn con gái theo học đại học mà việc của con gái khi đủ tuổi trưởng thành là lấy chồng, sinh con và ở nhà nội trợ.

Và ngay cả việc kết bạn với ai cũng phải được sự cho phép của cha mẹ. Đương nhiên là phải cùng đẳng cấp với họ.

Nhưng thời đại sống của họ lúc này đã khác. Thế kỷ mười chín là thời kỳ khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã diễn ra cùng với những trào lưu về chính trị, tư tưởng, văn hoá sôi nổi lan rộng khắp các nước từ châu Âu  sang Mỹ. Giống như một luồng gió mới thổi vào đời sống xã hội  vẫn còn chứa đựng bao nỗi bí bách.

Và tầng lớp thanh niên luôn là người nắm bắt nhanh nhất với sự thay đổi đó.

Cô tiểu thư cũng không phải ngoại lệ. Cô không muốn giống như mẹ cô, hoàn toàn lệ thuộc vào chồng. Cô không muốn sống theo kiểu tiểu thư khuê các mà muốn điều khiển thuyền buồm và tham gia Hội đua thuyền. Cô muốn được đi du lịch châu Âu và săn sư tử trong rừng rậm Châu phi. Cô không muốn ai khen mình xinh đẹp mà chỉ muốn họ thốt lên là cô giỏi quá vì đã đạt giải nhất trong Hội đua thuyền!

Cô gái không chịu bó buộc mình trong một khuôn khổ nào cả. Cô chính là đại diện cho lớp người sẽ phá tan những cánh cửa vốn luôn đóng kín với người phụ nữ, buộc chân họ trong bốn bức tường hạn hẹp.

 Và vì vậy, cô đã cả gan hẹn gặp cả chàng trai tôi tớ trong nhà để nghe anh trình bày về phương thức tạo ra con thuyền mới

– Tôi tin rằng nếu ta không đóng kiểu thuyền có đáy nhọn mà bố trí đáy phẳng thì thuyền sẽ không phải giữ thăng bằng và không bị nước cản. Chúng ta sẽ bỏ được phần gia trọng và gió đẩy buồm đến đâu, con thuyền không vướng víu gì hết sẽ chạy theo đến đó. Ta giả sử cánh buồm cao mười hai mét, nếu như đóng theo kiểu cũ thì con thuyền phải nặng tám tạ trong khi đóng theo kiểu đáy phẳng thì chỉ cần nặng hai tạ hai. Tầu sẽ nhẹ được gần sáu tạ, tất nhiên sức cản cũng giảm đi ghê gớm.

 

November 13, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Stories

Chuyện Hoa hồng và Xương rồng (5)

by Rose & Cactus November 11, 2023

Desert không phải là một người hoàn toàn mù mờ trong lĩnh vực bất động sản. Ngược lại, trong giai đoạn đầu  khởi nghiệp, ông đã phải tham gia vào lĩnh vực này như một giải pháp tình thế để có thể có thêm nguồn tiền  nuôi  công ty non trẻ của mình, vốn luôn ngốn một khoản chi phí ban đầu khổng lồ  và chưa thể sản sinh ra lợi nhuận. 

Trở lại với thời điểm khi Desert mới trở về nước. Tuy lòng tràn đầy háo hức nhưng ông vẫn thấy  mông lung và băn khoăn không biết nên định hướng con đường đi tiếp theo nên là thế nào. Ông sẽ tiếp tục đi làm thuê hay khởi tạo một cái gì đó của riêng mình ? Lựa chọn giữa việc làm những gì mình đam mê hay làm những gì nhanh kiếm được tiền, giữa việc làm những thứ chắc chắn và ít rủi ro hay đi đến tận cùng những khám phá theo ý muốn của mình chưa bao giờ là đơn giản.

Nếu chỉ đơn thuần làm công việc vì đam mê, nhưng công việc đó mãi mà không cho kết quả gì hoặc không cho mình một nguồn thu nhập đủ đến mức để tái đầu tư thì chỉ là sự viển vông và sớm muộn nó cũng chết yểu. Nhưng nếu theo đuổi một công việc chỉ vì nó sinh ra nhiều tiền hơn thì theo thời gian sẽ càng ngày càng nuôi dưỡng trong con người  sự mất cảm hứng và mài mòn tính sáng tạo.

Desert chợt nghĩ đến một  học thuyết mà một giáo sư người Pháp của ông đã kể như một lời chia tay trong ngày cuối cùng Desert và các bạn ngồi  ở giảng đường. Đó là “Thuyết con nhím” được phát triển bởi Jim Collins dựa trên câu chuyện ngụ ngôn về Nhím và Cáo.  Truyện kể rằng, trong khu rừng nọ có một con Cáo khôn ngoan, ranh mãnh với nhiều chiêu trò tinh quái, còn Nhím là con vật nhỏ bé, cục mịch và di chuyển chậm chạp. Ngày qua ngày, Cáo luôn nghĩ ra nhiều chiêu trò để tấn công Nhím nhưng lần nào cũng bị thất bại, thân mình cắm chi chít gai.

Sau tất cả, Cáo vẫn không bao giờ hiểu được rằng dù Cáo có bày ra nhiều trò đến mấy cũng không thể bắt được Nhím chỉ thành thục một kỹ năng, đó chính là tự vệ. Hành động cuộn tròn người lại và xù gai tuy hết sức đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả bất ngờ. Từ câu chuyện ngụ ngôn đó, triết gia Isaiah Berlin đã phân chia con người thành 2 nhóm: Người “Cáo” là người luôn đặt ra nhiều mục tiêu, với từng chiến lược cụ thể nhưng khó đạt được hiệu quả trong dài hạn và Người “Nhím” là người chỉ tập trung vào một mục tiêu, và giải quyết mọi việc theo cách đơn giản nhất. 

Theo thuyết con nhím, sự lựa chọn việc nên làm gì lý tưởng nhất sẽ là điểm giao thoa của ba yếu tố: điều mình thực sự đam mê, điều mình thực sự giỏi và nhu cầu xã hội.

Quãng thời gian du học ở Pháp, Desert ở chung phòng trọ với hai người bạn đến từ đất nước Chinayn. Tuy được cấp học bổng toàn phần nhưng để có thêm thu nhập trang trải cho các nhu cầu của cuộc sống, ông đã đi làm công việc rửa chén thuê cho một nhà hàng phục vụ các món ăn có nguồn gốc quê hương ông tại một quận sầm uất.

Nhưng khác với ông, hai người bạn Chinayn  làm thêm bằng cách khác. Hàng ngày, ông đều thấy họ nghiền ngẫm những chuyên trang về mua bán nhà đất của những tờ báo chuyên ngành bất động sản. Có khi cuối tuần họ còn bắt xe buýt xuống các vùng nông thôn đẹp như mộng ở ngoại ô Paris rồi ra về với vô sổ các bức ảnh. Và người đi cùng  dẫn đường cho họ là bà chủ ngôi nhà mà ông và họ đang ở.

Desert hết sức tò mò không hiểu họ đang làm cái gì ? Ông thắc mắc trong lòng nhưng không tiện hỏi hai người bạn vì sợ họ nghĩ ông tọc mạch vào việc cá nhân của họ, cái mà ông đã tìm hiểu trước khi ra nước ngoài. Tôn trọng đời sống riêng tư của người khác là cái tối thiểu  mà ai cũng cần phải rõ.

Mãi sau này, khi thân thiết hơn hai cậu bạn mới nói cho Desert công việc mà họ đang làm thêm: Môi giới bất động sản. Việc này ban đầu được dẫn dắt bởi bà chủ nhà khi bà ta đề nghị các cậu làm phiên dịch viên cho bà và những người  Chinayn từ nước họ sang.  Họ đều là những người Chinayn rất giàu có, sang xứ sở văn mình này để tìm mua nhà.

Chinayn là một nền kinh tế mới nổi và tầng lớp triệu phú, thượng lưu đang tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Những con người thuộc tầng lớp này họ không thoả mãn với cái ao tù chật hẹp trong nước. Và phương thức đầu tư phổ biến là mua các tài sản có giá bên ngoài lãnh thổ. Những cánh đồng nho rộng lớn, những khu đất ngập tràn sắc tím Lavender, những toà lâu đài cổ kính ở miền thôn quê yên bình vùng ven Paris được phần đông những người này lựa chọn.

Hai cậu sinh viên nhìn phong lưu, sáng sủa lại nhanh nhẹn rất được lòng bà chủ nhà tháo vát. Nhưng khi đã quen việc và  nhận thấy thị trường mua bán nhà đất xuyên quốc gia  đầy tiềm năng, hai cậu đã nghĩ phải có một phương thức hợp tác với bà chủ nhà một cách bình đẳng hơn, theo kiểu win-win hai bên cùng có lợi. Với lợi thế về tiếng và sự am hiểu con người địa phương,  hai cậu sẽ lo tìm kiếm khách hàng từ quê nhà, giới thiệu với họ những bất động sản phù hợp với từng đối tượng. Còn lại, mọi thủ tục của giao dịch, nếu thành công, bà chủ nhà trọ sẽ lo liệu. Hoa hồng môi giới này được chia đôi, 50-50.

Và chỉ một thời gian ngắn sau, họ đã giàu lên nhanh chóng. Khi Desert kết thúc thời gian học ở Paris thi cũng là lức hai người bạn này cùng nhau lập  nên một công ty môi giới bất động sản .

Như bất kỳ một nhà khởi nghiệp nào, Desert cũng rất “khát tiền”, nhưng ông đủ thông mình để hiểu rằng quá trình kêu gọi vốn từ bên ngoài không phải lúc nào cũng là phương thức mang lại hiệu quả cao nhất. Thông thường, người chủ dự án start –up sẽ tìm kiếm những cộng sự thật sự tin cậy, hầu hết là những người bạn thân thiết để đồng hành cùng mình. Vấn đề là ngay cả khi cố gắng tiệm cận mục đích và chí hướng như thế thì vẫn có rất nhiều các công ty non trẻ vừa mới ra đời nhưng đã sớm phải dừng lại vì những bất đồng không thể dung hoà giữa những người đồng sáng lập ra nó khi nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình hoạt động.

Desert không muốn những tình huống như thế xảy ra sẽ làm nhụt chí khát vọng xây dựng nên một cái gì đó mà ông tâm huyết. Ông quyết định tự mình tìm tòi, thử nghiệm và chịu trách nhiệm toàn bộ với những ý tưởng kinh doanh của riêng ông. Và người trợ giúp về tài chính ban đầu cho ông một cách nhiệt thành nhất là vợ ông, bà Hera. Bao nhiêu nữ trang, trang sức và một mảnh đất riêng của hồi môn mà cha mẹ bà tặng cho, bà đều bán đi hết để người chồng có nguồn vốn  thực hiện ước mơ của mình.

Desert bắt đầu rất từ từ với quy mô nhỏ và ông hiểu rằng có lẽ trước tiên, ông phải đi theo một hướng khác, một công việc nhanh cho lợi nhuận để có thể có thêm nguồn vốn phát triển công ty.

Một cách rất tình cờ khi Hera thông báo với ông về giá trị lô đất cha mẹ để lại mà bà đã bán cho một ông chủ ngành xây dựng trong vùng. Trị giá của nó đã tăng đến 100% chỉ trong vòng có ba năm so với giá trị ban đầu của nó. 100% ? Một con số ấn tượng khiến ông phải suy nghĩ. Cứ giả sử thế này, nếu một tỷ đồng đem gởi vào ngân hàng kỳ hạn một năm với lãi suất tiền gửi 10%/năm, một mức lãi suất giả định cao nhất, thì số tiền thu về sau ba năm chỉ là một tỷ ba trăm triệu. Trong khi đó, cũng số tiền trên được đầu tư vào đất đai, nếu tình hình thuận lợi như hiện tại, ông có thể thu về 2 tỷ. Một sự chênh lệch không hề nhỏ.

Và ngay  lúc đó, ông lập tức ôm chầm lấy vợ, xoay bà như thể hai người đang thực hiện một động tác khiêu vũ lãng mạn của các cặp tình nhân, khiến Hera ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra với chồng mình. 

Desert vất vả từ nhỏ, cả cuộc đời ông học tập và lăn lộn ngoài đời cho đến thời điểm đó khi đã ba mươi. Ông ít có thời gian đọc văn chương, ngoài mấy bài thơ tình mà ông chép tặng vợ thời trai trẻ. Và do đó ông làm sao biết được đến ngay cả Mark Twain cũng đã từng nói: “Hãy mua đất đai. Vì chúng không thể được sản xuất ra, chúng là hữu hạn.”

Nhưng sau buổi trò chuyện với vợ ban trưa hôm đó, Desert đã tìm thấy con đường đi tạm thời, mà ông chắc chắn là có thể mang đến cho ông nhiều niềm hy vọng tươi sáng. Công việc như hai cậu bạn người Chinayn ở Paris của ông đã từng làm.

Ban đầu ông mua những căn nhà nhỏ trong nội đô, những căn nhà xuống cấp, tồi tàn, những căn nhà ở vị trí đẹp. Rồi ông cho sửa chữa tân trang lại một cách thẩm mỹ. Chúng sau đó sẽ được rao bán ngay, với một mức lợi nhuận phải chăng. Đây là một phương thức đầu tư ngắn hạn, một vòng quay khép kín : Tìm mua, Sửa chữa và Bán lại. Một năm sau,  lợi nhuận tích luỹ đủ đến mức gợi ý cho ông mở rộng địa bàn đầu tư ra các vùng ngoại vi. Vùng núi phía Bắc Thủ đô, quê hương ông, đã được lựa chọn. Vùng đất nổi tiếng với những ngọn đồi thấp, những trang trại trồng cam bạt ngàn và quan trọng là giá đất còn rẻ đến không ngờ.

Hai năm sau một dự án đường cao tốc đi xuyên qua khu vực này được triển khai. Giá đất chạy dọc con đường leo thang với tốc độ chóng mặt. Ngừoi ta đổ xô về đầu tư nhiều dự án ở tiểu vùng này. Gía trị khối bất động sản của ông có giá hơn bao giờ hết. Lúc này ông quyết định bán toàn bộ để  đổ tiền vào dự án mang tên “Bông hồng đen” mà ông tâm huyết tại D&C.

Thành công trong lĩnh vực bất động sản của Desert không phải là ngoại lệ. Hàng xóm sát vách của ông, lão Agni cũng là một điển hình của trường hợp phất lên từ đất đai. Agni, ngừoi gốc vùng biển Santoni, đã ngoài sáu mươi. Người lão tròn ung ủng như quả bí ngô, mỗi lần di chuyển hai chân hai tay lão phải choẽ rộng ra cho có cảm giác đỡ bức bối. Ấy vậy mà trái với cái thể hình thô lậu, lão lại có gương mặt rất sáng sủa, tinh anh. Da lão trắng bóc hồng hào, lại chẳng bù tí nào với cái vẻ đen xạm, sương gió của mụ vợ.

Trước đây hai vợ chồng lão làm nghề buôn bán  ve chai. Chỉ với cái xe đạp cọc cạch len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm thu mua phế liệu rồi  bán cho các nhà máy tái chế mà chỉ năm năm lão đã xây được cái biệt thự to đùng vật vã khiến cả khu phố nơi lão ở đoán già đoán non xem sao mà tự nhiên nhà cái vợ chồng ấy lại giàu lên nhanh đến vậy.

Người ta còn đồn lão đi buôn ma tuý, đồn thế là chuyện thường, nhất là với cái kiểu con gà tức nhau tiếng gáy trong một cộng đồng sống vốn rất khăng khít nhưng dễ tị hiềm . Lão chẳng phải người điếc, đương nhiên, tai lão thính còn hơn cả loài cẩu. Và do đó lão bực tức lắm, lão cũng chửi đổng đôi lần cho bõ cái nóng trong người.

Nhưng sau thì lão cóc thèm quan tâm nữa, hơn thế lão còn tỏ ra khinh thường không thèm chơi với những người mà lão cho rằng chẳng biết làm gì chỉ biết ăn không ngồi rồi rồi dòm ngó xét nét nhà người khác: “Càng ngồi đó mà than thở thì chúng mày cứ càng nghèo kiết xác ra.” Đôi khi lão cứ nói thể một mình.

Tuy vậy, lão lại cảm thấy rất cởi mở với gia đình nhà Desert. Lão cho rằng vợ chồng nhà này tử tế, họ gần như cứ đi suốt, chẳng mấy khi ở nhà và không bao giờ thấy cô vợ đi ngồi lê đôi mách.” Sao mà lại được cả vợ cả chồng dễ thương thế không biết cơ chứ?” Mụ vợ lão lâu lâu lại chép miệng với lão như vậy, khi vợ chồng nhà Desert đi ngang qua nhà và mỉm cười chào mụ.

Nhân một hôm lão thấy Desert lúi húi ngoài cổng, để sửa cái bản lề đã lung lay. Lão mò sang bắt chuyện:

-Chú Desert ơi, sao ba cái việc cỏn con này chú không thuê quách thợ nó làm đi có phải đỡ mất thời gian không?

-Cái này cũng xử lý nhanh mà bác. Em vừa làm vừa chơi thôi

-Cũng phải. Ở đời đâu phải hở cái gì ra cũng đi thuê. Muốn sang chảnh, giàu có như người ta thì phải chịu thương chịu khó, chứ ở đâu ra mà có của ăn của để.

Lão nói cao giọng, mắt hướng sang nhà cô Leslie đối diện, người mà lão chúa ghét vì lão cho rằng cô chỉ có mỗi cái nghề “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Nhưng dường như Desert không để ý lão đang có ý gì.

-Này, tôi hỏi thật, chú có biết kinh doanh nhà đất không?

Giọng lão đang mỉa mai bỗng chuyển ngay sang vẻ bí hiểm

-Sao bác lại hỏi em thế?

-Thì tôi hỏi thế thì chú cứ trả lời tôi có hay là không xem nào? Tôi nói nhỏ chú nghe này, cả cái khu phố này tôi chỉ nói mỗi cho chú thôi đấy. Chú có biết cái biệt thự này của tôi từ đâu ra không? Bọn mất nết chúng đồn tôi đi buôn chất cấm. Tôi đâu phải là thằng điên dù cái thằng Agn này chỉ xuất thân là tay buôn đồng nát.

Tiếng lão nhỏ lắm Desert phải căng tai xem lão đang nói gì, đoạn lão ghé hẳn đầu vào tai Desert:

-Tôi đi buôn bất động sản đấy. Chú thì giàu rồi, tôi thừa biết, nhưng nếu chú muốn giàu hơn tôi, muốn là tỷ phú, nhất định chú phải đi cái con đường này, sướng lắm, chú cứ nhìn cơ ngơi của tôi là rõ.

Đến lúc này thì Desert thấy ngạc nhiên thật sự. Sao bỗng dưng cái lão Agni này hôm nay lại cởi mở, tâm sự với ông những chuyện  bí mật thầm kín thế này. Không đợi Desert cất lời, lão lại liến thoắng

– Chúng tôi đang thực hiện một dự án rất lớn, có tầm ảnh hưởng ở cả cái hạt này. Chú biết cái thằng cha Merlin, con trai cựu thị trưởng thành phố này không? Hắn ta chính là chủ đầu tư của dự án biệt thự nhà phố mang tên “Thiên đường nhiệt đới” nổi như cồn thời gian gần đây đấy. Vấn đề là chúng tôi chưa huy động được đủ vốn, Desert ạ và vì vậy đang muốn tìm kiếm những nhà đầu tư thông minh, những ngừoi nhìn xa trông rộng và có chí hướng làm giàu, như chú chẳng hạn.

Lão nói đến đây thì nhìn Desert như ý thăm dò. Lúc này Desert đã sửa xong cái bản lề hư, các công việc cơ khí như thế này cũng là một niềm đam mê của ông.

-Cám ơn bác đã thông tin bác Agni. Nhưng em còn cái gánh D&C nặng quá không còn đủ nguồn lực để làm cái gì khác.

Nghe vậy, lão Agni buông một câu :

-Thì tuỳ chú, chú cứ suy nghĩ kỹ vào, cơ hội không phải lúc nào cũng lặp lại lần hai đâu.

Xong quay ngay về cửa nhà lão.

Bẵng đi một thời gian rất dài sau đó, qua báo chí Desert mới được biết cái dự án mà lão Agni đề cập vướng phải cáo buộc lừa đảo phải tạm dừng hoạt động. Nghe đâu lão cũng thuộc nhóm đối tượng thuộc diện điều tra.

Bất động sản chưa bao giờ là hướng đi dài hơi của Desert. Như nhiều nhà kinh doanh xuât phát từ con số 0 khác, ông  buộc phải lựa chọn nó trong giai đoạn đầu gây dựng nguồn vốn. Và là một người rất cẩn trọng, ông chỉ thực hiện những thương vụ mà ông nắm chắc cơ sở pháp lý, để hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro.

Khi nền tảng vốn đã ổn, ông buông bớt các hoạt động thuộc lĩnh vực này và dồn toàn lực vào các hoạt động lõi của D& C.  Là một con người của kỹ thuật, Desert đã lập kế hoạch dài hạn để hướng doanh nghiệp của mình chuyển dần sang lĩnh vực sản xuất. D&C của ông càng ngày càng lớn mạnh và phát triển rất vững chắc trong lĩnh vực cung cấp phần mềm kế toán cho doanh nghiệp và sản xuất linh kiện phụ trợ cho các hãng đồng hồ danh tiếng.

Đã từ lâu rồi, ông không còn mấy quan tâm đến bất cứ một tài sản nhà đất nào khác nữa, bao nhiêu lợi nhuận ông đều đổ vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển và tái đầu tư tại D&C. Đơn giản, với ông, căn biệt thự ở Thủ đô nơi gia đình ông đang sinh sống, một trang trại cam tại quê và một nhà nghĩ dưỡng ven biển tại một thành phố phương Nam, đã là quá đủ

Cho đến buổi sáng mùa xuân hôm đó khi nhận được cuộc gọi mà ông coi là lạ lùng nhất trong cuộc đời. Desert suy nghĩ cho đến ngày cuối cùng của chuyến du xuân tại ngôi làng Milos, ông mới đưa ra được quyết định cùa mình vì như lão Agni đã từng nói với ông “có thể cơ hội sẽ không đến đến lần thứ hai”:

-Tôi muốn được đi tham quan toà lâu đài Plato, thưa ông Apollo!

Cho đến khi rời đi Desert không hề biết rằng, ở đâu đó tại Milos có một ông già lại thầm cảm ơn người mà ông ta sẽ gần như cho đi một phần rất lớn gia tài của mình.

Xtas là một cậu bé mười hai tuổi, đang học lớp bảy trường “Happy School” gần nhà. Cậu sống ở căn hộ số 3 tầng 12 ngay bên dưới nhà Rose, với mẹ mình, bà Thalia, một kế toán viên. Trước đây trong căn hộ này có ba người, nhưng rồi bố mẹ cậu ly dị, và cậu được giao cho mẹ nuôi dưỡng. Đó là tháng Bảy mùa hè ngoái, một mùa hè mà cậu cảm thấy mát mẻ nhất trong cuộc đời.

Vì mẹ của cậu đã được tự do và cả cậu nữa. Hai mẹ con Xtas đã được giải thoát khỏi những tháng ngày vùi trong đau khổ. Bao ngày sống cùng người cha nát rượu và vũ phu như một nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với cậu. Cha Xtas, một người đàn ông lực điền hành nghề chạy xe tải đường dài. Ông ta cao lớn, với đôi bàn tay to bè của dân quen lao động chân tay và đôi mắt luôn đỏ ngầu của một kẻ mà trạng thái say nhiều hơn tỉnh.

Không hiểu khi ông ta chạy xe thì sao chứ cứ về đến nhà là ông ta lại phải kiếm cái gì đó để uống. Khi nào chán chê ở quán và hết tiền thì ông ta lại làm mồi ở nhà và kéo một lũ bạn đến bù khú. Nhưng sự ồn ào, mất trật tự của những buổi tiệc rượu này đã phải dừng lại bởi các nhà quản lý toà nhà sau khi ông ta cùng bạn bè say xỉn mất kiểm soát đã phá vỡ cửa sổ và ném rớt một vật nặng xuống dưới sân. May thay, lúc đó bên dưới không một bóng người.

Chuyện người cha nghiện ngập  đập phá đồ đạc trong nhà không còn là một vấn đề gì lạ lùng với Xtas nữa. Cậu quen thuộc với nó như việc phải ăn cơm, uống nước thường ngày. Cái cậu kinh hãi nhất là những trận đòn mà ông giáng xuống người mẹ tội nghiệp của cậu . Hơi men khiến ông ta  mất kiểm soát hành vi và chỉ cần một hành động nhỏ của vợ  mà  ông ta cho là chướng tai gai mắt thì ngay lập tức, sẽ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ.

Khi còn nhỏ Xtas đã phát điên lên khi nhìn thấy mẹ mình bị người chồng hành hạ như thế, nhưng bất lực,  cậu không làm gì được. Bởi cậu quá bé nhỏ và chính bản thân cũng cảm thấy sợ. Càng sợ,  cậu càng căm ghét cái con người mà mình phải gọi bằng cha. Và mãi vẫn không hiểu tại sao một người đàn ông khoẻ mạnh, lực lưỡng như thế lại sẵn sàng dùng vũ lực với người vợ chân yếu, tay mềm. Nhiều lần cậu hỏi mẹ, sao mẹ lại phải chịu đựng như thế như thế nhưng cậu không có câu trả lời. Người mẹ  chỉ khóc và cậu khi đó, không biết làm gì hơn là chạy băng băng xuống cầu thang bộ. Cậu chỉ muốn chạy trốn ra khỏi cái ngột ngạt trong gia đình để đi tìm một luống gió mát. Và đã không biết bao nhiêu lần như thế, đến mức mà nhắm mắt cậu cũng có thể đoán được mình đang chạy đến cầu thang thuộc tầng mấy của toà nhà.

Khi lên mười tuổi thì cậu đã có phản ứng lại người cha của mình, cậu cảm thấy mình đã đủ lớn để không cho phép ông ta hành hạ vợ mình nữa.

Một lần, như nhiều lần, ông ta điên lên xông vào người mẹ, cậu bèn chạy ra dang tay chắn trước mặt. Sự căm thù ngùn ngụt khiến cậu vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Nhưng rượu đã tàn phá thần kinh con người đến làm họ mất trí, ông ta xông vào cậu nhấc bổng lên rồi quật mạnh xuống. Cú ném người kêu lên một tiếng “thịch” và có cảm giác xương cậu như gãy rời.  Lần đầu tiên cậu thấy mẹ hét to thất thanh, bà lao lên và dùng hết sức bình sinh đạp cho ông ta ngã vật ra sàn nhà. Hai mẹ con kéo nhau xô mạnh cửa và thoát kịp ra ngoài trước khi ông ta kịp đứng dậy.

Ngay hôm sau, bà Thalia đệ đơn ly hôn lên Toà án. Dù người chồng liên tục đe doạ nhưng bà kiên quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Phụ nữ khi họ đã vùng lên thì không một sức mạnh nào có thể cản nổi. Với những thương tích có cơ sở được chứng minh, yêu cầu của bà chính thức được Toà chấp thuận. Bà chạy vạy vay mượn khắp nơi cho đủ số tiền mua lại một nửa căn nhà là tài chung của cả hai vợ chồng, mà theo luật được chia đôi.

Từ đó hai mẹ con Xtas chính thức thoát khỏi địa ngục. Và dù Xtas không hiểu Thiên đường là gì thì suốt hơn một năm qua,  cậu nghĩ rằng cậu và mẹ đã  được tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời ở một nơi giống là như thế.

November 11, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Film

The Eras Tour (3)

by Rose & Cactus November 7, 2023

7.

FOLKLORE ERA

Hai năm thế giới trải qua cơn đại dịch kinh hoàng, mà theo nhận định của các nhà khoa học cả trăm năm mới xảy ra một lần, và chúng ta (không may) là thế hệ bị lịch sử gọi tên. Các bạn còn nhớ chút nào về thời khắc đó? Về những ám ảnh? Với cá nhân mình, mình phải nói thực là mình đã trải qua những cảm giác hết sức nặng nề mà chưa bao giờ mình đi qua những giây phút như vậy.

Nhưng  bệnh dịch, dù tồi tệ đến mấy cũng  đến lúc chấm dứt. Sau tất cả, giờ đây, mọi thứ lại vận hành theo nhịp điệu bình thường của nó. Tuy vậy, giống như một phản ứng hoá học, một khi đã xảy ra rồi thì không bao giờ quay trở về như ban đầu được nữa. Chúng ta đã chứng kiến những điều mà cả đời chưa bao giờ được chứng kiến và chắc chắc rằng, sau đó bộ não của chúng ta đã ghi nhận và ít nhiều tác động đến mỗi người trong cách nhìn nhận về cuộc sống theo những khía cạnh khác nhau, cả tích cực và tiêu cực.

Đối với mình điểm tích cực là mình nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa quan trọng của sự gần gũi giữa các thành viên trong gia đình, ở đây là gần về khoảng cách địa lý chứ không chỉ là tâm trí. Và thứ hai là niềm đam mê viết lách lại trỗi dậy, hơn cả cái thời của mấy chục năm về trước, ôn thi đại học mà chỉ thích bỏ quách hết đi ngồi viết truyện (ơn trời điều đó đã không xảy ra :)) .

Viết là một trong những phương cách trải lòng tốt nhất, đặc biệt với những người hướng nội. Mình thì dân học Kinh tế, đã đi làm nhiều năm ở  bộ phận Khách hàng chuyên về Tài chính Ngân hàng, hàng ngày tiếp xúc với đủ các kiểu người, đủ các thành phần  nên nếu nói cần phải có yếu tố hướng ngoại hay giao tiếp tốt thì chắc chắn là có.

Nhưng về sâu bên trong con người mình biết mình không phải là kiểu người của những bữa tiệc. Sau những giờ làm mệt nhoài nơi công sở, mình lại chỉ muốn trở về với cái tổ của mình và trút tất cả vào những trang giấy. Nếu có được mảnh vườn nho nhỏ nữa thì với mình đó là thiên đường, chẳng cần gì thêm!

Bệnh dịch và những khủng hoảng  nội tại (nhiên liệu, việc làm, tài chính….) khắp nơi sau đó càng cho chúng ta thấy sự sống thực sự là mong manh. Và vì vậy, con người thay vì tìm kiếm những giá trị ảo vọng bên ngoài, thì nên tập trung vào bên trong để tận hưởng từng phút từng giây niềm hạnh phúc được tồn tại trên cõi đời này.

Năm 2020, nước Mỹ trải qua những tổn thất đau đớn nhất trong dịch Covid, đặc biệt là thành phố New York. Dịch bệnh lan rộng và con số thương vong tăng vùn vụt mỗi ngày khiến mỗi ngừoi đều phải án binh bất động ở nhà, đúng nghĩa Ăn và Cầu nguyện. Work from Home cùng dần trở nên phổ biến từ thời điểm này.

Và Taylor Swift cũng WFH theo đúng nghĩa của nó. Cô buộc phải huỷ tour diễn  để quảng bá cho album phòng thu thứ bảy Lover. Để rồi liền một lúc sau đó, chỉ trong vòng 5 tháng cô tung ra hai album hoàn toàn khác với phong cách của cô trước đây. Đầu tiên là Folklore vào tháng 7 và sau đó là Evermore.

Phần ca từ trong các tác phẩm của hai album này đào sâu chủ đề về cảm giác hoài niệm, sự thoát ly, sự đồng điệu và chủ nghĩa lãng mạn, khám phá những câu chuyện hư cấu thông qua nhiều tuyến nhân vật và hồi truyện khác nhau – điều này trái ngược hoàn toàn với phong cách tự truyện quen thuộc trong các album trước đó của Swift.

Tiêu đề album được lấy cảm hứng từ mong muốn của nữ ca sĩ trong việc tạo nên một sản phẩm âm nhạc mang tính di sản và có thể lưu truyền như những bài dân ca, trong khi đó phần nhìn của album đi theo phong cách cottagecore.

Và với hai album này thì mình chính thức trở thành fan cứng của Taylor:

Salt air, and the rust on your door

I never needed anything more

Whispers of “Are you sure?”

“Never have I ever before”
But I can see us lost in the memory

August slipped away into a moment in time

Giai điệu vi vút xa xăm của August cho mình cảm giác đang đứng trong một thảo nguyên xa xôi nào đó. Vào một buổi chiều hanh hao, khí hậu bắt đầu khô hơn, khi mùa Hạ chuyển mình sang Thu. Cái kiểu thời tiết thực sự khó tả, nó giống như thời tiết miền Nam của chúng ta vào khoảng tháng mười Hai khi giáng sinh sắp đến.

-Tiếc là trong bộ phim này thiếu mất Cardigan mẹ ạ, bài hát được xem là xuất sắc nhất của Folklore

Vintage tee, brand new phone

High heels on cobblestones

When you are young, they assume you know nothing

Sequin smile, black lipstick

Sensual politics

When you are young, they assume you know nothing

Cardigan cũng như Willow của Evermore nhuốm một màu cổ tích và huyền bí. Lời ca và MV của hai ca khúc này như đưa chúng ta lạc lối vào một khu rừng ôn đới xứ Âu Châu trong các câu chuyện cổ Grim. Rừng cây lá kim mờ ảo sương mù  đó chứa đựng vô số các nhân vật hư cấu: Phù thuỷ, yêu tinh, thần tiên, ma quỷ, người lùn, người khổng lồ,….

Và tất nhiên rồi, nhân vật không thể thiếu được là các cô công chúa có bím tóc dài đuôi sam. Cùng với chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú của nàng.

Trên sân khấu rõ là có một công chúa Taylor, nàng đang nhảy múa trong một ngôi nhà gỗ đậm chất Bắc Âu.  Nhưng con mình nói Taylor không hợp làm công chúa, cô ấy là nữ hoàng.

Vậy thì buồn các bạn nhỉ, công chúa thì còn có hoàng tử theo motif chuyện cổ tích chứ nữ hoàng thỉ quyền lực quá rồi, cần gì chàng nào nữa :))

My Delirious Trip to the Heart of Swiftiedom

By Taffy Brodesser-Akner/ The New York Times

“My Tears Ricochet” là một bài hát rung động con tim. Tôi không thể nhớ nổi một bài hát nào nói về những vấn đề bất thường lại gây ảnh hưởng lớn đến mức khiến 64.000 người phải hét lên thay cho bạn. Đây là một trong những bài hát dữ dội nhất và hay nhất mà tôi từng nghe. Đặc biệt là đoạn chuyển tiếp.

Taylor Swift yêu thích những đoạn chuyển tiếp: Internet không chỉ đầy rẫy những danh sách và cuộc tranh luận về những đoạn chuyển tiếp trong các bài hát của cô, mà còn với những video quay cảnh mọi người hát hò những đoạn nhạc đó.

Đặc biệt, cô yêu thích kiểu chuyển tiếp làm thay đổi bản chất của bài hát, như trong “Out of the Woods”, một bài hát về một mối quan hệ bất hạnh khi đoạn chuyển tiếp quay trở lại góc nhìn của việc không biết đến sự diệt vong, hay “the 1”, nơi ai đó bắt gặp người yêu cũ đã có sự chuyển biến trong cuộc sống mới của chuyển sang câu hỏi căng thẳng hơn bên dưới sự tương tác, về mối quan hệ  chính xác là đã sai ở đâu. Đoạn chuyển tiếp trong “My Tears Ricochet” như sau: 

“the 1,” where someone breezily catching an ex-lover up on her new life shifts to the tenser question beneath the interaction, about where exactly the relationship went wrong.

And I can go anywhere I want
Anywhere I want, just not home
And you can aim for my heart, go for blood
But you would still miss me in your bones
And I still talk to you (when I’m screaming at the sky)
And when you can’t sleep at night (you hear my stolen lullabies)

Hãy tưởng tượng cả một sân vận động bóng đá đang ca hát về việc bạn là một kẻ khốn nạn. Hãy tưởng tượng hàng chục, hàng chục sân vận động bóng đá cháy vé của các ca khúc việc bạn là một kẻ khốn nạn.

Cho đến nay cô đã phát hành ba album được thu âm lại. Một số người nói rằng cô ấy nghe có vẻ già hơn hoặc cô ấy có ít cảm xúc nguyên bản đã thúc đẩy các bài hát ngay từ đầu, nhưng điều đó không giải thích được toàn bộ việc làm đó là một thử nghiệm hậu hiện đại thú vị  – “Eras” là bằng chứng về khái niệm, một người phụ nữ nhìn lại tuổi trẻ của mình để nhớ lại những gì mình đã tạo nên, không phải với sự xấu hổ mà với sự tò mò và thậm chí là thích thú.

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nhìn lại những khoảng thời gian vô tư và vô thưởng vô phạt nhất của mình với bất cứ điều gì ngoại trừ sự xấu hổ.

Người ta có thể tham gia Swiftiedom ở mọi cấp độ: Việc phụ hoặc việc chính, nhạc nền hoặc công việc toàn thời gian. Trở thành một Swiftie ở cấp độ cao nhất có nghĩa là tiếp cận được một đế chế bằng chứng hấp dẫn và toàn diện, nơi mọi câu hỏi đều có câu trả lời, mọi bí ẩn đều được giải quyết, nơi bạn cảm thấy phấn khích, thông minh và tham gia vào điều gì đó lớn lao hơn chính mình .

Hãy đi thẳng đến cấp độ đó. Đó là cấp độ mà chúng tôi đọc được những mật mã mà cô ấy để lại trong ghi chú lót của mình với các chữ cái in hoa ngẫu nhiên tương ứng với tên của chàng trai trong bài hát hoặc một tin nhắn bí mật. Mức độ mà cô ấy dường như cho người hâm mộ biết album nào sẽ được thu âm tiếp theo thông qua một loạt hình ảnh ẩn trong một bài đăng trên Instagram.

Cấp độ mà khi tôi bắt đầu viết bài này, vô số người hâm mộ đang nghiên cứu, tính toán và lập bảng dữ liệu để xác định xem liệu (và tại sao và như thế nào) con số 112 có ý nghĩa quan trọng khi dự đoán việc phát hành các bản ghi âm lại của cô ấy hay không.

Lấy đĩa đơn “Karma” ngoài “Midnights”. Trong đó, cô hát: “Karma là bạn trai của tôi, Karma là vị thần, Karma là cơn gió nhẹ trên tóc tôi vào cuối tuần. … Cậu bé nhện, vua trộm cắp, hãy dệt nên những mạng lưới mờ mịt nhỏ bé của bạn.”

Khi tôi viết bài này, tôi đã choáng váng đến mức không thể nhìn thấy gì ngoài điều này: “Boyfriend” là một bài hát của Justin Bieber. “God is a woman” là của Ariana Grande; “My hair.” cũng vậy. Bây giờ: “sweet like justice,” lời  cũng trong bài hát đó. “Sweetener” là một album của Grande; cô ấy có một loại nước hoa tên là Sweet Like Candy. “Justice” là một album của Bieber.

Về “Spider Boy”: Cả Grande và Bieber đều là khách hàng của một Scooter Braun, người cũng có tên viết tắt giống với Scott Borchetta. Bài hát có tên là “Karma”! Nhân tiện, Grande và Bieber nằm trong số những khách hàng được cho là đã loại Scooter Braun làm quản lý của họ vào ngày tôi viết câu này, cũng là ngày kỷ niệm ngày công bố album “Reputation”. (Báo cáo bổ sung của 1.000 tài khoản TikTok và một triệu nguồn khác mà tôi tìm thấy trên internet, vốn ban đầu được xây dựng cho quân đội.)

Đây là điều bạn cần hiểu trước khi có thể bắt đầu phân tích những gì đã xảy ra với Karlie Kloss.Mọi người đã nói với Taylor Swift trong nhiều năm rằng cô ấy trông giống hệt người mẫu, rằng cô ấy khiến họ nhớ đến cô ấy và rằng họ nên gặp nhau. Lần đầu tiên cô nhắc đến Karlie Kloss trước công chúng là trên trang bìa tạp chí Vogue năm 2012, nơi Taylor nói rằng cô yêu Karlie Kloss và muốn nướng bánh quy cùng cô ấy.

Karlie đã tweet để đáp lại câu nói của Vogue: “Nhà bếp của bạn hay của tôi?”Cả hai trở nên không thể tách rời, chụp ảnh, ăn mặc giống nhau, nhảy múa tại concert. Taylor đã đưa một nhà báo đi tham quan căn hộ của cô ấy ở TriBeCa, trong đó có căn phòng nơi Karlie ở khi mọi chuyện đã qua. Taylor đã hát tại hai buổi trình diễn thời trang của Victoria’s Secret, hai người chia sẻ hình ảnh và nắm tay nhau ở nhiều điểm khác nhau.

Nhưng sau đó vào năm 2016, Karlie Kloss đã trả lời một câu hỏi báo chí về Kim Kardashian, nói rằng Kim từng là “một người đáng yêu đối với tôi trong quá khứ”. Điều này diễn ra ngay sau Snakegate; mọi thứ đã bắt đầu xung đột?

Sau đó, vào năm 2018, Karlie kết hôn với Josh Kushner và TAYLOR KHÔNG CÓ Ở ĐÓ. Nhưng bạn biết đó là ai không? SCOOTER BRAUN! NGƯỜI QUẢN LÝ CŨ CỦA KARLIE !

8.

1989 ERA

Cho đến khi viết bài này thì mình mới chợt nhận ra giá vé xem bộ phim ca nhạc “The eras Tour “với 4 số đầu chính là năm sinh và cũng là tên một album của Taylor, 1989. Vì vé xem là con mình đặt trên mạng, chắc nó cũng theo dõi thời gian khởi chiếu của bộ phim ở Việt Nam lâu rồi, chuyện một Swities mà!

Taylor Swift thật là quyền lực phải không các bạn? Cố tự đặt giá vé cho bộ phim của mình trên toàn thế giới, kể cả lịch chiếu và thời gian chiếu luôn. Chỉ có thể là một nhân vật giải trí siêu ảnh hưởng tầm cỡ toàn cầu mới có thể làm được như vậy, đúng như nhà báo Taffy cho biết: Cô ấy không cần các đơn vị truyền thông trung gian để hỗ trợ cổ quảng bá tour diễn. Bản thân cổ là truyền thông của chính mình, với các tài khoản mạng xã hội, các tờ báo của riêng cổ. Thậm chí nhiều fan của cổ cho rằng Grammy cần cổ hơn là cổ cần cái giải thưởng này. Có vẻ hơi quá lời nhưng không phải không có phần đúng.

Như các ngôi sao giải trí khác, Taylor cũng có vấn đề với báo chí và chính vì vậy như nhà báo Taffy đã viết kể từ năm 2019 cô đã không xuất hiện để trả lời phỏng vấn trên các tờ báo lớn. Có lẽ, cũng bởi cô sợ những phát ngôn của mình sẽ được chuyển tải không đúng trên mặt báo.

Ngay cả với tờ The New York Times, một tờ báo chính thống uy tín bậc nhất và mình cực thích đọc thì đôi khi để chiều cái tính tò mò của độc giả họ cũng có thể cài cắm các thông tin gây chú ý của người nổi tiếng. Giống như bài báo mà chúng ta đang đọc, rõ ràng là khi chẳng có bằng chứng gì xác thực thì nhà báo bắt đầu “mò cua” chuyện tình cảm của nữ ca sĩ, hoàn toàn qua các bài hát.

Đó cũng chính là cái mình luôn lưu ý khi khai thác thông tin từ truyền thông Âu Mỹ, hãy nhặt lấy những điều hay nhất họ viết và bỏ qua những tin kiểu giật gân, câu khách.

Trong việc tiếp nhận những giá trị văn hoá cũng thế. Chúng ta đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hoá phương Tây, cả tốt và xấu.

Ví như khi mình xem nhiều phim Mỹ, thì một điều mình nhận thấy là ngoài việc khai thác quá mức bạo lực hay tình dục ra thì một vấn đề nữa là họ lạm dụng quá đà vấn đề giới tính. Phim nào họ cũng phải đưa vào một vài chi tiết về giới tính thứ ba, hoặc là nghiêm trọng hoặc là bông đùa, mà thực sự chẳng mấy liên quan đến nội dung bộ phim.

Giờ đây, thế giới gần nhau hơn bao giờ hết nhờ sự tiến bộ của Internet nhưng dường như mọi thứ bất thường đang bị đẩy đi quá xa từ phim ảnh cho tới các tác phẩm văn học hư cấu ra đến đời sống thực.

Cho nên mình nhận thấy ngoài những giá trị to lớn giúp khai sáng nhân loại của nền văn mình phương Tấy, thì bản thân trong nền văn hoá của họ không phải không có cái độc hại: Tình dục phóng túng, bừa bãi; Thanh niên sử dụng tràn lan đủ các loại chất kích thích từ khi còn rất trẻ (bạn cứ tìm hiểu qua các số liệu chính thống được công bố đi, tỷ lệ nghiện ngập cần sa, các loại Cỏ…của thanh niên Mỹ cực kỳ khủng khiếp, y như trên phim ảnh mà ta thấy vậy)….và còn rất rất nhiều những sản phẩm văn hoá đồi truỵ ngập tràn trên Internet.

Những thứ sẽ đầu độc tâm hồn của các bạn trẻ, làm méo mó vấn đề nhận thức của các bạn mà với tâm hồn còn non nớt các bạn chưa thể nhận ra được ngay.

Sống trong thời đại số với biển cả thông tin này nếu chúng ta không biết chắt lọc và tiếp thu, có thể, ta sẽ chết chìm trong những ngọn sóng Rác.

Khi đọc về Taylor nhìn cách cô ấy bảo vệ những cô bạn thân thiết của mình khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất hay nhìn cách cô nắm tay các bạn gái của mình khi rời một tiệm ăn nào đó mình thấy cảm phục cổ thật sự. Một người phụ nữ, một ngôi sao tuyệt vời, dũng cảm, khí chất và tốt bụng.

Mình vẫn nói với con mình, cả mẹ và con đều là phụ nữ và mẹ muốn con biết rằng làm phụ nữ, muốn hay không, về mặt nào đó vẫn có nhiều yếu điểm và thiệt thòi hơn đàn ông vì tạo hoá sinh ra chúng ta như thế. Cho nên phụ nữ chúng ta phải biết thương yêu, giúp đỡ và nâng đỡ nhau, chớ nên học theo phim ảnh châu Á nơi chỉ thấy các chị các cô lao vào  tranh gìành, cấu xé, hãm hại nhau. Nó đau xót lắm!

Taylor Swift đã vượt qua tất cả những khó khăn, vượt qua sự thù hận và càng ngày càng nhận được sự yêu quý và  đánh giá cao của người hâm mộ bởi như cô nói cô luôn cố gắng đối xử tốt với tất cả mọi người, và tha thứ cho tất cả những ai đã từng làm tổn thương cô.

My Delirious Trip to the Heart of Swiftiedom

By Taffy Brodesser-Akner/ The New York Times

Một giả thuyết đã xuất hiện (một giả thuyết mà tôi sẽ tiếp tục tin tưởng cho dù bạn có nói gì với tôi) rằng trong một bức ảnh bổ sung trong album “Reputation”, mắt trái của Taylor đã được thay thế bằng mắt trái của Karlie Kloss.

“Reputation” là gì nếu không phải là một album chứa đựng những tiếc nuối được mã hóa? Trả thù là gì mà không phải đổi một con mắt lấy một con mắt? Tôi lo lắng mình sẽ bị sa thải vì in bản thảo của lý thuyết này, nhưng tôi đã xem xét vấn đề này từ mọi phía. Bằng chứng rất thuyết phục!

Hãy xem xét bài hát “evermore” có tên “it’s time to go.”

When the words of a sister
Come back in whispers
That prove she was not
In fact what she seemed,
Not a twin from your dreams
She’s a crook who was caught

Đó là bằng chứng đủ cho tôi!

Sau đó là “Maroon”, bài hát thứ hai tuyệt vời trong “Midnights”. Nó bắt đầu bằng câu chuyện buổi sáng thức dậy sau một đêm say. Nhưng ngay trước khi câu đầu tiên kết thúc, rõ ràng câu chuyện đã là một kỷ niệm buồn: “Bây giờ tôi gặp bạn mỗi ngày” chính là dòng cuối cùng đầy bâng khuâng của câu đầu tiên.

Nó tiếp tục kể lại một cuộc chia tay, và những màu sắc khác nhau của những ký ức đó, những sắc màu của sự tức giận và mất mát còn sót lại, nhưng phần lớn là nỗi buồn còn sót lại khi sắc hồng của tình yêu nhạt dần: “Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn cảm thấy bạn”. . Sau đó, gần như hét lên, “Những viên hồng ngọc mà tôi đã từ bỏ!”

Đoạn chuyển tiếp của nó là hai dòng đơn giản được lặp lại:

And I wake with your memory over me
That’s a real [expletive]ing legacy.

Tôi không thể nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy hashtag #kaylor là khi nào; cứ như thể giả thuyết của người hâm mộ rằng Taylor và Karlie đang có một mối quan hệ lãng mạn luôn tồn tại, với tất cả những manh mối nửa vời, mã bài hát và đoạn video mờ hỏi liệu họ có đang hôn nhau hay không.

Và có lẽ, tôi không biết, chắc chắn rồi. Nhưng sẽ quá đơn giản nếu coi “Maroon” là một bài hát chia tay lãng mạn truyền thống. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là về Karlie Kloss. Giống như tất cả các bài hát của Taylor, ngay cả những bài có lẽ hoàn toàn nói về việc chủ nhân của cô bị bán cho Scooter Braun, nó được xây dựng giống như một bản tình ca.

Nhưng tôi xin khẳng định rằng điều này không phải để lẩn tránh hay thậm chí để làm cho bài hát trở nên dễ hiểu theo truyền thống hơn. Thay vào đó, nếu bài hát này nói về Karlie Kloss thì nó sẽ nói về nỗi đau mất đi một người bạn thân.

Tôi không chắc tại sao tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nên có nhiều bài hát hơn về những thứ không phải là tình yêu lãng mạn, tại sao tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng ta xứng đáng được xem xét nhiều hơn về cảm xúc phức tạp của những phần cuộc sống tồn tại bên ngoài nó.

Tôi sẽ nói cho bạn biết, tôi chưa bao giờ nghĩ về bất kỳ người bạn trai cũ nào của mình, không bao giờ. Nhưng tôi thực sự nghĩ về những lần tôi bị làm phiền trong công việc kinh doanh bởi những người lẽ ra phải chăm sóc tôi. Và tôi nghĩ về những người bạn thân nhất mà tôi đã mất trong đời – tôi thức dậy với những ký ức về họ. Nếu tôi viết bài hát, tôi sẽ viết về điều đó.

Bạn có thể nói rằng Eras là hoài nghi; tất nhiên bạn sẽ không khuyến khích việc từ chối quá khứ của mình nếu bạn cần tiếp thị lại nó cho khán giả của mình. Nhưng hãy nhìn quanh sân vận động này.

Bạn sẽ không mê hoặc khán giả như thế này trừ khi bạn nói điều gì đó thực tế – điều mà vô số cô gái và phụ nữ này đã chờ đợi để nghe: rằng chúng ta còn hơn cả khoảnh khắc trên ban công, nơi sự lãng mạn đang chờ đợi. Chúng ta cũng là tất cả , trước và sau đó.

Điều Taylor Swift biết là thật thú vị khi hát về những chàng trai, đàn ông và sự lãng mạn, nhưng đó là những khoảnh khắc khi chúng ta đứng trên ban công với tư cách là người mà chúng ta khao khát phi nước đại về phía mình, hoặc khoảnh khắc chúng ta giành được tình cảm của một người bất chấp lòng trung thành của anh ta. đối với người khác, chỉ là những phần nhỏ nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ, bất kể bộ phim kể cho bạn điều gì.

Cách mà lòng tin và lòng trung thành của chúng ta được vũ khí hóa để chống lại chúng ta cũng là sự thống trị của phụ nữ – nỗi đau mà chúng ta cảm nhận về nó, cách mà chúng ta không bao giờ có thể quên được. Những điều đó cũng đáng được ca hát.

Có lẽ đúng là Taylor Swift quá bận nên không thể nói chuyện với tôi. (Cũng có thể cô ấy không thích điều gì đó tôi đã viết về cô ấy trước đây?) Gần như chắc chắn là cô ấy không muốn nói chuyện với tôi – những người nổi tiếng hiếm khi làm vậy.

Nhưng điều chắc chắn đúng là cô ấy không cần nói chuyện với tôi. Vào ngày tôi viết bài này, Taylor Swift có 468 triệu người theo dõi trên Twitter, Facebook, Instagram và TikTok, trong khi The New York Times chỉ có 92 triệu.

Nếu không có nghĩa vụ hợp đồng quảng cáo thông thường, tôi thực sự không thể hiểu lý do tại sao một người đã cách mạng hóa mối quan hệ mà một ca sĩ có thể có với người hâm mộ của mình lại muốn có một người trung gian. Chắc chắn cô ấy đã bán đủ album mà không cần sự giúp đỡ của chúng tôi.

Nhưng? Tôi không biết liệu mình có thể kể một câu chuyện về Taylor Swift hay hơn câu chuyện cô ấy kể về chính mình hay không, qua từng bài hát, từng điệu nhảy, từng video, từng lượt truyền tải trên mạng xã hội.

Cô ấy là bậc thầy không chỉ trong việc tiết lộ thông tin mà còn là bậc thầy phân tích từng tiết lộ, xem xét kỹ lưỡng phân tích đó, bối cảnh hóa tất cả. Cách buổi hòa nhạc này đã thu hút cả thế giới là hiện thân sống động của một câu hỏi gây bất ổn đối với tôi: Làm thế nào tôi có thể diễn giải Taylor Swift tốt hơn cô ấy, tốt hơn những gì người hâm mộ của cô ấy hiểu trên mạng, hàng ngày mà không có sự can thiệp hay góp ý của tôi? Họ đang đọc mật mã của cô ấy, truy tìm manh mối, tuân theo mong muốn của cô ấy, tìm thấy chính mình trong thế giới của cô ấy – một nơi mà một người như tôi từng có đặc quyền được đến thăm một mình.

Cô ấy đang phát minh ra tất cả những thứ này trong thời gian thực, và giống như những phát minh vĩ đại khác giúp loại bỏ những người trung gian, phát minh này có thể sẽ phổ biến. Trong những năm gần đây, tôi đã quan sát thấy những ngôi sao lớn nhất của chúng ta đã từ bỏ việc ngồi phỏng vấn để chuyển sang Q. và A.s với một người bạn nổi tiếng không kém, với một bộ câu hỏi bóng mềm đã được thống nhất hoặc tệ hơn là một bài đăng trên Instagram.

Đây không phải là một mất mát đối với họ; phần lớn, họ sẽ rất vui khi toàn bộ định dạng hồ sơ bị xóa. Tôi biết điều này bởi vì trong vài năm qua, tôi đã vắng mặt ở The Times và tôi đã làm việc với đúng kiểu người mà tôi đã viết về trong nhiều năm – diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất – và đôi khi, khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện, họ sẽ kể cho tôi nghe về khoảng thời gian họ được lập hồ sơ và điều đó đã hủy hoại cuộc sống, mối quan hệ của họ hoặc gây ra sự xấu hổ mà họ vẫn mang theo trong mình.

Đôi khi họ kể với tôi về một lời nói dối mà họ nói với người phỏng vấn vì họ sợ hãi hoặc cố đánh lạc hướng nhà báo. Dường như không một người nào tôi từng phỏng vấn hiểu được tại sao công chúng lại quan tâm đến cá nhân họ đến vậy. Họ dành thời gian để phòng thủ, chờ đợi một câu hỏi lén lút hoặc lo lắng làm thế nào tôi có thể lật đổ điều gì đó vô tội mà họ đang nói.

Vì vậy, sự mất mát không phải của họ mà là của chúng ta – hoặc có thể chỉ là của tôi. Bởi vì tôi thích viết những thứ khác, nhưng tôi thích viết tiểu sử về người nổi tiếng.

Đối với tôi, không có cách nào tốt hơn để hiểu văn hóa và hiểu văn hóa là hiểu thế giới – tìm hiểu về bản thân chúng ta bằng cách tìm hiểu về những người mà chúng ta đã chọn để tôn vinh, những người mà chúng ta đã bầu chọn để đại diện cho chúng ta trong trí tưởng tượng của chính chúng ta.

Tôi không biết, có lẽ tôi đang quá nghiêm túc. Có lẽ tôi đang cố gọi điều gì đó là sự thay đổi văn hóa trong khi thực ra đó chỉ là sự thay đổi cá nhân. Và nó thậm chí không phải là một vấn đề lớn: Nếu hồ sơ kết thúc, tôi có thể, tôi không biết, đăng bất cứ điều gì khác mà tạp chí này đề cập.

Tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn, chỉ cần không ở nhà. Điều tôi thực sự muốn nói là một khi bạn tìm hiểu sâu về Taylor – về lý thuyết, mật mã, ý nghĩa – một khi bạn cho phép bản thân bắt đầu nghĩ về cuộc đời mình theo các thời đại, bạn không thể không tìm thấy chính mình trong bài hát Taylor Swift của riêng bạn.

Xa xa phía dưới chúng tôi, Taylor Swift đang hát về một cuộc tình. “Look at this idiotic fool that you made me,”” lời bài hát có đoạn, và tôi hét lên cùng với những người khác, nhưng giọng tôi vỡ ra và tôi thấy mình lại khóc.

“Chuyện gì vậy?” Ezra hỏi.

“Anh sẽ không hiểu đâu!” Tôi cười. “Anh chỉ là một ông già!”

Tôi đứng dậy để một người phụ nữ mặc trang phục giống như chiếc khăn quàng cổ mà Taylor Swift để lại ở nhà Jake Gyllenhaal trong thời kỳ “Red” của cô ấy, có thể đi ngang qua tôi trên đường trở về từ quầy vé. Nếu nơi này trông hơi giống một hội nghị trong truyện tranh hoặc một chiếc xe hề, đó là vì không có sự chuyển đổi giữa các thời đại.

Các thời đại kết thúc một cách dứt khoát và dữ dội. Chúng đến trong khi bạn đang cố gắng hoàn thành công việc và sống cuộc sống của mình, rồi một ngày bạn đang ngồi ở Khu vực 301 và bạn nhận ra rằng quá trình chuyển đổi đã xảy ra mà bạn không hề nhận ra.

Nếu tôi viết bài hát, đó sẽ là đoạn chuyển.

9.

MIDNIGHTS ERA

Chính những trải nghiệm về sự mất mát trong đời sống riêng tư và những biến động nhìn toàn cảnh của thế giới  khiến Taylor trong mười ba đêm mất ngủ  đã viết lên mừoi ba ca khúc đầy tính chiêm nghiệm, suy tư trong album Midnights.

Album phòng thu thứ mười này thể hiện độ chín về năng lực và tư duy sáng tác của nữ ca sĩ và không ngạc nhiên, khi vừa phát hành nó đã đạt rất nhiều kỷ lục, kinh ngạc nhất là 10 ca khúc của nó ngay lập tức chiếm lĩnh tất cả vị trí trong Top 10 Billboard Hot 100.

Có một điều xuyên suốt trong các sáng tác của Taylor là cô luôn muốn kể một câu chuyện cụ thể nào đó, có khởi đầu, có cao trào và có kết thúc. Nó có vần có điệu và phải mang hay truyền tải một ý nghĩa nào đó chứ không phải chỉ là  những ca từ vô thưởng, vô phạt và vô nghĩa. Đối với Taylor, một người giỏi ngôn ngữ, thì một ca khúc phải thực sự ĐẸP cả về giai điệu và ngôn từ.

Và cô cũng áp dụng góc nhìn nghệ thuật đó khi xây dựng MV. MV ca nhạc nào của Taylor cũng khiến ngừoi xem mãn nhãn về mặt hình ảnh như thể họ đang xem một bộ phim ngắn chất lượng, rất chỉn chu và trau chuốt. Điều đó thể hiện một thái độ làm việc cầu toàn, chuyên nghiệp và hết sức tôn trọng khán giả của một ngôi sao có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc ở thế kỷ 21, đến thời điểm này.

Vậy thì hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi nhìn Taylor Swift biểu diễn, tuyệt vời ông mặt trời, và không ai có thể rời mắt khỏi sân khấu trong suốt gần 4 tiếng đồng hồ. Một màn trình diễn đỉnh cao của âm nhạc, văn học và điện ảnh. Tất cả lồng ghép vào nhau trên một sân khấu hoành tráng, lộng lẫy, và cứ thế suốt từng đó thời gian cổ một mình hát live, thậm chí không nghỉ phút nào để uống nước.

Khán giả không chỉ thấy một Taylor biến hoá liên tục, mà còn như được tiếp thêm năng lượng tích cực từ sự cháy hết mình trên sân khấu của nữ ca sĩ.

Nếu như Taylor mất 13 đêm không ngủ để làm nên một Midnights thì khán giả có lẽ cũng mất từng đấy đêm mất ngủ khi hồi tưởng lại những khoảnh khắc đắm chìm trong những giai điệu của các Kỷ nguyên âm nhạc Taylor Swift.

Dù những khán giả đó xem trực tiếp trên sân vận động rộng lớn hay chỉ là trong rạp chiếu phim nhỏ bé, như mẹ con mình.

My Delirious Trip to the Heart of Swiftiedom

By Taffy Brodesser-Akner/ The New York Times

Sau 11 giờ 30 đêm hôm đó một chút, thị trưởng tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ của mình. Sân khấu trở nên tối tăm, cô ấy gửi mặt trăng về nhà, và quốc gia có chủ quyền Khu 301 của Swiftie Clara tan rã thành một cộng đồng hải ngoại.

Vào thời điểm cô nghỉ hưu, thị trưởng đã quyên góp đủ tiền cho một ngân hàng thực phẩm địa phương để tạo ra tác động đáng kể đến 500.000 người mà ngân hàng này cung cấp thức ăn mỗi tháng, như cô đã làm ở mọi thành phố mà cô đến thăm. Cô đã tăng chi tiêu du lịch lên trung bình 3 triệu USD cho mỗi đêm cô ở đó, so với những đêm sân vận động tổ chức một trận bóng đá.

Cô đã đóng góp thụ động về mặt vật chất cho nền kinh tế của Santa Clara bằng cách bán hết phòng khách sạn và đóng cửa các ứng dụng chia sẻ xe. Người ta ước tính rằng sự hiện diện đơn thuần của cô đã đóng góp hơn 30 triệu USD cho nền kinh tế địa phương. Thủ tướng Justin Trudeau muốn thực hiện một số hành động đó, vì vậy ông đã tweet với cô ấy để bổ sung một số nền kinh tế vi mô ngọt ngào của Taylor Swift vào Canada; cô ấy đã tuân thủ bằng cách ấn định một số ngày vào năm 2024.

Mùa thu đến gần, gió nổi lên thổi tất cả những gì lấp lánh từ buổi hòa nhạc xuống biển, nhưng chỉ lần này thôi, đàn cá không giận dữ. Người hướng dẫn tôi nhìn thấy những chiếc vòng tay buôn bán đã về nhà và tự hỏi tại sao những người hâm mộ bóng đá không thể tận hưởng như cách các Swifties đã làm, tại sao họ phải say khướt và đánh nhau. Những người đàn ông cầm máy thổi lá ra ngoài để dập tắt tất cả những gì gió đã để lại trong ánh sáng lấp lánh, để đưa sân vận động trở lại kỷ nguyên bóng đá của nó.

Và cảnh sát lại quay lại bắt người. Và một cô gái trẻ âu yếm treo một con rắn nhồi bông lên gương của mình. Và sinh viên đại học đến từ Sacramento đã đưa Taylor trở lại vòng quay Spotify của cô ấy, ngay ở đó  trên đầu. Và những HUSBANDs, những người mà tôi hy vọng, cùng với những người khác trong Khu 301, sẽ tha thứ cho sự cường điệu của tôi, về nhà và làm việc của họ, còn tôi và Ezra cũng về nhà, nhưng tôi vẫn đeo chiếc vòng tay đính cườm mà một người phụ nữ đã tặng cho tôi. đó là REPUTATION, và khi tôi nhìn vào nó tôi nghĩ: Làm thế nào mà ánh sáng vương quốc lại chiếu sáng chỉ cho tôi và bạn.

Và Taylor Swift đã đến Los Angeles, điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến lưu diễn ở Mỹ của cô. Cô ấy sẽ biểu diễn buổi biểu diễn đầu tiên trong số sáu buổi biểu diễn vào ngày 3 tháng 8, mà tôi hy vọng bây giờ bạn đã biết là ngày sinh nhật của Karlie Kloss, và bài hát nào không nằm trong danh sách tập hợp thông thường của Eras đã được cô ấy chơi gây bất ngờ? Cô ấy CHƠI “MAROON”!

Cô ấy chơi một bài hát mà chúng tôi nghĩ là về Karlie Kloss VÀO SINH NHẬT KARLIE KLOSS, và chúng tôi dự kiến ​​sẽ đi ngủ vào tối hôm đó và làm việc vào ngày hôm sau, chăm sóc con cái và nói chung là hoạt động giữa vô số phép tính đại số mà chúng tôi đang thực hiện  trong đầu của chúng tôi.

Và sau đó, tại buổi trình diễn cuối cùng ở Los Angeles, hai điều điên rồ đã xảy ra. Một là cô ấy mặc một loạt trang phục màu xanh lam chưa từng thấy trước đây và màu xanh lam gắn liền với “1989” vì lý do nào đó, và điều này cho thấy ĐIỀU GÌ ĐÓ SẼ XẢY RA, và NÓ ĐÃ XẢY RA.

Cô ấy tuyên bố rằng từ khi còn là một thiếu niên – tôi sẽ nói là 19 tuổi – cô ấy đã luôn muốn sở hữu âm nhạc của riêng mình, và bây giờ, vào ngày này trong tháng 8 (tức là tháng 8 trong năm), và đây là ngày thứ chín của tháng đó, cô ấy sẽ phát hành bản thu âm lại “1989” vào tháng 10.

Nếu điều đó vẫn chưa đủ – và nó đúng như vậy – hãy để tôi kể cho bạn nghe điều khác đã xảy ra:

KARLIE! KLOSS! CHÍNH CÔ ẤY!ĐÃ BIỂU DIỄN ! BÊN TRÊN!

Đúng vậy, Karlie Kloss, người có thể không phải là một mối tình lãng mạn nhưng có thể được gọi là tình yêu của đời cô ấy, giống như bất kỳ người bạn thân nào của chúng tôi, đã đến sân vận động và khiêu vũ trên khán đài. Sự hỗn loạn này gây ra, tôi đã mất khái niệm thời gian.

Và trong khi đó, tôi thấy trên TikTok rằng một người phụ nữ có tên là @nikkiking23 đã giải quyết được vấn đề 112, và cho đến nay trong câu chuyện, tôi sẽ tuyên bố rằng về cơ bản thì điều đó là không thể phủ nhận. (CÔ ĐANG PHÁT HÀNH ALBUM TRONG CHU KỲ 112 NGÀY VÌ 112 LÀ SỐ BÀI HÁT ĐƯỢC BÁN CHO SCOOTER BRAUN MÀ KHÔNG CÓ SỰ CHO PHÉP CỦA CÔ!!!!!!!!!!!!)

 Và tôi ngồi ở nhà, cố gắng hết sức để quay trở lại với những cảm xúc mà tôi đã có ở sân vận động. Tôi ngồi trong phòng tắm, trên sàn, xem lại TikTok mỗi đêm kể lại buổi hòa nhạc. Lúc đó tôi đang ở trong thời đại “folklore” trầm ngâm và suy ngẫm về cuộc đời mình. Tôi đã trình bày với biên tập viên của mình một ý tưởng về Những bà nội trợ thực sự của New York đang cố gắng hợp nhất. Vào buổi sáng, tôi đợi cho đến khi mọi người ra khỏi nhà và hát những bài hát trong “Reputation” – bẩn thỉu nhưng cũng ngớ ngẩn. Tôi đã không làm điều đó trong nhiều năm.

Và đâu đó ở Bắc California, nữ hoàng vũ hội của Khu 301 của vương quốc Swiftie Clara mở cửa tủ trong phòng ngủ và chạm vào chiếc váy màu tím cô mặc trong đêm đính hôn, nhưng thực ra là đêm cô có mặt tại buổi hòa nhạc của Taylor Swift. . Cô ấy mặc váy, cầm lược chải tóc và bật bài “Love Story”, rồi hát bài hát được phát khi cô ấy đính hôn, bài hát đã bị cô ấy lấy đi một chút vào ngày hôm đó ngay cả khi nó đã trở thành một phần hoành tráng của lịch sử lâu dài của riêng cô ấy

Nhưng ngay cả khi hát, ngay cả khi tìm lại niềm vui xưa trong bài hát, cô vẫn nhớ lại khoảng thời gian ở ban công Khu 301. Lần đầu tiên cô hiểu rằng những khoảnh khắc ở ban công đó còn thú vị hơn là chờ đợi hơn là sống. Bởi vì một khi bạn sống với chúng, đồng hồ đếm ngược sẽ bắt đầu trong đó phòng ngủ không còn là của riêng bạn nữa, và việc hát “Love” trong bộ váy màu tím của bạn sẽ ngày càng ít ý nghĩa hơn.

Và đó là lúc chiếc điện thoại cố định màu hồng của cô đổ chuông. Cô ấy trả lời nó, và đó là Taylor và tôi, đang ném bom hội nghị của cô ấy. Chúng tôi nói với cô ấy rằng chúng tôi rất tiếc vì cô ấy phải bước tiếp. Chúng tôi nói với cô ấy rằng thật buồn khi bạn không được quyết định rời bỏ thời đại của mình, rằng việc ra đi là việc của bạn. Thời gian chỉ tiến về phía trước, chúng tôi nói vào điện thoại. Bạn không thể là con gái mãi mãi – nó sẽ không cho phép bạn, và cả ba chúng ta đều phải trưởng thành và không ngừng bước tiếp. Bạn sẽ luôn phải rời khỏi một nơi trước khi sẵn sàng. Bạn có thể đi bất cứ nơi nào bạn muốn, chúng tôi sẽ nói lại với cô ấy, chỉ cần không ở nhà.

Cô ấy khóc trong điện thoại, và chúng tôi để cô ấy, tôi và Taylor – Taylor Swift, người hát bài hát của tất cả chúng tôi, người nói tất cả những điều này hay hơn tôi từng có thể. Tôi nói cho bạn biết, tôi thích làm phụ nữ thì được, nhưng là con gái thì thật tuyệt.

November 7, 2023 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
  • 1
  • …
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • …
  • 19

Bài viết mới nhất

  • Giọt nước mắt bay lên
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng
  • Những cơn gió của thiên đường
  • Tản mạn đầu Xuân
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

About Me

About Me

RosenKactus@gmail.com

Keep in touch

Facebook Twitter Instagram Pinterest Tumblr Youtube Bloglovin Snapchat

Bài viết nổi bật

  • Giọt nước mắt bay lên

    March 5, 2025
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng

    February 26, 2025
  • Những cơn gió của thiên đường

    February 19, 2025
  • Tản mạn đầu Xuân

    February 12, 2025
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

    February 5, 2025

Chuyên mục nổi bật

  • Cactus (19)
  • Film (8)
  • Rose (150)
  • Stories (15)
  • Uncategorized (2)

About me

banner
RosenKactus@gmail.com

Bài nổi bật

  • 1

    Tạm biệt 2023….. (1)

    December 28, 2023
  • 2

    Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (6)

    September 30, 2023
  • 3

    ….Xin chào 2024 (1)

    January 1, 2024
  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Youtube
  • Email
  • Tiktok

@2023 - All Right Reserved. Designed and Developed by YVS Digital


Back To Top
Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English