Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English
Tác giả

Rose & Cactus

Rose & Cactus

Rose

Hương mùa hè.28

by Rose & Cactus June 30, 2024
Bước chân hoàng hôn
 
Mùa hạ, bên cạnh cái tiết trời oi nồng bức bối hay mưa bão dầm dề thì cũng có những ngày nắng dễ chịu.
Lại còn có cái nắng hạ không khó chịu ư? Có chứ
 
Ấy là khi nắng không rong chơi một mình, nắng có bạn gió cùng đồng hành, nắng đi cùng với gió, trên mọi nẻo đường
gió bắt đầu từ đâu?
 
Từ cánh đồng lúa trĩu vàng vụ mùa tháng sáu hay là từ những đầm sen biếc xanh từ khi vào hạ ?
Từ những rặng phi lao xào xạc ven con đường làng hay là từ những gợn sóng lăn tăn trên những mặt hồ đầu làng cuối xóm?
Từ những tà áo trắng học trò phất phơ trên đường cho những buổi học cuối cùng của năm hay là từ vành nón đổi chiều lật ngược như muốn để lộ ra khuôn mặt ửng hồng tràn đầy thanh xuân của những cô thôn nữ?
 
Không ai cần biết nữa!
 
Bởi những cơn gió giữa hạ quá tuyệt vời, mát lành tựa cơn mưa đưa ta vào tháng sáu, ngọt ngào như vị thuốc chắt lọc từ thiên nhiên nuôi dưỡng tâm hồn người.
Dù đó là người làng, đã từng là người làng hay chỉ một lần chạm đến để trở thành người làng trong ít ngày.
 
Ngôi làng đậm chất Việt vùng đồng bằng châu thổ, với cái cổng chào đặc trưng ngay đầu làng.
 
Những chiếc cổng làng ngày xưa bé lắm, lại thấp nữa, chỉ cần với tay lên là đã chạm tới vòm mái rồi. Lại đậm vẻ cổ kính rêu phong, dấu vết thời gian phủ một màu xanh xám lên bề mặt, như một nước sơn của lịch sử.
 
Cổng làng ngày nay đã lớn và bề thế hơn nhiều. Thế cũng là phải, vì chiều cao của con cháu chúng ta đang được cải thiện từng ngày; vì các phương tiện cơ giới hiện đại phục vụ đời sống không thể lọt qua những ô cửa nhỏ xíu như thế; và vì những con đường làng cũng đã được mở rộng.
 
Con đường vào làng La Xá, một vùng quê thuần nông bắc bộ với những cánh đồng lúa và rau màu trải dài, cũng đã rất khác.
Những con đường đất, mà sau mỗi cơn mưa mùa hạ, sẽ nhanh chóng biến thành những bãi sình lầy, với bùn, với phân trâu bò và cả rơm rạ. Tất cả quyện vào nhau thành một hỗn hợp nhầy nhụa, nhão nhoét và trơn trượt; người đi ra đồng, người đi ra chợ, hay đi lên tỉnh vào sáng sớm khi trời còn mờ sương phải hết sức lưu ý, lựa mà bước kẻo ngã sấp mặt như chơi;
chỉ còn trong ký ức xa xăm.
 
Đã từ lâu rồi bước chân người lữ khách phương xa có thể thư thả mà đi dạo trên những con đường làng lát bê tông vừa sạch vừa đẹp.
 
Kiểu vớ vẩn đến mức mà khi chiếc xe khách đỗ xịch trên con lộ cái quan trước cổng làng lúc 16h30, khi ấy nắng chiều vẫn vắt trên ngọn cây si nằm ngay sau chiếc cổng,
thì cô ấy cũng phải thơ thẩn dọc con đường thơ ấy mãi đến khi bóng mặt trời dần mờ hẳn, nắng sắp trả lại vẻ trầm tư cố hữu cho người gác cổng thực vật già gấp mấy lần tuổi của những bậc cao niên trong làng: cây si.
 
17h45 ngày hạ chí, hoàng hôn ở xa nhất về phía tây bắc trong năm. Trời vẫn sáng rực như lúc 7h45 dù nắng chỉ còn một loang một màu nhàn nhạt.
– Alo, dì ơi cháu đã đến nơi rồi!
 
Cháu đã đến từ lâu nhưng cháu chẳng phải đợi đâu, chỉ một hai phút người dì quý cháu, và cháu cũng quý dì như mẹ, đã xuất hiện trước mặt.
 
Hai dì cháu lại bước đi trên con đường người cháu vừa đi;
Hai bên đường sát mặt đất những vệt hoa chiều tím cố tắm nốt ánh nắng hạ cuối ngày, trước khi cánh hoa cụp lại cho một giấc ngủ dài;
 
Bên đường, hàng cau lùn (?) đổ bóng xuống mặt hồ lấp lánh ánh chiều. Mặt trời hình tròn cơ mà nhỉ, sao dưới làn nước, hành tinh mang sự sống cho dương gian lại hóa cây cột hoàng thạch thế kia?
 
Cùng với cây xanh, những hồ nước, càng ngày càng tỏ rõ là những chiếc quạt điều hòa không khí tốt nhất,
đặc biệt là trong mùa hạ, khi cái nóng có thể lên đến đỉnh điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của muôn loài.
 
Hồ nước lớn ngay đầu làng La Xá có từ bao giờ, minh quên chưa hỏi dì. Và cũng không quan trọng, vì hiện tại nó vẫn còn đó và mình mong nó mãi ở đó.
 
Trên mặt hồ, nắng đang thầm thì nói lời tạm biệt nhưng gió thì còn lâu. Gió gặp làn nước mênh mông thì tự bật chế độ giảm nhiệt, làm mát tất thảy.
 
Chiều buông là lúc người người kéo nhau ra ven hồ để thưởng gió. Gió phả vào mặt, gió chuốt đôi mi dài. Gió vờn mái tóc và thì thầm bên tai: “bạn có nghe thấy tôi nói gì không?”
Bạn có thể không nghe được gió. Nhưng trăng lại khác. Trăng chiều chưa thấy, những vẫn biết gió mải lăn trên mặt nước để đợi chờ trăng;
 
Bởi vậy, không gì đẹp hơn một đêm hè, có trăng thanh, gió mát,
và ở chốn đồng quê yên ả, trong lành.
 
Ai bảo ta dại ta cũng xin nhận” ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”!
Đứng trước mặt hồ, mình nhìn bầu trời đang dần sẫm lại qua làn nước. Mọi vật trên trời, dưới nước đều đang chuẩn bị cho sự nghỉ ngơi, khép lại một ngày hạ uể oải, dài đằng đẵng.
 
Vạn vật đều hân hoan chào đón màn đêm; tuy vậy, sự chuyển giao thời gian lại làm lòng người lữ khách trào dâng niềm hoài cảm về mọi thứ đang diễn ra: về sự kết thúc và bắt đầu; về sự biến mất và xuất hiện; về sự thức và ngủ;
 
Nột vòng lặp tuần hoàn không ngưng nghỉ của mỗi cuộc đời, qua nhiều đời!
 
“Chiều dâng trong mắt
Vầng trăng dịu êm”
(Phan Đan)
 
June 30, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Uncategorized

Hương mùa hè.27

by Rose & Cactus June 30, 2024
Bà
 
Chiều hè tháng sáu oi bức đến mức ông trời có thể chuyển giông, một kiểu điều tiết khí hậu tự nhiên thường thấy.
trên cánh đồng quê nước ngập đến lưng gốc rạ, soi bóng ráng chiều đỏ ối tít tận đường chân trời.
 
Một màu đỏ vàng của đu đủ chín, màu của ánh đồng thau nóng chảy.
 
Một cụ bà nhỏ bé với nước da rám nắng của người quen dầm mưa dãi nắng bước lên bờ từ con mương nhỏ chạy dọc cánh đồng mênh mông.
 
Những nếp nhăn hằn in dấu ấn của tuổi tác, khi chỉ còn ba năm nữa cụ đã bước sang tuổi chín mươi, không làm giảm đi sự nhanh nhẹn vốn có của một cô thôn nữ đảm đang, chịu thương chịu khó.
 
Cụ khẽ chọn một chỗ mà dòng nước trong hơn, rồi hạ chân làm động tác rửa qua để gạt đi những vết dơ bùn đất còn bám trên đôi bàn chân gày guộc. Và một bàn tay gân guốc của cụ kẹp chặt một rổ ốc ngang hông.
 
Đã xong một buổi lao động, cụ thoăn thoắt đi theo con đường làng trải bê tông sạch sẽ để về nhà. Chân đất, nón lá, quần lụa sắn đến gần đầu gối, áo thun họa tiết tối màu đã sờn vai.
 
– Con chào bà, bà có nhận ra con không?
Cụ nheo mắt, ánh mắt tinh anh lấp lánh
 
-Bác Hiền xuống chơi đấy. Bác vào nhà chơi
Cụ đặt rổ ốc một góc ngoài hiên và mở tung hai cánh cửa gỗ của căn nhà mới được xây cách đây vài năm. Một luồng khí nóng đặc trưng mùa hạ phả lên mặt của cả chủ và khách.
 
– Bác ngồi xuống đây uống nước
Bà cụ nhấc cái ấm tích sứ trắng rót nước mời khách. Rồi lại đứng lên giật dây cái quạt treo tường trong khi tay vẫn không ngừng phe phảy chiếc quạt mo cau:
– Bà ơi, tuổi này rồi bà vẫn đi bắt ốc ạ?
– Ngày nào tôi cũng phải ra thăm đồng bác ạ. Tôi vẫn đi kéo xe bò chở lúa về đấy. Đây bác vào đây tôi cho bác xem. Đây, thùng thóc lớn này là lúa mới thu hoạch vụ rồi, còn đây là của vụ năm ngoái chưa ăn hết. Tôi không bao giờ sợ đói, đứa cháu nội mà về là tôi lại xúc cho mấy chục bò gạo về ăn dần.
 
Người khách nhìn cụ già dáng chắc nịch, thấp nhỏ chỉ đến cổ mình mà trong lòng dâng lên một niềm thán phục, thương quý:
-Thế bác lần này ra được bao lâu? Ở đây chơi với các em nó lâu chút cho chúng nó vui
– Con ra chơi lâu bà ạ. Con xuống đây ở với bà chừng nào hết bồ thóc này con mới về đấy. Bà nuôi được con không?
 
Bà cụ bỏm bẻm cười, hàm răng đã rụng gần hết càng làm lộ vẻ chân chất, phúc hậu:
-Bác không phải lo, thóc tôi cấy đấy. Giờ gặt thì tôi thuê người ta. Thi thoảng tôi đi mò cua bắt ốc, rau thì bác thấy tôi trồng đầy ngoài vườn. Mình sống phải căn cơ bác ạ, lúc nào trong túi cũng phải có tiền để tự lo liệu. Tôi từng này tuổi rồi, may mắn vẫn chưa phải phiền đến con cháu ngày nào.
 
-Thế bà nấu gì con phụ cho?
-Bác cứ ngồi chơi. Chút đem ốc về bên nhà (nhà dì mình) nấu với chuối. Tôi không phải đi chợ xa mấy khi. Bác thấy chợ ở đây khác nhiều không? Trên nhà bác tôi đi mấy chợ rồi, chợ Dốc Hanh gần nhà bác, chợ Cam Giá thì chỉ họp buổi sáng.
 
– Bà tối nay có món gì thế?
– Tôi vẫn còn cá hôm trước cô ấy (dì mình) mang sang cho. Giờ tôi không ăn được bao nhiêu, chỉ lưng bát, sáng thì khi ăn khi không. Như mấy hôm nay nực quá không muốn ăn, may sao bác xuống hôm nay là mát nhiều so với mấy hôm trước đấy.
mình ngồi con cà con kê với cụ già 87, mà tóc vẫn còn xanh lắm, đầu óc vẫn minh mẫn tuyệt vời và vẫn biết chính xác trong cái túi giắt cạp quần mình có bao nhiêu tiền :)))
 
– Bác cất đi, tôi không lấy của bác đâu, bác nhìn này, trong túi này tôi có đủ tiền để sống.
Cụ lại cười, nụ cười hiền khô của người suốt đời chỉ biết lao động và làm việc không ngưng nghỉ. 30 tuổi đã góa bụa, ở vậy một mình đã gần sáu mươi năm, một nách ba con. Chồng liệt sĩ, ông hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
 
Dì mình về làm dâu bà gần bốn mươi lăm mà chưa bao giờ hai người to tiếng với nhau. Dì mình khỏe, hay lam hay làm, bao việc nhà nông nặng nhọc dì đều dành làm hết nhưng cụ cũng không bao giờ để con dâu phải vất vả làm một mình. Con dâu làm việc gì thì mẹ cũng làm việc ấy, từ cấy lúa, gặt, kéo lúa về nhà đến phơi lúa.
 
Thương con, quý cháu, có gì cũng dành cho con cháu.
 
Đúng thế thật, mình vừa từ nhà bà về đến nhà dì (ngay cạnh) đã thấy bà tất tả sang sân, trên tay là một nắm rau đay và hai quả mướp:
-Nóng thế này, nấu mướp ăn cho mát.
 
Để lại chút rau quả trên bậc thềm sân, bà đã toan quay ngay về nhà thì đã bị người khách nơi xa níu lại để cháu làm một pô ảnh kỷ niệm
-Bà cười thật tươi nhé, tươi như hoa hậu ý!
 
Bà cười tươi hơn hoa hậu chứ,
Nụ cười của người bà, người là trái tim trong ngôi nhà thơ ấu của mỗi người cháu, là người lưu giữ những ký ức tốt đẹp nhất trong tuổi thơ của mỗi người.
June 30, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Uncategorized

Hương mùa hè.26

by Rose & Cactus June 30, 2024
Một câu chuyện viết trên xe
(để chống say)
 
Trời hửng nắng sau mấy ngày xập xìu, xám xịt.
 
Ánh nắng mới, tươi và nhẹ, quét một lớp sơn vàng óng lên mặt tiền của nhiều căn nhà nằm hai bên con đường trung tâm phố huyện.
 
Trên ban công treo rất nhiều những giỏ hoa lan tím, hoa dừa nước hồng của ngôi nhà được ốp gạch xám, một người thiếu phụ với mái tóc ngắn đã lốm đốm sợi bạc, đang giũ một chiếc chăn vải.
 
Chiếc chăn có vẻ nặng trên đôi tay gầy guộc của cô, nó trĩu xuống chỉ trực chạm đất. Liền lúc đó, một người thiếu nữ trẻ chạy ra từ căn phòng sát ban công, nhanh tay đỡ lấy một đầu chiếc chăn.
 
Nàng vừa bước qua tuổi mười tám, rạng ngời như một đóa hoa hướng dương mùa hạ. Đóa hoa ấy lúc này diện một chiếc váy tím họa tiết hoa cà, mỗi lần nàng xoay người tà váy lại khẽ tung bay.
 
Gió vờn quanh mỗi bước chân nàng. Những làn gió hiếm hoi trong những ngày nực nội, chúng hòa với nắng và xua đi sự ẩm rít, bí rịt do những đám hơi nước đặc quánh bao phủ tầng không..
 
Những cơn gió không phải để chào mừng những cơn mưa mà để hân hoan với từng tia nắng.
 
Có hai người cùng phối hợp, chiếc chăn phút chốc đã được giăng gọn gàng lên dây phơi. Chiếc chăn khá mới, trắng màu tinh khôi của loại bông hảo hạng tạo thành một background hoàn hảo mà người thợ chụp hình không cần phải nhọc công tạo dựng.
 
Để chụp bức hình mang vẻ đẹp của nghệ thuật sắp đặt. Trong khung hình đó người ta thấy một người mẹ và con gái của cô ấy đang ngồi thưởng trà bên chiếc bàn tròn nhỏ, với vẻ mặt thật thảnh thơi, tự tại.
 
Bên trên họ, những giỏ hoa đung đưa qua lại như những chiếc chuông gió. Những chiếc chuông gió vô thanh, chỉ có màu hoa chảy tràn trên nền phông trắng, trắng tựa áng mây dưới ánh nắng hạ.
 
Dưới sân nhà kế bên, một người đàn ông đang xê dịch tới lui chiếc xe hơi đã cũ.
 
Sau khi điều chỉnh đến một vị trí thích hợp và có lẽ cảm thấy hài lòng ông ta mở cửa xe và bước xuống.
Chiếc xe hơi đen bóng, trên cửa lấm tấm những vệt bùn đất, vàng nâu.
 
Cả những dòng nước đen ngòm ngoằn ngoèo, chảy dài trên mặt kính ở phần mui xe, như thách thức cả hai chiếc cần gạt.
những chiếc cần chỉ có khả năng gạt đi những hạt mưa từ trên trời. Chúng vô dụng với những giọt nước bẩn hắt lên từ những vũng nước dưới mặt đất.
 
Chiếc xe chắc chắc vừa có những ngày trầm mình trên những con đường mưa.
 
Có thể là những con đường đất nhầy nhụa, trơn trượt ở một vùng quê nào đó. Bằng chứng là những rãnh sâu của hai chiếc lốp đã được trám đặc những mảng đất lổn nhổn những sợi rơm vàng. Những sợi rơm rơi rớt trên mặt lộ chạy ngang những cánh đồng vừa qua mùa gặt.
 
Rõ là người đàn ông có ý định rửa xe. Chắc chắn là thế!
 
Ông ta đang ròng chiếc dây cao su từ vòi nước phía sau nhà ra tận sân trước rồi vảy cái ống lên bề mặt trên của chiếc xe.
dòng nước mạnh, phun tung tóe khiến chiếc xe chẳng mấy đã ướt đẫm.
 
Vài giây sau một chàng trai trẻ xách một cái xô nhựa đỏ từ dưới bếp lên. Chiếc xô chứa nước xà phòng hòa tan.
anh ta nhanh chóng nhúng chiếc giẻ lau vào xô rồi bắt đầu tiến hành kì cọ chiếc xe, lần lượt từ trước ra sau.
trên tấm kính, cánh cửa, đuôi xe bọt tung trắng xóa tựa sóng những hôm biển động.
 
Nắng chiếu xiên qua gương mặt điển trai của anh, gió thổi xòa vài sợi tóc trước trán. Cánh tay rắn rỏi, rám nắng đưa lên hạ xuống theo chiếc khăn lau.
 
Người đàn ông, người bố sau khi tạm dừng tay rít xong một điếu thuốc lá thì cũng với lấy một cái giẻ khác mà được vắt trên cành của cây bàng ngay trước cửa. Ông ta ngồi xuống và tiến hành làm sạch lốp.
 
Chẳng mấy chốc hai cha con họ đã hoàn thành công việc tái tạo lại vẻ ngoài của thứ tài sản đáng giá nhất trong gia đình.
vẻ bẩn thỉu, nhếch nhác được lột đi làm chiếc xe cà tàng có thể được xem xét để tăng thời gian khấu hao nếu nhìn từ vẻ ngoài.
 
Sự hài lòng hiện rõ trên hai khuôn mặt giống nhau như đúc:
– Thế nhà con bé ấy ở đâu?
– Dưới phố Đông
– Từ đây xuống đó khá xa. Con mới làm quen với xe, có đi được không?
– Bố đừng lo, xa thế chứ xa nữa con cũng đi được.
– Thế thì cứ cẩn thận, đi từ từ thôi. Hôm nào dẫn con bé lên để bố mẹ biết xem thế nào.
 
Chàng trai trẻ không trả lời người bố, đoạn đi thẳng vào góc nhà lấy ra chiếc khăn khô lau sạch những giọt nước còn vương trên xe.
 
Trên ban công căn nhà hoa, người ta thấy cô gái trẻ đang nhấp một ngụm trà thì vội bỏ ngay xuống.
 
Chén trà đầy nguyên và cô vẫn ngồi mãi ở đó dù tiếng chiếc xe hơi lăn bánh đã nghe nhỏ dần.
 
Ấy là thứ bảy, ngày hạ chí!
 
P/S: Mình gõ xong truyện cực ngắn này thì chiếc xe khách cũng vừa tới Cầu Xá, Tứ Kỳ, Hải Dương. May quá, lần này đi xe xuống thăm dì nhưng mình lại không bị say.
thôi chắc là nhờ ther thẩn, thẩn ther rùi :)))
 
 
 
 
 
June 30, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.25

by Rose & Cactus June 30, 2024
Trời sắp đổ cơn mưa
Sao em còn đứng mãi
(Ngân Giang)
 
Mấy hôm nay không tối nào mà trời không mưa. Mưa lớn, đến rất nhanh và chỉ một lúc là tạnh ngay. Cơ bản là do ban ngày trời bức quá, nắng chỉ một màu nhàn nhạt mà sao nực đến ghê người, đứng vài phút ngoài trời thôi cũng vã hết cả mồ hôi, đứng mãi thì chắc ngang với tắm :))).
 
Nhưng mưa vào buổi tối thì lại rất tuyệt, mát mẻ, lãng đãng (kiểu ngồi bên cửa sổ ngắm mưa trắng xóa dưới ánh đèn đường vàng vọt. Trên nền trời tối mịt mùng. Dưới con đường vắng hoe, cô quạnh).
 
Cùng với buổi sáng tinh mơ thì những tối mưa rơi là thời điểm mình thích viết nhất. Không cần phải là những ý tưởng gì cao sang, to tát. Mà có khi chỉ là những cảm xúc vu vơ bất chợt ào đến.
 
Về những thứ rất nhỏ bé, bình thường, y như cuộc sống của mình, chỉ quen với những thứ rất bình thường. Như có lần trong đêm tối mưa tí tách một mùa hè nào đó mấy năm trước mình đã viết về cái giường ở nhà mẹ.
 
Chính xác hơn là cái giường của mình trong phòng của mình. Bởi mình đã gắn bó với nó từ năm mình mới sinh, khi bố mẹ mình mới cưới và ở trong một căn nhà nhỏ trong khu tập thể.
 
Và sau hơn bốn mươi năm nó vẫn còn ở đó trong phòng của mình trên tầng hai. Vẫn vô cũng chắc chắn, vì được đóng bởi những người thợ lành nghề trên nền một thứ gỗ tốt. Nên càng dùng màu của gỗ càng sáng bóng, đẹp một kiểu vượt thử thách của thời gian.
 
Tối qua mình đã viết gần xong một truyện ngắn tặng bạn Lê, một người bạn thời Đại học của mình. Một cô gái xứ Nghệ xinh đẹp, dịu dàng lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi thì hoàn thành nhưng đêm muộn đầu đơ, nên thôi để để sáng nay viết nốt.
 
Có cái dở là mình không làm việc khuya được, thời xưa học dù là ôn thi Đại học thì 23h với mình là maximum rồi. Quá giờ đó mà học là đầu cứ ong ong, không còn tiếp thu được gì nữa. Chứ chính ra ban đêm mình thấy lại là thời điểm dễ làm các công việc liên quan đến trí não nhất.
 
Vì sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của đêm, đến mức có thể cảm nhận được cả những âm thanh mỏng nhất: Hơi thở, nhánh hoa quỳnh khẽ cựa mình bung nở để tỏa ra một thứ hương thơm mê đắm hay chỉ đơn giản là tiếng cánh quạt quay chầm chậm vì điện quá tải nên yếu ớt trong những đêm hè ngột ngạt.
 
Thế mà sáng nay dậy, vội vàng vụng về thế nào mà kéo cái dây sạc vô ý làm rơi cả máy cả sạc từ bàn xuống đất. Thế là máy tắt ngóm, chả làm sao khởi động được. Biết là trục trặc rồi, đành phải mang đi sửa thôi.
 
Mình rủ con mình đi bộ ra con đường trung tâm. Tiện thể qua cái hiệu sách cũ vì con muốn mua mấy quyển sách. Hai mẹ con bước ra khỏi cửa thì thấy trời giăng một màu xám xịt, không khí nặng trich, nhớp nháp. Trời thế này thì kiểu gì cũng mưa:
 
-Mưa cũng đi mẹ. Mình cầm ô đi, mưa to thì trú!
 
Thế là oke, mưa cũng đi. Chứ còn đứng mãi đến bao giờ :)))
 
Mình thích đi bộ. Lại là đi bộ trên con đường của tuổi thơ thì còn gì tuyệt hơn nữa. Con đường rộng, nhiều cây xanh, người và phương tiện đều thưa thớt. Há chẳng phải là niềm mong ước vô cùng của những thị dân ở các siêu đô thị sao?
 
Điều thích nhất của mình là những cái cây xà cừ cổ thụ ven đường, mà có những cây phải có tuổi đời của cha mẹ ông bà mình vẫn còn sừng sững. Gốc cây to lắm, rễ cây nổi hết cả lên, thân cây sẫm một màu đen sì và cành lá thì xum xuê xanh mướt.
những cơn mưa mùa hạ làm cho tất cả cây cối đều hát khúc ca mùa Xuân.
 
Mùa hạ, là mùa của sự hồi sinh mạnh mẽ!
 
Mình bắt gặp hàng dâm bụt ven đường, gần cái tiệm ảnh Ngọc Thụ nổi tiếng một thời, tất nhiên tiệm ảnh giờ chỉ còn trong dĩ vãng.
 
Hàng dâm bụt trĩu xuống vì nhưng hạt mưa ban sớm. Mưa trôi trên phiến lá, những giọt nước long lanh luồn lách tít vào những khe nhụy của bông hoa dâm bụt đỏ, một màu đỏ tươi tắn.
 
Hoa dâm bụt đơn. Cũng như hoa đồng tiền, mình thích những bông hoa cánh đơn hơn là cánh kép. Dù thực tình mà nói, mỗi loại đều mang một vẻ đẹp riêng.
 
Hoa dâm bụt đơn cũng là loài hoa của tuổi thơ mình. Nó thường chỉ được trồng làm hàng rào, ở bất cứ khu vườn nào khi xưa. Bông hoa năm cánh, tươi thắm và mỏng manh. Nhụy của nó có vị ngọt, một vị ngọt thanh mát. Nên lũ trẻ, rất thích hái dâm bụt rồi hút mật từ loài hoa đồng nội này, trên những chuyến rong ruổi trên đường, đi học chẳng hạn.
 
Có hai điều tiếc, là cái hồ nước lớn ngay sau hàng dâm bụt, đã bị lấp đi hết. Kênh, rạch, sông, hồ ở rất nhiều nơi càng ngày càng ít. Do sự phát triển của dân số và quá trình đô thị hóa, không gian mặt nước cứ nhỏ hẹp dần.
 
Và mình thơ thẩn mãi mà không tìm đâu ra được cái hiệu sách khi xưa nữa. Cái hiệu sách tổng hợp, nơi mình đã mua cuốn truyện đầu tiên “đất rừng phương nam” giờ đã biến mất rồi.
 
Có vài hiệu sách hơn thay thế dọc con đường lớn. Nhưng chỉ toàn bán văn phòng phẩm, tịnh không có lấy một gian hàng bán sách. Muốn mua phải lên gần trung tâm thành phố, cách đó gần chục cây số.
 
Có lẽ giờ mọi người mua sách online nhiều!
 
-Hiệu sách cũ bỏ lâu rồi cháu ơi. Cháu con nhà ai, nhà ở đâu, bao lâu rồi không về hay sao mà không biết?
 
Mình đứng nói chuyện với mấy cụ ngồi ngoài cửa một tiệm sách nhỏ, có vẻ lớn tuổi hơn mẹ mình. Thực ra, mọi lần đi mua sách toàn em mình chở con đi mua. Mà mình thì lại cứ nghĩ là mua ở cái hiệu sách cũ kỹ thuở nào.
 
Lại có chút gì tiếc nuối khi hai mẹ con vòng về, theo con đường khác.
 
Tuy vậy, may mắn là, khi về đến nhà thì mưa bắt đầu rơi.
 
Máy tính của mình thì chưa sửa được, và mẹ lại vừa kêu điện thoại mẹ chẳng biết mấy đứa nhỏ tí toáy sao lại đơ ra rồi, không sao tắt mở được.
 
Thiết bị điện tử giờ thiết yếu như cơm ăn nước uống, với mọi lứa tuổi,
 
là thật!
 
June 30, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.24

by Rose & Cactus June 19, 2024
Huệ, chị Linh và mình
 
Nhà Huệ và nhà mình ở cùng một dãy tập thể, nhà mình gần đầu còn nhà Huệ gần cuối dãy, cách nhau 5 căn. Cái dãy tập thể với 12 căn thông suốt, dưới con mắt của mình ngày xưa, nó dài ngoằng.
 
Nhà mình bố công tác biền biệt quanh năm, ở nhà chỉ có ba mẹ con. Mẹ mình thì đi làm cả ngày, nên từ nhỏ mình đã được ở nhà tự do. Nên cũng từ nhỏ mình coi nhà Huệ như nhà mình :)).
 
Vì nhà Huệ cũng chỉ có ba mẹ con. Bác Xuân một mình nuôi hai anh em Huệ. Người phụ nữ nhỏ bé, tần tảo, chịu thương chịu khó, vì sức khoẻ mà phải nghỉ mất sức sớm.
 
Về hưu non nên để có thu nhập trang trải cuộc sống, bác mở một lớp trông trẻ nhỏ ở nhà . Mới đầu chỉ có vài cháu, sau thì đông dần lên.
 
Vì bác giữ các em nhỏ rất cẩn thận, chăm chút từng li từng tí nên rất được các bố mẹ quanh đó tin tưởng. Từ những cháu bé xíu xiu chưa đầy một tuổi đến các bạn lớn hơn bốn, năm tuổi. Bởi vậy nhà Huệ lúc nào cũng đông đúc, lúc nào cũng ríu rít, líu lo tiếng trẻ.
 
Mình thì cứ rảnh là lại tót sang nhà bác. Lâu lâu bác lại nhờ: Hiền, chạy sang giường bên lấy cho bác cái áo của bé A; Hiền, mang cái quần này bỏ xuống cái chậu dứoi bếp cho bác …là mình sướng rơn vì cảm giác mình là người có ích.
 
Mỗi khi bác thay quần áo cho tụi nhỏ mà có mình ở đấy là bác lại làm từ từ và bảo mình rằng các bước mặc quần áo cho em bé là phải thế này, thế này…hay mỗi khi bón cháo cho các bạn nhỏ cũng thế, thìa phải gạt vòng quanh bát thì cháo mới không bị vữa ra và không bị nóng do chỉ hớt trên bề mặt…
 
Thực sự bao nhiêu thứ liên quan đến việc chăm sóc một em bé mình đã được trực tiếp chứng kiến khi mới 6,7 tuổi lại thêm mình cũng có em nhỏ nữa nên đối với mình, hay bất cứ một đứa trẻ nào khi xưa khi học lớp 2, lớp 3 là đã rất thành thạo việc nhà và việc trông em rồi.
 
Bé tí đã phải bế em. Mình bế em mình và Huệ thì vất vả hơn nhiều vì có nhiều cháu nhỏ gửi ở nhà bạn.
 
Nhà trẻ của bác Xuân, tuy bé xíu, nhưng có tiếng đến mức mà một năm nào đó đầu thập niên 90 đã có một đoàn cán bộ phụ trách về nhi đồng, trong đó có cả đại diện của Quỹ nhi đồng thế giới UNICEF ghé thăm và tặng quà.
 
Mình nhớ ngày đó lắm vì đó là lần đầu tiên mình được nhìn thấy một bà….Tây, ở ngoài đời :)).
 
Nhưng lũ trẻ là vui nhất vì chúng bỗng nhiên có được nhiều đồ chơi mới rất đẹp. Những đồ vật bằng gỗ như đoàn tàu, được sơn nhiều màu sắc, trông khôn hơn hẳn mấy loại đồ chơi mà hàng ngày chúng vẫn được chơi.
 
Xưa kia, trẻ nhỏ (từ tuổi nhi đồng trở xuống) không có nhiều đồ chơi đâu. Xịn nhất là mấy con lật đật thì chỉ những nhà có người đi Nga về mới có.
 
Hôm đó nhìn căn phòng của nhà Huệ bừng sáng hơn hẳn. Không chỉ bọn nhóc bé xíu mà cả bọn nhóc to hơn :)), là chúng mình ý, cũng cảm thấy hết sức phấn khích.
 
Bác Xuân là trụ cột gia đình nên không việc gì mà bác không làm.
 
Như nhiều nhà xung quanh thời đó, bác cũng đóng gạch. “Đóng gạch” bằng tay, công việc mà có lẽ chỉ những người sinh trưởng ở thập kỷ 80 trở về trước mới biết.
 
Mình chỉ nhớ mang máng là các nguyên liệu được trộn thành một loại chất hơi sền sệt rồi sau đó người ra dùng một cái bay múc thứ chất này vào một cái khuôn nhỏ, kích thước khoảng 20×30 cm.
 
Sau khi bề mặt được làm phẳng (mình rất thích dùng cái bay, chát chát chít chít mấy cái hỗn hợp này cho thật khớp với khuôn) thì người ta nhấc khuôn ra và những viên gạch non này sau đó được phơi khô.
 
Vì có chất lượng không cao nên sản phẩm dạng này chỉ hay được sử dụng để xây tường rào hoặc chuồng gà, chuồng lợn.
 
Dãy nhà của chúng mình trên đồi, muốn có nước thì phải xuống cái bể tập thể dưới chân đồi lấy về dùng.
 
Huệ nhỏ người hơn mình nên không gánh nước được mà chỉ xách bằng những chiếc xô nhỏ. Mình ngày xưa khoẻ như trâu, ngày gánh bao nhiêu gánh nước mà chẳng thấy mệt.
 
Có lần mình và bác Xuân cùng lúc gánh nước từ bể lên nhà. Đi đến nửa cái dốc được lát gạch thành từng bậc, dẫn từ dưới đường lên đỉnh đồi, thì bác Xuân dừng lại. Chắc do trong người bác không được khoẻ.
 
Mình lúc đó đã lên đến đỉnh dốc, thấy bác vậy chạy xuống bảo bác hay để mình gánh lên cho. Nhưng bác nhất định không chịu, bảo bác không sao cả. Chắc sợ mình loằng xì ngoằng lắm chuyện :)) nên bác vội xỏ ngay cái quang gánh vào, đặt trên vai và gánh nhanh về nhà.
 
Mình, cũng như nhiều đứa trẻ khác, thường xuyên ăn trực nhà Huệ. Nhà bạn có món canh mồng tơi rất ngon. Mình nhớ thời đó đa phần mọi người nấu canh mồng tơi thường là để nguyên cả lá hoặc cùng lắm là chỉ cắt đống lá mồng tơi một lần cắt.
nhưng nhà Huệ thì thái ra từng sợi rất nhỏ. Chả hiểu sao, mình ăn kiểu đó thấy canh ngon ngọt hơn và cảm giác nước canh xanh hơn và bát canh thì đẹp hơn :)).
 
Cũng như mình, Huệ rất thích trồng hoa. Trước sân nhà ngay cái bể nước bé tí tẹo có một cây hồng nhung. Bên dưới là những chậu hoa đồng tiền hay thược dược, nếu mình nhớ không nhầm. Mình cũng nhiều lần phải xin củ hoa thược dược của Huệ về trồng.
 
Trong mọi trò chơi con trẻ của bọn mình xưa kia, dù ngày hay đêm, gần như không bao giờ thiếu anh em Huệ. Anh Cường, anh trai Huệ, lớn nhất dãy tập thể, nên hay được phong làm thủ lĩnh, có đóng kịch thì anh toàn được đóng vai…vua. Còn Huệ thì làm tể tướng, bọn lóc nhóc như chúng mình thì chỉ làm quân lính thôi :)).
 
Anh Cường vừa ngoan, vừa hiền, từ nhỏ đã làm bao nhiêu việc để giúp đỡ mẹ, như một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Bọn trẻ chúng mình rất quý và thích chơi với anh. Đi học lúc nào anh cũng là người dẫn đường cho lũ em nhỏ. Và sau này khi lớn lên anh vẫn rất chăm chỉ, học hành tử tế. Gian khó chỉ càng tiếp cho anh nghị lực thêm mà thôi!
 
Nhà bác Xuân, cũng như bao gia đình thời đó, đều phải chật vật, vá víu để lo được một cuộc sống ở mức tối thiểu.
nhưng cả nhà bác ai sống cũng rộng rãi, hào hiệp nên nhà bác lúc nào cũng là nơi chốn lui tới thường xuyên của rất nhiều người.
 
Mình thích nhất, những ngày mùa đông, ngồi cạnh cái bếp than đặt ngay cửa bếp nhà bác. Bác, Huệ, mình cùng ngồi hơ tay quanh ngọn lửa hồng để chống lại cơn rét và chuyện trò đủ thứ trên đời. Mải chuyện có khi không cả nghe tiếng mẹ gọi, phải đến tận khi bác nhắc mới giật mình:
 
– Hiền ơi?
– Dạ?
– Mang cái dạ về đây con
 
Trời sập tối rồi mà vẫn mải chơi ấy, không nhanh chân mang cái dạ về thì chỉ có mà ăn roi :)).
Nhà chị Linh thì ở dãy tập thể dứoi chân đồi. Chị chuyển đến khu của mình sau, hình như lúc đó mình cũng gần mười tuổi rồi nên kỷ niệm với chị thì không có nhiều bằng với Huệ. Nhưng vì khi biết chị thì mình đã tương đối lớn nên gần như mình đều nhớ hết.
 
Chị Linh nhỏ người, và có nụ cười rất tươi và đẹp. Chị khéo léo, nhanh nhẹn, giao thiệp rộng, hào phóng và chân tình.
 
Nhà chị có tivi sớm hơn nhà mình nên mình cũng hay xuống nhà chị xem phim. Bác Nhung, mẹ chị, một người hay nói và nói hay và cũng rất quý trẻ nhỏ nên mình chả bao giờ thấy ngại xuống nhà chị chơi khi có bác.
 
Mỗi lần mình xuống là kiểu gì bác cũng kêu ở lại xem phim. Bác cũng mê xem phim y như mình và bộ phim mà hai bác cháu chăm chú theo dõi nhất thời ấy là “Người giàu cũng khóc”, một tác phẩm phim truyền hình của Mexico nổi như cồn, nhà nhà đi xem, người người bàn luận.
 
Khi đi chơi gần gần bác Nhung cũng hay rủ mình đi.
 
Những tối mùa hè trăng thanh gió mát, bác, chị Linh và mình thường đi dạo ra con đường nhỏ phía cánh đồng lúa ở sau khu tập thể.
 
Cánh đồng mùa hạ, sau cơn mưa vào buổi tối, giống như một bản hoà ca những âm thanh “đồng quê”. Tiếng ếch nhái, côn trùng ồm ộp; tiếng bay rào rào của cào cào châu chấu; tiếng bước chân người lội ruộng oàm oạp; tiếng gió vi vút trên những ngọn tre….
 
Mình lâu lâu nhìn mấy cây tre ở đó lại thấy rờn rợn, nhất là khi trăng sáng thì những cụm tre rậm rạp lại hắt xuống nền đường những bóng đen khổng lồ y như những con…ma :)).
 
Nhưng những câu chuyện của bác Nhung sẽ nhanh chóng làm mình và chị Linh quên đi cái đáng sợ của bóng tối. Bác kể chuyện rất vui làm cho chúng mình chỉ còn thấy trước mặt là những vầng trăng thật là đẹp.
 
Vầng trăng mùa hạ khi thì treo cao trên đỉnh những ngọn tre già, khi lại loang loáng những vệt zíc zắc dưới làn nước.
chẳng thế mà xưa kia tát nước dưới ánh trăng luôn là một hoạt động gây ra rất nhiều cảm xúc:
 
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
 
Chị Linh hay thích ăn các món luộc: Bắp cải luộc, su hào cà rốt luộc. Mình buổi trưa đi học về mà rẽ vào chị thì kiểu gì chị cũng nài ép mình ăn cùng chị mấy cái món này vì ông anh và thằng em chị con trai chả ai thích ăn rau luộc cả. Không ăn hết thì phí :)).
 
Riết rồi mình cũng nghiện luôn, trời lạnh, vị mát của đồ luộc chấm với mắm ớt cay cay lại làm ấm cổ họng, còn gì ngon hơn thế ?
 
Nhà chị Linh có ba anh chị em, sàn sàn bằng tuổi nhau, ai cũng hoạt ngôn vui tính nên nhà chị cứ như là nhà của …giới trẻ thời hiện đại :)), nơi tập hợp của tầng lớp thanh niên bắt đầu lớn lên khi đất nước có những biến chuyển mới. Chế độ bao cấp đã qua, hàng hoá bắt đầu được bày bán ở các quán tạp hoá nhỏ với nhiều chủng loại phong phú hơn, nhạc trẻ bắt đầu xập xình dọc phố:
 
“Người đi đi ngoài phố
Chiều nắng tắt bên sông”
 
Chỉ hơn mình hai tuổi nhưng mình cảm tưởng chị lớn hơn mình nhiều, chị cởi mở và thích giao tiếp nên ngày đó chắc chị cũng được nhiều anh trong xóm thầm thương trộm nhớ :)). Mình tuy thế, chứ bản chất lại khép kín, ít nói hơn nhiều so với chị, nên đi đâu chị cũng như người chị cả dẫn dắt chúng mình.
 
Và người chị đó tối hôm qua dù mưa gió thế vẫn lao đi đón hai em Hiền, Huệ để gặp nhau trong một bữa tối rất ấm cúng.
tất cả tuổi thơ lại như ào về với biết bao ký ức đã níu giữ mấy chị em đến tận đêm khuya!
 
Đã ba mươi năm không gặp chị, nhưng nụ cười của chị vẫn thế, vẫn đẹp và rạng rỡ như thưở nào!
Cả Huệ cũng vậy, vẫn phong cách cực kỳ trẻ trung, sôi nổi,
 
– Ơ, thế Hiền cũng vẫn thế đấy thôi, mái tóc vẫn nguyên bản như thuở nào :))
 
Cám ơn Huệ, chị Linh và cám ơn cả tuổi thơ của chúng mình!
 
June 19, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.23

by Rose & Cactus June 17, 2024

“Những đêm kỳ diệu

Theo sau một bàn thắng

Dưới bầu trời

Của một mùa hè Italia

(Mùa hè Italia – Un’estate italiana)

Vào những năm chẵn, trong giấc mộng đêm hè xưa kia (với mình) không thể thiểu giấc mộng về những chiến thắng của đội tuyển mang biệt danh “cơn lốc màu da cam” Hà Lan, đội bóng mà mình hâm mộ nhất.

Euro và World Cup được định kỳ tổ chức 4 năm một lần, đan xen nhau, nên cứ hai năm chúng ta lại được thưởng thức những trận cầu ở dạng đỉnh cao, với tất cả sự háo hức, mong chờ ở cái thời mà không có cái gì phát trên truyền hình mà bị bỏ qua :)).

Năm 1988, cả chục dãy tập thể dành cho công nhân Gang Thép trên khu đồi M nhà mình mình không nhớ là đã có nhà ai có ti vi chưa. Nhưng Euro năm đó thì dù đã qua vài năm vẫn được các chú các bác kể đi kể lại khiến mình không thể không lưu tâm.

Họ kể về lần may mắn của Hà Lan, đất nước của các con đê biển và kênh đào chằng chịt, sau nhiều lần thất bại đầy tiếc nuối trên đấu trường World Cup vào hai năm 1974 và 1978, thì cuối cùng cũng đã chiến thắng được định mệnh.

Và đó cũng là lần duy nhất Hà Lan có cơ hội gương cao chiếc Cúp ở môn thể thao Vua, dù cho họ luôn là đội bóng có lối đá tổng lực đẹp mắt và chưa bao giờ thiếu những ngôi sao có thể làm nên lịch sử.

Mình chả biết sao mình lại yêu thích Hà Lan đến thế, thực sự là không biết, có lẽ chỉ có thể giải thích kiểu như Xuân Diệu giãi bày nỗi buồn qua câu thơ “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, thì ở đây mình yêu mến Hà Lan cũng thế “tôi thích chả hiểu vì sao tôi thích” :)).

Bởi vì đá hay và đạt nhiều thành tích thì thiếu gì. Này, đội tuyển Ý nhá, khiếp toàn các anh chàng đẹp trai như được tạc tượng, số lần giành huy chương vàng ở WC và Euro thì nhiều vô biên cương;

rồi đội tuyền vàng xanh với điệu nhảy Samba huyền thoại Braxin nhá, ôi giời, họ ngoài có ông vua bóng đá lại có cả người ngoài hành tinh nữa, chưa hết họ còn càn quét khắp nơi, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác, họ là những nhà vô địch nhiều lần nhất thế giới;

rồi đội tuyển Argentina với siêu sao huyền thoại mang “Bàn tay của Chúa” Maradona cũng khiến rất nhiều những con tim yêu trái bóng tròn phải loạn nhịp mỗi khi những cầu thủ của họ tiến ra sân. Dù sao thì họ cũng đã ba lần giành chiếc Cup thế giới danh giá.

Và còn nhiều nữa những anh tài.

Nhưng suốt gần mười năm thực sự là  biết xem bóng đá (từ năm mình 10  đến năm 18 tuổi) mình chỉ chết mê mỗi cái anh chàng mà bất cứ khi nào ảnh xuất hiện trên sân thì có cảm giác cả khán đài ngập tràn một màu da cam, rực cháy như những ngọn lửa.

Năm 1988, Hà Lan có bộ ba huyền thoại Ruud Gullit – Frank Rijkaard – Marco Van Basten và bốn năm sau bộ ba này vẫn tiếp tục được sử dụng trong Euro 1992. Nhưng lịch sử thì khó mà có thể được lặp lại, họ chỉ đi đến được trận bán kết thì phải dừng.

Năm 1992, bắt đầu lác đác một số nhà có tivi ở dãy tập thể của mình và mùa hè năm đó bố mẹ mình cũng cố gắng mua một chiếc tivi đen trắng cho cái chân chạy là mình đỡ buổi tối phải nhảy khắp nơi xem nhờ ti vi :))

Cái vụ đi xem tivi nhờ cũng hay các bạn ạ. Mình nhớ nhất là mỗi buổi tối thứ bảy, trên chương trình sân khấu của Truyền hình Việt Nam đều chiếu một vở sân khấu nào đó, hoặc là kịch nói, tuồng, chèo hay cải lương.

Bọn trẻ con mình tối đó sẽ không chơi nghịch muộn nữa mà dừng sớm để rủ nhau qua nhà hàng xóm ở dãy đằng sau xem. Nàng Sita, Đồng tiền Vạn Lịch là những vở mình nhớ nhất hay các nghệ sĩ rất quen mặt trên màn ảnh như Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Minh Vương, Lệ Thuỷ…

Chỉ có điều là đi xem sân khấu nhờ, lúc đến nhà gia đình có tivi thì đứa trẻ nào cũng háo hức, tranh thủ đến sớm để giành chỗ ngồi trên đầu cho dễ xem nhưng giỏi lắm gần như đứa nào cũng chỉ theo dõi được đến một nửa hay 2/3 vở diễn là đã lăn quay ra …ngủ :)).

Đến khi kết thúc rồi, các cô các chú phải làm nhiệm vụ lay mãi thì cái lũ trẻ nghịch như thần mới choàng tỉnh dậy, mặt vẫn ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở mà vẫn đủ tỉnh táo để hỏi được những câu rất ngây thơ …cụ kiểu như: Sao mọi người lại để cháu ngủ mà không gọi cháu dậy xem? :)), và niềm tiếc nuối còn được thể hiện bằng việc phải hỏi cho ra lẽ cái kết của vở kịch đó là như thế nào rồi mới lò dò về nhà.

Khiếp, thế nên nhà ai mà đến thời điểm sắm được cái tivi thì người mừng nhất là cái lũ trẻ con :)). Suốt ngày chúng sờ sờ mó mó, vặn cái này vẹo cái kia cho thoả chí tò mò. Ban đầu chỉ là tivi đen trắng thôi và rất hay bị mất sóng. Cứ mỗi lần thế lại ra cái cây tre sát cửa nhà, nơi treo bộ anten bắt sóng để điều chỉnh sao cho nó chỉ về hướng dễ tiếp nhận tín hiệu nhất.

Năm 1992, là năm lần đầu tiên mình được xem trực tiếp một trận bóng đá. Không hiểu gì nhiều mấy, nhưng vì đã nghe nhiều đến Hà Lan nên chỉ biết ủng hộ “Cơn lốc màu da cam” một cách rất vô tư. Lúc đó mình chỉ ấn tượng nhất đến mái đầu xoăn tít của anh chàng Gullit và hơi có chút buồn với thất bại của Hà Lan.

Năm 1994 thì nhà mình đã không còn ở khu tập thể chứa chan bao kỷ niệm nưã rồi. Ti vi lúc này đã phổ biến hơn, gần như nhà nào quanh mình cũng đã sắm cho mình được một chiếc tivi đen trắng. World Cup năm đó diễn ra ở Mỹ, một đất nước không mấy mặn mà với môn thể thao Vua và do lệch múi giờ nên nhiều trận đấu năm đó diễn ra rất muộn theo giờ Việt Nam.

Nhưng dù phải thức dậy lúc 2, 3 giờ sáng mà có Hà Lan đá thì mình cũng vẫn vô tư. Đồng hồ báo thức chỉ cần reng lên một tiếng là đã bật ngay dậy, mắt mở thao láo chăm chú theo dõi không lơ là một giây.

Hà Lan năm đó có Dennis Berkamp rất nổi cùng hai anh em sinh đôi là Frank và Ronald de Boer và nhiều các cầu thủ tài năng khác. Nhưng cũng như rất nhiều lần trước đó, họ chỉ đi đến được đến tứ kết thì phải dừng lại.

Với mình, Hà Lan dừng có nghĩa là World Cup cũng dừng :)), không làm sao lấy được cảm hứng xem bóng đá tiếp nữa, ai vô địch cũng rứa cả thôi :)).

Năm 1996, thằng em trai mình cũng đã lớn, 10 tuổi, và vì vậy cũng đã biết xem bóng đá. Chả hiểu sao, bằng cách nào đó có lẽ là do huyết thống nên nó cũng si mê Hà Lan như mình dù mình không hề dụ dỗ nó:)). Xem bóng đá với mình, lúc này đã vui hơn nhiều vì có nó ngồi xem bên cạnh.

Cũng như mình, không có trận Hà Lan nào mà nó bỏ.

Bóng đá là một bộ môn tập thể cho nên khi thưởng thức nếu theo kiểu tập thể (ít nhất 2 ngừoi cũng được coi là số nhiều, mà nhiều hơn đến 200 người thì càng tuyệt, hay hơn nữa là 20.000 người thì độ bùng nổ mới gọi là đã, tức là xem trực tiếp trên sân vận động ấy) lại càng say mê.

Mình và nó vừa xem vừa bàn luận và dự đoán đủ thứ trên sân đấu. Mẹ mình cũng rất tâm lý, hôm nào mà biết chị em xem bóng đá là cũng luộc một nồi lạc sẵn để lũ con khi xem bóng có mồi nhấm nháp :)).

Tháng sáu, tháng của mùa bóng đá và cũng là tháng của mùa lạc!

Giờ bóng lăn hay diễn ra vào đêm khuya nên dễ đói, có thể làm giảm sút chất lượng xem :)) nên tốt nhất là phải chuẩn bị trước đồ ăn cho đảm bảm sự tập trung và đủ sức mà hú hét, nhảy múa cho thoả niềm đam mê!

Thế nhưng, hai chị em lại tiu nghỉu vì Hà Lan cũng chỉ đi đến tứ kết. Đội tuyển Đức vô địch, mình nhớ lần đầu tiên mình nghe đến biệt danh “cỗ xe tăng Đức”.

Năm 1998, World Cup tổ chức tại Pháp. Năm đó, âm nhạc của World Cup tại Pháp gây ấn tượng mạnh vì bài hát sôi động, đầy tinh thần bóng đá “The Cup of Life” của ca sĩ người Latin Ricky Martin. Sau “Mùa hè Italia 90” thì đây có lẽ là bài hát về bóng đá được nhiều người yêu thích nhất.

1998, mình học lớp 11 và lớp mình cấp ba cũng có một bạn nữ si mê đội tuyển Hà Lan y như mình, thậm chí mình nghĩ còn hơn cả mình. Bạn  có nhiều chiếc áo màu da cam, cả quần nữa, để diện cho đúng với màu sắc của đội tuyển của thứ bóng đá đẹp này.

Mình không biết bạn có xem tất cả các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ giải World Cup không hay chỉ xem mỗi đội tuyển Hà Lan như mình, nhưng không quan trọng, cứ có người cùng sở thích như mình là đã vui lắm rồi.

Cứ mỗi lần Hà Lan thắng là chúng mình vui như địa chủ được mùa mà Hà Lan thua thì chúng mình có thể khóc được. Buồn phải mất mấy ngày sau.

Năm 1998, Hà Lan cũng được nhận định là rất mạnh. Họ có nhiều cầu thủ làm mưa làm gió ở giải Ngoại hạng Anh. Tuy vậy, bất chấp điều đó, bất chấp họ luôn có vô số các cầu thủ cực kỳ tài năng, và đội ngũ cổ động viên đông đảo và cuồng si bậc nhất châu Âu thì họ cũng luôn bị dừng lại trước bao nhiêu nỗi tiếc nuối.

Một trong những nguyên nhân được các nhà phân tích đưa ra là tinh thần thi đấu của tuyển Hà Lan không mấy khi ở trạng thái tốt do những mâu thuẫn, lục đục nội bộ bên trong đội bóng. Họ là đội tuyển gồm nhiều cá nhân giỏi, nhưng thiếu đoàn kết. Các ngôi sao thường mang cái tôi cá nhân rất cao vào mỗi trận đấu.

Mà một môn chơi mang tính tập thể như bóng đá, rất khó có thể đạt được danh hiệu đỉnh cao nếu không có sự đoàn kết của mỗi thành viên trong đội tuyển.

Sức mạnh của đoàn kết, có lẽ không chỉ đúng trong bóng đá.

Những năm 2000 trở đi, mình đã lớn và rời xa nhà từ đó. Niềm say mê xem bóng đá cùng đội tuyển Hà Lan không hiểu sao càng ngày càng vơi. Mình ít xem bóng đá hẳn và trong hai chục năm gần đây thì giải đấu duy nhất mà mình xem là giải mà tuyển Việt Nam thi đấu ở Thường Châu, Trung Quốc.

Bóng đá, với mình, có lẽ chỉ là môn thể thao của một thời thanh xuân xa xăm!

P/S: Tuy vậy, khi viết xong bài này tự dưng mình lại có ý nghĩ xem trở lại bóng đá, với Hà Lan một thuở, ở Euro 2024.
Mùa hè 2024, có ai đã từng yêu thích đội tuyển Hà Lan như mình ?

Và trong đôi mắt bạn

Khát khao chiến thắng

Một mùa hè

Thêm một cuộc phiêu lưu nữa

(Mùa hè Italia – Un’estate italiana)

June 17, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.22

by Rose & Cactus June 16, 2024

Một trưa hè trôi êm trôi êm

(Hoàng Phương)

Ngày trước khi còn đang tại ngũ (đơn vị của bố đóng quân trong Tây Nguyên) mỗi năm bố mình hay có những chuyến về phép khoảng vài tuần, hoặc là vào dịp Tết hoặc là vào dịp hè.

Mỗi lần bố về trong bao lô bao giờ cũng có vài cuốn băng casset, toàn là nhạc vàng: Tuấn Vũ, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Khánh Ly… sau này thì có Bảo Yến, Ngọc Sơn.

Vì bố rất mê nghe nhạc, cứ ở nhà là kiểu gì cũng phải mở nhạc. Nên mình cũng mê theo, những bài hát buồn buồn chầm chậm ý, mình thích gọi nó là nhạc vàng (giờ thì người ta kêu nó là bolero).

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn

(Thanh Sơn)

Mình nhớ một trưa hè nào đó mới tí tuổi đầu :)), mình đã nghêu ngao hát suốt mấy câu trong “nỗi buồn hoa phượng”. Buổi trưa nắng chang, dưới gốc mít nhà bác Đáp, sau khi đã nghịch đủ mọi trò chán chê, thấm mệt thì chúng mình ngồi phịch xuống nền đất.

Lúc này, mỗi đứa tuỳ nghi làm cái gì thì tuỳ thích. Mình thì hát vơ vẩn cái bài hát trên vì nó có trong cái băng mới nhất mà bố mang về, hát thì cứ hát chứ chả nghĩ gì mấy đến nội dung của nó. Chỉ đơn giản là ở nhà nghe nhiều quá nên loáng cái là đã thuộc lời lòng lòng và giai điệu hay quá nên cứ quanh quẩn trong đầu

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn

(Thanh Sơn)

Mùa hè, thời điểm nào trong ngày mà bạn nghĩ là “hè” nhất? Sáng, trưa, chiều, tối, hay đêm? Có lẽ không có đáp án nào chung cả vì cảm nhận mỗi người mỗi khác

Sáng (sớm) hè có lẽ là thời điểm dễ chịu nhất vì thời tiết tương đối mát mẻ, trong lành nên vào mùa hè chúng ta dạy rất sớm. Mình từ hôm về quê chả hiểu sao 4h sáng đã mở mắt, cảm giác không thể ngủ thêm được nữa.

Thôi, không ngủ được tốt nhất là mò dậy, nằm ườn chỉ tổ đau lưng :)). Mở cửa ban công, mình đã cảm nhận ngay được luồng khí mát của buổi sớm.

Đêm qua mưa nhỏ,

ở mức đủ để làm mặt đường hằn lên những vết tối sẫm của thứ chất lỏng rơi xuống từ trên trời. Nước mưa!

và không làm nát mấy chậu hoa nhỏ bé nép mình bên thanh chắn trong sân ban công nhỏ

Tiếng chim hót có lẽ vọng lại từ khu vườn sau, ríu rít. Sau mấy ngày oi bức, tuy chẳng vì có nắng mà làm ra cái kiểu thời tiết như vậy. Thì nay trời đã lại xìu xìu ển ển, xập xìu nửa muốn tiếp tục cơn mưa ban đêm nửa vẫn còn như đang luyến tiếc trạng thái mây mù.

Bởi vậy nên khá là khó khịu!

Thế còn chiều hè ?

Nóng lắm, không thì cũng nắng vỡ đầu. Nhà ai mà hướng tây nữa thì đúng là cơ khổ vì ánh nắng cứ nhằm thẳng vào giữa nhà mà hành gia chủ.

Thế nên xưa kia trước cửa những ngôi nhà  đón đúng hướng mặt trời lặn này thường người ta làm một cái mành treo, để đến quá giờ trưa một chút thì tấm khiên chắn những tia tử ngoại gay gắt sẽ được buông xuống. Thế mà chả hết bức bối được, nên tốt nhất chạy ra giếng mà làm vài gàu nước dội vào người cho nó hạ hoả (nghĩa đen).

Ban tối thì sao?

7 giờ trời vẫn còn sáng như ban ngày, phải đến gần tiếng sau mới cảm giác bóng tối chạy đến đích.

Nóng đến chả buồn ăn.

Trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể có khi giờ đó mẹ mới dọn cơm ra cái hiên hè. Không một cơn gió, điện tối mờ, chỉ thấy một màu đỏ loét của sợi dây tóc mỏng manh. Điện yếu đến nỗi cánh quạt không đủ sức mà quay, mà chỉ lờ đờ chuyển động nấy lệ.

Âm thanh phành phạch của chiếc quạt nan trên tay mẹ hoà với tiếng bát tiếng thìa kêu leng keng. Và tiếng húp canh sùm sụp của lũ trẻ, mồng tơi rau đay hoặc rau muống dầm sấm.

Hè chỉ có mấy loại nước rau này mới có thể nuốt trôi cơm. Cơm của thời gạo cũ, vừa khô vừa cứng, và rất dễ bị thiu.

Nên mong đêm lắm,

Đêm hè, trăng sáng, trời cao và chằng chịt sao

Một vài cơn gió thưa thớt tuy không thể đẩy lùi hoàn toàn sự oi bức thì cũng giúp cảm giác  ngột ngạt giảm đi phần nào.

Mất điện chả có gì làm thì nằm dài trên hiên mà nhìn lên bầu trời đầy sao và nghĩ về

Giấc mộng đêm hè,

Chả phải đến khi Shakespear lấy tựa đề này làm nhan đề cho một vở kịch của ông thì ngừoi ta mới chủ ý đến đêm hè như là một thời điểm mang đầy cảm hứng có tính thi ca.

Mà có lẽ đã từ rất lâu rồi đêm hè đã được coi là khoảng thời gian của tình yêu và tuổi trẻ

Dù cho, đêm hè nóng chứ không mát như đêm thu, ngắn chứ không dài như đêm thu.

Và vì đêm hè ngắn ngủi nên luôn gợi nhiều niềm tiếc nuối, khi ta còn trẻ

Summertime sadness

Tên một bài hát nổi tiếng của Lana Del Rey, da diết và buồn bã, như một giấc mộng, trong đêm hè

I got my red dress on tonight

Dancin’ in the dark, in the pale moonlight

Done my hair up real big, beauty queen style

High heels off, I’m feelin’ alive

-Cô ơi, vậy thì trong mùa hè cô viết một series về giấc mông đêm hè nữa đi!Lâu rồi không thấy cô viết cái gì dài dài :))

-Cảm ơn các cháu, các cháu đợi năm sau nhé, vì nó hơi mất thời gian, giờ cô phải đang bận viết tiểu thuyết…. ngôn tình :))

(ngôn tình là nói vui theo ngôn ngữ giới trẻ thôi, chứ tiểu thuyết nào mà không có ít nhiều yếu tố tình yêu phải không các bạn?)

Nhưng mà mình đang nói về trưa hè cơ mà nhỉ ?

Trưa hè, thường ngoài đường vắng lắm, chẳng ai dại mà ra đường vào ban trưa, chỉ trừ khi là có việc.

Trưa hè, mẹ con mình đi bộ qua những con đường trung tâm thành phố, từ nhà hát vừa là nơi diễn ra vở kịch của soạn giả Lưu Quang Vũ. Thành phố trực thuộc tỉnh, người không quá đông và đất thì lại rộng nên đường sá và các công trình công cộng rất rộng rãi, thoáng mát.

Bạn có thể bắt gặp rất nhiều các thành phố nhỏ xinh như thế ở khắp mọi miền từ Sóc Trăng, Mỹ Tho đến Quy Nhơn, Vinh hay là Nam Định, Việt Trì…

Buổi trưa, chỉ có hàng quán là mở chứ các đơn vị hành chính sự nghiệp phải đóng cửa để nghỉ ngơi. Hai mẹ con đi bộ đúng đến thư viện tỉnh thì chưa đến giờ làm việc chiều, đành nhìn khu nhà rợp bóng cây mát mẻ từ bên ngoài. Ý định tìm đọc mấy cuốn sách về lịch sử và địa lý các vùng và danh lam của tình nhà phá sản, đành hẹn lại vào hôm sau.

Từ quán cà phê nhỏ xinh bên kia phố bỗng vẳng lại giọng ca trầm ấm của ca sĩ mà mình cũng rất yêu thích, Bảo Yến:

Một trưa hè trôi êm trôi êm

Trên sóng biển chiều nào chung bước

Biển xanh xanh trời xanh màu ngọc bích

Cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau

June 16, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.21

by Rose & Cactus June 14, 2024

Những ngày ngột ngạt những ngày mong mưa
Mồ hôi chảy ròng ròng trên trán

(Lưu Quang Vũ)

Trưa hè,

Hai mẹ con bước ra từ một nhà hát ở trung tâm thành phố, sau khi xem xong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của cố soạn giả tài ba Lưu Quang Vũ, trong khuôn khổ một liên hoan sân khấu được tổ chức tại quê mình.

Tác phẩm này con đã được học trong chương trình phổ thông ở trường nên khi xem kịch con có cơ hội thẩm thấu sâu hơn và có vẻ hào hứng: “Mẹ nhớ nhé, vào Sài Gòn mình sẽ thử đi xem trực tiếp một vở cải lương”.

Sân khấu có cái hay riêng so với phim chiếu rạp ở chỗ vì các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp ngay trước mặt khán giản nên cho mình cảm giác vở diễn gần và chân thực hơn.

Chắc cũng là duyên sao đó vì dù mình không thường xuyên đi xem kịch (nói đúng hơn là rất ít, số lần chỉ đếm trên đầu ngón tay) nhưng gần như lần nào cũng rơi vào một tác phẩm nào đó của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ.

Và thật sự, không lần nào mà các vở do ông viết làm mình thất vọng (nói câu này mình nghĩ là thừa với một người quá xuất sắc như ông).

Vở nào khi đang xem và xem xong cũng làm mình dâng tràn lên những cảm xúc, vừa day dứt ám ảnh vừa xúc động đến rơi nước mắt. Bởi vì dù có phản ánh hiện thực cuộc sống một cách trần trụi và đau đớn thế nào thì cuối cùng cái kết của mỗi tác phẩm vẫn luôn chứa đựng những thông điệp nhân văn sâu sắc:

Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa

Tạị sao cây táo lại nở hoa

(Lưu Quang Vũ)

Trong kết thúc của “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”, Trương Ba đã từ chối cơ hội được sống tiếp với linh hồn của mình nhưng ký thác vào thân xác của người khác.

Bởi vì, ông không hề hạnh phúc với một cuộc sống như thế, một cuộc sống mà cái vỏ bên ngoài đã lấn át và dần lấy hết đi những phẩm chất tốt đẹp bên trong con người ông. “Sống như thế thì khác gì sống mà như chết”.

Không, nếu thật sự là sống thì ông muốn sống một cách toàn vẹn với tất cả thể xác và linh hồn mình, để ông mãi vẫn được là chính ông. Bằng không, thì hãy để linh hồn ông cùng chôn vùi theo thể xác, dưới lòng đất mẹ.

Trương Ba chết đi, nhưng một em bé đã được ông cầu cứu Đế Thích làm phép màu cho em sống lại. Thông qua ước nguyện Trương Ba, Lưu Quang Vũ dường như còn muốn nhắn nhủ rằng trẻ em chính là những mầm non, những cây giống quý trong  một khu vườn. Trẻ em cần được yêu thương, nuôi dưỡng và dành những điều ưu tiên ở mức cao nhất trong mọi sự lựa chọn.

Xem xong vở kịch mà con khen là đã cho còn nhiều cảm xúc, và con đã cảm hứng mà sáng tác liền ngay một bài thơ  sau đó, mang tựa “Những ngôi sao rực cháy” (Burning stars).

Con có niềm say mê với việc sáng tác các bài thơ và truyện bằng tiếng Anh, một cách tự nhiên như tiếng mẹ đẻ. Ước mơ của con sau này là làm dịch giả hay biên phiên dịch tiếng Anh. Con rất thích được phiên dịch trực tiếp, kiểu phiên dịch cabin.

Mẹ chúc con sẽ đạt được niềm mơ ước của mình, bởi được làm những gì mình, chọn được công việc mình yêu thích thật không còn điều gì vui hơn.

Burning stars

By Lam Giang

 

Everything was simple when you were young

All you had to do was being yourself

Running, laughing, screaming at the top of your lungs

And whenever you cried, you received help

 

 I’m not half as loud as I used to be

Yet scorching screaming can still be heard within me

 Begging my self-contemplating thoughts to let me be

While my unconcious mind keeps creating images that no one else can see

 

 I once heard a quote saying,

“Only in death could your mind and soul be set free”

I wonder if it’s because when you’re dying

Your mind goes back to when you were a child

With playful, innocent thoughts; acting wild and freely

We all reach the same destination after all, don’t we?

 

Everything in this world comes with a price

The more you grow up, the higher the price

Only children have the brightest smiles

Since the youngest stars are the ones which truly shine

(14.06.2024)

Chiều hè,

17h30 trời vẫn sáng trưng. Thời tiết nóng, oi nồng và bức bối.

Mình lấy cái xe đạp cũ của mẹ, leo lên và phóng xuống nhà thằng cháu đón nó lên ăn cơm tối. Không ngờ cái con đường tưởng như hoàn toàn bằng phẳng nhà mình khi đi xe đạp mình mới cảm nhận được hoá ra nó vẫn còn dính lại một chút gốc tích là một con dốc.

Bằng chứng là xe lao nhanh hơn do có độ nghiêng của mặt đường, dù là rất nhỏ. Cảm giác lúc đó thích ghê, gió thổi tung bay tóc, gió phả vào mặt, vào tay chân. Mùa hạ đang ở đó mà cũng như đang biến mất. Tuổi trẻ đã đi qua mà lại như đang trở lại

Nhớ khi xưa bao mộng mơ,
Trên chiếc xe đạp cũ,

(Ngọc Lễ)

Ngày xưa, chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch mà bọn học sinh chúng mình cứ lao đi khắp nơi. Trưa hè nắng nóng hay mưa đông rét buốt. Đạp xe ngoài trời, với nắng, với gió, với tất cả sự hoang dã và tự do.

Giờ đây, chân đi đã mỏi, tóc đã pha sương nên mình không thể nào đạt được tốc độ trên đường bằng như trước kia nữa. Đi chậm, lại có cái hay, mình sẽ nhìn thấy rõ hơn mọi vật trôi qua, trôi qua như một cuốn băng tua lại.

Cánh đồng ngay dứoi ngã tư giờ đây không còn nữa, một khu dân cư đông đúc với nhiều quán ăn đã mọc lên thay thế.

Vạt đồi nhỏ với con dốc dài dẫn lên cao tới một ngôi nhà nhỏ đã được san phẳng, một ngôi nhà lớn hơn đã thay thế.

Một vài cây cổ thụ già, cành lá xum xuê ngay cái hồ lớn thuộc sở hữu của nhà nước thì vẫn còn.

Ven hồ, một luống hoa đủ màu sắc tím, vàng, đỏ chạy dài theo chiều dọc của con đường.

Hoa và cây cứ xanh mát như thế cho đến cây hoa giấy nở hoa tím ngắt là đến nhà nhỏ cháu

-Bác mở nhạc nhà con mà nghe, âm thanh hay lắm”

-Nhưng bác không biết cách mở :))

-Đây để con dạy cho, bác phải bấm thế này này, đấy bấm nút này xong bấm nút này là được

-Uh nhỉ, dễ thế mà bác cũng chẳng biết

-Bác không biết thì con dạy cho bác biết

:))

Sáu giờ, mình và cháu, mỗi người mỗi xe, lại thư thả đạp về nhà mẹ mình. Cháu đi trước, bác theo sau

Mặt trời đã lặn từ lâu, ve không thấy kêu, nhưng cái nóng vẫn nặng trịch.

Áo thằng bé đãm mồ hôi dù lúc đó không phải là trưa hè

Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè

(Ngọc Lễ)

June 14, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.20

by Rose & Cactus June 13, 2024

Ai dậy sớm

Chạy lên đồi

(Võ Quảng)

Một trong những đặc điểm nổi bật của mùa hè là ngày dài và đêm ngắn. Hơn bốn giờ sáng bóng tối đã có dấu hiệu rút về phía sau, nữ thần bình minh Eos xinh đẹp khẽ bừng tỉnh. Nàng chỉ chải đầu và rửa mặt chốc lát là trên khắp thế gian loài người đã có đủ ánh sáng tự nhiên cho những sự khởi động tràn đầy năng lượng đón chào một ngày mới.

Xưa kia, một  hoạt động thường diễn ra vào sáng sớm là đi chợ. Tuy vậy, ngày nay với sự phát triển vượt bậc của nền sản xuất, thương mại và công nghệ, đi chợ (thuần tuý để mua bán hàng hoá về tiêu dùng cho hộ gia đình) từ lúc còn tinh mơ, dần dần trở nên không cần thiết .

Với mình, những chuyến đi chợ với bà ngoại lúc còn nhỏ, khi trên bầu trời hẵn còn sáng ánh trăng luôn là một hành trình rất thú vị. Lúc ấy,  cảnh vật và con ngừoi đang ở vào thời khắc chuyển đổi: Đêm và Ngày; Ngủ và Thức; Nằm im và Chuyển động trong:

một mùa hạ oi bức.

Mờ sáng, từ xa tới gần, râm ran tiếng gáy của những chú gà trống, có vẻ bắt đầu từ những ngôi nhà nép dứoi chân đồi bên kia dòng suối rồi dần loang ra cả cái thung lũng nhỏ. Và những chú gà trống nhà bà không thể đứng ngoài bản hoà ca ban mai ấy, chúng cất lên những tiếng gáy vừa dõng dạc lại vừa khoẻ khoắn, thì cũng là lúc bà mình lục tục trở dậy.

Rất nhanh chóng, bà chuẩn bị đồ lề cho chuyến đi, một đôi quanh gánh với hai cái sọt mà trong đó chỉ là những sản vật vườn nhà: Mấy mớ rau, mấy quả mướp, vài ba quả chanh, mấy củ khoai từ và thi thoảng là một quả mít vừa chín.

Đấy là những hôm bà bán hàng, còn nếu hôm nào không bán mà bà chỉ đơn giản là đi chợ mua đồ thì chỉ cần một cái thúng nhỏ. Vật nữa không thể thiếu là chiếc nón, và tất nhiên, cụ không bao giờ quên thay chiếc quần lụa đen trông có vẻ mới và bóng hơn cái mà cụ đang mặc, cả áo cũng thế! Ai bảo các cụ già không biết điệu nào ?

Sau khi tinh tươm hết thì bà sẽ gọi mình dậy, đó là những hôm mà mình đòi đi chợ với bà. Tỉ tê từ tối hôm trước cơ, rằng mai bà đi chợ thì cho cháu đi với nhé!

Ông mình lúc đó, tất nhiên, cũng đã dậy từ lâu rồi. Mình chạy xuống bếp, nơi ông đang nhóm lửa đun nước, chào ông và lon ton đuổi theo bà đã đi quá gốc na đầu cổng.

Bầu trời buổi sớm mùa hạ cao và tĩnh với nhiều mảng màu đối lập đan xen nhau: trắng, xám, xanh, hồng. Mây mỏng như khói chiều, trắng muốt một màu của thứ bông hảo hạng để lấy sợi. Có lúc mây đứng yên, có lúc lại như đang đi dạo nhờ lực đẩy của một làn gió thoảng.

Trăng và những vì sao rơi rớt lại từ đêm hẵng còn lưu luyến bầu trời lắm, và có lẽ cả với mặt đất. Trăng lúc này đã yếu ớt rồi, nhưng vẻ mỏng manh của nó vẫn đủ sức làm lấp lánh mặt nước của dòng suối nhỏ.

Con suối chảy qua ngay trước mặt nhà bà mình. Dòng suối trong vắt, như một dải lụa uốn quanh thung lũng nhỏ. Thung lũng nằm lọt thỏm giữa những quả đồi thấp. Ven hai bên bờ suối là những cánh đồng lúa đang được nhuộm vàng bởi những đòng lúa chín.

Bạn rất dễ hình dung địa hình của nó nếu bạn đã từng đi Tam Cốc – Bích Động. Một vẻ đẹp nên thơ của sơn thuỷ hữu tình!

Vẻ đẹp đó không hề bị mất đi dù dứoi ánh sáng lờ mờ. Chỉ tiếc là, dòng suối ở thời của mình đã tương đối ô nhiễm vì nước thải công nghiệp.

Hai bà cháu băng qua cây cầu xíu xiu chỉ dài khoảng hơn 5m bắc qua con suối.

Cái cầu nhỏ, nằm sát sạt mặt nước. Mỗi một cơn mưa mùa hạ chỉ vài tiếng cũng đủ để nhấn chìm, không còn có thể nhìn thấy. Còn trong những đợt mưa dai dẳng ngày đêm thì khỏi nói, bạn đừng dại mà băng qua vì có thể sẽ bị dòng nước cuốn trôi!

Khi các điều kiện ngoại cảnh đủ lớn, thì chỉ một con nước nhỏ cũng có thể biến thành những đợt sóng thần ngoài đại dương mênh mông.

Qua cầu, bà và mình bước lên một con đường đất nhỏ. Chỉ một đoạn ngắn là tới một con dốc cao để lên đồi. Đoạn dốc hẹp, có những khúc bị lõm hẳn xuống như một khe hở có thể làm khó cho những người đi xe (đạp), rất dễ bánh xe rơi lọt thỏm vào đó, cứng ngắc, chỉ còn cách là xuống xe mà dẫn bộ.

Còn với những người đi bộ như bà cháu mình thì hoá lại là điều hay vì nó lại tạo ra những chỗ bám chắc chắn để lấy đà trèo tiếp lên dốc, khi đã có chút mỏi chân.

Giống như khi bạn trèo cây vậy, dễ hay khó là tuỳ thuộc vào số lượng và vị trí của những cái trạc (cành đâm ngang) mà cây đó mang.

Mình thích trèo nhãn là vì có nhiều trạc mà bám vào, chứ bảo mình trèo dừa thì bó tay :)). Cây dừa cứ thẳng đuột thế  thực sự rất khó leo và khó cỡ vậy mà vẫn leo được thì chỉ có thể là chuyên gia miệt vườn thôi!

Chỗ đoạn này có một cái giếng rộng, một công trình tập thể của một đơn vị nào đó và nó nổi tiếng đến mức mà thường xuyên có trong các câu chuyện kể về đêm của bà mình. Câu chuyện buồn lắm, là vào một đêm trăng thanh gió mát nào đó của một năm đầu thập kỷ 60, có một người con gái tuổi mới đôi mươi, và đẹp như chị Hằng, đã gieo mình xuống giếng tự vẫn. Nàng quyên sinh vì tình.

Người ta khóc thương nàng dại dột và khờ khạo, và tiếc cho một kiếp người qúa ngắn ngủi. Nhưng cũng từ đó có bao điều ma mị được thêu dệt nên quanh khu vực từ dòng suối đến chỗ cái giếng ngay dưới chân con dốc.

Kiểu như nếu đi qua đây những hôm trăng sáng (nhất là đêm rằm) hay những đêm mưa lạnh mùa đông là rất dễ gặp …ma :))

Mình thì lại nhát ma, dù là thần thích nghe kể chuyện ma :)) nhưng khi đi bên người bà bé nhỏ thì tự dưng lại không cảm thấy quá sợ hãi. Bà nhỏ bé, không phải là mẫu phụ nữ đảm việc nhà, hay cằn nhằn nhưng lại rất thương người và rộng rãi.

Thấy ai khổ khổ là lại rủ lòng thương, có bao nhiêu trong túi cũng dốc cho hết. Bà sợ sấm sét mùa hạ nhưng lại hoàn toàn không sợ ma. Đêm tối hoang vu, dù chốn đồng không mông quạnh hay âm u núi rừng bà vẫn một mình băng đi không một chút run sợ.

Khi hai bà cháu lên đến đỉnh dốc đồi thì ánh trăng mờ dần, chỉ còn là một mảnh nhỏ xíu như móc câu treo trên nền trời thăm thẳm.

Quả đồi cao và trải dài, bao bọc như vòng cung quanh một con đường vắt vẻo với một bên là sườn đồi, một bên là ruộng sâu. Biết bao lần trong đêm khuya mình cũng đã từng , cùng với mợ mình, băng qua khoảng tối rùng rợn này. Để sang nhà mẹ đẻ của mợ ngay sát chợ xem ti vi.

Đêm tối, dãy đồi trập trùng như một khối sắt đen sì khổng lồ chỉ trực nuốt lấy những con người bé nhỏ đi ngang nó.

Vào ban đêm, khi đứng trước mặt biển, bạn cảm thấy thiên nhiên mênh mông và bí ấn và đầy tính thần thoại thế nào thì khi bị án ngữ trước mặt một rặng núi cao bạn cũng sẽ bắt gặp lại cảm giác đó.

Núi cao và biển sâu luôn chứa đựng trong đó muôn vàn những điều kỳ bí mà ngay cả khoa học hiện đại ngày nay cũng chưa thể lý giải một cách thuyết phục.

Hai bà cháu, một già, một nhỏ xíu, vẫn cứ thoăn thoắt bước, thi thoảng nói chuyện rôm rả, thi thoảng lại im lặng. Hai chiếc bóng mỏng mảnh đổ dài trên nền đất ngoằng nghoèo cho đến khi:

Trời sáng dần,

Trăng lặn và sao biến mất hoàn toàn.

Màu xanh của núi đồi đậm lên, màu xanh của bầu trời đậm lên.

Ông mặt trời đã thức, toả những tia nắng mùa hạ trong suốt và tinh khiết như nắng thuỷ tinh lên những cánh đồng lúa chín.

Một màu vàng trải khắp đến tận cổng ngôi chợ chỉ họp chốc lát vào buổi sáng

Những mái lợp bằng rạ vàng óng, nhấp nhô phía trước là chỉ dấu cho biết bà và mình chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi là đã đến với thế giới của sản vật đồng quê, linh hồn của những ngôi làng truyền thống Việt!

Đi chợ sớm mai với bà là cả một ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp mà vẫn còn có thể được kể những chương dài

Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón!

(Võ Quảng)

June 13, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.19

by Rose & Cactus June 11, 2024
Từ hôm mình về quê đến giờ, đã 10 ngày, mà không hôm nào trời không mưa, một tháng sáu hơi khác biệt so với nhiều tháng sáu của kỳ nghỉ hè của mình ở quê thời gian gần đây, vì những đợt trước lần nào về cũng va phải tháng 6 nóng như nung.
 
Tháng sáu,
Mưa
Mưa
Giá trời đừng mưa
(Đỗ Trung Quân)
 
Nhưng “giá” nhà bác hàng xóm đối diện bán hết rồi, nên mưa cũng phải xách xe chạy ra chợ mua, để về xào với mướp và lòng gà :)).
 
Trời mát, mẹ lại có món ăn “thủng nồi trôi dế” là gà rang gừng, nghệ vàng ruộm. Kèm theo rau muống luộc dầm sấu và mấy quả cà pháo thì thôi khỏi cần nói, ai mà ngồi đầu nồi cứ là phải đơm cơm sái cả tay:))
 
Có “giá” hay không thì trời cũng cứ mưa :)).
 
Lạ thật, buổi chiều trời đã hơi hửng nắng, cái nắng dịu nhẹ rõ là ưa. Cái nắng thanh, nửa trắng nửa vàng trên nền nhiệt độ của mùa thu (bởi những đợt mưa kéo dài khiến tiết trời mát mẻ), những cơn gió cũng hiu hiu của mùa thu.
 
Thế mà, trong chốc lát, dường như chỉ đủ để có chút làm hài lòng người con xa quê, nắng bỗng tắt lịm.
 
Gió tăng tốc và mây được gửi đi tham dự vũ hội hoá trang.
 
Trời tối sầm!
 
Từ phía đường chân trời, loé lên những ánh chớp sắc lạnh. Chớp ngang dọc thoắt ẩn thoắt hiện tựa hồ những nhát kiếm vun vút của những đấu sĩ thách đấu thời trung cổ.
 
Chỉ một lúc sau, những âm thanh trầm đục vang lên đánh thức những người đang gà gật.
 
Sấm!
 
Bầu trời trở về thuở còn hồng hoang: Sấm nổ ầm ầm, sét giật đanh thép,
Những vệt sáng loá rớt đứng từ trên cao. Hàng ngàn tia lửa điện chen chúc, xoắn xuýt, tạo thành những mảng chói loà cả một vùng trời.
 
Trong phút chốc, tưởng như, những mụ yêu tinh trong các câu chuyện cổ Grim đã đi vượt thời gian về với thời hiện đại, và chúng đang “khiêu vũ với bầy sói” trên khoảng không gian bao la vô cùng tận.
 
Chim xao xác, hoảng hốt kêu lên thất kinh.
Chó cụp tai, sủa nhặng xị, lao sâu vào gầm giường. Nằm im.
 
Dây phơi quần áo bật tưng tưng. Người thiếu nữ giật vội những thứ đồ vải phất phơ trên dây, nghe chừng vẫn còn ẩm sau nhiều ngày giặt. Và thở phào nhẹ nhõm vì cô đã kịp bước vào thành luỹ kiên cố trước khi đội quân tinh nhuệ của thần Zeus càn quét đến!
 
Mưa bắt đầu rơi lộp bộp!
 
Đến lượt đàn gà chạỵ toé loe tìm về nơi ẩn nấp. Tiếng chiếp chiếp của những con gà con tìm mẹ lạc cả đi trong bản giao hưởng dữ dội chiều mưa!
 
Sấm sét là một hiện tượng thiên nhiên thực sự đáng sợ!
 
Mình nhớ khi mình đã lớn lắm rồi hình như cũng mười bảy, mười tám tuổi, một chiều tháng Tám mình từ nhà ông ngoại minh về đến đoạn sân bóng Gang Thép mà bây giờ mặt ngoài của nó đã là một cái công viên cây xanh rất đẹp,
 
thì trời bỗng dưng xuất hiện sấm sét khan.
 
Tức là bầu trời vẫn quang đãng, hè đường vẫn còn rơi rớt một chút ánh nắng, mưa chưa hề có một giọt. Vậy mà trên đầu mình thần Sấm thần Sét chả biết giận ai đùng đùng nổi cơn thịnh nộ.
 
Không một ai nghĩ đến có sét khi trời vẫn nắng. Vậy nên càng sợ. Mình vừa gắng sức quay vòng xe thật nhanh vừa …hét lên, biết là chẳng để làm gì nhưng có cảm giác làm vậy tức là mình còn đang sống.
 
Vì con đường trống trải, hai bên chả có ngôi nhà nào, nên cứ nghĩ tiếng sấm và tia sét dội xuống tức là nó đang ập vào người mình.
 
Khiếp sợ thật sự! Về đến nhà mà vẫn chưa hết hoàn hồn!
 
Sợ là cũng phải thôi, vì năm nào chẳng có người thương vong vì sấm sét. Phần lớn hay rơi vào các bác nông dân đang làm việc ngoài đồng. Đồng không mông quạnh, chẳng phải là chiến địa ưa thích của những vị thần có thể mang lại cái chết này sao?
 
Bởi vậy, các chuyên gia đã khuyên trước cơn dông, mọi người cần dẹp bỏ hết mọi công việc ngoài trời lại và nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.
 
Mưa nặng hạt hơn, gió mạnh như bão.
Điện tắt phụt.
Sấm chớp vẫn nổ vang trời.
 
Ba bà cháu lại leo lên giường trong ánh nến leo lét, lại trăm thứ chuyện từ của người già đến của trẻ nhỏ.
 
Những câu chuyện đưa mọi người chìm vào giấc ngủ.
 
Trên mạn núi cao Hà Giang nghe nói nước đã dâng thành lũ thác, lớn nhất trong ba mươi năm gần đây.
Dưới mình, cơn mưa hung dữ trong đêm cũng gây lụt lội cho mấy huyện vùng đồng bằng.
 
Cảm giác tháng Sáu đã mon men đến cổng nhà của tháng kế tiếp nó rồi. Tháng bảy, miền Bắc, là mùa mưa bão!
 
Tháng sáu….
Trời buồn….
Lũ chim sẻ hiên nhà đi mất
(Đỗ Trung Quân)
 
Tháng sáu, trời buồn nên đổ lệ suốt!
Nếu có nắng lên thì chim sẻ có bay đi không? Mình không biết,
 
Nhưng mình biết nắng lên thì người sẽ phải ra khỏi nhà.
 
“Đã bấy lâu nay bác đến nhà”
 
Mình đang loay hoay lau cái bàn uống nước thì một ông cụ dắt chiếc xe đạp từ ngoài đường cứ ngó vào nhà.
Mình không nhận ra ai nhưng đoán là người quen của bố hoặc mẹ nên ra mời bác vào.
 
Mẹ từ dứoi bếp lên nhà, giới thiệu thì mình mới nhận ra đó là một đồng nghiệp cũ của mẹ.
Mấy chục năm rồi, trong trí nhớ mình vẫn hình dung bác ở tuổi trung niên với giọng nói sang sảng và nụ cười hồn hậu.
 
Thời gian khắc nghiệt, giờ đây trước mặt mình đã là ông cụ tuổi 80 với mái tóc bạc phơ. Cũng phải thôi, đứa trẻ nhỏ ngày nào là mình giờ đầu cũng đã hai thứ tóc.
 
Giọng nói của bác tuy đã yếu đi nhiều nhưng vẫn còn nhiệt huyết trẻ trung lắm. Ngồi nghe các mẹ và bác bàn luận chuyện đông chuyện tây, chuyện cũ chuyện mới mình mới thấy câu nói của các cụ xưa đúng quá “một già một trẻ bằng nhau”.
 
Người già cũng như đứa trẻ, cứ có bạn đến là gương mặt lại rạng ngời.
 
Lại nhớ thuở nào ở nhà ông ngoại mình cứ mỗi buổi sáng là hai ông cụ hàng xóm nhà gần đó lại sang chơi. Hôm nào mà không sang là biết hoặc các cụ có việc xa nhà hoặc là ốm đau rồi đấy.
 
Ngồi một lúc với nhau chỉ chén trà nóng với củ lạc luộc, và dăm ba câu chuyện vụn vặt nhưng không ai nghĩ đó lại chính là liều thuốc tinh thần vô giá cho sức khoẻ tuổi già, khó có một loại thuốc nào hữu hiệu bằng.
 
Bởi vậy xưa kia, ông bà mình lao động chân tay nhiều, đi bộ, làm vườn, gánh phân, tưới rau…nhưng cụ nào cũng sống đến gần chín mươi, trăm tuổi.
 
Gần như cả đời các cụ rất ít khi phải đi viện và họ mất vì tuổi già chứ không có bệnh tật gì nghiêm trọng về nội tạng cả.
mẹ tiếp bác đồng nghiệp cũ bằng trà nóng, món “hồn tuý” của vùng đất quê mình.
 
Mình cũng tự rót cho mình một chén, hương thơm ngọt ngào của chén trà sánh lên một màu vàng trong, làm ấm hệ hô hấp cho buổi sáng còn hơi hướng mưa lạnh.
 
Hương vị quê hương phảng phất khắp căn phòng nhỏ!
 
Ngay lập tức cây chè cổ thụ to lớn góc chân đồi nhà ông ngoại mình lại như hiện ra trước mắt mình!
 
từ một cây chè mình lại nghĩ đến
 
một đồi chè,
 
và một thung lũng chè xanh đẹp như tiên cảnh
 
ở vùng “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” 
 
Bồng bềnh, ớ, bồng bềnh
Chòng chành, ớ, chòng chành
 
Một vùng núi cao nước sâu
Thuyền trôi, thuyền trôi
Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo
(Phó Đức Phương)
 

Đồi chè Thái Nguyên Hình: Trần Đoàn Huy

Hẹn gặp các bạn ở loạt series sau về vùng “Một hồ nước đầy đắm say miệt mài”, vẫn trong “Hương mùa hè”
 
June 11, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
  • 1
  • …
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • …
  • 19

Bài viết mới nhất

  • Giọt nước mắt bay lên
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng
  • Những cơn gió của thiên đường
  • Tản mạn đầu Xuân
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

About Me

About Me

RosenKactus@gmail.com

Keep in touch

Facebook Twitter Instagram Pinterest Tumblr Youtube Bloglovin Snapchat

Bài viết nổi bật

  • Giọt nước mắt bay lên

    March 5, 2025
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng

    February 26, 2025
  • Những cơn gió của thiên đường

    February 19, 2025
  • Tản mạn đầu Xuân

    February 12, 2025
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

    February 5, 2025

Chuyên mục nổi bật

  • Cactus (19)
  • Film (8)
  • Rose (150)
  • Stories (15)
  • Uncategorized (2)

About me

banner
RosenKactus@gmail.com

Bài nổi bật

  • 1

    Tạm biệt 2023….. (1)

    December 28, 2023
  • 2

    Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (6)

    September 30, 2023
  • 3

    ….Xin chào 2024 (1)

    January 1, 2024
  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Youtube
  • Email
  • Tiktok

@2023 - All Right Reserved. Designed and Developed by YVS Digital


Back To Top
Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English