Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English
Tác giả

Rose & Cactus

Rose & Cactus

Rose

Hương mùa hè.18

by Rose & Cactus June 10, 2024

Mùa hè là mùa nhắc chúng ta về sự hồi sinh, tràn đầy năng lượng

Summer is the season that reminds us to come alive

(David G. Allan)
 
𝐍𝐠𝐚̀𝐲 𝐡𝐞̀
The Summer Day
By Mary Oliver
 
Ai đã tạo nên thế giới?
Ai đã tạo nên thiên nga, và gấu đen?
Ai đã tạo nên châu chấu?
Con châu chấu này, tôi muốn nói –
 
Nó đã búng thân mình lên khỏi đám cỏ cao,
nó đang gặm những hạt đường từ bàn tay tôi trao,
nó đang đưa quai hàm tới và lui thay vì lên và xuống –
nó đang quan sát xung quanh với đôi mắt tinh vi và to tướng.
 
Bây giờ nó lau khắp khuôn mặt bằng hai chân trước xanh xao.
Bây giờ nó giương đôi cánh mỏng và bay vút lên cao.
Tôi thực sự không biết gì nhiều về cầu nguyện.
 
Nhưng tôi biết làm thế nào để tập trung,
làm thế nào để quỳ gối và ngã mình lên bãi cỏ xanh,
làm thế nào để thảnh thơi và hạnh phúc,
làm thế nào để tản bộ qua những cánh đồng vào buổi sớm,
và đó là điều tôi vẫn thực hiện mỗi ngày.
 
Hãy nói cho tôi hay, tôi phải làm thêm gì nữa?
Chẳng phải mọi thứ rồi sẽ chết, và quá sớm hay sao?
Hãy nói cho tôi hay, anh đã lên những kế hoạch nào
cho cuộc đời của anh, một cuộc đời tự do và quý giá?
 
(Pháp Hoan dịch)
Mùa hè là cuộc sống. Và cuộc sống thì quý giá và hoang dã – và nó đang trôi qua quá nhanh.

(David G. Allan)

1.
Cuộc sống thật quý giá
 
Trời nóng, nhớp nháp và đôi khi nhàm chán. Cơn nóng giận có thể bùng phát. Mùa hè là một trạng thái của tâm trí. Dù chúng ta làm gì trong vài tháng đó, mùa hè vẫn cố định trong ý thức chung của chúng ta.
 
Đây là mùa mà nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất được tạo dựng; nó đóng vai trò chính trong cuộn phim nổi bật về tuổi thơ của chúng ta.

Tác giả Jenny Han viết: “Mọi điều tốt đẹp, mọi điều kỳ diệu đều xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8”.

Vì vậy, hãy đào sâu và tạo ra một số kỷ niệm mới, ngay cả khi kế hoạch của bạn không có gì to tát hơn là ngủ trưa, đọc sách ngoài trời, ngủ trong lều và thả mình trong hồ bơi.

Không phải ai cũng có đủ khả năng chi trả cho những chuyến đi thuyền buồm và kỳ nghỉ ở Caribe, nhưng nhiều thú vui lớn nhất của mùa hè rất đơn giản và không tốn kém.

Hãy tự hỏi nhà thơ đoạt giải Pulitzer Mary Oliver đã làm gì trong bài thơ “Ngày hè”: “Hãy nói cho tôi biết, bạn dự định làm gì với cuộc đời hoang dã và quý giá của mình?”

Về quê, mình dậy sớm (thực ra tuổi này ở đâu mà chả dậy sớm), không ngủ trưa và đọc sách bên khung cửa sổ gần ban công

(mình không nghĩ ngồi đọc sách dứoi ban công, dù là ban công không mái che là đọc sách ngoài trời :)), outdoor có nghĩa là phía bên ngoài của một toà nhà, ngồi đọc sách trong vườn hay trong công viên thì có nghĩa là đọc sách ngoài trời.

Mà vườn nhà mình thì không (chưa) có bộ bàn ghế, công viên thì hơi xa :)) nên thôi vậy, không outdoor thì indoor :)).
 
Mưa gió suốt thế này, nói như cô chị Ba của mình hôm qua, là, ví dụ một buổi sáng cuối tuần đi, chủ nhật chả hạn, thì cổ chỉ cần một tách cà phê Ban Mê thơm lừng, nóng hổi, một chút âm nhạc bập bùng và một câu chuyện nhẹ nhàng nào đó (tự kể, đọc qua sách hoặc bây giờ cổ muốn mình viết :)) thì cả hai vợ chổng cổ có thể ngồi bên nhau ngắm mưa rơi cả ngày được.
 
cứ lãng xờ mạn, lãng đãng hay lãng nhách như vậy nhé, bạn của tôi ơi,
 
vì cuộc sống thì quý giá,
𝐋𝐢𝐟𝐞 𝐢𝐬 𝐩𝐫𝐞𝐜𝐢𝐨𝐮𝐬!
 
2.
Cuộc sống là hoang dã và tự do 
 
Mùa hè tràn ngập những thú vui ngoài trời đơn giản, chẳng hạn như cảm giác nắng và gió trên tay và chân trần.
 
Mùa chứa đựng một loại hạnh phúc sinh ra từ những cuộc trốn chạy dưới bất kỳ hình thức nào. Nó có vị của rau củ nướng và trái cây chín tới mức chảy xuống cằm bạn.

Đây là lúc bạn nên ra ngoài nhiều nhất có thể và lâu nhất có thể.

Chăm sóc khu vườn, trèo cây, bơi trong sóng, ăn uống ngoài trời, đi dạo lúc hoàng hôn và ngủ dưới những vì sao.

Mình có chăm sóc khu vườn, nhưng mới chỉ dừng ở việc nhổ cỏ vì dạo này mưa quá, đất ẩm ướt nhão nhoét,
mình không thể trèo cây vì đã quá tuổi leo trèo hay vì vườn nhà chẳng có cây nào dễ trèo, có lẽ cả hai.
 
mình cũng không đi dạo lúc hoàng hôn và ngủ dứoi những vì sao thì có lẽ mình sẽ đưa vào ….trong tiểu thuyết :)).
 
Nhưng đi dạo trước bình minh thì có. Mình đi, mà phải nói là la cà thì đúng hơn ra con đường nhỏ phía sau cánh đồng nhà mình.
 
Con đường mà từ cửa sổ phòng học phòng mình mình cũng có thể nhìn thấy. Xa xa nó như một sợi chỉ cắt ngang mảnh đất bằng phẳng nằm giữa gò đất cao.
 
Mùa hạ, mùa mưa, dọc hai bên con đường nhỏ, cây cỏ dại mọc um tùm, hoa mua tím, hoa cúc dại cánh trắng nhuỵ vàng khoe sắc cố vươn mình ra khỏi những sợi tơ hồng bám chằng chịt.
 
Những luỹ tre rì rào gọi gió chỉ còn trong ký ức thuở nào. Thay vào đó là một vài ngôi nhà mới với kiến trúc hiện đại, và trước nhà người ta trồng vào đó mấy bụi trúc.
 
Mùa hạ, mùa mưa, nước mưa vẫn còn đọng long lanh trên những phiến lá. Mình thích nhìn những giọt sương, những giọt mưa mắc kẹt trên bề mặt của những chiếc lá to bản kiểu như lá sen.
 
Đoạn đường này lại không có sen mà là những ruộng cây dọc mùng với thân dài đội trên đầu những chiếc ô xanh mướt,
thấp thoáng có bóng người đang thu hoạch dọc mùng trên bãi. Bên trên đầu người làm vườn/ người nông dân/ người trồng rau từng đàn bướm trắng bay dập dờn.
 
Tự do và hoang dã, như chính là cuộc sống trên mảnh ruộng này!
𝐋𝐢𝐟𝐞 𝐢𝐬 𝐰𝐢𝐥𝐝 𝐚𝐧𝐝 𝐟𝐫𝐞𝐞𝐝𝐨𝐦!
3.
Cuộc sống chuyển động khá nhanh 
 
Mùa hè là khoảng thời gian năng động, mùa của tuổi trẻ, hoạt động.
 
Nó khuyến khích khiêu vũ dưới vòi phun nước, pháo hoa và các ngôi sao. Nó vẫy gọi chúng ta trong những chuyến đi xe đạp và đi bộ đường dài. Đó là mùa bơi lội và lều trại, mùa hấp dẫn của cây cối và các vùng nước.

Nhưng ngược lại, cũng là lúc nên làm càng ít càng tốt. Đây là mùa để… tồn tại.

Hãy để cái nóng khuyến khích bạn uể oải để có thời gian tận hưởng những thú vui này. Lãng phí thời gian mà không cảm thấy tội lỗi. Triết gia Sam Keen viết: “Mùa hè sâu sắc là lúc sự lười biếng tìm thấy sự đáng kính trọng”.

‘Đây là mùa nằm võng, nhâm nhi trà đá hoặc bia theo mùa và nhìn lên những cành cây đung đưa trong gió. Nó dành cho những bộ phim bom tấn, những cuốn sách và tạp chí giải trí cũng như các lễ hội ngoài trời.

Thời gian ban ngày dài đồng nghĩa với việc có nhiều thời gian hơn để tham gia vào nhiều thứ hơn. Bữa tối và giờ đi ngủ diễn ra muộn và nếu bạn thực sự may mắn thì việc ngủ nướng có thể kéo dài cho đến khi mặt trời chiếu qua cửa sổ.

Thời gian đi nhanh vào mùa hè – cảm giác như ngày dài hơn trong khi nó trôi qua cũng nhanh hơn

Rồi mọi chuyện kết thúc, một mẩu kem que tan chảy trên vỉa hè.

Bài thơ “Ngày hè” của Mary Oliver tóm tắt nỗi buồn khi tạm biệt mùa mọng nước ngọt ngào này khi cô viết, “Hãy nói cho tôi biết, tôi nên làm gì khác nữa? Chẳng phải mọi thứ cuối cùng đều chết và quá sớm hay sao?”

 
Chúng mình ngồi nhâm nhi salami với rượu vang, cơm cà pháo, thịt ba chỉ rang cháy cạnh với canh mùng tơi tép khô rã nhuyễn (bạn nói mưa gió chợ không có cua để phục vụ cô em út, nên phải chế ra món này, 10 điểm cho khả năng nội trợ các bạn nhỉ :)).
 
Cô em thì quê một cục, chỉ có thấy chén tì tì cà pháo canh rau, còn cái loại xúc xích Salami nhắc mãi cũng chẳng nhớ nổi cái tên, về nhà phải gởi mess hỏi lại bạn:)).
 
Chán chả buồn chết với em tôi, các bà chị said :)).
 
Mưa từ sáng, tí tách ngoài trời, tạo thành những vệt lăn dài trên khung cửa kính.
 
Bạn lại mang ra mận hậu Sơn La, quả to mọng tím sẫm. Vừa đẹp, vừa mềm, vừa ngọt.
 
Và món đặc sản quê bạn, Thạch đen Cao Bằng, bao năm rồi chúng mình mới lại thưởng thức món thạch mát lịm ngày hè này!
 
Đúng là ngon hết sảy, món ăn không những làm mịn da, mát ruột gan mà còn làm đẹp tâm hồn vì nó gợi nhớ lại cho chúng mình biết bao những món ăn vặt thưở xưa!
 
Một khoảnh khắc nào đó trong căn bếp rộng rãi, sáng trưng, sạch bong của cô chị (bạn) đảm mấy đứa đã quá bốn mươi lại như hoá thành những đưá trẻ mười bốn thuở nào.
 
Thời gian đã bị quên lãng, ở đây và lúc này!
 
Chúng mình cứ mải hàn huyên chuyện trò cho đến khi hoàng hôn mùa hạ gõ cửa.
 
Ngoài trời, mưa vẫn rơi như muốn kìm lại chuyển động vội vã của mùa hè
và của cuộc sống,
𝐋𝐢𝐟𝐞 𝐦𝐨𝐯𝐞𝐬 𝐩𝐫𝐞𝐭𝐭𝐲 𝐟𝐚𝐬𝐭!
 
“Chẳng cần làm gì thêm nữa, và cũng chẳng cần có kế hoạch nào!”
Phút chốc trong cơn mưa mùa hạ, qua khung cửa ngách nhìn ra cái hồ nhỏ cạnh nhà bạn, mình đã nghĩ thế đấy!
 
June 10, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.17

by Rose & Cactus June 8, 2024
Bạn đến chơi, loanh quanh một lúc mới tìm đúng nhà
-Đường nhà Hiền giờ khác quá, nhưng mà cậu nhìn thì vẫn như vậy nhỉ, mấy chục năm rồi mà vẫn thế :))
– Vẫn già như ngày trẻ nhỉ :))
-Già thì ai chả phải già, mình nhìn cậu vẫn trẻ là được :))
 
Thôi thì già rồi, chúng mình cứ khen nhau được lúc nào hay lúc ấy các bạn nhỉ. Cuộc đời đâu ai nói trước được gì đâu.
 
Đấy, tối hẹn cô bạn đi thuê áo dài trắng để mai chúng mình xin một vé về tuổi thơ, vào trường cũ cưa sừng làm nghé làm vài kiểu ảnh cạnh cây phượng, cây bàng thế mà rồi lại phải cancel vì trời bỗng nhiên nổi cơn mưa lớn quá là lớn.
 
Mưa ào ào như thác đổ đúng vào giờ ăn tối, và trước đó cả buổi chiều mây đen đã kéo về xám xịt cả bầu trời.
 
Công nhận con đường nhà mình do mới được làm lại, giờ đẹp quá khó nhận ra. Hôm trước đi với các bạn về tối, cô bạn chở về ngay gần nhà mà mình sau một hồi đi lại ngó nghiêng lên xuống mãi mới nhận diện được :)).
 
Ở Sài Gòn sôi động nhộn nhịp mấy chục năm chứ mà mình vẫn cảm thấy không tự tin lắm nếu lạc vào con đường nào lạ lạ buổi tối. Kiểu như mắt quáng gà sao đó, trời tối nhìn đường sá là cứ loạn xạ lên cả, nên bao năm cứ tối trời mình gần như chỉ dám đi những đoạn đường quen thuộc :))
 
Nhớ lại cũng vào một buổi tối nào đó trong rất nhiều buổi mưa tầm tã thế này trong Sài Gòn, giờ tan sở khi mình xách xe ra khỏi cơ quan thì trời cũng tối mịt mờ rồi. Mưa, đường phố đông đúc, nước ngập và xe kẹt cứng.
 
Đường 3-2 đoạn cuối gần bùng binh Cây Gõ vốn luôn là rốn ngập, sau mỗi cơn mưa lớn nước dâng nhanh như con sông nhỏ chảy trong lòng thành phố (ngày mình ở đây là trước 2008 giờ không biết đã khác chưa).
 
Bao lần xe mình bị chết máy ở đoạn này vì mực nước cao đến cả nửa thân xe. Có lần nước chảy xiết quá, một em học sinh (chắc còn nhỏ chỉ tầm 13, 14 tuổi) đi xe đạp mà do có thể tay lái không vững và dòng nước hung hãn, em buông lỏng tay làm sao mà nước cuốn trôi đi cả xe.
 
Thế là có anh cũng đang đánh vật với cái xe máy ngay trước mặt mình, ảnh vứt luôn xe của ảnh ở đấy và lội theo dòng nước để kéo lại chiếc xe đạp cho em gái nhỏ.
 
Và mình đứng chờ quá lâu dưới làn mưa, nên mất kiên nhẫn, tạt đại vào một hẻm lạ hoắc nào đó để xem lòng vòng có ra lại được đường lớn không. Ai dè đâm tứ lung tung trong những ma trận hẻm thế nào mà lên đến tận mạn Lạc Long Quân – Âu Cơ trên Tân Bình.
 
Mưa vẫn chưa dứt, lại sầm sét ầm trời. Đoạn đường này cũng nổi tiếng hay kẹt xe, cuối cùng thì “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Vừa mệt vừa đói mình mặc kệ đã tối muộn rẽ ngay vào một quán nhạc Trịnh nhỏ xinh (sao giờ mình cố lục lọi lại trong tâm trí cũng không thể nhớ ra được tên quán).
 
Trên nhiều con hẻm ở Tân Bình có vô số các quán cà phê nhạc Trịnh dễ thương và ấm cúng, nơi khi bước vào bạn có cảm tưởng nó mở ra chỉ để phục vụ cho một nhóm thiểu số những người thân quen, những người mê lời ca đẹp tựa như thơ của Trịnh, những khách hàng và có thể đồng thời là ca sĩ lên sân khấu hát một ca khúc nào đó của Trịnh. Trong những buổi tối lãng đãng mưa giăng trắng trời như thế.
 
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ,
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,
Nghe lá thu mưa, reo mòn gót nhỏ,
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…”
Trong ký ức “Diễm của những ngày xưa”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua… Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…”
 
Mình ngồi một mình nghe “Diễm xưa” trong quán Trịnh buổi tối xa xưa ấy và cảm thấy dù trong lời ca mô tả mưa Huế mà lại tưởng tượng ra nhạc sĩ đang viết về những cơn mưa ở Sài Gòn.
 
Không hiểu sao mình vẫn luôn cảm thấy mỗi bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù trong đó có là mưa hay nắng thì đều phảng phất bóng hình của thành phố phương Nam “sáng nắng, chiều mưa” này.
 
Có lẽ vì vậy mà dưới góc nhìn của mình, thì những quán cà phê nhạc Trịnh là một phần riêng có và không thể thiếu được trong đời sống phố thị Sài Gòn.
 
Hôm đó mình về đến nhà trọ dưới Quận Bình Tân đúng 11h30 đêm. Mở điện thoại ra thấy cô bạn ở cùng gọi cháy máy vì cứ nghĩ đêm khuya thế mình đi đường có chuyện gì rồi :)).
 
Sau này, mình về dưới Thủ Đức làm bên Ngân hàng, còn bạn thì chuyển làm cho một hãng tàu của nước ngoài trên Quận 3. Bọn mình mất liên lạc từ đó,
nhưng thi thoảng mình vẫn nhớ tới căn phòng nhỏ mà ba bốn đứa tỉnh lẻ lên Sài Gòn lập nghiệp, tình cờ làm cùng công ty và rồi cùng thuê ở chung cho vui.
 
Căn phòng hay vang lên những khúc nhạc Trịnh qua giọng ca Tuấn Ngọc, ca sĩ là idol của bạn
 
‘Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa’
Còn giờ đây, một buổi tối mưa mùa Hạ thế này, mình đang ở trên con đường nhà mình ở quê,
con đường ngắn thôi nhưng trên đó cũng có rất nhiều nhà các bạn lớp cấp ba mình. Cứ buổi sáng đi học là hẹn gặp rồi kéo nhau cả đoàn đi. Và tan trường lại cùng nhau đạp xe cả đoàn về.
 
Những áo trắng học trò lấp loá dưới ánh nắng vàng từ mùa Thu đến khi phượng đỏ rực báo hiệu hè đã về
Con đường với vỉa hè lát gạch, và có những thùng rác có màu xanh tươi đặt gọn gàng ở mỗi góc trước cửa mỗi nhà. Cạnh thùng rác nào cũng trồng một cây xanh.
 
Và loại cây được trọn là cây bàng Nhật. Giống cây này rất quen thuộc với mình vì dưới ngay công viên nho nhỏ ở nhà mình trong Sài Gòn cũng có trồng gần chục loại cây này, nơi mà không Tết năm nào mình không nịnh nọt con gái mình đứng vào một gốc cây nào đó cho mẹ chụp ảnh :)) (dù mẹ trình độ chụp xấu như ma :)).
 
Bàng Nhật rất đẹp, cây mảnh, cao và tán lá rộng xanh rì. Nhưng có vẻ đất khu nhà mình ngoài này không được hợp lắm nên phía đường đối diện nghe mẹ mình nói, hàng loạt đến cả chục cây sống rất khó khăn và sau một thời gian ngắn thì chết.
 
Người ta đã trồng thay vào đó các cây bàng Nhật khác nhưng có vẻ chúng lên cũng khá chậm.
Còn phía bên đường nhà mình thì may mắn là các cây còn sống cả. Mình cũng mong nó thích nghi tốt để một vài năm nữa sẽ cho những tán lá xanh mát. Đường đẹp thế này mà có cây xanh nữa thì còn gì tuyệt vời hơn!
 
Buổi sáng, mình dậy sớm. Mở cửa, đã thấy bác gái nhà đối diện đang chống gậy tập đi trên vỉa hè, dứoi hàng cây vừa được trồng mới.
 
Cơn tai biến lần thứ ba đã khiến bác đi lại và nói chuyện khó khăn. Nhưng với những người đã đi qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, đã sống và luôn cố gắng sống hết mình dù có khi thực sự rơi vào nghịch cảnh tưởng chừng khó có thể gượng dậy nổi, thì một thử thách dù có thể đã là lần cuối cũng không bao giờ làm nhụt đi nghị lực và ý chí của họ.
 
Mình bước qua đường, sang nói chuyện với bác một lúc.
Cạnh chỗ hai bác cháu đứng, mình để ý thấy cây bàng Nhật vừa trồng cách đây không lâu, mới mọc ra những cành non xanh biếc.
 
Ở tầng thấp, mình nghĩ đủ để bác cũng có thể nhìn thấy!
June 8, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè. 16

by Rose & Cactus June 7, 2024
“Mùa hè, hoa gạo rụng đỏ ối, mặt nước sông Tô Lịch lên to, ngập vào tận thềm đá sân đình. Từng bè sen Nhật có những con chuồn chuồn ớt đỏ cháy chăm chú đậu trên nhánh hoa bèo phớt tím từ Hồ Tây trôi về, không biết còn trôi đến đâu.
 
Sự tích vết thừng trâu vàng đi tìm mẹ quệt thành sông Tô Lịch càng kéo dài thêm nguồn tưởng tượng mênh mang theo con sông thần tiên đến tận vùng trời nước liền nhau nào mà trẻ con chúng tôi gọi là nơi Ba Bục đầy bí hiểm.
 
Trên bãi Cơm Thi đầu làng có cả một xã hội mà trong đó, trẻ con với mọi loại cây cỏ chim muông và những con vật nho nhỏ đã thật quen biết nhau.’
(𝐂𝐡𝐮́ 𝐛𝐨̂̀ 𝐧𝐨̂𝐧𝐠 𝐨̛̉ 𝐒𝐚 𝐦𝐚́𝐜 𝐜𝐚𝐧/ 𝐓𝐨̂ 𝐇𝐨𝐚̀𝐢)
 
Mưa dù từ đêm nhưng bầu trời ban mai nhìn vẫn không nhẹ nhõm đi chút nào
-Kiểu này ít cũng còn phải mưa đến trưa con ạ!
mẹ nói với mình khi lên phòng trên lau dọn, chuẩn bị lọ hoa và thắp hương trên bàn thờ phòng ngoài. Hôm nay là mùng một.
 
Mình nhìn sang mái hiên nhà đối diện, những cánh hoa giấy phớt hồng, mỏng manh rơi lả tả xuống tấm tôn gỉ sét, xỉn màu, từ ban công của một gia đình yêu hoa.
 
Hoa phủ choán hết gần mặt tiền tầng hai. Những giỏ hoa treo đung đưa theo gió, âm thanh của sự chuyển động chỉ có thể được cảm nhận bằng thị giác. Tiếng nước chảy xối xả từ những cái máng nước từ tầng trên của mỗi nhà đã át đi tất cả.
 
Quá giờ ăn sáng, nhóc cháu, một đứa bé vừa qua tuổi lên mười lên bà chơi. Thấy bạn đến, chú bé cùng dãy nhà mình vội phi sang ngay. Chúng cùng tuổi, học cùng lớp nên thấy nhau thì vui ra mặt vì có hội để chạy nhảy, hò hét.
-Mưa quá, mấy bà cháu mình chơi tú lơ khơ đi!
 
Dù biết mưa còn dai nhưng mẹ vẫn mang sẵn xe ra trước cửa để chạy đi đâu đó. Mua bán cái nọ cái kia, tạt qua người này người nọ. Những người bạn già, người thì than tự nhiên đau chân quá, người thì vừa đi Hà Nội tái khám khối u vừa được phát hiện.
 
Nhưng mưa chưa dừng đâu, còn lâu. Mẹ biết thế nên rủ con cháu chơi bài tiến lên,
đã bao lâu mình không chơi bài rồi nhỉ? Có lẽ phải đến gần ba chục năm.
 
Ký ức lại đưa mình về những đêm hè trên dãy tập thể của mấy chục năm trước ấy.
 
Mùa hè, nắng tắt muộn, ngày kéo dài đến tận bảy, tám giờ tối. Giờ đó là lũ trẻ bọn mình cũng rảnh lắm rồi, ăn uống, vệ sinh cá nhân đã xong xuôi cả. Nói chung sạch sẽ và dư thừa năng lượng để hết mình cho những cuộc “quậy” tưng bừng.
 
Đầu tiên là những trò kinh điển, kiểu như “Trốn tìm”: Năm, mười, mừoi lăm, hai mươi…Đứa oẳn tù tì mà thua thì sẽ phải lãnh vai trò là người đi tìm. Nó úp mặt vào bức tường, nhắm mắt và đếm đến khi đủ một trăm thì mắt mở và nhào vô cuộc tìm kiếm lũ bạn đang ẩn nấp tứ tung.
 
Đứa thì chạy đại vào một nhà nào đó, nấp sau cánh cửa, trẻ em xưa coi nhà hàng xóm chả khác gì nhà mình. Rảnh là chúng chạy sang, đói thì chúng ăn trực cơm nhà hàng xóm. Ăn cơm nhà mình có khi ngậm đến cả tiếng nhưng ăn cơm nhà bên thì cứ tì tì. Vì khi có bạn thì chúng cùng nhau đua ăn.
 
Đứa thì nhảy vào những vườn cây um tùm.
Những luống rau đay cuối mùa, cây đã cao lút đầu luôn là sự lựa chọn số một. Trên thân cây đay lá đã vàng úa, đang lụi tàn, chỉ còn lại những quả già cho hạt giống,
 
kể ra rau đay cũng có số phận khá hẩm hiu, nó ít khi nào tự thân được chế biến thành một món canh. Vì nhớt quá, người ta chỉ có thể nấu rau đay kèm mồng tơi cho món canh cua thần thánh hay đơn giản hơn combo mồng tơi-rau đay-mướp hương là đã được bát canh ngày hè mát ruột rồi. Nó mãi chỉ như một thứ rau phụ đắp vào, có thì càng ngon, không có cũng chả sao.
 
Đứa thì chạy tít xuống bụi tre gần cánh đồng vừa mới gặt. Cánh đồng đã bớt mùi thơm hương lúa nên cào cào châu chấu đã vãn đi nhiều.
 
Chứ khi tháng Sáu, những bông lúa mới chín rộ, trĩu xuống gốc cây một màu vàng óng thì cũng là lúc những loài vật của “đồng quê” này sinh sôi nảy nở mạnh mẽ, thể hiện vai trò bá chủ,
nhiều quá, nên có khi chúng theo ánh điện mò cả vào đến trong nhà của bọn mình ở tận trên đồi.
 
Tự nhiên hay ở chỗ đó, những dấu hiệu thời gian được nhận biết dựa vào hoạt động của loài vật, cây cỏ. Kiểu như cào cào mà vào nhà là biết mùa gặt đang tới, tháng Sáu đã đến rồi!
 
Bọn mình hay bắt cào cào rồi bỏ vào cái ống bơ. Những đứa trẻ đen nhẻm, buổi trưa không bao giờ ngủ mà toàn lao xuống cánh đồng dưới chân đồi cho những hành trình khám phá thiên nhiên bất tận.
 
Cứ mê mải như thế, dưới nắng, và có khi cả dưới mưa. Đầu trần, chân đất. Chỉ có ánh mắt là luôn lấp lánh rạng ngời!
 
Đứa đi tìm cứ gọi là chạy phờ phạc, bở hơi tai. Nhưng cũng chẳng tìm hết những đứa trốn, nên toàn được đồng bọn thương tình mà đổi cho đứa khác đảm nhận vai trò này. Đêm tối mờ mịt, không gian mênh mông, trẻ em thì hay nôn nóng. Sao tìm hết nổi?
 
“Trốn – Tìm” là trò chơi kinh điển của trẻ em xưa có lẽ vì nó cho con trẻ sự vận động, cả chân tay và trí óc. Chẳng thế mà ca sĩ Đen Vâu mới viết:
 
“Nhiều khi ta muốn ta được bé lại
Để khi đi trốn có người đi tìm”
Chạy nhảy chán cũng là lúc trăng đã lên cao hơn. Trăng mùa hạ thì không tròn và đẹp như trăng mùa thu. Nhưng vì nhiệt độ ngày hè cao lắm, oi bức và nóng nực nên ánh sáng dịu hiền của ánh trăng đêm có một ý nghĩa rất lớn.
 
Nó làm cho mỗi người cảm thấy như được tưới mát. Sự mát mẻ đến từ trong tâm hồn, khi ngước lên nhìn vầng trăng giữa ngàn sao lấp lánh, tự nhiên bao bức bối do cái nắng hạ đem đến vào ban ngày đều tan biến đi cả.
 
Chúng ta được vỗ về bởi trăng mùa hạ, nếu bạn thích gọi đó là sự “chữa lành” thì cũng chẳng hề sai.
 
Trăng lên. Trời vẫn lặng gió. Ve đã đi ngủ. Im bặt. Nhưng lũ trẻ thì còn lâu,
chúng bắt đầu lôi tú lơ khơ ra chơi,
 
Đi kèm đó không thể thiếu mấy cái nồi mà thành hay mặt đáy ngoài đều đen xì. Ngày xưa nấu ăn bằng bếp củi nên mới có nhọ nồi. Nhọ nồi để làm gì thì chắc chẳng ai người lớn chúng ta mà không biết.
 
Bộ bài thời xa xưa ấy, mỗi một quân là một nhân vật của Tây Du Ký. Chuyến thỉnh kinh sang Tây Trúc của bốn thầy trò Đường Tăng chưa bao giờ hết hấp dẫn với lũ trẻ, vốn thiếu thốn những trò giải trí nghe nhìn.
 
Năm này qua năm khác, đài truyền hình cứ chiếu đi chiếu lại bộ phim với ca khúc mà đứa trẻ nào cũng có thể nghêu ngao hát “Đây là hành lý anh mang. Tôi cầm cương dắt ngựa”.
 
Năm này qua năm khác, lũ trẻ vẫn mong ngóng xem “Tôn hành giả” cứ như thể đó là lần đầu.
 
Tứ đại danh tác của đất nước Trung Hoa giàu bản sắc văn hoá, mình đều xem trước khi đọc. Nhưng tuyệt vời ở chỗ, phim hay đến mức, không ai còn nhận ra sự khác biệt giữa một tác phẩm văn chương xếp hàng kinh điển với một tác phẩm điện ảnh (phim truyền hình).
 
Phim và truyện nguyên tác khớp nhau đến mức, có nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra một “Tôn Ngộ Không” đầy thông minh, tinh nghịch qua dáng hình Lục Tiểu Linh Đồng; một “Đại Ngọc” mong manh, đa tài, đa sầu, đa cảm qua gương mặt đẹp như tranh vẽ của Trần Hiểu Húc.
 
Bộ tú lơ khơ mang hình ảnh của “Tây du ký” đã cũ mèm vì ngày nào lũ trẻ cũng lôi ra chơi. Đứa thua sẽ bị bôi nhọ nồi đen sì đầy mặt, như những chú hề. Khi kết thúc cuộc chơi thì gần như mặt ai cũng như Bao Công cả.
 
Chơi bài, một cách tử tế, ít khi nào mà chỉ toàn thắng hay toàn thua lắm. Có lúc này, lúc khác, phụ thuộc vào  nhiều yếu tố.
 
Lũ trẻ cứ ngồi trên đầu hè đánh bài như thế, dưới ánh điện lờ nhờ. Tiếng cãi nhau chí choé, tiếng lá bài dập xuống nền gạch là âm thanh của mùa hạ, lúc này.
 
Chỉ đến khi, bắt đầu vang lên tiếng gọi về đi ngủ của bố mẹ của từng đứa, thì chúng mới chịu buông những lá bài, trong sự nuối tiếc và lại chờ đến đêm mai.
 
Trăng lúc này đã lên cao đến đỉnh. Và lũ trẻ thì, chỉ vừa xoa xoa đập đập đôi bàn chân chạy khắp nơi cho bớt bụi xong, là mắt đã díp hết cả lại,
 
buông người xuống giường là chúng đánh một giấc tới sáng, chẳng biết trời trăng mây gió gì nữa.
 
June 7, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.15

by Rose & Cactus June 5, 2024
𝐂𝐨̛𝐧 𝐦𝐮̛𝐚 đ𝐮̛𝐚 𝐦𝐢̀𝐧𝐡 𝐯𝐞̂̀ 𝐭𝐡𝐚́𝐧𝐠 𝐒𝐚́𝐮,
 
Mình ra lần này gặp đúng cơn mưa mùa Hạ chuẩn Bắc! Ấy là kiểu mưa dai dẳng, nhì nhằng, lúc to lúc nhỏ chả biết bao giờ mới dứt “mưa sao mưa rơi rơi mãi không thôi”
 
Mưa từ nửa đêm, nhỏ xíu chỉ rích rắc vài hạt. Mình mở cửa chính, của căn phòng bên ngoài hướng về con đường trước nhà. Dưới làn mưa lất phất, trong cái tĩnh lặng ban đêm, con đường hiện ra với vẻ bình yên, và thoảng một chút buồn.
 
Trước kia, đây là một con đường dốc thoai thoải và nhà mình thì ở lưng chừng gần đỉnh. Cái đường dốc đã xuống cấp, nhấp nhô trồi lên sụt xuống những mảnh đá dăm lổm nhổm.
 
Những năm cấp ba, mỗi sáng đi học, cô bạn thân nhà chỉ cách nhà mình vài trăm mét cùng trên đoạn đường này lại phanh kít trước cửa và cất giọng nhẹ như phát thanh viên, gọi với vào: “Hiền ơi”,
ấy là mình biết mình lại lề mề trễ giờ rồi. Chứ bình thường đúng giờ là đã đứng đợi bạn ở sân. Chỉ cần thấy bóng từ xa là mình nhanh chóng leo ngay lên xe và phi xuống dốc.
 
Lao xe xuống dốc bao giờ cũng thú vị. Dù trời nắng, gió, hay là mưa.
 
Lùi xa hơn, khi nhà mình còn ở trong khu tập thể cũ thì bọn mình toàn đi bộ đến trường, trên con đường này, suốt cả năm năm tiểu học.
 
Từ nhà đến trường bao xa? Chắc chỉ khoảng chừng một cây số rưỡi nhưng với những đứa trẻ bé xíu toàn chỉ từ 6 đến 10 tuổi thì đoạn đường này dài lắm, kiểu giống như trong tâm thức của mình thì cái vườn ở nhà cũ, nơi có giàn hồng leo hoa nở trắng muổt quá là rộng lớn. Nhưng thực ra nó rất nhỏ, khi mình trở về thăm lại nhiều năm sau đó.
 
Trong những ngày đi học thuở còn là nhi đồng ấy có bao nhiêu ngày mưa? Có lẽ là tương đối nhiều.
Với trẻ nhỏ khi xưa, những ngày đầu tiên bước vào lớp 1 thì chúng mình còn được cha hay mẹ chở tới trường còn sau đó toàn hội trẻ em của xóm tự đi với nhau.
 
Cứ đứa nhỏ bám vào những đứa lớn. Những anh, chị dù chỉ hơn có một, hai tuổi nhưng oách lắm và đảm nhiệm trọng trách khá “nặng” là dìu dắt đàn em mới thoát khỏi lớp mẫu giáo, đi đến nơi về đến chốn.
 
Một hôm nào đó khi cả hội vừa đi ra khỏi cửa nhà thì đã thấy mây đen sầm sập, nặng trĩu. Nhưng lũ trẻ dường như chẳng để ý, cứ chân sáo bước đi, đúng kiểu ” cái chân thoăn thoắt, cái đầu nghênh nghênh”. Cặp sách đeo sau lưng và hình như trên tay vài đứa đều cầm một lọ mực.
 
Đi đến đoạn nhà mình ở hiện thời, ngay phía chếch bên kia đường chỗ cái ao rộng thuộc một doanh nghiệp xây dựng thì trời chuyển mưa. Khẽ xoè bàn tay ra cho giọt mưa rơi vào chỉ để chắc chắn đúng là mưa (lại còn thế nữa, trẻ con mà, lắm chuyện lắm :)),
và khi không còn nghi ngờ gì nữa thì chúng mình bắt đầu hò nhau co giò chạy, tóc đứa nào đứa nấy dựng hết cả lên, ngược chiều gió, ngược chiều mưa.
 
Nhưng con người sao đua kịp với những thần Mưa, thần Gió. Con người quá bé nhỏ- Trẻ em lại càng nhỏ bé. Chúng mình không thể nào kịp đến trường để thoát khỏi những cơn mưa đang càng ngày càng nặng hạt.
 
Chúng mình ướt như chuột lột. Nước chảy từ đầu xuống chân, nước theo chúng mình từ ngoài vào đến lớp học. Nền nhà ướt – Bàn ghế ướt. Không gian vốn đã ẩm thấp nay ướt át lại càng thêm nhớp nháp.
 
Tuy vậy, điều đó chả ảnh hưởng gì đến sự hồn nhiên con trẻ. Những đứa trẻ 6 tuổi mới bước chân tới trường, không hề biết một chữ cái nào, không hề biết đến cả cách cầm viết,
nên ngay cả khi đứa thì nhận được điểm 0, đứa thì nhận được điểm 1 mà về nhà vẫn hớn hở, khác gì được 10.
nên chẳng ngạc nhiên khi bước vào lớp với manh áo ướt thì đầy đứa cởi phăng ngay áo ra rồi vắt ra sau thành ghế, đợi khi nào khô thì mặc lại.
 
Mình không nhớ đến khi cô vào lớp thì thế nào, ký ức chỉ đọng lại đến đây thì hết.
 
Nhưng mình vẫn nhớ đoạn đường về. Mưa vẫn rơi không ngừng, càng lúc càng lớn. Chúng mình đi qua cái hồ rộng lớn ngay cổng trường thì không dám đi tắt đoạn gờ bám ven hồ nữa vì nước dâng cao lắm rồi, nguy hiểm,
thậm chí nước còn tràn lên cả con đường nhánh dẫn ra đường chính.
 
Ngập.
 
Chúng mình vẫn rẽ nước băng băng. Đến đoạn con dốc nhà mình bây giờ thì dòng chảy hung dữ hơn. Chúng xối xả tung tóe, bọt nước bắn lên trắng xóa,
có những chỗ trũng xuống tạo thành những vũng nhỏ và nước trong đó rất trong. Thò chân xuống cảm giác nước len lỏi cả qua những kẽ chân.
 
Mát rượi.
 
Chúng mình cứ vầy nước như thế, chắc phải đến khi môi mặt nhợt nhạt, bệch ra vì lạnh thì mới tha thẩn kéo nhau về.
mưa lúc đó vẫn chưa ngừng đâu, vì mới là buổi quá trưa!
 
Bây giờ con đường trước cửa nhà mình khác lắm rồi, rộng đẹp hơn nhiều và không còn dốc nữa (thật ra những con dốc đồi giờ chỉ còn trong ký ức thôi, ít nhất khu vực mình ở là thế).
 
Tất cả đã được làm phẳng. Tất cả đều trơn tru, không chút gập ghềnh.
 
Con đường thẳng băng, phẳng lì, và trắng sáng ánh đèn điện đó đang trong
 
mưa đêm!
 
Cửa dãy nhà đối diện đã đóng cả. Đường phố không một bóng người. Thi thoảng lắm mới có một chiếc xe hơi ào ào lướt qua. Ánh đèn đường sáng lóa dưới dòng nước, một màu sáng nhoè đi, đùng đục.
 
Phố đêm đèn mờ giăng giăng
 
Mẹ mới trồng trên bàn công cây hoa giấy. Cây chỉ vừa leo lên đến những thanh chắn trên cao mà chưa có hoa. Và cành lá còn thưa,
những phiến lá nhỏ bé chìa ra chỉ có tác dụng làm chậm lại dòng chảy chút xíu, như tấm giáp mỏng manh không thể có tác dụng bảo vệ.
 
Nhưng mình biết chẳng bao lâu nữa cành, lá, hoa sẽ phủ khắp cái ban công nhỏ. Nó vẫn giữ được cho ta khô ráo dù bên trên mưa trút như thác? Mình không chắc.
điều chắc chắc là những chậu hoa đồng tiền, hoa hồng, hoa mười giờ đặt ngay trên sân ban công sẽ không quá mất sức để chống chọi lại sức mạnh của những dòng nước như thác mỗi khi mưa lớn.
 
Những chậu hoa nhỏ bé. Và mình cũng cảm thấy mình như vậy, trong màn đêm.
Đẫm mưa.
Tới sáng,
 
Sáng nay mình thức dậy sớm. Bước qua phòng trước để đón bình minh. Căn phòng hướng đông và hoàn toàn trống. Nhẹ nhàng, mình tháo chốt cửa sổ.
trên mặt sân của ban công, nước dâng sâm sấp, dù cho một phần đã theo đường ống chảy thành dòng xuống sân dưới.
trời xám xịt báo hiệu cơn mưa còn kéo dài.
 
Trên cao, mặt trời đã đi trốn. Nhưng ngay trước mặt mình, những bông hoa đồng tiền vàng vẫn tươi tắn ngẩng cao đầu, không hề bị dập nát hay đứt gãy dưới làn mưa mùa hạ,
ông mặt trời, với mình lúc này, đang ở rất gần, ngay trên khoảnh sân nhỏ.
 
Có thể vì thế chăng, mà mình chẳng nghe thấy sấm sét gì :))
và tự nhiên mình lại nhớ không biết mình đã nghe ở đâu ai đó nói đại để rằng “muốn yên về Thái Nguyên mà sống” :))
 
Một màn flex về quê hương quá đáng yêu phải không các bạn ?
June 5, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.14

by Rose & Cactus June 4, 2024

-Đã lâu lắm rồi Tháng Năm mới mát mẻ như năm nay con ạ! Mưa suốt nên không khí rất dễ chịu. Hy vọng Tháng Sáu cũng như thế!

Bố mình vừa nói với mình vừa nhìn ra vườn rau xanh tốt nhà cậu em.

-Con cũng thấy thế. Trong nhiều năm về quê vào hè con thấy năm nay có vẻ mát nhất!

Mình cũng hướng ánh mắt ra vườn. Bố thích làm vườn nên khu vườn nhà cậu em mình chẳng bao giờ thiếu rau gì. Nhờ bàn tay của bố vườn luôn ngập tràn đủ loại cà pháo, mướp đắng (khổ qua), bí đỏ, đậu đũa, mướp, mít, các loại rau thơm, ớt và rất nhiều chuối

Gà thì cả đàn, trứng quả nào quả ấy to như trứng vịt.

-Con thích ăn gì để bố nấu? Gà hay vịt? Thôi vịt đi, mưa mát trời thế này ăn vịt ngon hơn

Bố là đàn ông mà nấu ăn còn ngon hơn cả con gái. Mình mà vào bếp đảm bảo dù rất muốn chê nhưng vì chiều con nên bố chẳng bao giờ cằn nhằn :)), mình nghĩ thế.

Vì bố nấu ăn khéo lắm, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, thái miếng thịt lợn, chặt miếng thịt gà sao cho đẹp, rồi xếp lên đĩa làm sao cho gọn…đến khi nấu gia vị phải đầy đủ và hài hoà. Nấu xong thì quanh khu bếp phải lau sạch, đừng có để mặt sàn, mặt bếp cứ bóng nhẫy dầu mỡ lên.

Đúng là kiểu tác phong người lính, gấp cái chăn cái màn, phơi cái khăn mặt, cái quần, cái áo cũng phải vuông thành sát cạnh. Làm úi xùi, xộc xệch là ông chỉnh liền :)).

Mấy hôm trước cây chuối tiêu sau nhà em mình ra buồng sắp chín nên bố chặt vào và dựng cạnh cái nhà kho dưới bếp:

-Chuối nhiều quá mà chúng nó chẳng ăn, mình giờ già rồi ăn không kịp thế là lâu lâu cũng mang bán con ạ, rẻ lắm!

Cả một buồng chuối chắc phải đến gần hai chục nải quả chắc nịch, vỏ vẫn còn xanh sẫm. Mẹ mình bảo đúng rồi thế để làm món canh chuối lá lốt với xương sườn.

Chuối xanh tước vỏ, thái vát dài độ hai đốt ngón tay. Sau đó ngâm chuối vào nước muối pha loãng để chúng không bị thâm đen. Rửa sạch, luộc sơ qua rồi vớt ra nhằm giảm đi cái vị chát của trái cây hãy còn xanh.

Đại loại sơ chế qua chuối xanh là như vậy, còn bạn muốn nấu chuối với loại nguyên liệu nào: Ốc, thịt ba chỉ, sườn…thì đều có công thức riêng.

Quả chuối, chín thì không nói làm gì, nhưng xanh cũng có thể chế biến thành món ăn được. Đó là cái hay của loài cây rất thân thuộc với chúng ta, suốt từ Bắc Trung Nam có lẽ không loại trái cây nào phổ biến như là chuối

Trước (nhà) trồng cau, sau trồng chuối

Chuối có nhiều loại nhưng mình hay gặp ba loại: Chuối tây, chuối tiêu và chuối sáp.

Chuối tây ú nần nần, dẻo, có vị ngọt pha chút chua nhẹ, trẻ con có vẻ khoái chuối tây. Quả chuối tây ở quê mình múp míp hơn trong Nam nhưng khi  mình xuống nhà dì mình ở Hải Dương thì mình còn ngạc nhiên hơn nữa vì trái chuối tây lớn quá.

Dì bảo không hề có bất cứ sự kích thích nào đâu, vì đất soi bãi ven sông nhiều phù sa dinh dưỡng rất thích hợp với cây chuối nên năng suất và chất lượng quả chuối thì miễn chê, khó loại đất nào bì kịp.

Thảo nào trên nhà mình mẹ nói trồng chuối tây khó. Đất trung du có lẽ hợp chuối tiêu hơn.

Chuối tiêu quả thon dài, như hình trăng khuyết và có vị thơm, mà mình rất thích cái hương thơm trứng cuốc của nó, lại mềm và ngọt. Người già ưa chuộng loài chuối này, nó dễ tiêu thích hợp với những người mà hệ tiêu hoá đã bắt đầu bước vào giai đoạn rệu rạo. 

Chuối sáp thì mình thấy trong Nam ưa chuộng hơn. Khi vào Sài Gòn mình mới biết đến món chuối sáp luộc. Phải nói là cũng ngon lắm, vì vị chuối luộc hơi khác một chút: thơm, bùi và dẻo.

Quả chuối sáp nhỏ thôi nên ngồi ăn tì tì có khi được đến chục quả cũng là thường :)). Mình có đợt muốn giảm cân thì có chị giới thiệu cho mình món chuối sáp luộc, ai dè mê món này quá thành thử càng ăn người càng thành hình ….quả chuối tây :)).

Cây chuối cũng chính xác là một loài cây chẳng vứt đi thứ gì. Này nhé, lá của nó là bạn thân thiết của các bà, các cô bán hàng ăn như xôi hay cốm chẳng hạn. Từng nắm xôi nhỏ vàng ươm hoặc nâu sậm được gói gém cẩn thận vào những mảnh lá chuối xanh mướt và vuông vức trông mới đẹp và đa sắc làm sao.

Ngày xưa bà ngoại mình đi chợ quê sớm, đến khi mặt trời lên là bà đã về tới nhà rồi và trong cái thúng của bà khi trở về lúc nào cũng có những sợi bún. Những sợi bún trắng ngày đó thường hay được gói trong những mảnh lá chuối xanh. Lá chuối mát lắm, sờ vào là bạn thấy liền.

Lại thêm cái lạnh mát của bún nữa, thành thử món ăn lại càng như ngon hơn. Thêm bát nước mắm vàng sóng sánh, cắt chút lát ớt đỏ rực vào là khi bày ra đủ bốn sắc màu nhá: Trắng, Xanh, Đỏ, Vàng. Nhìn thôi đã thấy thèm rồi :)) dù cho có khỉ gì đâu nhỉ: chỉ là gạo và mắm.

Có lẽ là bởi nó đậm vị hồn quê!

Mình thì còn hay chặt lá chuối làm vật lót mỗi khi bổ mít để nhựa mít khỏi lấm lem ra sàn nhà.

Còn thân chuối, cũng không bỏ đi đâu! Thế hệ 8X trở về trước mấy ai mà không biết băm chuối để nấu cám lợn. Cây chuối hạ xuống để dọc và đặt một đầu lên một tấm gỗ nhỏ. Người ta ngồi lên cả cái thân cây trơn tuột đó luôn và dùng dao cứ thế bào từng lát.

Mỗi khoanh thân chuối là một hình tròn trĩnh, gồm nhiều các vòng hoa ghép vào nhau. Bằm độ nửa thân cây thôi là đủ rồi, sau đó băm nhỏ ra trộn nấu với cám. Lợn rất thích ăn loại thức ăn thân chuối này. Chúng sẽ lớn nhanh như thổi cho mà xem!

ah, mà không chỉ có những chú ỉn mà cả gà nữa đấy. Nếu nhà bạn không có nhiều rau thì bạn có thể cho gà ăn thân chuối bằm. Chúng cũng mê lắm ấy vì gà thèm rau cỏ lắm, chúng hay bị háo nước và chất xanh.

Còn gì nữa không nhỉ? Hoa chuối có thể là một trong những nguyên liệu cho món nộm. Mình thì thấy hoa chuối rất đẹp, đỏ rực như ngọn lửa thắp lên giữa bạt ngàn xanh lá chuối.

Hồi con mình đâu 6, 7 tuổi về quê mình khi ra vườn nhìn thấy hoa chuối, cháu vội thốt lên “Ôi, nhà bà ngoại có hoa ăn thịt người” :)). Hoá ra, từ xa hoa chuối trông giống loài hoa ăn thịt người ở Nam Mỹ nào đó mà cháu xem trên ti vi. Thật là tội nghiệp mày quá, hoa chuối ơi :)).

Giờ thì đã trưa, mưa cứ rích rắc vài hạt lại ngưng. Mình cứ chạy đi chạy lại hết mang quần áo vào lại mang ra rồi lại ra vườn ngắm nghía, làm cái nọ cái kia ngoài vườn thì cũng thấy đói meo rồi :)). May qúa, mẹ lại vừa nấu xong món chuối xanh với sườn nóng hổi, giờ thì còn đợi gì nữa mà không vào ăn thôi!

Con kiểu này, chỉ ăn là giỏi :))

“Chuối” thật các bạn nhỉ! (Lâu lắm mới dùng tính từ “chuối” của cái thuở học trò xa xưa, có bạn nào còn nhớ nó)

June 4, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.13

by Rose & Cactus June 3, 2024
Khu vườn của mẹ vẫn như thế, mấy luống rau, giàn trầu không leo đầy bờ tường, cây na, cây mít, vài cây chuối.
“Năm nay mướp mất mùa con ạ, trồng mà bọ xít và rầy phá quá, hỏng hết”
 
Mẹ chỉ vào giàn mướp chỉ cong queo vài quả con con và đang lụi dần. Sau cơn mưa vài hôm trước, đất có độ ẩm và nước do trời ban mang đủ khoáng chất nên rau xanh rì và tốt um.
“Có bao giờ mẹ phải đi mua rau đâu, ăn của nhà còn không hết nữa. Đây con hái cho mẹ ít lá tía tô để mẹ đun nước uống”.
 
Mình với tay ngắt những chiếc lá tim tím và nghe thoang thoảng hương thơm của nước tía tô mà mình vẫn nấu uống ở nhà trong Sài Gòn khi mẹ gửi vào cho. Đó là tía tô đã được rửa sạch và phơi khô.
“Nước tía tô khô khi uống con sẽ có cảm giác thơm hơn nhưng nấu lá tươi lại có vị mát và ngọt của tinh chất dinh dưỡng vẫn còn đang ở trên lá”.
 
Trời về chiều. Những vạt nắng chói đã dịu đi hẳn, chỉ còn nhạt như màu mỡ gà rơi nghiêng xuống những tán cây. Trên cánh đồng phía sau khu vườn nước lõng bõng ngang thân lúa mọc dại (hay là cỏ ?).
 
Cửa sổ căn phòng xưa của mình trông qua cánh đồng này. Bây giờ thì được xem như là view “triệu đô” :)) chứ ngày xưa ở mãi trong những khung cảnh thiên nhiên thơ mộng như thế nên đâu có ý thức được sự tuyệt vời đó,
phòng học của mình trên tầng hai, và cửa sổ thì ở hướng Tây nên vào mùa hè gần như không thể ngồi nổi trong phòng. Ánh nắng gay gắt, khắc nghiệt sẽ nung nóng bức tường và toả ra một lượng nhiệt đủ để bạn mạnh dạn mở một phòng xông hơi tại gia :)).
 
Chỉ buổi sáng sớm và ban đêm là còn dễ chịu một tí, ít nhất những bàn tay khi vô tình áp vào tường cũng không đến mức như đang hơ trên mặt bếp lửa.
 
Sáng hè, mình hay ngồi ở cái bàn học nhỏ đặt sát khung cửa sổ và ngắm nhìn cảnh vật trước mắt. Gần ngay cửa sau là khu vườn xanh, với những cây nhãn và cây vải ở vườn nhà hàng xóm hai bên,
đang mùa quả chín, màu đỏ xen với vàng lúc lỉu đu đưa theo gió. Trước đây khi nhà mình mới chuyển đến khu này, vườn sau nhà mình và nhà bác bên cạnh không có bức tường ngăn cách nào cả.
 
Vườn nhà bác rộng kinh khủng, gấp mấy lần nhà mình nhưng bác không trồng trọt gì, cứ để cỏ mọc hoang. Mấy chú trâu, bò của những hộ nông dân ở mãi xóm trong đường lộ là mê cái vườn này lắm. Chúng thường xuyên được các cậu chủ – những đứa trẻ đã mười hai, mười ba nhưng người nhỏ xíu, loắt choắt, da đen nhẻm, tóc xơ đi vì dầm dãi nắng gió – dẫn vào đây gặm cỏ.
 
Mình khi đó cũng lớn rồi, học lớp 8, nhưng vẫn mê leo trèo. Mùa hè lại cùng chị gái nhà đối diện tìm đến cây roi (miền Nam gọi là mận) trong vườn nhà bác để vặt quả. Ăn không biết được mấy nhưng người thì lại chi chít vết bọ cắn.
 
Roi cũng là loài cây ưa thích của sâu róm và bọ lẹt, loại này mà chúng đốt thì phải biết, ngứa gãi đến lột cả da là có thật. Nhưng roi lại là loại quả hiếm hoi của mùa hè ăn vào cảm giác mát lịm (cả trong và ngoài).
 
Roi chứa nhiều nước nên dễ ăn. Những quả roi đủ màu, trắng, hồng, đỏ. Hình dạng thì như những quả hồ lô: loại thì hơi dài, loại lại tròn dẹt. Ngay cả cùi thịt của chúng cũng khác, có loại dày, có loại mỏng, có loại thanh, có loại lại ngọt đậm.
 
chúng mình bứt roi bỏ vào cái vạt áo, khi nào đầy thì buộc túm lại rồi rời vườn, kiếm chỗ nào mát ngồi đánh chén với muối ớt cay xè. Chua, cay, mặn, ngọt, chát xít cái gì cũng bỏ vào miệng cả, ngay cả lúc đói meo, chưa có gì chắc dạ trong bụng. Bảo sao sau này đứa nào cũng bị viêm dạ dày.
nhưng may mắn nhất là tất cả các loại quả ăn vô tội vạ ngày đó, cái gì cũng hoàn toàn tự nhiên, không có bất cứ một loại thuốc hoá học nào nên về cơ bản vẫn là lành.
 
Mình nghịch ngợm nổi tiếng khi bé, nhưng mùa hè lớp 8 cũng là thời điểm kết thúc cái trò lang thang bêu nắng suốt ngày của mình. Từ đó về sau, không hiểu sao mình không thích mấy cái trò leo trèo nghịch dại nữa. Tự nhiên thế thôi, có hội rủ cũng không đi, tính trầm đi hẳn.
 
Dù thế bạn bè suốt mấy năm cấp ba cũng vẫn “chơi” nhiều và có vô vàn kỷ niệm của cái thuở “Áo trắng em đến trường. Kỷ niệm buồn vui ngập tràn” :)).Ngồi suốt tối kể chuyện cũng không hết các bạn nhỉ?
 
Vải, nhãn gần tầm mắt mình nhìn từ cửa sổ. Xa hơn xíu, bên dưới là cánh đồng,
ngồi ở bàn học, mình có thể quan sát hết cảnh các bác nông dân cày cấy. Những tiếng bì bõm của trâu lội nước, của tiếng quát “họ, họ” của người thợ cày vang lên đến cả căn phòng nhỏ.
đàn ông thì rong trâu, đàn bà thì cắm mạ. Những hàng mạ non chẳng cần một cái dây căn chỉnh nào vẫn cứ đều tăm tắp và cây mạ dựng đứng chứ không xiên xẹo và muốn đổ rạp xuống mặt nước như mình đã từng làm khi còn nhỏ xíu ở nhà ông ngoại.
 
Sợ nhất là mùa đông, hình như sau Tết nguyên đán thì phải, rét mướt thế mà các bà các cô đã phải lội nước ngoài đồng để trồng lúa. Ống quần xắn quá đầu gối. Khăn vải quấn chặt tóc. Những chiếc nón trắng nhấp nhô trùm lên cho gió khỏi lùa vào tai. Họ cúi gập người và thoăn thoắt xỉa từng búi lúa trên tay và hạ xuống mặt đất-mặt nước.
 
Những cây lúa đang chập chững bước đầu tiên của quá trình tạo ra những hạt sữa trắng nõn, mây mẩy, là loại lương thực chính yếu của người Việt trong mỗi bữa ăn,
lúa chiêm được cấy vào mùa lạnh. Người nông dân ra đồng từ sớm và khi kết thúc công việc thì chân tay, môi miệng đều thâm lại vì gió rét, vì dầm mình lâu trong nước lạnh,
nhưng đến mùa gặt thì lại rơi vào cái nắng hè như đổ lửa.
 
tháng Sáu, lúa chín vàng khắp các ngả đường,
 
Em đi giữa biển vàng
Nghe mênh mang trên đồng lúa hát
Bông lúa chín thoang thoảng bay
Làm lung lay hàng cột điện
Làm xao động cả rặng cây
Mỗi khoanh ruộng sau cánh đồng nhà mình nhỏ lắm, cũng như vùng đồi thì không có kiểu ruộng lúa cò bay thẳng cánh như dưới đồng bằng đâu. Vì các cánh đồng đã bị chia tách bởi những triền đồi. Cứ trập trùng như thế: Đồi cao- Xuống dốc thoai thoải- Lại đến một vùng đất trũng hẹp.
 
Đó là kiểu dáng địa hình trung du điển hình. Đất trung du thích hợp với những loại cây như chè, phi lao, bạch đàn, mít, dứa…đất rộng, người thưa nên cuộc sống con người rất thoải mái. Bước ra khỏi cửa là đã có thể tìm thấy cái ăn rồi, vài cặng rau, vài loại trái cây vườn nhà và gia cầm thì khỏi chê.
 
Gà đồi cứ là nhất, thịt vừa thơm, vừa săn chắc lại ngọt đậm đà. Ấy là do gà có đủ chỗ để tung tăng bay nhảy thoải mái, thức ăn lại vô biên cương, đến tối có khi chẳng cần chuồng trại gì cho tù túng. Chúng cứ ào ào nhảy lên cây, đánh một giắc,
 
và chờ bình minh tới để cất lên tiếng hát:
 
Ò… ó… o…
Ò… ó… o…
Tiếng gà
Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
 
June 3, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.12

by Rose & Cactus June 1, 2024
Tàu về đến ga Hà Nội đúng giờ dự kiến: 4h30. Buổi sáng hè ngày đầu tiên của tháng Sáu Hà Nội mát hơn mình nghĩ nhiều,
-Vì mới mưa đấy em, chứ mấy hôm trước nóng lắm!
mình mới quay qua nói với con gái về nhiệt độ ngoài trời thế thì nghe ngay lời giải thích của một bác trai đứng ở cửa ga trên đường Lê Duẩn
 
– Bác gì, anh chỉ hơn cô độ chục tuổi thôi. Cô tầm hơn bốn mươi chứ mấy. Thế hai mẹ con về đâu?
-Cám ơn anh em đang đợi người nhà đến đón.
-Từ Sài Gòn ra đúng không? Thế quê cô ở đâu?
-Dạ. Em quê Thái Nguyên.
 
-Ồ. Trùng hợp thế, tôi làm cho cái hãng xe liên tỉnh lớn nhất tỉnh cô đấy. Nhưng nhà tôi ngay đây thôi, bên phố Khâm Thiên ấy. Sài Gòn tôi có nhiều cô dì chú bác trong đó lắm. Vào từ trước 54, trước 75, hay sau này đều có cả. Tôi cũng mới từ Biên Hòa ra thôi, vào dự cưới cháu bà dì ấy mà. Cô có biết Biên Hòa không?
– Dạ chỗ em giáp Biên Hòa mà.
 
-Vậy là cô ở Thủ Đức. Thủ Đức rộng lắm. Đứa cháu tôi nó ở ngay gần sông Sài Gòn ấy. Sài Gòn có cái dịch vụ xe buýt trên sông quả thật quá hay, tôi đi mấy lần rồi, rất thích!
 
Anh làm dịch vụ cho một công ty vận chuyển nào đó ở tỉnh mình nói đến đây thì em mình đến đón nên cuộc đối thoại chấm dứt. Kiểu nói chuyện tự nhiên, thoải mái với người lạ cứ như thể họ là người thân quen có thể bắt gặp ở rất nhiều người Hà Nội gốc ở những khu phố cũ. Lịch sự lắm, dù là xe ôm chăng nữa các bác cũng phải ăn vận chỉnh tề, sơ vin đóng thùng nghiêm ngắn.
 
Hà Nội trong mình luôn ăm ắp những ký ức và kỷ niệm của một thời sinh viên tươi đẹp. Nơi đã từng là ước mơ và khao khát của biết bao những học sinh tỉnh lẻ thế hệ mình là được rời nhà để bước chân vào một trường đại học nào đó ở Thủ đô.
 
Được học ở Hà Nội, đi dạo quanh Bờ Hồ, ăn kem Tràng Tiền, mua một cuốn sách ở những phố sách khu phố cổ…đã từng là một điều gì đó rất cao sang với chúng mình dù cho khoảng cách từ nhà mình đến trung tâm Hà Nội là Tháp Rùa chỉ chưa đến 80km.
 
Giờ thì khác nhiều lắm rồi. Con đường cao tốc rộng đẹp nối Hà Nội với quê mình đã rút ngắn thời gian di chuyển xuống chỉ chưa đầy tiếng rưỡi. Việc đi lại chưa bao giờ dễ dàng đến thế với đủ loại hình vận tải vô cùng tiện lợi.
 
Sáng nay mình rời Hà Nội khi đi qua cầu Nhật Tân thì vừa lúc mặt trời nhô lên. Đỏ rực, to tròn như quả cầu lửa, đẹp tuyệt vời. Con mình reo lên khi thấy bình minh mùa Hạ trên sông Hồng. Tiếc là mình chụp hình chán quá, không bắt được cái đẹp của nó.
 
“tôi mơ về Hà Nội
để nghe gió sông Hồng thổi”
Giờ không phải mùa đông như trong bài hát. Và mình đang không mơ, mà là thực. Mình đang thực đón gió lồng lộng từ sông Hồng mùa hạ.
Một sông Hồng với nước đục ngầu vào mùa mưa bão tháng 7, với những bãi bồi nương ngô. Những bắp ngô nếp mềm dẻo nhờ phù sa màu mỡ châu thổ.
 
Con đường về Thái Nguyên quê mình đi qua ngoại thành thuộc phía Bắc Hà Nội: Gia Lâm- Đông Anh-Sóc Sơn. Những vùng đất đều thấm đẫm những chứng tích lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
 
Cổ Loa thành và núi Sóc nơi tương truyền Thánh Gióng sau khi quét sạch giặc Ân đã bay về Trời là hai nơi mình nghĩ bất cứ ai cũng nên đến thăm một lần. Mình đã thực sự rất xúc động khi đưa con mình thăm hai địa danh này cách đây mấy năm. Có cảm giác rằng khi đó mình đang không còn ở hiện tại nữa mà đã đang lùi đi cả thiên niên kỷ để chứng kiến những sự kiện -truyền thuyết như thực như mơ.
 
Cổ Loa nhỏ bé nhưng duyên dáng và ẩn chứa trong mỗi câu chuyện nơi thành quách cổ này là những bài học lịch sử lớn lao, không bao giờ cũ.
 
Khu di tích Thánh Gióng giống như một khu rừng nguyên sinh, với những cây cổ thụ to lớn uy nghiêm mà mình nghĩ có khi chúng cũng phải già cỡ mấy trăm năm. Rồi cả những cây tre ngà mà Thánh Gióng đã nhổ vẫn mọc đầy dọc đường lên đỉnh núi.
Những am thờ, những đền thờ và tượng thần đều vững chãi trước sương gió thời gian, qua bao nhiêu triều đại thịnh rồi suy, đều khiến mình thấy lịch sử và quá khứ hiển hiện rõ hơn bao giờ hết, ở hiện tại.
 
Núi Sóc sát ngay Thái Nguyên nhà mình. Nếu bạn hỏi Thái Nguyên ở đâu thì mình muốn nói rằng nhà mình thật gần nơi mà cậu bé Gióng vì yêu nước đã lớn nhanh như thổi để có thể đi đánh giặc.
 
Nhà mình nằm ngay trên con sông Cầu chảy xuống tận mạn xứ Kinh Bắc. Con sông Cầu chính là sông Như Nguyệt, nơi Lý Thường Kiệt đã đánh tan quân Tống xâm lược vào năm 1077 và viết lên bản tuyên ngôn bất hủ, bản tuyên ngôn đầu tiên khẳng định chủ quyền của nước Nam ta:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở”
 
Đi qua Sóc Sơn với những hàng cây phủ xanh ven đường là mình đã về đến quê nhà mình,
quê nhà mình mới bước chân vào là mình thấy đúng thật là quê nhà rồi, là mình đã về đến nhà rồi,
chỉ bởi những đồi chè thấp thoáng ẩn hiện, thân thuộc muốn rưng rưng…
 

Đồi chè Thái Nguyên

June 1, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Trên chuyến tàu mùa hạ

by Rose & Cactus June 1, 2024
1.
Buổi sáng mẹ gọi điện dặn “Con ơi nhớ mang theo cái quạt nan nhé, có nóng thì còn có cái quạt”
giờ thì lạnh teo, tàu lửa có trang bị máy lạnh lạnh đến mức có cảm tưởng đang ở mùa đông :))
 
4 năm sinh viên, trừ đột xuất mới đi ô tô còn thì bọn mình toàn đi tàu từ quê về Hà Nội và ngược lại. Vì đi tàu vui và rẻ, chỉ 4.000 đồng cho chặng 70km. Trên tàu chỉ toàn sinh viên và các cô, các bà buôn chuyến tàu chợ nên cứ là rôm rả từ lúc lên đến khi xuống.
 
Mình nhớ ngày đó thầy giáo dạy môn Kinh tế chính trị của bọn mình ở trường ktqd cũng cứ cuối tuần là nhảy tàu về quê thái nguyên. Thầy là thương binh nên dạy có cái chất nhiệt thành của người lính. Có lần trên tàu mình hỏi thầy, tại sao gia đình thầy không chuyển về Hà Nội để thầy đỡ phải đi lại.
 
Thầy cười hiền, không biết trêu hay thật bảo là vì vợ thầy không thích xa đồng đất quê hương: bà ấy là nông dân chính gốc, suốt đời bám lấy mảnh ruộng, nương ngô, quen ở rộng rãi rồi nên xuống Thủ đô chỉ vài ngày là lại đòi về vì tù túng. Thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất vậy :)).
 
Phòng trên tàu hỏa của mình có bốn người thì hai em gái người Quảng Ngãi và Huế còn trẻ. Các em bảo chị ơi, mỗi lần trở về quê không hiểu sao em luôn có cảm giác rất vui và chờ đợi dù em đã ở Sài Gòn cả chục năm rồi.
 
“Trời lại mưa rồi. Huế có một đặc điểm là đã mưa thì bao giờ cũng lạnh. Mưa dầm dề cả ngày và lạnh buốt. Giờ này ba mẹ em ở nhà là đã dọn mâm cho bữa tối chị ạ. Các cụ đã lớn tuổi nên ăn sớm, nghỉ sớm. Giá ở quê có nhiều việc làm thì em sẽ ở nhà với ba mẹ, chứ không xa quê đâu chị.”
 
Em nói và nhìn xa xăm ra cửa kính, đã thấm đẫm nước mưa tạt vào. Ánh mắt đẹp và thăm thẳm buồn, một vẻ “có chút gì rất Huế”.
 
Tàu đang chạy qua vùng xứ Đạo, nhà thờ dày đặc,thi thoảng lại thấp thoáng nghĩa trang với những cây thánh giá,
mưa trắng trời, và người thưa vắng,
 
chợt nghe văng vẳng từ đâu dội về
 
trời còn là mưa
mưa rơi mênh mang
từng ngón tay buồn
em mang em mang
đi về giáo đường
ngày chủ nhật buồn
Nói chuyện một lúc thì chúng mình mỗi người lại chui vào cái tổ riêng của người nấy.
 
Im lặng. Mình lấy từ balo quyển sách mỏng lấy đại ở nhà có tên “Edison mà tôi biết”.
đọc mấy trang đầu đã thấy đề cập rất nhiều đến tàu hỏa. Một trong số đó là vì Edison do đã cứu con của một nhân viên nhà ga trên đường ray xe lửa.
 
Và để trả ơn thì người cha này đã dạy Edison về điện báo. Công việc điện tín viên tuy chỉ tạm thời nhưng đã mở đường đưa ông đến với ngành điện và chuyển hướng ông khỏi dự định ban đầu là nhà hóa học,
việc cứu thoát một đứa trẻ khỏi đường ray tàu hỏa là cú rẽ bất ngờ để bắt đầu sự nghiệp mới của Edison – sự nghiệp sẽ mang đến cho chúng ta bóng đèn sợi đốt và toàn bộ hệ thống cung cấp điện cho ngành công nghiệp hiện đại.
 
Còn mình mỗi khi trời mưa gió thế này ở quê chả hiểu sao ký ức đọng lại trong mình vẫn là buổi tối chỉ mong ….mất điện :)))
 
2.
“Đi tàu thời gian này là vắng đấy chị. Đợt tết em về người nằm la liệt ra cả hành lang ấy, chen nhau chật cứng. Nhưng tết mà, mua được vé về là tốt lắm rồi. Em không đi được ô tô, say lắm”.
 
chúng mình lại chuyện trò sau một lúc im ắng. Buổi tối trong toa xe không đủ ánh sáng để đọc, gấp sách lại cho khỏe.
cái kiểu nằm im trong bóng tối và kể chuyện cho nhau nghe là một kiểu sống chậm điển hình, càng ngày càng hiếm trong xã hội hiện đại. Vì ai giờ đây cũng bị buộc chặt vào điện thoại, từ người lớn đến con trẻ và cả các cụ thấp thập cổ lai hy.
 
“Chị có hay coi tiktok không?”
“Chị còn chưa có cả tài khoản tiktok”
 
“Trời, ba mẹ em gần 80 rồi mà còn mê coi tiktok đó chị. Thế còn con?” Em quay qua hỏi con mình
“Con có. Tiktok có nhiều thứ, kiểu cũng hay mà cũng nhảm ấy”.
 
“Em giờ ngày không vào tiktok coi cái nọ cái kia là em không chịu được. Kiểu như nghiện ấy chị”.
“Bởi vậy nghiện gì cũng khổ nên tốt nhất đừng biết để khỏi nghiện” :))). Mình đùa.
 
“chị có phải người Hà Nội ?”
“không em ạ, chị người thái nguyên”
“sao em nghe giọng chị Hà nội lắm. Mà thái nguyên là ở đâu em nghe rất lạ”
sáng đi taxi em tài xế cũng hỏi mình y như vậy, thái nguyên ở đâu :))
 
2h sáng hành khách lục tục chuyển tàu, tạm đi xe buýt sang ga La Hai từ ga Tuy Hòa do đường ray bị sự cố đợt mưa vừa rồi.
50km thành phố vùn vụt trong ánh điện đêm. Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, ba thành phố ven biển miền Trung mà mình cảm thấy thích nhất.
 
Bình Định trong ánh bình minh đẹp tuyệt. Những dãy núi thấp trập trùng ngay gần tầm mắt. Bên dưới là những cánh đồng nhỏ xanh mướt, một màu xanh của lúa và của dừa.
 
Không hiểu sao ngắm cảnh vùng “đất võ trời văn” qua ô cửa sổ này mình lại nhớ đến đường từ Hà Nội về Thái Nguyên, đoạn qua huyện Sóc Sơn.
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Người Bình Định ở Sài Gòn có một điều gì đó rất giống người Nghệ An ở Hà Nội. Một cộng đồng có nhiều người giỏi và tài năng trong các lĩnh vực.
 
Ngắm cảnh chán định viết bài thơ vì đi qua đất của của các nhà thơ tình nhẽ chẳng họa được nấy một bài :)),
song mới chợt nhận ra mình không biết viết thơ tình ;)). Thế là lại thôi, kiếm lại cuốn Edison để đọc.
 
thì ôi, chả thấy đâu nữa, mình đã bỏ quên trên tàu tại ga Tuy Hòa rồi.
quờ đại vào balo xem còn quyển nào không. “Nghĩ giàu, làm giàu” của Naponeon Hill, cuốn sách nhỏ bằng bàn tay mua từ đời nảo đời nào chưa ngó ngàng tới lần nào,
 
thế mà hữu duyên sao qua đất Bình Định lại lù lù xuất hiện trước mặt :)))
“quả này có khi chưa về đến quê mẹ sẽ làm được một bài thơ tình” :))
Con gái mình buông một câu, ngay khi tàu dừng ở ga Quảng Ngãi
 
3.
Tháng năm,
Mưa từ nam ra bắc. Những cánh đồng xâm xấp nước trải dài, in bóng bầu trời đang sà xuống một màu xám xịt.
trên đường thiên lý bắc nam nếu có một nơi nào đó gây nhiều cảm xúc nhất với mình thì hẳn đèo Hải Vân luôn được nghĩ đến đầu tiên.
 
Hải Vân, cái tên đẹp quá! Đẹp như chính cảnh sắc nơi ấy, một vẻ đẹp của non nước hữu tình, của núi và biển, của đá và hoa hòa quyện vào nhau hợp ý đến mê hoặc.
 
Tàu chạy trên cung đèo Hải Vân bao lâu mình và nhiều hành khách chắc cũng không để ý vì ai cũng như đang đắm chìm vào với khung cảnh trước mắt mỗi người. Chỉ để không bỏ lỡ những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất mẹ mến yêu, dù rằng có lẽ với nhiều người đây không phải là lần đầu tiên đi qua Hải Vân.
 
Những vách núi hình vòng cung ôm trọn những vịnh nước nhỏ hiền hòa. Những vùng nước như vừa được định dạng đóng lại bởi chân núi vững chắc quây quanh, như vừa được mở rộng ra tít tận đường chân trời nhờ một lối mở duy nhất.
biển áp sát vào núi, những hòn đá, phiến đá màu nâu sậm nhấp nhô. Sóng, nước đã là bạn của chúng hàng triệu năm qua và có thể là hàng triệu năm tới.
 
Nuớc bào mòn đá, đá thanh lọc nước. Đá cứng, nước mềm. Đá tĩnh, nước động. Chúng cứ ôm ấp nhau như thế mặc cho bao cuộc bể dâu trôi qua.
 
Đá còn nằm xoài ở lưng chừng núi. Để làm nở hoa. Những vạt hoa dại, gần như không ai biết tên, nở trắng muốt, át đi cả màu xanh của cây cỏ.
Cả thảm hoa trắng là những áng mây rớt xuống hạ giới. Mây trắng trên trời- mây hoa lưng chừng núi- mây sóng vỗ rì rào dưới mặt biển ở chân đèo.
 
“Xưa mây vẫn hay thường lang thang”
Nếu lang thang trong một không gian hùng vĩ, thơ mộng và hoài cảm dường ấy, trong cái thời điểm chiều tà thế này, thì dù không thể thấy bóng hoàng hôn vì mặt trời đã khuất bóng từ lâu, vẫn trào lên trong lòng một nỗi nhớ da diết, mơ hồ nào đó
 
“không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
 
Qua đèo Hải Vân. Tàu băng qua những hầm tối, rồi lại thoát ra vùng sáng và lại đi vào vùng tối. Đèo dài, tàu dài, ngồi ở toa cuối có thể thấy toa đầu đã vắt sang bên kia vách núi. Thầm biết ơn ai đã tạo ra con đường sắt cheo leo nơi rừng sâu núi thẳm để chúng ta được chiêm ngưỡng những kiệt tác đẹp đến nao lòng của thiên nhiên
 
“con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui
qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”
 
Huế đã hiện ra trước mắt.
Huế mộng, Huế mơ, Huế thương, Huế nhớ
 
Ôi, bước sang đất Huế lại nhớ tha thiết chất giọng Huế hiền từ của cô bán bún bò Huế gần nhà mà từ lâu hai mẹ con mình đã là khách hàng trung thành. Cô bán hàng mà lúc nào cũng nhẹ nhàng, từ tốn ” Mấy tuần rồi không thấy các con ra, cô tưởng nhà con chuyển đi đâu rồi?”
 
Giọng nói dịu dàng, phong cách điềm đạm, trầm tĩnh, lối sống thâm trầm là một đặc trưng xứ Huế bảo sao vùng đất này là cái nôi của nhiều bác sĩ giỏi, nhà toán học giỏi và cũng là mảnh đất thấm đẫm một bầu không khí thi ca nhạc họa.
“Chào hai mẹ con nha. Chúc chị và con có một chuyến nghỉ hè vui”
 
Em gái thu xếp hành lý để chuẩn bị xuống tàu. Mình cũng chào em và hẹn gặp lại em một lúc nào đó ở Sài Gòn.
cô gái Huế dễ thương ấy cười tạm biệt, nụ cười đẹp làm sao của một người con xứ Phong Điền.
 
“giữ chút gì rất Huế đi em
nét duyên là trời đất giao hòa”
 
Tháng Năm đang qua rồi!
Cơn mưa có đưa mình về tháng Sáu?
June 1, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.11

by Rose & Cactus May 29, 2024
Mình nhớ truyện đầu tiên mà mình tự đi mua ở nhà sách là “Đất rừng phương Nam”. Cuốn sách có bìa màu xanh lá, chỉ nhỏ bằng bàn tay, rất xinh xắn đã thu hút mình ngay khi nhìn thấy.
 
Mang về mình đọc hết một mạch trong buổi chiều luôn vì chuyến phiêu lưu của chú bé An ở miệt rừng Tây Nam Bộ quá là hấp dẫn qua ngòi bút của nhà văn Đoàn Giỏi.
 
Lúc đó mình cũng tầm học lớp 6 và dù là An ở tít nơi tận cùng của Tổ quốc, lại là miền đồng bằng và bối cảnh thì cách bọn mình đến khoảng 50 năm. Tức là về mặt không gian và thời gian đều khác nhau.
 
Nhưng qua mỗi trang sách mình vẫn tìm thấy trong đó những sự tương đồng trong cuộc sống của An, của Cò với thế hệ bọn mình. Đó là những đứa trẻ lớn lên trong thời kỳ mà chưa có sự xâm nhập của công nghệ, khi mà đời sống thường ngày đều gắn chặt với thiên nhiên, khi mà cha mẹ còn vất vả mưu sinh nên trẻ em gần như tự do vùng vẫy trong không-thời gian ấy của mình.
 
Tất nhiên không ai phủ nhận những tiến bộ của khoa học -kỹ thuật đã thay đổi sâu sắc đời sống của con người, mà phần nhiều là theo chiều hướng tốt hơn lên. Ví dụ như bây giờ chúng ta thử tượng tượng “không có điện” mà xem, chắc chắn sẽ cảm thấy khổ sở lắm lắm vì bao nhiêu những tiện nghi đều liên quan tới nó,
 
Tuy vậy, cái giá phải trả đi kèm là không nhỏ khi trẻ em ngày nay thiếu hẳn đi một không gian sống rộng mở, chan hòa với đất trời và cỏ cây. Nơi chúng có sự tương tác thật sự với những người bạn cùng trang lứa để giải quyết những bài toán mà chúng gặp phải trong những chuyến phiêu lưu thẫm đẫm không khí tuổi thơ.
 
Nhưng biết làm sao được, thôi thì ta cứ an ủi nhau, được cái này thì mất cái khác. Một trong cái được nhất của các em bây giờ đó là được tiếp cận nguồn tri thức bao la của nhân loại một cách dễ dàng hơn. Sách hiện nay vừa đẹp mà lại phong phú, đa dạng về nội dung. Điều mà ngày nhỏ thế hệ mình mơ cũng chẳng có.
 
Nói đến truyện mình lại nhớ hai cuốn truyện mà thằng em trai mình lọc cọc đạp xe ra thư viện khu vực mượn về nhà cho mình trong một mùa hè một năm cấp ba nào đó là “Trà hoa nữ” của Alexandre Dumas và “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của Paustovski,
 
cuốn đầu tiên thì giấy vàng ố, chưa kể cứ đọc một đoạn là lại mất biến đâu một trang.
 
cuốn thứ hai thì gáy xộc xệch và chi chít chữ ở những chỗ hơi trống, trong đó mình nhớ mãi một câu của một anh chàng nào đó gửi cho cô gái trong mộng của anh ta “anh ước mình là bình minh mưa để những đóa hồng vàng luôn rực rỡ” :))
 
và đọc đến trang cuối cùng thì mình thấy nét chữ con gái: “mời anh xem lại ý nghĩa của hoa hồng vàng trước khi ước” :))
 
Không biết bạn gái nào hóm hỉnh thế không biết, anh chàng kia thì có lẽ không mượn lại truyện đâu nên chắc chẳng biết. Nhưng những người đọc sau, giống như mình, thì lại như đang được đọc thêm một câu chuyện,
 
của cái thời nghèo khó, sách dù vừa cũ vừa nát vừa bị ngắt quãng, vẫn cứ đọc say mê không bỏ trang nào,
kể cả là màn đối thoại của những người chả ai biết là ai kia.
May 29, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
Rose

Hương mùa hè.10

by Rose & Cactus May 28, 2024

Buổi trưa,

trời oi bức và đứng gió. Nắng tắt tự khi nào hay là nắng chưa lên, có vẻ như không ai để ý. Kiểu như trong tâm thức mùa mưa Sài Gòn thì cứ mặc định là sáng nấng, chiều mưa vậy!

Những con chim bồ câu chẳng biết từ đâu chọn cái gờ tường của những tầng cao nhất tòa nhà làm nơi trú ẩn.

Mới đầu chúng chỉ có một đôi, sau rồi thêm hai ba đôi kéo đến.

Mới đầu chúng chỉ loanh quanh trên bức tường ban công, sau chúng bạo dạn hơn hạ cánh xuống mặt sân nhỏ để rồi cuối cùng ung dung đi ra đi vào cả phòng khách giống như chúng là chủ nhân của ngôi nhà vậy.

Mới đầu nghe tiếng chân người là chúng vỗ cánh phành phạch bay đi ngay, sau rồi giờ có ngồi bên cạnh quờ tay cả vào cái đầu nhỏ xinh của chúng, chúng cũng mặc kệ.

Chúng đã quen với nơi  này và những con người ở chốn ấy nên cảm thấy an toàn chăng?

Buổi chiều,

không nghe tiếng gù gù quen thuộc của chúng nữa. Im phăng phắc. Bước ra ngoài ban công thấy không còn bóng dáng con nào. Chắc là lại bay đi chơi đâu rồi.

Nhưng gió thì đang nổi lên. Từng đám mây chuyển màu, từ trắng sang đen kịt chỉ trong vài phút. Hình dạng mây mở rộng ra, to lên và dầy hơn. Từng tảng, từng tảng, dồn lên, ùn ứ chạy về từ tứ phía.

Gió phần phật, cứ đuổi.

Mây vẫn vũ, cứ trôi.

Đám cây lớn không biết là đang reo mừng hay lo sợ khi ngước nhìn màn rượt đuổi ngay trên đầu. Chỉ biết chúng đang quằn quại, những cành lá nhỏ hết quặt bên này lại ngoẹo bên kia.

Xào xạc. Vi vút.

Gió len lỏi, quện vào những tán cây tạo nên bản sonate dữ dội đủ để làm giật mình những sinh vật bé mọn.

Chim thảng thốt bay lên, bay ra khỏi tổ, chúng lượn vòng từng đàn và cât lên tiếng hót âm hưởng soprano vang rền.

Họ nhà mối dập dờn, những chiếc cánh mỏng manh  ngụp lặn lưng chừng đại dương cạn dưới sức nặng áp suất như muốn nghiền nát. Của gió.

Cửa kính căn nhà màu đỏ, nơi có dàn hoa tigon trước cồng, mới rửa mặt cách đây hai hôm giờ lại đã lấm lem. Bụi. Nó quan sát bầu trời trải dài trước mắt và ngay lập tức biết rằng sẽ chóng thôi nó sẽ lại bảnh trai như Bi Rain!

Rain, rain

Listen to the rhythm of the falling rain

Mưa thật!

 

Gió chưa dừng.

Nên mây khóc. Hóa thành những hạt nước nhỏ, nặng chịch ào ào rơi.

Gió chưa thôi.

Nên mưa lạc lối. Dòng nước đổi chiều, quặt ngang, va vào vách kính, và lăn dài.

Gió rít. Mưa tuôn. Sấm rền. Chớp lóe.

Bầu trời, mặt đất biến thành chiến địa quần thảo của các vị thần.

Cây rung lắc dữ dội. Rắc, rắc, từng cành khô ngã phịch xuống mặt đất giờ không còn phân biệt được đâu là lề đường hay lòng đường. Tất cả ken đặc thứ chất lỏng trắng xóa, đang cuồn cuộn như lớp sóng thần!

Mọi thứ như trôi đi. Và lá. Và rác. Và người. Và xe.

Mọi thứ đang được gột rửa. Cửa kính. Con đường. Cây cỏ. Và mặt người!

 

Cho đến khi,

Gió thấm mệt. Mây cạn nước mắt!

Mưa hấp hối,

thì vạn vật bừng sáng, chúng tái sinh,

vừa lúc,

trời tối!

Viết sau cơn dông chiều Sài Gòn

 

 

 

 

 

 

 

May 28, 2024 0 Bình luận
0 FacebookTwitterPinterestEmail
  • 1
  • …
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • …
  • 19

Bài viết mới nhất

  • Giọt nước mắt bay lên
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng
  • Những cơn gió của thiên đường
  • Tản mạn đầu Xuân
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

About Me

About Me

RosenKactus@gmail.com

Keep in touch

Facebook Twitter Instagram Pinterest Tumblr Youtube Bloglovin Snapchat

Bài viết nổi bật

  • Giọt nước mắt bay lên

    March 5, 2025
  • Chả dại gì em ước nó bằng vàng

    February 26, 2025
  • Những cơn gió của thiên đường

    February 19, 2025
  • Tản mạn đầu Xuân

    February 12, 2025
  • Con chim bồ câu bé nhỏ

    February 5, 2025

Chuyên mục nổi bật

  • Cactus (19)
  • Film (8)
  • Rose (150)
  • Stories (15)
  • Uncategorized (2)

About me

banner
RosenKactus@gmail.com

Bài nổi bật

  • 1

    Tạm biệt 2023….. (1)

    December 28, 2023
  • 2

    Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (6)

    September 30, 2023
  • 3

    ….Xin chào 2024 (1)

    January 1, 2024
  • Facebook
  • Instagram
  • Pinterest
  • Youtube
  • Email
  • Tiktok

@2023 - All Right Reserved. Designed and Developed by YVS Digital


Back To Top
Rose and Cactus Blog
  • Home
  • About me
  • Rose
  • Cactus
  • Books
  • Stories
  • Film
  • English