Cảm xúc Thu – Dạo bước trên Mây (8)

by Rose & Cactus

Tháng Mười,

Buổi sáng thường se mát, trời râm cho đến gần trưa thì bắt đầu hửng nắng. Nắng dịu ban đầu rồi tăng dần lên đến cực điểm khi chiếc kim dài đồng hồ cán số 12.

Đúng lúc đó, mình nhận điện thoại của mẹ, giọng bà sang sảng thật quen thuộc:

-Mẹ vừa “lượn” qua nhà Bà Thống (bạn đồng nghiệp, đồng hương quê Nghệ Tĩnh của mẹ) chơi, giờ đang chuẩn bị ăn cơm trưa

Gần 70 tuổi mà cụ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn thiếu nữ :)), xe máy vẫn phóng ầm ầm, trăm cây thì không dám nói, chứ vài ba chục cây đối với cụ cứ gọi là “muỗi” :)), giá bà cho cháu ngoại bà tí cái ưu điểm này có phải hay không :)).

Trong nhà thì thôi chứ đã ra khỏi nhà lúc nào nhìn cụ cũng đoan trang, lịch sự y như nhân viên công sở: Giầy đen đế thấp, áo blazer ngang hông, quần vải ống đứng, thêm quả mùa thu đông lành lạnh thế này quàng hờ cái khăn dạ vừa mỏng thì ôi, chẳng khác gì người mẫu lứa U70, vì cụ vốn cũng đã gọn gàng cao ráo:

-Dồi ôi, bà ra ngoài tươm tất thế này thì lại chết các ông thôi :))

-Bố nhà con với cái :)))). Bà đây chả thèm, các ông dại thì các ông chết :)). Ai đời mấy chục tuổi đầu rồi mà vẫn bị gái lừa, mất đến 12 tỷ mà vợ vẫn còn thương cho lên núi tu thì đúng quả thật số anh ta thật phước đức :)))

Thi thoảng con cháu hay đùa trêu cụ thế cho thêm Vitamin hài hước “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà. Các cụ tuổi cao, sức khoẻ không còn được như thời thanh niên nữa, sáng vẫn phăm phăm đó  mà tối có khi nằm bẹp một chỗ rồi. Nên sức khoẻ tinh thần là rất quan trọng.

-Bống đâu rồi con. Bà báo con chủ nhật này chung kết Đường lên đỉnh Olympia đấy, nhớ đón theo dõi nha con!

Bà nói thế, chứ kiểu gì sáng sớm chủ nhật cũng gọi Zalo lại cho cả nhà nhắc nhở không chúng mày quên :)). Mấy chục năm lịch sử chương trình chưa bao giờ thấy cụ bỏ một buổi tường thuật trực tiếp Olympia nào, hăng hái mong ngóng cứ như mình là thí sinh:

-Chương trình này xem mãi không chán được các con ạ, vì nó là chương trình tri thức. Mà tri thức thì không lạc hậu được. Người có tri thức thì chỉ việc nhặt nó ra mà sống.

Mẹ mình phụ nữ chân yếu tay mềm mà từ thời trẻ đến giờ già rồi mà cái gì cũng chấp tất, chả ngán việc  gì. Chồng bộ đội biền biệt quanh năm cũng không thành vấn đề, xây nhà, sửa mái, lắp đường ống nước… gi gỉ gì gi cái gì mẹ cũng chỉ đạo xuôi chèo mát mái từ A đến Z.

Nhớ đầu những năm 90, kinh tế mới chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, nên có nhiều cái mới được đưa vào cuộc sống. Chỗ nhà máy mẹ có tổ chức đấu thầu cái nhà xưởng dệt rộng mênh mông dưới khu tập thể nhà mình. Chả biết cụ tính toán thế nào, nhất khoát cụ nói như đinh đóng cột nếu chọn giá thầu hợp lý để trúng thầu là kiểu gì cũng có lãi.

Cuối cùng cụ cũng trúng thầu công trình đó thật, sau khi dỡ toàn bộ nhà xưởng bán sắt thép, gạch đã quả là vẫn dôi dư.

Sau vụ đó nhà mình mới có tiền để mua một mảnh đất ngoài đường lớn và xây nhà, chứ đợi vào lương công chức ba cọc ba đồng của bố mẹ thì suốt đời chẳng có nhà mà ở, mãi chắc vẫn phải nhét vào cái gian nhà tập thể bé tí tẹo.

Cách đây vài năm, khi mình đang ở cơ quan chạy quắn lên với cái hồ sơ bị trục trặc thì  thấy điện thoại rung:

-Con đang làm gì đấy? Mẹ xin tí thời gian để báo con gấp vụ này. Mẹ vừa đi ngang qua cái đường dứoi gần nhà mình thì thấy một mảnh đất vuông vức đẹp đẽ chỉ có điều cỏ cây um tùm nên người ta đổ rác và đá sỏi lên làm lấp hết cả cái vẻ đẹp đó. Lại gần thì thấy người ta treo biển Bán con ạ. Mà gía thì mẹ thấy quá là rẻ đi nhưng vì bị tập kết rác hết cả nhìn xấu xấu bẩn bẩn nhiều người chê không mua. Con thấy thế nào?

Mình lúc nào cũng tin tưởng mẹ mình tuyệt đối, vả lại lúc bấy giờ mình đang bù đầu bù cổ với mấy cái hồ sơ nên cũng không còn tâm trí đâu để tâm hết vào lời mẹ mình nói, nên mình cũng trả lời qua quýt cho xong.

Hôm sau đã thấy cụ gọi vào bảo con ơi mẹ đặt cọc rồi. Trời đúng bà nhanh hơn điện :)). Mẹ mình cười: Phải nhanh chứ không mất :)). Xong rồi bà lo đủ mọi thủ tục đàm phán, ký kết, nguồn vốn tất tật cuối cùng cũng ổn thoả. Khi mua xong, bà cho phá bỏ hết cỏ dại, san phẳng, mua thêm đất tôn cao lên cho thêm xuông vức, rồi rào lại để rác không thể ném bừa vào đó được.

Ôi đúng giờ nhìn nó khác hẳn. Không biết bao nhiêu người ngang qua hỏi mua với cái giá gấp 3 gấp 4 lần cái giá của mảnh đất vừa được bán. Nhưng cụ mua cho em trai mình để nó xây nhà ở chứ đâu có mua để bán. Mình đúng phục mẹ mình sát đất vụ này luôn, con cháu còn phải theo cụ dài dài :)):

-Bà mát tay quá, giờ con gọi bà là “Cò đất” nhá! :))

Ngày mình xây nhà trong này cũng thế, bà chỉ đạo thợ xây cứ như thể họ là lính của bà. Mình thì đi làm tối ngày chả biết nhà cửa mặt mũi nó ra làm sao:

-Sao cái gì cụ cũng biết thế hả chị? Tụi em có muốn ẩu tí cũng không được :))

Thế cho nên khi đọc về đời sống của phụ nữ Mỹ ở thập niên 40 của loạt bài viết mà mình đã đăng, mình nghĩ đến những người phụ nữ Việt Nam, những người vợ của những ngừoi lính của một thời chiến tranh khốc liệt, mình nghĩ đến mẹ mình và lòng tràn đầy sự cảm phục. Những người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó, và suốt đời sống vì chồng con có khi đến quên cả bản thân mình.

Tháng Mười,

Chưa cười đã tối. Hoàng hôn nhạt nhoà, không hiển thị rõ ranh giới chuyển đổi thời gian. Ánh nắng quái màu mỡ gà nhanh chóng tắt lịm khi những đám mây đen từ đâu tiến nhanh đến lấp hết cả một khoảng trời. Gió lạnh và một lúc sau lất phất những hạt mưa rơi.

Dọn mâm cơm nóng hổi ra con mình nó lại hỏi đến cái món vừng lạc thần thánh của nó. Khổ cao lương mĩ vị gì không ham chỉ ham ăn món ăn của nhà nghèo thế này hả con :)). Bưng bát cơm đôi khi lại chạnh nghĩ đến mẹ cha nơi quê nhà

Tầm này ở quê mẹ mình cũng bắt đầu lấy chăn mền từ trong tủ để từ mùa đông năm ngoái ra giặt giũ, phơi phóng để đón những cơn gió đầu mùa. Gió lạnh đầu mùa báo hiệu tiết thu đang sắp sửa qua đi và nhường chỗ cho mùa đông gía. Trời hanh hơn, khô hơn và độ ẩm bắt đầu xuống thấp. Đây là lúc mà thời trang thu đông vào mùa rực rỡ nhất.

Những chiếc áo len mỏng, áo khoác mỏng, áo gi lê, khăn quàng mỏng với đủ sắc màu được các cô gái diện, khiến cả phố xá như lung linh.  Mình nhớ ngày bé mình cũng có nhiều chiếc áo len sặc sỡ như thế, những chiếc áo do mẹ đan. Mẹ mình đan rất đẹp. Đan len và móc len. Những chiếc áo được đan móc với nhiều hoa văn, cả những đôi găng tay, đôi tất và những chiếc khăn quàng cổ. Mình học mẹ cũng bập bõm đan được cả áo, tuy rằng không đẹp được bằng mẹ. Trẻ em ngày xưa gần như ai cũng biết đan lát. Cảm giác cầm những cuộn len mềm mềm ấm áp rồi thoăn thoắt mũi kim đan trơn tuột thật là một cảm giác khó tả!

Đan lát cũng là một hoạt động bổ ích vừa thư giãn vừa mang tính giải trí, y như chơi cờ vậy. Khi những ngón tay thoăn thoắt theo từng sợi len thì đầu óc lại hoàn toàn tĩnh tại. Giờ mẹ mình không còn đan nữa nhưng cụ vẫn có những hoạt động khác để lấp đầy thời gian: Làm vườn, Tập thể dục, và Thiền.

-Thiền tuyệt lắm con ơi, nó giúp mẹ khoẻ lên nhiều! Sống khoẻ mạnh để không phải làm phiền đến các con các cháu!

Mẹ ngày nào cũng thiền hai lần, tuần nào cũng đi chùa và làm công quả ở chùa hai lần. Ngoài ra cụ vẫn nghe tin tức, xem youtube không khác gì thanh niên, nên đố có cô “Vịt” kiều Canada nào dụ dỗ lừa phỉnh được cụ :)). Lâu lâu cụ lại du lịch bốn phương với hội bạn già hay tổ chức nấu nướng ăn uống ở nhà một cụ nào đó trong hội. Rất vui, “Cuộc đời này có được mấy lần mười năm”, cụ tếu táo thế chứ mình cũng không rõ cụ có biết Đen Vâu là ai không? :)))

Chăn ga gối đệm đã được giặt gũi phơi phóng sạch sẽ thơm tho. Buổi tối, khi lên giường ngủ, tay cầm hai đầu chăn rồi giũ tung chúng ra thế là hơi mát phả xuống cùng với vài sợi bông trắng tinh  rơi rớt lả tả như những chiếc lá vàng chao nghiêng trong vườn cuối mùa thu!

Rồi sau đó tất cả mọi người sung sướng chui mình vào đống chăn. Trời lạnh đôi khi cả nhà ngủ tập thể vừa ấm vừa vui. Nằm trong chăn rồi cũng có thể  đọc truyện hoặc cùng xem phim.

Bộ phim đang chiếu trên tivi một năm xa xôi nào đó có tên:

“Người giàu cũng khóc”

Một bộ phim truyền hình dài tập bằng ngôn ngữ Latin, đến từ đất nước Trung Mỹ tận bên kia bán cầu: Mexico. Đất nước nổi tiếng với chiếc mũ cói rộng vành và là nơi ra đời của hai nền văn minh lớn của châu Mỹ: Maya  Aztec. Người Mexico ngoài dân bản địa thì phần lớn là gốc dân Tây Ban Nha di cư sang từ thế kỷ thứ mười lăm.

Mexico giáp biên giới với Mỹ ở nhiều bang trong đó có California.Và thung lũng Napa, Califfornia là nơi có lâu đài và trang trại nho của gia đình người Tây Ban Nha di cư sang Mexico rồi lại tiếp tục di chuyển đến đây, là bối cảnh chính của bộ phim đầy chất thơ “Dạo bước trên Mây”.

Phim kể rằng, cô con gái Victoria của dòng họ Aragon, chủ nhân của toà lâu đài, trên đường từ trường Đại học về thăm nhà đã gặp anh lính bán chocolate khi hai ngừoi cùng ngồi trong chiếc xe buýt định mệnh.

Vào cuối mùa thu. Bồng bềnh Mây và phảng phất hương vị Nho chín.

Mùa thu nhớ Mẹ!

You may also like

Để lại bình luận