LỜI CỦA GIÓ
(Càng nhìn non nước càng xinh)
2.
So với các con phố khác trong 36 phố phường Hà Nội, Hàng Than có địa hình cao và dốc, một sự ngẫu nhiên lại giống với nơi tôi đang cư ngụ hiện thời.
Căn nhà của tôi, một căn nhà gỗ sồi cũng nằm lưng chừng một con dốc, bên một sườn đồi thông nên thơ tại San Francisco.
Theo các nhà sử học thì Hàng Than là vết tích một con đê cổ của Nhị Hà, có thể là con đê cổ nhất Việt Nam. Đối với tôi, nó hơi có chút ngoại ô, với nhiều chùa chiền, đình miếu và những căn nhà phố nhỏ bé.
Lúc tôi còn bé xíu, cụ nội tôi có kể rằng, phố Hàng Than trước đây là khu bán than, than tàu và than hoa, loại than chuyên dành để nướng chả, thứ chả làm nên món bún chả nức tiếng.
Ấy, suýt nữa đi khỏi các thứ quà cốt bún, mà tôi quên không nói đến thứ quà bún quan trọng và đặc biệt nhất của Hà Nội băm sáu phố phường: đó là thức quà bún chả.
Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng kinh đô. Ai cũng phải công nhận như thế, hay ít ra những người sành thưởng thức. Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?
Mà cảm hứng thế thì chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng.
Những thứ rất là tầm thường, rất là giản dị mà đi gần nhau sao lại sinh ra được mùi vị riêng như thế? Ai là người đầu tiên đã nghĩ ra bún chả?
Người đó đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng ngang, hay là hơn với người tạo nên được tác phẩm văn chương … Có lẽ người kia còn làm ích cho nhân loại hơn là người này nữa. Tiếc thay tên người tài tử đó thất truyền, để không liệt kê vào cái sổ vàng của những danh nhân “thực vi đạo”.
Thứ bún để ăn bún chả, sợi mành và cuộn từng lá mỏng, khác với bún thường. Chả phải thịt ba chỉ, mà phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Quái, sao cái nước chấm của các hàng bún chả hàng ngon thế!
Có lẽ là họ dùng nước mắm hạng vừa, nghĩa là không quá chua, cho nên thành ngon chăng? Nước chấm ấy mà điểm thêm mấy giọt chanh vào thì tuyệt: có thể thấm nhuần cả bún, cả rau, cả chả mà không mặn, không gắt như nước chấm của nhà.
Nhưng bún chả Hà Nội đặc biệt có lẽ vì cái rau húng Láng. Vì chỉ có rau húng ở Láng là có mùi vị húng, đem trồng chỗ đất khác, sớm chậm cũng đổi ra mùi bạc hà.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến bác Tú Mỡ thường mời bạn hữu ăn và thường khoe mình là ẩn dật ngay trong rừng húng. Thế cho nên bún chả thì phải là bún chả Hà Nội mới đủ vị cho người thưởng thức và phải là bún chả xưa vẫn ngồi trước đến Bạch Mã, Hàng Buồm, mới là bán hàng ngon. (Tất nhiên có nhiều các hàng khác ở phố cũng ngon chẳng kém, nhưng tiếng tăm chưa nổi đó thôi).
(Thạch Lam: Hà Nội ba sáu phố phường)

Lùi xa hơn nữa, Hàng Than còn có nghề nung vôi do con sông Cái lấn vào tận sát chân đê, thật thuận tiện cho thuyền bè tấp nập chuyên chở đá cho các lò vôi.
Nhưng đến thời tôi thì tất cả những ngành nghề đó chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi. Phố thị phát triển, Kẻ Chợ cũng có nhiều sự thay đổi, nhiều ngành nghề và sản phẩm mới ra đời.
Trong đó có cái món bánh cốm mà các cụ nhà tôi là một trong những người đầu tiên biến nó thành một món quà gây thương nhớ ở đất Kinh kỳ. Đó là thứ bánh đẹp đẽ của sự kết hợp giữa màu xanh non biếc của cốm, màu đỗ vàng ươm, trắng muốt cùi dừa và lạt buộc đỏ thắm. Cái đẹp đi liền với cái ngon bởi vị béo, vị bùi, và vị ngọt của tất cả các nguyên liệu tổng hợp trên.
Như bao căn nhà phố Hà Nội khi ấy, nhà của chúng tôi hẹp bề ngang nhưng lại dài chiều dọc. Nhà ngoài, nơi đặt cửa hiệu kinh doanh của gia đình tôi, cách nhà trong một khoảng sân nhỏ hình vuông.
Cái giếng trời này quý giá lắm và tôi rất thích ngồi ở đó, trên cái ghế gỗ xám con con, vừa nhặt sạn từ giá đựng cốm xanh, nguyên liệu để làm ra món bánh gia truyền vừa ngắm nhìn ánh nắng nhảy nhót trên những hòn non bộ và một vài loài cây cảnh mà ông tôi trồng trong chậu.
Bánh cốm ngon nhất vào mùa thu và ánh nắng đẹp nhất cũng vào mùa thu. Khi tôi ngước lên bầu trời Thu xanh cao vời vợi ấy, gần như không lúc nào tôi nhanh dứt ra được, chỉ cho đến khi bà nội tôi cất tiếng gọi với ra từ trong gian bếp lúc bà đang quậy nồi đậu xanh cho chín nhuyễn.
Bà biết tôi lắm mà, bà biết tôi thường hay xao nhãng bởi những thứ vẩn vơ như thế.
Cơ mà lúc đó, tôi đã nghĩ mình là con ếch đấy, và cái sân bé xíu là đáy giếng. Làm thế nào để con ếch vượt qua khoảng không kia, để biết ở bên ngoài thế giới rộng lớn bao la có những gì?
Tôi hỏi ông nội tôi, ông tôi bảo con hãy cố gắng học và giữ nấy cái nghề của gia đình, “phi thương bất phú”, kinh doanh sẽ cho con sở hữu tiền bạc và cả cơ hội chu du đó đây.
Tôi hỏi thầy tôi, thầy tôi nói sẽ cho tôi học ở một trường tốt nhất, giống như thầy đã được ông bà tôi đầu tư về tri thức vậy. Học hành đến nơi đến chốn sẽ là kim chỉ nam dẫn tôi đi đến bất cứ nơi nào tôi muốn đến.
Nhưng bà và mẹ tôi thì đơn giản hơn,
Bà thường xoa đầu trêu tôi “Khi nào cậu biết tập trung cậu chủ ạ. Cậu nhặt sạn cho tôi mà cần đến thời gian gấp ba lần tôi làm đấy”.
Còn mẹ tôi chỉ cười và ôm tôi vào lòng. Mẹ tôi hiền lắm!
Mẹ không học cao hiểu rộng như ông nội tôi, không sinh ra đã là con nhà có của ăn của để như thầy tôi. Bà nhu mì, hiền hậu, chịu thương chịu khó và thường lui về phía sau thay thầy tôi chăm lo con cái, hỗ trợ ông bà tôi trong công đoạn theo dõi và thu nợ.
Ông bà tôi thì đảm nhiệm việc sản xuất bánh còn cha tôi phụ trách bán hàng và chăm sóc khách hàng. Trong nhà ai có việc của người ấy, mọi thứ đều được phân công rõ ràng.
Mẹ tôi là con gái miền Kinh Bắc, bà biết và thích hát quan họ, Đôi khi, vào những đêm hè nóng nực, chúng tôi thường ngôi trên manh chiếu nhỏ ở ngoài hiên ngắm sao trời và đón gió.
Và khi ấy, mẹ tôi lại cất lên tiếng hát, như một cách để giúp chúng tôi quên đi cái bức bối hiện tại, và có thể thả hồn vào những suy tưởng riêng của mỗi người.
Lúc đấy, tôi thường tìm ông Thần nông trên bầu trời sao lấp lánh, và có thể chẳng phát hiện ra được thì đã chìm vào giấc ngủ rồi. Ngủ mà vẫn lanh lảnh bên tai làn điệu quan họ lảnh lót của mẹ.
Giờ đây, sau mấy chục năm bôn ba khắp thế giới, tôi vẫn thuộc làu những khúc hát đẫm tình ấy
Ngồi rằng là ngồi i tựa í ơ có mấy mạn
Ơi ớ ớ ơ ờ thuyền là ngồi tựa có a mạn thuyền
Ấy mấy đêm là đêm í hôm quaNgồi rằng là ngồi i tựa í ơ có mấy mạn
Ơi ớ ớ ơ ờ thuyền là ngồi tựa có a mạn thuyền
Trăng ớ in ớ ơ là in mặt i nước í ơ cũng có a càng nhìn
Là càng nhìn non nước càng xinh i, hự hư lá hội hừ.
Con gái xứ Kinh Bắc vốn nổi tiếng đảm đang tháo vát, và có phong cách rất gần với những đặc tính của người Kẻ Chợ. Mẹ tôi là cô hàng xén, ở một ngôi làng bên kia Sông Đuống.
Bà bán hàng trong một ngôi chợ quê nhỏ, và chỉ một lần duy nhất chạm mặt bà ở đó mà thầy tôi đã quyến luyến mãi không thôi, để sau đó nhất mực là người con gái ông muốn lấy làm vợ phải là bà.
Sự kiên định và tình yêu lớn lao mà thầy tôi dành cho mẹ đã khiến ông bà tôi phải chiều theo ý muốn của cậu con trai duy nhất, vì thực tâm ông bà vẫn muốn gả thầy tôi cho một cô con gái của một gia đình gia giáo trong phố cho môn đăng hộ đối.
Mẹ tôi về nhà chồng khi vừa tròn mười tám tuổi. Bà không có nhan sắc yêu kiều mà cuốn hút bởi vẻ đằm thắm. Cái duyên dáng ngầm đó là nhờ nụ cười làm say mê những người đối diện với hai núm đồng tiền và hàm răng đen nhánh.
Có thể chăng bà lại chính là hình mẫu để một nhà thơ nào đó đã viết nên những câu thơ bất hủ
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Mẹ tôi sinh được năm người con, hai trai, ba gái. Sau này, tôi và hai bà chị người ở Mỹ, kẻ ở châu Âu. Tiếp quản cơ nghiệp của gia đình là cậu em trai tôi và giờ là con cháu của chú ấy.
Tuy làm dâu một gia đình giàu có nhưng mẹ tôi vẫn giữ thói tiêu xài tiết kiệm của một người con gái nhà nghèo. Hết sức tằn tiện, bao nhiêu cái đẹp cái ngon đều dành để cho chồng con cả.
Bà ăn mặc giản dị, như mọi phụ nữ con nhà bình dân khác cùng thời, với khăn vấn, áo tứ thân và guốc mộc. Tuy vậy mẹ tôi cũng có hai chiếc áo dài đẹp để diện vào những dịp quan trọng, hay khi cùng thầy thôi tiếp khách làm ăn. Những chiếc áo dài tân thời, cái mỏng cho mùa nực, và cái nhung đen dày hơn cho mùa thu đông.
Nói về bà, có rất nhiều thứ để tôi nhớ đến. Nhất là trong cái mùa thu với gió heo may se sắt này. Có thể kể đến:
Những bình hoa cúc vàng do chính mẹ cắm.
Cúc là loài hoa của mùa thu. Hoa cúc có rất nhiều loại, loại bông với cánh to, loại lại cánh nhỏ li ti. Và cũng có màu sắc đa dạng từ trắng đến phơn phớt tím và vàng.
Ngày nay, tôi thấy các bạn trẻ cứ mỗi mùa thu đến lại nô nức chụp hình ở những cánh đồng cúc họa mi. Trông các bạn thật tươi trẻ và tràn trề hạnh phúc bên những bông hoa. Cũng không có gì là ngac nhiên cả, tôi hiểu, đứng giữa một rừng hoa đẹp dường ấy không mê đắm mới là lạ.
Mẹ tôi cũng mê hoa cúc như thế. Nếu như hồng có cái kiêu sa, lộng lẫy, violet mang vẻ duyên dáng khêu gợi, thược dược lại bắt mắt bởi sự phồn thực thì cúc mang vẻ rực rỡ của tia nắng vàng óng mùa thu, có khi lại đẹp nhẹ bẫng như cơn gió thoảng.
Loại cúc mẹ thường cắm là cúc chi, không biết tôi nhớ tên như vậy có đúng không? Cái loại cúc mà mỗi bông chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn cái cúc áo một chút, dày cánh và có màu vàng tươi.Cành và lá của nó có màu xanh đậm, cái màu xanh ấy sao lại tiệp với sắc vàng của hoa đến thế cơ chứ ?
Khi cắm cúc, mẹ tôi sẽ chọn một cái bình gốm Bát Tràng cao màu nâu đất và cắm lên đó theo kiểu mà mẹ ưng. Mà mỗi lần tôi trông lại thấy là một kiểu khác nhau, kiểu nào với tôi cũng là đặc sắc cả.
Sau này các chị của tôi cũng đều lây từ mẹ cái sở thích hoa và cắm hoa này. Nên cứ mỗi độ Tết đến, nhà tôi xôm tụ, rộn rã như một cái chợ hoa thu nhỏ vì cơ man là hoa mà những người phụ nữ mang về từ làng hoa Nghi Tàm.
Tôi thường được kéo đi cùng mỗi dịp như thế, chỉ để ôm đỡ những cành đào cho các chị. Mà họ chọn hoa mới thật là kỳ công làm sao, đến giờ tôi vẫn không thể hiểu sao mà họ có thể lang thang cả buổi chỉ để chọn được một bình hoa như thế?
Thôi, đúng rồi, tôi nhớ chả có ông thi sĩ nào đó lẩu lâu rồi chả ví phụ nữ là những đóa hoa, còn đàn ông chúng ta chỉ là rễ là thân thôi, là gì ? Có ông nào phản đối không? Tôi là tôi cứ đồng ý cái rụp, chẳng lăn tăn gì.
Thứ nữa là món chả rươi mẹ làm
Lại có một tín đồ ẩm thực nào đó từng thốt rằng “Ở đất Bắc, ăn rươi là một thông lệ, đến mùa mà không được ăn thì như một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa”.
Kể cũng không ngoa đâu, nếu quý vị được một lần thưởng thức một đặc sản chỉ có ở tháng Chín, tháng Mười này.
Và mặc dù con rươi không sinh sống ở đất Thăng Long, môi trường thích hợp với chúng là ở vùng nước lợ mạn Hải Dương, Hải Phòng, thì hay là giữa Kẻ Chợ vẫn có một con phố gọi là phố Hàng Rươi, nơi chuyện mua bán trao đổi những con rươi để làm nên món ngon nức tiếng, chả rươi.
Cách chế biến kể cũng không quá cầu kỳ. Con rươi nhỏ, nhìn hơi giống con giun, đem rửa thật sạch bằng nước nóng, lọc cho hết tạp chất và để nó rụng hết lông trước khi rửa lại bằng nước sạch. Chuẩn bị sẵn thịt xay và trứng gà, các loại gia vị như hành lá, thì là, lá lốt. Và không thể thiếu vỏ quýt.
Nhắc đến quýt, lại nhớ làm sao cái trái quýt ta nhỏ nhắn và mùi hương thơm lừng, cũng chỉ có mỗi độ Thu về. Vỏ quýt vàng ươm, đúng thứ màu của thứ chả rán giòn, trước khi băm nhỏ cần ngâm nước ấm rồi bóp nhẹ để tinh dầu thoát ra bớt.
Tất cả trộn vào với nhau thành một hỗn hợp sền sệt. Từ đó nặn thành những viên tròn dẹt kích cỡ bằng cái miệng chén, không quá dầy không quá mỏng.
Khi mỡ lợn đã sôi sục trong chảo thì thả nhẹ nhàng từng miếng vào. Và chỉ mươi mười lăm phút thôi là cả gia đình tôi đã có món chả rươi cho bữa cơm thật là đông vui. Bữa cơm ba thế hệ với chín người và luôn tràn ngập tiếng cười.
Tháng Mười mang theo hơi lạnh lại đã về. Bạn đã từng thử làm món chả rươi ?
Buổi học đầu tiên kết thúc lúc 8h. Sau khi ai nấy đều ra về thì Mùa Thu cũng thu dọn lại căn phòng và lên gác. Căn nhà nhỏ xinh ngay mặt tiền một con hẻm lớn ở trung tâm Sài Gòn là nơi bà vừa sinh sống và vừa làm tiệm len và lớp dạy đan móc.
Ở tuổi bảy mươi lăm, cái tuổi mà bà coi mình làm việc chỉ để duy trì sự minh mẫn, niềm vui vì được tiếp xúc với mọi người và để có cảm giác mình vẫn còn có ích.
Mùa Thu sống một mình trong căn nhà, được bày biện ấm cúng nên dù thế khi bước vào không hề gợi cho người ta một cảm giác lạnh lẽo vì neo người. Chồng bà đã mất hơn mười năm, và cô con gái duy nhất của họ kết hôn với một người Đức và hiện sinh sống ở Nhật Bản. Một năm con cháu về thăm bà 1-2 lần, thường là vào dịp Tết.
Tuy vậy, bà vẫn trò chuyện với họ hàng ngày. Sự tương tác thường xuyên khiến cho khoảng cách xa xôi về mặt địa lý được rút ngắn đi rất nhiều và vì vậy, cho đến lúc này, khi bà vẫn còn sức khỏe, thì cảm giác cô đơn buồn chán dường như không có trong từ điển cuộc sống độc thân của bà.
Là một người phụ nữ hiện đại, Mùa Thu tự tìm thấy rất nhiều niềm vui trong các hoạt động hàng ngày. Phần lớn thời gian, bà bị cuốn đi với những sản phẩm từ len, với các học sinh mà bà xem như là con cháu, dù ban đầu họ hoàn toàn là những người xa lạ.
Bà nghe nhạc trẻ thường xuyên, thi thoảng tham gia vào các phong trào văn nghệ của khu phố và rảnh lúc nào là bà lại cắm hoa lúc ấy. Bà mê hoa, thích sưu tập các loại bình gốm và say mê cắm hoa. Những lọ hoa đẹp, giàu tính nghệ thuật luôn làm bà cảm thấy thư giãn và tươi vui.
Như lúc này đây, trên chiếc bàn tròn đặt giữa căn phòng của bà, là một lọ hoa cúc họa mi tuyệt đẹp. Cái thứ cúc mỏng manh, trắng tinh khôi làm bừng sáng không gian với khí man mác đặc trưng của những ngày cuối năm, ngày ngắn đêm dài.
Tiến đến gần bàn, Mùa Thu khẽ nhặt mấy cánh hoa tươi rụng xuống mặt bàn và mang ra bỏ vào cái thùng rác nhỏ ngoài ban công. Ở đó, cây hồng nhung đang chúm chím vài nụ hoa đỏ thắm và một mùi hương nhè nhẹ thoang thoảng khẽ lướt qua.
Nhưng bà còn cảm nhận được một thứ hương vị khác nữa. Không phải chỉ có hương hoa hồng. Là một thứ hương đánh thức khứu giác và cả bao tử, không chỉ với riêng bà.
Hương thơm đi ra từ quán phở đối diện nhà bà, nơi làn khói nghi ngút đang bốc lên trên mặt nồi nước dùng nóng sùng sục. Người đi làm về muộn, người đi học về khuya và cả nhiều người thích ăn hàng đêm đang đợi được phục vụ món ăn được xme là quốc hồn quốc túy.
Đó là một tiệm Phở nức tiếng khu vực mà Mùa Thu đang sinh sống. Bất giác, giọng đọc nhẹ nhàng truyền cảm của cô gái học viên trẻ Autumn lại vang lên bên tai bà.
Cô đọc đến đoạn PHỞ thì ngừng chương một của “LƠÌ CỦA GIÓ”. Đã hết hai mươi phút và đến lúc họ bắt đầu vào bài học.
Sao bằng ra đầu phố ăn một bát phở bã của anh hàng phở áo cánh trắng, gilet đen, và tóc rẽ mượt? Nồi nước sôi sùng sục, tỏa mùi thơm ra khắp phố.
Nếu là gánh phở ngon, cả Hà Nội không có đâu làm nhiều, thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt, và hành tây đủ cả.
Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn thêm bát thứ hai. Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi.
Và người hàng phố tìm dấu hiệu để gọi tên anh cho dễ nhớ: anh phở Trọc, anh phở Bêrê, anh phở Mũ Dạ, anh phở Cao … và dặn thằng nhỏ chớ mua hàng khác về “ông không ăn mà chết đòn”.
Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối.
Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc v.v …
Bây giờ nhiều tài năng trẻ trong nghề phở mới nhóm lên và trái lại, những danh vọng cũ trên kia không chắc còn giữ được “hương vị xứng kỳ danh” nữa. Có người nào thứ chịu khó đi khảo nếm lại một lượt xem sao? Một vòng quanh Hà Nội bằng vị phở, chắc có lắm điều mặn, chát, chua, cay đấy.
Nhưng có một nơi phở rất ngon mà không có ai nghĩ đến và biết đến: ấy là gánh phở trong nhà thương. Trong nhà thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là cái quyền riêng của nhà bà, có từ khi nhà thương mới lập.
Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn.
Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ. Mà nhân tâm tùy thích, nhà hàng đã khéo chiều: ai muốn ăn mỡ gầu, có, muốn ăn nạc, có, muốn ăn nửa mỡ, nửa nạc, cũng có sẵn sàng.
Cứ mỗi buổi sáng, từ sáu giờ cho đến bảy giờ, chỉ trong quảng ấy thôi, vì ngoài giờ là gánh phở hết, chung quanh nồi nước phở, ta thấy tụm năm tụm ba, các bệnh nhân đàn ông và đàn bà, các bác gác san, các thầy y tá, và cả đến các học sinh trường Thuốc nữa.
Chừng ấy người đều hợp lòng trong sự thưởng thức món quà ngon, nâng cách ăn phở lên đến một nghệ thuật đáng kính.
(Thạch Lam: Hà Nội ba sáu phố phường)
Mùa Thu ít khi ăn phở vào buổi tối, nhưng đó là món sáng quen thuộc của bà.
Nhưng nghe nhạc thì chắc chắn là một thói quen trước khi đi ngủ.
Bà nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, đã 22h. Đến lúc khép lại cánh cửa ra ban công rồi.
Bước vào lại căn phòng, bà bật một bản nhạc không lời dịu nhẹ. Và không quên gỡ chiếc hộp bưu kiện vừa gửi tới cho bà vào đầu giờ chiều.
Bên trong, là một cuốn sách và một bức thư tay.
Cuốn sách mang tựa “All too well”, không lạ vì bà đã đặt mua từ tuần trước trên một kênh thương mại điện tử, còn bức thư là thứ khiến bà tò mò, ai lại gửi cho bà một bản thư tay nhỉ?
Với sự ngạc nhiên, bà từ từ mở bức thư. Nội dung là gì thì mình sẽ cho biết sau nhé vì giờ đã khuya rồi!
Đã khuya rồi nhưng vì bên trên có nhắc tới PHỞ thèm quá nên thay vì phở mình phải đi úp ngay một gói mì tôm Miliket để làm vui lòng cái dạ dày. Kệ, béo gì thì béo chứ béo ăn thì chẳng ngán :))).
Hôm nay cô bạn từ thời Đại học có tin vui quá nên mình phải ăn mì tôm mừng cho cổ, dù sao cũng bốn năm cùng các cổ xì xụp cái món ăn thần thánh là mì tôm :)))
Trong những đêm thu đông Hà Nội lạnh giá với tiếng rao huyền thoại ngoài khung cửa sổ ký túc “Ai khúc ơ ơ ơ…”. Có ai còn nhớ?