Chiều một mình qua phố.4

by Rose & Cactus

Cơn mưa em bất chợt

Chẳng biết có giống như tình yêu bất ngờ mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng mô tả trong một bài hát đã có thời từng được nhiều người yêu thích của ông không ? Nhưng rõ là lúc này, trên vỉa hè một con phố Sài Gòn, khi “bỗng dưng trời…mưa” thì bao người chắc chắn, cũng phải tìm cách…trốn.

Đầu tiên là cô bán cà phê, một quán cà phê di động.

Quán của cô, đơn giản chỉ gồm chiếc xe đẩy gọn nhẹ; một cái dù lớn trùm rộng đủ để nắng không thể làm sạm thêm làn da vốn đã dạn dày sương gió và mưa khó gội ướt mái tóc đã chuyển màu muối tiêu của cô.

Chiếc xe, gồm một chiếc thùng inox với vách kính bên trên và bánh lăn bên dưới, có thể theo chủ nhân của nó len lỏi khắp chốn. Trên mặt thùng xem như là quầy hàng, bày biện những vật phẩm cần thiết để cho ra một ly cà phê đường phố hảo hạng: Mấy lon sữa đặc ông thọ, một chai nước cà phê đã chế sẵn, một hộp nhỏ đựng đường, một hộp lớn đựng đá viên, những bịch chứa ly nhựa, ống hút, túi ny lông. Lại có cả mấy chai nước suối, mấy lon nước ngọt và một vài thứ hàng tạp hóa khác

-Cho con một ly sữa đá!

Người khách, một nam sinh viên trẻ măng, chưa kịp dứt lời thì cô chủ đã nhanh tay kéo cái ly nhựa mỏng manh ra khỏi chồng ly dài thòng và trút vào đó một chút chất lỏng sền sệt màu ngà, một chút nước lỏng đen sánh, theo một tỷ lệ nào đó mà chắc là cô quen tay lắm rồi nên không cần phải căn ke kỹ càng gì.

Xong cô dùng một cái thìa nhỏ, khẽ quậy hỗn hợp cho đến khi chúng hòa tan hoàn toàn vào nhau. Trắng và đen, tạo thành nâu. Màu nâu sậm điển hình của thứ đồ uống đậm chất Việt, mà chúng ta gọi là “cà phê sữa”.

Màu nâu là màu của đất, màu mắt của 80% dân số thế giới, màu của tháp Eiffel và của những chiếc lá sắp chết.

Nó là sắc màu cuối Thu, buồn như màu chủ đạo trong những bức tranh cổ điển  được sáng tác những ngày cuối đời của danh họa Vincent Van Gogh.

Và giờ đây, một màu nâu sóng sánh của thứ đồ uống phổ biến nhất Sài Gòn, đang hiện ra trước mắt của những thực khách đứng chờ được phục vụ.

Trong một buổi sáng thứ bảy lãng đãng, vào chính giữa mùa mưa- thu, tháng Chín.

Tháng Chín, ngày thu phân, những cơn gió phảng phất từ sớm: “Em có nghe thấy gió nói gì không?” Thằng Charlie không biết có hỏi nàng thơ của nó như thế vào những ngày thời tiết đẹp tuyệt thế này không, lâu quá rồi cô Daisy mải rong chơi quên luôn chúng nó :)), có lẽ lại hẹn đến cuối năm chúng ta, bảy anh hùng hảo hán xứ Địa đàng, lại cùng rong ruổi với các Táo quân xem xét các vấn đề nơi trần thế cái các bạn nhỉ?

À, mà mình đang nói đến cái gì nhỉ, khổ giờ có tuổi rồi lại đang muốn viết cái gì hài hài gây cười chút cho nó xô bớt cái man mác của mùa thu đi nên lại mắc bệnh lan man :)).

Đúng rồi, là gió thu ấy. Anh hay em hay cả anh và em có thể không nghe được gió nói, gió hát chứ lá cây thì chúng nhạy lắm. Các nghiên cứu khoa học chẳng đã chỉ ra rồi đó sao, thế giới tự nhiên, động và thực vật đều có khả năng “nghe” được những biến chuyển của thời tiết, khí hậu nhanh hơn con người, “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.

Và nơi mình đứng đây, cơn gió mùa thu đang thổi bay những chiếc lá xuống con đường nhỏ. Lá rớt nhiều thành thảm trên vỉa hè, lá vương vào bàn chân người bộ hành ngang phố, lá rụng lên tóc người đi đường và lá sà cả xuống mặt tủ của chiếc xe cà phê.

Những chiếc lá lả tả rơi trong gió. Không liên quan lắm, nhưng mình chợt nhớ đến cuốn “Truyện ngắn O.Henry”  trong chiếc ba lô nhỏ trên vai, với câu chuyện đang đọc dang dở “ Một sự giúp đỡ của tình yêu”: “Khi người ta yêu Nghệ thuật thì không có việc gì khó”

Một làn hương mê hoặc bất giác tấn công vào khứu giác. Hương cà phê! Là chính nó, ngào ngạt lan trong gió thoảng.

Cái gì đã tạo nên thứ mùi vị hết sức quyến rũ này? Khá phức tạp đấy nhé, gồm rất nhiều hợp chất với những cái tên hóa học loằng xì ngoằng lắm nên thôi mình chả liệt kê làm gì, chỉ biết là nhờ những nhóm chất đó mà cà phê rang có vị thơm của mạch nha, hạt dẻ, đất, khói, mùi cháy, caramel, bơ, nấm, trái cây và các loại hạt rang.

Nhiều quá thế, bảo sao tổng hợp lại chúng không tạo ra được một thứ hương vị khiến bao người say mê. Nên nhiều khi pha ra chỉ để ngửi như mình :)). Cái này trà hay …rượu đều thua, không làm sao có thể có được.

-Của em, mười lăm ngàn

Cô chủ vừa trả lời em sinh viên vừa thoăn thoắt dùng một cái muỗng nhỏ xúc những cục đá viên vào chiếc ly cà phê vừa pha chế. Tiếng đá xô vào nhau lạo xạo hòa với tiếng rì rào của gió, tiếng xào xạc của lá, tiếng ồn không quá lớn của phố phường buổi sớm.

Thành bản hòa ca ban mai, nhịp nhàng mà sống động, khiến ta nhận ra vẻ đẹp sâu lắng ẩn sau những vồn vã của đời sống thị thành.  

Người sinh viên đón lấy cái bịch nhỏ đựng thứ đồ uống mình gọi từ tay cô chủ hàng và rời đi.

Nắng rắc vàng trên những phiến lá vàng bay, tựa ánh sao sa trên bầu trời đêm Thu tháng Chín.

Đến lượt mình thì bất ngờ, gió lớn dần, cuốn tung những chiếc lá, làm chúng nẩy lên như những quả bóng trên đường. Gió lay chiếc dù, nghe cả tiếng lớp vải bên trên reo phần phật.

Nắng biến mất dưới những đám mây. Nhanh như một tia chớp, bầu trời đặc một gam màu cà phê đen đá. Chỉ là nhạt hơn.

Mình không uống được đen đá. Đắng quá! Biết sao được, con gái thì hay thích ngọt ngào, dù cho có thể bị.. béo :)).

Đã thấy mưa rơi rồi, hạt mưa chưa dày nhưng khá là nặng.

-Cô cầm cái ghế sang bên kia đường ngồi đợi, làm xong tôi mang sang cho.

Cô chủ quán, đầu đội nón, mặt mang khẩu trang, một cách để cô tránh bụi đường ở nơi làm việc suốt ngày phơi mặt với nắng mưa, với tiếng ồn và khói bụi. Thành ra chả nhìn rõ hết gương mặt cô, nhưng chỉ cần ánh mắt của cô vẫn lấp lánh như thế thì có thể hình dung được cô có nụ cười đôn hậu của một người phụ nữ tảo tần. Chẳng phải đó là vẻ đẹp tuyệt nhất rồi sao ?

Mình cầm chiếc ghế nhựa bước sang phía bên kia đường, dưới gầm đoạn chân cầu vượt dành cho người đi bộ.

Một làn nước mưa mỏng dần loang dưới mặt đường, nhưng chỗ mình đứng tạm đây vẫn còn khô ráo.

Bây giờ mình nhìn sang phía bên phía cô bán cà phê. Và thấy, trong cơn mưa bất chợt

Một người phụ nữ trẻ, vóc dáng tròn lẳn trong bộ quần áo thun, nhét vội xấp vé số vào cái túi da màu đen đeo đằng trước, chạy ùa vào hàng bán bánh mì, ngay bên cạnh chỗ cô bán cà phê. Đó cũng là một chiếc xe bán hàng di dộng, với một cái dù lớn có thể đủ sức chứa vài người đứng trong nó.

Mưa bắt đầu rơi xối xả. Nước bắn lên cả bàn chân mình, những giọt nước đen đúa bám bụi. Nước hắt vào phía trong chiếc xe bánh mì, độ rộng của tán dù không đủ để ngăn dòng nước xâm nhập vào phía trong chiếc tủ kính.

Cô bán bánh mì có vẻ quen thuộc với những tình huống như này lắm, cô từ tốn lôi ra bên dưới hộc tủ những mảnh ni lông to rộng màu trắng và bao bọc xung quanh bên ngoài, một loáng trên dưới chiếc xe đều kín mít. Nước cứ xối vào, lăn theo những chỗ gập ghềnh của tấm phủ, và chảy ào xuống cái rãnh nước ngay sát lề đường.  

Bên trong bóng tối, những những nguyên liệu, những đồ vật đang  nằm im nghe tiếng mưa rơi: Bánh mì, trứng, xúc xích, chả lụa, dăm bông, các loại rau sống, dưa leo, cà rốt thái mảnh, tương ớt, xì dầu, nước mắm, một cái bếp gas mini, hai cái chảo nhỏ, một cái nồi đựng cơm chiên, và vài thứ lặt vặt.

Hans Christian Andersen mà sống lại, chắc ông có thể kể một câu chuyện cổ tích từ Việt Nam: “Câu chuyện của những chiếc bánh mì trong tủ kính dưới trời mưa”, chẳng hạn thế. Dù mình không nghĩ ông sẽ đặt một cái tiêu đề lê thê dường ấy!

Giờ thì chị chủ hàng bánh mì và người bạn bán vé số cũng đã ngồi yên vị trên những chiếc ghế, dưới tán dù. Họ khi trầm ngâm nhìn mưa rơi, khi lại thủ thỉ những câu chuyện chỉ mình họ nghe rõ.

Một quán cà phê con cóc cách chỗ họ đang ngồi vài bước chân, nơi khoảng dăm bảy chiếc bàn nhựa nhỏ được bày ra theo kiểu dàn hàng ngang , với mỗi chiếc bàn có hai chiếc ghế bố để  khách có thể ngả lưng thoải mái theo nhu cầu. Người chủ quán, một nam thanh niên còn khá trẻ, chạy từ trong quầy ra phụ các vị khách của anh ấy, đẩy dãy bàn vào sâu bên trong để tránh mưa.

 Ở một chiếc bàn, một bác trai có tuổi, chắc cũng phải xấp xỉ bảy mươi, đầu đội mũ phớt, một tay cầm tờ Tuổi trẻ –  tờ báo quen thuộc của rất nhiều người thành phố này, xưa kia mình vào đây tìm việc cũng toàn săn mục việc làm trên Vietnamworks và trên báo Tuổi trẻ; và đến giờ vẫn còn nhiều người duy trì thói quen đọc báo giấy như bác trai – một tay nhấc bao thuốc lá (có phải Marlboro không, hơi xa, mình nhìn không rõ) và cái hộp quẹt trước khi xích sâu vào phía trong;

Ở một chiếc bàn khác, một anh trai đầu hơi hói, kính cận dầy cộp, giầy thể thao Nike, quần Jean áo sơ mi trắng đóng thùng, một tay ôm chiếc máy tính bảng, tay kia giữ chiếc chặt chiếc Iphone.

Anh ta đang nói chuyện với ai đó, có thể là cô bạn gái mới quen, có thể là một đồng nghiệp tốt bụng hay một ông sếp dễ thương nào đó; có thể là vậy. Vì thấy anh ta cười suốt cuộc gọi, thậm chí là mưa lớn như thế anh ta cũng chẳng thèm để ý nước đã tạt cả vào người;

nước hắt vào đôi giày anh ta, thì có sao nhỉ, chút nữa gặp bạn gái chả tha hồ lấy được cảm tình, có khi mắt nàng lại ướt khác gì được tưới tắm bởi mưa gió. Và sụt sùi kiểu như: Thương quá, huhu, thời tiết  khắc nghiệt thế cũng chẳng ngăn cản được tình yêu của anh dành cho em, lần sau không phải thế đâu; Nhớ nhá, không phải làm thế đâu :))

nước hắt vào quần anh ta, ồ, ống quần loang lổ vì nước thì có sao, bạn ơi chúng ta quả là những con người yêu công việc, chả thế, nước thế này chứ thế nữa,  cao tận đến mức chạm đỉnh Tản Viên, thì tinh thần lao động vẫn muôn năm, muôn năm; Anh em ghi nhớ nhé, làm nhiều chả hề hấn gì sất, cuối tháng về nhà rỗng túi mới đáng sợ. Đang mùa mưa, đường phố cũng thành dòng sông, lúc ấy cá sấu xổng chuồng có mà đầy..nhà. Sợ lắm, nên cứ xông tới thôi, ngồi phòng máy lạnh chút mọi thứ sẽ cóng queo, khô roong hết cả.

nước hắt vào áo anh ta, áo ướt thì lại càng tốt; áo ướt sẽ mang vẻ lem luốc, hoàn cảnh. Chà, không cố ý tẹo nào thế mà lại thành ra lại hay. Chứ sao, vào phòng sếp, với cái bộ dạng thảm hại, mũi dãi lòng thòng, áo sống thế kia, lại chả khiến sếp ngồi thừ trầm tư cả buổi ấy chứ; Mai là ngày phát lương rồi, nhẽ để chúng nó đói khổ thế kia sao, tội nghiệp quá huhuhu, thủ lĩnh mà không lo được cho đàn em thì còn xứng danh nữa không, nữa nữa không ? :)). Bực mình rồi đấy, phải nhấc điện thoại ngay, alo, trưởng phòng tài chính hả, lên phòng tôi ngay có việc gấp, ngày mai xuất quỹ tăng lương gấp đôi vào tháng mưa bão này cho tất cả anh em, nha nha nha :))

Phù, đấy, mưa thì mưa, ướt thì ướt, không phải hoàn toàn không có lợi đâu.

Còn ở chiếc bàn nữa, một đôi trẻ đang chúi đầu vào cái gì đó, mình cận lòi chả nhìn rõ nên thôi tạm dừng ở đây. Hai cô cậu này chắc là những người đang yêu, nên có bão cũng chẳng khiến họ bận tâm. Lại nhớ đến câu kết trong truyện ngắn mà mình vừa đề cập ở trên : “Không, chỉ cần khi người ta yêu thôi là đủ”.

À, câu gốc thì mình đã trích rồi ấy. Bạn lại thắc mắc sao kêu chưa đọc xong mà,  thì mình lại  phải có lời là  mình bắt chước cái anh chàng Harry trong “When Harry met Sally”, anh ta đã nói với Sally rằng: “Khi mua một cuốn sách mới, tôi luôn đọc trang cuối cùng trước, như vậy thì giả mà tôi có chết trước khi đọc xong nó, tôi cũng đã biết được đoạn kết”.

Nhưng mưa lúc này thì chưa kết thúc đâu và chị chủ hàng cà phê đã băng qua đường mang cho mình ly cà phê rồi. Đỡ lấy chiếc ly mà bên ngoài  đã lấm tấm những giọt nước lạnh do những viên đá thấm qua, mình cảm ơn chị và bước lên những bậc cầu thang bộ có mái che, để lên hẳn phía trên, thay vì đứng bên dưới.

Hóa ra những chiếc cầu này cũng có nhiều công dụng đấy chứ. Tất nhiên rồi, ngoài chức năng chính dẫn  sang phía bên kia của con đường lớn luôn tấp nập các phương tiện cơ giới gây khó khăn cho người đi bộ, thì nó còn là chỗ trú ẩn tạm thời cho nhiều người bộ hành gặp phải những cơn mưa bật chợt thế này.

Chiếc cầu thang bộ như con đường nhỏ vắt ngang bên trên con đường lớn. Đi bộ trên đây thật tuyệt, sao nhiều bạn không thích nhỉ, phải leo tí thôi nhưng thoải mái chẳng ai cản trở mình.

Đứng ở đây, mình nhìn được rõ con đường phía dưới và dòng người đang lưu thông trên nó. Mưa liên tục khiến con đường như được gột rửa, sạch sẽ và sáng láng hẳn. Mình hình dung ra nó là đường băng catwalk trên sàn diễn thời trang, ở đó mỗi phương tiện di chuyển đóng vai một người mẫu.

Chi tiết nhé, xem nào, trước tiên với những người mẫu xe máy. Mưa rơi, là thời điểm của những chiếc áo mưa, với đủ màu sắc sặc sỡ như cầu vồng phô diễn trên phố.  Những chiếc áo mưa, cái mỏng, cái dầy, cái dài, cái ngắn, cái trùm kín đầu, cái bọc đến cả bàn chân, cái ôm khít khịt, cái khoác hờ hững, mỗi chiếc là một câu chuyện, không chỉ để kể về hành trình của nó dưới mưa.

Có người mẹ cẩn thận, chở đứa con nhỏ đằng sau với cái áo của riêng con, lại còn trùm thêm tà áo sau của mẹ cho khỏi ướt đầu. Trừ đôi bàn chân ra thì đảm bảo về nhà con chị vẫn hoàn toàn khô ráo.

Lại có anh bị lèn giữa những kiện hàng cao ngất ở cả phía trước mặt và đằng sau anh. Những kiện hàng cồng kềnh bọc bằng thứ ni lông đen xì, bóng loáng  làm nổi bật cái màu áo mưa anh đang mặc, màu của ánh mặt trời. Anh nhỏ bé lắm, bị lút đi dưới những túi đồ, chính cái màu cam ấy mới làm người ta nhận ra được rằng chiếc xe vẫn có người điều khiển.

Nhưng, mưa rơi nặng hạt như thế, giữ vững tay lái trên đường cũng phải là  cứng cáp lắm. Mưu sinh có bao giờ là dễ dàng, nhất là dưới mưa ?

Đến lượt những chiếc xe hơi nối đuôi nhau ngay ngắn trên một làn đường, giống như những bao diêm xếp làm đoàn tàu trong trò chơi của lũ trẻ. Còn với chị nội trợ đảm đang, thì nó tựa hàng cúc đơm trên tà áo.

Một vài chiếc taxi màu xanh lam làm dịu con mắt; những chiếc xe điện thân thiện với môi trường.

Một chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ, gợi nhắc London trong sương mù; Chiếc xe lướt nhanh, vẫn chạm cả đến tán lá của một cái cây đang mùa trổ hoa. Mình không rõ là cây gì, nhìn hơi giống me mà lại cũng không phải lắm vì lá nó dày hơn lá me.

Nhưng hoa thì đẹp ghê, những bông hoa màu hồng nở thành chùm rung rinh trong làn mưa mỏng, trồi lên giữa màu xanh bát ngát của lá. Những cánh hoa như những ngọn lửa bừng lên cho con tim ấm lại dưới cái lạnh của mưa thu.

Và thêm một chiếc xe buýt màu vàng chanh thanh nhã đang vụt lao về phía trước. Màu vàng là màu của mùa thu, lại cũng là màu của xe buýt trường học, một màu đại diện cho trí tuệ, sự soi sáng, trực giác, sức mạnh và vinh quang.

Mùa thu là mùa đẹp nhất nên được chọn làm mùa khai trường, bắt đầu một năm học mới. Có một thông điệp nào đó có liên quan giữa các ý nghĩa trên của màu vàng chăng?

Bởi khi mình nhìn ngang sang trái, thấp thoáng một ngôi trường trung học với kiến trúc cổ, mái ngói đỏ cùng  lớp sơn vàng rêu phong ẩn hiện dưới vài tán cây. Dòng nước trắng xóa trước mặt mình càng làm cho cái cổ kính ấy thêm mờ ảo, đẹp đến ngẩn ngơ.

Mình làm một ngụm cà phê và giở sách cho câu chuyện dang dở:

“Những người sống trong các căn buồng nhỏ sẽ tán thành lời khẳng định của tôi rằng, hạnh phúc của họ mới là hạnh phúc duy nhất chân chính.

 

Một nhà có hạnh phúc thì chật mấy cũng vừa – cứ hạ cái tủ ngăn xuống thành một cái bàn chơi bi a, biến mặt lò sưởi thành một cái máy khâu, bàn viết thành một buồng ngủ dự trữ, cái chậu rửa mặt thành một chiếc đàn dương cầm, cho bốn bức tường gần lại với nhau nếu chúng muốn, còn anh và Delia của anh thì ở giữa….

 

Nhưng theo ý tôi thì cái tốt nhất vẫn là đời sống gia đình trong căn buồng nhỏ: những cuộc chuyện trò hăng  say liến láu sau buổi học ban ngày; những bữa ăn ấm cúng và những bữa lót dạ tươi mát, nhẹ nhàng; những cuộc trao đổi, tham vọng, các tham vọng quyện vào nhau hoặc nhỏ nhặt, sự giúp đỡ lẫn nhau, gợi cảm hứng cho nhau, và các bạn bỏ quá cho sự thô lỗ của tôi, những quả ô liu nhồi và bánh mì kẹp pho mát lúc mười một giờ đêm.”

(O.Henry)

Mái nhà

By John Burroughs

1.

Một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời là xây được một ngôi nhà cho riêng mình. Có một sự thỏa mãn đặc biệt ngay cả khi trồng một cái cây mà bạn hy vọng đến ngày hái quả hoặc bạn hy vọng có thể nghỉ ngơi dưới bóng mát của nó.

Nhưng niềm vui lớn hơn nhiều khi trồng “mái ấm”, cây mang những quả táo vàng của sự đầm ấm và lòng hiếu khách, và dưới sự bảo vệ của nó mà bạn hy vọng sẽ đi qua những năm tháng còn lại của đời mình.

Bà tôi kể ngày hạnh phúc nhất trong đời bà khi bà nhận ra được ước muốn của mình là trở thành chủ nhân của một ngôi nhà gỗ nhỏ trong rừng. Ông tôi và bà đã xây dựng nó chủ yếu bằng chính đôi tay của họ, và chắc chắn với sự háo hức và ân cần như những con chim xây tổ.

Nó được làm bằng gỗ bạch dương và gỗ phong, sàn nhà bằng gỗ đẽo và mái nhà bằng vỏ cây tần bì đen. Nhưng đó là nhà và cuộc sống gia đình, một vài mét vuông của khu ngoài trời khá hoang vu, khắc nghiệt, không thể trú ngụ được, bị chế ngự và bao quanh bởi bốn bức tường, khiến trái tim con người ấm áp và thơm ngát.

Tôi nhận thấy tất cả con người đều háo hức xây dựng ngôi nhà của mình như thế nào, họ nấn ná về chúng hoặc thậm chí về địa điểm được đề xuất của họ như thế nào. Khi hầm đang được đào, họ muốn nhúng tay vào; đất rõ ràng trông hơi khác một chút, thân thiện và dễ chịu hơn một chút so với  đất khác.

Khi móng đã được dựng lên và tầng một được phác thảo một cách thô sơ bằng những tấm gỗ thô, tôi thấy họ đang trầm ngâm bước đi từ căn phòng tưởng tượng này sang căn phòng tưởng tượng khác, hoặc ngồi thật lâu, bao bọc trong sự mơ màng ngọt ngào, trên thanh dầm trần trụi.

Đến đó vào một buổi chiều Chủ nhật và nán lại say mê là thú tiêu khiển ưa thích: họ dẫn bạn bè hoặc hàng xóm leo lên những cầu thang khung xương và nhìn ra ngoài những cửa sổ trống, đi ra đi vào những cánh cửa vừa được phác họa.

Ngôi nhà được hoàn thiện lâu làm sao ! Phần chính đã chuyển vào từ lâu trước khi các công nhân rời đi. Người thợ nề, người họa sĩ và người thợ sửa ống nước sẽ không bao giờ xuyên qua được ?

Khi một ngôi nhà mới được xây dựng ở thành phố của tôi, tôi hầu như ngày nào cũng phải đi bộ tới đó để xem công việc tiến triển như thế nào. Thật vui mừng khi thấy cấu trúc thành hình và các bản vẽ trên giấy của kiến ​​trúc sư có hình thức và chất liệu bằng gỗ và đá!

Tôi thích nhìn thấy mỗi bộ phần vừa khít, từng chiếc đinh được đóng vào. Tôi đứng loanh quanh đến cả cản đường những người thợ mộc hoặc thợ nề.. Một mái nhà mới khác để che chở cho ai đó khỏi những cơn bão, bốn bức tường khác để ngăn chặn những kẻ ngoài vũ trụ vĩ đại !

Mặc dù có niềm vui khi xây dựng ngôi nhà của mình hoặc khi nhìn thấy hàng xóm của mình xây nhà, tuy nhiên những ngôi nhà cổ trông vẫn đẹp nhất. Ngụy trang theo ý muốn, ngôi nhà mới ít nhiều là một vết thương đối với thiên nhiên, và cần thời gian để vết thương lành lại.

Khi đó, trừ phi một người xây dựng với sự khiêm tốn và đơn giản, cũng như quan tâm đúng mức đến sự phù hợp của đồ vật, nếu không ngôi nhà của anh ta sẽ luôn là một vết thương, một vật xúc phạm trên khuôn mặt đẹp đẽ của cảnh quan.

Quả thực, xây một ngôi nhà không xúc phạm đến con mắt uyên thâm, không khiến Thiên nhiên và tất cả các vị thần hiền lành của nó phải xấu hổ, là một vấn đề lớn. Trong những vấn đề như vậy, không gây chướng mắt là đã làm vui lòng trái tim rồi.

Có lẽ điều được hướng tới nhiều nhất trong kiến ​​trúc nội thất là vẻ đẹp tiêu cực, một trạng thái của sự vật mời gọi hoặc gợi lên vẻ đẹp đối với những ai có khả năng cảm nhận, bởi vì một ngôi nhà, nếu được nhìn một cách thực sự, chỉ là một khung cảnh, một phông nền, và không được đẩy lên phía trước và làm nhiều việc vì lợi ích riêng của nó.

Nó là nơi ở, sự thoải mái, sức khỏe và lòng hiếu khách, để ăn và ngủ, sinh ra và chết, và nó phù hợp với hình thức bên ngoài với những thói quen hằng ngày giản dị, và với những đồ vật và vật dụng, phong cảnh tự nhiên, phổ quát. Thật vậy, có điều gì khác ngoài vẻ đẹp tiêu cực được nhắm đến trong việc trang trí nội thất không?

Các tấm rèm chỉ làm nền cho các bức tranh và tạo ra tông màu và bầu không khí cho các phòng, trong khi toàn bộ nội thất chỉ làm nền cho hình dáng con người và cho cuộc sống gia đình diễn ra ở đó.

Có thể nhận thấy rằng cái mà chúng ta gọi là vẻ đẹp của thiên nhiên chủ yếu là vẻ đẹp tiêu cực; nghĩa là, khối lượng, cái nền thô sơ khổng lồ, được tạo thành từ đá, cây, đồi, núi, đồng bằng, nước, v.v., không có vẻ đẹp như một phẩm chất tích cực, có thể nhìn thấy được đối với mọi con mắt, nhưng mang lại cho tâm trí những điều kiện của vẻ đẹp , cụ thể là: sức khỏe, sức mạnh, thể lực, v.v., vẻ đẹp là trải nghiệm của người nhìn.

Mặt khác, một số thứ như hoa, lá, màu sắc rực rỡ, hoàng hôn, cầu vồng, thác nước, có thể được cho là tự thân chúng đã đẹp; nhưng thế giới sẽ mệt mỏi biết bao nếu không có bối cảnh tiêu cực rộng lớn mà những điều này xuất hiện, đồng thời khiêu khích và kích thích tâm trí theo cách mà các hình thức thuần túy công bằng không làm được.

Chúng ta bị thu hút biết bao bởi những gì rút lui và ẩn giấu, hoặc chỉ đưa ra những cái nhìn thoáng qua và nửa vời! Do đó, giá trị của cây cối như một tấm màn che cho một ngôi nhà tinh thần xấu xí, và khung cảnh đáng ngưỡng mộ mà chúng tạo nên cho nơi ở đẹp như tranh vẽ mà tôi đang chiêm ngưỡng.

Nhưng ngôi nhà được xây dựng bởi trái tim, dù là nhà tranh hay biệt thự, có thể chịu được ánh sáng rộng mở mà không cần bất kỳ loại màn chắn nào. Tông màu xám hoặc nâu trung tính, hình chiếu rộng và bóng sâu, đường nét đơn giản, mạnh mẽ, chất lượng không khí kém ngoài trời, mái nhà rộng rãi, hòa quyện nó với cảnh quan ở bất cứ nơi nào nó đứng.

Một ngôi nhà như vậy dường như thu mình vào chính nó và mời gọi mọi ánh nhìn dõi theo. Sự ấm áp và dễ chịu bên trong của nó xuyên qua các bức tường, và con mắt tập hợp những gợi ý về chúng ở mọi điểm.

Mưa ngớt dần. Đá đã tan ra thành nước  trong ly cà phê.

Bước xuống bậc cầu thang, mình thấy trời bắt đầu hửng nắng.

Gió im lặng. Bây giờ mới là đầu giờ trưa.

Gió ơi, gió ơi bay lên
Để bụi đường cay lòng mắt

Chợt nghĩ về câu chuyện  đang viết 

CHIỀU MỘT MÌNH QUA PHỐ

(Giọt nắng bên thềm)

6.

Màu vàng là màu của cánh cửa thiên đường. Và nàng đang ở phía sau cánh cổng ấy.

You may also like

Để lại bình luận