Muchin, cô bé đáng yêu, là người nhỏ tuổi nhất ở cái lốc thứ ba tầng 13 này. Hồi nhà Rose chuyển đến đây là lúc Muchin vừa tròn 1 tháng. Mẹ em để em vào một cái xe đẩy và cứ thế em chu du những chặng đường đầu tiên khám phá một thế giới khác.
Ánh nắng buổi sớm từ bên ngoài chiếu qua khe cửa kính của những ô thoáng đoạn cao của tường tạo thành những vệt dài trên nền những tấm gạch màu sữa ngà. Có khi lại lọt đúng vào chính giữa cái nôi em nằm làm ánh mắt em nheo lại, hấp háy, ai nhìn cũng phải thốt lên:
-Ôi Muchin dễ thương quá, Muchin bé bỏng ơi!
Rose đứng đợi thang máy mà cứ thấy Muchin ngước lên nhìn mình, mắt em tròn xoe như hai hòn bi ve đen lay láy. Em cứ ngọ ngoạy đầu bên này qua bên kia, đôi khi em lại nhoẻn miệng cười tươi, như một cử chỉ thay cho lời chào. Mỗi lần như thế Rose thường cúi xuống nắm lấy bàn tay nhỏ xinh của em. Những ngón tay mũm mĩm, hồng hào của cô bé thít chặt vào ngón tay của Rose, hai chân và tay kia của em đạp mạnh, giơ lên hạ xuống. Rồi em cười khanh khách:
-Chị Rose nói chuyện với em đi!
Rose cứ ngẩn ra ngắm vẻ dễ thương của em bé cho đến khi nghe mẹ nhắc mới nhận ra là mình đang giao tiếp với một đứa trẻ sơ sinh. Nhưng một đứa con nít nhỏ như thế này thì phải nói gì với chúng ngoài khen chúng xinh ra nhỉ? Rose cứ nghĩ mãi và nhớ lại những câu mẹ hay nói với các em nhỏ xíu xiu khi mẹ gặp chúng.
Bình thường Rose đã không nhanh nhẹn trong giao tiếp, giờ lại phải nói chuyện với một đứa trẻ chưa biết nói lại càng khiến cô lúng túng. Cô bé chỉ biết giữ mãi bàn tay em bé trong tay mình và hít hà mùi sữa mẹ thơm nồng có thể cảm nhận được từ bất kỳ em nhỏ mới sinh nào:
-Muchin em có quen chị không mà cười toe thế?
Bà Daisy vừa nói vừa cúi xuống bên Muchin, bế em lên áp vào ngực. Thế mà em cũng không lạ và không khóc, nhưng mắt cứ nhìn mãi mẹ mình, là cô Lily, như thể sợ rằng em sẽ bị mang đi khỏi người mẹ. Rose cũng thích bế em lắm nhưng bà Daisy nói để bế được em bé thì Rose phải tập bế ngồi trên giường cho chắc tay đã rồi mới bế đứng được. Bế trẻ càng nhỏ càng khó và phải hết sức cẩn thận.
Vậy nên lúc đó thay vì bế em bé, Rose đã chạm vào bàn chân xinh xắn đang được bọc bởi những chiếc tất trắng tinh của em. Chiếc tất vẫn còn âm ấm!
Muchin lớn nhanh, từ khi biết đi là em cứ lẫm chẫm chạy qua chơi với chị Rose suốt. Có những khi em quậy, tháo tung những chiếc bút ở trên bàn và lấy cả tập của chị rồi nghuệch ngoạc nét ngang nét dọc vào đấy. Có khi em lại mở cả chiếc đàn piano và bấm tứ tung lên các phím nhạc, từng thanh âm vang lên đột ngột rồi rơi tõm vào không gian. Khoái chí em lại cười váng trời. Nhưng Rose không giận em vì so với Rose Muchin vẫn còn “hiền” lắm, Rose ngày nhỏ xiu nghịch hơn nhiều. Cô bé nhớ có lần bà Daisy đã nói với cô như vậy.
Cũng có khi nghịch chán thì cô bé lại chọn một quyển truyện nhiều hình vẽ của chị Rose rồi ngồi lật từng trang vẻ như chăm chú lắm. Rose rất thích nhìn Muchin những lúc em bé bỗng trở nên nhu mì như vậy. Thế là Rose lại đưa một vài cuốn nữa cho Muchin, vì Rose đã lớn hơn nên đồ chơi cho em bé trong nhà không còn lại gì ngoài mấy con thú nhồi bông. Những chú ngựa gỗ, đoàn tàu hoả hay bộ đồ hàng cho trẻ em bà Daisy đã hết lại ở nhà cũ. Căn hộ chung cư thường không quá rộng để có thể bày biện nhiều thứ. Bà Daisy vốn rất gọn gàng, ngăn nắp.
-Thế để chị đọc truyện cho Muchin nghe nhé! Nào, chúng ta bắt đầu với câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”. Ngày xửa ngày xưa….
Rose say sưa đọc cho Muchin nghe. Gọi là đọc thôi chứ Rose thuộc hết cả truyện chẳng sót một chữ nào y như trong sách vậy. Cô không cần học thuộc mà do cứ đọc đi đọc lại vài lần nên nhớ. Tuy vậy, Rose rất thích cảm giác cầm quyển sách lên đọc cho người khác:
-Con Sói là con gì hả chị Rose? Trông nó thế nào?
-À, Sói là một con vật thuộc họ nhà Chó đó Muchin, nên em cứ hình dung nó giống con chó, như con Giôn dưới nhà cô Stella ấy. Nhưng nó to hơn và hung dữ hơn con Giôn nhiều. Răng cuả nó nhọn hoắt và rất sắc. Nó khá là dung dữ đấy, đặc biệt là khi nó bị đói hay bị đe doạ tấn công bởi con người.
Rose xem nhiều phim nước ngoài mà ở vùng hoang dã hay có sự xuất hiện của sói. Nhất là nơi có nhiều băng tuyết. Có một câu chuyện về một người thợ săn trong một ngôi làng hẻo lánh gần Bắc Cực. Người thợ này rất cừ khôi, thường bắt được nhiều loài thú vừa phục vụ cho đời sống hàng ngày, vừa có thể đem bán để trang trải cuộc sống.
Một trong những nguyên tắc ông luôn tuân thủ là đã vào rừng, bất kể làm gì đi nữa cũng phải đem theo các công cụ dùng làm vũ khí bảo vệ mình phòng trường hợp có sự tấn công của thú dữ. Kỹ năng sinh tồn ở nơi khắc nghiệt nhất không cho phép người ta quên hay phớt lờ những quy tắc đó vì họ có thể phải chịu hậu quả rất đắt.
Nhưng một lần, trên đường đi thăm nhà một người bạn sống gần bìa rừng, ông phát hiện ra mình đã quên mang theo súng nên quay người trở lại để lấy. Xui xẻo thay, chưa kịp về đến nhà thì ông đụng phải một bầy sói háu đói đi tìm mồi. Làm sao tay không mà đối chọi được với chúng. Kết cục là ông cũng có số phận như cô gái quàng khăn đỏ. Rủi ro có thể xảy ra với bất cứ ai, ông thợ săn đã già và có đầy kinh nghiệm hay cô gái trẻ trung ngây thơ nếu họ lơ đễnh ở những thời điểm quan trọng hoặc chủ quan không nghe lời căn dặn.
-Tội nghiệp cô bé quàng khăn đỏ quá phải không Muchin? Cho nên Muchin không được giống như cô bé trong truyện chị vừa kể, Muchin phải ngoan này, phải nghe lời mẹ dặn em này. Muchin hiểu chưa?
-Muchin hiểu rồi chị Rose. Hôm qua em hư, em không ngoan vì em không muốn ăn cháo do mẹ nấu nên mẹ buồn.
– Ồ, vậy sao Muchin? Sao em lại không ăn?
-Vì mẹ cứ cho bí đỏ vào, rồi cả cà rốt nữa nhưng mà em không thích ăn bí đỏ và cũng chẳng thích cà rốt một chút nào. Em chỉ thích cháo với thịt.
Rose phì cười vì câu trả lời của Muchin. Vì cô thấy mình ở trong những lời giải thích của cô bé. Rose cũng không thích ăn củ quả nấu với cháo hay không thích ăn phở mà có hành. Cô chê món trứng luộc mà chỉ thích ăn rán. Bà Daisy thì cứ luôn miệng nói món ăn này phải có đủ gia vị thế này thế kia thì nó mới ngon.
Nhưng mãi mà Rose vẫn không hiểu được, “ngon” ở đây là ngon với ai, có thể mẹ cô thấy ngon nhưng cô thì không. Rose đã không ăn cái gì là không ăn vì cảm giác phải nuốt một cái gì đó mà mình cảm thấy kinh tởm có thể làm cô mắc ói, thế thì thà cô cứ từ chối ngay từ đầu còn hơn, dầu sao cũng không phải đi dọn cái đống ghê rợn mà mình vừa thải ra sàn nhà. Nghĩ đến đây bỗng Rose muốn biết Muchin đã từng gặp cảnh như vậy chưa?
-Thế đã lần nào Muchin vì nghe lời mẹ mà phải ăn món em không thích chưa?
– Rồi đó chị Rose. Là lần mẹ Muchin bệnh, mẹ đau đầu mà vẫn phải nấu cơm cho em. Em thương mẹ nên đã ăn hết cả tô cháo.
Ôi Rose không ngờ Muchin biết nghĩ như vậy ở lứa tuổi của em
– Lúc đó Muchin cảm nhận thế nào?
– Em thấy đó là bữa ăn ngon nhất. Mặc dù em không hề thích ăn cà rốt, cũng như không thích mẹ Lily bị bệnh.
Muchin còn nhỏ nên không rõ lý do thực sự của việc tại sao em lại thấy tô cháo mà em vốn ghét lại trở nên ngon nhưng vì lớn hơn Muchin những tám tuổi nên Rose hiểu hết chứ. Đó là cảm giác vượt qua chính mình, dám một lần thay đổi khác đi nếu điều đó đem lại niềm vui cho người mình thương yêu.
-Em thích uống sữa trong cái hộp màu xanh giống như của thằng Bin nhưng vì không uống được nên em đành nhìn nó uống thôi. Thế mà nó lại giễu nhà em nghèo nên không có tiền mua sữa.
Cô bé bị dị ứng đạm sữa bò, một chứng bệnh cũng không phải là hiếm. Kể cũng tội nghiệp lắm vì nhiều món ăn quen thuộc của các bạn em không được phép ăn vì cơ thể sẽ phản ứng nếu các tác nhân gây kích thích được dung nạp vào cơ thể.
Có lần Rose đã nghe cô Lily nói với bà Daisy rằng bị bệnh gì thì khổ bệnh ấy, thích nhất là mọi thứ đều bình thường. Không có cái gì “quá” cả
– Nhưng đời sống đôi khi vận hành không theo quy luật đã định hay những diễn biến thông thường. Luôn có sự bất ngờ xảy ra và vì vậy những cái quá luôn tồn tại.
-Phải đấy chị Daisy. Cuộc đời, suy cho cùng, khá là công bằng với tất cả mọi người. Muchin khó ăn nhưng bù lại con bé từ nhỏ con bé đã có sức đề kháng tốt. Từ ngày đi nhà trẻ đến giờ, con hiếm khi bị nghỉ học vì ốm vặt.
Ngày nào Muchin cũng phải chạy sang nhà chị Rose chơi. Cô bé có đôi bàn tay rất khéo léo và hay làm cho chị Rose cái này cái kia. Muchin thích cái kéo hồng trong cái ống đựng bút cũng màu hồng của Rose Em thường dùng cái kéo đó để cắt giấy thành bộ quần áo mặc cho mấy con búp bê nhựa của em. Mà con nào con nấy nhìn đều thảm thương, vì nó hoặc là mất tay hoặc là cụt chân. Vì em hay cho bạn mượn, và chỉ được một lúc bọn trẻ chành choẹ với nhau, thế là búp bê lại bay vèo vèo. Tuy nhiên Rose thì biết một nguyên nhân nữa cũng là do nhựa của những con búp bê đó không được tốt, vì chúng khá là rẻ.
Nhưng Muchin sáng dạ, thay vì bỏ những con búp bê “thương binh” đi và bắt bố mẹ mua cho những con khác xinh đẹp hơn thì em lấy những mảnh vải vụn mà cô thợ may Stella dưới tầng trệt cho em, rồi em bện lại thành một cái sợi dây như sợi dây thừng nhưng có độ dài đúng bằng cánh tay của con búp bê để làm cánh tay giả.
-Búp bê đừng buồn nha. Chị sẽ may cho búp bê nhiều bộ quần áo đẹp!
Và khi mặc những bộ quần áo mà Muchin may, thì quả thật những con búp bê lại trở nên mới đẹp lạ thường, người ta không còn để ý gì đến vẻ cũ kỹ của nó nữa.
Cũng có khi Muchin làm cho Rose một cái nơ buộc tóc thật là xinh từ một mảnh vải ren màu hồng phấn vì cô bé biết chị Rose thích màu hồng
-Chị Rose học theo em nha. Giờ chị cầm kéo rồi chị phải đặt mảnh vải như thế này. Đúng rồi phải như thế đấy. Như thế đấy!
Nhưng Rose chỉ làm theo Muchin được một lúc, cô không thích làm mấy cái thứ tỉ mẩn như thế. Cố gắng lắm cô cũng chỉ cắt mảnh vải được theo đường thẳng, còn mỗi khi phải cắt theo hình vòng cung thì thật là khó khăn vô cùng.
Năm ngoái Muchin bước vào lớp 1. Như mọi lần sau khi đi học về kiểu gì cô bé cũng chạy sang nhà Rose:
-Muchin hôm nay đi học thế nào?
-Em có quen thêm hai bạn nữa
-Giỏi quá. Thế hai bạn Muchin tên gì?
-Hai bạn tên Ơ rô và Yên. Chị Rose ơi em không thích đi học lớp 1 vì em không thích ăn đồ ăn ở trưởng nhưng cô Bobba bắt chúng em phải ăn hết thức ăn trong tô mới cho chúng em đi ngủ.
-Ôi chị cũng không thích ăn đồ ăn ở trường đâu. Cơm thì khô lắm, thức ăn lại nguội nhưng khi chị còn nhỏ như Muchin cô bảo mẫu của chị tốt lắm. Cô không bắt chị ăn hết tô cơm đâu.Hay Muchin xin cô thử như chị ý
-Cô Bobba sẽ không cho đâu, em biết mà. Nếu em không ăn cô bảo sẽ có bà ba bị đến bắt vào rừng sâu.
Đến lúc này thì Rose chẳng biết khuyên Muchin sao nữa cô đành phải nói cho qua chuyện:
-Muchin không phải lo đâu, em cố gắng đi năm sau em sẽ được học cô bảo mẫu khác.
Rồi Muchin cũng vượt qua được lớp 1 với nỗi sợ bữa ăn trưa của cô Bobba. Giờ đây cũng như Rose em đã bước vào năm học mới được một tháng. Năm nay Muchin học lớp 2. Nhưng từ hôm bắt đầu đi học đến giờ Rose cũng quên béng đi chưa hỏi Muchin xem cô bảo mẫu mới của em năm nay thế nào.
Giờ thì cô bé đang đứng trước mặt người chị hàng xóm ngủ – quên – lúc-chập-tối. Tay em hua hua trước mặt Rose ba cây kẹo mút Alpenliebe. Một cây là của em, một cây cho chị Rose, còn chủ nhân của cây kẹo thứ ba chắc chắc không ai khác ngoài cậu bé học lớp 7 dưới tầng 12 rồi.
Tên cậu là Xtas.
Đến bây giờ ông Desert vẫn còn nhớ như in buổi sáng mùa Xuân năm ấy. Khi nhận được cuộc gọi từ một số rất lạ nhưng ngay lập tức ông nhận ra đó là giọng nói của ông cụ trên chuyến tàu hoả mà ông mới nói chuyện ngày hôm qua. Desert có một ấn tượng rất sâu sắc với người đàn ông nhỏ bé này bởi vẻ ngoài điềm đạm, từ tốn nhưng khuôn mặt và phong cách toát lên vẻ tinh anh hơn người.
Rõ ràng ông cụ không hề nói dối, chắc chắn là ông đã bị bọn đạo chích móc sạch tiền. Cái vẻ sang trọng tiềm ẩn như muốn tố cáo rằng ông không phải là người nghèo khổ hay khánh kiệt đến mức không có đồng nào giắt túi. Trong suốt chuyến đi, khi không nói chuyện với gia đình nhà Faber ông cụ thường nhìn ra ngoài cửa sổ với ánh mắt xa xăm, đượm buồn. Đôi khi vẻ trầm tư của ông bị ngắt quãng bởi những câu hỏi ngây thơ của cậu bé năm tuổi ngồi ghế đối diện.
Và bỗng khi ấy, tự nhiên ông lại trở nên hoạt bát, như vốn có, ngay được. Trẻ con nó đáng yêu ở chỗ đó, chúng có khả năng, ở một mức cao hơn hẳn, kết nối những người lớn hoặc những người xa lạ lại với nhau, một cách rất nhanh chóng và tự nhiên. Có lẽ bởi suy nghĩ của trẻ em thường trong sáng, chúng không nghĩ đến những vấn đề quá lớn lao hay làm phức tạp tình hình vốn bản chất là đơn giản như những người thường cậy mình lớn để dạy bảo chúng.
Nhưng điều dễ thấy là, ông cụ có vẻ rất yêu quý thằng bé. Nên khi chia tay việc ông cụ xin số điện thoại của Desert không khiến ông quá ngạc nhiên. Desert Faber nghĩ rằng cũng có thể là ông cụ muốn thi thoảng gọi điện thoại nói chuyện với thằng bé, hoặc cũng có thể cụ chỉ thực hiện một hành động mang tính xã giao đối với người đã giúp đỡ mình, vì khi Desert hỏi xin lại số liên lạc của cụ thì ông cụ chỉ nhỏ nhẹ đáp rằng vì đã mất điện thoại cùng với tiền bạc ở sân ga nên ông không có cách nào cho Desert biết số của mình được vì ngay cả chính bản thân ông, từ bao giờ, đã không còn nhớ nhiều thứ đại loại như số điện thoại hay một cái gì đó dù là quen thuộc khác.
Desert khi nhận được cuộc gọi từ ông cụ đã không cảm thấy phiền hà. Ngược lại ông còn thấy có cơ hội được nói chuyện với người đàn ông này là một niềm vinh hạnh. Người chủ một công ty công nghệ trẻ tuổi này luôn có phong cách thoải mái và gần gũi. Quá khứ vắt vả và để đạt được một chút thành tựu như hiện tại vừa là, hay phần lớn là cả một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ suốt từ thời ấu thơ kể từ khi ông có nhận thức được hoàn cảnh của mình có thua kém hơn so với bạn bè và cũng vừa là ông đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều ngừoi tốt bụng. Chính vì thế, ông học được cách sống cảm thông và chia sẻ với người khác trong xã hội. Với ông, tiền bạc hay của cải là một nhân tố rất quan trọng nhưng chưa bao giờ ông xem nó là mục đích sống duy nhất của mình.
Desert không biết cuộc nói chuyện của ông và ông cụ kéo dài bao lâu. Vì nó thú vị đến mức ông thực sự đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước trình độ am hiểu của ông cụ về thị trường hay triển vọng ngành nghề. Đến lúc này thì việc ông suy đoán người đàn ông già trên chuyến tàu đầu xuân rõ ràng không phải là người tầm thường quả không sai. Những người chưa bao giờ có trải nghiệm hay có sự dấn thân đến tận cùng trong lĩnh vực kinh doanh và điều hành doanh nghiệp thì không thể có được những lập luận sắc bén đến như thế. Thật ra, người đàn ông này là ai chứ?
-Tôi là Apollo Onassis. Không dám làm mất thời gian của anh lâu nữa, người thanh niên trẻ. Tôi sẽ nói ngay lý do chính khiến tôi gọi điện cho anh là bởi vì có lẽ, không biết tôi có phóng đại quá không, rằng chắc hẳn anh đã nghe qua về toà lâu đài cổ Plato Castle 500 năm tuổi gắn liền với dòng họ chúng tôi. Dù cho anh không sống ở Nemea nhưng danh tiếng của nó gần như đã vang danh khắp cả nước. Cả cuộc đời tôi, từ khi còn là một cậu bé theo cha mẹ vào các xưởng dệt vải của gia đình đến khi xậy dựng lại cơ nghiệp của tổ tiển, tôi chỉ ở có một nơi duy nhất đó. Cái nơi tôi đã từng nghĩ rằng cả cuộc đời mình tôi sẽ sống mãi ở đó. Nhưng vì nhiều lý do, mà có lẽ không thể nói hết trong một cuộc gọi thoại. Không, cũng chẳng cần thiết phải nói những thứ buồn bã và đáng quên ấy làm gì.
Ông cụ nói đến đây thì ngập ngừng rồi lặng yên trong giây lát. Rõ ràng là cụ đang rất xúc động. Có cảm tưởng cái điện thoại của Desert cũng rung nên bởi sự dâng trào cảm xúc ở đầu dây bên kia truyền sang. Một lúc sau, ông cụ nói nhanh giọng đầy dứt khoát:
-Tôi muốn bán lại Plato và người duy nhất tôi muốn chuyển giao là anh, Desert ạ. Anh yên tâm rằng cái giá mà anh phải trả cho tôi thấp hơn nhiều giá trị thực của nó và anh sẽ không mua được ở đâu một bất động sản tương đương với cái giá đó cả. Và chỉ có anh mới có thể khiến tôi đưa ra quyêt định như vậy. Tôi rât mong anh xem xét lời đề nghị này của tôi và tôi vẫn hy vọng tôi sẽ nghe được lời chấp thuận từ anh. Tôi sẽ đợi câu trả lời của anh.
Cho đến khi gập chiếc Blackberry lại, Desert dường như vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.