Mình rời nhà mẹ lúc 4 giờ sáng, tất nhiên lúc đó trời vẫn còn tối rồi nhưng cái nóng thì dường như chẳng phân biệt tối hay sáng. Kiểu như đã nóng thì mở mắt ra là đã thấy một luồng khí hầm hập ập vào người vậy.
Cây cối hai bên đường đứng im, lúc rời rạc khi thì chụm lại từng đám, đen thẫm. Ánh sáng nhân tạo từ những ngọn đèn đường xuyên qua cửa kính ô tô, quét những vệt trắng lấp loá vào khuôn mặt đang còn ngái ngủ của cô con gái.
Cô mở mắt, lơ đễnh nhìn qua khung cửa, cảnh vật đang vùn vụt trôi qua, trôi đi. Những ngôi nhà đóng cửa, những hàng cây rủ lá, những mảnh ruộng chưa có người thăm.
Và con đường vắng lặng, thảng mới có một hai chiếc xe chạy xuôi, ngược với tốc độ của thứ không có gì cản trở.
Mọi vật trên trái đất ở đây, lúc này – trong buổi sớm mai tháng Tám, vẫn đang chìm vào giấc ngủ. Nhưng ở một nơi nào đó ở nửa kia bán cầu, mọi thứ lại đang diễn ra theo chiều ngược lại.
Tuy thế, bản thân trái đất này có bao giờ ngưng nghỉ. Nó vẫn đang luôn tự quay quanh trục của nó, cứ 24 giờ lại hoàn thành một vòng.
Uầy, đừng mong cái khối cầu kỳ diệu này dừng lại nhé, bởi nếu chẳng may nó giận dỗi mà ngừng chuyển động thì có khi chúng ta cứ mãi chìm trong bóng đêm như chúng mình trên xe hiện giờ ấy, tận trong sáu tháng lận.
Và khi đó thì nhiệt độ sẽ vô cùng khắc nghiệt, có thể xuống thấp đến âm mấy chục độ hoặc nhảy vọt tới gần nhiệt độ sôi của nước cũng nên.
Thái Nguyên tuy là tỉnh trung du nhưng có đủ kiểu địa hình: Miền núi, đồi thấp và đồng bằng.
Mấy huyện vùng cao đoạn giáp Lạng Sơn, Bắc Kạn thật sự số lần mình đi chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì địa hình đèo dốc ngoằn ngoèo là nỗi ám ảnh của những người say xe như mình.
Nhưng đổi lại, cái say đó cũng thật đáng bởi cảnh núi non vùng cao đẹp như một bức hoạ được vẽ bởi những hoạ sĩ tài danh. Mình nhớ năm lớp 10, lớp mình có tổ chức đi hang Phượng Hoàng ở huyện Võ Nhai, hình như cũng tầm cuối hạ đầu thu. Đó cũng là lần đầu tiên mình nhìn thấy núi, thực sự là núi, chứ trước đó chỉ quen với đồi thôi.
Đồi thấp hơn và có độ dốc thoai thoải bởi vậy nhìn nó cũng gần gũi và “hiền” hơn so với núi. Núi non dù là dãy điệp trùng hay chỉ đơn độc một ngọn cũng đều cho một cảm giác rất ngợp khi đứng ở cự ly gần.
Núi cao, vực sâu, hùng vĩ, bí ẩn hơi chút rùng rợn. Nhưng chính điều đó lại kích thích con người khám phá, dù là ở Đông Tây hay thời kim cổ. Chính ra trên những cung đường núi đi xe ô tô lại không khoái mấy đâu (không phải là mình say xe nên nghĩ thế), mà được ngồi trên chiếc xe phân khối lớn nó mới đã :))
Kiểu khi xe vòng vèo uốn lượn bám theo vách núi, thì có cảm giác như tay có thể chạm được vào những phiến đá, chân ngứa ran lên vì gió và gai cỏ may bám rịt và tóc thì bị thổi phật ra đằng sau đến đơ cứng.
Mắt nhoà đi, nhắm tịt lại, không thấy gì mà như thấy tất cả. Miệng hét lên, những lời ca rõ ràng mà dội lại chỉ là những thanh âm vô nghĩa.
Đấy, đại loại là vừa lãng mạn dở hơi lại vừa có chút khùng điên :)). Tất nhiên đấy chỉ là sự tưởng tượng của mình thôi, là ước được ngồi sau xe (máy) trên các cung đường như thế :)).
Còn lúc này thì mình đang không phải trên núi mà xe đang đưa chúng mình băng qua huyện đồng bằng Phổ Yên, cửa ngõ vào tỉnh lỵ quê nhà.
Tuy đây vẫn là vùng bán sơn địa, nhưng đã tiến dần hơn về vùng châu thổ rồi nên đã xuất hiện những cánh đồng lúa rộng lớn. Và những làng quê đậm chất đồng bằng Bắc Bộ với cây đa bến nước mái đình.
Mình đã từng được sống một vài ngày ở vùng quê Phổ Yên như thế vào mùa Xuân nào đó khi mình còn nhỏ. Có hai điều mình còn nhớ mãi ở đây:
Một là, những sới vật đầu Xuân:
Ngày Tết, tiết trời có khi khá là lạnh, người thường vẫn phải mấy lớp áo len vậy mà những thanh niên trai tráng trong làng vẫn chẳng cần áo sống gì, cứ thế mình đồng da sắt quần nhau trên cái sới vật mở ngay cạnh sân đình.
Ngày thường vốn họ chỉ là những anh nông dân chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm vậy mà những ngày hội hè đình đám này họ lại đóng vai trò như một vận động viên thực thụ.
Những vận động viên ra sân đấu đầy khí thế, thể hiện rõ trên nét mặt hứng khởi. Không khí lễ hội lại càng thêm náo nhiệt bởi dân trong làng và cả người làng khác đứng vây đặc tứ phía xung quanh hò reo, cổ vũ. Hoà với tiếng trống giục liên hồi.
Những vẻ đẹp cơ bắp trên sàn đấu không phải là từ chế độ tập luyện khắt khe mà từ chính hoạt động lao động thường ngày của những người tham gia, nên mang vẻ khoẻ khoắn một cách tự nhiên.
Tự nhiên ngay cả trong phong cách thi đấu, rất hồn hậu, vô tư và nhiệt tình. Kể cả khi bị thua, ngã quay ra cái sân còn đậm hương vị đồng đất mùa Xuân, thì họ vẫn cừoi vui vẻ cứ như thể mình đã là người chiến thắng.
Không biết bây giờ ở nhiều làng quê còn những buổi đấu vật trong tiết Xuân kiểu như thế này không ? Chứ ngày xưa thì nhiều lắm, vùng Sóc Sơn-Đông Anh của Hà Nội, rồi mạn Bắc Ninh hay Hà Tây mình đều đã có dịp được tham dự và đó chính là hồi ức lễ hội Xuân trong mình.
Xuân đẹp không phải chỉ ở phong cảnh thiên nhiên mê đắm mà vẻ đẹp của nó còn là cái không khí Hội do con người mang lại, và những sới vật là một trong những điều đã làm nên nét Xuân đó.
Hai là, mùi hương của những luống rau thơm trong sương sớm:
Đất vùng đồng bãi màu mỡ vị phù sa do những con sông lớn bồi đắp nên các loại rau vì thế cũng xanh, non và ngon hơn thì phải. Các loại rau thơm: húng lìu, húng quế, mùi (ngò rí), mùi tàu (ngò gai), thì là, hành….mạn dứoi xuôi đều mềm và có vị thơm hơn so với trên đất đồi quê mình.
Mà mấy loại này đều là những gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn “quốc hồn quốc tuý” như phở, bún…nên chả ngạc nhiên mà những thứ quà ăn tinh tuý nhất này đều có nguồn gốc ở vùng đồng bằng. Cũng phải thôi, vì ở đây, gạo ngon, rau ngon và thịt thà cũng phong phú hết sức, tha hồ có chỗ cho sự sáng tạo ẩm thực.
Mới đây, Phở Nam Định, phở Hà Nội và mì Quảng được đưa vào Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đối với phở, nhiều người sành ăn có thể phân biệt rõ phở Nam Định với phở Hà Nội chứ mình thì chịu.
Vì cứ được dâng tô phở nào trước mặt, chỉ cần đúng vị, là mình cũng có thể chén sạch ráo trọi, Nam Định hay Hà Nội cũng rứa cả:)).
Thật ra, mình ở Hà Nội bốn năm sinh viên nhưng sinh viên của cái thời khốn khó ngày xưa nào mấy ai được thưởng thức Phở thường xuyên, kiểu phở Hà Nội chính gốc như phở Lý Quốc Sư ấy.
Món ăn đặc trưng Hà Nội với chúng mình chỉ là mấy hàng ăn quanh dãy kiot chỗ ký túc xá Kinh tế Quốc dân hoặc loanh quanh khu Bách Khoa như xôi xéo (cho no lâu :)), bánh mì Pate (cực ngon ấy), cháo sườn (đặc sệt béo ngậy, giờ ngồi gõ thôi đã thèm quá rồi :)).
Ah, mà quen thuộc nhất phải là mì gói và suất cơm ngàn rưởi (1.500 đ) mới chuẩn là sinh viên năm 2000 :)).
Đấy, ở Hà Nội mấy năm mà còn chẳng biết mấy đến phở Hà Nội thì lấy đâu ra biết được phở Nam Định ở Nam Định. Thế mà vào Sài Gòn cứ xơi Phở Nam Định tì tì :)).
Chả biết sao, mười hàng phở ở cái thành phố phương Nam này thì chắc phải gần một nửa đều trưng ra cái bảng hiệu “Phở gia truyền Nam Định”, nhất là ở những quận nhiều người Bắc như Thủ Đức hay Tân Bình, Tân Phú.
Có khi đi từ xa, đã cảm nhận được hương vị phở ngào ngạt toả ra xung quanh, chính xác phải là thứ hương của nước dùng được nấu trong nhiều giờ, quyến rũ đến không thể không rẽ vào, nhất là trong những buổi chiều tối mưa lạnh.
Bạn có thể hình dung một tô phở bò nạm nóng hổi còn bốc hơi nghi ngút được bưng ra kèm với đĩa rau thơm to tú hụ, không kể một chút giá sống để riêng. Tương ớt, ớt khô, ớt tươi và chanh cắt lát thì đã để sẵn trên bàn, tuỳ nhu cầu mà sử dụng.
Thì làm sao mà có thể khước từ, hay có thể không xuýt xoa khi kéo lên những sợi phở đậm đà để đưa lên miệng cơ chứ ? Ăn xong một tô có khi vẫn còn thòm thèm là chuyện thường :)), cân nặng chả cứ tăng vù vù cũng là phải lẽ :)).
Phở được biết đến với nơi khai sinh ở một làng quê thuộc tỉnh Nam Định, nhưng lạ là nó không phải là món ăn mang dáng dấp quê mùa.
Nó là thức ăn cao sang (ngày xưa) và chỉ có thể có ở chốn kinh kỳ, phố thị. Tức là lịch sử phát triển của nó phải gắn liền với con người đô thị, mình nghĩ thế.
Và hẳn là thế, nên về tỉnh lẻ, khó có thể kiếm được hàng phở nào mà khi thưởng thức mình cảm nhận được đây đúng là Phở. Hoặc là cứ nhàn nhạt, hoặc lại vị đậm quá, hoặc là bánh phở có chút cứng…
Suốt mười mấy năm thơ ấu ở quê, chúng mình gần như chưa bao giờ đi ăn Phở. Chè có, Xôi có, Bánh mì có, Bia hơi có :)), chứ Phở thì không. Thế mới lạ!
Tất nhiên ngày nay, đời sống nâng cao nhiều rồi và sự giao thương rộng rãi kéo ẩm thực các vùng miền gần nhau hơn bao giờ hết. Phở cũng thế, có mặt khắp nơi, mọi hang cùng ngõ hẻm, miền xuôi, miền ngược, ga tàu, sân bay, và cả ngoại quốc. Vừa rồi, mình đi Đền Hùng có dừng chân ăn trưa ở một quán Phở Nam Định ngay gần khu di tích và thấy cũng khá là ổn.
Nhưng Phở, dường như vẫn chỉ thể hiện đúng bản sắc của mình nhất, ở những hàng quán bình dân trên những con phố đông đúc, những con hẻm chật chội. Tại Hà Nội và Tp.HCM.
Bất chấp nó được trưng ra tên hiệu gì Nam Định, Lý Quốc Sư hay Thìn…thì mình vẫn cứ chỉ nghĩ nó là phở Hà Nội hoặc phở Sài Gòn.
Có bạn nào, những người nghiền Phở, có cùng cảm giác như mình không ?
Còn quá sớm, những quán phở ven đường đều vẫn đóng cửa. Có lẽ những người chủ quán đã dậy cả rồi, chỉ là họ chưa mở quán thôi. Làm hàng ăn có bao giờ mà lại ngủ đến trưa trật. Biết bao công đoạn chế biến mất nhiều thời gian mới ra được sản phẩm cuối, là tô phở thơm ngon.
Chỉ mất bốn mươi phút là chúng mình đã đến sân bay. Năm giờ kém hai mươi phút mà sảnh làm thủ tục đã đông nghẹt. Hai mẹ con mình làm xong thủ tục, định vào làm tô phở ngay trong khu vực chờ nhưng nhìn đồng hồ thấy sát giờ lên máy bay quá rồi nên lại thôi.
Đúng sáu giờ máy bay cất cánh. Chiếc Airbus nhỏ với chỉ hai hàng ghế cho mỗi ba vị trí ngồi một bên không còn một chỗ trống.
Nắng đã lên rồi. Những tia nắng rọi vào khoang cửa sổ nhỏ xíu, làm những viên đá của cái vòng đeo tay của con ánh những vệt sáng lấp lánh.
Thực ra, ánh sáng mặt trời được tạo ra từ ánh sáng có màu sắc cầu vồng, kết hợp với nhau tạo thành màu trắng. Mình nhìn ra đó là những tia nắng song song.
Một cách khoa học, điều này được giải thích là do ánh sáng luôn truyền theo đường thẳng nhưng không thể nhìn thấy ánh sáng cho đến khi nó chạm vào vật phản chiếu nó. Các phân tử không khí và các hạt lớn hơn phân tán ánh sáng và “nảy” ra khỏi chúng.
Đôi khi các hạt bụi phản chiếu ánh sáng nên chúng ta nhìn thấy những đường “tia nắng” song song. Ngoài trời, không khí bụi bặm tán xạ ánh sáng đủ mọi bước sóng khiến bầu trời trở nên trắng xóa.
Mình nhìn ra ngoài, mặt trời đang dần cao lên, báo hiệu một ngày nắng gay gắt. Những chiếc máy bay liên tục cất và hạ cánh, xuyên qua những tia nắng mỏng mảnh đầu ngày.
Rồi mình như được nhấc bổng lên, cao dần lên trên khoảng không bao la vô tận.
Tai ù đi,
Hà Nội đã ở phía dứoi và rồi tất cả chỉ còn là một dấu chấm nhỏ, mất hút.
Xung quanh mình, Mây trôi bồng bềnh.
Và Nắng chứa chan, một màu nắng tháng Tám.
Lung linh nắng thuỷ tinh vàng
Chợt hồn buồn dâng mênh mang