Giọt nắng bên thềm.7

by Rose & Cactus
 
Mấy hôm nay thời tiết Sài Gòn đẹp quá! Buổi sáng lạnh kiểu này, mình thích pha một ly cà phê nóng, đôi khi chỉ là để ….ngửi mùi :)). Cái mùi cà phê thật sự là rất quyến rũ, nó làm cho con người ta tràn đầy năng lượng và niềm hứng khởi để khởi động một ngày mới.
 
Anh nhìn em, cười tươi trong đáy mắt em dịu dàng
Em nhìn anh, một trời hoa bướm lung linh tỏa sáng
Khi mình viết tiếp “Giọt nắng bên thềm” bên khung cửa sổ với hương thơm cà phê ngào ngạt thì bỗng dưng mình nhớ tới giai điệu của khúc ca tuyệt vời trên
 
“Khi thời gian như đứng yên lại”.
 
Không hoàn toàn bởi vì nội dung của bài hát liên quan đến câu chuyện mình đang kể với các bạn.
 
Mà nguyên nhân kể ra thì dài dòng, rằng trong đoạn đối thoại của nhân vật “nàng” và “anh”, mình cho họ nhắc tới hai nhân vật trong bộ phim đậm chất thơ của điện ảnh Ý “Elisa Di Risombrova”.
 
Phim truyền hình này mình xem cách đây đúng 20 năm, 2004, cũng vào thời điểm chớm thu thế này.
 
Mỗi buổi tối, sau khi đi làm, đi học hay đi dạy về, là mình lại háo hức nhảy lên giường, nằm đắp chăn và xem phim :))). Một thời gian rất dài sau “Bạch tuộc” mới có một bộ phim Ý dài tập làm mình say mê đến thế.
 
Cùng thời điểm đó trong khu nhà trọ rộng lớn và sạch đẹp ở Quận Bình Tân mà mình từng sinh sống có một căn phòng của một cặp vợ chồng trẻ.
 
Họ vừa mới cưới và sáng nào cũng vậy, có thể là ngay sau khi thức dậy, là đã thấy âm nhạc phát ra từ căn phòng của họ rồi.
 
Và từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc bộ phim vô cùng lãng mạn trên, thì bài hát mà họ luôn mở là “Vị ngọt đôi môi”, đang rất nổi qua giọng hát của cặp song ca Quang Dũng- Thanh Thảo.
 
Mấy đứa bọn mình, lúc đó, toàn hội trẻ lại còn độc thân, đêm thì thức khuya nên sáng hay ngủ nướng :))). Dậy là cuống cuồng chuẩn bị các thủ tục để đến công ty cho kịp giờ rồi chứ đâu còn thời gian ngồi nhâm nhi cà phê sáng và nghe nhạc.
 
Nhưng không hiểu sao cái không khí lúc đó, từ kiểu thời tiết đến ảnh hưởng của bộ phim đang xem khiến chúng mình, dù chỉ loáng thoáng nghe qua từ gian phòng gần đó, thì rồi cũng bị mê luôn ca khúc đầy xúc cảm này của nhạc sĩ Lê Hựu Hà.
 
Đến công ty (bọn mình làm cùng công ty) mà đôi khi trong giờ giải lao, để relax là chúng mình lại ngân nga giai điệu của nó
 
Cho dù mai vật đổi sao dời
Trái tim này cũng chỉ một lời
Trong nhật ký một ngày chủ nhật mùa thu năm đó, mình có viết rằng “Buổi sáng Sài Gòn se lạnh tôi đã nghe đi nghe lại Vị ngọt đôi môi để những tối còn lại trong tuần được đắm chìm trong tình yêu ngọt ngào của nàng Elisa xinh đẹp và chàng bá tước Fabrizio dũng cảm”.
 
Mùa thu đã tới rồi! Sáng mai bạn thử bật ca khúc trên và buổi tối cuối tuần, nếu rảnh, coi lại Elisa xem thử. Mình cá là chúng có thể làm tan chảy trái tim bạn đấy!
 
Và biết đâu, nhờ thế mà bạn lại có cảm hứng viết nhật ký,
 
Nhật kỳ mùa thu
 
Nhật ký mùa thu
By Clare Walker Leslie
 
Mùa thu là thời điểm tốt để bắt đầu viết nhật ký về thiên nhiên. Năm học mới đang bắt đầu trở lại. Mùa hè đã qua. Sức nóng khiến chúng ta lê lết và lười biếng đang dần lùi xa. Với buổi sáng mát mẻ hơn và ít ánh sáng hơn, một mùa mới đang đến.
 
Động vật và thực vật đang sẵn sàng cho những tháng lạnh hơn sắp tới. Ngay cả khi bạn sống ở nơi có khí hậu ấm áp quanh năm, động vật và thực vật cũng trải qua các chu kỳ thay đổi – có lẽ giữa mùa mưa và mùa khô, thay vì ấm hơn và mát hơn.
 
Nơi chúng tôi sống, tháng 9, tháng 10 và tháng 11 là những tháng mùa thu. Tất nhiên, nếu bạn sống ở New Hamisphere thì những tháng này sẽ khác.
 
Quan sát mùa thu
 
Tất nhiên, các chủ đề bạn vẽ và viết trong nhật ký sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nơi bạn sống – ở thành phố, vùng ngoại ô hay vùng nông thôn; cạnh bờ biển, trong rừng hay trên sa mạc. Để bắt đầu, hãy đi dạo quanh khu phố của bạn, quan sát và vẽ các dấu hiệu của mùa thu. Tạo một trang trải dài ra hai trang, để các hình ảnh lần lượt xuất hiện.
 
Thực vật
 
Loại cây nào vẫn còn nở hoa; loại nào có hạt? Tìm các loại cỏ, bấc và cói khác nhau rồi vẽ chúng. Vẽ năm chiếc lá khác nhau của cây và so sánh hình dạng của chúng. Cây gì có lá chuyển màu? Vẽ và xác định năm bông hoa dại gần bạn. Chúng có từng được sử dụng trong nấu ăn, làm thuốc hay nhuộm len không?
 
Cây cối
 
Cây gì đổi màu? Vẽ 5 chiếc lá khác nhau với màu sắc và hình dạng khác nhau. Có phải những cây cùng loại đều có màu giống nhau không? Mỗi loại cây khác nhau có sự thay đổi màu sắc mùa thu riêng của chúng không?
 
Đọc về những thay đổi của tán lá mùa thu. Xác định và vẽ hạt, quả và quả hạch của cây và bụi cây. Vẽ sự khác biệt giữa cây thường xanh và cây rụng lá. Vẽ năm hình dạng cây gần bạn và xác định các cây. Những cây nào có nguồn gốc ở khu vực của bạn; cây nào đến từ nơi khác?
 
Động vật
 
Đọc và vẽ tám loài động vật phổ biến nhất mà bạn nghĩ là sống gần bạn: thỏ, sóc, cáo, ếch, cá, bướm, kỳ nhông, kiến, rùa, v.v. Hãy vẽ từ việc quan sát thực tế, nếu có thể, nếu không, hãy sử dụng những bức ảnh hoặc một chuyến đi đến sở thú.
 
Tìm hiểu dấu vết của động vật (trên đất, tuyết, bùn …) bằng cách vẽ chúng và ghi chú kích thước của từng dấu vết, khoảng cách giữa các dấu vết, chiều rộng giữa các dấu vết phía trước hoặc phía sau.
 
Đừng quên những sinh vật nhỏ – côn trùng, bọ gieo hạt, ốc sên – và chúng đang chuẩn bị cho mùa đông như thế nào.
 
Chim
 
Những loài chim nào sống gần bạn? Những loài chim nào sẽ di cư? Những loài chim nào sẽ ở gần đó suốt mùa đông? Vẽ từ sự quan sát trực tiếp hoặc từ các bức ảnh chụp năm loài chim địa phương: chẳng hạn như quạ, chim cổ đỏ, giẻ cùi xanh, chim bồ câu, chim ác là, chim cắt, chim bạc má và chim gõ kiến.
 
Thời tiết và các mùa
 
Những tuần trăng nào bạn nhìn thấy và khi nào? Vẽ các mô hình đám mây và lưu ý màu sắc bầu trời. Tìm hiểu các loại đám mây và kiểu thời tiết mà mỗi loại chỉ ra. Giữ biểu đồ thời tiết và nhiệt độ hàng ngày để bạn có thể bắt đầu dự đoán thời tiết ở khu vực của mình.
 
Mùa thu có ý nghĩa gì với bạn? Lễ hội mùa thu là gì? Lễ tạ ơn của người Mỹ vào cuối tháng 11 liên quan như thế nào đến lễ hội thu hoạch mùa thu của các nền văn hóa khác?
 
Bản thân bạn
 
Thời tiết mùa thu khiến bạn cảm thấy thế nào? Phản ứng của bạn với màu sắc mùa thu thay đổi là gì? Vẽ các sự kiện tượng trưng cho mùa cho bạn.
 
 
GIỌT NẮNG BÊN THỀM
By Rose & Cactus
 
4.
 
Nàng có thói quen viết nhật ký, từ khi nàng tròn mười hai tuổi. Vui buồn gì nàng cũng muốn trút tất cả vào trong những trang giấy.
 
Người ta có thể liệt kê ra bao nhiêu những ích lợi của việc viết ra những điều, những thứ xảy ra với mình mỗi ngày, nào là nó sẽ giúp bạn lưu giữ lại được những ký ức và trải nghiệm, nào là nó sẽ giúp sắp xếp những suy nghĩ của bạn theo một cách có tổ chức và dễ tiếp cận, và đôi khi nghiêm túc hơn, rằng nó sẽ cho bạn sự suy ngẫm lại về bản thân, những việc mình đã làm được hay chưa làm được.
 
Nàng hoàn toàn đồng ý với những nhận định trên, chỉ muốn bổ sung thêm rằng đối với nàng nhật ký là một “Khu vườn bí mật” nơi chứa tất cả những suy nghĩ thầm kín nhất của một người, bình thường, khá là kiệm lời như nàng.
 
Khi tới cơ quan, công việc của nàng đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, có tính đồng đội với những người ở vị trí khác nhau trong các bộ phận khác nhau. Và nàng hoàn toàn thích nghi được trong môi trường năng động đó, với thái độ làm việc thân thiện và cởi mở.
 
Nhưng khi thoát ra khỏi bốn bức tường công sở đó, nàng như hóa thành một con người khác, với những sở thích cá nhân gắn với trạng thái một mình.
 
Lặng lẽ.
 
Thực ra, nàng mắc chứng sợ đám đông và thường rơi vào cảm giác lạc lõng ở chốn đông người. Một sự mâu thuẫn mà chính nàng, dù nhiều lần muốn khác đi, muốn thay đổi, nhưng cuối cùng, đã hiểu rằng không thể.
 
Niềm vui của nàng, vì thế cũng thật giản dị, mà như đứa em trẻ trâu của nàng thi thoảng vẫn trêu nàng là nhàm chán “Sao chị chỉ thích những thứ tẻ nhạt và đơn điệu và già nua đến thế?”
 
Nàng bật cười khi nghĩ đến điệu bộ của nhỏ khi nó giễu nại nàng như vậy. Mà có thật thế không nhỉ? Có khi đúng thế thật, những trò tiêu khiển của nàng ý, để xem nào,
 
Viết,
thì rõ là chỉ “mình ta với cây bút, trang vở” rồi.
 
Đan len,
thì chỉ cần một chú mèo nhỏ bên cạnh.
 
Nhà nàng nuôi hai con mèo, mỗi tối mùa đông khi nàng bắt đầu giở những cuộn len mềm mại ra thì một trong hai chú, cái chú tam thể ấy, theo lệ, lại nhảy vào một bên chiếc ghế rộng rãi nàng đang ngồi.
 
Chú cuộn tròn người, mũi gí sát vào những sợi len óng ả và mắt thì lim dim chừng chỉ chút nữa là ngủ khò. Và chẳng bao lâu chú đã ngủ thật, không nghe được tiếng”meo meo” nào nữa. Chỉ còn lại nàng một mình, với những cuộn len.
 
Đi thư viện đọc sách,
chà thú vui này, bề ngoài khá là cho cảm giác “có nhiều người bên cạnh” nhưng bên trong thì sao ? Nó nhất thiết đòi hỏi sự tĩnh lặng, nơi mà chỉ còn nghe được âm thanh của những trang giấy được lật giở.
 
Nhưng mãi mãi, nàng đã phải cảm ơn cái thói quen đến thư viện tuần vài buổi này. Vì nhờ đó mà nàng đã gặp được anh, người khiến trái tim nàng loạn nhịp ngay buổi đầu gặp gỡ ấy.
 
Anh và nàng khác nhau rất nhiều. Anh quảng giao, hoạt ngôn, hài hước nên dễ dàng thiết lập các mối quan hệ. Nàng thì ngược lại, thu mình, khép kín và quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài người bạn, không thân cũng không sơ, gắn bó ở mức vừa phải.
 
Thế mà, hai người họ lại hợp nhau đến lạ kỳ, nói một cách văn hoa kiểu của nhà văn nhà thơ rằng họ là những người sinh ra để dành cho nhau.
 
Mẹ nàng thì cho rằng, vì nàng và anh hợp tuổi. Nàng thì hoàn toàn mù tịt và cũng chẳng quan tâm đến bói toán hay những thứ tương tự mà nàng vẫn nghĩ là có chút hơi hướm mê tín như kiểu của mẹ nàng nói ấy.
 
Nhưng rõ ràng rằng, mỗi phút giây bên cạnh anh đều cho nàng một cảm giác hạnh phúc. Mỗi một cuộc chuyện trò giữa họ nàng đều muốn nó kéo dài mãi mãi.
 
Để nàng còn được nghe tiếng anh, giọng nói của anh, dù rằng đôi khi nghĩ lại, để ghi vào nhật ký, thì nàng thấy có những cuộc đối thoại thật là ngớ ngẩn, chẳng ra làm sao.
 
Đây, bạn đọc thử xem việc nàng nghĩ thế, nghĩ là đôi lúc những câu hỏi và câu trả lời của anh và nàng thật ngớ ngẩn ý, có đúng không nhé
 
– Anh nhắc lại cho em đi, ngày em và anh va vào nhau ấy
– Đó là một buổi sáng đầy nắng
– Xong rồi thế nào nữa?
– Anh bước vào thư viện của một trường đại học để tìm tư liệu phục vụ cho bản thuyết trình dự án mà anh đang triển khai để đi xin tài trợ
– À, cái anh chàng “già vờ” nghiêm túc ấy hả, kiểu cố tình vào thư viện với một chiếc cà vạt trên cổ
– Và cái anh chàng trong phục trang dở hơi đó đã trúng “tiếng sét ái tình” ngay tắp lự
– Thật không? Khi nào?
– Khi anh ta nhìn thấy một cô gái mang hình ảnh của nàng Belle bên khung cửa.
– Nói dối, chàng khờ đó đâu có thích truyện cổ tích
– Điều đó không đồng nghĩa với việc anh ta không biết rằng kiểu gì cũng tồn tại “Người đẹp” ở đâu đó
– Thế hả? Thế mà cô gái lại cứ ngỡ làm quái gì có một “Quái vật” trên đời
– À, điều này thì đúng. Vì cô ấy suốt ngày chỉ biết chúi đầu vào mấy quyển sách thôi.
– Anh nói cho rõ hơn xem nào
– Thì đó, anh ta đi vào phòng đọc, nhận được quyển sách mình cần từ cô thủ thư, xong loay hoay mãi anh ta mới kiếm được một chỗ trống, ở cái bàn mà cô Belle cổ đang ngồi
– Đã bảo là cô ấy không phải là Belle mà
– Thế chẳng lẽ nàng Elisa trong lâu đài của một dòng họ quý tộc nào đó ở nước Ý xa xôi bay được sang đây
– Không, có lẽ là cái anh chàng quý tộc hợm hĩnh Fabrio đeo cravat bị đày sang thì đúng hơn
– Quý tộc thời trung cổ chưa có thắt cravat
– À, thế tức là người mà thắt cravat thì không hợm hĩnh
– Chà, cái cô Elisa này có vẻ “hiểu bài” nhanh hơn rồi đấy
– Thế cái người mà ngồi cạnh chỗ trống của anh chàng đeo cravat mà không hề “hợm hĩnh” ấy, trông cô ta thế nào?
– Trông thế nào ấy hả? Cô ấy có đôi mắt biết cười còn nụ cười thì rạng rỡ hơn tia nắng bình minh ghé qua song cửa
– Thật thế à? Thế cô ấy có giống nàng gia sư Elisa khi nàng đứng lên trong ánh ban mai hắt vào từ đằng sau ở thư phòng tuyệt đẹp trong lâu đài cổ tích ấy không?
– Không, cô ấy chẳng hề đứng lên mà chỉ ném vào cái anh chàng mà cô ấy cho là hỡm hĩnh một cái nhìn toé lửa
– Vì sao?
– Ah, vì cô ấy không nghĩ mình lại gặp được ngài bá tước ở cái chốn, nói thế nào nhỉ, khô khan và yên tĩnh và căng thẳng như ở thư viện ấy
– Chẳng phải, nàng Elisa đâu có nhìn bá tước …như thế. Giây phút đầu tiên, nàng chỉ thấy chàng thật là một chàng trai tuấn tú, kiểu hoàng tử như nàng vẫn hình dung,
– Thế cái anh chàng đeo cravat không thể lại là bá tước được à?
– Làm sao có thể được. Xem nào, bá tước thì đâu có nói: Xin cô dẹp bớt sách đi để có chỗ cho người khác ngồi
– Thật là anh ta đã nói như vậy với nàng Elisa ở thời hiện đại sao? Thế trong phim thì bá tước đã nói gì, ở cái khung cảnh mộng mơ ấy?
– Chẳng nói gì cả
– Chẳng nói gì là sao?
– Là là, chàng chỉ có ….nhìn nàng thôi
– Thế thì còn tệ hơn cả nói
– Sao lại tệ hơn được. Anh ta nhìn nàng xong sau đó vòng tay cúi đầu thể hiện một điệu chào thật là lịch thiệp
– Rồi sao nữa? Rồi sau đó anh ta có cho nàng Elisa của anh đi quá giang về nhà không? Bá tước đeo cravat thì cho rằng thể hiện một điệu chào một cách lịch sự thì dễ hơn nhiều so với đèo bòng một nàng tiểu thư khó ở về nhà.
 
Đúng là ngớ ngẩn thật, nàng đã kết thúc trang nhật ký một ngày chớm thu tháng Tám như vậy đấy!
 

You may also like

Để lại bình luận