Bấy giờ đã là tháng mười Một. Mùa khô bắt đầu đánh dấu sự hiện diện của nó bằng những ngày nắng kéo dài. Cơn mưa, trở nên đứt quãng và thưa thớt. Bầu trời không cho cảm giác nặng trĩu vì phải gồng gánh những tầng mây như những tảng băng khổng lồ cứ chực chờ tan ra thành nước. Giờ đây chúng thích biến hình sang một dạng thức khác cho hợp với cái khí lạnh ảo mộng hiếm hoi trong năm: Sương mù.
Trên ban công căn hộ số 3 tầng 13, những bụi hồng mảnh mai nằm yên trong những chậu sành màu nâu đất thi thoảng lại rung lắc nhẹ theo chiều gió. Những thân cây cố vươn mình về hướng đông đón ảnh nắng mặt trời và hay làm sao, nhờ vậy mà chúng hứng được cả những giọt sương ban mai tinh khiết.
Mới hơn năm giờ. Trời còn tù mù, chưa sáng rõ mặt người. Tất cả vẫn đang ngủ yên kể cả những nụ hồng chúm chím lấp lánh ánh bạc. Tuy vậy, từ đằng xa đột nhiên một thứ ánh sáng lạ lùng vừa thấy như là sắc đỏ cam, vừa lại giống màu mỡ gà lóe lên giữa một vùng mây trắng rải rác trên nền xanh nhạt tận đường chân trời
-Chào buổi sáng con gái yêu!
Bà Daisy vẫn giữ nguyên lối nói với con gái khi cô vừa thức dậy, y như ngày cô bé còn nhỏ xíu.
-Chào buổi sáng mẹ! Ôi mùi phở ngon quá mẹ ơi!
Rose reo lên ngay khi khứu giác bị đánh thức bởi hương vị ngào ngạt của món ăn sáng yêu thích. Cô bé bước đến bàn ăn khi bà Daisy hoàn tất những công đoạn cuối cùng là rắc những lá hành ngò đã được thái nhỏ vào hai tô phở vẫn còn đang nóng hổi bốc hơi nghi ngút
– Sao bố lại có thể không cảm thấy gì với một món ăn tuyệt diệu như thế này chứ?
-Vì bố không bao giờ chán cơm
Ông Jason cười với cô con gái nhưng mắt lại đưa sang nhìn vợ mình, lúc này cũng đã ngồi xuống bàn ăn. Rose thì lại hiểu câu nói của bố theo cái cách mà ông sống bao năm nay. Ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ khó khăn, thiếu thốn. Bữa ăn không bao giờ có đủ chất nên người ta bù đắp cho sự thiết hụt dinh dưỡng bằng cách ăn thật nhiều cơm. Lâu quá thành quen, cơm có thể trở thành món ăn cho mọi bữa trong ngày
-Con gái học ở trường có gì vui không?
-Dạ, cũng vui bố
Bà Daisy mỉm cười, tay với miếng chanh mỏng vắt thêm vào tô phở của cả hai mẹ con. Hơn ai hết, là một người mẹ, bà hiểu rất rõ những ưu và khuyết điểm trong tính cách của cô con gái. Nhưng thay vì gò cô bé vào một khuôn mẫu của sự hoàn thiện, thứ vốn không thể đạt hiệu quả ngay với một đứa trẻ -chúng cần sự va vấp và trải nghiệm cuộc sống để định hình nên con người mình – thì bà thường hay kể cho cô bé nghe các câu chuyện thực tế với những nhân vật mà bà đã chứng kiến trong cuộc đời.
Những nhân vật- con người đó đều không phải là người hoàn hảo, họ ít nhiều chứa đựng nhiều điểm yếu cố hữu. Tuy vậy, họ vẫn có thể đứng vững được trước những bão tố của cuộc đời, và sống đàng hoàng mà không phải hổ thẹn với lương tâm bởi trong con người họ vẫn luôn có chỗ cho lòng tốt, tình yêu thương và sự tử tế.
Đó luôn là những thứ đẹp đẽ đủ sức bù đấp những khiếm khuyết không thể tránh khỏi ở mỗi con người
Rose ăn một cách chậm rãi như phong cách điềm đạm của cô bé trong khi ông Jason đã dùng xong bữa và đứng dậy chuẩn bị đi làm. Công việc phụ trách kỹ thuật của một nhà máy sản xuất năng lượng, vốn đặt ở vùng ngoại ô xa trung tâm, khiến ông bận bịu luôn, cho hành trình trăm ngày như một: Bước ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi đường phố đã sáng ánh đèn. Chẳng bao giờ ông nghỉ việc, trừ những ngày khi Rose còn bé hay bị những bệnh vặt vãnh phải đi khám ở bệnh viện thôi.
Rose không có nhiều thời gian nói chuyện với bố bằng mẹ nhưng bằng sự kỳ diệu của di truyền, tính cách của họ lại rất giống nhau nên cô bé vẫn cảm thấy có một sự gắn bó với bố, một con người với những đặc trưng của dân kỹ thuật, hiền lành và rất kiệm lời.
-Ôi hôm nay mải chuyện nên quên bật nhạc chào đón ngày mới con gái nhỉ
-Để con, đố mẹ biết bài gì nhé!
I’m doing good, I’m on some new shit
Been saying “yes” instead of “no”
I thought I saw you at the bus stop, I didn’t though
Rose vừa ngâm nga vài câu hát xong thì giai điệu bài hát bắt đầu cất lên
– “The 1”
-Lần này mẹ có tiến bộ
Nhận được lời khen của con gái, bà Daisy cười váng. Dù có nhiều quan điểm khác biệt, bà Daisy và con gái cũng có rất nhiều điểm chung khiến họ thực sự coi nhau như hai người bạn và có thể tâm sự với nhau mọi chuyện. Họ có mối quan tâm chung về văn chương, điện ảnh hay âm nhạc và có thể tán gẫu hàng giờ về rất nhiều chủ đề liên quan đến khoa học hay lịch sử. Bà Daisy thích nghe con gái kể các câu chuyện mà cô bé đã từng đọc hay xem ở đâu đó và nhận ra cô có khả năng kết nối và lắp ráp các dữ kiện với nhau một cách rất sáng tạo và thu hút.
Điều này cộng với những tố chất riêng có của cô bé khiến bà càng ngày càng nhận ra việc mình từng căng thẳng với những thất bại trong học tập của cô được minh chứng bằng điểm số hoàn toàn không có tác dụng gì nhiều trong việc khiến cô tốt hơn lên với cả những lợi thế và bất lợi của mình.
Mỗi người đều có khả năng và tố chất hoàn toàn khác biệt, việc của những người phụ huynh như bà không phải là cố gắng đồng hóa những sự khác nhau đó mà chỉ nên ở bên cạnh cổ vũ và động viên con cái theo đuổi niềm đam mê và khám phá những tiềm năng của bản thân. Hoàn toàn thả lỏng, không để điểm số hay những thành tích ám ảnh tâm trí thực sự là điểu vô cùng tuyệt vời.
Nó sẽ giải phóng bạn khỏi những tầm nhìn hạn hẹp và khơi dậy sức sáng tạo vô biên tiềm ẩn trong mỗi con người.
Bà Daisy, tuy nhiên, luôn tán thành quan điểm rằng trong cuộc sống, mỗi người nên có những nguyên tắc cho riêng mình. Chính những nguyên tắc sống đó sẽ giúp chúng ta vẫn còn là chính “ta” mà không đánh mất bản thân dù có sống ở bất cứ môi trường phức tạp thế nào. Nó còn tạo ra sự độc lập trong suy nghĩ và hành động, nâng cao khả năng phân biệt phải trái đúng sai, từ đó giúp hạn chế thấp nhất những sai lầm mà mình có thể mắc phải.
Tất nhiên, nguyên tắc không bao giờ đồng nghĩa với sự khô cứng và vô cảm. Nó chỉ thật sự có giá trị khi đi kèm với sự bao dung, thấu hiểu và linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống.
Bà Daisy luôn nhìn vào người mẹ của mình để học tập. Mẹ bà là một người phụ nữ đẹp tuyệt vời nhưng bao năm xa chồng biền biệt vẫn giữ nguyên một lòng chung thủy, không bị xao động trước bất kỳ một sự cám dỗ nào. Cả cuộc đời bà chỉ dành tình yêu và sự hi sinh vì chồng con, đó là nguyên tắc sống xuất phát từ trái tim cao cả.
Daisy, cũng như người mẹ của bà là một mẫu phụ nữ truyền thống điển hình.
Tiếng hát của Rose hòa với giọng cô ca sĩ trong điệu nhạc du dương như làm cho buổi sáng thêm ngập tràn năng lượng. Lại thêm hương vị cà phê từ cửa sổ nhà bên đưa sang càng đánh thức niềm hứng khởi bắt đầu một ngày mới.
Trên tấm gờ cửa sổ tòa nhà đối diện căn hộ nhà Rose, hai cặp chim bồ câu vẫn đứng rủ rỉ rù rì
-Rose con ra đây nhìn cây hoa hồng bà ngoại trồng đã nở rồi đẹp quá này!
-Từ chiều tối qua con đã thấy rồi mà mẹ!
Cô bé nói với ra từ trong phòng, đúng lúc tiếng đồng hồ quả lắc trên tường điểm bảy tiếng. Bảy giờ sáng ông mặt trời vẫn chưa chịu xuống thăm thú trần gian nhưng đã đến giờ Rose phải đến trường.
Đứng trên ban công bà Daisy nhìn theo con đã đi xuống đến cổng, một lúc sau bóng cô bé đã khuất sau con đường với hàng cây râm mát. Chỉ đi hết mấy trăm mét đến cuối đường thôi là ngôi trường thân yêu nơi cô bé Rose đang theo học đã ở ngay trước mắt rồi. Khoảng cách gần thực sự mang lại nhiều lợi ích: Sự tiết kiệm, xét cả về thời gian và nguồn lực.
Đến giờ này bà Daisy cũng đang rất hạnh phúc vì được sống với những thứ mà mình yêu thích. Công việc hiện tại cho bà sự chủ động về mặt thời gian và một tinh thần hết sức thoải mái. Tất cả là nhờ cái tiệm sách nhỏ xíu “Cactus bookshop” mang lại. Cùng cần thiết phải nói qua về “Món quà cuộc sống” này, thứ mà bà Daisy được trao tặng theo một cách cũng hết sức tình cờ.
“Cactus bookshop” nằm ngay dưới khu nhà gia đình Rose sinh sống, trên đoạn đường tuy ngắn nhưng bà Daisy chưa bao giờ cảm thấy hết yêu nó vì cái vẻ thanh bình, tĩnh tại và mát mẻ do những hàng cây xanh mang lại. Nằm dọc hai bên con đường này là những cửa hàng cửa hiệu nhỏ xinh và ấm cúng: Một tiệm cà phê, một tiệm cắt tóc, một tiệm photo, một trường mầm non và một cửa hàng tiện lợi.
Giữa con đường, một dải đất nhỏ được tách ra làm hai phần, phần trên – những cây cổ thụ râm mát mà những tán cây như những chiếc ô khổng lồ xòe rộng làm mái che thứ hai cho những căn nhà bên dưới và phần dưới-là khoảng đất trống hẹp hơn và bị bỏ không cho cỏ dại mọc.
Một ngày nọ, có hai vợ chồng đã lớn tuổi ở căn nhà ngay con ngõ gần đó quyết định lấp đầy thời gian trong ngày bằng cách cải tạo lại khu đất. Chỉ sau mấy tháng, thay vì đám cỏ cao lút đầu, người đi đường như cảm thấy mình đã lạc vào vườn hoa ở công viên trung tâm thành phố. Nào hoa mười giờ, tóc tiên, cánh bướm, hướng dương … đua nhau khoe sắc, làm bừng sáng cả mấy tòa nhà cũ kỹ bên cạnh.
Vốn dĩ cũng là người rất yêu cây cỏ, nên mỗi lần đi qua mà thấy hai ông bà lúi húi tưới cây tỉa cành kiểu gì bà Daisy cũng dừng lại để chuyện trò với họ. Và từ đó bà biết thêm rằng hai ông bà hiểm con, họ chỉ có duy nhất một anh con trai và hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Và nhờ có khu vườn công cộng nhỏ xinh này mà họ cảm thấy cuộc sống của mình màu sắc hẳn lên. Niềm vui hẳn là vì đã mang tới cái đẹp điểm tô cho cảnh quan khu phố trong cộng đồng mình sinh sống.
Một lần, bà Daisy tặng hai ông bà những hạt của cây hoa sao, một giống hoa dây leo gắn bó với tuổi thơ của bà ở quê nhà. Loài hoa như chẳng cảm thấy lạ với vùng đất mới, chẩng mấy nó đã bò lên những hàng rào thấp được dựng ngay ngắn ở một góc của khoảnh đất và nở bung một màu đỏ thanh thoát, mỏng manh như những vì sao.
Nhưng buồn là, khi mùa hoa sao vẫn đang rực rỡ thì đột nhiên ông bà phải nói lời chia tay với tất cả để đi định cư và đoàn tụ với gia đình cậu con trai. Đây là quyết định mà họ đã phải cân nhắc rất lâu, chứ không phải một sớm một chiều.
Có hai thứ mà bà Daisy được “thừa hưởng” lại từ cặp vợ chồng đặc biệt phúc hậu: “Khu vườn nhỏ” và một tiệm sách cũ “Cactus bookshop” của họ ở ngay chếch trên vườn hoa một xíu. Sau này, bà Daisy đã cho nó cũng là một cơ duyên của cuộc sống, và do đó càng thúc đẩy niềm tin nơi bà rằng bất cứ một sự gặp gỡ nào cũng là do sự sắp đặt của Thượng đế để tạo ra những sự kiện trong cuộc đời của mỗi người.
Tiệm sách mang tên một loài cây kiên cường trước mọi sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống này, trong thực tế, có diện tích khá khiêm tốn. Đó là một căn gác xép bằng gỗ, với một kệ sách hình chữ U bao quanh các bức tường cao sát đến trần nhà. Trên đó xếp sin sít nhau những cuốn sách cũ với đủ các thể loại và tương đối khó kiếm trên thị trường.
Thời gian đầu khi mới mua lại, bà Daisy còn đang làm công việc cũ vốn chiếm trọn thời gian cả ngày nên tiệm sách luôn đóng cửa im ỉm, và thực chất nó đã biến thành cái kho chứa sách. Hai năm gần đây thì đã khác hoàn toàn khi bà Daisy chuyển hướng công việc theo đúng như kế hoạch đã định của bà khi bước sang tuổi trung niên.
Căn gác được sơn sửa lại và được bà loại bỏ hết những chi tiết rườm rà để nó được mang một dáng vẻ rộng rãi và ấm cúng nhất có thể. Bà Daisy dành riêng một không gian cho những cuốn sách mới được xuất bản, mà đã gây được tiếng vang trên thế giới, những cuốn sách mang nội dung phản ánh đúng nhịp thở của thời đại nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị trường tồn. Tri thức từ sách vở cũng như các quyết sách ngoài cuộc sống, cần phải có sự xen kẽ giữa những cái cũ và cái mới, càng có sự hòa trộn nhiều quan điểm và góc nhìn thì sẽ càng kích thích sự lĩnh hội và thực sự hữu dụng.
Với Daisy, bà đặc biệt thích khu vực ban công trên gác lửng của tiệm sách, nơi được vây bọc bởi những chậu xương rồng nhỏ, và những nhánh hoa lộc vừng rủ xuống mềm mại. Cả một khoảng rừng cây và vườn hoa phía trước như càng bồi đắp cho tâm hồn bà một niềm cảm hứng sáng tác, vốn nhiều năm đã chai sạn và vơi đi phần nào vì những áp lực của cuộc sống.
Chưa bao giờ Daisy lại cảm thấy thấm thía hơn ý nghĩa của câu nói “Nếu bạn có một khu vườn và một thư viện, bạn sẽ có mọi thứ bạn cần” như từ lúc toàn tâm toàn ý với “Cactus Bookshop”
Buổi sáng tiệm sách không hoạt động vì bà Daisy sẽ dành khoảng thời gian tốt nhất cho các hoạt động trí não này để viết lách, trên góc nhỏ ban công. Bà vẫn thường viết cho các tạp chí kinh tế đúng với chuyên ngành của mình và dự định ra mắt một cuốn sách nhỏ chủ đề về quản lý tài chính cá nhân thời gian tới
Buổi chiều, ngược lại, tiệm sách luôn có vẻ nhộn nhịp người ra vào, có thể rồi họ sẽ ra về với vài cuốn sách hoặc có thể đơn giản là để xem mà không hề mua. Bà Daisy không coi việc đó là đáng lo, chỉ cần nhiều người tìm đến sách, yêu thích những quyển sách giấy là bà thấy vui rồi.
Với lĩnh vực sách, Daisy không bao giờ đặt lợi nhuận lên làm tiêu chí hàng đầu. Tri thức không phải là một mặt hàng để mua bán một cách sòng phẳng, nó đòi hỏi một điều gì đó cao hơn thế rất nhiều. Giống như giáo dục trong trường học vậy, nếu người ta chỉ nhất mực quan tâm đến những thứ có thể cân đo đong đếm được bằng các chỉ tiêu hết sức lạnh lùng hay những thành tích mang tính điểm tô trang trí mà bỏ qua những yếu tố nhân văn, cốt lõi trong giáo dục nhân cách sống của con người, từ đó giúp người ta hướng thiện và trưởng thành lên về nhận thức và trí tuệ thì đó chính là một nền tri thức thất bại, một nền giáo duc thất bại.
Tiệm sách này không chỉ là nơi cho bà Daisy sự hứng khởi mà Rose cũng đặc biệt yêu thích nó. Trước đây, nó hoàn toàn vắng bóng truyện tranh nhưng cô bé đã năn nỉ mẹ nhập thêm thể loại truyện mà nhiều học sinh rất say mê này. Thế mà lại hay, tiệm sách bỗng trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của các bạn nhỏ trong khu chung cư. Trong đó hai người bạn Xtas và Mochi của Rose có vẻ là hăng hái nhất. Thằng Xtas, vốn học cùng trường liên cấp 2-3 với Rose ngay gần đó và khi đi học về nó thường loăng quăng vào đây đọc một vài trang sách và nếu tiệm có đông khách thì nó sẽ lăng xăng giúp bác Daisy mấy việc lặt vặt nọ kia trước khi về nhà.
Chỉ có cô bé Muchi thì trường học ra hơn tí chút. Ngày cô bé còn học lớp 1 thường em phải đợi ở trường khá lâu để đợi bố mẹ đến đón. Nhưng khi lên lớp 2, em đi bộ cùng người anh họ của mình, Peter, học lớp 5 cùng trường và cũng ở trong cùng khu nhà của tụi nhỏ. Con đường chúng đi cũng không quá xa lại khá nhiều cây cối và ít xe cộ nên kể đi bộ đi học cũng như một thú vui. Có thể miêu tả vắn tắt đường đi của chúng như sau: Ra khỏi cổng trường, rẽ phải và đi thẳng qua một ngã ba rồi ngoặt xuống khúc quanh bên trái với những hàng cây điệp vàng và bằng lăng tím. Và cứ thể theo đường thẳng qua ngôi trường của Rose, một đoạn sau là đến tiệm sách của bà Daisy. Và chúng sẽ dừng chân ở đây, sau khi được bác hàng xóm chủ tiệm bố trí cho một chỗ ngồi đọc sách trước khi bố mẹ chúng, một lúc sau, sẽ xuất hiện để đưa chúng về nhà.
Tuy vậy đã có một sự kiện xảy ra và là nguyên cớ để chúng ta có một câu chuyện rất dài này. Nhưng cụ thể thế nào thì các bạn chịu khó chờ, cũng không lâu nữa đâu, người viết chắc chắn là như vậy.
Cách tiệm “Cactus bookshop” không quá xa, chỉ khoảng 40km tòa lâu đài Plato dường như cũng muốn ngủ nướng khi những ngày của tháng Mười một đang về. Sương mù bao phủ dày đặc hơn do hơi nước của dòng sông Styx ăm ắp thổi lên.
Trên tầng hai của tòa lâu đài cậu con trai cả nhà Faber cũng đã thức giấc, chỉ ít phút sau khi bản nhạc báo thức vang lên.
Vươn vai rời khỏi giường, Cactus tiến đến phía cửa sổ, kéo rèm một cách dứt khoát và nhanh chóng tháo tung chốt mọi cánh cửa. Bất cứ khi nào ở trong phòng, trừ lúc ngủ ra, cậu luôn phải đảm bảo rằng, tất cả các cửa sổ sẽ là nơi mà mọi tia nắng hay các cơn gió đều có thể ghé thăm . Cậu rất ghét một căn phòng bịt chặt và khép kín, vì nó chẳng khác chi một ngục tù nơi tù nhân hoàn toàn không biết đến bất cứ một tia le lói nào của sự sống.
Huống hồ, tuy chỉ mới chuyển đến nơi ở mới có ba tuần nhưng càng ngày Cactus càng thấy yêu thương ngôi nhà của mình. Nói về phòng riêng, cậu thấy thực đây đúng là thiên đường. Vì mở cửa ra là cậu có cả một khoảng sông trời mây nước trước mắt. Do ở vị trí góc, căn phòng có một bên cửa sổ rộng trông ra giàn hoa hồng leo và xa xa là một màu xanh bát ngát của công viên đối diện tòa lâu đài. Bên cửa còn lại, là ban công hướng ra dòng Styx êm đềm.
Không ở đâu có một tầm nhìn đẹp hơn thế. Mà ngay cả nội thất bên trong căn phòng cũng vậy, với các bức tường được ốp hoàn toàn đá tự nhiên, điều này đảm bảo nhiệt độ bên trong luôn giữ ở mức ổn định mặc cho cái nắng gay gắt ngoài trời. Trong khi, sàn nhà lát bằng một loại gỗ quý mà qua cả trăm năm vẫn giữ nguyên được chất lượng, không hề bị cong vênh hay nứt nẻ.
Chính giữa bức tường dọc theo căn phòng là một cái lò sưởi kiểu cổ điển châu Âu, bên trên có treo một bức tranh vẽ dòng sông Styx dưới ánh nắng hoàng hôn tuyệt đẹp. Ngoài chiếc giường lớn được đặt gần cửa sổ, căn phòng chỉ có một bàn học của Cactus cùng một kệ sách nhỏ, nên lại càng tăng thêm vẻ khoáng đạt và cho cảm giác tự do.
Cũng có một khung cảnh mà Cactus thấy thú vị, ấy là khi cậu ngước nhìn lên trần nhà. Đó không phải là một khoảng không trống rỗng, vô hồn mà là một bức tranh lớn chiếm toàn bộ diện tích. Bức tranh mô tả về một thiên hà bao la, với muôn vàn các vì sao lấp lánh trên nền đen sâu thăm thẳm.
Vũ trụ mênh mông và bí ẩn luôn gợi sự tò mò và ham muốn khám phá của bất cứ ai, không loại trừ cậu con trai chủ nhân của tòa lâu đài Plato.