Hoa tím ngoài sân (4)

by Rose & Cactus

Công việc viết lách hóa cũng đem cho mình nhiều niềm vui bất ngờ. Có thêm nhiều bạn cả cũ cả mới nhắn tin trao đổi, chuyện trò. Sau bao lâu lại cho mình cái cảm giác của một nhân viên khách hàng thời đi làm ngày xưa. Ở đó không chỉ có công việc mà còn có biết bao nhiêu điều tâm sự, về cuộc sống, về sự nghiệp. Về niềm vui và cả nỗi buồn.

Không chỉ có những người cùng tuổi mình mà cả những cháu còn trẻ tuổi. Có cháu thắc mắc chắc tuổi thơ của cô đẹp lắm và hỏi mình làm thế nào để vượt qua một vài khó khăn trong cuộc sống.

Từng này tuổi tất nhiên mình cũng đã từng trải qua những giai đoạn  mất phương hướng, trầm cảm hay những nỗi buồn vu vơ. Nhưng được cái mình đều nhanh chóng vượt qua, không bao giờ để nỗi buồn lưu lại trong mình quá lâu, dù cho có buồn đến thế nào :)).

Thật ra, cuộc sống chẳng bao giờ toàn là màu hồng cả. Ai cũng có vấn đề riêng, chỉ là ít hay nhiều. Mình cho rằng, ngoài vấn đề về sức khỏe ra, trước hết là sức khỏe của người thân, sau là đến sức khỏe của mình thì không có cái gì khiến mình sợ hãi.

Bởi ngay cả thời còn là học sinh, mình cũng từng có thời gian dài nghỉ học vì bệnh tật mà mình vẫn còn vượt qua được. Chẳng có vấn đề gì cả, bệnh đến rồi bệnh sẽ đi, cứ phải lạc quan lên như thế, kiểu AQ ấy các bạn: Đau mắt thì đi nằm, hết đau lại lôi sách vở ra học. Sao phải xoắn, đời sống được bao lâu mà buồn đau sầu thảm hoài!

Bởi vậy năm lớp 11 mình bệnh tật nghỉ mẹ lai rai hết gần một học kỳ mà cứ vô tư, học hành vẫn cứ ngon nghẻ, toàn mày mò tự học.

Và thật sự, mình cũng thấy biết ơn vì suốt thời đi học thế nào mà mình luôn được học ở một tập thể lớp rất tuyệt vời. Bốn năm cấp hai ăm ắp những kỷ niệm. Và ba năm cấp ba cũng thật là tuyệt vời. Bạn bè ai cũng hăng say học tập và cực kỳ thân thiết vì chúng mình đều biết nhau rất lâu do gần gũi về mặt địa lý!

Chính những năm tháng học trò vô cùng tươi đẹp ấy đã khơi dậy cho mình một niềm cảm hứng sáng tác truyện vô biên cương. Thi cũng viết truyện, bệnh cũng vẫn thích viết truyện.

Tuổi học trò mãi mãi là thứ đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của mình. Mình cũng mong các bạn ai cũng có một thời học sinh như thế.

Câu chuyện dưới đây hôm nay mình mới viết lại dựa trên câu chuyện mình đã viết cách đây đã hơn hai mươi năm. Mình sửa lại cho hợp với thời đại :)).

Dành tặng  cháu gái đã nói chuyện với mình mấy hôm nay,

Cho một buổi tối cuối tuần một sắc tím lãng mạn cũng rất tuyệt phải không các bạn?

Chiếc xe buýt màu lam dừng tại trạm xe số 5 trên Đại lộ từ Trung tâm thành phố ra ngoại ô ở cửa ngõ phía Đông. Mới ba giờ chiều, chưa đến giờ cao điểm nên chỗ ngồi trên xe còn trống khá nhiều. Ghế thoáng cùng không gian rộng rãi khiến Phong cảm thấy thật dễ chịu. Dù cho ngoài trời ánh nắng gay gắt của tháng Ba chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Hôm nay Phong tan học sớm hơn thời gian như thường lệ một tiếng. Chính quyền đang thí điểm chương trình rút ngắn thời gian học tại trường của học sinh trung học theo hướng giờ ra về sẽ sớm hơn. Đồng nghĩa với việc những học sinh như cậu sẽ tránh được kẹt xe vào giờ cao điểm. Đối với Phong đó là điều thật tuyệt vời!

Xuống xe, Phong rảo bước rẽ vào con phố quen thuộc về nhà. Còn sớm nghĩa là cậu có nhiều thời gian để thong thả tận hưởng và quan sát thiên nhiên dọc hai bên đường.

Là một học sinh chuyên Tin và xác định sẽ theo đuổi sự nghiệp liên quan đến những con số nhưng có những khi chính cậu cũng tự hỏi liệu có một lúc nào đó, một thời điểm nào đó cậu sẽ trở thành một nhà sinh học hay một người nghiên cứu về thực vật hay không vì từ nhỏ cậu đã rất yêu cây cỏ và có niềm đam mê bất tận với việc khám phá thế giới của những loài cây.

Phong cứ mải vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ như thế. Ánh nắng hắt ngược từ phía Tây khiến bóng cậu đổ thành một vệt dài loang loáng trên mặt đường. Đôi khi những bước chân đi bộ dưới nắng lại khiến Phong cảm thấy như mình rắn rỏi hơn. Không hiểu sao người ta lại phải sợ nắng đến mức cứ ra ngoài là bịt kín từ đầu đến chân như thế. Người cũng cần ánh nắng tự nhiên như cây cỏ hoa lá, cứ trong bóng râm hoài khác gì cái cây còi cọc vì cớm nắng.

“Là bởi vì thi thoảng con mới phải phơi mình dưới ánh mặt trời. Nếu lúc nào cũng vậy có thể con sẽ có suy nghĩ khác”. Một lần Phong đem thắc mắc này nói với ba mình và ông đã trả lời cậu như vây.

Nghĩ về bóng mát thì vừa lúc Phong tới một ngã ba khuất sau vài cây me cổ thụ. Cây và lá rậm rạp đan vào nhau trên khoảng không cao vợi khiến những tia nắng không sao mà lọt xuống được. Con phố này gần nhà Phong lắm và cậu yêu nó đến thuộc từng ngóc ngách, từng căn nhà và từng cái cây.

Lẽ ra như bình thường Phong sẽ chọn rẽ trái, nhưng hôm nay đột nhiên Phong lại muốn thay đổi. Cậu đi thẳng một đoạn ngắn, nơi có nhiều căn nhà nhỏ xinh, trước khi gặp một ngã ba khác.

Đã lâu không đi đoạn đường này nhưng tất cả với Phong đều rất thân thuộc. Đây là căn nhà trắng nhỏ xinh thanh lịch với dàn hoa giấy đỏ trùm từ trong sân qua mái cổng ra cả đến nửa cái vỉa hè. Đây là căn nhà một tầng lợp ngói cổ kính rêu phong có cây sứ với những bông hoa trắng thơm ngát nở từ Xuân qua Hè.

Phong cứ dạo bước trên vỉa hè, qua những căn nhà, những quán cà phê nhỏ, rồi lại đến những căn nhà. Để rồi cuối cùng dừng lại ở một ngôi nhà hai tầng sơn màu tím nhạt. Ngôi nhà có cây khế cổ thụ, đang vào mùa trổ hoa, những bông hoa tím biếc.

Trước đây ngôi nhà này có màu xám xỉn. Nhưng rồi một ngày đầu Thu, năm Phong học lớp Chín, nó được bán cho một gia đình yêu màu tím và vì thế người chủ mới đã thay cho nó một màu áo mới, trang nhã và dịu dàng hơn.

Tường có màu sắc mới và cả hai cánh cổng cũng thế.  Chúng có màu trắng tươi sáng càng làm căn nhà thêm nổi bật. Và cây khế già ngay ngoài cổng vẫn được giữ lại.

Ngôi nhà này đặc biệt hơn ở chỗ cổng nhà lùi sâu vào trong hơn so với những nhà khác. Có lẽ chủ nhân cũ thích có một khoảnh đất rộng hơn để trồng cây. Và không chừng  khế là loài cây mà ông hay bà ta yêu thích. Vì nếu không thì loài cây này hiếm khi nào được trồng trên mặt phố.

Khi học tại trường cấp hai ngày nào Phong cũng đi bộ đi học qua căn nhà này.  Và kể từ khi được sơn màu tím thì con đường cũng kết nạp thêm một người bộ hành mới.

Là cô con gái của chủ nhân căn nhà.

Phong sẽ chẳng chú ý gì đến nhỏ nếu không vì cái ba lô nhỏ khoác trên lưng mang tên trường Phong cùng với chiều cao quá khổ. Lúc đó, Phong không biết chiều cao của nhỏ vì cậu cũng không giỏi đoán những thứ thuộc về vẻ ngoài. Nhưng chắc chắn là nhỏ cao hơn cậu.

“Cao thế này thì ai mà dám đứng gần cơ chứ”. Đã có lúc Phong nghĩ thế nên cứ khi nào gần tới cây khế ấy là Phong chủ động đi qua thật nhanh để nhỡ may nhỏ có bước ra đúng lúc  cũng không thể đi cùng hàng với cậu được.

Thật là trẻ trâu phải không ? Là vì, lúc đó Phong chỉ là một cậu bé mười bốn tuổi  và ở tuổi đó một đứa con trai sẽ có cảm giác rất ghét khi đứng thấp hơn một đứa con gái cùng tuổi, dù cho chúng không hề quen biết nhau.

Nhỏ cao kều học cùng trường Phong nhưng phải đến mấy tuần sau cậu mới biết lớp nhỏ học là lớp nào. Hôm đó cậu có việc xuống phòng Tin học để gặp thầy trưởng bộ môn đúng lúc thầy đang dạy tiết Tin học ở lớp của nhỏ.

Từ xa, Phong đã nhận ra ngay vì cái nơ buộc tóc màu tím hoa cà của nhỏ. Nhỏ cũng có vẻ nhận ra Phong. Nhưng cũng chỉ có vậy, chẳng ai nói hay cười với nhau nấy một cái dù ngày nào họ cũng đi chung đường. Thật là quen mà như lạ!

Và họ cứ lạ mà thật ra là quen như thế thế cho đến khi cả hai tốt nghiệp trung học cơ sở. Sau đó, Phong thi đậu vào lớp chuyên Tin ở một trường có tiếng trên trung tâm, đúng như niềm mong ước bấy lâu.  

Trường mới xa hơn cũng có nghĩa cậu phải dậy đi học sớm hơn để kịp bắt chuyến xe buýt.

Kể từ đó, họ đã không gặp nhau trên con đường quen thuộc.

Dù mỗi ngày Phong vẫn đi qua cây khế của ngôi nhà tím ấy.

Rồi trường mới, bạn mới và chương trình học nặng hơn, khó hơn ở bậc trung học cứ thế cuốn cậu đi theo một thời khóa biểu dày đặc. Mỗi ngày cậu đều tất bật với lịch trình từ sáng đến khuya: Học tập, tham gia các hoạt động và lại học tập.

Nhưng thật lòng Phong không cảm thấy quá áp lực hay mệt mỏi. Phong chưa hề trải qua cảm giác chán nản vì học tập có lẽ là bởi cậu đã chọn cho mình một phương pháp học đúng đắn. Cậu thích cảm nhận học như chơi mà chơi như học nên chỉ học vừa đủ với sức của mình.

Phong nhớ cậu đã từng đọc trong một cuốn sách viết về cuộc sống và nghề nghiệp của một tác giả nguyên là một doanh nhân thành đạt đồng thời là một nhà tâm lý học có uy tín. Ông cho rằng khi ta được làm những việc mình thích thì ta sẽ thích những việc mình làm. Bởi khi đó ta sẽ không cảm thấy làm việc là trách nhiệm hay nghĩa vụ nữa mà là sự hưởng thụ.

Cái khó là không phải ai ngay từ đầu cũng nhận ra hay va ngay phải thứ mình thích. Có những người khi bước vào tuổi trưởng thành thì phải mất năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa mới tìm ra được con đường đi đúng với sở thích, sở trường của mình.

Có lẽ Phong ở trong tầng những người may mắn vì ngay từ nhỏ cậu đã thích những con số, chiếc máy tính và những cái cây. Và càng lớn cậu càng nhận ra sau này dù có làm gì thì cậu cũng sẽ chỉ xoay quanh những công việc liên quan đến sở thích đó của mình. Không cái này thì cái kia. Rất rõ ràng, không một chút mơ hồ.

Chính điều đó đã khiến Phong có thể học những thứ mình yêu thích mọi lúc, mọi nơi có thể. Kiến thức là mênh mông vô tận, cậu chỉ sợ mình không có thời gian để mà khám phá hết những gì mình muốn khám phá.

Một buổi chiều  Phong về trễ hơn thường lệ vì trời mưa lớn làm đường ngập nặng gây  kẹt xe trầm trọng suốt một quãng đường dài. Nước dâng cao đến mức có cảm tưởng đôi lúc chiếc xe buýt như bị nhấc lên khỏi mặt đường, bồng bềnh trôi.

Cho đến khi Phong xuống đến trạm thì trời cũng đã sâm sẩm tối.

Nhưng những cơn mưa thì chưa có dấu hiệu ngớt, gió mạnh thổi bạt những hạt mưa nhòe hết cả cái kính cận dày cộp mà Phong đeo. Cậu vội rẽ vào một cái quán nhỏ bỏ hoang ven đường. Cái quán đã chuẩn bị hoàn thành khâu xây dựng thì phải ngừng. Nghe đâu đất ở vị trí đó là đất quy hoạch xây dựng biệt thự theo thiết kế không phải để xây những công trình cấp thấp như một cái quán nhỏ.

Và buổi tối những ngày tháng Chín năm Phong học lớp mười một đó là mốc thời gian cậu không thể nào quên. Nó đúng như nữ sĩ người Pháp Claudie Gallay đã nói: “Có những người được số phận sắp đặt để gặp nhau. Dù họ có ở đâu chăng nữa. Dù họ có đi đâu chăng nữa. Một ngày nào đó họ sẽ gặp nhau.”

Chẳng là, Phong cứ đứng đợi mưa ngớt ở bên rìa cái công trình dở dang như thế cho đến lúc ập vào bóng một nhỏ con gái. Dù chỉ có ánh đèn đường vàng hiu hắt và cũng đã lâu lắm không có dịp gặp lại nhưng lập tức Phong nhận ra ngay đó là nhỏ ở ngôi nhà màu tím. Cũng như Phong nhỏ chắc bất ngờ với cơn mưa nên cũng không mang theo áo mưa để mặc.

Chỉ có điều sau hai năm thì bỗng Phong cảm thấy nhỏ không quá cao như hồi xưa nữa. Có thể là do cậu đã lớn lên thêm nhiều. Mà có thể đó chỉ là một cảm giác. Hoặc cũng có lẽ sự trưởng thành bắt đầu từ trong suy nghĩ tự tin về bản thân.

Mưa vẫn rơi không ngừng, nước chảy từ trên mái rớt xuống  phát ra đều đều những âm thanh  lộp bộp. Lâu lâu mặt đường lại sáng loáng lên ánh đèn pha xe máy chạy ngang.

-Hôm nay cậu cũng đi học về trễ à?

Bỗng nhiên Phong muốn “thà làm hạt mưa bay”. Lần đầu tiên cậu đủ can đảm phá vỡ cái bức tường ngăn cách ngớ ngẩn với một người bạn lạ- mà -quen

Nhỏ nghe tiếng Phong thì quay sang nhìn cậu. Ánh mắt mở to ngạc nhiên chứng tỏ giờ đây nhỏ mới nhận ra cậu chính là anh bạn chung đường cả năm, thời đã xa lâu lắc:

-Phải. Xe trường mình bị kẹt mưa

Nhỏ nói xong lại quay ra nhìn dòng nước trước mặt đang cuộn chảy kéo theo cả mớ lá cây cùng nhiều rác thải trước khi đổ ào xuống một cái cống.

-Cậu học khu vực nào ? Mấy giờ thì được về ?

Phong hỏi và chẳng hiểu sao cũng bắt chước nhỏ hướng ánh mắt về phía dòng chảy xiết

-Mình học phía Nam thành phố. Còn cậu ?

Bất ngờ với câu hỏi ngược lại của nhỏ, Phong quay sang nhỏ và nhận ra bộ đồng phục nhỏ mặc có vẻ như của một trường quốc tể nào đó

-Mình học phía Tây

Phong trả lời rồi bỗng nhiên cảm giác nhỏ ở vị trí cao hơn mình lại quay trở lại với cậu khiến cậu không biết phải nói gì.

-Bên trường cậu thi chưa ?

Lần này thì chính nhỏ lại phá vỡ sự im lặng đáng sợ

-Chưa. Trường mình tuần sau mới bắt đầu.

-Trường mình thì đã thi được một nửa rồi. Và cậu biết không mình sợ nhất môn Tin học. Thế mà nó lại được chọn lựa để thi vào ngày thi cuối cùng, mình chỉ muốn thi ngay cho xong 

Phong ngạc nhiên khi thấy nhỏ trở nên cởi mở hơn

-Vậy cậu cứ coi như người xếp lịch cũng là người không ưa môn Tin đi.

-Và vì không ưa nên ông ta đã suýt quên mất sự hiện diện của nó để rồi phải xếp vội vào buổi thi cuối chăng?

Nhỏ cười lớn và giơ bàn tay hứng những giọt nước mưa. Phong thấy trên cổ tay nhỏ đeo một chiếc vòng màu tím

Phong cũng phá lên cười, giơ cánh tay rám nắng của mình ra phía trước và liếc về phía nhỏ:

-Mình thì lại sợ môn Văn vì đôi khi đang viết nửa chừng bỗng nhiên cạn ý không biết nên tiếp tục thế nào nữa. Các con số dễ hiểu hơn các con chữ nhiều

– Vì cậu nghĩ rằng hệ chữ số chỉ có 10 còn chữ cái thì gấp đến 2,5 lần?

– Có lẽ vậy đấy!

-Mình thì không nghĩ vậy. Số lượng từ được ghép bởi chữ cái là hữu hạn còn các con số là vô hạn. Dãy số vô tỉ thì làm gì có điểm tới hạn đâu

Nhỏ lại cười và rụt tay về

Tự nhiên Phong thấy một niềm vui dâng tràn khi được trò chuyện cùng nhỏ:

-Thế thì đáng lẽ cậu phải thích môn Tin chứ nhỉ. Vì nó chỉ sử dụng có hệ nhị phân thôi, có 0 với 1 à, đơn giản hơn nhiều chứ

-Không. Mình sợ môn Lập trình hơn sợ ngáo ộp

Lần này thi cả hai cùng cười.

Một lúc mưa ngớt dần và tạnh hẳn. Phong và nhỏ quyết định đi về nhà. Chưa bao giờ Phong cảm thấy quãng đường về  lại ngắn đến thế. Chẳng mấy chốc cả hai đã đến chỗ cây khế. Nhỏ chào Phong và mở cổng bước vào nhà.

Chợt như nhớ ra điều gì, Phong nói lớn:

-Này cậu, mình tên Phong. Còn cậu?

Nhỏ quay lại  và giờ Phong mới để ý nhỏ vẫn đeo cái nơ buộc tóc màu tím y như nhiều năm trước:

-Mình tên Diệp

-Hẹn gặp Diệp ngày mai nhé!

-Hẹn gặp Phong nhé!

Cuộc gặp lại đầy bất ngờ sau hai năm khiến tối hôm đó có một bài Toán dễ òm mà Phong  mất đến cả tiếng mới nghĩ ra lời giải. Chắc Phong vui quá thể hiện hết ra trên nét mặt khác hẳn niềm vui của những ngày bình thường nên dù ba mẹ đi làm về mệt mỏi vì kẹt xe mà họ cũng nhận ra ngay.

Ba mẹ Phong chỉ làm công nhân viên chức bình thường, cố gắng lắm mới mua được một căn nhà nhỏ tít trong cái hẻm bé xíu này. Vì vậy Phong luôn nghĩ mình phải học hành tử tế để mai mốt có thể mua cho ba mẹ một ngôi nhà khang trang hơn.

Buổi tối hôm đó thật dài làm sao, Phong chỉ mong nó qua thật nhanh để đến ngày mai trời sáng. Ngày mai có gặp nhỏ cậu sẽ hỏi thêm nhiều hơn nữa, Phong chắc chắn là như vậy

Và ngày mai rồi cũng đến. Trời vẫn mưa như hôm trước. Đi học về Phong lại dừng chân bên cái quán bỏ hoang bên đường ấy. Nhưng cậu cứ chờ mãi đến ngay cả khi trời đã tạnh vẫn không thấy người cậu muốn gặp đi qua.

Bóng tổi đã phủ một màu đậm đặc lên những hàng cây mà mãi sau cậu mới cất bước ra về.

Và cả ngày sau, ngày sau nữa. Nhỏ bạn vẫn không thấy xuất hiện.

Và rồi Phong chợt nghĩ mình thật là buồn cười khi cứ đứng mãi ở đây để mong chờ điều không xảy đến. Chỉ là một cuộc nói chuyện vu vơ thôi mà, xong rồi thôi mỗi người đều có lối về nhà của riêng mình. Mình mong chờ không có nghĩa là họ cũng chờ mong.

Và đến buổi tối thứ tám thì Phong quyết định sẽ là buổi cuối cùng Phong còn đứng ở đó. Buổi cuối cùng, Phong đi qua ngôi nhà màu tím và dự định sẽ bấm chuông cửa, nhưng căn nhà hoàn toàn vắng lặng và cửa thì khóa.

Cậu không biết rằng nó đã luôn khóa một thời gian rất lâu sau đó. Cậu không biết đơn giản là từ hôm sau cậu đã chọn lối rẽ khác để về nhà mình.

Thời gian trôi qua, Phong lại lao vào những ngày tháng học miệt mài. Cuộc gặp gỡ dưới chiều mưa dần chìm vào quên lãng.

Cho đến hôm nay, sau hơn một năm cậu mới lại ngang qua căn nhà với cây khế quen thuộc thuở nào. Cánh cửa vẫn đóng kín và hoa khế tím rụng đầy dưới gốc cây. Chỉ có điều mới là ngay chỗ cây khế có đặt một chiếc bàn nhỏ bên trên bày bán lặt vặt mấy loại trái cây: Mấy quả xoài, mấy trái ổi, mận, cam quýt. Có cả nước mát nữa.

Chủ quán là một bà cụ khoảng hơn sáu mươi tuổi.

Nhìn thấy mấy chai nước giải khát trên bàn, nghĩ thế nào Phong dừng bước. Ngồi xuống chiếc ghế nhỏ của quán, Phong cảm thấy ở đây cái nống dường như không hề tồn tại

-Bà cho con một ly sâm bổ lượng

-Uống đi cho mát con. Mấy hôm nay nóng quá! May sao cái góc đường này lại nhiều cây!

Bà cụ vừa nói vừa lấy cái quạt nan phe phẩy, chắc là do quen tay chứ điều đó là không cần thiết

-Nhà con có gần đây không ?

Bà hỏi Phong

-Dạ gần bà ạ. Nhà con ở hẻm phía trong.

Dòng nước mát lạnh từ ly nước làm Phong tỉnh hẳn cả người. Ngồi đây, dưới bóng cây này, trên con đường này, chưa bao giờ cậu cảm thấy nó đẹp hơn thế và một nỗi buồn man mác bỗng đâu ập tới

-Bà ơi bà có quen chủ nhân của căn nhà này không?

-Tôi biết rõ chứ không chỉ là quen. Trước đây tôi làm quét dọn vệ sinh chỗ công ty của anh chủ ngôi nhà này. Sau tôi hay bị đau khớp không làm được nữa thì mở cái quán nhỏ bán ba đồ ăn vặt vãnh. Cô chú ấy bảo tôi về đây bán vì chỗ này mát mẻ! Họ rõ là những người tốt

-Lâu rồi con không thấy cô con gái của họ?

Phong buột miệng hỏi

-Cô bé thật là ngoan ngoãn, đẹp người, đẹp nết lắm. Nhưng tội, nghe đâu năm ngoái cô bị một căn bệnh nào đó phải tiến hành phẫu thuật. Vì thế nhà họ mới chuyển lên gần trường cô học cho tiện đi lại. Lâu lâu ông bà chủ mới về đây thôi

Phong bỏ ngay ly nước xuống khi  nghe bà cụ nói đến đây:

-Bạn ấy bị bệnh gì bà có biết không?

-Tôi cũng không rõ lắm đâu. Thấy bảo cô ấy có một khối u nào đó nhưng may mắn phát hiện sớm. Tôi chỉ biết đến thế. Mới mấy hôm trước cô còn về đây chơi và nói chuyện với tôi, nhìn cô xanh xao hơn trước nhiều

Lặng im. Phong không thể hỏi gì được nữa. Cậu nhìn chằm chằm ra đường nơi dòng người vẫn ngược xuôi qua lại. Cái ly trên tay ngập những cánh hoa khế tím biếc mỏng manh rơi rụng.

Một lúc sau, cậu đứng lên trả tiền, cám ơn bà cụ và lặng lẽ rời đi.

Dọc con đường về nhà, Phong miên man bởi những dòng suy nghĩ.  Sao một người mà cậu mới chỉ nói chuyện duy nhất có một lần lại có thể khiến cậu suy nghĩ nhiều đến thế. Có một sự tiếc nuối dâng trào trong cậu.

Qua vài đường hẻm quanh co, cuối cùng Phong cũng dừng chân trước cửa nhà. Còn sớm quá ba mẹ cậu chưa ai đi làm về cả. Cánh cửa khép kín  lạnh lẽo chuyển suy nghĩ của Phong đi một hướng khác. Cậu quay đầu chạy ngược trở lại con đường cũ, và chỉ vài phút sau đã lại đứng dưới gốc khế già

-Bà ơi, con là bạn của cô bé chủ nhà mà bà kể. Khi nào bạn về lại bà đưa cho bạn ấy lá thư này giùm con.

Phong viết vào tờ giấy nhỏ, rồi cậu gấp vội một phong thư, bỏ vào đó cùng với một chùm lá khế.

Chào Diệp,

Đã lâu lắm không thấy Diệp đi trên con đường có lá me bay ờ khu phố của cậu và mình. Mình đoán có lẽ một lớp học lập trình buổi tối nào đó đã níu kéo để cậu thoát khỏi cái nhìn về nó như là một con ngáo ộp.

Mình thì cả năm rồi tối nào mình cũng dành ra một chút thời gian để đọc Văn chương như một cách để có thể viết được trọn vẹn một bài viết mà không phải ngưng giữa chừng.

Nên mình cứ suy bụng ta ra bụng người là thế :)).

Diệp nhận được thư này thì để lại cho mình vài con số giúp mình có thể kết nối lại được với cậu giống như số của mình nhắn cậu đây: 09xxxxx123; hay là vài con chữ như email của mình đây: phongxx@yyyy

Mong nhận được tin từ cậu

Phong

Có một lúc nào đó Phong đã nghĩ mình thực sự đã quên con đường này rồi. Mình không đi qua nó nữa là mình đã lãng quên nó. Và một khi thế thì con đường cũng sẽ quên mình đi. Nhưng rõ ràng không phải thế. Con đường chưa quên bước chân ai đâu, nó đã níu lại  để ai đó trở về và tìm thấy tiếng lá lạo xạo dưới đôi bàn chân mình.

Chào Phong,

Cám ơn bức thư và chiếc lá cậu đã gửi cho mình. Dù đến ba tuần sau mình mới nhận được thư thì thật kỳ diệu là chiếc lá vẫn còn xanh. Chỉ tiếc là gió thì không thể gói lại cho vào thư để chuyển đến cho cậu được. Muốn đón gió thì chỉ có thể có một cách, nên rất mong cậu thứ sáu tuần này vào lúc sáu giờ tối hãy đến Quán cây khế để nhận nó.

P/S:

  1. Môn thi giữa kỳ đầu tiên của mình lần này là Tin học. Cậu đoán xem phải chăng mình đã hết sợ lập trình ?
  2. Mình thì cả năm rồi tối nào mình cũng dành ra nhiều chút thời gian để đọc Văn chương, ấy mà đến nửa chừng bức thư này phải ngưng một lúc lâu mới tiếp tục được.

Nếu bắt chước cậu mình suy bụng ta ra bụng người thì cậu hãy cẩn thận với bài thi lập trình của cậu vào ngày mai :))

Diệp

Ba tuần sau Phong nhận được bức thư của Diệp. Cả qua email và bức viết tay. Trong ba tuần đó không ngày nào cậu không đi qua con đường này và dừng lại nơi góc quán nhỏ. Cuộc sống đã cho cậu những niềm tin và mơ ước về những điều to lớn hoặc có thể gọi là hơi viển vông. Và quả thật, có những điều tưởng như xa vời ấy lại trở thành sự thực.

Như việc cậu vừa giành được suất học bổng toàn phần đi học ở nước ngoài khi chỉ còn hai tháng nữa là tốt nghiệp lớp 12. Cậu đã phải nỗ lực suốt nhiều năm để đạt được nguyện vọng đó nhưng chẳng hiểu sao giờ đây bất chợt cậu bỗng lại thích được ở lại góc phố nhỏ này, nơi có ngôi nhà với cha mẹ cậu, với con đường của các loài cây và người bạn gái cậu lạ-đã -lâu nay  trở thành quen lạ. Phải chăng lòng người lạ lùng nên hay thương nhớ những điều hư không?

Cậu không biết. Chỉ biết trong trái tim cậu đang ngập tràn một niềm hạnh phúc bởi nỗi nhớ thương đã đưa bàn chân cậu dừng lại tại một nơi quen thuộc vào đúng giờ ấy, ngày ấy

Và  cậu  đã thấy trên sân không chỉ có hoa tím rơi đầy

Mà còn thấp thoáng bóng chiếc nơ kẹp tóc màu tím biếc

“Hoa tím ngoài sân” là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Tùng. Lời bài hát rất hay và đầy tính triết lý sâu sắc

Con đường chưa quên đôi bàn chân.

Bàn chân đã lãng quên con đường nhỏ”

Mình đã chép hai câu thơ này trong một trang sổ nhỏ  có ép mấy bông bằng lăng tím. Từ thời xa xưa, màu tím đã là màu của tuổi học trò đầy thơ mộng.

Cũng là màu của một loài hoa thôn quê nở vào tháng Ba miền ký ức tuổi thơ mình:

Hoa xoan!

You may also like

Để lại bình luận