Mình chưa xong truyện dài “Hoa hồng và Xương rồng” thì mình sẽ sáng tác một truyện …ngắn khác tặng các bạn nhân mùa tháng Ba về nhé, chúng mình sẽ đọc cho đến hết tháng luôn!
Ah, và cái tên lấy theo trend luôn nhá :))
BỈ NGẠN THÁNG BA
1.
Nhà tôi nằm ở bìa một khu rừng nhỏ, cách trung tâm thành phố hơn một trăm km. Bố tôi mất sớm khi tôi mới lên hai và mẹ ở vậy nuôi tôi đến bây giờ khi tôi sắp bước sang tuổi mười sáu.
Trước đây mẹ tôi làm công nhân cho một xưởng dệt kim trong vùng. Công việc của mẹ tuy không thể mang lại một cuộc sống sung túc nhưng thành thực mà nói vì chúng tôi tằn tiện nên vẫn đủ sống qua ngày.
Mẹ đi làm cả ngày và ngày nào rời xưởng mẹ cũng trở về nhà với vài cuộn len. Ấy là hàng để tối mẹ làm thêm nhằm tăng thu nhập. Những cuộn len mềm mại, đầy màu sắc luôn là những thứ thu hút tôi nên mặc dù không khéo tay cho lắm tôi vẫn thấy hứng thú khi được mẹ dạy cho đan và móc. Dần dà, tôi còn đan nhanh hơn cả mẹ và biết đan cả những kiểu rất khó. Mẹ hay đùa tôi” Vậy là con có thế theo nghề của mẹ được rồi”. Tôi vui lắm khi nghe mẹ nói như vậy.
Nhưng khi tôi lên mười tuổi thì nhà máy của ông bà chủ có khuôn mặt hết sức phúc hậu ấy đóng cửa. Nguyên do là ông bà đã cao tuổi nên không đủ sức quản lý mà hai người con thì không ai muốn kế nghiệp cha mẹ. Họ đều theo đuổi đường đi riêng nơi phố thị đông đúc và vùng quê buồn tẻ này chưa bao giờ là nơi lựa chọn sinh sống của họ.
Mẹ tôi mất việc từ đấy. Tôi cảm nhận được sự lo lắng hằn lên với những nếp nhăn nơi vầng trán và khóe mắt mẹ chứ không phải là những lời kêu ca. Mẹ tôi ít nói và ít khi phàn nàn về những khó khăn. Thường bà hay im lặng và tìm cách giải quyết vấn đề một mình. Bà không muốn trút những phiền muộn của mình sang người khác.
Tuần đầu tiên sau khi lâm vào cảnh thất nghiệp tôi vẫn thấy mẹ tôi xách xe ra khỏi nhà bình thường. Mẹ chỉ nói với tôi là mẹ đi có việc chứ cụ thể là việc gì thì tôi cũng không được rõ.
Sau đó một tháng trong bữa ăn tối mẹ bảo tôi:
-Mạn Châu, mẹ tính cải tạo lại cái vườn để trồng hoa rồi bán. Ngoài những loại hoa mẹ dự định trồng thì mẹ muốn con cho mẹ biết một vài loài hoa mà con thích. Mẹ sẽ dành một khoảnh đất nhỏ làm thế giới vườn tược riêng của con, nơi con có thể tự mình trồng và chăm sóc y như con đã từng giúp mẹ đan những chiếc áo len vậy.
Tôi suy nghĩ cả buổi tối đó về một số loài hoa mà mình thích. Trong danh sách cây trồng của mẹ đã có hồng, cúc, đồng tiền, lay ơn…. Khó quá, biết lựa hoa nào khác đây? Đến nửa đêm mày mò trên Internet và hình dung lại những loài hoa đẹp mà mình đã từng nhìn thấy tôi quyết định chọn Thủy tiên vàng và Bỉ ngạn. Cứ từ từ, khi nào nghĩ ra được thêm thì tôi sẽ bổ sung sau.
Thủy tiên dễ kiếm, loài hoa này mọc rất nhiều ven con sông chảy uốn lượn quanh cánh rừng gần nhà tôi. Chẳng mất công gì nhiều tôi chỉ cần một chiếc bay và cái xô nhỏ là chỉ một tiếng đã thu được đống củ mang về trồng.
Nhưng còn bỉ ngạn? Thật tình mà nói tôi chưa trông thấy loài hoa này bao giờ . Bỉ ngạn, bỉ ngạn cái tên mới lạ và văn chương làm sao? Mà tôi thì lại thích văn chương. Vậy thì theo tính bắc cầu Mạn Châu và Bỉ Ngạn há chẳng liên quan đến nhau sao?
Hôm sau tôi nói về ước mong có được một cây Bỉ Ngạn trong vườn cho mẹ. Mẹ thậm chí còn ngạc nhiên hơn tôi:
-Trên đời lại có tồn tại một loài hoa tên Bỉ Ngạn sao?
Và chính vì nó lạ quá nên mẹ nói với tôi nhất định mẹ sẽ làm cho khu vườn nhỏ bé của tôi rực rỡ với Bỉ Ngạn.
Hóa ra giống cây này không quá khó như suy nghĩ của chúng tôi. Trung tâm giống cây trồng thành phố người ta ươm và bán nhiều loại bỉ ngạn khác nhau, màu trắng, vàng, đỏ và tím. Mẹ chiều tôi nên đặt mua cả bốn loại.
Mất ba tuần mẹ tôi mới sửa sang xong khu vườn. Tôi lại phải nói qua một chút về khu vườn nhà tôi. Đó là tài sản mẹ tôi được thừa kế lại của ông bà ngoại vì mẹ là con duy nhất của ông bà. Vườn rộng lắm, đến gần mười nghìn mét vuông, nhưng trước đây khi còn đi làm không có thời gian cho vườn tược nên mẹ tôi chỉ sử dụng khoảng hơn trăm mét để trồng rau. Phần còn lại toàn là cây lấy gỗ lâu năm và một vài cây ăn trái. Cỏ dại mọc um tùm.
Khi bố tôi không còn nữa thì ai đến nhà tôi chơi cũng tỏ vẻ ái ngại cho hai mẹ con tôi. Họ nói sao mẹ không bán khu đất này đi vào thị trấn sinh sống có phải vui hơn không? Chứ ở đây vắng vẻ quá chúng tôi không thấy sợ sao? Sợ ma ấy?
Nhưng mẹ nói đất đai tổ tiên để lại mẹ sẽ không bán “Bán đi thì nghiệp nhà sẽ lụi”, mẹ nói thế. Còn tôi cũng không thích đi đâu cả. Với tôi đây là thiên đường: Tôi sống sát rừng, cạnh sông và trong vườn. Có ai được sung sướng như tôi? Kể cả có ma đi chăng nữa cũng chẳng làm nỗi sợ hãi đè bẹp niềm vui tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên của tôi.
Cho dù vì thế mà tôi phải đi học xa hơn chúng bạn. Con đường đến trường của tôi ôm trọn một nửa vòng ngoài của cánh rừng và sau đó tôi phải băng qua hai cánh đồng nhỏ nữa thì mới thấy mái ngói đỏ lấp ló sau những tán cây.
Đó là ngôi trường cấp 1 + 2 duy nhất trong vùng. Dân cư ở đây vốn thưa thớt nên mỗi tiện ích chúng tôi chỉ có một công trình phục vụ. Như bệnh viện cũng thế, chúng tôi cũng chỉ có một bệnh viện duy nhất mà quãng đường từ nhà tôi đến đó còn xa hơn cả đến trường.
Mẹ tôi là người có đầu óc. Vườn rộng mênh mông là thế mà bà chỉ thuê vài người thợ dọn dẹp trong tuần đầu còn sau đó một mình bà tự mình xoay vần với nó. Hết làm đất, đánh luống, trồng cây rồi đến công đoạn tưới tiêu.
Gần nửa năm sau thì chúng tôi thu hoạch được lứa hoa đầu tiên. Mẹ tôi mang ra chợ ngoài thị trấn bán. Cái chợ nhỏ xíu không thể đem lại doanh số bán hàng như mong đợi. Bà lại phải xấc bấc xang bang đi xa hơn tìm những đầu mối lớn trên thành phố để đặt vấn đề bán buôn với họ. Rẻ hơn thật đấy nhưng đỡ mất công đi.
Cuối cùng thì cũng ổn thỏa. Vì mẹ chủ trương trồng trọt theo lối thuận tự nhiên, không phun thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học nên hoa thu được rất lành tính. Sau này người ta đến tận nhà đặt hàng trước cả năm thì mẹ đỡ vất vả hơn nhiều.
Cuộc sống của hai mẹ con tôi cứ trôi đi êm đềm như thế. Tôi cũng phụ mẹ chăm vườn hoa lớn và cũng có vườn hoa nhỏ của riêng mình. Bỉ ngạn là loài hoa rất lạ, khi cây còn lá thì sẽ không mọc hoa. Và khi hoa nở rồi thì lá lại rụng hết. Hoa và lá như hai thế giới song song.
Tôi yêu thích khu vườn nhỏ của tôi. Mỗi buổi chiều tôi đều ra cái ghế gỗ dài nơi có một cái bàn tròn nhỏ bên cạnh để đan len và ngắm hoa. Ôi, mê lắm! Nếu bạn từng trồng một cái cây, không dài hơn đi, nếu bạn tự tay bắt đầu gieo những hạt giống xuống đất rồi quan sát quá trình nảy mẩm của nó, khi những chồi non bắt đầu bật nhú lên từ dưới lớp đất ẩm ướt cho đến khi cây con phát triển lên mọc thêm lá thêm cành rồi ra hoa đậu quả hẳn bạn sẽ thấy phấn khích và khám phá ra nhiều điều thú vị lắm.
Nhưng rồi cuộc sống êm đềm của hai mẹ con tôi chỉ kéo dài thêm được vài năm sau khi mẹ khởi tạo vườn hoa này. Năm ngoái, vào buổi sáng khi đang làm việc ngoài vườn, mẹ đột nhiên gục xuống và xỉu đi. Hôm đó là chủ nhật và có nhiều người buôn hoa đến lấy hàng nên mẹ lập tức được đưa đi cấp cứu chứ không có lẽ tôi đã không còn mẹ trên cõi đời.
Mẹ tôi may mắn thoát lưỡi hái tử thần sau cơn tai biến. Nhưng bà vĩnh viễn không thể đi được nữa. Ngay cả nói với mẹ cũng là một điều gì đó rất khó khăn. Mẹ phải ngồi xe lăn từ đó.
Không kể đến tôi đã khóc bao nhiêu lần kể từ khi mẹ đổ bệnh. Không phải là tôi sợ mình vất vả hay không cáng đáng được cuộc sống vì tôi độc lập từ nhỏ nên cái gì cũng có thể tự làm được. Mà bởi vì tôi thương mẹ tôi. Mẹ là một người của sự chuyển động và lúc nào cũng phải luôn tay luôn chân.
Vậy mà giờ đây số phận như trêu ngươi đã bắt bà phải ngồi yên một chỗ. Không thể làm gì, không thể nói gì. Bạn có bao giờ tưởng tượng mình rơi vào tình cảnh đó. Sự bất lực và cảm giác vô dụng này có thể hạ gục tinh thần của bất kỳ ai dù là can đảm nhất.
Tôi đã được bác sĩ dặn cẩn thận là phải học cách nhũn nhặn và cảm thông với căn bệnh của mẹ để đối phó với những tình huống nổi nóng, giận dữ hay thậm chí là buông xuôi với những ý nghĩ và hành động tiêu cực, rất có khả năng xảy ra với người bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu.
Nhưng một lần nữa mẹ lại làm tôi kinh ngạc. Bà dường như hiểu mọi chuyện, hiểu được cuộc sống vốn là vô thường, có sinh thì phải có diệt. Chúng ta xuất hiện trong đời này, gặp gỡ nhau, nên duyên với nhau hay phải chia tay xa cách tất cả đều có nguyên do và do sự sắp đặt của tạo hóa, đến lúc một điều gì đó xảy ra thì nó sẽ xảy ra.
Thiền sư Ajahn Chah đã nói “Điểm quan trọng nhất là khi ta còn sống, ta nên luyện tâm cho bình thản trước mọi chuyện. Ta nên biết chia sẻ của cải tài sản. Khi đến lúc, ta nên chia phần cho ai cần, giống như nếu ta cho con mình. Chia sẻ mọi thứ như vậy, ta sẽ thấy hạnh phúc; và nếu ta có thể cho hết tài sản của mình thì khi ta tắt thở, sẽ chẳng còn dính mắc âu lo vì mọi thứ đã mất đi rồi. Như Lai dạy “chết trước khi chết”, chấm dứt mọi thứ trước khi chúng chấm dứt. Sau đó bạn có thể dễ dàng thoải mái. Hãy để các thứ đổ vỡ trước khi chúng đổ vỡ, hãy để chúng kết thúc trước khi chúng kết thúc”.
Mẹ tôi dù không học hành cao nhưng bà đọc kinh Phật và thấm nhuần tinh thần Phật giáo từ khi còn rất nhỏ. Như những chú bé Thái Lan bị mắc kẹt trong hang sâu lụt lội nhiều ngày liền với cơn đói và khát thì cuối cùng họ vẫn bảo toàn được mạng sống là vì họ đã vận dụng được những triết lý sâu sắc của Phật giáo, tôn giáo đã đi theo họ từ khi mới chào đời. Trong tình huống ngặt nghèo, họ sẽ không la hét, và không để mình rơi vào hoảng loạn. Tất cả những hành động rối bời đó sẽ làm họ nhanh chóng mất sức trước khi được giải cứu. Họ chỉ đơn giản là im lặng và thiền. Và bình thản một cách đáng kinh ngạc nếu nhìn từ bề ngoài!
Tôi đã không phải lo sợ vì mẹ tôi chính vì bà thực sự đã chẳng khác gì những chiến binh nhỏ tuổi người Thái kia. Mẹ nằm bị liệt nhưng bà vẫn luôn kiên trì theo đuổi một chế độ tập luyện theo phác đồ của bác sĩ.
Dù rất khó có thể có điều kỳ diệu xảy ra hoặc nếu nó xảy ra thì chỉ có thể đó là một phép màu nhưng việc có một cái gì đó để làm, và một điều để hy vọng sẽ là liều thuốc vô giá nâng đỡ tinh thần của những người mắc trọng bệnh như mẹ
Dần dần tôi cũng quen dần với cuộc sống làm chủ gia đình, với việc học hành và chăm mẹ từ những việc nhỏ nhất. Tôi có được nghị lực đó chính là từ ý chí và niềm vui sống từ trong nghịch cảnh của mẹ tôi.
Tuy vậy, sau cơn thập tử nhất sinh của mẹ thì cũng có nhiều thứ trong gia đình tôi thay đổi. Chúng tôi phải bán đi một nửa mảnh vườn để lo tiền chữa trị cho mẹ và các chi phí sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con. Vườn hoa của mẹ thiếu vắng người chăm sóc nên không thể mang lại thu nhập. Tôi không thể nghỉ học để ở nhà làm vườn. Thời điểm đó tôi mới học lớp 9, ít nhất tôi biết mình cũng phải hoàn thành chương trình học phổ thông. Tôi mà nghỉ học giữa chừng có thể khiến mẹ đau lòng đến chết. Tôi biết rõ điều đó.
Nhưng trường cấp ba thì lại xa quá, tít tận trong thành phố với quãng đường ba mươi km. Tôi không thể bỏ mẹ mà đi suốt cả ngày được, mẹ chỉ còn có mình tôi. Nhưng tôi cũng vẫn còn yêu thích việc học lắm dù tôi không phải là một học sinh xuất sắc. Tôi học hành rất bình thường, không có tài năng gì nổi bật. Nhưng điều đó không ngăn được niềm yêu thích được học, được khám phá tri thức trong con người tôi.
Sự mâu thuận giằng xé giữa việc tiếp tục học hay ở nhà với mẹ và làm vườn khiến tôi đau khổ suốt cả mùa hè. Dù cố giấu đi tâm trạng đó thì cũng không đủ để trốn thoát khỏi sự “hiểu”của mẹ. Ánh mắt của bà nói cho tôi biết là tôi cần tiếp tục phải học lên nữa.
Cuối cùng may mắn một người thầy đã mách cho tôi chương trình học trực tuyến từ thành phố Vườn Địa Đàng , một phương thức học từ xa khá là phù hợp với hoàn cảnh của tôi. Tôi sẽ vẫn tiếp tục được tiếp cận với tri thức nhà trường dù cho có phải ở nhà. Chỉ đến kỳ thi tôi và những người tham gia lớp học đặc biệt này mới phải đến một địa điểm cụ thể để hoàn thành bài kiểm tra. Khỏi nói tôi việc này khiến tôi vui mừng như thế nào.
Tôi đã đi qua học kỳ I một cách khá nhẹ nhàng.
Cho đến một buổi sáng mùa Xuân ấy, một thời điểm đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi.
Hôm đó là ngày 29 tháng 2, một ngày nhuận đẹp trời với khí hậu mát mẻ. Lớp học online được nghỉ nên tôi ra ngoài làm vườn. Từ khi nào tôi đã trở nên yêu thích mảnh vườn còn hơn cả niềm vui sướng bên những cuộn len thơm tho và êm ái, thì tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng tôi cảm thấy mình tìm kiếm được rất nhiều những người bạn trong khu vườn này. Nào là các bạn ong vàng ruộm luôn tạo ra thứ âm thanh ù ù thật dễ nhận biết, bên những cánh hoa, nhụy hoa phơi phới. Nào là các bạn chim chuyền cành với tiếng kêu rinh rích mổ quả chín hay những tiếng hót véo von “tán tỉnh” nhau. Thi thoảng còn lạc đâu sang những con vật từ bên kia rừng, sóc và thỏ là tôi quen mặt nhất.
Tôi đang có rất nhiều các bạn bên mình nhưng rồi tôi chợt nhận ra thực sự tôi chẳng có một ai cả. Đã từ lâu lắm rồi tôi chẳng có một ai để mà trò chuyện, nếu như những con vật bên cạnh tôi lúc này mà chúng biết nói thì có khi tôi đã có thể nói được ngôn ngữ của chúng rồi.
Nỗi cô đơn ập đến bất ngờ khiến tôi òa lên khóc. Nước mắt tôi giỏ xuống một cây bỉ ngạn và kỳ lạ thay lá của nó rụng hết và từ ngọn nở ra một bông hoa tím biếc.
Bỉ Ngạn nở hoa vào mùa Thu chứ không phải là tháng Ba đâu. Tháng ba chúng ta có nhiều loài hoa lắm nên mình lấy chủ đề cho cho loạt bài viết này là “Hoa tím ngoài sân”
Vẫn là trong serie về mùa Xuân nhé các bạn, và chúng ta sẽ gặp lại Mountain sau!