Hoa tím ngoài sân (6)

by Rose & Cactus

Mẹ mình gọi điện bảo: Con ơi, trời mưa, nồm ẩm lắm mẹ chưa thể phơi Sả nên chắc để tháng sau có nắng thì mới chuyển vào cho con được.

Thế để con chuyển nắng về cho mẹ nhé! Nắng Tháng Ba ở Sài Gòn phải tương đương tháng Sáu, tháng Bảy quê mình:

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng Sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Do ở thời điểm này, Nam bộ chủ yếu chịu tác động bởi dòng phân kì trên cao (áp cao cận nhiệt đới) có vị trí gần Nam bộ, áp cao này làm hạn chế sự hình thành bốc hơi nước, mây sẽ ít nên ban ngày trời nắng. Nắng mạnh, độ ẩm không khí thấp , rất dễ say nắng nếu đứng ngoài trời lâu

-Hoa cỏ, cây cối mơn mởn con ạ. Phải cái ẩm ướt quá không phơi phong gì được.

Ở quê, mẹ mình hay dùng các loại lá cây vườn nhà vì bà thích cái mùi hương hoa đồng nội. Gội đầu thì cũng bồ kết, lá sả, hương nhu; Uống nước thì cũng lá vối, tía tô (dù là thủ phủ của trà xanh nơi có loại trà Tân Cương nổi tiếng mà tỷ phú Bill Gates vừa thưởng thức trên đỉnh Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng thì bà lại không mấy khi uống trà vì sợ mất ngủ. Với người già giấc ngủ rất quan trọng vì họ rất khó ngủ);

Mình cũng đặc biệt thích cây lá Việt Nam vì khi đun lên, nước bốc hơi mang theo tất cả hương vị quê nhà, đi từ cơ quan khứu giác vào đến con tim. Những hương thơm thật sự rất dễ gây thương nhớ!

Chúng ta là một nước nhiệt đới, quanh năm có nắng có gió, có mưa, hoa cỏ, trái cây mùa nào thức ấy, vô cùng phong phú không thua kém bất cứ nơi nào.

Chả thế mà có lần mình với con mình nói chuyện, nó thắc mắc ngôn ngữ trái cây tiếng Anh quanh đi quẩn lại chỉ thấy apple, orange hay grape còn đâu những loại quả còn lại rất ít gặp và từ thì lạ hoắc.

Đúng rồi, là vì mấy vùng ôn đới, trái cây của họ đâu có nhiều đâu, vào mùa đông băng tuyết đến bốn năm tháng thì thua chả trồng trọt được gì. Trái cây toàn nhập về từ những nước nhiệt đới, banana hay mango cũng xuất xứ từ xứ nóng cả.

Còn ta thì sao chứ, vô thiên lủng luôn ấy: Ngoài táo, cam, nho, chuối, xoài kể trên thì bạn cứ chuẩn bị cái rổ to mà đựng, này sơ qua nhé: Dừa, sầu riêng, thanh long, ổi, mít, mận (roi), vú sữa, chôm chôm, măng cụt, vải, nhãn, dứa (thơm), hồng xiêm (sapoche), na (mãng cầu), khế, quất hồng bì,  sơ ri, đào, mơ, mận, bòn bon, me, cóc, quýt, sấu, các loại hồng, các loại dưa: Lê, Hấu, Bở, Gang…

Thích ghê!

Mình nhớ có đọc một bài báo mạng đại loại nói về một du khách (người Đức hay Anh hay Hà Lan mình không nhớ chính xác) khi sang du lịch mấy nước Đông Nam Á như Thái Lan hoặc Indonexia thì thích mê mệt vì có nhiều trái cây tươi quá, cứ bứt trên cây xuống ăn liền, ngon cực là ngon.

Thế là cô ấy và anh bạn trai quyết định ở lại trong một khu rừng nhiệt đới và họ sống theo đúng kiểu tự nhiên, tức là toàn ăn trái cây từ rừng, quanh năm suốt tháng. Và dự định của họ là khi nào chán thì thôi, tức là chán trái cây ấy bạn, đặc biệt là sầu riêng, thì họ mới trở về với cuộc sống hiện đại bên trời Tây.

Bởi vậy, nước ta cũng giống mấy nước bạn trong khu vực , trái cây chao ôi là nhiều, và ngon, bổ, rẻ. Chúng ta đang sống trên một đống vàng mà chúng ta không biết hoặc có biết nhưng lại cứ tầm thường hóa nó đi!

Tuần trước hãng mỹ phẩm “The BodyShop” nổi tiếng của Anh tuyên bố phá sản chi nhánh tại Mỹ và đóng cửa văn phòng tại nhiều nước khác do làm ăn thua lỗ. Đối với thế hệ 9X hay 8X thì thương hiệu Bodyshop khá là quen thuộc và có uy tín vì các sản phẩm của hãng chủ yếu sử dụng các thành phần nguyên liệu hữu cơ từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Nguyên nhân hàng loạt chi nhánh phá sản được The Bodyshop giải thích là do hãng không thể cạnh tranh nổi với rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm trên toàn cầu, từ Âu, Mỹ sang Á, Úc. Chi phí tăng cao, sản phẩm không có sự đột phá khiến doanh thu sụt giảm hàng năm. Cuối cùng công ty mẹ tại Anh lâm vào khó khăn và mất khả năng thanh toán.

Mình có chú ý một vài bình luận bên dưới bài báo đưa tin này khi một số người cho rằng hiện nay hãng này không thể đua nổi với các loại mỹ phẩm của xứ Hàn đâu, đóng cửa là tất yếu, chỉ là hôm nay hay ngày mai.

Và qua các video livestream bán mỹ phẩm của nhiều tầng lớp từ dân thường đến các KOL  suốt ngày chạy qua newsfeed của các nền tảng mạng xã hội mà mình đang dùng thì có thể thấy hình như mỹ phẩm Hàn hiện là bá chủ phải không các bạn trẻ?

Đôi khi mình nghĩ  Hàn Quốc là cái xứ gì mà họ giỏi thế không biết. Lĩnh vực nào họ cũng muốn chen chân vào, hay góp mặt vào. Và một khi mà họ đã để mắt đến mà làm thì thôi, chết chúng mày nhá, cứ về mà lo kiếm nhiều xiền đi để mà mua hàng của chúng tao, đã mua rồi là nghiện xài hoài :)).

Riêng trong lĩnh vực mỹ phẩm, rõ ràng Hàn cũng là một xứ ôn đới, tức là ừ thì dù họ cũng có những cây cỏ quý, như sâm hay linh chi của họ thì hảo hạng miễn chê rồi. Nhưng nhìn về tổng thể thì hệ thực vật của họ sao đa dạng bằng mình được (không phải tự cao dân tộc đâu mà đấy là sự thật vì nước ta có đủ kiểu hình khí hậu từ nhiệt đới, cận nhiệt đới đến ôn đới).

Thế mà các dòng sản phẩm nổi tiếng về chăm sóc da của họ ngoài sử dụng nhiều loại nguyên liệu vốn là thế mạnh ở đất nước họ thì còn có những loại cực phổ biến ở vùng nhiệt đới của mình như:  dừa, nha đam, rau má, gạo,…

Chúng ta, ngoài trồng cây hái quả ăn liền, trồng hoa để thu vé vào chụp hình selfie  gần như không có một nền công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp bài bản và chuyên nghiệp.

Vì  sản xuất nông nghiệp chân chính và theo hướng hữu cơ chất lượng cao không hề dễ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đòi hỏi sự bền bỉ kiên định theo đuổi tới cùng tiêu chí khắt khe đã đề ra. Mà người mình thì quen “ăn xổi ở thì”, thấy cái gì lợi nhuận lớn, có tiền ngay là quên hết những định chuẩn, dễ dàng phá bỏ những nguyên tắc.

Vì lợi ích trước mắt mà bất chấp, ngâm cả hóa chất để rau cỏ xanh non nhanh và lâu, phun vô tội vạ thuốc trừ sâu, diệt cỏ… 

Cuối cùng dù sống trên đống nguyên liệu thực vật quý như  vàng thì chúng ta cũng không thể làm ra một sản phẩm công nghiệp sử dụng nguyên liệu là cây cỏ, hoa trái với chất lượng đẳng cấp quốc tế.

Và chỉ bằng mắt thường chúng ta cũng có thể quan sát thấy một số vấn đề của ngành nông nghiệp đã tồn tại bao năm qua, như là một hậu quả của lối làm ăn chụp giật, không hề tính đến sự phát triển bền vững:

-Mất mùa được giá – Được mùa mất giá

-Đất đai ngày càng cằn cỗi, thoái hóa bạc màu do tồn dư một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón hóa học

-Đât nông nghiệp nhiều vùng để hoang do nông dân di cư hết lên thành phố

Ở nhiều vùng quê,

cảnh nông thôn tiêu điều hoang vắng;

nông nghiệp bị thờ ơ, tồn tại lay lắt,

nông dân thì bị cuốn vào vòng xoáy đất đai, thiếu kiến thức và tầm nhìn để chú tâm vào làm nông nghiệp một cách tử tế. Dần dần họ bị bần cùng hóa , không thể an cư lạc nghiệp tại quê nhà.

Cuối cùng ly hương ra thành phố là biện pháp tất yếu mà họ buộc phải chọn.

—  Mẹ lại chuẩn bị tuần sau đi trảy hội chùa Hương hai ngày với các cụ con ạ!

-Bà buộc tóc đuôi gà vào cho con nhá! :))

Cứ mỗi lần mẹ mình bảo chuẩn bị đi chơi đâu đó là mình lại thấy vui. Cụ còn sức để đi nghĩa là còn khỏe!

Hội chùa Hương còn kéo dài đến hết mùa Xuân, không biết Mountain đã đến đó chưa?

Thư Mountain,

Chưa, tôi vẫn chưa bước chân sang thôn Đoài, nơi có nhiều công trình và lễ hội cổ như chùa Hương. Nhưng tôi nghĩ bên thôn Đoài ấy (Hà Tây cũ, nay đã sát nhập vào Hà Nội) hẳn là có nhiều phong cảnh hữu tình lắm nên mới được đưa vào thơ của ông hoàng thơ quê “Nguyễn Bính” như thế

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Tuy vậy, nơi tôi đang đứng đây, vùng quê Vụ Bản, Nam Định của thi sĩ Nguyễn Bính cũng có kém cạnh gì về bề dày truyền thống đâu. Biết bao nhiêu cái tên lẫy lừng trong lịch sử đến từ cái huyện lỵ này: nhà sử học Trần Huy Liệu, nhạc sĩ Văn Cao hay nhà toán học Lương Thế Vinh.

Có nhiều giai thoại thú vị về Trạng Lường “Lương Thế Vinh” mà tôi đã được đọc từ nhỏ, tôi chỉ kể sơ ra đây một vài câu chuyện thế này:

Lương Thế Vinh sinh năm 1441 tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng học nhanh, sáng trí, sáng tạo trong việc học và chơi. Lần nọ, Vinh cùng bạn bè ngồi chơi dưới gốc cổ thụ. Cả bọn thách đố nhau đo chiều cao của cây. 

Thay vì trèo lên cây, Lương Thế Vinh lấy một cây gậy đo chiều dài của nó rồi dựng gậy trên mặt đất, đo chiều dài bóng gậy. Sau đó, ông tiếp tục đo bóng cây. Tính nhẩm một lát, Vinh đưa ra kết quả. Đám bạn không tin bèn dùng dây thừng đo lại, được kết quả đúng như của Vinh. 

Lần khác, Lương Thế Vinh cùng bạn chơi bóng, quả bưởi làm bóng rơi xuống hố. Cả bọn loay hoay, không làm thế nào lấy được. Ông nghĩ ra cách đổ nước vào hố để quả bưởi nổi lên.

Nhờ tài toán học, Lương Thế Vinh không ít lần giúp những người xung quanh. Có lần, ông đến một khúc sông, thấy mấy người đang tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Ông bèn đề nghị mọi người không bơi qua sông mà tìm cho ông mấy cái cọc.

Ban đầu, mấy người này không tin nhưng khi thấy Vinh đóng cọc, ước lượng khoảng cách rồi tính nhẩm và công bố chiều rộng con sông, họ hoàn toàn thán phục tài năng của chàng trai trẻ. Thực tế, Lương Thế Vinh sử dụng kiến thức về tam giác đồng dạng để tính khoảng cách giữa hai bờ sông.

Với tài trí hơn người, Lương Thế Vinh nhanh chóng nổi tiếng học giỏi khắp vùng Sơn Nam. Vì thế, người ta thường so sánh ông với Quách Đình Bảo. Cùng dùi mài kinh sử nhưng hai ông có phương pháp học hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Bảo ngày đêm vùi đầu khổ luyện, Vinh lại chơi nhiều hơn học. 

Tương truyền, trước kỳ thi Đình, Lương Thế Vinh sang làng của Quách Đình Bảo, định bàn chuyện cùng về kinh ứng thí. Khi nghỉ ngơi tại quán nước đầu làng, nghe người dân kể chuyện Bảo học quên ăn quên ngủ, ông quyết định quay về, không tán thành cách học của Bảo.

Quả nhiên, năm 1463, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên trong khi Quách Đình Bảo đỗ thám hoa. Khi đó, chàng trai làng Cao Hương mới 22 tuổi.

Là người quang minh, lỗi lạc lại tài trí, Vinh được triều đình trọng dụng. Ông giữ nhiều chức quan quan trọng trong Hàn lâm viện, đồng thời là một trong số 28 thành viên của hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập.

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ông cho nước nhà lại thuộc về lĩnh vực Toán học.

Theo Danh nhân đất Việt, khi sứ thần nhà Minh sang thăm nước ta, vua cử Lương Thế Vinh ra tiếp đón.

Trong một buổi đi chơi thuyền, ông ta thách đố quan trạng cân thử con voi nặng bao nhiêu. Vinh nhận lời rồi sai người dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức thuyền chìm trong nước. Xong xuôi, ông bảo dắt voi lên, chất đá xuống, nước ngập đến chỗ đánh dấu thì dừng. Sau đó, ông cho người chia nhỏ số đá, cân lên và tính tổng. Kết quả khiến sứ thần phục lăn nhưng vẫn không bỏ ý định thử tài trạng.

Ông ta xé một tờ giấy, yêu cầu Lương Thế Vinh đo độ dày của nó. Trước tình huống khó xử này, ông vẫn ung dung nghĩ ra cách. Ông mượn sứ thần quyển sách, dùng thước đo độ dày cả quyển rồi chia với số trang để tính độ dày tờ giấy. Sứ thần nhà Minh hết sức bội phục trí tuệ linh hoạt của vị quan đất Việt.

Với tài năng toán học xuất sắc, Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường. Ông cũng tổng kết kiến thức, viết nên cuốn Đại thành Toán pháp. Cuốn sách này được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Năm 1496, Lương Thế Vinh qua đời. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc bèn viết bài thơ khóc Trạng:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua

Gióng khách chương đài kiếp tại nhà

Cẩm tú mấy hàng về động ngọc

Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa

 

Khí thiên đã lại thu sơn nhạc

Danh lạ còn truyền để quốc gia

Khuất ngón tay than tài cái thế

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Vùng quê này còn có những ngôi làng sơn mài nổi tiếng có lịch sử nhiều trăm năm.

Từ tiết tháng 10 đổ ra đến hết tiết thanh minh là lúc làng nghề sôi động nhất bởi là thời điểm khách hàng có nhu cầu sang sửa tu thiết không gian thờ cúng của gia đình, thôn làng (đình, đền, chùa, miếu).

Cái quý của nghề sơn mài là chỉ sử dụng thuần túy các nguyên liệu truyền thống là sơn ta, vàng quỳ, bạc quỳ, đất sét, vải, giấy, nhựa thông… với 2 màu chủ đạo là son (là chất bột son đỏ chế biến từ một loại khoáng thạch là thần sa), then (màu đen – màu của bản thân chất sơn đen), vàng, bạc, cùng khả năng điều tiết, gia giảm lượng cánh gián và kỹ thuật “nhào nặn”, “chôn vùi” rồi lại “mài moi” để tạo nên sản phẩm có màu sắc đẹp, bền, bóng, dày, mỏng, đậm, nhạt khác nhau tùy theo chủ ý của tay thợ.

Nói cho vui mang tính khái quát những thao tác chính của nghề chứ thực chất tên “sơn mài” đã thể hiện bản chất của 2 phần việc chính là sơn và mài lớp phủ lên bề mặt sản phẩm đến 5 hoặc 7 lần, mỗi lần là một loại sơn khác nhau, dụng cụ phết sơn, mài sơn cũng khác theo, khi thì dùng chổi tết bằng tóc, lúc lại dùng lá chuối khô, lá mít, đá cuội để mài trong nước… sau cùng mới khảm, vẽ, thếp vàng, thếp bạc rồi dùng sơn cánh gián phủ lên bề mặt một lớp nữa.

Lúc này toàn bộ bề mặt sản phẩm chỉ có màu đen, phải tiếp tục hong thật khô rồi lại đem mài với nước. Càng mài, những chi tiết, đường nét của sản phẩm mới dần dần lộ ra và nổi lên hoa văn mới hoàn tất quy trình.

Trong suốt quá trình làm lại phải tránh gió, tránh bụi, tránh ánh sáng mạnh và tránh cả côn trùng, ruồi, muỗi bay vào. Vậy nên thời xưa khi màn mộc, màn tuyn hiếm lắm, người không có để dùng tránh muỗi nhưng phải thường xuyên mắc màn, mang cả đồ nghề lỉnh kỉnh vào trong đó mới làm việc được.

Chất liệu để phủ sơn mài lại rất đa dạng tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

Ví như đồ thờ tự nhất định phải là các loại gỗ mít, dổi, vàng tâm; đồ trang trí có thể là gỗ dán, giấy nện; tre, trúc, vỏ dừa và ngày nay cả nhựa composit.

Sơn mài nhanh chóng thích ứng với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, phân khúc thành 3 dòng sản phẩm chính là đồ thờ dùng trong công trình tôn giáo, tín ngưỡng như tượng phật, ban thờ, phù điêu, ngai, ỷ, kiệu, cống…; đồ mỹ nghệ trang trí nội thất như bình, khay, đĩa, tranh sơn mài nghệ thuật..

(namdinh.org.vn)

Không chỉ có sơn mài, huyện Vụ Bản – vùng đất “địa linh nhân kiệt” cũng rất giàu có về các ngành nghề thủ công truyền thống khác: dệt vải, dệt nái tơ tằm, rèn; gò đồng thau, chạm đá; nghề cung bông, làm lọng với những nghệ nhân giỏi về thêu kim tuyến, chỉ màu….

XỨ ĐÔNG DƯƠNG

By Paul Doumer

4.

Các thợ thủ công Bắc Kỳ làm việc chăm chỉ và thuần thục. Họ thành công một cách đáng ngưỡng mộ trong các công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh xảo. Họ có khiếu thẩm mỹ, và một số người trong bọn họ là những nghệ nhân thực sự.

Những thợ đúc đồng, thợ kim hoàn, thợ khảm men huyền, thợ thêu, thợ điêu khắc, thợ khảm đã tạo được một tiếng tăm xứng đáng. Họ không phải là những người thợ bắt chước một nền nghệ thuật ngoại quốc.

Dẫu vẻ bề ngoài của những sản vật lộ rõ mối quan hệ với những đồ vật Nhật Bản và Trung Hoa, thì chúng vẫn không phải được lấy cảm hứng từ đó; những người thợ đã tạo ra một nghệ thuật An Nam, với các hình mẫu và cách trang trí của chính họ.

Những đồ vật bằng đồng thau mà họ chế tác không phải lúc nào cũng có hoa văn đẹp và cấu tạo hoàn hảo nhưng cũng không thiếu tính độc đáo. Xưa kia, những món đồ đó gần như độc quyền dành cho tín ngưỡng quốc gia và gia đình, để trang trí các ngôi chùa và bàn thờ tổ tiên.

Ngày nay một phần đã tìm đến khách hàng châu Âu, những đòi hỏi đặc biệt của các khách hàng này không buộc người thợ phải chăm chú hơn đến vẻ đẹp của hình mẫu và trau chuốt hơn trong các bước chế tác. Các thợ kim hoàn thì ngược lại, hình như họ cải tiến hoàn thiện nghệ thuật của mình khi làm việc cho khách hàng người Pháp.

 Họ thích nghi với việc làm những hoa văn nổi cao, cắt gọt tinh xảo và chạm lộng với những đồ gia dụng bằng bạc của chúng ta, cho ta một kết quả ngoài mong đợi và hoàn toàn vừa ý.

Nhiều thợ kim hoàn ở Hà Nội chế được rất nhiều đồ đẹp; một trong số họ, tên là Le-Than (Lê Thân?), là một nghệ nhân tài hoa, ông vẽ mẫu rất đẹp và chế tác cũng rất tài. Các thợ thêu trên lụa làm việc với một kỹ thuật không thể sánh được.

Về mặt chăm chút và hoàn thiện công việc, đồ thêu ở Bắc Kỳ được làm tinh hơn đồ của Nhật Bản và Trung Hoa. Nhưng vào năm 1897, các bức thêu mang giá trị trang trí còn rất thấp.

Đó là những bức thêu cảnh sinh hoạt của người An Nam hoặc các trận chiến huyền thoại, với một đám đông những nhân vật nhỏ xíu, con giống, đồ vật mà ta có thể ngưỡng mộ các chi tiết, nhưng về toàn cảnh chẳng có gì đẹp lẫn dễ coi.

Kể từ đó trở đi, các thợ thêu An Nam đã lấy từ hệ thực vật phong phú của mình những nhân tố để tạo thành tác phẩm của họ.

Họ đã thành công trong việc đem lại cho những tấm lụa thêu một hiệu ứng trang trí ngang tầm với người Nhật Bản, và họ đã không đánh mất sự ưu trội về tay nghề của họ.

Đồ gỗ gia dụng An Nam do những thợ chạm gõ chế tạo, và chủ yếu gồm ghế tựa, bàn và tủ chè, có đường nét và hoa văn rất đẹp.
Các bộ trường kỷ, món đồ trang trí trong những ngôi nhà truyền thống và trong đền chùa, hầu hết đều mang những nét đối xứng hài hòa; các hình chạm khắc trang trí trên đó thì đơn giản và thường rất đẹp.

Nhưng sự thành công rực rỡ của người An Nam là nghệ thuật khảm trai trên gỗ.
Họ đã khiến cho những bộ tủ chè và những thứ đồ gỗ nhỏ khảm trai như vậy của vùng này trở nên thực sự đáng chú ý và họ đã nổi danh ở vùng Viễn Đông.

Những thợ khảm trai Trung Hoa, những người hình như đã truyền nghề của mình cho dân An Nam thì còn lâu mới sánh ngang hàng được với học trò của mình.

Đồ khảm trai của Bắc Kỳ được khảm trên gỗ tốt, thuộc nhóm “thiết mộc” mà họ thường glà gỗ trac (gỗ trắc?). Đó là loại gỗ tiêu biểu nhất của những đồ gia dụng và đồ mỹ nghệ hạng sang. Đó là thứ gỗ được săn lùng rất ghê, và do bị khai thác vô chừng mực nên nó trở nên rất hiếm và rất đắt.

Độ dày đặc của nó chẳng có gì là lạ ở một xứ sở mà hầu như chẳng có thứ gỗ nào nổi được: phần lớn chìm dưới đáy nước, và mỏ neo thuyền được làm bằng gỗ, điều có vẻ hơi kỳ cục đối với người châu Âu.

Gỗ trắc là một loại có thớ rất chặt, một độ cứng điển hình, điều đó ngăn cho côn trùng khỏi tấn công nó, mà ở Đông Dương, ít loại gỗ có thể kháng cự được lũ côn trùng này.

Độ ẩm cũng ít tác động lên gỗ trắc. Màu gỗ đỏ sẫm có các đường vân tía, hoặc màu đen với các đường vân đỏ phai, tùy theo từng chủng loại khác nhau, rất đẹp mắt. Dụng cụ của thợ đóng đồ gỗ quý và thợ mộc Pháp sẽ bị cùn nhụt vì gỗ trắc.

Người An Nam thì trái lại, họ dễ dàng thao tác với loại gỗ này, về mặt này họ ít khi làm hỏng các loại gỗ bản xứ. Ngoại trừ điều đó, họ là những thợ mộc sơ đẳng; công việc hiệu chỉnh lắp ráp đồ gỗ của họ chưa hoàn hảo là mấy, nhất là bên trong các đồ vật và trong những phần mà ta không nhìn thấy được.

Trường dạy nghề mộc của Pháp, vào những thời kỳ thịnh vượng nhất, đã chểnh mảng với việc này.

Ấy thế nhưng trường đó đã làm ra những món đồ tuyệt vời. Thông thường đồ gỗ gia dụng An Nam được khảm trai có những nét cân đối khoáng đạt và rất mộc mạc. Đồ khảm trai của họ, tác phẩm của lòng kiên nhẫn và nghệ thuật, mang những ánh hồng và tím, cho chúng một vẻ phong phú đặc biệt về mặt trang trí.

Đồ mỹ nghệ khảm trai, các loại khay với kiểu dáng khác nhau, văn phòng tứ bảo, giương hòm, bàn viết, điếu ống hút thuốc lào, đôi khi là những kiệt tác nho nhỏ mà chắc chắn sẽ không khiến bất kỳ phòng khách Paris nào xấu đi.

Những thợ khảm trai An Nam, chí ít là những thợ giỏi, tập trung hầu hết ở hai thành phố của Bắc Kỳ, Hà Nội và Nam Định, hai thành phố lớn. Có một sự khác biệt về sản phẩm giữa hai trung tâm đó. Những mảnh trai Hà Nội nhỏ mịn hơn; việc khảm trai được thực hiện bằng vô vàn những mảnh vỏ trai nhỏ xíu.

Điều này cũng không ngăn được những người sành sỏi chuộng sản phẩm của Nam Định hơn, trong khi rất nhiều người thì ngược lại, gắn bó với những món đồ của Hà Nội.

Mặc dù nghề thêu giữa Hà Nội và Bắc Ninh ganh đua nhau. Mặc dù các nghệ nhân kéo về thủ đô ngày càng đông, Bắc Ninh có một phường nghề thêu nổi tiếng tập trung rất đông thợ, họ ở lại ngay thành phố của mình và thu hút khách hàng về đó.

Các quý bà Pháp ngày nay đi du lịch, việc mà các bà chắc đã không làm một cách dễ dàng như thế và với sự an toàn như vậy vào năm 1897, để xem những nghệ nhân thêu nổi tiếng và đặt hàng ở xưởng của họ.

Bắc Ninh còn có những thợ chạm men huyền, hầu hết những thợ khảm men huyền của Bắc Kỳ đều ở đây , họ chạm những lá bạc hoặc một thứ hợp kim khác lên đồ đồng làm thành một lớp hoen màu nâu sáng rất đẹp.

Họ cũng làm những chiếc khay có kích thước và hình dáng đa dạng. Những chiếc lồng ấp tay, những lư hương và nhiều đồ vật khác mang hình dáng đẹp mắt mà không hẳn có giá trị thẩm mỹ cao.

Nếu các ngành nghề mỹ nghệ được tập trung vào ba bốn thành phố ở Bắc Kỳ, thì khắp các tỉnh thành đều có các thợ thủ công mà công việc của họ rất đáng để chúng ta quan tâm.

Những bàn tay thuần thục, thị hiếu bẩm sinh của giống nòi cho phép tuyển thợ làm việc thoải mái và ở bất kỳ nơi nào mà các đồ mỹ nghệ Bắc Kỳ cung ứng cho ngành thương mại xuất khẩu.

-Cháu đến từ khu vườn Địa đàng trong cổ tích ?

Ông chủ công ty sơn mài bề thế có trụ sở nằm ngay con đường chính của huyện lỵ Vụ Bản vừa rót cho tôi một chén nước chè nóng vừa hồ hời hỏi tôi

-Dạ đúng ạ!

-Thế thì may mắn quá! Chú nhờ cháu gửi bức thư này cho Ngài chủ tịch Hội thơ William của thành phố các cháu

From: Chủ tịch Hội thơ “Làng Tương Tư”

                Nam Định phủ

To: Mr William

      Chủ tịch Hội nhà thơ trẻ, thành phố Vườn Địa đàng

Hôm nay ngày 19 tháng 3 năm 2024,

Nhân có cháu Mountain du Xuân ngang qua làng chúng tôi, tôi xin gửi tới Ngài chủ tịch một đôi dòng

Trước tiên xin chúc mừng chủ tịch trẻ cùng những người bạn hữu của chủ tịch vừa đi qua cửa ải “Thi giữa kỳ” một cách suôn sẻ. Có gì mà khó đâu chứ, ngẫm lại như làng quê chúng tôi để thấy cái gì cũng có thể tồn tại song hành hết.

Này nhé, quê tôi không những sinh ra  ông hoàng thơ tình đất Bắc Nguyễn Bính mà cũng là nơi chôn rau cắt rốn của  nhà toán học xuất sắc trong lịch sử nước nhà, Lương Thế Vinh.

Làng chúng tôi không những đào tạo ra được những nàng thơ quay tơ dệt vải thoăn thoắt mà còn tinh luyện ra được các chàng trai vô cùng khéo léo cho những sản phẩm sơn mài nức tiếng đó đây.

Thì các cậu cũng có thể như thế, Toán thì cứ Toán mà thơ Tình thì vẫn cứ…Tình :))

Trong không khí mùa Xuân, tôi viết đôi lời với cậu trước là để làm quen, sau là có vài lời tâm tình về một chàng nhà thơ trẻ đến từ Vương quốc Vườn địa đàng của các cậu.

Ấy là tôi muốn nói đến cái anh chàng vừa tham dự chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” hồi đầu tháng. Thú thật, tôi hiện đã có tuổi nhưng không tuần nào tôi không theo dõi các cháu thi tài cả.

Và chưa có một người nào lại gây ấn tượng đối với tôi như thế vì cháu làm thơ hay quá mà lại còn là thơ tình nữa mới ghê :))

Mặt trời ửng nắng ngày em đến

Gió đông rét buốt lùi một bên

Nhân gian như được thêm soi sáng

Mây trắng nhẹ trôi rõ êm đềm

Ngài chủ tịch William thân mến,

ở vào thời buổi mà  người ta chỉ thích những thứ nhanh gọn lẹ như fast-food hay tiktok thì một chàng trai trẻ có khả năng làm thơ tình là hiếm lắm. Thành thử giờ đây cháu trai này đã là idol của tất cả các cháu gái ở “Làng Tương tư” của tôi.

Dù sao thì, dù cho thời thế có xoay vần biến chuyển thế nào, quê hương chúng tôi vẫn là xứ sở của những Suối Mơ, Bến Xuân hay Thiên Thai,  Tương Tư.

Cảnh quê hương đẹp và thơ lắm nên không ngạc nhiên thế hệ những người trẻ ở đây vẫn duy trì được một tâm hồn lãng mạn và đầy mộng mơ

Nếu Hội thơ chỗ Ngài chủ tịch mà có dịp tụ hội gặp mặt, mong ngài chuyển lời này của tôi đến với cháu trai mê thơ. Tôi đồ cháu nếu không phải gốc tích quê hương xứ Nẫu, xứ sở của các ông vua thơ Tình :)), thì cũng là người làng tôi mà ra cả, con cháu cụ Nguyễn Bính phiêu dạt kỳ hồ (xin lỗi, tôi lại mắc vào lỗi Thấy người sang bắt quàng làm họ :))

Tôi như cảm được nguồn sống mới

Yêu em xuyên suốt chẳng nghỉ ngơi

Mong em vẫn luôn rạng rỡ thế

Nụ cười xinh xắn sáng ngời ngời

(Tôi trích nguyên văn bài thơ của cháu, thế nào mà chỉ nghe cháu đọc một lần tôi thuộc luôn, thế mới tài :))

Chúc Chủ tịch một mùa Xuân có nhiều Lộc biếc!

Chủ tịch Hội thơ Làng Tương tư

Nhật ký William

Mar 20

Nhận được thư của Ngài chủ tịch Hội thơ Làng tương tư mà tôi vui suốt cả ngày hôm qua sang đến hôm nay. Chứ sao nữa, không ngờ trong Hội “Yêu THƠ từ cái nhìn đầu tiên” của chúng tôi lại sớm phát tích ra một nhân tài như thế.

Xin nhờ 200 anh em trong khu Vườn địa đàng tìm giùm cho tôi anh chàng thơ Tình Olympia này đang cư ngụ tại ngôi trường nào để chúng tôi còn tặng thưởng :)))

Thật là niềm vui như được nhân đôi vì hôm nay lại đúng là ngày của tiết Xuân phân.

Xuân phân theo lịch Trung Quốc cổ đại, là điểm giữa của mùa xuân

còn theo khoa học thiên văn phương Tây, điểm mà Mặt Trời vượt qua xích đạo bầu trời đi lên Bắc thiên cầu gọi là điểm xuân phân. Các nhà thiên văn và chiêm tinh cổ (vào thiên niên kỷ I TCN) đã chọn điểm xuân phân là điểm đầu tiên của cung Dương Cưu.

Tuy nhiên, do chuyển động tuế sai của trục Trái Đất, mỗi năm điểm xuân phân di chuyển trên hoàng đạo một cung khoảng 50,29 giây. Hiện nay, điểm này không còn ở trong cung Bạch Dương nữa mà đang ở trong cung Song Ngư.

Đến khoảng năm 2600 nó sẽ ở trong cung Bảo Bình (do dó có thuật ngữ “kỷ nguyên Bảo Bình”).

Đối với Nam bán cầu, điểm xuân phân lại là điểm bắt đầu của mùa thu.

Tại điểm xuân phân, người quan sát sẽ thấy Mặt Trời khi đó mọc “chính xác” ở phía Đông và lặn “chính xác” ở phía Tây.

Có thể nói nôm na Xuân phân là thời điểm mà trước và sau đó khoảng ba tháng Mặt Trời có xu hướng mỗi ngày mọc và lặn nhích dần về phía bắc.

Trong niềm vui mùa Xuân, tôi mở máy tính làm việc thì nhận được email tổng hợp các bài thơ về Hoa giấy của các anh em trong hội “Yêu THƠ từ cái nhìn đầu tiên”.

Tất nhiên rồi, email được gửi tới bởi thư ký Hội thơ của chúng tôi, thằng, à quên, Ngài Monster :))

1.

Tím hơn cả

Màu của sắc ti gôn

Chùm hoa giấy trước hiên nhà

2.

Hồn anh như hoa giấy trắng

Một trưa đầy nắng rụng vào tóc em

3.

Hoa giấy tím trắng đỏ vàng

Tôi vịn tay hái  mang sang nhà nàng

Xuân phân với nắng chứa chan

Tình tôi cũng thế ngập tràn sắc xuân

(Một bài thơ của Monster)

4.

Cành hoa giấy

Bò cả xuống đất nhà tôi

Đỏ rực

5.

Cây hoa giấy bé nhỏ của tôi ơi

Tôi muốn cây – cô làm tôi cười

Nghĩa là nụ hoa nở thành giấy

Và hiện lên trên đó (số) năm trăm thôi

:))

Quả là, thơ về Hoa giấy của các chiến hữu của tôi đa dạng quá. Chắc có lẽ tôi phải vác sang nhờ thầy Romeo thẩm định thêm. Thầy có vẻ rất rành về loài hoa này :)).

Nhưng trước mắt tôi phải alo cho thư ký của tôi cái đã:

-Monster sao mày chỉ ghi mỗi tên bài thơ của mày thế? Những bài còn lại là của ai sao không điền tên của họ vào?

-Để vậy cho độc giả đoán nó mới vui

-Thế sao lại phải ghi rõ của mày, đúng là cái thằng

-Chứ không thì đố ai đoán được đó là thơ Tao, mày chậm hiểu quá vậy. Họ lại quy cho tao là tác giả của bài số 5 để tao tu suốt đời trên này hả William?

Ôi giời,  Monster của chúng tôi đây sao? Đúng là hắn đã thực sự đắc đạo rồi :))

Thở phào nhẹ nhõm, tôi biết ngày trọng đại của tôi và nàng sư tử sắp đến gần!

Đúng là,

Không có hôm nào đẹp như hôm nay

Hoa (giấy) nở Xuân về lòng bao mê say !

:))

Chúng ta sẽ gặp lại Mạn Châu và Sa Hoa ở loạt bài sau nhé!

Happy Spring equinox!

You may also like

Để lại bình luận