Sáng nay mình đi ngang qua cái khuôn viên nhỏ ngay con đường dưới nhà mình thì đập vào mắt là hình ảnh trên một cái cây quen thuộc lá của nó bỗng chuyển vàng úa hết cả.
Cái cây đã được trồng và lớn lên từ ngày mình chuyển về đây (mình cũng không biết là cây gì chỉ thấy nó cũng không cao lắm nhưng rất nhiều lá và lá thì dày).
Lạ quá! Mới mấy hôm trước còn xanh tươi thế mà
Chắc có lẽ nó đã bị sâu đục ở bên trong vì ở ngoài nhìn rất bình thường, không có hiện tượng bật rễ hay bị đốn hạ gì cả.
Nhìn một cái cây to lớn vì bị sâu bệnh mà lụi tàn nhanh chóng nó cho mình một cảm giác rất khó tả. Vẻ xác xơ trên một thân thể cường tráng như càng nhân lên trong lòng người sự ngậm ngùi về một đời sống hữu hạn.
Và khi hiểu được rằng, không có cái gì là tồn tại mãi mãi trong cuộc đời này, kể cả có là vũ trụ bao la ngoài kia, thì ta mới thấy mỗi phút mỗi giây của hiện tại thật đáng quý biết chừng nào!
Cuối tần trước, tin tức về vấn đề sức khỏe của vương phi Kate, nước Anh đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Bà xuất hiện trên một video giải thích việc mình vắng mặt trước công chúng suốt thời gian vừa qua là để điều trị ung thư.
Bằng việc chính thức công bố những thông tin về sức khỏe như vậy, Kate đã đập tan nhiều tin đồn thất thiệt bủa vây xung quanh mình để có thể tập trung vào giai đoạn phục hồi.
Mình nghe hết đoạn băng dài khoảng hai phút trên The New York Times (không liên quan lắm, nhưng giọng của vương phi hay các bạn ạ) và có một đoạn khiến mình xúc động và đồng cảm, có lẽ bởi vì cũng giống như vương phi, mình cũng là một người phụ nữ và một người mẹ:
“Như các bạn có thể tưởng tượng, chuyện này sẽ mất rất nhiều thời gian. Tôi cũng mất cả thời gian để hồi phục sau ca phẫu thuật mới bắt đầu đi vào điều trị ung thư được. Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi đã mất thời gian để giải thích mọi thứ cho George, Charlotte và Louis một cách rõ ràng và để trấn an các con rằng tôi sẽ ổn thôi.
Tình yêu của mẹ dành cho con luôn là thứ tình yêu lớn nhất, không có một thứ tình cảm nào sánh bằng. Cho nên khi lâm vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, chẳng hạn như bệnh hiểm nghèo, người mẹ có rơi vào trạng thái khủng hoảng thì không phải bởi vì họ chỉ nghĩ đến khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của bản thân mình đâu mà vì trong trái tim của họ đang trĩu nặng những nỗi âu lo cho những đứa con thơ.
Nếu con còn quá nhỏ thì nỗi lo lắng này lại tăng lên gấp bội. Vắng mẹ rồi con sẽ ra sao, ai sẽ lo cho con miếng ăn giấc ngủ. Ừ thì cha còn đó, nhưng Thượng đế tạo ra đàn ông với những phẩm chất đặc thù khó có thể nào lấp đầy khoảng trống của một người mẹ.
Mình nhớ đã từng đọc một bài viết cảm động lắm có kể một bà mẹ đơn thân còn rất trẻ, mới 20 tuổi thôi. Khi vừa sinh con được vài tháng thì cô được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối. Thật là trớ trêu, vì như cô nói khi chuẩn bị làm mẹ cô không có ước mong gì hơn cho bản thân mình là niềm mong ước được khỏe mạnh để có thể lo cho con cho đến khi con đến tuổi trưởng thành.
Tưởng đã gục ngã vì số phận nhưng thiên chức và bản năng người mẹ đã giúp cô vượt qua giai đoạn khủng khiếp. Cô vẫn ở lại được bên con bảy năm, và điều đó thực sự đã là một điều kỳ diệu.
Cho nên được sống và được sống khỏe mạnh đã là một đặc ân và niềm vui lớn nhất của đời người. Không cầu mong gì hơn cả.
Những ai đã từng trải qua những lằn ranh sinh tử, giữa sự sống và cái chết càng hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết cái mong ước tưởng chừng như rất bình thường này.
Vì có thể biết đâu chỉ bước chân vô rạp xem phim, đã là lần cuối cùng ai đó còn được trông thấy ánh mặt trời. Mình đang muốn nói tới nước Nga với vụ khủng bố đẫm máu. Nước Nga quá lớn và xa xôi nhưng lại rất gần bởi mình luôn say mê văn học và âm nhạc Nga. Dù thế nào với mình nước Nga luôn có những giá trị bất hủ.
Khủng bố và chiến tranh luôn luôn là thứ kinh tởm và đáng sợ. Chẳng biết bao giờ con người mới thôi đi cái thói vĩ cuồng, biết nhường nhịn tôn trọng nhau để cùng chung sống một cách hòa bình.
Có lẽ lại phải mượn lời Einstein: Cho đến khi họ lại quay trở về thời kỳ đồ đá!
Lật lại quá khứ, liên quan đến hậu quả khốc liệt của chiến tranh, Tháng ba còn là tháng gợi nhớ những ký ức đau buồn về một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử nước ta:
Nạn đói năm 1945
(Báo Tuổi trẻ)
Theo giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN, ngoài các chính sách tô cao thuế nặng, Nhật còn đưa ra một “chương trình kinh tế chỉ huy” nhằm thực hiện một cách triệt để chủ trương phát xít của mình.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế yêu cầu Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật hằng năm.
Bốn năm liền từ 1941-1944 Nhật – Pháp đã ký bốn hiệp định giao nộp lúa, ngô cho Nhật mỗi năm từ 700.000 – 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực VN thời đó.
Để phục vụ chiến tranh, phát xít Nhật còn cần rất nhiều nguyên liệu từ những cây trồng có sợi, có dầu như đay, gai, bông, thầu dầu… nên chúng đã bắt rất nhiều vùng quê nhổ lúa trồng đay và các loại cây trên.
Tài liệu của người Pháp thống kê: năm 1944 VN trồng tới 45.000ha đay, gấp chín lần diện tích của năm 1940 do 10 công ty độc quyền của Nhật thu mua, chế biến, kinh doanh thứ cây này.
Cũng theo tài liệu trên, chiến tranh của đồng minh với Nhật tại Đông Dương khiến 50% hệ thống giao thông Nam – Bắc VN bị phá hủy, 90% phương tiện vận tải bị hư hỏng khiến việc đưa lương thực cứu trợ từ Nam ra Bắc càng thêm khó khăn.
Chiến tranh làm cho nhu cầu nhiên liệu: than, dầu, điện của Nhật tăng cao. Chúng đã lấy ngô, vừng, lạc và cả lúa gạo để thay thế những nhiên liệu này phục vụ mưu đồ phát xít, đẩy người dân vào thảm họa chết đói.
Thảm cảnh quê nhà
Hơn 2 triệu người đã chết vì đói… Cả nhà đói, cả dòng họ đói, cả làng cả xóm cùng đói. Cái đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 ấy, người trẻ hôm nay sẽ không tưởng tượng nổi. Chúng ta hãy cùng mở lại những trang hồ sơ về trận đói khủng khiếp để đừng bao giờ quên nỗi đau ấy…
Chúng ta tự hào bởi lịch sử dân tộc hào hùng và kiêu hãnh. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những đau thương, mất mát của dân tộc mình. Những người đang sống hạnh phúc hôm nay không hẳn ai cũng nhớ tới nỗi khổ nhục kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt với hơn 2 triệu đồng bào đã chết trong sự đày đọa đến tận cùng của cái đói.
Năm đó, 1945, cũng là năm Ất Dậu, cách đây tròn một vòng quay 60 năm của vũ trụ.
Tiết xuân thanh khiết, đằm ngọt trong gió lành và lộc biếc. Con đường phẳng rộng thênh thênh chạy từ phố xá phồn hoa đến làng mạc trù phú. Lúa chiêm xanh non trải từ bờ ruộng mải miết đến tận chân trời.
Từ thành phố Thái Bình xe chạy chừng nửa tiếng đồng hồ thì đến xã Tây Lương, huyện Tiền Hải. Làng quê khang trang như phố; người xe vui như hội. Cảnh thái bình no ấm đầy căng trong tiếng trẻ nô cười. Nhưng 60 năm trước, nơi đây là một địa ngục thảm khốc…
Bàn chân quỷ đói
Ông lão khoan thai quắc thước không giấu vẻ mãn nguyện của cảnh đề huề phúc lộc. Ông là Lại Thanh Hằng, người thôn Trung Tiến, tuổi 77, sức vẫn khang cường, vợ chồng yên ấm, nhà cửa đàng hoàng. Gần chục người con đều đã nên gia thất, tài danh hưng vượng. Nhưng câu chuyện của 60 năm xa xưa ấy đã làm ông bật khóc. Tiếng nấc khô khốc và giọt nước mắt người già thấm qua những nếp nhăn sâu hằn, bật lên nỗi đau khổ tột cùng.
Ông kể: Ngày ấy, gia đình ông cũng như bao nông dân khác nối đời sống bên ruộng lúa, vườn khoai. Cái bóng của đồn Tây và cổng đình bao năm đè nặng kiếp người. Đường làng khi in thêm dấu giày lũ Nhật lùn thì cuộc sống ngày càng ngột ngạt bởi sưu cao thuế nặng. Cái khô ngái của giong, khoai, củ chuối… ngày một đậm đặc trong nồi cơm.
Thế nhưng nạn đói tàn khốc nhất lịch sử chính thức ập đến từ vụ mùa năm 1944. Năm ấy điềm trời hung gở khác thường. Không chỉ cánh đồng mấy trăm mẫu của Tây Lương mà khắp nơi đâu đâu lúa cũng chết vàng. Lúa dâu, lúa di, lúa tám đều bị hoàng trùng (nay gọi là rầy) phá hết. Nhà ông cấy 2 mẫu nhưng sau khi trừ tô thuế đem về được hơn 1 tạ thóc. Đó là lương thực của bốn người lớn trong suốt sáu tháng dài ròng rã.
Bố mẹ ông bàn tính gì đó rồi mỗi bữa cơm cắt bớt phần gạo. Dần dần bớt cả bữa ăn. Năm đó ông 17 tuổi, sức đương trai nhưng mỗi ngày cũng chỉ có nửa bát cơm, hai củ khoai. Sau rồi mỗi sáng ông đi chăn trâu, mẹ ông cho một nắm thóc rang vừa đầy một lòng bàn tay. Ông gói qua mấy lần lá rồi vài tiếng lại lấy ra vã vào mồm nhai cả trấu, chia đều cho cả ngày dài.
Đêm đêm gia đình ông hì hụp ngoài sông Sứ cất vó tép. Ba, bốn người ngoi ngóp cả đêm may ra hôm sau đem ra chợ đổi được một chén thóc. Có hôm không ai mua thì đem về đổ vào nồi nấu cháo. Đầu tháng giêng, mẹ ông bắt đầu đem nồi đồng, mâm, ấm, lư hương, tủ thờ… đi bán.
Rồi bố ông dắt trâu xuống huyện cầm cố đem về được 2 yến thóc. Mẹ ông giấu lúa vào bì, lấy gỗ đá, cối xay chất lên làm sao để không ai có thể lấy ra được. Chỉ mình bà biết một cái lỗ thông bằng mắt trâu có thể thọc tay móc ra ít một. Thỉnh thoảng bố ông nói: “Bọn cướp đang rình nhà mình…” rồi ông kê chõng ngủ bên ngoài với một cái thuổng sắc.
Nhà ông bắt đầu phải giết chó, giết lợn, giết gà… Không chỉ để ăn, mà bởi cũng không còn gì để nuôi nó. Có nhà phải giết chó mẹ và 4 chó con vừa mở mắt. Hết gia súc, gia cầm, người ta đào củ chuối, hái rau rệu, rau má, bẻ cây ngô, mò ốc, đào cua, bắt cà niễng, cào cào, châu chấu… để ăn. Cầm cự đói, nhà ông cùng dân làng ra đồng bắt chuột.
Chuột năm ấy chậm chạp, lại dạn người có lẽ cũng vì đói và liều nên rất dễ bắt. Thời gian đầu còn chuột thì chúng được nấu giả cầy, nướng lá chanh, hấp chấm muối, bó giò… Nhà ông còn kho đến mấy nồi đất toàn chuột nấu đông ăn dần. Sau hiếm chuột. Bắt được một con cả nhà mừng như phá cỗ, nướng qua loa rồi xé vội vàng ăn…
Tất cả các loại cây đu đủ, dứa dại, chuối, giong… ngoài đường, trong vườn đều bị đốn ăn không còn một mống. Có gia đình đói quá nghiền trấu, trộn mùn cưa vào cháo ăn. Cháo ít hồ dần, cuối cùng toàn mùn cưa với trấu. Làng bên còn có người ăn cả đất. Lại có người ngày nào cũng chạy theo mấy con ngựa của Nhật, Tây để hốt phân của nó về đãi lấy hạt ngô chưa bị tiêu hóa để ăn…
Cái đói giày vò, đày đọa con người đến cùng cực. Nó cào ruột suốt ngày đêm. Nó mở banh con mắt không cho ngủ. Nó kéo bàn chân lê khắp ruộng, khắp làng. Nhà mình đói, làng mình đói thì nhà người ta, làng người ta cũng đói nên có gì đâu mà kiếm. Nhưng cái đói nó không cho ngồi, nó bắt phải đi. Kể cả đi đến nơi mà hôm qua vừa bỏ về…
Làng quê tan hoang xơ xác. Cỏ dại lút đầu gối mọc khắp đường đi, sân nhà, ngõ xóm. Tiếng trẻ con khóc như mèo hoang ai oán suốt đêm. Người người đổ hết ra đường, lê la ngoài bụi chuối, cánh đồng. Cái lạnh thấu xương, bóng đêm đen đặc xuyên qua cái tết lúc nào chẳng hay… Cả thế gian là một màu vàng vọt, xiêu vẹo của đói và đói… Bắt đầu đã có người chết đói trong làng…
Người khiêng xác
Chỉ ra vườn chuối phía sau nhà, ông Hằng nghẹn ngào nói: “Cái chết đau thương nhất đối với tôi là bác Ngảnh, đó là bác ruột tôi và cũng là một trong những người đầu tiên của thôn chết đói.
Thật ra thì bắt đầu khoảng rằm tháng giêng đã có người chết đói ngoài chợ, ngoài đồng. Những gương mặt phù thũng, những ánh mắt thất thần, những thân hình tiều tụy dúm dó bên đống rạ, bụi chuối… đã mang nặng bóng dáng của thần chết rồi.
Nhưng nửa đêm nghe tiếng khóc khô khản vẳng ra từ nhà người thân thì tôi thật sự hãi hùng. Bác Ngảnh chết lạnh cứng đờ, người co quắp trong ổ rơm. Lật thân hình da bọc xương, dúm dó trong mấy miếng vải rách nát, tôi thấy mấy sợi rơm còn vương trong miệng bác. Đó cũng là người đầu tiên trong họ nhà tôi chết đói”.
Khiêng người bác ra đồng chôn, về đến nhà lại có người nhờ bố con ông Hằng đi chôn người chết. Và bắt đầu từ đấy người chết đói trong làng đếm không xuể. Bố con ông Hằng là một trong số ít người còn đủ sức để chuyên đi chôn người chết.
Hồi tháng hai, tháng ba, người chết còn được chôn bó chiếu. Sau đến tháng tư, năm cả làng chết đến mấy trăm người thì không ai còn sức, chẳng nhà nào còn đủ chiếu chăn thì bó xác người bằng vó, bằng lưới, vùng biển thì bằng mảnh buồm. Có khi bó một người lớn với hai ba đứa nhỏ trong một tấm vó.
Ông Hằng thấp hơn nên thường đi trước. Ông nhớ có hôm mình phải đi chôn 4-5 người, mệt quá không nhấc cao tay lên được. Cái đầu người chết thả trễ xuống đất cứ đập bình bịch vào gót chân ông theo mỗi bước đi. Ông Hằng trở thành người chuyên chôn xác đói lúc nào không hay.
Bà Hoàng Thị Chén, 87 tuổi, người thôn Hiên, nói: thôn này lúc cao điểm một ngày chết mấy chục người. Cả người thôn mình lẫn người nơi khác đến đây rồi chết.
Cứ sau mỗi đêm lạnh là lại la liệt xác người trong nhà ngoài ngõ, giữa đồng. Tuần đinh lấy dây buộc vào cổ tay, cổ chân, cổ họng người chết rồi kéo lê ra hố quăng xuống. Sau này chồng bà cùng những người khác đào hố lên thấy có những đám cả 4-5 người bị chôn ở tư thế ngồi, họng còn thắt sợi dây thép.
Ông Lê Văn Bình ở huyện Đông Hưng còn kể: bấy giờ ở những khu phố hay cổng làng nhà giàu, quan lại người ta còn phải thuê người đem xác dân chết đói đi chôn, tránh thối rữa trong làng xã, khu phố. Giá ban đầu là một đồng một xác người, sau hạ xuống 5 rồi 3 hào. Có tay làm ăn dối trá, đào hố nông choèn, vùi lấp qua loa. Vài ngày chuột, quạ, sâu bọ lại bới lên thối không chịu được…
Khi mình ra đời đầu những năm 80 của thế kỷ trước thì nạn đói ở miền Bắc đã qua gần bốn mươi lăm rồi. Nhưng mình vẫn cảm nhận được những ảnh hưởng của nó lên thế hệ ông bà của mình vì các cụ đều ở tuổi thanh niên vào những năm tháng đó và tất cả những sự kinh khủng khiếp của nạn đói lịch sử các cụ đều đã chứng kiến cả.
Sự đau thương, mất mát không thể tưởng tượng ở khắp nơi do đói đã khiến phần lớn các cụ già miền Bắc và miền Trung sau này đều có lối sống lo xa và chi tiêu rất tiết kiệm, dù cho bản chất của nhiều người là phóng khoáng và rộng rãi chứ không phải không.
Ông ngoại mình nghèo như phần đa người dân ở vào thời điểm bốn năm chục năm trước. Tuy ông cũng thuộc kiểu người hay đem cho mọi người cái này cái khác nhưng cũng chỉ là sản vật vườn nhà, ví như bó rau, nhúm quả, cái cây con cá chứ cũng không phải tiền bạc gì (ah, nhưng lại toàn dấm dúi cho các cháu tiền để mua cái này cái kia, xong lại còn bảo cất khéo không bố mẹ thấy :)), mình cảm động và không bao giờ có thể quên những ân tình thế này) .
Mỗi lần lĩnh lương hưu xong việc đầu tiên ông làm là đi đong (mua) gạo, bất kể làm gì thì làm cũng phải có đủ gạo ăn cho cả nhà trong một tháng cái đã. Số tiền còn lại mới phân bổ cho các việc khác, lúc nào mà chi phí phát sinh nhiều như đám lễ hiếu hỷ (ôi cái này ngoài Bắc thì các bạn không tưởng tượng được đâu, nó kinh khủng là nhiều) thì ăn cơm với nước mắm cũng được không cần thức ăn.
Với các cụ, thiếu gạo là thiếu đói, thiếu cơm là chết đói. Thức ăn có càng tốt mà không có cũng chẳng sao! Cho nên người miền ngoài là vô địch về khoản ăn cơm, ăn gì thì ăn trong ngày cũng phải có bữa cơm mới cảm thấy ấm bụng, dù có thể chỉ là cơm với rau luộc chấm nước mắm (tất nhiên giờ khác nhiều rồi).
Còn bà nội mình thì ăn xong một bát cơm không bao giờ còn dư một cái hạt cơm nào trong bát, cũng không bao giờ để vương ra ngoài bất cứ một hạt cơm nào. Mỗi lần thấy cháu chắt ăn không hết mà bỏ bứa bà lại mắng cho một trận vì cái việc làm phải tội với những người nông dân.
Con cháu cho cái gì cũng cất kỹ lắm, cái quần cái áo có khi cất két cả chục năm mà không lôi ra mặc, chỉ để ngắm. Thời của mình mặc dù không được sướng như các bạn bây giờ (về mặt vật chất) đâu nhưng bà đã luôn nói với mình: Con giờ sướng quá không hiểu được nỗi khổ cực của ông bà ngày xưa đâu, may bà ở núi mới có chuối non, măng rừng mà ăn nên thoát nạn chết đói năm 45 chứ mà ở dưới xuôi (đồng bằng sông Hồng) thì không có ở đây mà nói chuyện với mày rồi!
Ngày xưa mình còn nhỏ nhiều khi không hiểu được sao bà mình phải sống khổ sở như thế nhưng sau này lớn lên hiểu sâu mọi chuyện hơn thì chỉ thấy còn lại là một lòng thương nhớ về những người của một thời đã xa!
Tháng ba!
Ở miền Bắc, còn được gọi là tháng giáp hạt . Ý nói thời kỳ lúa cũ ăn đã hết, lúa mới chưa chín. Thời xưa đây cũng là thời điểm thiếu đói nhất trong năm.
Mình đọc bài viết bên dưới xong mà cảm thấy mắt ươn ướt vì ở đó mình nhìn thấy biết bao những người thân của mình ngày xưa giống như tình cảnh của những nhân vật trong bài.
Những trải nghiệm trong cuộc sống dù sướng dù khổ chỉ cần ở đó luôn ánh lên cái tình người chứa chan thì đó đều là những thứ ấm áp, nuôi dưỡng tâm hồn và có thể đi theo mình suốt cả cuộc đời.
Mùa giáp hạt
Khi mùa xuân đã đi gần hết quãng đường, mùa hạ chuẩn bị gõ cửa, thiên nhiên như cô gái đang tuổi lớn, đỏng đảnh, thất thường, xen giữa gió lạnh cuối mùa, lại những ngày nồm ẩm và cả những ngày nắng đẹp vô thường gọi mùa mới. Trong cái xôn xang của đất trời, lòng người cũng chứa ẩn những cảm xúc nhiều mâu thuẫn. Tâm trạng hân hoan đón mùa mới lại xen chút lưu luyến, trống trải khi mùa cũ đang qua.
Mùa cũ qua, mùa mới đến, thành thị quen gọi là giao mùa nhưng ở nông thôn, bà con nông dân gọi là giáp hạt. Những ngày giáp hạt mà ngày trước ông bà ta gọi là “tháng 3 ngày 8” mới thật đặc trưng. Đó là khi lúa ngoài đồng đang đẻ nhánh, rau màu mùa lạnh đã tàn mà mùa nóng chưa lên, cây trái trong vườn mới đang nhú nụ. Ruộng vườn, làng quê những ngày giáp hạt như hoang hoải, rộng dài.
Đàn ông, thanh niên trai tráng tranh thủ ra thành phố tìm việc, đàn bà con trẻ kéo nhau ra đồng bòn tí rau, con tép chờ qua ngày thóc cao, gạo kém. Có lẽ trong ký ức của nhiều thế hệ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi khắc khoải, chờ đợi mùa mới đến. Cái xót xa của nhà nông phải bán lúa non khi không thể chờ đến mùa gặt.
Cả cảnh khóc dở, mếu dở của cán bộ, viên chức nghèo nơi đô thị khi đón khách vào mùa giáp hạt. Một trưa đi làm về, thấy khách ở quê lên, chẳng cần hỏi nhưng nhìn nụ cười bẽn lẽn, gượng gạo của người anh em, họ hàng thì biết ngay là lên để mượn tiền. Cảm giác vừa bực bội, vừa thương cảm.
Dù không lớn lên ở nông thôn và được sinh ra khi đất nước đã hoà bình, song trong ký ức của những thế hệ 7x, 8x như chúng tôi, những ngày giáp hạt vẫn ở lại với không ít kỷ niệm bùi ngùi. Đó là những trưa đi học về, bụng đói meo, nồi còn nóng nguyên mà cơm đã hết.
Lại những trưa nhà có khách ở quê lên, mẹ dặn trốn cửa sau chui bờ rào sang hàng xóm vay gạo. Ở nhà tôi, hàng năm cứ vào độ sau tết, chuẩn bị sang hè là hay có khách nhất. Trong số những người ở quê lên có ông ngoại. Mọi người bảo ông tôi số vất vả, một đời người ba lần vợ bởi hai bà đầu đều chết sớm. Khi tôi lớn lên, bắt đầu biết cảm nhận cuộc sống thì biết ông tôi sống cảnh vất vả của người đàn ông có vợ trẻ mà lại đông con.
Quanh năm bận mải, ông chỉ lên nhà con gái khi vào độ tháng 3. Cả năm ông mới lên nhà chơi một lần. Ngày thường ăn uống kham khổ, ông lên, thế nào mẹ tôi cũng mua ít thức ăn cải thiện. Đến bữa, bố tôi lại mang bình rượu rót mời ông. Nhấp một chút rượu, ông chậm rãi: “Bố biết anh chị cũng không có nhưng anh chị mượn hộ bố vài trăm cho các em đóng học với đong gạo.
Mùa lên, có thóc rồi bố gửi…”. Bố tôi “vâng” nhưng mẹ tôi thì im lặng. Xong bữa, mẹ nói dỗi: “Bố chỉ lo cho các con trai bố nhưng chẳng bao giờ bố thương, bố nghĩ cho con gái…”. Dù còn nhỏ nhưng tôi phần nào hiểu được ý tứ, tình cảm của người lớn. Mẹ tôi lớn lên trong khó khăn và thiếu thốn tình cảm, lại phải sớm tự lập, tình cảm của mẹ dành cho ông ngoại là thứ tình cảm vừa thương vừa giận.
Câu nói của mẹ làm không khí cuối bữa cơm như chùng xuống. Không kịp nghỉ giấc trưa, ông ngoại hấp tấp ra về. Bố tôi đèo ông ra bến xe, trước khi ra cổng tôi nghe tiếng bố buồn như một tiếng thở dài: “Bố biết tính nhà con nóng nảy, bố đừng để ý. Bố để chúng con tính, cuối tuần con về…”.
Tôi mãi mãi không thể nào quên hình ảnh ấy. Hai người đàn ông một đã già, một trung niên bên chiếc xe đạp cà tàng như tan nhoà trong nắng mới. Tôi nhìn theo, mũi cay xè. Quay vào nhà thấy mẹ đang với khăn mặt lau mắt. Thế là những ngày sau tôi thấy cả mẹ và bố đôn đáo chạy ngược chạy xuôi đi vay tiền để cuối tuần có tiền cầm về cho ông.
Xen giữa những ngày nắng mới tươi đẹp, những cảnh tương tự như thế diễn ra suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Đó là một nỗi buồn mơ hồ nhưng đầy ám ảnh trong ký ức của cô bé tuổi 9,10. Lần nào cũng vậy, ông về rồi, mẹ lại giấu bố và chị em tôi vào bếp lau mắt.
Mãi sau này, khi đã thực sự bước vào cuộc sống của một người trưởng thành, tôi mới hiểu mẹ, mới hiểu cái tình cảm khi mà người ta phải vừa giận, vừa thương một ai đó thì đáng sợ như thế nào. Đó là thứ tình cảm đeo đẳng, day dứt và đầy dằn vặt, nó làm con tim ta nhói đau khi nghĩ về người đó.
Những khi mệt mỏi, ta muốn chạy trốn khỏi thứ tình cảm ràng buộc đó. Nhưng những đêm thức giấc không thể ngủ lại, trong xót xa thương mình lại muốn thương người khác nhiều hơn. Tĩnh tâm mới hiểu, nếu con người không mang những trách nhiệm tình cảm sẽ rất chông chênh đi trong cuộc đời này, không biết mình là ai và đang sống cho ai!
Giờ đây, cuộc sống cả nông thôn và thành thị đã đổi thay nhiều, cảnh đói kém những ngày giáp hạt đang lùi dần vào dĩ vãng. Bóng những người đàn bà mò cua, bắt ốc trên đồng, những người đứa trẻ gầy gò cắp rổ tìm rau tập tàng, những người đàn ông khắc khổ bước vội trong trưa nắng… có lẽ sẽ chỉ ẩn hiện trong những giấc mơ hỗn độn và chắp vá. Những ngày giao mùa, về qua chợ, thấy cảnh chợ đong đầy, sầm uất.
Cam, táo đưa từ miền ngược về, xoài, bưởi từ miền nam ra. Bên hàng rau, xen giữa bắp cải, xu hào là rau muống, mùng tơi mơn mởn… Bọn trẻ bây giờ không còn biết đến cái đói mà hay mắc chứng biếng ăn.
Nhìn bọn trẻ, người lớn sẽ nói “ngày xưa…”. Bọn trẻ thì không thích người lớn so sánh “ngày xưa…”.
Nhưng ai cũng hiểu, có “ngày xưa” để có “ngày hôm nay”. Nhớ về những ngày nghèo khó để trân trọng và yêu thương hơn ngày no ấm hôm nay.
Theo Báo Thái Bình điện tử (baothaibinh.com.vn)
Bài báo chắc là được viết bởi một người con của Thái Bình, một tỉnh được xem là “quê lúa” hay “vựa lúa” của miền Bắc. Đây là tỉnh có diện tích nhỏ, hoàn toàn không có một quả đồi ngọn núi nào, mênh mông là cánh đồng có bay thẳng cánh.
Mình chỉ được đến Thái Bình đúng một lần cách đây đã mấy chục năm nhưng rất ngạc nhiên vì làng quê sạch đẹp lắm. Một trong số ít những tỉnh mà nhiều phong trào ở nông thôn thực sự là hiệu quả, từ giáo dục cho đến phát triển kinh tế (vì mình đến trực tiếp rồi nên hoàn toàn nhất trí về nhận định này).
Có bạn nào trong số các bạn quê Thái Bình không? Nếu có chắc hẳn khi về quê các bạn cũng sẽ đồng ý với mình là như vậy
Ai có thể ngờ mảnh đất này là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong nạn đói năm 1945, nạn đói kém đã khiến người dân Thái Bình phải tứ tán lang thang khắp nơi đến thành giai thoại đi vào ca dao
Thái Bình là đất ăn chơi
Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành
Ngày nay, Thái Bình không những giàu mà còn rất sạch và đẹp, xứng đáng là đất “ăn chơi” của xứ Bắc.
Và là nơi có nhiều người làm vườn có tay nghề tuyệt đỉnh (mình mê vườn tược nên đây là đặc điểm mình thích nhất ở cái mảnh đất này)
Chuyện, quê của Sơn Tùng và Mono mà. Hai anh em ca sĩ người Thái Bình đấy, đẹp trai khác gì (hơn chứ) các tài tử xứ Hàn đâu các bạn nhỉ ?
Tháng Ba,
Ở miền Nam ra đường một chút thôi đã cảm giác cháy da thịt,
bảo sao đất đai suốt ba bốn tháng dưới trời như rang thế không khô hạn, cạn kiệt cho được. Nghiêm trọng nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đảm bảo an ninh lương thực của cả nước.
Ngoài hạn còn là tình trạng mặn xâm nhập nặng vào đất liền ảnh hưởng đến diện tích lúa và nuôi trồng thủy sản của bà con. Năm nào cũng như vậy và những khắc nghiệt của biến đổi khí hậu dường như khiến tình hình hạn mặn mỗi năm một thêm nặng nề.
Không những mùa màng mà đời sống người dân còn lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước ngọt cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Ở Tp. HCM mình thấy tình hình nước nôi từ ngày mình vào đây hơn hai mươi năm rồi hầu như chưa bao giờ thấy có vấn đề gì lớn cả. Chứ ngày xưa mình sinh viên đã từng ở Hà Nội, vốn thường xuyên lâm vào tình trạng bị cắt nước nên rất thấm thía được nỗi khổ sở vì cái cảnh thiếu nước.
Đói khổ, ăn uống kém chất đi một xíu còn đỡ hơn là không có nước sinh hoạt. Khổ lắm các bạn ạ, nóng nực bẩn thỉu mà muốn vệ sinh cũng phải xếp hàng đến đêm có khi tảng sáng để hứng chút nước mà rửa mặt.
Không hiểu sao Hà Nội ngày xưa bị thiếu nước trầm trọng thế không biết, kiểu đã đi vào huyền thoại rồi ấy (mình không biết giờ sao, chắc cũng đỡ hơn rồi). May mà tình trạng này cũng chỉ gián đoạn chứ không liên tục và cũng chỉ trong một vài ngày thôi chứ không kéo dài.
Đằng này bà con miền Tây thiếu nước ngọt suốt mấy tháng mùa khô thì đúng là không nỗi khổ nào hơn. Muốn bám trụ bắt buộc họ phải mua nước với giá cắt cổ.
Gần đây có ý kiến đề xuất một trong những giải pháp tháo gỡ tình hình là “Đưa nước từ các dòng sông ở Đông Nam Bộ về Đồng bằng sông Cửu Long”
Tờ Tuổi trẻ hôm qua có phỏng vấn một chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam về vấn đề này và vị chuyên gia cho rằng giải pháp trên rất khó khả thi vì thực tế trữ lượng nước ở sông Sài Gòn nhỏ hơn nhiều, không thấm tháp gì so với sông Mekong trong khi đó Đông Nam Bộ lại là khu vực kinh tế trọng điểm công nghiệp lớn nhất nước, và vì thế cũng luôn đòi hỏi một lượng nước lớn cho nhu cầu phát triển
Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng mỗi năm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Con số này bằng một nửa tổng thu ngân sách của toàn vùng trong năm 2023.
Miền Tây thực sự rất rất cần một giải pháp thực sự căn cơ và đầy tính trách nhiệm xứng đáng với vùng đất có vai trò quan trọng nhất đối với nền nông nghiệp của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam
Cần nghiên cứu thay đổi để thích ứng với thời tiết cực đoan và địa chính trị trong tình hình mới ….Việc giải quyết nguồn nước cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải đồng bộ với định phướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất chế biến, dịch vụ du lịch và sinh hoạt, cần điều tra xã hội học, hạ tầng kỹ thuật lên kế hoạch định hướng lâu dài từ đó thấy được sự cần thiết, quy mô và tổ chức thực hiện một cách khoa học, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và đồng bộ với các điều kiện khác hạn chế rủi ro….
Đây là chương trình quốc gia liên quan đến nguồn lương thực thực phẩm, nông thủy sản cho vùng, cả nước và xuất khẩu. Tầm quan trọng rất tương xứng với việc đầu tư có chiều sâu và quy mô lớn.
(Vnexpress)
Nhật ký Skeleton
Mar 26,
Nói thật mấy nay mấy đứa bạn của tôi chúng cứ lải nhải sông sông suối suối hoài làm tôi cũng nóng ruột phải mò xuống mấy lô đất thân yêu của tôi, đơn giản vì chúng cũng rất gần ….sông :)).
Trời nắng chang, xe tôi dần ra khỏi vườn Địa đàng và trên đường tôi gặp nhiều xe tải lớn chở vật liệu xây dựng đi qua. Bụi bay mờ mịt và có cảm giác cái nóng cũng hóa gió Hỏa Diệm Sơn.
Nhưng kỳ lạ thay khi càng gần đến Lô số 1 :)) tôi lại càng cảm giác như có một làn nước mát mẻ phả vào mình. Điều này y chang khi bạn tiếp cận gần khu vực có biển ấy, không khí chuyển biến khác hẳn. Nghĩ mãi tôi mới phải à lên một tiếng khe khẽ: Đúng rồi, hơi mát là từ dòng sông rộng lớn, anh em hàng xóm với Vườn Địa đàng của chúng tôi.
Đây rồi, màu đỏ rực của cành hoa giấy sà xuống cả đất nhà tôi đã hiện ra trước mắt. Ấy nhưng tôi cứ phải nói đó không phải thơ tôi làm đâu :)). Tôi chán đỏ rồi, kêu đỏ mãi mà có thấy… thắm tí nào đâu :)), nguyên một năm đầu tư bao nhiêu chất xám nào văn thơ nhạc họa, rồi đại hạ giá bán như cho mà cứ đen xì xì ra chẳng ma nào thèm ngó ngàng gì cả :)) đến nỗi mà thằng bạn nào đó của tôi vì thương tôi quá nên nó nảy lòi ra làm thơ quảng bá hộ, chả biết rồi nếu thành công nó có đòi phí “cò” không nữa, haizza :))
Nên giờ tôi chuyển sang trắng, “áo em trắng quá nhìn không ra” :)).
Ồ, mà đúng rồi, tôi đang thấy thấp thoáng đâu đây bóng ba người áo trắng. Tưởng hoa mắt chóng mặt vì say nắng tôi phải tấp ngay vào cây trứng cá góc trái của lô đất, rụi mắt thật lực để mong mình không nhầm, sao ai nắng nóng thế này lại lảng vảng ở chốn khỉ ho cò gáy này thế nhỉ:
-Chào ông chủ đất. Lâu lắm mới thấy cậu xuống đây đấy!
Ôi tôi nhận ra rồi hai cô cậu minh tinh Văn chương của Vườn địa đàng mà tôi đã gặp lần trước, nhưng còn người bên cạnh lạ hoắc:
-Giới thiệu với cậu, đây là bạn của bọn tớ Campbell. Cậu ấy đang nghiên cứu đề tài “Khống chế sâu bệnh bằng các biện pháp tự nhiên ở các nhà vườn ngoại ô Vườn Địa đàng” nên hôm nay muốn theo bọn tớ xuống đây thăm vùng đất tràn ngập nắng gió tự nhiên này!
– Chào cậu Campbell!
Tự nhiên tôi thấy mát hết cả mặt. Đất nhà tôi có vẻ đắt sô ghê, toàn những là rồng phượng xuống thăm thế này mấy mà chẳng tăng giá gấp đôi gấp ba :)):
Tôi vui vẻ chào cậu bạn mới
-Tớ nghe danh cậu trong giới giang hồ đã lâu. Tuổi trẻ tài cao quá, sao cậu lại có thể sở hữu một mảnh đất lý tưởng thế này cơ chứ
Hết mắt lại đến tai tôi ù ù, đã lâu lắm tôi mới nghe được những lời vừa tai đến thế. Ngày nào cũng được thế này chắc tôi thoải mái ngày ăn 1 bữa mà vẫn khỏe như Thánh Gióng :))
-Cám ơn cậu Campbell, cậu quá khen!
-Không đâu Skeleton, từ ngày xuống khu này lấy cảm hứng sáng tác tớ đã cho ra đời được một tập truyện ngắn về các loài vật quanh đây rồi đấy
Giờ mới thấy nàng hoa hậu thủ khoa văn chương lên tiếng, người gì ít nói mà lại nhiều chữ thế không biết.
Tự nhiên tôi thấy tự tin hẳn, vứt mịa cái mũ cói vừa được ông chủ tập đoàn “Những người thích tiền” tặng cho đợt Tết, xuống gốc cây trứng cá cho đỡ vướng víu, tôi trở lại thành thằng Skeleton như xưa, hoa chân múa tay như một diễn giả Tedtalk trên bục giảng:
-Các cậu biết không, đâu phải là tớ ham mê gì cái nghề đất đai kiểu cò vạc này :)). Không, tớ đâu ham. Tớ chỉ muốn gây dựng thêm ít vốn ban đầu để có lực thành lập một nhà xuất bản sách của riêng tớ. Nơi tớ có thể có một chút dồi dào về kinh phí để mở ra và tài trợ cho các sáng tác của những người trẻ và thúc đẩy hoạt động Đọc và các hoạt động văn hóa khác liên quan tới Đọc.
Khổ đang đến đoạn cao trào xúc động mà tôi lại chẳng có khăn mùi xoa :))
Thế là nhanh như chảo chớp, nàng hoa hậu đã với tay ngắt cho tôi một cành lá hoa trứng cá, nhẽ nàng đã đọc thơ Issa
– Huhuhu, nhưng ai ngờ thị trường đảo chiều nhanh quá, tớ không kịp trở tay để bán ra. Vẫn còn may chán vì đây là tài sản của tớ tích cóp suốt mười mấy năm cuộc đời, nhịn ăn nhịn mặc ngày đêm chỉ nghĩ đến …Đất :)), ah, thật ra thì tớ có vay ngân hàng nhưng cũng chỉ ít thôi nên cuối cùng cũng thu xếp ổn thỏa. Các cậu nhớ nhé sử dụng đòn bẩy tài chính trong kinh doanh bất động sản luôn luôn chứa đựng rất nhiều rủi ro nên phải cân nhắc không thì có mà …ra đê mà ở.
-Thôi cậu đừng khóc nữa Skeleton. Tớ tin chắc qua cơn mưa trời sẽ sáng. Hôm nay gặp cậu tại đây tớ cũng rất vui. Vì cậu biết không tớ đang làm một đề tài để đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân vùng ven Vườn Địa đàng làm sao tìm ra giải pháp trồng trọt vừa hiệu quả lại vừa an toàn và bền vững. Và chính tớ cũng thử muốn làm một người nông dân xem sao nhưng cái ban công bé xíu nhà tớ nó không đáp ứng được.
Thành thử, Skeleton này, nếu cậu có lòng, mề, phèo, phổi….
Thấy cậu bạn Campbell ngập ngừng tôi đoán ngay ra ý của nó, các bạn biết đấy tôi Không phải dạng vừa đâu, vừa vừa vừa vừa vừa đâu :))
-Ôi Campbell à, cậu đúng là một kiểu mẫu nhà khoa học tương lai mà tớ vẫn ngưỡng mộ đấy. Cậu yên tâm đi, tớ có bán mảnh đất này cũng là để đi truyền bá kiến thức thì giờ cậu lại còn thực hành cả kiến thức như thế nỡ lòng nào tớ lại chối từ. Cậu cứ xuống đây, dùng mảnh đất này, à quên giờ gọi nó là mảnh vườn đi, mảnh vườn này mà làm nơi thử nghiệm. Tớ free cho cậu luôn, giả mà có người hỏi mua thì tớ sẽ cho cậu mượn lô thứ 2 của tớ, dù vị trí lô đó không được đẹp thế này đâu vì nó không có sông nước
-Ôi Skeleton ân nhân của tôi, sao đến giờ này tôi mới được gặp cậu vậy, ôi ông trùm Đỗ Nam Trung đây rồi
-huhuhu nhưng ông trùm này ngày được ăn có một bữa cơm à :)), mà bữa đó thì đã diễn ra từ sáng rồi huhuhu
Tôi không hề có ý gì đâu nhá :))
Gớm quá tí nữa thì cái lô đất Diamond cut diamond lại là nơi kết nghĩa vườn đào của những tư tưởng lớn gặp nhau:
-Thôi giờ thế này, để kỷ niệm ngày khánh thành vườn thử nghiệm dự án của bạn Campbell mình và cô bạn hoa hậu thân thiết của mình mời hai bạn đi ăn món ăn đặc sản cháo rau đắng cá lóc nha! Vì, hì hì, tiền thưởng đã tới! Tiền thưởng đã tới :))
Cậu á vương Văn chương nhặt cái mũ cói đưa tôi rồi cười tươi hơn cả mặt thằng William khi hát ca khúc “Benjamin Frankin’s Song” :))
-Cám ơn hai cậu nha! Mình cũng tặng nhà buôn sách, nhà cò đất từ thiện vĩ đại Skeleton cuốn sách thần thông của mọi tín đồ yêu môn sinh học” Biology” của Campbell. Tớ hy vọng cuốn sách sẽ là món quà hữu ích bổ sung vào kho tàng sách của cậu. Chúc cậu ăn nên làm ra, ngày càng phát triển tấn tới!
Lại đến lượt Campbell sụt sùi, khổ quá, giá trời đổ mưa có phải mặt mũi chúng tôi đỡ lem luốc không :)).
Sau buổi party hôm đó, trên đường về tôi cứ nghĩ mãi, giờ các bạn ấy có khu vườn đẹp đẽ rồi.
Tôi phải có cái gì đó cho nó đúng kiểu chứ nhỉ. Cái gì, cái gì?????
Và cuối cùng không thể có cái gì là hợp lý hơn.
Đúng rồi, tôi sẽ là, sẽ là…. Tân chủ tịch Hiệp hội thư viện Thành phố Vườn địa đàng
Ôi trời ơi, sao mà cái hội Những người thích tiền của chúng tôi lắm người làm to thế không biết?
Đúng là tuổi trẻ tài cao, flex tí nha các bạn, hôm nay ngày của tuổi trẻ mà :))
Giờ thi tôi phải nhanh chóng đi thông báo ý tưởng này với cái lũ bạn đang chết đói của tôi đây. Nghĩa đen đấy vì sắp đến giờ ăn tối dồi!!!!
Wish you a delicious dinner!