Khu vườn của mẹ vẫn như thế, mấy luống rau, giàn trầu không leo đầy bờ tường, cây na, cây mít, vài cây chuối.
“Năm nay mướp mất mùa con ạ, trồng mà bọ xít và rầy phá quá, hỏng hết”
Mẹ chỉ vào giàn mướp chỉ cong queo vài quả con con và đang lụi dần. Sau cơn mưa vài hôm trước, đất có độ ẩm và nước do trời ban mang đủ khoáng chất nên rau xanh rì và tốt um.
“Có bao giờ mẹ phải đi mua rau đâu, ăn của nhà còn không hết nữa. Đây con hái cho mẹ ít lá tía tô để mẹ đun nước uống”.
Mình với tay ngắt những chiếc lá tim tím và nghe thoang thoảng hương thơm của nước tía tô mà mình vẫn nấu uống ở nhà trong Sài Gòn khi mẹ gửi vào cho. Đó là tía tô đã được rửa sạch và phơi khô.
“Nước tía tô khô khi uống con sẽ có cảm giác thơm hơn nhưng nấu lá tươi lại có vị mát và ngọt của tinh chất dinh dưỡng vẫn còn đang ở trên lá”.
Trời về chiều. Những vạt nắng chói đã dịu đi hẳn, chỉ còn nhạt như màu mỡ gà rơi nghiêng xuống những tán cây. Trên cánh đồng phía sau khu vườn nước lõng bõng ngang thân lúa mọc dại (hay là cỏ ?).
Cửa sổ căn phòng xưa của mình trông qua cánh đồng này. Bây giờ thì được xem như là view “triệu đô” :)) chứ ngày xưa ở mãi trong những khung cảnh thiên nhiên thơ mộng như thế nên đâu có ý thức được sự tuyệt vời đó,
phòng học của mình trên tầng hai, và cửa sổ thì ở hướng Tây nên vào mùa hè gần như không thể ngồi nổi trong phòng. Ánh nắng gay gắt, khắc nghiệt sẽ nung nóng bức tường và toả ra một lượng nhiệt đủ để bạn mạnh dạn mở một phòng xông hơi tại gia :)).
Chỉ buổi sáng sớm và ban đêm là còn dễ chịu một tí, ít nhất những bàn tay khi vô tình áp vào tường cũng không đến mức như đang hơ trên mặt bếp lửa.
Sáng hè, mình hay ngồi ở cái bàn học nhỏ đặt sát khung cửa sổ và ngắm nhìn cảnh vật trước mắt. Gần ngay cửa sau là khu vườn xanh, với những cây nhãn và cây vải ở vườn nhà hàng xóm hai bên,
đang mùa quả chín, màu đỏ xen với vàng lúc lỉu đu đưa theo gió. Trước đây khi nhà mình mới chuyển đến khu này, vườn sau nhà mình và nhà bác bên cạnh không có bức tường ngăn cách nào cả.
Vườn nhà bác rộng kinh khủng, gấp mấy lần nhà mình nhưng bác không trồng trọt gì, cứ để cỏ mọc hoang. Mấy chú trâu, bò của những hộ nông dân ở mãi xóm trong đường lộ là mê cái vườn này lắm. Chúng thường xuyên được các cậu chủ – những đứa trẻ đã mười hai, mười ba nhưng người nhỏ xíu, loắt choắt, da đen nhẻm, tóc xơ đi vì dầm dãi nắng gió – dẫn vào đây gặm cỏ.
Mình khi đó cũng lớn rồi, học lớp 8, nhưng vẫn mê leo trèo. Mùa hè lại cùng chị gái nhà đối diện tìm đến cây roi (miền Nam gọi là mận) trong vườn nhà bác để vặt quả. Ăn không biết được mấy nhưng người thì lại chi chít vết bọ cắn.
Roi cũng là loài cây ưa thích của sâu róm và bọ lẹt, loại này mà chúng đốt thì phải biết, ngứa gãi đến lột cả da là có thật. Nhưng roi lại là loại quả hiếm hoi của mùa hè ăn vào cảm giác mát lịm (cả trong và ngoài).
Roi chứa nhiều nước nên dễ ăn. Những quả roi đủ màu, trắng, hồng, đỏ. Hình dạng thì như những quả hồ lô: loại thì hơi dài, loại lại tròn dẹt. Ngay cả cùi thịt của chúng cũng khác, có loại dày, có loại mỏng, có loại thanh, có loại lại ngọt đậm.
chúng mình bứt roi bỏ vào cái vạt áo, khi nào đầy thì buộc túm lại rồi rời vườn, kiếm chỗ nào mát ngồi đánh chén với muối ớt cay xè. Chua, cay, mặn, ngọt, chát xít cái gì cũng bỏ vào miệng cả, ngay cả lúc đói meo, chưa có gì chắc dạ trong bụng. Bảo sao sau này đứa nào cũng bị viêm dạ dày.
nhưng may mắn nhất là tất cả các loại quả ăn vô tội vạ ngày đó, cái gì cũng hoàn toàn tự nhiên, không có bất cứ một loại thuốc hoá học nào nên về cơ bản vẫn là lành.
Mình nghịch ngợm nổi tiếng khi bé, nhưng mùa hè lớp 8 cũng là thời điểm kết thúc cái trò lang thang bêu nắng suốt ngày của mình. Từ đó về sau, không hiểu sao mình không thích mấy cái trò leo trèo nghịch dại nữa. Tự nhiên thế thôi, có hội rủ cũng không đi, tính trầm đi hẳn.
Dù thế bạn bè suốt mấy năm cấp ba cũng vẫn “chơi” nhiều và có vô vàn kỷ niệm của cái thuở “Áo trắng em đến trường. Kỷ niệm buồn vui ngập tràn” :)).Ngồi suốt tối kể chuyện cũng không hết các bạn nhỉ?
Vải, nhãn gần tầm mắt mình nhìn từ cửa sổ. Xa hơn xíu, bên dưới là cánh đồng,
ngồi ở bàn học, mình có thể quan sát hết cảnh các bác nông dân cày cấy. Những tiếng bì bõm của trâu lội nước, của tiếng quát “họ, họ” của người thợ cày vang lên đến cả căn phòng nhỏ.
đàn ông thì rong trâu, đàn bà thì cắm mạ. Những hàng mạ non chẳng cần một cái dây căn chỉnh nào vẫn cứ đều tăm tắp và cây mạ dựng đứng chứ không xiên xẹo và muốn đổ rạp xuống mặt nước như mình đã từng làm khi còn nhỏ xíu ở nhà ông ngoại.
Sợ nhất là mùa đông, hình như sau Tết nguyên đán thì phải, rét mướt thế mà các bà các cô đã phải lội nước ngoài đồng để trồng lúa. Ống quần xắn quá đầu gối. Khăn vải quấn chặt tóc. Những chiếc nón trắng nhấp nhô trùm lên cho gió khỏi lùa vào tai. Họ cúi gập người và thoăn thoắt xỉa từng búi lúa trên tay và hạ xuống mặt đất-mặt nước.
Những cây lúa đang chập chững bước đầu tiên của quá trình tạo ra những hạt sữa trắng nõn, mây mẩy, là loại lương thực chính yếu của người Việt trong mỗi bữa ăn,
lúa chiêm được cấy vào mùa lạnh. Người nông dân ra đồng từ sớm và khi kết thúc công việc thì chân tay, môi miệng đều thâm lại vì gió rét, vì dầm mình lâu trong nước lạnh,
nhưng đến mùa gặt thì lại rơi vào cái nắng hè như đổ lửa.
tháng Sáu, lúa chín vàng khắp các ngả đường,
Em đi giữa biển vàngNghe mênh mang trên đồng lúa hátBông lúa chín thoang thoảng bayLàm lung lay hàng cột điệnLàm xao động cả rặng cây
Mỗi khoanh ruộng sau cánh đồng nhà mình nhỏ lắm, cũng như vùng đồi thì không có kiểu ruộng lúa cò bay thẳng cánh như dưới đồng bằng đâu. Vì các cánh đồng đã bị chia tách bởi những triền đồi. Cứ trập trùng như thế: Đồi cao- Xuống dốc thoai thoải- Lại đến một vùng đất trũng hẹp.
Đó là kiểu dáng địa hình trung du điển hình. Đất trung du thích hợp với những loại cây như chè, phi lao, bạch đàn, mít, dứa…đất rộng, người thưa nên cuộc sống con người rất thoải mái. Bước ra khỏi cửa là đã có thể tìm thấy cái ăn rồi, vài cặng rau, vài loại trái cây vườn nhà và gia cầm thì khỏi chê.
Gà đồi cứ là nhất, thịt vừa thơm, vừa săn chắc lại ngọt đậm đà. Ấy là do gà có đủ chỗ để tung tăng bay nhảy thoải mái, thức ăn lại vô biên cương, đến tối có khi chẳng cần chuồng trại gì cho tù túng. Chúng cứ ào ào nhảy lên cây, đánh một giắc,
và chờ bình minh tới để cất lên tiếng hát:
Ò… ó… o…
Ò… ó… o…
Tiếng gà
Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
