“Những đêm kỳ diệu
Theo sau một bàn thắng
Dưới bầu trời
Của một mùa hè Italia
(Mùa hè Italia – Un’estate italiana)
Vào những năm chẵn, trong giấc mộng đêm hè xưa kia (với mình) không thể thiểu giấc mộng về những chiến thắng của đội tuyển mang biệt danh “cơn lốc màu da cam” Hà Lan, đội bóng mà mình hâm mộ nhất.
Euro và World Cup được định kỳ tổ chức 4 năm một lần, đan xen nhau, nên cứ hai năm chúng ta lại được thưởng thức những trận cầu ở dạng đỉnh cao, với tất cả sự háo hức, mong chờ ở cái thời mà không có cái gì phát trên truyền hình mà bị bỏ qua :)).
Năm 1988, cả chục dãy tập thể dành cho công nhân Gang Thép trên khu đồi M nhà mình mình không nhớ là đã có nhà ai có ti vi chưa. Nhưng Euro năm đó thì dù đã qua vài năm vẫn được các chú các bác kể đi kể lại khiến mình không thể không lưu tâm.
Họ kể về lần may mắn của Hà Lan, đất nước của các con đê biển và kênh đào chằng chịt, sau nhiều lần thất bại đầy tiếc nuối trên đấu trường World Cup vào hai năm 1974 và 1978, thì cuối cùng cũng đã chiến thắng được định mệnh.
Và đó cũng là lần duy nhất Hà Lan có cơ hội gương cao chiếc Cúp ở môn thể thao Vua, dù cho họ luôn là đội bóng có lối đá tổng lực đẹp mắt và chưa bao giờ thiếu những ngôi sao có thể làm nên lịch sử.
Mình chả biết sao mình lại yêu thích Hà Lan đến thế, thực sự là không biết, có lẽ chỉ có thể giải thích kiểu như Xuân Diệu giãi bày nỗi buồn qua câu thơ “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, thì ở đây mình yêu mến Hà Lan cũng thế “tôi thích chả hiểu vì sao tôi thích” :)).
Bởi vì đá hay và đạt nhiều thành tích thì thiếu gì. Này, đội tuyển Ý nhá, khiếp toàn các anh chàng đẹp trai như được tạc tượng, số lần giành huy chương vàng ở WC và Euro thì nhiều vô biên cương;
rồi đội tuyền vàng xanh với điệu nhảy Samba huyền thoại Braxin nhá, ôi giời, họ ngoài có ông vua bóng đá lại có cả người ngoài hành tinh nữa, chưa hết họ còn càn quét khắp nơi, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác, họ là những nhà vô địch nhiều lần nhất thế giới;
rồi đội tuyển Argentina với siêu sao huyền thoại mang “Bàn tay của Chúa” Maradona cũng khiến rất nhiều những con tim yêu trái bóng tròn phải loạn nhịp mỗi khi những cầu thủ của họ tiến ra sân. Dù sao thì họ cũng đã ba lần giành chiếc Cup thế giới danh giá.
Và còn nhiều nữa những anh tài.
Nhưng suốt gần mười năm thực sự là biết xem bóng đá (từ năm mình 10 đến năm 18 tuổi) mình chỉ chết mê mỗi cái anh chàng mà bất cứ khi nào ảnh xuất hiện trên sân thì có cảm giác cả khán đài ngập tràn một màu da cam, rực cháy như những ngọn lửa.
Năm 1988, Hà Lan có bộ ba huyền thoại Ruud Gullit – Frank Rijkaard – Marco Van Basten và bốn năm sau bộ ba này vẫn tiếp tục được sử dụng trong Euro 1992. Nhưng lịch sử thì khó mà có thể được lặp lại, họ chỉ đi đến được trận bán kết thì phải dừng.
Năm 1992, bắt đầu lác đác một số nhà có tivi ở dãy tập thể của mình và mùa hè năm đó bố mẹ mình cũng cố gắng mua một chiếc tivi đen trắng cho cái chân chạy là mình đỡ buổi tối phải nhảy khắp nơi xem nhờ ti vi :))
Cái vụ đi xem tivi nhờ cũng hay các bạn ạ. Mình nhớ nhất là mỗi buổi tối thứ bảy, trên chương trình sân khấu của Truyền hình Việt Nam đều chiếu một vở sân khấu nào đó, hoặc là kịch nói, tuồng, chèo hay cải lương.
Bọn trẻ con mình tối đó sẽ không chơi nghịch muộn nữa mà dừng sớm để rủ nhau qua nhà hàng xóm ở dãy đằng sau xem. Nàng Sita, Đồng tiền Vạn Lịch là những vở mình nhớ nhất hay các nghệ sĩ rất quen mặt trên màn ảnh như Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Minh Vương, Lệ Thuỷ…
Chỉ có điều là đi xem sân khấu nhờ, lúc đến nhà gia đình có tivi thì đứa trẻ nào cũng háo hức, tranh thủ đến sớm để giành chỗ ngồi trên đầu cho dễ xem nhưng giỏi lắm gần như đứa nào cũng chỉ theo dõi được đến một nửa hay 2/3 vở diễn là đã lăn quay ra …ngủ :)).
Đến khi kết thúc rồi, các cô các chú phải làm nhiệm vụ lay mãi thì cái lũ trẻ nghịch như thần mới choàng tỉnh dậy, mặt vẫn ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở mà vẫn đủ tỉnh táo để hỏi được những câu rất ngây thơ …cụ kiểu như: Sao mọi người lại để cháu ngủ mà không gọi cháu dậy xem? :)), và niềm tiếc nuối còn được thể hiện bằng việc phải hỏi cho ra lẽ cái kết của vở kịch đó là như thế nào rồi mới lò dò về nhà.
Khiếp, thế nên nhà ai mà đến thời điểm sắm được cái tivi thì người mừng nhất là cái lũ trẻ con :)). Suốt ngày chúng sờ sờ mó mó, vặn cái này vẹo cái kia cho thoả chí tò mò. Ban đầu chỉ là tivi đen trắng thôi và rất hay bị mất sóng. Cứ mỗi lần thế lại ra cái cây tre sát cửa nhà, nơi treo bộ anten bắt sóng để điều chỉnh sao cho nó chỉ về hướng dễ tiếp nhận tín hiệu nhất.
Năm 1992, là năm lần đầu tiên mình được xem trực tiếp một trận bóng đá. Không hiểu gì nhiều mấy, nhưng vì đã nghe nhiều đến Hà Lan nên chỉ biết ủng hộ “Cơn lốc màu da cam” một cách rất vô tư. Lúc đó mình chỉ ấn tượng nhất đến mái đầu xoăn tít của anh chàng Gullit và hơi có chút buồn với thất bại của Hà Lan.
Năm 1994 thì nhà mình đã không còn ở khu tập thể chứa chan bao kỷ niệm nưã rồi. Ti vi lúc này đã phổ biến hơn, gần như nhà nào quanh mình cũng đã sắm cho mình được một chiếc tivi đen trắng. World Cup năm đó diễn ra ở Mỹ, một đất nước không mấy mặn mà với môn thể thao Vua và do lệch múi giờ nên nhiều trận đấu năm đó diễn ra rất muộn theo giờ Việt Nam.
Nhưng dù phải thức dậy lúc 2, 3 giờ sáng mà có Hà Lan đá thì mình cũng vẫn vô tư. Đồng hồ báo thức chỉ cần reng lên một tiếng là đã bật ngay dậy, mắt mở thao láo chăm chú theo dõi không lơ là một giây.
Hà Lan năm đó có Dennis Berkamp rất nổi cùng hai anh em sinh đôi là Frank và Ronald de Boer và nhiều các cầu thủ tài năng khác. Nhưng cũng như rất nhiều lần trước đó, họ chỉ đi đến được đến tứ kết thì phải dừng lại.
Với mình, Hà Lan dừng có nghĩa là World Cup cũng dừng :)), không làm sao lấy được cảm hứng xem bóng đá tiếp nữa, ai vô địch cũng rứa cả thôi :)).
Năm 1996, thằng em trai mình cũng đã lớn, 10 tuổi, và vì vậy cũng đã biết xem bóng đá. Chả hiểu sao, bằng cách nào đó có lẽ là do huyết thống nên nó cũng si mê Hà Lan như mình dù mình không hề dụ dỗ nó:)). Xem bóng đá với mình, lúc này đã vui hơn nhiều vì có nó ngồi xem bên cạnh.
Cũng như mình, không có trận Hà Lan nào mà nó bỏ.
Bóng đá là một bộ môn tập thể cho nên khi thưởng thức nếu theo kiểu tập thể (ít nhất 2 ngừoi cũng được coi là số nhiều, mà nhiều hơn đến 200 người thì càng tuyệt, hay hơn nữa là 20.000 người thì độ bùng nổ mới gọi là đã, tức là xem trực tiếp trên sân vận động ấy) lại càng say mê.
Mình và nó vừa xem vừa bàn luận và dự đoán đủ thứ trên sân đấu. Mẹ mình cũng rất tâm lý, hôm nào mà biết chị em xem bóng đá là cũng luộc một nồi lạc sẵn để lũ con khi xem bóng có mồi nhấm nháp :)).
Tháng sáu, tháng của mùa bóng đá và cũng là tháng của mùa lạc!
Giờ bóng lăn hay diễn ra vào đêm khuya nên dễ đói, có thể làm giảm sút chất lượng xem :)) nên tốt nhất là phải chuẩn bị trước đồ ăn cho đảm bảm sự tập trung và đủ sức mà hú hét, nhảy múa cho thoả niềm đam mê!
Thế nhưng, hai chị em lại tiu nghỉu vì Hà Lan cũng chỉ đi đến tứ kết. Đội tuyển Đức vô địch, mình nhớ lần đầu tiên mình nghe đến biệt danh “cỗ xe tăng Đức”.
Năm 1998, World Cup tổ chức tại Pháp. Năm đó, âm nhạc của World Cup tại Pháp gây ấn tượng mạnh vì bài hát sôi động, đầy tinh thần bóng đá “The Cup of Life” của ca sĩ người Latin Ricky Martin. Sau “Mùa hè Italia 90” thì đây có lẽ là bài hát về bóng đá được nhiều người yêu thích nhất.
1998, mình học lớp 11 và lớp mình cấp ba cũng có một bạn nữ si mê đội tuyển Hà Lan y như mình, thậm chí mình nghĩ còn hơn cả mình. Bạn có nhiều chiếc áo màu da cam, cả quần nữa, để diện cho đúng với màu sắc của đội tuyển của thứ bóng đá đẹp này.
Mình không biết bạn có xem tất cả các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ giải World Cup không hay chỉ xem mỗi đội tuyển Hà Lan như mình, nhưng không quan trọng, cứ có người cùng sở thích như mình là đã vui lắm rồi.
Cứ mỗi lần Hà Lan thắng là chúng mình vui như địa chủ được mùa mà Hà Lan thua thì chúng mình có thể khóc được. Buồn phải mất mấy ngày sau.
Năm 1998, Hà Lan cũng được nhận định là rất mạnh. Họ có nhiều cầu thủ làm mưa làm gió ở giải Ngoại hạng Anh. Tuy vậy, bất chấp điều đó, bất chấp họ luôn có vô số các cầu thủ cực kỳ tài năng, và đội ngũ cổ động viên đông đảo và cuồng si bậc nhất châu Âu thì họ cũng luôn bị dừng lại trước bao nhiêu nỗi tiếc nuối.
Một trong những nguyên nhân được các nhà phân tích đưa ra là tinh thần thi đấu của tuyển Hà Lan không mấy khi ở trạng thái tốt do những mâu thuẫn, lục đục nội bộ bên trong đội bóng. Họ là đội tuyển gồm nhiều cá nhân giỏi, nhưng thiếu đoàn kết. Các ngôi sao thường mang cái tôi cá nhân rất cao vào mỗi trận đấu.
Mà một môn chơi mang tính tập thể như bóng đá, rất khó có thể đạt được danh hiệu đỉnh cao nếu không có sự đoàn kết của mỗi thành viên trong đội tuyển.
Sức mạnh của đoàn kết, có lẽ không chỉ đúng trong bóng đá.
Những năm 2000 trở đi, mình đã lớn và rời xa nhà từ đó. Niềm say mê xem bóng đá cùng đội tuyển Hà Lan không hiểu sao càng ngày càng vơi. Mình ít xem bóng đá hẳn và trong hai chục năm gần đây thì giải đấu duy nhất mà mình xem là giải mà tuyển Việt Nam thi đấu ở Thường Châu, Trung Quốc.
Bóng đá, với mình, có lẽ chỉ là môn thể thao của một thời thanh xuân xa xăm!
Và trong đôi mắt bạn
Khát khao chiến thắng
Một mùa hè
Thêm một cuộc phiêu lưu nữa
(Mùa hè Italia – Un’estate italiana)
