1.
-Này, mụ già viết truyện gì mà bọn trẻ chúng nhao nhao lên thế? Ngôn tình hử ? :))
Mụ bạn đấy, mụ cắm mặt suốt ngày với bảng kê: Hôm nay, ngày 17 tháng 4 năm 2024 giá cả hàng hóa khiếp quá: đi chợ mua hết 10.000 hành ngò; 120.000 xương heo; 30.000 rau muống; 20.000 cà chua; 70.000 hai lát cá thu’ về nhà đóng 800.000 tiền điện (vị chi tăng 200.000 so với tháng trước); 200.000 tiền nước…rồi tương cà mắm muối, rồi xăng cho xe pháo.
Chỉ có Thơ …Tiền mụ mới đọc chứ Tình bảo mụ đọc mụ chả mắng mình như mắng con :))
-Giời ạ, già rồi, răng sắp rụng đến nơi rồi còn bày đặt ngôn tình :)). Chém gió thì cũng vừa vừa phai phải thôi má :))
-Bà nhìn ra ngoài đê, trời này có tí gió nào không mà bà bảo tui chém. Chứ có là tui thề sẽ hô mưa để giải cơn hạn :)) cho nó oai, biết đâu lại có đại gia tặng thưởng kho báu:))
Nói chứ mấy hôm nắng nóng đau đầu quá viết không vô các bạn ạ. Viết xong cảm giác không ưng, vớ vẩn quá lại xóa hết đi dù mất bao thời gian ngồi lạch cạch. Không biết người khác đọc thế nào (hay dở là tùy cảm nhận) nhưng trước tiên những thứ mình làm thì mình cũng phải tương đối hài lòng đã. Chứ tự mình đã cảm giác lợn cợn rồi thì thôi, vứt cmn nó đấy mà đi xuống sân ngắm hoa lá cành cho nó thoáng cái đầu.
-Ơ cô Daisy con tưởng cô mấy nay đi tìm công thức gọi mưa, thế ra cô vẫn ở thành phố à? :))
Haizza, bọn trẻ này nó tinh lắm, không cái gì qua mắt được chúng. Mới vắng mặt mấy bữa mà chúng đã lo không có người réo gọi nữa thì có lẽ “cụ xứ” sẽ định cư vĩnh viễn trên đỉnh núi quanh năm mây mờ bao phủ mất thôi :)).
Lúc đó thì chỉ tội nghiệp thằng William, thơ thì không bán được, sư tử thì đã tuyên bố thẳng với nó rằng cái gì cũng có giới hạn – đợi chờ cũng vậy, không ai đợi cả đời được :)), bộ quần áo com lê chú rể đắt tiền đã đặt từ lâu mà ngày nào cũng phải mang ra ủi không nó nhàu nhĩ tiền đâu mà mua mới.
Khó khăn thật trăm bề nào ai có thấu!
-Ồ, chào Skeleton, sao bữa nay lại lạc sang phố này thế hả con ?
-À , tại con thấy cái lô đất trống trước nhà cô hôm nay hình như họ động thổ nên con cũng muốn đến để “xin vía” may mắn cho lô số 1,2,3 của con cũng nhanh chóng tìm được chủ nhân. Nói gì nói, muốn khởi nghiệp thì cũng phải có ‘tư liệu sản xuất” chứ tay không bắt giặc sao được cô!
Lại đất, quên không hỏi nó ngày đã nâng được lên 2 bữa ăn chưa mà tối ngày chỉ nghĩ đến Đất thế thì mới nhớ ra là nó vừa có tài trợ từ Ngài Mắc Cọp.
– Uh, con nói phải. Thế nhưng giờ vốn chưa lo được thì con chịu khó về chăm chút cho lực lượng lao động tốt lên đi. Kém cái này thì phải nâng cái khác để bù vào.
-Dạ vầng. Bởi vậy con cũng phải ra chỉ tiêu cho mình cô ạ. Đây cô nhìn cái mũ của con nè, những dòng chữ in trên đó là target hàng ngày của con đấy:
TARGET HÀNG NGÀY CỦA SKELETON
Đồng chí GIÁM ĐỐC Skeleton (tương lai) luôn nghiêm túc tuân thủ lịch làm việc đều như vắt chanh, không ngày nào không cố gắng đạt:
Buổi sáng: 1 bài ĂN (cả bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết không thiên vị cái gì cả)
Buổi chiều: 1 bài Tán
Do Thầy Romeo ra đề, nghe nói nhờ thường xuyên giải các bài Hình học khó, loằng xì ngoằng cỡ ngang trình giáo sư Bảo Châu mà giờ đây thầy đã tìm ra phương pháp phá tan dải băng trôi trên biển Đại Tây Dương để đến được chân lý “Đường vào tim em không băng giá”. Và chỉ một tháng nữa thôi, khi Vườn Địa Đàng vào mùa mưa thời tiết mát mẻ thầy Romeo và cô Juliet sẽ chính thức “Về chung một nhà”.
Đấy là cái lợi của giỏi Toán các bạn ạ. Khổ quá, làm thằng William cứ là ngưỡng mộ thầy Romeo hết sức. Đến mức mà sáng nay nó tuyên bố là nó đã phát minh ra một mệnh đề Toán học để đời, xứng danh ghi vào sử sách:
GIỎI TOÁN ⇔ GIỎI TÁN
rồi nó còn viết lên bảng nữa. Ai dè nó viết to quá đến nỗi mà cô Giám thị Phượng Thư tình cờ đi ngang qua cửa lớp tôi và dù không mang kiếng cận mà cô cũng soi ra được từng chữ. Thông báo thêm, cô cận tận 10 độ lận
-Cái gì đây hả thi sĩ William ? Tôi nghe thầy Romeo nói Toán anh vừa mới xơi con ngỗng xong chắc anh vui quá nên mới sáng tạo ra thứ này chăng?
-Dạ. Đấy là điểm gốc, con còn có điểm cộng nữa mà thầy chưa thêm vào thôi.
-Anh chỉ giỏi lý luận, rồi giờ anh lên bảng sửa lại cho tôi mệnh đề trên
GIỎI TÁN ⇔ GIẢI TÁN
Vậy nha các anh chị, xin mời các anh chị giải tán về chỗ ngồi để giữ im lặng cho các lớp khác còn học bài. Còn anh William, thơ thẩn của hội nhà các anh sao mấy nay im re bà rè vậy ? Các anh cứ mải miết đi tìm kho báu đâu đâu ấy mà không tập trung vào nhiệm vụ chính gì cả? Phải làm thì mới có ăn nghe chưa? Không có kho báu, kho vàng nào hết ấy. Còn các anh các chị cứ tin thì tôi chỉ cho một nơi giàu hơn kho báu nè, tôi mời các anh chị đến luôn không phải đi tìm
PHÒNG GIÁM THỊ HẮC ÁM PHƯỢNG THƯ
Nghe xong cả lớp tôi chả ai nói một lời, im hết cho đến khi bóng phù thủy Phượng Thư khuất sau hành lang. Lúc đó chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Buổi tối: Mỗi tối làm một bài Ther 🙂 theo yêu cầu của Ban quản trị Hội Thơ Trẻ.
Tháng này chúng tôi tranh cãi gay gắt nên chọn hoa gì làm chủ đề. Thằng thì yêu cầu hoa loa kèn, thằng thì thích phượng, thằng lại kêu thời buổi này cứ hoa Đồng tiền là đẹp nhất :)).
Haizza, gay lắm chứ chả đâu, các bạn tưởng làm sếp mà dễ à, chín người mười ý ung hết cả đầu mà sao thằng William lúc nào nó cũng giữ được vẻ lịch thiệp thế không biết.
Cuối cùng chúng tôi phải bốc thăm. Và các bạn đoán thử Hoa gì làm chủ đề của Hội thơ chúng tôi tháng này ? Nếu khó quá thì tôi có một quyền trợ giúp cho các bạn đây, dễ lám, hãy trả lời câu hỏi
Tại sao nắng nóng thế này mà cụ xứ vẫn cứ thích phăm phăm xuống núi? :))
2.
Sáng sớm, ra ngoài lộng gió mát ghê hồn:
-Nhà cô trên chung cư này hử?
Một chị cỡ hơn mình 5-7 tuổi, nước da sạm nám, mặc bộ quần áo bảo hộ lao động, đầu vấn cái khăn vải, loại khăn vuông mà ở quê mình các bà các cô hay dùng làm dây quai nón, vừa vui vẻ vừa tháo cái nón đã ngả màu của chị để xuống gốc cây.
Mình đoán chị làm trong đội xây dựng của cái nhà đang xây mà thằng Skeleton vừa mới xin vía :)).
-Dạ vầng
-Ngày nào tôi chả thấy cô chạy xe qua đây
-Nắng nóng thế này chị làm cực lắm nhỉ. Trời này có khi chuyển sang thi công tối và sáng sớm thì hơn chứ ban trưa nóng dễ xỉu thật.
-Năm nay nóng quá cô ạ. Nhưng có việc là mừng rồi, tôi đã ở nhà mấy tháng mà chẳng có công trình mà làm
-Sao chị không đi làm xí nghiệp cho đỡ cực?
-Có chứ cô. Tôi làm cho xưởng may tư nhân nhưng hai năm trước xưởng may phá sản, chỉ những đứa thanh niên còn trẻ thì chúng còn tìm được việc chứ cỡ gần năm mươi như tôi ai mà nhận. Thế là phải theo công trình của ông chồng, hơi vất tí nhưng làm riết cũng quen.
Mình ngồi tám chuyện đủ kiểu với chị một lúc thì một tốp thợ đến. Đã đên giờ chị phải đi làm việc của mình. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tuổi đã lớn, không biết lấy đâu ra sức lực để làm toàn những công việc rất nặng nhọc bưng gạch đá, sắt thép… giữa cái nóng như đổ lửa trên bốn mươi độ ở ngoài trời như thế. Quá vất vả, thân hình họ cứ quắt lại, già hơn tuổi và đượm vẻ lam lũ.
Mình tính rẽ vào cái cửa hàng tiện lợi ngay đối diện cái cây “Begin again” mua một vài thứ nhưng nghĩ còn sớm nên đi thêm đoạn nữa ra hướng chợ xem có tôm tươi gì không mua ít về rang ăn cơm với rau muống luộc.
Trời nóng, mấy món này dễ ăn. Ngày xưa ở nhà ông mình cơm chỉ có rau muống vườn nhà, quả cà muối, miếng đậu phụ luộc và tương bần do ông tự làm mà có lần mình ăn hết năm bát cơm. Nói ra chắc nhiều bạn trẻ giờ lăn đùng ngã ngửa, ăn éo gì ăn lắm thế!
Phải công nhận sao ngày xưa ăn cơm giỏi thật, mấy thằng bạn mình nghe đâu chúng nó còn bảo chúng ăn được bảy bát. Giờ lũ trẻ nghe ăn từng đó chắc chúng xỉu luôn, ngay chính bản thân mình cũng thế nữa là, hai bát là maximum rồi, không hơn được.
Chắc do xưa kia, trẻ con thì nghịch ngợm chạy nhảy nhiều, như giặc. Không phải chạy nhảy trong cái không gian hẹp tí như cái hộp diêm là không gian sống của phần lớn thị dân, mà là chạy giữa cánh đồng bao la bát ngát. Trèo cây, bơi sông, leo đồi….mệt phờ râu ra, mất nhiều sức nên nhanh đói. Lúc đó đúng kiểu ăn cơm nước mắm cũng thấy ngon, chứ đừng nói là có thức ăn.
Ông ngoại mình trước là chủ nhiệm nhà ăn của một xí nghiệp luyện kim nhà nước. Nên ông nấu ăn ngon thì đúng là nhất, với mình không ai bằng. Các món kinh điển của ông mà đã đi suốt tuổi thơ của mình là:
-Cà muối, muối nén theo kiểu quê Nghệ Tĩnh của ông, quả cà cứ quắt teo lại nhưng đậm đà và để lâu được cả mấy tháng, khác với kiểu muối xổi của miền Bắc;
-Tương bần: Chấm với rau muống luộc thì thôi, ngon phải biết. Tương ông làm vị rất thơm ngọt đậm, bùi béo. Loại tương này dùng kho cá cũng rất ngon
-Cá chép, trắm kho: Ông kho y kiểu cá kho làng Vũ Đại, tức là lửa liu riu, 4-5 tiếng đến xương cũng phải mềm. Thi thoảng, ông cũng hay cho vào thêm với chuối xanh hay khế chua. Mình mà ăn được nhiều cơm cũng là do món cá kho này của ông.
-Chè kho đậu xanh: Món này ông hay làm vào dịp Tết
-Trứng gà chưng: Trứng ông trưng làm sao mà không bao giờ khô, có độ sệt nhưng lại không tanh, rất thơm và mềm.
Đứa cháu là mình thì chỉ ăn là giỏi :)) nên toàn thích vào nhà ông chơi vì mỗi lần vào ông đều làm cho bao nhiêu đồ ăn ngon. Cá thì toàn cá tươi bắt từ ao lên, cua thì mò ngoài đồng, những đặc sản đầy ‘thương nhớ đồng quê’.
Còn bà thì luôn đi chợ từ sáng sớm mua đủ thứ trên đời nhồi cho cháu cứ là béo quay: Bánh cuốn, bánh rợm (bánh nếp), bánh tẻ (bánh giò), bánh rán,…
Bởi vậy, bà ngoại mình rất sướng. Sống cùng ông gần 60 năm bà chưa bao giờ biết vào bếp nấu bất cứ món gì. Bà không nấu ăn bao giờ cho đến khi ông mất. Ở tuổi 85 lần đầu tiên bà mới biết cắm nồi cơm điện và luộc trứng.
Vì từ nhỏ ở nhà bà cũng không phải làm việc nhà. Gia đình bà cũng thuộc dạng có của ăn của để thời phong kiến và bản thân bà lại là con út trên có đến sáu người anh chị. Bà được thừa hưởng tố chất sáng dạ, trí nhớ tốt khủng khiếp, minh mẫn cho đến tận lúc mất, khi đã gần trăm tuổi.
Ngày mình nhỏ, bà thường kể cho mình nghe bao nhiêu là những câu chuyện về thời xửa thời xưa, với nhiều tích văn thơ cổ. Bà đẹp theo kiểu con nhà khá giả: Da trắng, gương mặt trái xoan, mũi thẳng, tai dài dày, ánh mắt cương trực, dáng thanh mảnh, ngón tay búp măng dài. Ngũ quan rất đẹp, mẹ mình cũng không bằng.
Bà có mấy anh chị em thì ai cũng đẹp như bà hoặc hơn bà. Con cháu họ cũng nhiều người học hành thành tài. Mình nhớ ngày mình bé xíu có một anh học trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) xong được đi dự trại hè ở Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức). Mẹ và bà mình cứ nhắc suốt, sau này mình nghe nói gia đình anh cũng đã định cư ở nước ngoài.
Còn ông ngoại mình vì nhà quá nghèo nên phải lìa xa gia đình từ nhỏ, kiểu như cái Tí con nhà chị Dậu. Ông đi ở đợ cho một nhà giàu trong làng và bị người ta đổi họ luôn, từ Nguyễn sang Trần. Thuộc vào tầng lớp những người cùng khổ, có phải thế chăng mà ông có sự thấu hiểu sâu sắc về những nỗi khổ của một kiếp người. Và hiền thì đúng nghĩa như cục đất, nhân từ không khác gì cha Myriel của những người khốn khổ.
Hiền đến người nghiện, kiểu người được xem như bỏ đi ở quê vì bao người hắt hủi, cũng phải cảm động.
Chuyện là ở cạnh nhà ông mình có người hàng xóm có một trong những người con bị nghiện nặng. Một đêm, ông ta đi chơi bời lang thang về khuya (thanh niên ở quê ngày xưa đi chơi vất vưởng đêm khuya là bình thường) nên bố mẹ hắn không mở cửa cho vào.
Đêm hôm đó lạnh, chẳng biết đi đâu thế là ông ta sang gõ cửa nhà ông mình xin ngủ nhờ. Ông mình không từ chối đâu, ông chả mấy khi nói Không với những gì kiểu như thế. Ngày xưa các cụ sống vô tư đến mức kinh ngạc. Sống nghèo khổ nhưng liêm khiết và không bao giờ có một chút tư lợi gì cả.
Ông con hàng xóm nghiện đó trước đây đã luôn quý ông mình rồi vì ông tuy nghèo nhưng hay cho hàng xóm cái này cái kia, những đặc sản vườn nhà (hàng xóm ngày xưa thân thiết đến ngày nào chẳng sang nhà nhau chơi, kiểu như chỉ rít điếu thuốc lào rồi về) , sau đợt đó ông ta coi ông mình còn hơn cả cha mẹ ông ta.
Ông ta sau đó, lúc tỉnh táo vẫn hay sang giúp ông mình rãi lúa ra sân khi trời nắng (phơi lúa) hay thi thoảng lại sang vườn cùng ông tưới rau. Chủ yếu có người nói chuyện cho vui.
Sau đó một thời gian ông ta bỏ nhà vào Tây Nguyên và vài năm sau thì gia đình nhận được tin báo vào gấp trong đó để nhận xác. Người con của họ đã chết.
Ông ta chết vì nghiện hay vì đánh nhau hay vì cái gì khác mình không rõ. Cả một đời trai trẻ sống trong vô nghĩa và chết cũng vô nghĩa.
Một thân phận trong bao nhiêu thân phận buồn bã như những cơn mưa phùn trong chiều Đông ảm đạm và buốt giá,
của những thanh niên khốn khổ vì cơn cuồng phong ma túy ở thập kỷ 90, quê mình.
Có điều may hơn bây giờ, là nghiện ngày xưa lành hơn vì thuốc phiện ngày xưa “lành” hơn và thật hơn. Bây giờ ma túy toàn là loại ma túy tổng hợp, kiểu ma túy đá, nó tác động vào hệ thần kinh rất kinh khủng khiếp, gây ra những ảo giác để người nghiện thực hiện những hành vi tàn độc đến không còn một chút tính người.
Nên các bạn trẻ có làm gì thì làm, tuyệt đối tránh xa tất cả các thể loại ma túy. Đừng bao giờ cho phép mình mềm yếu dù chỉ một lần.
Nếu không gần như cuộc đời các bạn sẽ hoàn toàn vứt đi, thảm hại y như người thanh niên hàng xóm nhà ông mình năm xưa.
Bà mình hàng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, trước đây bà có đi làm công nhân cho xí nghiệp nhà nước nhưng vì nhà mình một cậu bị bệnh tật không có khả năng chăm sóc bản thân nên bà về mất sức sớm (kiểu nghỉ việc) để có thời gian chăm con (vì hồi đó ông mình vẫn đi làm).
Sau này mẹ mình lấy chồng có con thì bà hay ra nhà mình phụ giúp việc nhà cho con. Bà chỉ giặt giũ, gánh nước, tưới rau chứ không nấu ăn và không dọn dẹp nhà cửa. Những việc đó dường như vượt quá khả năng của bà.
Tuy vậy, bà lại hay giúp đỡ người khác những việc mà bà có thể làm được nên người ta cũng quý. Có điều người như thế không buôn bán được. Bà mình tuần đôi lần đều mang rau (nhà trồng – chính xác hơn là ông trồng) ra ngoài chợ bán nhưng toàn bán nợ hoặc bán giá rẻ như cho, thu về chẳng được bao nhiêu.
Nhưng về nhà ông cũng chẳng bao giờ nói gì, cũng chẳng quan tâm bà bán được bao nhiêu tiền, mà chỉ cười hiền khô: Biết làm thế nào được con, bà con tính vậy rồi. Thôi cứ để bà ấy làm gì thì làm miễn điều đó làm bà ấy vui.
Điều này lại làm mình nhớ đến một câu chuyện cổ Andersen, có tên:
CÂU CHUYỆN ÔNG GIÀ LÀM GÌ CŨNG ĐÚNG
Bác kể cho cháu nghe một câu chuyện bác được nghe từ hồi bác còn nhỏ. Về sau, cứ mỗi lần nhớ đến, bác lại thấy câu chuyện ấy càng hay hơn và quả thật có những câu chuyện cũng giống như người ta vậy: Càng có tuổi thì càng đẹp lão.
Chắc hẳn cháu đã về nông thôn. Chắc cháu đã từng trông thấy đâu đó một túp nhà nông dân cũ kỹ, rất cũ kỹ, mái rạ mọc đầy rêu, cỏ. Trên đỉnh nóc nhất định là phải có một cái tổ cò. Tường thì nghiêng ngả, chỉ có hai hay ba cái cửa sổ thấp lè tè.
Có khi chỉ có mỗi một cái còn mở ra mở vào được thôi. Bếp lò đắp phình ra ngoài tường như một cái bụng phệ. Một cây hương mộc nhô lên quá hàng rào, xòe cành trên một cái ao, có mấy con vịt đang tắm mát. Con chó bị xích thấy ai đi qua cũng sủa.
Dưới mái một túp nhà tương tự như thế có một đôi vợ chồng già: một ông cụ và một bà cụ nông dân. Họ hầu như chẳng có của cải gì trên đời, thế mà cũng có một vật thừa: đó là một con ngựa sống bằng cỏ mọc trong rãnh ven đường.
Khi ra tỉnh, ông cụ thường cưỡi ngựa, thỉnh thoảng hàng xóm mượn của cụ và đền bù lại cho ông lão phúc hậu ấy bằng cách giúp cụ cái này cái khác. Nhiều phen cụ nghĩ rằng: tốt hơn hết là đẩy ngựa đi, bán hoặc đem đổi nó lấy vật gì có ích hơn. Nhưng thử tính xem đổi lấy cái gì mới được.
– Việc ấy thì còn ai tính toán giỏi bằng ông được nữa kia chứ – Cụ bà bảo cụ ông thế – Hôm nay là ngày phiên chợ tỉnh đấy. Ông mang ngựa đi bán lấy món tiền hay đổi chác lấy cái gì thì đổi. Ông làm thế nào tôi cũng ưng. Thôi, lên đường đi!
Cụ bà quàng cổ cụ ông một cái khăn quàng đẹp và tự tay tết thành hai múi rất đỏm dáng vì bà cụ khéo tay hơn ông cụ. Bà lấy tay vuốt mũi ông cụ, hôn một cái rõ kêu. Rồi ông cụ leo lên ngựa, đem nó đi bán hay đổi chác. Bà cụ nghĩ thầm: “Ừ, ông cụ rất thành thạo đấy, chắc chả còn ai lo toan việc này khéo hơn ông ấy nữa đâu”.
Những lần đổi chác thua thiệt
Trời nắng gắt, không có lấy một gợn mây. Gió cuốn bụi trên đường cái, đủ các hạng người chen nhau ra tỉnh, kẻ đi xe, người đi ngựa hoặc đi chân. Ai cũng thấy rất nóng nực. Chẳng đâu có thấy một quán hàng.
Giữa đám đông có một người đàn ông đang dắt một con bò cái ra chợ, một con bò cái thuộc vào loại đẹp nhất. Ông cụ nông dân nghĩ thầm: “Sữa nó chắc là tốt lắm đây! Ngựa mình mà đổi lấy con bò tuyệt đẹp này thì cũng đáng lắm”. Rồi cụ cất cao tiếng gọi: “Ối này, bác đánh bò ơi! Bác có biết tôi định bảo bác cái gì không? Tôi vẫn biết một con ngựa đáng giá hơn một con bò, nhưng cái đó bất thành vấn đề. Tôi nuôi bò cái lợi hơn nuôi ngựa. Bác có muốn đổi bò lấy ngựa tôi không?”.
– Đổi thì đổi! – Người đàn ông trả lời, rồi họ trao đổi hai con vật cho nhau.
Đổi chác như thế xong, nhẽ ra ông cụ có thể quay về nhà, vì cụ đã đạt được mục đích của chuyến đi. Nhưng vì muốn đi xem chợ phiên nên cụ quyết định cứ đi đến tận nơi. Thế là cụ lại tiếp tục đánh bò ra tỉnh. Cụ đi rảo bước nên chẳng mấy lúc đã đuổi kịp một gã đang dắt một con cừu, một con cừu có bộ lông dày không mấy khi thấy.
Ông cụ nông dân lại tự nhủ:
– Mình vẫn mong muốn có một con vật đẹp như thế. Cừu thì cần gặm cỏ quanh quẩn bờ rào nhà ta là đủ, chẳng cần phải đi đâu xa kiếm thức ăn cho nó. Đến mùa đông thì cho nó vào buồng, bà lão nhà mình lại có cái vui chơi khuây khỏa. Vợ chồng mình có lẽ nuôi cừu hợp hơn là nuôi bò.
Cụ bảo anh chàng dắt cừu:
– Này anh bạn, có muốn đổi cừu lấy bò không?
Gã kia chẳng đợi nói đến lần thứ hai, vội vã dắt bò đi và để cừu lại. Ông cụ lại tiếp tục dắt cừu đi. Bỗng cụ gặp anh chàng từ một con đường nhỏ ra, tay ôm một con ngỗng còn sống, một con ngỗng to béo, một con ngỗng chưa ai từng thấy bao giờ, làm cho ông cụ cứ ngắm nghía mãi. Cụ bèn bảo anh ta:
– Anh ôm nặng lắm nhỉ? Ngỗng gì mà kỳ lạ thế? Đến là lắm mỡ, mà lông mới đẹp làm sao chứ!
Rồi cụ lại ngẫm nghĩ một mình: “Ngỗng này mà về tay mình thì cam đoan là bà lão nhà mình có cách vỗ cho nó béo hơn nữa ấy chứ lị.Cơm thừa, canh cặn trút cho nó cả, rồi thì là to phải biết! Mình cứ nhớ mãi lời bà ấy luôn luôn nói với mình: Ôi chà! Nếu nhà ta có một con ngỗng đem thả lẫn với đàn vịt thì đẹp biết mấy! Đây có nhẽ là dịp kiếm được một con, mà con này thì phải bằng hai con khác chứ chẳng chơi đâu! Thử xem sao!”.
Rồi cụ cất giọng nói to: “Này anh bạn, muốn đổi không? Anh lấy cừu, lão lấy ngỗng. Không phải các anh cho lão đâu, mà lão phải trả ơn anh là đằng khác nữa”.
Anh kia chẳng đợi nói đến lần thứ hai và ông cụ nông dân trở thành chủ nhân con ngỗng. Lúc ấy cụ đã ra gần đến tỉnh. Càng ngày lại càng đông. Người và vật chen chúc nhau trên đường cái, đi cả xuống rãnh, sát vào bờ rào. Ở cửa ô, người ta chen chúc nhau hỗn độn.
Người thu thuế nhập thị có nuôi một con gà mái. Thấy đông người, hắn ta lấy dây buộc cho nó khỏi xổng đi mất vì hốt hoảng. Gà đậu trên cái rào chắn đường, ngó ngoáy cái đuôi xén cộc, chớp chớp một bên mắt ra bộ ranh mãnh và kêu: Coóc,! Coóc! Nó nghĩ gì thế chả biết được?
Nhưng ông cụ nông dân trông thấy nó liền phá lên cười, bụng bảo dạ: “Đây mới thật là một con gà mái đẹp nhất, chưa bao giờ mình được trông thấy, nom nó còn đẹp hơn cả con gà ấp của ông mục sư cơ đấy.
Trông nó mới buồn cười làm sao kia chứ! Trời, mình thích nó quá! Gà là một giống vật nuôi tiện nhất, chả phải trông nom gì cả, nó đi nhặt nhạnh hột rơi hột vãi mà ăn thôi. Giá mà đổi được ngỗng lấy gà mà lại tuyệt cơ đấy!”. Cụ giơ ngỗng bảo người thu thuế:
– Có đổi không?
Hắn đáp:
– Đổi à? Thế thì còn gì bằng nữa!
Người thu thuế lấy ngỗng, ông cụ nông dân ôm gà đi. Cụ làm nhiều việc dọc đường như thế nên thấy nóng nực và mệt mỏi. Phải tợp một ngụm và chén một miếng gì mới được. Cụ vào hàng ăn. Vừa lúc đó, cậu bồi đi ra, tay xách một túi đầy ắp. Cụ hỏi cậu ta:
– Anh xách cái gì thế?
– Một túi táo còi đem cho lợn đây.
– Sao? Táo còi đem cho lợn à? Thật là phí phạm quá lắm! Bà lão nhà tôi quý táo còi lắm đấy nhé! Bà ấy mà được chỗ táo còi này thì sướng phải biết! Năm ngoái cây táo già gần chuồng ngựa nhà tôi mọc có mỗi một quả: chúng tôi đặt nó lên chốc tủ và giữ mãi cho đến lúc thối. Bà ấy mà được một túi như thế này thì phải biết. Tôi muốn cho bà ấy mừng một mẻ.
Cậu bồi hỏi:
– Thế cụ giả bao nhiêu?
– Bao nhiêu ấy à? Con gà này chứ bao nhiêu! Đủ chứ?
Họ đổi luôn cho nhau, ông cụ vào hàng ăn, đặt túi táo cẩn thận vào cạnh bếp lò. Sau đấy cụ ra quầy bán rượu. Bếp lò đang nóng mà cụ không để ý.
Nhà hàng rất đông khách, đầy những lái buôn ngựa, lái bò và có cả hai khách du lịch người Anh nữa. Hai người giàu đến nỗi túi phồng lên vì ních đầy tiền vàng. Và sao mà họ thích đánh cuộc đến thế! Đấy rồi cháu xem.
Xèo, xèo. Sao bếp lò lại reo lên thế nhỉ? Táo bắt đầu cháy đấy.
Một người Anh hỏi:
– Cái gì thế?
– À, táo của tôi đấy! – Ông cụ nông dân đáp rồi kể cho người Anh nghe câu chuyện mình đổi ngựa lấy bò cho đến khi lấy táo.
Hai người Anh bảo cụ:
– Thế này thì khi về đến nhà, bà sẽ đón tiếp ông vui đáo để, thế nào ông chẳng được một trận!
Ông cụ trả lời:
– Sao lại một trận? Không, chẳng nói chơi đâu! Bà ấy sẽ ôm hôn tôi và bảo: “Ông thì làm gì cũng đúng cho mà xem”.
Hai người Anh bảo:
– Chúng tôi bảo không đấy, cuộc nào? Ông muốn cuộc bao nhiêu vàng, mười yến hay một tạ cũng được.
Ông cụ nông dân đáp:
– Một đấu thôi. Tôi chỉ có thể cuộc với các ông đấu táo của tôi thôi, cả tôi và bà nó nhà tôi vào đấy cũng được. Đồng cân đồng lạng rồi đấy, các ngài đã bằng lòng chưa?
– Được, bằng lòng, nhận lời!
Thế là họ đánh cuộc xong.
Ông già làm gì cũng đúng
Người ta đánh xe của ông chủ hàng cơm ra. Hai người Anh leo lên xe và ông cụ nông dân cũng leo lên. “Hấp! Lên đường”. Chẳng mấy chốc họ dừng lại trước nếp nhà quê mùa nhỏ bé.
– Chào bà nó thân mến.
– Chào ông nó thân mến.
– Đổi chác xong rồi.
– Ồ! Ông thật thông thạo công việc. Bà lão phúc hậu nói thế rồi ôm hôn ông cụ, chẳng để ý đến túi táo lẫn hai ông khách lạ.
Ông cụ nói tiếp:
– Tôi đã đổi ngựa lấy một con bò cái.
– Đội ơn Thượng đế, nhà mình sắp có sữa ăn, lại có cả bơ và pho mát nữa! Đổi như vậy là hời đấy.
– Ừ, nhưng sau tôi lại đổi con bò sữa lấy một con cừu cái.
– Thế thì hơn thật. Nhà mình cũng chỉ vừa đủ để nuôi một con cừu, rồi nó lại có sữa. Tôi mê phó mát làm bằng sữa cừu lắm. Và ngoài ra tôi lại còn có len để đan các loại bít tất ngắn dài vừa ấm vừa tốt nữa kia đấy. Bò cái thì chả được như thế. Ông lo liệu tươm tất đấy.
– Chưa xong đâu bà nó ạ, con cừu ấy tôi đổi lấy một con ngỗng.
– Thế thì đến ngày lễ Giáng sinh năm nay ta sẽ có con ngỗng quay đẹp tra trò! Ông già thân mến của tôi ơi! Ông luôn luôn nghĩ cách làm cho tôi vui thích nhất. Còn kịp chán! Từ giờ đến lễ Giáng sinh chúng mình còn đủ thì giờ vỗ cho nó thật béo.
– Không còn con ngỗng nữa đâu, tôi đã đem đổi lấy một con gà mái rồi.
– Gà mái có giá trị của gà mái chứ? Nó đẻ trứng này, nó ấp này, rồi nở ra khối là gà con, lớn lên thành cả một bầy đầy sân. Cả đời, tôi chỉ mơ có một sân đầy gà vịt thôi.
– Chưa xong đâu, bà già thân mến ạ. Tôi đã đổi gà lấy một túi táo còi rồi.
– Sao? Thật không? Ông chồng thân mến của tôi ơi! Thế thì bây giờ tôi phải hôn ông mới được. Ông có muốn tôi kể chuyện xảy ra hôm nay cho ông nghe không? Sớm nay, lúc ông vừa mới đi, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện làm một món gì đó thật ngon để chiều nay ông về chén mộ bữa. Tôi nghĩ đến trứng đúc với mỡ miếng tẩm xạ hương. Tôi nghĩ mãi, thấy chỉ có thế là ngon hơn cả. Trứng có, mỡ có, nhưng xạ hương thì không. Tôi sang nhà ông hương sư trước cửa, bên ấy có trồng xạ hương và hỏi vợ ông ấy. Ông có biết không? Nom mặt bà ấy phúc hậu mà sao lại keo kiệt đến thế được! Tôi hỏi vay bà ấy một nắm. Bà ấy giả nhời: “Vay ư? Vườn nhà tôi chẳng có gì cả, chẳng có xạ hương cũng chẳng có táo còi”. Đến mai tôi sẽ đem biếu bà ta táo còi vì bà ta không có mà! Bà ta thích thì tôi cho cả túi. Giả miếng như thế mới hay! Cho xấu hổ một mẻ! Nghĩ thế tôi đã thấy thích rồi.
Bà cụ quàng tay ôm cổ chồng và hôn chùn chụt như chị vú hôn em bé.
Cả hai người Anh cùng cười nói:
– Hay lắm! Tôi rất vừa lòng. Đổi chác mỗi lúc một thiệt như thế mà cũng không mảy may làm bà lão mất vui. Tấm lòng ấy thực đáng thưởng.
Họ cho ông cụ nông dân một tạ vàng vì bà cụ đối xử với ông chồng rất vui vẻ sau chuyện đổi chác như thế, và ông cụ còn giàu hơn gấp mười lần, gấp ba mươi lần bán ngựa.
Đó là câu chuyện bác được nghe kể hồi còn bé. Bác thấy nó đầy ý nghĩa. Bây giờ cháu cũng đã biết câu chuyện ấy và đừng bao giờ quên là: “Ông già làm gì cũng đúng“.
Đối với ông mình thì bà mình là “Bà già làm gì cũng đúng” (tất nhiên không có ai thưởng cho tạ vàng đâu nhá các bạn :)). Bởi vậy, làng trên xóm dưới ai cũng nói bà mình có phước có phần tu bao nhiêu kiếp mới lấy được ông. Vậy mà ông mình lại bảo: Chính tôi mới là người phải tu bao nhiêu kiếp mới lấy được bà ấy đấy.
Ông ngoại mình vì thế có một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim mình.
Nhưng ông nói cũng đúng chứ không phải không. Vì bà là con nhà giàu có mà đợi chờ ông mình đến cả mười năm. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông gia nhập Việt minh và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ròng rã suốt gần mười năm kể từ khi họ hẹn ước với nhau năm bà hai mươi tuổi, bà vẫn đợi mòn mỏi đến khi ông trở về sau giải phóng Điện Biên thì bà đã gần ba mươi.
Mẹ mình sinh ra khi bà đã ba mươi tuổi. Con gái ngày xưa ba mươi tuổi mới sinh con là muộn lắm, tuổi đó người ta có cháu cả rồi. Phải nói là nể cụ thật, họ đến với nhau và sống với nhau vô cùng tình nghĩa!
Bà ngoại mình đi bán rau ở chợ thì cũng có bạn. Nói thêm là cái chợ quê, với mình, nó cũng là nơi chứa chan bao nhiêu kỷ niệm. Chắc mình phải dành một chủ đề vào một dịp gần nhất để nói về những khu chợ, cả trong ký ức và hiện tại mới là đúng!
Một trong người bạn hay ngồi bán hàng cạnh bà ở cái chợ cóc ven đường tàu là một bà cụ nhỏ bé. Hóa ra bà cụ này lại chính là mẹ của cô vợ chú hàng xóm bán gạo cạnh nhà mình. Nhà cụ ở ngay sát chợ chứ không xa như nhà bà mình và bà cũng bán rau trái vườn nhà như bà ngoại mình. Hai cụ già gầy guộc cứ gặp nhau là đủ thứ chuyện để nói.
Nhà bà cụ “đồng nghiệp” chợ của bà mình cũng rất rộng và có khu vườn đẹp như mơ vì ông chồng bà là một người làm vườn chính hiệu, chuyên uốn cây cảnh. Chỉ có điều, không như ông mình, mọi việc khác trong nhà ông không bao giờ biết đến, tất cả là do vợ ông quán xuyến như lẽ thường.
Hôm qua nói chuyện với mẹ mình, mẹ bảo bà cụ vừa mới ra đi rồi. Cụ cũng thọ gần 90, vậy là dần dần tất cả những người xưa đều bỏ ta mà đi, như một quy luật.
Cùng với tất cả những ký ức và kỷ niệm, để rồi mỗi lần trở về những kẻ tha hương lại tự hỏi:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
3.
Tiếc là hàng tôm hôm nay ông bà chủ nghỉ, không bán. Chắc trời nắng nóng quá cũng phải có hôm cho họ nghỉ ngơi dưỡng sức, chứ tham công tiếc việc đổ bệnh ra đấy thì quá cha. Mình lại cuốc bộ về, gió đã vãn và trời oi nồng như thể giữa trưa, chỉ có điều là ông mặt trời chưa lên cao quá nên nắng vẫn còn non.
-Hôm nay sao lại đi bộ đi chợ sớm thế em ?
Chị hàng cam mình thi thoảng vẫn mua nhìn thấy mình gọi giật lại.
Mình rẽ vào
-Em định mua ít tôm mà không mua được. Thôi chị bán cho em vài cân cam
Cam chưa năm nào rẻ như năm nay các bạn ạ. Bình thường mùa nắng nóng thế này mọi năm không bao giờ có giá dưới 20.000đ/1 ký đâu. Vậy mà năm nay chỉ loanh quanh 10-15.000:
-Năm nay cam rất rẻ. Không hiểu sao nhưng có vẻ dân ít mua bán đi. Em nhìn nè, cái sọt này là của người em cùng quê nhờ bán hộ. Nó vừa trả mặt bằng vì thua lỗ quá, tiền lời từ bán cam không đủ trả tiền nhà.
-Chị ấy thuê giá bao nhiêu chị ?
-20 triệu/tháng.
-Còn chị ?
-6 triệu.
Quán chị bán cam là một cái ky ốt rất nhỏ trong dãy kiot ở ngay mặt tiền đường ở cái chợ sầm uất trong khu dân cư
-Thế là vừa sức chị nhỉ.
-Cũng phải ráng đấy chứ mà tiền thuê cao quá không kham nổi đâu em.
Rồi mình chợt nhìn thấy mấy gói trà quê mình để chỏng chơ trên một cái ghế đẩu nhỏ. Kể ra chè (chè búp) quê mình nổi tiếng phết đấy chứ không đùa đâu. Đặc sản này có mặt ở khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc
-Trà Thái đấy em, của cái cô hàng xóm nhà trọ cũ nhờ chị bán giùm. Đặt ở đây cả tháng rồi mà có ai mua đâu, nhưng dư chỗ thì cứ để bán cho cô được đồng nào hay đồng ấy, cả làng cùng vui.
Mình biết kiểu gì cũng khó bán lắm, chỉ những người gốc Bắc mới uống chè búp thôi. Mà người Bắc cũng chỉ các cụ chứ mà ai vào đây lâu rồi họ cũng mất dần thói quen này. Nhưng chị bán hàng dễ thương quá, cô gái miệt vườn Vĩnh Long lại đi bán giúp Trà Thái Nguyên thế này mình phải ủng hộ chứ
-Thôi cho em một gói đi
Về nhà mình cũng pha chè vào cái ấm nhỏ. Đã bao nhiêu năm mình mới lại uống chè khô quê hương.
Và cảm nhận đúng là nó có vị chát, gắt hơn cả nỗi nhớ quê nhà!
4.
Nấu ăn sáng xong đang dọn dẹp thì bà cụ, mẹ của em nhà hàng xóm đối diện sang chơi:
-Cô hôm nay đi chợ sớm thế ?
-Con lang thang ra ngoài buổi sáng cho mát thôi bà ạ. Bà cũng đi đâu ra ngoài đó à?
-Không tôi ngồi dưới ghế đá thôi. Dạo gần đây tôi đâu có đi bộ xa được nữa. Chân đau lắm!
Bà cụ đã tám mươi. Khi mình mới chuyển đến đây bà còn nhanh nhẹn lắm mà một năm trở lại đây thấy cụ chậm chạp hẳn
-Bà uống nước chè búp quê con thử, có ngon bằng chè xanh quê bà không?
-Đắc Lắc cũng bạt ngàn chè xanh cô ơi. Mà đã lâu lắm tôi không uống chè búp, quê tôi người ta chỉ thích chè xanh
Bà quê huyện Đô Lương, bên bờ sông Lam. Sau giải phóng, bà đi xây dựng kinh tế mới ở Đắc Lắc và lập gia đình ở đây
-Nhà cháu cũng thích chè xanh, ngày nào cũng nấu uống.
Bà cụ lâu lâu lại xuống Sài Gòn chơi với con gái và các cháu. Cụ có ba con thì chỉ có cô con gái út ở đây. Nhưng tất cả năm đứa cháu cả nội và ngoại thì sau khi tốt nghiệp Đại học không đứa nào về quê cả. Lập nghiệp tại Sài Gòn hết.
-Năm nay giá cà phê cao quá bà nhỉ ?
-Chưa bao giờ tôi thấy giá cao đến thế cô ơi, mọi năm chỉ loanh quanh 30-40.000/1 ký thôi mà bữa nay đã gấp hơn ba lần rồi.
-Thế nhà bà có nhiều cà phê không?
-Tôi già rồi đâu còn làm được gì. Có rẫy đấy nhưng cho con trai mà mấy năm nay vợ chồng nó làm trang trại gà, vì trước đó trồng cà phê phập phù quá, giá có lúc xuống thấp không ăn thua. Chứ mà để thì năm nay cũng thu được kha khá đấy. Người ta đánh nhau khắp nơi, cái chi chi cô nhỉ, à ở bên biển Đỏ ấy chiến tranh tàu hàng bị chặn hết cả không lưu thông được cộng với mùa màng thất bát nên mới có giá cao thế.
Ôi giời, bà cụ hiểu về thị trường quốc tế không khác gì một chuyên gia kinh tế:
-Nhưng làm trại gà có lãi ổn định thì cũng tốt bà ạ
-Cũng ổn, đủ sống cô ạ. Nhưng cực và phải chăm chúng như chăm con mọn chứ không dễ ăn đâu cô. Chỉ lơ là, cẩu thả một tí thôi là bệnh dịch sẽ phát sinh và lây lan ra cả trại. Mất hết gia sản chứ không đùa đâu cô! Bởi vậy chỉ có bố mẹ chúng nó làm chứ bọn trẻ cháu tôi chúng đâu thích, chúng chỉ thích làm việc văn phòng ở thành phố thôi.
Trò chuyện với cụ già biết được bao nhiêu vấn đề của nhà nông, vô cùng thú vị,
Vừa hay cũng hết luôn buổi sáng!
Happy weekend to all!