…. làm tôi cảm thấy hạnh phúc được sống trong nó
Tháng Mười dường như là thời điểm Sài Gòn mang trong mình nhiều kiểu hình thái thời tiết nhất:
Có nắng – ánh nắng lung linh trong vắt kiểu Thu lúc hoa mười giờ hé nở;
Có mưa – những cơn mưa cuối mùa bực tức trút hết sức tàn tắm gội cho vạn vật dưới dương gian lấm đầy bụi bẩn, bởi vậy có thể bắt gặp nhiều trận mưa lớn, ào ào như thác, không khác chi ánh sáng bùng lên của cây nến trước khi tắt hẳn;
Có sương – những dải sương mù ôm lấy các tòa nhà cao tầng, giăng mắc trên các cành cây, và là là mặt cỏ; Ẩm ướt và bồng bềnh, cảm giác mọi thứ đều đang dạo bước chốn bồng lai tiên cảnh;
Trời se lạnh buổi sớm, ấm áp lúc trưa và lại quay về với trạng thái mát mẻ dễ chịu khi hoàng hôn xuống!
Mình đã viết xong phần tiếp “Lời của gió” rồi, nhưng trong tiết trời đẹp quá thế này, trong không khí truyện “All too well” tự nhiên lại muốn làm một cái video ngắn dạng animation minh họa cho bài viết.
Mình rất thích các bài viết có kèm hình ảnh, tĩnh hoặc động, theo hình thức kể chuyện. Thế là cũng lại tập tành thu âm, tập dựng hình, ghép nhạc. Cắt ghép chỉnh sửa tốn không biết bao nhiêu thời gian :)) mà vẫn không cảm thấy ưng ý, lại làm lại. Nên giờ vẫn chưa xong để đăng như dự định, nên thôi hôm nay viết cái gì vui vui vậy.
Đang chưa biết viết gì, nhẽ lại cho Táo giao thông vi hành qua gần Ngã tư Hàng Xanh chiều hôm bữa, khi cơn mưa như trút gây tắc nghẽn suốt một dải đường dài đến cả mấy tiếng đồng hồ.
Chà, viết về giao thông ở các đô thị lớn nước mình, thì bi hài có mà kể cả năm không hết, từ Thủ đô ngàn năm văn vật đến đất Sài Gòn Hòn ngọc viễn đông:
Nhờ trời cứ mưa tràn nước, làm phố tôi nay ngập lụt
Khi lúc tan tầm, người và xe nối nhau bơi trên đường
Nhìn cảnh toàn dân đua nhau bơi lội cứ như hội thi
Bà con phấn khởi nay phố mát hơn mọi khi
Nhà nhà bắt cá từ nơi ngã tư này
Hình ảnh của quê xa nay lại bỗng nhiên hiện ra
Ở giữa thủ đô xa hoa tráng lệ đàn cá tung tăng bơi trên vỉa hè
Hòa nhịp xe qua, nước cuộn sóng vô nhà ta
Tràn ngập khắp phố, thuyền ghe lướt trôi êm đềm
Đèn dầu ta không lo, cắt điện suốt bao ngày đêm
Rồi những chàng trai đua ghe giữa đường
Làn nước trong xanh thêm sạch phố phường
Từng trận mưa rơi trong ngàn ánh mắt yêu thương
(VTV24- Táo Quân)
Nhưng lại thôi, viết về mưa nhiều quá chán dồi :)). Nhất là trong buổi sáng Sài Gòn khô ráo như thế này, tốt nhất nên ra khỏi nhà, vòng vèo qua các hàng ăn xem có con cá con tôm nào tươi không, trái cam trái quýt nào vẫn thắm sắc rinh về nấu nướng phục vụ cái miệng, nghe chừng lại thiết thực hơn.
Đang loay hoay ở chỗ cô hàng xôi thì bỗng nhiên mình nghe tiếng chào:
-Ô chị Hiền, lâu quá rồi không gặp chị
Mình nói thật, mắt kém, vừa cận vừa loạn, ai lâu ngày không gặp cứ phải đứng hình một lúc lâu mới có thể à ôi ối á :))
-Ôi, lâu lắm rồi mới gặp em. Em dạo này thế nào ?
Một khách hàng cũ của mình. Ở nơi, cứ ra cửa là có thể gặp người quen mà quái thế nào chẳng mấy khi gặp nhau cả
-Em vẫn khỏe. Chị đi biệt tăm tích đâu lâu vậy ? Dạo trước, em đến giao dịch (chắc cơ quan cũ) gặp các chị khác hoài mà không thấy chị
-Chị lên núi em ạ :))
Nó cười sặc
-Lên núi viết truyện :))
-Chà, thế giới nhỏ bé quá ha
-Này mà sao chị không sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng tính tương tác của blog lên, add mấy tài khoản mạng xã hội vào, fb, insta chẳng hạn chứ em thấy các bài viết của chị có khá nhiều người đọc đấy.
Em khách hàng này làm ở một công ty công nghệ
Mình cười, bảo em, tại chị …lười :)).
-Bạn bè em chúng đọc blog chị cười sái cmn quai hàm dồi, mấy bài viết trước của chị ấy; trong khi một ổng đồng nghiệp của em ngấp nghé bốn mươi tưởng ế chỏng gọng thì bỗng đâu đầu tháng rước một em gái giới thiệu với cả phòng là vợ sắp cưới. Gớm, chúng em mừng như bắt được vàng thay cho ổng
-Thế có nghĩa là cứ phải thường xuyên sáng tác ngôn tình đúng không, lãng sờ mạn, lâm li bi đát vào đúng không?
Nó cười
-Nói chứ, chị cảm ơn em và các bạn, mình viết ra có người đọc là được rồi, cười thì cười miễn đừng sái quai hàm là được – làm răng giờ đắt đỏ lắm :))
Nhưng mày dân công nghệ mà nhỉ, thôi đợi khi nào chị lập kênh Yu Tu bơ Bà Hiền thì mày tư vấn cho chị nhé!
Nó lại cười ngặt:
-Được được Yu Tu Bơ Bà Hiền, bà Hiền bơ phớt :)).
Lại cười. Rồi chuyện trò một lúc, sau khi nhận hai gói xôi cho món sáng, nó lại lao lên xe vụt đi.
Nhanh hơn cơn gió buổi sáng tháng Mười!
Mình lại vòng qua hàng ăn ngay con đường gần nhà, mua vài cái bánh ngọt thay vì vẫn bún phở như thường lệ. Những chiếc bánh nhỏ xinh nhiều màu sắc, ngon lắm mà mình thì chả hiểu sao cứ hay bị lẫn lộn tên chúng: Bánh bò, bánh bò dừa, bánh bò nướng, bánh khoai mỳ nướng, bánh chuối hấp, bánh da lợn, bánh tằm bì, bánh in chuối, và một vài loại bánh dạng tròn nhỏ như viên bi.
Quán nhỏ chỉ có cái tủ kính đặt phía ngoài một kiot chừng độ mười mét vuông nhưng luôn đông đúc nhộn nhịp, hàng ra đến đâu hết đến đó. Ngoài bánh ngọt còn có bánh mặn: Bánh giò, bánh chưng, bánh chuối, bánh khoai, xôi gấc.
Và không thể thiếu những bịch chè treo lủng lẳng như những bắp nếp vàng nơi hiên cửa những ngôi nhà vùng cao: Chè Chuối, chè thưng, chè đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, chè bưởi, chè khoai môn, chè trôi nước.
Mình thì cứ nghiện những cục bột vàng ươm của cái thứ chè bùi béo ngậy mang tên Chè trôi nước. Vị gừng hòa với nước cốt dừa tạo thành một dung môi hoàn hảo bồi đắp cho món ăn và tạo sự khác biệt so với cái thức quà tương tự như vậy ở ngoài quê, vốn thường chỉ làm vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Bát chè trôi nước, quả chuối tiêu vàng, mấy quả hồng giòn Đà Lạt. Tất cả đậm một sắc Thu vàng trên cái bàn căn phòng nhỏ của mình. Thêm cái nắng vàng đã vào đến khung cửa.
Ánh nắng bò lên những sợi len trắng pha hồng của cuộn len mình đang đan dở đặt ngay đầu giường. Len vốn đã mềm giờ sờ vào lại có cái ấm áp của nắng những ngày cuối năm.
Phải công nhận rằng, dù mình không thuộc dạng khéo tay, nhưng đã động đến ba cái đồ thủ công này là mê mẩn luôn, không dứt ra được. Hở ra cái là cái tay lại tí toáy sờ đến len, đến kim đan. 2h sáng, mình giật mình, mắt mờ đi, và giờ mới thấy cái lưng như muốn sụn. Ngồi suốt từ 8h tối, 6 tiếng liền mà không có cảm giác là thời gian lại nhanh đến vậy. Chẳng trách chi hôm trước một em gái nói em thức đến tận 3 giờ chỉ để hoàn thành cái thân áo.
Nói đến đây, mình lại nhớ đến một hình ảnh trước phân cảnh được xem là một trong những thước phim tình yêu đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Ấy là trong phim “Hồn ma” (Ghost). Lúc 2 giờ sáng, Molly (Demi Moore) khó ngủ, cô thức dậy và bắt tay vào làm gốm. Cô là một thợ làm gốm, với những chiếc bình, chiếc bát, ly cốc…được nặn nên từ thứ đất sét vô hồn để tạo thành những vật sống động, đẹp đẽ dưới bàn tay tài hoa của người thợ. Say mê lắm, vì khi làm là cả bàn tay và khối óc của mình đu theo cùng sản phẩm. Thời gian dường như bị bỏ quên, như vòng quay chầm chậm của những chiếc đĩa than cổ.
Làm tay, mới thấy được cái cơ cực của người công nhân. Dù thời hiện đại, máy móc đã thay thế con người nhiều thì giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm may mặc được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền vẫn chỉ ở mức thấp
Làm tay, mới hiểu vì sao nhiều thanh niên ở các làng nghề truyền thống không muốn nối nghiệp ông cha mà bỏ đi làm công nhân cho các nhà máy xí nghiệp. Bởi quá công phu.
Trong khi sản phẩm làm ra định giá thấp thì tính ra thua xa lương công nhân xí nghiệp, không thể nào đủ sống. Mà định giá cao thì không có người mua. Phải bán được một lượng hàng đủ lớn mới có thể ra được cái giá phải chăng. Nhưng làm bằng tay mà, sao nhanh để trong một thời gian ngắn có lượng hàng lớn được?
Thành thử, một vài hàng hand-made mà có giá cực kỳ đắt, cũng là điều dễ hiểu. Vì nó không chỉ là một sản phẩm thường, nó hẳn phải là một tác phẩm nghệ thuật, của sự kỷ công .
Và sự công phu để tạo nên tác phẩm đó thì đôi khi khách hàng cũng không hiểu hết được, chỉ có người thợ ngày đêm lao tâm khổ tứ, lọ mọ tỉ mẩn với nó mới thấu rõ cái mặn chát của những giọt mồ hôi, để gọt giũa nên những ánh dát vàng.
Xưa kia, ở nhà với ông bà, suốt ngày xung phong xỏ kim mỗi khi các cụ cần khâu vá gì đó. Tuổi già các cụ đã mắt mờ, chân chậm. Mình mới trung niên mà tay cũng không còn dẻo dai hay nhanh nhẹn như mấy đứa trẻ được nữa (cứ nhìn chúng bấm bàn phím là biết, đây gọi là múa phím mới phải, cái thứ mà thế hệ mình gần như không thể).
Nên móc gần xong cái khăn cảm giác vui như đứa trẻ được quà. Còn chút nữa mới xong, nhưng cũng bày đặt đặt nó dưới nắng ngắm cho nó thêm phần thi vị.
Thích ghê, cái sản phẩm do chính tay mình làm ra
-Nhìn mẹ hôm nay như con nít!
Đang định hỏi con vài thứ thì điện thoại rung. Mẹ mình gọi đấy
-Con, hồi chiều qua đi về có bị mưa không?
Ôi giời, tít ngoài Bắc mà bà cũng biết Sài Gòn kẹt xe do mưa lớn.
-Con chỉ được ngắm mưa khoảng một tiếng thôi mẹ. Xíu nữa trong không gian của nước ấy, của người và xe cộ đầy nên thơ ấy con đã hoàn thành xong một bài thơ :))
-Thôi thôi đừng thơ thẩn nữa con, nhà thơ giờ nguy hiểm lắm, nhất là thơ được đăng sách giáo khoa :))
Bà cụ quả là thời sự, chi cũng biết :))
-Hôm nay mẹ mới thu hoạch mít được vài quả mà ăn ngon quá, giá kể gửi vào được cho con. Năm nay cũng lạ đã tháng Mười rồi mà mít vẫn chín đầy
– Ôi giời ơi mẹ ơi thời đại nào rồi mà đến mít mẹ cũng phải gửi
Bà cụ cứ thủng thẳng, chẳng biết có nghe được mình nói gì không
-Hôm qua mẹ lượn vào xóm núi Dẩu chỗ con sông mà lúc hè con hay đạp xe đến đó buổi sớm ấy mua hai chục bao đất màu về đổ vào cái vườn trồng rau cho nó tốt. “Ruộng không phân như thân không của” con ạ. Người ta chở đến rồi đổ đống ngoài đường, sáng nay mẹ mới vần vào trong vườn. Cũng phải mua thêm mấy con gà nữa nuôi đến Tết là vừa.
-Nhanh quá, lại sắp Tết rồi
-Trời bữa nay đẹp lắm con ạ. Mát mẻ nên ăn ngon ngủ khỏe
-Con sẽ đan cho mẹ một cái áo len
-Chết thật, con tôi, giờ lại còn giở rói ra đan lát thế này. Chắc chi trong đó mưa đến lụt lội
Lại đến mình cười không ngậm được miệng với bà cụ
-Nói đến đan, ngày xưa mẹ đan được hết, mũ áo, khăn tất mà giờ lần mãi mới xỏ được cái kim. Mắt kém nhiều rồi. May ông giời thương, ngần này tuổi mà vẫn cho mình sức khỏe để vẫn tự mình làm được nhiều thứ con ạ!
Nói chuyện với mẹ cứ là đủ thứ, cả tiếng tỉ tê không hết cái cần nói: Hết “Mẹ vừa chặt cây chùm ngây rồi, cây lớn quá lấn hết đất của các cây khác” lại sang “Bác Lý lại ngã rồi con, vừa phải nhập viện rồi, dưới Hà Nội nên mẹ chưa đi thăm được.”
Cứ như thế, qua lời mẹ, tất cả lại như đang hiển hiện trước mắt mình, những cảnh vật, những con người, những cuộc đời….