Mùa chim én bay (9)

by Rose & Cactus

Nhà bà nội mình trước đây nằm ngay mặt tiền đường quốc lộ liên tỉnh. Con đường đất đỏ nhấp nhô, cứ lên dốc lại xuống dốc như đồ thị hình Sin ấy mùa thu đông khô hanh ít mưa nên bụi bay mờ mịt, bụi phủ lên một màu đỏ vàng kín những lá cây ven đường, chỉ đến khi Xuân đến Hạ sang, mưa nhiều độ ẩm lớn thì mới thấy được màu xanh tươi tốt của cây cỏ. Ấn tượng nhất là những rặng hoa sim hoa mua nở tím ngăn ngắt trên những gờ đất cao nằm sát mép đường.

Nếu em lên biên giới
Em sẽ gặp bạt ngàn hoa
Hoa sim giữa đồi nắng gió
Tím như ai chờ mong

Quê mình không phải ở vùng biên, mà nằm giữa vùng núi cao và đồng bằng nên được gọi là vùng trung du, ấy thế mà hoa sim cũng nhiều như mấy câu thơ trong bài “Hoa sim biên giới” trên vậy.

Hoa sim thường mọc thành từng bụi, mỗi bông hoa gồm năm cánh và hình dáng cánh thì như quả trứng ngược rộng.  Bởi nhờ vẻ đẹp nhẹ nhàng, đằm thắm hiện qua từng cánh hoa, sim đã là biểu tượng của một tình yêu trong sáng dù mới chớm nở nhưng vô cùng bền chặt. Hoa sim còn là hình ảnh của những cô gái chân chất, giản dị với lòng chung thủy chờ đợi chồng, người yêu mình.

Ta thường nhắc đến hoa sim tím như một biểu tượng của lòng chung thủy. Trong nhiều câu chuyện thần thoại xa xưa cổ đại, hoa sim tím được xem là biểu tượng cho các ý nghĩa khác nhau.

Trong thời Hy Lạp cổ, hoa sim rất được mọi người tôn kính và được trồng xung quanh đền thờ và ở những nơi thờ phụng của họ. Hay ở thời Testament cổ, hoa sim được mọi người xem là biểu tượng cho sự hoà bình.

Còn ở thời Victoria, cô con gái của Nữ hoàng Victoria trong lễ cưới trọng đại đã mang các cành hoa nở rộ đầu tiên của cây sim từ vườn hoa của mẹ. Từ đó trở đi, bất kỳ cô dâu hoàng gia khi tổ chức lễ cưới thì đều có một đóa hoa sim bên mình. Đây được xem là điều may mắn và hạnh phúc trong hôn nhân, một lời khẳng định về tình yêu lâu bền. 

Hoa sim còn là biểu tượng cho sự quyền lực và sức mạnh của các quan tòa thành Athen khi đội trên đầu.

 (hoatuoisaigon.vn)

Mỗi lần xuống nhà ông nội mình mà vào mùa sim mua là kiểu gì mình cũng leo lên cái gờ đất ngay sau lưng của nhà ông để bứt hoa. Loài hoa dại nên số phận cũng hẩm hiu vì chẳng được người ta mang vào cắm như hoa hồng hoa huệ, cũng chẳng mấy được các cô học trò thôn quê ngây thơ và đầy lãng mạn lựa chọn để ép vào những trang sổ thơ, sổ viết những câu chuyện tình cảm vu vơ kiểu hoàng tử công chúa mà các cô tưởng tượng :)): Phượng vỹ và bằng lăng mới ở vị trí ấy.

Thế là hoa sim với vẻ đẹp chân chất, mộc mạc chỉ biết khoe sắc những nơi hoang sơ, vắng vẻ trên những triền đồi cao

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai

Mình cũng là một cô học trò nào đó của thời đã xa xưa ấy, bứt một bó hoa sim xong cột đại bằng một vài lá cỏ nào đó rồi quẳng lên giỏ xe một cách vô tâm và cứ để như vậy cho đến khi nó héo khô thì vứt đi. Màu tím đã gợi lên vẻ buồn man mác mà xem cái cách người ta đối xử với hoa như vậy còn buồn hơn.

Ây thế mà có khi sim lại nghĩ khác, vì nó quê mùa quá không ai để ý nên nó được tự do sống giữa đất trời, sương gió chứ không phải tù túng trong cái lọ chật hẹp nơi chẳng mấy mà sẽ lụi tàn!

Nhưng hoa sim là hoa của mùa hè. Nó bắt đầu nở vào cuối Xuân và rộ nhất vào đầu hè.

Mà bây giờ mới là tháng Ba

Tháng Ba!

Mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông

Một trong những bài hát hay nhất về Tây Nguyên chính là bài hát này, bài hát về Tháng Ba ở vùng đất cao nguyên ngập tràn nắng gió:

Tháng Ba, rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ
Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát
Bầy chim muông cất cánh rợp trời
Sông từng đàn con cá lội bơi

Tháng Ba, mùa khô phương Nam đi vào thời kỳ cao trào nhất trước khi có được những hạt mưa quý giá đầu mùa. Thần Helios khó ngủ, mới sáng sớm Ngài đã cưỡi cỗ xe bằng vàng  xé toạc màn đêm và khơi ngọn lửa chiếu sáng nhân gian. Từ thành thị tới thôn quê, từ đồng bằng đến vùng cao khắp nơi như được nhuộm vàng bởi màu nắng. Mặt đất khô, nứt nẻ, sông ngòi cạn trơ đáy.

Ra đường ban trưa thường xuyên anh tài xế công nghệ có thể phải chuẩn bị một bình phun nước mát thi thoảng tạt vào mặt để chống lại hơi nóng từ mặt đường nhựa phả lên. Ra đồng ban trưa, bác nông dân có thể phải chuẩn bị bộ quần áo dầy dặn còn hơn cả áo mùa đông để hạn chế sự thoát nước từ cơ thể dưới những tia nắng thiêu đốt.

Chỉ có loài hoa giấy vẫn hiên ngang, kiên cường. Trời càng nắng màu hoa như lại càng sặc sỡ, vui tươi. Đỏ, tím, trắng xen vào nhau đẹp mê hồn là đẹp. Chỉ thấy lạ là sao loài hoa này đẹp thế mà chẳng mấy có bài thơ hay về nó

Nhật ký William,

March 03

Vậy là tháng Ba đã ào đến báo hiệu nàng Xuân đang qua. Tháng Ba và nắng và gió và mộng mơ :))

-Cộp cộp cộp

Rõ ràng là tiếng gõ trên mặt bàn mà tôi nào hay, đầu óc tôi lúc đó chắc đang ở trên…. trời

-Em William, tôi gọi lần này là lần thứ ba rồi đấy, em có nghe không?

WiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiilllllllllllaaaaaaaaaaMMMMMMMMM

Ôi chắc có lẽ đến lần thứ tư tôi mới nghe được giọng nói như búa tạ của thầy giáo dạy Toán học Romeo đáng kính của tôi. Choàng tỉnh, tôi mới hay mình vừa trải qua một giấc mộng.

-Dạ, em xin lỗi. Vì giọng thầy thánh thót như điệu ru đã đưa em vào…. giấc ngủ

-Anh không phải nịnh. Tôi nhắc cho các anh các chị biết là bây giờ mới lớp 10 thôi, Toán còn dễ thế mà các anh các chị đã gật trong giờ rồi mai mốt lên lớp 11 khó nhăn thì sao đây hả ?

Ðời tổng hợp bởi muôn ngàn mặt
Mà tình em là quĩ tích không gian
Kiếp nhân sinh những hàm số tuần hoàn
Quanh quẩn chỉ trong vòng tròn lượng giác

Đấy các anh chị nghe các khái niệm Toán tương lai năm sau phải học đã thấy sợ chưa ? Thầy không có dọa đâu. Hơn một trăm công thức Lượng giác cộng với những hình vẽ loằng xì ngoằng của không gian ba chiều có thể làm bất cứ ai dù sắt đá cỡ “cụ xứ” cũng có thể…đột quỵ :)), nói gì đến  mấy cái người mà suốt ngày mộng với mơ, thơ với thẩn ấy :))

Ôi dồi ôi, hôm nay thầy của tôi còn cao hứng đọc thơ Tình – Toán thế này thì chết! Nhẽ thầy xuất thân từ cái lò “Ngủ Khò” :))

-Thơ thầy hay quá ạ!

-Không dám! Giờ thi sĩ William nghe tôi nói đây. Thay vì phạt anh lên bảng làm nốt cái bài xác suất này, thầy sẽ giao cho anh một nhiệm vụ khác. Nghe nói anh vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch của Cái hội thơ gì gì đó ở cái Vườn Địa Đàng đang nóng như thiêu đốt này. Vinh dự thật, lớp ta thế mà lại có người làm Quan, mà lại là Quan Thơ nữa mới oách chứ. Nên thầy giao cho anh nhiệm vụ về làm một bộ bài thơ Hoa giấy để tạ ơn loài hoa đã cháy hết mình trong điều kiện khí hậu tháng Ba khắc nghiệt này.

-Ôi thầy ơi, mong thầy xem xét lại thầy thương chúng em với tuần sau đã là tuần thi rồi

-THI là THI mà THƠ là THƠ, anh là thi sĩ mà còn kì nèo thế bảo sao cái vương quốc này không bao giờ có được một tác phẩm danh giá nào để lại cho đời kể từ trăm năm đổ lại đây

Anh không muốn cuộc đời đầy Sin Cos
Sống khép tròn trong cộng trừ nhân chia
Cạnh góc đối! Ôi phức tạp vô cùng
Mà hạnh phúc chính là đường biểu diễn

Đúng lúc đó trống đánh hết giờ. Thầy Romeo của chúng tôi lạnh lùng bước ra khỏi lớp:

Này William, tao chưa nghĩ ra được tí nào về tứ thơ “Hoa giấy” đâu nhá! Mày tha cho tao

P/S: Và thông cảm cho thầy Romeo. Nghe nói nhà cô giáo dạy Văn trẻ măng vừa mới về trường mình tên Juliet trồng nhiều hoa giấy nên thầy cao hứng muốn đọc…thơ về loài hoa này. Mày nên trổ tài cho thầy vui

Là nội dung trong mẩu giấy của thằng Skeleton vừa ném lên bàn tôi đấy. Chưa chi nó đã từ chối đây đẩy cái nhiệm vụ bắt buộc phải làm rồi. Bực mình, tôi ném lại xuống bàn nó mảnh note khác:

“Mày chịu khó động não chút đê. Giấy có nhiều loại, “note” cũng là “giấy” đấy, mà là… giấy bạc- banknote :)). Không biết làm về giấy (hoa) thật thì phải nghĩ rộng ra, giấy (tiền) thì cũng là giấy cả, hiểu chửa :))

Rời nhà A Páo mà trong lòng Mountain tràn ngập một nỗi buồn  thăm thẳm. Ở những nơi thâm sơn cùng cốc như thế này, dù cảnh vật như chốn bồng lai tiên cảnh dễ làm che lấp đi những thứ khác, nhưng không khó để nó bắt gặp những con người, những cảnh đời, những hiện tượng, mà cái vẻ lung linh lấp lánh đã vơi đi ít nhiều.

Lên đến đây rồi Mountain  mới thấy đừng tưởng “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” mà dễ. Nó chỉ thơ, chỉ đẹp trên các tiểu thuyết hay bài hát ngôn tình, nơi mà con người thành thị đã quá mệt mỏi và căng thẳng với những bon chen nơi phố phường chật hẹp.

Nhưng cuộc sống ở nông thôn nói chung và vùng núi nói riêng không hề đơn giản thế. Để đến được trường học, có khi các em nhỏ phải đi bộ đến nhiều tiếng trong điều kiện địa hình hiểm trở, núi cao vực sâu; trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mưa lũ hay băng tuyết;

Thêm nữa dù các em được sống trong không gian thiên nhiên rộng lớn nhưng không phải lúc nào trong ngôi nhà nhỏ bé của mình các em cũng được hưởng một bầu không khí khoáng đạt ấy.

Cuộc sống trên cao nguyên thực sự là khắc nghiệt, đất đai khô cằn khó canh tác; mùa màng thì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ sống một cuộc sống tối thiểu. Đấy là trong trường hợp bố mẹ ông bà đều cần cù chịu khó chứ chỉ cần một người đi chệch khỏi quỹ đạo thì thôi, rơi vào tình cảnh như chị em A Páo là vẫn chưa phải là xuống đáy.

Nhiều em gái dù tuổi còn rất nhỏ đã bị gia đình bán đi làm vợ ở những vùng đất xa xôi chỉ để đổi lấy một số tiền  ít ỏi cho gia đình sống qua ngày.

Nhiều em trai dù tuổi còn rất nhỏ đã phải bỏ học đi làm nương rẫy, cuộc sống tù mù không tri thức là một cánh cửa đóng sập vào tương lai.

Cái khổ nhất của trẻ em ở những vùng xa xôi hẻo lánh như thế này là các em không được sống trong một bầu không khí của tri thức. Nghèo đói về mặt vật chẩt, dù không ai mong muốn điều này cả, thì vẫn chưa bao giờ là cái đáng sợ nhất.

Cái đáng sợ nhất là vì không có tri thức chỉ đường dẫn lối, không có ánh sáng của sự hiểu biết chỉ bảo cho mình những điều hay lẽ phải để rồi cả đời các em phải sống trong tăm tối.

Các em gái thường lập gia đình khi còn rất trẻ thiếu kinh nghiệm và hiểu biết rồi chôn vùi tuổi thanh xuân của mình với những tháng ngày vất vả lên nương lên rẫy, với hàng đàn con năm một mà không bao giờ có chút thời gian để thư giãn hay nghỉ ngơi, nói gì đến việc tiếp cận với tri thức sách vở.

Nghe câu chuyện của hoa hậu Hen Nie kể về cuộc đời mình là chúng ta đủ hiểu cuộc sống của trẻ em gái ở các vùng sâu vùng xa thật sự chứa đựng nhiều bi kịch thế nào. Chỉ có những người có nghị lực, tố chất đặc biệt mới có thể vươn lên và thoát ra khỏi cái môi trường lạc hậu ấy. Mà đâu phải ai cũng được như cô hoa hậu H’nie? Phần lớn rồi lại quay lại cái vòng luẩn quẩn, 15-16 tuổi đã lấy chồng sinh con và đến 30 đã lên chức bà.

Còn đàn ông thì sao? Trừ những người may mắn thoát ly đi ra những nơi văn minh hơn để học hành thì còn được năng cao về nhận thức. Những người ở lại, thì rât nhiều đắm chìm trong những tệ nạn như rượu chè, cờ bạc.

Cuộc sống nông thôn, mùa màng có thời gian cả, vào lúc nông nhàn họ có quá nhiều thời gian rảnh chứ không phải lúc nào họ cũng phải giam mình nơi công sở với những kỷ luật hay nguyên tắc bắt buộc như ở thành phố.

 Cuộc sống tự mình quản lý về thời gian sẽ rất tuyệt vời nếu con người được trang bị đầy đủ tri thức và sẽ là thảm họa với những người không có khả năng tìm kiếm niềm vui trong sự học hỏi và ham hiểu biết. Họ sẽ không biết giải khuây cho cuộc sống nhàm chán bằng cái gì khác ngoài cắm rễ ở quán nhậu nhẹt ngày đêm.

Số liệu cống bố chính thức cho thấy Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia lớn thứ ba châu Á, với khoảng 5 tỷ USD/năm. Người ta uống rượu mọi lúc mọi nơi có thể. Các quán nhậu nhiều vô thiên lủng khắp các hang cùng ngõ hẻm. Ngay cả ở những môi trường thiêng liêng đầy tính học thuật nhất như các trường Đại học thì bao quanh nó cũng là vô số các hàng ăn và quán nhậu, tịnh không cho cảm giác gì là thánh đường cho những trải nghiệm học hành ở bậc cao.

Thư viện Quốc hội ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ

Ví như chúng ta có thể thắc mắc và trả lời các câu hỏi thế này:

-Tại sao người dân các nước Âu Mỹ họ học hành không đến nỗi quá khắc nghiệt như dân Đông Á hay nhiều nước khác mà họ lại toàn sản sinh ra những vĩ nhân? Hay dù cho chẳng phải là những vĩ nhân mà ngay cả những người bình thường nhất của họ thôi, như chú công nhân hay cô nông dân thì cách nói chuyện của những người này vẫn toát ra được sự hiểu biết, tự tin chả khác gì những người có học vấn cao ?

Cái này là thật, không phải tâng bốc, bạn nào xem nhiều phim đọc nhiều truyện hoặc sau này sang các nước đó học hành làm việc là sẽ thấy. Tại sao lại như vậy? Phải chăng do họ được thừa hưởng “của trời cho” là gen thông minh hay năng lực sáng tạo vô biên?

 Điều này chỉ đúng một phần thôi, vì nếu thế thì ai cũng là vĩ nhân hết cả rồi.

Cái chính là dân nước họ đều là những con người yêu tri thức, trân trọng tri thức và đặc biệt thích đọc.

Ví dụ, ở nước Mỹ đi, họ có  đến 119.847 thư viện trên toàn quốc (theo thống kê của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ), trong đó hơn 80% là hệ thống thư viện tại các trường học, hầu như trường học nào cũng sở hữu thư viện riêng. Nước Mỹ có 4 thư viện ở tầm quốc gia: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Giáo dục quốc gia Hoa Kỳ. Với số lượng đầu sách lưu trữ khổng lồ lên dến cả trăm tỷ bản.

Chỉ riêng thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress – LC) thôi đã chứa hơn 164 triệu mục, từ sách ảnh, ghi âm, bản đồ đến vô số  tài liệu từ khắp nơi trên thế giới và bạn có thể tin được không, lượng sách trong thư viện này  ‘khủng’ đến mức mà tổng chiều dài của các cuốn sách cộng lại dài gần bằng 1/3 chiều dài nước Việt ta.

Mỹ cũng có tới 3.000 nhà xuất bản với hơn ba triệu đầu sách được xuất bản hàng năm.

Đọc đoạn viết ngắn dưới đây thì đủ hiểu tại sao Mỹ không chỉ là miền đất hứa cho giới nghệ sĩ hay nghệ thuật biểu diễn hay giới làm khoa học mà còn là nơi lý tưởng và gây nhiều cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ lớn:

Khi Charles Dickens đến thăm Mỹ vào năm 1842, người ta tiếp đón ông như cách ta tung hô các ngôi sao truyền hình, siêu sao bóng bầu dục và Michael Jackson. “Tôi không thể tả cho anh sự chào đón mà tôi nhận được”, Dickens viết cho một người bạn. “Chưa bao giờ có một vị vua hay hoàng đế nào trên Trái Đất lại được đám đông tung hô đến vậy, được tiếp đón ở những buổi dạ hội và những bữa tiệc tối lộng lẫy, được các cơ quan công quyền nhiều nơi chờ đợi…

Nếu tôi đi ra ngoài bằng xe ngựa, đám đông sẽ vây quanh và hộ tống tôi về nhà. Nếu tôi đi tới rạp hát, mọi người sẽ đồng loạt đứng lên”.

-Rồi trở lại với châu Á, thì tại sao những nước như Hàn, Nhật hay thậm chí là Trung Quốc, học sinh của họ cũng như ta học hành áp lực khủng khiếp nhưng hãy nhìn xem nền khoa học và nghệ thuật của họ phát triển đến mức độ nào so với ở ta? Tại sao rất nhiều em học sinh nước họ  có khả năng viết truyện, làm thơ? Vẽ tranh, chơi nhạc cụ? Rõ ràng là họ học đâu chỉ đơn thuần vì điểm hay thành tích? Dù điểm và thành tích vẫn là tiêu chí cần có

Ví dụ như ở Nhật đi,  trẻ em ở bên đó ai cũng có khả năng làm thơ, những bài thơ ngắn và đơn giản thôi nhưng rất ngộ nghĩnh đáng yêu. Khi lớn lên thì người Nhật viết rất nhiều, cái gì họ cũng có thể viết thành sách được từ những thứ đơn giản đến không tưởng như “cách kỳ cọ toilet sao cho sạch” đến những thứ triết lý khai sáng dân tộc như của Fukuzawa Yukichi.

Mình từng ngỡ ngàng khi đọc một cuốn sách của một tác giả người Nhật (khổ lâu quá rồi giờ không nhớ tên để mà tìm lại) khi ông viết sách hướng dẫn cách cắm hoa, những loài hoa theo mùa. Trong đó ông mô tả chi tiết từng đặc điểm của từng cây hoa, rồi từng loại chất liệu và màu sắc của bình cắm hoa, rồi thế cây, rồi phong thủy…. phải nói là chi tiết đến không thể chi tiết hơn được nữa. Đọc xong thì khỏi thắc mắc luôn tại sao dân tộc họ lại vĩ đại.

Bạn đọc những vần thơ Haiku Nhật là có thể cảm nhận được điều đó đúng không? Những cái rất nhỏ thôi mà họ cũng có thể viết ra được.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta gần như chỉ hướng đến duy nhất khi đi học là làm sao cho các con được điểm cao, với bằng này cấp nọ. Không phải chúng ta không đề ra tiêu chí thế này thế khác về giáo dục nhưng đó vẫn mãi là khẩu hiệu. Thực tế thực hiện thì có khi lại khác. 

Để rồi rốt cuộc ta thu được gì? Năng suất lao động của người Việt không cao (mình đã viết về vấn đề này rồi); Người tài giỏi ra đi nhiều, chảy máu chất xám, nhất là ở tầng lớp tinh hoa, chưa bao giờ ngừng trong suốt mấy chục năm qua.

Ở ta, những tài năng đặc biệt ít được trọng dụng. Có học ở những ngôi trường hàng đầu thế giới về nước cũng không có môi trường để phát triển. Tất cả đều được cào bằng năng lực về với nhau, cuối cùng dù có là thiên tài cũng sớm nở tối tàn. 

Mình không bao giờ phủ nhận hoàn toàn áp lực của thành tích cũng có thể tôi luyện con người. Vì ngày xưa mình cũng phải học hành chết bỏ chứ không có chuyện rong chơi nhàn hạ đâu; 

Chỉ có điều mình đã nhận ra rằng rõ ràng giáo dục của chúng ta dường như vẫn còn thiếu một thứ gì đó mang tính cốt lõi nên dù có cố mấy đi chăng nữa chúng ta cũng không bao giờ có thế vươn tới được một xã hội có chất lượng, và đào tạo ra được những con người thực sự “chất lương”,

trong khi  những tố chất của người Việt rõ ràng không phải là quá thua kém so với các dân tộc khác ở điểm xuất phát.

THỨ HẠNG TẤM HỘ CHIẾU

Bùi Mẫn /Kỹ sư cao cấp

Vnexpress

Nhiều năm trước, trong ngày cưới của người họ hàng chung, tôi bất ngờ gặp lại Danh từ Việt Nam sang. Danh cho biết để có visa sang Vương Quốc Anh (UK) mẹ Danh phải chuyển quyền đứng tên căn nhà mặt tiền cho Danh.

Nhân viên sứ quán UK nhận ra điều này khi xem bản sao sổ hồng và đặt câu hỏi. Danh trả lời thẳng “mẹ tôi phải làm việc này vì các ngài lo tôi không quay lại Việt Nam”. Sự thẳng thắn, “đánh bài ngửa” khi phỏng vấn đã giúp Danh có visa Anh Quốc.

Tôi cũng biết một Việt kiều khác. Chú này sửa nhà và viết thư bảo lãnh visa du lịch cho người cháu là thợ hồ. Trong khi phỏng vấn, người cháu vô tình nói hớ là ngoài việc thăm người thân, đi du lịch, còn mong muốn giúp chú sửa nhà. Hồ sơ visa vì vậy bị từ chối. Ngoài ra, người chú này có thể bị đưa vào danh sách đen, cả đời không thể bảo lãnh thành công một người thân nào sang Anh Quốc.

Tôi có lần giúp điền hồ sơ mời cô của một Việt kiều sang UK thăm cháu. Hồ sơ xin visa của cô bị từ chối, cho dù điều kiện kinh tế khá đảm bảo. Tôi được cho biết, Đại sứ quán UK gởi thư về địa phương để yêu cầu công an xã xác minh và đã phát hiện ra những nội dung trả lời sai thực tế.

Qua ba câu chuyện trên, có thể rút ra hai điểm chung. Một là, nơi cấp visa lo lắng người được cấp visa trốn ở lại nước sở tại. Đây là lý do về kinh tế. Hai là tính trung thực, một khía cạnh văn hóa. Những người thiếu trung thực dễ dẫn đến các mối nguy về an ninh cũng như gia tăng tỷ lệ tội phạm, hay các gánh nặng an sinh xã hội.

Theo Chỉ số quyền lực hộ chiếu toàn cầu (World Power Index) thì hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 75, có thể được nhập cảnh vào 51 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 19 nước là miễn thị thực và 32 nước có thể làm visa khi đến nơi (visa on arrival). Theo tổ chức Henley and Partners, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 92 toàn cầu, có thể nhập cảnh 55 nước, cùng hạng với các nước như Ai Cập, Bhutan, Haiti, Cộng hòa Trung Phi. Đứng cuối bảng là Afghanistan, xếp thứ 109.

Câu hỏi đặt ra: đâu là các yếu tố then chốt, và làm sao tấm hộ chiếu Việt Nam có được thứ hạng cao như các nước láng giềng, như Brunei (hạng 21), Malaysia (12), hoặc Singapore (1).

Theo tôi, tăng trưởng về GDP chưa đủ để bảo đảm quyền lực hộ chiếu. Việt Nam hiện là một trong 35 nước có GDP cao nhất thế giới (hạng 34), theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học và Kinh doanh (Centre for Economics and Business Research – CEBR). Nhưng điều này không giúp hộ chiếu Việt Nam có thứ hạng cao. Trung Quốc có GDP thứ hai thế giới, nhưng xếp hạng hộ chiếu thứ 64, hay Ấn Độ xếp thứ 85, Indonesia (68), Nga xếp thứ (55).

Khi tìm tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người với xếp hạng hộ chiếu, tôi nhận thấy, nhìn chung, các nước có thu nhập bình quân đầu người cao, thì chỉ số quyền lực hộ chiếu tăng và ngược lại. Tuy vậy, tương quan này có nhiều ngoại lệ. Qatar là nước có thu nhập trung bình đầu người 81.968 USD/năm, nhưng chỉ xếp thứ 55, sau Venezuela xếp hạng 47, là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam. Một ví dụ khác là Saudi Arabia – một nước giàu có khác ở Vùng Vịnh nhưng hộ chiếu chỉ xếp hạng 63.

Vì vậy, còn nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến xếp hạng hộ chiếu. Theo tôi, đó chính là mối quan hệ giữa các nước, ví dụ chiến tranh lạnh, căng thẳng địa chính trị, các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn, hợp tác kinh tế, chính sách đầu tư, trao đổi văn hóa, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và nguyên tắc “bánh ít đi, bánh quy lại” (hay còn gọi là “tương nhượng”, reciprocity, trong ngoại giao). Ngoài ra còn kể đến các yếu tố xã hội như tỷ lệ tội phạm và văn hóa người dân của nước đó.

Khá nhiều nước có quy mô nhỏ về GDP và thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình cao, nhưng có thứ hạng hộ chiếu rất cao như Hy Lạp xếp thứ 5, Lithuania, Estonia, Latvia, Slovakia, Slovenia xếp hạng 7 đến 9, được miễn thị thực hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong số lý do chính là các nước trên thuộc Cộng đồng chung châu Âu (EU). Mặc định, các nước này được miễn thị thực cho 27 nước thuộc EU. Thế mạnh ngoại giao của EU với các khối và khu vực khác trên thế giới cũng đã giúp các nước EU được miễn thị thực nhiều hơn.

Malaysia là một trường hợp thú vị, thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng trung bình, 13.035 USD/ năm, nhưng xếp thứ 12 về hộ chiếu. Từ khi giành độc lập năm 1957, Malaysia hầu như không có chiến tranh hay căng thẳng lớn với các nước. Với chính sách trung lập, không liên kết (Non-Aligned Foreign Policy) Malaysia giữ ngoại giao tốt với “các bên” ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Họ có chính sách ngoại giao và hợp tác tốt với các khối như Tổ chức hợp tác các nước Đạo Hồi (57 nước), Khối Thịnh vượng chung (56 nước), EU (27 nước), châu Mỹ Latin và vùng Caribe (33 nước), OECD (38 nước), ASEAN (10 nước), Đông Á… Malaysia cũng chú trọng vun đắp quyền lực mềm, tăng cường hợp tác kinh tế, và trao đổi văn hóa. Đặc biệt cần kể đến, người dân Malaysia thượng tôn pháp luật; người theo đạo Hồi nhìn chung hiền lành, ít gây ra các các mối quan tâm về an ninh, phạm pháp, hay lưu trú trái phép.

Nếu tôi chỉ làm một so sánh hẹp 30 nước có thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 đến 6.000 USD/năm, Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người 4.316 USD/năm có chỉ số hộ chiếu xếp thứ 27 trong 30 nước này (xem đồ thị). Ukraine với thu nhập bình quân đầu người không xa Việt Nam, nhưng xếp hạng 31. Vì vậy, cũng cần kể đến các yếu tố văn hóa, lịch sử, chính trị, và mối quan hệ lâu đời mà các nước châu Âu đã thiết lập với các nước khác trên thế giới, cũng góp phần vào thứ hạng cao về hộ chiếu.

Thứ hạng hộ chiếu tương đối thấp của Việt Nam có thể lý giải bởi nhiều yếu tố. Việt Nam đã trải qua chiến tranh với các cường quốc trong thời gian dài. Đất nước bị chia cắt. Sau thống nhất, Việt Nam lại chịu liên tiếp các cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Đất nước cũng chịu các cấm vận, và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh cho đến những năm 1990. Các yếu tố trên làm gián đoạn và nguội lạnh quan hệ ngoại giao với các nước.

Tàn phá sau chiến tranh dẫn đến các làn sóng di cư vì kinh tế, và sự tìm kiếm tị nạn chính trị. Thêm vào đó tai tiếng xấu về cư trú bất hợp pháp, tỷ lệ tội phạm tăng đã làm giảm giá trị “thương hiệu Việt Nam”, dẫn đến các chính sách visa khắt khe và có thể cả định kiến mà các nước đã và đang áp đặt cho công dân Việt Nam.

Các nỗ lực ngoại giao rộng của Việt Nam chỉ bắt đầu khi đất nước mở cửa và kết thúc cấm vận, vì vậy thành quả về ngoại giao của Việt Nam, các tăng trưởng về kinh tế, cũng như các thay đổi tích cực về xã hội cần thời gian để biến thành trái ngọt.

Tôi tìm kiếm mối tương quan giữa chỉ số xếp hạng hộ chiếu và chỉ số phát triển xã hội (Social Process Index). Đây là chỉ số đánh giá toàn diện mức độ mà các quốc gia cung cấp các nhu cầu xã hội, môi trường, và phúc lợi cho người dân một cách tổng thể hơn là các chỉ số kinh tế đơn lẻ.

Nhìn chung các nước có chỉ số phát triển xã hội cao thì xếp hạng hộ chiếu cũng cao và ngược lại (hình trên). Với điểm số phát triển xã hội là 68,18 (năm 2022), Việt Nam xứng đáng (hay rất có tiềm năng) có được điểm số hộ chiếu cao hơn rất nhiều so với xếp hạng hiện nay. Điều này cho thấy, ở cả mức độ quốc gia và cá nhân, cần nỗ lực rất nhiều để có được thay đổi tích cực về nhận thức của các nước đối với Việt Nam, sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và con người Việt Nam hiện nay.

Để tăng thứ hạng quyền lực của hộ chiếu, Việt Nam có thể học các nước EU, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singpaore. Ở tầm quốc gia, đó là các chính sách tăng cường quyền lực mềm, hợp tác và ngoại giao, sử dụng sức mạnh của các khối mà Việt Nam là thành viên để đàm phán với các khối, thay vì với từng quốc gia riêng rẻ. Cần nói thêm, chính sách ngoại giao là cực kỳ quan trọng, nhưng chưa đủ.

Bằng chứng là Việt Nam đã thiết lập quan hệ chiến lược toàn diện với rất nhiều quốc gia ngoài khối ASEAN, nhưng chưa nước nào trong số này cho phép công dân Việt Nam miễn thị thực.

Việt Nam cũng cần xây dựng lại chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, (để có các thành tựu về công nghiệp văn hóa như Hàn Quốc), các chính sách giáo dục, rèn luyện ý thức thượng tôn pháp luật và trung thực cho công dân (như Singapore, Nhật Bản).

Ở tầm cá nhân đó là việc tự rèn luyện các thói quen coi trọng quốc thể, hình ảnh, và danh dự quốc gia. Khi công tác, du học, hay du lịch ở nước ngoài, cần hành xử như lữ khách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định visa của nước sở tại, không lưu trú quá hạn, tích cực trao đổi văn hóa để quảng bá hình ảnh và tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia và Việt Nam.

Tôi mong rằng, 10 năm nữa, với các chính sách đúng và nỗ lực bền bỉ của cả Chính phủ và người dân, hộ chiếu Việt Nam sẽ dần cải thiện vị trí và vào top 30 thế giới.

 

You may also like

Để lại bình luận