Mùa thu là mùa xuân thứ hai…

by Rose & Cactus

….Khi mỗi chiếc lá là một đóa hoa

1.

Sài Gòn mấy nay mát quá! Tiết trời này thì làm cái gì cũng thấy dễ chịu: Ăn, ngủ, vui chơi, đọc, viết… và cả đi làm.

Tháng Chín, nhanh như một cơn gió lại đang trôi qua. Mẹ gọi điện bảo con ơi, đã thấy cái lạnh về rồi!

Sáng sớm, mình đi cái chợ cóc gần nhà. Cái khu chợ quen thuộc nơi có nhà thờ nhỏ, ngôi trường nhỏ nằm kề ngay bên.

Tất cả đều gần gũi và thân quen, cô bán rau hay đội cái nón xỉn màu lại có cái quai nón diêm dúa màu hồng này; anh bán cá cao to như vận động viên thể hình lại có giọng nói rất nhỏ nhẹ này;

chị bán mấy món ăn vặt buổi sáng, với làn da trắng sứ này, chị bán trái cây có nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” này…

Vẫn những gương mặt ấy trong bao năm, chứng tỏ công việc vẫn đủ để họ trang trải cuộc sống nơi đô thị đắt đỏ.

Giữa muôn sắc màu của hoa quả mùa thu, chuối chín vàng, mãng cầu (na) xanh trắng với những con mắt to, cam căng mọng, mình để ý đến những quả hồng.

Những quả hồng với nhiều loại chen chúc nhau trong một cái rổ nông : Những quả hồng vàng – đỏ, to dẹt-thuôn dài, cứng-mềm. Nhìn đẹp mắt quá và đầy tính cảm hứng hội họa!

Mình chợt nhớ đến món hồng sấy dẻo đặc sản của Đà Lạt, ngọt, dai mềm, ngậm một miếng là nhớ mãi không thôi. Hồng Đà Lạt ngon, dĩ nhiên. Nhưng lại còn rất đẹp nữa, vỏ của nó căng mọng, hồng hào như má cô gái Đà Lạt giữa buổi hửng nắng mùa sương.

Mình lại nhớ đến cây hồng với dáng khắc khổ trong mùa Thu -Đông miền Bắc quê nhà. Những cành cây khẳng khiu, lá đã rụng hết, chỉ còn lại lúc lỉu trên cành những quả và quả.

Thế mà lại hình tượng, và gợi cảm đến mức người ta không thể không ngừng tay mà bẻ một cành cắm vào cái bình sứ lớn để bên hiên nhà.

Để cho ai đó, mỗi khi đi ra đi vào lại phải dừng lại chút mà ngẩn ngơ, này nắng loang vàng, này gió hát ca, này những trái hồng thắp lửa..

Thắp lửa mùa Thu!

Thu thực sự đang ở thời khắc rực rỡ nhất của nó, đúng thời điểm mà

Mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một bông hoa 

Autumn is a second spring when every leaf is a flower.

Albert Camus

2.

Buổi tối, mình đọc sách, một cuốn sách của Henry David Thoreau. Đọc ông từ nguyên tác Tiếng Anh, khá khó.

Cũng phải, nhiều tác gia phương Tây khi đọc những gì họ viết, chỉ nội việc hiểu hoặc cố gắng để hiểu nghĩa đen (chứ đừng nói đến những thứ xa xôi như là nghĩa bóng hay ẩn dụ)  những ngôn từ mà họ sử dụng thôi nhiều khi cũng phải đánh vật rồi. Vã cả mồ hôi. Không khác gì giải một bài toán khó.

Bởi các tư tưởng, quan điểm, thậm chí là sự mô tả thông thường nhất cũng được dùng một thứ ngôn ngữ của triết học, tôn giáo, khoa học giả tưởng, khoa học tự nhiên…mà khi trình độ không tới, chúng ta, có đoạn, sẽ không hiểu được họ đang viết cái mô tê gì.

Và muốn hiểu, dù chỉ là một phần, thì không còn cách nào khác hơn là đi tìm đọc những thứ làm nền để tạo nên cái sự khó đó: Triết học, tôn giáo, khoa học… Chẳng có cách nào khác hơn.

Và khá tốn thời gian. 

Nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki  có ba sở thích: Nhạc, Mèo và Đọc sách. Lại hình dung sách chất đầy nhà ông, những ngôi nhà gỗ ấm áp kiểu Nhật. Sách chất cao như núi Phú Sĩ, mênh mông như Rừng Na Uy.

Không nhà văn nào viết hay mà không là người đọc khủng cả. Với họ, đọc, có lẽ như cơm ăn nước uống hàng ngày.

À, sự trải nghiệm cá nhân là điều tất yếu. Những người viết, không may là, hình như càng nhiều tâm trạng, người ta lại càng viết hay. Tương tự với âm nhạc hay hội hoạ, cũng đều thế cả.

Cuộc sống quá suôn sẻ thì lại, không mấy khi, tạo nên những tác phấm đáng giá. Tiểu sử của các nhà văn danh tiếng hay các “nhà” khác là minh chứng.

Tất nhiên, nhiều khi, đó không phải là sự lựa chọn của họ. Mình tin rằng chả ai chọn sự đau khổ chỉ hòng mong nhờ đó, nhờ cái chất liệu mà khổ đau dệt nên đó, mà một ngày mình có cơ hội tỏa sáng cả, ngay cả khi, giả định rằng, nó là điều kiện cần.

Vì có phải những trúc trắc, gập ghềnh nào cũng nâng người ta lên đỉnh Olympia đâu, có khi lại kéo họ xuống cái giếng sâu hun hút, không tìm được đường lên.

Chỉ là, cái gì đến thì nó sẽ đến, muốn tránh cũng không được. Những cái đến đó có thể theo ý muốn chủ quan của ta hoặc không. Có thể là niềm mong đợi của ta hoặc không. Thứ mà người ta gọi là số phận.

Thần Zeus, vị thần tối cao, có phải là vị thần toàn năng không? Không, trên vị thần quyền lực này vẫn còn có một sức mạnh mà không ai có thể đảo ngược.

Đó là số mệnh. Số mệnh này do ba chị em nữ thần Moirai cai quản.

Nhưng “Thần thoại Hy Lạp” không phải là thứ mình muốn đọc bây giờ.  Cũng không phải là Murakami Haruki, mình không có nuôi mèo nên không gặp phải tình huống con mèo bị thất lạc như trong Biên niên ký chim vặn dây cót.  

Mình sẽ tìm bản tiếng Việt một tác phẩm của Henry David Thoreau.

Ở hiệu sách.


3.
– Này bạn, nghe “The Tortured Poets Department” không dễ nhỉ ?
– Đúng rồi. Lời các ca khúc đều đậm chất thơ nhưng có lẽ nó hơi thiếu một chút “giai điệu” để làm nên tính nhạc. Khó nghe, nhưng có thể Taylor muốn làm mới mình hơn, muốn thể hiện tài sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của cô sâu hơn, như trong tiêu đề của nó “The poets”, các nhà thơ.

-Lại còn “Hội các nhà thơ bị tra tấn nữa” (“The Tortured Poets Department” thì khiếp rồi.
– Cho nên ngay khi phát hành “The Tortured Poets Department” đã tạo nên những màn tranh luận dữ dội giữa các nhà phê bình âm nhạc lẫn khán giả của Taylor.

-Có vẻ thế. Mình thấy album hơi buồn ngủ, gía cô ấy phát hành tuyển tập thơ thì hay hơn ấy. Mình thích đọc các bài hát của Taylor, như là những bài thơ. Nhưng đây là album nhạc cơ mà nhỉ?
-Đó cũng là thứ để người ta tranh cãi đấy. Album nhàm chán hay là khán giả chưa đủ trình độ để hiểu hết cái thứ âm nhạc mà cô muốn truyền tải? Tôi nghĩ có thể cả hai.

-Có thể thế. Cân bằng được kiểu như Midnights, với mình, thì dễ vào tai hơn. Nhưng nghệ sĩ, họ sáng tạo nên một tác phẩm, trước hết là để thỏa mãn và đáp ứng cái cảm xúc của họ đã. Là của họ chứ không phải là cái vay mượn của người khác. Không phải là suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Nó không phụ thuộc vào ngoại cảnh.
-Chỉ có những sáng tác được viết lên, được cất lên từ sự rung cảm từ trái tim của chính mình thì mới có thể hy vọng chạm đến trái tim của người thưởng thức. Đó chính là sự độc đáo của mỗi cá nhân, trong nghệ thuật, để đảm bảo anh ta hay cô ta là chính họ chứ không phải là một ai đó.

-Cũng là điều làm nên sự phong phú trong nghệ thuật, cũng như cuộc sống
-Bởi vậy, nghệ sĩ sáng tác thì cứ sáng tác còn nhà phê bình thì cứ phê bình.
-Ai có việc của người đó

-Và người thưởng thức cũng có thể lựa chọn thưởng thức hay không, một tác phẩm nào đó
-Cái đó thì lại càng không quá khó, cũng chính là nhờ sự muôn màu muôn vẻ trong nghệ thuật.

-Tối nay thời tiết đẹp quá. Nghe lại “Midnights” cái nhỉ?
-“All too well’ trước đi!

Ừ thì, “All too well”

I walked through the door with you
The air was cold
But something about it felt like home somehow
And I, left my scarf there at your sister’s house
And you’ve still got it in your drawer even now

Oh, your sweet disposition
And my wide-eyed gaze
We’re singing in the car, getting lost upstate
Autumn leaves falling down like pieces into place
And I can picture it after all these days

Một hôm nào đó, trong mùa thu này, mình sẽ viết về “All too well”!

Bước qua ngưỡng cửa cùng anh, tiết trời hôm ấy thật lạnh

You may also like

Để lại bình luận