Mình mất nhiều thời gian suy nghĩ về tiêu đề và nội dung cho loạt bài viết mới này. Không phải là mình bí đề tài hay hết chữ mà ngược lại là bởi vì có quá nhiều thứ mình muốn nói muốn viết, có quá nhiều những cảm xúc dâng tràn khi những ngày tháng Tư ập đến
Giống như một chàng trai có cảm tình với một cô gái nhưng khi đứng trước cô chàng bỗng trở nên lóng ngóng vụng về không thốt lên lời.
Như một cô gái dù trái tim đã biết rung cảm trước một chàng trai nhưng lại rất rụt rè chỉ dám thổ lộ tâm tình qua những trang viết thầm kín
Không biết nên bắt đầu thế nào cả cho đến tận tối nay mình mới có thể gõ những dòng đầu tiên cho
Thành phố Tình yêu và nỗi nhớ
Mình đã có hai mươi mốt năm gắn bó với thành phố, còn thiếu đúng một năm nữa là bằng tổng thời gian mình sống ngoài quê. Và mình có thể khẳng định rằng mình đã luôn yêu và biết ơn nó bằng tất cả trái tim bởi thành phố đã cho mình những công việc, cho mình một gia đình nhỏ và cùng những trải nghiệm sống quý giá.
Dù sau này mình có ở đây nữa hay không, tương lai mà ai có thể nói trước, thì thành phố đã luôn là một phần tươi đẹp trong quãng đời tuổi trẻ và sung sức nhất của mình.
Tại thành phố này mình đã được tiếp xúc với những con người, những số phận, những tính cách từ khắp mọi nơi trên cả nước, đủ để cho mình một cái nhìn rộng lớn hơn về những gì mình đã được học, được đọc và cả những gì mà mình đã từng hình dung.
Những suy nghĩ và trải nghiệm đó sẽ khó mà có thể có được nếu như mình chưa được sống ở nhiều nơi trong cuộc đời.

Pic: Lesley-McLaren
Bố mình là một cựu binh, ông nhập ngũ ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm ông tròn 18 tuổi, 1975. Trẻ măng, và đã kịp có mối tình đầu là mẹ mình, là bạn gái học cùng lớp. Mẹ mình rất đẹp, thời xưa mà bà đã cao như người mẫu, da trắng tóc đen dài đúng kiểu cô gái thôn quê.
Như mình đã kể đó, nhà ông ngoại mình lúc nào cũng nườm nượp các anh ra vào tìm hiểu (ngày xưa không như bây giờ các bạn ạ, muốn “cưa” cô nào là các anh chàng đều đến ngồi ‘mọc rễ” nhà cô ấy phải đến khi bố mẹ nàng ra chiều đuổi khéo thì các anh mới (chịu) về :)), có thời gian mình kể nhiều chuyện cho các bạn nghe về thời đại “tán tỉnh” của “các cụ” thập niên trước, vui đáo để).
Khổ đang cao trào xúc động rưng rưng nhưng vẫn không bỏ được cái tật chỉ thích viết về cái gì vui vui vớ vẩn chút cho đời rộn tiếng cười, đua đòi lắm, già rồi mà vẫn thích đu với các cháu cá trê cá chép xem thử ai có khiếu “sense of humor” hơn ai :)).
Mình xin quay trở lại. Việc bố mình đi bộ đội chẳng những làm mẹ mình bớt đi tình cảm mà có khi chính vì thế mà bà càng thương yêu, ngưỡng mộ ông hơn. Vì hình ảnh anh bộ đội luôn là một cái gì đó rất là cao quý đối với thế hệ những người đã trải qua những năm tháng chiến tranh, gian khó. Mẹ mình là kiểu người phụ nữ Việt Nam điển hình, tần tảo, chung tình, đã yêu rồi là bao lâu cũng có thể chờ đợi người mình yêu được.
Ai đã từng đi qua thời chiến đều hiểu việc khi xác định rời nhà ra trận gần như không ai là không nghĩ đến việc có thể đây là lần cuối cùng mình còn được nhìn thấy, được nói chuyện với người thân, bạn bè. Không phải là vì họ bi quan đâu. Hoàn toàn không, mà ngược lại còn là hừng hực ý chí và niềm mong chờ chiến thắng để được trở về.
Nhưng, hơn ai hết những người lính hoàn toàn ý thức được sự khốc liệt của chiến tranh. Tàn khốc, đau thương, và lằn ranh giữa sự sống và cái chết mỏng manh đến có khi còn vượt xa trí tưởng tượng của họ khi cất bước ra đi.
Bạn nào nếu có đọc nhiều nhật ký thời chiến của những người lính hoặc những bài viết tường thuật từ các phóng viên chiến trường các bạn có thể cảm nhận được điều này. Chiến trường thì bất kể ở đâu, bất kể cuộc chiến nào trên cái quả địa cầu này đều có có chung một cái cảm giác đáng sợ như vậy, sự chết chóc, súng nổ, đạn rơi.
Đơn vị của bố mình hành quân vào đến Đà Nẵng đúng ngày 30-4. Ông kể rằng có thể đơn vị của ông được Thượng đế sắp đặt đi chậm hơn chút và như vậy là còn được bình an trở về.
Nhưng nhiều đồng đội của ông trong đợt tuyển quân năm đó đã không được may mắn như vậy. Họ đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn, là khu vực mình đang sinh sống hiện giờ. Tất cả đều còn rất trẻ chỉ bằng tuổi của bố mình, cuộc đời của những người lính đã mãi mãi dừng lại ở tuổi mười tám, đôi mươi.
Nhiều năm sau, hậu quả đau thương của chiến tranh còn để lại đến thế hệ kế cận. Những người lính miền Bắc, miền Trung sau khi hòa bình trở về, lập gia đình nhưng không được hưởng những niềm vui trọn vẹn. Nhiều trong số đó, con cái của họ sinh ra không được lành lặn như những đứa trẻ bình thường. Đau lòng lắm, thật khó có thể liệt kê hay mô tả chi tiết ra bằng con chữ.
Đó là vì hàng tấn chất độc màu da cam do quân đội Mỹ dải dọc xuống những cánh rừng Trường Sơn đã thấm vào đất, vào nước và cành cây ngọn cỏ để rồi chúng xâm nhập vào cơ thể người lính khi họ hành quân qua. Những chất độc vô hình nhưng hậu quả thì lại hữu hình, tàn khốc chẳng khác gì đạn bom.
Chiến tranh qua nhưng còn bao muộn phiền vẫn ở lại, với nhiều người lính.
Mình vào Sài Gòn ngay sau khi tốt nghiệp Đại học. Đối với thế hệ của mình khi đó, Sài Gòn vẫn là một cái gì đó, một nơi nào đó xa xôi và ai cũng mong một lần được tới.
Mình khó có thể một thân một mình đi thế nếu không có gia đình chú mình ở trong này. Ra trường, chưa có việc làm, chả vướng bận tình cảm với ai :)) nên khi chú mình rủ đi thì cứ thế khoác ba lô lên và đi thôi chứ chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.
Thành phố đón mình bằng một cơn mưa rào như trút vào đầu tháng Mười. Cơn mưa mát mẻ nhưng bỗng nhiên lại gây cho mình một nỗi buồn vu vơ.
Bỗng dưng khi đến nơi rồi mình lại thấy xuất hiện một cảm trống trải, xa lạ và khá là hụt hẫng. Một phần đó là vì bởi bạn đột nhiên đi xa khỏi nơi chốn quen thuộc. Và một phần vì trong trí tưởng tượng của mình Sài Gòn khác cơ.
Không phải là Sài Gòn với những khu nhà trọ dài dằng dặc và xập xệ y như những nhà trọ bao quanh các trường đại học mà mình và bạn bè đã từng sống ở Hà Nội. Mình tưởng tưởng một Sài Gòn khác, một hòn ngọc Viễn Đông hiện đại và lung linh hơn.
Có một Sài Gòn như vậy thật, ở những quận trung tâm. Nhưng lúc đó mình chưa biết đến những nơi đó đâu. Nơi mình đặt chân đến đầu tiên là ở vùng ngoại ô với các nhà máy giầy da và may mặc, như những công xưởng khổng lồ mà những người lao động trong đó gần như 100% là dân nhập cư từ khắp nơi, Bắc, Trung và miền Tây Nam Bộ.
Ở đó mình đã sống trong một khu của những người lao động, những người công nhân từ mọi miền. Nó khác với môi trường mình đã từng sống trọ ở Hà Nội trước đây, vốn chủ yếu là sinh viên.
Hà Nội ngày đó chưa có nhiều những khu trọ công nhân kiểu này. Cũng như thế đối với hệ thống siêu thị hay các trung tâm thương mại, Sài Gòn luôn đi trước một bước.
Đó là Sài Gòn những ngày đầu trong mình, nơi mình sống và làm việc ở cửa ngõ phía Tây Thành phố. Và dù xa lạ và có hơi chút thất vọng ban đầu thì rất may là trong ngày đi làm đầu tiên cái cảm giác đó mất ngay.
Một cô sinh viên mới ra trường, lăn lộn vất vả nhiều ngày ở Hà Nội chỉ để xin một chân nào đó ở một doanh nghiệp tư nhân bé xíu thôi cũng được không mong gì hơn. Thế mà còn trầy trật và bạn bè của mình lúc đó cũng thế, cũng còn lông bông vất vưởng mãi chưa tìm được việc làm (Ngày đó việc làm tại Hà Nội vẫn khó khăn lắm, vì doanh nghiệp chưa nhiều như bây giờ)
Thế mà mình vừa vào Sài Gòn cái đã có được việc ngay, một cách rất dễ dàng. Mà lại được làm việc ở nơi mà có những khu nhà xưởng sản xuất lớn, hiện đại. Văn phòng làm việc đẹp đẽ, sạch sẽ và có tính quốc tế nơi mình có thể tiếp xúc với đủ các con người từ nhiều quốc tịch từ Á sang Âu, từ qua email, phonecall đến face-to-face.
Điều đó đã thực sự trấn an và cho mình niềm tin rằng từ từ rồi mình sẽ khám phá ra rất nhiều những thứ hay, thứ đẹp của một thành phố lớn nhất và sôi động nhất cả nước này.
Và đúng vậy, Sài Gòn như đất mẹ Gaia trong thần thoại Hy Lạp, rộng lớn bao la và chứa đựng trong đó vô vàn các câu chuyện, các mảnh đời và phận người. Những con người từ những vùng quê nghèo khắp cả nước đến đây để được đất mẹ ôm ấp, bao dung và chở che.
Nếu bạn chỉ đi lướt qua hay chỉ sống dăm bữa nửa tháng bạn sẽ không bao giờ cảm nhận được nhiều thứ làm nên cái hồn của thành phố này.
Thời gian dần trôi giúp mình biết nhiều nơi hơn trong thành phố rộng lớn. Mình chuyển lên vùng trung tâm gần khu nhiều người Hoa sống, nơi mình khám phá ra nhiều hơn những ngõ ngách Sài Gòn, những quán cà phê nhạc Trịnh nằm khiêm tốn trong nhiều con hẻm nhỏ từ Tân Bình đến khu quận 10 hay Bình Thạnh, đặc sắc và ấm cúng không ở thành phố nào có được; những hàng ăn chuyên biệt về một món ăn riêng có của một vùng nào đó, đủ hết bạn thích đặc sản vùng miền nào có vùng miền đó không thiếu thứ gì:)); và nếu thích nhìn những thứ mình hình dung như ngày nhỏ mình vẫn hình dung về một Sài Gòn hoa lệ thì có rất nhiều các con phố hay các tòa nhà thương mại ở khu trung tâm mà mình có thể ghé thăm.
Nhưng cái điều tuyệt vời nhất mà Sài Gòn cho tất cả mọi người mới chân ướt chân ráo đến đây ấy là cái cảm giác họ sẽ chả bao giờ thấy phải tự ti tí nào chỉ vì họ đến từ một tỉnh lẻ và trông quê quê, kiểu như mình :))
Sài Gòn mặc kệ, Sài Gòn không quan tâm bạn đến từ đâu, bạn có tiền tỉ hay chỉ là tên khố rách áo ôm.
Vì Sài Gòn chính là vậy đấy, Sài Gòn có thể là những anh ca sĩ giàu có và ăn mặc diêm dúa 8h tối hát ở một phòng trà sang trọng trên Quận Nhất nhưng 9h đã thấy xuất hiện giao lưu tay bắt mặt mừng, nhảy tưng bừng với các anh em công nhân thợ thuyền ở giữa bãi đất trống sơ sài vùng ngoại ô Bình Chánh, Hóc Môn, không hề có bất cứ khoảng cách nào.
Vì Sài Gòn là vậy đấy, Sài Gòn có thể những ông chủ người Hoa sở hữu những công ty sản xuất lớn mạnh với hàng loạt cửa hiệu mặt tiền trung tâm, sáng ngồi trên văn phòng kiểm tra sổ sách hàng hóa nhiều tỷ tỷ, nhưng chiều chỉ chạy vè vè con xe Cub 50 đã sờn cũ chở hàng giao cho đối tác.
Mình đã gặp ở Sài Gòn,
một gia đình Công giáo ngoan đạo nằm sâu trong một hẻm nhỏ quận Tân Bình có hai người con, con trai đầu làm Cha xứ còn con gái út là bạn của bạn mình thì quyết định trở thành xơ sau một vài năm đi làm. Bạn gái rất hiền, và sở hữu một cái Tâm thánh thiện như thường thấy ở những người sớm có lòng thành với tôn giáo của họ.
Một gia đình mà khi tiếp xúc cho mình một cảm nhận họ thiện và lành đến mức mình cảm thấy phải soi lại để sửa những tật xấu của chính mình. Gia đình mà trong đó bố mẹ thương yêu và tôn trọng sự lựa chọn của các con, không một chút áp lực. Các con sống bình lặng và dâng hiến hết mình theo lý tưởng sống của họ, rất nhẹ nhàng và bình thản y như căn nhà với nhiều hoa tươi và phím đàn piano điệu nghệ thi thoảng lại vang lên thánh thót.
một người dân buôn bán khá giả nhưng quanh năm chỉ đi chiếc xe cà tàng, tuần nào cũng đi nấu và phát cơm từ thiện miễn phí và tháng nào cũng nộp vào một quỹ từ thiện của một tờ báo dăm ba triệu, đều đặn trong suốt nhiều năm.
một cụ bà độc thân chỉ sống một mình trong một căn nhà nhỏ ở một quận phía Đông thành phố. Cụ không lấy chồng, có bốn anh chị em thì hai người chết trên biển trong chuyến tàu vượt biên bão tố những năm 80, một người may mắn sang đến nơi, cần cù chăm chỉ làm ăn cũng đủ sống và thi thoảng gửi về cho người chị ở quê nhà vài trăm USD.
và người anh đầu của cụ là người lính của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Ông cũng đã vĩnh viễn không thể trở về sau chiến dịch Khe Sanh Quảng Trị.
Sau khi cả gia đình cụ đi vượt biên thì tài sản cũng tứ tán hết cả kể cả căn nhà lớn ngay trung tâm.
Khi mình còn làm ở Ngân hàng cũ, lâu lâu ra rút tiền cụ lại qua chỗ mình làm việc chuyện trò, khi thì mang cho bịch chè trôi nước lúc thì cái bánh Pía Sóc Trăng.
-Têt này đứa em tui từ bên kia về cô ạ. Hai chị em dự định đi chơi xuyên Việt từ mũi Cà Mau ra đến Chùa Bái Đính Tràng An. Nó xem trên mạng thấy cảnh chùa đẹp quá trời đất nên ấp ủ về quê lần này nhất định phải ghé thăm
Bà cụ cười hiền và nói với mình như thế vào một buổi chiều gần ngày Noel của tháng mười Hai một năm nào đó.
Chiến tranh ngày càng lùi xa, những người liên quan trực tiếp đến nó lần lượt cũng đi qua tuổi trẻ và dần sẽ tới một nơi mà rồi ai cũng phải tới.
Thế hệ này ra đời, lớn lên, trưởng thành rồi sẽ đến thế hệ khác
Tất cả mọi thứ rồi sẽ thành Lịch sử.
Chỉ có đất nước là mãi vẫn ở đó, với rừng này, biển này
Với bầu trời này, mặt đất này
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Thành phổ Hồ Chí Minh – Sài Gòn – Gia Định là một thành phố trẻ, một thành phố của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành, sôi nổi. Một thành phố rạo rực âm thanh sức sống
Em ơi hãy lắng nghe
Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở
Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không cùng NGHE THÀNH PHỐ THỞ trong suốt tháng Tư ngập tràn nắng gió này.
Với hai nhân vật mới của mình cho loạt bài viết NGHE THÀNH PHỐ THỞ. Hai nhân vật đều ở tuổi hai mươi, một nam chính tóc vàng mắt xanh đến từ nước Mỹ và một nữ chính tóc đen mắt nâu từ thành phố biển Quy Nhơn tươi đẹp
Cả hai gặp nhau và cùng khởi nghiệp tại Thành phố Vườn Địa đàng của chúng ta
Mời các bạn hãy cùng theo dõi hành trình của họ. Để xem họ cùng nghe thấy âm thanh gì từ thành phố trẻ này nhé!
Viết về thành phố trẻ là cứ phải viết về tình yêu phải không các bạn? :)) Khổ quá không thế thì sao “cụ xứ” xuống núi được, thằng William nó lại oán mình đến hết đời :))
Ah nhắc đến ‘cụ xứ” thi sĩ William vừa thông báo là mới nhận được điện tín chuyển đến từ cụ, nhanh nhanh không qua ngày đầu tiên của tháng Tư mất :))
Thư Monster,
Gửi Willam
Mày ở dưới đấy có nóng lắm không William, tao xem tình hình thời tiết có vẻ đang rất khó chịu. Cũng phải thôi mùa khô vẫn đang trong thời gian cao điểm mà. Thôi mày chịu khó, tao nghĩ tin này có thể giúp mày mát lạnh trở lại ngay lập tức, chỉ mong mày không đông cứng thôi.
Ấy là, tao quyết định rồi mày ạ, sáng sớm mai tao sẽ xuống núi, xuống hẳn luôn chứ không phải kiểu rong chơi nữa, nên mày cứ thoải mái, kể cả buổi chiều mày muốn tao chủ trì cho sự kiện trọng đại của đời mày tao cũng luôn rất sẵn lòng. Quần áo lễ phục tao đã trang bị cả, chuyện, tao mà chu đáo thứ hai thì có lẽ không ai là …chủ nhật :))
Lý do cho quyết định lịch sử này là qua câu chuyện được Lão bà bà nhà cô Ma sơ đăng tải về cụ ông U80 Idol tình yêu, tao cảm thấy phục cụ ấy quá, thời nay mà còn có người đàn ông ga lăng, lãng mạn từng ấy sao. Tao nghĩ trên đời mày tưởng chỉ có đến mày là đỉnh của chóp rồi chứ đâu dè lại có đến người như thế
Cháu gửi cụ Idol tình yêu,
Cụ ơi cụ có thể cho con biết rõ hơn về thời thanh xuân vườn trường của mình được không ạ?
Cháu cám ơn cụ và chúc cụ vui khỏe
Thế là cụ không ngại dành ra hai đêm liên tục để viết thư trả lời tao. Không ngờ các cụ thời xưa lại bị bệnh tim sớm thế nhưng khổ các cụ lại chẳng biết làm sao để mà cho đối phương biết cả. Giá kể công nghệ hiện đại như bây giờ hoặc giá kể mà thằng Leo nó được thỏa nguyện chuyển sang khoa Tim thì nó đã phần nào giúp được hai cụ rồi.
Nhưng thôi, cuối cùng các cụ cũng ổn chỉ có tao là không ổn bởi vì cụ khuyên tao nên khẩn trương xuống núi vì ở lâu trên núi quá cũng không tốt, không khí loãng có thể khiến tim vĩnh viễn…ngưng đập :))). Huhuhu, tao rất sợ mày ạ, tim mà ngưng thì lấy ai tiêu kho báu 6 tỷ (chưa kể thêm lãi ngân hàng) đây.
Thế nên tao sẽ rời núi và ngay sau sự kiện cả đời có một của mày thì làm ơn đừng gọi tao là “cụ xứ” nữa, tao là Monte mà, bá tước Monte đấy nhá!
Thôi giờ đã muộn tao dừng ở đây
Tạm biệt và hẹn gặp lại
Monster
(Phù may quá giờ đồng hồ mới cán mốc 23h55′. Vẫn chưa qua ngày April Fool Day :)))
Mình sẽ vẫn viết tiếp câu chuyện về Bỉ Ngạn tháng Ba nhé các bạn, xuyên sang cả tháng Tư luôn!
Good night to all & have a nice dream!