Tháng tư về,
Gió hát mùa hè
Mấy nay nóng quá các bạn nhỉ, có lẽ là một trong những mùa khô phương Nam khó chịu nhất thời gian gần đây (cảm nhận cá nhân chứ mình chưa xem số liệu thống kê).
Oi bức, bí rịt, nhớp nháp…Kiểu thời tiết thế này là kiểu thời tiết điển hình mùa hè miền Bắc đấy các bạn, kinh khủng. Trời rõ là không có nắng to, chỉ là thứ nắng màu trắng vàng nhờ nhờ nhưng không một cơn gió.
Cây cối cứ đứng im lìm như thể chúng đang hờn dỗi gì đất Mẹ (Tất nhiên như mình nhiều lần nói, miền nam dù nóng đến mấy thì buổi tối vẫn nhiều gió, ra ngoài đường mát rượi, đó quả là đặc ân).
Có những lúc ngước lên cao thấy đám mây có vẻ như đã hạ thấp, vui mừng nghĩ rẳng ồ, một cơn mưa quý hóa hẳn sắp đổ bộ xuống nhân gian để tưới mát cho muôn loài đây? Nhưng, hãy cứ mơ đi vì giấc mơ chỉ là giấc mơ, còn lâu cô Mưa cổ mới xuất hiện các bạn ạ.
Tháng tư về,
Mây xa vời nắng xa vời
Mây không xa lắm đâu và Nắng thì rất gần nhưng chúng vẫn còn muốn cháy hết mình cho Tháng. Những cô gái thì có khi nào không đỏng đảnh. Mà kể cả các cô vì thương tình đất Mẹ thiếu nước khô đến nứt nẻ ra, thì cũng đành chịu vì muốn chuyển hóa thành Mưa phải có đủ điều kiện cơ.
Điều kiện đó là gì nhỉ ? Một là nhiệt độ mặt đất cao, hai là không khí phải có độ ẩm cao. Mặt đất nóng làm lớp không khí sát mặt đất cũng ấm lên, trở nên nhẹ hơn và bay lên không trung. Nhưng nếu nóng mà không khí lại khô ráo thì mưa rào không thể xảy ra. Chỉ khi độ ẩm cao, hơi nước bốc lên trên trời hình thành mây vũ tích thì mới có khả năng cho mưa được.
Thế đấy các bạn ạ, lượng muốn chuyển hóa thành chất thì cũng cần có điều kiện. Chỉ khi nào lượng biến đổi đến một giới hạn nhất định (độ) thì mới dẫn đến sự thay đổi về chất, sự vật không còn là nó nữa, một sự vật mới ra đời thay thế nó.
Cũng giống như, “Đủ nắng hoa sẽ nở đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”
From:
Cháu William, chủ sở hữu +30 Xấp thơ tên Ế
Cháu Skeleton, chủ sở hữu +3 lô đất Ế
Cháu Charles, chủ sở hữu – 3 mối tình (ai lại nói thẳng toẹt ra rằng thì là mà bị ‘’đá’ đúng ba lần, thô lắm :)) nên thôi chúng tôi gọi là âm (-) cho nó tránh gợi lên nỗi đau :), các bạn đừng tưởng nhà thơ chúng tôi mà dốt toán nhá, không hề :)), nên hiện bị liệt vào danh sách Ế
Vâng, tất cả chúng cháu đều thuộc Tập đoàn “Những người thích Tiền”
To: Mr tzang quyzn
Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Ép phuê tuê
(Khó viết quá cho phép chúng cháu được phiên dịch ra tiếng Việt:Trạng Quỳnh, đây là tên cúng cơm, còn tên thật của Ngài chúng cháu chịu, Ngài giấu kỹ như mèo giấu….”…”.
“…” là gì mời các bạn search Gúc :))). Chúng tôi chỉ bật mí Ngài là anh em ruột với nhà văn người Thổ Azit Nexin kiêm anh em cùng mẹ khác cha với tỷ phú xứ sở “Cờ Ca rô” Bị Ghẻ :)))
Kính thưa Quý ngài,
Chúng cháu không biết hiện quý Ngài đang làm gì, thôi thì có làm gì cũng mong quý Ngài hãy dừng tay đôi chút. Lập trình, hay AI hay những cái gì đại loại là như vậy (tức toàn những thứ cao siêu lắm dân thường chúng cháu không đủ trình để mà hiểu hết) có cái hay là chúng có thể tạo ra được nhiều xiền, tức là $$$ ấy:)).
Tuy ấm bụng thật nhưng lại gây lạnh tim. Về lâu dài hại sức khỏe, phí lắm, tiếc lắm, cả đống vàng làm ra ai hưởng thụ đây :))
Vâng chính vì thế Quý Ngài hãy thư giãn nghỉ ngơi ít phút, bằng cách lại bên cửa sổ tháo chốt và nhẹ nhàng đẩy cái cánh nhựa và nhìn thẳng ra bầu trời.
Ồ, Quý Ngài có thấy gì không ạ? Có cảm gì không ạ?
“Nóng chết đi được, chả cảm gì”
Dạ vâng, chính xác. Đó cũng là điều chúng cháu nghĩ. Nóng quá thì còn cảm thấy cái quái gì cơ chứ. Công nhận là sao mà năm nay thời tiết nóng thế không biết Ngài tzang quyzn nhỉ? Biến đổi khí hậu làm cho mọi thứ đảo lộn hết cả, nắng nóng gây hỏa hoạn rồi còn động đất và có cả cánh báo Sóng thần.
Thưa Quý ngài chủ tịch,
Không biết Ngài có theo dõi tin tức tài chính kinh tế toàn cầu không nhưng vì chúng cháu toàn là “Những người thích tiền” nên tụi cháu nhạy lắm :)).
Đối với chúng cháu, cái bản danh sách “The Richest in 2024” của tạp chí Fở Bò có khi còn thở ra lượng nhiệt cao hơn cả nhiệt độ của sa mạc Sahara.
Kinh khủng khiếp, thật là khủng khiếp khi nhìn vào cái list ở cột “Net Worth”, nếu quy đổi ra tiền Đồng thì phải thêm vào mấy số 0 đây, nhiều quá tính không nổi :))
Chao ôi, tiền nhiều để làm gì?
1.
William này, “À Má Zui” của chúng tôi đang rất zui vì ông chủ chúng tôi đạt danh hiệu “Á hậu 2” do tạp chí Fở Bò tổ chức, vì vậy chúng tôi quyết định xuất quỹ nhập khoảng 1 triệu bản cho tập thơ “Tương Tư …Tiền” của cậu. Hy vọng doanh thu từ thương vụ này đủ để cậu có sức mà tiếp tục với sự nghiệp văn chương đầy khó nhọc mà cậu đang theo đuổi.
Chúc cậu zui!
Đại diện cho công ty “Á Má Zui” của tỷ phú “Chép Be Dốt”.
2.
-Phải cậu không Charles? Tuy đang ngự trên độ cao 700 mét so với mực nước biển của đỉnh Bàn Cờ, xứ sở thần tiên Đà Nẵng mà tui vẫn nhìn thấy cậu. Tui thấy rằng dù chật vật mới rao bán được một bức tranh mà cậu vẫn không ngần ngại mua vé số cho bác Tư hàng xóm đối diện nên tui quyết định tự thưởng cho mình bằng cách tậu về nhà một họa phẩm do cậu sáng tác mang tên “Cô Gái với Chiếc Vòng Cổ Hột Xoàn”.
Cậu ra giá đi, bao nhiêu tui sẽ trả cậu gấp đôi mức giá mà cậu đưa ra. Tui hy vọng với số tiền thu được từ việc bán tranh cậu có thể mua thêm cho chú Năm hàng xóm bên trái nhà cậu mấy gói bim bim đặng chú có doanh thu xoay vòng vốn. Những người bán tạp hóa như chú đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cửa hàng bán lẻ tiện lợi nên buôn bán khó khăn lắm,
à mà nhớ mua thêm tặng tôi một lọ DEP. Đừng thắc mắc tui mua về làm chi, khổ cha mẹ đặt tên cho vậy nên tui phải chịu thế, tên nó vận vào người rồi:)).
Ký tên: Bị Ghẻ – Tỷ phú với tổng tài sản trị giá 128 tỷ Mỹ kim, đứng thứ bảy trong bảng tổng sắp
3.
Xin chào Skeleton!
Tui là “Mắc Cọp, đến từ Vương quốc “Cây Búc”. Ơn trời, năm nay thiên thời, địa lợi, nhân hòa sao đó mà cái vương quốc của chúng tôi ăn nên làm ra kinh hồn. Và điều này khiến tổng tài sản của cá nhân tôi zọt lên đến xấp xỉ 180 tỷ Mỹ kim.
Nói thiệt với cậu, tui suốt ngày chỉ biết chú tâm vào chụp choẹt các thứ các thứ để có cái mà cúng Phây hàng ngày chứ nào để ý gì trong hang nhà mình có bao nhiêu xèng đâu. Không ngờ, huhuhu, người ta tổng kết ra đến từng đó. Kinh hồn đến nỗi mới tờ mờ sáng nay, trời vẫn còn tối mù và nóng vãi mà mụ vợ tui cũng không để yên, mụ hết nắm tay đến nắm đầu tui mà lay thật lực:
– Anh Mắc Cọp ơi, dậy nhanh đi anh, nhanh lên. Chứ không xíu nữa nắng lên Vàng cũng có thể bốc hơi chứ chẳng chơi!
“Au chứ không phải H2O”. Tui bực tức lẩm bẩm. Nhưng cũng biết thân biết phận, mụ đã nói nhanh là phải nhanh :)). Nhất vợ, nhì giời, vợ bảo sao làm vậy nếu muốn hàng ngày được ngủ ngon giấc. Nên dù chưa kịp ăn mặc cho chỉn chu, tui đã phải lao ra khỏi nhà theo chân mụ đến cái hang kho báu quen thuộc.
-Anh yêu, anh hãy thay đổi mật khẩu vào hang ngay tức khắc. Đó là biện pháp bảo vệ an toàn tránh cho Vàng của chúng ta hóa Nước, và có thể bốc hơi.
Ôi giời ơi, chỉ có thế mà mụ làm khổ tui quá. Nhưng công nhận là không chủ quan được, tin tặc dạo này hoành hành khiếp quá.
Ấy vậy mà không hiểu bối rối thế nào mà tui không sao nhớ lại được cái mật khẩu chết tiệt. Trong đầu tui chỉ đánh đi đánh lại mỗi điệp khúc hình như được đặt làm tựa đề tuyển tập Thơ như của một nhà thơ nào đó bên xứ Vườn Địa Đàng:
“Kho xiền ơi mở cửa ra” :))
Hô đến ba lần như thế mà không trúng. Tiêu luôn rồi, quá tam ba bận là nó tự động Truất luôn Quyền thi đấu. Tui thật, phải làm sao cho cái não nó thông thoáng ra đây.
“Khóa rồi, ôi kho báu của tôi”. Mụ vợ tui điên tiết lên, mụ hết gào lên ầm ĩ đủ các loại mật khẩu mà mụ nghĩ ra lại đến quay qua rủa tui mãi về cái vụ vì xưa kia tui chẳng chịu tốt nghiệp “Học Đại” nên giờ đây não mới teo đến như vậy.
Haizza, chán chả buồn chết, tui bỏ mặc mụ quay về tổng hành dinh “Cây Búc” và ngẫu nhiên search được mấy mẩu chuyện ngắn do Mr tzang quyzn, sáng lập viên của Ép phuê tuê viết cách đây mấy chục năm.
Thế là bao ký ức tuổi trẻ của tui quay trở lại, ôi cái thời sinh viên quên ăn quên cả học chỉ biết cắm mặt đêm ngày với các câu lệnh kiểu như If….., then……:If “Hôm nay hết tiền, hết cả mì gói”, then “Có thể sang vay em ????” :)) nay đã xa thật xa.
Nhưng vui là niềm say mê vô tận với tin học cuối cũng cũng không phụ công. Nó đâm hoa và tạo thành quả ngọt với sự ra đời của “Cây Búc”.
Vậy đấy, “Cây Búc’ ngày càng lớn, và đến một ngày nó nở Hoa. Rồi càng ngày Hoa đẹp quá lại hóa thành…. Vàng (các bạn xem giá Vàng hôm nay giùm tui, rồi các bạn quy đổi ra với tổng tài sản như thể thì hiện tại tui đang nắm giữ bao nhiêu Cây, huhuhu, vui quá tui không nói lên lời đây :)).
Ah, nhưng mà Vàng gần với từ gì ý nhỉ, đúng rồi, mẹ ơi, con nhớ ra rùi. Vợ ơi anh nhớ ra rùi, em hãy tỉnh dậy và đọc thay anh nhé. Mật khẩu đây này:
Vàng ơi, à quên, Vừng ơi mở cửa ra
:))
Trong niềm vui tột độ, tui thiết nghĩ mình cũng nên rộng rãi một chút: Tui quyết định tài trợ cho cậu Skeleton một cái thư viện thiệt là đẹp ngay gần nhà cậu, bên bờ con sông phía Đông của Vườn Địa Đàng.
Chúc Skeleton vui với sự nghiệp phát triển thư viện. Còn đất đai cháu cứ để đó nha Skeleton, cho cái cậu Campell cậu ý có chỗ thực hành ước mơ, biết đâu mai mốt cậu thành tỷ phú ngành Công nghệ sinh học rồi cậu sẽ trả giá cao cho cháu gấp đôi gấp ba không chừng
Ký tên: Mắc Cọp
Thưa quý Ngài tzang quyzn,
Trong danh sách 10 người giàu có nhất thế giới thì có đến 6 người thuộc lĩnh vực “Technology”. Ôi, bảo sao công nghệ lại quan trọng đến nhường ấy.
Trong niềm vui sướng tột độ vừa được tặng thưởng (dù chỉ trong mơ :)) chúng cháu mong Ngài cho chúng cháu một vài lời khuyên ?
Liệu những người chỉ biết làm thơ, làm “cò đất” (nay “cò” đã giải nghệ và thuyên chuyển công tác sang lĩnh vực khác :)) hay vẽ tranh thì có thể trở thành một Information technology Engineer không ạ ? Ý chúng cháu là xác suất lọt vào “Top Ten Richest” đối với nghề nghiệp này lên đến 60% nên chả tội mà chúng cháu không mơ?
Huhuhu, chứ hiện thời ngày chúng cháu chỉ được ăn đúng một bữa cơm, đói quá xá :))
Chân thành cảm ơn Ngài
Chúc Ngài và Quý Công ty luôn thành công rực rỡ, hôm nay và cả ngày mai
WilliamSkeletonCharles
Nhanh hơn điện, ngay lập tức ba anh chàng mơ thành tỷ phú đã nhận được phản hồi của Ngài Chủ tịch tzang quyzn
THƯ PHÚC ĐÁP
Xin chân thành cám ơn các cháu đã quan tâm đến ông Trạng này,
Trước khi nghĩ đến việc trở thành một tỷ phú công nghệ như 6 vị mà bên Fở Bò họ mới công bố, các cháu phải trả lời được câu hỏi sau của Ta một cách chính xác đã:
Liệu rằng các lệnh sau có đúng không?
1.If “Trong danh sách Fở Bò có tên Monster”, then “Cậu ấy sẽ xuống núi”
2.If “Cậu Monster xuống núi”, then “Sài Gòn sẽ có Mưa”,
Mời ba cậu: Yes or No ?
Nếu chính xác thì các cậu có tiềm năng trở thành người của Ép Phuê Tuê, và như vậy các cậu chắc chắc có trong xác suất 60% thành tỷ phú toàn cầu kia.
Còn giờ thì Trạng chẳng mong gì hơn là một cơn Mưa
Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa :))
Chúc ba tỷ phú tương lai có một buổi tối zui zẻ!
Mr tzang quyzn
Mình thích viết về thành phố như là một người Trẻ, một thành phố Trẻ là nơi hội tụ của rất nhiều người từ khắp nơi đến sinh sống, lập nghiệp và làm cho nó Trẻ mãi.
NGHE THÀNH PHỐ THỞ
By Rose&Cactus
1.
Quy Nhơn xoay người ngắm mình trong gương, sau khi chắc chắn rằng mọi thứ bên ngoài đều ổn cô mới an tâm bước ra khỏi phòng để ra trạm bắt xe buýt. Trong trang phục của một nhân viên công sở, hôm nay trông cô chín chắn và lịch sự hơn hẳn: Mái tóc đen dài quá vai cuốn lại gọn gàng bằng một chiếc cặp có búi lưới; chiếc áo sơ mi trắng cổ Đức được cài khuy đến nút cao nhất, sự khô cứng của nó được giảm đi đáng kể bằng cái nơ đeo cổ bằng vải lụa màu xanh lá; chiếc chân váy bút chì có độ dài vừa phải đến đầu gối và một đôi giày da màu đen là đủ cho một bộ trang phục phù hợp và chỉn chu.
Vấn đề ăn mặc của Quy Nhơn cho buổi đầu xuất hiện với tư cách thực tập sinh tại một công ty lớn có vẻ còn làm mẹ cô bận tâm hơn cả con gái. Tối hôm qua mẹ gọi điện và căn dặn cô đến cả tiếng:
-Má dặn rồi con phải nhớ nghe. Giờ tuy con chưa ra trường nhưng được người ta thương nhận vào tập sự thì con cũng nên hết lòng mà đáp lại sự tin tưởng ấy. Con đặt hai chuông báo thức đi, cả ở điện thoại và ở đồng hồ để bàn để chắc chắn rằng mình sẽ không dậy trễ giờ. Quần áo con ủi hết chưa? Phải ủi kỹ cho phẳng, tối kỵ xuất hiện nơi công sở với quần áo nhàu nhĩ đầy nếp nhăn như quần áo ngủ. Sau cùng kiểu gì con cũng nên trang điểm nhé, nhưng tránh đậm quá vì mình đi làm chứ không phải đi diễn kịch. Cái màu son thì má nghĩ con cứ tô cái loại giống hôm bữa về quê con tô đó. Trời ơi, con tui đánh son vào nhìn còn xinh hơn cả cô diễn viên Han Sô Hi.
Bài căn dặn của mẹ Quy Nhơn còn dài lắm nhưng cô chỉ nhớ được có từng ấy. Mẹ cô lúc nào cũng thế, đến giờ cô lớn lắm rồi, đã gần 22 tuổi rồi, xa nhà, xa ba mẹ đã bốn năm và đủ cứng cáp để bước vào đời mà mẹ lúc nào cũng lo lắng cứ như thể cô vẫn còn là đứa con nít.
-Con đừng sợ tốn tiền, tiết kiệm gì cũng được nhưng riêng ăn uống là phải đủ chất thì mới có sức mà học
Tháng nào mẹ cô cũng gởi cá biển từ ngoài quê vô Sài Gòn cho cô và lần nào cũng vậy bà đều cẩn thận viết ra một tờ giấy hướng dẫn chi tiết cách làm cá sao cho sạch, rồi phương thức chế biến sao cho ngon và đúng khẩu vị. Thậm chí gia vị nấu kèm món cá đó mẹ cũng chuẩn bị từ nhà, với từng gói nhỏ chia ra cho mỗi lần nấu.
Hồi đầu khi mới vô Sài Gòn học Quy Nhơn cũng cảm thấy hơi khó chịu vì mẹ cứ quan tâm thái quá thế nhưng rồi dần dần cô nhận ra những thứ mà mẹ trao gửi thật sự là hữu ích vì đồ quê cái gì cũng tươi ngon, và đặc biệt nếu quy ra tiền thì mỗi tháng cô cũng tiết kiệm được kha khá chi phí cho thực phẩm. Và như vậy cô đã có một chút dư để đầu tư vào các khóa học thêm các kỹ năng bên ngoài nhằm năng cao năng lực của bản thân.
Nhưng giá trị của những món đồ ấy đâu phải là ở công dụng của chúng. Không có món này thì Quy Nhơn còn có biết bao nhiêu lựa chọn khác để lấp đầy bao tử. Cái được sưởi ấm chính là trải tím cô: Những dòng chữ của mẹ dù không phải theo kiểu ngọt ngào mà toàn là công thức nấu ăn nhưng đã giúp cho cô vượt qua được những sự mệt mỏi hay vài nỗi buồn vu vơ của một người trẻ xa gia đình. Nếu giả sử một ngày nào đó những điều thân thương này vắng bóng trong cuộc sống của cô, hẳn là cô sẽ buồn nhớ lắm
Chính vì lẽ đó, sau bốn năm học ở một đô thị rộng lớn, dù Quy Nhơn đã làm quen với nhiều món ăn ở mọi vùng miền trên cả nước, nhưng không có gì lại khiến cô ngon miệng hơn những món quà quê mẹ gửi.
Ra khỏi nhà, Quy Nhơn đi bộ dọc theo vỉa hè trên con đường lớn dẫn đến bến xe buýt. Nơi này tuy hơi xa trung tâm thành phố nhưng giá thuê nhà khá rẻ nên phù hợp với điều kiện kinh tế của cô.
Và hay nhất là nó cho cô một không gian riêng đủ để không cảm thấy quá bí bách như những nơi ở cũ. Sau ba năm chung nhà thuê cùng bạn, giờ đây khi chuẩn bị chuyển sang một bước ngoặt mới trong cuộc đời, ra trường và đi làm, Quy Nhơn muốn sống một mình. Cô thích tự mình trang trí căn phòng của riêng cô, dù là phòng đi thuê chăng nữa thì Quy Nhơn luôn muốn chốn đi về ấy luôn phải gọn gàng, sạch đẹp.
Kể ra cô thấy mình thật quá may mắn khi chọn được căn phòng này. Đó cũng có thể là cái duyên mà nhiều người hay nói tới. Ấy là khi đang học năm hai Đại học Kinh tế tình cờ cô đọc được dòng tuyển gia sư cho một cậu bé học lớp Sáu với mức tiền công cao hơn so với bình thường. Không ngần ngại, cô đăng ký ngay dù phải bắt xe buýt đi một chặng đường dài hơn.
Cậu bé này là con út của nhà chủ nơi cô đang thuê nhà.
Gia đình của họ là một kiểu gia đình trẻ điển hình ở thành phố của những người nhập cư này: Hai vợ chồng từ miền Tây lên Sài Gòn học Đại học rồi cùng nhau ở lại lập nghiệp.
Anh chồng làm cho một doanh nghiệp lớn của nước ngoài, có nhà máy nằm ở khu vực vệ tinh quanh thành phố. Hàng ngày anh đi làm bằng xe đưa rước, với thời gian cố định sáng đi sớm và lúc trở về thì phố đã lên đèn. Còn chị vợ thời gian đầu cũng chung công ty với chồng nhưng sau khi sinh con thứ hai thì xin nghỉ vì công ty xa quá không tiện cho chị đưa đón các con đi học.
Chị cũng đã phải suy nghĩ nhiều mới đưa ra được quyết định đầy khó khăn này. Cũng chẳng có cách nào khác khi ba mẹ hai anh chị ở quê đều đã lớn tuổi chỉ có thế giúp họ được dăm bữa nửa tháng chứ các cụ không ở thành phố được lâu dài. Người giúp việc thì chị tìm mòn mỏi cũng không ai ở được lâu, chỉ dăm ba ngày là đòi nghỉ, người thì kêu về quê, người lại kêu đi làm công nhân thoải mái hơn.
Tuy vậy khi cậu bé út đi học lớp Một thì chị tìm được một công việc nhẹ nhàng, thu nhập tuy không bằng công ty cũ nhưng thời gian làm việc ngắn hơn giúp chị có thể lo chu toàn việc con cái, nhà cửa.
Cô con gái đầu của họ ngoan ngoãn và rất chăm chỉ học hành. Năm vừa rồi cô bé đã đậu vào một trường chuyên có tiếng của thành phố. Anh chị vui mừng thưởng cho cô một chuyến du lịch xuyên Việt. Cậu con trai sau thì thông minh nhưng nghịch ngợm và lười học hơn chị.
Anh chị vì sợ con buổi tối mải chơi games sinh nghiện nên tìm gia sư về dạy tại nhà cho con họ, chủ yếu vừa dạy học vừa trò chuyện khuyên bảo cậu bé là chính chứ anh chị không đặt nặng điều kiện là con họ phải đạt thành tích này kia.
Cũng có vài ba sinh viên đến dạy cho cậu bé nhưng không ai trụ được lâu. Đến Quy Nhơn thì anh chị cũng nói với cô thực trạng của thằng nhóc là như vậy để cô không quá bất ngờ.
Thực ra Quy Nhơn đã đi dạy nhiều rồi, ngay từ khi cô bước chân vào Đại học. Cô muốn phụ giúp một phần cho gia đình vì cha mẹ cô vốn không phải là có kinh tế dư dật gì.
Mẹ cô là nhân viên thủ thư của thư viện tỉnh, còn cha cô trước đây đi biển, một ngư dân chính gốc nhiều đời. Việc cha mẹ gặp và nên duyên với nhau cũng là cả một quá trình bền bỉ chống lại sự phản đối của gia đình bên mẹ vì họ sợ một người quanh năm ngày tháng lênh đênh ngoài biển không thể nào có điều kiện để chăm lo cho vợ con.
Nhưng cuối cùng tình yêu của cha mẹ cũng chiến thắng và họ càng chung sống với nhau lâu thì càng chứng tỏ mẹ cô đã lựa chọn đúng người.
Ba cô không những khỏe mạnh, làm trụ cột cho cả gia đình mà ông còn rất hiền hậu với vợ con. Mẹ Quy Nhơn hai lần sinh nở thì cả hai đều là con gái. Với nghề đi biển, một nghề nặng nhọc thì hầu như gia đình nào cũng mong muốn có một người con trai để cha truyền con nối. Vậy mà ba không tạo áp lực gì cho mẹ cô cả, với ông hai con gái là đủ, cái quan trọng là phải nuôi hai con ăn học sao cho tử tế, nên người.
Năm Quy Nhơn bắt đầu vào Đại học thì ông thôi không đi biển nữa, sau mấy chục năm lênh đênh với những con sóng. Có nhiều khu nghỉ dưỡng mọc lên trên vùng đất quê hương nên không khó để ông xin được vào làm nhân viên dọn dẹp vệ sinh trong khu vực nhà bếp của một khách sạn lớn.
Công việc cho thu nhập đều đặn và ổn định hơn chứ không phập phù như nghề chài lưới đủ để ông bớt đi nhiều nỗi lo tài chính khi có hai con đang ở tuổi ăn học.
-Tom à, giờ con vẽ tặng cô một bức tranh nha, bức tranh về dòng sông ngay trước cửa nhà mình ấy!
Cô đã nói với cậu học trò nhỏ như vậy sau khi cậu bé kết thúc một ván Games. Cậu bé thích Games, nên cô thường cho cậu bé chơi khoảng 15 -20 phút. Sau đó nếu cậu vẫn chưa muốn học thì cô lại cho cậu bé vẽ, vì đó là niềm đam mê của cậu. Có khi vẽ xong bức tranh cũng là lúc giờ học kết thúc.
Trong suốt một vài tháng đầu buổi tối hai cô trò chỉ chơi mấy trò như thế hoặc là Games, hoặc là vẽ hoặc chơi cờ, cờ Vua hoặc cờ Ca rô. Một thời gian sau khi hai người quen nhau dần, cậu bé mới chịu để cho cô dạy một số môn mà cậu học không được tốt lắm.
Dần dần qua hơn một năm môn Toán của cậu cũng khá hơn đôi chút, nhưng đó cũng là đạt đến mức kỳ vọng mà cô và gia đình cậu bé mong rồi vì cậu sinh ra không phải là để giỏi làm Toán.
Bán cầu não phải của cậu hoạt động mạnh hơn.
Hai năm nay kinh thế thế giới lâm vào suy thoái. Thành phố nơi cô sống cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy chung. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng đẩy hàng nghìn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp. Kinh doanh buôn bán gì đều kém hơn so với những năm trước.
Chị chủ nhà thậm chí còn bị giảm thời gian làm việc đến một nửa, ngày đi làm ngày nghỉ. Nhân viên công ty chị không ai muốn rời đi nên cùng nhau thỏa thuận chia sẻ khó khăn chung bằng cách nghỉ luân phiên như vậy. Công ty chị tuy nhỏ nhưng tràn đầy sự ấm cúng, đoàn kết và thấu hiểu giữa Ban lãnh đạo và các nhân viên cùng anh em công nhân. Đó cũng là niềm vui mỗi ngày đi làm của chị, để mỗi khi rời công việc trở về nhà chị cảm thấy mình thực sự thư giãn và thoải mái.
Thật ra thì từ tay trắng anh chị đã có được hai căn nhà, tất cả là nhờ vào sự tiết kiệm cần cù, chịu khó năng nhặt chặt bị của cả hai vợ chồng mà thành.
Nhớ lại cách nay đã gần hai mươi lăm, khi mới cưới nhau anh chị tuy chỉ có rất ít tiền trong tay nhưng vì khao khát mãnh liệt có một chốn đi về ổn định để thoát khỏi cảnh liên tục phải chuyển nhà nên họ đã chạy vạy vay mượn đủ nơi từ người thân, ba mẹ hai bên đến Ngân hàng mới đủ để mua được căn nhà này chứ như bây giờ thì khá là vất vả vì giá đất đã cao vượt ngưỡng. Sau bảy năm miệt mài trả nợ và ba năm tích lũy thêm được một ít vốn nữa họ lại vay ngân hàng để mua một tiếp một căn ngay bên cạnh, chủ nhà bán vì chuyển về quê sinh sống.
Căn nhà hai tầng mới được sửa sang và cho thuê. Số tiền cho thuê này đủ để trả lãi vay còn tiền gốc thì anh chị trích từ thu nhập hàng tháng. Sau hơn năm năm đến nay anh chị đã hoàn toàn không còn bất kỳ một khoản nợ nào.
Vừa may đúng vào thời điểm mọi thứ đều khó khăn. Họ cũng đã giảm 1/3 tiền cho thuê nhà để cùng chia sẻ với người đi thuê. Nhưng căn phòng có ban công trên lầu hai vẫn còn trống và chị chủ nhà vì quá mến Quy Nhơn nên đã thuyết phục cô chuyển xuống đây sinh sống. Sau một tuần suy nghĩ Quy Nhơn đã quyết định sẽ thay đổi chỗ ở.
Dãy phố nơi có ngôi nhà mà cô làm gia sư tuy chỉ nằm trong một khu bình dân gồm toàn những cư dân trẻ từ tỉnh về thành phố lập nghiệp nhưng lại có vị trí lý tưởng đến mức người ta cứ ngỡ nó lẽ ra phải nằm trong một khu nhà giàu nào đó.
Từ căn phòng của Quy Nhơn phóng tầm mắt ra xa xa cô còn thấy cả một dòng sông chảy qua vì toàn bộ khu đất trước mặt là một công viên nhỏ nơi có nhiều cây cối xanh tươi.
Câu chuyện về nơi ở mới của Quy Nhơn đã bắt đầu như thế, một nơi an ninh, riêng tư và tĩnh lặng đủ để cô cảm giác đang được ở chính ngôi nhà của mình.
Khi Quy Nhơn bước vào năm cuối, trường Đại học cô đang theo học có nhiều chương trình liên kết với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài. Những chương trình này đã thúc đẩy sự phấn khích nơi cô sinh viên trẻ cho một công việc thực tập sinh ở một môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Không dễ để có thể được trúng tuyển vào vị trí này của một tập đoàn đa quốc gia. Quy Nhơn không có nhiều thành tích nổi bật như nhiều bạn nhưng may mắn cô đã vượt qua vòng phỏng vấn nhờ câu trả lời thông minh và chân thật
-Em không có thành tích học tập nổi bật nhưng em luôn có khát vọng làm việc ở những nơi có thể cho em cơ hội khiến em trở lên nổi bật. Và công ty của các anh chị chính là nơi có thể giúp em thỏa nguyện khát vọng đó!
Chẳng biết sao mà lúc đó Quy Nhơn cảm thấy tự tin ghê gớm! Thế nên mới đủ bình tĩnh để có thể nói ra được suy nghĩ của mình, dù là bộc phát. Kiểu như lúc đó chẳng có gì để mất ấy.
Mà đúng là cô có gì để mất đâu: Học bạ cô không tồi nhưng không xuất sắc, chỉ vừa đủ; các hoạt động ngoại khóa cũng không có gì nổi bật. Cô chỉ có mỗi một công việc kéo dài là đi gia sư suốt bốn năm đại học, và một vài việc làm thêm lặt vặt là nhân viên bán hàng thời vụ ở một vài siêu thị.
Cái công việc mà cô đã không về quê vào dịp Tết hai năm liền để ở lại đăng ký làm nhân viên thu ngân. Và mặc dù về đến nhà chân tay ê ẩm, lưng như muốn gãy sụn vì đứng liên tục suốt mười tiếng đồng hồ thì cô cũng đã rất lấy làm vui vì thu nhập những ngày đó cao gấp ba lần bình thường.
Cô không ngờ chính sự mô tả chi tiết cái công việc tưởng như rất đơn giản này cùng với vòng phỏng vấn thành công đã là nhân tố then chốt để cô được lựa chọn giữa bao người.
Thông báo trúng tuyển được gửi đến từ một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới khiến Quy Nhơn phấn khích suốt cả tuần nay. Ngày nào cô cũng nghe tiếng Anh và nhờ con bé Scarlett, chị của thằng Tom sang nhà để có người cùng tập nói cho quen. Cô cứ tưởng tượng vào một nơi như thế mà mình lắp ba lắp bắp không hiểu gì thì có mà ngượng chết mất.
Xong có khi cô lại lôi bộ đồ trang điểm ra đánh đi đánh lại để xem như thế nào là vừa. Bình thường Quy Nhơn không trang điểm. Cô không có những loại kem dưỡng hay phấn phủ đắt tiền như nhiều bạn đồng trang lứa. Vật bất ly thân của cô chỉ là thỏi son, khi đi làm nhân viên bán hàng ở siêu thị cô cũng chỉ quệt son chút cho gương mặt tươi sáng. Đây là lần đầu tiên cô tập trang điểm một cách chỉn chu như vậy.
Đúng 6h30 chiếc xe buýt màu lam đỗ xịch ngay ghế chờ trạm xe buýt số 5. Quy Nhơn xuất trình vé tháng cho nhân viên nhà xe khi đã bước vào xe. Lúc này mới chỉ có lác đác vài người nên cô dễ dàng chọn được một chỗ ngồi lý tưởng ngay bên cạnh cửa sổ.
Khi ổn định chỗ, Quy Nhơn mở túi xách lấy ra cái thẻ dành cho thực tập sinh có dây đeo và quàng vào cổ. Bỗng nhiên cô cảm thấy mình trưởng thành hơn hẳn trong bộ đồng phục cùng với cái thẻ, như một sự khẳng định một bước tiến thật sự trong cuộc sống của cô.
Bình thường lên xe buýt đến trường thể nào Quy Nhơn cũng ngủ một mạch. Nhưng hôm nay thì khác, cô muốn thức cho đến tận khi chiếc xe dừng chân tại trạm ngay gần Văn phòng Công ty của cô. Mới chưa đến bảy giờ sáng mà ánh nắng chói chang của tháng Tư như phủ đầy lên mặt đường nườm nượp xe, báo hiệu lại một ngày nắng nóng như thiêu đốt.
Quy Nhơn nhìn ra ngoài, qua cửa kính tuyến đường sắt trên cao vùn vụt chạy qua trước mắt. Chỉ vài tháng nữa thôi là tuyến đường này được đưa vào sử dụng và khi ấy thời gian di chuyển từ vùng ngoại ô vào trung tâm thành phố sẽ được rút ngắn đi rất nhiều. Thật là quá tuyệt vời!
Quy Nhơn đang mải suy nghĩ với hành trình trên tàu Metro thay vì trên xe buýt thì “Cộp” một cuốn sách rơi từ trên xuống và hạ cánh xuống ngay dưới chân cô:
-Xin lỗi bạn, lỗi do tôi vô ý
Một giọng tiếng Việt của một người nước ngoài. Quy Nhơn quay sang bên cạnh và thấy một thanh niên còn rất trẻ đang tháo ba lô ra khỏi lưng. Anh ta có mái tóc vàng tơ, bồng bềnh và đôi mắt thăm thẳm một màu xanh của đại dương. “Blue eyes”, Quy Nhơn như quên mất đối diện với cô là một chàng trai. Cô lại tưởng tưởng ra bên trong đôi mắt tuyệt đẹp ấy là nước biển xanh ngăn ngắt nơi quê nhà.
-Xin lỗi, cuốn sách của tôi có làm cho chân bạn đau?
Phải khi anh chàng cất tiếng, Quy Nhơn mới sực tỉnh
-Ồ, không sao
Rồi cúi xuống nhặt lên cuốn sách đưa cho người thanh niên. Cuốn sách có bìa rất đẹp mang tựa đề về nền văn hóa phương Đông
-Cám ơn bạn nhiều
Người thanh niên đón lấy cuốn sách từ tay Quy Nhơn. Bỗng nhiên Quy Nhơn thấy anh nở một nụ cười rất thân thiện. Vẫn cảm thấy ngại ngùng vì hành vi hơi thô lỗ của mình ban nãy, cô quay ra phía cửa sổ và chỉ mong nhanh làm sao xe đến công ty càng sớm càng tốt.
Còn người thanh niên thì chăm chú đọc sách suốt cuộc hành trình. Nhưng anh biết từ nay có thể mình sẽ có một người cùng đồng hành trên đường đi làm.
Trên hành trình xe buýt, cả hai cùng chung một điểm đến, tuy có khác nhau ở trạm đi.