Nghe thành phố thở (5)

by Rose & Cactus

Ở miền Nam, ngoài Tp. HCM là nơi mình đang cư ngụ thì Bình Dương từ lâu đã là nơi mình luôn xem là nhà. Và vùng hồ Dầu Tiếng dù là nơi xa nhất của tỉnh nhưng với mình cũng rất thân quen. Một vùng đất điển hình Đông Nam Bộ, cao ráo, bằng phẳng và luôn ngập tràn nắng gió.

Cao su bạt ngàn và rừng cao su cũng đẹp lắm các bạn ạ. Rẽ trái từ Quốc lộ 13 (nối Tp.HCM với Bình Dương) chạy một mạch là lên đến tận Dầu tiếng, nơi có một phần hồ Dầu Tiếng. Con đường rộng và ít xe nên tốc độ cứ là băng băng, và càng đi xa thì một vẻ đẹp đặc trưng của Bình Dương lại càng hiện ra rõ rệt.

Ấy là những rừng cao su, những rừng cao su bạt ngàn trải dài như vô tận. Mùa cây xanh lá thì từng thảm phủ xanh ngút tầm mắt có cảm tưởng xuống đến đường chân trời.

Nhưng đẹp nhất ở chỗ vì cao su được trồng ngay hàng thẳng lối, mỗi hàng lại cách nhau một khoảng đều chằn chặn nên cứ cuối hàng lại trống ra một khoảng không, vừa như một khung cửa. Vì cây xanh tốt quá nên cái khung cửa ấy lại là nơi mà ánh sáng lọt vào. Những khung sáng rất gợi hình.

Còn nếu đến mùa cây rụng lá thì đẹp có khi còn hơn. Chả khác gì khung cảnh lung linh trên những bức tranh to đùng về mùa thu mà cách đây mấy chục năm ngoài quê mình có mốt mua rồi treo lên tường phòng khách.

Lá vàng rụng dầy thành thảm chất quanh gốc cây kéo dài mãi từ ngoài mặt ngoài đường lộ đến vào sâu bên trong cuối cùng của cánh rừng. Cho nên cái mùa lá vàng này có rất nhiều đôi trẻ tìm đến đây để chụp ảnh cưới.

Hồ Dầu Tiếng nằm ở vị trí cuối của huyện và cũng là của tỉnh Bình Dương, giáp với Tây Ninh. Do vị trí địa lý nên vùng đất Dầu Tiếng còn khô và nắng hơn cả Sài Gòn nhưng khi ra đến gần khu vực hồ thì khí hậu dịu đi hẳn. Hơi nước cùng những cơn gió đẩy lên từ lòng hồ rộng mênh mông khiến cho mùa khô phương Nam bớt đi hẳn sự khắc nghiệt.

Mình phải công nhận, cũng như Thủy điện Sông Đà, khi lên đến một công trình nhân tạo kỳ vĩ như Hồ Thủy lợi Dầu Tiếng ta mới thấy câu nói “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đúng đến như thế nào.

Vì để có thể thực hiện được những dự án lớn như vậy gần như chắc chắn phải là sự huy động sức mạnh tổng lực và sự đoàn kết đồng lòng của toàn bộ đội ngũ thực hiện: Từ cấp chỉ đạo cao nhất đến những người ở cấp thấp nhất: Chính trị gia cấp Trung ương thì lo huy động tiền; Kỹ sư thì lo khâu kỳ thuật; Bộ máy quản trị chính quyền địa phương thì lo hậu cần; bà con nhân dân sở tại thì tình nguyện hiến đất; các tình nguyện viên khắp các tỉnh thành thì tình nguyện hiến ngày công;…vân vân và mây mây

Như một dây chuyền khép kín, đòi hỏi mọi bộ phận phải cố gắng nỗ lực chạy trơn tru. Đứt đoạn nào cũng không thể về đến đích. Đó chính là sức mạnh vô song của tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, bởi căn bản nhất là bản chất của công việc đang được tiến hành là hoàn toàn đúng đắn vì lợi ích của nhân dân, và đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế xã hội của một vùng đất nói riêng và đất nước nói chung.

Rừng cao su mùa là đổ

Khi đọc các chương trình tái thiết đất nước từ đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh thế giới ở Nhật Bản các nhà phân tích cũng cho rằng một trong những nhân tố làm nên sức mạnh thần kỳ Nhật Bản chính là tinh thần đoàn kết.

Họ chọn ra được những người lãnh đạo cao nhất vừa có tài vừa có tâm và vừa có khát vọng lớn, và đặc biệt phải có tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc chính là tình yêu quê hương vô bờ bến và không có điều kiện, biết đau nỗi đau của đất nước trong tình trạng suy vi, biết đau nỗi đau của dân nghèo khốn khó; của tầng lớp tri thức chưa được trọng dụng; của sự trong sạch và liêm chính, thứ là tôn chỉ cao nhất của bộ máy thực thi công quyền, đã không được tuân thủ nghiêm ngặt.

Nhìn từ Nhật Bản hay Hàn Quốc hay Singapore và hiện nay là Trung Quốc chúng ta đều có thể thấy tinh thần dân tộc của họ cao đến mức nào. Đủ để cho cả xã hội của họ lao vào xây dựng và cống hiến không ngưng nghỉ cho đến khi thoát ra được cái mác của một đất nước nghèo đói, kém phát triển.

Tinh thần dân tộc cao đến mức ngay cả khi họ mang cả nhân lực vật lực ra ngoài đất nước của họ để xây dựng các cơ sở sản xuất thì họ vẫn ưu tiên sử dụng những hàng hóa hay những nhà cung cấp từ chính quốc của họ.

Đừng nói đến Châu Á, ngay cả Mỹ, cường quốc số 1 đó thôi mà để thực hiện thành công việc chế tạo ra bom nguyên tử (dự án Manhattan) họ cũng đã phải sử dụng sức mạnh tổng lực của biết bao nhiêu các thành phần trong xã hội. Họ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học đỉnh cao (cả về điều kiện ăn ở đến lương bổng) nghiên cứu và phát triển, cùng với sự hỗ trợ của  hệ thống quốc phòng và an ninh, các cơ sở sản xuất dân sự phụ trợ cùng đội ngũ tình nguyện viên đông đảo….tất cả đều đồng lòng, bỏ qua cái tôi cá nhân và tôn trọng sự chỉ đạo từ người nhạc trưởng Oppenheimer thì mới dẫn đến kết quả thử nghiệm thành công. Bạn nào đã xem bộ phim vừa đạt hàng loạt giải Oscar Oppenheimer thì có thể cảm nhận rõ điều đó

Tinh thần dân tộc quật cường và mạnh mẽ cũng chính là thứ khiến cho đất nước Israel nhỏ bé, khô cằn chẳng có lấy một tài nguyên gì đáng giá nhưng không chủng tộc nào dám khinh thường họ được. Tất cả đều được xây dựng dựa trên nền tảng tri thức. Họ khắc phục mọi khó khăn ngổn ngang của một vùng đất toàn là sa mạc cũng dựa trên nền tảng của tri thức và khoa học.  Tinh thần đó đã phần nào được thể hiện qua cuốn sách “Con đường thoát hạn” của tác giả Seth Siegel mà mình đã từng giới thiệu

Thế cho nên mình vẫn cho rằng những vấn đề và thách thức lớn, ví dụ, của Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay có được khắc phục hiệu quả hay không chính là phụ thuộc vào tầm nhìn và hành động của chính bản thân chúng ta.

Tất nhiên chúng ta vẫn sẽ luôn lên tiếng để bảo vệ cho quyền lợi của đất nước minh nhưng quan trọng hơn, cái quyết định nhất không phải là việc chúng ta (mình nói cả dân thường ) đổ lỗi cho nước này nước khác khi họ làm cái này cái kia không có lợi cho nước của mình.  Họ vẫn sẽ luôn có những hành động vì lợi ích của nước họ, đó là điều chắc chắn. Việc của mình là phải nghiêm túc xây dựng chương trình hành động của nước mình.

Phải dự đoán được những thách thức lớn trong dài hạn đổi với cả một vùng Nam bộ, vùng đã được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo sẽ phải đối phó với rất nhiều thiên tai như hạn hán, mặn xâm nhập hay nước biển dâng.

Vậy chúng ta sẽ phải làm gì?

Những vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long có phải đang là những vấn đề nổi cộm và cần được sự quan tâm nhất so với các địa phương khác không?

Hãy phân tích thật kỹ lưỡng. Nếu câu trả lời là có thì chúng ta cần phải dành toàn lực đầu tư giải quyết vấn đề đó của vùng này chứ không phải là những giải pháp chắp vá và nửa vời, năm này qua tháng nọ không có một chút cải thiện nào.

Hãy vận động mọi nguồn lực trong xã hội, từ giới tri thức trong và ngoài nước, từ sự đóng góp về vật chất của mọi tầng lớp nhân dân, từ sự đóng góp công sức của người dân địa phương và các vùng khác (nếu cần), từ sự hi sinh một phần những quyền lợi của các địa phương khác ngoài vùng đồng bằng sông cửu long để dồn toàn lực cho những giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn của vùng này.

Không có một giải pháp hoàn hảo nào mà không cần đến sự hi sinh cả.

Nhà hóa học Marie Curie có hi sinh không ? Quá nhiều. Bà hy sinh cả tuổi trẻ, cả thời gian và sức lực đề cống hiến toàn bộ cuộc đời cho  nghiên cứu khoa học. Thế cho nên với nhà khoa học đừng bao giờ chúng ta so sánh khả năng kiếm tiền của họ so với các tầng lớp khác. Giá trị của họ cao hơn thế rất nhiều, đó là khi chất xám của họ được trọng dụng. Họ đã hi sinh khi cống hiện cho  khoa học vì có thể nếu ở lĩnh vực khác họ đã giàu có hơn

Doanh nhân có phải hi sinh không? Có chứ, họ sẽ phải hi sinh một phần lợi nhuận cho các dự án phăt triển bền vững của đất nước vì lợi chung.

Chính trị gia có phải hi sinh không? Nhiều là đằng khác, họ phải hi sinh thời gian, lao lực tâm trí để điều phối việc thực hiện công việc chung cho năng suất và hiệu quả

Tầng lớp nhân dân có phải hi sinh không? Có chứ, về rất nhiều thứ, vật chất, quyền lợi hay thời gian

Và với sự huy động tổng lực sức người sức của như thế,  mình không nghĩ rằng vấn đề của Đồng Bằng sông Cửu Long là không thể giải quyết!

Quan trọng nhất là chúng ta có quyết tâm làm cho ra làm không mà thôi!

NHỮNG DÒNG SÔNG

By Nick Middleton

2.

Một con sông dài bao nhiêu?

Đo chiều dài của một con sông phức tạp hơn bạn tưởng. Các phép đo và ước tính chiều dài của các con sông trên thế giới rất khác nhau tùy thuộc vào tất cả các loại yếu tố, bao gồm mùa trong năm, khả năng của người vẽ bản đồ và chất lượng thiết bị của anh ta, cũng như các quyết định chính xác cái gì sẽ được đo lường.

Về lý thuyết, bài tập nên đơn giản: xác định vị trí của nguồn, xác định cửa sông và đo chính xác chiều dài của con sông giữa hai vị trí này. Việc tìm cửa sông thường rõ ràng. Vị trí chính xác của nó thường được xác định là giao điểm giữa đường trung tâm của dòng sông và đường được vẽ giữa hai bên cửa xả.

Việc xác định chính xác vị trí của nguồn thường khó khăn hơn. Việc tìm kiếm nguồn của những con sông cụ thể ở những vùng xa xôi và khó tiếp cận đã thu hút và truyền cảm hứng cho các nhà thám hiểm trong nhiều thế kỷ và vẫn tiếp tục như vậy cho đến tận ngày nay.

Sự bất đồng về nguồn  thực sự của nhiều con sông là một đặc điểm liên tục của lịch sử khám phá này. Theo một nghĩa nào đó, nhiệm vụ tìm kiếm “nguồn” của một con sông chỉ là một vấn đề phỏng đoán đơn giản vì hầu hết các con sông thường có nhiều nhánh và do đó có nhiều nguồn.

Đối với phấn lớn các cơ quan chức năng, nguồn ở xa cửa sông nhất được coi là nguồn “nguồn” của sông, do đó cho biết chiều dài tối đa sông. Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi có sự khác biệt về những nguồn xa nhất này. 

Một yếu tố phức tạp khác là có hay không bao gồm các nhánh được đặt tên khác nhau. Trong thực tế, hàng loạt quyết định được đưa ra về việc bao gồm hoặc loại trừ các nhánh sông có lẽ là yếu tố chính trong quá trình tìm kiếm nguồn của một con sông và những quyết định này thể hiện một trong những lý do chính tại sao không phải tất cả các phép đo cho một con sông cụ thể đều phù hợp.

Lấy Mekong làm ví dụ. Mọi người đều thừa nhận rằng con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, nhưng chính xác ở đâu thì vẫn còn là vấn đề tranh luận. Các nơi được xem là nguồn  của nó bao gồm các sông băng trên Núi Guozongmucha, Núi Lasaigongma, Núi Zhanarigen, Núi Chajiarima và Núi Jifu. Những nơi khác bao gồm Đèo Rup-sa La, Đèo Lungmo và Hồ Zhaxiqiwa.

Với số lượng nguồn được lựa chọn, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi sông Mê Kông được gọi theo nhiều cách khác nhau, nó có thể là con sông dài thứ chín hoặc dài thứ mười hai trên thế giới, và điều đó không gây ra sự nhầm lẫn tương tự đối với nhiều con sông lớn khác trên thế giới.

Các văn bản đáng tin cậy cho biết chiều dài của sông Mê Kông là từ 4.180 km đến 4.909 km. Nếu chúng ta chấp nhận rằng nguồn của con sông là từ núi Jifu, điều mà nhiều người không đồng tình, thì con sông có sáu tên dọc theo chiều dài 4.909 km của nó. Trên sườn núi Jifu, băng tuyết tan chảy thành dòng suối có tên là Lạch Guyong-Pudigao (chỉ chảy vào mùa hè).

Chỉ sau hơn 20 km, sông này trở thành sông Guoyong, rồi trở thành sông Zhaa. Sông Zhaa hợp nhất với sông Zhana để trở thành sông Zha, sông này trở thành sông Lancang cho đến khi đến biên giới Trung Quốc với Myanmar, nơi nó được gọi là sông Mê Kông cho đến tận đồng bằng ở miền nam Việt Nam. Ở vùng đồng bằng của nó, dòng sông chia thành nhiều nhánh chảy vào Biển Đông.

Một số người cho rằng đây hoàn toàn là sông Mekong và nó dài 4.909 km. Những người khác đồng ý rằng nó dài 4.909 km nhưng nói rằng con sông nên được gọi là Mekong-Lancang-Zha-Zha-Guoyong-Guoyong-Pudigao. Một nhóm khác chỉ muốn xét đoạn sông mang tên Mê Kông trong trường hợp con sông thực sự chỉ dài 2.711 km. Nhiều người khác thì khác biệt sâu sắc hơn vì đối với họ nguồn của sông này hoàn toàn không phải ở núi Jifu.

Nếu bạn bối rối thì đó là điều dễ hiểu. Nhưng nó trở nên khó hiểu hơn. Một số dòng sông không có cửa sông. Sông Okavango ở miền nam châu Phi dần dần thu hẹp vào đồng bằng Okavango nội địa, kích thước của nó thay đổi theo mùa. Do đó, điểm chính xác nơi dòng sông kết thúc thay đổi theo mùa. Một số sông có nhiều hơn một kênh.

Chiều dài của kênh nào nên được đo trong một đoạn sông được phân dòng? Thời điểm đo cũng rất quan trọng. Lạch Guyong -Pudigao trên cửa Jifu chỉ có nước chảy vào mùa hè tan chảy, nước chảy quanh một khúc quanh vào mùa khô chảy “trực tiếp ‘trên đất liền’ nhiều hơn.

Đất uốn khúc có nên tính hay không? Trong thời gian dài hơn, các con sông có thể tạo ra vùng đất mới, chẳng hạn bằng cách lắng đọng trầm tích ở vùng đồng bằng, do đó làm tăng chiều dài của chúng.

Tuy nhiên, một phần quan trọng khác của việc đo chiều dài của một con sông là thang đo của nó. Về cơ bản, chiều dài của một con sông thay đổi theo tỷ lệ bản đồ vì lượng chi tiết khác nhau được khái quát hóa ở các tỷ lệ khác nhau.

Địa hình dọc theo dòng sông có độ phức tạp rất cao, một đặc tính được gọi là “phân dạng” vốn có ở nhiều thứ trong tự nhiên, có thể bị coi là phi lý. Nhưng khi nào thì mong muốn có được nhiều chi tiết hơn vượt qua ranh giới để tiến vào cõi phi lý?

Dòng chảy sông

Hai đặc tính đặc biệt quan trọng của dòng chảy sông là vận tốc và lưu lượng – lượng nước di chuyển qua một điểm trong một khoảng thời gian nào đó, mặc dù điều gây nhầm lẫn này cũng có thể được gọi đơn giản là dòng chảy.

Bản ghi lưu lượng liên tục được vẽ theo thời gian được gọi là đồ thị thủy văn, tùy thuộc vào khung thời gian được chọn, có thể đưa ra mô tả chi tiết về một trận lũ lụt trong vài ngày hoặc mô hình lưu lượng trong một năm hay hơn nữa.

Đo dòng chảy của sông và phân tích hồ sơ là rất quan trọng để đánh giá tài nguyên nước và đánh giá các nguy cơ lũ lụt và hạn hán. Không có con sông nào có lịch sử thủy văn dài hơn sông Nile, nơi công trình đo mực nước được xây dựng trên đảo Roda ở Cairo vào năm 641 sau Công nguyên.

Quan chức phụ trách  Roda “nilometer” (là một công trình dùng để đo độ trong và mực nước của sông Nile trong mùa lũ hàng năm), Sheikh el Mikyas, có nhiệm vụ quan sát mực nước và trong thời gian lũ lụt thông báo mực nước dâng cao hàng ngày thông qua người dân. Đây luôn là thời điểm căng thẳng trong năm ở Ai Cập.

Nếu con sông không đạt đến một mức độ nhất định, nhiều đất trồng trọt sẽ không có nước và nạn đói có thể xảy ra, nhưng mức độ tưới tiêu cao hơn nhất định vẫn được đảm bảo và kéo theo đó là thuế phải nộp cho chính phủ. Vị trí của Sheikh el Mikyas tiếp tục trong hơn 1.000 năm.

Người giữ chức vụ cuối cùng qua đời vào năm 1947, và vào những năm 1950, chính phủ Ai Cập đã quyết định xây dựng một con đập lớn trên sông Nile tại Aswan, do đó làm thay đổi đáng kể mối quan hệ mật thiết của đất nước với dòng sông. Kỷ lục từ máy đo nilometer Roda là vô giá trong việc tính toán dung lượng lưu trữ cần thiết của đập cao Aswan, đập này cuối cùng đã được hoàn thành vào năm 1970.

Dòng chảy của sông phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm diện tích và hình dạng của lưu vực thoát nước. Nếu tất cả các yếu tố khác đều bằng nhau thì các lưu vực lớn hơn sẽ có dòng chảy lớn hơn.

Một con sông thoát nước trong một lưu vực hình tròn có xu hướng có dòng chảy cao nhất vì nước từ tất cả các nhánh của nó đến ít nhiều cùng lúc so với một con sông thoát nước trong một lưu vực dài và hẹp, trong đó nước đến từ các nhánh phụ theo cách so le hơn. Các điều kiện bề mặt trong lưu vực cũng rất quan trọng. Ví dụ, thảm thực vật giữ lượng mưa và do đó làm chậm quá trình di chuyển của nó vào sông.

Khí hậu là yếu tố quyết định đặc biệt quan trọng đến dòng chảy của sông. Đây là yếu tố chính kiểm soát các loại dòng chảy khác nhau được xác định ở trên: lâu năm, gián đoạn, phù du và gián đoạn. Tất cả các con sông có dòng chảy lớn nhất hầu như đều nằm ở vùng nhiệt đới ẩm, nơi có lượng mưa dồi dào quanh năm. Đó là Amazon, Congo và Orinoco, mỗi nơi xả trung bình hơn 1.000 km3 nước vào đại dương mỗi năm.

Các con sông ở vùng nhiệt đới ẩm có dòng chảy tương đối ổn định trong suốt cả năm, nhưng các con sông lâu năm ở vùng khí hậu theo mùa lại có dòng chảy theo mùa rõ rệt. Sông Indus nhận phần lớn nước từ dãy núi Himalaya và lượng nước xả tối đa vào mùa hè gấp hơn 100 lần lượng nước tối thiểu vào mùa đông do ảnh hưởng của tuyết tan.

Lưu lượng tối thiểu thường bằng 0 ở các con sông chảy chủ yếu ở các khu vực có vĩ độ và độ cao lớn, nơi nhiệt độ giảm xuống dưới điểm đóng băng trong một khoảng thời gian trong năm. Ở những con sông không liên tục này, sự tương phản rõ rệt giữa dòng chảy tối thiểu trong mùa đông băng giá và lũ lớn trong mùa băng tan vào mùa hè là thường xuyên và có thể dự đoán được.

Ngược lại, dòng chảy của các con sông phù du, thường thấy ở các vùng sa mạc, có tính chất co thắt và không thể đoán trước. Điều này là do các dòng sông phù du phản ứng với lượng mưa vốn rất khó dự đoán ở nhiều sa mạc. Một nghiên cứu về lòng sông ở phía bắc sa mạc Negev ở Israel cho thấy trung bình lòng sông chỉ chứa nước trong 2% thời gian, tức khoảng bảy ngày một năm. Một số dòng sông sa mạc có thể suốt cả năm  không có dòng chảy.

Sự thay đổi hàng năm của dòng chảy sông cũng lớn nhất ở vùng khí hậu khô, trong khi các dòng sông lâu năm ở vùng nhiệt đới ẩm có dòng chảy tương đối ổn định từ năm này sang năm khác. Ghi chép về dòng chảy ở trung lưu sông Kuiseb ở sa mạc Namib ở Namibia trong nhiều thập kỷ cho thấy dòng chảy thay đổi từ 0 đến 102 ngày mỗi năm.

Con đường cao su vào “Thu”

BỈ NGẠN THÁNG BA

By Rose&Cactus

6.

Hôm nay là ngày cuối tuần và Sa Hoa không có lịch học ở trường. Mẹ cậu, bà Hoa Mai, đã rời nhà ra sân bay từ sớm để chuẩn bị cho buổi concert “Vào hạ” do Hiệp hội du lịch của thành phố tổ chức. Lần này bà không đi một mình mà có ông chồng hộ tống. Chả là ông Sa Huỳnh cũng được Ban tổ chức mời tham gia vào một talkshow chủ đề “ Giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững tại vương quốc Assyria”.

 Tuần trước Liên minh các vương quốc dưới lòng Đại dương cũng đã gửi kiến nghị thư lên Tổ chức các nước trên Bề mặt đất  đề nghị các nước này phải điều chỉnh lượng chất thải mà họ đã xả xuống môi trường nước, việc đã đe dọa nghiêm trọng đến sự sinh tồn của các thực thể sống ở đây. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng, nhiều năm gần đây Assyria đã liên tục được cảnh báo vì tình trạng ô nhiễm sắp vượt quá ngưỡng chịu đựng.

-Ba mẹ đi công tác ba ngày. Đồ ăn mẹ đã chế biến hết và để trong tủ lạnh, con chỉ việc đem ra nấu thôi. Nhớ đi học và ăn uống cho đầy đủ và suy nghĩ thật kỹ trước khi làm bất cứ điều gì không hay. Con biết cha con hiện cũng đã lớn tuổi, khó có thể chịu đựng được một cái gì….

Sa Hoa không để mẹ nó nói hết câu:

-Con biết mà. Mẹ đừng cứ lo quá như thế!

Tối qua bà Hoa Mai đã thể hiện nỗi lo lắng của mình với cậu con út bằng cách nhắc đi nhắc lại những việc mà cậu không nên làm khi cha mẹ vắng nhà kiểu như vậy. Đôi lúc, cậu chỉ mong thật nhanh qua mười tám tuổi để được đi học xa nhà như các anh chị của mình.

Ôi, chỉ hai năm nữa thôi, nhanh lên thời gian ơi! Cậu nghĩ lại khi mẹ cậu cho rằng trưởng thành nghĩa là chúng ta  trở lên chín chắn hơn trong hành động, nhưng đối với cậu trưởng thành đơn giản chỉ là được tự do, tự do ra quyết định đối với cuộc đời mình, tự do làm những gì mình thích.  

Kể từ hôm mà cha cậu nói đây sẽ là lần cuối cùng ông cho cậu cơ hội sửa sai, Sa Hoa đã tạm thời thành công trong việc rời xa chiếc xe “Tốc độ”, thứ mà cậu xem là người bạn thân thiết nhất của mình. Dù vậy, không phải là không có lúc cái cảm giác được cầm tay lái, cúi rạp người để chống lại sức cản của những cơn gió phần phật khi  băng qua những con đường, những cánh đồng, những rặng cây lại không dâng tràn lên trong cậu.

Nhất là những ngày đầu, nó giống như một sự khổ sở và cậu đã phải cố gắng lắm mới ngăn được mình không bén mảng hay lại gần vị trí của chiếc xe. Vì cậu biết rằng chỉ cần nhìn thấy cái khối sắt vừa thanh thoát vừa dũng mãnh và đầy uy lực đó thôi là bao nhiêu những nỗ lực của cậu sẽ tiêu tan thành mây khói.  

Cậu không hề biết rằng chiếc xe phân khối lớn hai bánh của cậu mấy tuần nay đã không có mặt trong chiếc gara rộng lớn ken chặt những chiếc xe đắt tiền của gia đình Sa Huỳnh nữa.

Căn nhà duyên dáng mang gam màu trầm vốn đã tĩnh lặng nay lại trở lên vắng vẻ hơn khi Sa Hoa tỉnh dậy. Buổi sáng có lẽ trôi qua lâu rồi. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu thẳng vào phòng ngủ qua cửa sổ, vốn không bao giờ được kéo rèm vào buổi tối, thành những vệt dài lăn tới tận chân giường.

Uể oải vì ban đêm thức quá khuya chỉ để làm ba cái thứ linh tinh lặt vặt không đáng, mãi một lúc sau Sa Hoa mới nhấc nổi người ra khỏi cái giường êm ái. Mở tung cửa sổ và ngắt máy lạnh, cậu mới cảm thấy không khí thực sự là nóng nực.

Thời gian gần đây Trung tâm khí tượng của vương quốc cũng liên tục đưa ra những báo cáo về sự phát triển quá mức của nhiều loài tảo độc hại. Nước dưới lòng vương quốc Assyria ngày càng xanh một cách bất thường, và nhiệt độ gia tăng đáng kể.

Đến lúc này Sa Hoa mới cảm nhận được mức độ chính xác trong các con số đưa ra của cơ quan khoa học quốc gia. Tuy vậy, thay vì để chế độ tùy chỉnh nhiệt độ về mức thấp cậu lại khởi động hệ thống âm thanh,

Không gì chán chường hơn việc đón chào một ngày mới bằng sự im lặng tuyệt đối, một bản nhạc có lẽ là động tác khởi động tốt nhất cho trí não

I wake up in the morning

so far away from home

Tryin’ to make it through the day

 Many miles are between us

I’m sending my love from this pay phone

 

Có lẽ được thừa hưởng gen nghệ thuật của mẹ nên một cách nào đó mà âm nhạc luôn là một phần trong cuộc sống của Sa Hoa. Cậu chơi tốt cả trống và guitar và đã từng là tay chơi guitar bass có tiếng trong ban nhạc Rock ở trường trung học Perucetus nơi cậu đang theo học.

Sa Hoa mới chỉ làm quen với đàn guitar cách đây năm năm nhưng kể từ đó cây đàn bốn dây với âm thanh trầm đặc trưng đã trở lên gắn bó, thân thiết với cậu hơn bất cứ người bạn nào.

Ban nhạc Perucetus đều là các bạn học của Sa Hoa, mỗi người đều có sở trường và gu chơi nhạc riêng. Tuy vậy khi càng tập luyện và biểu diễn cùng nhau thì cậu càng nhận ra giữa họ không có sự hòa hợp về quan điểm “chơi” nhạc để tạo ra một một sự phối hợp trình diễn thật sự là có hồn.

Cậu cho rằng một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì trước tiên nó phải có hồn. Vẻ đẹp nguyên thủy, chân phương nhất chính là yếu tố tạo nên cái hồn đó, thứ sẽ chạm đến nơi sâu thẳm con tim của những người thưởng thức và có sức sống vững bền.

Một tác phẩm có hồn chắc chắn là một tác phẩm hay, nhưng điều ngược lại thì chưa hẳn là đúng. Cũng giống như những người giải Toán vậy, có hàng trăm anh có thể tìm được lối đi để giải quyết một tiên đề Toán học nọ nhưng lại chỉ có duy nhất một người được trao giải đặc biệt cho cách giải có thể khiến người ta như ngất đi vì khám phá ra vẻ đẹp tuyệt mỹ của một thứ khô khan như Toán.

Tất nhiên, một phương pháp giải Toán, một tác phẩm văn chương, một giai điệu âm nhạc có hồn không hề dễ được tạo ra. Nó khó và quý như kim cương vậy, và chỉ có thể được phát tích  từ những người đã đạt đến trình độ đỉnh cao của trí thông minh và khả năng thiên bẩm.

Nghĩ đến lý do rời khỏi Perucetus, đôi lúc Sa Hoa lại liên tưởng đến tình huống của anh chàng nhạc công Sebastian trong Lalaland. Anh đã tham gia vào ban nhạc Jazz theo lời mời của một người bạn, luôn sống hết mình với công việc chung, chăm chỉ tham gia lưu diễn.

Tuy vâỵ sâu trong tiềm thức anh vẫn cảm thấy có cái gì đó lấn cấn và chưa hoàn toàn thỏa mãn. Phải rồi, là bởi vì phong cách chơi nhạc của những người bạn  của anh trong ban nhạc đi theo xu hướng thị trường và đó không phải là thứ nhạc mà Sebastian hướng đến. Anh mong muốn được cống hiến tài năng của mình với âm nhạc Jazz nguyên bản nhất, những thứ đang dần bị mai một đi.

Nhưng không dễ, vì anh đã phải  vật lộn và đấu tranh với sự sự giằng xé trong tâm hồn. Rằng anh phải lựa chọn cái gì đây, một trong hai thứ: Là làm những việc mình không hứng thú nhưng kiếm được tiền hay chấp nhận sự cô đơn và nghèo túng để được thỏa mãn niềm yêu thích cá nhân?

Cái tưởng là khó mà lại không khó. Bởi vì khi anh phải đối mặt với hàng tá bill đến hạn thanh toán ào ào ập vào cửa nhà thì tất nhiên chẳng có sự lựa chọn nào khác cả. Nhu cầu đầu tiên trong tháp Maslow luôn là thứ phải đảm bảo cho sự sinh tồn: ăn, uống và ở.

Nếu như trong ban nhạc cũ Sa Hoa không tìm thấy sự hòa hợp về mặt cảm xúc thì những trò mạo hiểm nó lại có sự đồng điệu mạnh mẽ với nhóm bạn ngông cuồng trong trường. Những đứa trẻ lạc lối và đáng thương ở chỗ phần lớn chúng được sinh ra trong gia đình quá giàu có về vật chất nhưng lại quá thiếu thốn tình thương và sự rèn giũa từ cha mẹ. Vậy thì lý do nổi loạn của Sa Hoa được giải thích thế nào? Khi cậu có đủ cả hai.

Hành vi của mỗi người có thế còn do bản tính “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Nhưng ngay cả khi một đứa trẻ với tính cách khó bảo mà được sống trong một gia đình vừa có tính thương vừa có sự đảm bảo về vật chất, nó vẫn có thể được cải tạo và quay về bản tính thiện.

Nó chỉ rơi vào thảm họa khi ba nhân tố trên đồng thời xảy ra một lúc: Một đứa trẻ sống trong gia đình vừa thiếu tình bác ái, vừa nghèo túng, lại dễ sa ngã và không có khả năng tự sửa mình. Cuộc sống của nó khó có thể thoát ra nổi vũng bùn lầy tăm tối.

Trên đời có ba thứ nguy hiểm nhất: Rượu ngon làm ta mất trí, tiền bạc nhiều làm ta bất chính, vợ đẹp làm ta đau khổ nhiều. Vì: rượu ngon khiến ta thích uống; tiền nhiều thường làm mờ át lương tri; vợ đẹp thường hay phản bội. Vì thế tốt nhất là mất cả ba (J.P.Sartre) 

Đó là lời trích dẫn mào đầu cho một quyển sách trong hàng nghìn những cuốn sách  trong thư viện nhà ông Sa Huỳnh. Ông Sa Huỳnh là người đặc biệt mê sách, với ông một căn nhà không có sách chẳng khác chi một người không có linh hồn (Marcus Tullius Cicero).

Tuy không có nhiều thời gian nhưng ngày nào ông cũng phải dành ra hai mươi phút đến nửa tiếng cho việc đọc. Và vì vậy trên bất cứ một cái bàn nào, trong phòng làm việc, phòng ngủ, phòng khách hay thậm chỉ cả phòng ăn ông cũng để hờ hững ở đó một cuốn sách.

Để hễ mà lúc nào có việc phải ngồi ở đó ông cũng có thể dễ dàng lật giở vài trang. Ông tiếp cận tri thức từ sách vở nhiều khi hay theo kiểu tranh thủ như thế, trên xe hơi đến sở làm, trên máy bay khi di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác…. Còn bản thân những trải nghiệm sống của ông với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố cùng những thành công và thất bại đã là một pho sách đầy giá trị rồi.

Và cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang với nội dung xoáy về ba vấn đề tác động đến hạnh phúc của một gia đình thượng lưu, ba thứ mà nhà văn Sartre coi là “nguy hiểm”, hiện đang được đặt ngay ngắn bên lọ hoa lavender khô màu tím nhạt ngay trên mặt cái bàn tròn đặt  chính giữa thư viện gia đình họ Sa.

Căn phòng này có thể là trốn ra vào thường xuyên của danh ca opera lừng danh, nhưng nhất khoát không phải là nơi chốn mà cậu con trai út của bà thích lui tới.

Rất ít khi Sa Hoa đặt chân vào đây. Nên có lẽ bất cứ khi nào cậu có mặt trong phòng này đều là những dịp đặc biệt. Lần thì là mẹ giới thiệu cho Sa Hoa các thể loại sách có trong thư phòng khi cậu bước sang cấp trung học cơ sở. Lần thì là cha đưa cho cậu cuốn sách khoa học thường thức, một văn bản cổ có giá trị mà ông nói ông đã đọc nó suốt thời hoa niên.

Nhưng cho dù có được cha mẹ nhiệt tình như thế với sách thì dường như trong đầu cậu vẫn chẳng mảy may nhớ được gì nhiều về nội dung trong đó.

Lần này thì chẳng có gì đặc biệt cả, và cuốn sách dày cộp với bìa da màu nâu nhạt cũng không được ai đưa vào tay cậu nhưng mới đọc được vài trang mà cậu đã thấy rất cuốn hút. Cuộc đời thực với biết bao thăng trầm lên xuống của một vị tỷ phú lừng danh đã giữ chân cậu khá lâu trong căn phòng mà cha cậu, ông Sa Huỳnh, đã dành nhiều tâm huyết cho nó.

Trái với cách thiết kế thư viện theo kiểu truyền thống, hơi kín đáo và có chút u tối, người doanh nhân đã bước qua tuổi sáu mươi thích một căn phòng sách luôn tràn ngập ánh sáng, theo cái cách ông ví những cuốn sách hay như ánh sáng soi rọi, chỉ đường dẫn lối cho mỗi người trong hành trình sống của mình.

Phòng thư viện đặt ở tầng trệt, với một mặt được lắp kính.  Và vì vậy một bên tường của căn phòng là một không gian mở  nhìn ra khu vườn xanh tốt bên ngoài. Khung cừa nằm ở hướng đông, nơi ban ngày luôn tràn ngập ánh nắng và gió mát, nơi ban tối ánh sáng vàng dịu của chiếc đèn chùm lộng lẫy trên trần cao như đồng điệu với màu sắc phát ra từ hàng tá chiếc đèn vườn nhỏ xinh ngoài cửa.

Hai tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh, Sa Hoa đã đọc được 150 trang sách trong phần đầu giới thiệu về thời thơ ấu của vị tỷ phú. Cậu tạm thời dừng lại và kẹp dây ruy băng ở ngay trang sách đang được đọc dang dở và với tay lấy chiếc đàn ghi ta dựng dưới chân cái thang gỗ ở kệ sách chạy từ chân tường lên tới tận trần nhà.

Many mountains we have climbed
All the bad times are behind
The road is, the road is free, and I’m coming home

Tiếng hát khe khẽ trong buổi chiều tà như đánh thức hai chú bồ câu lim dim trên mái chuồng được đặt một cách chắc chắn trên trạc cao của cây anh đào chúm chím những nụ hoa tháng Ba. Chúng vụt bay xuống và dạn dĩ đi lại quanh ông chủ nhỏ một cách thân thiết như kiểu ông cũng cùng loài với chúng.

Trước mặt Sa Hoa, hoa thủy tiên nở vàng sặc sỡ.

 

You may also like

Để lại bình luận